Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phật nói Kinh Phân Biệt Bố Thí

20/05/201313:42(Xem: 12236)
Phật nói Kinh Phân Biệt Bố Thí

Kinh Nhân Quả

Phật nói Kinh Phân Biệt Bố Thí

Thích Chánh Lạc

Nguồn: Cố Thượng Tọa Thích Chánh Lạc dịch

Hán dịch: Đời Tống Tây Thiên, Tam Tạng Đại Sư Thi Hộ phụng chiếu.
Tôi nghe như vầy: Một thời Phật ở tại vườn cây Ni Câu Đà, thành Ca Tỳ La Vệ, trụ xứ của dòng họ Thích, cùng chúng Bí-sô đông đủ.
Bấy giờ có một vị Bí-sô-ni tên là Ma Ha Ba Xà Ba Đề mang y mới đi đến chỗ đức Phật. Đến chỗ đức Phật rồi, cúi lạy dưới chân Phật, rồi đứng qua một bên, bạch đức Phật:
- Thưa Thế Tôn, cái y mới này được dệt bằng sợi kim tuyến chính tay con may ra để dâng lên đức Thế Tôn. Cúi mong đức Thế Tôn thọ nhận để cho con mãi mãi được sự lợi lạc lớn.
Khi ấy, đức Phật bảo bà Ma-ha-ba-xà-ba-đề:
- Ngươi có thể đem cái y này bố thí cho đại chúng sẽ được lợi lạc cũng giống như cúng dường cho ta không có khác gì cả.
Lúc đó, Bí-sô-ni Ma-ha-ba-xà-ba-đề lại bạch đức Phật:
- Con vốn phát tâm tạo ra y này là chỉ để cúng cho Thế Tôn mà thôi. Cúi mong đức Phật hãy thọ nhận để cho con mãi mãi được lợi lạc lớn.
Ba lần ân cần khuyến thỉnh như vậy, đức Phật cũng ba lần đáp lại như vầy:
- Hãy nên bình đẳng mà bố thí cho đại chúng sẽ đạt được sự lợi lạc không khác gì bố thí cho ta vậy.
Bấy giờ tôn giả A-Nan đang đứng hầu một bên đức Phật thấy việc này rồi, đến trước bạch đức Phật rằng:
- Thưa Thế Tôn, Bí-sô-ni Ma-ha-ba-xà-ba-đề này là người thân hữu, có ân đức đối với Phật. Cúi mong đức Phật tự biết, bà đã dâng y, mong Phật, nay đã đúng thời thọ nhận để cho Ma-ha-ba-xà-ba-đề mãi mãi được lợi lạc lớn.
Đức Phật bảo ngài A-Nan:
- Đúng vậy, đúng vậy! Ma-ha-ba-xà-ba-đề này là người thân quyến, có ân đức lớn đối với ta, ta cũng tự biết như vậy. Chính tự tay bà đã tạo ra y này để dâng cho ta, đây là việc hết sức khó khăn. Vì sao vậy? A-Nan nên biết, nếu có Bổ Đặc Già La nào có thể khởi lên tín tâm thanh tịnh, quy y Phật, Pháp và Tăng, điều đó rất khó.
Lại nữa, người ấy có thể giữ giới không giết, không trộm, không dâm, không vọng ngữ, không uống rượu… thân cận tôn thờ giới luật, như vậy Bổ Đặc Già La ấy lại có thể làm việc khó làm. Huống chi đối với Phật Thế Tôn mà chắp tay cung kính thực hành bố thí, đã bố thí rồi, tịnh tín nơi đức Phật không có nghi ngờ và đối với Pháp, Tăng già cũng không có nghi hoặc, cho đến đạo lý của Tứ Thánh Đế là Khổ, Tập, Diệt, Đạo đã vĩnh viễn đoạn trừ nghi kiến.
Này A-Nan, nay Bí-sô-ni Ma-ha-ba-xà-ba-đề này có thể khởi lên tín tâm, thanh tịnh, quy y Phật, Pháp và Tăng, thọ trì giới không giết, không trộm, không dâm, không vọng ngữ, không uống rượu… thọ giới pháp cận sự rồi còn có thể đối với Phật, Pháp, Tăng già cho đến đạo lý của Tứ Thánh Đế là Khổ, Tập, Diệt, Đạo đã đoạn trừ nghi hoặc. Bí-sô-ni này, việc khó làm mà có thể làm được, Phật cũng tự biết như vậy.
Này A-Nan, có mười bốn thứ để so lường sự bố thí. Những gì là mười bốn?
1. Thực hành bố thí đối với người bệnh khổ.
2. Thực hành bố thí đối với người phá giới.
3. Thực hành bố thí đối với người trì giới.
4. Thực hành bố thí đối với người lìa ô nhiễm.
5. Thực hành bố thí đối với người Tu-đà-hoàn hướng.
6. Thực hành bố thí đối với người Tu-đà-hoàn quả.
7. Thực hành bố thí đối với người Tư-đà-hàm hướng.
8. Thực hành bố thí đối với người Tư-đà-hàm quả.
9. Thực hành bố thí đối với người A-na-hàm hướng.
10. Thực hành bố thí đối với người A-na-hàm quả.
11. Thực hành bố thí đối với người A-la-hán hướng.
12. Thực hành bố thí đối với người A-la-hán quả.
13. Thực hành bố thí đối với các vị Duyên-giác.
14. Thực hành bố thí đối với Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Này A-Nan, nay ngươi nên biết, bố thí cho người bệnh khổ được phước gấp đôi, bố thí cho người phá giới được phước gấp trăm, bố thí cho người trì giới được phước gấp ngàn, bố thí cho người ly nhiễm (dục) được phước gần trăm ngàn. Bố thí cho vị Tu-đà-hoàn hướng được phước vô lượng, huống chi là bố thí cho vị Tư-đà-hàm quả. Bố thí cho vị A-na-hàm hướng được phước vô lượng, huống chi là bố thí cho vị A-na-hàm quả. Bố thí cho vị A-la-hán hướng được phước vô lượng, huống chi là bố thí cho vị A-la-hán quả. Bố thí cho vị Duyên-giác được phước vô lượng, huống chi là bố thí đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Như vậy gọi là so lường mười bốn công đức bố thí.
Lại nữa, này A-Nan, nên biết bố thí cho đại chúng có bảy loại:
1. Bố thí cho các Bí-sô chúng khi Phật còn hiện tiền.
2. Bố thí cho các Bí-sô chúng sau khi Phật diệt độ.
3. Bố thí cho các Bí-sô-ni sau khi Phật diệt độ.
4. Bố thí cho hai chúng Bí-sô và Bí-sô-ni sau khi Phật diệt độ.
5. Bố thí cho các chúng Bí-sô du phương hành hóa sau khi Phật diệt độ.
6. Bố thí cho chúng Bí-sô-ni du phương hành hóa sau khi Phật diệt độ.
7. Bố thí cho hai chúng Bí-sô và Bí-sô-ni du phương hành hóa sau khi Phật diệt độ.
Như vậy gọi là bảy loại đại chúng cần nên bố thí.
Lại nữa, này A-Nan, nên biết có bốn loại bố thí thanh tịnh. Những gì là bốn?
1. Người bố thí thanh tịnh thì không thấy có người nhận.
2. Vật được thí thanh tịnh thì không thấy có người nhận.
3. Người thọ nhận thanh tịnh thì không thấy có người bố thí.
4. Vật được thọ nhận thanh tịnh thì không thấy có người thí.
Này A-Nan, sao gọi là người bố thí thanh tịnh thì không thấy có người thọ nhận?
- Đó là do người bố thí không chấp thủ hình tướng, nên thân nghiệp thanh tịnh, khẩu nghiệp thanh tịnh, ý nghiệp thanh tịnh, chánh mạng thanh tịnh, cái thấy cũng thanh tịnh. Đầy đủ như vậy liền không có tướng thí, vì không có người thí cho nên cũng không có người nhận. Nếu người thí mà có thấy tướng thì ba nghiệp thân, khẩu, ý không thanh tịnh, mạng cũng không thanh tịnh, cái thấy cũng không thanh tịnh. Nếu xa lìa cái tướng này thì người thí và người nhận, cả hai đều thanh tịnh.
Lại nữa, tại sao gọi là vật được thí thanh tịnh thì không thấy có người nhận?
- Nếu kẻ thọ nhận thân nghiệp không thanh tịnh, khẩu nghiệp không thanh tịnh, ý nghiệp không thanh tịnh, mạng không thanh tịnh, cái thấy không thanh tịnh, thì liền có tướng nơi đối tượng bố thí. Nếu người thọ nhận mà ba nghiệp thanh tịnh, mạng thanh tịnh, cái thấy thanh tịnh, đầy đủ như vậy liền không có cái tướng của đối tượng bố thí. Do xa lìa tướng cho nên đối tượng bố thí được thanh tịnh.
Lại nữa, sao gọi là người thọ nhận thanh tịnh liền không có người thí?
- Nếu người thọ nhận mà ba nghiệp thân, khẩu, ý không thanh tịnh, mạng cũng không thanh tịnh, cái thấy cũng không thanh tịnh, thì liền có tướng của người thọ. Nếu lìa tướng ấy liền không có người thí.
Lại nữa, sao gọi là vật được thọ nhận thanh tịnh liền không có người thí?
- Đó là do người thí, ba nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh, mạng thanh tịnh, cái thấy cũng thanh tịnh liền không có vật được thí. Do lìa người thí, liền không có người được thọ nhận. Cho nên đối tượng thọ nhận thanh tịnh.
Này A-Nan, nếu hay biết rõ như vậy, liền được bốn loại bố thí thanh tịnh.
Bấy giờ Bí-sô-ni Ma-ha-ba-xà-ba-đề nghe Phật tuyên thuyết những pháp bố thí rồi, liền cầm cái y ấy cúng cho đại chúng.
Khi ấy chúng Bí-sô liền thọ nhận. Đức Phật bảo ngài A-Nan:
- Ở trong đời vị lai, nếu có thiện nam tử … tín tâm có thể đối với đại chúng khởi tâm tịnh tín làm việc bố thí, nên biết kẻ ấy được phước vô lượng, huống chi ngay nơi hiện tại mà thực hành bố thí.
Bấy giờ tôn giả A-Nan và Bí-sô-ni Ma-ha-ba-xà-ba-đề nghe Phật nói xong, hoan hỷ, phấn khởi, tín thọ phụng hành.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]