Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

07. Chốn dại khôn

11/06/201319:31(Xem: 8333)
07. Chốn dại khôn

Tu bụi

Trần Kiêm Đoàn

CHƯƠNG BẢY

Chốn Dại Khôn

Hai mươi năm sau ngày tàn cuộc nội chiến triền miên, kéo dài từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh, con người và đất nước hồi sinh. Băng bó những vết thương non nước sau cuộc chiến không có gì dịu mát hơn là những tàn cây xanh. Xuân ở Huế đẹp rực rỡ và trang đài. Sông, núi, biển, trời là cái khung thiên nhiên không có mùa phai cũ. Bao nhiêu loại cây cảnh quý hiếm và rực rỡ nhất từ khắp mọi miền đất nước đều được mang về trồng hay chưng trong các vườn ngự uyển của hoàng cung, trong các hoa viên của kinh đô và trong các dinh phủ của các nhà quan quyền và quý tộc. Phong trào thời thượng của giới quan lại và quý tộc trong thời nầy là mượn hoa và cây kiểng để nói lên sự giàu sang và quyền lực của mình. Sự đua chen đao kiếm làm cho lòng người mỏi nản và cảnh sống tiêu điều; nhưng sự tranh đua cây cảnh tô điểm cho đời thêm hoa mỹ.

Khi nói đến Huế, người ta vẫn có thói quen phong thổ ghép Huế với Thừa Thiên làm một. Về mặt địa lý, trong thừa Thiên có Huế; nhưng về mặt văn hóa, trong Huế không có Thừa Thiên. Văn hóa Huế là một cụm văn hóa đặc thù mang nặng tính cung đình Triều Nguyễn; trong khi văn hóa Thừa Thiên thuộc về nền văn hóa dân gian của đại chúng Việt Nam.

Kinh đô có một đời sống văn hóa mới. Đó là đời sống văn hóa hậu đình.

Đời sống khép kín trong những vườn cây và dưới những mái nhà cổ kính mang vẻ im lìm và lắng đọng. Nhưng đấy cũng là những trung tâm bình luận, thông tin, quyết đoán nhiều chuyện nước non từ Bắc vào Nam. Đó là một tập họp không cân đối về quyền lực cũng như về kinh tế của nhà quan, nhà hoàng tộc, nhà dân... thường bị ảnh hưởng nóng lạnh sau những chuyện lớn nhỏ xảy ra ở cung đình.

Cuộc cờ của Trí Hải và Hàn Kỳ Vương vừa thổi vào khung cảnh lắng đọng nầy một luồng gió lạ. Người ta đang cần một cái gí đó mới mẻ, năng động, thú vị hơn là những sinh họat đã thành khung, thành nếp gần như thói quen đều đặn hàng ngày. Trí Hải vốn đã có một chút dáng vẻ huyền thoại từ lâu vì nếp sống khác người, nay cái bóng huyền thoại đó lại càng được tô vẽ và thổi phồng thành một nhân vật gần như phi thường, phi thực. Sau trận đấu cờ ăn thua bằng cả sự nghiệp, Trí Hải lặng lẽ rút vào thế giới riêng. Khi con người trong cuộc im lặng, biến mất thì cũng là lúc con người ngoài cuộc xuất hiện, lên tiếng.

Có quá nhiều người, nhiều nhân vật tranh nhau sống, nghĩ và kết luận thay cho Trí Hải. Họ “Trí Hải” còn hơn cả Trí Hải. Nhiều nhóm tụ họp nhau, tự nhận mình như thể là kẻ tâm phúc, bạn tri âm, ngày ngày đấu cờ, luyện nước cho Trí Hải. Và cũng không ít người nói một cách rành rẽ rằng họ có mặt, có một vai trò và ảnh hưởng đáng kể trong suốt cuộc đấu tay đôi giữa Trí Hải và Hàn Kỳ Vương mặc dầu hai người nầy chỉ là một tên gọi mơ hồ mới nghe qua trong trí đối với họ. Nhưng mặc kệ, khi con người không có hào quang thì cần dựa vào hào quang của những nhân vật tên tuổi để mong chia sẻ chút ánh sáng lọt ra ngoài rào dậu. Hình ảnh hư cấu thường được sáng tạo đầy chi tiết, màu sắc và có sức lôi cuốn ly kỳ hơn cả sự thật. Và những nhà “nghệ sĩ” giàu tưởng tượng đó bị sự tưởng tượng của chính mình chinh phục. Họ ngụy tín với chính mình. Nói láo và nói láo hoài chồng chất; nói láo và nói láo hoài với chính mình; nói láo và nói láo hoài với nhau... rồi bỗng một sáng đẹp trời nào đó họ tin điều nói láo có thật. Sự dối trá tu luyện lâu ngày thành yêu tinh. Yêu tinh trở thành một ảo tưởng của chân lý. Họ trở lại tin ảo tưởng là sự thật. Một sự thật xây dựng bằng dối trá xuất hiện như một chân lý mới mẻ còn đáng tin cẩn hơn là sự thật chính nó. Họ hớn hở tìm mình và tìm nhau. Họ xây thành quách của tư tưởng để bảo vệ và vinh danh điều dối trá trơ lỳ sau mặt nạ le lói hào quang của chân lý. Dẫu cho Trí Hải bằng xương bằng thịt có xuất hiện nói điều chân thật thì cũng sẽ bị dòng nước ngược cuốn phăng đi không còn dấu vết.

Phạm Xảo sinh ra ở miền Bắc, lớn lên ở miền Trung, trưởng thành ở miền Nam và tuổi già sống ở Huế.

Rồi Huế cũng vào Thu. Mùa Thu Huế là thủ phạm của những nỗi buồn không tên tuổi, của những mơ mộng vu vơ và của những ước mong ngoài tầm tay với. Mùa Thu Huế với những đụn mây lam, chàm, tím từ núi cứ bay hoài ra biển, ngang qua vùng trời của những đôi mắt trông vời xa xứ. Huế rất “dễ sợ!” Sợ mùa đông dài với những cơn mưa tỉ tê đang tới. Sợ mùa đông ngủ muộn sẽ bị chôn vùi trong lá cây. Sợ những tình cảm mới nhen sẽ nguội lần với gió bấc Giêng, Hai. Huế rất... dễ sợ. Sợ phía Tây dãy Trường Sơn sớm và chiều sương nhiều hơn nắng. Tầm mắt bị ngăn lại nên trí tưởng tượng cứ vướng vất hoài với một thế giới huyền bí núi rừng “bên tê.” Phía Đông là biển. Dù có trời trong mây tạnh thì cái nhìn cũng chỉ đến lằn ranh giới hạn ở chân trời. Lại sợ. Sợ cái vô biên của đất trời. Ngước về phía Bắc “sợ Truông nhà Hồ, sợ Phá Tam Giang.” Hướng về Nam lại sợ “đi bộ thì khiếp Hải Vân; đi thủy thì khiếp sóng thần hang dơi!” Nói gọn lại thì Huế là vùng đất “dễ sợ” và người ở Huế thì rất dễ bị sợ. Có lẽ vì thế nên người Huế dù có khen hay chê cũng đều... dễ sợ: “Đẹp dễ sợ, xấu dễ sợ; thương dễ sợ, ghét dễ sợ...!”

Có vẻ như cái đất ngụ cư nầy là nơi an nghỉ lý tưởng cho những con ngựa chiến quen vó chinh phục đã qua thời son trẻ. Thời mới đến, Phạm Xảo muốn bỏ vùng đất tạm dung nầy để tìm về một nơi khác. Nhưng biết nơi đâu là chốn đất lành chim đậu. Hà Nội hợp với tuổi già có danh vọng để tự hào với quá khứ. Miền Nam hợp với tuổi trung niên nhiệt tình sôi nổi để bay nhảy với hiện tại. Phạm Xảo nhìn mùa Thu sang Đông của đời mình mà ái ngại. Lúc đầu, Huế chọn Phạm Xảo vì đây là kinh đô nên tùy tướng phải theo chủ tướng. Rồi sau một thời gian, ông chọn Huế như khởi đầu cho một cuộc hôn nhân không có tình yêu. Tình yêu trước hôn nhân là một ân sủng của tình cảm: Nhìn ra nhau để yêu nhau. Tình yêu sau hôn nhân là một thách đố của tình cảm: Nhận ra nhau mới yêu nhau. Nhìn ra, như một khám phá tiền định của hai số phận; nhận ra, như một xác định hiện thực của hai con người.

Phạm Xảo nhận ra Huế sau những năm dài sống với Huế. Tâm sự cô đơn được vuốt ve bằng điệu sống lặng lẽ mà thâm trầm. Nếp sống về chiều khô cằn được tẩm ướt với suối nguồn lãng mạn vô hình.

Người sống trong lòng xứ Huế cảm thấy tù túng như bị úp trong một cái chén ngọc - ngọc trản - nửa vời. Đường bay của ước mơ thì vút qua khỏi Trường Sơn phía tây, vượt ngoài Nam Hải hướng đông, lửng lơ bên tê đèo Hải Vân về nam và lang bạt quá Hoành Sơn ra bắc; nhưng nỗi lòng thì vẫn la đà, chìm khuất bên dòng sông Hương. Bến bờ sông Hương thì có giới hạn mà những xôn xao dậy sóng của mơ mộng thì không cùng nên... vỡ đê! Nước của dòng sông tâm hồn lênh láng: Tràn bờ... lãng mạn pha một chút đa tình!

Sau cuộc cờ, bầu không khí êm đềm và tịch liêu của Thái ấp bị xao động thường xuyên. Khách ái mộ Trí Hải từ Nam ra Bắc đến viếng nườm nượp. Cuộc cờ và một trong hai nhân vật đấu cờ không còn nữa, nhưng mọi người vẫn nô nức hướng về dĩ vãng. Lắm khi dĩ vãng cũng chỉ là cột mốc thời gian, hay một dấu ấn của dòng sinh mệnh để cho những đàn chim bốn phương bay lên làm tổ. Đàn chim con nở ra và tung cánh vào đời từ cái mốc của dĩ vãng ấy vẫn thường tự xem mình là kẻ kế thừa dĩ vãng.

Phạm Xảo và Trí Hải vẫn sống kề cận với nhau. Họ là hai dòng nước đã nhận ra nhau, cùng chảy về xuôi chung một dòng nhưng vẫn ở phía hai bờ cô quạnh. Không dễ gì thay đổi cách sống của một người khi những thói quen đã thành thiên tính. Núi cao dời dễ, tính người khó thay. Hai người có khi đi bên nhau, vẫn sống kề cận bên nhau suốt ngày không nói với nhau một tiếng. Trong im lặng họ hiểu nhau nhiều hơn là qua tiếng nói. Bởi vậy, nhiều khách lạ thường hỏi họ về chuyện cuộc cờ của ngày qua, họ chỉ cười mà không nói gì. Thật ra, đối với Trí Hải, chuyện cuộc cờ cũng như chuyện đốt than trên rừng, chẳng có gì đáng nói.

Hơn nửa năm sau ngày cuộc cờ chấm dứt trên sông Hương, Phạm Xảo đón một người khách thật bất ngờ.

Người gác cổng đưa vào tấm thiệp chỉ có tên tự là Tử Du. Nét chữ hao hao giống kiểu thư pháp của Hàn Kỳ Vương. Nội dung tấm thiệp là xin được gặp mặt Phạm Xảo. Ông lão vốn xưa nay không có bạn bè và cũng chẳng có ai hay biết tông tích ngoài Trí Hải. Sự thăm viếng bất ngờ của một nhân vật nào đó thuộc hàng quý phái “thiệp đến trước, quan tước đến sau” làm ông lão vừa ngỡ ngàng, vừa cảm động. Không cần phải phúc đáp, ông lão đi nhanh ra cổng. Từ phía bên ngoài cổng rợp bóng cây xanh, một người trung niên không rõ mặt xuống ngựa, tiến sát cổng cung tay thi lễ khi thấy bóng Phạm Xảo. Ông lão ngờ ngợ khi cái giọng quen quen đã từng nghe đâu đó lên tiếng trước:

- Kính chào Phạm huynh. Huynh vẫn khỏe? Tưởng đâu không có ngày gặp lại thế mà hôm nay còn được diện kiến với huynh thật là vạn hạnh!

Phạm Xảo kêu lên ngạc nhiên khi nhận ra người phía bên kia chính là Hàn Kỳ Vương. Với khuôn mặt rám nắng râu ria tua tủa, nét phong trần đã làm cho diện mạo Vương đổi khác. Thoáng một vẻ gì thật tình, chơn chất từ trong giọng nói và phong thái so với một Hàn Kỳ Vương mang dáng dấp của một gã pháp sư đầy tà thuật trước đây.

Phạm Xảo cũng lộ vẻ vui mừng chào lại:

- Thật là hữu duyên thiên lý không ngờ. Thế Hàn gia vẫn khoẻ chứ. Ngọn gió lạ nào đưa ông trở lại chốn nầy? Hãy khoan trả lời, xin mời vào trong cái đã. Ngoài nầy, trời cuối mùa Thu lạnh lắm...

Khi chủ và khách đã an vị bên trong, vương lên tiếng:

- Mới hơn nửa năm mà cuộc đời đã đổi khác. Câu chuyện đổi đời dài lắm đại huynh ạ. Cái tên Hàn Kỳ Vương không còn nữa. Xin huynh cứ gọi tôi là Du, Tử Du, một gã lang thang.

- Tử Du là du tử. Hay! “Tiếu nhãn nghênh gia khách. Đạm bạc dĩ thanh tâm.” (Mắt cười đón khách quý. Đơn giản chút lòng trong)

Phạm Xảo vừa pha trò, vừa pha trà với chút thống khoái hiếm hoi trong đời ông. Bỗng dưng lại có người khách một thời nổi tiếng và một thuở hết thời như ông đến thăm, không vui sao được. Bên chung trà bốc khói, thoang thoảng mùi cúc vàng mùa thu, ông lão hứng chí nhắc lại chuyện cũ:

- Đêm hôm đó, khi tôi phóng xuống nước và may mắn túm được đầu tóc dài của ông nhưng suýt nữa thì cả hai cùng chết vì nước nguồn chảy siết quá. Thế nước cuồng lũ, tôi rán bơi một mình còn không nổi làm sao cứu được người khác. Trong giây phút cực kỳ nguy cấp trong đêm tối đó thì tôi vớ được gốc củi rều. Viện binh cho một lão tướng trong thế sinh tử đó chẳng cần hùng binh mà chỉ là một thân gỗ mục. Tay phải níu ông, tay trái ôm gốc củi lụt để nương theo dòng cuồng lưu mới tấp vào được Cồn Hến. Tôi vẫn chưa quên đôi mắt đầy vẻ thù hằn của ông và câu nói tức thời dành cho tôi khi ông mới vừa tỉnh lại: “Hãy để cho ta chết vì sự nghiệp vẻ vang của Hàn gia. Ta căm thù, ta oán hận đứa nào đã cứu sống ta, không cho ta chết vinh hơn sống nhục!”

Hàn Kỳ Vương, đã đổi thành Tử Du, hai tay nâng chung trà trước mặt Phạm Xảo, mỉm cười nói như tạ lỗi:

- Xin đại huynh lượng thứ. Trong phút đó tôi nói rất thật với lòng mình. Thế sự cổ kim đâu phải chỉ có tôi là thằng khùng duy nhất đâu. Bởi thế hôm nay tôi mới trở lại đây để nói lời tạ lỗi và cũng xin được tri ân ơn cứu tử của đại huynh. Có lẽ tôi vẫn còn oán hận đại huynh, vẫn muốn làm kẻ tuẫn đạo nếu không có dịp tự mình tìm ra cái thế giới lường đảo nhau sau tấm bình phong huy hoàng che mắt thiên hạ. Trong một phần đời ngắn ngủi còn lại, tôi không biết là mình may mắn hay bất hạnh khi được sống lại để tìm ra sự thật...

Sự khích động hiện lên trên khuôn mặt Tử Du, kéo theo sự tò mò và khích động của Phạm Xảo. Tử Du lúc nhiệt thành, lúc lặng người xúc động, lúc đứng dậy hoa tay múa chân, lúc ôm mặt khóc rưng rức... khi kể lại chuyện cũ:

- Đại huynh còn nhớ không, sau khi tôi hồi tỉnh, đại huynh bỏ tôi nằm ở lại nơi cái chòi tranh bên sông với vợ chồng người thợ rèn. Họ chỉ biết tôi là người chết đuối nước lụt nên cho ăn và cho một bộ áo quần cũ vá trước rách sau. Hôm sau tôi xin đi. Ra khỏi nhà bác thợ rèn, đi đâu cũng nghe người ta bàn tán về trận cờ “sinh tử” hồi đêm cùng chuyện Hàn kỳ Vương trầm mình trên sông Hương và bị nước lụt cuốn đi không tìm ra xác. Tôi đi lang thang từ thành ra chợ, chẳng có ai biết tôi là ai. Thú vị nhất là được nghe lời bình phẩm và phản ứng của thế giới quanh mình sau khi mình chết. Điều lạ lùng nhất của xứ sở Việt Nam đại huynh là trái tim to lớn của con người nhỏ bé. Không ai hằn học với một tên Tàu đi chinh phục như Hàn kỳ Vương tôi sau khi hắn đã chết cả. Hầu như mọi người đều thương cảm cho một người tài hoa gặp phải số phận bất hạnh. Chỉ có điều làm tôi ngạc nhiên đến sửng sốt là sự trở mặt quá nhanh của phía chúng tôi. Khi chứng kiến cảnh tôi trầm mình trong nước lũ, đám vệ sĩ tay chân của tôi không một tên nào ra tay để có một hành động nào cứu vớt tôi cả. Sáng hôm sau, chúng yên chí rằng tôi đã chết trôi mất xác. Người hầu thiếp xinh đẹp của tôi tom góp hết tài sản mang theo, cặp riêng với gã cầm đầu nhóm vệ sĩ, thuê thuyền giong buồm về Tàu trước. Nhóm vệ sĩ lục tục rút theo sau.

Phạm Xảo gật gù theo dõi câu chuyện với sự thích thú và nỗi cảm động riêng tư. Sau khi gặp vua Gia Long lần cuối, Phạm Xảo cũng đã “chết” như thế. Có những cái chết chưa xuôi tay nhắm mắt để cho những cái sống dấu mặt nhìn đời. Vương kể tiếp:

- Sau đó không lâu, tôi cũng lần mò về xứ không ai hay biết. Nơi vùng đất Thiểm Sơn, quê hương nhà họ Hàn chúng tôi, chuyên sống về nghề cờ bạc bịp xứ mình và cờ bạc điếm xứ người, vẫn không có gì đổi khác sau cái “chết” của tôi. Tôi rùng mình đứng cuối đường nhìn lại sự ngây thơ trong sáng và nhiệt tình của mình bị lợi dụng tán tận như thế nào.

Quê hương vùng Thiểm Sơn của tôi vẫn nghèo như muôn thuở. Cái giàu mới lấm tấm xa hoa, ngự trị trên cái nghèo bạt ngàn u ẩn tạo một sự tương phản nhức nhối. Tập đoàn chức sắc gian ác nhà họ Hàn chúng tôi xây dựng gia tài đồ sộ của họ trên mồ hôi nước mắt và sự ngu dốt của con dân họ Hàn lương thiện.

Nhóm hoạt đầu bắt mạch được khát vọng của tâm lý sơ khai là cần nuôi dưỡng một ảo tưởng về mình và về giòng họ của mình như người Tàu thượng cổ tự cho mình là con Trời cháu Đất. Ảo tưởng đó là rượu an thần để giúp xoa dịu bớt cuộc sống khổ hạnh vốn đã đày ải muôn năm về thể chất lẫn tinh thần đám dân nghèo, ngu dốt; nhưng cũng tạo được sức mạnh thần kỳ từ sự ngu dốt tập thể đó để làm đòn bẫy cho đám trưởng tộc đi chinh phục thiên hạ. Cái huyền thoại ngu ngơ về tổ Hàn Tín, về ngôi chí tôn “thiên hạ vô địch kỳ vương” vớ vẩn vậy mà lại được việc đáo để cho nhóm hoạt đầu huynh ạ.

Tuổi già cung hiến sức lực và tài sản, tuổi trẻ hy sinh cả tuổi hoa niên vào cái canh bạc khổng lồ ấy như đám tông đồ trần gian cúc cung tận tụy với hàng chí thánh. Như tôi đây, được chọn làm “kỳ vương” nên từ khi mở mắt chào đời đã bị đeo cái tròng oan nghiệt đó vào cổ. Một đời tôi chỉ biết đánh cờ. Cha mẹ, anh em, thân bằng quyến thuộc tôi chung sức nuôi tôi ăn học để lý luận về cờ và đánh cờ. Tôi nướng sạch sành sanh tuổi trẻ và lý tưởng vào việc học cờ, đánh cờ và tung hỏa mù mớ lý thuyết mô phỏng lỗi thời được sơn son thếp vàng và gán cho cái nhãn hiệu “Hàn Tổ Thánh Thư.” Tôi bảo vệ bộ cờ và vinh danh sự chiến thắng đấu cờ còn cao hơn gấp trăm lần mạng sống, tương lai của bản thân và gia đình tôi. Tôi đã đem những “sự nghiệp” với giá trị vật chất kếch sù về dâng lên nhóm chức sắc Hàn gia mà không một mảy may thắc mắc. Tôi yên chí mình là anh hùng lẫm liệt của dòng họ Hàn, là kẻ quên mình để mang hạnh phúc an vui về cho thiên hạ.

Nhưng chỉ sau khi “chết” tôi mới khám phá ra thực chất của huyền thoại “kỳ vương” nhà họ Hàn. Tất cả chỉ là một trò lừa đảo có hệ thống. Từ trưởng tộc đến ông quyền, ông hương, ông biện... chung cuộc chỉ là những tay chơi cờ bạc bịp trên đầu trên cổ của những đứa chơi cờ bạc thật sau tấm bình phong lý tưởng đẹp đẽ như tôi.

Nhóm hồi hương, chẳng ai còn nhắc đến tôi. Nhóm trưởng họ cũng chẳng ai buồn hỏi đến Hàn Kỳ Vương còn hay mất mà chỉ quan tâm đến việc có “sự nghiệp” nào đem về hay không. Có thì tranh nhau chia chác, không có cũng chẳng ai màng vì vẫn còn muôn nghìn nguồn lợi lộc khác đang ùn ùn kéo đến. Được dịp chẳng ai buồn để ý, tôi đi sâu vào những ngõ ngách của phường cờ bạc và suýt ngất xỉu khi được nhìn tận mắt lò sản xuất “tinh huyết thạch.” Thì ra, cái gọi là “tinh huyết thạch” chỉ là sản phẩm bình thường của nhóm thợ đá khéo tay và giỏi chế biến tại mỏ đá hoa cương Điểm Hồng Đào tuyệt hảo nằm sâu ở khu núi đá nơi vùng tôi ở. Hàng ngày có hàng chục bộ cờ “gia bảo” được mài dũa và thành hình từ nơi nầy. Thế mà tôi ngu dại quyết chết theo một quân cờ bị hoàng thân Trí Hải ném xuống dòng sông Hương.

Nhóm vệ sĩ cặp kè theo sát bên tôi không phải là để bảo vệ cho một thằng bù nhìn có tên gọi là Hàn Kỳ Vương như tôi mà là để bảo vệ cho chuyện hoang tưởng nói dối về “bộ cờ gia bảo Hàn gia” khỏi bị lôi ra ánh sáng. Tôi còn khiếp đảm khi được biết thêm rằng, nếu một khi đã được phong lên hàng “Kỳ vương” như tôi rồi mà thua một trận đấu, thì chính những tên vệ sĩ theo hầu phải giết tôi để biến tôi thành một kiểu thánh tử đạo để cho nhà họ Hàn đẹp mặt với thiên hạ. Vì kết quả ăn thua của canh bạc, người ta giết nguời không gớm tay để trang hoàng cho sự dối trá và vùi dập sự thật...

Vương như nghẹn lại. Nhìn đôi mắt đỏ ngầu, da mặt và tay chân đen sạm cháy nắng của Vương, Phạm Xảo cảm thấy gần gũi hơn với với con người một thời lỡ bước như mình. Phạm Xảo ân cần mời:

- Hàn gia... à quên, Tử Du đi đường xa mệt mỏi, mắt mũi kèm nhem đỏ hoe vì thiếu ngủ. Du có thể ở lại đây nghỉ chân qua đêm, ngày mai đi đâu rồi hãy tính.

- Cảm tạ đại huynh. Đúng vậy, tôi phi ngựa thâu đêm không ngủ. Trên đường đi đến xứ nầy để viếng đại huynh, tôi cứ thắc mắc hoài một câu hỏi là tại sao huynh lại bất chấp nguy hiểm, nhảy vào dòng nước lũ để cứu tôi?

Phạm Xảo nhìn khách cười chúm chím trả lời:

- Lý do rất đơn giản là vì tôi thương dòng sông Hương. Dòng sông vào những ngày không mưa lũ thường trong suốt và hiền hòa quá. Tôi không muốn nó phải cưu mang những cái chết uất nghẹn, tức tưởi của một kẻ tự trầm mình trong tuyệt vọng. Người vào chùa tu vì bị thất tình, phải nhờ hương trầm đánh bật mùi thơm ân ái làm cho thiền môn bận lòng; cũng như kẻ thất bại cờ bạc phải nhảy xuống sông tự vận làm sông xanh vẩn đục đều là những cách giải nạn, gửi đời quá giản đơn không đúng chỗ. Tôi cứu Tử Du là để cứu dòng sông. Dòng sông vẫn cứ vô tình thầm lặng chảy. Tử Du đừng bận lòng về chuyện ân oán đời nầy.

Vương vỗ tay cười dòn:

- Câu trả lời nặng tình mà nhẹ nghĩa. Huynh không cứu con người mà lại đi cứu một dòng sông thì nhân nghĩa nhạt thếch. Thế nhưng tôi lại hết sức tâm đắc với lối hành xử tài tử đầy phiêu bạt giang hồ nầy đó huynh à.

- Con người tôi chưa quen, nhưng dòng sông tôi đã gắn liền với nó. Đời tôi khô khan lắm. Phải nói là khô cằn mới đúng. Nếu tôi nói một cách chân thật rằng, tôi chưa biết yêu một người nào cả mà hình tượng yêu đầu đời, khi đã xế lão của tôi, là một dòng sông thì Tử Du nghĩ sao?

- Yêu con người có khi trắng tay khánh kiệt; nhưng yêu một dòng sông thì quá lắm cũng bình tài!

- Lại nhớ bài bạc rồi phải không?

Vương lảng sang chuyện khác:

- Hoàng thân Trí Hải vẫn khoẻ? Sau cuộc cờ có gì thay đổi không?

- Có quá nhiều người đến hỏi thăm hay thăm hỏi về lắm chuyện liên quan đến cuộc cờ. Càng có nhiều người đến viếng, Hoàng thân càng ít ló mặt bên ngoài. Thiên hạ càng nhiều lời chủ nhân Thái ấp này càng lặng lẽ.

- Những nước cờ của ông ấy là những nước cờ “lạc nước” của những tiên ông hội cờ với thiền sư trên núi xanh. Cờ lạc nước cũng như “nguyệt lạc, ô đề... trăng lặn, quạ kêu”, hư hư thật thật không biết đâu là định hướng. Nước cờ ấy chỉ làm chủ được khi toàn tâm thoáng đạt. Chuyện hơn thua quanh cái tâm vọng động giữa đời nầy không thắng nổi. Ông ấy dùng cốt cách thinh lặng thiền sư để đấu với một gã vi trần sôi nổi như tôi thì chuyện ăn thua đã thấy rõ rồi, chẳng lạ.

Sáng sớm hôm sau, với khay trà buổi sớm, bên cạnh Phạm Xảo còn có một người khách lạ. Trí Hải bất chợt đưa cả hai tay ra đón khi nhận ra đó là Hàn Kỳ Vương.

Hai cựu kỳ vương đối thủ nhìn nhau. Long lanh một chút kiêu kỳ thoáng qua và cảm động.

Trí Hải lên tiếng trước:

- Tốt vẫn còn chỗ cũ?

Vương gục gặc đầu, nét vui xen lẫn chút buồn:

- Không. Đã qua sông!

Trí Hải nhìn sâu vào mắt người đối diện:

- Cũng tốt cho tốt!

Vương đăm chiêu:

- Có lẽ tốt cho đời.

Cả hai cùng im lặng. Phạm Xảo xen vào giữa, giọng đùa vui:

- Tốt cho trà! Lúc này mới quý. Trà Lúa như công chúa trăng tròn, thơm dịu và nồng nàn lắm nhị vị quan viên ạ. Xin mời. Trà đã sẵn...

- Có phải trà Lúa của người Chăm ở mạn Trường Sơn Tây không? Ô, tuyệt vời!

Khi con người bị buộc chặt vào cái thực thể ngắn hạn, người ta tự đồng hóa sự hiện hữu của số phận mình với sự hiện diện của khối quyền lực hay vật chất xuất hiện thường xuyên lù lù trước mắt. Nhưng đấy chỉ là một sự ngộ nhận sai lầm.

Mỗi cá thể có riêng phần đời của nó. Như cái bộ cờ “tinh huyết thạch” tai quái ấy, cùng lúc, đã buộc chặt bao nhiêu cuộc đời với nó. Thế nhưng khi nó bị ném xuống dòng sông như một mớ sỏi đá vô dụng thì cũng chẳng có chút tác động nào đối với những người đã bị ràng buộc thân phận mình với nó. Tuy sự khám phá muộn màng đã làm bao nhiêu cuộc đời đổ vỡ cả mộng lẫn thực vì nó.

Chỉ đến khi mất đi cái sức mạnh vô địch đầy ảo tưởng đó, kẻ sợ một mình vì thói quen nương tựa mới khám phá ra rằng, người ta không dám xả bỏ thói quen hay những giá trị trang hoàng héo úa mốc meo vì sợ hãi. Sợ hãi cái đơn lẻ của chính mình mà người ta thường gọi là cô độc hay cô đơn. Người ta không chịu sống với chính mình. Khi chỗ dựa níu kéo mất đi ta mới biết rằng mình vốn có tự do và giải thoát từ trong cái vũ trụ bao la của chính trí óc và tâm hồn mình. Giải thoát là phủi cho hết những lớp bụi nô lệ để tự do - vốn đã có sẵn trong chính mình - hiển lộ, chứ không phải là cố níu lớp mây ngũ sắc đầy vẻ tự do kéo từ phương xa lại để phủ kín trên cánh rừng nô lệ.

Sáng hôm nay, bên hương trà bốc khói giữa mùa Thu thoảng sắc và hương cúc vàng bóng Thu, có ba người đang ngồi bên nhau thanh thản uống trà. Cả ba người trước đây dựa vào cái thành trì ác nghiệt của danh vị kỳ vương, của tiếng tăm bộ cờ tinh huyết thạch, của sự hơn thua giữa Hàn gia và kẻ sĩ kinh đô. Họ gặp nhau dưới một khung trời, mặt đối mặt, mà chẳng thấy nhau. Những con người nghi kỵ nhau, dè chừng nhau, xoi bói nhau, tấn công nhau, hủy diệt nhau chỉ vì mình bị dính chùm hay nương tựa vào một khối vô nghĩa, vô tri mà vì định kiến hay vọng tưởng, mình tự phong cho nó muôn vàn giá trị viễn mơ mà tự nó không hề có.

Nâng chén trà, Trí Hải hỏi Hàn Kỳ Vương:

- Lần nầy Hàn gia trở lại xứ nầy hẳn phải có một sự vụ mới?

Vương chăm chăm nhìn khói trà uốn éo, hớp một ngụm trà và nhìn người đối diện:

- Xin hoàng thân gọi tôi là Tử Du. Tôi không còn là Hàn Kỳ Vương, một tay cờ của Hàn gia nữa. Mọi sự đổi thay đều có lý do của nó. Sau cuộc cờ chiến bại, tôi như một người tái sinh để có dịp đứng ra ngoài tầm xa nhìn lại chính mình thuở trước. Tôi khó khăn lắm mới nhận ra mình thuở đó. Cái gã tôi cực đoan và u tối tội nghiệp đến thế sao. Tôi phải tự biết lột xác để vươn lên sống cho mình hay mãi mãi làm tôi đòi cho một thế lực khác.

Phải biết gột rửa một hệ thống suy nghĩ chật hẹp, lỗi thời và thô bạo đã được thếp vàng phong thánh. Phải để cho luồng gió mới thổi lồng lộng vào tâm, vào trí, vào hồn nếu muốn sống chân thật.

Lần nầy tôi trở lại vùng đất nầy là để tri ân cứu tử của đại huynh Phạm Xảo và được viếng Hoàng thân. Với tôi bây giờ, Hoàng thân không phải là một nhân vật cao cờ mà là một người thấu đạt triết lý đánh cờ. Tôi cũng chẳng còn màng chuyện hơn thua về cờ mà chỉ muốn đi đây đi đó như một kẻ lãng du. Tôi chỉ muốn sống đời bình thường và chân thật của chính mình. Tôi tiếc là đã tiêu phí hai phần đời sống rỗng tuếch như cái mõ làng chuyên bị gõ thành tiếng cho người khác nghe chơi, trong khi tự thân mình chỉ là cái xác gỗ mục vô hồn. Tôi muốn lấy lại linh hồn của tôi Hoàng thân ạ.

Trí Hải trầm ngâm, hỏi lại:

- Linh hồn Tử Du đi đâu mà phải lấy lại?

- Cục đất cũng có linh hồn. Hồn của đất là chất dinh dưỡng nuôi mầm cây. Hồn con người là cái tinh túy cuộc sống của chính hắn. Tôi chỉ là một tay cờ bạc truyền đời, cái tinh túy của cuộc sống vắng bóng thì làm gì có linh hồn.

- Thế lấy lại bằng cách nào?

- Đó chính là câu hỏi đã làm tôi trở lại đất nước nầy để mong tìm ra câu trả lời.

Phạm Xảo góp lời:

- Có nghĩa là Tử Du nghĩ rằng, khi trầm mình xuống nước, dòng sông Hương nầy, xứ Huế nầy, đất nước Việt Nam nầy đã lấy mất linh hồn của mình chăng?

Vương trả lời không chút đắn đo:

- Không. Không đâu huynh! Nếu nói linh hồn là tinh túy thì nó phải nằm sâu, nằm sẵn trong chính mình giống như mạch nước ngầm nằm sâu trong đất. Giữ linh hồn hay nuôi dưỡng linh hồn là đừng để nó bị chôn vùi dưới những tầng tầng, lớp lớp của những rác rưởi và bụi bặm của đời sống. Nếu không giữ nó được trong sáng, trôi chảy luân lưu thì cũng đừng để nó bị chôn vùi tắt nghẽn.

Phạm Xảo gật gù gợi ý:

- Đã có sẵn thì cần gì phải tìm đến xứ nầy mới tìm lại được?

Vương giải thích như phản đối:

- Không dễ đâu huynh. Vẫn có nhiều kẻ mất quê hương trên chính quê hương của mình và mất linh hồn trong chính tâm hồn não loạn của mình.

- Như thế thì vùng đất nầy giúp gì được Tử Du?

- Có huynh ạ. Tôi thích cái nghèo và cái giàu ở xứ nầy, nó trái ngược hẳn với sự giàu nghèo trên quê hương tôi. Cái nghèo ở đây rất dễ thấy, nhưng cái giàu thì phải đi tìm mới có.

- Tử Du muốn nói đến sự giàu nghèo tinh thần hay vật chất?

- Cả hai. Vùng quê hương Thiểm Sơn của tôi, nhan nhản những phố xá lầu đài, sắc mầu rực rỡ. Nhưng lắm khi người chủ nhà giàu lại là một gã ăn cắp, một tay cờ bạc bịp, một kẻ gian tà chinh phục người lương thiện bằng thứ xảo ngữ, lộng ngôn học đòi loanh quanh trong giới bịp bợm của mình. Họ thường là những kẻ đã tự nhốt linh hồn trong những hộp vàng hay nhét nó cong queo dưới những đống bạc. Huynh đã có bao giờ sống với những kẻ mất linh hồn đó chưa?

- Chưa. Nhưng tôi có thể hình dung ra họ.

- Tưởng tượng thường khi không đúng đâu. Họ không xấu xa như bầy quỷ sứ. Họ cũng đẹp đẽ. Đàn ông cũng dáng dấp oai phong, đàn bà cũng yêu kiều diễm lệ; ở nhà sang trọng và đi xe song mã; tiệc tùng ca xướng như hàng quý tộc. Họ nói năng thì tuyệt vời, trôi chảy, với những danh từ hoa mỹ đầy lý luận thuyết phục, nhưng chẳng có tiếng nói nào phát ra tự linh hồn tinh túy của họ cả. Tiếng nói của họ là một chuỗi âm thanh dày đặc trên hè phố, trong tiệm ăn, giữa văn phòng, trong sách vở. Họ mượn lời của nhau để lừa đảo nhau, thu góp của cải kiếm ăn, làm giàu trên sự bần cùng của đa số lớp người bình dân lương thiện, lao động khổ nhọc. Nếu có một tiếng nói tự linh hồn nào đó cất lên sẽ bị dập vùi không thương tiếc. Sự dập vùi có khi rất êm ái, chỉ là im lặng thôi. Thế mà sự im lặng đó lại mạnh ghê gớm vì nó sẽ biến con người lương thiện thành kẻ khốn cùng, khánh kiệt...

Cả ba người im lặng, chỉ có hương trà và khói trà lừng lững bốc lên. Phạm Xảo lại hỏi:

- Vậy là Tử Du đã quyết chọn nơi nầy làm quê hương thứ hai?

- Quê hương thì mỗi người chỉ có một, làm gì có thứ hai, thứ ba... Nơi tôi sinh ra, nơi tôi lớn lên, nơi tôi trưởng thành, nơi tôi đang ngồi uống trà trong phút này đây đều chỉ là những vùng đất có dấu ấn của đời mình sâu hay cạn, buồn hay vui. Quê hương của mình chính là tấm lòng của mình. Mất tâm hồn là mất quê hương và bán rẻ tâm hồn là bán rẻ quê hương.

- Tử Du muốn nói khái niệm linh hồn và tâm hồn giống nhau phải không?

- Theo tôi, Tâm Hồn là cái “Ta” gắn liền với thân xác khi suy nghĩ và hành động; còn Linh Hồn là cái “Ta” độc lập với thân xác nên không sinh ra hay hủy diệt theo điều kiện thể chất.

- Như thế thì linh hồn là cái bóng của tâm hồn hay ngược lại?

- Tâm hồn ở dạng vật lý, nên nó là “thể”. Linh hồn ở dạng ý niệm, nên nó là “thức”. Thể thức gắn liền nhau, tách rời nhau hay là hóa thân của nhau chứ không thể là cái bóng của nhau được.

Phạm Xảo dẹp khay trà và hướng ra sân, nói với hai người còn lại:

- Có một mùa Thu ngoài kia. Hồn Thu ở đó...

Nắng lên cao. Hương trà cũng vừa cạn. Mỗi người theo đuổi một ý niệm về cái hồn trong lặng im. Không ai gọi mời ai mà họ cùng đứng dậy, ra sân. Lá cứ nối đuôi nhau chao đảo hay lượn lờ rơi trong gió. Bóng ba người đàn ông trải dài trên sân gạch đang bị phủ kín với lá vàng thu. Nắng, gió, lá, cây, sân... không hiểu mỗi thứ có chăng một mảnh hồn riêng trong vũ trụ, nhưng khi góp lại, có cái hồn sơ xưa của mùa thu Huế hiển hiện với dáng mơ phai, với màu quan san, với những đụn mây màu xám chở đầy nước từ kho trời rơi xuống. Có ba người, mùa Thu cô liêu quanh đây dường như ấm lên một chút; nhưng nỗi cô quạnh vẫn chực chờ đâu đó, muốn về..

----o0o---

Nguồn: Phương trời cao rộng 16
Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]