Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

02. Chương II: Quan niệm của Phật giáo về người phụ nữ

20/05/201318:55(Xem: 8936)
02. Chương II: Quan niệm của Phật giáo về người phụ nữ

Phật Việt Nam, Dân tộc Việt Nam

Giác Dũng

---o0o---


Chương II

Quan Niệm của Phật Giáo về Người Phụ Nữ



“Sự giác ngộ không liên quan đến thân người nam hay thân người nữ.” (Đắc Vô Cấu Nữ Kinh, ĐTK 339, tập12, tr.106b9).


Để hiểu rõ quan niệm của Phật giáo về người phụ nữ, cần tìm hiểu hình ảnh người phụ nữ ở những nền văn hóa khác nhau như Châu Âu, cụ thể ở Hy Lạp, kế đến các nước Châu á như Nhật Bản, Trung Quốc, và đặc biệt là ấn Độ - nơi có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành và phát triển của Phật giáo.

I. Hình ảnh người phụ nữ dưới ánh mắt các triết gia Hy Lạp

Nói đến Hy Lạp, không thể không kể đến tên tuổi của Socrate (469 Trước Tây lịch - 399 Trước Tây lịch[1]) mà môn đệ của ông là Platon đã nhận định: “Ông là người minh triết nhất, công bằng nhất và tốt nhất.”[2]. Ông kêu gọi các môn đệ, những thanh niên thành Athènes, từ bỏ việc cúng bái thần linh, chống lại thể chế chính trị đương thời, kêu gọi xây dựng xã hội bằng việc đề cử những nhà lãnh đạo có tài, có đức, chủ trương thuyết quý tộc cầm quyền. Ông là nhà lãnh đạo tinh thần của phe nổi loạn. Do đó, ông bị xử tử bằng cách phải uống thuốc độc. Thản nhiên chấp nhận bản án, ông khuyên các môn đệ có mặt trong buổi tử biệt ấy: “Hãy cứ vui đi, các con chỉ chôn cái thể phách của thầy.”[3]. Ông chấp nhận cái chết của bậc thánh và cái chết đó trở thành bất tử.

Khi ông uống cạn chén thuốc độc, một môn đệ của ông là Apollodorus đang khóc, thét lên một tiếng làm tất cả giật mình. Socrate vẫn bình tĩnh, nói: “Cái gì lạ vậy ? Thầy không cho phụ nữ vào đây là để tránh cái cảnh này.”.[4]Dưới ánh mắt của một triết gia như ông thì phụ nữ yếu đuối, không thể chịu đựng được cảnh tượng đau khổ trong lúc tử biệt nên ông không cho họ vào trong ngục thất. Họ không được đối xử một cách bình đẳng như những môn đệ nam giới, không được có mặt trong giờ phút thiêng liêng, giờ phút vĩnh biệt thầy mình.

Một trong những môn đệ ưu tú của Socrate là Platon (427TTL - 347TTL), người đưa ra đề án xây dựng một quốc gia lý tưởng (Utopia)[5]đầu tiên trong lịch sử nhân loại, qua cái chết của thầy mình, đã trở nên thù ghét tư tưởng dân chủ, thù ghét quần chúng, thêm vào đó là sự thù ghét phát sinh từ giai cấp quý tộc của ông. Do đó, ông chủ trương cần phải tận diệt chế độ dân chủ và thay vào đó là một chính thể do những phần tử quý tộc và phần tử sáng suốt lãnh đạo.

Ông thường nói: “Tôi cám ơn trời đã cho tôi làm người Hy Lạp chứ không phải một dân mọi rợ, một người tự do chứ không phải một nô lệ, một người đàn ông chứ không phải một người đàn bà,...”[6]. Ông tự hào về dân tộc Hy Lạp, ông đề cao và khao khát tự do. Nhưng ông cho rằng nữ giới không thông minh, không thể trở thành một triết gia sáng chói như nam giới nói chung và như ông nói riêng. Nếu như thầy ông có cái nhìn mang nặng cảm tính đối với phụ nữ thì ông mang nặng lý tính đối với họ. Và có lẽ Aristote, môn đệ của ông, là người tập đại thành quan niệm trọng nam khinh nữ. Tóm lại, ba thế hệ của những triết gia nổi tiếng nhất Hy Lạp thời ấy, đã “hệ thống hoá” một quan điểm của họ về phụ nữ.

Aristote (384TTL - 323TTL), một triết gia thông thái của Hy Lạp, công lao của ông được Will Durant đánh giá rất cao: “Những nền văn minh kế tiếp đều mang một món nợ tinh thần đối với Aristote.”.[7]. Thế nhưng, đối với phụ nữ: “Aristote cho rằng đàn bà là một con người chưa trưởng thành, đàn ông phải là người chỉ huy, đàn bà chỉ có thể tuân lệnh. Theo bản chất, phụ nữ không có ý chí, do đó không thể tự lập. Việc làm thích hợp nhất đối với phụ nữ là coi sóc nhà cửa...”.[8].

Nếu lời đánh giá của Will Durant vừa dẫn ở trên là đúng: “Những nền văn minh kế tiếp đều mang một món nợ tinh thần đối với Aristote.” thì nhân loại cũng thừa kế cả quan điểm bất bình đẳng, trọng nam khinh nữ này. Và biết đâu tình trạng trọng nam khinh nữ như ngày nay là “di sản” mà nhân loại kế thừa của Aristote! Chúng ta sẽ thấy điều mà Aristote nói rằng “phụ nữ không thể tự lập” thể hiện rõ trong tư tưởng Tam tòng của Trung Quốc, nhất là trong điều thứ 148 của bộ Luật Manu ở ấn Độ.

II. Người phụ nữ trong xã hội Nhật Bản

Trong số 125 vị Thiên hoàng chính thống của Nhật Bản được ghi lại cho tới ngày nay, có 10 vị Nữ hoàng, chiếm 8% trong tổng số Thiên hoàng của Nhật. Về mặt văn học, Nhật Bản có bộ trường thiên tiểu thuyết mang tên Genjimono Gatari (源氏物語) của nữ văn sĩ Murasaki Shikibu (紫式部) viết vào thế kỷ thứ XI. Đây là tác phẩm trữ tình xưa nhất của một người phụ nữ trên thế giới, không chỉ là niềm tự hào của người Nhật mà còn là di sản văn hóa của thế giới.

Tuy vậy, phụ nữ Nhật Bản không có chỗ đứng khả dĩ trong thế giới của các samurai ở xứ sở hoa Anh đào. Trong xã hội Nhật Bản, người phụ nữ không chỉ biết chăm lo hạnh phúc gia đình, săn sóc chồng con mà còn phải biết phục tùng, lễ độ một cách khép nép đối với chồng nói riêng, với gia đình nhà chồng nói chung. Ngày nay, do ảnh hưởng văn minh phương Tây, phụ nữ có được những quyền bình đẳng với nam giới như tự do bầu cử, đi làm việc ngoài xã hội,... nhưng về đến nhà vẫn chỉ là người phụ nữ truyền thống của Nhật, phải quán xuyến mọi công việc trong gia đình. Khi kết hôn, người phụ nữ phải đổi họ của mình thành họ của chồng. Điều đó hoàn toàn khác với Việt Nam. Thế là trong trường hợp của Nhật Bản, sau khi kết hôn, cá thể của người phụ nữ “tan biến”, trở thành cái bóng của người chồng. Ngày nay một số phụ nữ đang đòi hỏi quyền được giữ lại họ của mình sau khi kết hôn.

III. Phật giáo Nhật Bản đối với người phụ nữ

Giáo đoàn được thành lập đầu tiên ở Nhật Bản là giáo đoàn Ni. Những vị Ni đầu tiên sang Bách Tế (Triều Tiên cổ đại) du học, thọ giới rồi về thành lập giáo đoàn Ni ở Nhật Bản năm 590 là Thiện Tín, Huệ Thiện và Thiền Tạng[9]. Đến thời đại Nại Lương (710 - 794), hơn 100 năm sau khi thành lập giáo đoàn, Ni chúng đã khá đông và có một địa vị nhất định trong Phật giáo nên khi xây dựng Quốc phần tự cho chư Tăng, triều đình Nhật Bản cũng xây dựng Quốc phần Ni tự dành riêng cho chư Ni.

Nói đến thời đại Bình An (794 - 1192) không thể không nói đến hai vị cao tăng tiêu biểu của Phật giáo Nhật Bản. Đó là ngài Tối Trừng (767 - 822), Khai Tổ của Thiên Thai tông và ngài Không Hải (774 - 835), Khai Tổ của Chân Ngôn tông. Ngài Tối Trừng dựa vào chuyện Long nữ thành Phật trong Kinh Pháp Hoa, dạy rằng ngay thân này có thể thành Phật. Còn ngài Không Hải thì dạy tất cả mọi người, không phân biệt nam nữ đều có thể thành Phật. Người ta tưởng rằng lời dạy của những vị Tổ sư như thế sẽ đem lại sự bình đẳng giữa nam nữ ít nhất là trong Phật giáo Nhật Bản. Tuy nhiên, từ lý thuyết tới thực tế bao giờ cũng có một khoảng cách. Ngài Tối Trừng lấy lý do người nữ làm ngăn cản việc kết giới nên không cho họ hành hương lên ngọn núi Tỉ Duệ, thánh địa của Thiên Thai tông nói riêng và của Phật giáo Nhật Bản nói chung. Sau này, Chân Ngôn tông và Tu Nghiệm đạo cũng có sự cấm đoán như thế.

Việc đối xử bất công này phát xuất từ tập tục cố hữu của Nhật Bản. ở Nhật, người ta cho rằng phụ nữ bất tịnh nên không được chủ tế những buổi lễ của Thần đạo và sau này là của Phật giáo. Tuy nhiên, cũng có những vị bênh vực cho sự bình đẳng của nữ giới. Ngài Đạo Nguyên (1200 - 1253), Sơ Tổ của Thiền Tào Động tông tuyên bố rằng trong vấn đề tu hành thành Phật, nam nữ đều bình đẳng và ngài chống lại sự khinh miệt không cho phụ nữ hành hương lên các thánh tích trên núi. Tuy có tiếng nói bênh vực một cách bình đẳng của ngài Đạo Nguyên nhưng thành kiến đối với phụ nữ của Phật giáo Nhật Bản không có gì thay đổi. Dù sao, tiếng nói của ngài chỉ là thiểu số. Trong khi đó, tiếng nói của đa số tồn tại quá lâu trong tâm thức của Phật tử Nhật Bản.

Đến thời Minh Trị, Nhật Bản bước vào con đường Duy tân, tiếp thu nền văn minh Châu Âu, cùng với sự đòi hỏi bình đẳng của nữ giới nên năm 1872 những sự cấm kỵ đối với phụ nữ đều được phế bỏ hoàn toàn. Ngày nay phụ nữ đã được hành hương lên các thánh tích trên núi thiêng như nam giới.[10].

IV. Người phụ nữ trong xã hội Trung Quốc

Trung Quốc từ ngàn xưa đã tồn tại một nền giáo dục trọng nam khinh nữ. Hậu Hán Thư, Hoàng hậu kỷ ghi lại trường hợp Hoàng thái hậu Đặng Tuy được giáo dục ra sao trong chế độ trọng nam khinh nữ đó. “Đặng Tuy là một thiếu nữ rất thông minh. Sáu tuổi đã đọc được Sử Thư, mười hai tuổi thông hiểu Kinh Thi, Luận Ngữ, chỉ để tâm vào sách vở, không để ý tới việc trong nhà. Mẹ thường cho là không đúng, nói: “Con không học nữ công để lo cơm áo, lại thích học hành, chẳng lẽ định làm bác sĩ à?”. Đặng Tuy không dám cãi lời mẹ nên ban ngày học nữ công, ban đêm đọc kinh sách thánh hiền.”.[11].

Tạo hóa ban cho người phụ nữ thiên chức làm mẹ, sinh con, nuôi con. Mẹ nuôi con không chỉ bằng cơm, bằng gạo mà chính bằng tình cảm, bằng tình thương yêu của mẹ thông qua việc may vá, thông qua tiếng hát ru: “Mẹ ru tiếng hát ở đời. Sữa nuôi phần chất, hát nuôi phần hồn.”. Người con lớn lên từ hơi ấm, từ tình thương của mẹ. Những gia đình có hạnh phúc êm ấm phần lớn nhờ vào sự đảm đang công việc nội trợ của người phụ nữ. Nhưng không vì chức năng đó mà người phụ nữ mất quyền học hành, những quyền bình đẳng với nam giới. Thực tế cho thấy: “Đặng Tuy về sau làm Hoàng thái hậu buông rèm nghe chính sự, xử lý việc triều đình thích đáng, việc chính trị cũng khá sáng suốt.”[12]. Điều đó chứng tỏ nhờ công phu tu dưỡng, chăm đọc kinh sách Thánh hiền của bà từ nhỏ và chứng tỏ người phụ nữ cũng có chỉ số thông minh như nam giới.
Tuy thế, từ xưa tới nay, nữ giới chỉ được xem như là chiếc bóng, hoàn toàn lệ thuộc vào nam giới, không được sống độc lập. Tang Phục Truyện của Nghi Lễ ghi rõ: “Người phụ nữ có nghĩa vụ phải theo Tam tòng, không có con đường nào khác. Theo đó, người phụ nữ khi chưa lập gia đình thì theo cha, khi lập gia đình rồi thì theo chồng, chồng chết thì theo con.” (儀禮、喪服傳、“婦人有三從之義、無専用之道、故未嫁從父、既嫁從夫、夫死從子”).[13].

Quy định của Tam tòng như thế không phải là sự bảo vệ tích cực đối với phụ nữ mà nó khẳng định một cách tiêu cực vị thế của người phụ nữ rằng họ phải lệ thuộc vào nam giới. Từ đó, phụ nữ chỉ còn là cái bóng mờ trong gia đình, ngoài xã hội. Quan niệm như thế tồn tại trong nền giáo dục mang tính gia giáo cổ xưa Trung Quốc hàng mấy ngàn năm và nó cũng ảnh hưởng ít nhiều đến Việt Nam theo vó ngựa của quân xâm lược phương Bắc!

Trong văn hiến của ấn Độ cũng có tư tưởng trọng nam khinh nữ như thế. Cả hai nền văn minh tiêu biểu, tự hào của Châu á, hai nền văn minh lớn của nhân loại đều có cùng một tần số. Đó là cái nhìn bất bình đẳng đối với phụ nữ. Manu là bộ luật cơ bản của ấn Độ. Luật Manu đi vào ấn Độ cùng cuộc Nam tiến của Aryan khi giống dân này tiến chiếm vùng Ngũ hà và đánh đuổi dân Dravidian, chủ nhân nền văn hóa Indus, xuống phía Nam. Manu là một trong những bộ luật đầu tiên nhất của nhân loại, khẳng định tính pháp chế của chế độ đẳng cấp.

Chương thứ năm có nói đến nghĩa vụ của người phụ nữ. Điều 148 của chương này ghi: “Bqlye piturva1e ti2whetpqzigrqhasya yauvane. Putrqzq/ bhartari prete na bhajetstr] svatantratqm.” (Phụ nữ, khi còn bé phải theo cha, còn trẻ phải theo chồng, chồng chết phải theo con. Phụ nữ không được phép sống độc lập.)[14].

Tại Trung Quốc, tư tưởng Tam tòng được ghi trong sách vở mang tính giáo dục, chưa trở thành một phạm trù bắt buộc. Còn ở ấn Độ, tư tưởng Tam tòng trở thành điều luật được ghi trong văn bản của một bộ luật nổi tiếng của nhân loại. Nó trở thành điều bắt buộc, người phụ nữ phải tuân theo, không còn con đường nào khác. Văn bản của Luật Manu vừa dẫn ở trên ghi rõ là “phải theo” chứ không phải “nên theo”.

Với quan điểm trọng nam khinh nữ lâu đời như thế, người phụ nữ trong xã hội Trung Quốc không thể là người đứng đầu một nước, cha mẹ của muôn dân được. Nhưng trong lịch sử, có một vị nữ lưu đã làm được điều đó, đạp đổ tư tưởng trọng nam khinh nữ, ngồi trên ngai vàng vốn chỉ dành riêng cho đấng tu mi nam tử. Người ấy cũng đã để lại những đóng góp qúy giá cho xã hội đương thời mặc dù phải trả giá quá đắt, quá tàn nhẫn, ngoài sức tưởng tượng của con người. Người ấy là Võ Tắc Thiên (624 - 705), Nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Trước hết, để hạ bệ Vương Hoàng hậu (người đã đưa Võ Tắc Thiên vào cung), Võ Tắc Thiên tự tay giết chết người con gái mới sinh của mình một cách tàn nhẫn rồi vu khống rằng Vương Hậu ra tay giết. Sau khổ nhục kế “ăn thịt con” ấy, Tắc Thiên được lập làm Hoàng hậu. Hoàng hậu chưa phải là mục đích của Tắc Thiên. Để tiến xa hơn, Tắc Thiên bắt đầu cuộc thanh trừng nội bộ: Phế Vương Hoàng hậu, lập Thái tử, trừ khử những khai quốc công thần có ý chống đối, kể cả các con trai của mình. Không chỉ dựa vào sắc đẹp mỹ nhân mà còn nhờ vào mưu trí của kẻ gian hùng, Võ Tắc Thiên chinh phục được vua Đường Cao Tông, đánh bại các triều thần.

Cùng với tham vọng chính trị làm người đứng đầu một đế chế vĩ đại là sự căm thù sâu sắc chế độ giáo dục trọng nam khinh nữ, Võ Tắc Thiên muốn ngồi trên ngai vàng Hoàng đế để từ đó nhận được tiếng tung hô vạn tuế của các đấng mày râu đại trượng phu - những người mà nền giáo dục Trung Quốc bắt buộc bà phải phục tùng! Lý Hoằng là con trai trưởng, hiền từ hiếu thảo nhưng bị mẹ ép uống rượu độc đến chết vì “vua Cao Tông sắp truyền ngôi”! Lý Hiền là con trai thứ, được lập làm Thái tử nhưng Võ Tắc Thiên cảm thấy đây là trở ngại cho con đường xưng đế của mình nên bày mưu phế truất Lý Hiền đày ra tận Ba Châu, bắt làm dân thường; khi vua Cao Tông qua đời, Lý Hiền bị buộc phải tự tử. Con trai thứ ba là Lý Hiến[15]chỉ làm vua được 54 ngày, liền bị giáng xuống làm Lư Lăng Vương rồi bị giam lỏng ở ngoài cung[16]. Con trai thứ tư là Lý Đán làm vua được 7 tháng nhưng chỉ là ông vua bù nhìn. Nhưng thân phận bù nhìn cũng không được yên. Năm 684 Tắc Thiên truất phế ngai vàng của vua bù nhìn này[17], tự lên làm vua, năm 690 xưng quốc hiệu Đại Chu, xưng Thánh Thần Hoàng đế, Đại Thánh Hoàng đế... Năm 705 bị các đại thần tạo áp lực, buộc phải trao trả ngôi vị Thiên tử lại cho con là Lư Lăng Vương.

Là Nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc, Võ Tắc Thiên cũng làm được những việc phi phàm đúng như miếu hiệu của mình: Thánh Thần, Đại Thánh. Nữ hoàng đã đập tan được cuộc dấy binh của Từ Kính Nghiệp, tuyển chọn nhân tài xuất sắc về văn võ, góp phần tích cực vào việc trị quốc, bảo vệ biên cương, bảo đảm cho triều đại của Nữ hoàng yên bình, xã tắc phồn vinh. Nữ hoàng chủ trương khuyến khích nông nghiệp, giảm sưu cao thuế nặng, xây dựng thuỷ lợi, coi trọng sản xuất nông nghiệp, tích trữ lương nhu, gia tăng nhân khẩu, mở khoa thi võ, lập chế độ thi Đình, đánh tan đội quân xâm lược của Thổ Phồn và Đột Quyết, lập đồn canh ở biên giới, tăng cường quốc phòng, thẳng tay trừng trị quan lại tham ô tàn ác bằng các cực hình như xử tử, bắt lưu vong... Điều này làm cho nhân dân tín phục.

21 năm trị vì, Nữ hoàng đã làm được những việc mà không phải một đấng Thiên tử đại trượng phu nào cũng có thể làm được. Lịch sử và nhân dân Trung Quốc đã trân trọng ghi tên bà vào một trong “Các đế vương, các lãnh tụ chính trị vĩ đại của Trung Quốc”[18]. Tuy nhiên, để đạt được tham vọng và cơ hội thể hiện bản lãnh của mình, Nữ hoàng đã không từ bất cứ một thủ đoạn độc ác, phi nhân nào! Việc mượn tay Vương Hoàng hậu đánh đổ Tiêu Thục phi rồi sau đó quay sang trừ khử cả Vương Hoàng hậu, thanh trừng các đại thần chống đối để leo lên ngôi vị Hoàng hậu thì còn có thể chấp nhận được. Vì chính trị phải chấp nhận thủ đoạn và bạo lực. Nhưng để đoạt ngôi vị Thiên tử mà nhẫn tâm giết chết những người con ruột của mình thì lịch sử nhân loại chắc chỉ có một không hai và không thể nào chấp nhận được.

Cũng là mẹ nhưng có người chỉ trong thời gian chưa tàn một cây nhang đầu đã bạc trắng khi thấy bệnh tình con mình không chạy chữa được hay có bà mẹ vì thương nhớ con, khóc đến mù lòa cả đôi mắt. Chẳng lẽ khi nặn hình tượng của Nữ hoàng, Tạo hóa đã quên cho Võ Tắc Thiên trái tim nhân hậu của người mẹ? Không. Bà cũng được Tạo hóa ban cho trái tim thắm đỏ như muôn triệu người mẹ khác. Nhưng bà chỉ nghĩ đến sự tính toán được thua, đến tham vọng chính trị nên trái tim bà trở nên độc ác một cách đáng sợ! Chính tham vọng quyền lực đã cướp đi trái tim nhân hậu của người mẹ trong bà. Bà đã dùng xương máu của các người con để xây dựng ngai vàng cho mình !

Người ta vẫn nói “Hổ dữ không ăn thịt con.”. Hổ là một loại động vật có răng nanh, chuyên ăn thịt thú, rất hung dữ, là chúa tể rừng xanh mà không nỡ ăn thịt con. Thế mà Võ Tắc Thiên, một nữ nhi liễu yếu đào tơ, từng gởi thân trong chốn Thiền môn, nương nhờ cửa Phật[19], lại có thể cam tâm “ăn thịt” không phải một mà tới ba người con do chính mình đứt ruột sinh ra!

Lịch sử lên án bà, một người mẹ quá tàn nhẫn, vô lương tâm nhưng người ta cũng trân trọng ghi nhận công lao to lớn mà bà đã đóng góp cho vương triều phong kiến Trung Quốc. Điều đó chứng tỏ phụ nữ cũng có bản lãnh, tài năng như nam giới chứ không phải hạng tầm thường. Nó chứng tỏ quan điểm giáo dục trọng nam khinh nữ của Trung Quốc xưa kia là bất bình đẳng.

Tóm lại, tư tưởng Tam tòng là sự bất bình đẳng giữa nam nữ trong xã hội, là sự khinh miệt phụ nữ, không thể tồn tại trong xã hội ngày nay. Trong phần kết luận quyển sách mang tựa đề Gia Giáo Trung Quốc Cổ, Diêm ái Dân nêu lên những ưu điểm, tích cực của gia giáo Trung quốc nhưng cũng cho chúng ta thấy mặt hạn chế, tiêu cực của nó: “Đương nhiên không thể né tránh rằng gia giáo thời trước cũng có những hạn chế thời đại của nó, có một số nội dung cặn bã và phương thức giáo điều cần phải gạt bỏ.”. Tác giả nói tiếp: “Gia giáo thời cổ coi trọng giáo dục luân lý trong gia đình nhưng lại hàm chứa sự đè nén nhân cách độc lập của con em, nhất là hàng loạt ràng buộc quy phạm về đạo đức có tính áp chế đối với phụ nữ, đều là những điều cần lên án.”[20].

V. Người phụ nữ trong xã hội ấn Độ

Ấn Độ cũng có tư tưởng trọng nam khinh nữ nhưng nghiêm khắc hơn Trung Quốc vì điều đó được ghi thành văn bản pháp luật tức bộ Luật Manu[21]chứ không phải chỉ ghi trong các sách giáo khoa như ở Trung Quốc. Điều 148 trong Chương thứ năm, phần nghĩa vụ của phụ nữ ghi: “Bqlye piturva1e ti2whetpqzigrqhasya yauvane. Putrqzq/ bhartari prete na bhajetstr] svatantratqm.”: “Phụ nữ, khi còn bé phải theo cha, (lấy chồng rồi,) còn trẻ phải theo chồng, chồng chết phải theo con cái. Phụ nữ không được phép sống độc lập.”[22].. Câu này chứng tỏ người phụ nữ không được công nhận là thành viên chính thức trong gia đình, trong xã hội và do đó, không được hưởng quyền lợi như nam giới.

Điều luật này cũng được ngài Long Thọ ghi lại trong Luận Đại Trí Độ và được dịch sang Hán văn như sau: “又一切女身無所繋属則受悪名。女人之禮。幼則従父母。少則従夫。老則従子。”[23](Lại nữa, hết thảy thân người nữ không có chỗ hệ thuộc thì sẽ mang tiếng xấu. Theo phép tắc, người nữ khi còn nhỏ thì theo cha mẹ, (lấy chồng rồi) còn trẻ thì theo chồng, về già thì theo con.)[24].

Câu này ngài Long Thọ dẫn lại nguyên văn điều luật thứ 148 của Luật Manu và giải thích tại sao người nữ không được sống độc lập: “Hết thảy thân người nữ không có chỗ hệ thuộc thời mang tiếng xấu”. Theo đây, đã thành một định kiến trong xã hội ấn Độ, người nữ sống một mình thì mang tiếng xấu, không cần biết thực tế cuộc sống của họ như thế nào. Và rồi, dần dần, người phụ nữ không được phép sống độc lập. Câu chuyện được ghi lại trong tạng Luật sau đây cho chúng ta thấy điều đó.

Tứ Phần Luật ghi: “Khi đức Phật ở Tì Xá Li, có một thanh niên tên Tu Đề Na, quê ở thôn Ca Lan Đà, nhà rất giàu, do có lòng tin Tam bảo nên xuất gia tu đạo theo đức Phật. Gặp lúc mất mùa, lúa gạo khan hiếm, khất thực không được như ý, Tu Đề Na nghĩ nên đưa các Tì kheo về thôn Ca Lan Đà khất thực, vừa tạo phước duyên cho dòng họ tu hạnh bố thí, vừa giúp các Tì kheo đủ thuận duyên tu phạm hạnh. Do đó, Tu Đề Na đưa các Tì kheo về thôn Ca Lan Đà khất thực. Mẹ của Tu Đề Na nghe con mình đưa các Tì kheo về bản thôn liền ra đón và nói: “Con nên xả đạo, hoàn tục. Vì sao ? Cha con đã chết, ta nay đơn độc, sợ rằng tài vật nhà ta sẽ mất hết, trở thành của công. Chỉ tài sản của cha con thôi đã nhiều rồi. Lại còn tài sản của ông nội con tích góp từ xưa tới nay. Của cải vô lượng, thật là đáng tiếc.”[25]..

Câu “Sợ rằng tài vật nhà ta sẽ mất hết, trở thành của công.” được ghi bằng Hán văn là “恐家財物没入於官.” (khủng gia tài vật một nhập ư quan)[26]. Từ “quan” có hai nghĩa: Nghĩa thứ nhất là người xử lý công việc quốc gia như từ quan lại. Nghĩa thứ hai là công, chung[27]. Do đó, câu văn tiếng Hán có thể được hiểu theo hai nghĩa: (1) Bị quan lại (tham ô tìm cách) tịch thu, (2) Bị nhà nước tịch thu làm của công. Có lẽ hiểu theo nghĩa thứ hai đúng với văn phong hơn và cũng đúng với nội dung điều luật thứ 148 được ghi trong bộ Luật Manu vừa dẫn ở trên. Điều 148 ghi rõ “Phụ nữ không được sống độc lập.”. Không được sống độc lập có nghĩa là không được sống riêng một mình, không được sống tự lập, không có quyền thừa kế tài sản. Tất cả của cải bị tịch biên thành của nhà nước. Người mẹ tha thiết yêu cầu Tu Đề Na hoàn tục chỉ vì bà muốn được sống nương tựa vào con trai, người có quyền thừa kế gia sản. Bà không có quyền thừa kế vì luật pháp quy định khi chồng chết người phụ nữ phải theo con.

Ma Ha Tăng Kỳ Luật ghi lại một trường hợp người vợ tư thông với người khác, bị chồng bắt, dẫn đến công đường xin quan xử. Quan hình sự tuyên bố người phụ nữ ấy phải bị phanh thây trước hai gia đình bảy ngày sau.[28]. Xã hội nào cũng đề cao sự chung thủy của người vợ và đề ra nhiều mức án xử phạt những phụ nữ đã có gia đình còn tư thông với người ngoài nhưng mức án tử hình bằng cách phanh thây như được ghi lại trên đây quả là quá tàn khốc. Sự đối xử như thế là hệ quả của việc trọng nam khinh nữ được ghi trong bộ Luật Ma Nu của ấn Độ. Sự đối xử khắc nghiệt với phụ nữ ở xã hội ấn Độ như thế ít nhiều ảnh hưởng đến Phật giáo.

VI. Quan niệm của Phật giáo về người phụ nữ

Trong Phật giáo có hai chúng xuất gia là Tỳ kheo và Tỳ kheo ni. Nhưng Tỳ kheo ni chịu nhiều ràng buộc hơn Tỳ kheo. Vấn đề này đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực của những nhà nghiên cứu Phật học trên thế giới xưa cũng như nay.[29], bắt đầu từ việc thành lập Ni đoàn với Bát kính pháp.

Tứ Phần Luật ghi lại việc đức Phật cho phép nữ giới xuất gia với điều kiện phải thọ lãnh Bát kính pháp như sau: Lúc bấy giờ, Bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề dẫn 500 người nữ Xá Di đến xin đức Phật xuất gia nhưng ngài không cho với lý do “Nếu người nữ xuất gia tu đạo trong giáo pháp của ta thì sẽ khiến cho Phật pháp không lâu dài.” . Tuy bị từ chối, bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề cùng 500 người nữ Xá Di tự cạo tóc, mặc ca sa rồi đến trước tinh xá Kỳ Hoàn đứng khóc. Ngài A Nan thấy thế bèn vào cầu xin đức Phật cho phép nữ giới xuất gia. Đức Phật vẫn không đồng ý và giải thích tại sao khiến cho Phật pháp không lâu dài. Ngài nêu lên hai thí dụ: Giống như nhà ông trưởng giả con trai ít, con gái nhiều, thì nhà ông trưởng giả kia sẽ bị suy vi; lại cũng giống như ruộng lúa đang tốt mà bị sương mù tất phải hư hoại.

Ngài A Nan liền hỏi đức Phật rằng:

– Bạch đức Thế Tôn, như thế, người nữ ở trong Phật pháp xuất gia thọ giới có thể đạt được quả Tu đà hoàn cho đến quả A la hán không?

– Có thể chứng được.

– Bạch đức Thế Tôn! Nếu người nữ ở trong Phật pháp xuất gia thọ đại giới có thể chứng được quả Tu đà hoàn cho đến A la hán thì cúi xin đức Thế Tôn cho phép họ xuất gia thọ đại giới.

– Nay ta sẽ vì người nữ chế Tám pháp suốt đời không được vượt qua (八盡形壽不可過法):

1. Tỳ kheo ni tuy một trăm tuổi, nhưng thấy Tỳ kheo mới thọ giới, phải đứng dậy đón chào lễ bái, trải tịnh tọa mời ngồi. Pháp này phải được tôn trọng cung kính khen ngợi, trọn đời không được vượt qua.

2. Tỳ kheo ni không được mạ lỵ quở trách Tỳ kheo, không được phỉ báng, nói: Phá giới, phá kiến, phá oai nghi. Pháp này phải được tôn trọng cung kính khen ngợi, trọn đời không được vượt qua.

3. Tỳ kheo ni không được vì Tỳ kheo tác cử, tác ức niệm, tác tự ngôn, không được ngăn người khác tìm tội, ngăn thuyết giới, ngăn tự tứ. Tỳ kheo ni không được quở trách Tỳ kheo. Tỳ kheo được quyền quở trách Tỳ kheo ni. Pháp này phải được tôn trọng cung kính khen ngợi, trọn đời không được vượt qua.

4. Thức xoa ma na học giới rồi phải đến Tỳ kheo tăng xin thọ đại giới. Pháp này phải được tôn trọng cung kính khen ngợi, không được vượt qua.

5. Tỳ kheo ni phạm tội Tăng tàn phải ở trước hai bộ Tăng nửa tháng hành Ma na đỏa. Pháp này phải được tôn trọng cung kính khen ngợi, trọn đời không được vượt qua.

6. Tỳ kheo ni nửa tháng đến Tỳ kheo tăng cầu giáo thọ. Pháp này phải được tôn trọng cung kính khen ngợi, trọn đời không được vượt qua.

7. Tỳ kheo ni không được Hạ an cư ở chỗ không có Tỳ kheo. Pháp này phải được tôn trọng cung kính khen ngợi, trọn đời không được vượt qua.

8. Tỳ kheo ni an cư xong phải đến trong Tỳ kheo tăng cầu ba việc Tự tứ: kiến, văn, nghi. Pháp này phải được cung kính khen ngợi, trọn đời không được vượt qua[30].

Việc đức Phật chế Bát kính pháp, cho nữ giới xuất gia cũng được Luật Tạng Pàli nói đến.[31],, nội dung gần giống như của Tứ Phần Luật. Về nội dung Bát kính pháp có ít nhiều sai khác. Nhưng có hai điều khác nhau: Về từ ngữ thì không dùng từ Bát kính pháp, cũng không dùng từ Bát tận hình thọ bất khả quá pháp mà dùng từ Bát trọng pháp: awwha garudhamma[32]; và về thí dụ nhà ít con trai, nhiều con gái, Luật Pàli giải thích thêm là ban đêm giặc cướp có thể vào cướp của giết người và nguyên nhân chế ra Bát trọng pháp cũng như đắp đê chống lũ lụt.

Luật Ngũ Phần có nội dung gần giống hai bộ Luật trên nhưng lại dùng từ Bát bất khả việt pháp (Tám pháp không được vượt qua). Từ ngữ này giống với Luật Tứ Phần hơn Luật Pàli. Tuy nhiên, có một đoạn chỉ có Luật Ngũ Phần mới nói đến, hai bộ Luật trên không có. Đó là đoạn nói nguyên nhân tại sao đức Phật không cho nữ giới xuất gia: “Xưa kia các đức Phật đều không có người nữ xuất gia. Các người nữ tự mình nương theo đức Phật, tu tại gia, cạo đầu, mặc áo cà sa, siêng năng tinh tấn tu hành, được đắc đạo quả. Các đức Phật vị lai cũng như vậy. Nay ta cho phép người nữ dùng điều này làm phương pháp”;[33].

Trong các bộ quảng luật, chỉ có Luật Ngũ Phần nói rằng vào thời chư Phật quá khứ không có Ni đoàn. Những người nữ chỉ tu tại gia và cũng đắc đạo quả. Như vậy, rõ ràng, về mặt bản thể tuyệt đối, người nữ đều có khả năng giác ngộ như nam giới, hoàn toàn không có sự khác biệt. Nhưng chư Phật quá khứ vẫn không cho người nữ xuất gia, không cho thành lập giáo đoàn Ni rõ ràng có vấn đề thuộc về tương đối, về hiện tượng xã hội.

Luật Thập Tụng dùng từ Bát kính pháp và chỉ ghi lại Bát kính pháp mà thôi tuy nội dung có ít nhiều khác với ba bộ Luật kể trên nhưng không ghi nhân duyên thành lập giáo đoàn Ni. [34]..

Ma Ha Tăng Kỳ Luật chỉ ghi vắn tắt là bà Đại ái Đạo Cù Đàm Di cùng với 500 phụ nữ dòng họ Thích Ca đến xin đức Phật xuất gia, được ngài hứa khả. Luật lại ghi: Trong kinh Đại ái Đạo xuất gia đã nói rõ nên không ghi ra đây. Kể cả Bát kính pháp cũng không ghi[35].

Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ cũng có nói đến trường hợp xuất gia của ngài Kiều Đàm Di nhưng nói ở phần Tạp sự, và sử dụng từ Bát tôn kính pháp[36].

Như vậy, từ ngữ Bát kính pháp xuất phát từ Luật Thập Tụng. Trong các bộ Luật vừa dẫn ở trên, Luật Pàli, Luật Tứ Phần và Luật Ngũ Phần ghi khá chi tiết về nhân duyên thành lập giáo đoàn Ni cùng Bát kính pháp. Có một điều quan trọng mà đức Phật đã khẳng định trong ba bộ Luật trên là Tỳ kheo ni có khả năng chứng quả A la hán.[37].

Như đức Phật đã dạy, thực tế có nhiều vị Tỳ kheo ni đắc đạo. Trường hợp đắc đạo của các vị Tỳ kheo ni được ghi lại thành sách giống như các Tỳ kheo và được gọi là Ther] gqthq: Trưởng Lão Ni Kệ. Trưởng Lão Ni Kệ ghi lại 73 trường hợp ngộ đạo của các vị trưởng lão ni. Trong số 73 trường hợp tiêu biểu này, có ngài Mahqpajqpat] Gotam] là dì của đức Phật, một bậc mẫu nghi thiên hạ nhưng cũng có người xuất thân là kỹ nữ như ngài Ambapql].

Về nàng Ambapql], kinh ghi: “Trong thời đức Phật tại thế, nàng được sanh dưới gốc cây xoài (Amba) trong vườn vua ở Vesàli nên được gọi là Ambapàlì. Nàng rất đẹp nên khi lớn lên nhiều vương tôn công tử tranh nhau xin cưới nàng. Để tránh những cạnh tranh ấy và cũng do nghiệp lực của mình, nàng trở thành một kỹ nữ. Vì lòng tin đối với đức Bổn sư, nàng dâng cúng đức Phật cùng chúng tăng cả khu vườn của mình để làm tinh xá. Khi nghe con mình là Trưởng lão Vimalakondanna thuyết pháp, nàng triển khai thiền quán về lý vô thường như thân nàng, chứng Tam minh, nói lên bài kệ như sau:

... ...

Thân này là như vậy,

Nay già chứa nhiều khổ,

Ngôi nhà đã cũ kỹ,

Vôi trét tường rơi xuống,

Đúng như lời giảng dạy,

Của bậc nói sự thật.

Vị Trưởng lão ni thấy được hình tướng vô thường ngay trên bản thân mình, nhận thức tánh vô thường của ba cõi: Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới, tâm tư quán triệt tánh vô thường, khổ, vô ngã, và phát triển tuệ quán trên con đường tu tập, chứng quả A la hán”.[38].

Còn về trường hợp của Kiều Đàm Di mẫu, như chúng ta đã biết, chính Kiều Đàm Di (Cù Đàm Di) đã dẫn 500 người phụ nữ dòng họ Thích Ca đến xin đức Phật xuất gia và thành lập Ni đoàn. Từ đó, bên Kiều Đàm Di mẫu luôn có hội chúng của 500 vị Tỳ Kheo ni này. Tì Nại Da Tạp Sự của Thuyết nhất thiết hữu bộ ghi lại sự kiện nhập Niết bàn của Kiều Đàm Di mẫu như sau: Sau một thời gian tu tập, đạt được quả vị A la hán, khi Kiều Đàm Di mẫu 120 tuổi mà thân thể không có tướng già nua, trẻ như đồng nữ 16 tuổi, đã cùng 500 vị Tỳ Kheo ni xin được nhập Niết bàn trước đức Phật. Khi nhập Niết bàn, Kiều Đàm Di mẫu cùng 500 vị Tỳ Kheo ni “Vào tam muội, dùng định lực thù thắng, bằng hành động tự tại toàn thân biến mất, vọt lên hư không ở phương Đông, biểu hiện bốn tư thế đi đứng nằm ngồi, vào định hoả quang, từ thân phóng ra nhiều loại ánh sáng màu xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, trong cùng một lúc; dưới thân phát ra lửa, trên thân phun ra nước; dưới thân phun ra nước, trên thân phát ra lửa. Hiện tướng như vậy ở phương Đông, phương Nam, phương Tây, phương Bắc. 500 Tỳ Kheo ni cùng Đại thế chủ Kiều Đàm Di hiện tướng không khác nhau.

Khi ấy, Đại thế chủ vào Sơ thiền, xuất Sơ thiền, vào Nhị thiền, xuất Nhị thiền, vào Tam thiền, xuất Tam thiền, vào Tứ thiền, xuất Tứ thiền, vào Không vô biên xứ, xuất Không vô biên xứ, vào Thức vô biên xứ, xuất Thức vô biên xứ, vào Vô sở hữu xứ, xuất Vô sở hữu xứ, vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ, xuất Phi tưởng phi phi tưởng xứ, đi ngược vào Sơ thiền rồi nhập Niết bàn.”. [39]

Không những Kiều Đàm Di mẫu mà ngay cả hội chúng 500 Tỳ Kheo ni đệ tử của ngài cũng đều chứng ngộ, quyết định xả báo thân và trước khi nhập Niết bàn đã hiển hiện thần thông vi diệu thù thắng như ngài. Như vậy về mặt bản thể, trên lộ trình giải thoát tâm linh, không có sự phân biệt, sai khác giữa Tỳ kheo ni và Tỳ kheo tăng. Bát kính pháp không thể nào là chướng ngại ngăn cản bước chân siêu phóng của người đi tìm sự giải thoát tâm linh, hạnh phúc tối hậu.

Tuy vậy, các kinh điển Đại thừa về sau cũng có cái nhìn khá “thận trọng” đối với nữ giới. Kinh Pháp Hoa, bộ kinh Đại thừa được xưng tụng là vua các kinh, trong Phẩm Đề Bà Đạt Đa có ghi lại sự kiện Long nữ thành Phật nhưng trước hết phải biến thành thân nam rồi sau đó mới qua cõi Vô Cấu ở phương Nam thành Phật[40]. Như thế, Long nữ không phải tức thân thành Phật mà phải chuyển thành thân nam rồi sau mới thành Phật. Trước khi Long nữ thành Phật, ngài Xá Lợi Phất khẳng định điều đó không thể xảy ra vì thân người nữ có năm điều chướng: “Một, chẳng đặng làm Phạm Thiên Vương, hai chẳng đặng làm Đế Thích, ba chẳng đặng làm Ma vương, bốn chẳng đặng làm Chuyển Luân Thánh vương, năm chẳng đặng làm Phật.”.[41]. Thực ra Năm điều chướng này được ghi trong Ngũ Phần Luật.[42]. Do đó, trong Kinh Pháp Hoa, ngài Xá Lợi Phất chỉ thuật lại tư tưởng Năm chướng của nữ nhân đã tồn tại từ rất lâu trong văn hiến của Phật giáo.

Kinh Địa Tạng có nói đến công đức của người chiêm ngưỡng hình tượng Bồ tát Địa Tạng và đọc tụng Kinh Địa Tạng sẽ được 28 điều lợi ích. Trong đó, điều thứ 11 là “Đời sau thân gái sẽ chuyển thành thân trai.”. [43]. Theo đây thì thân trai mới mới cao quý, được xã hội xem trọng. Kinh điển bao giờ cũng vậy, được hình thành trên căn cơ của chúng sinh, làm sao phù hợp với tâm tư của nhân loại. Nói cách khác, đứng về mặt khế cơ thì kinh điển phản ảnh phong tục, tập quán, pháp luật của xã hội đương thời. Qua những trích dẫn từ các kinh điển Đại thừa trên chúng ta thấy rõ sự trọng nam khinh nữ trong xã hội ấn Độ cổ đại.

Quan niệm của Phật giáo đối với phụ nữ đã thể hiện thông qua các kinh điển từ Nguyên thuỷ.[44]đến Đại thừa. Qua các dẫn chứng trên, chúng ta nhận thấy dường như có sự mâu thuẫn trong vấn đề đối xử với Tỳ kheo ni. Một mặt, đức Phật tuyên bố Tỳ kheo ni có khả năng thành Phật, mặt khác lại chế ra Bát kính pháp mang tính hạn chế. Rõ ràng, có sự khác nhau giữa bản thể và hiện tượng. Vậy, phải giải thích mâu thuẫn này thế nào ?

Trước hết, dựa theo điều luật số 148 của Chương thứ năm bộ Luật Manu dẫn ở trên, phụ nữ không được sống độc lập, phải phục tùng nam giới, dù đó là con của mình. Quan điểm này được ghi thành văn bản pháp luật mang tính bắt buộc chứ không chỉ sách giáo khoa mang tính giáo dục như ở Trung Quốc. Dựa theo điều luật 148 của bộ Luật Manu cũng như các dẫn chứng từ hai bộ quảng luật của Phật giáo kể trên, chúng ta có thể khẳng định, nữ giới không có một vị thế gì trong xã hội ấn Độ vào thời đại đức Phật. Để đoàn thể Phật giáo tồn tại trong một xã hội như thế, điều đầu tiên là phải làm sao có sự hài hòa với trật tự, xã hội đó: “Hòa nhi bất đồng”[45]. Trong xã hội, khi điều gì đã trở thành tập tục, niềm tin của số đông thì không ai có thể làm khác đi được. Nếu làm khác đi thì sẽ không có lợi cho bản thân cũng như đoàn thể của mình.

Một xã hội mà người phụ nữ bị khinh miệt như thế, đức Phật, về hình thức tỏ ra đồng quan điểm hay nói cách khác mang tính nhượng bộ, thoả hiệp. Nhưng thực chất, với tâm từ bi bao la của mình, ngài đã giải phóng phụ nữ ra khỏi cảnh bất bình đẳng đó. Ngài cho phụ nữ thành lập giáo đoàn Ni tức là đưa họ lên hàng Chúng trung tôn, được mọi người tôn kính. Quan trọng hơn, ngài đánh đổ thành kiến cố hữu của xã hội cũng như mặc cảm tự ti của phụ nữ khi ngài tuyên bố: Người nữ cũng có khả năng chứng quả A la hán. Đó là sự bình đẳng tuyệt đối và đệ tử đức Phật đi tìm cái tuyệt đối vô sinh diệt chứ không phải tìm sự bình đẳng tương đối hữu sinh hữu diệt. Không phải chỉ ở thời đức Phật, sau khi đức Phật Nê hoàn hơn 600 năm, khi viết Đại Trí Độ Luận, ngài Long Thọ (159 - 250) cũng còn cho ta thấy sự quan ngại, sự thận trọng của ngài đối với quan niệm trọng nam khinh nữ của xã hội thời đó. Tóm lại, chính đức Phật cũng như ngài Long Thọ không thể làm gì khác hơn là nói theo tiếng nói bất bình đẳng đó của xã hội.

Khi có người hỏi: “Như năm ngàn A la hán đều được tán thán sao ba chúng này (Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di) không được tán thán?”, ngài Long Thọ trả lời: “Lại nữa, nếu tán thán riêng từng chúng thì bọn ngoại đạo sẽ chê trách: “Sao lại tán thán Tỳ kheo ni, và sanh tâm phỉ báng họ.”[46].. Như vậy, ngay từ thời đức Phật, cho đến ngài Long Thọ, khi cả xã hội đều xem thường thân phận của người phụ nữ như thế mà Phật giáo lại làm ngược lại trào lưu của xã hội thì chỉ đem đến cho người phụ nữ sự khổ đau mà thôi. Việc đức Phật chế ra Bát kính pháp nghe có vẻ ràng buộc Tỳ kheo ni, trọng nam khinh nữ nhưng thực ra đó là hàng rào luật pháp để bảo vệ cho họ được an toàn trước sự khinh miệt phụ nữ khắt khe thời đó.

Điều 148 của Luật Manu quy định người nữ phải phục tùng cha, chồng và con. Khi họ xuất gia thì phải phục tùng ai? Bắt buộc họ phải có chỗ nương tựa, phải phục tùng nam giới vì luật pháp ấn Độ đã quy định như vậy. Đức Phật là thành viên trong xã hội, ngài không thể phá vỡ hệ thống pháp luật của xã hội đã có từ lâu đời, tuy ngài biết nó không phù hợp với bản thể luận giải thoát. Do đó, trong Bát kính pháp, chúng ta thấy, đa số các điều quy định là Tỳ kheo ni phải nương vào Tăng nhưng từ Tăng ở đây là số nhiều, là tập thể, là số đông. Bao giờ cũng thế, tiếng nói của số đông công tâm và trung thực hơn thiểu số, lại càng trung thực hơn cá nhân.

Đức Phật là bậc giác ngộ, đã đi ra khỏi khổ đau, vượt ra ngoài vòng cương tỏa của đối đãi. Chúng đệ tử đến với đạo của ngài cũng thế. Họ đi tìm chân lý chứ không phải tìm sự đối đãi công bằng hay không công bằng của thế gian giả tạm này. Do đó, đối với Phật giáo, nếu nghe như có vấn đề trọng nam khinh nữ thì đó chỉ là vấn đề giả ảo cũng như trần gian đầy ảo mộng này. Đó là sự tuỳ duyên để hóa độ. Còn tiếng nói trung thực và tồn tại miên viễn vẫn là: Mọi người đều có khả năng thành Phật, đều bình đẳng từ cái nhìn của bản thể, không phân biệt giới tính. Điều đó đã được khẳng định trong Kinh Đắc Vô Cấu Nữ. Khi biết Công chúa Đắc Vô Cấu, con vua Ba Tư Nặc, nhiều đời nhiều kiếp cho đến nay tu hành đạo Bồ tát, cầu quả Vô thượng Bồ đề, ngài Mục Kiền Liên hỏi:

– Tu hành lâu xa như vậy tại sao không chuyển thân nữ thành nam?

Công chúa Đắc Vô Cấu trả lời:

– Sự giác ngộ không liên quan đến thân người nam hay thân người nữ..[47]

Đức Phật không có chủ ý thiết lập giáo đoàn. Nhưng khi giáo đoàn được hình thành thì ngài phải tuân theo các quy định của xã hội đương thời. Giáo đoàn là một xã hội thu nhỏ của xã hội mà nó đang là thành viên. Cho nên tổ chức, xã hội thu nhỏ đó phải hoạt động nhịp nhàng với tần số hoạt động của xã hội hiện hành. Nếu làm ngược lại chỉ đem đến sự bất ổn, có khi nguy hại đến đoàn thể và bản thân mình. Socrate chống lại sự mê tín vào thần linh, sự cai trị lạc hậu của những chính trị gia đương thời nên phải chấp nhận cái chết[48]. Đức Phật không cần chống lại trào lưu đương thời, không cần hy sinh tính mạng. Ngài có con đường “Hòa nhi bất đồng” của ngài. Nhờ con đường đó mà giáo pháp của ngài tồn tại và phát triển.

Đức Phật đến cuộc đời này để tìm con đường giải thoát chứ không phải để thành lập đoàn thể, tổ chức. Nếu cần có đoàn thể, giáo đoàn thì đó chỉ là phương tiện. Vậy phải chấp nhận thế gian pháp. Có thế gian pháp mới hiển bày được xuất thế gian pháp. Nói cách khác, phương pháp truyền Đạo của đức Phật là chuyển hóa, là thay đổi chứ không phải đạp đổ, xóa bỏ. Làm sao xóa bỏ được một truyền thống, một niềm tin đã ăn sâu vào tâm thức của cả một dân tộc qua bao thế hệ? Cho dù có xóa bỏ, đạp đổ được chăng nữa, công cuộc xây dựng lại không phải đơn giản. Thế nên, đức Phật chấp nhận niềm tin, truyền thống, nền tảng có sẵn, chỉ cần chuyển đổi đôi điều cho phù hợp với Phật pháp để truyền bá giáo lý của ngài. Đó không chỉ là phương pháp, nghệ thuật sống mà còn là nghệ thuật làm cho Phật giáo sống còn. Đây là tinh thần tuỳ duyên của Phật giáo.

Biết đâu trong hệ thống pháp luật xa xưa của Luật Ma Nu có lý do tồn tại của nó. Trong thời đại cổ xưa khi mà hệ thống pháp luật của nhà nước chưa có thể bảo vệ cuộc sống của nữ giới một cách an toàn thì cần phải có sự bảo hộ của nam giới và do đó, phái yếu phải phục tùng phái mạnh một cách tuyệt đối. Đó cũng là lý do tại sao trong Bát kính pháp, đức Phật quy định, Tỳ kheo ni không được sống ở những nơi không có Tỳ kheo tăng hay khi Tự tứ phải sang Tỳ kheo tăng bạch Tự tứ. Những quy định đó nhằm bảo vệ cho Ni giới hơn là ràng buộc.

Lại nữa, tuy biết điều luật của Luật Manu cũng như cái nhìn của xã hội đương thời quá khắt khe với nữ giới nhưng ngài không kêu gọi xóa bỏ hay đạp đổ những điều mà dường như đã trở thành tập tục đó. Khi xóa bỏ cái cũ không đưa ra được một cái mới kịp thời, hợp với lòng dân thì chỉ tạo nên cảnh hỗn loạn. Nếu như cái mới có giá trị tích cực của nó, phù hợp với lòng dân thì hãy để cho nó tồn tại song hành với cái cũ. Trong quá trình cọ xát, những gì không phù hợp với thực tế sẽ bị đẩy vào dĩ vãng theo quy luật đào thải. Thí dụ về quan hệ vợ chồng, trong Kinh Thiện Sanh đức Phật dạy là quan hệ bình đẳng, mang tính chất hai chiều: “Chồng phải thương yêu, kính trọng, chu cấp cho vợ con; vợ con phải khéo kính thuận chồng.” . Ngài dùng từ “kính thuận” chứ không phải “phục tùng”. Kính thuận trong tình thương yêu, hiểu biết, giúp đỡ lẫn nhau.

Kinh Thiện Sanh trong Trung A Hàm ghi: Chàng Thiện Sanh theo lời cha dạy, lễ sáu phương: Đông, Tây, Nam, Bắc, Thượng, Hạ với lời nguyện rằng: Con xin hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, phụng sự những chúng sinh ở phương Đông. Sau khi con làm như thế xong thì những chúng sinh ấy cũng sẽ cung kính, cúng dường, lễ bái, phụng sự con. Đối với 5 phương còn lại cũng như vậy. Khi thấy thế, đức Phật dạy: Trong giáo pháp của ngài cũng có lễ bái sáu phương nhưng với nội dung cụ thể như sau:

Phương Đông: Con cái phải cung kính, cúng dường cha mẹ; cha mẹ phải thương tưởng con cái.

Phương Nam: Đệ tử phải cung kính, cúng dường thầy tổ; thầy tổ phải thương tưởng đệ tử.

Phương Tây: Chồng phải thương yêu, kính trọng, chu cấp cho vợ con; vợ con phải khéo kính thuận chồng.

Phương Bắc: Người chủ phải thương yêu, chăm sóc cho người giúp việc; người giúp việc phải hết lòng phục vụ người chủ.

Phương Dưới: Bạn bè phải ái kính, cung cấp, nhớ nghĩ đến nhau.

Phương Trên: Thí chủ phải tôn kính, cúng dường Sa môn Phạm chí; Sa môn Phạm chí phải khéo nhớ nghĩ đến thí chủ.”.[49].

Từ quan niệm chung chung là tôn kính, cúng dường mọi người để rồi được mọi người tôn kính, cúng dường lại, đức Phật dạy phương pháp tôn kính, cúng dường cụ thể với từng thành viên từ trong gia đình ra đến xã hội, từ thế gian cho đến xuất thế gian. Phương pháp đó không còn đóng khung trong hình thức tôn giáo nữa mà đã trở thành phạm trù đạo đức, làm nền tảng xây dựng một cá nhân, một gia đình, một xã hội tràn đầy thương yêu, hạnh phúc và tương kính. Phương pháp giáo dục của đức Phật là như thế. Phương pháp giáo dục đó được chúng đệ tử của ngài áp dụng linh hoạt, triệt để trên bước đường truyền giáo như ở Việt Nam.


[1] Từ đây viết tắt là TTL.

[2]Will Durant, Trí Hải và Bửu Đích dịch, Câu chuyện triết học, Nha Tu thư và Sưu khảo Viện Đại học Vạn Hạnh, 1971, tr.24.

[3]Will Durant, Sách đã dẫn, 1971, tr.21.

[4]Will Durant, Sách đã dẫn, 1971, tr.23.

[5]Xin xem Phụ lục 1 ở cuối sách.

[6]Will Durant, Sách đã dẫn, 1971, tr.25.

[7]Will Durant, Sách đã dẫn, 1971, tr.110.

[8]Như trên, tr.100.

[9]奈良康明、日本の仏教を知る事典. 東京書籍、1994, P.350.

Giác Dũng, Sách đã dẫn, 2002, P.47.

[10]奈良康明、日本の仏教を知る事典. 東京書籍, 1994, p.351.

[11]Dẫn theo Diêm ái Dân, Gia giáo Trung Quốc cổ, Cao Tự Thanh dịch, Nhà xuất bản Trẻ, 2001, tr.153.

[12]Diêm ái Dân, Sách đã dẫn, 2001, tr.153.

[13]Từ Hải, Trung Hoa thư cục ấn hành, tr.21.

[14]Manâva Dharma-1âstra, The Code of Manu, Original Sanskrit text, edited by J.Jolly, Ph.D. London: Trỹbner & Co., Ludgate Hill,1887.p.112. 岩波書店、マヌの法典.田辺繁子訳、1998、tr.163.

[15]Trong quyển 100 Danh Nhân Có ảnh Hưởng Đến Lịch Sử Trung Quốc ghi là Lý Hiển. Nhưng quyển Lịch và Niên Biểu Lịch Sử Hai Mươi Thế Kỷ (0001-2010) của Lê Thành Lân, Nhà xuất bản Thống kê, 2000, tr.428 ghi là Lý Hiến và có ghi tên bằng tiếng Hán là 李献. Như vậy, hai từ trên phải được đọc như Lê Thành Lân đã đọc: Lý Hiến.

[16]Năm 705, Lư Lăng Vương được phục vị Hoàng đế hiệu là Trung Tông, đến năm 710 thì mất.

[17]Năm 710 Lý Đán được phục vị Hoàng đế, miếu hiệu Duệ Tông, đến năm 716 thì mất.

[18]Vương Tuệ Mẫn chủ biên, 100 Danh Nhân Có ảnh Hưởng Đến Lịch Sử Trung Quốc, T.S. Nguyễn Văn Dương dịch, Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, 2002, tr.87.

[19]Vương Tuệ Mẫn chủ biên, sách đã dẫn, 2002, tr.123.

[20]Diêm ái Dân, Sách đã dẫn, 2001, tr.198.

[21]Luật có 12 chương và 2685 điều.

Chương thứ nhất có 119 điều: Đề cao Phạm Thiên.

Chương thứ hai có 249 điều: Khẳng định vị trí đặc biệt của Vệ Đà và quy định nghi lễ cho các đẳng cấp khác nhau.

Chương thứ ba có 286 điều: Ghi chi tiết về lịch và nghi thức cúng tế Thần linh.

Chương thứ tư có 260 điều: Quy định nếp sống của các đẳng cấp.

Chương thứ năm có 169 điều: Quy định phép ứng xử của mọi người đối với đồ ăn, thức uống, nghĩa vụ của người phụ nữ.

Chương thứ sáu có 97 điều: Ghi những nghi thức thiêng liêng khi đọc kinh và sự chết của những người nhiệt tâm tu hành.

Chương thứ bảy có 226 điều: Nêu lên những tiêu chuẩn đức hạnh của những người trị vì thiên hạ.

Chương thứ tám có 420 điều: Ghi rõ những phép xử tội và những điều được coi là lỗi hoặc tội của người ở đẳng cấp dưới đối với người ở đẳng cấp trên.

Chương thứ chín có 336 điều: Những quy định về quan hệ vợ chồng, cha con, anh em.

Chương thứ mười có 131 điều: Quy định những ai được học Kinh Vệ Đà.

Chương thứ mười một có 266 điều: Quy định cách chuộc tội.

Chương thứ mười hai có 126 điều: Khuyên người được phép học kinh Vệ Đà nên học chăm chỉ vì đó là tri thức, đạo đức làm người.

[22]Manâva Dharma-1âstra, The Code of Manu, Original Sanskrit text, edited by J.Jolly, Ph.D. London: Trỹbner & Co., Ludgate Hill,1887.p.112. 岩波書店、マヌの法典. 田辺繁子訳、1998、tr.163.

[23]Đại Trí Độ Luận quyển 99, ĐTK 1509, tập 25, 748b1.

[24]Câu này được Hoà Thượng Thích Thiện Siêu dịch như sau: “ Lại, hết thảy thân người nữ không có chỗ hệ thuộc thời mang tiếng xấu. Thân thể người nữ khi nhỏ thời theo cha mẹ, khi trẻ thời theo chồng, khi già thời theo con.”. Luận Đại Trí Độ tập V, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 2001, tr.687. Hoà Thượng theo lời chú thích số 8 của ĐTK nên dùng chữ Thể có nghĩa là thân thể. Nhưng phần chánh văn của ĐTK thì dùng chữ Lễ, có nghĩa là phép tắc, chân lý không thay đổi. Câu này ngài Long Thọ dẫn lại nguyên văn điều thứ 148 của Luật Manu nên dùng chữ Lễ với ý nghĩa là phép tắc, chân lý không thay đổi. Do đó, ở đây dùng chữ Lễ theo nguyên văn của ĐTK.

[25]Tứ Phần Luật, ĐTK 1428, tập 22, 569c28.

Luật Tứ Phần, Tập I, Tỷ Kheo Thích Đỗng Minh, Tỷ Kheo Thích Đức Thắng Việt dịch, 1996, Lưu hành nội bộ, tr.14.

[26]Tứ Phần Luật, ĐTK 1428, tập 22, 570a9.

Câu này, trong bản Việt dịch của Tỷ Kheo Thích Đỗng Minh và Tỷ Kheo Thích Đức Thắng được dịch là: “Sợ gia tài sẽ rơi vào cửa nhà quan.”. (Luật Tứ Phần, Tập I, tr.14).

[27]Từ Hải, Trung Hoa thư cục ấn bản, tr.610.

[28]Ma Ha Tăng Kỳ Luật, ĐTK 1425, tập 22, 519c.

Luật Ma Ha Tăng Kỳ, tập IV, H.T. Thích Phước Sơn Việt dịch, lưu hành nội bộ, tr.2165.

[29]Horner, I.B. Women in Early Buddhism Literature, Buddhist Publication Society P.O. Box 61 Kandy Sri Lanka, 1982.

Horner, I.B. Women Under Primitive Buddhism, Laywomen and Almswomen, First Edition: London, 1930, Reprinted: Motilal Banarsidass Publishers PVT.L.T.D. Delhi, 1975, 1990.

Findly Banks, Ellion Women’s Buddhism, Buddhism’s Women, Translation, Revision, Renewal Wisdom Publications, Massachusetts, USA, printed in Canada, 2000.

Vo Thi Hong Nga, Analytical Study of The Nature and Status of Women in The Teachings of The Buddha, (thesis submitted to the University of Delhi for the award of the degree of Doctor of Philosophy), University of Delhi-11007, 2001.

[30]Luật Tứ Phần tập IV, Tỷ kheo Thích Đỗng Minh, Tỷ kheo Thích Đức Thắng, Việt dịch, 1996 (lưu hành nội bộ), từ tr.84.

Tứ Phần Luật, quyển 48, ĐTK 1428, tập 22, Tỳ kheo ni kiền độ thứ 17, 922c6.

[31]Pali Text Society, Vinaya Pitaka, edited by Hermann Oldenberg, Vol.II, The cullavagga, p.255 l.5.Pali Text Society, Vinaya Pitaka, edited by Hermann Oldenberg, Vol.II, The cullavagga, p.253.

南傳大蔵経、律蔵四、小品、p.378.

[32]Pali Text Society, Sách đã dẫn, Vol.II, The cullavagga, p.255 l.5.

[33]Ngũ Phần Luật, ĐTK 1421, tập 22, tr.158.

Luật Ngũ Phần, tập II, Bí sô Thích Đỗng Minh Việt dịch, lưu hành nội bộ, 1997, tr.355.

[34]Thập Tụng Luật, ĐTK 1435, tập 23, tr.345.

[35]Ma Ha Tăng Kỳ Luật, ĐTK 1425, tập 22, 514.

Luật Ma Ha Tăng Kỳ, tập IV, H.T. Thích Phước Sơn Việt dịch, lưu hành nội bộ, tr.2118.

[36]Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ, ĐTK 1451, tập 24, tr.350.

Tạng dịch, bản Bắc Kinh, 44,161.1.7

[37]Về danh từ A la hán, xin xem Phụ lục 2 ở cuối sách.

[38]Đại Tạng Kinh Việt Nam, Ap5, Kinh Tiểu Bộ 3, Hoà Thượng Thích Minh Châu dịch, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, tr.655.

[39]Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tì Nại Da Tạp Sự quyển 10, ĐTK 1451, tập 24, tr.248c9.

Tì Nại Da Tạp Sự tập I, Tỳ kheo Tâm Hạnh Việt dịch, 1998, lưu hành nội bộ, tr.279.

[40]Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Hoà Thượng Thích Trí Tịnh dịch, Nhà xuất bản Tôn giáo, 2001, tr.330.

[41]Như trên.

[42]Ngũ Phần Luật, ĐTK 1421, tập 22, 186a12.

Luật Ngũ Phần, tập II, Bí sô Thích Đổng Minh Việt dịch, 359.

[43]Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, H.T. Thích Trí Tịnh dịch, Nhà xuất bản Tôn giáo, 2001, tr.181.

[44]Cho tới nay vẫn có một số người có nhận định nhầm lẫn rằng tất cả các kinh điển Pàli hay các kinh điển trước khi Phật giáo Đại thừa ra đời như Trung A Hàm, Trường A Hàm là Tiểu thừa. Đây là sự nhầm lẫn hết sức tai hại. Sự nhầm lẫn này cho rằng những lời dạy của chính đức Phật thuyết giáo là Tiểu thừa! Hơn nữa, một nhận định thiếu chính xác và thiếu khoa học như thế không thể nào là tiếng nói của đạo Giác ngộ được. Xin xem Thích Đức Nghiệp, Đạo Phật Việt Nam, Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, 1995, tr.399.

[45]Đức Khổng Tử nói: “Quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa”. Tứ Thư, Luận Ngữ hạ, tr. 92.

[46]Đại Trí Độ Luận, ĐTK 1509, tập 25, 84b14.

Luận Đại Trí Độ tập I, H.T. Thích Thiện Siêu Việt dịch, viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1997, tr.145.

[47]Đắc Vô Cấu Nữ Kinh, ĐTK 339, tập 12, tr.106b9.

[48]Tuy nhiên, cái chết của Socrate đã trở thành bất tử. Chính nhờ cái chết đó mà tên tuổi và tư tưởng của ông mới sống mãi với hậu thế cho đến ngày hôm nay.

[49]Trung A Hàm kinh, Thiện Sanh kinh, ĐTK 26, tập I, 638c.

ĐTKVN, Kinh Trung A Hàm 3, Kinh Thiện Sanh, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1993, tr.249.

---o0o---

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]