Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

I. Dẫn Nhập

21/05/201313:22(Xem: 13435)
I. Dẫn Nhập

Kinh Thắng Man

I. Dẫn Nhập

Hòa Thượng Thích Trí Quang

Nguồn: Hòa Thượng Thích Trí Quang

Ghi Sau Khi Duyệt Thắng Man

Ở đây nên ghi thêm về 2 điều. Một là kinh này liên hệ Pháp hoa. Hai là kinh này liên hệ Khởi tín.
Kinh này không công nhận nhị thừa có niết bàn. Ngay tư tưởng hệ tứ đế, nhị thừa cũng chưa thấu hiểu tận cùng. Nhưng nhị thừa có khả năng xoay về đại thừa, tin mà nhập được đại thừa. Phật thì "đồng đẳng với thì gian cuối cùng", "là thường trú, bất tận", "làm nơi nương tựa cho cái thế giới không ai che chở". Thu giữ Pháp là sự thu giữ Pháp, là người thu giữ Pháp, là Phật: đề cao giữ Pháp và thuyết Pháp đến như vậy. Phật là pháp thân, Pháp chỉ nhất thừa... Ấy thế nhưng chủ ý kinh này nói về Như lai tạng, chủ ý Pháp hoa nói ai cũng sẽ làm Phật, điều này nói khác nhau cũng đúng, nói hỗ trợ cho nhau càng cũng đúng.
Đến như Khởi tín thì có thể nói luận ấy là hệ thống hóa toàn bộ chủ ý và chi tiết của kinh này. Thậm chí văn tự và văn khí cũng không ít chỗ luận ấy sử dụng của kinh này. Dẫu vậy, 2 bên vẫn còn là bổ túc cho nhau. Đọc bên kia sẽ dễ dàng hiểu được bên này hơn lên.
Chủ ý lời ghi này là như vậy.

Mười bốn tháng 5, 2537.
Trí Quang

Tài Liệu

Kinh này có 2 bản dịch. Bản thông hành và chú giải nhiều nhất, vì là bản dịch trước và cũng là bản dịch sáng sủa, là của ngài Cầu na bạt đà la (dịch quãng 435-443), đề Thắng man sư tử hống nhất thừa đại phương tiện phương quảng kinh, mang số 353 của Đại tạng kinh bản Đại chính tân tu (Chính 12/217-223). Bản này tôi gọi tắt là bản Cầu na.
Vì kinh này là 1 hội của kinh Đại bảo tích (số 310 của Đại tạng kinh bản Đại chính tân tu), hội 48, mang tên Thắng man phu nhân hội, dịch giả là ngài Bồ đề lưu chi, dịch quãng 508-535. Tôi gọi tắt là bản Lưu chi (Chính 11/672-678). Đại bảo tích là tòng thư, gồm có nhiều kinh. Một số trong đó đã có những bản dịch cũ mà ngài Lưu chi thấy thích đáng thì lấy. Bản nào cần dịch lại mới dịch. Thắng man là bản dịch lại. Đối chiếu 2 bản thì thấy dịch lại cũng phải, mặc dầu bản Cầu na cũng là xứng đáng.
Tôi lấy bản Lưu chi trong Đại bảo tích làm chính văn, và đối chiếu rất nhiều với bản Cầu na. Về chú thích thì tôi tham khảo 2 bản của các ngài Cát tạng và Khuy cơ, mặc dầu cả 2 bản đều chú thích bản Cầu na. Nhưng húy krong sự phiên dịch là không có một vài bản in khác nữa để đối chiếu. Tôi bị điều này trong lúc dịch bản Lưu chi. Có vài chỗ in sai quá rõ thì chữa được, nhưng có mấy chỗ hết sức đáng ngờ mà không biết làm sao. Nhất là chỗ ghi chú số 24 .

Ba Phần

Bản dịch Lưu chi vốn không chia đoạn lạc gì cả. Trái lại, bản Cầu na chia 15 đoạn, y theo lời kết thúc kinh này. Tất cả 15 đoạn này tôi đưa vào bản dịch của tôi với sự mở đóng vòng đơn. Tôi sẽ tóm tắt 15 đoạn ấy sau đoạn này. Ở đây hãy nói nên chia nội dung kinh này ra 3 phần lớn: 1 được thọ ký, 2 phát bồ đề tâm, 3 nhập Như lai tạng.
Phần được thọ ký thì nói Thắng man được thọ ký làm Phật. Phần này chỉ có 1 đoạn trong 15 đoạn, nguyên đề là đức tính chân thật của Như lai. Thắng man là một hoàng hậu quá lợi căn. Nên mới thấy Phật là được Ngài thọ ký liền. Hai phần sau sẽ cho thấy sự thọ ký ấy rất xứng đáng. Sự thọ ký của Phật, ở đây, còn cho thấy phụ nữ cũng có người là bồ tát, mà là bồ tát cao. Hoặc không muốn nói thế thì nói sự thọ ký của Phật, ở đây, cho thấy phụ nữ cũng có thể làm Phật.
Có một điều nên ghi chú ở đây, là mới gặp Phật mà sao Thắng man được thọ ký liền, rồi lại nói như một vị đại bồ tát vậy. Trường hợp này có thể so sánh với trường hợp ngài A nan trong Pháp hoa: được Phật thọ ký rồi tức khắc nhớ được kho tàng chánh pháp của vô lượng ngàn vạn ức chư Phật quá khứ, thông suốt vô ngại, như thể hiện tại mới nghe, lại nhớ được cả bản nguyện của mình.
Phần phát bồ đề tâm thì chữ phát ở đây có nghĩa phát giác, phát ra và phát huy. Phát giác là phát giác bản tánh của mình chính là tuệ giác của Phật. Phát ra là lập chí nguyện thực hiện tuệ giác ấy. Phát huy là phát triển và thực hiện tuệ giác ấy. Phần này có 2 - 3 đoạn nhỏ, nói về 10 nguyện (mà có chú giải nói là thọ giới), về 3 đại nguyện và về sự thu nhận chánh pháp. Trong đây, sự thu nhận chánh pháp là quan trọng nhất. Thu nhận có nghĩa thu nhận mà giữ gìn. Nhận giữ chánh pháp là căn bản tối quan trọng của sự phát bồ đề tâm.
Phần nhập Như lai tạng, Như lai tạng là bào thai Như lai, tức chính chúng ta đây. Lăng nghiêm có cái ví dụ cánh tay chỉ xuống chỉ lên. Cánh tay lúc nào cũng có tất cả năng tính quí báu và vô tận. Khi cánh tay ấy chỉ xuống thì mọi năng tính ấy làm cái việc chỉ xuống, nhưng khi cánh tay ấy chỉ lên thì mọi năng tính ấy làm cái việc chỉ lên. Vấn đề chỉ là đổi cách chỉ. Ta đây cũng vậy, mọi cái gì đang là chúng sinh đây thì mọi cái đó sẽ là đức Phật. Thế nên ta đây chính là bào thai của một đức Như lai. Rồi tùy giai đoạn và vị trí mà Như lai tạng ấy gọi là nhất thừa, là niết bàn, là pháp thân, là bản tánh thanh tịnh... Tức 5-14 đoạn còn lại của 15 đoạn nhỏ. Và Như lai tạng đúng là vấn đề trọng tâm của kinh Thắng man.
Được thọ ký rồi phát bồ đề tâm, nhập Như lai tạng, thứ tự này cũng có thể đặt ngược lại: nhập Như lai nên phát bồ đề tâm, và nhờ vậy mà được thọ ký.

Mười Lăm Đoạn

Bây giờ nên tóm tắt ý chính của 15 đoạn nhỏ kinh này.
Đoạn 1, đức tính chân thật của Như lai, chính văn lời kết cũng là như vậy, nói về sự ứng hiện thọ ký của Phật cho Thắng man phu nhân, cũng nói về đức tính của Phật mà bà này ca tụng.
Đoạn 2, mười điều nhận lãnh, chính văn lời kết là 10 điều thệ nguyện bất khả tư nghị. Mười điều này có nhà chú thích cho là sự thọ giới.
Đoạn 3, ba điều đại nguyện, chính văn lời kết là 1 đại nguyện thống nhiếp mọi thệ nguyện. Trong 3 đại nguyện này quan trọng là điều cuối "vì thu nhận giữ gìn chánh pháp mà nguyện không tiếc thân mạng".
Đoạn 4, thu nhận chánh pháp, chính văn lời kết nói sự thu nhận chánh pháp là bất khả tư nghị. Sự này thật ra là quảng diễn đại nguyện thứ 3 nói trên.
Đoạn 5, xác quyết nhất thừa, chính văn lời kết là hội nhập nhất thừa. Đoạn này như Pháp hoa, hội qui nhị thừa và tam thừa về nhất thừa, nói ai cũng sẽ thành vô thượng giác.
Đoạn 6, chân lý vô biên, chính văn lời kết là thánh đế vô biên. Nói tứ đế của tiểu thừa chưa phải tứ đế hoàn toàn, tiểu thừa cũng chưa chứng hoàn toàn tứ đế.
Đoạn 7, Như lai tạng, chính văn lời kết cũng là như vậy. Nói Như lai tạng chính là thánh đế vô biên.
Đoạn 8, pháp thân, chính văn lời kết nói pháp thân của Như lai. Nói Như lai tạng đã ra khỏi phiền não, "tuệ giác giải thoát và những pháp bất khả tư nghị nhiều hơn hằng sa, nên gọi là pháp thân".
Đoạn 9, Chân thật bị ẩn, chính văn lời kết là bản tánh siêu việt và chân thật bị ẩn khuất. Bản tánh siêu việt là dịch chữ không tánh: bản tánh mà ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt. Đoạn này nói Như lai tạng có như thật không và như thật hữu: không là tách rời phiền não, hữu là đủ pháp bất khả tư nghị.
Đoạn 10, thánh đế duy nhất, chính văn lời kết là ý nghĩa thánh đế duy nhất. Tức là nói thánh đế khổ diệt. Khổ diệt là niết bàn.
Đoạn 11, nương tựa duy nhất, chính văn lời kết là sự nương tựa duy nhất, thường trú, bất động và vắng lặng. Tức là nói về thánh đế khổ diệt.
Đoạn 12, thác loạn, chắc thật, chính văn lời kết cũng nói như vậy. Tức nói phàm phu thì kiến thức nhị biên, nhị thừa thì tuệ giác chưa toàn. Cũng nói thánh đế khổ diệt là thường lạc ngã tịnh. Trong đoạn này có pháp số 4 nhập lưu, tôi tra không ra.
Đoạn 13, bản tánh thanh tịnh, chính văn lời kết nói là cái tâm bản tánh thanh tịnh mà bị phiền não che khuất. Cũng là nói về Như lai tạng, căn bản của sống chết, của tất cả.
Đoạn 14, con thật của Phật, chính văn lời kết nói là con thật của Như lai. Tức Phật tử thứ thật, tin cái tâm bản tánh thanh tịnh (tức Như lai tạng).
Đoạn 15, Thắng man phu nhân, chính văn lời kết nói là sự nói như sư tử gầm, của Thắng man phu nhân. Quan trọng là bà hoàng này đã nói không dưới 2 lần về nghịch hành pháp môn, ở đoạn 2 và đoạn này. Chữ phương tiện trong đề kinh bản Cầu na là nghịch hành pháp môn ở đây.

Khởi Tín Liên Quan

Khởi tín luận, ngoài sự liên quan rõ và sâu với Lăng dà, còn có sự liên quan với Thắng man rõ và sâu hơn nữa. Ở đây sẽ không nói về Như lai tạng, về 2 mặt như thật không và như thật hữu, về chân như huân tập và duyên khởi... Mà chỉ nói 1 chi tiết nhỏ cũng đủ. Khởi tín luận nói, tịnh pháp được huân tập liên tục như thế nào? Vì có chân như nên huân tập bất giác, do sức mạnh của sự huân tập này mà làm cho vọng tâm chán cái khổ sinh tử và cầu cái vui niết bàn... Ở đây vọng tâm huân tập là một, ý thức huân tập, làm cho người thường và nhị thừa chán cái khổ sinh tử, tùy năng lực mà tiệm tiến về tuệ giác vô thượng; và hai, ý huân tập, làm cho các vị bồ tát nổi lên cái tâm chí dũng mãnh, mãnh tiến đến niết bàn vô thượng. Kinh này nói vô minh trú địa cũng vậy, chính nó làm duyên tố mà nghiệp nhân vô lậu tạo ra ý sinh thân của la hán duyên giác và bồ tát đại lực.

Liên Quan Pháp Hoa

Sở trường của Pháp hoa là hội tam qui nhất, hội qui tiểu thừa về đại thừa, thọ ký cho thành Phật cả. Sự hội qui này Thắng man nói thật tắt và thật rõ.
Điều quan trọng là cách nói của Thắng man. Thắng man căn cứ ngay nơi tứ đế của tiểu thừa mà chỉ cho họ thấy tiểu thừa chưa toàn như Phật về tứ đế, nhất là thánh đế khổ diệt (Niết bàn). Chính ở đây mà thấy Phật không phải là La hán. Phật là bất diệt.

Phật, Bồ Tát, La Hán

Tiểu thừa quan niệm Phật cũng chỉ là 1 vị La hán. Thế rồi hỏi những phẩm chất 10 lực, 4 vô úy, v/v, của Phật thì La hán có không, tiểu thừa bèn trả lời Phật là 1 vị La hán đặc biệt!
Tiểu thừa nói về Bồ tát thì có 2 loại. Một, Bồ tát là tối hậu thân của Phật mà trước khi thành Phật. Hai, Bồ tát như trên tu bách phước trang nghiêm, trải qua 100 kiếp, về 32 tướng đại trượng phu. Nghĩa là nếu hỏi ai cũng có thể là Bồ tát không, thì tiểu thừa cũng chỉ trả lời có vị đặc biệt mà thôi.
Tiểu thừa nói về La hán thì đơn giản lắm: dứt kiến hoặc là sơ quả, dứt kiến hoặc và tu hoặc là La hán. Hoặc ở đây là 5 lợi sử và 5 độn sử, hiện quán tứ đế mà diệt trừ. Rồi La hán là ta sinh đã hết, phạn hạnh đã lập, việc làm đã xong và không còn đời sau (nghĩa là biết khổ, đoạn tập, chứng diệt và tu đạo). Thắng man cực lực cho thấy ngay 4 sự ấy tiểu thừa chưa trọn, nhất là thánh đế khổ diệt. Thắng man nói tiểu thừa sẽ hướng về đại thừa -- về tuệ giác của Phật cả.
Nhân tiện cũng nói tiểu thừa không công nhận nhiều Phật và nhiều thế giới. Thiên văn học và không gian học ngày nay cho biết dứt khoát vũ trụ không phải chỉ có địa cầu này mới có sự sống. Vấn đề là phải tìm sự sống còn ở đâu nữa. Ấy vậy, những vị tự gọi mình là nguyên thỉ, dầu sự thật không nguyên thỉ gì bao nhiêu, hãy trầm tĩnh mà cứu xét vần đề, đúng hơn là thái độ không thích hợp.
22.10.2535

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]