Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kinh Thập Thiện

23/05/201311:34(Xem: 18449)
Kinh Thập Thiện

Những bản kinh ngắn dịch từ Hán Tạng

Kinh Thập Thiện

Hòa Thượng Thích Trí Thủ dịch

Nguồn: Hòa Thượng Thích Trí Thủ dịch

MỤC LỤC

LỜI BÀN TRƯỚC KINH

I. Thiệt nghĩa của khế-lý
Thập-thiện nghiệp là mục-tiêu làm lành của thế-gian và xuất-thế gian
Thập-thiện là chánh-nhơn tạo thành nhơn-gian và thiên-quốc
Thập-thiện nghiệp là căn-bản của Bồ-Đề Niết-bàn
II. Ứng-dụng của khế-cơ
Đối-trị bệnh rong-ruổi theo bề ngoài mà bỏ quên nơi mình, để trở lại tu nơi mình
Đối-trị bệnh nói suông, chuyên trọng thật-hành
Đối-trị với hạng người hy-vọng cao xa mà phước-đức bạc-bẽo để tô-bồi nền phước-đức
A. GIẢI THÍCH ĐỀ KINH
B. KINH VĂN
ĐOẠN I: Chứng tín thuộc về tự thân
ĐOẠN II: Chánh thuyết thuộc về phần chánh tông
CHƯƠNG I: Nghiệp quả thế-gian và xuất-thế-gian
Từ nơi nhân mà nói đến quả
Từ nơi quả mà nói rõ nhân
Nói rõ về tướng của nhân
Quán tâm là vô-sanh
Quán pháp là như-huyễn
Khuyên nên tu-học
Đem tướng của nghiệp quả làm chứng
Dùng Phật quả làm chứng
Dùng Bồ-Tát làm chứng
Đem hàng Thiên-Long làm chứng
Đem các loài ở biển làm chứng
Kết khuyên tu-học


CHƯƠNG II: Thập-thiện nghiệp-đạo


Công-dụng của thiện-pháp
Giải thích tên của thiện-pháp
Tướng của 10 điều thiện


CHƯƠNG III: Công-đức của mười nghiệp lành


Công-đức xa lìa sát-sanh
Công-đức xa lìa trộm cắp
Công-đức xa lìa tà-hạnh
Công-đức xa lìa nghiệp vọng-ngữ
Công-đức xa lìa nghiệp hai lưỡi
Công-đức xa lìa nghiệp ác-khẩu
Công-đức xa lìa ỷ-ngữ
Công-đức xa lìa tham-dục
Công-đức xa lìa sân-nhuế
Công-đức xa lìa tà-kiến


CHƯƠNG IV: Thắng-hạnh của mười nghiệp lành


Lục-độ:
Rộng nói về bố-thí-độ
Lược nói về năm độ
Các hạnh khác:
Bốn vô lượng tâm
Bốn nhiếp-pháp
37 phẩm trợ đạo Bồ-đề
Nói rộng thêm

CHƯƠNG V: Kết luận thù-thắng của Thập-thiện-nghiệp

ĐOẠN III: Phần Lưu-thông

LỜI BÀN TRƯỚC KINH

Lời bàn nầy của Thái-Hư Đại-Sư giảng tại Hội Phật-Giáo Chánh-Tín ở Hán-Khẩu (Trung-Hoa).

Hôm nay giảng về kinh THẬP-THIỆN NGHIỆP-ĐẠO, trước khi giảng chánh văn, xin bàn qua mấy lời ở đầu kinh.

Chữ KINH của Phật-giáo, nói cho đủ là KHẾ KINH, nghĩa là Khế-lý và Khế-cơ. Chữ KHẾ nghĩa là hợp. Tất cả giáo-điển của Phật đều kiến lập trên nguyên-tắc ấy. "KHẾ-LÝ" là hợp với lý Chơn-thật của tất cả muôn sự muôn vật, là tánh tướng chơn-thật của muôn sự muôn vật, do trí huệ tuyệt đối của Phật tự mình chứng được rồi đem chỗ thân chứng ấy khai thị cho mọi loài sanh linh đều được chứng nhập. Ấy là Phật y theo nguyên-tắc khế-lý mà thuyết pháp vậy. KHẾ CƠ là hợp với cơ duyên của từng chủng loại, từng căn tánh, từng thời tiết nhơn-duyên. Đức Phật tìm phương tiện thích hợp với tất cả mọi loài mà thuyết pháp, chúng sanh đều được giác ngộ. Đủ hai nghĩa KHẾ LÝ và KHẾ CƠ ấy gọi là KHẾ KINH.

Nay căn cứ vào hai nghĩa trên mà nói nghĩa đại khái của Kinh nầy:

I THIỆT NGHĨA CỦA KHẾ LÝ.

– Là nghĩa chân thật hợp với lý chân-thật của muôn sự muôn vật, về tánh về tướng vậy.

Thiệt nghĩa hợp với chơn lý nầy không vì thời-gian mà biến đổi. Không vì không gian mà sai khác, không luận thời đại nào, địa phương nào, chủng loại nào, đều như thế cả. Nơi đây, xin chia làm ba đoạn để nói về nghĩa chơn thật hợp lý của Kinh Thập-Thiện Nghiệp-Đạo nầy.

1. Thập-thiện-nghiệp là mục tiêu làm lành của thế gian và xuất thế gian.

"Nghiệp" là hành vi: "Thập thiện nghiệp" là 10 hành vi lành.

Về thân có 3: không sát-sanh, không trộm cắp, không tà hạnh.

Về ngữ nghiệp có 4: không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói ác khẩu, không nói thêu dệt.

Về ý nghiệp có 3: không tham lam, không sân hận, không ngu si tà kiến.

Hợp cả thân, ngữ, ý thành 10 nghiệp lành, trái lại tức là 10 nghiệp ác.

Thiện và ác không nhất định, cần phải xem tánh chất của nó mà định nghĩa; nếu trong tâm thiện, thì phát hiện ra nơi hành-vi lợi lạc cho chúng sanh tức là thiện nghiệp. Tâm ác, thì hiện ra nơi hành-vi làm tổn hại chúng sanh tức là ác nghiệp. Hơn nữa, muốn biết thiện hay ác của 10 nghiệp về thân, khẩu, ý, ta hãy xem sự kết quả về tương-lai tốt hay xấu mà quyết định. 10 nghiệp lành nầy không những nơi hành-vi lành của thế-gian, mà trong kinh điển Phật đều nói đến. 10 nghiệp lành nầy là cơ bản hành-vi lành cả xuất thế-gian nữa vậy. Ở thế gian thì do những hành vi lành nầy mà đi đến kết quả tốt đẹp về Nhơn về "Thiện Thiên". Kết quả là "Trời" tức chỉ cho các chúng sanh ở thế giới tốt đẹp hơn loài người; đó là của những người tu theo 10 thiện nghiệp, vì tất cả quả báo của loài người và trời thành tựu được, đều do tu theo 10 điều lành này. Thông thường người ta cho những hành vi đạo đức của loài người là theo 5 giới trong Phật-pháp của hàng tại gia thiệt hành. Nếu muốn sanh về các cõi trời thì cần phải có hành vi đạo đức của Thập thiện. Trời lại có 3 cõi: Cõi dục, cõi sắc, và cõi vô sắc; muốn sanh vào hai cõi sắc và vô sắc, lại cần tu theo tứ-thiền bát định nữa mới được; nhưng cũng căn cứ vào 10 nghiệp lành nầy làm căn bản; chỉ thêm vào một tầng nữa là cần phải có công phu tu các pháp thiền-định nữa mà thôi. Cho đến các hàng Thanh-văn, Duyên-giác và Bồ-tát, phát Bồ đề tâm, thoát ly ra ngoài tam giới, lợi lạc hữu tình, cũng không thế nào bỏ 10 nghiệp lành nầy mà thành tựu được; vì thế, Giáo-pháp Đại-thừa cũng đều thâu nhiếp vào trong 10 điều lành nầy. Nhờ có "giới" mới sanh thiền-định, nhờ thiền-định mới phát trí huệ; cho nên ở trong Thập địa Bồ Tát, Ly cấu địa về thứ hai, chính là nhờ Thập-thiện-nghiệp mà thành tựu. Căn cứ vào Thập thiện-nghiệp nầy mà tinh tấn tu giới định, đoạn trừ cùng tột đến chỗ nhỏ nhiệm của 10 nghiệp ác về thân, khẩu, ý; nhờ có định lực tăng cường, lòng không tán loạn, mới hoàn toàn thành tựu 10 hạnh lành. Đi sâu vào một tầng công phu nữa, cho đến khi nhờ sức thiền-định mà phát sanh trí huệ, cuối cùng đoạn trừ hết căn bản vô-minh, đánh tan tà kiến, hoàn toàn thân-chứng quả Vô-lậu Chánh-giác, đến đây mới là cứu cánh của Thập-thiện-nghiệp-đạo. Vì thế, sự nghiệp xuất thế của tam thừa thánh nhơn hầu hết đều bao quát trong thập-thiện-nghiệp. Chỗ chơn thiệt công năng của Thập-thiện nghiệp quyết định là như thế.

2. Thập-thiện là chánh nhơn tạo thành nhơn-gian và thiên quốc

Thập thiện không những là chánh nhân tạo thành nhân gian và thiên quốc, mà con đường thiết thiệt đi đến cảnh an lạc giữa thế gian cũng là thập thiện. Nếu muốn đạt đến mục đích an lạc trong nhơn gian, chính phải làm theo những hành vi không sát hại, không trộm cắp v.v... của thập thiện; nếu ai thực hành theo 10 thiện nghiệp thì không có việc gì là không thành tựu. Hiện tại sự thảm khốc tương tàn tương sát của nhân loại, chính là do kết quả của hành vi 10 nghiệp ác; giả sử tất cả đều làm theo 10 nghiệp thiện thì thế giới an lạc sẽ phát hiện ngay. Từ cá nhân cho đến đoàn thể, xã hội, thế giới, tạo thành một bể khổ mênh mông, chẳng biết đến đâu là bờ bến, đó đều là kết quả của sự không tu Thập thiện. Trên hoàn cầu, đại phàm có chút tư tưởng, từ các nhà tôn giáo cho đến các nhà học vấn, ai cũng nuôi hy vọng tạo thành một thế giới an vui tương thân tương ái; nếu thật hành theo 10 nghiệp thiện thì những lý tưởng Thiên đường cho đến Cực lạc đều phát hiện rất dễ dàng vậy. Thuyết Đại đồng của Trung quốc, và lý tưởng Hoàng kim thế giới của người Tây phương đều thiệt hiện không khó, cốt yếu là đổi mười hành vi ác trở thành 10 hành vi thiện. Hơn nữa, cũng có thể đổi cõi đời ác trược nầy, trở nên cõi thanh tịnh an vui. Nhân loại ngày nay chính cần phải tinh tấn một cách bao quát cùng khắp. Ngài Lô Sơn Huệ Viễn bảo rằng, thiệt hành theo 10 thiện nghiệp nầy, từ cá nhân cho đến một gia đình, một làng, rộng ra đến toàn quốc, thì phong tục được thuần mỹ, hình phạt được trừ bỏ, chính trị an ninh, trở thành một quốc gia thái bình thịnh vượng vv... Như thế thì luật chính là 10 thiện nghiệp. Không luận thời gian nào nếu muốn hưởng cảnh yên vui cần phải đi vào con đường ngay thẳng ấy. Phật dạy: "Trong bốn châu thiên hạ, Bắc Câu Lô Châu là tự tại an vui hơn cả, chính là kết quả của 10 Thiện nghiệp vậy". Lại nói: Vua Chuyển-luân Thánh vương ra đời thì bốn bể thái-bình, thiên hạ an lạc, nhơn gian đều tu 10 Thiện-nghiệp..." thế cũng đủ chứng cho lý nầy vậy.

3. Thập-thiện-nghiệp là căn bản của Bồ-Đề Niết-Bàn

Hai quả chuyển y Bồ-Đề Niết-bàn của Tam-thừa Thánh-Nhân đều lấy 10 Thiện nghiệp làm căn-bản. Vì 10 Thiện nghiệp là công năng ngăn đón các hành vi độc ác, triệt để đối trị tất cả hành vi bất thiện, tức là giải thoát sinh tử, chứng quả Niết Bàn. Đoạn trừ hết mầm mống của 10 ác nghiệp, thì công đức của 10 Thiện nghiệp mới phát triển đến viên mãn. Lại đem công năng ấy lợi lạc cho tất cả thế giới chúng sanh tức là viên mãn quả Đại-Bồ-Đề. Đây cũng là một định luật. Lẽ dĩ nhiên, không thể bỏ 10 Thiện nghiệp, hoặc chưa viên mãn 10 Thiện nghiệp, mà có thể chứng Tam thừa Thánh nhân được. Đã nói lược qua phần KHẾ LÝ dưới đây nói phần KHẾ CƠ.

II. ỨNG DỤNG CỦA KHẾ CƠ

Đức Phật thuyết pháp, bao giờ cũng thích hợp với căn cơ chúng sanh. Nay giảng giải Kinh Thập thiện nghiệp đạo nầy cũng chính là đem phương pháp ứng theo thời cơ mà đối trị. Hầu mong cứu vãn sự khổ não thảm khốc của thế giới chúng sanh, vì rằng muốn đổi sự thống khổ đau thương trở thành an vui hạnh phúc, ngoài Thập thiện ra, không thể tìm phương pháp gì hơn cả.

Đây cũng chia làm ba đoạn mà giảng.

1. Đối trị bệnh rong ruổi theo bề ngoài mà bỏ quên nơi mình, để trở lại tu nơi mình

Hiện tại thế giới đều ở trong bầu không khí ác liệt, thiên tai nhơn họa, nhơn loại đang quay cuồng trong vòng thống khổ, chưa biết đến đâu là bờ bến. Phương pháp cứu vãn không gì hơn là thiết thiệt tu hành theo 10 Thiện-nghiệp. Ta không nên oán trời, trách người và cũng không nên rong ruổi kêu cầu đâu xa lạ. Trách nhiệm chính ở nơi ta. Ta cũng không nên đổ lỗi cho hoàn cảnh, hoặc cho người nào, hoặc oán trách chế-độ xã hội bất lương, hoặc bắt tội điều kiện vật chất không đầy đủ; không biết tự trách mình, cứ mong cầu ở bề ngoài; nếu ở thế giới, mọi người đều có tư-tưởng ấy chắc rằng không ai là người ra chịu trách nhiệm. Nhưng dù có người chịu trách nhiệm đi nữa, mà ta không chịu đảm nhận tự lập ở nơi ta, nếu người nào mắc phải bệnh nầy, thiệt không có thuốc gì chữa được. Lại còn có những hạng người không mong cầu ở nơi người, không cầu ở nơi vật, mà chỉ cầu với Thượng-đế hay Quỷ thần cho đến tin Phật mà không ngoài mục đích cầu khẩn ấy, rốt cuộc chỉ là bắt bòng bóng giữa hư không mà thôi. Chơn ý-nghĩa của Phật pháp là dạy cho người ta hiểu biết chơn-lý nhân-quả, để trở lại cầu chính ở nơi mình. Như hồi Phật tại thế em Phật là A-Nan, tưởng ỷ lại vào Phật là được thành Phật, có nói rằng: "Thế nào Phật cũng ban cho phép Tam-muội" (Huệ ngã tam muội). Không chịu tự mình tu tập, rốt cuộc không khỏi mắc nạn với nàng Ma-đăng-già. Trong hàng đệ tử Phật Ngài An-Nan là đa-văn đệ nhứt, mà hoàn toàn không ỷ lại được nơi Phật. Vậy nên biết, Phật pháp hướng trách nhiệm về tự thân cả.

Nếu xa bỏ mình, cầu cứu với trời đất quỷ thần, mà muốn cải tạo thế-giới xã-hội, thì quyết định không thể nào được. Cần phải trước hết đem 10 ác-nghiệp ở trong tự tâm, đổi thành hành vi thiện, rồi sau cầu Phật mới có hiệu quả. Xưa Khổng-tử bị bịnh, Tử-lộ xin cầu đảo, Khổng-tử bảo: "Khưu nầy đảo đã lâu rồi vậy" Chính Nho học cũng thừa nhận sự ngoại cầu là vô dụng; phương pháp cốt yếu chỉ là tự mình phát-tâm chân chánh thực-hành, rồi lần lượt khuyên mọi người làm theo 10 Thiện-nghiệp mới mong vãn hồi được nhơn-tâm thế-đạo.

2. Đối trị bịnh nói suông, chuyên trọng thiệt hành

Hiện tại người ta cao-đàm hoạt-luận thuyết nầy thuyết nọ. Nào là nhân quyền, nhân đạo, việt thánh siêu phàm v.v... nhưng xét hành vi thực tế, không những không đem lại cho nhân quần một tia sáng gì gọi là siêu-hiền việt thánh, trái lại, càng nói lại càng làm cho nhân loại thống khổ thêm. Thậm chí con người không có giá trị là con người nữa. Bịnh nói suông cao-đàm hoạt-luận nầy, đã thành một bịnh thông thường cùng khắp đây đó ở dưới vòm trời. Cũng vì thế, xã hội chẳng có gì đáng gọi là đẹp đẽ: càng hô hào, càng vang dội, sự thực hành lại càng vô lực, mà sự nguy hiểm lại càng gấp bội hơn lên. Ông Mạnh-Tử bàn về việc ông Y-Doãn giam ông Thái-Giáp, nói rằng: "Có chí như Y-Doãn thì được, không chí như Y-Doãn thời soán-nghịch vậy" ở đây nên thêm vào một câu: "có tài năng như Y-Doãn thời được, không có tài năng như Y-Doãn thời nguy vậy"

Bởi thế chỉ có lớn lời khoe khoang không nhắm đích thực hành mà bảo rằng trị đời thì càng trị lại càng loạn thêm. Ví như trên đầu đội tảng đá nghìn cân mà múa nhảy, kết quả không nguy hiểm đến tánh mạng là ít lắm. Không những trị đời như thế, mà người học Phật cũng vậy. Như hạng người cuồng vọng đầu miệng khoe khoang cao đại, không kiêng kỵ gì, tự bảo mình là Phật rồi không sợ hãi gì nữa, tha hồ đàm-huyền, thuyết-diệu, mà cử chỉ thì không hiệp đạo một chút nào. Muốn dẹp trừ bịnh điên cuồng ấy, cần phải thực hành 10 Thiện-nghiệp; trái lại, dù cho tự xưng là đại-kỹ-thuật, đại-học vấn cũng chẳng qua ma-lực làm trợ duyên dắt dẫn, làm sa rớt vào tam-đồ ác-đạo mà thôi, không thể nào thành được hạnh Bồ-tát, chân chánh Phật tử.

3. Đối trị với hạng người hy vọng cao xa mà Phước đức bạc bẽo để tô bồi nền phước đức

Hiện tại người đời, lòng đã muốn so sánh với trời cao, mà phước mạng khác nào như giấy mỏng; không chịu tự tu phước đức, khi nào cũng muốn dằn ép người ta để nâng cao giá trị của mình. Nếu không biết thay đổi cõi lòng, vâng theo pháp Thập thiện để trau dồi đức hạnh thì hy vọng cao xa chừng nào lại càng hạ thấp mình xuống chừng ấy, không biết nương dựa vào đâu để cứu vớt. Lòng hy vọng cao xa không phải xấu, nhưng cốt yếu là cần phải tô bồi đức hạnh cho xứng mà thôi. Vô-lượng công đức Phật quả, oai thần tự tại của hàng thiên long v.v... đều là do phước đức tu Thập thiện mà thành tựu cả. Nếu chỉ có hy vọng cao xa mà không tu Thiện nghiệp, vun trồng cội đức, thì trọn ngày chỉ ra vào trong vòng phiền não, quyết không thể nào có kết quả mà còn đào thêm hầm thống khổ nữa. Ai là kẻ muốn cứu đời giúp người, càng nên lấy phước đức làm căn bản. Xưa có một vị Pháp sư giảng kính rất giỏi, mà rất ít người nghe, sau gặp một vị Thánh tăng bảo rằng: "Nhà ngươi chỉ thiếu phước đức, từ nay nên siêng tu đức hạnh, làm nhiều việc lợi ích cho người". Pháp sư y theo lời dạy mà làm, về sau, quả như lời Thánh tăng dạy thuyết pháp rất được nhiều người nghe theo. Vì thế, thiết tưởng ở đời muốn lập đại công, kiến đại nghiệp, quyết phải tô bồi phước đức, tu tập theo pháp Thập thiện, để làm kim chỉ nam, lợi mình và lợi người, mới hoàn toàn thỏa mãn ý muốn.

GIẢI THÍCH ĐỀ KINH

Phật thuyết kinh Thập-Thiện Nghiệp-đạo

Đời nhà Đường, Ngài Thiệt-Xoa Nan-Đà nước Vu-Điền dịch văn Phạn ra văn Trung-Hoa

Đại khái giáo-điển đạo Phật chia làm ba tạng Kinh, Luật, Luận. Đây thuộc về Kinh-tạng.

Như trên đã nói, KINH là Khế Kinh, nghĩa là những lời giáo huấn đúng chơn-lý, hợp lẽ phải, thuận căn-cơ, một khuôn khổ bất di bất dịch. Kinh nầy do Phật dạy nên gọi là PHẬT THUYẾT. Phật đây chính là ứng thân PHẬT THÍCH-CA MÂU-NI giáng sanh ở cõi Trung Ấn-độ, đầy đủ vô lượng phước-đức trí-tuệ, cứu-cánh viên-mãn đồng như hư không, khắp cả Pháp-giới ai cũng tôn kính. THÍCH-CA là họ của ngài, Tàu dịch là Năng-Nhơn, MÂU-NI là tên của Ngài, Tàu dịch là Tịch-Mặc. Y theo bản nguyện, thuận theo căn cơ chúng sanh mà khai thị tiếp dẫn, Ngài mới nói kinh THẬP-THIỆN NGHIỆP ĐẠO nầy. Mười điều thiện sẽ giảng rõ ở sau. Chữ NGHIỆP tức là hành vi, là những hành-vi về đạo-đức-học, về luân lý-học; theo Phật-pháp, có thể gọi là thiện-hạnh-học. Muốn định nghĩa chữ THIỆN-NGHIỆP cần phải căn cứ vào những hành vi đối với không gian, có lợi cả mình lẫn người, và đối với thời gian hiện tại, vị lai đều có ích. Nếu trái lại biết lợi mình, không biết nghĩ đến kẻ khác, hoặc là tham lợi chỉ trước mắt, không nghĩ đến thiệt hại về sau, đều thuộc về ác-nghiệp cả. Lấy mục đích lợi tha thiện nghiệp làm lợi ích chung cả đại chúng, kết quả cả mình và người đều lợi; lấy mục đích hại tha ác nghiệp làm tổn hại cho đại chúng, kết quả mình và người đều hại. Nội dung của THIỆN ÁC đại khái như thế. ĐẠO tức là con đường đi, THẬP-THIỆN NGHIỆP-ĐẠO tức là con đường quang-minh chính đại, đi đến cảnh giới an vui, không tối tăm hiểm trở như con đường thập ác. Đi trên con đường Thập-thiện-nghiệp, chắc chắn sẽ đến quả an vui của cõi trời, cõi người, hơn nữa có thể đạt đến Tam-Thừa Thánh-quả. Cho nên gọi là "THẬP-THIỆN NGHIỆP-ĐẠO"

KINH VĂN

Phần chữ lớn và đậm là phần Kinh, ngoài ra là các tiết mục phụ thêm để giúp dễ hiểu ý kinh mà thôi.

ĐOẠN I

THUỘC VỀ TỰ PHẦN

Tôi nghe như vầy, một thời Phật ở tại Long-cung Sa-kiệt-La, cùng tám ngàn chúng Đại-Tỷ-kheo, ba vạn hai ngàn các vị Bồ-tát Ma-ha-tát đông đủ.

ĐOẠN II

PHẦN CHÁNH-TÔNG

CHƯƠNG I

NGHIỆP-QUẢ THẾ-GIAN VÀ XUẤT-THẾ GIAN


chia làm 5 đoạn



TỪ NƠI NHƠN MÀ NÓI ĐẾN QUẢ

Bấy giờ Đức Thế-Tôn bảo Long-vương rằng: "Tất cả chúng sanh vì tâm tưởng khác nhau nên tạo nghiệp khác nhau, do vậy có sự xoay vần trong các thú.

TỪ NƠI "QUẢ" MÀ NÓI RÕ "NHƠN"

"Nầy Long-vương! Nhà ngươi có thấy ở trong hội nầy và các loài ở trong đại-hải hình-sắc, chủng-loại mỗi mỗi không đồng nhau không? Tất cả đều do tâm tạo thiện hay ác của thân-nghiệp, khẩu-nghiệp và ý-nghiệp mà gây nên cả".

NÓI RÕ VỀ TƯỚNG CỦA NHÂN

A. Quán tâm vô sanh

"Tâm ấy không có hình sắc, không thể thấy được, chỉ là do các Pháp nhóm họp như huyễn không thật, rốt-ráo không có chủ-tể, không có ngã và ngã-sở".

B. Quán pháp như huyễn

Tuy đều theo nghiệp, hiện ra không đồng; mà thật trong ấy, không có người tác-giả, nên tất cả các pháp, tự tánh như huyễn, đều là bất khả tư nghị.

C. Khuyên nên tu học.

Kẻ trí-giả biết thế rồi, nên tu thiện-nghiệp; nhờ vậy sanh ra uẩn, xứ, giới v.v... đều được đoan chánh, trông thấy không nhàm chán.

4. ĐEM TƯỚNG CỦA NGHIỆP-QUẢ LÀM CHỨNG

A. Dùng Phật quả làm chứng.

"Nầy Long-vương! Ngươi xem thân của Phật do trăm ngàn ức phước-đức mà sanh ra, các tướng trang-nghiêm, quang-minh chói rạng, phủ tất cả đại-chúng, dù vô-lượng ức các vị Tự-tại Phạm -Vương đều không thể hiển-hiện được. Những ai chiêm-ngưỡng thân của Như Lai, không ai là chẳng chóa mắt.


B. Dùng Bồ-Tát làm chứng.

"Ngươi lại xem đây, các vị Đại-Bồ-Tát diệu sắc trang nghiêm, tất cả đều do tu tập phước-đức thiện nghiệp mà sinh ra.

C. Đem hàng Thiên Long làm chứng

"Lại nữa, các hàng Thiên-Long Bát-Bộ thấy có oai thế lớn lao, cũng nhơn phước-đức của thiện nghiệp mà sanh".

D. Đem các loài ở biển làm chứng

"Này đây, các chúng-sinh ở trong đại-hải, hình sắc thô xấu, hoặc lớn hoặc nhỏ đều do hết thảy tưởng niệm của tự tâm gây ra bởi thân, ngữ, ý các nghiệp bất thiện, vậy nên tùy theo chỗ gây nghiệp mà tự thọ báo".

Đ. Kết khuyên tu học

Ngươi nay thường nên tu-học như vậy, cũng khiến chúng sanh rõ thấu nhân quả tu-tập thiện-nghiệp. Ngươi nên ở đây, chánh kiến bất động, chớ đọa trong tà kiến đoạn thường, đối với các phước-điền, hoan hỷ kính nhường. Vậy nên các ngươi cũng được nhơn thiên tôn kính cúng dường.

CHƯƠNG II

THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO

1. CÔNG DỤNG CỦA THIỆN PHÁP

"Long-vương nên biết, Bồ-tát có một phép, dứt tất cả các khổ của đường dữ, pháp ấy là gì? Nghĩa là ngày đêm thường nhớ, suy nghĩ quán sát pháp lành, làm cho các pháp lành, mỗi niệm mỗi tăng trưởng; không cho một hào ly bất thiện xen lẫn vào; tức là hay khiến cho các pháp hằng dứt, thiện-pháp viên-mãn, thường được thân cận các đức Phật, Bồ-tát và các thánh-chúng.

2. GIẢI THÍCH TÊN CỦA THIỆN-PHÁP

"Thiện-pháp là gì? nghĩa là thân của nhơn thiên, đạo Bồ-Đề của Thanh-văn, đạo Bồ-Đề của Độc-giác và Vô-thượng Bồ-Đề đều y-pháp ấy làm căn-bản và thành tựu. Cho nên gọi là thiện-pháp".

3. TƯỚNG CỦA MƯỜI ĐIỀU THIỆN

Thiện-pháp đây tức là mười nghiệp đạo thiện. Những gì là mười? Nghĩa là xa lìa sát-sanh, trộm cắp, tà-hạnh, vọng-ngôn, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ-ngữ, tham-dục, sân-nhuế và tà-kiến.

CHƯƠNG III

CÔNG ĐỨC CỦA MƯỜI NGHIỆP LÀNH

1. CÔNG ĐỨC XA LÌA SỰ SÁT SANH

Long-vương! nếu xa lìa sát-sanh thời được thành tựu mười pháp không còn bức não. Những gì là mười?

Đối với các chúng sanh cùng khắp bố-thí đức vô-úy;
Thường khởi lòng đại từ đối với chúng sanh.
Dứt sạch tất cả các tập khí (thói quen) giận hờn;
Thân thường không bệnh.
Sống mạnh lâu dài.
Thường được phi-nhơn (quỷ thần) ủng hộ,
Thường không ác mộng, thức ngủ an vui.
Diệt trừ oan kiếp, oán thù tự giải.
Không sợ sa đường dữ.
Khi chết sanh lên trời.
Ấy là mười công đức.

Nếu hồi-hướng đạo Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, sau khi thành Phật, được quả Phật thì tùy tâm tự tại sống lâu.

2. CÔNG ĐỨC XA LÌA TRỘM CẮP

Lại nữa Long-Vương! Nếu xa lìa trộm cắp thời được mười pháp bảo tín. Mười pháp ấy là gì?

Giàu có của cải; vua, giặc, nước, lửa và con hư không phá diệt;

Nhiều người thương mến;
Người không dối gạt;
Mười phương khen ngợi;
Không lo tổn hại;
Tiếng tốt đồn khắp;

Ở giữa đại chúng không sợ hãi;

Của cải, tánh mạng, hình sắc, sức lực, an vui, biện tài đầy đủ không thiếu;

Thường sẵn lòng bố thí;
Mạng chết sanh lên trời.

Nếu hồi hướng về đạo Vô-Thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, sau thành Phật, được chứng trí Thanh-tịnh Đại-Bồ-Đề.

3. CÔNG ĐỨC XA LÌA TÀ-HẠNH (TÀ-DÂM)

Lại nữa Long-vương! Nếu xa lìa Tà-hạnh, thời được bốn pháp, kẻ trí ngợi khen. Những gì là bốn?

Pháp căn điều thuận;
Xa lìa rộn ràng;
Được đời khen ngợi;
Vợ không ai xâm phạm.

Ấy là bốn công đức về chánh-hạnh. Nếu hồi hướng đạo Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, sau thành Phật, được trượng-phu ẩn-mật-tàng tướng.

4. CÔNG ĐỨC XA LÌA NGHIỆP VỌNG-NGỮ

Lại nữa Long-vương! Nếu xa lìa vọng-ngữ thời được tám pháp trời khen ngợi. Những gì là tám?

Miệng thường thanh-tịnh, thơm mùi hoa ưu-bát;

Được người tín phục;

Mở lời thành chứng, nhơn thiên kính mến;
Thường đem lời êm dịu, an ủi chúng sanh;
Được ý vui thù thắng, ba nghiệp thanh tịnh;
Nói không sai lầm, lòng thường hoan hỷ;
Mở lời tôn-trọng, nhơn thiên phụng hành;
Trí-huệ thù thắng không ai chế phục.

Ấy là tám món công đức về hạnh không vọng-ngữ. Nếu hồi hướng về đạo Vô-thượng Bồ-Đề, sau thành Phật được chơn-thiệt-ngữ của Như-Lai.

5. CÔNG-ĐỨC XA LÌA NGHIỆP HAI LƯỠI

Lại nữa Long-vương! Nếu xa lìa nghiệp hai lưỡi, thời được năm pháp không thể phá hoại. Những gì là năm?

Được thân bất hoại, không ai hại được;
Được bà con bất hoại, không ai phá hại;
Được lòng tin bất hoại, thuận theo bổn nghiệp;
Được pháp hạnh bất hoại, chỗ tu kiên cố;
Được thiện-tri-thức bất hoại; không dối lừa nhau.

Năm công đức này nếu hồi hướng về đạo Vô-thượng Chánh-đẳng, Chánh-giác, sau thành Phật, được quyến thuộc chơn-chánh, các tà ma ngoại đạo không thể phá hoại.

6. CÔNG ĐỨC XA LÌA NGHIỆP ÁC-KHẨU

Lại nữa Long-Vương! Nếu xa lìa ác-khẩu thời được thành tựu tám món tịnh-nghiệp. Những gì là tám?

Lời nói không trái pháp độ;
Lời nói có lợi ích;
Lời nói quyết lý;
Lời nói đẹp đẽ;
Lời nói thừa lãnh được;
Lời nói được tin dùng;
Lời nói không thể chê;
Lời nói được ưa thích;

Nếu hồi hướng đạo Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, sau thành Phật, đầy đủ phạm-âm-thanh tướng của Như-Lai.

7. CÔNG ĐỨC XA LÌA Ỷ-NGỮ (nói thêu dệt)

Lại nữa Long-Vương! Nếu xa lìa ỷ-ngữ, thì thành tựu ba món quyết-định. Những gì là ba?

Được người trí yêu mến;
Dùng trí như-thật đáp các người hỏi;
Ở nhơn thiên oai đức tối-thắng, không hư vọng.

Nếu hồi hướng Vô-thượng Chánh-đẳng, Chánh-giác, sau thành Phật, được Như-Lai thọ ký, chẳng có luống dối.

8. CÔNG ĐỨC XA LÌA THAM-DỤC

Lại nữa Long-Vương! Nếu xa lìa tham-dục thời được thành tựu năm món tự tại. Những gì là năm?

Ba nghiệp tự tại, các căn cụ túc;
Của cải tự-tại, oán-tặc, không cướp lại;
Phước đức tự tại, toại lòng yêu muốn, vật dụng đầy đủ;
Vương-vị tự tại, đồ vật quý lạ, đều được phụng hiến;

Những vật được, thù thắng xấp trăm lòng mong cầu; vì ngày xưa không bỏn sẻn ganh ghét.

Nếu hồi hướng Vô-thượng Bồ-Đề sau thành Phật, tam-giới đặc biệt tôn-trọng thảy đều kỉnh nhường.

9. CÔNG ĐỨC XA LÌA SÂN NHUẾ (sân hận)

Lại nữa Long-Vương! Nếu xa lìa sân-hận, thời được tám món tâm-pháp hỷ-duyệt. Những gì là tám?

Không có lòng tổn não;
Không còn sân hận;
Không có lòng gây kiện;
Lòng nhu-hòa, ngay thật;
Được từ tâm của bậc thánh giả;
Sẵn lòng làm lợi-ích an-lạc cho chúng sanh;

Thân tướng đẹp đẽ, chúng đều tôn-kính;

Do sự hòa-nhẫn; mau sanh về cõi phạm-thiên.

Nếu hồi hướng đạo Vô-thượng Bồ-Đề, sau thành Phật, được tâm vô ngại của Phật, người trông không chán.

10. CÔNG ĐỨC XA LÌA NGHIỆP TÀ-KIẾN

Lại nữa Long-Vương! Nếu xa lìa tà-kiến thời được thành-tựu mười pháp công đức. Những gì là mười?

Được ý vui chơn-thiện, bầu bạn chơn-thiện;

Thâm tín nhơn-quả; thà bỏ thân-mạng trọn chẳng làm ác.

Chỉ quy-y Phật, không quy y các thiên-thần;

Trực tâm chánh-kiến, xa hẳn tất cả ngờ vực cát hung;

Thường sanh nhân-thiên, không sa vào đường dữ;

Vô-lượng phước huệ, lần lữa thêm nhiều;

Xa hẳn đường tà, tu hành thánh-đạo;

Chẳng sanh khởi thân-kiến, bỏ các ác nghiệp;

Kiến giải vô ngại;

Chẳng bị các tai-nạn.

Ấy là mười điều; nếu đem hồi-hướng về quả Vô-thượng Bồ-Đề, sau thành Phật, mau chóng ngộ được tất cả Phật-pháp, thành tựu thần-thông tự-tại.

CHƯƠNG IV

THẮNG HẠNH CỦA 10 NGHIỆP LÀNH



LỤC ĐỘ

A. Bố-thí độ

Bấy giờ, đức Thế-Tôn lại bảo Long-Vương rằng: Nếu có Bồ-tát y thiện-nghiệp ấy, trong khi tu đạo, lìa nghiệp giết hại mà hành bố-thí, thường giàu của báu, không ai xâm đoạt, trường-thọ không yểu, chẳng bị tất cả oan tặc làm hại. Lìa nghiệp chẳng cho mà lấy, thiệt hành bố-thí, thường giàu của báu, không ai xâm đoạt, không ai sánh kịp, đều hay nhóm họp kho báu Phật-pháp. Lìa lỗi tà-hành mà làm bố thí, thường giàu của báu, không ai chiếm đoạt; trong nhà trinh thuận, mẹ và vợ con, không ai đem lòng dục mà xâm phạm. Lìa lời nói dối mà làm bố-thí, thường giàu của báu, không ai chiếm đoạt, không khởi các hủy báng, thâu giữ Chánh pháp, như lời thệ nguyện, chỗ làm thỏa mãn. Lìa lời nói chia rẽ (hai lưỡi) mà làm bố thí, thường giàu của báu, không ai xâm đoạt, quyến thuộc hòa thuận đồng vui một chí, thường không trái chống. Lìa lời nói thô dữ mà làm bố thí, thường giàu của báu không ai xâm chiếm, tất cả chúng hội, hoan hỷ quy-y, nói ra đều được tín thọ, không ai trái nghịch. Lìa lời nói vô nghĩa (ỷ ngữ) mà làm bố thí, thường giàu của báu, không ai xâm chiếm, nói chẳng uổng lời, người đều kính chịu, hay dùng phương tiện, khéo dứt các ngờ vực. Lìa lòng tham cầu mà làm bố thí, thường giàu của báu, không ai xâm đoạt, có được vật gì đều đem ban cấp, tín giải kiên cố, đủ oai lực lớn. Bỏ lòng giận hờn mà làm bố-thí, thường giàu của báu, không ai chiếm đoạt. Mau tự thành tựu, tâm trí vô ngại, các căn tốt đẹp, người thấy kính ưa. Xa lìa lòng tà đạo mà làm bố thí, thường giàu của báu, không ai chiếm đoạt, thường sanh vào nhà kính tín Chánh-pháp, thấy Phật, nghe pháp, cúng dường Chúng Tăng, thường chẳng quên mất lòng Đại Bồ-Đề. Ấy là bậc đại-sĩ trong khi tu Bồ-Tát đạo, làm 10 nghiệp lành, dùng bố-thí trang nghiêm mà được lợi lớn.

B. Lược nói về 5 độ

Như vậy Long-vương; Tóm lại mà nói: từ 10 thiện đạo dùng trì giới trang nghiêm hay sanh tất cả nghĩa lợi của Phật-pháp, đầy đủ nguyện lớn. Dùng nhẫn-nhục trang nghiêm, được viên-âm của Phật, đủ các tướng tốt. Dùng tinh-tấn trang nghiêm hay phá ma oán, vào Pháp-tạng của Phật. Dùng thiền-định trang nghiêm hay sanh niệm huệ, tàm quý, khinh an. Dùng trí huệ, trang nghiêm hay dứt tất cả phân biệt vọng kiến.

2. CÁC HẠNH KHÁC

A. Tứ vô lượng tâm.

Lòng từ trang nghiêm, đối với chúng sanh; không khởi não hại. Lòng bi trang nghiêm, thương các chúng sanh, thường không chán bỏ. Lòng hỷ trang-nghiêm thấy người tu thiện, lòng không ganh ghét. Lòng xả trang nghiêm, đối cảnh thuận nghịch, lòng không thương giận.

B. Bốn nhiếp pháp

Bốn nhiếp pháp trang nghiêm thường siêng nhiếp hóa tất cả chúng sanh.

C. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo bồ-đề

Niệm xứ trang nghiêm khéo tu tập bốn quán niệm xứ. Chánh cần trang-nghiêm hay dứt trừ tất cả các pháp bất thiện, thành tất cả pháp thiện. Thần túc trang nghiêm thường khiến thân tâm nhẹ nhàng vui vẻ. Năm căn trang nghiêm, thâm tín kiên cố, siêng năng không biếng nhác, thường không mê vọng, vắng lặng điều hòa, dứt các phiền não. Năm lực trang nghiêm, các oán đều diệt, không gì phá hoại. Giác-chi trang nghiêm, thường khéo giác ngộ tất cả các pháp. Chánh-đạo trang nghiêm được trí huệ chánh, thường hiện ở trước. Chỉ trang nghiêm, dứt sạch tất cả kiết sử. Quán trang-nghiêm, như thật biết tự tánh các pháp. Phương tiện trang nghiêm, chóng được thành tựu, đầy vui vô biên.

3. NÓI RỘNG THÊM

Long-Vương nên biết, 10 nghiệp thiện nầy, hay làm cho thập lực, tứ vô úy, 18 pháp bất cọng, tất cả Phật pháp, đều được viên mãn; vậy nay các người phải siêng tu học.

CHƯƠNG V

KẾT LUẬN SỰ THÙ THẮNG CỦA 10 NGHIỆP LÀNH

Long-Vương! Ví như tất cả thành ấp, xóm, làng đều y đại-địa mà được an trú, tất cả trăm hoa, cây cỏ bụi rừng cũng nương đại địa ấy mà được sanh-trưởng; thập-thiện nghiệp-đạo cũng thế, tất cả nhơn thiên y vào đó mà an lập, tất cả Thanh-văn, Độc-giác Bồ-đề, các hạnh Bồ-Tát, tất cả Phật-pháp đều y vào đại địa thập-thiện nầy mà được thành tựu.

ĐOẠN III

LƯU THÔNG

Phật dạy kinh nầy rồi, Sa-Kiệt-La Long-Vương và toàn thể Đại-chúng, tất cả thế gian, Thiên, Nhơn, A-tu-la thảy đều hoan hỷ tín, thọ, phụng hành.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]