Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Maung Tun Kyaing

28/05/201318:05(Xem: 11010)
Maung Tun Kyaing
Con Đường Mây Trắng


Maung Tun Kyaing

Nguyễn Tường Bách
Nguồn: Anagarika Govinda. Nguyễn Tường Bách dịch


Sớm hơn dự định, tôi đến với một trong hợp khác về nhớ lại tiền kiếp, một trong hợp đặc biệt vì ở đây có nhiều cách để kiểm chứng sự thật - mặc dù bản thân tôi không mấy quan tâm. Sự tái sinh có thể chứng minh được hay không? Ý niệm tái sinh đối với tôi tự nhiên và đáng tin hơn mọi lý luận, nó cho đời sống cá nhân một ý nghĩa sâu xa hơn va nó ăn khớp vào với quá trình tiến hóa của sinh vật, như những phát hiện của sinh vật tâm lý học cho thấy.

Tại Maymyo, trong cung điện mùa hè của chính phủ Myanmar hồi đó ở các tiểu bang miền Bắc, nơi mà Nyanatiloka và tôi tránh cái nóng của xứ Mandalay chúng tôi nghe đến một cậu bé tên là Maung Tun Kyaing, cậu nhớ mọi chuyện của tiền kiếp, đến nỗi thống đốc Myanmar, Sir Henry Butler mời cậu về nơi ở của mình tại Maymyo để biết cho rõ về hiện tượng lạ này. Cậu gây một ấn tượng tốt đẹp lên vị thống đốc và tất cả những ai có mặt trong buổi phỏng vấn đáng nhớ này đều thừa nhận là tất cả đều khuyên cậu nên truyền khắp nơi thông điệp tốt đẹp này, kể cả đi thăm viếng các trại tù để mang lại ánh sáng và hy vọng cho những ai phải sống trong cảnh tối tăm. Kể từ lúc đó cậu đi từ nơi này qua nơi khác và hàng nghìn người ham thích lắng nghe những lời cậu nói.

Lúc đó thì không ai biết cậu ở đây và tôi thì đã quyết định đi ngược lên miền bắc, qua bắc Myanmar để đến Trung Quốc (Vân Nam), nên tôi từ giã Nyanatiloka khả kính, trở lại Mandalay và đi bằng tàu thủy chạy bằng hơi nước ngược lên Bhamo, nơi mà các đoàn người ngựa phát xuất đi Vân Nam. Trong một tu viện nhỏ gần một ngôi chùa tôi tìm được chỗ nghỉ và nơi đó tôi căng chiếc giường dã chiến, ngủ trong chính điện.

Sau khi ở trên boong tàu đầy người, chúng tôi sống như trong một đại gia đình thì bây giờ có cảm giác thật kỳ lạ; bỗng nhiên ở một mình trong một căn phòng tối và rộng, trong đó có ba tượng Phật bằng đá trắng với miệng cười như nhau nhìn xuống tôi. Trước khi đi ngủ tôi hỏi thăm giờ giấc vì đồng hồ đã đứng do lên giây. Thế nhưng không một nhà sư nào biết nói tiếng Anh và xem ra trong điện chẳng có cái đồng hồ nào, nên không ai giúp tôi được.

Sáng hôm sau khi tôi ngủ dậy và thấy xung quanh toàn những người, tôi không biết mình đã ngủ bao lâu. Vài người trong số đó mang theo thau đựng nước, khi tôi chưa hiểu gì cả thì họ đã đi nhanh đến tượng Phật và tạt mạnh vào tượng. Tưởng chừng như điện đang có đám cháy. Tôi không hiểu họ hành động kỳ lạ như thế với mục đích gì và cũng đang lo mình sẽ cùng chung số phận bị tạt nước như Phật. Nhưng may thay họ biến mất, không chút gì để ý đến tôi.

Về sau tôi mới biết đó là ngày “lễ nước”, theo lệ thì họ “tắm Phật” và ngoài đường người ta xịt nước lẫn nhau - chỉ những người mang áo vàng mới được tha. Xem ra nhờ chiếc áo vàng mà tôi đỡ phải nước lạnh. Thế nhưng tôi tự nhủ cần chuẩn bị những bất ngờ xảy ra. Điều bất ngờ quả nhiên đến với tôi: một người thợ đồng hồ, ông bảo đến để sửa đồng hồ cho tôi. Ông bảo phải đi từ phố đến cái đền xa xôi nay vì được nghe là chiếc đồng hồ tôi bị hư. Khi tôi bảo đó chỉ là sự hiểu lầm và chiếc đồng hồ chạy bình thường thì ông cười vui vẻ và cho hay không tiếc công đi vì nhờ đó mà ông có dịp làm quen với tôi. Tôi cũng nói với ông là tôi rất thích đã tìm ra người nói được tiếng Anh.

Qua tuần trà, chúng tôi nói chuyện vui vẻ, trong câu chuyện tôi có nhắc đến Maung Tun Kyaing và bày tỏ hy vọng một ngày nào đó sẽ gặp được cậu. “Không có gì dễ hơn”, người thợ đồng hồ nói, “Maung Tun Kyaing hiện đang ở Bhamo và hôm nay sẽ nói chuyện trong một tu viện, không xa đây bao nhiêu”.

“Thật là trùng hợp hy hữu’, tôi kêu lên, “hành trình của tôi hôm nay dẫn tôi đến đây mà không hề biết Maung Tun Kyaing hiện đang ở vùng này. Hầu như tôi chỉ mong ước là đủ để thành sự thực”.

“Chắc rồi”, ông nói, “đó là sức mạnh của sự mong ước chính đáng, sức mạnh đó sẽ đưa ta đến đúng chỗ. Không có gì quá trình xuất hiện trong đời một cách tình cờ cả. Tôi nghĩ rằng sự gặp gỡ của chúng ta, dù do hiểu lầm, cũng không phải tình cờ mà là một khâu cần thiết để thành tựu mong ước của ông”.

“Ông có lý”, tôi thừa nhận, “và tôi hết sức cám ơn ông đã đến đây và báo cho tôi tin này”.

* * *

Khi tôi đến tu viện nơi Maung Tun Kyaing đang lưu trú thì cậu sắp diễn giảng trước một đám đông đứng chật sân viện. Thật là lạ khi thấy một cậu bé nói trước thính giả với sự ung dung và tự tin của một diễn giả chuyên trách. Khuôn mặt cậu ngời sáng, giọng cậu trong trẻo và có âm điệu như tiếng chuông. Mặc dù không hiểu một chữ cậu nói, tôi cũng rất vui thích được nghe, giọng cậu như toát ra từ trái tim, nghe nhe tiếng chim hót. Sau buổi diễn giảng được mọi người chăm chú lắng nghe, người ta đưa tôi đến gặp cậu, cậu được người cha và một cậu em đi cùng. Cả hai cậu bé đều mặc áo vàng, mặc dù số tuổi thiếu niên, cả hai cậu vẫn chưa gia nhập tăng đoàn. Nhìn bề ngoài thì Maung Tun Kyaing xem ra chưa tới sáu tuổi, em cậu chắc khoảng năm tuổi. Người ta bảo với tôi rằng Maung Tun Kyaing lên tám và cậu em lên bảy. Thế nhưng giữa hai cậu khác nhau biết bao. Cậu em nhìn giống như bất kỳ đứa trẻ nào khác cùng tuổi; Maung Tun Kyaing thì ngược lại, có một vẻ đẹp khác thường. Ít khi tôi bắt gặp biểu hiện một sự thông minh và sinh động cao độ như thế, hòa lẫn với sự thanh tịnh và sức tỏa sáng trên khuôn mặt con người. Cậu không chú e dè khi tôi xem các dấu hiệu tốt đẹp trên người cậu mà người cha chỉ cho tôi thấy, thông qua một người thông dịch. Cậu trả lời mọi câu hỏi của tôi không chần chừ và với sự cởi mở tự nhiên.

Câu chuyện về đời cậu được người cha kể lại, một người đơn giản, cởi mở và được Maung Tun Kyaing cũng như những tu sĩ và cư sĩ có mặt công nhận. Câu chuyện này đối với tôi là bằng chứng thú vị nhất và quan trọng nhất cho ý niệm của sự tái sinh và khả năng nhớ lại tiền kiếp. Cũng may là tôi có sẵn giấy bút để ghi lại mọi điều của cuộc phỏng vấn, cách đây đã 34 năm. Câu chuyện như sau:

Maung Tun Kyaing là con một người đan chiếu nghèo, không biết đọc cũng không biết viết. Lúc lên bốn, người cha mang cậu và đứa em ra chợ phiên ở làng bên cạnh. Khi họ đến gần làng thì gặp một người vai mang một bó mía, đem ra chợ bán. Người đó thấy hai đứa trẻ, có lẽ anh nghĩ rằng người cha không mua được gì cho con nên tặng mỗi đứa trẻ một khúc mía. Trong lúc đứa em mừng rỡ vội ăn mía thì Maung Tun Kyaing nhắc em trước khi ăn phải cám ơn người cho hoặc chúc lành người đó (Sukkhi hotu là cách nói theo tiếng Pali mà các tu sĩ hay nói). Khi cậu nói với em điều đó thì đường như cánh cửa của trí nhớ tiền kiếp bỗng mở toang và dưới ảnh hưởng của ký ức ào ạt, cậu nhờ cha nâng mình lên vai và nói về hạnh bố thí (một trong những hạnh quá trình của Phật giáo). Người cha vui lòng mỉm cười làm theo, cho đó là chuyện trẻ con. Thế nhưng trước sự ngạc nhiên của ông và mọi người chung quanh, cậu bắt đầu giảng về hạnh bố thí theo một cách mà không ai có thể làm hoàn hảo hơn. Càng lúc càng có nhiều người tụ tập để ngh người giảng pháp trẻ tuổi này, người cha bối rối không biết làm sao với sự thay đổi đột ngột của con mình. Cậu bé thì thản nhiên như không và nó với cha sau bài giảng: “Thưa cha, ta hãy đến tu viện con”.

“Con nói gì, tu viện của con?”

“Đó tu viện đó, cha không biết sao?”

“Ta không nhớ là con từng đến đó”, người cha đáp, “nhưng ta cứ đến đó xem sao”.

Khi họ đến tu viện thì gặp một nhà sư già, đó chính là vị tu viện trưởng. Maung Tun Kyaing thì hầu như lạc trong suy tư, nhìn vị sư già mà không biết làm lễ. Người cha nhìn cậu và nhắc “Con kính chào hòa thượng đi chứ”. Nghe xong cậu bé chào vị sư trưởng, nhưng theo kiểu ngang hàng chứ không theo cách thông thường là quì vái, trán đụng đất.

“Con không biết ta là ai sao?”, vị sư trưởng hỏi.

‘Tất nhiên là con biết”, cậu bé trả lời không chút lúng túng. Và khi vị sư trưởng ngạc nhiên nhìn cậu, cậu nói tên vị hòa thượng.

“Làm sao con biết? Có ai cho con nghe tên ta chăng?

“Không”, cậu trả lời, “thầy không nhớ sao, con là đạo sư của thầy, U Pandeissa”.

Vị sư trưởng ngạc nhiên tột độ, nhưng muốn chắc chắn, ông hỏi cậu: “Thế thì con phải biết ta là ai, trước khi ta gia nhập tăng đoàn, Nếu con nhớ ra thì hãy nói nhỏ vào tai ta”(36).

Và cậu bé làm theo lời yêu cầu. Và khi vị thượng tọa nghe đến tên tục mình, mà không ai biết đến ngoài ông và vài người khác, - những kẻ biết đến ông từ bé và lớn lên cùng thời với ông -, thì ông quì xuống chân cậu, trán đụng đất và kêu lên giọng đầy nước mắt: “Tôi biết rồi, Ngài là thầy của tôi”.

Ông đưa cậu cùng người cha và đứa em vào tu viện, nơi đó Maung Tun Kyaing biết rõ từng chi tiết, đồng thời nhắc đến một cái phòng nơi cánh đông, chỗ cậu từng ở và hay thiền định. Nhắc lại tượng Phật mà cậu hay thờ cúng, mỗi ngày thắp nhang đèn và những điều khác mà vị thượng tọa cũng biết đến. Cũng chưa bao nhiêu năm trôi qua, kể từ ngày U Pandeissa, - vị sư trưởng của tu viện Yungkyaung - nhập diệt.

Thế nhưng điều trọng nhất là Maung Tun Kyaing không những chỉ nhớ đời sống tiền kiếp mà cậu còn giữ lại tri kiến xưa. Khi vị thượng tọa chỉ cậu vài đoạn kinh Pali cũ, cậu tỏ ra đọc và hiểu rõ, mặc dù chưa hề đi đến trường và lớn lên trong một gia đình không ai biết đọc viết - chứ đừng nói về kiến thức về ngôn ngữ Pali. Và nếu còn có nghi ngờ gì về việc nhớ lại tiền kiếp thì đây là minh chứng.

Khi người cha và hai con chuẩn bị về nhà, ngôi nhà cũng nằm trên bờ sông như tu viện, thì vị sư trưởng đề xuất lấy một trong những chiếc thuyền của tu viện mà đi. Mọi người đi xuống bờ, nơi đó có nhiều thuyền đỗ, vị sư hỏi Maung Tun Kyaing muốn lấy chiếc nào. không chút chần chừ Maung Tun Kyaing chỉ và một chiếc, đó là thuyền của mình.

Thuyền của người Myanmar thường mang màu sức rực rỡ, đầu thuyền có vẽ hai mắt, trông chúng như những con vật sống động. Điều này phù hợp với niềm tin truyền thống cổ Myanmar, cho rằng mọi sự đều sống, mọi sự có một cuộc đời riêng vì chúng có thần, gọi là nat. thế nhưng nếu ai biết hô triệu danh tánh và biết các điều liên hệ đến một nat thì họ có quyền lực với chúng ta và vì thế không ai nói danh tánh này cho người khác. Chỉ chủ nhân và những người bạn thân cận mới được biết.

Vì thế vị sư trưởng nói: “Ngài bảo thuyền này của Ngài, thế thì Ngài có biết tên nó chăng?”. Cậu bé trả lời đúng tên.

Sau tất cả những bằng cớ này thì không còn ai nghi ngờ việc Maung Tun Kyaing chính là U Pandeissa tái sinh, vị sư trưởng cũ của Yunkyaung và mọi người đều muốn nghe cậu giảng. Khắp nơi đều gửi cậu lời mời và cha mẹ cậu lo lắng cho sức khỏe con mình không biết có kham nổi không. Nhưng cậu phản đối những ưu tư và nói; “Đức Phật trải qua vô số kiếp, hành động quên mình và hướng đến giác ngộ. Vì thế con cũng không ngại khổ để đạt Phật quả. Chỉ khi đạt được mục đích cao nhất con mới làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh.”

Các bài giảng của cậu gây ấn tượng đến nỗi hàng ngàn người đến thăm và nghe cậu. Thậm chí cả một tu viện vì quá nhiều người chen chúc đã bị sập nhưng may không ai chết, vì tu viện Myanmar được làm phần lớn bằng gỗ, xây trên các cột gỗ cao. Tòa nhà vì thế mà lụn từ từ. Đủ thời giờ cho mọi người chạy thoát.

Cuối cùng thì danh tiếng của Maung Tung Kyaing đến tai vị thống đốc bang Myanmar, Sir Henry Butler, lúc đó ông đang ở cung điện mùa hè tại Maymyo. Để kiểm tra sự thực về những gì mọi người kể về cậu, ông cho người đưa cậu đến Maymuo.

Maung Tun Kyaing không những chỉ minh chứng về mọi mắt tiếng tăm của mình, cậu còn trình bày một cách thuyết phục giáo lý Phật giáo để cuối cùng Sir Henry tặng cậu rất nhiều kẹo bánh và thêm một tờ giấy bạc trăm ru-pi. Maung Tun Kyaing cũng như cha cậu chưa baog giờ thấy một tờ giấy bạc lớn như thế, chưa hề sở hữu món tiền như thế bao giờ, thế nhưng cậu từ chối không nhận - vì theo lời cậu nói không thể đem pháp ra mà bán và theo quy định của tu sĩ là không nhận tiền bạc. Thế nhưng cậu nói thêm là kẹo bánh thì có thể nhận, lương tâm cho phép, vì cậu được nhận thực phẩm biếu tặng. Mặc dù những qui định này chưa ràng buộc đến cậu nhưng Maung Tun Kyaing tự xem mình là tỉ kheo, trong kiếp trước là thế, kiếp này cũng thế.

Maung Tun Kyaing cũng muốn tặng lại vị thống đốc một món quà nhưng vì không có gì ngoài chuỗi hạt, cậu cởi nó ra từ vòng tay và tặng vị thống đốc, vị này hết sức xúc động và tươi cười nhận lấy. Khi cám ơn cậu, ông nói: “Thế thì cậu phải chỉ cho tôi cách sử dụng chuỗi hạt như thế nào” và Maung Tung Kyaing trả lời: “Nó dùng để quán tưởng ba tính chất của đời sống, đó là vô thường, khổ và vô ngã’. Sau đó cậu giải thích ngắn gọn ý nghĩa từ ba từ này trong giáo lý Phật giáo.

Vị thống đốc có ấn tượng sâu sắc khi nghe những sự thực thâm sâu đó từ miệng một đứa trẻ. Làm sao một đứa trẻ bốn tuổi mà đạt được sự minh triết của một cụ già? Vì đứa trẻ đó nói năng không phải như một đứa trẻ, chỉ lặp lại chữ nghĩa do ai dạy cho mà không hiểu được ý nghĩa - ngược lại, cậu nói chuyện đầy tính thuyết phục và lòng thành tâm, nên Sir Henry không nghi ngờ vì về sự thực này và yêu cầu cậy hãy mang thông điệp của mình dến với toàn dân Myanmar: “Hãy đi từ góc này đến góc kia của đất nước và giảng cho những người cao nhất đến những kẻ thấp nhất, cả những tù nhân trong trại giam; vì không ai hơn cậu có thể làm rung động được trái tim của những tên đạo tặc chai lì nhất cũng phải mềm dịu trước niềm tin thành khẩn và tấm lòng tốt đẹp”.

Thế nên khắp nơi trên Myanmar, không những trái tim mà cả những cánh cửa trại tù cũng mở ra cho người giảng pháp bé nhỏ này, người mà đi tới đâu cũng mang lại niềm vui và lòng sùng tín nơi con người, cho họ một niềm tin mới.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]