Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

1. THIÊN THỨ NHẤT: THỜI ĐẠI NGUYÊN THỦY PHẬT GIÁO

21/05/201318:29(Xem: 12709)
1. THIÊN THỨ NHẤT: THỜI ĐẠI NGUYÊN THỦY PHẬT GIÁO

LƯỢC SỬ PHẬT GIÁO ẤN ĐỘ

Sa môn THÍCH THANH KIỂM

---o0o---

1. THIÊN THỨ NHẤT. THỜI ĐẠI NGUYÊN THỦY PHẬT GIÁO

(624 - 270 trước Tây lịch)

CHƯƠNG THỨ NHẤT. THỜI ĐẠI ĐỨC THÍCH TÔN

I. TƯ TƯỞNG TÔN GIÁO ĐÃ CÓ TRƯỚC THỜI ĐỨC THÍCH TÔN XUẤT THẾ

Trước thời kỳ Đức Thích Tôn xuất thế, văn hóa Ấn Độ cũng đã phát triển tới một trình độ khá cao, do tư tưởng sáng tạo của giống người Aryan. Nguyên thủy, giống người Aryan cư trú tại miền Trung ương Á Tế Á, lấy nghề du mục để sinh sống. Vào khoảng 3000 năm trước kỷ nguyên, giống người này vượt qua dãy núi Hindukush di cư xuống vùng Đông nam Á Tế Á; một phần của giống người này di chuyển về phía Tây nam thuộc Ba Tư (Iran), một phần thì tiếp tục di chuyển về phía Đông nam, xâm nhập vào phía Tây bắc nước Ấn Độ, đánh đuổi người bản xứ, chiếm lĩnh vùng Panjab (Ngũ hà địa phương), thuộc thượng lưu sông Indus, và giống người này được gọi là dân tộc Aryan Ấn Độ.

Dân tộc Aryan Ấn Độ cư trú ở vùng Panjab, ngày một phồn thịnh, nhất là về mặt tư tưởng thì rất phát đạt, vì thế, dân tộc này đã chế tác được bộ kinh điển đầu tiên, tức là kinh điển Rg Veda (Lê Câu Phệ Đà) 40 quyển, là nguồn tư tưởng văn hóa ở thời kỳ thứ nhất của Bà La Môn giáo, trong khoảng 1500 -1000 năm trước kỷ nguyên.

Nội dung của kinh điển Rg Veda chỉ là những bài ca tán có tính cách thần thoại, nhưng bao hàm nhiều tư tưởng về vũ trụ và nhân sinh quan, tư tưởng Rg Veda là tư tưởng mở đầu cho nền văn minh và triết học Ấn Độ, và cũng là cơ sở để khai triển cho những trào lưu tư tưởng hậu lai.

Nguồn tư tưởng ở thời kỳ thứ hai của Bà La Môn giáo là thời đại Bràhmana (Phạm thư), trong khoảng 1000 - 800 năm trước kỷ nguyên. Trong thời kỳ này, dân tộc Aryan Ấn Độ lần lượt tiến về phía Đông, chiếm cứ khu đất đồng bằng phì nhiêu trên bờ sông Hằng Hà (Gange), lấy nghề canh nông làm mục tiêu, đặt ra chức tước vua quan, bắt những người khác giống làm nô lệ, chia xã hội thành bốn giai cấp khác nhau: Giai cấp Bà-la-môn (Bràhmana), chủ trương việc nghi lễ tôn giáo; giai cấp Sát-đế-lợi (Ksatriya) là giai cấp vua quan, nắm quyền thống trị; giai cấp Tỳ-xá (Vaisya) là giai cấp bình dân, nông, công, thương; giai cấp Thủ-đà-la (Sùdra) là giai cấp tiện dân, đời đời làm nô lệ. Vì giai cấp Bà-la-môn chủ trương công việc lễ nghi, tôn giáo, nên đã chế tác ra bộ kinh điển Bràhmana, để chú thích và thuyết minh kinh điển Veda.

Nội dung của sách Bràhamana thì hoàn toàn là một pho sách có tính cách thần học. Tư tưởng triết học của Bràhmana thì khai triển theo thứ tự trong ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất lấy Prajapati (Sinh sản) làm trung tâm. Tư cách của Prajapati là thần tối cao, tạo ra vũ trụ, trời đất và hư không, rồi lần lượt tạo ra Thái Dương thần, Phong thần, Hỏa thần, con người và vạn hữu, nên giai đoạn này thuộc về quan niệm sáng tạo. Giai đoạn thứ hai, lấy Bràhaman (Đại ngã) làm trung tâm. Bràhman thay thế Prajapati để nắm quyền chi phối các vị thần. Giá trị của Bràhman đứng trên hai phương diện, một phương diện thì duy trì cái bản chất bất biến bất động của nó, mặt khác thì hoạt động theo hai yếu tố là Nàma (Danh) và Rùpa (Sắc) để khai triển vạn hữu. Giai đoạn thứ ba, lấy Àtman (Tự ngã) làm trung tâm. Bràhaman và Àtman tên tuy khác nhau nhưng cùng một thể. Bràhman thuộc về phương diện vũ trụ; Àtman thuộc về phương diện tâm lý. Căn cứ vào phương diện tâm lý thì linh hồn bất diệt, nghĩa là Àtman khi lìa thể xác thì linh hồn được quy thuộc về Bràhman.

Nguồn tư tưởng ở thời kỳ thứ ba của Bà La Môn giáo là triết học Upanishad (Áo nghĩa thư). Tiếp sau tư tưởng Bràhman là triết học Upanishad được thành hình trong khoảng 800 - 600 năm trước kỷ nguyên. Nội dung tư tưởng triết học này chủ trương thuyết PHẠM NGÃ ĐỒNG NHẤT (Bràhman, Àtman ailkyam), và lý tưởng giải thoát. Lý tưởng giải thoát chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là việc đi tìm giải thoát, nhưng giải thoát phải tìm ở tự nơi mình, không phải là tìm ở bên ngoài, cho nên nhân của giải thoát là tự giác, nhân của luân hồi là bất giác. Giai đoạn thứ hai, muốn thoát luân hồi cần phải an trụ cái bản tính, và bồi dưỡng phần trí tuệ. Giai đoạn thứ ba, phải noi theo phương pháp tu trì để mong phát minh trực quán trí, tức là phép tu Du-già (Yoga). Theo thứ tự như thế mà tu, dần dần chân ngã sẽ toàn hiện, tới lúc chân ngã toàn hiện, thì Àøtman trở thành Bràhman, tức là giải thoát, chấm dứt luân hồi.

II. TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC Ở THỜI KỲ ĐỨC THẾ TÔN XUẤT THẾ

Tư tưởng trong ba thời kỳ: Rg Veda, Bràhmana và Upanishad như trên đã kể đều là tư tưởng căn bản của Bà La Môn giáo. Nhưng từ khoảng 600 năm trước kỷ nguyên trở về sau, tư tưởng Ấn Độ được tự do phát triển, thế lực chính thống của Bà La Môn giáo ngày một sút kém, vì thế nên đã phát sinh ra nhiều tư tưởng, tôn giáo và triết học mới như Phật giáo, Kỳ Na giáo, Lục Sư ngoại đạo phái và sáu phái triết học.

KỲ NA GIÁO(Jaina).

- Giáo Tổ tên là Vardhamana (Đại Hùng). Giáo này chủ trương về Vật hoạt luận. Tư tưởng triết học căn bản của giáo này là thực thể (dravaya). Thực thể chia ra hai trạng thái là Sinh mệnh yếu tố và Phi sinh mệnh yếu tố (Java, Ajava). Sinh mệnh yếu tố thì gồm đủ hai phần lý trí và tình cảm; phi sinh mệnh yếu tố được chia làm năm thứ: Không (Akasa), Pháp (Dharma), Phi pháp (Adharma), Vật chất (Pudgala) và Thời gian (Kala). Không là nguyên lý bao gồm mọi nơi mọi chốn; vật chất là nguyên lý tạo thành nhục thể; pháp là nguyên lý vận động; phi pháp là nguyên lý đình chỉ; thời gian là nguyên lý biến hóa. Sinh mệnh yếu tố và Phi sinh mệnh yếu tố vì liên kết với nhau nên sinh ra các phiền não, bị luẩn quẩn trong vòng luân hồi. Vì mong giải thoát luân hồi nên giáo này chủ trương phương pháp tu hành khổ hạnh làm mục đích tối cao.

LỤC SƯ NGOẠI ĐẠO PHÁI(Sat-Tirthakarah).

- Căn cứ vào kinh điển và sử liệu của Phật giáo, đương thời Đức Thích Tôn, có sáu nhà ngoại đạo chủ trương mỗi phần lý thuyết khác nhau, nên Phật giáo thường gọi là “Lục Sư ngoại đạo”. Nhưng, những lý thuyết của sáu phái này chỉ bột phát nhất thời rồi bị tiêu diệt. Đại cương về lý thuyết của Lục Sư ngoại đạo phái như sau:

1. Phái Pùrana Kàssápa (Phú Nan Đà Ca Diếp). - Phái này chủ trương thuyết ngẫu nhiên, không tin luật nhân quả, cho hết thảy sự khổ vui, họa phúc của con người chỉ là ngẫu nhiên. Phật giáo gọi phái này là phái ngoại đạo “Vát vô nhân quả”.

2. Phái Makkhali Gosàla (Mạt Già Lê Câu Xá Lợi). - Phái này chủ trương thuyết tự nhiên, cho hết thảy sự vui khổ, họa phúc của con người đều là tự nhiên, không ảnh hưởng của bất cứ một nguyên nhân nào. Nên Phật giáo gọi phái này là “Tà mệnh ngoại đạo”. 

3. Phái Ajitakesa Kambali (A Di Đa Thúy Xá Khâm Bà La). - Phái này chủ trương thuyết Duy vật luận, cho thân thể con người chỉ là do bốn yếu tố: Địa, Thủy, Hỏa, Phong kết hợp lại mà thành, khi chết thì tứ đại lại hoàn tứ đại, không trọng dụng về phương diện tinh thần, đạo đức, lấy chủ nghĩa khoái lạc cho nhục thể làm mục đích.

4. Phái Pakudha Katyàyana (Bà Phù Đà Ca Chiên Diên). - Phái này chủ trương sinh mệnh và vật chất đều thường trụ, cho tất cả các vật được tạo thành là nương vào sự hòa hợp của bảy yếu tố: Địa, Thủy, Hỏa, Phong, Khổ, Lạc, Sinh mệnh. Vậy nên sự sinh tử chỉ là một công việc tụ hay tán của bảy yếu tố đó, mà những yếu tố đó thì thường trụ bất diệt.

5. Phái Aønjaya Belatthiputta (Tán Nhạ Gia Tỳ La Lê Tử). - Phái này chủ trương thuyết tu định, thuộc phái ngụy biện. Họ cho chân lý không phải là không biến đổi, nên việc tu đạo là vô ích, mà chỉ chuyên tu thiền định.

6. Phái Nigantha Nàtaputta (Ni Kiền Đà Nhã Đề Tử). - Phái này chủ trương tu khổ hạnh, cho sự khổ, vui, họa, phúc của con người đều do tiền nghiệp đã định, muốn thoát khỏi tiền nghiệp đó, cần phải luyện thân khắc khổ để mong cầu giải thoát.

SÁU PHÁI TRIẾT HỌC.

- Kỳ Na giáo và Lục Sư ngoại đạo phái như trên đã lược thuật, không thuộc về tư tưởng của Bà La Môn giáo, nhưng sáu phái triết học mới phát sinh thì đều chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp của ba thời kỳ Rg Veda, Bràhmana và Upanishad. Tư tưởng đại cương của sáu phái triết học như sau:

1. Phái Nyàya (Chính lý phái). - Thủy tổ tên là Aksapàda (Túc Mục). Tư tưởng của phái triết học này thuộc Đa nguyên luận, lấy kinh điển Nyàya Sùtra làm căn cứ. Kinh này gồm có 538 câu. Về quan niệm nhân sinh lấy phương châm lìa khổ tới chỗ giải thoát làm mục đích. Phái này cho rằng con người được sinh ra nơi trần thế là có đầy dẫy sự khổ, mà nguyên nhân được sinh ra (janma) là do tác nghiệp (pravrtti), tác nghiệp làm cơ sở cho phiền não (dosa), phiền não là căn bản của vô tri (mithyajnàna). Vậy nên muốn lìa khổ phải tiêu diệt vô tri, tiêu diệt được vô tri tức là tới cảnh giới an vui giải thoát (nihsreyasa). Lý thuyết này tương tự với thuyết mười hai nhân duyên trong Phật giáo. Về phương thức nghị luận, phái này chia làm năm giai đoạn: Tôn (Pratijanà), Nhân (Hetu), Dụ (Udàhadana), Hợp (Upanaya), Kết (Nigamana). Phương thức lý luận này nếu đem so sánh với luận lý Tây phương, thì “Tôn” tương đương với bộ phận “Đoán án”, “Nhân” là “Môi giới từ”, “Dụ” tương đương với bộ phận “Đại tiền đề”. Nhưng phương thức luận lý của phái này còn thêm hai chi là “Hợp”, “Kết”, tỏ ra lập trường luận lý rất vững vàng. Về sau, phương thức luận lý này được phủ chính những chỗ chưa hoàn bị qua tay hai bậc thạc học trong Phật giáo là Thế Thân và Trần Na, và được chuyển làm môn luận lý học trong Phật giáo.

2. Phái Vaisésika (Thắng luận phái). - Phái này chủ trương thuyết “Thanh thường trụ” (Âm thanh thường còn), đứng trên lập trường tự nhiên triết học để giải thích vũ trụ vạn hữu. Khai tổ là Kanada (Ca Na Đà), kinh điển căn cứ là Vaisesika Sùtra, gồm có 370 câu. Trong đó có nêu ra sáu phạm trù: Thực cú nghĩa, Đức cú nghĩa, Nghiệp cú nghĩa, Đồng cú nghĩa, Dị cú nghĩa và Hòa hợp cú nghĩa, làm nguyên lý để thành lập vạn hữu. Trước hết chỉ quan sát vạn hữu ở phần cụ thể, gạt bỏ phần tính chất, vận động và trạng thái, mục đích để đạt tới khái niệm thực thể của vạn hữu. Để thích ứng với nguyên lý đó, nên trước hết thành lập “Thực cú nghĩa” (Dravya Padàrtha); gác bỏ khái niệm của thực thể và vận động, chỉ quan sát về khái niệm tính chất hay thuộc tính của vạn hữu, để thích ứng với nguyên lý này nên thành lập ra “Đức cú nghĩa” (Guna Padàrtha); chỉ thích ứng với nguyên lý thực tại để hợp với khái niệm vận động nên thành lập ra “Nghiệp cú nghĩa” (Karma Padàrtha). Tóm lại, vạn hữu đều do ba nguyên lý “Thực, Đức, Nghiệp” (Thể, Tướng, Dụng) kết hợp lại mà thành lập. Căn cứ vào ba nguyên lý ấy mà quan sát sự quan hệ trong nơi vạn hữu, nếu trường hợp ba nguyên lý ấy cùng quan hệ với nhau, nên lại thành lập ra “Đồng cú nghĩa” (Sàmànya Padàrtha); nếu ba nguyên lý ấy ở trong trường hợp phản đối nhau, nên thành lập ra “Dị cú nghĩa” (Visésa Padàrtha); năm nguyên lý kể trên nếu ở trong trường hợp liên kết với nhau, nên lại thành lập ra “Hòa hợp cú nghĩa” Samavàya Padàrtha). Sáu nguyên lý kể trên tức là sáu phạm trù căn bản để thuyết minh và lý giải vạn hữu.

Về phương diện nhân sinh quan, phái này cho con người được thành lập bởi tám yếu tố. Trước hết là yếu tố “Àtman”, thực thể của nó thì bất sinh bất diệt; thứ hai là “Ý” (Manas), ý là cơ quan liên lạc giữa Àtman và ngũ căn, ngũ căn thì hoàn toàn do vật chất tạo thành: “Nhãn căn” do hỏa đại, “Nhĩ căn” do không đại, “Tỷ căn” do địa đại, “Thiệt căn” do thủy đại, “Thân căn” do phong đại tạo thành. Đối tượng của ngũ căn là ngũ trần: Sắc, thanh, hương, vị, xúc. Àtman là trung tâm, còn các cơ quan khác chỉ là phụ thuộc để nhận thức và hành động. Yếu tố sau hết là “Nghiệp lực” (Adrsta), bởi nghiệp lực huân tập nên bị luân hồi, muốn thoát luân hồi cần phải diệt nghiệp lực, muốn diệt nghiệp lực cần phải tu trì khổ hạnh để mong đạt tới cảnh giới thuần túy của Àtman, đó là lý tưởng của giải thoát.

3. Phái Sàmkhya (Số luận phái). - Khai tổ là Kapia (Ca Tỳ La). Phái này chủ trương Nhị nguyên luận là tinh thần và vật chất. Vật chất là yếu tố để thành lập vạn vật, đối lập với vật chất là vô số linh hồn (tinh thần). Linh hồn thì hoạt động, tự do kết hợp với vật chất để tạo thành sinh vật. Bản chất của linh hồn thì thuần túy chủ quan, không biến động; vật chất là khách quan luôn luôn biến hóa dao động, nương theo ba nguyên chất là “Sattva” (hỷ), “Rajas” (ưu), và “Tamas” (ám). Ba nguyên chất này còn gọi là ba đức (guna). Căn cứ vào sự phối hợp của ba đức này để thuyết minh hiện tượng vạn hữu. Thí dụ: Ba đức ấy nếu cứ hai đức một chi phối lẫn nhau là động lực tạo thành ba đức ấy đứng ở trạng thái bình hành là nguyên nhân tiêu diệt.

4. Phái Yoga (Du già phái). - Khai tổ là Patanjali (Bát Tử Xà Lê), lấy kinh điển Yoga Sùtra làm căn cứ. Phái này chú trọng ở pháp môn tu thiền định để mong cầu giải thoát, theo phương pháp thực tu chia làm tám giai đoạn: Cấm chế (Yama), Khuyến chế (Niyama), Tọa pháp (Àsana), Điều tức (Prànàyàma), Chế cảm (Pratyàkàra), Chấp trì (Dhàranà), Tĩnh lự (Dhyàna), Đẳng trì (Samàdhi). Cấm chế cần phải giữ năm giới điều: Không sát sinh, không trộm cắp, không gian dâm, không nói dối, không tham lam, thuộc đức độ tiêu cực. Khuyến chế cần phải làm năm việc: Thanh tịnh, mãn định, khổ hạnh, học tập kinh điển, định thần, thuộc đức độ tích cực. Tọa pháp là để điều hòa thân thể. Điều tức, để chỉnh đốn hô hấp. Chế cảm, để thống trị ngũ căn. Chấp trì, để tập trung tư tưởng. Tĩnh lự, để thống nhất cái tâm. Đẳng trì, để tâm trở thành vắng lặng như hư không, chỉ còn là cảnh giới xán lạn, tức là chứng được tam muội (sammadhi), chỉ còn là một “thần ngã” giải thoát tự tại.

5. Phái Mimàmsà (Nhĩ Man Tát phái). - Khai Tổ là Jaimini (Sà Y Nhĩ Ni), lấy kinh điển Mimàmsà Sùtra làm căn cứ. Phái này chú trọng về phương diện luân lý triết học, phục tùng mệnh lệnh và cấm chế của kinh điển Veda, chủ trương thuyết “Âm thanh thường trụ”. Về lý tưởng giải thoát, phái này cho rằng hiện thế và lai thế, muốn được sung sướng, cần phải có nhiều hình thức hy sinh. Kết quả của sự hy sinh được báo đền trong đời tương lai hay hiện tại.

6. Phái Vedànta (Phệ Đàn Đa phái). - Khai tổ là Bàdarayana (Bà Đạt La Gia Na), lấy kinh điển Vedànta do Bàdarayana trước tác làm căn cứ. Tư tưởng triết học của phái này chủ trương rằng, Bràhman là tổng nguyên lý của vũ trụ, vạn hữu, là duy nhất, là siêu việt. Thế gian vạn hữu đều bao hàm trong Bràhman, tự ý chí của Bràhman khai triển ra hiện tượng giới. Bràhman, trước hết khai triển ra “Hư không”, từ hư không phát sinh ra “Gió”, từ gió phát sinh ra “Lửa”, từ lửa phát sinh ra “Nước”, từ nước phát sinh ra “Đất”. Năm nguyên tố này một mặt được tổ chức thành vật khí thế gian, một mặt được tổ chức thành hữu tình thế gian. Căn cứ ở kinh Vedànta Sùtra thì Bràhman và Àtman là một thể. Khi ở giai đoạn chưa khai triển thì Àtman là bào thai của Bràhman, nhưng khi ở giai đoạn đã khai triển thì Àtman của con người ở địa vị độc lập, chịu phần chi phối của Bràhman. Đặc chất của Àtman là trí tuệ, hành vi, nương theo vào tự do ý chí phán đoán, tạo thành nhiều loại tác nghiệp, do tác nghiệp huân tập nên quên mất cố hương, chỉ theo huân tập chịu sinh tử luân hồi trong hiện tượng giới, chịu khổ não trong loài hữu tình. Hữu tình là một bộ phận của Bràhman, đầy đủ thể tính thanh tịnh như Bràhman, muốn trở lại với Bràhman thì cần phải noi theo môn tu hành giải thoát. Do công phu tu hành giải thoát, Àtman lại được dung hợp với cảnh giới Bràhman, tới giai đoạn này thì hoàn toàn giải thoát vĩnh viễn.

III. TRẠNG THÁI CHÍNH TRỊ VÀ XÃ HỘI TRONGTHỜI ĐỨC THÍCH TÔN

Về thời cổ đại, dân tộc Ấn Độ tổ chức guồng máy chính trị theo chính thể Cộng hòa. Nhưng tới thời kỳ Đức Thích Tôn xuất thế, thì chế độ đó đã bị suy tàn, và được thay thế bằng chính thể Quân chủ chuyên chế. Duy có hai nước là Magadha (Ma Kiệt Đà) và Kosala (Kiều Tát La) là chế độ Cộng hòa vẫn còn tồn tại. Nước Magadha ở phía Nam sông Hằng Hà, đô thị của nước này là Rajagrha (Vương Xá thành). Nước Kosala ở phía Bắc Ấn Độ, đô thị của nước này là Sravasti (Xá Vệ thành). Hai nước này là trung điểm cho nền văn minh Ấn Độ lúc đương thời và rất có quan hệ mật thiết với Phật giáo. Phía Đông bắc nước Ma Kiệt Đà có giòng họ Anga (Ương Già tộc) đóng đô ở thành Campà (Chiêm Ba); đối diện với nước này có giòng họ Licchavi (Ly Xa Tỳ tộc) đóng đô ở thành Vesalì (Phệ Xá Ly). Ngoài ra còn có các giòng họ Kàsi (Ka Thi), Vacchà (Bà Ta), Mallà (Mạt La) cư trụ ở gần nước Kosala v.v..., gây thành trạng thái quần hùng cát cứ lúc đương thời. Và giòng họ của Đức Phật là Sàkyà (Thích Ca tộc) đóng đô ở thành Ca Tỳ La (Kapilavastu), phương Bắc nước Kosalà thuộc Trung Ấn Độ.

Thời cổ đại, dân tộc Ấn Độ rất tôn trọng nghi thức tế tự, kính thần. Lúc đầu họ đặt ra người gia trưởng, hoặc tộc trưởng để giữ việc tế lễ, gọi là chức Ty tế. Dần dần chức Ty tế này trở thành việc chuyên môn nên được thay thế bằng các Tăng lữ. Mặc khác, vì theo đà tiến triển của xã hội, liền phát sinh ra bốn chức nghiệp: Sĩ, nông, công, thương. Dần dần, nghề nghiệp này trở thành giai cấp hóa. Giai cấp Tăng lữ coi việc tế tự chiếm địa vị tối cao; thứ đến giai cấp vua chúa, nắm quyền thống trị; thứ dân thuộc hạng nông, công, thương ở địa vị thứ ba; sau cùng là tiện dân ở địa vị thấp nhất. Lối phân chia giai cấp đó mỗi ngày thêm chặt chẽ. Các Tăng lữ nắm được thực quyền của xã hội, liền đem tổ chức thành bốn giai cấp rõ rệt: Tăng lữ thuộc giai cấp Bà-la-môn (Bràhman), vua chúa thuộc giai cấp Sát-đế-lợi (Ksatriya), bình dân thuộc giai cấp Tỳ-xá (Vaisya), tiện dân thuộc giai cấp Thủ-đà-la (Sùdra). Hai giai cấp Bà-la-môn và vua chúa là giai cấp thống trị, hai giai cấp bình dân và tiện dân là hai giai cấp bị trị. Bốn giai cấp này theo chế độ thế tập, cha truyền con nối, nên giai cấp nô lệ cứ phải đời đời làm nô lệ tạo thành một tổ chức xã hội bất công.

Giai cấp Bà-la-môn lại nương vào chế độ của xã hội mà quy định thành bốn thời kỳ tu hành của giai cấp mình. Bốn thời kỳ đó như sau:

1. Phạm trí kỳ (Brahmacàrin). - Thời kỳ sinh hoạt học sinh của thời đại thiếu niên, từ 7 tới 11 tuổi. Ở tuổi này, phải xuất gia theo thầy học tập kinh điển Veda, tới khi học nghiệp thành tựu lại được trở về nhà.

2. Gia cư kỳ (Grhastha). - Thời kỳ sinh hoạt gia đình của thời đại tráng niên. Thời kỳ này là thời kỳ lập gia đình, trông nom con cháu, làm trọn nhiệm vụ tế tự của người gia trưởng.

3. Lâm cư kỳ (Vànaprastha). - Kỳ sinh hoạt xuất gia của thời đại tráng niên. Người đã làm xong nghĩa vụ của gia đình rồi, liền vào chốn thâm sơn, rừng rậm để tu luyện thiền định, khổ hạnh.

4. Du hành kỳ (Parivràjaka). - Thời kỳ sinh hoạt du hành của thời đại lão niên. Tới thời kỳ tuổi già cần phải mong cầu cho sự tu hành được thành tựu, thân tâm được thanh tịnh, giải thoát, nơi ở không nhất định, nay đây mai đó. Cho nên, người tu ở thời kỳ này có tên là khất sĩ (Bhiksu) hay hành giả (Yati).

Bốn thời kỳ sinh hoạt kể trên là sinh hoạt lý tưởng của giai cấp Bà-la-môn. Nếu người nào trong đó tu hành đạt tới chỗ cứu cánh thì được mọi người trong xã hội cung kính tột bậc.

Giòng họ Bà-la-môn đã chế định ra bốn giai cấp, tự cho mình ở địa vị tối cao, và chia sự tu hành làm bốn thời kỳ, sinh hoạt theo lý tưởng. Nhưng trái lại còn ba giai cấp khác, nhất là giai cấp tiện dân lại bị xã hội khinh miệt, không được pháp luật bảo hộ, cấm chế không cho dự phần tín ngưỡng tôn giáo, và tán tụng kinh điển Veda. Do đó mà gây thành sự tổ chức xã hội bất công, dân chúng họ hằng khát vọng có bậc thánh nhân xuất hiện cứu đời.

Để đáp lại lòng mong mỏi đó, nên đã phát sinh một tôn giáo tha thiết với mục đích nhất vị bình đẳng cứu đời, chính là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sáng lập. Đức Phật, Ngài không nương vào giòng họ cao thấp để định giá con người, mà chỉ nương vào phần phẩm hạnh đạo đức. Đặc biệt, Ngài phủ nhận giai cấp bất công, đem chế độ bình đẳng để đãi ngộ mọi hạng người trong xã hội. Cho nên, Ngài chỉ căn cứ vào phần trí tuệ có nông sâu, đức hạnh có hậu bạc để định thứ vị con người. Đến như kẻ tiện dân là ông Ưu Ba Ly (Upàli), sau khi Đức Phật độ cho xuất gia, cũng chứng được đạo quả, mà trở thành “Bậc Trì luật thứ nhất”, là một trong số mười vị đại đệ tử của Phật. Đức Phật không phân biệt kẻ nghèo, giàu, sang, hèn nên trong mỗi kỳ thuyết pháp, bá giáo của Ngài, trên có các bậc quốc vương, các nhà hào phú, dưới đến các cùng dân nghèo khổ cũng đều được thấm nhuần pháp vũ. Do đó nên mọi người trong xã hội đương thời, bất luận thuộc giai cấp nào cũng đều ngưỡng mộ cái đức độ Từ Bi Hỷ Xả của Ngài tới cực độ.

CHƯƠNG THỨ HAI. LƯỢC SỬ ĐỨC THÍCH TÔN

I. ĐỨC THÍCH TÔN TRƯỚC KHI THÀNH ĐẠO

Vị Giáo chủ sáng lập ra đạo Phật là Phật Thích Ca Mâu Ni (Sàkyàmuni), Hán dịch là Năng Nhân Tịch Mặc, lấy ý nghĩa Ngài là một bậc trí tuệ trong giòng họ Thích Ca. Tên chính của Ngài là Cù Đàm Tất Đạt Đa (Gautama Siddhàtha). Cù Đàm nghĩa là Giác Giả (Budha), hay là Thế Tôn (Bhagavat). Giác Giả và Thế Tôn là danh hiệu tôn xưng về đức độ của Ngài.

Giòng họ Thích Ca cư trú ở nước Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu), thuộc phía Bắc Trung Ấn. Vua nước này là Tịnh Phạn (Suddhodana), vương phi là Ma Da (Maya) phu nhân, con gái vua A Nâu (Anu) nước Câu Ly (Koli), một nước nhỏ đối diện với nước Ca Tỳ La Vệ. Ma Da phu nhân mãi tới năm 45 tuổi mới thọ thai. Tới kỳ mãn nguyệt khai hoa, phu nhân trở về cố quốc để sinh nở (theo phong tục lúc đương thời, khi người đàn bà có thai, phải trở về quê ngoại để sinh). Ở nơi đây, một biệt điện đã được thiết lập sẵn sàng trong vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini) để đón Ma Da phu nhân. Tục truyền, một hôm Ma Da phu nhân ra dạo chơi vườn thì sinh Thái Tử ở dưới gốc cây Vô ưu (Asoka), nhằm vào ngày mồng 8 tháng 4 năm 624 trước Tây lịch(1). Vua Tịnh Phạn đặt tên cho Thái Tử là Tất Đạt Đa (Siddhàtha). Sau khi sinh Thái Tử được bảy ngày thì Ma Da phu nhân bất hạnh từ trần. Thái Tử được kế mẫu là Ba Xà Ba Đề (Prajàpati) trông nom nuôi nấng.

Khi lên 8 tuổi, Thái Tử được theo học về cả hai ngành văn học và võ đạo. Vì bẩm tính thông minh, nên học không bao lâu, Thái Tử đều thông thạo cả.

Để tiếp xúc với cuộc đời, đã ba lần Thái Tử được phép vua cha cho ra ngoài thành để quan sát về trạng thái dân gian, xã hội. Thái Tử đã mục kích thấy những cảnh tương tàn tương sát của các loài sâu bọ chim muông, những cảnh già, ốm, chết của nhân thế. Vì vậy, nên Thái Tử cảm ngay thấy cuộc đời không có chi là vui sướng, là bền vững, là giải thoát, hết thảy đều là vô thường. Sau khi quan sát, Thái Tử sinh ra buồn rầu, và luôn luôn suy nghĩ để tìm cách cứu khổ cho chúng sinh. Lại một lần nữa Thái Tử ra chơi ngoài thành, lần này gặp một vị Sa môn, tướng mạo đoan trang, đi đứng ung dung, trông có vẻ tiêu dao giải thoát, do đó Thái Tử liền nảy ra tư tưởng xuất gia cầu đạo.

Thái Tử đã mấy lần xin phép vua cha đi xuất gia, nhưng vua cha đều không ưng thuận. Vì sợ Thái Tử đi xuất gia nên vua bắt tìm đủ mọi sự khoái lạc để cho Thái Tử khuây lòng. Khi 16 tuổi (hoặc 19, 20 tuổi), Thái Tử đã phải vâng lệnh vua cha, thành hôn cùng công chúa Da Du Đà La (Yásoddharà), con gái vua Thiện Giác (Suppabuddha) nước Câu Ly (Koli), sau Thái Tử đã sinh một con trai tên là La Hầu La (Rùhula). Vua cha thấy thế lại càng yêu quý, vui mừng, và sai tuyển thêm mỹ nữ vào cung để hầu hạ Thái Tử. Nhưng vì chí xuất gia đã quyết, nên dù ở trong hoàn cảnh cao quý, xa hoa, lộng lẫy mà Thái Tử cũng không say đắm.

Khi tới 29 tuổi (có thuyết 19 tuổi), là thời kỳ xuất gia đã đến, Thái Tử không thể chậm trễ được nữa, liền trốn vua cha, từ giã vợ và con, bỏ nơi hoàng cung, nửa đêm vượt thành ra đi, nhằm vào ngày mồng 8 tháng Hai.

Sau khi vượt thành ra đi, Thái Tử một mình dấn thân trước băng tuyết, tìm vào nơi sơn lâm u tịch để sưu tầm chân lý. Trước hết, Thái Tử đi vào rừng khổ hạnh, thuộc nước Ma Kiệt Đà, hỏi đạo ông tiên Bạt Già Bà (Bhagavà), sau khi nghe giáo lý của ông, vì không mãn nguyện, nên chỉ lưu lại có một đêm rồi từ giã ra đi nơi khác. Sau Thái Tử lại hỏi đạo ở nhà đại học giả trứ danh của tôn giáo Ấn Độ đương thời là A Ra La Ca Lan (Aràlakàlama) và Uất Đà Ka La Ma Tử (Udraka Ràmaputta), nhưng về tư tưởng triết lý của hai học giả này, đại khái chỉ là tu thiền định để mong cầu phúc báo sinh lên cõi trời “Vô Sở Hữu Xứ” (Akicavyàyatan) và “Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ” (Naivasamjnanàsamjnayatana) làm cảnh giới giải thoát tối cao. Thái Tử cho rằng pháp môn tu này cũng chưa phải là cứu cánh, vì sau khi hưởng hết phúc báo cõi trời, rồi lại bị sinh tử luân hồi, nên Thái Tử cũng lại từ biệt ra đi.

Thái Tử, sau khi từ biệt các ông tiên ra đi, liền tự nghĩ: “Phải chính mình tu thì mới tìm được chính đạo”. Nghĩ thế rồi, Thái Tử đi sâu vào khu rừng khổ hạnh, thuộc Tây ngạn sông Ni Liên Thuyền (Nairanjanà), một chi lưu của sông Hằng Hà, để làm nơi căn cứ tu hành. Ở nơi đây, Thái Tử tu hành khổ hạnh suốt trong sáu năm trường, mỗi ngày chỉ ăn cầm hơi một chút gạo, chút vừng, thân thể trở nên khô héo, gầy còm, chỉ còn da bọc xương mà vẫn chưa chứng được đạo quả. Thái Tử tự nghĩ: “Ta thường hành hạ xác thịt, chỉ khổ sở mà không ích gì, chi bằng cứ tự ăn uống như thường, giữ cho xác thân khỏe mạnh, để làm cái lợi khí cầu đạo giải thoát”.

Sau lúc nghĩ đó, bỗng có một thiếu nữ chăn bò tên là Nan Đà trông thấy Thái Tử, trong lòng vui mừng khôn xiết, nàng liền chọn hai con bò mập, vắt lấy sữa đem về nhà canh, rồi đựng vào bát vàng mang ra dâng cúng Thái Tử. Thái Tử hoan hỷ nạp thọ và cầu nguyện cho nàng, do công đức cúng dường này, nàng sẽ được sung sướng đời đời.

Sau khi dùng sữa xong, Thái Tử tự thấy trong mình khoan khoái, khí lực điều hòa, liền xuống sông Ni Liên Thuyền tắm gội sạch những cáu ghét mà trong nhiều năm tu hành khổ hạnh không để ý đến. Tắm xong, Thái Tử đến dưới cây Tất-bà-la (Pippala, tức là cây Bồ-đề, Bodhydruma) ở Già Da (Yàyà) rải cỏ cát tường làm tòa, ngồi kiết già, hướng mặt về phía Đông. Khi bắt đầu ngồi, Thái Tử thề rằng: “Nếu ta ngồi tòa này mà không chứng được đạo Vô Thượng Bồ Đề, thì thân này dù nát, ta cũng quyết không chịu đứng dậy”. Phát nguyện xong, Thái Tử lặng lẽ vào thiền định, suy nghĩ luôn trong 49 ngày đêm, Ngài suy nghĩ biết được kiếp trước của mình, của người, của mọi chúng sinh. Đến nửa đêm thứ 49, nhằm vào ngày mồng 8 tháng 12, giữa lúc sao Mai mọc thì trong tâm Thái Tử tự nhiên đại ngộ, sạch hết phiền não, chứng được đạo quả Vô Thượng Đại Bồ Đề, hiệu là Phật Thích Ca Mâu Ni, vào năm Thái Tử 35 tuổi (có thuyết 30 tuổi).

II. ĐỨC THÍCH TÔN SAU KHI THÀNH ĐẠO

Sau khi Thái Tử thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni, Ngài liền đem những giáo pháp đã chứng ngộ được để giảng diễn hóa độ chúng sinh, cho biết đến cội nguồn sự khổ và sự vui. Trước hết, Ngài tuyên dương pháp môn Tứ đế ở vườn Lộc Dã (Mrgadava), thuộc nước Ba La Nại Tư (Vàrànasì) để độ cho năm người đệ tử đầu tiên tên là A Nhã Kiều Trần Như (Ajnàta Kaudinya), A Thấp Bà (Ásvjit), Bạt Đề (Bhadrika), Ma Ha Nam (Màhànàman) và Thập Lực Ca Diếp (Dásbala Kàsypa). Trong Phật điển gọi lần thuyết pháp này là Sơ chuyển Pháp luân (Dharma cakrapravatana). Ngôi Tam bảo tức là Phật bảo (Buddha), Pháp bảo (Dharma), Tăng bảo (Sangha) cũng bắt đầu có từ đây.

Cũng ở vườn Lộc Dã, Đức Phật còn độ cho ông trưởng giả Da Xá (Yassa) và song thân của ông làm tại gia Phật tử. Bên nam giới gọi là Ưu-bà-tắc (Upàsaka), bên nữ giới gọi là Ưu-bà-di (Upàsika). Hai chúng tại gia Phật tử cũng bắt đầu từ đó.

Sau khi độ năm vị Tỷ-khưu, Đức Phật và các đệ tử đi các nơi giáo hóa. Trước hết, Ngài đi về nước Ma Kiệt Đà, thủ phủ là Vương Xá thành. Ở giữa đường, Ngài đã độ cho ba anh em ông Ca Diếp, tức là Tam Ca Diếp. Trưởng huynh tên là Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp (Uruvilvà Kàsýapa), thứ huynh là Na Đề Ca Diếp (Nani Kàsýapa), người em út là Già Da Ca Diếp (Giyà Kàsýapa). Ba ông này thuộc Bà La Môn giáo, thờ thần Lửa, nghe Phật giáo hóa, ai nấy đều vui mừng, làm lễ cải giáo, xin theo Phật làm đệ tử. Các ông này còn có một ngàn người đồ đệ cùng được đắc độ. Vì vậy giáo đoàn của Đức Phật ngày một bành trướng, vua Tần Bà Sa La (Bimbisàra) nước Ma Kiệt Đà, sai trưởng giả Ca Lan Đà (Karanda) xây dựng Trúc Lâm tinh xá (Venuvana Vihàra) phía ngoài thành Vương Xá, và tinh xá Linh Thứu ở núi Kỳ Xà Quật (Gghridharkùta), để cúng dường Phật làm nơi thuyết pháp an cư. Ở nơi này, Đức Phật đã độ cho ba ông thuộc Bà La Môn giáo: Xá Lợi Phất (Sàriputra), Mục Kiền Liên (Maudgalyàyana) và Đại Ca Diếp (Mahà Kàsýapa). Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên có hai trăm năm mươi người, thường thường đi theo Phật giáo hóa.

Khi trở về thăm bệnh Phụ vương, Đức Phật còn giáo hóa cho cả vua Tịnh Phạn cùng các hàng vương tử. Trong các hàng vương tử, có chính con của Ngài là La Hầu La, người em khác mẹ là Nan Đà (Nanda), em họ là A Nan Đà (Ànanda), Đề Bà Đạt Đa (Devadatta), A Nâu Lâu Đà (Anurudha), cũng đều xin theo Phật làm đệ tử.

Sau Đức Phật đi hóa đạo tới thành Vương Xá, thủ phủ nước Kiều Tất La, vua nước này là Ba Tư Nặc (Prasenajit), con vua Ba Tư Nặc là thái tử Kỳ Đà (Jeta). Thái tử Kỳ Đà và một bậc phú hào trong nước là trưởng giả Tu Đạt Đa (Sudatta) được nghe Phật thuyết pháp, rất hâm mộ và kính phục, hai ông đều phát nguyện làm Kỳ Viên tinh xá (Jetavana Vihàra) để cúng dường Phật. Ngoài ra, như vua nước Tỳ Xá Ly (Vaisàli) thì làm Đại Lâm tinh xá (Mahàvana Vihàra) và giảng đường Lộc Tử Mẫu (Mrgàramàtuh Pràsàda); đối ngạn với thành Vương Xá là nước Phệ Xá Ly thì thiết lập Trùng Các giảng đường (Kùtàgàra Sàla); phía Tây thành Vương Xá là nước Kiều Thưởng Di (Kosambi) thì dựng tinh xá Cù Sử La Viên (Ghosilàràma) để cúng dường Phật làm nơi thuyết pháp. Các tinh xá tuy có rất nhiều, nhưng chỉ có Trúc Lâm tinh xá và Kỳ Viên tinh xá là Đức Phật hay lui tới giảng đạo nhiều hơn cả.

Phật thành đạo được năm năm thì Phụ vương mất, kế mẫu của Đức Phật là Ba Xà Ba Đề và công chúa Da Du Đà La cũng được Phật độ cho xuất gia làm Tỷ-khưu-ni. Đó là lần đầu tiên mà bên nữ giới được Phật độ vào hàng đệ tử xuất gia. Đến đây thì Giáo đoàn của Phật gồm đủ tứ chúng, là hai chúng xuất gia: Tỷ-khưu (Bhiksu, Tăng đoàn) và Tỷ-khưu-ni (Bhiksuni, Ni đoàn); hai chúng tại gia là Ưu-bà-tắc (nam giới) và Ưu-bà-di (nữ giới).

Trong hàng đệ tử của Phật thì rất đông, nhưng có mười vị đệ tử trứ danh, trong kinh gọi là Thập đại đệ tử. Đó là Tôn giả Xá Lợi Phất là bậc trí tuệ đệ nhất; Mục Kiền Liên, thần thông đệ nhất; Đại Ca Diếp, tu định đệ nhất; Ca Chiên Diên, nghị luận đệ nhất (các vị đệ tử kể trên xuất thân từ giai cấp Bà-la-môn); A Nan Đà, đa văn đệ nhất; A Nâu Lâu Đà, thiên nhãn đệ nhất; La Hầu La, mật hạnh đệ nhất (các vị đệ tử này xuất thân từ giai cấp Sát-đế-lợi); Tu Bồ Đề, giải không đệ nhất; Phú Lâu Nan (Purna), biện tài đệ nhất (các vị này xuất thân từ giai cấp Tỳ-xá); Ưu Ba Ly, trì luật đệ nhất (xuất thân từ giai cấp Thủ-đà-la).

Các đệ tử ngoại hộ Phật pháp trứ danh trong chúng Ưu-bà-tắc như vua Tần Tỳ Xa La và vua A Xà Thế (Ajàtasatru) nước Ma Kiệt Đà; vua Ba Tư Nặc nước Kiều Tất La; trưởng giả Tu Đạt thành Xá Vệ... Các hàng đệ tử trong giới Ưu-bà-di như: Vi Đề Hy (Vìdehì) phu nhân, Mạt Lợi và Thắng Man (Srimàlà) phu nhân, và vợ của ông Tu Đạt là Thiện Sinh (Sujàtà) v.v...

III. ĐỨC THÍCH TÔN NHẬP NIẾT BÀN

Từ lúc Đức Phật thành đạo tới lúc nhập Niết-bàn, trong khoảng 45 năm trời (có thuyết 49 năm), Ngài đi khắp nơi tuyên dương chánh pháp, hóa độ chúng sinh, không mấy lúc là gián đoạn. Nơi trung tâm điểm mà Đức Phật thường hay lui tới giáo hóa nhiều nhất là hai nước Ma Kiệt Đà và Kiều Tất La, rồi đến các nước thuộc Trung Ấn Độ, theo duyên ngạn sông Hằng Hà như: nước Thiểm Ba (Campà) ở phía Đông, nước Kiều Thưởng Di và nước Ma Thâu La (Mathùrà) ở phía Tây, nước Ba La Nại Tư (Barànaisi) thuộc phía Nam, thành Ca Tỳ La thuộc phía Bắc. Ngoài ra còn nhiều nước nhỏ khác cũng đều có vết chân của Phật tới thuyết pháp.

Về cách thức thuyết pháp mà Đức Phật hay dùng nhiều nhất là phương pháp đối thoại và thí dụ, cốt để người nghe pháp dễ hiểu và mau lĩnh ngộ. Về nội dung của sự thuyết pháp thì Đức Phật tùy theo căn cơ mà nói, nghĩa là tùy cơ thuyết pháp, tùy bệnh cho thuốc, như đối với các hàng vua chúa, Đức Phật nói phương pháp trị nước, an dân, lợi ích hộ trì Phật pháp; đối với thường dân, Phật giảng dạy cách làm phúc bố thí, cách cư xử trong gia đình, ngoài xã hội. Đối với phía tại gia Phật tử, Phật giảng giải những pháp Tam quy, Ngũ giới, Thập thiện và Bát chánh đạo. Đối với phía xuất gia, Phật giảng giải về pháp môn Tứ đế, Mười hai nhân duyên, Ngũ uẩn v.v... Tóm lại, lối thuyết pháp của Phật là phương pháp dụ dẫn từ thấp tới cao, từ nông tới sâu, từ phàm phu trở thành Phật quả.

Đức Phật, tới khi 80 tuổi, Ngài nhận thấy cơ duyên giáo hóa chúng sinh đã viên mãn, và đã tới lúc vào Niết-bàn, Ngài liền thống lĩnh các hàng đệ tử, du hành tới rừng Sa la (Sala), trên bờ sông Ni Liên Nhã Bạt Đề (Hiranyavati) thuộc thành Câu Thi Na Yết La (Kusínagara), để giảng giải cho các đệ tử nghe những chỗ nào còn hồ nghi. Trong khi đó, có ông Tu Bạt Đà La (Subbadra) đã 120 tuổi, thuộc Bà La Môn giáo, tu ở gần đó, nghe tin Phật sắp vào Niết-bàn, vội đến hỏi đạo, và xin theo làm đệ tử, Phật liền nói pháp cho nghe và thu nạp làm đệ tử, đó là người đệ tử cuối cùng được Phật độ.

Để ban lời giáo huấn cuối cùng, chỉ có trong một ngày đêm mà Ngài đã nói xong bộ kinh Đại Bát Niết Bàn. Nói kinh xong, Ngài lên tòa thất bảo, nằm nghiêng sườn bên phải, đầu gối về phía Bắc, chân duỗi về phương Nam, mặt ngoảnh về phía Tây, rồi vào Đại diệt độ (Mahàvirvàna), nhằm vào ngày 15 tháng 2. Trước khi nhập Niết-bàn, Ngài đã giao phó y bát cho Tôn giả Ma Ha Ca Diếp, vị đệ tử tối cao của Ngài.

Phật nhập Niết-bàn rồi, ngài Ma Ha Ca Diếp và đại chúng rước kim quan của Ngài tới giàn thiêu để làm lễ Trà-tỳ (jhàpeta, hỏa táng), làm lễ xong thì Xá lợi (Sarira) được chia làm nhiều phần cho các nước để xây tháp cúng dường. Tập tục tín ngưỡng Xá lợi cũng được bắt nguồn từ đây. Còn các di tích của Phật thì trở thành nơi chiêm bái tín ngưỡng của toàn thể Phật giáo đồ. Vườn Lâm Tỳ Ni nơi Phật giáng sinh, Bồ-đề Đạo Tràng nơi Phật thành đạo, vườn Lộc Dã nơi Phật “Sơ chuyển Pháp luân”, Sa la Song thọ nơi Phật nhập diệt, là bốn thắng cảnh được nhiều người chiêm bái nhất.

CHƯƠNG THỨ BA. GIÁO ĐOÀN TỔ CHỨC VÀ KINH, LUẬT KHỞI NGUYÊN

I. GIÁO ĐOÀN TỔ CHỨC

SỰ TỔ CHỨC CỦA GIÁO ĐOÀN.

- Giáo đoàn của Phật giáo gọi là Tăng già (Sangha), nghĩa của Tăng già là đại chúng hay hòa hợp. Thành phần tổ chức của Tăng già là đoàn thể tôn giáo. Đức Thích Tôn khi còn tại thế, phương thức đoàn thể tôn giáo cũng đã được chế định. Những pháp quy của đoàn thể Tăng già gọi là Luật tạng để quy định về cách tổ chức và sinh hoạt. Thành phần của đoàn thể Tăng già gồm có bảy chúng xuất gia và tại gia:

1. Tỷ-khưu (Bhiksu). - Phái nam xuất gia từ 20 tuổi trở lên, đã thọ giới Cụ túc.

2. Tỷ-khưu-ni (Bhiksuni). - Phái nữ xuất gia từ 20 tuổi trở lên, đã thọ giới Cụ túc.

3. Sa-di (Sràmanera). - Phái nam xuất gia, đã thọ 10 giới.

4. Sa-di-ni (Sràmaneri). - Phái nữ xuất gia, đã thọ 10 giới.

5. Thức-xoa-ma-na (Sikhaimànà). - Phái nữ đi xuất gia, phải hai năm chuẩn bị học giới để thọ giới Tỳ khưu ni.

6. Ưu-bà-tắc (Upàsakak). - Phật giáo đồ phái nam.

7. Ưu-bà-di (Upàsika). - Phật giáo đồ phái nữ.

Trong bảy chúng, năm chúng trên thuộc chúng xuất gia, hai chúng sau thuộc chúng tại gia.

Về đoàn thể Tăng già có nghĩa rộng và nghĩa hẹp, nên Tăng già được khu phân thành ba loại:

Loại thứ nhất là Lý tưởng Tăng già. Lý tưởng Tăng già thì không phân biệt tại gia hay xuất gia, vì ai nấy đều là Phật tử, đều là Phật giáo đồ, nếu quyết tâm tu hành cũng đều có thể chứng ngộ, giải thoát. Về Lý tưởng Tăng già, có thể khảo sát theo hai phương diện: khảo sát theo phần lượng, về nghĩa rộng của Tăng già, thì hết thảy chúng sinh đều bao hàm ở trong Tăng già; nếu khảo sát về phần chất thì hết thảy chúng sinh đều có thể chứng ngộ.

Loại thứ hai chỉ dành riêng cho năm chúng xuất gia mới gọi là Tăng già, tức Tỷ-khưu Tăng già và Tỷ-khưu-ni Tăng già. Sa-di thuộc Tỷ-khưu Tăng già, Sa-di-ni và Thức-xoa-ma-na thuộc Tỷ-khưu-ni Tăng già.

Loại thứ ba là Hội nghị Tăng già. Tỷ-khưu Tăng già, hoặc Tỷ-khưu-ni Tăng già, căn cứ vào nhân số trong các cuộc tập họp mà thành lập. Nghi thức về hội nghị của Tăng già, cần phải có từ bốn người trở lên mới được gọi là Tăng già, từ ba người trở xuống thì không gọi là Tăng già mà gọi là “Quần” (Gana). Hội nghị của Tăng già chia làm năm thứ:

1. Hội nghị Tăng già gồm 4 người;

2. Hội nghị Tăng già gồm 5 người;

3. Hội nghị Tăng già gồm 10 người;

4. Hội nghị Tăng già gồm 20 người;

5. Hội nghị Tăng già từ 20 người trở lên.

Nghi thức hội nghị chia nhiều thứ như vậy, là vì dựa vào từng công việc một mà xử sự. Thí dụ việc thọ giới Cụ túc, nếu là nơi trung tâm trong nước thì hội nghị Tăng già cần phải có 10 người, nhưng ở nơi biên địa thì thay thế bằng hội nghị 5 người. Hội nghị Tăng già đã được tổ chức từ hồi Đức Thích Tôn còn tại thế, trong lúc Ngài sơ chuyển Pháp luân, độ năm ông Tỷ-khưu làm đệ tử, ở vườn Lộc Dã.

CÁCH SINH HOẠT CỦA NGƯỜI XUẤT GIA.

Đức Thích Tôn khi còn tại thế, Ngài đã chế định ra giới luật, để làm tiêu chuẩn sự tu hành và sinh hoạt cho các đệ tử. Sau khi Ngài diệt độ, các bậc Kỳ túc Trưởng lão lại theo đấy mà giải thích và quy định lại, biên thành Tỷ-khưu giới bản và Tỷ-khưu-ni giới bản. Y vào luật Tứ Phần thì kinh Giới bản của Tỷ-khưu có 250 giới, Tỷ-khưu-ni có 348 giới. Theo Nam truyền Luật tạng thì giới bản của Tỷ-khưu có 277 điều, Tỷ-khưu-ni có 311 điều. Các giới điều tuy có khác, nhưng chỉ khác phần chi tiết, còn phần đại cương vẫn giống nhau. Giới bản của Tỷ-khưu có 250 giới, được chia thành tám loại như sau:

1. 4 giới Ba-la-di (Catru Paràjikà)

2. 13 giới Tăng tàn (Trayodasa Samghàdesena)

3. 2 giới Bất định (Dvy Aniyata)

4. 30 giới Xả đọa (Trimsan naisargita)

5. 90 giới Đan đọa (Navati Pràyascittiya)

6. 4 giới Đề-xá-ni (Catra Pratidèsaniya)

7. 100 giới Chúng học (Sata saiksa)

8. 7 giới Diệt-tránh (Sapta Dhikkàrasamatha)

(Muốn tường tận xin xem kinh Giới bản của Tỷ-khưu và Tỷ-khưu-ni)

Người đi xuất gia sau khi đã được thọ giới Cụ túc rồi, cần phải nương theo vào các điều giới luật như trong giới bản để làm mực thước sinh hoạt hàng ngày. Về sinh hoạt của người xuất gia, phải nương vào Tứ y pháp:

1. Y vào khất thực để sinh sống;

2. Y vào áo vải thô để che thân;

3. Y vào dưới gốc cây để ngủ nghỉ;

4. Y vào thuốc hủ nát để chữa bệnh.

Nghĩa là sự sinh hoạt hàng ngày của người xuất gia thì không chú trọng ở các vật xa hoa, các món ăn cao lương mỹ vị, chỉ lấy sự thanh đạm làm mãn nguyện, đó là tinh thần của Tứ y pháp. Tuy nương vào Tứ y pháp làm tiêu chuẩn cho sinh hoạt, nhưng tùy từng địa phương, từng trường hợp các hàng tại gia Phật tử, đàn việt làm tinh xá, giảng đường, áo mặc, đồ ăn đem cúng dường bố thí, cũng vẫn được thọ dụng, mà không trái với Tứ y pháp.

Vật sở hữu của Tỷ-khưu thì chia ra cá nhân sở hữu và Tăng già sở hữu. Vật cá nhân sở hữu, nếu y vào chế độ Nam phương Phật giáo là ba tấm áo cà-sa: An-đà-hội (Antarivàsaka), Uất-đa-la-tăng (Uttaràsamgha) và Tăng-già-lê (Samhàli), bình bát, khăn lọc nước, dao thế, kim khâu và túi, gọi là tám vật. Nếu y vào chế độ Bắc phương Phật giáo là ba tấm áo cà-sa, bình bát, khăn lọc nước và tọa cụ gọi là sáu vật. Ngoài ra là những dụng cụ như giày dép, khăn mặt, khăn tay v.v... Vật sở hữu của Tăng già như: Tự viện, Già lam, giảng đường, phòng xá, vườn rừng, cây quả, chăn màn, giường gối v.v... đều là vật công cộng của toàn thể chư Tăng, ai cũng có quyền tự do sử dụng.

Công việc hàng ngày của các Tỷ-khưu: buổi sáng sớm thì tụng kinh, tọa thiền, đàm đạo; trước giờ Ngọ phải đi khất thực, rồi mang về phòng ăn đúng giờ Ngọ, xong có giờ chỉ tĩnh, rồi lại chuyên việc tu hành, giảng đạo; buổi tối tụ tập tại thiền đường công cộng để cùng nhau bàn về pháp thoại, và có giờ nghiên cứu cộng đồng, mãi tới nửa đêm mới đi nghỉ. Tóm lại, về sinh hoạt hàng ngày của Tỷ-khưu lấy sự tu luyện làm cốt yếu.

QUY ĐỊNH CỦA TĂNG GIÀ.

- Một bộ phận của Luật tạng là Giới bản như trên đã thuật, ngoài ra còn một bộ phận gọi là Kiền-độ-phận (Khandhaka), tức là những quy định về các pháp thọ giới, bố-tát an cư, tự tứ v.v... của đoàn thể Tăng già. Nội dung của Kiền-độ-phận thì rất phức tạp, phần phức tạp này là do các bậc Kỳ túc Trưởng lão của Giáo đoàn chế định thêm, còn y vào quy định ở thời Đức Thích Tôn còn tại thế thì giản dị hơn.

Công việc quan trọng nhất của Giáo đoàn là việc tác pháp tiến cụ (upasampadà), nghi thức công nhận người gia nhập đoàn thể. Trước hết, nếu ai tin Phật, được Phật hứa khả, tức là nghi thức tác pháp công nhận người đó nhập đoàn thể Phật giáo đồ. Như người được truyền cho giới Tam quy: Quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, tức là nghi thức hứa khả cho người đó nhập đoàn thể Phật tử. Người được trao truyền cho mười giới, tức là nghi thức hứa khả cho nhập đoàn thể Sa-di. Người được sự tác pháp trao truyền cho giới Cụ túc, tức là nghi thức hứa khả cho nhập đoàn thể Tỷ-khưu. Người được nhận làm đoàn thể Tỷ-khưu, phải là người đủ 20 tuổi trở lên và lục căn cụ túc. Về phía hứa khả cho vào đoàn thể Tỷ-khưu, lúc đầu thì duy có tự thân Đức Phật, đó là trường hợp đặc biệt, nhưng về sau thì phải có đủ mười vị Trưởng lão Tỷ-khưu làm thầy Giới sư để trao truyền giới pháp. Sau khi được nhận vào đoàn thể Tỷ-khưu, ai nấy đều phải căn cứ vào giới luật để tu trì, vào kinh điển để học tập.

Quy định về nghi thức bố-tát (upavasatha) thì mỗi tháng có hai kỳ, nghĩa là các vị Tỷ-khưu hoặc Tỷ-khưu-ni cùng ở một Già lam, hay trong một phạm vi kết giới nào, mỗi tháng vào ngày 15 và 30 đều phải tận tập, bạch Yết-ma làm lễ bố-tát, cử một vị tụng giới bản, còn đại chúng đều ngồi nghe, ai nấy đều tự phản tỉnh, và nếu phạm vào điều luật nào thì phải ra trước đại chúng phát lồ, sám hối.

QUY ĐỊNH VỀ VIỆC AN CƯ.

- An cư còn gọi là Vũ kỳ an cư (Varsavasana). Vì mỗi năm cứ vào mùa mưa, nước lũ dâng lên tràn ngập cả đường lối, sự đi lại giáo hóa, truyền đạo và khất thực không thuận tiện, hơn nữa lại là mùa côn trùng sinh nở đầy đường, đi lại sợ tổn hại đến sinh mệnh các loài côn trùng, nên Đức Phật cùng các đệ tử phải tụ họp tại một nơi nào thuận tiện, để chuyên việc tu hành trong ba tháng, kể từ ngày 16 tháng 4 đến ngày 15 tháng 7, gọi là Vũ kỳ an cư.

Ngày 15 tháng 7, ngày cuối cùng của khóa An cư, là ngày làm lễ Tự tứ (pavàranà). Tự tứ nghĩa là trong ba tháng tu trì, nếu trong đại chúng có ai phạm vào tội lỗi mà đại chúng ngờ vực thì được tự do cử tội. Pháp an cư này có từ ngày Đức Thích Tôn còn tại thế. Nghĩa là Đức Thích Tôn, thành đạo sau một năm, cho tới khi Ngài nhập Niết bàn, Ngài không thể thiếu một khóa an cư nào.

II. KINH, LUẬT KHỞI NGUYÊN

KẾT TẬP KINH ĐIỂN LẦN THỨ NHẤT.

- Sau khi Đức Thế Tôn nhập diệt, trong hàng đệ tử sinh ra kiến giải bất đồng về giáo pháp và giới luật của Ngài, vì là sự nghiệp tối quan trọng của Phật giáo, nên Tôn giả Ma Ha Ca Diếp, vị đệ tử tối cao của Đức Phật, liền thống lĩnh 500 vị A-la-hán, họp khoáng đại hội nghị tại thành Vương Xá để kết tập lại lời giáo huấn của Ngài. Lần kết tập này không có bút ký mà chỉ là hợp tụng (samgiti). Lần kết tập này là lần kết tập thứ nhất, hoặc gọi là “Vương Xá thành kết tập”, hay “Ngũ bách kết tập”.

Nguyên vì, sau khi Đức Thích Tôn diệt độ, trong hàng Tỷ-khưu, có ông thốt ra lời nói rằng: “Trong thời Đức Thích Tôn còn tại thế, mọi hành động đều phải bó buộc trong phạm vị giới luật, mất quyền tự do, ngày nay Đức Thích Tôn đã diệt độ, từ đây trở về sau sẽ được tự do hành động, không bị giới luật ràng buộc”. Tôn giả Ca Diếp nghe thấy thế, liền nghĩ rằng: Đức Thích Tôn mới diệt độ được có bảy ngày, mà trong hàng đệ tử đã thốt ra lời phá hoại chánh pháp như vậy. Ngài sợ giới pháp của Đức Thích Tôn sẽ bị tà thuyết pha trộn, nên quyết ý đề xướng ra Đại hội nghị để kết tập lại lời Phật dạy. Trong kỳ kết tập này, được sự ủng hộ của vua A Xà Thế (Ajàtasatru) nước Ma Kiệt Đà, vua ra lệnh xây tinh xá mới ở hang Thất Diệp (Sapta parna gùha) để làm hội tràng kết tập. Thành phần hội nghị gồm có 500 vị đệ tử Phật đã chứng quả A-la-hán, do Tôn giả Ma Ha Ca Diếp là Thượng thủ; ngài Ưu Ba Ly, vị trì luật thứ nhất, được cử tụng lại các điều giới luật; ngài A Nan, bậc đa văn đệ nhất, được cử tụng lại pháp của Đức Thích Tôn. Sau khi tụng xong, được sự thảo luận và thừa nhận của đại chúng cho là đúng với lời Phật đã nói. Và hai tạng Kinh, Luật có bắt đầu từ đó. Thời kỳ kết tập này chỉ có trong thời gian bảy tháng.

KHỞI NGUYÊN CỦA LUẬT TẠNG.

- Luật tạng (Virayapjitaka) được khởi nguyên, lẽ dĩ nhiên là có từ lúc Đức Thích Tôn còn tại thế. Đức Thích Tôn lúc ban đầu thuyết pháp, Ngài không chia ra Luật và Pháp. Luật và Pháp được phân chia rõ rệt là bắt đầu từ lần kết tập thứ nhất.

Thời kỳ kết tập Luật tạng lần thứ nhất là nguyên hình giới bản, gồm những điều kiện căn bản về quy định của Tăng già. Tới sau, các bậc Kỳ túc Trưởng lão trong Giáo đoàn, lại căn cứ vào nguyên hình giới bản, chú thích và quy định lại làm cho phức tạp hơn.

KINH TẠNG KHỞI NGUYÊN.

- Nội dung về Kinh tạng (Sùtrapitaka) kết tập lần thứ nhất là kinh điển A Hàm, chỉ là những ký lục về sự thuyết pháp và sinh hoạt của Đức Thích Tôn khi còn tại thế, và ký lục sinh hoạt của các đệ tử Ngài.

Kinh điển A Hàm gồm có bốn bộ:

1. Kinh Trường A Hàm (Digha àgama)

2. Kinh Trung A Hàm (Maljhima àgama)

3. Kinh Tăng Nhất A Hàm (Ànguttara àgama)

4. Kinh Tạp A Hàm (Samyutta àgama).

Vậy Kinh tạng khởi nguyên cũng từ thời kỳ kết tập lần thứ nhất. Thời kỳ kết tập lần thứ nhất lẽ dĩ nhiên là chỉ có Luật tạng và Kinh tạng, còn Luận tạng hãy ở thời kỳ chưa thành lập.

CHƯƠNG THỨ TƯ. GIÁO LÝ NGUYÊN THỦY PHẬT GIÁO

I. GIÁO LÝ CĂN BẢN CỦA PHẬT GIÁO

Đức Thích Tôn, trong khoảng 45 năm, Ngài tuyên dương chánh pháp, mục đích duy nhất là để cứu vớt chúng sinh thoát khỏi bể sinh tử trầm luân, tới chốn Niết-bàn, thường trụ, an lạc. Nói trái lại, tức là chuyển mê khai ngộ cho chúng sinh. Vì mục đích chuyển mê khai ngộ, nên giáo lý của Ngài một mặt chú trọng về phương diện trí tuệ, một mặt chú trọng pháp thực tiễn tu hành. Pháp thực tiễn tu hành tức là pháp môn Tứ đế: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Đạo đế.

Pháp Tứ đế là kết quả của sự thực nghiệm tu hành mà Đức Thích Tôn đã chứng ngộ được ở dưới cây Bồ-đề. Vì mục đích lợi tha, nên sau khi thành đạo, trước hết Ngài khai thị pháp Tứ đế ở vườn Lộc Dã để độ năm người đệ tử đầu tiên. Tiếp sau, đi các nơi thuyết pháp độ sinh, Ngài nương vào căn cơ của thính chúng nên giáo pháp của Ngài nói ra hoặc cao hoặc thấp, hoặc nông hay sâu khác nhau, nhưng tựu trung cũng đều bắt nguồn từ pháp môn Tứ đế.

II. TỨ ĐẾ

Tứ đế còn gọi là Tứ Thánh đế (Catvàri àrya satyàni), hay Tứ chân đế, gọi tắt là Tứ đế. Đế nghĩa là chân thực nên Tứ đế được gọi là bốn chân lý như thực.

1. KHỔ ĐẾ (Duhkka satya). - Trong thế giới hiện thực này, bất cứ loài hữu tình hay vô tình, đều ở trong chân tướng khổ não. Căn cứ vào lời Phật dạy thì con người trước hết có bốn cái khổ lớn, tức là SINH (Jàtit), LÃO (Jarà), BỆNH (Vyàdhir), TỬ (Marana); tiếp sau, người thân yêu bị xa cách, gọi là “Ái biệt ly khổ” (Priyasamprayoyra); kẻ oán thù lại thường hay gặp, gọi là “Oán tắng hội khổ (Apriyasamparayoyga); điều mong cầu lại không toại nguyện, gọi là “Cầu bất đắc khổ” (Yadapi tccha paryesamano nalabhatetad); chấp trước vào năm yếu tố Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức bị nó nung nấu khổ sở, gọi là "Ngũ ấm thịnh khổ" (Samksepat qancaugàdàras kandhà). Vì đầy dẫy sự khổ sở, không có một chút khoái lạc, xét cho cứu cánh là cái thế giới khổ não. Hết thảy chúng sinh vì hôn mê không biết, chấp trước ham đắm vào dục lạc ở thế gian cho là sung sướng, nên cứ chìm đắm vào bể khổ, bị sinh tử luân hồi mãi không có kỳ hạn giải thoát. Đức Thích Tôn, Ngài nhận chân thấy cuộc đời là khổ, thế giới thì sinh, trụ, dị, diệt, vô thường, nên Ngài đã nói ra Khổ đế.

2. TẬP ĐẾ (Samudaya satya). - Tập nghĩa là tập hợp, chứa góp những chân tướng khổ não làm nguyên nhân cho hiện tại và tương lai. Căn cứ vào lời Đức Thích Tôn giáo huấn, thì thế giới vạn hữu hết thảy đều y vào sự quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả mà sinh hay diệt, ngay cả đến sự tượng nhỏ bé li ti chăng nữa cũng không tránh khỏi luật nhân quả. Con người vì sinh trong thế giới vô thường, nên tất cả mọi sinh hoạt của con người thường gặp những điều không như ý, nhiều khổ não. Tất cả mọi hiện tượng khổ não không phải là ngẫu nhiên, mà đều lệ thuộc vào Tập nhân rồi theo luật nhân quả chi phối. Tập nhân tức là “vô minh”, vì y vào vô minh nên sinh ra chấp trước, vì chấp trước sinh ra dục vọng, tạo thành các nghiệp ác về Thân, Khẩu, Ý và các nghiệp khác, nên trở thành “nghiệp”. Nghiệp (Karma) tức là nghiệp lực, nó có cái sức tích tập, nên trở thành nghiệp nhân, các nghiệp tương ứng với nghiệp nhân gọi là nghiệp quả, đưa đến khổ báo, gây thành khổ quả. Tóm lại, cận nhân của quả khổ là nghiệp, và viễn nhân của quả khổ là vô minh, hay là “hoặc”. Vậy nên quả khổ của hiện tại là do hoặc và nghiệp ở quá khứ mà sinh, quả khổ vị lai là do hoặc và nghiệp của hiện tại mà có. Quả khổ được tồn tại là do hoặc và nghiệp cứ liên tiếp không ngừng. Vì thế, ba thứ “Hoặc”, “Nghiệp”, “Khổ” cứ làm nhân lẫn nhau, gây thành quả khổ vô cùng vô tận, nên gọi là Tập đế.

3. DIỆT ĐẾ (Nirodha satya). - Diệt đế là Giải thoát luận, và cũng là Lý tưởng luận của Phật giáo. Khổ đế và Tập đế là nguyên nhân và kết quả của khổ não. Diệt đế là phương pháp diệt trừ khổ quả và khổ nhân, đưa chúng sinh tới chỗ Niết-bàn thường trụ. Căn cứ vào giáo lý của Đức Phật, thì khổ quả của con người là do nghiệp làm cận nhân, nghiệp nương vào hoặc mà sinh, hoặc lấy vô minh làm nguyên nhân căn bản. Từ vô minh sinh ra ngã tưởng, y vào ngã tưởng sinh ra chấp trước, nhận thế giới vô thường là thực tại, nên sinh ra vọng tưởng, vọng tưởng là cơ bản để sinh ra mọi phiền não, gây ra mọi nghiệp nhân, tạo thành cái quả khổ sinh tử. Vì vậy, nếu muốn diệt khổ quả, trước hết phải đừng tạo nghiệp nhân, muốn không tạo nghiệp nhân, trước hết cần phải diệt ngã tưởng. Ngã tưởng đã đoạn, thì nhận được chân tướng của thế giới là BẢN LAI VÔ NGÃ. Biết được chân tướng của thế giới là Bản lai vô ngã, tức là ngã tưởng đoạn diệt, cắt đứt được xiềng xích luân hồi, thoát mọi khổ não trong bể sinh tử, không bị luân hồi trong lục thú, tới chốn giải thoát Niết-bàn, đó là Diệt đế.

4. ĐẠO ĐẾ (Màrga satya). - Giáo lý dùng làm nguyên nhân để đạt tới quả Giải thoát Niết-bàn, tức là những pháp môn thực tiễn tu hành, thuộc Đạo đức luận của Phật giáo. Căn cứ vào giáo lý của Đức Phật để đạt tới quả Niết-bàn, thì không giống như Thuận thế ngoại đạo, thiên chấp về khổ hạnh hay khoái lạc, mà là pháp môn Trung đạo (Madhya pratipada). Pháp môn Trung đạo này, Đức Phật nương vào thời cơ mà nói ra, như khi sơ chuyển pháp luân, Ngài nói giáo lý Bát Chánh Đạo, khi nhập Niết-bàn, Ngài nói “Tam Thập Thất Phẩm Trợ Đạo”. Để quy định cách thức tu hành và hành vi hàng ngày cho các đệ tử, nên Ngài lại nói ra Giới luật hay Thiền định v.v...

Vậy nên, người tu hành trước hết phải giữ giới để thân tâm được thống nhất, không bị mọi vọng niệm khuấy động, do công phu đó mà trí tuệ được phát sinh, thấu suốt được chân tướng của thế giới, diệt trừ được mọi Hoặc, Nghiệp, Khổ. Trong pháp môn Tứ đế thì Khổ đế và Tập đế là nhân quả thế gian; Diệt đế và Đạo đế là nhân quả xuất thế gian. Biểu đồ tóm tắt như sau:

Khổ đế (quả) Tập đế (nhân): Nhân quả thế gian

Diệt đế (quả) Đạo đế (nhân: Nhân quả xuất thế gian.

III. MƯỜI HAI NHÂN DUYÊN

Mười hai nhân duyên là giáo lý nội quán của Đức Phật khi thành đạo. Sau khi thành đạo, Ngài căn cứ vào lẽ sinh khởi của khổ giới là Khổ đế và Tập đế mà lần lượt nói ra sự nhân quả quan hệ của nó có mười hai thứ, được gọi là mười hai duyên khởi, hoặc mười hai chi, hay mười hai nhân duyên. Đối với giáo lý của Phật giáo, mười hai nhân duyên chiếm một vị trí rất quan trọng.

Giải thích về mười hai nhân duyên có nhiều phương pháp khác nhau. nay căn cứ vào phương pháp Tam Thế Phối Đáng để giải thích đại khái như sau:

Trước hết, chi “Lão Tử” (Javà marana) của vị lai phải chịu, là từ chi “Sinh” (Jàti) ở vị lai mà có; chi “Sinh” ở vị lai là kết quả về tích tập mọi nghiệp của hiện tại là “Hữu” mà có; chi “Hữu” (Bhava) thì nương vào sự chấp trước của “Thủ” mà có; chi “Thủ” (Upàdàna) nương vào sự tham ái về sự vật của “Ái” mà có; “Ái” (Trsna) nương vào sự cảm giác khổ vui của “Thọ” mà có; chi “Thọ” (Vedanà) nương vào sự xúc tiếp với ngoại cảnh của "Xúc" mà có; chi "Xúc" (Sparsa) nương vào sự xúc tiếp về sáu cảm quan của “Lục nhập” mà có; “Lục nhập” (Sad àyatana) nương vào sự kết hợp giữa thân và tâm của “Danh sắc” mà có; “Danh sắc” (Nàmarũpa) nương vào sự tác dụng nhận thức phân biệt của “Thức” (Vijnãna) mà có; nhưng thân thể của hiện tại thì đều do kết quả về nghiệp ở quá khứ đã tạo là “Hành” (Samskàra); “Hành” nương vào “Hoặc” tức là “Vô minh” (Avidyà) mà sinh ra. Như vậy, nguyên nhân căn bản của mọi khổ não tức là “Vô minh”, gọi là CĂN BẢN VÔ MINH.

Trong mười hai chi, Sinh và Lão Tử là hai quả vị lai, nguyên nhân trực tiếp của hai quả này là ba chi Ái, Thủ, Hữu, gọi là ba nhân của hiện tại. Năm chi Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc và Thủ là nguyên nhân gián tiếp cho hai quả vị lai, đồng thời lại là kết quả về nghiệp của quá khứ, nên còn gọi là năm quả của hiện tại, sau hết, Vô minh và Hành là hai nhân ở quá khứ. Như vậy ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai trở thành mối quan hệ nhân quả lẫn cho nhau, gọi là Tam Thế Lưỡng Trùng Nhân Quả. Nếu phối đáng với ba thứ Hoặc, Nghiệp, Khổ thì hai quả của vị lai và năm quả của hiện tại là “Khổ”; Hữu và Hành là “Nghiệp” của quá khứ và hiện tại; Thủ, Ái và Vô minh là “Hoặc” của quá khứ và hiện tại.

Khổ, Hoặc và Nghiệp cũng quan hệ lẫn nhau, nên tạo thành một vòng tròn tuần hoàn không ngừng, mười hai nhân duyên cũng nương vào nhau để tạo nhân kết quả, chắp thành mối dây liên lạc vô cùng vô tận.

Nay đem Khổ đế và Tập đế phối đáng với mười hai nhân duyên theo bản đồ như sau:

Mười hai nhân duyên như trên đã thuật, là pháp tư duy nội quán của Đức Phật ở dưới cây Bồ-đề. Ngài đã chứng ngộ, biết được nguyên nhân căn bản của mọi khổ là do Hoặc tức là Vô minh, nên Ngài đã đoạn diệt vô minh và chứng được đạo Giải thoát. Vậy nên, nếu Vô minh diệt tức Hành diệt, Hành diệt tức Thức diệt, Thức diệt tức Danh sắc diệt, Danh sắc diệt tức Lục nhập diệt, Lục nhập diệt tức Xúc diệt, Xúc diệt tức Thọ diệt, Thọ diệt tức Ái diệt, Ái diệt tức Thủ diệt, Thủ diệt tức Hữu diệt, Hữu diệt tức Sinh diệt, Sinh diệt tức Lão tử mọi khổ đều diệt, đạt tới cảnh giới Niết bàn Giải thoát.

IV. THẾ GIỚI QUAN

Đức Thích Tôn, Ngài quan sát thế giới theo hai dạng thức khác nhau, tức là Hiện thực thế giới quan và Lý tưởng thế giới quan.

Hiện thực thế giới quan là thế giới sinh tử, mê vọng, khổ não; lý tưởng thế giới quan là thế giới Niết-bàn, thường trụ an lạc. Hai thế giới này được khu phân là căn cứ vào sự chi phối của nhân duyên có hay không. Về hiện thực thế giới thì nương vào nhân duyên mà có, nên là thế giới vô thường (Aniccatà), có sinh diệt biến hóa, thuộc thế giới hữu vi (Samskrta); lý tưởng thế giới thì không bị nhân duyên chi phối, nên là thế giới thường trụ, không sinh diệt biến hóa, thuộc thế giới vô vi (Asamskrta).

Về thành phần để thành lập thế giới thì có vật và tâm, và sự quan hệ giữa vật và tâm, hay là không phải vật và cũng không phải tâm, chia làm năm yếu tố, gọi là Ngũ uẩn (Pãnca skandàh). Uẩn có nghĩa là tích tụ.

1. SẮC UẨN (rùpa skadha). - Tổng thể của vật chất, có tính cách chướng ngại, trước hết là bốn nguyên tố Địa, Thủy, Hỏa, Phong, sau là do sự kết hợp của bốn nguyên tố thành ngũ quan là Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân và đối cảnh của ngũ quan là ngũ trần: Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc.

2. THỌ UẨN (Vedanà skadha). - Sự cảm thụ của ngũ căn đối với ngũ trần sinh ra mọi cảm giác như khổ, sướng, vui, buồn...

3. TƯỞNG UẨN (Samjnã skadha). - Sự tưởng tượng và tư duy về hình dáng của sự vật, sau tác dụng của căn đối với cảnh.

4. HÀNH UẨN (Samskàra skadha). - Sự quan hệ tác dụng của tâm và tâm bất tương ứng hành, khởi ra mọi hành động thiện, ác.

5. THỨC UẨN (Vijgãna skadha). - Thức uẩn là tác dụng của tinh thần, để nhận thức và phân biệt mọi trạng thái của tâm đối với cảnh, tức là ý thức, bản thể của tâm.

Năm uẩn đều có cái công năng tạo tác và kết hợp để thành lập thế giới. Vì nương vào sự kết hợp khác nhau, nên sinh ra thế giới hữu tình và vô tình, thiên hình vạn trạng sai khác nhau. Sự kết hợp của ngũ uẩn thì không nhất định, nương vào nhân duyên mà kết hợp, cũng lại nương vào nhân duyên mà ly tán. Vì lý do kết hợp, ly tán, nên ước vào thời gian thì không thường trụ, ước vào không gian lại không cố định. Tóm lại, về hiện tượng của thế giới hữu vi là biến hóa vô thường, nên gọi là Chư Hành Vô Thường.

Chư hành vô thường là chân tướng của thế giới hiện thực, là thế giới của sinh diệt biến hóa, phủ nhận sự tồn tại của Ngã, là chủ tể duy nhất. Ngã chẳng qua chỉ là cái quá trình của sinh diệt biến hóa, chỉ tạm thời tồn tại, ví như nước chảy, bọt nổi đều không có thực thể. Như vậy, nếu ngã không có thực thể, mà tưởng tượng là thực thể, thực hữu, thì chỉ là sự mê vọng, cho nên gọi là Chư Pháp Vô Ngã.

Chúng sinh không biết, nhận thế giới là thường trụ, tưởng tượng là có Ngã, chấp trước thành ngã tưởng, sinh ra mọi thứ Hoặc, tạo ra mọi thứ Nghiệp, gây ra mọi sự Khổ, nên gọi là Nhất Thiết Giai Khổ. Nếu biết được “chư hành vô thường”, “chư pháp vô ngã”, “nhất thiết giai khổ”, tức là đoạn diệt được mọi “Hoặc”, “Nghiệp”, “Khổ”, tới chốn Niết-bàn tịch tịnh.

Thế giới tuy chia ra hữu vi và vô vi, khổ và vui, vô thường và thường trụ, sinh tử và Niết-bàn, nhưng chỉ là nương vào sự có Ngã tưởng hay không có Ngã tưởng mà thành lập. Nếu khởi ra tâm có Ngã tưởng, thì đồng thời cũng sinh ra hiện tượng giới của nhân duyên sinh diệt, gây thành thế giới hữu vi khổ não. Trái lại, nếu diệt được Ngã tưởng, thì đồng thời cũng giải thoát được cái quan hệ của nhân duyên sinh diệt tới cõi vô vi an lạc. Vậy nên pháp Vô Ngã Quán chiếm một địa vị trọng yếu trong Phật giáo.

V. PHÂN LOẠI THẾ GIỚI

Yếu tố để thành lập thế giới là Ngũ uẩn. Vì sự kết hợp sai khác nên có phần thô và phần tế của sắc, nên chia ra Sắc giới (Rùpa dhàtu) và Vô sắc giới (Arùpa dh.). Sắc giới thì nương vào điều kiện dục vọng nhiều hay ít, nên lại chia ra Sắc giới và Dục giới (Kàma dh.), tức là tam giới. Vô sắc giới được thành lập từ phần vi tế của Sắc uẩn và bốn uẩn khác; Sắc giới thì hoàn toàn do Ngũ uẩn thành lập; Dục giới cũng do Ngũ uẩn thành lập, nhưng là thế giới rất xí thịnh về ba mặt: ăn uống, sắc dục và thụy miên.

Y vào giá trị đạo đức để phân loại, thì thế giới hữu tình chia ra Ngũ thú (pànca gatayah), hay là Lục thú (sadgat), nếu lại tế phân thì có hai mươi lăm cõi Hữu, gọi là Nhị Thập Ngũ Hữu.

NGŨ THÚ. - (1) Địa ngục (Naraka), (2) Ngạ quỷ (Preta), (3) Súc sinh (Tiryagyoni), (4) Nhân gian (Manusya), (5) Thiên giới (Deva), về thiên giới thêm A-tu-la giới thành Lục thú.

NHỊ THẬP NGŨ HỮU. - (1) Tứ châu tức là bốn đại châu của nhân gian ở bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc núi Tu Di (Semeru Diệu Cao sơn), châu Nam Diêm Phù Đề (Daksinajambu) ở phương Nam, châu Phất Bà Đề (Pùrvàvideha) ở phương Đông, châu Cù Đà Ni (Apara godanya) ở phương Tây, châu Uất Đan Việt (Uttara kuru) ở phương Bắc. (2). Bốn ác thú tức là Địa ngục, Ngã quỷ, Súc sinh và A-tu-la. (3) Cõi trời Lục dục, sáu cõi trời thuộc về Dục giới: Trời Tứ Thiên Vương (Trì Quốc, Quảng Mục, Đa Văn, Tăng Trưởng), cõi trời Đao Lợi (Trayastrimsah), cõi trời Dạ Ma (Yama), cõi trời Đâu Suất (Tusita), cõi trời Hóa Lạc (Nirmanarati), cõi trời Tha Hóa Tự Tại (Paranirmita). (4) Cõi trời Phạm Thiên. (5) Cõi trời Vô Tưởng (Asanjnàsattva). (6) Cõi trời Tịnh Cư (Suddhavàsa). (7) Cõi trời Tứ Thiền tức là Sơ Thiền thiên, Nhị Thiền thiên, Tam Thiền thiên, Tứ Thiền thiên. (8) Cõi trời Tứ Không Xứ tức là Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ thiên, gồm tất cả là 25 cõi Hữu.

BỐN CHÂU. - Bốn ác thú, sáu cõi trời Dục, là mười bốn cõi Hữu thuộc Dục giới. Từ cõi trời Phạm Thiên đến cõi trời Tứ Thiền, gồm bảy cõi, thuộc Sắc giới. Cõi trời Tứ Không Xứ thuộc Vô sắc giới. Bản đồ tóm tắt như sau: 

Vì hai mươi lăm cõi Hữu là nơi y báo của loài hữu tình, căn cứ vào nghiệp thiện hay ác mà phải chịu quả báo luân hồi sinh tử trong hai mươi lăm cõi đó, nên gọi là Hữu, thuộc thế giới hữu vi. Từ Địa ngục đến A-tu-la là thế giới đại khổ; nhân gian là thế giới nửa khổ nửa vui, các cõi trời là thế giới vui, nhưng ở trong vòng tương đối, không phải là vui cứu cánh, vì chưa thoát khỏi luân hồi. Vậy nên, Tam giới và Lục thú đều là thế giới khổ não. Muốn tới chốn tuyệt đối khoái lạc, cứu cánh giải thoát thì phải siêu việt Tam giới và Lục thú, tiến tới cảnh giới tịch tĩnh Vô-vi Niết-bàn.

VI. PHIỀN NÃO VÀ GIẢI THOÁT

Nguyên nhân sinh khởi của khổ giới và luân hồi trong tam giới là Nghiệp. Nghiệp nương vào phiền não là Hoặc mà tạo tác. Muốn đạt tới cảnh giới giải thoát Niết-bàn trước hết phải đoạn Hoặc nghiệp.

Hoặc có hai thứ là Trí hoặc và Tĩnh hoặc. Vì mê lý của Tứ đế nên gọi là trí hoặc, hay là mê lý hoặc; mê về sự tướng của Tứ đế, gọi là tình hoặc, hay là mê sự hoặc. Phần mê lý hoặc, vì đoạn diệt được dễ dàng, nên gọi là kiến hoặc; phần mê sự hoặc, vì đoạn diệt được phải suy nghĩ rất khó khăn, nên gọi là Tư hoặc, Kiến hoặc là phần đoạn hoặc của bậc Kiến đạo, Tư hoặc là phần đoạn hoặc của bậc Tu đạo.

KIẾN HOẶC. - Kiến hoặc chia ra mười thứ gọi là Thập sử. Sử nghĩa là phiền não, nó luôn luôn sai khiến cái tâm làm việc xằng bậy, phá hoại mầm mống thiện căn. Thập sử: (1) Thân kiến (Satkày drsti). - Chấp trước thân thể cho là thực hữu, có cái Ta. (2) Biên kiến (Antagnàha drsti). - Chấp vào một bên, hoặc đoạn diệt hay thường trụ. (3) Tà kiến (Mithyà drsti). - Không tin nhân quả, tội phúc báo ứng. (4) Kiến thủ (Drsti paràmarsa dsrti). - Cố chấp vào ngộ kiến của mình cho là đúng. (5) Giới cấm thủ (Silavrata pràmarsa drsti). - Những giới cấm không phải là nhân của đạo giải thoát, chấp làm nhân của đạo giải thoát để tu, như ngoại đạo Bà La Môn. (6) Tham dục (Ràga), (7) Sân nhuế (Dvesa), (8) Ngu si (Moha), (9) Mạn (Màna), (10) Nghi (Vicikitsà) nghi ngờ. Trong mười sử, năm sử đầu đoạn diệt được dễ dàng, nên gọi là Ngũ Lợi Sử (Anca tiksna dùla); năm sử sau đoạn diệt được phải tốn nhiều công phu khó khăn, nên có tên là Ngũ Độn Sưû (Pnàca klesa dùta).

TƯ HOẶC. - Tư hoặc là bốn hoặc Tham, Sân, Si, Mạn, chia ra làm chín phẩm cao thấp khác nhau, tức là phẩm thượng, phẩm trung, phẩm hạ, trong mỗi phẩm Thượng, Trung, Hạ lại chia thành thượng, trung, hạ. Theo bản đồ như sau:

Kiến hoặc (Mê lý hoặc). 10 sử (Ngũ lợi sử, Ngũ độn sử)

Tư hoặc (Mê sự hoặc). 9 phẩm (Thể là Tham, Sân, Si, Mạn)

Nếu đoạn diệt được mọi hoặc kể trên thì có thể chứng được giải thoát Niết-bàn, gọi là Đoạn Hoặc Chứng Lý, nghĩa là đoạn hết hoặc để chứng vào chân lý của Niết-bàn. Hiện thân này, nếu nhờ vào sự đoạn hoặc mà chứng được Niết-bàn, xác thân được tự do tự tại, không bị phiền não quấy nhiễu, gọi là chứng Hữu dư Niết-bàn (Sopadhisesa Nirvàna). (Dư là Dư y, nghĩa là nhục thể hãy còn rớt lại). Nếu nhục thể khi đã chết, thì Dư y cũng không còn, tức là nghiệp nhân và nghiệp quả đều đoạn hết, gọi là chứng Vô dư Niết-bàn (Nirpadhisesa Nirvàna).

Thí dụ: Đức Phật, Ngài chứng ngộ ở dưới cây Bồ-đề, tức là chứng ngộ phần Hữu dư Niết-bàn; khi Đức Phật nhập Niết-bàn ở rừng Sa la Song thọ, gọi là chứng Vô dư Niết-bàn.

Vậy ai là người có thể chứng được đạo Niết-bàn, và phải tu hành như thế nào để chứng ngộ ? Căn cứ vào từng căn cơ, nương vào trình độ đoạn hoặc, nên sự chứng ngộ có nhanh và chậm, chia ra từng nhiều giai đoạn tu hành và chứng quả khác nhau. Người lợi căn thì đốn ngộ, hiện thân chứng ngay được quả Hữu dư Niết-bàn, người độn căn phải tu nhiều kiếp rồi mới chứng ngộ.

Về vị thứ của người tu hành chia làm hai ngôi là Thánh vị và Phàm vị (Hiền vị). Thánh vị lại chia ra Tứ quả, và tiền đề của Tứ quả là là Tứ hướng. Phàm vị gồm bảy vị gọi là Thất hiền vị.

THẤT HIỀN VỊ:

1. Ngũ đình tâm. - Pháp tu quán để đình chỉ năm thứ lỗi của tâm. (1) Quán tưởng thế giới đều là bất tịnh, để chữa tâm tham dục, gọi là “Bất tịnh quán”. (2) Đem lòng từ bi đối với hết thảy chúng sinh, để chữa tâm đa sân, gọi là “Từ bi quán”. (3) Quán mọi pháp đều do nhân duyên kết hợp mà thành để chữa tâm ngu si, gọi là “Nhân duyên quán”. (4) Quán năm uẩn, mười tám giới (lục căn, lục trần, lục thức) đều là giả hợp, để chữa bệnh ngã chấp, gọi là “Giới sai biệt quán”. (5) Quán đếm hơi thở để chữa tâm tán loạn, gọi là “Sổ tức quán”. Năm pháp quán này thuộc Tu vị.

2. Biệt tướng niệm xứ vị. - Quán riêng biệt từng tướng riêng của chư pháp: (1) Quán thân thể đều là bất tịnh, gọi là “Quán thân bất tịnh”; (2) Quán hết thảy mọi cảm giác đều không như ý, gọi là “Quán thọ thị khổ”; (3) Quán tâm thay đổi luôn luôn, gọi là “Quán tâm vô thường”; (4) Quán hết thảy mọi pháp đều không chủ tể, gọi là “Quán pháp vô ngã”, bốn phép quán này thuộc Quán pháp.

3. Tổng tướng niệm xứ vị. - Quán gồm mọi tướng của chư pháp, trái với sai biệt quán, tức là quán bốn pháp: Thân, Thọ, Tâm, Pháp đều là bất tịnh, đều là khổ, đều là vô thường, đều là vô ngã. Ba vị thứ như trên đã kể thuộc “Ngoại phàm vị”, bốn vị thứ dưới đây thuộc “Nội phàm vị”.

4. Noãn vị. - Quán về lý của Tứ đế, nhờ đó mà trí tuệ phát ra, để làm mọi điều thiện, ngăn điều ác.

5. Đính vị. - Nương vào phép quán, trí tuệ dần dần được sáng tỏ, nếu cố gắng tinh tấn sẽ bước lên Thánh vị, nếu lười biếng tu hành sẽ bị thoái xuống ác thú.

6. Nhẫn vị. - Trí tuệ đã trở nên sáng tỏ, nhận chân được lý của Tứ đế.

7. Thế đệ nhất vị. - Đối với vị thứ đoạn hoặc thuộc hữu lậu thế gian, thì ngôi này ở địa vị tối cao, sửa soạn bước lên Thánh vị.

THÁNH VỊ. - Tức là Tứ hướng và Tứ quả:

1. Dự lưu hướng và Dự lưu quả (Suratapanna phata).- Kiến hoặc trong ba cõi Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới đã đoạn hết, bắt đầu dự vào hàng Thánh, Dự lưu hướng là chỉ vào trạng thái đang lúc tu hành để mong đạt tới quả vị. Vị này thuộc quả Tu-đà-hoàn.

2. Nhất lai hướng và Nhất lai quả (Sarkdàgàmin phata). - Tư hoặc của Dục giới đã đoạn được một nửa, còn phải chịu một lần tái sinh ở cõi đó để đoạn nốt. Vị này thuộc quả Tư-đà-hàm.

3. Bất lai hướng và Bất lai quả (Aønagàmin phata). - Tư hoặc của Dục giới đã đoạn diệt hoàn toàn, không còn phải tái sinh vào Dục giới nữa. Vị này thuộc quả A-na-hàm.

4. Vô học hướng và Vô học quả (Arhat phata). - Ngôi này đã hoàn toàn đoạn diệt hết Kiến hoặc và Tư hoặc trong tam giới, sạch hết mọi phiền não, siêu việt tam giới, không còn gì phải đoạn nữa. Vị này thuộc quả A-la-hán.

Ngôi A-la-hán là quả vị tu hành cao nhất của Tiểu thừa. Tới cảnh giới A-la-hán, thì hiện thân chứng được Niết-bàn, không còn phải chịu sinh tử trong tam giới, nên có tên là Bất sinh; giết hết đám nghịch tặc phiền não, nên có tên là Sát tặc; nhận chịu các thứ cúng dàng của người và trời, đều khiến cho được phúc báo, nên có tên là Ứng cúng; xa lìa được mọi ác, nên lại có tên là Ly ác.

Như trên đã thuật, ngôi Dự lưu đoạn hết được phần Kiến hoặc, nên gọi là ngôi “Kiến đạo” (Darsana Màrga); ngôi Nhất lai và Bất lai đoạn được phần Tư hoặc, nên gọi là ngôi “Tu đạo” (Bhàvanà Màrga).

Ngôi Vô học tức ngôi “Vô học đạo” (Asaiksa Màrga). Biểu đồ chỉ dẫn như sau:

Ngoại phàm... Ngũ đình tâm vị, Biệt tướng niệm xứ vị, Tổng tướng niệm xứ vị

Nội phàm... Noãn vị, Đính vị, Nhẫn vị, Thế đệ nhất vị

Sơ quả... Dự lưu

(Tu đà hoàn) Hướng Kiến đạo

quả

Nhị quả... Nhất lai

(Tư đà hàm) Hướng

quả

Tu đạo

Tam quả... Bất lai

(A na hàm) Hướng

quả

Tứ quả... Vô học

(A la hán) Hướng Vô học đạo

quả

VII. Ý NGHĨA NIẾT-BÀN

NIẾT-BÀN (Nirvàna). - Niết-bàn có nghĩa là diệt độ. Tức là đã đoạn diệt hết mọi khổ sinh tử tới cõi hoàn toàn yên vui giải thoát. Nguyên lai ý nghĩa đó có hai phương diện là tiêu cực và tích cực. Cần phải đoạn hết phiền não là nghĩa tiêu cực, cần phải đạt tới chỗ an lạc giải thoát là nghĩa tích cực. Vậy bậc tu hành đã chứng tới Niết-bàn, thời không còn phải sinh tử, tới chốn đại an lạc. Niết-bàn còn có nghĩa là hết mọi vọng động tới chỗ tịch tĩnh, lìa mọi pháp hữu vi tới chỗ vô vi, lìa mọi hư vọng tới chỗ chân như, lìa mọi giả tướng tới chỗ thực tướng, siêu việt mọi nghĩa đoạn thường của thế gian tới chỗ trung đạo, vượt mọi ngã và phi ngã của thế gian thường kiến tới chỗ chân ngã.

Người đời thường ngộ nhận về nghĩa Niết-bàn là hư vô, là tiêu cực. Nhưng thực ra chỉ vì người đời ngộ nhận, chấp trước vào mọi hiện tượng sinh diệt biến hóa ở thế gian, nhận là thực hữu, vì mục đích phá ngộ nhận đó, nên Đức Phật nói có Niết-bàn. Như vậy, Niết-bàn không phải là nghĩa tiêu cực, hư vô, mà là nghĩa tích cực, chân thật. Tức là, đối với thường thì thường trụ, đối với Khổ là Lạc, đối với Ngã là Chân ngã, đối với Bất tịnh là Thanh tịnh, đối với Hư vọng là Chân thực, đối với Sai biệt là Bình đẳng, đối với Hiện tượng là Bản thể thực tại. Tóm lại, Niết-bàn phải là cái đích tối cao, để con người quy y, là nơi an lạc cho từng cá nhân, nơi hiệp đồng trụ xứ cho trăm ngàn vạn người, cho toàn thể chúng sinh.

VIII. GIÁO LÝ THỰC TIỄN TU HÀNH

Phật giáo là một tôn giáo, không thiên về triết học, nên không chú trọng lý luận, mà đặc biệt chú trọng vào thực hành. Phần lý luận, chẳng qua chỉ là tiền đề cho phần thực hành. Về giáo lý thực tiễn tu hành, trước hết là pháp môn Tứ đế. Căn cứ vào mục đích giải thoát Niết-bàn, nên lấy giáo nghĩa Diệt đế làm trung tâm, căn cứ vào phương pháp để đạt tới mục đích đó, nên lấy giáo nghĩa Đạo đế làm trung tâm.

Đức Phật, lúc Sơ chuyển Pháp luân, Ngài đã nói ra giáo lý để làm căn bản cho sự tu hành, đó là giáo lý Trung đạo. Trung đạo tức là Bát chánh đạo (tám con đường chân chánh). Tới khi nhập Niết bàn, Phật lại nói thêm các pháp: Tứ niệm xứ (Catvàri Smrtiupasthànàni), Tứ chánh cần (Catvàri samyakpradhànàni), Tứ như ý túc (Catvàri riddhipàdàh), Ngũ căn (Pãnca indriyàni), Ngũ lực (Pãnca balàni), Thất giác chi (Sapta bodhiangàni), gồm bảy khoa, phần trọng yếu nhất là khoa Bát chánh đạo, còn các khoa khác chỉ là phần phụ thuộc.

1. BỐN NIỆM XỨ: Thân niệm xứ, Thụ niệm xứ, Tâm niệm xứ, Pháp niệm xứ. Niệm xứ nghĩa là tâm chuyên chú vào một chốn, để ký ức các điều thiện. Căn cứ vào bốn cảnh là Thân (Kàya) của Sắc uẩn, Thụ (Vedanà) của Thụ uẩn, Tâm (Citta) của Thức uẩn, Pháp (Dharma) của Hành uẩn và Tưởng uẩn, để phá bốn điên đảo vọng tưởng Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, nên quán niệm về Bất tịnh, Bất lạc, Vô thường, Vô ngã.

2. BỐN CHÁNH CẦN: Pháp tu của Noãn vị thuộc Phàm vị. Tứ niệm xứ là pháp nội quán, trái lại Tứ chánh cần là phương pháp tu cho cả trong tâm và ngoài hành vi được thanh tịnh. Nghĩa là, điều ác đã sinh cần phải siêng năng đoạn diệt; điều ác đã sinh cần phải siêng năng đừng để cho sinh; điều thiện đã làm phải siêng năng tinh cần làm thêm; điều thiện chưa sinh cần phải siêng năng làm cho mau sinh.

3. BỐN NHƯ Ý TÚC: Pháp tu của ngôi Đính vị thuộc Phàm vị, để mong cầu các điều nguyện được như ý, mãn túc, mau chóng chứng được Lục thông (Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Túc mệnh thông, Tha tâm thông, Thần túc thông và Lậu tận thông), để thân và tâm được tự tại. Bốn như ý túc là: Dục như ý túc. - Nương vào thiền định để mong cầu được như ý muốn; Niệm như ý túc. - Nhớ nghĩ tới những điều đã nguyện vọng, để nhất tâm tu thiền định; Tiến như ý túc. - Tinh tiến tu hành để thiền định không bị gián đoạn; Tuệ như ý túc. - Nương vào trí tuệ để quán chư pháp.

4. NĂM CĂN VÀ NĂM LỰC: (1) Tín (Sraddha). - Tin vào Tam bảo, chứng được quả Dự lưu. (2) Tiến (Viriya). - Tinh tiến tu Tứ chánh cần để chỉ ác tác thiện. (3) Niệm (Smrti). - Nương vào chánh niệm để tu Tứ niệm xứ. (4) Định (Samàdhi). - Tu thiền định để tâm được thống nhất. (5). Tuệ (Prajnà). - Nhờ trí tuệ chứng được lý Tứ đế. Năm căn và Năm lực, danh mục cùng giống nhau, vì là nguyên nhân căn bản sinh ra mọi thiện pháp nên gọi là Căn, nhờ quả đức đó để phá mọi ác nghiệp nên gọi là Lực.

5. BẢY GIÁC CHI: (1) Niệm giác chi (Smarti bodhi angah). - Nhớ nghĩ mọi thiện pháp để tâm được bình tĩnh. (2) Trạch pháp giác chi (Dharma pravicaya angah). - Tuyển trạch về sự chân và ngụy của mọi pháp, để lấy chân bỏ ngụy. (3) Tinh tiến giác chi (Viriya angah). - Tinh tiến tu hành mọi chân pháp. (4) Hỷ giác chi (Priti angah). - An trụ vào pháp hỷ thiền duyệt của chân pháp. (5) Khinh an giác chi (Prasrabdhi angah). - Thân tâm trở nên khinh an. (6) Định giác chi (Samàdhi angah). - Nương vào thiền định để tu. (7) Xả giác chi (Upeksà angah). - Tâm được trở nên bình đẳng. Bảy giác chi này có ý nghĩa là tuyển trạch về thiện ác, chân ngụy của chư pháp, để giúp cho sự giác ngộ chân lý Tứ đế, nên gọi là Giác chi.

6. BÁT CHÁNH ĐẠO (Àryàstàngika màrga). - Tám con đường công bằng chân chính, hợp với chân lý Tứ đế, tiến tới đạo Niết bàn, nên gọi là Chánh đạo. (1) Chánh kiến (Samyag drsti). - Chánh quán về lý của Tứ đế, tin vào sự giải thoát và nhân quả của mê ngộ. (2) Chánh tư duy (Samyag samkalpa). - Tư duy về nghĩa chân chánh của lý Tứ đế, để lìa Tham, Sân, Si. (3) Chánh ngữ (Samyag vàca). - Nói năng ngay thẳng, lìa mọi lỗi của khẩu nghiệp. (4) Chánh nghiệp (Samyag karmànta). - Bỏ mọi tà nghiệp để thân nghiệp thanh tịnh. (5) Chánh mệnh (Samyag àgiva). - Lìa mọi tà mệnh, mọi sinh hoạt bất chánh để ba nghiệp trong sạch. (6) Chánh tinh tiến (samyag vyàyàma). - Tinh tiến về việc bỏ ác làm thiện. (7) Chánh niệm (Samyag smrti). - Nhớ nghĩ về chánh pháp, gạt mọi tà niệm. (8) Chánh định (Samyag samàdhi). - Chuyên chú vào một cảnh để thiền định trở thành vô lậu thanh tịnh.

Tóm tắt bảy khoa có 37 trợ đạo phẩm như sau:

1.- 4 Niệm xứ

2.- 4 Chánh cần

3.- 4 Như ý túc

4.- 5 Căn

5.- 5 Lực

6.- 7 Giác chi

7.- 8 Chánh đạo

IX. TAM HỌC

Nói về yếu ước tu hành trong Phật giáo, ta có thể quy kết vào Tam học, tức là Giới, Định, Tuệ.

Mục đích cứu cánh của Phật giáo là đoạn Hoặc, chứng ngộ. Muốn đạt tới mục đích đó thì phải nương vào trí tuệ. Trí tuệ đây không phải là ý nghĩa về tri thức và kinh nghiệm phổ thông ở thế gian, mà là trí tuệ của xuất thế gian, trong Phật giáo gọi là Vô lậu trí tuệ. Muốn lĩnh ngộ được trí tuệ đó, trước hết phải lấy Thiền định để nhiếp trì mọi căn, tập trung tư duy, bỏ hết tạp niệm, thì tự nhiên trí tuệ được phát hiện. Nhưng Trí tuệ và Thiền định là do ở công phu Trì giới mà sinh. Vậy nên, do Trì giới mà sinh ra Định, do Thiền định mà phát ra Trí tuệ.

1. GIỚI (Sila). - Ý nghĩa của giới là sự tích cực làm điều thiện, ngăn điều ác, để tránh mọi lỗi lầm của ba nghiệp: Thân, Khẩu, Ý. Giới còn gọi là Ba-la-đề-mộc-xoa (Pràtimoksa), hay là Biệt giải thoát, gồm có các điều giới, được ghi trong kinh Giới bản của Tỷ-khưu và Tỷ-khưu-ni.

Biệt giải thoát nghĩa là giữ riêng từng điều giới một, sẽ được giải thoát từng tội lỗi một. Tại gia Phật tử thì giữ các điều giới là Ngũ giới và Thập thiện.

Ngũ giới. - Không được sát sinh; không được trộm cắp; không được tà dâm; không được uống rượu; và không được vọng ngữ.

Thập thiện. - Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, là ba thiện nghiệp thuộc về thân nghiệp; không nói dối, không nói lưỡi đôi chiều, không ác khẩu, không nói thêu dệt, là bốn thiện nghiệp thuộc khẩu nghiệp; không tham, không sân, không tà kiến, ba thiện nghiệp này thuộc về ý nghiệp.

2. ĐỊNH (Samàdhi). - Định còn gọi là Đẳng trì, hay là Thiền-na (Dhyàna). - Tâm tập trung vào một cảnh, không để cho tán loạn, không thiên về lạc quan hay bi quan, thân tâm khinh an, quán suốt mọi pháp, để phát sinh ra trí tuệ vô lậu. Về thiền định có chia ra tám giai đoạn, gọi là Bát định. Tức là định Sơ thiền, định Nhị thiền, định Tam thiền, định Tứ thiền, định Không vô biên xứ, định Thức vô biên xứ, định Vô sở hữu xứ và định Phi tưởng Phi phi tưởng xứ.

1. Định Sơ thiền: Tâm tập trung vào một cảnh, phần tâm thì trở nên tầm cầu (vitraka), Tứ sát (Visàra); phần tình thì cảm thấy trạng thái Hỷ (Priti), Lạc (Skha), và Xả (Upeksà), bình đẳng.

2. Định Nhị thiền: Nhờ định này, lìa được trạng thái Tầm tứ, chỉ còn cảm về Hỷ, Lạc và Xả.

3. Định Tam thiền: Tu phép định này, lìa được trạng thái Hỷ, chỉ còn cảm về trạngt hái Lạc và Xả.

4. Định Tứ thiền: Định này lìa được trạng thái Lạc, chỉ còn riêng cảm giác Xả.

5. Định Không vô biên xứ: Tu định này lìa được phần thô tạp của sắc tướng, mà quán về trạng thái hư không vô biên.

6. Định Thức vô biên xứ: Lìa được trạng thái không quán của ngoại giới, chỉ còn quán phần thức vô biên của nội giới.

7. Định Vô sở hữu xứ: Lìa được trạng thái của không quán, thức quán, và tâm sở hữu, chỉ còn phần quán về vô tưởng của trạng thái bình đẳng vô sai biệt.

8. Định Phi tưởng Phi phi tưởng xứ: Tu định này không những lìa được phần hữu tưởng của thức xứ, mà còn lìa cả được trạng thái vô tưởng của Vô sở hữu xứ.

Mục đích của tám phép quán trên, cốt yếu để lìa cái căn nguyên mê vọng, và quan niệm tương đối hữu vô, đưa tâm đến trạng thái chí cực tịch tĩnh, để có thể đoạn trừ mọi hoặc nghiệp.

3. TUỆ (Prajnà). - Nhờ ở kết quả của tu định, dần dần chân tâm được sáng tỏ, trí tuệ đại vô lậu được hiển hiện, phân biệt được phần tự tướng tính đặc hữu và cộng tướng (tính cộng thông) của mọi pháp, chứng ngộ được lý Tứ đế, đoạn trừ được mọi hoặc, đưa tác dụng của phần tâm tới chỗ thâm áo cao diệu.

Sau hết là phép tu tổng quát cho tất cả các hàng Phật tử là Lục độ tức là Bố thí (Dàna - Đàn-na), Trì giới (Sìla - Thi-la), Nhẫn nhục (Ksànti - Sằn-đề), Tinh tiến (Virya - Tỳ-lê-gia), Thiền định (Dhyàn - Thiền-na), Trí tuệ (Prajnà - Bát-nhã).

Bố thí là tích cực làm thiện để bỏ tâm tự lợi và tham dục; Trì giới là tích cực bỏ điều ác, nhiếp trì mọi thiện căn; Nhẫn nhục là nhẫn nại mọi sự oán hại, không khởi ra tâm phục thù, và kham nhẫn mọi sự khổ sở; Tinh tiến là chuyên cần làm điều thiện, để tránh lỗi ác; Thiền định là tập trung tâm vào một chốn, để tâm được an định; Trí tuệ thì do tu thiền định phát sinh mà tỏ rõ được tính, tướng của mọi pháp.

Lục độ phối hợp với Tam học theo như biểu đồ sau:

1. Bố thí

2. Trì giới

3. Nhẫn nhục

4. Tinh tiến

5. Thiền định Định

6. Trí tuệ Tuệ

---o0o---

Nguồn: chuyenphapluan.com

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]