Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hồi Hướng. Ý nghĩa tụng thủ Hộ Thần Chú

22/05/201313:05(Xem: 14577)
Hồi Hướng. Ý nghĩa tụng thủ Hộ Thần Chú

Lược giải Bổn Môn Pháp Hoa Kinh

Hồi Hướng
Ý nghĩa tụng thủ Hộ Thần Chú

Hòa Thượng Thích Trí Quảng

Nguồn: Hòa Thượng Thích Trí Quảng

HỒI HƯỚNG

Trên bước đường tu, hai phần phát nguyện và hồi hướng tuy không phải chính yếu, nhưng cũng rất quan trọng. Phát nguyện nhằm nói lên ý chí, quyết tâm làm việc gì, và khi đã đạt được mục tiêu, chúng ta sử dụng thành quả ấy để làm gì, gọi là hồi hướng.
Kết thúc Bổn môn, chúng ta tụng bài hồi hướng:
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo.
Bài này rút từ bài kệ hồi hướng của Đại Phạm Thiên vương trong phẩm thứ 7 kinh Pháp Hoa. Theo đó, bao nhiêu công đức của Đại Phạm Thiên vương tạo được do thỉnh Phật thuyết pháp, nghe pháp, tu hành, Đại Phạm đều hồi hướng cho ông và chúng sanh đều thành Phật.
Đại Phạm Thiên vương tiêu biểu cho quyền uy bậc nhất ở thế giới Ta bà. Tuy nhiên, ông cũng rất khổ sở với việc giữ của, chăn dân ở Ta bà. Vì đúng như tên gọi Ta bà, nơi có đủ thứ rắc rối, phiền toái, mà bắt buộc phải sống chung với nhau, tất yếu không thể bình ổn và việc lãnh đạo những người khó chịu, ích kỷ, đòi hỏi nhiều, nhưng đóng góp chẳng là bao. Tất cả bao vây, bức ngặt Đại Phạm, khiến ông lo sợ. Chỉ còn cách nhờ Đức Phật giải quyết, bởi lẽ tâm Phật truyền thông qua tâm chúng sanh, mới giáo hóa được.
Thực tế, chúng ta dễ nhận ra ý này. Gặp được vị chân tu đạo đức, giải thoát, tâm chúng ta tự nhiên thanh thản theo, trí sáng ra, thấy được đáp số cho mọi vướng mắc của cuộc sống. Đại Phạm Thiên vương đến cầu Đức Phật Đại Thông Trí Thắng cũng nói lên nghĩa này. Ông thỉnh Phật thuyết pháp, tức khai ngộ cho người thấy đúng, thì không còn vấn đề, ông điều hành việc nước mới dễ dàng. Trái lại, dân thấy ông bóc lột họ và ông coi họ như kẻ phá hoại, hiểu nhau dưới dạng tranh chấp như vậy thì khổ lắm.
Đức Phật khuyên Đại Phạm hay nói với chúng ta rằng, trên bước đường thể nghiệm Pháp Hoa, chúng ta đừng đính chánh khi bị người hiểu lầm. Làm cho họ hiểu đúng bằng cách của Phật Đại Thông Trí Thắng, ngồi yên 10 kiếp, bấy giờ, mười phương thế giới đều tự thông. Nói cách khác, chuyên nỗ lực tu hành, hết nghiệp, thì tất cả các loài đều thấy chúng ta tốt, đúng.
Tôi có kinh nghiệm trong pháp tu này. Thuở nhỏ, muốn làm cho cha mẹ, thầy bạn hiểu mình, nhưng chẳng được. Muốn tốt với người, nhưng họ không thương, cũng khổ. Cuối cùng, tôi tâm niệm chỉ cần Phật hiểu, nghĩa là gia công tu, đạt kết quả, đúng theo pháp hồi hướng, không giải thích, mà tự động một, hai người cho đến nhiều người hiểu tôi, cầu học với tôi, cùng chung xây dựng cảnh giới an vui.
Chúng ta tụng bài hồi hướng của Đại Phạm Thiên vương với ước mơ sao cho chúng sanh hiểu ta như Phật hiểu và chúng ta cũng hiểu họ như Phật hiểu. Từ ước mơ lý tưởng ấy cộng với công phu tu tập pháp này lâu ngày, dần dần sẽ thâm nhập đạo tràng vô tướng hay tu dưới dạng Bổn môn, mọi người đều hiểu nhau. Trái lại, nghi kỵ, chống nhau, không thể đạt đến quả vị Phật.
Tất cả hiểu biết nhau qua tuệ giác Như Lai, tức đạt đến sáng suốt hoàn toàn, tạo thành thế giới an bình vĩnh cửu, đó là ý nghĩa câu : Đệ tử và chúng sanh, đều trọn thành Phật đạo.
Sau đó, chúng ta tụng Tam tự quy y :
Tự quy y Phật, xin nguyện chúng sanh, thể theo đạo cả, phát lòng vô thượng.
Tự quy y Pháp, xin nguyện chúng sanh, thâm nhập kinh tạng, trí huệ như biển.
Tự quy y Tăng, xin nguyện chúng sanh, thống lý đại chúng, tất cả không ngại.
Nghĩa là tổng hợp tất cả công đức đã lễ Phật, sám hối, phát nguyện và hồi hướng để kết thành ngôi Tam bảo của tự tánh, không mượn quy y bên ngoài nữa. Tam tự quy tức ba đức tròn đầy là tự tánh Tam bảo : Bát nhã đức, Pháp thân đức và Giải thoát đức. Chúng ta trở về an trụ nơi bản tánh thanh tịnh rồi, cũng nguyện cho pháp giới chúng sanh đều được quy y với ngôi Tam bảo vô tận này.
Đối với pháp tu của Hiển giáo, đến phần Tam tự quy y là kết thúc.

Ý NGHĨA TỤNG THỦ HỘ THẦN CHÚ

Theo kinh nghiệm tu Bổn môn Pháp Hoa, tôi đặt pháp tu trì tụng thủ hộ thần chú vào phần kế tiếp Tam tự quy. Nghĩa là kết hợp Hiển giáo và tu Thiền mà vẫn chưa tạo thành thế giới an lạc, hiểu biết, nên ứng dụng thêm Mật giáo để chúng ta nương theo gia trì lực của Phổ Hiền, Dược Vương, Dũng Thí Bồ tát cho đến Tỳ Sa Môn Thiên vương, Trì Quốc Thiên vương và cả Thập La sát nữ.
Thật vậy, các vị này đã phát nguyện giữ gìn người trì kinh Pháp Hoa. Tuy các Ngài hiện thân Bồ tát, Long Thiên, thậm chí La sát, mà biết được bí mật tạng của Phật và sử dụng được thần chú của Phật, chứng tỏ các Ngài rất gần Phật.
Tuy chỉ có Bồ tát Phổ Hiền, Dược Vương và Dũng Thí cho chúng ta thủ hộ chú, nhưng phải hiểu ba vị này tiêu biểu cho tất cả. Tôi có độ cảm tâm mạnh với Bồ tát Phổ Hiền, nên đặt thần chú Phổ Hiền trước tiên. Ngài là biểu tượng của quyền uy cao tột, đến Ta bà với vô số Bồ tát, Bát bộ Thiên long thị tùng và đến đâu cũng có hoa trời mưa xuống. Mật ngữ của Ngài, tức tiếng nói của tâm, của sự chứng ngộ ; chúng ta chưa đạt đến trình độ tu chứng ấy, không thể nào hiểu được. Tuy nhiên, bằng lòng nhiệt thành và tâm thanh tịnh, tập trung cao độ, trì tụng thần chú Phổ Hiền, tôi đã nhận được lực gia bị của Ngài, giúp tôi thâm nhập áo nghĩa kinh, hành đạo tự tại những lúc khó khăn và tác động người chống đối trở thành người ủng hộ.
Dược Vương đã từng cứu thoát nhiều người và Dũng Thí Bồ tát chuyên hành bố thí cơm ăn áo mặc cho nhiều người. Hai vị này đã phát nguyện che chở người trì kinh Pháp Hoa, thì tất nhiên những người đã từng thọ ơn của Dược Vương và Dũng Thí Bồ tát cũng phải giúp đỡ lại người trì kinh Pháp Hoa.
Hai vị Thiên vương : Tỳ Sa Môn, Trì Quốc lãnh đạo các Long thần. Họ tuyên bố kính trọng, giữ gìn người trì kinh, khiến người dữ cũng không dám phá hại.
La sát là người chuyên thủ đoạn, ác xấu, nhưng La sát nữ, người đứng đầu của nhóm ác, cũng phát nguyện với Đức Phật là họ xấu với ai, nhưng không dám xấu với Phật và người trì kinh Pháp Hoa. La sát nữ còn khẳng định với những người ác rằng, nếu ai đụng đến người trì kinh Pháp Hoa, sẽ bị họ đánh bể đầu. Trước kia, tôi thường nghĩ người nữ là La sát phức tạp, nên tránh. Sau khi tụng thủ hộ thần chú La sát, tôi lại thấy thần chú này có hiệu lực tác động người dữ ác, khiến họ trở thành rất tốt, bảo vệ được cho ta.
Chúng ta tụng thần chú nhằm nhắc nhở các vị ấy đã phát nguyện ủng hộ người trì kinh Pháp Hoa sau Phật diệt độ, trong đó có chúng ta, thì các Ngài cần xử trí ra sao. Và chúng ta cũng tự xét lại mình xem đã sống đúng như di huấn của Phật hay chưa. Nếu chúng ta không làm đúng như Phật dạy, các vị này không thể nào giúp được.
Trên tinh thần trì tụng thủ hộ như vậy, khi gặp hoạn nạn, chúng ta cần kiểm xem mình vấp phải khuyết điểm nào. Riêng tôi, khi không đạt kết quả tốt, tự biết mình còn ghét bỏ họ. Nhưng sau khi lễ sám, trì tụng Pháp Hoa, chỉ còn Phật trong ta, buồn phiền, khó khăn để sang một bên. Chỉ lắng yên tụng năm chú thủ hộ hoặc một cũng được. Từ tâm thanh tịnh, tùy độ cảm tâm mà lưu xuất thần chú, mọi việc đổi khác hoàn toàn, chẳng những không chống đối, mà họ lại thương ta và giúp đỡ ta.
Tóm lại, chúng ta như pháp tu hành, dù ở nơi nào cũng được Bồ tát, hiện thân che chở bình yên, tạo điều kiện cho chúng ta tiến tu đạo hạnh. Sống trong cảnh giới an lành, chúng ta đọc tụng thần chú, nhớ ơn công đức giúp đỡ của các Ngài và ước mong các Ngài mãi mãi làm pháp lữ trợ duyên chúng ta thăng hoa trên đường giải thoát.
Sau khi tụng thủ hộ thần chú, chúng ta tụng bài tạ ơn tất cả những vị hữu hình, vô hình đã đến giúp đỡ :
Tất cả muôn loài đến nghe kinh
Quyết lòng bỏ vọng để cầu chân
Cùng nhau giữ pháp cho còn mãi
Chẳng phụ lời vàng của Thích Tôn
Làm cho lợi ích chốn Nhân Thiên
Muốn bỏ trần gian nỗi ưu phiền
Nương theo diệu nghĩa mà tu tập
Khi mãn duyên phàm được lên tiên
Hoặc về cõi Phật ngự đài sen
Nghiệp chướng nhiều đời bỗng lắng yên
Trần duyên thuận nghịch tâm không thiết
Liễu ngộ Pháp Hoa chứng đạo Thiền
Tâm từ mở rộng đến vô biên
Tướng hảo quang minh tự trang nghiêm
Mọi loài trông thấy lòng thanh thản
Diệu quả Bồ đề thể tịch nhiên.
Nam mô Hộ pháp chư Thiên Bồ tát.
Đoạn thứ nhất gồm 4 câu đầu, nhằm nhắc nhở ta và các vị đến cùng tu hoặc cùng nghe chúng ta tụng kinh. Tất cả đều phải nhớ mục tiêu duy nhất của đệ tử Phật là bỏ vọng cầu chân. Thật vậy, cần ý thức sâu sắc rằng chúng ta đang sống trong thế giới huyễn vọng, giả tạm, nên sao cũng được. Điều quan trọng đối với chúng ta là nương theo pháp Phật để trở về thế giới chân thật, thế giới của bản thể, của tự tâm giải thoát.
Tuy nhiên, trước khi từ giã cõi tạm bợ này, chúng ta cũng noi gương Đức Phật và các vị tôn đức tiền bối, làm điều gì lợi ích để lại cho đời, thể hiện ý nghĩa của pháp Phật, giúp cho người sau nương theo đó tu hành, mới không phụ lòng Đức Thế Tôn.
Bốn câu kế tiếp, cảnh giác chúng ta sống ở Ta bà, tất yếu phải chạm trán với nhiều phiền toái. Muốn không bị hệ lụy, có thể bỏ phiền não Ta bà để quy chân, chúng ta cần nương theo diệu nghĩa để tu tập.
Trên bước đường tu, ở giai đoạn một, tìm học văn tự của tam tạng giáo điển. Nhưng hiểu trên mặt văn tự chưa đủ, chúng ta phải tìm ý nghĩa sâu xa tiềm ẩn bên trong gọi là diệu nghĩa. Và quan trọng hơn cả là thể hiện cho được nghĩa vi diệu mà Phật muốn truyền trao ngay trong cuộc sống của chính mình. Vì vậy, những người học Phật, tu lâu, thông suốt giáo lý, nhưng không thể hiện đạo đức trong lời nói, trong việc làm, được coi như hạng tham chấp cho đến phạm tội phá pháp. Trái lại, bậc chân tu thâm nhập diệu nghĩa, tuy không nói nhiều, nhưng người có duyên gặp gỡ cảm thấy an lạc, vì nơi họ toát ra sức vi diệu, nét hiền lành, chân thật, đáng kính trọng.
Hành giả Pháp Hoa gắn liền tâm mình với áo nghĩa kinh, nên thân còn ở trần gian mà tâm thoát tục, ưu phiền không dính vào họ được. Sống an nhiên tự tại giữa cõi đời ô trược như vậy, thể hiện ngay trong hiện đời ý nghĩa "Mãn duyên phàm được lên tiên" hoặc tâm không vướng bận chút phiền não thì chắc chắn rời bỏ trần gian này, linh hồn thăng hoa cảnh giới chư Thiên dễ dàng. Trái lại, người chết mà tâm còn nặng tình nhiều thứ ở đây, sẽ đọa ba đường ác.
Chúng ta tự khẳng định mình từ hội Linh Sơn đến, nên phải giữ tâm bình thản, không lên tiên cũng về cõi Phật ngự đài sen. Sen nở trong bùn, hút tinh chất của bùn mà tỏa hương thơm cho đời. Chúng ta cũng vậy, ở ngay trần gian khổ lụy nhưng lòng vẫn trong sạch, cuộc sống vẫn cao quý, mang an lạc cho người. Đó là lý tưởng của người tu.
Ngự được đài sen thì nghiệp chướng nhiều đời bỗng chốc tan mất, người đáng ghét nhất chúng ta cũng thương được, mọi phiền não rắc rối tự động tiêu tan. Tuy nhiên, vì chưa đạt đến giải thoát hoàn toàn, nên cũng có lúc sen tàn, chúng ta lại rớt xuống bùn. Điều này dễ nhận ra trên bước đường trắc nghiệm pháp tu, khi nghiệp mất, ta rất tốt, lúc nghiệp hiện, cũng đủ thứ xấu ác như thường. Nhưng dù sao, cải thiện được nghiệp ác phần nào cũng đỡ hơn là đầy ắp nguyên vẹn xấu xa.
Ý thức như vậy, chúng ta cố gắng làm thế nào ở giữa chợ đời, chạm trán với toàn nghịch cảnh, cũng đừng để nghiệp sanh khởi, giữ tâm thanh thản giống như khi đối trước Phật trì kinh, nghiệp hết sạch.
An trú được niềm hỷ lạc của thế giới thánh thiện mầu nhiệm, chúng ta rất sợ bị phiền não nhiễm ô quấy rầy. Từ đó, tinh tấn thực hiện pháp "Trần duyên thuận nghịch, tâm không thiết", không bận lòng để tâm đến nó dù là vừa ý hay trái lòng ta.
Đạt được sở đắc ấy, chúng ta trở về bản tâm thanh tịnh; nghĩa là chứng đạo Thiền, thấy được sự vật chính xác và hành xử đúng theo quy luật diễn biến của nó. Lúc ấy, chúng ta không vướng mắc trần thế, nhưng tâm từ mở rộng đến bao la, nên ai thấy cũng phát tâm, an vui.
Chúng ta đọc bài Hồi hướng trên, nói lên lời chúc lành cho tất cả người tu, hữu hình vô hình, đồng thời cũng là lời nhắc nhở cảnh tỉnh chính ta và các pháp lữ để tất cả không bị đọa khi vào trần lao.
Kế tiếp, chúng ta tụng thêm :
NAM MÔ HỘ PHÁP CHƯ THIÊN BỒ TÁT
nghĩa là gởi lời cung kính đảnh lễ chào tất cả loài hữu tình vô tình cùng tham dự đạo tràng.
Kết thúc, chúng ta lạy ba lần :
NAM MÔ TỐI THƯỢNG THỪA VIÊN GIÁO DIỆU PHÁP LIÊN HOA KINH PHÁP HOA HỘI THƯỢNG PHẬT BỒ TÁT
để nói lên lòng tôn kính của chúng ta đối với kinh Pháp Hoa và chư vị Phật, Bồ tát trong hội Pháp Hoa.
Đối với chúng ta, bộ kinh này tiêu biểu cho ý nghĩa và sức sống cao tột, không gì có thể sánh bằng. Tuy ở vị trí tối ưu, nhưng bao dung tất cả pháp môn tu và bất cứ ai phát tâm Bồ đề đều có thể tiến tu được, không bỏ sót một loài nào. Trên mặt thể tánh thanh tịnh là Diệu pháp và trên hiện tượng giới cũng trọn vẹn lợi lạc cho muôn loài.
Ca ngợi kinh bằng tất cả chân tình và tâm thanh tịnh xong, chúng ta hướng về Vô tướng đạo tràng có đầy đủ Phật, Bồ tát và Thánh chúng mà đảnh lễ ba lạy nhằm trồng căn lành nơi các Ngài.
Kết duyên với các Ngài để chúng ta nhận được sự mật tá gia bị trên bước đường tu, vượt qua mọi chướng duyên, nuôi lớn tâm Bồ đề, đời đời kiếp kiếp không lui sụt cho đến thành tựu quả Vô thượng Đẳng giác.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]