Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần II: Hoàn cảnh Phật giáo cùng đời sống của Tăng lữ tại Ấn độ và Tích lan vào thế kỷ thứ V do Ngài Pháp Hiển ghi lại

27/05/201312:03(Xem: 7257)
Phần II: Hoàn cảnh Phật giáo cùng đời sống của Tăng lữ tại Ấn độ và Tích lan vào thế kỷ thứ V do Ngài Pháp Hiển ghi lại

Pháp Hiển, Nhà Chiêm Bái

Thích Minh Châu (1963)
Thích Nữ Trí Hải dịch Việt (1997)

Nguyên tác: Thich Minh Chau (1963), "Fa-Hsien, The Unassuming Pilgrim", Nalanda, India
Bản dịch Việt ngữ: "Pháp Hiển, Nhà Chiêm Bái", Thích Nữ Trí Hải dịch Việt (1997),
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành


--- o0o ---

Phần II

Hoàn cảnh Phật giáo cùng đời sống Tăng lữ
tại Ấn độ và Tích lan trong thế kỷ thứ V
qua ký sự của Pháp Hiển

--- o0o ---

1. Hoàn cảnh Phật giáo, tu viện và tu sĩ

Tập ký sự do Pháp Hiển để lại là một kho tư liệu quý báu về hoàn cảnh đạo Phật vào thời điểm ngài chiêm bái. Bởi thế, ký sự cung cấp một nguồn thông tin quan trọng cho các học giả về lịch sử Phật giáo tại Ấn Độ, Tích Lan và các thuộc quốc gia giữa hai nước Ấn - Hoa.

Bức tranh toàn cảnh về Phật Giáo mà ta thấy được từ ký sự của Pháp Hiển trình bày khía cạnh phồn thịnh của một đạo Phật sinh động. Trong những quốc gia và đô thị như Thiện Thiện, Ô-di, Vu Điền, Tứ Hợp, Cao Xương... Pháp Hiển nói rõ rằng Phật giáo đang thịnh hành tại đấy, và những Quốc Vương cùng thần dân đều là tín đồ Phật giáo thuần thành. Những nơi khác như Gandhadra,... Ba-liên-phất, Champà, cũng có những hoạt động Phật giáo sôi nổi và rất nhiều tu sĩ, mặc dù Pháp Hiển quan tâm đến một vài chi tiết khác nên đã không nói rõ sinh hoạt Tăng chúng ở đây. Nhưng ở một vài nơi như Ca-tỳ-la-vệ, nơi Phật đản sanh, Câu-thi-na, nơi ngài nhập Niết-Bàn, Tỳ-xá-ly, Vương Xá, Câu diêm di, Ba-la-nại, đảo Yava, Phật giáo dường như đang suy tàn, nhất là tại Câu-thi-na và Ca-tỳ-la-vệ mà Pháp Hiển nói rõ là rất vắng vẻ, chỉ còn hiện diện vài tu sĩ.

Cả hai phái Đại thừa, Tiểu thừa đều thịnh vào thế kỷ thứ V. Một vài quốc gia như Thiện Thiên, Ô-di, Cao Xương, Ô-trường [Udyàna], Bạt-na [Harana], dường như vẫn còn duy trì Phật Giáo Tiểu thừa, chưa có Đại thừa xâm nhập. Số lượng chư Tăng Tiểu thừa theo Pháp Hiển kể là 4.000 ở xứ Thiện thiện. 4000 ở Ô-di và hơn 1.000 ở Cao Xương. Riêng tại Ô-trường [Udyàna] có 500 tu viện toàn là tu sĩ Tiểu thừa. Tại những nơi khác, cả Đại thừa lẫn Tiểu thừa đều thịnh hành và nhất là tại Câu-diêm-di, Gandhara và Kanyakubja, Tiểu thừa vẫn chiếm đa số. Nhưng ở Khotan [Vu Điển] với 10.000 tu sĩ, ở Achakuka với 1000 và Ba-liên phất 700 tu sĩ, thì Đại thừa giáo chiếm phần ưu thế hơn Tiểu thừa. Tại một vài nơi, bức tranh không cho thấy rõ rệt phái nào chiếm đa số, vì Pháp Hiển không ghi rõ rệt phái nào chiếm đa số vì Pháp Hiển không ghi rõ chi tiết. Tại Phất-lâu-sa [Purushapura] và Hilo, mỗi nơi 700 tu sĩ, tại La-di [Lakki] với 3000 tu sĩ, Tăng già-thi [Sankàsya] với chừng 1000 tu sĩ, Agnidagda [Sankàsya] với chừng 1000 tu sĩ, Agnidagda với từ 600-700 tu sĩ, ở Xá vệ với 98 tu viện có Tỳ-kheo, Champà và Tamralipti với 24 tu viện có Tỳ-kheo, tại những nơi ấy chúng ta không biết chắc Đại thừa hay Tiểu thừa chiếm đa số. Trên đảo Sư Tử, Pháp Hiển nói đến 5000 vị Tăng ở chùa Vô Uý Sơn, 2000 vị ở chùa Bồ Đề, và 3000 vị ở chùa Đại Tòng Lâm, trong khi số lượng tu sĩ trên toàn đảo mà dân địa phương cho Pháp Hiển biết lên đến 60.000 vị.

Về những tu viện, Pháp Hiển đã không thể kể cho hết, vì chắc chắn ngài đã bỏ qua nhiều ngôi chùa. Nơi có nhiều tu viện nhất là nước Ô-trường [Udyàna] với 500 tu viện toàn chư Tăng Tiểu Thừa cư trú. Kế đến là Xá vệ với 98 tu viện xung quanh Kỳ Hoàn tinh xá. Ngoài ra Tamralipti có 24 tu viện, Ma-đâu-la [Mathura] có 20 tu viện, Vu Điền có 14 tu viện lớn, không kể những ngôi nhỏ. Có lẽ còn nhiều tu viện tráng lệ hơn nữa, được vua và dân mộ đạo xây cất. Nhưng Pháp Hiển chỉ mô tả chi tiết 4 đại tu viện là tu viện Hoàng gia mới ở Vu Điền [Khotan], Kỳ Hoàn tinh xá ở Xá-vệ, tu viện Phật Ca-diếp ở Kakdhina, tu viện Vô Uý Sơn tại nước Sư Tử. Ngài nhắc đến một chùa Đại Thừa vĩ đại ở thành Ba-liên-phất nhưng không thêm chi tiết nào. Dưới đây là những ký sự về hoàn cảnh Phật Giáo mà Pháp Hiển đã đi qua trên đường hành hương chiêm bái. Chúng ta không biết hoàn cảnh Phật Giáo tại các xứ Nhục-Đàn [Jutan], Chang Yeh và Đôn Hoàng, vì Pháp Hiển không nói tới trong ký sự của ngài. Tuy nhiên tại nưóc Thiện Thiện [Shen shen]: "Quốc vương tôn trọng pháp. Có hơn 4000 tu sĩ theo Tiểu thừa giáo. Tăng tục những xứ này thực hành tôn giáo cuả Ấn Độ nhưng một số thực hành nghiêm túc, một số lỏng lẻo. Từ đây về phương Tây, tất cả những nước mà họ đi qua đều như vậy; chỉ khác nhau về ngôn ngữ. Nhưng tất cả tu sĩ đều học ngôn ngữ và kinh sách cuả Ấn" [c: 1a; 8-9]. Tất cả dân chúng trong xứ Ô-di [Agni] đều theo Tiểu thừa. "Tại đây cũng có hơn 4000 tu sĩ học giáo lý Tiểu thừa. Họ giữ giới luật nghiêm túc. Những Tăng sĩ từ nưóc Tấn ở Trung Quốc đến đây không tham dự những việc đạo của họ". [c: 1a; 10].

Tại xứ Vu Điền, tất cả dân chúng "tôn trọng Chánh Pháp và sống rất hạnh phúc với tôn giáo của mình. Số lượng Tăng sĩ lên đến nhiều vạn, đa số theo Đại Thừa. Tất cả đều được cúng dường thực phẩm. Dân chúng đều có nhà ở rải rác như sau, trước mỗi cửa nhà xây một ngôi tháp, nhỏ nhất cũng cao đến 2 trượng (20 tấc Anh). Họ xây những trú xứ cho tứ phương Tăng và cúng dường họ những vật cần dùng". (c: 1a; 13-14).

Pháp Hiển và những bạn đồng hành ở lại trong một ngôi chùa Đại thừa tên Cù-ma-đế [Gomati]. Ở đây có 3000 Tăng sĩ tuân theo một nghi thức hết sức trang trọng khi thọ trai. Pháp Hiển còn ghi lại rằng có 14 tu viện lớn ở Vu Điền ngoài những tu viện nhỏ:

"Từ 7-8 dặm về phía Tây thành phố, có một tu viện tên gọi là Tân Hoàng gia. Tu viện này được xây dựng qua 80 năm và 3 triều vua mới hoàn thành. Chiều cao 25 trượng (250 bộ Anh). Chùa được trang hoàng bằng những chạm khắc, mái làm bằng vàng bạc và đủ thứ châu báu. Phía sau tháp, có xây một phòng thờ Phật tráng lệ mà cột kèo cửa lớn cửa sổ đều dát vàng. Những tăng phòng được xây dựng riêng biệt nhau, trang trí rực rỡ vượt ngoài mô tả. Những vị vua ở 6 nước phía Đông núi Tuyết cúng cho tu viện này rất nhiều châu báu mà thường dân không có". (c: 1b; 1-3).

"Vua nước Tử Hợp [Chakuka] là một Phật tử thuần thành, ở đây có hơn 1000 tu sĩ đa số theo Phật giáo Đại thừa". (c: 1b: 3-4).

Quốc gia Cao Xương có hơn 1000 tu sĩ Tiểu thừa. Những lễ lạc và giới luật của họ nhiều không thể tả.

Tại xứ Đà Lịch [Darada] có nhiều tu sĩ đều học Tiểu thừa.

Về nước Tú-ha-đa [Suvastu] chúng ta chỉ biết là Phật giáo thịnh hành ở đấy.

Nói về xứ Kiền-đà-vệ [Gandhara] thì, bên sườn một ngọn núi lớn về phía Nam có một tu viện với vài tu sĩ học Đại thừa, nhưng ký sự của Pháp Hiển không nói gì nhiều. Ngài chỉ ghi rằng đa số dân ở đấy, học giáo lý Tiểu Thừa, nhưng không thêm chi tiết nào nữa. Cũng tương tự xứ Takshasila [Trúc-sát-thi-la], nơi Phật giáo là quốc giáo, Pháp Hiển chỉ ghi rằngcó nhiều tháp trang hoàng bằng báu vật, được vua, đình thần và dân chúng cung kính lễ bái, Purushapura, quê hươg của Vasubandhu [Thế Thân] cũng không được Pháp Hiển nhắc tới. Ngài nói dài dòng về ngôi đại tháp do vua Ca-nị-sắc-ca [Kanishka] xây và về cái bát khất thực của Phật được thờ ở đấy. Toàn thể đoạn văn dành cho đô thị Hilo chỉ nói đến việc vua chúa và thần dân tại đây làm lễ thờ phượng xương đảnh của Phật. Ở xứ Hilo, Pháp Hiển ghi rằng có một tu viện gần ngôi tháp với 700 tu sĩ cư trú. Những đoạn văn còn lại đều dành cho sự mô tả những ngôi tháp và sự thờ cúng Xá-Lợi của Phật.

Quốc gia Lakki [La-di] có chừng 3000 tu sĩ cả Đại thừa lẫn Tiểu thừa. Xứ Harana [Bạt-na] cũng có chừng ấy số lượng tu sĩ nhưng đều thuộc Tiểu thừa giáo. Tại xứ Uchacha Phật giáo rất thịnh hành về cả Tiểu thừa lẫn Đại thừa: "Xứ Mathurà có 20 tu viện ở hai bên tả ngạn và hữu ngạn sông Yamuna [Bồ Na] với chừng ba ngàn tu sĩ. Phật giáo rất thịnh, vua chúa ở các xứ Ấn phía Tây sông Hằng đều là những Phật tử trọng Tăng". (c: 2b; 15). Tại Sankasya cạnh một ngôi tháp được xây để kỷ niệm nơi trời Đế Thích và Phạm thiên đã theo hầu đức Phật khi Ngài từ cõi trời 33 trở xuống, có chừng 1000 Tăng Ni cùng học cả hai giáo lý Đại, Tiểu thừa, và cùng thọ thực với nhau. Tại một tu viện khác có từ 600-700 tu sĩ.

Tại thành Kanyàkubja trên sông Hằng, Pháp Hiển quan sát sự hiện hữu của 2 tu viện theo Tiểu thừa. Tại Xá-vệ, Pháp Hiển đếm được 98 tu viện xung quanh tinh xá Kỳ Hoàn; tất cả những tu viện này đều có tu sĩ ở chỉ trừ một tu viện. Tại đây Pháp Hiển để lại một mô tả chi tiết về Kỳ Hoàn Tinh Xá như sau:

"Từ cửa Nam, phía ngoài thành phố cách chừng 1200 bước, là nơi mà ngày xưa Sudatta [Từ đạt] xây chùa. Cổng chùa mở về hướng Đông, trước có hai trụ đá. Trên cổng trụ đá bên trái là hình ảnh những con bò. Hai bên tu viện đều có những ao nước chảy trong veo, cây cối xanh tốt, hoa đủ màu rất đẹp mắt" (c: 3b; 13-14).

Pháp Hiển thêm rằng khuôn viên rộng rất của Kỳ Hoàn tinh xá có hai cổng lớn, một mở về phía Đông, một mở về phía Bắc. Cách 6-7 dặm về phía Đông, một mở về phía Bắc. Cách 6-7 dặm về phía Tây Bắc ngôi tinh xá là những phế tích của ngôi chùa mà tín nữ Visakha [Tỳ-xá-khư] đã xây cúng dường Phật và chư Tăng.

Ở thành phố Napika cách Xá vệ 12 do-tuần. Pháp Hiển chỉ nói có nhiều chùa tháp tại các nơi kỷ niệm Đức Phật Câu-Lưu-Tôn giáng sinh, gặp thân phụ và nhập Niết Bàn. Có lẽ Phật giáo vẫn còn tồn tại ở đây nhưng Pháp Hiển không nói gì đến các hoạt động Phật sự tại đấy.

Điêu tàn hơn cả là cảnh tượng Ca-tỳ-la-vệ nơi Phật đản sinh, vì đô thị không có vua cũng không có dân, chỉ một vài tu sĩ sống tại đấy cùng với vài mươi gia đình cư sĩ.

Xứ Ràmagràma tự hào với một tu viện đặc biệt gọi là tu viện Sa-di ở đấy trụ trì luôn luôn là chú tiểu, và vài tu sĩ đang sống ở đấy. Cạnh tháp thờ Tro, cũng có một tu viện. Ở thành Câu-thi-na nơi Đức Phật nhập Niết Bàn, quang cảnh rất hoang phế. Thành phố vắng vẻ, chỉ có dăm ba tu sĩ và một ít cư sĩ lui tới.

Tại Tỳ-xá-lỵ, Pháp Hiển thấy tu viện lầu trong đó Đức Phật đã từng sống và ngôi tháp khác, nhưng ngài không nói gì đến sự hiện diện tu sĩ ở đây. Trong thành Ba-liên-phất cạnh ngôi tháp A-dục vương có một ngôi chùa Đại thừa trang trí lộng lẫy, và cũng có một tu viện Tiểu thừa. Cả hai chùa có từ 600-700 tu sĩ, uy nghi giới hạnh khả kính. Đấy là nơi gặp gỡ cuả tất cả cao Tăng Đại đức từ mọi hướng tụ lại để nghiên tầm chân lý và tri thức triết học. Cách thành Ba-liên-phất 9 do-tuần, có một tượng Phật ngồi trong hang đá quay mặt về hướng Nam; ở vùng lân cận có một tu viện Pháp Hiển không ghi lại có tu sĩ hay không.

Trong thành Vương Xá mới, Pháp Hiển kể đến hai tu viện, một ngôi tháp tráng lệ được xây để thờ phần Xá-lợi Phật của vua A-xà-thế và cảnh điêu tàn của tu viện Jivaka trong vườn Xoài [Ambavana]. Trong thành Vương Xá cũ là ngôi Trúc Lâm được chăm sóc cẩn thận bởi những tu sĩ có lẽ ở luôn tại đấy.

Tại Bồ-đề tràng nơi Đức Phật thành đạo có 3 tu viện có tăng sĩ ở, họ được cư sĩ cúng dường sự không thiếu thứ gì. Họ tuân giữ giới luật rất nghiêm nhặt và trung thành với những pháp môn và chư Tăng thời Phật tại thế đã thực hành.

Trên đường đi từ Vanarasi đến Ba-liên phất, Pháp Hiển đến tu viện Atavi nơi Đức Phật đã từng ở, bấy giờ cũng còn có một vài vị Tăng cư trú. Tại Varanasi nơi đức Phật đã giảng bài pháp đầu tiên, có 2 tu viện có Tăng chúng ở. Chúng ta không được biết số lượng bao nhiêu và họ theo phái nào.

Tại xứ Câu-diêm-di, cách Migadàya 13 do-tuần về phía Tây Bắc, có một tu viện tên Vườn Ghoshira nơi ngày xưa đức Phật đã từng ở, và bây giờ cũng còn một số tu sĩ thường trú phần lớn học giáo lý Tiểu thừa. Bây giờ những ngôi tháp vẫn còn đánh dấu nơi đức Phật đã sống, kinh hành và ngồi Thiền. Có một tu viện trong đó hơn 100 Tăng sĩ ở.

Về xứ Dakshina, chúng ta không biết gì về tình trạng Phật giáo ngoại trừ mô tả sau đây về một tu viện tráng lệ kỷ niệm Phật Ca-diếp:

"Chùa được đục từ một núi đá lớn. Có 5 tầng, tầng dưới cùng có hình dạng một con voi và có 500 hang đá; tầng hai hình dạng con sư tử với 400 hốc đá; tầng ba hình con ngựa với 300 hốc đá; tầng bốn hình dạng một con bồ câu với 100 hốc đá (để ngồi Thiền). Từ trên đỉnh, có một dòng nước chảy xuống lượng quanh những hốc đá qua một rãnh quanh co cho đến tầng cuối cùng, chảy theo đường các hốc đá rồi ra cổng. Nơi này nơi kia đều có một lối mở thông qua những hốc đá làm cho chúng được soi sáng, không có một góc nào chìm trong bóng đen. Những bực cấp cũng được đẽo từ đá ở 4 góc hang. Những người thời này vì tầm vóc nhỏ bé nên phải dùng những bực cấp để lên đến đỉnh, nhưng người xưa chỉ cần bước một bước. Vì vậy mà ngôi chùa được gọi là Po lo Yueh, tiếng Ấn Độ có nghĩa là con Bồ câu. Hiện nay vẫn còn những vị La-hán đang ở" (c:6b; 16-20).

Tại xứ Champà, Pháp Hiển ghi nhận sự có mặt của nhiều chùa tháp và tu sĩ. Kế đến là xứ Tamralipti nơi đạo Phật thịnh hành, có 24 tu viện đều có Tăng ở.

Kế đến ngài ghé đảo Lanka nơi Phật giáo rất thịnh. Pháp Hiển mô tả dông dài tình trạng Phật giáo trong xứ này:

"Đức Phật đến xứ này để hàng phục một con rồng dữ. Với năng lực thần thông. Ngài đặt một chân ở phía Bắc kinh thành và chân kia ở trên đỉnh núi, hai chân cách nhau 15 do-tuần Quốc vương dựng một ngôi tháp lớn tại dấu chân ở phía Bắc kinh thành, cao đến 40 trượng trang trí bằng vàng bạc và khảm đủ thứ châu ngọc. Bên cạnh ngôi tháp ngài xây một ngôi chùa tên Vô Uý Sơn. Bấy giờ có 5000 tu sĩ cư trú. Ngài cũng xây một Phật đường nạm vàng bạc và rất nhiều châu báu trên vách và mái. Trong ngôi Phật đường này có một tượng Phật bằng ngọc bích cao chừng 2 trượng. Toàn thân Phật chiếu ra ánh sáng của 7 thứ ngọc quý rực rỡ huy hoàng không thể nào tả xiết. Trong lòng tay trái của pho tượng có viên ngọc vô giá (c: 7a; 16-18).

"... Quốc vương trước kia của xứ này đã gởi một sứ thần đến đất Ấn để xin về một hạt cây peito [bối-đa] để trồng. Hạt giống vươn lên thành một cây cao 20 trượng nghiêng về hướng Đông Nam. Quốc vương sợ cây đổ nên ra lệnh xây một cột trụ lớn bằng 8-9 người ôm để chống đỡ. Tại chỗ cây được chống đỡ, có một cành đâm xuyên qua cột trụ xuống đất mà đâm rễ. Cành ấy lớn đến 4 người ôm. Cột trụ mặt dù bị cành cây xuyên thủng vẫn còn đứng.

Dưới cây ấy người ta dựng một ngôi tu viện trong đó có một tượng Phật ngồi, Tăng tục đến đảnh lễ không ngớt. Trong thành, dựng một ngôi chùa thờ Răng Phật, vách mái toàn bằng bảy thứ quý báu. Quốc vương sống đời Phạm hạnh và dân chúng trong thành tín mộ Phât pháp. Từ khi đất nước này thành lập, trong xứ không có nạn đói, binh đao. Kho tàng của chư Tăng chứa nhiều kim loại quý và ngọc vô giá. Có lần Quốc vương vào xem kho tàng ấy, trông thấy ngọc quý đã khởi lòng tham muốn chiếm đoạt; ba hôm sau ông hối hận đến trước chu Tăng đảnh lễ phát lộ ý xấu của mình. Vì việc này, vua đã đề nghị với chư Tăng lập một thông lệ từ này trở đi đừng để cho bất cứ vị Quốc vương nào vào xem kho tàng, và chỉ cho phép những vị Sư 40 tuổi hạ trở lên mới được vào" (c: 7a; 20-70; 1-4).

Đoạn Pháp Hiển mô tả hoàn cảnh đạo Phật ở nơi này:

"Trong thành có nhiều cư sĩ trưởng giả và thương gia, nhà cửa tráng lệ, đường sá bằng phẳng và thẳng tắp. Tại những giao lộ có xây những giảng đường. Mỗi tháng vào ngày mồng 8, 14, 15 đặt những tòa cao để tứ chúng hội lại nghe Pháp. Theo người dân trong xứ nói, có chừng 60.000 tu sĩ được dân chúng cung cấp thực phẩm, còn Quốc vương thì cúng dường thức ăn cho 5000-6000 chư Tăng nội thành. Khi các Sư cần thực phẩm, họ chỉ việc đem bát khất thực của mình ra, nhận được đầy bát theo sức chứa của nó" (c: 7b; 4-6).

Pháp Hiển còn nói đến một tu viện tên Bồ-đề ở cách chùa Vô Uý Sơn 40 dặm, ở đấy có 2000 tu sĩ cư trú. Trong số ấy có một vị Sư tên Dharmakirti [Pháp Xứng] nổi tiếng về tâm đại bi. Rồi ngài nói đến một đại tu viện khác, chùa Đại Tòng Lâm, nơi có 3000 Tăng sĩ. Tại đây có một vị Tăng giới hạnh thù thắng mà người ta tin là đã chứng A-la-hán. Pháp Hiển đã không thể đích thân gặp ngài vì ngài đã viên tịch trước đấy, nhưng khi đến đảo Lanka, Pháp Hiển đã tham dự lễ hỏa táng nhục thân được tổ chức một cách long trọng và trang nghiêm.

2. Đời sống tu sĩ

Vì Pháp Hiển rất tinh tế trong việc quan sát cách hành trì giới luật của chư Tăng Tích Lan và Ấn Độ, và ghi lại đủ mọi chi tiết liên hệ đến đời sống tu sĩ, nên ký sự của ngài cho ta một bức tranh khá chính xác về đời sống tu viện ở vùng đất "Trung thổ" này, cùng các xứ khác mà ngài đã đi qua vào thế kỷ thứ V.

a) Phận sự của Tỳ-kheo:

Là một tu sĩ quan tâm đến đời sống tu hành, Pháp Hiển đã nhận xét chư Tăng thực hành những phận sự như sau:

"Chư Tăng thực hành công đức xem như bổn phận thường ngày. Họ còn tụng kinh và ngồi Thiền..." [c: 3a; 1-2]. Điều này nhắc ta nhớ lại lời Đức Phật khuyến cáo Tăng chúng ta hãy xem việc học Pháp hoặc ngồi Thiền như là nhiệm vụ thiêng liêng của mình: "Các Tỳ-kheo chỉ có hai phận sự, là học Pháp và Thiền Quán".

Ngài còn chú ý đến một công việc khác của chư Tăng.

"Bất cứ nơi nào có Tăng chúng ở, họ đều xây tháp thờ Xá-lợi-phất, Mục-kiền-Liên và A-nan, tháp thờ Kinh Luật Luận (c: 3a; 3). Ni chúng phần nhiều thờ Tôn giả A-nan vì chính Tôn giả đã xin Phật cho phép phụ nữ xuất gia thành Tỳ-kheo-ni. Các chú tiểu phần nhiều thờ tháp Tôn giả La-hầu-la. Các Luận sư lễ tháp thờ các bộ Luận, các Luật sư thờ các bộ Luật. Những lễ cúng dường được dâng mỗi năm một lần vào ngày đã định. Những người theo Đại thừa thì thờ tháp kinh Bát-nhã, Bồ tát Văn-thù, Bồ tát Quan Âm..." (c: 3a; 5-6).

Ở đây ta chú ý vai trò chư Tăng trong việc dựng tháp nhất là tháp thờ Kinh Luật Luận. Việc này không xảy ra trong lúc Phật còn tại thế. Nhưng ngày nay việc chư Tăng đảnh lễ tháp là chuyện thông thường, và sự thờ kính Tam Tạng kinh điển rất thịnh hành tại Tây Tạng và Nepal.

b) Uy nghi của Tăng sĩ:

Pháp Hiển có nhận xét rất sắc bén về cung cách phẩm hạnh của các tu sĩ mà ngài gặp trong lúc hành hương.

Tại xứ Ô-di, ngài để ý có 4000 tu sĩ theo Tiểu thừa giữ giới Luật rất tinh nghiêm.

Tại nước Vu Điền ngài đã mô tả cung cách của 3000 tu sĩ ở tu viện Đại thừa Gomati [Cù-ma-đế] như sau:

"Tại đây 3000 tu sĩ tụ họp để thọ thực khi có chuông báo hiệu. Họ đi vào phòng ăn với một tư thái tramg nghiêm và ngồi vào chỗ theo thứ tự. Tất cả đều im lặng không có một tiếng khua chén bát. Những vị Tăng khi muốn thêm đồ ăn không bao giờ cất tiếng gọi, mà chỉ ra dấu bằng tay chỉ" (c: a; 15).

Tại Ma-kiệt-đà trong thành Ba-liên-phất, Pháp Hiển ghi: "Cạnh tháp vua A-dục có một ngôi chùa Đại thừa rất tráng lệ. Lại còn có một ngôi chùa Tiểu thừa. Trong cả hai ngôi chùa, có từ 600-700 Tăng sĩ uy nghi khả kính thanh tịnh hòa nhã. Chư Tăng đạo cao đức trọng từ bốn phương hướng đều quy tụ đến tu viện này để tìm học Chánh Pháp" (c: 5a; 15-17).

Tại Bồ đề tràng, Pháp Hiển nhận xét:

"Tại nơi Đức Phật thành Chánh giác có tu viện có chư Tăng cư trú. Họ nghiêm trì giới luật, giữ gìn oai nghi. Những pháp hành trì của Thánh chúng vào thời Đức Phật tại thế vẫn còn được duy trì cho đến ngày nay" (c: 6a; 12 - 13).

c) Cách tiếp đãi khách Tăng:

Pháp Hiển còn để ý những tu sĩ ở đây đón tiếp một khách Tăng như thế nào:

"Khi có một khách Tăng đến, Tăng cựu trú đón chào, đỡ lấy y bát, đem nước rửa chân, dầu thoa, và nước giải khát. Sau khi nghỉ ngơi một lát, họ sẽ hỏi thăm tuổi hạ của khách Tăng rồi cung cấp phòng xá đồ nằm... đúng theo luật tu viện". (c: 3a; 2). Như thế ta thấy rằng Tăng vào thế kỷ thứ V đã duy trì nguyên vẹn nguyên tắc chào đón khách Tăng mà đức Phật đã chế định trong Cùlavagga [Tiểu Phẩm].

Khi Pháp Hiển đến xứ Ô-trường [Udyàna], ngài ghi nhận tục lệ này cũng thịnh hành tại 500 tu viện ở đấy. Bất cứ một vị Bồ tát nào từ nơi khác đến đều được tiếp đãi 3 ngày; sau đó họ được yêu cầu tìm nơi khác.

d) Sự hành lễ dâng y Ca-thi-na:

Một tập tục khác được chư Tăng Ấn Độ tuân theo và duy trì, là lễ dâng y Ca-thi-na như Phật đã chế định trong Mahavagga [Đại Phẩm]:

"Một tháng sau kỳ an cư hàng năm, những gia đình muốn kiếm công đức rủ nhau làm lễ cúng dường chư Tăng. Chư Tăng tổ chức một cuộc hội họp trong đó Pháp được giảng cho dân chúng. Sau bài Pháp, là lễ dâng cúng tháp ngài Xá lợi Phất với đủ thứ hương hoa đèn đuốc thâu đêm. Họ mướn những diễn viên diễn lại một đoạn đời của Tôn giả Xá Lợi Phất lúc ngài còn là một Bà-la-môn giàu sang xin đức Thế Tôn cho phép xuất gia làm Tỳ-kheo. Họ cũng làm nhưng việc tương tự đối với cuộc đời Mục kiền Liên và Đại ca Diếp..." (c: 3a; 3-4).

"Khi chư Tăng đã thọ tuế, những vị Thượng tọa, Cư sĩ, Bà-la-môn... đem đủ thứ cần dùng cho chư Tăng để hiến dâng lên Tăng-già. Tăng chúng sau khi nhận tứ sự cúng dường thì phân phối cho nhau. Từ ngày Đức Phật nhập Niết bàn đến nay, những quy luật Tăng đoàn và các truyền thống hợp pháp đã được truyền thừa không gián đoạn". (c: 3a; 6-7).

e) Một vài vị danh Tăng:

Trong ký sự của ngài Pháp Hiển cũng kể đến một vài danh Tăng ngai đã gặp trên đường hành hương. Sự hiện hữu những danh Tăng này giúp ta biết được vai trò cao quý của họ trong việc duy trì và hoằng đường giáo pháp.

Khi Pháp Hiển đến Ba-liên-Phất ngài kể rằng trong một ngôi chùa gần tháp A-dục vương, "Có một bực thầy tên Văn-thù [Manjusri] được chư Tăng cao đức và các Tỳ-kheo Đại thừa trong xứ cung kính tôn trọng" (c:5a, 17).

Lại trong đô thành Ba-liên-phất, một danh Tăng khác lôi cuốn sự chú ý của ngài. "Có một tu sĩ Đại thừa thuộc dòng Ba-la-môn tên Radhasvàmi cư trú trong thành này. Ngài thông tuệ, nắm vững tất cả tri kiến, lại sống một đời phạm thanh tịnh. Quốc vương tôn trọng xem như bậc Thầy; mỗi khi viếng thăm ngài, Quốc vương không dám ngồi trước mặt. Khi vua có cầm tay Ngài vì lòng quý mến tôn trọng, thì sau đó ngài rửa tay. Ngài đã ngoại ngũ tuần, được cả nước tôn kính. Nhờ một vị Tăng này mà Phật giáo được truyền bá rộng rãi và ngoại đạo không dám coi thường" (c: 5a, 13 - 15).

Khi Pháp Hiển đến nước Sư Tử ngài đã ghi lại:

"Cách chùa Vô Úy Sơn 40 dặm về phía Đông, ngự trên đỉnh núi có ngôi chùa Bồ-đề chứa 2000 tu sĩ. Trong số này có vị cao Tăng tên gọi Dharmakìsti (Pháp Xứng), người trong xứ rất tôn trọng cung kính. Ngài ở trong hang đã gần 40 năm. Tâm đại bi của ngài ảnh hưởng cả loài vật, đến nỗi trong hang động rắn và chuột sống chung mà không hại nhau" (c: 7b; 13-14).

Cũng trong quốc gia ấy, Pháp Hiển kể về sự hiện diện của một danh Tăng khác trong tu viện Đại Tòng Lâm:

"Cách đô thành 7 dặm về phía Nam, có một tu viện gọi là Mahavihara [Đại Tòng lâm]; ở đấy có 3000 tu sĩ. Trong số ấy có một vị Tăng đức độ cao siêu. Phạm hạnh tinh khiết nên người trong nước nghi ngài là một bậc La hán. Khi ngài sắp chết, Quốc vương đến thăm, như pháp triệu tập Tăng chúng và hỏi ngài có phải là một bậc A-la-hán không. Vị Tăng thành thật trả lời: "Phải, tôi là một vị La-hán". Sau khi ngài chết, Quốc vương làm lễ hỏa táng đúng theo nghi thức dành cho một vị La-hán được đề cập trong kinh luật, nơi hỏa táng cách phía Đông tu viện 4-5 dặm. Người ta chất gỗ tốt cao hơn 3 trượng, vuông vức 3 trượng. Trên đỉnh đặt gỗ trầm và các thứ gỗ thơm khác. Bốn phía đều có những bực cấp để đi lên. Phía ngoài dùng vải trắng mịn để bao quanh dàn hỏa làm nó trông giống như một chiếc xe lớn. Cỗ quan tài cũng tương tự như ở Trung Quốc nhưng không có vẽ cá, rồng. Đến lúc hoả táng, vua và dân chúng trong nước cùng vói bốn chúng đệ tử đều nhóm họp để dâng cúng hoa hương; rồi họ theo quan tài đến nơi hỏa táng. Khi ấy vua dâng lễ cúng dường trước. Sau khi cúng dường, quan tài được đặt lên trên đỉnh dàn hỏa, bơ và dầu được rưới khắp dàn rồi bật lửa. Khi lửa đang cháy, mọi người tỏ lòng kính trọng bằng cách cởi bỏ thượng y, và từ xa họ ném vào dàn hỏa những dụng cụ bằng lông và dù, lọng để giúp lửa cháy. Khi lễ hỏa táng kết thúc, tro còn lại được thâu nhặt để xây tháp thờ. Pháp Hiển không kịp yết kiến vị này lúc sống, chỉ có thể chứng kiến lễ hỏa táng của ngài." (c: 7b, 14-19)

e) Sự trọng Tăng:

Vì chư Tăng tuân giữ giới luật rất nghiêm nhặt, lại thiện xảo về Thiền định và học vấn, nên ta không lạ khi thấy họ được các Quốc vương và dân chúng cung kính tôn trọng. Trong ký sự của ngài, Pháp Hiển đã mô tả lòng kính Tăng tại các xứ Phật thời ấy.

Ở nước Mathura, ngài ghi lại cách các Quốc vương Ấn làm lễ cúng dường chư Tăng:

"Ở các quốc gia miền Tây sông Hằng (sa mạc Lob), các Quốc vương xứ Ấn đều là những tín đồ sùng đạo Phật. Mỗi khi cúng dường chư Tăng, Quốc vương cởi bỏ vương miện, và cùng với hoàng gia và đình thần, tự tay phục vụ thức ăn cho Tăng chúng. Sau khi ăn xong, họ trải thảm trên đất để ngồi trước mặt chúng Tăng, nhưng không dám dùng nệm hay ghế. Những phép tắc cúng dường chư Tăng mà đương thời Phật đã chế định cho vua chúa đến nay vẫn còn được truyền thừa" (c: 2b; 15-16). Truyền thống ấy ngày nay vẫn còn áp dụng trong vài xứ Phật giáo như Cao Miên, Thái Lan... Pháp Hiển rất hài lòng khi ngài chứng kiến sự cúng dường trọng hậu của vua chúa và thường dân dành cho Tăng chúng.

g) Sự ngoại hộ của cư sĩ:

Một nét đặc sắc trong tình trạng Phật giáo vào thời Pháp Hiển là sự hổ trợ không dè sẻn của vua chúa và cư sĩ đối với chư Tăng. Khi kể về những tập tục ở Trung Thổ, Pháp Hiển viết:

"Sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, các vị vua chúa, trưởng giả, cư sĩ đã xây những viện cho Tăng chúng và dâng cúng ruộng vườn, nhà ở, người làm và súc vật. Những của hiến tặng này được khắc trên một tấm biển bằng sắt và được vua chúa truyền cho nhau từ tục lệ ấy mãi đến ngày nay. Chư Tăng trong các tu viện được cung cấp thúc ăn uống y phục đồ nằm không thiếu thứ gì. Khắp nơi đều như thế cả" (c: ab; 20; 3a, 1).

Truyền thống ấy cũng thịnh hành ở nước Sư Tử, ở đâý Pháp Hiển kể lại Quốc vương đã xây chùa cho chư Tăng và cúng đất đai lương thực để duy trì sự sống của tu sĩ như thế nào.

"Quốc vương là một Phật tử thuần thành Ngài muốn xây dựng một tu viện mới cho các tu sĩ. Trước hết ngài tổ chức một lễ bố thí lớn và cúng dường thực phẩm cho chư Tăng. Rồi ngài chọn một cặp bò tốt nhất của mình, trang sức những cặp sừng của chúng bằng vàng bạc và những thứ quý khác, và sai làm một cái cày bằng vàng. Đoạn ngài đích thân cày bốn phía và dân cúng mảnh đất ấy cho chư Tăng gồm cả cư dân, nhà cửa ruộng vườn trong phạm vi ấy. Việc này được khắc trên một tấm bản bằng đồng. Từ lúc ấy trở về sau, bản khắc được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, không ai dám gián đoạn hay hủy bỏ" (c: 7b 19-20; 8a, 1).

Khi đến nưóc Cao Xương, Pháp Hiển chứng kiến đại hội ngũ niên được tổ chức trong đó chư Tăng rất được tôn trọng cúng dường.

"Trong đại hội này chư Tăng từ bốn phương đều được mời tham dự. Khi Tăng chúng tập họp, chỗ ngồi cuả họ được trang hoàng bằng cờ lọng, lại được làm đẹp thêm bằng những hoa sen vàng, bạc. Những tấm vải sạch được trải trên chồ ngồi. Quốc vương và đình thần theo truyền thống Phật giáo, dâng cúng lễ vật trong 1, 2 hay 3 tháng, phần nhiều vào mùa Xuân. Sau khi dâng lễ vật, Quốc vương khuyên đình thần dâng lễ vật cho chư Tăng dùng trong 1, 2, 3 cho đến 7 ngày. Khi tất cả sự cúng dường đã được làm xong, Quốc vương sai thắng yên cương con ngựa của mình và ra lệnh cho một vị quan trong triều cỡi lên nó. Rồi với vải trắng, đủ thứ châu báu và các vật cần dùng cho chư Tăng, tất cả những thứ này được vua và đình thần lập nguyện dâng cúng cho Tăng-già. Về sau họ chuộc lại những vật ấy từ chư Tăng" (c: 1b, 5-8).

Tại Bồ đề tràng, Pháp Hiển nhận xét chư Tăng ở 3 tu viện tại đấy được dân địa phương cung cấp vật dụng không thiếu.

Tại quốc gia Sư Tử, dân chúng cho Pháp Hiển biết có khoảng 60.000 tu sĩ được quần chúng hổ trợ thức ăn, còn vua thì cúng thực phẩm cho 5000-6000 Tỳ-kheo nội thành. Khi cần, chư Tăng mang bát khất thực đi ra và được đầy bát tuỳ sức chứa.

Như vậy, bức tranh toàn cảnh mà Pháp Hiển đã ghi lại về toàn thể Tăng già nghiêm trì giới luật, cùng với sự cung kính cúng dường của vua chúa và thần dân đối với chư Tăng, là một điều rất cảm động và khá chính xác. Ở đây sự đóng góp của Pháp Hiển càng độc đáo hơn bởi vì nó đã bổ túc cho những gì thiếu sót trong Tây Du Ký của Huyền Trang. Nhà chiêm bái đời Đường đã bị lôi cuốn bởi những vấn đề khác nên quên bẵng mô tả đời sống tu sĩ, ngoại trừ một vài con số tu sĩ và tu viện được ghi qua loa chiếu lệ. Pháp Hiển ngược lại, không quan tâm gì khác ngoài Giới Luật. Bởi thế ký sự của ngài đầy những chi tiết đem lại cho ta một hình ảnh khá đầy đủ về đời sống tu sĩ ở Ấn Độ và Tích Lan vào thế kỷ thứ V.

3. Các ngày lễ Phật

Trong cuộc hành hương chiêm hái củangài, ngoài sự quan tâm chính yếu về những gì liên hệ đến kỷ luật Tăng đoàn, Pháp Hiển còn quan sát một số lễ lạc rất thú vị của Phật giáo và ghi lại theo ký ức. Những lễ lạc này chứng tỏ ảnh hưởng đạo Phật đã thâm nhập vào đời sống văn hóa và xúc cảm của quần chúng như thế nào.

Khi Pháp Hiển và các bạn đồng hành đến xứ Vu Điền, thì Huệ Cảnh, Đạo Chỉnh và Huệ Đạt đi trưóc đến Cao Xương, còn Pháp Hiển và nhũng người khác ở lại thêm 3 tháng để xem lễ rước tượng Phật. Ngài đã ghi lại một cách sống động cuộc lễ này trong tập ký sự:

"Từ ngày 1 tháng 4, tất cả đường sá nội thành đều được rưới nước và quét sạch; lề đường được trang hoàng rực rỡ. Phía trên cổng thành dựng một tàn lọng lớn trang hoàng đẹp đẽ, nơi ấy vua, hoàng hậu và các bà trong cung ngồi. Chư Tăng ở tu viện Cù-ma-đế theo Đại Thừa, được Quốc vương tôn trọng, diễn hành các tượng Phật đi trước. Cách thành 3-4 dặm, có một chiếc xe bốn bánh cao 3 trượng, hình dáng như một lâu đài di động. Xe được trang hoàng bằng 7 thứ quý báu, có treo tràng phan bảo cái bằng lụa. Hình ảnh Phật đứng giữa xe có hai Bồ Tát theo hầu, trong lúc hình chư Thiên bằng vàng bạc ngọc bích được treo trên không để làm thị giả. Khi tượng rước đến cổng thành còn chừng 100 bước, Quốc vương cởi bỏ vương miện, thay áo mới đi chân không, mang theo hoa hương mà ra khỏi cổng thành. Hoàng Hậu và các cung tần đứng đợi từ xa chờ tung hoa và đốt hương. Khi tượng được rước vào cổng, Hoàng hậu và các phi tần rải hoa. Bằng cách ấy lễ rước được tổ chức với những loại xe hoa trang hoàng đủ cách. Mỗi tu viện phải diễn hành một ngày, từ ngày 1 đến ngày 14 tháng 4 thì chấm dứt. Khi lễ rước tượng kết thúc, Quốc vương cùng hoàng hậu và phi tần mới hồi cung" (c: 1a, 16-20; 1b, 1).

Lễ rước này, có lẽ được cử hành vào dịp đản sinh của Phật vào ngày mồng 8 tháng 4 theo lịch Trung Quốc hoặc ngày rằm theo lịch Ấn Độ.

Khi đến đô thành Ba-liên-phất [Pataliputra] Pháp Hiển chứng kiến một lễ rước tượng khác được tổ chức hàng năm vào ngày 8 tháng 2 âm lịch là ngày xuất gia của Phật. Lễ rước được mô tả như sau:

"Mỗi năm vào ngày 8-2 một lễ rước tượng được cử hành. Người ta dùng một xe bốn bánh trên đó dựng một dàn bằng tre có 5 tầng ở giữa có một cột chống đỡ cao chừng hai trượng. Toàn thể trông như một cái tháp xung quanh vấn vải bông trắng, trên có hình chư Thiên trang hoàng bằng vàng, bạc, lưu ly, xung quanh treo tràng phan bảo cái. Bốn bên đều trang hoàng cảnh đức Phật ngồi với hai vị Bồ tát đứng làm thị giả. Có 20 xe hoa được trang hoàng đủ kiểu, vào ngày ấy Tăng tục trong xứ họp lại, có âm nhạc, hát ca, dâng hoa hương cúng dường. Những người thuộc giai cấp Bà-la-môn đi ra đón tượng Phật tuần tự được rước vào và ở lại đấy trong hai đêm. Suốt đêm đèn được thắp sáng và những pho tượng được cúng dường bằng âm nhạc, hát ca và lễ kính. Lễ này được cử hành như vậy ở tất cả các quốc gia". (c: 5a; 18-20; 5b-1).

Tại nước Sư Tử, Pháp Hiển đã chứng kiến một lễ trưng bày Răng Phật và kể lại trong ký sự như sau:

"Răng Phật thường được trưng bày vào tháng 3. Mười ngày trước đó Quốc vương cho thắng một thớt voi lớn trang hoàng đẹp đẽ, sai một người có tài hùng biện mặc triều phục cỡi voi đánh trống loan báo như sau: "Từ ba vô số kiếp, Bồ tát đã thực hành hạnh Ba-la-mật không kể thân mạng. Ngài đã từ bỏ ngai vàng cung điện, vợ con, móc mắt mà cho người, cắt thịt để chuộc một con bồ câu, bố thí đầu, xả thân cho cọp đói ăn thịt không tiếc gì tủy não. Sau khi thực hành đủ các hạnh Ba-la-mật để lợi lạc hữu tình. Ngài đã thành Phật. Tại thế gian này, Ngài đã thuyết Pháp 45 năm để cải hóa con người, khiến ai chưa an ổn được an ổn, ai chưa giải thoát được giải thoát. Sau khi nguyện độ sanh đã hoàn mãn. Ngài nhập Niết bàn. Từ ngày Phật nhập Niết bàn đến nay đã 1497 năm trôi qua. Con mắt của thế gian đã khép lại, nỗi đau khổ của hữu tình vẫn còn dai dẳng. Mười ngày nữa. Răng Phật sẽ được cung nghỉnh đến chùa Vô Uý Sơn. Tất cả Tăng tục trong nước ai muốn gieo giống phước hãy sửa sang đường sá, trang hoàng các nẻo, và hãy sẵn sàng để cúng dường". Sau lời công bố này, đức vua cho dựng hai bên lề đường 500 hình ảnh tiền thân Phật khi còn làm Bồ Tát, như Sudàna (Thiện Thí - Tu-đại-noa), Sama, Voi chúa, Nai và Ngựa. Rồi Răng Phật được đưa ra cung nghinh dọc đường. Trên đường những phẩm vật cúng dường được dâng cúng Xá-Lợi cho đến khi rước đến tu viện Vô Uý Sơn. Tại đấy Tăng tục đều đến tụ họp đốt hương thắp đèn và làm các cách cúng dường khác ngày đêm không dứt. Sau 90 ngày, Răng Phật mới được rước về tu viện trong nội thành. Tại tu viện nội thành, vào những ngày trai giới, các cổng được mở rộng để dân chúng đến lễ bái Xá-lợi Răng Phật đúng pháp". (c: 7b; 7-13).

(Xin xem tiếp)

--- o0o ---

Chân thành cảm ơn Đạo hữu Bình Anson đã gởi tặng tập sách này
Trình bày : Mỹ Hạnh - Thiện Hưng

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]