Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển 6

15/05/201319:52(Xem: 13945)
Quyển 6

Kinh Bổn Sự

Quyển 6

Thích Như Điển

Nguồn: Thích Như Điển

Ta từ Đức Thế Tôn đã được nghe như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! Các loài hữu tình, hỗ tương gần gũi, chẳng khác nhau lắm. Có nhiều loại hữu tình mạnh yếu khác nhau, cùng với các loại ấy vẫn có những sự thân cận, tham nhiễm các việc cũng như những điều tốt đẹp cao cả của các loài hữu tình, cùng với những điều tốt đẹp cao cả của những loài hữu tình ráng lại gần gũi và tham nhiễm với nhau. Ở trong quá khứ có những loài hữu tình ở cõi khác cũng đã từng thân ái, chẳng có sai biệt, cũng đã cao thấp trong nhiều loại hữu tình khác nhau cũng như những loại hữu tình mạnh yếu khác nhau, cũng đã gần gũi nhau, cũng đã tham nhiễm với nhau cùng với những thắng giải của nhiều loại hữu tình khác nhau. Cùng với những loại hữu tình cao cả, rồi đã có những gần gũi, tham nhiễm khác nhau. Ở thời vị lai những loài hữu tình ấy cũng sẽ thân ái gần gũi, chẳng sai khác nhau. Cũng có những yếu kém trong nhiều loại hữu tình nầy sẽ thân cận, gần gũi, nhiễm ô cùng với các diệu thắng giải của các loài hữu tình khác nhau tương lai sẽ thân cận tham nhiễm nhiều sự việc. Tại thế giới hiện tại nầy có những loài hữu tình hiện tại đang thân cận ái nhiễm, chẳng có sai khác cùng với các yếu kém của loài hữu tình và những yếu kém khác nhau của loài hữu tình đó hiện tại thân cận, tham nhiễm cùng các diệu thắng giải chủng loại hữu tình. Cùng với những loài hữu tình cao cả nầy hiện tại thân cận gần gũi tham nhiễm với nhau cho nên Tôn Giả Kiều Trần Như cùng với đồng loại có 60 người cùng tập họp lại với A Nhã Kiều Trần Như tu khổ hạnh như Ma Ha Ca Diếp cùng với đồng loại có rất nhiều người tập họp lại cùng tu các diệu hạnh.
Xá Lợi Tử và cùng với đồng loại có rất nhiều người đã tập họp lại cùng tu phép đại trí tuệ.
Đại Mục Kiền Liên cùng với đồng loại có rất nhiều người cùng tập họp lại tu đại thần thông.
Câu Sắt Chỉ La cùng với đồng loại có rất nhiều người cùng tụ tập lại tu vô ngại giải.
Mãn Từ Tử cùng với đồng loại có rất nhiều người cùng tập họp lại để nói chánh pháp.
Già Đa Hành Na cùng với đồng loại rất nhiều người cùng tập trung lại tu phép giải thích kinh.
Tôn Giả Thiện Hiện cùng với đồng loại rất nhiều người tập trung lại cùng tu hạnh không tranh cãi khi ở chung.
Lôi Lệ Phạt Da cùng với đồng loại có rất nhiều người tập trung lại tu hạnh tĩnh lự.
Ưu Ba Ly cùng với đồng loại có rất nhiều người tập trung lại hạnh giữ gìn giới luật.
Vật Lực Sĩ Tử cùng với đồng loại, có rất nhiều người tập họp lại cùng tu hạnh vì chư tăng mà làm chỗ ngồi nằm.
Tôn Giả Bất Diệt cùng với đồng loại, có rất nhiều người, cùng tu hạnh tịnh thiên nhãn.
Tôn Giả A Nan cùng với đồng loại có nhiều người tập họp lại cùng tu hạnh đa văn.
La Hầu La cùng với đồng loại có rất nhiều người tập trung lại cùng tu hạnh vui trì giới.
Đồng Tử Ca Diếp cùng với đồng loại có rất nhiều người cùng tập trung lại đồng tu xảo biện thuyết.
Kiếp Tì Nô cùng với đồng loại có rất nhiều người tụ tập lại cùng tu hạnh giáo huấn giáo thọ cho các Tỳ Kheo.
Tôn Giả Nan Đà cùng với đồng loại có rất nhiều người cùng tập họp lại tu hạnh giáo huấn giáo thọ cho các Tỳ Kheo Ni.
Ưu Bà Tây Na cùng với đồng loại có rất nhiều người cùng tụ tập lại tu hạnh đầy đủ oai nghi.
Nữu Mỹ Nan Đà cùng với đồng loại có 60 người tập trung lại tu hạnh đoan nghiêm.
Ngu Nhơn Thiên Thọ cùng với đồng loại có 60 người tập trung lại cùng tu hạnh Bột Nghịch Ác.
Như vậy nên biết, trong các loài hữu tình hỗ tương thân cận, chẳng có sai khác, cùng với cao thấp các loài hữu tình, cùng với các loài hữu tình yếu kém lại gần gũi thân cận, tham nhiễm nhiều việc cùng các thắng giải của các loài hữu tình, cùng với các điều đẹp đẽ khác nhau của các loài hữu tình lại gần gũi thân cận, tham nhiễm mọi việc. Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng:
Như cây cỏ rừng già
Giống như gió lửa vậy
Vật các thứ cùng chung
Chúng hữu tình cũng vậy
Người ngu với người ngu
Kẻ trí thân cận trí
Kẻ bạn với người trí
Là những người có trí
Như đập bỏ bùn nhơ
Tức chìm vào biển lớn
Thân cận kẻ giải đãi
Nhất định mất sáng suốt
Nên muốn bỏ giải đãi
Vui cảnh chẳng lười biếng
Thân cận người có trí
Thường hay lìa các khổ
Ta từ Đức Thế Tôn đã được nghe như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! Có 3 nhân và 3 duyên có thể cảm được về sau. Thế nào là ba ? Đó là vô minh chưa đoạn diệt, ái chưa bỏ, nghiệp chưa tiêu. Do nhân duyên nầy mà có thể thọ thân đời sau. Cho nên nghiệp là mảnh ruộng tốt, thức là hạt giống và ái là sự thẩm thấu, vô minh, vô trí, vô liễu, vô kiến là những loại chứa giữ và nương vào thức để ở muốn sắc có sắc, hoặc nơi vô sắc, muốn tội làm xấu, sắc ấy ở trong, vô sắc vi diệu. Nếu nghiệp ở dục giới, hoặc dị thục quả, chẳng có nơi hiện tại, chẳng thể cho biết. Nhưng mà dục nầy do tại nghiệp ở dục giới. Cảm dị thục quả ở nơi hiện tại cho nên mới hiện ra. Đây gọi là dục. Đương ngay lúc ấy, nghiệp là ruộng tốt, thức là giống lành, ái là thẩm thấu, vô minh, vô trí, vô liễu, vô kiến là nơi chứa chấp. Nương vào thức để ở, muốn sinh vào nơi thấp; hoặc nghiệp ở sắc giới cũng cảm dị thục quả, chẳng phải hiện tại, chẳng thể bày ra, cái nầy có sắc, do sắc giới nghiệp cảm dị thục quả mà nơi hiện tiền có thể hiện ra cho nên có sắc. Đương ngay lúc ấy nghiệp là ruộng tốt, thức là giống tốt, ái là thẩm thấu, vô minh, vô trí, vô liễu, vô kiến là nơi chứa giữ. Thức ở yên nơi ấy, sắc ở nơi ấy. Nếu chẳng có sắc nghiệp, cảm dị thục quả, chẳng phải trước mắt, chẳng thể thí thiết, vì không thành có, do nghiệp vô sắc nầy mà cảm nên dị thục quả ở nơi hiện tiền, cho nên thí thiết làm vô sắc có. Đương ngay lúc ấy nghiệp là ruộng tốt, thức là hạt giống, ái làm thẩm thấu, vô minh, vô trí, vô liễu, vô kiến là nơi chứa đựng, thức là nơi an trụ, nơi diệu vô sắc. Các Tỳ Kheo nên biết! do sự việc viễn ly mà xa rời nơi dục. Do vô sắc mà xa rời cõi sắc. Do sự đoạn diệt mà xa rời tất cả. Có là có khởi, suy nghĩ duyên sanh. Nầy các Tỳ Kheo! nên dùng trí tuệ như thật mà quan sát để xa rời sự ham muốn, nên dùng trí tuệ chơn thật mà quan sát để xa rời sắc có và sắc không. Vì sao thế các ngươi ? phải nên dùng trí tuệ chơn thật mà quan sát để xa rời sự ham muốn. Nghĩa là lìa những sự ham muốn ác và bất thiện, có tầm có ti, ly sanh hỉ lạc, an ổn đầy đủ, tối sơ yên lặng lại hay dùng trí tuệ chơn chánh như thật mà quan sát. Trong đó có sắc, thọ, tưởng, hành, thức như thế làm pháp tánh. Tất cả đều vô thường, tất cả đều khổ, như bịnh, như tật, như trong tên độc, có não, có hại, có sợ, có sai, có hờn, có ghét, nhanh chóng bại hoại, nhiều tật bệnh, nhiều tai ách, hư ngụy chẳng thật, lìa tan vô ngã, chẳng có tin tưởng, như thế các ngươi phải nên chánh niệm như thật tùy theo đó mà quan sát để xuất ly những sự ham muốn. Vì sao thế các ngươi ? phải nên dùng trí tuệ chơn chánh theo đó mà quán như thật, xa rời sắc hữu. Nghĩa là qua khỏi tất cả sắc tưởng. Mắt có đối với sự tưởng tượng; chẳng có suy nghĩ nhiều loại khác nhau với tư tưởng, đầy đủ ở yên, vô biên hư không, không vô biên xứ, có thể dùng trí tuệ chơn chánh như thật mà tùy theo đó để quan sát. Ở trong ấy có thọ, tưởng, hành, thức, như vậy làm pháp tánh. Tất cả đều vô thường, tất cả đều khổ, như bịnh như tật, như ở trong tên độc, như não như hại, có sợ có sai, có lo có nghĩ, nhanh chóng bại hoại, nhiều tật bệnh, nhiều tai ách, hư ngụy chẳng thật, ly tán vô ngã, chẳng thể tin tưởng, như thế các ngươi nên dùng trí tuệ để quán sát như thật, để xa rời sắc hữu. Vì sao thế các ngươi ? Phải nên dùng chánh huệ như thật để quan sát, để xa rời sắc hữu. Nghĩa là chánh liễu tri, đó là tịch tịnh, là vi diệu. Nghĩa là lìa khỏi kiêu mạn, tức những khát ái, diệt A Lại Da, đoạn các đường đi, không vô sở đắc, ái tận lìa dục, tịch tịnh Niết Bàn. Như thế các ngươi nên dùng trí huệ chân thật tùy theo đó mà quan sát. Lìa khỏi sắc hữu. Nếu mà như vậy mà dùng trí huệ để quan sát thì xa lìa 3 cõi hữu, tức là cõi dục, cõi sắc và vô sắc, hay xa lìa. Khi đã xa lìa rồi thì hay ly dục. Khi ly dục rồi thì có thể được giải thoát. Khi đã được giải thoát rồi thì có thể tự biết lấy việc ta đã hết sanh, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, chẳng thọ thân sau nữa. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng:
Dùng chánh huệ mà xem
Tướng xa rời ba cõi
Hay dừng tất cả hành
Chứng tối thượng Niết Bàn
Rồi giải thoát các lậu
Lành tu tập thiền định
Giữ gìn thân sau rốt
Hàng phục những loài ma
Ta từ Đức Thế Tôn đã được nghe như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết về 3 nhân và 3 duyên làm cho các loài hữu tình hay cầu lợi dưỡng mà sanh ra ngu si. Thế nào là ba ? Thứ nhất là tham dục làm nhân làm duyên, làm cho các loài hữu tình hy vọng tham cầu lợi dưỡng sanh ra nhiều ngu si. Hai là đắm trước làm nhơn làm duyên, làm cho các loài hữu tình hy vọng cầu có lợi dưỡng, sanh ra nhiều ngu muội. Ba là thọ dụng chẳng thấy quá ngu làm nhơn làm duyên, làm cho tất cả loài hữu tình hy vọng mong cầu để được lợi dưỡng, sanh ra nhiều sự ngu muội. Nầy các Tỳ Kheo! Không nên khởi lên 3 nhân, 3 duyên hy vọng cầu khẩn lợi dưỡng, sanh ra ngu muội. Có các Tỳ Kheo biết đủ việc nầy 3 nhân 3 duyên đến nhà thí chủ cầu phần lợi dưỡng về mình, hoặc ở nhà nầy chẳng sanh xấu hổ, thấy rồi thản nhiên, mặc kệ chẳng hỏi, chẳng chờ đón mời, chẳng chỉ chỗ ngồi, chẳng muốn nói chuyện, kia bị xem ra, liền khởi nghĩ rằng: Ở nhà thí chủ nầy được đối đãi trọng vọng, ai nói ngụy vọng, đều thản nhiên. Do nguyên nhân nầy làm cho người kia, chẳng nhẫn chẳng khỏi, khởi tâm si hại, hoặc phát ra nghiệp xấu cùng nghiệp bất thiện nơi thân ngữ ý. Nhân đây mà đọa vào các ác thú, thọ quả chẳng tốt đẹp. Các Tỳ Kheo nên biết! Ta xem thế gian các loài hữu tình hoặc do lợi dưỡng làm loạn tâm nầy, thân hoại mạng chung đọa vào các ác thú, sanh vào địa ngục, thọ những quả chẳng vui. Ta xem thế gian các loài hữu tình hoặc do tổn hại làm tâm não loạn, thân hoại mạng chung đọa vào ác thú, sanh vào địa ngục, thọ quả chẳng vui. Ta xem thế gian các loài hữu tình hoặc do lợi dưỡng và bị tổn hại làm não loạn tâm nầy, khi thân hoại mệnh chung bị đọa vào ác thú, sanh nơi địa ngục, thọ quả chẳng vui. Cho nên kẻ ngu si phàm phu bị điều lợi dưỡng trước phá màn che nầy và khi đã phá màn ấy rồi lại phá luôn lớp da. Khi đã phá lớp da rồi lại phá luôn thịt. Khi đã phá thịt rồi lại cắt đứt những mạch máu. Khi cắt đứt mạch máu rồi lại phá luôn đến xương. Khi đã phá xương rồi lại làm thương tổn đến não sau đó mới dừng, cho nên các ngươi nên biết rằng ta vì sao mà không bị lợi dưỡng làm não loạn tâm nầy ? Ta vì sao mà chẳng bị sự tổn hại làm rối loạn tâm nầy ? Ta vì sao mà chẳng bị sự lợi dưỡng và sự tổn hại làm não loạn tâm nầy ? Chẳng nhàn rỗi, khuyên tu thánh hạnh, mau chứng được vô thượng an lạc Niết Bàn. Nầy các Tỳ Kheo! nên biết như thế. Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng:
Do ba loại nhân duyên
Hy vọng cầu lợi dưỡng
Hoại nhiều loại công đức
Lại mất quả trời người
Các người nghe kẻ sáng
Gặp lợi dưỡng tổn hại
Tâm nầy vẫn ở yên
Chẳng động như núi lớn
Thường yên ổn an nhiên
Chánh quán các nghĩa pháp
Tu sâu rõ tri kiến
Chứng thường lạc Niết Bàn
Ta từ Đức Thế Tôn đã được nghe như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! Nơi cõi dục giới lược nói có 3 loại. Ở nơi ấy tuy có phước lớn; nhưng phải vì dục mà sau khi chết bị luân hồi, chẳng thể ra khỏi. Cho nên khi bị sanh vào xứ kia, do lòng ham muốn làm căn bản ở cảnh giới ấy vậy. Sao lại có 3 loại ? Một là lòng dục ở cõi thiên, hai là lòng dục ở cõi hóa lạc thiên, ba là lòng dục ở cõi Tha Hóa thiên. Đây là 3 loại dục nơi cõi dục giới. Ở nơi ấy tuy có tích tụ phước đức để thọ các dục lạc; nhưng vẫn còn sanh tử luân hồi, chẳng thể ra khỏi, cho nên bị sanh vào xứ đó. Đây là do lòng dục mà sanh vào cảnh giới ấy vậy. Các Thánh đệ tử của ta ở nơi 3 cõi dục giới nầy như thật mà xem thì có rất nhiều người khờ cho nên mới bị nhiễm mà sanh ra chán ghét. Khi chán ghét rồi muốn lìa ham muốn, khi lìa ham muốn rồi thì có thể giải thoát. Khi giải thoát rồi thì có thể biết được ta việc sanh đã hết, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, chẳng thọ sanh nữa. Lúc ấy Đức Thế Tôn muốn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng:
Dục giới có ba loại
Nơi ấy thọ dục lạc
Vì dục ở vui yên
Tha hóa tự tại thiên
Sanh như vậy ba cõi
Tuy có nhiều phước báu
Mà sanh tử luân hồi
Chẳng thể sanh lên trên
Cứ ở mãi cõi dục
Nếu biết được quá khờ
Bỏ người trời các thú
Chứng vô thượng Niết Bàn
Ta từ Đức Thế Tôn đã được nghe như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! Trong đời cũng có một loại ác Tỳ Kheo thành tựu được 3 pháp giống như con lừa. Sao gọi là ba ? Nghĩa là có một loại các ác Tỳ Kheo chẳng kính chẳng trọng, chẳng tàm chẳng quý, lười biếng, quên mất. Như thế là một loại ác Tỳ Kheo, đầy đủ thành tựu như thế ba pháp, giống như con lừa. Nghĩa là chẳng có đức mà theo chúng tăng liền nói lời rằng: Hãy nên biết ta cũng là chơn Sa Môn Thích Tử. Rồi thì loại ác Tỳ Kheo nầy chẳng làm tăng trưởng được giới định huệ, như thế mà cùng với chơn thanh tịnh Tỳ Kheo tăng và theo cùng tăng chúng, lại nói lên rằng: Các ngươi nên biết! Ta cũng là chơn Sa Môn Thích Tử, như ở đời có con lừa theo sau bò. Sau đó cao tiếng nói rằng: Ta cũng là bò hiện ra tướng ấy và với thân lừa, đầu tai móng, lông tiếng v.v... tất cả cùng với bò chẳng khác và theo bò. Cao tiếng nói rằng: Ta là bò hiện thân, như thế một loại ác Tỳ Kheo thật chẳng có đức mà theo tăng chúng. Lại xướng lên rằng: Các ngươi nên biết! Ta cũng là chơn Sa Môn Thích Tử. Đây là một loại ác Tỳ Kheo nương vào thôn xóm, tụ lạc mà ở, khi mặt trời lên, sửa sang y phục, tay bưng bình bát vào làng khất thực, chẳng thể giữ gìn thân khẩu ý, chẳng ở nơi chánh niệm, chẳng giữ các căn, làm cho các tịnh tín và các nhà thí chủ vì sự lợi dưỡng mà thân ngồi dưới đất, còn người bạch y ngồi bên trên mà nói pháp. Ta nói rằng những loại Tỳ Kheo như thế là ác Tỳ Kheo giống như con lừa. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng:
Cạo tóc mặc y áo
Tay bưng một bình bát
Thật chẳng giới định huệ
Mà tự nói Sa Môn
Như thế gian có lừa
Cùng bò khác hình tướng
Mà cứ thế theo sau
Tự cho là bò thật
Như thế ác Tỳ Kheo
Thành chẳng ai cung kính
Tuy thường theo kẻ tịnh
Nhưng chẳng chứng Bồ Đề
Ta từ Đức Thế Tôn đã được nghe như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! Sự học có 3 loại, nếu hay ở trong ấy lìa sự buông lung, ngày đêm siêng năng, chẳng bị bận rộn, cũng chẳng ở không, chẳng siêng tu học, chưa sanh các lậu làm cho vĩnh viễn chẳng sanh. Nếu các lậu đã sanh làm cho vĩnh viễn đoạn diệt. Sao gọi là ba ? Một là học tăng thượng giới, hai là học tăng thượng tâm, ba là học tăng thượng huệ. Vì sao có tên là tăng thượng giới ? Nghĩa là các Tỳ Kheo đầy đủ giới pháp, ở yên giữ gìn biệt giải thoát giới, bằng hay hành trì, chẳng cho sơ suất. Ở đó dầu thấy tội nhỏ cũng sinh sợ hãi và thường hay thọ trì tu tập học hỏi, thành tựu thanh tịnh thân ngữ 2 nghiệp, thành tựu tịnh mệnh, thành tựu tịnh kiến, như vậy có tên là học tăng thượng giới. Thế nào gọi là học tăng thượng tâm ? Nghĩa là các Tỳ Kheo hay chánh ly dục và các pháp ác, có xấu có hổ, lìa sanh hỷ lạc, đầy đủ an trụ, tối sơ tĩnh lự, nói rộng cho đến đầy đủ ở yên; Đệ tử tĩnh lự, như vậy có tên là học tăng thượng tâm. Thế nào gọi tên là học tăng thượng huệ ? Nghĩa là các Tỳ Kheo, biết được như thật các chơn lý khổ, các chơn lý tập, các chơn lý diệt và có thể biết được các chơn lý của diệt đế. Như vậy có tên là học tăng thượng huệ. Như thế 3 sự học, nếu ở nơi ấy lìa các buông lung, ngày đêm siêng năng, bặt các duyên ngoài, gặp cảnh không nhàn, chẳng phí tu học, chưa sanh các lậu, làm cho vĩnh viễn đường sanh, nếu lậu đã sanh rồi làm cho tận diệt. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng:
Giới, tâm, huệ, học ba
Người trí hay tu học
Siêng tinh tấn thường yên
Tuyệt chẳng có ngoại duyên
Siêng tu giới tâm huệ
Như cứu lửa trên đầu
Tên gọi thánh học xứ
Đến cái học cuối cùng
Giải thoát chẳng còn gì
Thành thanh tịnh diệu trí
Được bất động giải thoát
Lại xa lìa các lậu
Hết sanh tử khổ ải
Đời sau chẳng còn nữa.
Ta từ Đức Thế Tôn đã được nghe như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! Học có 3 loại. Nếu siêng tu hành chẳng phải không có kết quả mà tất yếu sẽ đến cứu cánh, có thể được cam lồ, có thể chứng được Niết Bàn. Thế nào gọi là ba ? Một là học về tăng thượng giới, hai là học về tăng thượng tâm và ba là học về tăng thượng huệ.
Thế nào gọi là học về Tăng Thượng Giới ? Nghĩa là các Tỳ Kheo tôn trọng giới luật làm cho tăng thượng. Nếu chẳng giữ gìn thì gọi là không tăng thượng, chẳng có trí tuệ thì chẳng tăng thượng. Ở nơi học giới ít ấy, nếu có phạm lỗi nhỏ tức phải rời bỏ. Cho nên ta nói kẻ đó tuyệt nhiên chẳng phạm vào học giới, chẳng sâu vào sự tàm quý, có thể theo được phạm hạnh thanh tịnh, có thể thành tựu được phạm hạnh thanh tịnh. Ở nơi các học xứ ấy có thể giữ gìn giới luật, có thể học hỏi. Người ấy nhất định có thể vĩnh viễn đoạn trừ tam kết. Chứng quả dự lưu, chứng pháp căn bản, hướng tới bồ đề cho đến 7 lần qua lại trời người, diệt hết các khổ như vậy có tên là Tăng Thượng Giới.
Còn thế nào là học về Tăng Thượng Tâm. Nghĩa là các Tỳ Kheo nên biết! lấy Tăng Thượng Giới làm tăng thượng, tôn trọng sự giữ gìn làm tăng thượng; chẳng tụng bát nhã thì chẳng tăng thượng. Ở nơi các học giới dầu nhỏ ấy, nhưng nếu phạm những lỗi nhỏ tức phải xa rời. Vì sao vậy ? Ta nói kẻ ấy cuối cùng chẳng phạm về học xứ, chẳng nhiễm tàm quý, nhất định sẽ hay thuận theo phạm hạnh thanh tịnh. Nhất định có thể thành được phạm hạnh thanh tịnh. Ở nơi các học xứ thường hay giữ gìn có thể học, nơi đó nhất định có thể dứt đi 5 phần kết, chứng bất hoàn quả, được pháp bất hoàn, sẽ vào cõi hóa sanh. Đối với thế gian nầy sẽ vào Bát Niết Bàn. Như thế có tên là học Tăng Thượng Tâm.
Thế nào gọi là học Tăng Thượng Huệ ? Nghĩa là các Tỳ Kheo, tôn trọng giới luật, lấy giới làm tăng thượng; tôn trọng sự giữ gìn, lấy đó làm tăng thượng, tôn trọng bát nhã trí, lấy đó làm tăng thượng. Ở nơi ấy là những học xứ nhỏ; nhưng nếu có phạm mà có thể xa lìa được, cho nên ta nói kẻ kia cuối cùng chẳng phạm và các học xứ, chẳng sâu vào tàm quý, nhất định sẽ theo phạm hạnh thanh tịnh, có thể thành được phạm hạnh thanh tịnh. Ở nơi học xứ đó có thể ở nơi trí tuệ, có thể trụ vào sự học. Người ấy nhất định có thể đoạn diệt các lậu, được chơn vô lậu, tâm thiện giải thoát, huệ thiện giải thoát. Ở trong pháp ấy đầy đủ an trụ, tự chứng thông huệ, có thể tự hiểu biết về cái sanh của ta đã tận, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, chẳng thọ thân sau, như thế có tên là học Tăng Thượng Huệ. Nếu ở nơi 3 điều nầy mà siêng năng tu học thì ta nói rằng nhất định sẽ chứng quả và sẽ vào cứu cánh, có thể chứng được cam lồ, có thể chứng Niết Bàn. Như thế có tên là học có 3 loại. Nếu có siêng năng tu học, tức có chứng quả, nhất định cứu cánh, có thể được cam lồ, có thể được Niết Bàn. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng:
Siêng tu Tăng Thượng Giới
Ở giới siêng năng học
Hay chẳng bị ba kết
Sẽ chứng quả dự lưu
Siêng tu Tăng Thượng Tâm
Ở định trụ mà học
Có thể dứt năm kết
Sẽ chứng quả bất hoàn
Siêng tu Tăng Thượng Huệ
Ở huệ ở sở học
Hay dứt tất cả kết
Sẽ chứng quả vô sanh
Ba học chẳng tổn hại
Tất chứng nghĩa đệ nhất
Nên tôn trọng ba học
Được pháp tánh chẳng nghi
Ta từ Đức Thế Tôn đã được nghe như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! Học có 3 loại, Nếu chỉ tu ít thì sẽ chứng quả ít. Nếu tu đầy đủ thì sẽ chứng quả đầy đủ. Thế nào là ba ? Một là học về Tăng Thượng Giới. Hai là học về Tăng Thượng Tâm và ba là học về Tăng Thượng Huệ.
Thế nào gọi là học về Tăng Thượng Giới ? Nghĩa là các Tỳ Kheo tôn trọng giới luật lấy giới luật làm Tăng Thượng, chẳng hề giữ gìn gọi là chẳng tăng thượng. Chẳng tụng bát nhã huệ chẳng phải tăng thượng. Ở nơi những học giới nhỏ ấy nếu có phạm nhỏ tức phải xa rời, cho nên ta nói kẻ ấy cuối cùng chẳng phạm về học xứ, chẳng sâu vào tàm quý, nhất định sẽ tùy thuận theo phạm hạnh thanh tịnh, nhất định có thể thành tựu được phạm hạnh thanh tịnh. Ở nơi học xứ đó có thể giữ gìn giới luật, có thể học hỏi, người đó nhất định sẽ dứt tam kết, chứng quả dự lưu, được pháp chẳng đọa, quyết định bồ đề cho đến 7 lần trở lại chốn nhân thiên, dứt hết các khổ. Hoặc có thể làm cho trở lại cõi dục giới vì tham si còn mỏng, chứng được quả nhất lai. Ở thời gian nhất lai nầy dứt hết các khổ. Như thế có tên là học Tăng Thượng Giới.
Thế nào gọi là học Tăng Thượng Tâm ? Nghĩa là các Tỳ Kheo tôn trọng giới luật, lấy giới luật làm tăng thượng, tôn trọng giữ gìn làm tăng thượng; chẳng tôn trọng bát nhã thì chẳng gọi là tăng thượng. Ở nơi những giới nhỏ ấy, nếu có phạm những giới nhỏ tức phải xa rời, cho nên ta nói đối với người đó kết cuộc chẳng phạm vào học xứ, chẳng sâu vào tàm quý, nhất định có thể tùy thuận phạm hạnh thanh tịnh, có thể thành được phạm hạnh thanh tịnh. Ở nơi học xứ ấy có thể giữ gìn và định kia sẽ làm cho dứt trừ 5 phần kết, chứng quả bất hoàn, được pháp bất hoàn, sẽ được hóa sanh. Đối với thế gian nầy sẽ có Bát Niết Bàn. Như thế có tên là học Tăng Thượng tâm.
Thế nào gọi là Tăng Thượng huệ ? Nghĩa là các Tỳ Kheo tôn trọng giới luật lấy giới luật làm Tăng Thượng, tôn trọng giữ gìn nhất định sẽ Tăng Thượng, tôn trọng trí bát nhã làm tăng thượng. Ở nơi những học giới nhỏ ấy nếu phạm những lỗi nhỏ nên phải xa lìa, cho nên ta nói kẻ kia cuối cùng chẳng phạm vào học xứ, chẳng sâu vào tàm quý, nhất định có thể tùy thuận phạm hạnh thanh tịnh, nhất định có thể sẽ thành phạm hạnh thanh tịnh. Ở nơi học xứ ấy có thể sanh Bát Nhã, có thể sanh sở học. Kẻ kia nhất định sẽ vĩnh viễn diệt tận các lậu, được chơn vô lậu, tâm thiện giải thoát, huệ thiện giải thoát. Ở nơi pháp ấy, ở yên đầy đủ, tự chứng thông huệ, có thể hiểu rõ được, ta đã hết sanh, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, chẳng thọ thân nữa; như thế có tên là học Tăng Thượng Huệ. Như thế có tên là học có 3 loại. Nếu tu ít thì quả vị nhỏ. Nếu tu nhiều thì quả vị lớn. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng:
Ở yên tôn trọng giới
Tên là tu phần ít
Thường siêng năng tu học
Sẽ chứng quả nhỏ trước
Sâu vào nơi thiền định
Cũng có tên tu ít
Thường siêng năng tu học
Cũng sanh quả nhỏ thôi
Sâu vào nơi trí huệ
Gọi là tu viên mãn
Thường siêng năng tu hành
Sẽ chứng quả đầy đủ
Tu ít hay tu nhiều
Tên gọi quả khác nhau
Biết như thế tốt xấu
Nên bỏ nhỏ tu lớn.
Ta từ Đức Thế Tôn đã được nghe như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! học có 3 loại. Nếu chánh tu tập thì làm cho các loài hữu tình thành hạ trung thượng hiền thánh khác nhau. Thế nào là ba ? Thứ nhất là học Tăng Thượng giới. Thứ hai là học Tăng Thượng tâm và thứ ba là học Tăng Thượng huệ. Vì sao có tên là học Tăng Thượng giới ? Nghĩa là các Tỳ Kheo tôn trọng giới luật và lấy giới luật làm tăng thượng, chẳng tôn trọng giữ gìn thì chẳng gọi là tăng thượng, chẳng tôn trọng bát nhã thì chẳng gọi là tăng thượng. Nơi đó có các học giới nhỏ, nếu có phạm những lỗi nhỏ mà cầu xa lìa thì ta nói người đó cuối cùng chẳng phạm vào các biên chế của học xứ, chẳng sâu vào tàm quý. Có thể tùy thuận phạm hạnh thanh tịnh, có thể thành tựu được phạm hạnh thanh tịnh. Ở nơi các học xứ có thể giữ gìn giới luật, có thể tu học và với người ấy nhất định có thể vĩnh viễn đoạn trừ 3 kết chứng được quả Dự Lưu, chứng được pháp chẳng đọa, hướng đến Bồ Đề chỉ 7 lần qua lại chốn nhân thiên, hoặc thành gia gia, hoặc quả nhất lai, hoặc thành nhất gian. Như thế đó có tên là tăng thượng giới.
Thế nào gọi là học Tăng Thượng tâm ? Nghĩa là các Tỳ Kheo tôn trọng giới luật, lấy giới luật làm tăng thượng, tôn trọng gìn giữ nên gọi là tăng thượng, chẳng tụng bát nhã chẳng gọi là tăng thượng. Đối với những học xứ nhỏ nếu có phạm những lỗi vi tế, tức có thể ra khỏi. Cho nên ta nói những người ấy cuối cùng chẳng phạm những học xứ đã chế, chẳng sâu vào tàm quý; nhất định có thể tùy tiện phạm hạnh thanh tịnh, có khả năng thành tựu được phạm hạnh thanh tịnh. Hay giữ gìn, có thể học hỏi và với định ấy có thể tận trừ 5 phần kết, chứng quả bất hoàn, chứng pháp bất hoàn, sẽ được hóa sanh. Ở nơi thế gian sẽ được Bát Niết Bàn, hoặc thành Trung Bàn, hoặc thành Sanh Bàng, hoặc có Hành Bàng, hoặc vô hành bàng, hoặc thành thượng lưu, vui sắc cứu cánh. Hoặc vui nơi phi tưởng phi phi tưởng xứ mà vào Bát Niết Bàn. Như thế đó có tên là học tăng thượng tâm.
Thế nào gọi là học Tăng Thượng huệ ? Nghĩa là các Tỳ Kheo tôn trọng giới luật, lấy giới luật làm tăng thượng, tôn trọng giữ gìn làm tăng thượng, tôn trọng bát nhã huệ làm tăng thượng. Ở nơi đó nơi các học giới nhỏ, nếu có phạm những lỗi nhỏ thì có thể ra khỏi, cho nên ta nói với những người kia cuối cùng chẳng phạm vào các học xứ đã chế, chẳng sâu vào tàm quý, nhất định tùy thiện theo phạm hạnh thanh tịnh, nhất định thành được phạm hạnh thanh tịnh. Ở nơi học xứ có thể ở vào Bát Nhã, có thể nương vào đó để học thì người kia nhất định sẽ vĩnh viễn xa rời các lậu, chứng được chơn vô lậu, tâm thiện giải thoát, huệ thiện giải thoát. Ở nơi pháp ấy đầy đủ an ổn, tự chứng thông huệ, có thể tự hiểu biết rằng ta đã hết sanh, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, chẳng thọ thân sau, như thế có tên là tăng thượng huệ. Như vậy có tên là 3 loại. Nếu chánh tu tập sẽ làm cho các loài hữu tình thành hạ trung thượng hiền thánh khác nhau. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng:
Tùy học nhơn mạnh mẽ
Thường siêng năng tỉnh thức
Tu phẩm thượng trung hạ
Tùy được quả sai khác
Ở tu tinh tấn nhỏ
Hoàn thành quả hạ phẩm
Trung tu được trung quả
Thượng tu cũng như vậy
Tức biết tu ba loại
Được chứng quả khác nhau
Nên biết bỏ trung hạ
Xưng dương tu thượng phẩm.
Ta từ Đức Thế Tôn đã được nghe như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! Nếu có Tỳ Kheo đầy đủ thiện giới, đầy đủ thiện pháp. Kia ở nơi ta pháp Tỳ Nại Da đã tu hành qua rồi, tên là tối thượng sĩ. Thế nào các Tỳ Kheo là đầy đủ thiện giới. Nghĩa là các Tỳ Kheo đầy đủ thanh tịnh giới luật, an trụ giữ gìn giới biệt giải thoát, mô phạm hành trình chẳng có sai trái. Ở nơi tôi nhỏ ấy phải sợ hãi nhiều, phải nên học hỏi, tùy theo học xứ thành tựu thanh tịnh thân ngữ hai nghiệp, thành tựu tịnh mệnh, thành tựu tịnh kiến, cho nên tên gọi là Tỳ Kheo đầy đủ điều phục thiện giới. Như thế điều phục thiện giới rồi. Vì sao các Tỳ Kheo gọi là đầy đủ điều phục pháp? Nghĩa là các Tỳ Kheo siêng tu bảy pháp Bồ Đề phần, đầy đủ ở yên, cho nên gọi tên là Tỳ Kheo đầy đủ điều phục thiện pháp. Tức là đầy đủ giới luật và thiện pháp rồi vậy.
Sao gọi là Tỳ Kheo điều phục đầy đủ thiện huệ ? Nghĩa là Tỳ Kheo vĩnh viễn đoạn trừ các lậu, được chơn vô lậu, tâm thiện giải thoát, huệ thiện giải thoát. Ở nơi pháp ấy đầy đủ ở yên, tự chứng thông huệ, có thể tự biết rõ ta đã hết sanh, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, chẳng thọ thân nữa. Cho nên có tên là Tỳ Kheo đầy đủ điều phục thiện huệ. Có tên như thế nếu có Tỳ Kheo đầy đủ điều phục thiện giới, đầy đủ điều phục thiện pháp, đầy đủ điều phục thiện huệ. Kia ở nơi pháp Tỳ Nại Da (Vinaya - luật học) tu hành đầy đủ rồi có tên là tối thượng sĩ. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng:
Nếu nghĩ thân ngữ ý
Lìa các ác chẳng thiện
Tên điều phục thiện giới
Có tàm quý Tỳ Kheo
Nếu hay tu hành tốt
Pháp thất Bồ Đề phần
Tên đầy đủ thiện pháp
Có thiền định Tỳ Kheo
Nếu hay biết giải bày
Tự xa rời các lậu
Tên điều phục thiện huệ
Chơn vô lậu Tỳ Kheo
Nếu đầy đủ điều lành
Uy đức trên đời khó
Nếu đầy đủ tu hành
Kẻ tối cao sáng suốt
Ta từ Đức Thế Tôn đã được nghe như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! Trong các Tỳ Kheo thành tựu 3 phần nên biết người đó là kẻ giữ gìn giới luật đã được viên mãn, ở nơi cứu cánh vị đã được viên mãn, ở nơi tu hành phạm hạnh đã được viên mãn, cho đến cuối cùng của phạm hạnh. Thế nào là ba ? Nghĩa là các Tỳ Kheo thành tựu ba học giới định huệ, cho nên có tên là Tỳ Kheo thành tựu 3 phần nên biết người ấy giữ giới luật đầy đủ viên mãn, ở nơi cứu cánh vị đã được viên mãn. Ở nơi tu phạm hạnh đã được viên mãn cho đến cuối cùng của phạm hạnh. Nếu các Tỳ Kheo ở nơi giới luật đã được viên mãn, ở nơi cứu cánh vị đã được viên mãn. Ở nơi phạm hạnh vị nên biết người đó tức chẳng vui khi ở nơi thôn xóm làng ấp, nhà ở, chỗ nằm; lại cũng chẳng vui với các chúng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Điêu Ba Tố Già, Điêu Ba Kỳ Già, khuyên răn người nam v.v... Ở chung nơi vườn mà sống phải biết người ấy thành tựu đệ nhất tịch tịnh pháp, một mình ở yên, nương vào 4 pháp để ở, lìa các dơ uế, bên trong giữ gìn sự chơn thật, xả bỏ sự mong cầu, chẳng nhiễm điều khác, chẳng phải vì thế pháp mà bị ô nhiễm, giống như nơi thế gian có hoa Uất Bát La, hoa Câu Ni Đà, hoa Bát Đặc Ma, hoa Mạn Đà Lợi, nương vào nước để sống, nương vào nước mà trưởng thành. Tuy từ nước xuất sanh mà không bị nhiễm bởi nước ấy. Người nầy cũng vậy, tuy nương vào thế gian để sống, nương vào thế gian để trưởng thành. Tuy hiện hữu trong thế gian nhưng mà chẳng bị nhiễm ô bởi thế pháp. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng:
Vô học có ba phần
Giới, cứu cánh chỗ đứng
Tu phạm hạnh đầy đủ
Đến phạm hạnh sau cùng
Như vậy chúng Tỳ Kheo
Chứng tối thiện thiền định
Xa rời các khổ ải
Chứng vô thượng an lạc
Ta từ Đức Thế Tôn đã được nghe như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! Nếu có 3 loại hy vọng tìm cầu vui thú thì nên y nơi tịnh giới, chẳng hư chẳng tà, chẳng dơ chẳng tạp. Y vào giới luật nên khởi phẩm cao, muốn chuyên tinh tấn, cuối cùng chẳng giải đãi. Thế nào gọi là ba ? Một là hy vọng cầu tìm nơi danh dự vui chơi. Nên y vào tịnh giới chẳng hư, chẳng tà, chẳng dơ chẳng tạp, hãy nương vào giới nên khởi thượng phẩm muốn cầu siêng năng cuối cùng chẳng giải đãi. Hai là muốn cầu vui lợi dưỡng; nên y vào tịnh giới chẳng hư chẳng tà, chẳng dơ chẳng tạp, y vào tịnh giới nên khởi thượng phẩm, muốn siêng năng tinh tấn cuối cùng chẳng giải đãi. Ba là hy vọng cầu tìm sanh lên cõi thiên là niềm vui; nên y vào tịnh giới chẳng hư chẳng tà, chẳng dơ chẳng tạp; nên y vào tịnh giới nên khởi thượng phẩm mà cầu siêng năng tinh tấn, cuối cùng chẳng giải đãi cho nên có tên là cầu 3 loại vui. Nên y vào tịnh giới mà chẳng hư chẳng tà, chẳng dơ chẳng tạp y vào nơi tịnh giới nên khởi thượng phẩm muốn cầu tinh tấn chung lại chẳng giải đãi. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng:
Vì cầu ba niềm vui
Người trí giữ gìn giới
Vì đời thường giữ gìn
Lợi dưỡng vui cõi trời
Xem niềm vui như thế
Kẻ trí giữ gìn giới
Dương xa ác gần trí
Như lâm vào đường ác
Nhưng không làm việc ác
Mà gần gũi người ác
Giống như cỏ Kiết Tường
Hôi tanh như thịt cá
Gần gũi chẳng nên xem
Đùa bỡn chẳng nên đùa
Như mang đồ quý giá
Bỏ phẫn uế ra xa
Thế gian vui người hiền
Thường sợ dơ nhớp nhiễm
Kẻ trí tuệ cũng thế
Sợ nhiễm ác, thân trí
Ta từ Đức Thế Tôn đã được nghe như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết ! Có 3 loại hương chỉ thuận theo chiều gió, chẳng thể nghịch gió. Thế nào là ba ? Một là căn hương, hai là kinh hương, ba là hoa hương. Như thế là 3 loại, chỉ thuận theo chiều gió, không thể nghịch gió. Các Tỳ Kheo nên biết, nên nghĩ như thế nầy, không có loại hương nào mà không thuận theo chiều gió, hoặc nghịch chiều gió, hoặc cả thuận nghịch mà tất cả có thể được. Cho nên trong Phật Pháp của ta có một loại diệu hương có thể thuận theo chiều gió mà cũng có thể nghịch chiều gió, mà cũng có thể thuận nghịch. Ở trong trời người, tất cả đều nghe đến phần hương, thế gian hiền thánh chẳng ai là không trân quý ở trong Phật Pháp của ta, có một loại hương thơm mà có thể thuận gió, cũng có thể nghịch gió, cũng có thể thuận nghịch, ở trong trời người đều có thể nghe được hương thơm. Thế gian hiền thánh chẳng ai là chẳng trân quý. Đó là hương giới. Do giới hương nầy mà có thể thuận gió, có thể nghịch gió, có thể thuận nghịch, ở trong trời người tất cả đều nghe biết đến hương đó. Thế gian hiền thánh chẳng ai mà chẳng trân quý. Như vậy có tên trong Phật Pháp của ta. Có một loại hương thơm, thuận theo chiều gió, nghịch với chiều gió, có thể thuận nghịch theo chiều gió. Người trời đều nghe đến hương đó. Thế gian hiền thánh chẳng ai là không quý. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng:
Thế gian các sở hữu
Gốc, thân, hoa cùng hương
Chẳng thể nghịch gió được
Dẫu cho có thế lực
Chỉ ở Phật Pháp ta
Có một loài hương quý
Gió nghịch hay gió xuôi
Dẫu sao vẫn có hương
Ở trời hoặc cõi người
Các thế gian hiền thánh
Tất cả đều trân quý
Đó là hương giới đức
Nếu mà từ giới nầy
Chẳng buông lung mà ở
Sanh ra được định huệ
Vĩnh viễn dứt khổ ải
Sâu vào nghĩa kinh trước Uẩn Đà Nam viết:
Đồng giới cảm về sau
Cầu lợi và muốn sanh
Ác nói giống con lừa
Bốn học và bốn giới.
Kinh Bổn Sự quyển thứ sáu

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]