- Lời tri ân của Giáo hội Tăng Già Nam Việt
- Lược trình việc phiên dịch bộ Nhị khóa hiệp giải
- Lời tựa tự chấn chỉnh lại bổn Nhị khóa hiệp giải
- Lời tựa giảo đính bộ Nhị khóa hiệp giải
- Lời tựa Nhị khóa hiệp giải hội bổn
- Tổng quát ý nghĩa thời kinh mai
- Tổng quát ý nghĩa thời kinh chiều
- Thời kinh khuya
- Mời xem phiên bản PDF với Scribd
Nhị khóa hiệp giải (bản mới có chỉnh sửa, bổ sung)
Lời tri ân của Giáo hội Tăng Già Nam Việt
Nguồn: Ngài Quán Nguyệt chú giải, Hòa Thượng Thích Khánh Anh Việt dịch
Phật Pháp hằng còn mãi ở thế gian là nhờ sự hoằng truyền sâu rộng trong quần chúng. Thiếu sự hoằng truyền, Phật pháp phải bị mờ và có thể đi lần đến chỗ tiêu diệt. Trong công đức hoằng truyền ấy, phiên dịch là một phần rất quan trọng.
Vì thế, thay mặt Giáo hội Tăng già Nam Việt, chúng tôi trân trọng xin ghi vào trang đầu Công đức quý báu và lớn lao của Hòa Thượng Khánh Anh, được kim Thượng thủ Giáo hội Tăng già Toàn quốc và Pháp chủ Giáo hội Tăng già Nam việt, dịch giả bộ „Nhị Khóa Hiệp Giải“ này. Đây không phải là lần đầu tiên Hòa Thượng góp công đức trong việc xây đắp nền đạo pháp nước nhà. Hòa Thượng là một trong các vị Trưởng lão đã sáng lập và xúc tiến phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Nam, như sư cụ Tuyên Linh Lê Khánh Hòa, cố Pháp chủ Huệ Quang v.v... Trong những ngày đầu của phong trào chấn hưng Hòa Thượng Khánh Anh đã đảm nhiệm chức vụ: Giáo sư ở trường Gia giáo tại chùa Giác Hoa (Sóc Trăng) ; Pháp sư giảng dạy ở Liên đoàn Phật học xã tại chùa Thiện Phước (Trà ôn); Đốc giáo tại Lưỡng Xuyên Phật học đường v.v...
Theo với thời gian, quý vị trưởng lão Hòa Thượng, những người bạn đồng hành đầu tiên của Hòa Thượng, đã lần lượt viên tịch, nay Hòa Thượng mặc dù tuổi già, thân bệnh, vẫn trung kiên với sứ mệnh của mình, hăng hái đứng ra nhận lãnh nhiệm vụ trọng yếu trong phong trào xương mãnh Phật giáo hiện đại.
Ngoài những công việc lãnh đạo phong trào nói trên, Hòa Thượng còn dùng nhiều thời giờ vào việc phiên dịch kinh sách mà bộ „Nhị Khóa Hiệp Giải“ này là một.
Chúng tôi tưởng không phải tán thán công đức của Hòa Thượng nhiều hơn nữa: Chỉ cái sự hiện diện của bộ kinh đồ sộ trên 500 trang này trong tay quý vị độc giả cũng đủ chứng minh một cách hùng mãnh sức làm việc và lòng nhiệt thành vì Đạo của Hòa Thượng Pháp chủ.
Trước công đức lớn lao ấy, Giáo hội Tăng già chúng tôi xin đời đời ghi nhớ.
●
Sau đây, chúng tôi cũng xin thành thật tri ân tấm lòng sốt sắng hộ pháp của thấy Thích Huệ Chơn ở chùa Như Lai Nam vang; người đã hoan hỷ cúng tiền để ấn tống 2000 bộ kinh này.
Điều đáng tán thán hơn nữa là lần này không phải là lần đầu tiên thầy Huệ Chơn mới làm công việc ấn tống lợi lạc này, mà trước đây thầy cũng đã nhiều lần ấn tống kinh sách rồi.
Vậy Giáo hội chúng tôi cũng như toàn thể độc giả xin chí thành hồi hướng công đức này cho thầy Huệ Chơn được dõng mãnh trên đường giải thoát và tất cả chúng sanh đồng thành Phật đạo.