Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương III: Nguyên thỉ Phật giáo và Tam tạng thánh điển

21/05/201319:01(Xem: 11395)
Chương III: Nguyên thỉ Phật giáo và Tam tạng thánh điển

Lịch sử Phật Giáo Ấn Độ

Pháp sư Thánh Nghiêm

Thích Tâm Trídịch

---o0o---

CHƯƠNG III

NGUYÊN THỈ PHẬT GIÁO VÀ TAM TẠNG KINH ĐIỂN

TIẾT I - II: PHẬT GIÁO NGUYÊN THỈ

Cách Phân Kỳ của Lịch Sử Phật Giáo

Sau khi Phật nhập Niết bàn, Ngài trở thành nhân vật lịch sử. Đối với cách phân kỳ của lịch sử Phật giáo Ấn Độ, các học giả cận đại vẫn chưa đồng ý và chấp nhận lấy “thuyết” nào làm chuẩn mực, hiện tại xin đơn cử năm thuyết để tham khảo.

I. THUYẾT TAM KỲ CỦA ĐẠI SƯ THÁI HƯ - NGƯỜI TRUNG HOA.

a) Thời sơ kỳ, năm trăm năm là thời “Tiểu chương Đại ẩn” (Tiểu thừa sáng lộ, Đại thừa tiềm ẩn).

b) Thời kỳ năm trăm năm thứ hai là thời “Đại chủ Tiểu tùng” (Đại thừa là chủ yếu, Tiểu thừa nương theo).

c) Thời kỳ năm trăm năm thứ ba là thời “Mật chủ Hiển tùng” (Mật giáo là chủ yếu, Hiển giáo nương theo)(1). Nhưng, lúc về già đại sư Thái Hư cải đổi cách phân kỳ trên thành; Tiểu hành Đại ẩn, Đại chủ Tiểu tùng, Đại hành Tiểu ẩn, Mật chủ Hiển cùng(2). Cách phân kỳ này tuy có giá trị, nhưng quá sơ lược.

II. CŨNG CÓ THUYẾT PHÂN LÀM BA KỲ.

a) Từ đức Thích Tôn đến Bồ tát Long Thọ là thời kỳ Phật giáo phát triển một cách căn bản.

b) Từ Bồ tát Long Thọ đến đại luận sư Pháp Xứng là thời kỳ hưng thịnh của Phật giáo Đại thừa.

c) Từ Pháp Xứng đến thời Hồi giáo xâm nhập Ấn Độ, khoảng năm trăm năm sau đó là thời kỳ Phật giáo suy đồi. Cách phân kỳ giáo pháp theo lối này, căn bản chỉ khái quát Phật giáo từ khi Phật còn tại thế là thời Phật giáo nguyên thỉ cho đến lấy thời Bộ phái Phật giáo sau Phật nhập diệt ước khoảng một trăm năm. Cách phân kỳ này còn ẩn tàng sự lẫn lộn.

III. CÓ MỘT THUYẾT TAM PHÂN KỲ KHÁC.

a) Từ đức Thích Tôn đến Bồ tát Long Thọ là thời kỳ Phật giáo phát triển một cách căn bản.

b) Từ Bồ tát Long Thọ đến đại luận sư Pháp Xứng, là thời kỳ hưng thịnh của Phật giáo Đại thừa.

c) Từ Pháp Xứng đến thời Hồi giáo xâm nhập Ấn Độ, khoảng trăm năm sau đó là thời kỳ Phật giáo suy đồi. Cách phân kỳ giáo pháp theo lối này, căn bản chỉ khái quát Phật giáo từ khi Phật còn tại thế là thời Phật giáo nguyên thỉ cho đến lấy thời Bộ phái Phật giáo sau Phật nhập diệt ước khoảng một trăm năm. Cách phân kỳ này còn ẩn tàng sự lẫn lộn.

III. CÓ MỘT THUYẾT TAM PHÂN KỲ KHÁC.

a) Từ đức Thích Tôn thành đạo cho đến một trăm năm sau khi Phật nhập diệt là thời kỳ Phật giáo Nguyên thỉ.

b) Từ sau Phật nhập diệt, ước khoảng một trăm năm, đến ngài Long Thọ là thời kỳ Tiểu thừa Phật giáo phát triển.

c) Từ Long thọ cho đến đệ nhị Pháp Xứng là thời kỳ Đại thừa Phật giáo hưng thịnh. Thuyết này với thuyết của Kimura Taiken, và thuyết của Vũ Tỉnh Bá Thọ đại loại giống nhau.

IV. LONG SƠN CHƯƠNG CHÂN V.V... ĐƯA RA THUYẾT BỐN KỲ.

a) Thời kỳ Phật giáo nguyên thỉ.

b) Thời đại Bộ phái Phật giáo.

c) Thời đại Phật giáo Đại thừa.

d) Thời đại Mật giáo.

Thuyết này lấy hậu kỳ của Phật giáo Đại thừa thiết đặt thành thời kỳ Mật giáo, và lấy thời đại Bộ phái Phật giáo thay cho thời Tiểu thừa Phật giáo. Về sau Phật giáo nguyên thỉ làm cơ sở chung cho sự phát triển của Phật giáo Tiểu thừa, và các phái Đại thừa. Do đó, thuyết này đáng gọi là có kiến giải hay.

V. THUYẾT NĂM KỲ CỦA PHÁP SƯ ẤN THUẬN.

a) Thời đại đức Phật lấy “Thanh văn làm gốc mà điểm đồng qui là giải thoát.

b) Lấy bốn trăm năm sau Phật diệt độ làm “Sự xẻ dòng của Thanh văn theo khuynh hướng Bồ tát”.

c) Sau Phật nhập diệt, từ bốn thế kỷ đến bảy thế kỷ là thời lấy “Bồ tát làm gốc, có sự pha trộn giữa Đại thừa và Tiểu thừa.

d) Sau Phật nhập diệt bảy trăm năm đến một nghìn năm, là thời “Bồ tát phân lưu về khuynh hướng Như Lai”.

e) Sau Phật nhập diệt một nghìn năm cho đến mãi về sau lấy “Như Lai làm gốc của thanh tịnh Phật nhất thể”. Đây là dựa vào diễn biến phát triển tư tưởng và giáo đoàn để khảo sát. Quan điểm này về đại thể tương đồng với quan điểm của đại sư Thái Hư, nhưng phân tích chân xác hơn.

Duy có điều cách phân kỳ tư tưởng này của pháp sư Ấn Thuận có tính độc lập xin đọc tác phẩm “Phật Giáo Ấn Độ” của ở chương một - trang 4 đến trang 8.

Bộ sách này trình bày cách phân kỳ của các nhà mà không có sự “lấy bỏ” nhà nào làm chuẩn, chỉ thuần lược thuật có tính tham khảo: vì vậy vấn đề chính là chương mục, chứ không hẳn là sự chia cắt.

- Giáo Lý Phật Giáo Nguyên Thỉ.

Nói đến Phật giáo nguyên thỉ là nói về “ngôn hành” của đức Phật khi Ngài còn tại thế, qua đó đức Phật đã tự thân ấn chứng về ngôn hành của các đệ tử Ngài. Những điều vừa nêu chỉ tìm thấy trong kinh A Hàm, và trong Luật bộ; nhưng kinh A Hàm so với Luật bộ, thì kinh A Hàm qua lần kết tập thứ nhất, thứ nhì là đã có sự thêm bớt. Thậm chí có thể nói nội dung của kinh A Hàm hiện tại không hoàn toàn còn giữ nguyên diện mạo nguyên thỉ của nó. Nhưng nếu không căn cứ vào những ghi chép trong kinh A Hàm thì không dựa vào đâu để tìm ra diện mạo đích thực của Phật giáo nguyên thỉ.

Giáo lý của Phật giáo nguyên thỉ quả thực là cực kỳ đơn giản. Đức Phật không bao giờ huyễn đàm về những gì mang tính “hình nhi thượng” (siêu hình, hoang đường, không tưởng), hoặc đàm thuyết về những kinh nghiệm lý tính. Ngài dạy con người đạo lý giải thoát một cách thực tiễn. Ngay thời bấy giờ, các đệ tử thỉnh cầu đức Phật giảng cho họ biết về cảnh giới Niết bàn, và Ngài giữ thái độ mặc nhiên không đáp. Bởi theo Ngài, người chưa chứng đắc Niết bàn lại cùng họ nói về Niết bàn ở cõi trời Tam Dạ Tam Thiên thì đó rõ ràng là chuyện nói nghe cho vui. Còn đối với người thực tế đã chứng đắc Niết bàn, thì có nói cũng chẳng giúp được tơ hào nào cả!

Đức Phật là người loại bỏ tất cả mọi sự phiền tạp, và Ngài cũng là người cực kỳ khéo léo vận dụng thí dụ. Với chúng đệ tử, mỗi khi thuyết pháp đức Phật chỉ dạy những lời cần dạy, tuyệt nhiên không chút rườm lời.

Nội dung thuyết pháp được Ngài khai thị theo thứ lớp, và không vượt ra ngoài Tứ thánh đế, thập nhị nhân duyên, và Bát chánh đạo. Các đề mục này đã lược giới thiệu chương II.

Chẳng hạn khi bạn chưa tiếp cận đạo Phật, lúc ấy bạn chưa hiểu thế nào là tu học Phật pháp, thì việc đầu tiên Phật giáo sẽ nói cho bạn rõ là nên giữ cho “thân, khẩu, ý, mệnh trong sạch, không ô uế, thì túc mạng chung được sinh về cõi người”. Còn nếu bạn biết “huệ thí, nhân ái, làm lợi ích cho người với nhiều điều tốt lành” thì khi “thân hoại mạng chung sẽ sinh về cõi trời Thiên xứ”(3). Đấy là trước hết dùng phép tu “nhân thiên” để giúp bạn hiểu nên như thế nào để được sinh cõi trời, cõi người, thứ đến giúp bạn tự điều chỉnh nhân cách sống sao cho mọi người kính trọng. Khi bạn đã qui y Tam Bảo và giữ năm giới cấm, lúc ấy căn lành của bạn sẽ trở nên lớn mạnh. Lúc ấy Phật giáo sẽ khai mở pháp môn giải thoát để bạn đi vào. Tu thiện pháp để sinh về cõi trời, cõi người là điều mà nhiều người tin theo và giữ gìn, nhưng pháp môn giải thoát thì duy nhất có đức Phật là người có kinh nghiệm tự thân chứng ngộ. Điều khẩn yếu là đức Phật không những không dùng “quyền uy” thông dụng của Thần giáo để bảo rằng bạn là kẻ có tội, rồi bảo bạn hãy chuộc tội, rửa tội. Đức Phật chỉ đưa ra phương pháp đơn giản, rõ ràng, rồi khuyên bạn y theo phương pháp thực tiễn đó mà tu tập thì sẽ đi đến kết quả tốt lành. Do đó, trong tinh thần của Phật giáo nguyên thỉ, tất cả mọi thần thoại và những điều mê tín hoàn toàn không có chỗ đứng.

- Thế Giới Quan của Phật Giáo Nguyên Thỉ

Chương trước có nói “nếu bỏ bản vị con người để chỉ thuần khảo sát thế giới, thì đó không phải là bản hoài của đức Phật”. Trong kinh Tiễn Dụ(4)Tôn giả Man Đồng Tử (Màlunkya Dutta) hỏi đức Phật: “đời là thường hay đời là vô thường? Đời là hữu chung (cùng tận) hay đời là vô chung? v.v... vị Tôn giả nêu lên cả thảy mười lăm vấn đề, tất cả đều là “bất quyết vấn đề”. Bằng một thái độ trong sáng phi thường, Phật dạy: “Ta thấy không cần thiết phải nói với ông về các vấn đề trên. Vì đó là pháp không đưa đến lợi ích gì, chúng không phải là gốc của phạm hạnh, chúng không đưa đến trí tuệ, không đưa đến giác ngộ, không đưa đến Niết bàn”. Sở dĩ vậy, là vì đức Phật thấy không cần thiết phải làm cho bạn hiểu đủ mọi thứ (bác loạn), mà Ngài thấy điều thiết yếu là giúp bạn phương pháp đạt đến giải thoát, chứng đắc Niết bàn, được vậy, tự nhiên bạn như người vén mây thấy được ánh sáng đích thực của nó.

Tuy là như thế, nhưng trong Phật điển vẫn có giới thiệu mối quan hệ về thế giới quan. Chẳng hạn kinh Thế Ký trong Trường A Hàm, từ quyển 18 đến quyển 22(5)có giới thiệu nhiều thứ loại tướng trạng của thế giới quốc độ và thế giới hữu tình.

Nhân đây, chúng ta không thể cho rằng đức Thích Tôn hoàn toàn giữ im lặng trước những vấn đề do tôn giả Man Đồng Tử đưa ra. Nhưng chúng ta khảo sát nguồn gốc của vấn đề sẽ thấy rằng, đại thể vấn đề được phát hiện là do từ thế giới quan Vệ Đà của Bà La Môn giáo và là sản vật của tư tưởng duy vật. Trong phương pháp giáo hóa của mình, đức Phật là người khéo vận dụng những tư tưởng duy vật, và thế giới quan Vệ Đà của Bà La Môn giáo để làm thí dụ. Bởi khi hướng về quần chúng ngoại đạo để thuyết pháp, thì hay nhất là sử dụng những truyền thuyết của họ để dẫn giải họ đi vào Phật pháp. Do vậy, mà những quan niệm về thế giới của hàng ngoại đạo được đức Phật dẫn giải một cách đích xác, nhưng đó không phải là chủ đề chính trong việc thuyết pháp độ sinh của đức Phật. Điều hiển nhiên là đức Phật hoàn toàn không đồng tình việc sử dụng truyền thuyết của ngoại đạo để công kích lại họ, và đức Phật cũng cho phép hàng đệ tử mình sử dụng phương thức này.

Đến như kinh Thế Ký là cả một hệ thống tự thuật dài dằng dặc, và không nghi ngờ gì, điều đó xuất phát từ sự biên tập tỉ mỉ của các nhà kết tập. Bởi kinh Thế Ký được hình thành sau thời vua A Dục, vì là trong Trường Bộ Kinh của kinh tạng Ba Lị không có kinh này. Do đó, nội dung kinh Thế Ký không phải là phát minh của đức Phật, mà nó là “tài sản chung” của nền văn hóa Ấn Độ đương thời. Đức Phật sở dĩ lợi dụng các quan niệm trên, đấy chẳng qua là sự gặp gỡ chứ hoàn toàn Ngài không biểu thị sự tiếp thụ. Thí dụ như các thần trong Vệ Đà, đặc biệt là thần Phạm thiên. Đức Phật phủ định thực thể của Phạm thiên, nhưng lại khéo sử dụng tín ngưỡng này. Nhưng sau khi Phật nhập diệt, các đệ tử Phật lại nối kết quan niệm về thực thể Phạm thiên để tiếp thụ. Đó là việc dùng núi Tu Di làm trung tâm của thế giới quan. Điều này đứng về phương điện địa lý học và thiên văn học hiện đại, thực khó có cách nào để xác định. Tuy đấy là thông thuyết có từ rất sớm của địa lý và thiên văn học Ấn Độ - nó có trước khi đức Phật xuất hiện.

Là những đệ tử Phật, chúng ta nên chú tâm coi trọng cách ứng hóa của đức Phật làm trọng tâm, đó là hướng dẫn việc tu tập của mọi người, giúp họ giải thoát vô minh, bất tất phải sử dụng tất cả những ứng hóa của đức Phật, vì là trợ giúp con người tu chứng giải thoát chứ không phải ở những học thuyết của Vệ Đà, của Lục sư ngoại đạo. Nếu chúng ta chỉ chú tâm phân tích, tìm hiểu các học thuyết trên mà không chuyên tâm tu tập, thì chẳng khác gì bỏ gốc chạy theo ngọn, và như thế là tự dẫn mình đến chỗ chết mà còn sợ bị mai táng. Quả là sai lầm!

- Tâm của chúng ta.

Đức Phật thấy cần giúp con người giải thoát khỏi vô minh, chủ thể của con người là Tâm. Nhưng Tâm ấy không thể tự chủ, bởi đặc tính của Tâm là niệm niệm tương tục, hoạt động của Tâm là luôn luôn đổi khác (biến dị). Do đó cho nên Tâm là vô thường, đã là vô thường thì tìm đâu ra được chủ thể? Vì vậy, nên biết Tâm là vô ngã.

Biết rõ Tâm là vô thường, vô ngã để điều khiển Tâm không bị chao động trước những chuyển biến những đổi khác. Người làm chủ được Tâm mình, là người vượt lên trên phàm phu trở thành Thánh quả. Thực thì quả là khó.

Kỳ thực, đức Phật đặc biệt chú trọng đến việc khảo sát tâm phàm phu; dẫn dắt Tâm ấy vào đạo, bằng cách tu tập khiến Tâm nhiễm ô thành Tâm thanh tịnh. Dtâm thanh tịnh là Tâm không dao động. Chỉ riêng có danh từ “Tâm”, nhưng lại có nhiều cách nói: Tâm nhiễm ô là Tâm biến dị không ngưng nghỉ, khảo sát tỉ mỉ trạng thái Tâm nhiễm ô cũng có nhiều dạng; theo tư liệu nguyên thỉ, Tâm nhiễm ô được phân loại và qui nạp thành mười hai khoảnh:

1. Ngũ cái(6): gồm có tham dục cái, sân nhuế cái, hôn trầm cái, kiến nghi, vô minh.

2. Thất kết (sử): gồm có dục tham, hữu tham, sân nhuế, mạn, kiến, nghi, vô minh.

3. Cửu kết (sử): lấy Thất kết làm cơ sở, lấy “hữu tham” đổi thành “thủ”, lại thêm vào tật, và xan.

4. Ngũ hạ phần kết: thân kiến, nghi giới cấm thủ, dục tham, sân.

5. Ngũ thượng phần kết: thân kiến, nghi giới cấm thủ, dục tham, sân.

6. Tứ bộc lưu: dục bộc lưu, hữu bộc lưu, kiến bộc lưu, vô minh bộc lưu.

7. Tứ lậu: dục lậu, hữu lậu, kiến lâu, vô minh lậu.

8. Tứ thủ: dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã ngữ thủ.

9. Tứ hệ: tham hệ, sân hệ, giới cấm thủ hệ, thị chơn chấp hệ.

10. Tam cầu: dục cầu, hữu cầu, phạm hạnh cầu.

11. Thập lục tam cấu: bất pháp dục, sân, phẫn, hận, phú, não, tật, xan, siểm, cuống, can phức, báo phục tâm, mạn, quá mạn, kiêu, phóng dật.

12. Nhị thập nhất tâm uế: tà kiến, phi pháp dục, ố tham, tà pháp, tham, nhuế, tùy miên, trạo hối, nghi hoặc, sân triền, bất ngữ kết (phú tàng tội), xan, tật, khi cuống, du siểm, vô tàm, vô quí, mạn, đại mạn, mạn ngạo, phóng dật.

Tùy từng trường hợp, đức Phật dùng ngữ vựng thích hợp để giải rõ trạng thái “tâm bệnh”. Sắp theo thứ hàng, thì mười một khoảnh trước được trích từ “Ấn Độ Phật Giáo Sử” của Long Sơn Chơn Điền. Khoảnh thứ mười hai lấy từ kinh Trung A Hàm quyển 23, kinh thứ 93(7)

Nếu toát yếu lại mười hai khoảnh trên thì không ngoài tham - sân - si. Đức Phật gọi đó là tam độc, tam bất thiện căn, tam hỏa. Gần đây có người giải thích tam độc như vầy: “tâm là một thứ tham dục, hành vi và không thấy đủ của tâm cứ tương tục tiến hành một cách không ngừng nghỉ; do tham dục, hành vi và không thấy đủ của tâm, ba thứ này cấu thành như một sự tuần hoàn(8). Lối giải thích này không mấy chính xác, nhưng dễ lý giải.

Do tham, sân, si mà phân biệt thành nhiều trạng thái tâm lý với nhiều tên gọi khác nhau. Đồng thời để đối trị tham, sân, si lại cũng phần ra nhiều trạng thái tâm lý và tên gọi khác nhau. Những phân tích trên về các trạng thái tâm lý, kết quả được đời sau gọi một cách ngắn gọn là: tâm vương, tâm sở, tâm sở thiện và tâm sở bất thiện. Sự hpân tích trạng thái tâm lý của Phật giáo không đơn thuần là sự phân tích của tâm lý học hiện đại, mà sự phân tích này là nhằm khai thông cách đối trị tâm phiền não nơi con người. Tâm lý học hiện đại là một môn học nằm giữa môn sinh lý học và xã hội học. Nếu biện biệt một cách gán ghép, thì có thể nói tâm lý học của Phật giáo là nhằm đưa con người trở về với căn bản nhân sinh và giải thoát. Trong khi tâm lý học hiện đại chỉ nhằm phân tích và giải thích hiện tượng tâm lý con người.

TIẾT II: CUỘC KẾT TẬP TẠI THÀNH VƯƠNG XÁ.

Sao gọi là kết tập? Kết tập (Samgìti) có hai nghĩa, một là tụng (một người), hai là hội tụng (nhiều người cùng đọc tụng). Đại chúng suy tiến những vị tinh thông về pháp (Sharma), và về luật (Vinaya), những vị này tuần tự tuân theo sự phát vấn của Thượng tọa Tỳ kheo Ca Diếp. Theo đó, vị nào tự mình đã từng nhiều lần nghe Phật thuyết giảng kinh, luật thì hãy đọc tụng lại để đại chúng cùng nghe và thẩm định. Khi câu văn đã được chính túc mới đi đến biên tập, và đây là định bản Thánh điển sớm nhất được thành tựu.

Nhân vì, chẳng lâu sau Phật nhập diệt, có Tỳ kheo ngu si lại ưa thích nói nhảm rằng: “Vị trưởng lão kia, Phật thường dạy: nên làm như thế này, Không nên làm như thế kia; nên học như thế này, không nên học như thế kia. Chúng tôi hiện giờ vừa thoát khỏi sự phiền khổ, và tự mình làm theo những gì mình thích, không còn bị câu thúc như trước”(9).

Sau khi nghe những luận điệu này, bấy giờ ngài Tôn giả Ca Diếp cảm thấy không vui. Lập tức ngài quyết tâm triệu tập đại hội để kết tập di giáo của đức Phật. Nhân cuộc kết tập này, Tôn giả Ca Diếp mới hoàn tất việc làm sáng tỏ giáo pháp Phật sau khi Ngài nhập Niết bàn, đồng thời nhiều vị quốc vương muốn dành phần nghênh đón xá lợi của Phật. Qua đó, ngài dò xét được những hành động có ý nghĩa của họ.

Theo “Đại Sử” được lưu truyền tại Tích Lan, chương ba của bộ sử này thuật rằng: Sau Phật nhập Niết bàn, Tôn giả Ca Diếp đi đến thành Vương Xá, bấy giờ chủ thành Vương Xá là vua A Xà Thế, nhà vua là người ngoại bộ rất đắc lực, do đó vua giúp ngài Ca Diếp kiến lập tịnh xá cạnh núi Tỳ Bà La (Vebhàra) ở trước Thất Diệp Quật (Sapta Parnaguhà). Tại đây Tôn giả Ca Diếp tập hợp được năm trăm Tỳ kheo và tổ chức an cư vào mùa mưa lần thứ nhất sau Phật nhập diệt. Trong mùa an cư này, từ tháng thứ hai trở lui Tôn giả Ca Diếp bắt đầu mở cuộc kết tập kéo dài trong bảy tháng (Bắc truyền cho là có ba tháng), vị Tôn giả đầu tiên được yêu cầu tụng xuất Luật tạng là ngài Ưu Ba Li. Thứ đến là Tôn giả A Nan tụng xuất Kinh tạng (Pháp tạng). Việc làm này về sau sử Phật giáo gọi là “Ngũ Bách Tập Tỳ Ni” hoặc gọi là “Vương Xá Thành Kết Tập” lại được danh xưng là “Đệ Nhất Kết Tập”.

- Kinh Luật có từ thời nào?

Pháp (giáo pháp kinh) và Luật (giới luật) tuy mới được định hình sau lần kết tập thứ nhất. Nhưng từ thời đức Thích Tôn còn tại thế thì các luật sư cũng đã chuyên tụng Luật. Đó là cứ mỗi nửa tháng Bố tát một lần, các Tỳ kheo tùy theo địa bàn cư trú đều phải tụ hội lại để tụng giới. Đồng thời, khi Phật tại thế cũng có những Thánh điển được đem ra đọc tụng. Như trong “Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ Nai Da” quyển 44(10)chép là có vị trưởng giả yêu cầu quốc vương chuẩn hứa cho ban đêm được đốt đèn học kinh Phật. Lại cũng sách vừa dẫn, quyển 48(11), ghi “Cam Dung phu nhân ban đêm chong đèn đọc kinh Phật”. Lại nói: “Phu nhân bảo sao chép kinh Phật, và nói với các vị đại thần, hãy dùng giấy mực, viết rõ lời kinh, khiến nhiều người tiện lợi đọc tụng”. Khảo sát sự thành lập của Hữu Bộ Luật thì thấy rằng, vào thời Bộ phái Phật giáo những ghi chép vừa nêu trên là có tính truyền thuyết. Nhưng lúc Phật tại thế, việc đọc tụng kinh luật là điều mà các Tỳ kheo thường làm nên không phải ngờ. Do đó, có người cho rằng: “thời Phật còn tại thế, cũng đủ tập thành Thánh điển theo loại và bộ, ít ra là đã có: Pháp cú, Nghĩa Phẩm, Ba La Diên, Ô Đà Nam, Ba La Đề Mộc Xoa, cả thảy năm thứ(12).

Chưa hẳn lúc ban sơ đức Thích Tôn quyết định khi nào thì thuyết pháp, khi nào thì chế định giới luật. Mà qua thời gian, nhân vì phải đối diện với đủ thứ vấn đè cần phải xử đoán, phải giải thích và qui đinh, dàn dà đưa đến việc phải xem những sinh hoạt nào cần qui thành qui chế, những pháp nào là pháp ly dục cần ghi nhớ để tu định. Hậu thế lấy Kinh, Luật, Luận phối hợp lại thành Giới - Định - Huệ. Cũng như chưa hẳn đương thời đã đưa ra những qui định cứng nhắc như về sau này. Duy có điều khi nói về Luật, thì giới là chính, khi nói về Kinh, thì định là chính. Còn Huệ thì do giới và định mà sản sinh.

- Nội dung kết tập

Kết tập lần thứ nhất. Cứu cánh của lần kết tập như thế nào?

Đại loại mà nói, ấy là tam tạng Kinh, Luật, Luật. Trong “Tăng Nhất A Hàm, Tự Phẩm” có thêm Tạp Tạng mà thành bốn Tạng, luận Phân Biệt Công Đức, và luận Thành Thực. Lại lấy tạp Tạng chia làm Bồ Tát Tạng mà thành năm Tạng.

Nói đến kinh Phật là nói đến bộ A Hàm; nhưng kinh A Hàm hiện đang lưu truyền e có sự “thêm bớt”. Kinh A Hàm hiện nay là thánh điển thuộc thời đại Bộ phái Phật Giáo và năm Ni Ca Da (Nykaya) của văn tự Ba Lị (tương đương bộ A Hàm của Bắc truyền) có ít nhiều không giống nhau.

Nói đến Luật, là chỉ cho luật Bát Thập Tụng. Sở dĩ có danh xưng này là vì ngài Ưu Ba Li phải tám mươi lần tụng mới hoàn thành được Luật tạng. Tạng Luật này hiện nay không tìm thấy. Các tạng Luật hiện đang lưu truyền đều thuộc thời đại bộ phái, và được các phái đọc tụng. Do đó, về nội dung hơi có phần gia, giảm.

Luận tạng được tụng xuất như thế nào? Tuy căn cứ theo luật Thiện Kiến của Nam truyền (Theravadha), và luật Tứ Phần của Pháp - Tạng bộ, cả hai có nói đến tạng Tỳ Nại Da, nhưng không cho biết ai là người tụng xuất. Trong khi đó “Thập Tụng Luật” thì nói Tôn giả A Nan là người tụng xuất A Tỳ Đàm tạng, và luận Đại Trí Độ cũng đồng ý như vậy. Còn “Căn bản Hữu Bộ Luật Tạp Sự” thì nói Đại Ca Diếp là người tụng xuất Ma Đắc Lặc Già; Dulva II (Life of Buddha, p.150ff) được truyền ở Tây Tạng cũng đồng ý khi nói Đại Ca Diếp là người tự mình kết tập Ma Đát Lý Ca. Tất cả các ghi nhận trên chỉ là truyền thuyết được xuất phát từ Hữu Bộ Thí Dụ Sư. Miến Điện thì cho rằng ngài A Na Luật là người tụng xuất bảy Luận. Trong khi “Bộ Chấp Dị Luận Sớ” do Tam Tạng Chơn Đế truyền và dịch thì nói Phú Lâu Na là người đọc tụng A Tỳ Đàm tụng. “Đại Đương Tây Vực Ký” quyển chín(13)của Huyền Trang nói là, có cả trăm, cả nghìn người của Đại Chúng Bộ không tham dự vào cuộc kết tập do ngài Ca Diếp triệu tập, mà họ tụ hội riêng, và kết tập thành năm tạng Kinh, Luật; vì chỉ là truyền thuyết được viết ra từ các Bộ phái và hậu thế; vì vậy, nên có sự khác nhau khá nhiều. Nhân đó, đối với cuọc kết tập tại thành Vương Xá, có thuyết chủ trương là có kết tập Luận tạng, điều này khiến các học giả cận đại không có cơ sở để tin.

- Những Người Dự Cuộc Kết Tập Lần Thứ Nhất

Như chúng ta biết, cuộc kết tập tại thành Vương Xá là do ngài Ca Diếp đứng ra mời thỉnh, và chỉ có năm trăm vị Thượng tọa Tỳ kheo phó hội. Theo “Ma Ha Tăng Kỳ Luật” (còn gọi là Tăng Kỳ Luật), thì bấy giờ có nhiều vị Thượng tọa Tỳ kheo đã nhập diệt, như ngài Xá Lợi Phất, ngài Mục Kiền Liên khi nghe tin Phật sắp nhập diệt, hai ngài bèn xin nhập diệt trước Phật. Tiếp đó những vị đại đệ tử khi nghe tin Phật đã nhập Niết bàn, các ngài có vẻ lưỡng lự, nhưng rồi nối tiếp nhau nhập diệt. Do đó, những vị được mời tham dự Đại hội kết tập chỉ có bốn trăm chín mươi chín, Tôn giả A Na cơ hồ như bị ngài Ca Diếp mời ra khỏi đại hội, bởi ngài là người chưa “ly dục” nên không đủ tư cách để phó hội. Vì thế, ngài A Nan quyết chí ly dục, và trở thành vị A la hán, nhân đó mới đủ túc số năm trăm vị(14).

Nhờ thẩm tra nhiều nguồn tư liệu cho thấy Đại hội kết tập tại thành Vương Xá chỉ gồm những vị cùng một phái với ngài Ca Diếp, và đó là cuộc kết tập của một thiểu số người, của những vị Thượng tọa Tỳ kheo đại biểu cho phái khổ hạnh. Duy có điều, thành quả của lần Đại hội này là rất to lớn. Nó đánh bại tất cả mọi dị nghị của số đông người, do đó cho nên vị trí của nó là cực kỳ quan trọng. Nói chính xác, thì đây là cuộc Đại hội được tổ chức vừa thuận lợi, vừa hoàn thành một cách chóng vách. Nếu không, có thể sẽ diễn ra một cuộc tranh luận không khoan nhượng giữa các đại gia; chừng đó vấn đề càng thêm phức tạp. Có điều, trong kỳ Đại hội này phái của Trưởng lão Phú Lâu Na không thấy tham dự, và đó cũng là vấn đề còn đọng lại của Phật Giáo.

- Trưởng lão Phú Lâu Na

Lúc Đại hội kết tập tại thành Vương Xá kết thúc, theo “Thiện Kiến Luật” của Nam truyền, và “Tứ Phần Luật” của Bắc truyền, tất cả các bộ luật này đều nói có một vị trưởng lão tên là Phú Lâu Na dẫn năm trăm Tỳ kheo từ phương nam đi đến thành Vương Xá, hay còn nói là từ Nam Sơn (Dakkhi Na Giri) đến để cùng ngài Ca Diếp luận đàm thêm về Pháp (kinh) và Luật (giới). Theo “Luật Tiểu Phẩm Ngũ Bách Kiền Độ Đệ Thập Nhất” của Nam truyền(15), thì nói là ngài Phú Lâu Na phiền trách mà rằng: “quí ngài kết tập pháp, luật, điều đó là cực quí. Nhưng tôi là người từng thân cận, và theo Phật nghe pháp; vậy, quí ngài cũng nên nghe tôi khẩu thuật”. Riêng “Ngũ Phần Luật” quyển 30(16)thuật rằng ngài Phú Lâu Na nói với ngài Đại Ca Diếp: “đích thân tôi theo Phật nghe pháp, nghe luật, những việc như “nội túc thực”(17), chính tự tôi dâng thức ăn lên Phật, tự tội nhận thu dọn sau khi Phật thọ thực xong, tôi dâng nước uống lên Phật, không người nào không sạch, không món nào không sạch, tôi mới dâng lên Phật”. Trên đây thuộc vấn đề ẩm thực được luật chế định. Ý tứ muốn nói với ngài Đại Ca Diếp là lúc Phật ở tại Tỳ Xá Ly, gặp phải năm thiếu đói, việc khất thực khó có ai cúng dường nhân đấy mới đưa ra điều cấm. Về sau lại đem ván đề này ra chế định. Vì vậy bảy việc vừa kể được cọi là không hợp pháp. Nhưng ý nói theo lụât văn do ngài Ưu Ba Li tụng xuất, thì phạm bảy việc trên là phạm tội Đột kiết la (ố tác). Bảy việc nêu trên tuy không quan trọng, nhưng cũng là vấn đề được đặt ra. Ngoài nội dung được kết tập tại thành Vương Xá, vẫn còn những hành vi, những kiến giải khác với nội dung kết tập bị bỏ sót. Chính đấy là nguyên nhân đưa đến việc phân chia Bộ phái.

Trưởng lão Phú Lâu Na nói trên, không phải là vị Tỳ kheo đứng hàng thứ bảy trong số thập đại đệ tử của đức Phật, không phải là Phú Lâu Na bạn của ngài Da Xá, cũng không phải là ngài Phú Lâu Na thuyết pháp đệ nhất(18).

TIẾT III. CUỘC KẾT TẬP TẠI THÀNH TỲ XÁ LY.

- Khởi Nguyên Cuộc Kết Tập Lần Thứ Hai.

Như mọi người đều biết, Ấn Độ thời đức Phật còn tại thế, thì ở tây Ấn Độ là trung tâm, là giáo khu của Bà La Môn giáo, và có truyền thống bảo thủ. Trong khi tại đông Ấn Độ, dọc theo dải Ma Kiệt Đà lại mở ra chân trời mới với phong trào tự do tư tưởng. Ngay như thuyết “nghiệp lực” và Áo Nghĩa Thư đều phát triển tại phương đông cùng với vương triều Tỳ Đế Ha (Vedeha). Đức Phật - người thuộc tộc Thích Ca cũng là một chi của phương đông. Phật Giáo cũng dựa vào hoàn cảnh tự do tư tưởng mà phát đạt. Vì vậy, nên tư tưởng của đức Phật rất coi trọng sinh hoạt thực tế. Đến độ lấy sinh hoạt thực tế làm nguyên tắc. Ngay như lúc sắp nhập diệt, Đức Thích Tôn vẫn còn lo là các đệ tử sau này sẽ vướng vào các tiểu chi, tiểu tiết có thể gây trở ngại cho công cuộc phát triển giáo hóa. Do đó, Phật dặn dò thị giả - ngài A Nan rằng: “sau khi ta diệt độ, ông hãy triệu tập Tăng chúng và tuyên bố xả bỏ các “vi tế giới”. Vi tế giới là những việc nhỏ nhiệm, không quan trọng mà trong sinh hoạt thường nhật khi Phật còn tại thế đã chế định. Điều đó cho thấy đức Phật rất coi trọng sinh hoạt thực tế. Nghĩa là tự do “lấy, bỏ” miễn sao việc chế định giới luật phải thích nghi với sự tu tập. Đây là điểm thủy chung nhất quán của giới luật.

Nhưng, trong lần đại hội thứ nhất, Tôn giả A Nan một lần đọc lên di huấn của đức Phật, ngài lại quên là lúc ấy ngài không thỉnh thị đức Phật dạy rõ thế nào là phạm vi tế giới. Do vậy mới phát khởi một chuỗi tranh luận. Sau cùng, ngài Đại Ca Diếp với địa vị là người chủ trì cuộc Đại hội kết tập đưa ra quyết định: “những gì Phật dạy, chúng ta phải phụng hành theo, những gì Phật không dạy, không đem ra bàn luận ở đây”(19).

Thì ra, các Thượng tọa trưởng lão đều là những vị bảo thủ, mà Đại Ca Diếp là một trong những vị bảo thủ. Do đó, nội dung giới luật của lần Đại hội kết tập lần thứ nhất được ghi nhận là đại biểu cho tinh thần Thượng tọa, và những vị Thượng tọa thì củng cố đại vị lãnh đạo của họ.

Mặc dù vậy, ngài trưởng lão Phú Lan Na vẫn giữ thái độ tuy không tiếp nhận cùng phái với ngài Đại Ca Diếp, nhưng ngấm ngầm thay đổi tư tưởng. Cùng lúc ấy, ngài Phú Lan Na nhận được sự trọng thị từ các Tỳ kheo trung niên ở phía đông. Vì vậy, lần kết tập thứ hai diễn ra tại thành Tỳ Xá Ly, về mặt địa vực, thì hệ phía tây Ấn Độ thuộc về thành Ba Tra Ly Tử, và hệ phái đông Ấn Độ thuộc về thành Tỳ Xá Ly có biểu hiện tranh luận. Nhân vì sau khi Phật diệt độ, khu vực giáo hóa của Phật Giáo ngược lên theo phân chi của lưu vực sông Hằng là sông Diêm Ngu Na, từ đó phát triển rộng về hướng tây cho đến sông Ma Thâu La (nay là sông Juma thuộc tây ngạn sông Mutra), hình tành nên hệ Phật Giáo rất quan trọng ở tây Ấn Độ. Thời này tại đông Ấn Độ lấy thành Tỳ Xá Ly làm trung tâm của Tỳ kheo tộc Bạt Kỳ. Đối với vấn đề giới luật, thái độ của hệ phía đông khác với hệ phía tây. Sự thực đó là hiện tượng tự nhiên.

- Tình Hình Sôi Động Của Lần Thất Bách Kết Tập.

Tuy trong luật cho rằng đây là thời cách Phật nhập diệt đã xa khoảng trăm năm. Nếu lấy sự tham gia đông đúc của các trưởng lão trong lần đại hội này, theo một trưởng lão đệ tử ngài A Nan pbát biểu, thì lần Đại hội kết tập này diễn ra cách Phật nhập diệt trong vòng một trăm năm.

Nhân có trưởng lão Tỳ kheo Da Xá Ca Kiền Đà Tử (Yasa Kakandakal Putta) là người của hệ phía tây đi tuần hóa đến thành Tỳ Xá Ly, thấy các Tỳ kheo ở phía đông cứ mỗi nửa tháng vào các ngày mùng tám, mười bốn và ngày rằm, dùng bình bát đựng đầy nước, và tụ tập người tại địa phương lại một nơi rồi yêu cầu họ - các bạch y - thí tiền. Trong số các bạch y có người không đồng ý cúng tiền, còn chê trách rằng: các Sa môn Thích tử không nên cầu thí kim tiền. Thấy vậy, trưởng lão Da Xá liền trách cứ các Tỳ kheo cầu bạch y cúng tiền, và nói: “cầu thí như vậy là không đúng tinh thần giáo pháp”. Lại hướng về đám tục nhân, và nói: “các ngươi không nên cúng thí tiền, ta từng đích thân theo Phật nghe pháp, nếu ai cầu thí không đúng với giáo pháp, cũng như những ai cúng thí không đúng với giáo pháp, cả hai đều đắc tội(20).

Việc ngài Da Xá hướng các tục nhân nói là họ sai trong việc cúng thí kim tiền, nên các Tỳ kheo yêu cầu ngài hướng về các bạch y mà bày tỏ yết ma (tức tạ lỗi). Ngài Da Xá không đồng ý tạ lỗi, và ngài vẫn khẩn thiết yêu cầu các Tỳ kheo không nên cầu thí kim tiền. Việc làm này của ngài được các tục nhân hết sức ca ngợi và kính ngưỡng. Kết quả ngài Da Xá không được các Tỳ kheo của tộc Bạt Kỳ dung nạp. Ngài liền đi về phía tây và nhằm vào các Đại đức trưởng lão có danh vị mà du thuyết. Rồi ngài trở lại thành Tỳ Xá Ly triệu tập đại hội để làm sáng tỏ vấn đề giới luật.

Trưởng lão Da Xá đã không nệ nhọc nhằn để đi cả nghìn dặm. Ngài đến tận địa phương của Tỳ kheo Ba Lỵ Da - người nổi tiếng về tu khổ hạnh đầu đà (địa xứ này cách Ma Thâu La năm trăm dặm về phía tây). Ngài đến địa phương của Tỳ kheo A Bàn Đế, đến trú xứ của Tỳ kheo Đạt Thấn Na (ở Nam Sơn), quan trọng hơn cả là ngài tranh thủ đi đến địa phương Ma Thâu La của trưởng lão Tam Bồ Đề, đến địa phương Tát Hàn Nhã của trưởng lão Ly Bà Đa. Tỳ kheo của bộ tộc Bạt Kỳ cũng bốn lần phản bác lại ngài Da Xá, và cho rằng nguyên ủy là do đức Phật đã dạy như vậy tại địa phương họ. Họ yêu cầu đại chúng trợ lực để giúp họ phản bác lại ngài Da Xá. Chung cuộc, việc du thuyết của ngài Da Xá đưa đến kết quả hết sức xán lạn. Đó là có đến bảy trăm vị Tỳ kheo cùng đến thành Tỳ Xá Ly tham dự đại hội. Vì có quá đông người dự đại hội, nhưng nếu tất cả cùng tham gia biện luận, e rằng sẽ không đưa đến kết quả. Do đó, các Tỳ kheo của cả hai phía đông, tây đồng ý mỗi phía được suy cử bốn vị Thượng tọa làm đại biểu. Tên tự của những vị được suy cử, các bộ Luật có sự ghi chép khác nhau. Xin tham khảo và liệt kê tên tự của các vị Thượng tọa được suy cử như sau: Tát Bà Ca La, Ly Bà Đa, Tam Bồ Đề, Da Xá, Tu Ma Na, Sa La, Phú Xà Tô Di La, Bà Tát Ma Ca La Ma. Ngoài ra còn có một vị vừa thọ giới cụ tục được năm năm, nhưng có đủ khả năng đảm nhận việc giáo hóa, và đã tỉnh thức giới luật nên được chọn lo việc bày xếp tọa cụ. Vị đó có tên là A Kỳ Đa (hoặc A Di Đầu), do vậy nên cộng cả thảy là chín vị. Chín vị này có nhiệm vụ xem xét, tra cứu và thẩm định tất cả mọi biện luận. Thực tế, những vị vừa nêu là đại biểu cho bảy trăm người tham dự Đại hội. Do đó, Đại hội này có tên là Thất Bách Kết Tập.

-Vấn Đề Mười Việc Phi Pháp.

Khởi đầu Đại hội lần này là đem việc các Tỳ kheo đề nghị bạch y cúng tiền. Nhưng nội dung được đưa ra thảo luận gồm có mười khoảnh. Được gọi là “Thập sự phi pháp” của Tỳ kheo tộc Bạt Kỳ, đó là:

1. Giác diêm tịnh: Nghe trữ muối ăn trong giác khí.

2. Nhị chỉ tịnh: Tức là tính theo bóng mặt trời, sau và chưa quá nửa ngày (đứng bóng) hai cách chỉ bóng mặt trời, như ăn chưa no, thì có thể ăn tiếp để no.

3. Tha tụ lạc tịnh: Tức là sau khi ăn xong một bữa, lại đến một xóm làng khác ăn thêm lần nữa.

4. Trụ xứ tịnh: Tỳ kheo cùng ở trong rừng khu (giới nội), có thể không bố tát với nhau trong cùng một trụ xứ.

5. Tùy ý tịnh: khi tăng chúng đã quyết định nơi nghị xứ (nơi hội nghị), thì tuy tất cả không cùng tham dự, nhưng để quyết định có hiệu lực, yêu cầu tăng chúng sau khi quyết định đã đưa ra thì mọi người đều tuân phục là được.

6. Sở tập tịnh: tức thuận theo những đièu đã được quyết định trước đó.

7. Sinh hòa hiệp (bất toản dao) tịnh: Tức được uống sữa bò chưa bị khuấy cho đóng ván đông đặc lại.

8. Ẩm xà lâu nghi tịnh: Xà lâu nghi là nhựa cây Câu Lang Tử chưa lên men, hoặc vừa lên men thì được lấy để uống.

9. Vô duyên tọa cụ định: khi may tọa cụ không được phép thêm biên, cũng như không được múon to nhỏ tùy thích.

10. Kim ngân tịnh: Tức là tùy ý nhận kim ngân.

Tỳ kheo tộc Bạt Kỳ của thành Tỳ Xá Ly cho rằng, mười việc nêu trên là được phép; vì hợp pháp (tịnh giới). Trong khi ngài Da Xá thi cho rằng mười việc trên là không phù hợp với luật chế.

Mục đích của lần kết tập thứ hai này là nhằm thẩm tra mười việc nêu trên được căn cứ vào luật chế nào. Kết quả thẩm tra hoàn toàn dựa vào các ghi chép trong luật điển, các vị Thượng tọa đồng ý thông qua mười việc trên là phi pháp (Thập sự phi pháp).

Kỳ thực, nếu theo ý chỉ của đức Phật mà cân nhắc, thì “ Thập sự” này thuộc phạm vi của vi tế giới được ngài A Nan thuật lại lời di huấn của Phật là nên bỏ đi. Nhưng cung cách xử lý của các vị Thượng tọa là rất tôn trọng đối với những điều do đức Phật chế định. Vì vậy, chư vị Thượng tọa đều đứng về ngài Da Xá. Do đó, trong Luật văn có tăng bổ thêm “Thập sự”, và được chép thành văn. Như vậy, lần kết tập thứ hai này tuy gọi là kết tập thực thì chỉ vì Thập sự phi pháp mà thôi.

Như vậy, các Tỳ kheo Bạt kỳ coi như bị thảm bại trong kỳ đại hội này, nên lòng cảm thấy bất bình. Truyền thuyết rằng có sự kết tập riêng của đại chúng thuộc hệ phía đông. Cũng từ đó tách ra khỏi phái Thượng tọa, và trở thành hai phái. Điều đáng chú ý là quốc vương của thành Tỳ Xá Ly cũng tỏ ra bất mãn với một số Thượng tọa là khách mời, cho nên sau khi kết thúc đại hội, quốc vương lệnh cho các vị ấy rời khỏi thành Tỳ Xá Ly. Diễn biến này ngấm ngầm ẩn chứa khuynh hướng phản thành hệ phái đông thuộc Đại Chúng Bộ, và hệ phía tây thuộc Thượng Tọa Bộ.

- Kết Tập Lần Thứ ba.

Việc kết tập thánh điển Phật Giáo; theo truyền thuyết thì có hai lần kết tập thứ ba, và hai lần kết tập thứ tư. Duy có điều, lần kết tập thứ ba có hay không diễn ra? Nếu là có, thì thời đại của cuộc kết tập rất khó định luận. Theo sự nghiên cứu của pháp sư Ấn Thuận, ông đưa ra ba thuyết về sự sai hiện của hệ Thượng tọa.

1. Truyền thuyết về Độc Tử Bộ.

Chuyện kể rằng, sau Phật diệt độ một trăm ba mươi bảy năm, tại thành Ba Tra Ly Tử có con ma tên là Chứng Hiển, hóa hiện thành vị La Hán, và cùng tăng chúng tranh luận mười sáu năm không dứt, may có vị Tỳ kheo tên là Độc Tử, ngài triệu tập tăng chúng, và khiến họ hòa hợp, nhờ đó mới dứt tranh luận. Bấy giờ có vị hộ pháp là vua Nan Đà. Và cuộc triệu tập tăng chúng của ngài Độc Tử được gọi là lần kết tập thứ ba.

2. Truyền thuyết của hệ Phân Biệt Thuyết.

Tương truyền rằng sau Phật Niết bàn khoảng hai trăm ba mươi năm, tại thành Hoa Thị (Dàtaliputta) có tặc trú Tỳ kheo khởi tranh, khiến vua A Dục phải nghênh đón ngài Mục Kiền Liên Tử Đế (Moggali Puta Tissa) đứng ra triệu tập một nghìn vị Tỳ kheo cu hội mới chấm dứt được cuộc tranh luận. Và đây cũng được gọi là cuộc kết tập lần thứ ba.

3. Truyền thuyết của hệ Nhất Thiết Hữu.

Truyền rằng sau Phật Niết bàn khoảng bốn trăm năm. Có vua Ca Nị Sắc Ca thâm tín Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ, nhà vua cho triệu tập năm trăm vị Đại đức qui tụ về nước Ca Thấp Di La, đem tam tạng Thánh điển Kinh Luật ra gạn bỏ đi những dị thuyết(21). Trong ba truyền thuyết, thì truyền thuyết thứ ba được coi là lần kết tập thứ tư. Sự tích về truyền thuyết này sẽ giới thiệu ở phần sau. Tư liệu liên quan đến việc kết tập thánh điển Tiểu thừa và Đại thừa có thể tham khảo Phật Giáo Đại Từ Điển của Vọng Nguyệt Thị, từ trang 902-904, xem phần tự thuật để rõ thêm.

TIẾT IV. THÁNH ĐIỂN THỜI SƠ KỲ.

- Mở đầu Thánh Điển.

Sự cấu thành Thánh điển của thời này là chỉ đạo giai đoạn hoàn thành hình thái Phật điển ở vào thời sơ kỳ. Thời sơ kỳ ước phỏng từ thời đại đức Phật đến thời đại vua A Dục, hoặc ngay cả thời đại Bộ phái mãi đến sau này.

Tại tiết hai của chương này dã có nói đến thời đại đức Phật, thời này chỉ tập thành có: Pháp Cú, Nghĩa Phẩm, Ba La Diên, Ô Đà Nam, Ba La Đề, Mộc Xoa. Tất cả là do các đệ tử Phật ghi nhớ và đọc tụng ra, rồi tùy theo tính cách của mỗi đề cương được đức Phật thuyết giảng mà phân loại để biên tập.

Theo “Đại Sử” của Nam truyền, thì lần kết tập thứ nhất sau Phật Niết bàn chỉ có Pháp (kinh) và Luật (giới) nhưng chưa đưa ra danh mục. Trong khi “Đảo Sử” thì cho rằng, nội dung lần kết tập thứ nhất gồm có “Cửu phần giáo”. Khi nói đến tam tạng Thánh điển thì phải bao quát cả Luận tạng. Nhưng sự xuất hiện của Luận tạng, theo Nam truyền, sớm nấh là khi có sự ra đời của “Di Lan Đà Vấn Kinh” (Milinda pãnha- tương đương với kinh Na Tiên Tỳ kheo của bản Hán dịch; thời đại xuất hiện của kinh này khoảng một thế kỷ trước công nguyên). Tuy nhiên, cũng có thể xác định là ở thời đại Phật tại thế, thực chất là đã có Luận, dù chưa định hình thành một khoa độc lập.

- Luật Tạng và Pháp Tạng

Luật là khuôn phép tối sơ vốn từ quá khứ đã khó tra cứu. Các học giả cận đại dùng tạng luật Ba Lị, và luật Ma Ha Tăng Kỳ bản Hán văn để đối chiếu so sánh với chủ ý tiến gần đến “cận cổ”. Có người đem tạng Luật của thời kỳ đầu khi mới xuất hiện phân ra thành hai đại cương gồm luật Tỳ kheo và Luật Tỳ kheo ni. Mỗi cương lại chưa thành: Tỳ Ni, Tạp Bạt Cứ, và Oai nghi; dựa vào cách chia này, thì nội dung “Tỳ kheo Giới Kinh” của cổ bản cũng chỉ có Tứ Ba Di, mười ba giới Tăng Già Ba Thi Sa, hai giới Bất định, ba mươi giới Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề, chín mươi hai giới Ba Dật Đề, bốn Hối Quá, cộng cả thảy là 145 giới. Chúng học pháp lý đán thuộc về Oai nghi loại. Thất diệt tránh, là xuất từ Tạp Bạt Cứ loại chứ không thuộc Tỳ Ni loại. Hiện tại, hai trăm năm mươi giới mà Tỳ kheo thọ nhận, rõ là vì phương tiện học tập nên hậu nhân mới lấy Chúng học pháp, và Thất diệt tránh thêm vào mà thành giới kinh.

Có người lấy từ bia đá được khắc dưới thời vua A Dục, trong đó ghi: “pháp tối thắng được nói trong Tỳ Nại Da” rồi suy luận rằng. Tạng luật chắc chắn là đã được định hình trước thời vua A Dục. Thực thì đây chỉ là căn cứ theo nguyên tắc phán đoán của Thượng Tọa Bộ, vì Bộ này đặc biệt coi trọng giới luật. Do đó, có thể là lần kết tập thứ nhất, ắt cũng đã hoàn thành khuôn phép tối sơ của tạng Luật, dù chỉ mới nói đến tám mươi lần tụng luật. Và đó cũng là tạng Luật căn bản, đời sau dựa vào đấy mà có sự phân chia giữa Thượng Tọa Bộ và Đại Chúng Bộ. Thời Bộ phái Phật Giáo, đa số đều tuân theo Luật của Bộ phái mình. Hiện vẫn còn sáu bộ Luật tạng:

1. Tạng Luật Vinayapitaka, bằng văn tự Ba Lị của Thượng Tọa Bộ, thuộc Nam truyền.

2. Luật Ma Ha Tăng Kỳ, gồm bốn mươi quyển của Đại Chúng Bộ, do ngài Phật Đà Bạt Đà La cùng dịch ra Hán văn với ngài Pháp Hiển, vào thời Đông Tấn.

3. Luật Ngũ Phần, gồm ba mươi quyển, của Hóa Địa Bộ, do ngài Phật Đà Thập và ngài Trí Thắng dịch ra Hán văn dưới thời Lưu Tống.

4. Luật Tứ Phần, gồm sáu mươi quyển của Pháp Tạng Bộ, do ngài Phật Đà Da Xá và ngài Trúc Phật Niệm dịch ra Hán vào đời Diêu Tần.

5. Luật Thập Tụng, gồm sáu mươi quyển của Ma Thâu La Hữu Bộ, do ngài Cưu Ma La Thập dịch ra Hán văn vào đời Diêu Tần.

6. Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ Nại Da, gồm năm mươi quyển, của Hữu Bộ ở Ca Thấp Di La, do ngài Nghĩa Tịnh dịch ra Hán văn vào đời nhà Đường.

Đúng ra luật của Thượng Tọa Bộ xuất hiện trước luật của Đại Chúng Bộ, và luật của Thượng Tọa Bộ thuộc về Nam truyền. Trong Thượng Tọa Bộ có một chi phái, có tên là Phân Biệt Thuyết, chi này lại có khuynh hướng nghiêng về Đại Chúng Bộ. Do đó, nên luật Ma Ha Tăng Kỳ mãi về sau mới xuất hiện. Bốn Bộ còn lại cũng thuộc Thượng Tọa Bộ, nhưng đó là do sự phân Bộ mà ra. Hiện nay không tìm thấy tạng luật căn bản của Thượng Tọa Bộ.

Bộ phận trọng yếu nữa của Thánh điển Phật Giáo, ấy là Kinh (pháp). Những nghiên cứu gần đây cho thấy lớp diễn đạt của Kinh (pháp) phải qua ba thời kỳ, sau đó mới đại định.

1. Một là, thu thập tất cả những “ngôn hành” của đức Phật làm thành chín bộ kinh (cửu phần giáo).

2. Hai là, diễn đạt cửu bộ kinh thành bốn bộ A Hàm kinh.

3. Ba là, căn cứ vào bốn bộ A Hàm để thành lập tam tạng. Do tam tạng mới có sự xuất hiện của tạng Đại thừa, và tạng Cấm - Chú. Đây là phạm vi của Đại thừa.

- Chín Bộ Kinh và Mười Hai Bộ Kinh.

Sau khi Phật nhập diệt, những đệ tử Phật thu thập tất cả mọi “ngôn hành” của Ngài, rồi tùy vào tính chất “ngôn hành” mà phân loại, và tập thành chín bộ kinh. Đó là:

1. Tu Đa La (Sùtra), tức là thuyết pháp theo lối tản văn, thường được gọi là văn trường hàng.

2. Kỳ Dạ (Geya), là dùng văn vần để lập lại (trùng tuyên) nội dung đã được thuyết bằng tản văn qua hình thức kệ tụng. Thông thường được dịch thành tụng hoặc trùng tụng.

3. Già Đà (Gatha), là khi thuyết pháp thì dùng vận văn để tuyên thuyết, nhưng lúc dịch thì dịch thành “cô khởi tụng” hoặc phúng tụng (cô tụng là những kệ tụng, nhưng không lập lại những gì đã được thuyết giảng trước đó, mà khởi lên ý mới, ý riêng).

4. Ni Đà La (Nidàna), là ghi chép lại những sự tích, những duyên sự một cách có đầu có đuôi, có gốc có ngọn. Thường là nhân vào sự duyên để trợ duyên thuyết pháp. Do đó, nên dịch là Nhân duyên.

5. A Bát Đà Da (Avadàna), là dùng thí dụ để thuyết pháp, hoặc phàm khi nhan việc gì đó mà ứng cảm thuyết pháp, thì đều gọi là Thí dụ.

6. Xà Đa Già (Jâtaka), là nhân duyên để đức Phật tự thuyết về đời quá khứ của các vị Phật, và những công hạnh của các vị Thánh đệ tử. Nên còn gọi là Bản sinh.

7. Y Đế Mục Đa Ca (Itivittaka), là tự thuật về tích sự của chư vị cổ Phật, nên còn gọi là Bản sự.

8. A Phù Đạt ma (Adbhacta Dharma), là nói rõ những thần tích kỳ lạ không thể nghĩ bàn của đức Phật và của chư Thánh đệ tử Phật. Do đó, còn có tên là Vị Tằng Hữu, tân dịch là A Tỳ Đạt Ma.

9. Ưu Ba Đề Xá (Upadesa), tức là đối với những pháp nghĩa thậm thâm mà giản yếu lại. Do đó, còn gọi là Luận ngữ, đời sau gọi là Luận tạng, thoát thai từ đây.

Trong chín bộ kinh trên đây, ba bộ trước thuộc loại tối cổ, hoặc gần nhất đối với hình thức Phật điển nguyên thỉ. Do đó, nó được coi là tương đương với kinh Tạp A Hàm, kinh Tạp A Hàm tuy bị nhiều diễn biến, nhưng vẫn có thể tìm thấy diện mạo cổ xưa của kinh. Vì đối với giáo nghĩa do Đức Thích Tôn thuyết giảng, thì ba bộ là Tu Đa La, Kỳ Dạ và Già Đà thuộc loại được tập thành sớm nhất; chữ “Tạp” của pháp tạng kinh Tạp A Hàm, và chữ “Tạp” trong Luật tạng Tạp Bạt Cừ, về ý nghĩa thì giống nhau, nhưng phải tùy sự tương ưng về nghĩa loại mà tập hợp lại biên tập; vì vậy, chữ “Tạp” có ý là tương ưng (thích hợp), và đó cũng là cựu chế của lần kết tập thứ nhất. Từ bộ thứ tư - Nhân duyên, đến bộ thứ tám. Vị Tằng Hữu, năm bộ này mang tính tập hợp những đức độ kỳ vĩ của Phật. Về tính chất, thì năm bộ này so với ba bộ trước là rất khác nhau. Kỳ thực thì sáu bộ trong số chín bộ kinh nêu trên, tất cả đều phân xuất từ ba bộ trên.

Có phải tên gọi chín bộ kinh đã có từ lần kết tập thứ nhất? Đây là điều mà các học giả cận đại hãy còn nghi vấn.

Xin nói thêm về tên của mười hai bộ kinh. Theo luận Đại Trí Độ quyển 33(22), thì ngoài chín bộ kinh vừa nêu, còn thêm bộ Ưu Đà Na (Udàna) hay Ô Đà Nam, kinh này thuộc về loại: “vô vấn tự thuyết”, gồm có bộ Tỳ Phật Lược (Vaipulya), tức Phương Quảng, và bộ Hòa Già La (Vyàkarana), tức Thọ Ký.

Có thể căn cứ vào những khảo sát kinh, luật Tiểu thừa, thì bộ Thọ Ký là do các đệ tử Phật nhân lúc nghe Tu Đa La mà chứng quả pháp, do đó mới biệt xuất bộ Thọ Ký. Bộ Phương Quảng so với bộ Phương Đẳng của Đại thừa thì bộ Phương Đẳng là sự tổng hợp những pháp thậm thâm vi diệu đã thịnh hành rộng rãi. Còn bộ Ưu Đà Na có nhiều tên gội khác nhau, về nội dung thì bất nhất. Áng chừng do hậu nhân sưu tập được nhiều pháp giải tinh yếu có liên quan rồi tập thành Tạp Tạng, đại để là như thế. Nhưng nếu cho rằng Tạp Tạng mới xuất hiện về sau này thì trong đó chính xác cũng có những bộ phận tối cổ, chẳng hạn như: Pháp Cú, Nghĩa Phẩm và Ba La Diên. Đó là những tiểu tập được đưa vào Ưu Đà Na, và chúng đều thuộc về loại tối cổ. Nội dung Tạp Tạng hiện vẫn còn, nhưng không hẳn tất cả đều là tối cổ.

- Tứ A Hàm và Ngũ A Hàm.

A Hàm được viết bằng Phạn Ngữ, tân dịch là A Cáp Ma (Agama), có nghĩa là Pháp qui, tức tất cả vạn pháp đều qui thú về đây mà không hề có chút sơ sót nào. Còn theo văn tự Ba Lị, thì gọi là Ni Ca Da (Nikàya). Nghĩa của Ni Ca Da là tập hoặc bộ. Nhân vì ngữ văn được Nam truyền sử dụng thuộc tạng văn Ba Lị có lợi thế là tiếp cận được những tục ngữ được dùng vào thời Phật tại thế. Vì vậy, người ta lấy văn tự Ba Lị làm Ngũ Ni Ca Da của Nam ruyền. So với tứ “A Hàm kinh” của Bắc truyền được dịch ra từ Phạn văn ra Hán văn, thì sắc thái của Ngũ Ni Ca Da gầm gũi với nguyên thỉ hơn. Do đó, các học giả cận đại khi khảo chứng tư liệu Phật giáo nguyên thỉ, đa số họ đều ưa thích sử dụng Thánh điển được viết bằng văn tự Ba Lị. Hơn nữa, năm Ni Ca Da của Nam truyền được xuất xứ từ một bộ. Trong khi Tứ A Hàm kinh thuộc Bắc trtuyền được dịch ra Hán văn, lại xuất phát từ nhiều bộ phái khác nhau.

Theo nghiên cứu thì Nhất Thiết Hữu Bộ có Tạp A Hàm, Trường A Hàm, Trung A Hàm, và Tăng Nhất A Hàm, gọi chung là Tứ A Hàm, nhưng hiện chỉ còn Tạp A Hàm và Trung A Hàm. Hóa Địa Bộ có thêm bộ Tạp Tạng mà thành Ngũ A Hàm kinh, tuy vậy, cả hai bộ hiện không còn; Pháp Tạng Bộ cũng có Ngũ “A Hàm kinh”, và hiện chỉ còn Trường A Hàm. Đại Chúng Bộ cũng có ngũ “A Hàm kinh”, nay chỉ còn Tăng Nhất A Hàm. Trong khi đó Phật giáo Nam truyền vẫn còn đủ năm Ni Ca Da bằng ngữ văn Ba Lị.

Bốn kinh A Hàm của bản Hán dịch, theo Vũ Tỉnh Bá Thọ trong cuốn “Ấn Độ Triết Học Nghiên Cứu”, thuyết thứ hai, trang 150 đến trang 166 của ông, và cho rằng kinh Tạp A Hàm và kinh Trung A Hàm là của Hữu Bộ, đem cộng với kinh Trường A Hàm của Pháp Tạng Bộ, và kinh Tăng Nhất A Hàm của Đại Chúng Bộ mà thành Tứ A Hàm. Bản Hán dịch có dịch riêng bộ kinh Tạp A Hàm của Ẩm Quang Bộ. Bốn bộ kinh A Hàm hiện còn, được dịch ra Hán văn một cách riêng lẻ thì rất nhiều, và cũng được dịch xuất từ nhiều Bộ phái. Bốn kinh A Hàm của bản Hán dịch nếu đem so với năm Ni Ca Da của Nam truyền, đại loại như sau:

1. Kinh Trường A Hàm của Bắc truyền gồm hai mươi quyển với ba mươi kinh; trong khi Trường Bộ (Dìghani Kàya) của Nam truyền thì chia thành ba phẩm với ba mươi bốn kinh.

2. Kinh Trung A Hàm của Bắc truyền gồm sáu mươi chín quyển với hai trăm hai mươi kinh, trong khi Trung Bộ (Majjhinani Kàya) của Nam truyền được chia thành mười lăm phẩm với một trăm năm mươi hai kinh; trong đó có đến chín mươi tám kinh hoàn toàn trùng khắp với Bắc truyền.

3. Kinh Tạp A Hàm của Bắc truyền có năm mươi quyển với một nghìn ba trăm sáu mươi hai kinh (1362), trong khi Tương Ưng Bộ (Saimyuttani Kàya) của Nam truyền chia thành năm phẩm với hai nghìn tám trăm tám mươi chín (2889) kinh.

4. Kinh Tăng Nhất A Hàm của Bắc truyền có năm mươi mốt quyển, với hơn một nghìn kinh. Trong khi Tăng Chi Bộ (Anguttarani Kàya) của Nam truyền phân làm một trăm bảy mươi hai (172) phẩm với hai trăm chín mươi mốt (291) kinh. Theo ngài Giác Âm, thì kinh này có đến 9557 kinh.

5. Tiểu Bộ (Khuddakani Kàya) của Nam truyền gồm cả Đại - Tiểu với mười lăm kinh; trong đó có sáu loại chủ yếu:

a) Pháp Cú - Dhammapada, tương đương với kinh Pháp Cú của bản Hán dịch, và “Pháp Cú Thí Dụ Kinh” cũng của Hán dịch.

b) Tự Thuyết Kinh - Udàna, kinh này Ưu Đà Na, nhưng trong bản Hán dịch không có.

c) Bổn Sự - Intivutta Ka. Tương đương kinh Bổn Sự của bản Hán dịch.

d) Kinh Tập - Suttanipata, tương đương với kinh Nghĩa Túc của bản Hán văn, cổ bản Hán dịch có tên là Nghĩa Phẩm, là Ba La Diên v.v...

e) Trưởng Lão, Trưởng Lão Ni Kệ - Thera Their Gatha, trong Hán dịch không có.

f) Bản Sinh - Jàtaka, tương đương với “Sinh kinh” của bản Hán dịch.

Từ các so sánh, đối chiếu trên, cho thấy Bắc truyền tuy có bốn kinh A Hàm, nhưng trong đó đại bộ phận của đệ ngũ “Ni Ca Da”, và Tiểu Bộ của Nam truyền bản Hán cũng đã có, duy có điều là về nội dung có ít nhiều “xuất nhập” (giống và không giống nhau).

- Tứ “A Hàm” và Tạp Tạng.

Tên gọi của bốn kinh A Hàm:

1. Kinh Tạp A Hàm ấy là tùy vào sự tương ứng với sự việc và lý nghĩa, như Tu Đa La, Kỳ Dạ, Già Đà v.v... loại biệt theo thứ lớp mà biên tập.

Chẳng hạn “xứ” và “xứ tương ứng” với nhau thì xếp cùng một loại (xứ là nơi sinh ra tác dụng của tâm, và tâm sở, của căn và cảnh, cho nên gọi là xứ)(23); “giới” và “giới tương ưng” cũng liệt vào cùng loại (giới - tức mười tám giới: sáu căn, sáu trần, và sáu thức).

Do đó, Nam truyền gọi là “Tương Ưng Bộ” nghĩa của chữ “tương ưng” là khế hợp, nhưng văn thì “tạp toái” (vụn nát), cho nên con có tên là: Tạp A Hàm kinh. Chữ “Tạp” ở đây không đồng nghĩa như chữ “Tạp” trong “Văn Nguyên Thích Giáo Lục”, là “Tạp hữu bất khả chỉnh lý” (hỗn tạp không thể chỉnh sửa).

2. Kinh Trung A Hàm.

3. Kinh Trường A Hàm gọi là Trung, là Trường ấy là tùy vào sự ngắn dài của kinh mà đặt tên. Kinh văn không quá dài, không quá ngắn nên gọi là Trung A Hàm, còn kinh văn rất dài thì gọi là Trường A Hàm.

4. Kinh Tăng Nhất A Hàm, là số chữ lần lượt tăng dần cứ như thế mà biên tập kinh, như một rồi hai, hai rồi ba, mỗi một, mỗi một gia tăng cho đến nhiều pháp, do đó, gọi là Tăng Nhất.

Tính chất của Tập Tạng, hoặc là chưa đưa vào tứ “A Hàm kinh”, hoặc là được lưu xuất từ tứ “A Hàm kinh”. Nhưng đa số của Tạp Tạng là các tiểu tập của Ưu Đà Na, hoặc là truyền thuyết được trích từ những kinh như kinh Bản Sinh. Nguyên ủy của Tạp Tạng là do đức Phật giảng thuyết nhưng chưa được kết tập vào kinh A Hàm. Do đó, nên có biệt danh là Tạp Tạng.

Tạp Tạng có thể quan hệ rất lớn đối với Phật giáo dưới thời vua A Dục. Thời ấy Thượng Tọa Bộ rất tôn quí kinh Tạp A Hàm, hệ phía tây còn có riêng một Trung Hệ (hệ Phân Biệt Thuyết), hệ Phân Biệt Thuyết rất tôn quí kinh Trường A Hàm; Đại Chúng Bộ, tức hệ phía đông thì tôn quí kinh Tăng Nhất A Hàm. Ba hệ trên, mỗi hệ đều giữ ý kiến khác nhau của hệ mình. Riêng Trung hệ của ngài Mục Kiền Liên Tử Đế Tu vẫn giữ thái độ ôn hòa, và dường như Trung hệ được Đông hệ hợp tác. Do đó, khi chủ trì lần kết tập thứ ba, hệ Phân Biệt khéo “lấy” khéo “bỏ” những ưu khuyết của các hệ Đông, Tây. Còn đối với tiểu tập Ưu Đà na, và các thuyết về bản Sinh v.v... thì Trung hệ tuy có tiểu dị nhưng đại đồng. Điều này coi như được lưu tồn, do đó mà biên tập thành Tạp Tạng thứ năm, và về sau được phụ vào bốn kinh A Hàm (Tứ A Hàm kinh). Tạp Tạng cũng được Nam truyền cho vào “Tiểu tập” cuối của ngũ “Ni Ca Da”.

Tuy không rõ thời gian phân loại và biên tập thánh điển tứ “A Hàm Kinh”, nhưng các Bộ phái đều đồng ý tứ “A Hàm Kinh” là hình thái của Thánh điển nguyên thỉ. Việc biên tập thành bốn kinh A Hàm trước cả lần Thất Bách Kết Tập, nhưng không hẳn bốn kinh A Hàm được xuất hiện ở lần kết tập thứ nhất. Cứ theo nội dung của bốn kinh A Hàm mà suy định, thì kinh Tạp A Hàm xuất hiện sớm nhất, thứ đến là Trung A Hàm, tiếp đó mới là Trường A Hàm, và Tăng Nhất A Hàm. Phàm lúc nhân một việc gì đó mà đọc Tạp A Hàm trong bốn A Hàm kinh, thì sự tự thuật của Tạp A Hàm là rất trong sáng, giản gọi và dung dị. Trung A Hàm thì gần cận với Tạp A Hàm, nhưng đến Trường A Hàm, và Tăng Nhất A Hàm, thì lại biến sự trong sáng, giản gọn thành dài dòng và ly kỳ. Kinh Tạp A Hàm lấy những pháp nghĩa khi Phật còn tại thế và chuyển cái “phồn” thành cái “giản”, trích yếu những đề cương chủ yếu nhất. Đời sau lại đem những cương lĩnh chủ yếu này mà chuyển “giản” thành “phồn”. Phu diễn có tính tổ chức và luận biện. Tựa hồ như đây là công tác khôi phục lại diện mạo cổ xưa. Việc làm này về mặt hoằng hóa, và mang tính đối ngoại mà nói, thì tất yếu phải có.



(1)Thái Hư đại sư Toàn tập, trang 455

(2)Thái Hư đại sư Toàn tập, trang 514-517

(3)Kinh Tăng Nhất A Hàm - quyển 23, Phẩm Tăng Thượng thứ 7. Đại Chánh tạng- 2, giữa trang 670. Thảo khảo Tăng Nhất A Hàm quyển 24. Phẩm Thiện Tụ, thứ 4 - Đại Chánh tạng-2, giữa trang 676.

(4)Đại Chánh tạng-1, đầu trang 804 đến cuối trang 805.

(5)Đại Chánh tạng-1, giữa trang 114 đến cuối trang 149. Kinh còn có bản dịch khác với Thi: khởi Thế Nhân Bản Kinh, Đại Lâu Thán kinh.

(6)Cái, có nghĩa là che.

(7)Đại Chánh tạng-1, giữa trang 25.

(8)Chu Trước “Triết Học Sử Ấn Độ” quyển 2, Chương III.

(9)Điều này được chép một cách nhất trí trong kinh, luật của Thanh Văn.

(10)Đại Chánh tạng-48, trang 871.

(11)Đại Chánh tạng-23, đầu trang 892.

(12)Hải Triều AÂm-trang 4, kỳ bốn, quyển 46.

(13)Đại Chánh tạng-51, đầu trang 923.

(14)Ngoài Thập Tụng Luật, tất cả đều theo thuyết này.

(15)Nam Truyền Đại Tạng Kinh-quyển 4, trang 433.

(16)Đại Chánh tạng-22, trang 191.

(17)Thực phẩm dành cho Tỳ kheo, để qua đêm gọi là nội túc thực là một trong các đồ ăn bất tịnh, Tỳ kheo không được ăn.

(18)Hải Triều AÂm-quyển 46, Kỳ 4, trang 8.

(19)Tỳ Ni Mẫu Kinh - quyển 3, Đại Chánh tạng - 24, trang 818.

(20)Ngũ Phần Luật - quyển 30, Đại Chánh tạng-22, giữa trang 192.

(21)Phật Giáo Ấn Độ - của Pháp sư Ấn Thuận. Chương 4, tiết 3, trang 63.

(22)Đại Chánh tạng-25, cuối trang 306 đến trang 308.

(23)Tự Điển Phật Học Hán Việt- Chú của người dịch.

---o0o---

Vi tính: Nguyên Trang- Trình bày: Anna

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]