Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

21. Phẩm Như-Lai thần-lực (Effet de la puissance surnaturelle du Tathâgata)

20/05/201318:54(Xem: 13917)
21. Phẩm Như-Lai thần-lực (Effet de la puissance surnaturelle du Tathâgata)

Kinh Pháp Hoa Huyền Nghĩa - Quyển VI

21. Phẩm Như-Lai thần-lực (Effet de la puissance surnaturelle du Tathâgata)

Chánh Trí Mai Thọ Truyền

Nguồn: Chánh Trí Mai Thọ Truyền

Lúc bấy giờ, vô số Bồ-tát đã từ đất vọt lên đều ở trước Phật (Thích-Ca). Tất cả đều nhất tâm chắp tay, chiêm ngưỡng dung nhan Phật mà bạch rằng: "Thế-Tôn, sau khi Phật diệt độ, chúng con sẽ rộng nói Kinh này (Pháp-Hoa) ở xứ nào của quốc-độ mà nơi đó các phân-thân Phật diệt độ. Tại sao thế? Tại chúng con cũng tự muốn lãnh giữ, đọc tụng, giải nói, biên chép để cúng dường "pháp lớn chân-tịnh".
Lúc ấy, trước mặt Văn-Thù Sư-Lợi và vô lượng Bồ-tát xưa kia ở thế-giới Ta-bà, cùng các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di và Thiên, Long bát bộ. Thế-Tôn hiện sức thần-thông lớn là le lưỡi rộng dài tới cõi trời Phạm-thế và từ các lỗ chân lông phóng ra vô số tia sáng đủ màu, khắp soi mười phương thế-giới. Các đức Phật ngồi trên toà sư-tử, dưới cội cây báu, cũng làm như thế: le lưỡi rộng dài và phóng vô lượng ánh sáng.
Đức Phật Thích-Ca và các đức Phật dưới cây báu hiện sức thần-thông mãn trăm ngàn năm, sau đó mới rút lưỡi vô và đồng thời tằng-hắng và cùng chung khảy móng tay. Hai thứ tiếng vang đó lan khắp mười phương thế-giới của chư Phật, làm đất rung động sáu cách. Trời, Rồng, Dạ-xoa…. người và loài chẳng phải người v.v…, nhờ sức thần của Phật, đều thấy trong cõi Ta-bà này vô lượng vô biên trăm ngàn muôn ức Phật ngồi trên toà sư-tử, dưới những cây báu, và thấy Phật Thích-Ca và Đa-Bảo Như-Lai ngồi trên toà sư-tử trong tháp báu. Lại thấy vô lượng vô biên trăm ngàn muôn ức Bồ-tát và tứ chúng cung kính vây quanh đức Phật Thích-Ca. Tất cả đều vui mừng như đặng cái chưa từng có.
Ngay lúc ấy, chư thiên trong hư-không lớn tiếng xướng lên: "Cách đây vô lượng thế-giới, có nước tên Ta-bà, nơi ấy có Phật hiệu Thích-Ca hiện đang vì các đại Bồ-tát nói Kinh Đại-thừa tên "Diệu-Pháp Liên-Hoa giáo Bồ-tát sở hộ niệm". Các ngươi nên vui theo trong thâm tâm, cũng nên lễ bái cúng dường Phật Thích-Ca"
Chúng-sanh nghe tiếng trong hư-không ấy rồi, bèn chắp tay, quay về cõi Ta-bà, nói: " Nam-mô Thích-Ca Mâu-Ni Phật! Nam-mô Thích-Ca Mâu-Ni Phật!" rồi dùng các món hoa, hương, chuỗi ngọc, cờ, lọng…. xa rải xuống thế-giới Ta-bà. Các vật rải đó. từ mười phương đến ví như mây đùn, biến thành một bức màng báu trùm khắp không-gian, phía trên chư Phật. Bấy giờ thế-giới mười phương thông suốt với nhau, không gì ngăn ngại, như là một nước Phật duy nhất.
Lúc bấy giờ, Phật bảo các hàng Bồ-tát bậc thượng-hạnh: "Sức thần-thông của chư Phật vô lượng vô biên, không thể nghĩ bàn là như thế. Nếu ta dùng thần-thông ấy mà nói bày công-đức của Kinh Diệu-Pháp để lưu truyền về sau, thì dầu có trải qua vô lượng vô biên trăm ngàn muôn ức kiếp cũng chẳng nói hết. Tóm lại, tất cả pháp của Như-Lai, tất cả thần lực tự-tại của Như-Lai, tất cả kho tàng bí-yếu của Như-Lai đều được tuyên bố, bày giải, nói rõ trong Kinh Diệu-Pháp, cho nên, sau khi Như-Lai diệt độ, các ngươi phải một lòng thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép và tu hành đúng theo lời Kinh, hoặc chỗ nào có quyển Kinh Pháp-Hoa, bất luận nơi đó là vườn, là rừng, là dưới cội cây, là phòng chư Tăng, là nhà người thế-tục, là chỗ thờ Phật, là núi hoang, đồng trống, thời nên dựng tháp cúng dường. Vì sao? Vì phải biết chỗ có Kinh đó là đạo-tràng, là nơi chư Phật đặng Vô-thượng-giác, là nơi chư Phật chuyển pháp-luân, là nơi chư Phật nhập Niết-bàn.
Lúc đó, để lập lại nghĩa vừa nói, Thế-Tôn nói bài kệ:
Chư Phật, đấng cứu thế,
Vững trong thần-thông lớn,
Để vui đẹp chúng-sanh,
Hiện vô lượng sức thần:
Lưỡi dài đến trời Phạm
Thân ánh vô số tia
Vì người cầu nẻo Phật
Hiện sự ít có này.
Tiếng tằng-hắng chư Phật
Cùng tiếng khảy móng tay
Khắp nghe mười phương nước
Đất đều rung sáu cách.
Sau khi Phật diệt độ,
Người giữ được Kinh này,
Các Phật đều vui mừng
Hiện vô lượng thần-lực.
Vì muốn lưu truyền Kinh
Nên khen người thọ trì
Nhưng dầu vô lượng kiếp
Cũng không khen hết lời
Công-đức của người đó
Vô biên, vô cùng tận,
Như hư-không mười phương
Không biết đâu ranh rấp,
Người trì được Kinh này
Thời là đã thấy ta
Cũng thấy Phật Đa-Bảo
Và các phân-thân Phật,
Lại thấy ta ngày nay
Giáo hoá các Bồ-tát
Người trì được Kinh này
Khiến ta và phân-thân
(Cùng) Phật Đa-Bảo (đã) diệt độ
Tất cả đều vui mừng
Mười Phương Phật hiện-tại
Phật quá-khứ, vị-lai
Cũng thấy, cúng dường được
Cũng làm cho vui mừng
Pháp bí yếu chư Phật
Tìm đặng tại đạo-tràng
(Thời) Người trì được Kinh này,
Chẳng lâu cũng sẽ đặng
Người trì được Kinh này,
Thời về nghĩa các pháp,
Cũng như chữ và lời,
Không gì làm ngăn-ngại,
Sau khi Như-Lai diệt
Mà biết Kinh Phật nói
Rồi có đầu có đuôi,
Tuỳ nghĩa nói đúng "Thực"
Thời như sáng trời, trăng,
Năng trừ mọi tăm tối.
Người đó đi trên đời
Năng dứt tối cho người,
Dạy vô lương Bồ-tát
Rốt ráo vững "nhất-thừa"
Cho nên người có trí
Nghe lợi công-đức này
Sau khi ta diệt độ,
Nên thọ trì Kinh này,
Được vậy thời quyết định,
Là người trên nẻo Phật.

Huyền nghĩa

Trước khi trình bày thiển kiến của tôi, tôi xin ghi lại sau đây lời giải của Ngài Giác-Đạo-Tuân, Minh-Chánh Thiền-sư trong sách "Pháp-Hoa Đề-Cương", thuộc bộ Việt-Nam Phật-điển Tùng-san

Phần Hán-văn Dịch ra Việt-văn

"Như-Lai hiện thần-lực" phẩm giả, thử tương phó nhất đại sự nhân duyên, Diệu-pháp thời dã.
Phẩm "Như-Lai hiện thần-lực" đấy là ghi lại lúc Như-Lai sắp trao Diệu-pháp, một "biến-cố" (événement) lớn vậy.
Cái Kinh tiền phóng quang, dĩ hiển nhãn-căn Kiến-tánh. Thử Kiến-tánh tùng vô lượng-nghĩa bất-tư-nghì bổn-lai thanh-tịnh tâm trung chi ứng dụng, linh chư chúng-sanh phản bỉ Kiến-tánh, hồi quán tự kỷ bổn-lai tâm, ngộ-nhập Phật tri-kiến
Bởi vậy, trước khi nói Kinh, Như-Lai phóng hào-quang để làm tỏ cái Kiến-tánh của nhãn-căn. Tánh này do Tâm-vô-lượng nghĩa, bất tư nghì, bổn lai thanh-tịnh, mà ứng hiện. Làm tỏ cái Kiến-tánh để khiến chúng-sanh quày cái Kiến-tánh của mình mà ngó lại cái bổn-lai tâm của mình, hầu nhận thấy và đi vào con đường tri-kiến của Phật.
Thứ tiệm tiệm khai diễn tâm căn bổn nhất, tri kiến nguyên đồng, thể dụng bất nhị. Nãi chí kục căn, đồng thị bổn lai thanh-tịnh tâm chi ứng dụng.
Kế đó lần lượt mở bày cho thấy Tâm với căn vốn một, tri-kiến của chúng-sanh và Phật đồng nguồn, thể và dụng không hai. Thậm chí sáu căn, cũng đều là ứng dụng của tâm bổn-lai thanh-tịnh.
Thử tâm tức thị nhất đại sự Phật chi tri kiến.
Tâm ấy là điều quan trọng nhất của tri-kiến Phật.
Chúng ký tri dĩ, nhiên ư lục căn môn đầu, vị tri tùng hà căn nhập, vi tối thượng diệu pháp. Cố thử hựu phóng quang, biểu dữ tiền quang bất dị, nhị hựu xuất quảng trường thiệt giả, tức biểu thuyết hy-hữu đại pháp dã. Hựu biểu thiệt căn năng diễn thuyết Đại-thừa pháp-âm, linh văn giả, tâm năng ngộ nhập. Cái thiệt nãi tâm chi miêu, thiệt thuyết tức tâm thuyết dã.
Các đệ-tử (Phật) đã biết những điều vừa nói xong, nhưng trong sáu căn, họ chưa phải biết theo căn nào để vào cõi tối thượng diệu-pháp. Bởi cớ (Phật) lại phóng quang (quang này với quang trưóc không khác, đồng là một lối tiêu biểu), rồi lại thè lưỡi dài, đó là tiêu biểu cho việc sắp nói Đại-pháp chưa từng có, mà cũng tiêu biểu cho cái khả năng diễn thuyết tiếng Pháp Đại-thừa của lưỡi, làm cho người nghe, tâm bèn năng ngộ nhập. Bởi vì lưỡi là mẹ của tâm, lưỡi nói là tâm nói vậy.
Thử hựu khánh khái, đàn chỉ tác thanh dã. Thử chánh xúc diện thân phó đại pháp thời dã. Cái biểu nhân thanh dĩ hiển xuất nhĩ-căn văn-tánh. Nhi nhĩ-căn viên thông thường chiếu, ngũ căn sở bất tể. Cố Phật khánh-khái, đàn chỉ, mật linh tư giác, sử tùng nhĩ-căn nhị nhập.
Kế lại tằng hắng và khảy móng tay, làm cho có tiếng. Đây là lúc chạm mặt tự thân giao phó đại pháp. Một lối tiêu biểu khác, dùng Tiếng để làm tỏ cái Tánh-nghe của "Lỗ tai" (Nhĩ-căn). Nhĩ-căn thì thường chiếu hoàn-toàn, các căn khác không bằng. Bởi cớ Phật tằng hắng và khảy móng tay, mật khiến mỗi người tự tỉnh, theo lỗ tai mà nhập vào Phật tri-kiến.
Lăng-Nghiêm Kinh vân: " Thử phương chân giáo Thế, thanh-tịnh tại âm văn. Dục thủ tam-ma-đề, thực tùng văn trung nhập".
Kinh Lăng-Nghiêm có câu: Phương pháp này là lối dạy chân chánh về Thể, Thanh-tịnh nằm tại chỗ nghe tiếng. Muốn nắm được Chánh-định, thời nói thực, phải theo cái nghe mà được.
Hựu vân: "Đản dụng thử căn tu viên thông siêu Dư giả". Nhiên Phật bất dụng pháp-âm hiển nhĩ-căn giả, biểu ly ngôn thuyết tướng dã.-Dụng khánh-khái, đàn chỉ âm thanh, hiển nhĩ-căn giã, biểu ly tâm duyên tướng dã. Đản chỉ nhĩ-căn văn-tánh, đà đà viên chiếu giả như dĩ dã.
Kinh Lăng-Nghiêm lại nói: "Chỉ dùng căn này (Nhĩ) mà tu cái Viên-thông (Vô-thượng-giác), vượt khỏi Hữu-dư Niết-bàn". Nhưng Phật không dùng Pháp-âm để làm rõ Nhĩ-căn, là tiêu biểu cho cái tướng "ly ngôn thuyết". Dùng âm thanh của tằng-hắng và khảy móng tay, là làm tỏ nhĩ-căn, tiêu biểu cho cái tướng "ly tâm duyên". Làm như thế, chỉ có một mục-đích là chỉ cho thấy cái Chiếu sáng tròn đủ thông suốt (Viên-chiếu đà-đà) của Tánh-nghe của Nhĩ-căn mà thôi vậy.
Chư Phật đồng phóng quang nãi chí đồng khánh-khái, đàn-chỉ giả, biểu thập phương nhất thế chư Phật đồng nhất đạo dã. Hựu hiển dương cơ kiến văn, giác tri linh-minh chi tánh, nhất thời đồng biến thập phương chư Phật thế-giới, đồng triệt vô ngại, nhi vô tạp dã.
Việc các đức Phật đồng phóng quang, thậm chí cùng tằng-hắng và khảy móng tay, tiêu biểu cái lẽ mười phương chư Phật đều đồng một đạo vậy. Lại cũng để làm tỏ rõ điểm này là cái Tánh :kiến-văn, giác-tri" rất linh-thiêng và sáng suốt của các hàng đệ-tử đang nghe pháp (đương cơ) đều đồng một lúc bủa khắp mười phương thế-giới chư Phật, thấu suốt vô ngại mà không tạp vậy.
Đương tri thử tiết, dữ Lăng-Nghiêm Kinh, sở hiển lục-căn công-đức số lượng, dĩ tuyển trạch viên-thông căn trung, đệ nhất thông lợi giả. Tùng thử căn nhập, tắc kích chung dĩ hiển nhĩ-căn văn-tánh, minh lợi viên thông thường chiếu, tối vi thù thắng. Tư kinh tắc khánh-khái, đàn-chỉ diệt thử ý dã.
Nên biết phẩm này (của Kinh Pháp-Hoa) và chỗ trong Kinh Lăng-Nghiêm nói về số lượng công-đức của sáu căn, đều là để lựa coi trong sáu căn-viên thông căn nào thông lợi hơn hết, để theo căn ấy mà vào (Phật tri-kiến). Bởi vậy (trong Kinh Lăng-Nghiêm) có việc đánh chuông để hiển cái Tánh-nghe của Nhĩ-căn, để làm rõ cái viên-thông thường chiếu trội hơn hết của Nhĩ-căn (đối với các căn khác). Ở đây, Phật không đánh chuông mà tằng-hắng và khảy móng tay, nhưng không ngoài ý vừa nói.
Kinh văn: "Chư Phật khánh-khái thanh, cập đàn-chỉ chi thanh, chu văn thập phương quốc, địa giai lục chủng động trọng tại "chu văn" nhị tự dã. Hựu khánh-khái giả, tức linh tri kỳ hồi cố dã. Đàn-chỉ giả, tức tảo đăng nhất thế bổn lai vô pháp khả thuyết.
Kinh nói: "Chư Phật tằng-hắng và khảy móng tay, tiếng ấy vòng quanh mười phương quốc độ đều nghe thấy, đất lại chấn động sáu cách. Trong câu này, quan trọng nhất là hai chữ "chu văn" (nghe vòng quanh). Tằng-hắng lại còn có nghĩa là khiến mỗi người biết là mình đã quày đầu. Khảy móng tay, là ý quét sạch tất cả (vì) ở chỗ nguồn gốc, không có một pháp nào mà có thể nói được.
Trực chỉ nhĩ đích linh minh chu văn động thập phương giả, thị nhữ bổn-lai thanh-tịnh chi tự-tánh dã. Văn giả, ưng như thị ngộ nhập.
Đi ngay vào chỗ "linh minh chu văn động thập phương" của nhĩ-căn, như vậy là đi ngay vào tự-tánh bổn-lai thanh-tịnh của người vậy. Người nghe nên như thế mà ngộ nhập.

*
* *
Ở đây, nên phân biệt có hai hạng Bồ-tát: 1) hạng dưới đất vọt lên (tượng trưng cho những đức tướng trong tâm của mỗi chúng-sanh); 2) hạng đương cơ, tức là những Bồ-tát bằng xương bằng thịt, đang nghe Phật thuyết pháp.
Câu bạch ở đoạn đầu của hàng Bồ-tát thứ nhất có nghĩa: "trong tâm nào (quốc độ) mà ánh-sáng giác (phân-thân Phật) tắt mất (diệt độ), nghĩa là bị vô-minh che áng, thời người tu muốn được thanh-tịnh (pháp lớn chân tịnh) phải thọ trì, đọc tụng…Kinh Pháp-Hoa để gieo trồng đức tướng. Có đức là có thanh-tịnh.
Lưỡi rộng dài tiêu biểu cho tiếng Pháp (Pháp-âm), tức như hiện nay chúng ta nói tiếng của lương-tâm. Nghe được tiếng Pháp, trở thành sáng suốt hay giác ngộ (phóng quang).
Nghe được tiếng Pháp, tiếng của cõi lòng xa xuôi, chỉ những người cột tâm trói ý hay nhập định (Phật ngồi dưới cây báu, ám chỉ lúc Đức Thích-Ca ngồi dưới cội Bồ-đề tư duy 49 ngày). Nghe được rồi, (rút lưỡi vô), thời sức nghe thấy phát triển lạ lùng (thần thông), đến nỗi nghe được những tiếng nhỏ nhặt của cõi lòng (tằng-hắng và khảy móng tay), và nghe lớn như những tiếng trời gầm, lan khắp vũ-trụ vô biên và làm rung rinh quả đất. Còn cái thấy thì cũng thần thông lạ lùng: thấy tất cả chúng-sanh đều có Phật-tánh (vô lượng ức Phật ngồi toà sư-tử trong cõi Ta-bà), thấy Tâm nào (tháp báu) cũng đều có chứa đựng Ánh-Giác (Thích-Ca) và hằng-sa đức tướng (Đa-Bảo), lại thấy vô số chúng-sanh đang tiến về Ánh-Giác, trước sau thứ bậc Bồ-tát, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di (tứ chúng).
Nghe thấy được như vậy là sanh tâm kính tín, như trong hư-không có tiếng thúc giục, rồi tự nhiên mà niệm Phật, quy ngưỡng và cúng dường. Cúng dường hết sức mình, nghĩa là khi đã hiến trọn thân mình cho Phật, cho Giác-ngộ, thì sự giác-ngộ nơi mình trở thành bao-la, soi thấy mười phương thế-giới một cách thông suốt, không còn gì ngăn ngại nữa.
Tóm lại, trong Tâm (Như-Lai) có tất cả pháp, tất cả thần-lực tự-tại, tất cả điều bí-yếu huyền-diệu. Và tất cả những cái ấy đều có nói rõ và đầy đủ trong Kinh Pháp-Hoa. Vậy phải thọ trì, đọc tụng,…và nhất là theo lời Kinh mà tu hành cho đúng.
Trên đây là ý nghĩa thâm huyền mà chúng tôi cảm thấy trong phẩm này. Trong cái nghe thấy thần thông nói ở đây, không gì khác hơn là chữ Huệ, hay nói đúng hơn, những diệu dụng của Huệ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]