Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm 2: Thuyết pháp

22/05/201311:38(Xem: 10650)
Phẩm 2: Thuyết pháp

Kinh Vô Lượng Nghĩa

Phẩm 2: Thuyết pháp

Việt dịch: Cư sĩ Hạnh Cơ

Nguồn: Hán dịch: Tam tạng pháp sư Đàm Ma Già Đà Da Xá, người Thiên-trúc, tại Trung-quốc, vào đời Tiêu-Tề

Khi đức Bồ-tát lớn Đại Trang Nghiêm cùng tám vạn vị Bồ-tát lớn khác nói bài kệ khen ngợi Phật xong, lại cùng nhau đồng bạch Phật rằng:
“Bạch Đức Thế Tôn! Tám vạn Bồ-tát chúng con, hôm nay, trong giáo pháp của đức Thế Tôn, có điều muốn hỏi, chẳng biết đức Thế Tôn có rủ lòng thương xót chỉ dạy cho không?”
Phật bảo Bồ-tát Đại Trang Nghiêm và tám vạn vị Bồ-tát rằng:
“Lành thay! Lành thay! Này thiện nam tử! Thật là đúng lúc để các ông nêu câu hỏi. Không bao lâu nữa Như Lai sẽ nhập niết bàn. Sau khi Như Lai nhập niết bàn thì sẽ không còn ai có điều nghi ngờ gì nữa. Vậy các ông muốn hỏi gì thì nên hỏi.”
Bấy giờ Bồ-tát Đại Trang Nghiêm cùng tám vạn vị Bồ-tát, liền đồng thanh bạch Phật rằng:
“Bạch Đức Thế Tôn! Hàng Bồ-tát lớn muốn chứng quả vị Giác ngộ cao tột một cách nhanh chóng, cần phải tu tập những pháp môn gì? Những pháp môn gì có thể giúp cho hàng Bồ-tát lớn nhanh chóng chứng được quả vị Giác ngộ cao tột?”
Phật bảo Bồ-tát Đại Trang Nghiêm và tám vạn vị Bồ-tát rằng:
“Này thiện nam tử! Có một pháp môn có thể giúp cho hàng Bồ-tát nhanh chóng chứng được quả vị Giác ngộ cao tột. Nếu có Bồ-tát nào tu tập pháp môn này thì có thể nhanh chóng chứng được quả vị Giác ngộ cao tột.”
“Bạch Đức Thế Tôn! Pháp môn đó tên gọi là gì? Nghĩa lí ra sao? Bồ-tát nên tu tập như thế nào?”
Phật dạy:
“Này thiện nam tử! Pháp môn đó được gọi là “Vô Lượng Nghĩa”. Bồ-tát muốn được tu học pháp mônVô Lượng Nghĩa, cần phải quán sát tất cả các pháp, từ xưa đến nay, tánh tướng đều rỗng lặng; không lớn không nhỏ, không sinh không diệt, không tiến không lùi, không đứng yên cũng không lay động; giống như hư không, không có hai pháp. Nhưng chúng sinh thì hư vọng phân biệt chấp trước, có đây có kia, có được có mất, rồi khởi niệm bất thiện, tạo các nghiệp ác, luân hồi trong sáu nẻo, chịu đủ mọi điều đau khổ, trải vô lượng ức kiếp không thể tự thoát khỏi. Hàng Bồ-tát lớn quán sát thật kĩ càng như thế, sinh lòng thương xót, phát tâm từ bi rộng lớn, muốn đến cứu độ. Bồ-tát lại quán chiếu sâu xa, thâm nhập vào tất cả các pháp để thấy rõ: pháp có pháp tướng như thế thì sinh như thế; pháp có pháp tướng như thế thì trụ như thế; pháp có pháp tướng như thế thì dị như thế; pháp có pháp tướng như thế thì diệt[27] như thế; pháp tướng như thế thì hay sinh pháp ác, pháp tướng như thế thì hay sinh pháp thiện; ba tướng trụ, dị, và diệt cũng giống như vậy. Bồ-tát cứ như thế mà quán chiếu bốn tướng, từ lúc khởi đầu cho đến lúc cuối cùng, thảy đều biết rõ. Thứ đến lại quán chiếu tất cả các pháp, từng niệm từng niệm không đứng yên, lúc nào cũng có cái mới sinh, lúc nào cũng có cái mới diệt; lại quán chiếu để thấy rõ bốn tướng sinh trụ dị diệt đang xảy ra ngay trong giây phút hiện tại. Quán chiếu như thế rồi, Bồ-tát lại thâm nhập vào căn tánh ham muốn của chúng sinh, để thấy rõ rằng, tánh ham muốn của chúng sinh thật là vô lượng, cho nên nói pháp cũng phải vô lượng; nói pháp vô lượng thì nghĩa lí cũng vô lượng. Vô Lượng Nghĩa là do từ một pháp sinh ra; một pháp đó tức là “vô tướng”. Vô tướng như thế tức là không có tướng nào mà chẳng có tướng, chẳng có tướng nào là không tướng, đó gọi là “thật tướng”. Hàng Bồ-tát lớn đã an trụ nơi tướng chân thật như thế rồi, thì tâm từ bi phát khởi rõ ràng, chắc chắn, không hư dối; đối với chúng sinh thật có thể cứu khổ. Khổ đã cứu rồi thì lại thuyết pháp, khiến cho chúng sinh được an vui.
“Này thiện nam tử! Nếu hàng Bồ-tát lớn có thể tu tập một pháp môn Vô Lượng Nghĩa như thế thì chắc chắn nhanh chóng chứng được quả vị Giác ngộ cao tột.
“Này thiện nam tử! Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa, văn lí sâu xa trên hết như thế, chân thật tôn quí không có gì sánh bằng, chư Phật ba đời đều cùng bảo hộ, không một ma vương ngoại đạo nào xâm nhập được, tất cả tà kiến sinh tử đều không thể phá hoại được. Cho nên, này thiện nam tử! Hàng Bồ-tát lớn nếu muốn nhanh chóng chứng được quả vị Giác ngộ cao tột, phải nên tu học Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩasâu xa trên hết này.”
Bấy giờ Bồ-tát Đại Trang Nghiêm lại bạch Phật:
“Bạch Đức Thế Tôn! Đức Thế Tôn nói pháp không thể nghĩ bàn, căn tánh chúng sinh cũng không thể nghĩ bàn, pháp môn giải thoát cũng không thể nghĩ bàn. Đối với các giáo pháp Đức Thế Tôn đã nói, chúng con không hề nghi hoặc; nhưng vì chúng sinh vẫn còn sinh tâm mê hoặc, cho nên chúng con lại xin hỏi tiếp: Bạch Đức Thế Tôn! Từ ngày Đức Thế Tôn thành đạo, cho đến nay đã hơn bốn mươi năm, thường vì chúng sinh mà nói ý nghĩa về bốn tướng của các pháp; những ý nghĩa về khổ, không, vô thường, vô ngã, không lớn, không nhỏ, không sinh, không diệt; tất cả đều là vô tướng; pháp tánh pháp tướng xưa nay vốn rỗng lặng, không đến, không đi, không hiện, không ẩn. Nếu có người nghe mà chứng được pháp Noãn, pháp Đảnh, pháp Thế-đệ-nhất;[28] hoặc chứng được các quả vị như Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán[29], Bích-chi Phật;[30] hoặc phát tâm bồ-đề tiến lên các bậc Sơ-địa, Nhị-địa, Tam-địa, cho đến Thập-địa.[31] Ý nghĩa của các pháp Đức Thế Tôn đã nói ngày trước, có khác gì với pháp nói ngày hôm nay, mà Đức Thế Tôn nói đây là‘kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa sâu xa trên hết, hàng Bồ-tát tu tập chắc chắn nhanh chóng chứng được quả vị Giác ngộ cao tột’? Việc này thế nào, cúi xin Đức Thế Tôn thương xót tất cả chúng sinh mà phân biệt giảng giải, khiến cho ở đời này và trong đời vị lai, nếu có ai nghe được pháp này thì không còn bị mắc trong lưới nghi nữa!”
Bấy giờ đức Phật dạy Bồ-tát Đại Trang Nghiêm rằng:
“Lành thay! Lành thay! Đại thiện nam tử! Ông đã có thể hỏi Như Lai được nghĩa lí đại thừa vi diệu sâu xa trên hết như thế, thì phải biết rằng ông là người có khả năng làm nhiều điều lợi ích và an lạc cho trời, người, cứu vớt đau khổ cho chúng sinh, đúng thật là tâm từ bi rộng lớn, đáng tin tưởng, không hư dối; do nhân duyên đó mà ông chắc chắn nhanh chóng chứng được quả vị Giác ngộ cao tột, và cũng giúp cho chúng sinh ở đời này và đời sau nhanh chóng chứng được quả vị Giác ngộ cao tột.
“Này thiện nam tử! Từ khi ta ngồi sáu năm ở cội cây bồ-đề, chứng được quả vị Giác ngộ cao tột, dùng Phật nhãn quán sát tất cả các pháp mà không thể tuyên nói, vì sao vậy? Vì tánh ham muốn của chúng sinh không giống nhau. Vì tánh ham muốn mỗi mỗi không giống nhau cho nên thuyết pháp phải dùng sức phương tiện, trải qua hơn bốn mươi năm chưa từng nói rõ nghĩa lí chân thật, đạo quả chúng sinh từng chứng được cũng sai khác, không nhanh chóng chứng được quả vị Giác ngộ cao tột.
“Này thiện nam tử! Giáo pháp ví như nước, có thể rửa sạch các nhơ uế. Dù là nước giếng, nước ao, nước khe, nước suối, nước rạch, nước sông, hay nước biển cả, đều có thể rửa sạch nhơ uế; nước pháp kia cũng như vậy, có thể tẩy trừ mọi cấu uế phiền não cho chúng sinh. Này thiện nam tử! Tính chất của nước chỉ có một, nhưng nước giếng, nước ao, nước khe, nước suối, nước rạch, nước sông, nước biển cả thì khác biệt nhau; tính của pháp kia cũng như vậy, khả năng tẩy trừ phiền não thì không khác nhau, nhưng ba pháp[32], bốn quả[33], hai đường[34] thì không đồng nhau. Này thiện nam tử! Nước tuy rửa sạch tất cả, nhưng nước giếng không phải là nước ao, nước ao không phải là nước sông rạch, nước suối khe không phải là nước biển; Như Lai có hùng lực ở thế gian, đối với các pháp đều tự tại, các pháp từng nói ra cũng giống như vậy. Các pháp nói ở lúc đầu, nói ở lúc giữa, hay nói ở lúc sau, đều có thể tẩy trừ phiền não cho chúng sinh, nhưng pháp nói ở lúc đầu không phải là ở lúc giữa, ở lúc giữa không phải ở lúc sau; pháp nói ở lúc đầu, lúc giữa và lúc sau, văn từ tuy một mà nghĩa lí đều khác.
“Này thiện nam tử! Khi ta từ cội cây bồ-đề đứng dậy, đi đến vườn Nai[35] ở thành Ba-la-nại[36], vì nhóm ông A Nhã Câu Lân vân vân năm người[37] mà chuyển bánh xe pháp[38], cũng nói các pháp xưa nay vốn rỗng lặng, chuyển biến không ngừng, sinh diệt trong từng giây phút. Sau đó vào lúc giữa, ở tại đạo tràng này và nhiều nơi khác, ta vì chúng Tì-kheo và hàng Bồ-tát tuyên nói, biện giải Mười hai nhân duyên[39], Sáu pháp qua bờ[40], cũng nói các pháp xưa nay vốn rỗng lặng, chuyển biến không ngừng, sinh diệt trong từng giây phút. Hôm nay lại ở nơi đây diễn nói Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa, cũng nói các pháp xưa nay vốn rỗng lặng, chuyển biến không ngừng, sinh diệt trong từng giây phút. Vì vậy cho nên, này thiện nam tử, các pháp nói lúc đầu, nói lúc giữa, hay nói hôm nay, văn từ thì đồng nhất mà nghĩa lí thì sai khác. Vì nghĩa lí sai khác cho nên kiến giải của chúng sinh cũng sai khác. Vì kiến giải sai khác nên sự đắc pháp, đắc quả, đắc đạo[41] cũng sai khác.
“Này thiện nam tử! Lúc ban đầu ta vì những người cầu các quả vị Thanh-văn mà nói pháp Tứ đế[42], vậy mà tám ức chư thiên đã hạ giáng nghe pháp và phát tâm Bồ-đề[43]. Lúc giữa ta vì những người cầu quả vị Bích-chi Phật mà nói pháp Mười hai nhân duyên ở khắp nơi, vậy mà đã có vô lượng chúng sinh phát tâm Bồ-đề, hoặc an trú nơi các quả vị Thanh-văn. Tiếp đó ta nói các kinh phương đẳng[44], mười hai bộ kinh[45], các kinh Đại Bát Nhã, Hoa Nghiêm, nhằm nêu lên công hạnh tu hành của hàng Bồ-tát trải qua nhiều đời kiếp, vậy mà đã có đến hàng trăm ngàn Tì-kheo, vạn ức trời người, vô lượng chúng sinh chứng các quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, hoặc an trụ nơi pháp nhân duyên của hàng Bích-chi Phật. Này thiện nam tử! Do ý nghĩa này mà biết rằng, pháp nói ra thì đồng nhau mà nghĩa lí thì sai khác; do nghĩa lí sai khác nên chúng sinh liễu ngộ khác nhau; do liễu ngộ khác nhau nên sự đắc pháp, đắc quả, đắc đạo cũng khác nhau. Vì vậy cho nên, này thiện nam tử, từ khi ta đắc đạo và khởi đầu nói pháp, cho đến hôm nay diễn nói kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa, chẳng có lúc nào ta không nói các pháp khổ, không, vô thường, vô ngã, không phải chân, không phải giả, không phải lớn, không phải nhỏ, xưa vốn không sinh, nay cũng không diệt, tất cả là vô tướng, pháp tướng pháp tánh không đến không đi, mà bốn tướng của chúng sinh[46] thì cứ vẫn biến thiên.
“Này thiện nam tử! Do ý nghĩa đó mà chư Phật không nói hai lời; chỉ dùng một âm mà ứng khắp các thứ tiếng; dùng một thân mà thị hiện trăm ngàn muôn ức na-do-tha vô lượng vô số hằng hà sa thân, trong mỗi một thân này lại thị hiện bao nhiêu trăm ngàn vạn ức na-do-tha a-tăng-kì hằng hà sa các thứ hình loại, trong mỗi một hình loại này lại thị hiện bao nhiêu trăm ngàn muôn ức na-do-tha a-tăng-kì hằng hà sa hình loại khác nữa. Này thiện nam tử! Thế thì cái cảnh giới sâu xa không thể nghĩ bàn của chư Phật, hàng Nhị-thừa[47] không thể biết được, ngay cả hàng Bồ-tát ở cấp Mười-trụ[48] cũng không theo kịp được, chỉ có Phật với Phật mới thấu rõ một cách rốt ráo mà thôi. Này thiện nam tử! Vì vậy cho nên ta nói Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa vi diệu sâu xa trên hết, văn lí chân thật tôn quí không có gì hơn, chư Phật ba đời đều cùng bảo hộ, không một ma vương ngoại đạo nào xâm nhập được, tất cả tà kiến sinh tử đều không thể phá hoại được, hàng Bồ-tát lớn nếu muốn nhanh chóng chứng được quả vị Giác ngộ cao tột, phải nên tu học Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩasâu xa trên hết này.”
Đức Phật nói như thế rồi, ba ngàn đại thiên thế giới[49] rung động sáu cách[50], bỗng nhiên từ không trung mưa xuống rất nhiều thứ hoa trời như ưu-bát-la, bát-đàm-ma, câu-vật-đầu, phân-đà-lị; lại rải xuống vô số các thứ hương trời, áo trời, chuỗi anh lạc và các thứ châu báu vô giá khác của cõi trời; tất cả các thứ ấy từ trên không trung xoay vòng rơi xuống, cúng dường Phật, chư vị Bồ-tát và đại chúng Thanh-văn[51]; các thức ăn cõi trời trăm vị trân quí đựng trong bát trời, tràn đầy sung mãn; cờ trời, phướn trời, lọng trời, nhạc khí vi diệu cõi trời đặt khắp các nơi, cùng hòa tấu để dâng cúng và khen ngợi Phật. Lại nữa, hằng hà sa thế giới chư Phật ở phương Đông cũng rung động sáu cách, cũng có mưa hoa trời, hương trời, áo trời, chuỗi anh lạc và các thứ châu báu vô giá khác của cõi trời; các thức ăn cõi trời trăm vị trân quí; cờ trời, phướn trời, lọng trời, nhạc khí vi diệu cõi trời cùng hòa tấu để cúng dường và khen ngợi chư Phật, chư vị Bồ-tát và đại chúng Thanh-văn ở các thế giới ấy. Ở phương Nam, phương Tây, phương Bắc, bốn phương góc[52], phương Trên và phương Dưới cũng đều như thế.
Bấy giờ ở trong đại chúng có ba vạn hai ngàn vị Bồ-tát lớn chứng được chánh định Vô lượng nghĩa, ba vạn bốn ngàn vị Bồ-tát lớn đạt được vô lượng vô số môn đà-la-ni, có thể chuyển được bánh xe pháp bất thối chuyển của tất cả chư Phật trong ba đời. Các chúng tì-kheo, tì-kheo-ni, cận sự nam, cận sự nữ, trời, rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lâu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già; các vua đại Chuyển-luân, tiểu Chuyển- luân, Ngân-luân, Thiết-luân cùng các Luân vương khác; các vị quốc vương, vương tử, đại thần, quốc dân, nhân sĩ, phu nhân, trưởng giả, cùng hàng trăm ngàn quyến thuộc của họ, khi nghe Phật nói kinh này rồi, đều chứng nhập được hoặc là các pháp Noãn, Đảnh, Thế-đệ-nhất; hoặc là các quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi Phật; hoặc chứng được Bồ-tát Vô sinh pháp nhẫn[53]; hoặc đạt được một môn đà-la-ni, hai môn đà-la-ni, ba môn đà-la-ni, hay bốn môn đà-la-ni, cho đến năm, sáu, bảy, tám, chín, mười đà-la-ni; hoặc đạt được đến trăm ngàn vạn ức, cho đến vô lượng vô số hằng hà sa a-tăng-kì đà-la-ni; tất cả đều có thể tùy thuận chuyển bánh xe pháp bất thối chuyển, và vô lượng chúng sinh phát tâm bồ-đề vô-thượng.



Chú thích


[27] Sinh, trụ, dị, diệt là bốn tướng trạng (tứ tướng) của các pháp hữu vi: sinh ra, hiện hữu một thời gian, biến đổi hư hao, và hủy diệt.
[28] Noãn, Đảnh, Thế-đệ-nhất: là các căn lành (thiện căn) mà người tu hành cần phải gia công tu tập để chuẩn bị tiến lên bậc Kiến-đạo (tức Sơ-địa Bồ-tát), tức là vượt khỏi hẳn địa vị phàm phu để bước vào dòng thánh. Trong thời gian tu tập các căn lành này, hành giả được ở vào một địa vị tu tập gọi là địa vị Gia-hạnh (Gia-hạnh vị); địa vị này, từ thấp lên cao, gồm có bốn bậc:
1) Bậc Noãn (Noãn vị): Ở bậc này, tuy ngọn lửa trí tuệ vô lậu chưa đủ sức phát sinh, nhưng hơi ấmcủa ánh sáng trí tuệ cũng đủ sức giúp hành giả tiêu trừ phiền não, sinh thiện căn hữu lậu, tiếp cận với trí tuệ vô lậu.
2) Bậc Đảnh (Đảnh vị): Ở bậc này, thiện căn của hành giả chưa thực sự vững vàng, còn giao động; nhưng từ chỗ giao động đó mà phát sinh được thiện căn tối thượng, quán sát và thấy rõ bốn sự thật, như đứng trên đỉnh núi mà nhìn thấy bốn phương.
3) Bậc Nhẫn (Nhẫn vị): Ở bậc này hành giả xác nhận rõ ràng bốn sự thật đúng là chân lí (đích thực là khổ, đích thực là nguyên nhân của khổ v.v...); thiện căn đã được an định, không còn bị thối lui vào các đường dữ.
4) Bậc Thế-đệ-nhất (Thế-đệ-nhất vị): Đây là địa vị cao tột (đệ nhất) trong thế gian, là đỉnh cao nhất của trí tuệ hữu lậu. Nhờ thiền định không gián đoạn mà phát sinh trí như thật, quán sát thấy rõ cả năng thủ và sở thủ đều không; chỉ trong sát na kế tiếp là nhập vào địa vị Kiến-đạo, thực sự bước vào dòng thánh.
Bốn loại thiện căn trên đây tuy vẫn còn thuộc trong phạm vi thế gian hữu lậu, nhưng lại có công năng phát sinh loại thiện vô lậu của bậc Kiến-đạo, cho nên chúng được gọi là “thiện căn”, tức là gốc rễ của thiện pháp.
[29] Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán: là bốn quả vị tu chứng của hành giả thừa Thanh-văn.
1) Sơ-quả Tu-đà-hoàn: dịch nghĩa ra Hán ngữ là Dự-lưu (dự vào dòng thánh), Nhập-lưu (vào dòng thánh), hay Nghịch-lưu (ngược dòng sinh tử). Nếu tu theo hạnh Thanh-văn, thì đây là bước đầu tiên hành giả ở vào dòng thánh. Khi còn ở địa vị phàm phu, hành giả phải tu tập để đoạn trừ 88 sử kiến hoặc của ba cõi (xem chú thích số 56 ở sau), mới chứng được quả này.
2) Nhị-quả Tư-đà-hàm: dịch ra Hán ngữ là Nhất-lai. Hành giả (ở cõi Người) sau khi đã chứng quả Tu-đà-hoàn (tức đã đoạn dứt kiến hoặc ba cõi), đến lúc mạng chung sẽ sinh lên một cõi trời Dục giới, rồi từ đó lại phải sinh trở lại cõi Người một lần nữa để tiếp tục tu tập đoạn trừ 6 phẩm đầu của tư hoặc cõi Dục. -- Tư hoặc cõi Dục gồm 4 thứ phiền não tham, sân, si, mạn (xem chú thích số 56 ở sau), vì có sâu có cạn, có phần vi tế khó đoạn trừ, có phần thô sơ dễ đoạn trừ, cho nên được chia làm 9 phẩm, từ nhẹ nhàng cho đến nặng nề nhất: thượng thượng (nhẹ nhàng nhất), thượng trung, thượng hạ, trung thượng, trung trung, trung hạ, hạ thượng, hạ trung, hạ hạ (nặng nề nhất). 6 phẩm tư hoặc đầu, từ thượng thượng cho đến trung hạ, là phần dễ đoạn trừ hơn 3 phẩm cuối.
3) Tam-quả A-na-hàm: dịch ra Hán nghữ là Bất-hoàn. Hành giả (ở cõi Người) đã đoạn trừ 6 phẩm đầu của tư hoặc cõi Dục, chứng quả Tư-đà-hàm, sau khi mạng chung liền sinh lên một cõi trời Dục giới, tiếp tục tu tập để đoạn trừ nốt 3 phẩm tư hoặc cuối cùng (hạ thượng, hạ trung, hạ hạ) của cõi Dục thì chứng quả A-na-hàm; sau đó lại sinh lên cõi trời Tịnh-cư ở Sắc giới (không trở lại Dục giới nữa) để tiếp tục tu tập cho đến khi chứng quả A-la-hán.
4) Tứ-quả A-la-hán: Đây là quả vị cao tột của thừa Thanh-văn. Sau khi chứng quả A-na-hàm, hành giả tiếp tục tu tập để đoạn dứt tư hoặc trong ba cõi, mới chứng được quả vị này. Như vậy, A-la-hán là vị thánh đã dứt hết mọi thứ phiền não thuộc kiến tư hoặc trong ba cõi, nên danh xưng “A-la-hán” có nghĩa là “sát tặc” (tức đã diệt trừ hết giặc phiền não). Vì đã diệt trừ hết kiến tư hoặc trong ba cõi, nên vị thánh ấy giải thoát ra khỏi thế gian, không còn tái sinh vào ba cõi nữa, do đó, danh xưng “A-la-hán” cũng có nghĩa là “vô sinh”. Vị thánh ấy đã giải thoát khỏi ba cõi, vĩnh viễn sống trong cảnh giới niết bàn, không còn phải tu tập gì nữa, cho nên được xưng là bậc “vô học”; và xứng đáng được thọ nhận sự cúng dường của cả trời, người làm ruộng phước cho thế gian, cho nên danh xưng “A-la-hán” cũng còn có nghĩa là “ứng cúng”.
[30] Bích-chi Phật: là quả vị chứng đắc của hành giả thừa Duyên-giác. Quí vị hành giả trực tiếp được nghe Phật dạy nguyên lí “Mười hai nhân duyên”, hoặc sau khi Phật diệt độ mà có phước duyên được học tập giáo lí ấy, rồi theo đó mà quán chiếu tu tập, đạt được trí tuệ giác ngộ, gọi là hàng “Duyên-giác”, và quả vị chứng đắc của quí vị ấy được gọi là “Bích-chi Phật”. Mặt khác, quí vị hành giả sinh vào thời không có Phật, cũng không có Phật pháp, nhưng nhờ có công phu tu học sâu dầy từ đời trước, mà ở đời này, đứng trước cảnh biến chuyển sinh diệt của vạn pháp mà tự phát trí tuệ, thấy rõ tính chất vô thường của thế gian, tính chất vô ngã của mọi vật, tính chất duyên sinh của vạn pháp, nhân đó mà diệt trừ được tâm thức vô minh; hoặc giả họ ẩn cư trong chốn núi rừng, trông thấy cảnh hoa rơi lá rụng, rồi do một niệm sáng suốt làm cho tâm ý khai mở, màn vô minh bỗng chốc tiêu tan, tuệ giác hiển lộ; đó là những vị “Độc-giác”, và quả vị chứng ngộ của quí vị ấy cũng được gọi là “Phật Bích-chi”.
[31] Sơ-địa, Nhị-địa, Tam-địa cho đến Thập-địa: tức là các bậc trong mười bậc Địa của Bồ-tát.:
1) Sơ-địa, tức Hoan-hỉ-địa: Bồ-tát đã diệt trừ hết kiến hoặc ba cõi, thấy rõ tâm tánh, vượt khỏi địa vị phàm phu, bước vào dòng thánh, chứng ngộ chân lí “hai không” (ngã và pháp đều không), thành tựu bố thí độ, phát sinh niềm hoan hỉ lớn.
2) Nhị-địa, tức Li-cấu-địa: Bồ-tát đã dứt trừ tư hoặc, không còn phạm giới, thành tựu trì giới độ, thân tâm thanh tịnh.
3) Tam-địa, tức Phát-quang-địa: Bồ-tát diệt trừ vô minh si ám, chứng được ba minh, thành tựu nhẫn nhục độ, tâm sáng chiếu phát sinh.
4) Tứ-địa, tức Diễm-tuệ-địa: Bồ-tát tu tập trọn vẹn 37 phẩm trợ đạo, thành tựu tinh tấn độ, trí tuệ sáng rỡ.
5) Ngũ-địa, tức Cực-nan-thắng-địa: Bồ-tát vì lợi ích chúng sinh, ngoài thì học tập các thứ kĩ thuật, trong thì định lực vững chắc, thành tựu thiền định độ; đạt được địa vị này thật là khó khăn.
6) Lục-địa, tức Hiện-tiền-địa: Bồ-tát tu tập và an trú trong ba pháp tam muội không, vô tướng và vô nguyện, bao nhiêu ý niệm phân biệt về vạn hữu đều diệt hết, thật tướng của vạn pháp hiển lộ ở trước mắt, thành tựu trí tuệ độ (trí tuệ thấy rõ thật tướng các pháp, thấu suốt diệu lí bình đẳng của vạn pháp).
7) Thất-địa, tức Viễn-hành-địa: Bồ-tát dứt trừ các nghiệp quả, thị hiện các hành tướng một cách tinh tế, phát khởi hạnh nguyện thù thắng để hóa độ chúng sinh, thành tựu phương tiện độ, chuẩn bị hành trang lương thực cho cuộc đi xa trên đường hóa độ chúng sinh.
8) Bát-địa, tức Bất-động-địa: Bồ-tát dứt hết mọi sự dụng công, thành tựu nguyện độ, trú trong “vô sinh nhẫn”, thân tâm tĩnh lặng, không còn xao động.
9) Cửu-địa, tức Thiện-tuệ-địa: Bồ-tát dứt bỏ cả tướng của tâm, chứng nhập trí tuệ tự tại, đầy đủ thần thông rộng lớn, khéo léo hộ vệ pháp tạng của chư Phật, thành tựu lực độ, khéo léo vận dụng trí tuệ để soi sáng mọi việc.
10) Thập-địa, tức Pháp-vân-địa: Bồ-tát tập hợp rộng lớn vô lượng pháp môn, tăng trưởng vô biên phước đức và trí tuệ, thấu suốt mọi tâm hành của tất cả chúng sinh, tùy căn cơ mà nói pháp ba thừa, thành tựutrí độ (trí tuệ biết rõ các pháp, giữ vững trung đạo, không chán sinh tử, không ham niết bàn, tâm xả rộng lớn), giống như đám mây lớn, đổ xuống những trận mưa pháp lớn.
[32] Ba pháp (tam pháp): tức ba phương diện của Phật pháp là:
1) Giáo pháp: tất cả những lời dạy của đức Phật;
2) Hành pháp: người học Phật y theo giáo pháp mà tu hành;
3) Chứng pháp: người tu hành chứng ngộ chân lí. – Nói tắt là “giáo hành chứng”.
Mặt khác, tâm, Phật và chúng sinh cũng được gọi là “ba pháp không sai khác” (tam pháp vô sai).
[33] Bốn quả (tứ quả): tức bốn quả vị của Thanh-văn thừa: Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, và A-la-hán. (Xin xem chú thích số 29 ở trên.)
[34] Hai đường (nhị đạo): Có nhiều thuyết về “hai đường” khác nhau:
1) Hai đường đoạn hoặc và chứng ngộ chân lí, phát xuất từ luận Câu Xá, gồm có:
a) Đường không gián cách (vô gián đạo hay vô ngại đạo): vận dụng trí tuệ để đoạn trừ lậu hoặc (phiền não); trí tuệ này được vận dụng thường trực, không để cho lậu hoặc xen vào gián cách, trở ngại.
b) Đường giải thoát (giải thoát đạo): vận dụng trí tuệ quán chiếu và chứng ngộ chân lí; trí tuệ này thoát khỏi sự ràng buộc của lậu hoặc, chứng nhập chân lí một cách tự tại. Vô gián đạo được coi là nhân đạo ở niệm trước; giải thoát đạo là quả đạo ở niệm sau.
2) Hai đường khó tu và dễ tu, nguyên là cách phán giáo của tông Tịnh Độ, phát xuất từ Bồ-tát Long Thọ:
a) Đường khó tu (nan hành đạo): chỉ cho các giáo pháp không thuộc trong phạm vi tông Tịnh Độ; ví dụ: ở thế giới Ta-bà này mà tu tập “lục độ vạn hạnh” để chứng được quả thánh, là con đường khó tu.
b) Đường dễ tu (dị hành đạo): chỉ cho giáo pháp thuộc tông Tịnh Độ; tức là niệm Phật cầu vãng sinh về cõi Tịnh-độ, rồi ở nơi cõi đó tiếp tục tu tập cho đến khi thành Phật, đó là con đường dễ tu.
3) Hai đường hữu lậu và vô lậu, cũng phát xuất từ luận Câu Xá:
a) Đường hữu lậu (hữu lậu đạo): chỉ cho tất cả các pháp môn tu tập của hành giả khắp ba thừa trước khi bước vào dòng thánh (tức còn trong vòng phàm phu, chưa lên được địa vị Kiến-đạo).
b) Đường vô lậu (vô lậu đạo): chỉ cho các pháp môn tu tập của hành giả khắp ba thừa sau khi đã thoát khỏi địa vị phàm phu, bước lên địa vị Kiến-đạo, nhập vào dòng thánh.
4) Hai đường giáo và chứng, xuất phát từ luận Thập Địa Kinh:
a) Đường giáo (giáo đạo): chỉ cho các giáo thuyết do đức Phật phương tiện chỉ bày.
b) Đường chứng (chứng đạo): chỉ cho lí chân thật mà chư Phật đã chứng ngộ.
[35] Vườn Nai (Lộc-uyển, hay Lộc-dã, nay là Sarnath): là một khu rừng nằm cách khoảng 6 cây số về hướng Tây-Bắc của thành Ba-la-nại (nay là Varanasi, Ấn-độ), kinh đô của vương quốc Ca-thi (xem chú thích số 36 kế tiếp ở sau). Theo sự tích, vào thời quá khứ xa xăm, có vị quốc vương từ kinh thành Ba-la-nại đến khu rừng này săn bắn, đã giăng lưới bắt được cả ngàn con nai, trong đó có một con nai mẹ đang mang thai. Vì quá thương tâm, con nai chúa bèn xin nhà vua tha cho con nai đang có thai, rồi tự hủy mình trước nhà vua để chết thế. Quá cảm động trước sự việc bất ngờ, nhà vua tâm thần rúng động, liền truyền lệnh thả hết bầy nai, và dành hết khu rừng ấy cho nai ở, cấm tất cả thần dân không ai được tới đó săn bắn. Từ đó, bầy nai được sống an bình, và khu rừng đó được mọi người gọi là “Lộc-uyển” (hay Lộc-dã-uyển, Lộc-viên, nghĩa là vườn Nai). Ngày nay, nó là một trong các thánh tích quan trọng của Phật giáo.
[36] Thành Ba-la-nại: là kinh đô của vương quốc Ca-thi (Kasi), một trong 16 nước lớn của bán đảo Ấn-độ thời Phật tại thế. Trong 16 nước đó thì Ma-kiệt-đà và Kiều-tát-la là hai nước phát triển hùng mạnh và giàu có nhất. Hai đạo tràng quan trọng nhất của Phật thời đó là tu viện Trúc-lâm ở kinh thành Vương-xá của nước Ma-kiệt-đà, và tu viện Kì-viên ở kinh thành Xá-vệ của nước Kiều-tát-la. Ma-kiệt-đà nằm ở phía Nam sông Hằng, Kiều-tát-la nằm ở phía Bắc sông Hằng; nước Ca-thi thì nằm giữa hai nước này, cho nên kinh thành Ba-la-nại của nó nghiễm nhiên trở thành một điểm nối liền, một địa phương quan trọng trên đường đi lại của đức Phật và giáo đoàn từ Ma-kiệt-đà đến Kiều-tát-la, và ngược lại. Trước khi hai đạo tràng Trúc-lâm và Kì-viên được xây dựng thì thành Ba-la-nại đã nổi tiếng, vì vườn Nai ở cách đó khoảng 6 cây số về hướng Tây-Bắc, đã là nơi đức Phật chuyển Bánh Xe Pháp lần đầu tiên sau ngày Thành Đạo, độ cho nhóm sa môn 5 người của ngài Kiều Trần Như, đều được chứng quả A-la-hán, trở thành những vị thánh tăng đầu tiên của giáo đoàn Phật giáo. Chính nơi vườn Nai của thành Ba-la-nại, ngôi Tam Bảo lần đầu tiên xuất hiện ở thế gian. Ba-la-nại và vườn Nai đã từng là thánh địa của Phật giáo trong một thời gian dài. Đến cuối thế kỉ 12, khi quân Hồi giáo xâm lăng Ấn-độ, Phật giáo ở vùng này nói riêng, và trên khắp lãnh thổ Ấn-độ nói chung, đã bị đám quân tàn bạo ấy tàn hại và hủy diệt, cơ hồ không một vết tích gì còn tồn tại. Trong thời kì cận đại, thành phố này được gọi là Benares, và hiện nay thì đổi tên lại là Varanasi như cũ, Phật giáo và Ấn giáo hiện tại cùng được thịnh hành ở đó.
[37] A Nhã Câu Lân tức tôn giả A Nhã Kiều Trần Như. Đó là vị đệ tử lớn, nổi tiếng là người đệ tử xuất gia làm tì kheo và chứng quả A-la-hán đầu tiên của đức Phật. Từ lúc còn là đạo sĩ Bà-la-môn, cho đến lúc theo Phật xuất gia, ngài luôn luôn có bốn người bạn nữa cùng tu hành, làm thành một nhóm 5 người, mà trong các kinh thường gọi là “ngũ tì kheo”, gồm có: Kiều Trần Như (hoặc Câu Lân), A thị Thuyết (hoặc Át Bệ), Bạt Đề, Thập Lực Ca Diếp, và Ma Ha Nam Câu Lị.
[38] Chuyển bánh xe pháp (chuyển pháp luân): Bánh xe pháp (pháp luân) tức là Phật pháp. Cái bánh xe được dùng để thí dụ cho Phật pháp vì nó mang nhiều ý nghĩa: 1) Người Ấn-độ vào thời cổ đại đã dùng chữ “bánh xe” (cakra) để chỉ cho loại chiến xa dùng trên chiến trường. Nó có thể càn quét, đẩy lui quân địch; Phật pháp cũng vậy, có thể giúp chúng sinh diệt trừ tất cả vô minh phiền não để đạt được an lạc giải thoát. 2) Bánh xe là một vòng tròn đầy đặn, không có chỗ nào khuyết; Phật pháp cũng vậy, giáo pháp do đức Phật chỉ dạy thật tròn đầy, trọn vẹn, chân thật, không có bất cứ một khuyết điểm hay sai lầm nào. 3) Trách vụ của bánh xe là di chuyển không ngừng; Phật pháp cũng vậy, những lời Phật dạy không bao giờ nằm bất động ở một người nào hay đứng yên ở một mơi chốn nào, nhờ thế mà giúp ích cho tất cả chúng sinh ở mọi thời và mọi chỗ. Đức Phật hoằng dương giáo pháp của Ngài để chuyển mê khai ngộ cho chúng sinh, gọi là “chuyển pháp luân”. Sau khi thành đạo, Ngài đã đến vườn Nai ở gần thành Ba-la-nại trước tiên, khai mở giáo pháp “TỨ ĐẾ” để độ cho nhóm sa môn Kiều Trần Như 5 người; đó là lần chuyển pháp luân đầu tiên của Ngài ở thế gian.
[39] Mười hai nhân duyên (thập nhị nhân duyên): là mười hai điều kiện tương liên, là giáo lí căn bản của đạo Phật dùng để giải thích cái “bí ẩn” của hiện tượng sinh tử luân hồi, tức là sự hiện hữu của chúng sinh – màtrực tiếp là con người. Mười hai điều kiện ấy gồm có:
1) Vô minh: là trạng thái mê lầm, không sáng suốt, không nhận chân được thực tướng của vạn pháp, không thấy rõ tự tính của chính mình, do đó mà dẫn tới các hành động sai lầm, u tối.
2) Hành: là tác động vô thức của ý chí sinh tồn theo hướng vô minh đã thúc đẩy tạo nghiệp. Nó là khát vọng muốn sống một cách mù quáng. Tất cả những tư tưởng (ý), lời nói (ngữ) và hành động (thân) thiện hay bất thiện đều thuộc về hành.
3) Thức: Tất cả nghiệp nhân đã tạo ra đều được huân tập vào nghiệp chủng thức (hay nghiệp thức, tứca-lại-da thức). Thức này đi đầu thai và bắt đầu một sinh mạng mới. Lúc bà mẹ thụ thai, chính đó là lúc nghiệp thức kết hợp với tinh trùng và noãn châu của cha mẹ mà làm nên bào thai. Như vậy, THỨC chính là yếu tố nối tiếp giữa kiếp quá khứ và kiếp hiện tại, và là giai đoạn đầu tiên của đời sống hiện tại.
4) Danh sắc: Do nghiệp thức phát động mà phát hiện ra các hiện tượng tinh thần (danh) và vật chất(sắc) của bản thân con người. Đây là giai đoạn thứ hai của đời sống hiện tại. Trong giây phút đầu tiên khi bà mẹ thụ thai -- tức là lúc nghiệp thức kết hợp với tinh trùng và noãn châu của cha mẹ, thì DANH chính lànghiệp thức, và SẮC chính là tinh trùng và noãn châu.
5) Lục nhập: Sáu giác quan (lục căn: nhãn, nhĩ, tị. thiệt, thân, ý) dần dần hiện rõ theo sự phát triển của bào thai, từ chỗ thật giản dị lúc mới được tượng hình, trở thành vô cùng phức tạp khi con người đã trưởng thành toàn diện. Chúng hoạt động một cách hoàn toàn tự nhiên, mầu nhiệm, như một guồng máy tinh diệu. Những giác quan đều có những hoạt động và đối tượng riêng biệt. Sáu giác quan là sáu chỗ để cho sáu đối tượng (lục cảnh: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) phản ảnh vào, gọi chung là “lục nhập”.
6) Xúc: là sự tiếp xúc giữa các giác quan (căn) và đối tượng (cảnh) của chúng, như mắt tiếp xúc với cảnh vật, tai tiếp xúc với âm thanh, v.v...
7) Thọ: là cảm giác gây nên do sự tiếp xúc giữa các căn và cảnh. Có loại cảm giác dễ chịu, vui sướng, hạnh phúc, gọi là “lạc thọ”; có loại cảm giác khó chịu, buồn phiền, khổ đau, gọi là “khổ thọ”; có loại cảm giác trung tính, không dễ chịu cũng không khó chịu, gọi là “xả thọ”.
8) Ái: hay “ái dục”, là sự ham muốn, luyến áí, khao khát. Do có cảm giác mà sinh ra ái. Đối trước dục vọng trần cảnh (ngũ dục), con người sinh tâm luyến ái. Ái chính là sự luyến ái đối với sự sống, cho nên cái gì thích thì khao khát muốn có, cái gì không thích thì muốn tống khứ đi; đó là động cơ chính yếu thúc đẩy thân, ngữ ý tạo nghiệp.
9) Thủ: Khi đã luyến ái thì cố bám giữ lấy đối tượng. Vì luyến ái sự sống cho nên cố bám giữ sự sống; từ đó mà phát sinh những tư tưởng sai lầm là “có TÔI và có những cái THUỘC VỀ TÔI”. Mục đích của mọi ý nghĩ, ngôn ngữ, hành động, dù thiện hay bất thiện, đều nhằm bảo vệ và củng cố cho cái TÔI và những cái CỦA TÔI đó.
10) Hữu: Vì đam mê và cố bám giữ lấy đối tượng cho nên phải vướng mắc vào nghiệp báo do sự sống của mình tạo ra. “Hữu” nghĩa là có, tức là có những nghiệp nhân (thiện hay bất thiện) đã tạo ra ở kiếp này, và dĩ nhiên, có những nghiệp quả (vui sướng hay khổ đau, cũng tức là những cảnh giới của các loài chúng sinh khác nhau) sẽ thọ nhận ở kiếp sau.
11) Sinh: Nghiệp nhân đã tạo (hữu) ấy lại được huân tập vào nghiệp chủng thức (a-lại-da thức), và chính đó là dẫn lực đưa tới việc ra đời của sinh mạng mới ở kiếp sau.
12) Lão tử: Đã có sinh ra thì phải có già và chết.
[40] Sáu pháp qua bờ (lục độ) là sáu hạnh tu tập lớn lao của hàng Bồ-tát. Nhờ tu tập sáu đại hạnh này mà Bồ-tát có thể tự mình đến bờ giải thoát (tự độ) và đưa bao nhiêu người khác cùng đến bờ giải thoát (độ tha), gồm có:
1) Bố thí: san sẻ, giúp đỡ người khác bằng những gì mình có; có thể là những phương tiện vật chất như tiền bạc, của cải, cơm áo, thuốc men, v.v...; hay những phương tiện tinh thần như sự dạy dỗ, giảng thuyết để nâng cao trí tuệ, thấy rõ điều hay lẽ thật, quay về nếp sống cao thượng; hoặc bằng những lời hòa ái, khuyến khích, trấn an, và cả những hành động dũng cảm, đáng tin cậy để đưa người ra khỏi những nỗi sợ hãi, nghi nan, lo lắng, những tình trạng bế tắc, bối rối, khủng hoảng v.v... Tóm lại, trong tất cả mọi trường hợp, hành giả biết đem khả năng, thì giờ và tâm lực để phục vụ giúp đời, đều là những hành động bố thí chính đáng của người tu tập hạnh Bồ-tát.
2) Trì giới: giữ gìn giới hạnh để ngăn ngừa những hành động gây tội lỗi, tạo cho mình cái phong cách đoan trang, hành vi chánh đáng. Giới có khả năng giúp cho hành giả sống thường xuyên trong chánh niệm, tăng trưởng định lực và phát huy trí tuệ.
3) Nhẫn nhục: nhịn nhục và chịu đựng. Khi gặp nghịch cảnh không sinh tâm oán giận, không chất chứa oan cừu, gặp thuận cảnh không say mê tham đắm; tâm vững vàng, không bị lay động trước sức quyến rũ của ái dục, giàu sang, danh lợi, địa vị; không kiêu căng, tự mãn với những thành quả tốt đẹp do chính mình đạt được. Tóm lại, người có đức nhẫn nhục là người luôn luôn có thái độ hòa nhã, tâm an nhiên tự tại trong mọi trường hợp, nghịch cảnh cũng như thuận cảnh, thất bại cũng như thành công, chưa chứng đắc cũng như đã chứng đắc.
4) Tinh tấn: ý chí kiên trì, dũng mãnh của hành giả luôn luôn thăng tiến trên sự nghiệp giác ngộ. – Sống giữa hoàn cảnh xấu xa mà không bị ô nhiễm, gọi là “tinh”; tâm niệm lúc nào cũng hướng về sự nghiệp giác ngộ, gọi là “tấn”.
5) Thiền định: là trạng thái tĩnh lặng của tâm ý khi mọi loạn tưởng, vọng động đã hoàn toàn lắng đọng.
6) Trí tuệ: là tuệ giác sáng tỏ sau khi đã diệt trừ mọi phiền não, kiến chấp, vô minh, tâm ý hoàn toàn tĩnh lặng, thanh tịnh.
[41] Đắc pháp, đắc quả, đắc đạo: “Đắc pháp” là tâm đắc về một pháp môn, hiểu rõ yếu nghĩa, tông chỉ và hành trì trọn vẹn pháp môn ấy, từ đó mà đạt được thành quả giác ngộ. “Đắc quả” là chứng đắc các quả vị của ba thừa như Tu-đà-hoàn, A-la-hán, Bích-chi Phật v.v... “Đắc đạo” là do tu tập giới định tuệ viên mãn mà chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, tức quả vị Phật.
[42] Tứ đế: là bốn chân lí, bốn sự thật ở thế gian. Đó là bài pháp đầu tiên đức Phật thuyết tại vườn Nai, thành Ba-la-nại, sau khi thành đạo. Tôn giả Kiều Trần Như và bốn người bạn đồng tu nhờ nghe được bài pháp này mà chứng quả A-la-hán, trở thành năm vị đệ tử xuất gia và chứng thánh quả đầu tiên của đức Phật. Có thể nói, đó là giáo lí căn bản của đạo Phật. Tất cả kinh điển, giới luật, hay luận thuyết (thuộc tiểu thừa cũng như đại thừa) đều nhằm phát huy ý nghĩa sâu xa của giáo lí Bốn Sự Thật mầu nhiệm này.
1) Sự thật thứ nhất: sự có mặt của khổ đau (khổ đế). Sự có mặt của khổ đau trong đời sống thế gian là sự thật hiển nhiên, không ai có thể chối bỏ được. Cứ nhìn những việc xảy ra trong đời sống hằng ngày của chính mình, của gia đình mình, của bạn bè mình, của mọi người chung quanh mình, và của nhân loại toàn thế giới; cho đến các loài động vật, cả các loài thực vật, không chỗ nào là không tràn ngập khổ đau; dù giàu, dù nghèo, dù sang, dù hèn, dù già, dù trẻ, dù nam, dù nữ, tất cả, không ai là không có kinh nghiệm về khổ đau. Ngoài những nỗi khổ về sinh, già, bệnh, chết, còn vô lượng nỗi khổ đau khác, không thể kể hết được!
2) Sự thật thứ hai: nguyên nhân sinh ra khổ đau (tập đế). Bất cứ một hiện tượng khổ đau nào cũng đều do một hoặc nhiều nguyên nhân sinh ra. Khổ đau vô lượng thì nguyên nhân của khổ đau cũng vô lượng; nhưng một cách tổng quát, Phật dạy rằng, sự thiếu sáng suốt (vô minh), tâm tham dục, sân hận, oán thù, kiêu căng, nghi ngờ, tà kiến, chấp trước, là những nguyên nhân căn bản nhất, to lớn nhất đã sinh ra mọi đau khổ.
3) Sự thật thứ ba: sự chấm dứt khổ đau, hay sự có mặt của an lạc giải thoát (diệt đế). Tuy khổ đau là sự thật hiển nhiên của cuộc sống, nhưng đó không phải là những sự kiện bền chắc, vĩnh cửu đến độ không thể phá vỡ được; trái lại, đó là những sự kiện mà chúng ta có thể làm cho vơi bớt, thậm chí có thể tiêu diệt, chấm dứt, vượt thoát được. Khổ đau càng vơi bớt thì niềm vui càng lớn lên, chấm dứt được khổ đau thì liền có an lạc, vượt thoát được khổ đau thì được giải thoát. Cho nên, nếu khổ đau là sự thật hiển nhiên của cuộc sống, thì an lạc giải thoát cũng là sự thật hiển nhiên của cuộc sống.
4) Sự thật thứ tư: con đường diệt khổ để đạt được an lạc giải thoát (đạo đế). Muốn chấm dứt khổ đau để có được an lạc giải thoát, người tu học Phật phải biết cách tu tập bằng những phương pháp cụ thể và hữu hiệu. Các giáo lí nói về ba môn học giải thoát (tam vô lậu học), bốn lĩnh vực quán niệm (tứ niệm xứ), năm khả năng (ngũ căn), sáu pháp qua bờ (lục độ), bảy yếu tố giác ngộ (thất giác chi), tám nguyên tắc hành động chân chính (bát chánh đạo), v.v... đều có thể coi là những hướng dẫn căn bản, cặn kẽ, chính đáng, cụ thể và hữu hiệu mà người tu học phải áp dụng triệt để trong đời sống hằng ngày, để vượt thoát khổ đau, đem lại nếp sống an lạc, hạnh phúc cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội, cho đến cả muôn loài.
[43] Phát tâm bồ-đề hay bồ-đề vô-thượng: tức là phát tâm dũng mãnh tu hành cho đến khi thành Phật.
[44] Kinh phương đẳng: Phương đẳng, phương quảng, đại phương đẳng, hay đại phương quảng, là danh xưng dùng để chỉ chung cho các kinh điển đại thừa, có ý nói rằng, đó là những bộ kinh có văn từ phong phú, ý nghĩa vô cùng sâu xa, rộng lớn. Đó là một trong 12 bộ kinh (xin xem chú thích tiếp theo sau).
[45] Mười hai bộ kinh: là 12 thể loại của toàn bộ kinh điển Phật dạy:
1) Khế kinh (trường hàng): những lời dạy của đức Phật bằng văn xuôi, thường được gọi tổng quát là“Kinh”.
2) Ứng tụng (trùng tụng): những bài kệ tụng (hình thức thơ cổ) dùng để tóm tắt ý nghĩa của Khế kinh, cho nên thường được đặt ở sau và luôn luôn tương ứng với phần Khế kinh.
3) Kí biệt (thọ kí): lời Phật thọ kí cho các đệ tử sẽ thành Phật trong đời vị lai.
4) Phúng tụng (cô khởi): một bài kinh Phật dạy toàn dùng kệ tụng để diễn đạt, nhưng không phải là những bài kệ tụng tóm tắt kinh văn Trường hàng như thể loại Trùng tụng (số 2 ở trên).
5) Tự thuyết: đức Phật tự mở lời khai thị mà không đợi có người thỉnh cầu chỉ dạy.
6) Nhân duyên: nêu lên cái nhân duyên đưa đến trường hợp thuyết giáo của Phật -- thường là phẩm“Tựa” ở đầu mỗi bộ kinh.
7) Thí dụ: những ví dụ Phật đưa ra trong lúc giảng thuyết để giúp thính chúng hiểu ý kinh dễ dàng hơn.
8) Bản sinh: các kiếp tu hành đời trước của đức Phật do chính Ngài thuật lại.
9) Bản sự: những hành vi cùng phẩm hạnh của các vị Bồ-tát và thánh chúng đệ tử trong các kiếp trước do đức Phật thuật lại.
10) Phương quảng: kinh điển Phật nói có văn từ phong phú, giáo nghĩa sâu xa rộng lớn; đặc biệt chỉ cho toàn thể kinh điển đại thừa.
11) Hi pháp (vị tằng hữu): những sự việc ít có của Phật và chư vị đệ tử được ghi chép trong kinh.
12) Luận nghị: những lời nghị luận rành mạch, rõ ràng của đức Phật nhằm giúp thính chúng hiểu rõ về thể tánh của vạn pháp.
[46] Bốn tướng của chúng sinh: tức bốn tướng trạng sinh, già, bệnh, chết của tất cả chúng sinh.
[47] Nhị-thừa: tức hai thừa Thanh-văn và Duyên-giác. Quả vị tối cao của thừa Thanh-văn là A-la-hán, và của thừa Duyên-giác là Bích-chi Phật. “Bậc Nhị-thừa” là danh xưng thường thấy trong kinh điển, dùng để chỉ chung cho các hành giả Thanh-văn và Duyên-giác.
[48] Mười-trụ (Thập-trụ): Thể nhập lí bát nhã gọi là “trụ”. Mười-trụ là cấp thứ nhì (sau cấp Mười-tín) trong 7 cấp (gồm 52 bậc) trên tiến trình tu tập của hàng Bồ-tát. Cấp Mười-trụ gồm có 10 bậc như sau:
1) Trụ Phát-tâm: Hành giả phát khởi 10 lòng tin (thập tín), tín phụng Tam Bảo, không khởi tà kiến, không gây trọng tội, tu tập các pháp môn, học rộng, trí tuệ cao, ngộ nhập cảnh giới chân không, trụ ở tánh không.
2) Trụ Trì-địa: Hành giả đã trụ nơi tánh không cho nên tâm thường sáng tỏ, trong sạch; được như vậy là vì trong lúc hành giả mới phát tâm thì tâm ấy liền trở thành vi diệu, dùng làm nền tảng vững bền như đất.
3) Trụ Tu-hành: Trí tuệ từ hai bậc trước đã sáng tỏ, hành giả du hành trong mười phương mà không bị trở ngại.
4) Trụ Sinh-quí: Thọ nhận một phần khí lực của Phật, thông tỏ sâu xa, được nhập vào dòng giống Như Lai.
5) Trụ Phương-tiện cụ-túc: Tu tập vô lượng căn lành, tự lợi lợi tha, phương tiện đầy đủ, tướng mạo không chỗ nào khiếm khuyết.
6) Trụ Chánh-tâm: Tâm đồng với Phật.
7) Trụ Bất-thối: Thân tâm hòa hợp, ngày càng thăng tiến đến quả Phật, không còn thối lui.
8) Trụ Đồng-chân: Mười thân tướng thiêng liêng của Phật (thân bồ đề, thân nguyện, hóa thân, thân trụ trì, thân tướng tốt trang nghiêm, thân thế lực, thân như ý, thân phước đức, trí thân, pháp thân) đồng thời đầy đủ.
9) Trụ Pháp-vương-tử: Hành gỉa trở thành đứa con tinh thần của bậc Pháp Vương (Phật), thừa tiếp sự nghiệp của Phật.
10) Trụ Quán-đảnh: Với thân phận là Pháp-vương-tử, hành giả được Phật rưới nước trí tuệ lên đầu, như vị hoàng tử dòng Sát-đế-lị, lúc lên ngôi chịu lễ Quán-đảnh do một đạo sĩ Bà-la-môn chủ trì.
[49] Ba ngàn đại thiên thế giới (tam thiên đại thiên thế giới): Trong kinh nói, trong cõi hư không có vô lượng vô số thế giới. Đơn vị nhỏ nhất của thế giới được gọi là “tiểu thế giới”, gồm có một quả núi Tu-di ở trung tâm; vây quanh bốn phía núi là bốn châu thiên hạ (Đông Thắng-thân châu, Nam Thiệm-bộ châu, Tây Ngưu-hóa châu, Bắc Câu-lô châu); phía trên có sáu cõi trời Dục-giới và cõi trời Sơ-thiền của Sắc-giới; phía dưới là các tầng địa-luân, kim-luân, thủy-luân, và phong-luân. Đó là phạm vi của một tiểu thế giới. Hợp lại một ngàn tiểu thế giới như thế, với cõi trời Nhị-thiền của Sắc-giới bao trùm ở trên, làm thành một “tiểu thiên thế giới”. Hợp lại một ngàn tiểu thiên thế giới như thế, với cõi trời Tam-thiền của Sắc-giới bao trùm ở trên, làm thành một “trung thiên thế giới”. Hợp lại một ngàn trung thiên thế giới như thế, với cõi trời Tứ-thiền của Sắc-giới và bốn cõi trời Vô-sắc-giới bao trùm ở trên, làm thành một “đại thiên thế giới”. Như vậy, một đại thiên thế giới gồm 3 bội số của một ngàn tiểu thế giới, tức bằng một tỉ tiểu thế giới; vì có ba bội số của một ngàn như thế cho nên được gọi là “ba ngàn đại thiên thế giới” (chứ không phải ba ngàn đại thiên thế giới là bằng ba ngàn tỉ tiểu thế giới). Dù tính ra được con số như thế, nhưng trong kinh điển, ba ngàn đại thiên thế giới cũng được gọi là “một đại ba ngàn thế giới” (nhất đại tam thiên thế giới), hoặc “ba ngàn thế giới” (tam thiên thế giới), chứng tỏ rằng, danh xưng “ba ngàn đại thiên thế giới” (hay “ba ngàn thế giới” v.v...) chỉ nói lên cái ý nghĩa vô hạn, chứ không phải là một con số nhất định; ngay chữ “đại” (大) trong danh xưng này cũng đã nói lên cái ý nghĩa rộng lớn, vô lượng vô số ấy. Và trong cõi hư không vô biên có vô số cái “ba ngàn đại thiên thế giới” như thế. Cũng theo trong kinh nói, ba ngàn đại thiên thế giới là phạm vi giáo hóa của một đức Phật, như vậy có nghĩa là, ba ngàn đại thiên thế giới là một Phật quốc.
[50] Rung động sáu cách (lục chủng chấn động): Những lúc có sự việc vĩ đại xảy ra, như Phật đản sinh, thành đạo, chuyển pháp luân v.v... thì khắp đại địa rung động. Sự rung động này xảy ra sáu cách, được gọi là sáu tướng. Kinh Đại Phẩm Bát Nhã nêu ra sáu phương rung động như sau: bên Đông vọt lên bên Tây chìm xuống; bên Tây vọt lên bên Đông chìm xuống; bên Nam vọt lên bên Bắc chìm xuống; bên Bắc vọt lên bên Nam chìm xuống; bốn bên vọt lên chính giữa chìm xuống; chính giữa vọt lên bốn bên chìm xuống. Kinh Tân Hoa Nghiêm nêu ra sáu tướng rung động của đại địa gồm có: rung động, vùng dậy, vọt lên, vang dội, gầm rống, khua đập.
[51] Đại chúng Thanh-văn: tức chư vị tì-kheo và tì-kheo-ni đã chứng hoặc chưa chứng quả A-la-hán.
[52] Bốn phương góc (tứ duy): tức bốn hướng ở xen kẽ giữa bốn hướng chính (Đông, Nam, Tây, Bắc), đó là: Đông-Nam, Tây-Nam, Đông-Bắc, và Tây-Bắc.
[53] Vô sinh pháp nhẫn (hay vô sinh nhẫn): Thật tướng chân như xa lìa hẳn các tướng sinh diệt, gọi là “vô sinh pháp”; chân trí tuệ an trú nơi pháp vô sinh này, không còn bị xao động, gọi là “vô sinh pháp nhẫn” -- gọi tắt là “vô sinh nhẫn”. Bồ-tát dùng trí tuệ bát nhã quán chiếu thấy rõ tự tánh các pháp vốn là không, các pháp không hề có sinh khởi (cũng không có tiêu diệt), cho nên không hề bị xao động trước các pháp, gọi là Bồ-tát chứng “vô sinh pháp nhẫn”.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]