Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 2: Tăng Già Bà Thi Sa

14/05/201312:07(Xem: 9498)
Chương 2: Tăng Già Bà Thi Sa

Hiệp Chú

Chương 2: Tăng Già Bà Thi Sa

Hòa thượng Thích Trí Thủ

Nguồn: Hòa thượng Thích Trí Thủ dịch

I. TỔNG TIÊU:

Thưa các đại đức, đây là mười ba pháp tăng già bà thi sa, xuất từ giới kinh, nửa tháng tụng một lần.

+ Tăng già bà thi sa: xem giải thích trong phần sau, Sám hối và Trị phạt.

II. GIỚI TƯỚNG:

ĐIỀU 1: Cố tiết tinh.

A. CHÁNH VĂN:

Tỳ kheo nào cố ý làm xuất tinh, trừ chiêm bao, tăng già bà thi sa.

B. LƯỢC GIẢI:

1. THÍCH NGHĨA:

+ Tứ phần: cố lộng âm xuất tinh "cố vọc âm làm cho xuất tinh". – Ngũ phần: cố xuất bất tịnh, "cố ý làm xuất bất tịnh". – Thập tụng, Tăng kỳ, Giải thoát: cố xuất tinh, "cố ý làm xuất tinh". – Căn bản: cố tâm tiết tinh.

Cố ý làm xuất tinh: Do dục tâm dồn nén, nhưng không có hành vi giao hợp trong các đạo hay phi đạo, như đã đề cập ở ba la di thứ nhất, mà tìm cách kích thích cho tinh tự xuất. Hành vi này thông thường gọi là sự thủ dâm.

Cố ý: Làm như vậy có mục đích, có chủ ý. Thập tụng 3, có 3 mục đích: 1. Vì muốn thọ lạc. 2. Để trị bịnh, nghĩa là để giải quyết sự dồn nén. 3. Muốn thí nghiệm; chẳng hạn, muốn thử coi tinh của mình có màu gì: trắng, vàng v.v… Căn bản tỳ nại da 11, có 5 trường hợp cố ý khác nhau: 1. Vì muốn thọ lạc. 2. Vì muốn luyện chú thuật. 3. Vì chủng tử, tức để cho người ta cấy thai. 4. Để làm thuộc, cũng như để trị bịnh, đã dẫn trên. 5. Để thí nghiệm, như trên.

Tứ phần 5 liệt kê 11 trường hợp cố ý: 1. Vì muốn thọ lạc. 2. Để làm thuốc. 3. Tự thí nghiệm. 4. Để cầu phước đức. 5. Để hiến tế thần linh. 6. Để được sanh thiên. 7. Để bố thí. 8. Để làm chủng tử, như đã nói trên. 9. Vì buông lung, tức để đùa giỡn chơi. 10. Muốn thử sức khỏe của mình. 11. Để cho nhan sắc tươi tỉnh, tức để không còn bị dồn nén.

Làm việc ấy với một trong các động cơ kể trên đều được gọi là cố ý tiết tinh.

2. PHẠM TƯỚNG:

a. Tăng già bà thi sa: Yếu tố căn bản để nói một người phạm học xứ của Tỳ kheo, trước hết, phải là bản thể Tỳ kheo chưa mất. Yếu tố này chung cho tất cả 250 học xứ của Tỳ kheo. Từ đây trở xuống sẽ không nhắc lại yếu tố này nữa. Dưới đây là các yếu tố, nếu hội đủ, phạm tăng già bà thi sa:

1) Cố ý, với một trong 11 động cơ đã nêu trên.

2) Động thân, nghĩa là kích thích sanh chi tức nam căn bằng bất cứ phương tiện nào.

3) Tinh xuất.

b. Thâu lan giá:

1 và 2) như trên. 3) Tinh chưa xuất, hối tâm không tiến hành nữa.

- Hoặc dạy người khác, và người ấy tinh đã mất.

c. Đột kiết la:

- Vọc sanh chi, tức nam căn, nhưng không có nhiễm tâm.

- Nhìn sanh chi với nhiễm tâm.

- Dạy người khác, người ấy tinh chưa xuất.

d. Không phạm:

- Các trường hợp mộng tinh, di tinh, hượt tinh.

- Các trường hợp thất bất tịnh do đụng chạm ngoài sự cố ý, không có nhiễm tâm.

e. Linh tinh:

- Bị người nữ nắm, đụng chạm thân thể, Tỳ kheo động thân, thất bất tịnh: tăng già bà thi sa, không động thân, thất bất tịnh: không phạm.

- Thấy súc sanh giao cấu, Tỳ kheo động tâm, thất bất tịnh: không phạm, nhưng cần phải trách tâm. Về sau, nếu do nhiễm tâm muốn thọ lạc, cố ý đi xem sự tái diễn, và để thất bất tịnh: tăng già bà thi sa. Các trường hợp vô tình thấy nam nữ giao hội cũng vậy, theo đây mà suy và định tội.

3. DUYÊN KHỞI:

Phật tại Xá Vệ. Tỳ kheo Ca Lưu Đà Di, do bị dục tâm dồn nén, nhan sắc tiều tụy. Ông bèn lộng âm cho xuất tinh, nhan sắc trở lại tươi nhuận. Do đó, Phật kết giới, lầm đầu: "Tỳ kheo nào cố ý làm xuất tinh, tăng già bà thi sa".

Một số Tỳ kheo bị mộng tinh, nghi ngờ phạm tăng già bà thi sa, trình bày với Phật. Ngài bổ túc điều học đã kết: "Tỳ kheo nào cố ý làm xuất tinh, trừ chiêm bao, tăng già bà thi sa".

ĐIỀU 2. Xúc nữ.

A. CHÁNH VĂN:

Tỳ kheo nào, do dục tâm dồn nén, xúc chạm thân thể người nữ, hoặc nắm tay, hoặc nắm tóc, hoặc xúc chạm bất cứ một thân phần nào, tăng già bà thi sa.

B. LƯỢC GIẢI:

1. THÍCH NGHĨA:

+ Xúc nữ, hoặc nói nữ thân tương xúc: Xúc chạm đến thân thể người nữ.

+ Dục tâm dồn nén([1]): Tứ phần: dâm dục ý, và được giải thích là ái nhiễm ô tâm, "tâm bị nhiễm ô bởi khát ái". Tăng kỳ nói là dâm dục biến tâm, và giải thích, dâm dục, nghĩa là tâm nhiễm ô. Biến tâm: tâm quá khứ diệt tận, biến đổi, gọi là biến. Nhưng biến đổi ở đây là chỉ cho sự biến đổi của căn, lực, giác, đạo. Tâm, chỉ ý thức.

Thập tụng nói dục thạnh biến tâm, "tâm bị biến đổi do sự dồn nén tình dục", và giải thích: "Dục thạnh (dồn nén tình dục) tức là biến tâm, cũng gọi là tham tâm, nhiễm tâm, hệ tâm. Có trường hợp biến tâm nhưng không phải là dục thạnh (…) như người cuồng si, người tâm loạn".

Căn bản: dĩ nhiễm triền tâm, "do tâm bị ràng buộc bởi dục nhiễm". Nghĩa là, tâm duyên vào ngoại cảnh, bị lôi cuốn, bị buộc chặt vào đó, rồi nhiễm tâm khởi lên.

+ Người nữ, chỉ nữ thuộc loài người, chứ không phải các loài dạ xoa, ngạ quỷ, súc sanh. Người nữ chỉ chung, hoặc thiếu phụ, hoặc thiếu nữ, hoặc đồng nữ, nghĩa là, người nữ có thể giao hội được. Luật nhiếp 3 nói rõ thêm, người nữ mà chi tiết thân thể không bị thương tổn.

+ Xúc chạm thân thể: Tứ phần: thân tương xúc, Tăng kỳ: thân thân tương ma xúc, "cả hai than cùng cọ xát nhau". Nghĩa là ôm trọn nhau.

+ Thân phần: Trừ phần tóc và hai tay, gồm các bộ phận còn lại của thân thể.

2. PHẠM TƯỚNG:

a. Tăng già bà thi sa, nếu hội đủ các yếu tố:

- Có nhiễm tâm, nghĩa là có ám ảnh tình dục.

- Đối tượng là người nữ, và biết rõ là người nữ.

- Đã xúc chạm.

b. Thâu lan giá:

- Nhiễm tâm xúc chạm thân nữ loài quỷ, loài súc sanh có khả năng biến hình người.

- Nhiễm tâm xúc chạm thân người nam, các hạng hoàng môn, hai căn.

- Nhiễm tâm xúc chạm thân người nữ nhưng tưởng là nam, tưởng là hoàng môn, hai căn.

- Bị người xúc chạm, nhiễm tâm khởi, động thân.

c. Đột kiết la:

- Xúc chạm thân người nữ nhưng không có nhiễm tâm.

- Với nhiễm tâm, xúc chạm thân người nữ đã chết và đã hủy hoại hơn phần nửa.

- Với nhiễm tâm, sờ vào y phục người nữ đang mặc.

3. DUYÊN KHỞI:

Phật tại Xá Vệ. Ca Lưu Đà Di, bị ám ảnh tình dục, nhưng không dám phạm điều học tăng tàn 1 về sự lộng âm thất tinh, bèn dụ dẫn các người nữ vào phòng rồi ôm; lần khác, nắm tóc; lần khác nữ, nắm tay. Do đó, Phật chế điều học này.

ĐIỀU 3. Thô ác ngữ.

A. CHÁNH VĂN:

Tỳ kheo nào, do dục tâm dồn nén, nói lời thô tục về dâm dật với người nữ, tùy theo lời nói thô tục về dâm dật, tăng già bà thi sa.

B. LƯỢC GIẢI:

1. THÍCH NGHĨA:

+ Dục tâm dồn nén: xem giải thích ở điều 2.

+ Nói lời thô tục về dâm dật: Tứ phần: thô ác dâm dục ngữ, "thô ác nghĩa là phi phạm hạnh. Dâm dục ngữ là mô tả sự đẹp hoặc xấu của hai đạo (đại và tiểu tiện).

Ngũ phần: thô ác ngữ. - Tăng kỳ: xú ác ngữ. Thập tụng: bất tịnh ác ngữ. Căn bản: bỉ ác bất quỷ dâm dục tương ưng ngữ, "lời nói thấp hèn, không hợp lẽ, liên hệ đến sự dâm dục".

Căn bản tỳ nại da 11, Luật nhiếp 3 nêu 9 trường hợp khác nhau về những lời nói thấp hèn này: 1. Nói tốt: mô tả các cửa đẹp đẽ, khả ái như thế này thế kia. 2. Nói xấu: chê bai các cửa xấu xa các thứ. 3. Trực khất, tỏ lời yêu cầu thằng: Cô đến đây cùng tôi làm cái sự như thế như thế. 4. Phương tiện khất, tỏ lời yêu cầu gián tiếp, tỏ tình: Tôi rất mực yêu thương cô. 5. Trực vấn, hỏi thẳng, như hỏi: Nếu người nữ làm chuyện như vậy thì tỏ ra là yêu thương người nam ấy rất mực, nếu cô cũng làm việc ấy với tôi, tôi sẽ rất thương cô... 6. Khúc vấn, hỏi quanh, như nói: Nếu có người nữ làm việc ấy thì được người nam ấy yêu thương, bây giờ cô có thể làm chuyện ấy hay không?... 7. Dẫn ngôn, nói gợi ý, như nói: Cô ấy trước đây có làm chuyện ấy với tôi, nay cô cũng nên làm như vậy. 8. Tán thán, như nói: Nếu cô làm chuyện ấy với tôi, cô sẽ cảm được lạc thú cõi trời. 9. Sân mạ, tức chửi bới, dùng những lời nói thấp hèn, liên hệ sự dâm dục, mà mạ lỵ.

+ Với người nữ: Phái nữ thuộc loài người, hiểu rõ ý nghĩa các lời nói thấp hèn dâm dật.

+ Tùy theo lời nói thô tục về sự dâm dật: Tứ phần: tùy sở thuyết thô ác dâm dục ngữ. Tứ phần hàm chú: "Nói một lần, phạm một tội tăng tàn. Nói nhiều lần, mỗi lần nói là một tội tăng tàn". Ngũ phần: tùy dâm dục pháp thuyết, "nói những lời liên lệ đến pháp dâm dục". Tăng kỳ: tùy thuận dâm dục pháp như niên thiếu nam nữ, "liên hệ đến tình dục, như thanh niên và thiếu nữ nói với nhau". Thập tụng 3: tùy dâm dục pháp thuyết, như người niên thiếu nam nữ nói chuyện với nhau về việc tình dục. Căn bản: như phu thê, như vợ chồng nói chuyện với nhau([2]).

Nói chung, như các thanh niên và thiếu nữ trao đổi nhau những lời nói về sự luyến ái, về tình dục, như tỏ tình, nói lời khêu gợi dục tâm, v.v...

2. PHẠM TƯỚNG:

a. Tăng già bà thi sa, hội đủ các yếu tố:

- Có nhiễm tâm, bị dục tình ám ảnh.

- Đối tượng là người nữ và biết rõ là người nữ.

- Nói lời thô tục về dâm dật.

- Đã nói xong một vấn đề.

- Người nghe hiểu rõ.

b. Thâu lan giá:

- Các yếu tố như trên, nhưng người nghe không hiểu.

- Các yếu tố như trên, nhưng đối tượng không phải là phái nữ thuộc loài người (quỷ thần, súc sanh có khả năng biến hình).

- Các yếu tố như trên, nhưng đối tượng không phải là người nữ, mà là người có hai căn, hạng hoàng môn.

- Các yếu tố như trên, nhưng đối tượng là người nữ mà tưởng không phải là nữ.

c. Đột kiết la:

- Các yếu tố như thâu lan giá nhưng không có nhiễm tâm.

- Các yếu tố như thâu lan giá nhưng người nghe không hiểu.

d. Không phạm:

- Với đối tượng nữ, giảng nói về bất tịnh quán, về các điều liên hệ pháp, liên hệ tỳ ni.

- Nói trong chiêm bao.

3. DUYÊN KHỞI:

Phật tại Xá Vệ. Ca Lưu Đà Di, do tình dục ám ảnh, không dám phạm các điều tăng tàn mà Phật đã chế, nhưng khi có người nữ đến viếng tinh xá, ông dẫn đi xem các phòng, hoặc có khi thuyết pháp, rồi nhân đó sanh nhiễm tâm, nói các lời thô tục thấp hèn. Do đó, Phật chế điều học này.

ĐIỀU 4. Sách cúng dường.

A. CHÁNH VĂN:

Tỳ kheo nào, do dục tâm dồn nén, đối trước người nữ, tự khen thân mình rằng: "Này cô, tôi tu phạm hạnh, trì giới tinh tấn, tu tập pháp thiện, nên đem pháp dâm dục ấy cung phụng tôi, sự cung phụng ấy là bậc nhất": Tăng già bà thi sa.

B. LƯỢC GIẢI:

+ Tự khen mình: ([3])

Tứ phần 3: "Tự thán thân, nghĩa là, khen thân thể mình đoan chánh, nhan sắc tốt đẹp, nói rằng: "Tôi thuộc dòng dõi Sát đế lị, trưởng giả, cư sĩ, Bà la môn...".

Ngũ phần: tự tán cúng dường thân, "khen ngợi sự cúng dường bằng thân thể".

Tăng ký 5: thán tự cúng dường thân, "khen ngợi sự tự cúng dường bằng thân", và giải thích: "đó là khen ngợi tự thân của mình".

Thập tụng 3: "Dĩ thân cúng dường (đem thân mà cúng dường), nghĩa là, đem tự thân làm sự dâm dục để cúng dường".

Căn bản: thán tự thân: "khen thân mình", như Tứ phần.

Giải thoát: tự tán thân, nghĩa như Tứ p hần, Thập tụng.

Ý nghĩa của điều học này có liên hệ đến một tập tục tín ngưỡng ở Ấn Độ, đó là sự hiện diện của các vũ nữ trong các đền thờ thần linh. Nếu không có cơ sở từ một sự liên hệ như vậy, thì nội dung được quy định trong điều học này khó có thể tự giải thích tầm mức quan trọng của nó để đáng được kể là một tội lỗi nặng như tội tăng già bà thi sa, mặc dù các sớ giải của các bộ phái không đề cập gì đến tập tục tín ngưỡng này. Các chú giải Trung Quốc đương nhiên càng không có cơ sở để đề cập đến. Ngay cả trong Kinh tạng cũng không thấy nó được đề cập một cách minh nhiên. Có lẽ ngoài một điểm cần lưu ý trong Trường A Hàm([4]). Điểm đó nói: Sa môn Cù Đàm không súc dưỡng đồng nam, đồng nữ, không súc dưỡng tôi tớ trai, tôi tớ gái. Trong ý nghĩa chung của toàn đoạn văn, đây là một trong những điểm phân biệt đời sống đạo đức của Phật khác với các tu sĩ Bà la môn. Tuy kinh không nói gì rõ hơn, nhưng cũng gián tiếp cho biết rằng một số tu sĩ Bà la môn tại các đền thờ có nuôi các đồng nữ. Vai trò các đồng nữ này là vũ nữ, giúp vị tế sư trong các buổi hiến tế. Ngoài quan hệ tôi tớ hay người phụ tế ấy, mối quan hệ đời sống, nhất là đời sống tình dục, của các nàng với tu sĩ tại đền thờ như thế nào, các kinh điển đạo Phật không thấy nói rõ. Nhưng, đoạn giới thiệu duyên khởi của điều học này trong Thiện kiến 13 có thể coi là một ám chỉ quan trọng. Đáng tiếc là đoạn văn này của Thiện kiến hơi lộn xộn, ý nghĩa không rõ ràng. Chi tiết khá rõ có thể đọc trong kinh Phân biệt của Luật tạng Thượng tọa bộ Pàli([5]). Theo đây, Ưu Đà Di, tức Ca Lưu Đà Di, thuyết pháp khá hay, được một Ưu bà di rất ngưỡng mộ. Sau một thời pháp, nàng hỏi Ưu Đà Di cần thứ gì để nàng dâng cúng. Ưu Đà Di đáp: các thứ đều đủ, chỉ thiếu một điều khó tìm kiếm được. Nàng hỏi điều gì, thì Ưu Đà Di đáp: đó là pháp dâm dục. Nàng nhận lời, và gọi Ưu Đà Di vào phòng kín, rồi nằm xuống, lõa thể. Ưu Đà Di đến bên cạnh, nhổ một bãi nước bọt, và nói: "Ai lại có thể đụng đến cái thứ xấu xa hôi thối ấy". Rồi bỏ đi. Nếu không phải do từ một tập tục tín ngưỡng đã thành phổ biến, thì sự đòi hỏi của một tu sĩ đối với một tín đồ nhiệt thành, sau khi nghe một bài pháp với niềm tin như vậy, khó có thể tưởng tượng một thái độ chấp nhận dễ dàng như vậy.

Tập tục này liên hệ đến tính ngưỡng tính lực (sakti) trong tôn giáo thờ thần Siva. Trong giáo phái này, nguyên lý tín lực được nhân cách hóa thành nữ thần Umà, vợ của thần Siva. Tín ngưỡng này thật sự đã thâm nhập Phật giáo qua ngõ Mật tông, trong đó Minh phi giữ một vị trí quan trọng. Mỗi bản tôn đều có một Minh phi tương ứng, biểu hiện cho nữ tính hay nguyên lý âm tính. Lý thuyết chủ yếu là Đại lạc kim cang, đặt cơ sở trên tư tưởng Lý thú Bát nhã, theo đó, "tất cả các pháp đều thanh tịnh, nên dục nhiễm cũng thanh tịnh". Mặc dù đây là những phát triển về sau, nhưng nguồn gốc của nó nhất định đã có mặt trong thời Đức Phật. Từ những quan hệ thực tế của đời sống, theo đà phát triển của lịch sử, người ta đã nâng nó lên thành một tín ngưỡng tôn giáo, có căn bản lý luận và tư tưởng hẳn hoi.

Như vậy, điều nói rằng "trong các sự cúng dường, tối thượng là sự cúng dường bằng thân thể, tức hành pháp dâm dục" không phải là lời nói chơi, hay một hành vi bốc đồng của ông Ca Lưu Đà Di đa sự. Nếu hành vi bốc đồng của Ca Lưu Đà Di chỉ là một hiện tượng cá biệt, tất nhiên khó có thể là nguyên nhân để Phật chế điều học quan trọng như tăng già bà thi sa, trừ phi đây là một hiện tượng có tính cách phổ biến, một tập tục tôn giáo mà người ta không lấy gì làm ngạc nhiên.

Có thể nói, nhân điển hình của Ca Lưu Đà Di, Đức Phật quy định điều học này có mục đích ngăn chặn một kiểu tà kiến và tà mạng. Trong bối cảnh tín ngưỡng tôn giáo phức tạp của Ấn Độ, một điều học như vậy thật hết sức quan trọng. Còn ở Trung Hoa, cũng như các nước không hề biết đến loại tín ngưỡng như thế, thì điều học này quả thật vụn vặt, nếu không muốn nói là vô nghĩ, phi lý đến độ khó có thể chấp nhận.

+ Này cô... ấy là bậc nhất: Dẫn giải cụ thể sự yêu sách.

Sự cung phụng ấy là bậc nhất: Hán: thị cúng dường tối. Ở đây, cúng dường có nghĩa là sự hầu hạ, phục vụ, phụng sự. Nghĩa là, phụng sự vị tu sĩ bằng chính thân thể thì cũng được phước báo y như dâng hiến thân thể cho thần linh.

2. PHẠM TƯỚNG:

Các yếu tố để phạm hoặc tăng già bà thi sa, hoặc thâu lan giá, hoặc đột kiết la, hoặc không phạm, thảy đều giống như trong điều 3 về thô ác ngữ ở trên. Chỉ có khác là, thay vì nói lời thô tục về dâm dật, thì ở đây nói lời yêu sách sự cung phụng bằng thân thể, tức đem pháp dâm dục mà phục vụ.

3. DUYÊN KHỞI:

Đại lược, các bộ giống nhau: Phật tại Xá Vệ. Ca Lưu Đà Di do dục tình dồn nén, bèn nói với người nữ về lời nói yêu sách ấy.

Về chi tiết khác nhau, Ngũ phần và Tứ phần, Thập tụng và Căn bản tỳ nại da kể vắn tắt: Ưu Đà Di dẫn các nàng xem các phòng xá, rồi đưa về phòng mình, và nói lời yêu sách ấy.

Tăng kỳ 5 kể chi tiết hơn: Một người Bà la môn vốn là chỗ quen thân cố cựu của Ưu Đà Di, nhân có việc phải đi vắng lâu ngày, đã yêu cầu Ưu Đà Di thỉnh thoảng đến thăm chừng vợ con mình trong khi mình đi vắng. Ưu Đà Di nhận lời. Đến thăm, và nói với vợ Bà la môn là chẳng mấy khi mình có dịp ghé lại thăm, vậy nay bà có gì đặc biệt dành cho hay không? Bà đề cập đến những nhu yếu hàng ngày, nhưng Ưu Đà Di từ chối hết thảy. Sau cung, ông nói: Chỉ có một thứ mà người xuất gia rất khó tìm kiếm được. Bà hỏi: Thứ gì? Ưu Đà Di đáp: Nhà ngươi đa tình, gian trá như tên giặc có bốn con mắt, tại sao lại không biết? Người vợ Bà la môn nói là thật sự mình không biết và yêu cầu Ưu Đà Di nói rõ, Ưu Đà Di bèn nói lời yêu sách cung phụng, đại ý như đã thấy trong chánh văn của điều học này. Bấy giờ, trong số những người đàn bà có mặt, những người niên thiếu thì hổ thẹn, bỏ về hết. Những người già cả bèn lên tiếng khiển trách. Phật biết rõ sự vụ, và Ngài kết giới.

ĐIỀU 5. Môi giá.

A. CHÁNH VĂN:

Tỳ kheo nào, qua lại người này người kia làm mai mối, đem ý người nam nói với người nữ, đem ý người nữ nói với người nam, hoặc để cho thành việc vợ chồng, hoặc để cho tư thông dù chỉ trong chốc lát, tăng già bà thi sa.

B. LƯỢC GIẢI:

1. THÍCH NGHĨA:

+ Môi giá: Làm mai mối. Hành vi qua lại làm trung gian giữa hai người, theo định nghĩa chung, gọi là làm sứ giả. Hành vi ấy, nếu được thực hiện với đối tượng là người nam và người nữ, có nội dung là việc vợ chồng, hay liên hệ đến tình dục nam nữ, hành vi này gọi là làm mai mối.

Mặc dù luật của các bộ phái không có điều nào nói đến việc ám chỉ Tỳ kheo làm sứ giả cho người thế tục, mà chỉ quy định hành vi làm trung gian cho hai người liên hệ đến tình cụ là tăng già bà thi sa như trong điều học này, nhưng việc lãnh vai trò trung gian, làm sứ giả cho người thế tục, được coi là hành vi không thích hợp cho đời sống một Tỳ kheo. Điều này được nói đến trong Trường A hàm 14: "Các tu sĩ Bà la môn mặc dù nhận sự bố thí do tín tâm của người khác nhưng vẫn còn nhận lãnh sứ mạng của người thế tục, như vua, quan v.v..., giữ vai trò người thông tin liên lạc, đem tin từ người này đến người kia, từ người kia cho người này, hoặc tự mình làm, hoặc khiến người khác làm. Sa môn Cù Đàm không làm những công việc như vậy".

Nói rằng luật của các bộ phái không quy định tội phạm cho hành vi như thế là nói không có minh văn. Nhưng trong ý nghĩa thì nó được hàm ngụ trong điều khoản thứ 12 của tăng già bà thi sa theo Luật Tứ phần, sẽ nói rõ ở đoạn sau, cũng trong chương này.

+ Qua lại người này... làm mai mối: Hán, Tứ phần 3: vãng lai bỉ thử môi giá, với giải thích: "vãng lai nghĩa là liên lạc để hai bên hòa hiệp (Hán: sử sở ưng khả hòa hiệp)". Căn cứ theo giải thích, có thể thấy trong nguyên bản chỉ hàm chứa từ vãng lai, các chi tiết khác của câu văn này hoặc do chính dịch giả thêm vào cho rõ nghĩa. Tức dịch giả của Tứ phần ở đây vừa dịch vừa giải([6]).

Tăng kỳ 6: "Thọ sứ hành... Sứ: lãnh công việc của sứ giả. Hành: qua lại".

Thập tụng 3: "Hành môi giá pháp... Môi giá pháp, là nhận lời của người rồi đi lui đi tới (làm trung gian liên lạc)".

Căn bản tỳ nại da 12: "Tác môi giá sự... Môi giá, nghĩa là được sai khiến đến kia về đây (làm liên lạc)".

Luật nhiếp 3: "Môi giá sự, nghĩa là qua lại, thông tin tức".

Thiện kiến 13: "... Hành môi pháp... nghĩa là, nhận sự sai khiến của người khác mà làm mai mối".

Tổng hợp các giải thích trên, đoạn này nêu chung hành vi làm trung gian, căn bản của hành vi làm mai mối.

+ Đem ý người nam... dù chỉ trong chốc lát: Quy định cụ thể thế nào là sự làm mai mối. Hành vi qua lại làm trung gian cho hai người là hành vi của một sứ giả, theo ý nghĩa chung. Nhưng nếu trung gian cho hai người liên hệ đến việc vợ chồng hay việc tư thông nam nữ, gọi là mai mối.

+ Người nữ, Ngũ phần 2, có 10 loại: 1. Được cha mẹ bảo vệ, người nữ mà có quyền hôn phối phải do cha mẹ quyết định. 2. Được anh chị bảo vệ. 3. Được thân tộc bảo vệ. 4. Tự bảo vệ, theo giải thích, "tự đắc tự tại, tự dữ tự đoạt", nghĩa là tự mình lấy sự hôn phối. 5. Pháp hộ, được bảo vệ bởi giới pháp, chỉ người nữ tu hành phạm hạnh, nói chung các nữ tu. 6. Tự nhiên, sống theo tự do dục lạc của mình. 7. Đã nhận y phục và tài vật của người (để làm vợ hay hầu thiếp hay nô tỳ của người). 8. Cộng thệ, đã cùng thề thốt với người. 9. Hữu chủ, đã có phu chủ. 10. Tác tín, đã nhận lời người qua trung gian mai mối.

Người nam cũng được phân biệt 10 loại như vậy.

Tứ phần 3, có 20 loại nam và 20 loại nữ. Sự phân loại của các bộ phái không nhất trí. Nhưng trên đại thể thì có 3 loại chủ yếu được phân biệt: 1. Hạng chịu lệ thuộc sự bảo vệ của tập quán luân lý và đạo đức. 2. Hạng làm nô tỳ cho người, không có tự do trong sự quyết định của mình. 3. Hạng sống tự do, không bị ràng buộc bởi luân lý hay vì tình trạng nô lệ. Sự phân loại này cần thiết để xác định trong trường hợp nào sự quan hệ nam nữ được gọi là việc vợ chồng, và trong trường hợp nào thì gọi là tư thông.

2. PHẠM TƯỚNG:

Luật nhiếp 3, có 3 yếu tố xác định hành vi làm mai mối:

1. Chủ định, tức điều mà văn Luật nói: "đem ý người nam nói với người nữ, đem ý người nữ nói với ngời nam".

2. Sự định, tức điều mà văn Luật nói: "hoặc để cho thành việc vợ chồng, hoặc để cho tư thông".

3. Thời định, tức điều mà văn Luật nói: "dù chỉ trong chốc lát".

Sự phân biệt 3 yếu tố như vậy, có mục đích quy định rõ ràng, hành vi qua lại làm trung gian giữa hai người trong điều kiện nào mới được gọi là hành vi làm mai mối. Ngoài đó ra, chỉ là sự qua lại làm trung gian đưa tin, chứ không phải làm mai mối.

Tội tướng được phân biệt như sau:

a. Tăng già bà thi sa: hội đủ các yếu tố:

1) Nhận lời làm trung gian mai mối. Xem lại 3 yếu tố xác định hành vi làm mai mối nói trên.

2) Đối tượng làm trung gian là những người có thẩm quyền quyết định.

3) Hai bên, nam và nữ, đều được thông báo đầy đủ và hiểu rõ ý kiến nhau.

4) Theo Luật nhiếp 3, phàm việc mai mối chỉ khi nào người nam và người nữ đã giao hội với nhau mới thành tội căn bản, tức tăng già bà thi sa.

Nhưng, theo Tăng kỳ 6, Tỳ kheo đã nhận lời bên này, rồi sang nói cho bên kia biết, và trở lại báo cho bên này rõ, dù thành hay bất thành, miễn là hai bên hiểu rõ ý kiến nhau, đều phạm bản tội.

Các bộ khác không đề cập yếu tố thành hay bất thành này. Như vậy có nghĩa là nhất trí với quan điểm của Tăng kỳ.

b. Thâu lan giá:

- Đã nhận lời bên này, đã sang nói lại cho bên kia hiểu rõ nội dung, nhưng không về báo lại cho bên này biết ý kiến bên kia.

- Trung gian mai mối cho một bên có thẩm quyền và một bên không có thẩm quyền quyết định sự hôn phối.

- Được yêu cầu, nhưng không nhận lời. Sau đó, cũng sang nói cho bên kia và bên kia hiểu rõ nội dung, rồi trở lại thông báo cho bên này biết rõ ý kiến bên kia.

c. Đột kiết la:

- Được yêu cầu làm mai mối, và đã nhận lời, nhưng sau đó không nói đi hay nói lại điều gì với bên kia và bên này.

- Được yêu cầu, nhưng không nhận lời, sau đó có nói lại cho bên kia, nhưng không trở lại báo cho bên này biết ý kiến bên kia.

d. Linh tinh:

Các yếu tố được nêu trên để quy định mức khinh trọng của các tội tướng liên hệ điều học này chỉ có tính cách nguyên tắc tổng quát. Khi áp dụng thực tế, tùy theo cơ sở tư tưởng khác nhau về bản chất của hành vi trung gian mai mối, sự phán đoán mức khinh trọng phạm hay không phạm sẽ có những chi tiết khác nhau. Nói chung, có hai cơ sở tư tưởng về bản chất của hành vi trung gian mai mối này.

1. Theo quan điểm của hầu hết luật gia của các bộ phái, rõ rệt nhất là Tăng kỳ và Tứ phần, thì bản chất của hành vi mai mối là pháp dâm dục. Cả hai bộ này đều dẫn lời Phật khiển trách Ca la rằng: "Bằng vô số phương tiện, ta đã giảng dạy cho các Tỳ kheo về pháp ly dục, còn ngươi, tại sao lại tạo điều kiện cho pháp tham dục?". Do quan điểm này, luật gia các bộ đã phán đoán hành vi mai mối một cách nghiêm khắc và áp dụng rộng rãi trên nhiều sự kiên. Thí dụ: Luật Tăng kỳ, với một số phán quyết điển hình như sau:

- Vợ chồng gây gổ, bất hòa, Tỳ kheo khuyến dụ cho hòa hiệp trở lại: thâu lan giá.

- Phụ nữ bỏ nhà chồng trở về nhà cha mẹ, Tỳ kheo khuyến dụ cho trở lại nhà chồng: thâu lan giá.

- Làm trung gian cho hai gia đình để cấy giống tốt cho gia súc: thâu lan giá.

Phán quyết điển hình của Thập tụng:

- Sự mai mối giữa hai nhà do người khác làm trung gian đã xong, nhưng Tỳ kheo nói giúp thêm vào: thâu lan giá.

Tứ phần:

- Môi giới cho loài súc sanh không thể biến mình: đột kiết la.

Thiện kiến: cha mẹ bất hòa, ly thân mỗi người một nơi, sau đó, hoặc cha, hoặc mẹ, muốn tại hợp, yêu cầu Tỳ kheo làm trung gian cho tái hợp, nếu Tỳ kheo nhận lời và làm trung gian cho cha mẹ mình tái hợp, sống chung trở lại, tăng già bà thi sa.

Nói tóm, bất cứ hành động nào của Tỳ kheo mà có liên hệ đến sự kết hợp pháp dâm dục giữa nam và nữ, dù loài người, hay loài súc sanh, đều phạm điều học này, tùy theo các yếu tố mà phán quyết khinh trọng.

2. Nếu nhận định rằng bản chất của điều học này là cấm chỉ Tỳ kheo làm sứ giả cho người tục, thì chỉ khi nào qua lại hai bên dầu làm trung gian, hoặc theo yêu cầu, hoặc tự nguyện, bấy giờ tội phạm mới liên hệ đến điều học này. Theo cơ sở này thì sự phán quyết các trường hợp vi phạm sẽ ít nghiêm khắc hơn. Mặc dù các bộ phái không hoàn toàn bác bỏ quan điểm này, nhưng không coi nó là chủ yếu như sự kết hợp nam nữ liên hệ pháp tham dục.

Trong Kinh tạng, đặc biệt là kinh Thiện sanh (Trường a hàm 11, Trung a hàm 33), Đức Phật đã nêu rõ trách nhiệm của bậc làm cha mẹ đối với việc dựng vợ gả chồng cho con cái, và Ngài cũng nói đến các bổn phận của người chồng và người vợ trong gia đình. Theo tinh thần ấy thì Đức Phật hẳn đã không dạy các Tỳ kheo làm ngơ trước cảnh gia đình tan vỡ vì bất hòa của các Phật tử tại gia. Tăng nhất a hàm 22 có ghi trường hợp Cấp Cô Độc muốn gả con gái cho một nhà phú hộ, đến thỉnh Đức Phật, và Ngài cũng tán thành cuộc hôn nhân này, Xem thế, kinh điển không có thái độ khắt khe đối với việc hôn phối của người cư sĩ.

Như vậy, ở đây có thể kết luận rằng, chỉ khi nào Tỳ kheo có hành vi làm trung gian mai mối, thì tội phạm mới được nghiêm xét các mức khinh hay trọng trong các yếu tố của điều học này.

3. DUYÊN KHỞI:

Theo Tứ phần 3: Phật trú tại núi Kỳ Xà Quật, thành Vương Xá. Tỳ kheo Ca La nguyên trước là một đại thần, hiểu rành các tục pháp, bèn làm mai mối kết hợp vợ chồng cho các cư sĩ. Những gia đình do Ca La làm mai mối, nếu vợ chồng sống hòa thuận, hạnh phúc, thì nhớ ơn Ca La nên thường hoan hỷ cúng dường Ca La cùng các Tỳ kheo khác. Trái lại, những gia đình mà hôn nhân ấy đưa đến kết quả không tốt đẹp, họ phiền trách, oán hận Ca Lan và rồi mọi người chê bai các Tỳ kheo khác. Do đó, Phật kết giới này.

Các bộ phái khác thì nói Phật trú tại Xá Vệ. Ngũ phần thì kể người gây tội đầu tiên là nhóm sáu Tỳ kheo. Họ làm mai mối, liền bị các cư sĩ chê bai, chứ không nói là phải đợi đến kết quả xấu do sự mai mối ấy.

Tăng kỳ 6: Cũng Tỳ kheo Ca La như Tứ phần. Ở đây, Ca La tự mình gợi ý về việc cặp đôi trai gái giữa hai gia đình, vốn là chỗ quen biết thân tình của Ca La. Rồi sau đó, được yêu cầu và nhận lời làm mai mối. Kết quả, cô gái làm dâu cực khổ, cô và cha mẹ cô oán hận Ca La.

Thập tụng 3: Phật tại Xá Vệ. Nhân vật chính cũng là Ca La, và chuyện diễn ra đại khái như Tứ phần. Nhưng ở đây có thêm một vài chi tiết nhỏ: Ca La là con trai của trưởng giả Lộc Tử, nguyên là người làm mai mối nổi tiếng. Sau khi xuất gia, do uy tín trước kia, nên vẫn có nhiều cư sĩ đến cậy làm mai. Do kết quả tốt hoặc xấu bất nhất của các cuộc hôn phối ấy, các cư sĩ bèn chỉ trích Tỳ kheo làm mai mối.

Căn bản tỳ nại da 12: Phật tại Xá Vệ. Con trai của trưởng giả Hắc Lộc Tử, sau khi xuất gia, vẫn được các cư sĩ nhờ cậy làm mai mối. Ân oán do kết quả mai mối ấy cũng giống như Tứ phần và Thập tụng. Nhưng bấy giờ Phật chưa chế giới ngay.

Sau đó, nhóm sáu Tỳ kheo cũng làm mai mối, liên lạc cho các người nam nữ tư thông, lén lút với nhau. Do đó, tiếng xấu được đồn lên. Và do vậy, Phật kết giới này.

ĐIỀU 6. Tự tác ốc.

A. CHÁNH VĂN:

Tỳ kheo nào, tự khất cầu để cất thất không có thí chủ tự làm cho mình, cần phải làm đúng lượng. Trong đây đúng lượng là: dài mười hai gang tay Phật, bên trong rộng bảy gang tay Phật. Phải mời các Tỳ kheo đến chỉ định nơi chốn. Các Tỳ kheo ấy cần chỉ định nơi chốn, là nơi không có nguy hiểm, nơi không bị bít lối. Nếu Tỳ kheo, nơi có nguy hiểm, nơi bị bít lối, tự khất cầu cất thất, không có thí chủ, tự làm cho mình, không mời các Tỳ kheo đến chỉ định nơi chốn, hoặc làm quá lượng, tăng già bà thi sa.

B. LƯỢC GIẢI:

1. THÍCH NGHĨA:

+ Tự khất cầu để cất thất([7]): Tứ phần 3: "Tự cầu tác ốc..., tự khất cầu, nghĩa là tự mình đi xin (vật tự v.v...) ở chỗ này một ít, ở chỗ kia một ít. Ốc tức là phòng (thất)".

Ngũ phần 2: "Tự khất tác phòng... Tự khất, nghĩa là, Tỳ kheo đi xin (vật dụng v.v...) từ kẻ khác cho mình. Phòng, là ở bên trong người ta có thể đi, đứng, nằm, ngồi".

Tăng kỳ 6: "Tự khất tác phòng xá... Tự khất, tự mình đi xin, tự mình đi xin, từ các gia đình, hoặc 1 tiền, hoặc 2 tiền, cho đến trăm nghìn tiền. Phòng xá, loại mà Phật cho phép. Tác, tự mình làm hay nhờ người khác làm".

Thập tụng 3: "Tự khất tác xá... Tự khất, Tỳ kheo tự mình xin từ những người khác từ 1 tiền, 50 tiền cho đến 100 tiền. Xá, các loại nhà cửa, nhà mát, điện đường, lầu gác, nhà một cột, nhà có tầng".

Căn bản tỳ nại da 12: "Tự khất tác tiểu phòng... Tự khất, tự mình xin cỏ, xin cây, tìm kiếm xe cộ và nhân công. Tiểu phòng, bên trong đủ để có thể đi, đứng, nằm, ngồi. Tác, tự mình làm nhờ người khác".

Nói tóm, tự khất cầu là tự mình thân hành đi xin từ các thí chủ những vật liệu xây cất như gỗ, tranh v.v... Đối tượng xây cất là loại nhà nhỏ, đủ dùng cho một người, có thể đi đứng ở bên trong. Ta thường gọi là thất, hay cốc.

+ Không có thí chủ tự làm cho mình: Tứ phần 3: "Vô chủ tự vị kỷ... Vô chủ, nghĩa là, Tỳ kheo ấy không có ai, hoặc một người, hai người, cho đến nhiều người. Tự vị kỷ, tự mình đi xin và tự làm cho mình".

Ngũ phần 2: "Vô chủ vị thân... Vô chủ, không có thí chủ nào cả. Vị thân, làm cho mình chứ không phải làm cho người, cũng không phải làm cho Tăng".

Thập tụng 3: "Vô chủ tự vi... Vô chủ, nhà ấy không có đàn việt đứng ra chủ trương. Tự vi, không phải vì Tăng mà làm, nhưng làm riêng cho mình".

+ Cần phải làm đúng lượng... bảy gang tay Phật: Tăng kỳ 6: 1 gang tay Phật bằng 2 xích 4 thốn. Thiện kiến 13: 1 gang tay Phật bằng 3 gang tay người thường. Căn bản tỳ nại da 12, Luật nhiếp 3: 1 gang tay Phật bằng 3 gang tay người thường, 12 gang tay Phật bằng 18 khuỷu tay người thường, và 7 gang tay Phật bằng 10,5 gang tay thường. Theo phép đo của Ấn, 1 khuỷu tương đương gần bằng 0,475m. Vậy, theo cách tính của Căn bản tỳ nại da và Luật nhiếp, 12 gang tay Phật gần bằng 8,3m, 7 gang tay Phật gần bằng 5 mét([8]). Đây là lượng tiêu chuẩn. Luật nhiếp 3: nếu làm lớn hơn phải tốn nhiều công sức và tiền của, như vậy là hoang phí của người mà phế bỏ sự tu tập của mình. Còn nếu làm nhỏ hơn, thì quá hẹp, gây khó khăn cho việc đi đứng.

+ Cần phải mời các Tỳ kheo... nơi không bị bít lối: Các Tỳ kheo, chỉ cho Tăng. Đoạn văn này quy định, việc cất thất riêng của Tỳ kheo phải được Tăng yết ma cho phép.

Văn yết ma dưới đây, dịch theo Tứ phần 3([9]).

Tỳ kheo muốn cất thất riêng, sau khi lựa chọn nơi chốn không nguy hiểm, không bị bít lối (xem giải thích sau), bèn đến trước Tăng, chắp tay, quỳ bạch:

Đại đức Tăng, xin lắng nghe. Tôi Tỳ kheo... tự khất cầu để cất thất, không có thí chủ làm cho mình. Nay tôi thỉnh cầu Tăng chỉ định nơi chốn không nguy hiểm, không bị bít lối (bạch 3 lần).

Bấy giờ Tăng nghiệm xét, nếu sự trình bày về nơi chốn ấy của Tỳ kheo này là đáng tin thì tác pháp yết ma chấp thuận. Nếu không đáng tin, thì sai người tin cậy đi nghiệm xét, hoặc tất cả Tăng cùng đi đến chỗ ấy để nghiệm xét. Sau khi Tăng đã nghiệm xét và biết rõ nơi mà vị Tỳ kheo ấy muốn cất thất là chỗ không có nguy hiểm, không bị bít lối, Tăng bèn tác pháp yết ma để chấp thuận. Tác tiền phương tiện theo thông lệ, sau đó tác pháp bạch nhị như sau:

Đại đức Tăng, xin lắng nghe, Tỳ kheo... Tự khất cầu để cất thất, không có thí chủ, làm cho mình, nay thỉnh cầu Tăng chỉ định nơi chốn, là chỗ không nguy hiểm, chỗ không bị bít lối. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay chấp thuận chỉ định nơi chốn cho Tỳ kheo, là chỗ không nguy hiẻm, chỗ không bị bít lối, đây là lời tác bạch.

Đại đức Tăng, xin lắng nghe, Tỳ kheo... Tự khất cầu để cất thất, không có thí chủ, làm cho mình, nay thỉnh cầu Tăng chỉ định nơi chốn, là chỗ không nguy hiểm, chỗ không bị bít lối. Tăng nay chỉ định nơi chốn cho Tỳ kheo..., là chỗ không có nguy hiểm, không bị bít lối, các trưởng lão nào chấp thuận, Tăng chỉ định nơi chốn cho Tỳ kheo... Là cho không có nguy hiểm, không bị bít lối thì im lặng. Ai không chấp thuận hãy nói. Tăng đã chấp thuận chỉ định nơi chốn cho Tỳ kheo... Là chỗ không nguy hiểm, chỗ không bị bít lối, vì im lặng. Tôi ghi nhận như vậy.

+ Chỗ không có nguy hiểm: Hán: vô nạn xứ, không bị nguy hiểm bởi các thứ độc trùng ác thú, không trở ngại cho sự tu tập phạm hạnh như gần kỹ viện, quân trại v.v...

+ Chỗ không bị bít lối: Hán: phương xứ (ta quen đọc là phòng xứ), quanh bốn phía thất có đủ lối cho xe bò qua lại. Ngũ phần: hữu hành xứ, chỗ có lối đi, nghĩa như Tứ phần. Thập tụng: trong phạm vi 1 tầm quanh bốn phía thất, phải là chỗ không có tháp, là đất không thuộc sở hữu của quan viên, cư sĩ, ngoại đạo, Tỳ kheo ni, cũng không có đá lớn, ngòi nước, ao hồ, hố sâu.

Về 2 điều kiện nơi chốn cất thất trên, Căn bản tỳ nại da 12 chia làm 3: 1. Ứng pháp tịnh xứ, chỗ không có hang ổ của rắn rít, bò cạp, sâu kiến các thứ. 2. Vô tranh cạnh xứ, chỗ không quá gần vương gia, đền thần, nhà cư sĩ, ngoại đạo, chùa ni, hoặc có cây cối tốt mà người ta có thể đến đốn chặt. 3. Hữu tiến thú xứ, quanh bốn phía thất khoảng một tầm có thể qua lại dễ dàng, trong phạm vi một tầm đó không có sông, giếng, hầm hố.

2. PHẠM TƯỚNG:

a. Tăng già bà thi sa, hội đủ các yếu tố:

1) Tự cầu cất thất, không có thí chủ.

2) Cất riêng cho mình sử dụng.

3) Tại một trong hai chỗ: có nguy hiểm, hoặc bị bít lối.

4) Cất quá lượng.

5) Tăng chưa tác yết ma chỉ định.

6) Đã cất xong, có thể sử dụng.

b. Thâu lan giá:

- Các yếu tố như tăng già bà thi sa, nhưng cất chưa xong.

- Cất tại chỗ không nguy hiểm, không bị bít lối, và cất đúng lượng, nhưng Tăng chưa tác yết ma chỉ định.

- Tăng đã tác yết ma, cất tại chỗ không nguy hiểm, không bít lối, nhưng quá lượng.

- Tăng đã yết ma, cất đúng lượng, nhưng cất tại một trong hai chỗ: nguy hiểm hoặc bị bít lối.

- Làm hộ cho Tỳ kheo khác, hội các yếu tố từ 3 đến 6 của tăng già bà thi sa.

c. Đột kiết la:

- Làm hộ Tỳ kheo khác, nhưng không hội đủ yếu tố thâu lan giá, thí dụ: đã làm nhưng chưa xong.

3. DUYÊN KHỞI:

Tứ phần 3: Phật tại Vương Xá. Một số Tỳ kheo người nước Khoáng Dã xin vật liệu xây cất thất. Mỗi người một thất riêng. Số thất quá nhiều, vật liệu cần phải xin cũng quá nhiều. Các thí chủ vì phải cung cấp quá nhiều, bất kham, nên hễ thấy Tỳ kheo là họ tránh. Nhân lúc tôn giả Ca Diếp vào thành Khoáng Dã khất thực, cũng bị các cư sĩ lẩn tránh. Sau khi tìm hiểu nguyên do, ngài bạch Phật sự kiện đã xảy ra. Do đó, Phật chế giới này.

Nội dung đại khái trên đây tương đồng giữa các bộ. Nhưng trong đó có nhiều chi tiết khác nhau nữa, ở đây không phiền nêu hết.

Về Khoáng Dã quốc, Ngũ phần 2 âm là A Trà Bệ Ấp, Thập tụng 3: A La Tì. Pàli: Àlavì, một thị trấn nằm giữa Xá Vệ và Vương Xá. Căn bản tỳ nại da 12: Phật tại Xá Vệ, trong vườn Cấp Cô Độc.

ĐIỀU 7: Tạo đại tự.

A. CHÁNH VĂN:

Tỳ kheo nào, muốn cất tinh xá lớn, có thí chủ, làm cho mình, cần phải mời các Tỳ kheo đến chỉ định nơi chốn. Các Tỳ kheo ấy cần chỉ định nơi chốn, là nơi không có nguy hiểm, không bị bít lối. Nếu Tỳ kheo, nơi có nguy hiểm, nơi bị bít lối, cất tinh xá lớn, có thí chủ, làm cho mình, mà không mời các Tỳ kheo đến chỉ định nơi chốn, tăng già bà thi sa.

B. LƯỢC GIẢI:

1. THÍCH NGHĨA:

+ Tinh xá lớn([10]): Tứ phần 3: "Đại phòng... Đại, vì cần dùng nhiều tài vật. Phòng, nghĩa là nhà. Tăng kỳ: đại phòng xá.

Căn bản tỳ nại da 12: "Đại trú xứ... Đại có hai: 1. Vật bố thí lớn. 2. Hình lượng lớn. Ở đây, chỉ vật bố thí lớn. Trú xứ, chỗ ở có thể đi đứng nằm ngồi dễ dàng.

Các bộ Tứ phần, Ngũ phần, Tăng kỳ và Thập tụng đều nhất trí với nhau về loại phòng xá này: cũng như loại thất trong điều học thứ 6 trên, nó được cất cho cá nhân sử dụng, nhưng được phép làm quá lượng, vì có thí chủ đứng ra chủ trương.

Nhưng Căn bản tỳ nại da 12 nói khác: gọi nó là đại tự hoặc đại trú xứ, được cất không vì cá nhân mà vì để chúng Tăng sử dụng([11]).

Các nghĩa khác, xem giải thích trong điều học trên.

Về sự thỉnh Tăng chỉ định nơi chốn, và Tăng tác yết ma chỉ định, nội dung cũng giống như trong 6 điều trên, chỉ đổi những từ cần thiết cho thích hơp. Mẫu văn thỉnh cầu Tăng chỉ định nơi chốn:

Đại đức Tăng, xin lắng nghe. Tôi Tỳ kheo... muốn cất tinh xá lớn, có thí chủ, làm cho mình. Nay thỉnh cầu Tăng chỉ định chỗ không nguy hiểm, không bị bít lối (3 lần).

Văn bạch nhị yết ma chỉ định cũng chuẩn theo trên mà đổi những từ thích hợp.

2. PHẠM TƯỚNG:

Các tội tăng già bà thi sa, thâu lan giá và đột kiết la, chuẩn theo điều 6 mà xác định. Điểm khác biệt là, thay yếu tố: tự khất cầu cất thất, không có thí chủ của điều 6, bằng yếu tố: cất tinh xá lớn có thí chủ. Và yếu tố: cất quá lượng của điều 6 không áp dụng ở đây.

3. DUYÊN KHỞI:

- Tứ phần 3([12]): Phật tại Câu Diệm Di, trong vườn Cù Sư La. Vua Ưu Điền và tôn giả Xiển Đà vốn là chỗ thân hữu. Ưu Điền bảo trợ cho Xiển Đà cất tinh xá, Xiển Đà tự chọn chỗ. Gần Câu Diệm Di có một gốc đại thọ; xe cộ, voi ngựa qua lại thường ghé nghỉ dưới đó. Xiển Đà cho đốn gốc cây này, dọn chỗ trống để cất tinh xá. Do đó, bị mọi người chỉ trích. Do nhân duyên này, Phật kiết giới.

Tăng kỳ 6([13]): Phật tại Câu Diệm Di và nhân duyên bởi Xiển Đà như Tứ phần. Nhưng chi tiết hoàn toàn khác. Một thí chủ, không phải Ưu Điền, hoan hỷ bảo trợ cho Xiển Đà. Vì cất tinh xá lớn, tốn quá nhiều vật dụng, thí chủ không kham nổi nên sau đó không bảo trợ nữa. Thiếu vật liệu, Xiển Đà đốn một gốc đại thọ. Do đó bị mọi người chỉ trích. Đây là nguyên nhân Phật kết giới này.

Ngũ phần và Thập tụng đại khái như Tăng kỳ.

Riêng Căn bản tỳ nại da 12([14]) nói khác hẳn. Nguyên do nhóm sáu Tỳ kheo. Họ không có chỗ ở riêng. Sau khi thảo luận, họ cử Xiển Đà đi vận động cư sĩ bảo trợ vật liệu xây cất. Được người bảo trợ vật tư, Xiển Đà lại vận động vua để xin đất. Nhà vua, có lẽ là Ưu Điền, cho phép cất bất cứ chỗ nào, trừ vương cung. Họ bèn chọn ngay chỗ có gốc đại thọ, cành lá sum xuê tươi tốt, vốn là chỗ mà thường ngày một người Bà la môn dẫn các đồng tử ra ngồi dưới bóng cây để dạy học. Gốc cây bị đốn, chỗ ấy được dọn sạch, và họ cất nào là tăng phòng, điện Phật, nhà tắm, tịnh trù, nhà nuôi bịnh v.v... Khi các đồng tử vào giờ học, họ đến chỗ thường nhật và không tìm thấy gốc cây. Sự kiện này được đồn đãi, mọi người chỉ trích các sa môn Thích tử. Do đó, Phật kết giới này.

ĐIỀU 8. Vô căn báng.

A. CHÁNH VĂN:

Tỳ kheo nào, vì giận hờn ấp ủ, đối với Tỳ kheo không phải là ba la di mà vu khống bằng pháp ba la di, không căn cứ, vì muốn hủy hoại đời sống phạm hạnh của vị ấy. Về sau, dù bị cật vấn hay không bị cật vấn, sự việc ấy được biết rõ là không căn cứ, Tỳ kheo này nói rằng: "Tôi vì thù hận mà nói như vậy". Tỳ kheo nào nói như vậy, tăng già bà thi sa.

B. LƯỢC GIẢI:

1. THÍCH NGHĨA:

+ Giận hờn ấp ủ: Tứ phần: sân nhuế sở phú. Ngũ phần: tự bất như pháp ác sân, hành vi của mình không đúng pháp lại sân hận người khác. Tăng kỳ: sân hận bất hỷ, giận hờn, không hoan hỷ. Thập tụng: trú ác sân. Căn bản: hoài sân bất xả.

+ Tỳ kheo không phải là ba la di: Tứ phần: phi ba la di Tỳ kheo. Ngũ phần: vô ba la di Tỳ kheo, chỉ Tỳ kheo không phải là người phạm một trong 4 pháp ba la di. Tăng kỳ: thanh tịnh vô tội Tỳ kheo. Căn bản: thanh tịnh bí sô.

+ Không căn cứ: Hán: vô căn: không có căn cứ hay chứng cớ để buộc tội. Có 3 cơ sở để có thể nêu tội một người (Hán: tạm cử tội): 1. Kiến: tự mình trực tiếp chứng kiến, hoặc chứng kiến bằng mắt, hoặc bằng tai, hoặc bằng mũi, hoặc bằng lưỡi, hoặc bằng thân xúc chạm. 2. Văn, nghe người khác nói lại những sự việc đã xảy ra liên hệ đến mắt thấy, hoặc tai nghe, hoặc mũi ngửi, hoặc lưỡi nếm, hoặc thân xúc. 3. Nghi, nghi ngờ; do thấy mà nghi ngờ, hoặc do nghe mà nghi ngờ, hoặc do ngửi mà nghi ngờ, hoặc do nếm mà nghi ngờ, hoặc do thân xúc mà nghi ngờ. Đây là ba cơ sở để nêu tội chứ không phải là ba căn cứ để buộc tội. Muốn buộc tội, cần phải hội đủ các yếu tố tùy theo nội dung đã được quy định trong từng điều học.

+ Muốn hủy hoại đời sống phạm hạnh: Muốn tìm cách làm cho người khác phải từ bỏ đời sống phạm hạnh. Vu khống người bằng ba tội ba la di, để hy vọng Tăng buộc tội người ấy và tác pháp diệt tẩn; vì theo Luật, Tỳ kheo nào phạm một trong 4 pháp ba la di, không còn là Tỳ kheo nữa, phải bị đuổi khỏi Tăng.

+ Bị cật vấn hay không cật vấn: Tứ phần: nhược vấn nhược bất vấn. - Tăng kỳ: nhược kiểm hiệu nhược bất kiểm hiệu, được kiểm chứng hoặc không được kiểm chứng. Đối với cáo giác, Tăng có thẩm tra hay không thẩm tra người cáo giác để biết rõ sự thật của vấn đề.

+ Sự việc ấy được biết là không căn cứ, sự cáo giác ấy được mọi người biết rõ là sự vu khống không căn cứ. Do sự thú nhận của người cáo giác, hoặc không do sự thú nhận ấy, nhưng Tăng đều biết rõ, do những bằng chứng hiển nhiên, rằng người bị cáo giác vốn thanh tịnh, vô tội.

+ Tỳ kheo này nói rằng...: do những bằng chứng hiển nhiên, Tỳ kheo đã cáo giác người khác phải xác nhận rằng sự cáo giác của mình chỉ là sự vu khống không căn cứ.

2. PHẠM TƯỚNG:

a. Tăng già bà thi sa, hội đủ các yếu tố:

1) Có tâm thù hận người.

2) Có ý định hủy hoại đời sống phạm hạnh của người.

3) Đối tượng vu khống là Tỳ kheo không phải ba la di.

4) Nội dung vu khống là một trong 4 pháp ba la di.

5) Đã nói thành lời.

6) Có người nghe và hiểu.

b. Thâu lan giá:

- Các yếu tố như tăng già bà thi sa, nhưng không có người nghe, hoặc nghe nhưng không hiểu; hoặc nói chỗ không người tưởng có người, chỗ có người tưởng không có người.

c. Linh tinh:

- Nếu vu khống Tỳ kheo khác bằng các pháp tăng già bà thi sa: phạm ba dật đề.

- Vu khống bằng các pháp ba dật đề: phạm đột kiết la.

3. DUYÊN KHỞI:

Tứ phần 3-4([15]): Phật tại Vương Xá, trong núi Kỳ Xà Quật. Tôn giả Đạp Bà Ma La Tử, đã chứng quả A la hán, được tin tưởng là người công bằng, chính trực và sáng suốt. Phật khiến các Tỳ kheo tác pháp yết ma Tăng, sai tôn giả làm người phân vật, phân phòng và xếp chỗ ngồi cho Tăng. Tôn giả làm việc này rất công minh, các Tỳ kheo đều hài lòng, và Phật cũng tán thán.

Tỳ kheo Từ Địa([16]), thuộc hàng hạ tọa, là người mới đến, được phân chia ngọa cụ và phòng ở không tốt bằng các Tỳ kheo khác, sinh tâm bất mãn, thù hận. Từ Địa có một người em gái, là Tỳ kheo ni, cũng đang ở tại Vương Xá. Từ Địa khiến em gái ra trước Tăng tố giác tôn giả Đạp Bà đã phá tịnh hạnh của mình, mục đích là để Tăng diệt tẩn Đạp Bà.

Cô em gái Tỳ kheo ni([17]) này làm theo lời của Từ Địa. Lúc cô tố cáo, có sự hiện diện của Phật và tôn giả Đạp Bà. Phật hỏi ngay tôn giả có thật vậy không? Tôn giả đáp: "Thế Tôn đã biết rõ". Nhưng Phật buộc tôn giả phải xác định rõ là có hay không có. Tôn giả đáp: "Từ lúc sanh cho đến giờ, cả trong chiêm bao con cũng chưa hề hành sự như thế". Phật khiến các Tỳ kheo thẩm tra sự thật. Các Tỳ kheo cử người thẩm tra Từ Địa. Bị cật vấn, không có bằng chứng hiển nhiên, Từ Địa phải thú nhận đó là do mình thù hận mà vu khống.

Nội dung sự việc, các bộ đại khái giống nhau. Riêng về địa điểm, Tăng kỳ 6 nói là Phật tại Xá Vệ([18]). Về tên các nhân vật, tất nhiên các bản dịch âm nghĩa khác nhau, nhưng ở đây không phiền dẫn hết chi tiết.

ĐIỀU 9. Thủ phiến báng.

A. CHÁNH VĂN:

Tỳ kheo nào, vì giận hờn ấp ủ, dựa lấy tiểu tiết trong phần sự khác, đối với Tỳ kheo không phải là ba la di mà vu khống bằng pháp ba la di không căn cứ, vì muốn hủy hoại đời sống phạm hạnh của vị ấy. Về sau, dù bị cật vấn hay không bị cật vấn, sự việc ấy được biết là dựa lấy tiẻu tiết trong phần sự khác, Tỳ kheo này nói rằng: "Tôi vì thù hận nên nói như vậy". Tỳ kheo nào nói như vậy, tăng già bà thi sa.

B. LƯỢC GIẢI:

1. THÍCH NGHĨA:

Dựa lấy tiểu tiết trong phần sự khác([19]): Tứ phần 4: "Dị phần sự trung thủ phiến... Dị phần, là đối với Tỳ kheo không phạm ba la di mà nói là thấy phạm ba la di". Tăng kỳ 7: "Dị phần trung tiểu tiểu sự... Dị phần, trừ 4 ba la di, 13 tăng già bà thi sa, ấy gọi là dị phần. Tiểu tiểu sự là các pháp chúng học và các oai nghi: "Ngũ phần 3: "Dị phần trung thủ phiến nhược tợ phiến", và không nêu giải thích. - Thập tụng 4 ([20]): "Ư dị phần trung thủ phiến nhược tợ phiến sự... Dị phần, chỉ cho 4 ba la di. Vì sao? Vì trong 4 pháp ba la di này, phạm bất cứ một pháp nào, không phải là sa môn Thích tử, mất bản thể Tỳ kheo. Bất dị phần, là 13 sự, 2 pháp bất định, 30 pháp xả đọa, 90 pháp đọa, 4 pháp ba la đề đề xá ni, các pháp chúng học, 7 pháp diệt tránh. Vì sao? Vì nếu phạm một trong các pháp này vẫn còn được gọi là sa môn Thích tử, bản thể Tỳ kheo chưa mất. Phiến, cũng gọi là tu du phiến, chỉ các sự thuộc oai nghi: - Căn bản tỳ nại da 14([21]): "Dị phi phần sự… Dị, chỉ cho Niết bàn, vì trái ngược với sanh tử". – Luật phiến 4([22]): "Dị, chỉ cho Niết bàn… Bốn pháp ba la di không phải là nhân của Niết bàn, nên gọi là phi phần".

Tổng hợp các giải thích trên, ý nghĩa của điều này là: chọn lấy một sự kiện vụn vặt trong pháp ba la di, hoặc một điểm tương tợ sự kiện vạn vật trong pháp ba la di. Thập tụng 4, trong đoạn tường thuật về duyên khởi, cho biết rõ ý nghĩa này: Tỳ kheo Di Đa La Phù Ma thấy Tỳ kheo Đà Phiêu đứng chung với 2 Tỳ kheo ni, rồi vin vào đó mà tố giác với Tăng là Đà Phiêu phạm ba la di. Sự kiện một Tỳ kheo đứng với 2 người nữ, là một sự kiện vụn vặt, không phạm điều luật nào cả; nhưng nó cũng có thể khiến người ta liên tưởng đến việc phi pháp của những người đó. Đoạn tường thuật về duyên khởi của Tăng kỳ 7([23]) cũng đưa cho một giải thích tương tợ: một Tỳ kheo ni đảnh lễ tôn giả Đà Phiêu. Gió thổi y của cô vướng lên đùi của Đà Phiêu. Tôn giả lấy tay phủi nó đi. Hành động của tôn giả hoàn toàn hợp luật. Nhưng nhóm sáu Tỳ kheo ngồi gần đó chứng kiến, và vin vào đó, đến tố giác với các Tỳ kheo là Đà Phiêu phạm ba la di.

Cũng nên lưu ý một điểm trong giải thích của Thập tụng, theo đó, phiến, cũng gọi là tu du phiến. Giải thích này cho biết nguyên tiếng Phạn([24]) của nó có hai nghĩa: một sự kiện vụn vặt, và nghĩa khác là một khoảng thời gian rất ngắn.

Thiện kiến 13([25]) nêu giải thích khác, bằng sự kiện cụ thể: Đạp Bà là người, con dê đực không phải là người, đem con dê đực thay chỗ Đạp Bà; đây gọi là dư phần. Từ Mi là người; con dê cái không phải là người; đem dê cái thay chỗ Từ Mi, đây cũng gọi là dư phần.

Trong chánh văn học giới của Tứ phần chỉ nêu yếu tố phiến, tức là sự kiện vụn vặt hay tiểu tiết, chứ không nêu yếu tố phiến tợ([26]): điểm tương tợ với tiểu tiết ấy. Tuy nhiên, trong phần giải thích các hình thái vi phạm, Tứ phần cũng nêu 3 điểm loại tợ giữa người thanh tịnh và người không tịnh để vu khống người thanh tịnh là có phạm giới. Đó là tương tợ do cùng tên, hoặc do cùng họ, hoặc do đồng tướng.

Về các điểm tương tợ này, theo kinh Phân biệt của Luật tạng Pàli (9), có 10 trường hợp: 1. Giai cấp; như thấy một người thuộc giai cấp Sát đế lị phạm ba la di, bèn vin vào đó mà vu khống Tỳ kheo khác, cũng thuộc giai cấp Sát đế lị, là phạm ba la di. – 2. Danh hiệu, tên giống nhau. – 3. Chủng tánh, họ giống nhau. – 4. Căn, chỉ sự cao, thấp, đen, trắng giống nhau giữa hai người. – 5. Tội, hai người cùng phạm một tội nhỏ nhặt như nhau. – 6. Bát, hai người có bình bát giống nhau. – 7. Y, y phục giống nhau. – 8. Hòa thượng, hai người cùng một bổn sư. – 9. A xà lê, cùng một giáo thọ. – 10. Phòng xá, hai người ở chung phòng.

Các chữ và câu còn lại, xem giải thích trong điều 8 ở trên.

2. PHẠM TƯỚNG:

Hình thái vi phạm ở điều học này cũng giống như trong điều 8 trên. Chỉ khác nhau một điểm, trong điều 8 thì vu khống bằng pháp ba la di không căn cứ, thì ở đây nói: lấy một tiểu tiết hay loại tợ tiểu tiết thuộc pháp ba la di mà vu khống.

3. DUYÊN KHỞI:

Các bộ không hoàn toàn nhất trí về nguyên nhân Phật kết điều học này.

Tứ phần 4: Nguyên do vẫn là sự vu khống của Tỳ kheo Từ Địa đối với tôn giải Đạp Bà Ma La Tử. Vẫn ôm lòng thù hận Đạp Bà không dứt, nhân thấy một con dê đực và một con dê cái đang giao hợp dưới chân núi Kỳ Xá Quật, Từ Địa bèn ghép Đạp Bà với con dê đực và Từ Mi với con dê cái, rồi lấy đó làm căn cứ, đến các Tỳ kheo mà tố cáo rằng chính mắt mình thấy rõ Đạp Bà phạm ba la di.

Thiện kiến 13: Hoàn toàn nhất trí với Tứ phần.

Ngũ phần 3: Sự vụ gần giống hai bộ kể trên. Nhưng thay hai con dê bằng con vượn đực và con vượn cái; thay Từ Mi bằng Tỳ kheo ni Thâu La Nan Đà. Lại thêm tiểu tiết khác là Thâu La Nan Đà do ngưỡng mộ tôn giả Đạp Bà nên đã đến đảnh lễ. Ở đây, Ngũ phần muốn giải thích rõ điều mà văn nói là phiến và tợ phiến.

Tăng kỳ 4: Nguyên do được phát sinh bởi nhóm sáu Tỳ kheo. Họ thù hận tôn giả Đạp Bà về việc phân vật mà họ cho là bất công đối với mình. Họ luôn bám sát Đạp Bà để tìm một tiểu tiết nào đó khả dĩ vu khống Đạp Bà bằng pháp ba la di. Vào một lúc nọ, có một Tỳ kheo ni đảnh lễ tôn giả Đạp Bà, gió thổi một góc y của cô vướng lên đùi tôn giả và tôn giả đã lấy tay phủi nó đi. Nhóm sáu Tỳ kheo ngồi gần đó, thấy rõ sự kiện, và vin vào đây mà vu khống Đạp Bà phạm bất tịnh hạnh với cô Tỳ kheo ni kia.

Thập tụng 4: Từ Địa khâu y trên một tảng đá, thấy Tỳ kheo Đạp Bà đang đứng nói chuyện với 2 cô Tỳ kheo ni, bèn vin vào tiểu tiết này, suy diễn thành tội ba la di và lấy đó vu khống Đạp Bà.



Căn bản tỳ nại da 14: Tỳ kheo ni Liên Hoa Sắc, đã chứng quả A la hán, do lòng ngưỡng mộ đức độ của tôn giả Đạp Bà nên thường đến lễ bái. Từ Địa nhiều lần thấy sự kiện khác. Vào một dịp khác, Từ Địa đang giặt y bên bờ suối, thấy 2 con nai đến uống nước suối, rồi chúng giao hợp nhau. Vin vào sự kiện trên, một sự kiện có tính chất tiểu tiết có thể liên hệ đến ba la di, và một sự kiện tương tợ của pháp ba la di, Từ Địa lấy đó làm căn cứ, đến các Tỳ kheo mà vu khống tôn giả Đạp Bà.

ĐIỀU 10. Phá Tăng vi gián.

A. CHÁNH VĂN:

Tỳ kheo nào, muốn phá hoại hòa hiệp Tăng, tiến hành phá hòa hiệp Tăng, chấp chặt pháp phá hòa hiệp Tăng, kiên trì không bỏ. Các Tỳ kheo nên can gián Tỳ kheo này rằng: "Đại đức, chớ phá hoại hòa hiệp Tăng, chớ tiến hành phá hòa hiệp Tăng, chớ chấp chặt pháp phá hòa hiệp Tăng, kiên trì không bỏ. Đại đức, nên cùng Tăng hòa hiệp. Vì cùng Tăng hòa hiệp, hoan hỷ không tranh chấp, đồng một thầy học, hòa hiệp như nước với sữa, thì ở trong Phật pháp có sự tăng ích, sống an lạc". Tỳ kheo ấy, khi được can gián như vậy, vẫn kiên trì không bỏ; các Tỳ kheo nên can gián ba lần cho bỏ sự ấy. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt; nếu không bỏ, tăng già bà thi sa.

B. LƯỢC GIẢI:

1. THÍCH NGHĨA:

+ Phá Tăng vi gián: phá hoại hòa hiệp Tăng và cưỡng lại sự can gián của các Tỳ kheo. Đây là hai yếu tố căn bản của điều học này. Ý nghĩa của chúng sẽ được lần lượt giải thích dưới đây.

+ Muốn phá hoại hòa hiệp Tăng([27]): Hán: dục hoại hòa hiệp Tăng có ý định, hay có ý đồ phá hoại hòa hiệp Tăng.

+ Hòa hiệp Tăng: có 3 yếu tố xác định sự hòa hiệp của Tăng([28]).

1. Nhân số: gồm từ 4 Tỳ kheo như pháp trở lên cho đến vô số. Tỳ kheo như pháp ở đây bao cả thắng nghĩa và thế tục. Thắng nghĩa Tỳ kheo là các vị thành tựu bản thể Tỳ kheo do diệt tận phiền não, chứng quả A la hán. Thế tục Tỳ kheo chỉ những vị đắc giới Cụ túc, thành tựu bản thể Tỳ kheo, do Tăng hòa hiệp thanh tịnh tác pháp bạch tứ yết ma như pháp thành tựu. Đối với các vị thắng nghĩa Tỳ kheo không hề có vấn đề mất giới. Đối với hạng sau, do phiền não chưa đoạn tận, cho nên có trường hợp phá giới. Ngoại trừ phạm một trong 4 pháp ba la di, còn lại thì thanh tịnh hay không thanh tịnh đều không gọi là mất bản thể Tỳ kheo. Nếu trong số tối thiểu 4 vị, mà một vị đã mất bản thể Tỳ kheo, thì không thể tập họp thành Tăng được.

2. Giới([29]), hay cương giới, là phạm vi được quy định bởi các đường ranh, do Tăng đã tác pháp yết ma ấn định. Giới ở đây là đại giới cọng trú, phạm vi mà các Tỳ kheo cùng sống chung, cùng chia sẻ quyền lợi chung, và cùng chấp hành các phận sự chung, trên nguyên tắc dân chủ và bình đẳng. Các Tỳ kheo, bất kể nhiều hay ít, tối thiểu 4 vị, cho đến vô số, nếu không cùng trong một phạm vi đại giới, không thể tập họp thành Tăng được.

3. Bỉnh pháp, cùng sinh hoạt và chấp hành các phận sự chung. Phận sự chung ở đây cụ thể là bố tát và tự tứ.

Trong 3 yếu tố vừa kể, nếu thiếu một, không thể gọi là hòa hiệp Tăng, vì bản thể Tăng không được xác định. Như vậy, khi nào các Tỳ kheo, từ 4 vị trở lên, cùng sống chung trong một phạm vi đại giới, cùng hòa hiệp tác pháp bố tát và tự tứ, bấy giờ Tăng được gọi là có sự hòa hiệp. Trái lại, bản thể Tăng bị vỡ, gọi là phá Tăng([30]).

Phá Tăng, như vậy, cũng phải hội đủ 3 yếu tố:

1. Nhân số: tối thiểu từ 8 Tỳ kheo trở lên. Vì ý nghĩa phá Tăng là bản thể của Tăng vị vỡ làm hai phần, chia thành hai nhóm Tăng. Nếu chỉ gồm 7 Tỳ kheo trở xuống, không đủ nhân số để chia thành hai nhóm Tăng, do đó không thể có trường hợp gọi là phá Tăng được.

2. Đại giới, như đã nói, hiệu lực của giới là thâu nhiếp Tăng. Nếu 8 Tỳ kheo cùng sống chung trong một trú xứ, nhưng trú xứ ấy chưa được yết ma kết thành đại giới, thì dù nhiều hơn cũng không thành hình thái của Tăng, do đó cũng không có vấn đề phá Tăng. Trái lại, nếu đại giới đã tác pháp, mà 8 Tỳ kheo sống trong đó chia thành hai nhóm, thì bấy giờ bản thể của tăng thực sự bị vỡ. Cũng như trong một nước mà có hai chính phủ, cùng ngự trị chung trong phạm vi các đường biên giới, nước ấy được gọi là bị chia rẽ, và nhân tâm ly tán. Nếu hai chính phủ tách rời, phân chia biên giới, thì đó là hai nước độc lập, dù là cùng một chủng tộc. Cũng vậy, hai nhóm Tăng tách đôi thành hai trú xứ riêng biệt với đại giới có tác pháp riêng biệt, thì dù trước đó là một, vẫn không thành phá Tăng. Nói tóm lại, nếu hai nhóm Tăng cùng sống chung trong một phạm vi đại giới có tác pháp mà chia rẽ nhau, bấy giờ được gọi là phá Tăng.

3. Bỉnh pháp, hai yếu tố vừa kể chưa đủ để kết luận là Tăng bị vỡ. Giả sử 8 Tỳ kheo sống chung trong một đại giới tác pháp mà chia thành hai, thọ thực riêng, nói chuyện riêng, nhưng vẫn bố tát và tự tứ chung, thì bấy giờ bản thể của Tăng vẫn chưa thể gọi là bị vỡ. Trong trường hợp này chỉ có thể nói là Tăng không hòa hiệp chứ không phải là phá Tăng. Chừng nào hai nhóm Tỳ kheo ấy không có bỉnh pháp chung, nghĩa là mỗi nhóm bố tát riêng và tự tứ riêng, thì dù có ăn chung, nói chuyện chung, bản thể của Tăng vẫn vỡ. Đó mới thực sự là phá Tăng.

Y trên 3 yếu tố ấy, sự phá hòa hiệp Tăng được chia thành hai hình thái, hay hai bản chất, khác nhau: đó là phá pháp luân Tăng, và phá yết ma Tăng.

1. Phá pháp luân Tăng: phá hòa hiệp Tăng do sự phá vỡ pháp luân([31]). Pháp luân ở đây chỉ cho Thánh đạo tám chi. Thánh đạo tám chi là pháp vô lậu, chỉ có thể thành tựu nơi một vị A la hán, cho nên, Thánh đạo ấy không bao giờ có thể vị vỡ. Nhưng Thánh đạo tám chi là bản thể của bốn Thánh chủng. Và bốn Thánh chủng là biểu hiện của Thánh đạo là sở y của Tăng. Nếu phá vỡ bốn Thánh chủng này, tức là phá vỡ sự biểu hiện của Thánh đạo, do đó nói pháp luân bị vỡ.

Tỳ kheo y trên bốn Thánh chủng mà tu tập Thánh đạo, sống tri túc với y phấn tảo, với sự khất thực, với ngủ nghỉ dưới các gốc cây, với trần khí dược. Bản thể của bốn Thánh chủng là Thánh đạo tám chi, được thể hiện bằng trung đạo. Nếu bốn Thánh chủng bị chệch khỏi trung đạo, tức là bị phá vỡ. Đây là điều mà Đề Bà Đạt Đa đã làm, trong ý đồ phá pháp luân Tăng. Trong ý đồ này, cũng dựa trên bốn Thánh chủng mà Phật thiết lập làm sở y cho đời sống Tỳ kheo, Đề Bà Đạt Đa chủ trương theo hướng cực đoan, với 5 điểm: 1. Tỳ kheo suốt đời phải mặc y phấn tảo, tức lượm giẻ rách người ta vất bỏ mà làm y, chứ không được nhận các thứ vải hay y do đàn việt cúng. 2. Tỳ kheo suốt đời phải khất thực, chứ không được phép thọ thỉnh của đàn việt. 3. Tỳ kheo suốt đời phải sống trong rừng, không được đến tại các tụ lạc. 4. Tỳ kheo suốt đời phải ngủ dưới gốc cây, không được ngủ trong nhà. 5. Tỳ kheo suốt đời không được ăn thịt, dù là ăn ba thứ tịnh nhục. Tất nhiên, trong nhiều trường hợp, Đức Phật khen ngợi các Tỳ kheo sống theo hạnh đầu đà như vậy. Nhưng cũng trong nhiều trường hợp, đời sống nghiêm khắc như vậy cản trở sự tu tập Thánh đạo của các Tỳ kheo. Do đó, Phật bác bỏ chủ trương bốn Thánh chủng theo chiều hướng cực đoan như vậy.

Về cơ bản, sự phá pháp luân Tăng vẫn phải hội đủ 3 yếu tố:

a. Nhân số: tối thiểu 9 Tỳ kheo, trong đó một Tỳ kheo tự sánh mình ngang địa vị Phật, hoặc tự gọi mình là Phật, để thiết lập một pháp luân mới thay pháp luân của chư Phật là Thánh đạo tám chi. Khi tách rời thành hai, nhóm thuộc phe kẻ phá pháp luân Tăng gồm 5 người.

b. Đại giới: trước khi Tăng bị vỡ, 9 Tỳ kheo này phải là những vị cùng sống chung một đại giới đã tác pháp. Sau khi Tăng bị vỡ, dù họ vẫn tiếp tục sống chung như trước, hay tách thành hai đại giới riêng biệt, thì sự phá pháp luân Tăng vẫn thành hình.

Về cơ bản, sự phát triển pháp luân Tăng vẫn phải hội đủ 3 yếu tố:

c. Bỉnh pháp: Pháp luân đã bị vỡ, bấy giờ không phải Tăng cùng chung một Đức Đạo sư, tức Phật, mà hai nhóm Tăng có hai Đạo sư riêng biệt: một Phật Thế Tôn, đấng Đại Giác; và một là Phật tà ngụy. Như vậy, không thể có bỉnh pháp chung. Đây cũng là điều dễ hiểu. Nói một cách cụ thể, chừng nào có sự chia rẽ về pháp luân, bấy giờ Tăng bị vỡ, và hình thức phá Tăng này gọi là phá pháp luân Tăng.

2. Phá yết ma Tăng: Tăng bị vỡ do sự chia rẽ yết ma. Trường hợp này cũng gồm 3 yếu tố căn bản. Tám Tỳ kheo như pháp, cùng sống chung trong một đại giới, nhưng không cùng bố tát, không cùng tự tứ, nghĩa là, không đồng nhất bỉnh pháp.

Tổng quát, sự khác nhau giữa hai hình thái phá Tăng được phân biệt như sau:

a. Nhân:

- Phá pháp luân Tăng xảy ra trong Tăng đoàn gồm từ 9 Tỳ kheo trở lên; và cũng chỉ xảy ra cho phàm tăng mà thôi. Thánh tăng, gồm các Tỳ kheo là hàng Thánh giả, do đã thành tựu Thánh đạo vô lậu, nếu không có trường hợp pháp luân bị vỡ. Phá pháp luân Tăng không xảy ra đối với Tỳ kheo ni Tăng; vì Tỳ kheo ni không thể tự xưng là Phật.

- Phá yết ma Tăng bao gồm cả phàm tăng và Thánh tăng; và cũng gồm luôn cả hai bộ Tăng là Tỳ kheo và Tỳ kheo ni.

b. Giới:

- Phá pháp luân Tăng bao gồm cả phạm vi trong đại giới và khác đại giới.

- Phá yết ma Tăng chỉ xảy ra cho Tăng đoàn cùng tồn tại trong một đại giới.

Hai sự kiện khác nhau này được giải thích ở đoạn trên.

c. Pháp:

- Phá pháp luân Tăng là sự chia rẽ về pháp luân.

- Phá yết ma Tăng là sự chia rẽ về tác pháp yết ma.

+ Tiến hành phá hòa hiệp Tăng: Hán: Tứ phần: phương tiện hoại hòa hiệp Tăng; vận động, hay thực hiện các hành vi đưa đến sự chia rẽ Tăng; như trá hiện oai nghi, nêu những điểm hoặc dị để dụ dỗ kẻ khác theo phe mình([32]).

+ Chấp chặt pháp phá hòa hiệp Tăng([33]): Thọ hoại hòa hiệp Tăng pháp, hoặc gọi là phá hòa hiệp Tăng sự, sự kiện dẫn đến sự phá Tăng; những luận điểm, quan điểm, những vấn đề tranh luận đưa đến sự phá Tăng. Tứ phần 5, có 18 sự kiện, hay 18 luận điểm dẫn đến sự phá Tăng: 1. Pháp nói là phi pháp, như Thánh đạo tám chi là con đường duy nhất dẫn đến Niết bàn, lại cho là không phải hoặc không duy nhất. – 2. Phi pháp thuyết pháp, trái lại trên. – 3. Luật nói là phi Luật: Thánh đạo tám chi là nền tảng của Luật, lại nói là không phải; hoặc 4 Thánh chủng là Luật, lại cho không phải là Luật. – 4. Phi Luật nói là Luật, trái lại trên. – 5. Phạm nói là không phạm. – 7. Khinh nói là trọng. – 8. Trọng nói là khinh. – 9. Hữu tàn nói là vô tàn, tức ngoại trừ 4 pháp ba la di, các thiên tụ khác nếu phạm thì có thể sám hối nhưng lại nói là không thể sám hối. – 10. Vô tàn nói là tàn, trái lại trên. – 11. Tội thô ác nói là phi thô ác. – 12. Phi thô ác nói là thô ác. – 13. Thường sở hành nói là phi thường sở hành; pháp thường hành chỉ cho Thánh đạo tám chi; phi thường sở hành, như 5 điểm của Đề Bà Đạt Đa, – 14. Phi thường sở hành nói là thường sở hành. – 15. Chế nói là phi chế; tức những điều Phật cấm chế nói là Phật không cấm chế. – 16. ????????????? – 17. Thuyết nói là phi thuyết; tức những điều do chính Phật giảng dạy nói là không phải. – 18. Phi thuyết nói là thuyết.

+ Kiên trì không bỏ, đề xuất những vấn đề khiến chia rẽ Tăng, được Tăng khuyến cáo nên gạt chúng sang một bên để chấm dứt sự tranh chấp khiến Tăng chia rẽ.

+ Từ muốn phá hòa hiệp Tăng cho đến kiên trì không bỏ: theo Luật Tứ phần, là bốn giai đoạn([34]), diễn tiến của sự phá Tăng để thành tội tăng già bà thi sa. Bốn điểm này, Thập tụng quy kết thành 3: dục phá hòa hiệp Tăng, cần phương tiện phá hòa hiệp Tăng, và thọ trì phá Tăng sự. Căn bản tỳ nại da quy kết thành 2: hưng phương tiện dục phá hòa hiệp Tăng, và ư phá Tăng sự kiên chấp bất xả.

+ Các Tỳ kheo nên can gián...: Đây là yếu tố quyết định các hình thái vi phạm. Nếu người có hành vi phá Tăng, nhưng Tăng chưa can thiệp, thì chưa thể quyết định các hình thái vi phạm liên hệ đến điều học này, hoặc tăng già bà thi sa, hoặc thâu lan giá, hoặc đột kiết la.

Sự can thiệp để ngăn chặn hành vi phá Tăng, để phục hồi bản thể Tăng đã bị vỡ, là phận sự của các Tỳ kheo. Sự can thiệp này diễn ra ba giai đoạn:

1. Tăng đề cử một Tỳ kheo có uy tín, có khả năng thuyết phục người chủ động phá Tăng. Nếu Tỳ kheo phá Tăng chịu nghe lời khuyến cáo này mà từ bỏ hành vi phá Tăng, phạm 1 tội đột kiết la.

2. Nếu vẫn không từ bỏ, Tăng đề cử 2 hoặc 3 Tỳ kheo có uy tín đến can gián. Nếu nghe lời mà từ bỏ, phạm 2 tội đột kiết la.

3. Nếu vẫn không bỏ, Tăng phải tác pháp bạch tứ yết ma để can gián. Nếu từ bỏ ngay sau lời tác bạch, phạm 3 tội đột kiết la và 1 tội thâu lan giá.

Văn tác bạch của Tứ phần([35]) về yết ma ha gián này như sau:

Đại đức Tăng, xin lắng nghe, Tỳ kheo... này muốn phá hoại hòa hiệp Tăng, tiến hành phá hòa hiệp Tăng, chấp chặt pháp phá Tăng, kiên trì không bỏ. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay chấp thuận tác pháp ha gián để cho bỏ sự kiện ấy, rằng: "Này..., chớ phá hoại hòa hiệp tăng, chớ tiến hành phá hòa hiệp Tăng, chớ chấp chặt pháp phá Tăng, kiên trì không bỏ. Này..., nên cùng Tăng hòa hiệp, hoan hỷ không tranh chấp, cùng một thầy học ([36]), hòa hiệp như nước với sữa, thì ở trong Phật pháp có sự tăng ích, sống an lạc". Đây là lời tác bạch.

Sau lời tác bạch, cần phải hỏi lại thái độ của Tỳ kheo phá Tăng rằng:

Đại đức, tôi đã tác bạch xong. Sắp tới là ba lần yết ma. Vậy ở đây, Đại đức nên từ bỏ sự kiện ấy đi. Chớ để Tăng vì Đại đức mà tác yết ma. Vì như vậy Đại đức sẽ phạm trọng tội.

Nếu Tỳ kheo ấy chấp nhận sự can gián này, và từ bỏ hành vi phá Tăng thì tốt. Nếu vẫn chưa chịu từ bỏ, Tăng tác yết ma lần thứ nhất. Văn yết ma như sau:

Đại đức Tăng, xin lắng nghe. Tỳ kheo... này muốn phá hoại hòa hiệp Tăng... nt... kiên trì không bỏ. Tăng nay tác pháp ha gián cho bỏ sự kiện ấy, rằng... "Này..., chớ phá hoại hòa hiệp Tăng... nt... sống an lạc". Các trưởng lão nào chấp thuận Tăng nay tác pháp ha gián Tỳ kheo... cho bỏ sự kiện ấy, thì im lặng. Ai không chấp thuận hãy nói. Đây là yết ma lần thứ nhất.

Sau yết ma, cần phải hỏi lại thái độ của Tỳ kheo phá Tăng rằng:

Đại đức, tôi đã bạch yết ma lần thứ nhất. Sắp tới còn hai lần yết ma nữa. Vậy ở đây, Đại đức nên bỏ... nt.... vì như vậy Đại đức sẽ phạm trọng tội.

Nếu Tỳ kheo ấy vẫn không bỏ, Tăng tác yết ma lần thứ hai. Sau yết ma, cũng hỏi lại và nhắc nhở như trên. Nếu vẫn không bỏ, Tăng tác yết ma lần thứ ba. Sau yết ma lần thứ ba, không nói những lời khuyến cáo như trên, mà thay bằng lời kết thúc bạch tứ yết ma như sau:

Tăng đã chấp thuận tác pháp ha gián Tỳ kheo... cho bỏ sự kiện ấy, vì im lặng. Việc ấy tôi ghi nhận như vậy.

2. PHẠM TƯỚNG:

Ở đây cũng nên nhắc lại rằng, điều học này gọi là phá Tăng vi gián: phá hòa hiệp Tăng, và cưỡng lại sự can gián của Tăng. Do đó, bất kể thành tội khinh hay trọng, phải hội đủ yếu tố căn bản:

1. Có chủ tâm phá hòa hiệp Tăng, bất cứ là phá pháp luân Tăng hay phá yết ma Tăng.

2. Đã và đang tiến hành, vận động phá hòa hiệp Tăng dưới bất cứ hình thức nào.

3. Đã đề xuất một luận điểm nào bất cứ trong 18 sự kiện phá Tăng.

4. Đã có sự khuyên can của Tăng, bắt đầu với sự khuyên can cá nhân. Khi đã có sự khuyên này mà không từ bỏ, bấy giờ mới luận tội.

a. Tăng già bà thi sa: Khi Tăng đã tác pháp ha gián với yết ma lần thứ ba, Tăng yết ma phải như pháp thành tựu. Nếu không như pháp thành tựu, không thành tội tăng già bà thi sa đối với Tỳ kheo phá Tăng.

b. Thâu lan giá:

- Phạm 1 tội thâu lan giá, nếu chấp nhận từ bỏ sự kiện phá Tăng sau yết ma lần thứ nhất.

- Phạm 2 tội thâu lan giá, nếu từ bỏ sau yết ma lần thứ hai.

c. Đột kiết la:

- Phạm 1 tội đột kiết la, nếu chịu từ bỏ sau lần can gián đầu tiên của một Tỳ kheo.

- Phạm 2 tội đột kiết la, nếu chịu từ bỏ sự kiện phá Tăng sau sự can gián của 2 hoặc 3 Tỳ kheo.

- Phạm 3 tội đột kiết la, nếu chịu từ bỏ sau khi tác bạch để tác yết ma ha gián giữa Tăng.

d. Phú tàng:

Sau khi Tăng đã tác pháp ha gián, bạch tứ yết ma thành tựu, nếu chịu hối cải và từ bỏ ngay, thì chỉ phạm tăng già bà thi sa. Nếu vẫn không chịu từ bỏ, thì cứ qua một đêm kể là một ngày phú tàng. Từ đó về sau, cho đến khi nào chịu hối cải và đến trước Tăng thú nhận tội lỗi để sám hối, qua bao nhiêu ngày trong thời gian đó được kể là có bấy nhiêu ngày phú tàng.

Để ngăn ngừa những hành vi của kẻ phá Tăng có thể gây tổn thương cho uy tín của Tăng đoàn, các Tỳ kheo có thể tác yết ma bạch nhị, sai một Tỳ kheo công bố cho các công chúng biết rõ rằng những hành vi từ đây về sau của kẻ phá Tăng không liên hệ gì đến Phật-Pháp-Tăng nữa. Văn bạch nhị yết ma Tăng sai này, theo Tứ phần 4([37]) như sau:

Đại đức Tăng, xin lắng nghe. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận nay sai Tỳ kheo... đối trước các đại chúng bạch y tuyên bố rằng: "Các hành vi của Tỳ kheo... từ nay về sau không liên hệ gì đến Phật-Pháp-Tăng. Đó là những hành vi cá nhân mà Tỳ kheo... tự mình chịu trách nhiệm". Đây là lời tác bạch.

Đại đức Tăng, xin lắng nghe. Tăng nay sai Tỳ kheo... đối trước các đại chúng bạch y tuyên bố rằng: "... nt....". Các trưởng lão nào chấp thuận Tăng nay sai Tỳ kheo... đối trước các đại chúng bạch y tuyên bố rằng: "... nt...." thì im lặng. Ai không chấp thuận hãy nói.

Tăng đã chấp thuận sai Tỳ kheo... đối trước các đại chúng bạch y tuyên bố rằng: "... nt..." vì im lặng. Việc ấy tôi ghi nhận như vậy.

3. DUYÊN KHỞI:

Các bộ hoàn toàn nhất trí nhau về duyên khởi này([38]). Nhân vật chủ động phá Tăng là Đề Bà Đạt Đa. Đây là biến cố trọng đại nhất trong lịch sử hóa đạo của Đức Thích Tôn, do đó được truyền tụng phổ biến trong các truyện ký của đạo Phật. Đề Bà Đạt Đa được coi là điển hình của một nhân vật phạm các tội đại nghịch, là nhân vật cùng hung cực ác trong thiên hạ: xúi A Xà Thế giết cha để cướp ngôi; tự mình vận động để làm tan vỡ đoàn thể Tăng già; và cũng tự mình tìm mọi cách để sát hại Phật, và chính tay mình xô một tảng đá lớn với ý định đè Phật cho chết. Tất cả diễn tiến tình tiết của sự vụ được đề cập rất nhiều trong các truyện ký, nên ở đây tưởng không cần phải tường thuật chi tiết. Dưới đây chỉ ghi lại những diễn tiến chủ yếu, làm cơ sở cho sự kết giới của Phật về điều học này.

1. Vì danh vọng và lợi dưỡng, Đề Bà Đạt Đa muốn mình là người đứng đầu hàng ngũ Tăng chúng, lãnh đạo các Tỳ kheo, được tôn kính ngang Phật. Ông đã trực tiếp đề nghị với Phật là Ngài nên trao cho ông trách nhiệm hàng đầu, lãnh đạo và giáo hóa bốn chúng đệ tử của Phật. Không được Phật chấp thuận, ông sanh tâm thù hận, nuôi dưỡng chủ tâm phá hoại Tăng đoàn đệ tử Phật cho tan vỡ. Đây là cơ sở của yếu tố muốn phá hoại hòa hiệp Tăng.

2. Để thỏa mãn ý đồ, Đề Bà Đạt Đa tiến hành cuộc vận động phá Tăng. Bên trong hàng ngũ Tăng đoàn, ông lôi cuốn được 4 Tỳ kheo làm đồng bọn. Bên ngoài, ông trá hiện oai nghi, dụ hoặc và chinh phục được sự ngưỡng mộ của hoàng tử A Xà Thế. Ông xúi A Xà Thế giết cha cướp ngôi để nắm vương quyền, với ý đồ đựa vào thế lực vương quyền để phá vỡ Tăng đoàn. Đây là cơ sở của yếu tố tiến hành phá hòa hiệp Tăng.

3. Bên trong nội bộ Tăng đoàn, Đề Bà Đạt Đa âm mưu với 4 Tỳ kheo đồng bọn để phá vỡ pháp luân của Phật bằng cách đề xuất 5 pháp mới. Biết rõ rằng Đức Phật sẽ không thừa nhận 5 điểm này (đã kể trên), vì chúng đi lệch ngoài Thánh đạo tám chi, đồng thời ông cũng biết rõ rằng một số Tỳ kheo tân học sẽ không thấy được sự chệch hướng này, mà tưởng lầm là hình thái chân chính nhất của bốn Thánh chủng, kỳ thực chúng phá hoại bốn Thánh chủng. Biết rõ như vậy, Đề Bà Đạt Đa công bố 5 điểm tân pháp trước Phật và đại chúng Tỳ kheo. Cố nhiên Phật gạt bỏ và phán rằng đó là những pháp ngu si. Và cũng tất nhiên là một số đông các Tỳ kheo tân học bị dụ hoặc bởi 5 điểm ấy. Họ bỏ Phật, đi theo Đề Bà Đạt Đa. Đây là cơ sở của yếu tố nói chấp chặt pháp phá Tăng.

4. Sau sự vụ công bố ấy, Phật chỉ định hai vị đại tôn giả, Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, đi khuyến giáo các Tỳ kheo lầm lạc kia. Được hai vị đại đệ tử phân tích và giảng giải, các Tỳ kheo này thấy rõ những sai lầm trong 5 điểm của Đề Bà Đạt Đa, nên đồng trở lại với Tăng đoàn. Cho đến đây, Đề Bà Đạt Đa vẫn còn nhìn nhận Phật là Đạo sư của mình, và tự thân là một Tỳ kheo trong Tăng đoàn. Phật khiến các Tỳ kheo can gián, cho đến tác yết ma ha gián. Đây là cơ sở của yếu tố kiên trì không bỏ.

Dù đã được Tăng tác pháp ha gián, nhưng Đề Bà Đạt Đa vẫn chưa hối cải, Phật khiến các Tỳ kheo tác pháp bạch nhị yết ma Tăng, sai tôn giả Xá Lợi Phật tuyên bố cho các đại chúng bạch y biết rõ rằng từ đây về sau, các hành vi của Đề Bà Đạt Đa không liên hệ gì đến Phật-Pháp-Tăng nữa. Như vậy, mặc dù không bị Tăng tác yết ma diệt tẩn, vì không phạm ba la di nào cả, nhưng Đề Bà Đạt Đa tạm thời bị gạt ra ngoài Phật pháp, ngoài Tăng đoàn, cho đến khi nào chịu hối cải.

Sau khi hoàn toàn thất bại trong ý đồ phá vỡ Tăng đoàn bằng cách phá vỡ pháp luân, Đề Bà Đạt Đa xoay sang âm mưu sử dụng vương quyền. Ông xúi A Xà Thế giết cha để cướp ngôi. Và tiếp theo là những âm mưu sát hại Phật bất thành. Nhưng vì là người đã bị tạm thời gạt ra khỏi Tăng đoàn, nên Phật không chỉ dạy các Tỳ kheo áp dụng bất cứ biện pháp xử trị nào đối với các hành vi đại nghịch ấy của Đề bà Đạt Đa nữa.

ĐIỀU 11. Trợ bạn phá Tăng vi gián.

A. CHÁNH VĂN:

Hoặc Tỳ kheo có bè đảng, từ một, hoặc hai, hoặc ba, cho đến vô số Tỳ kheo. Các Tỳ kheo bè đảng ấy nói với chúng Tỳ kheo rằng: "Đại đức, chớ can gián Tỳ kheo ấy. Tỳ kheo ấy là Tỳ kheo nói đúng pháp. Tỳ kheo ấy là Tỳ kheo nói đúng luật, những điều Tỳ kheo ấy nói, chúng tôi ưa thích, những điều Tỳ kheo ấy nói, chúng tôi chấp nhận".Chúng Tỳ kheo nên can gián các Tỳ kheo bè đảng ấy rằng: "Đại đức, chớ nói như vầy: Tỳ kheo ấy là Tỳ kheo nói đúng pháp. Tỳ kheo ấy là Tỳ kheo nói đúng luật. Những điều Tỳ kheo ấy nói, chúng tôi ưa thích. Những điều Tỳ kheo ấy nói, chúng tôi chấp nhận, nhưng Tỳ kheo ấy là Tỳ kheo nói phi pháp. Tỳ kheo ấy là Tỳ kheo nói phi luật. Đại đức, chớ phá hoại hòa hiệp Tăng. Các ngài nên hoan hỷ hòa hiệp Tăng. Đại đức cùng Tăng hòa hiệp, hoan hỷ không tranh chấp, đồng một thầy học, hòa hiệp như nước với sữa, ở trong Phật pháp có sự tăng ích, sống an lạc". Các Tỳ kheo bè đảng được can gián như vậy mà không bỏ, chúng Tỳ kheo nên can gián ba lần cho bỏ sự ấy. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt, nếu không bỏ, tăng già bà thi sa.

B. LƯỢC GIẢI:

1. THÍCH NGHĨA:

+ Trợ bạn phá tăng vi gián: Hỗ trợ và theo phe kẻ phá Tăng, được Tăng tác pháp can gián, vẫn ngoan cố chống lại.

+ Hoặc Tỳ kheo có bè đảng([39])… vô số Tỳ kheo: Hán: nhược Tỳ kheo hữu dư bạn đảng, nhược nhất, nhược nhị, nhược tam, nãi chí vô số.

Ngũ phần: nhược Tỳ kheo trợ phá hòa hiệp Tăng, nhược nhất, nhược nhị, nhược chúng đa: nếu Tỳ kheo có hoặc một người, hoặc hai người cho đến nhiều người, hỗ trợ kẻ phá hòa hiệp Tăng.

Tăng kỳ 7: Nhược Tỳ kheo đồng ý tương trợ, nhược nhất, nhược nhị, nhược chúng đa, đồng ngữ, đồng kiến, dục phá hòa hiệp Tăng, nếu Tỳ kheo, hoặc một, hoặc hai, hoặc nhiều người, đồng ngôn ngữ, đồng kiến giải, cùng đồng ý hỗ trợ kẻ có ý đồ phá hòa hiệp Tăng. Trong đây định nghĩa rõ thế nào là Tỳ kheo hỗ trợ kẻ phá Tăng: đồng ngữ và đồng kiến. Hai yếu tố này được phân biệt như sau: 1. Đồng ngữ nhưng không đồng kiến, không đồng quan điểm với kẻ phá Tăng nhưng lên tiếng binh vực nếu kẻ phá Tăng được các Tỳ khoô can gián. 2. Đồng kiến bất đồng ngữ: cùng quan điểm nhưng không lên tiếng binh vực. 3. Đồng ngữ đồng kiến: vừa cùng quan điểm, và cũng lên tiếng binh vực. 4. Bất đồng ngữ bất đồng kiến. Trong 4 trường hợp, Tăng chỉ tác pháp ha gián cho hai trường hợp 1 và 3.

Thập tụng: Nhược Tỳ kheo cầu phá hòa hiệp Tăng, hữu dư đồng ý tương trợ Tỳ kheo nhược nhất, nhược nhị, nhược chúng đa, Tỳ kheo cố ý đồng phá hòa hiệp Tăng có các Tỳ kheo khác, hoặc một, hoặc hai, hoặc nhiều, đồng ý tương trợ.

Căn bản: nhược phục bí sô, nhược nhất, nhược nhị, nhược đa, dữ bí sô vi bạn đảng, đồng tà vi chánh, tùy thuận nhi trụ, Tỳ kheo, hoặc một, hoặc hai, hoặc nhiều người, kết bè đảng với Tỳ kheo phá Tăng, tùy theo kẻ phá Tăng, chấp nhận tà pháp phản lại chánh pháp.

Các dẫn chứng trên đây cho thấy một điểm đáng lưu ý. Đó là về nhân số. Tứ phần nêu số: hoặc một, hoặc hai, hoặc ba cho đến nhiều Tỳ kheo. Điều này muốn nhấn mạnh đến các trường hợp Tăng tác pháp ha gián khác nhau. Từ ba Tỳ kheo trở xuống, Tăng có thể tác yết ma ha gián. Nhưng từ bốn Tỳ kheo trở lên, vì theo nguyên tắc, Tăng không được phép tác yết ma đối với Tăng. Trong trường hợp này, nếu cần phải tác yết ma, phải chia thành từng nhóm tối đa là ba Tỳ kheo. Hoặc giải quyết bằng pháp diệt tránh tứh 7 là như thảo phú địa.

Các bộ khác, trái với Tứ phần, chỉ nêu con số tối đa là ba Tỳ kheo. Như vậy, không hàm ý giải quyết bằng pháp diệt tránh thứ 7 mà chỉ xử lý theo tội tăng già bà thi sa. Nghĩa là, phải tác yết ma ha gián, nếu ai cưỡng lại yết ma ha gián của Tăng, phạm tăng già bà thi sa.

+ Đoạn văn còn lại, nói yếu tố để xác định hành vi trợ bạn, và sau đó, nói hình thức xử lý.

Các Tỳ kheo bè đảng… chúng tôi chấp nhận: Nêu rõ hành vi trợ bạn. Trong lúc Tăng như pháp tác yết ma ha gián đối với Tỳ kheo phá Tăng, Tỳ kheo nào lên tiếng binh vực, bất kể là đồng hay bất đồng quan điểm với kẻ phá Tăng, sự lên tiếng binh vực này tức hành vi già yết ma, cản trở yết ma của Tăng. Hành vi già yết ma này là yếu tố xác định tính trợ bạn của Tỳ kheo ấy.

Đối với Tỳ kheo trợ bạn, Tăng có nhiệm vụ can gián. Hoặc cử một người có uy tín, có khả năng can gián. Nếu bất thành, cử hai hoặc ba người. Nếu cũng bất thành, Tăng sẽ tác pháp yết ma ha gián. Diễn tiến của sự can gián này cũng giống như trường hợp Tỳ kheo chủ mưu phá Tăng đã nói trong điều 10.

Tăng tác pháp bạch tứ yết ma ha gián như sau([40]):

Trước khi tác bạch, Tăng cần nói lời khuyến cáo:

Đại đức, chớ nói như vầy: "… như trong chánh văn… sống an lạc, Đại đức, hãy bỏ sự ấy. Chớ để Tăng tác pháp ha gián mà phạm trọng tội.

Sau khi khuyến cáo, nếu Tỳ kheo trợ bạn ấy không hối cải, bấy giờ tác bạch:

Đại đức Tăng, xin lắng nghe. Tỳ kheo… này là trợ bạn của… thuận cùng… mà nói như vầy: "Các Đại đức chớ ha gián tỳ kheo… Tỳ kheo ấy là Tỳ kheo nói đúng pháp… chúng tôi chấp nhận". Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay tác pháp ha gián Tỳ kheo… là trợ bạn của… để cho từ bỏ sự ấy, rằng: "Đại đức, chớ nói như vầy"… nt…"sống an lạc. Đây là lời tác bạch.

Trước khi tác yết ma lần thứ nhất, cần phải nói lời khuyến cáo như trên. Nếu vẫn không chịu hối cải, Tăng tác yết ma lần thứ nhất.

Đại đức Tăng, xin lắng nghe. Tỳ kheo… này là trợ bạn của… thuận tùng… mà nói như vầy: "… … chúng tôi chấp nhận". Tăng nay vì Tỳ kheo… là trợ bạn của… tác pháp ha gián cho bỏ sự ấy, rằng: "… … an lạc". Các trưởng lão nào chấp thuận Tăng nay vì Tỳ kheo… là trợ bạn của… tác pháp ha gián cho bỏ sự ấy thì im lặng. Ai không chấp thuận hãy nói. Dây là lần yết ma thứ nhất.

Tiếp theo là lời khuyến cáo, như trên. Lần thứ hai, cũng vậy. Lần thứ ba, không nói lời khuyến cáo nữa, mà thay bằng lời kết:

Tăng đã chấp thuận vì Tỳ kheo… là trợ bạn của… tác pháp ha gián cho bỏ sự ấy, vì im lặng. Tôi ghi nhận như vậy.

2. PHẠM TƯỚNG:

Sau khi đã xác định yếu tố trợ bạn, Tăng bắt đầu tiến hành các biện pháp can gián. Cho đến, sau khi Tăng bạch tứ yết ma như pháp thành tựu, tùy theo thái độ của Tỳ kheo trợ bạn, các tội hoặc tăng già bà thi sa, hoặc thâu lan giá, hoặc đột kiết la, được xác định đối với Tỳ kheo chủ mưu phá Tăng trong điều 10 ở trên.

3. DUYÊN KHỞI:

Đề Bà Đạt Đa chủ mưu phá Tăng. Một số Tỳ kheo thuận tùng, binh vực. Các bộ đều nhất trí về sự vụ tổng quát này.

Tứ phần 5, Ngũ phần 3 và Thập tụng 4 chỉ nói chung chung là các Tỳ kheo hỗ trợ Đề Bà Đạt Đa và binh vực Đề Bà Đạt Đa. Phật khiến các Tỳ kheo can gián họ.

Tăng kỳ 7, nêu rõ các Tỳ kheo này là nhóm sáu người, trong khi Tăng tác pháp ha gián đối với Đề Bà Đạt Đa, sau khi yết ma lần thứ hai, theo yêu cầu của Đề Bà Đạt Đa, mặc dù trước đó họ không liên hệ gì đến hành vi phá Tăng của ông này, nhưng đã từng nhận những giúp đỡ vật chất, nên lên tiếng binh vực, cản trở không cho Tăng yết ma lần thứ ba. Tất nhiên do sự cản trở này, yết ma của Tăng không thành tựu. Phật khiến các Tỳ kheo can gián họ, và tác pháp ha gián.

Căn bản tỳ nại da 15 thì nói đây là 4 Tỳ kheo đồng bọn của Đề Bà Đạt Đa, tán thành âm mưu phá Tăng ngay từ đầu. Đây là trường hợp, nếu nói theo Tăng kỳ, xác định yếu tố trợ bạn phá Tăng theo tính cách vừa đồng kiến vừa đồng ngữ.

Như vậy, trong trường hợp của Tăng kỳ, nhóm 6 Tỳ kheo là trợ bạn theo tính cách đồng ngữ nhưng không đồng kiến. Còn 4 Tỳ kheo này, là những người trợ bạn vừa đồng ngữ vừa đồng kiến.

ĐIỀU 12. Ô tha gia.

A. CHÁNH VĂN:

Tỳ kheo nào, sống nương tựa nơi xóm làng hay thành ấp, mà làm hoen ố nhà người, và có hành vi xấu, sự làm hoen ố nhà người mọi người đều thấy đều nghe, hành vi xấu mọi người đều thấy đều nghe, các Tỳ kheo nên nói với Tỳ kheo ấy rằng: "Đại đức là người làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu, sự làm hoen ố nhà người mọi người đều thấy đều nghe, hành vi xấu mọi người đều thấy đều nghe. Đại đức, ngài làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu, nay nên xa lánh xóm làng này, không nên sống ở đây nữa". Tỳ kheo ấy nói với các Tỳ kheorằng: "Đại đức, các Tỳ kheo có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh, vì có Tỳ kheo đồng tội như vậy mà có người bị đuổi, có người không bị đuổi". Các Tỳ kheo nên trả lời Tỳ kheo ấy rằng: "Đại đức, chớ nói rằng các Tỳ kheo có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh. Vì có Tỳ kheo đồng tội như vậy mà có người bị đuổi, có người không bị đuổi. Nhưng các Tỳ kheo không có thiên vị, không có giận hờn, không có bất mình. Mà vì Đại đức là người làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu, sự làm hoen ố nhà người mọi người đều thấy đều nghe, hành vi xấu mọi người đều thấy đều nghe". Tỳ kheo được can gián như vậy mà kiên trì không bỏ, các Tỳ kheo nên can gián ba lần cho bỏ sự ấy. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt; nếu không bỏ, tăng già bà thi sa.

B. LƯỢC GIẢI:

+ Ô tha gia: Sẽ giải thích sau. Điều học này, cũng như điều 10 và 11 ở trên, và điều 13 tiếp theo, chỉ thành tội tăng già bà thi sa chừng nào có thái độ cưỡng lại yết ma ha gián của Tăng. Cho nên, nếu muốn nói cho đủ, phải nói là ô tha gia vi gián.

+ Làm hoen ố nhà người: Hán: ô tha gia, hoặc nói ô gia. Gia bao gồm ý nghĩa chủng tộc hay chủng tánh, tức chỉ một trong bốn đẳng cấp xã hội Ấn vào thời Đức Phật: Sát đế lị, Bà la môn, công sư và nô lệ. Chiên đà la, đẳng cấp tiện dân, không được kể trong 4 đẳng cấp này.

Ô gia hay ô tha gia là hành vi làm đồi bại hay hủ hóa nếp sống tinh thần, đạo đức của gia đình thế tục.

Tứ phần 5, có 4 trường hợp ô tha gia: 1.Y gia ô tha gia, nhận tặng vật của gia đình này đem biếu cho gia đình khác. Gia đình được biếu thì có cảm tình nhưng gia đình cho tặng phẩm sanh tâm bất mãn. Nhưng theo một nghĩa khác, thì đây là sự giao tiếp bất bình đẳng giữa các đẳng cấp; nghĩa là, chỉ giao thiệp, coi trọng đẳng cấp xã hội này mà khinh miệt đẳng cấp khác, khiến các nhà đàn việt có ấn tượng hay mặc cảm sang hèn, giàu nghèo trong sự quan hệ của họ với những người xuất gia. 2. Y lợi dưỡng ô tha gia, những lợi đắc mà Tỳ kheo sở hữu như pháp đem biếu cho người cư sĩ này, không đem biếu cho người cư sĩ khác. Người được biếu có cảm tình, người không được biếu sanh bất mãn. Nói cách khác, Tỳ kheo đem sở hữu dù như pháp của mình mà biếu xén cho người thế tục để chiếm cảm tình của họ, thì đây cũng chẳng khác gì hành vi đút lót, hối lộ, nịnh bợ. 3. Y thân hậu ô tha gia, giao thiệp thân mật, giúp đỡ riêng tư cho cư sĩ này, đối với cư sĩ khác thì không. Điều này sẽ gây ấn tượng thân sơ giữa những người đàn việt trong quan hệ với các Tỳ kheo. 4. Y tăng già lam ô tha sa, đem những sở hữu chung của Tăng, như hoa quả, rau trái các thứ, biếu xén cho cư sĩ.

Căn bản tỳ nại da 15: có hai loại hành vi làm hủ hóa gia đình thế tục: 1. Cọng trú cùng với người nữ ngồi cung giường ghế, ăn chung mâm, uống chung ly cố. Nói cách khác, đây là hành vi hủ hóa bằng sự giao thiệp bừa bãi. 2. Thọ dụng, cùng thọ chung các thứ cây trái, hoa quả v.v… Nói cách khác, đây là hành vi giao thiệp bằng những sự biếu xén.

Hữu bộ tỳ bà sa 4: Tỳ kheo có điều muốn cầu cạnh, hoặc vì Tam bảo, hoặc vì riêng tư, đem đồ biếu xén cho những người quyền thế, hay bất cứ hạng người thế tục nào, gọi là hành vi ô tha gia. Hoặc vãng lai làm thông sứ, đưa tin tức, theo sự yêu cầu của người tục, cũng gọi là ô tha gia.

Nói tổng quát, trong sự quan hệ hay giao thiệp với các tục gia, Tỳ kheo có những hành vi tự hạ thấp phẩm giá của người tu hành, hoặc với những hành vi hay thái độ cầu cạnh, bợ đỡ, những giao thiệp khiến cho những hạng giàu sang, quyền thế coi thường mình, còn những người thấp kém trong xã hội lại có ấn tượng về mặc cảm thấp hèn của họ và coi các Tỳ kheo như là một đẳng cấp cao trong xã hội, tất cả hành vi giao thiệp ấy khiến cho người thế tục giảm sút lòng tin và sự kính trọng của họ đối với Phật pháp, với Tỳ kheo Tăng. Đó gọi là ô tha gia.

+ Có hành vi xấu: Hán: hành ác hạnh. Tỳ kheo sống mà xao lãng phận sự tu tập của mình, trái lại, chuyên lo các việc trồng hoa, chơi kiểng, bài bạc, các trò giải trí linh tinh như đấu võ, đua ngựa v.v… cho đến những việc bói toán, xem thiên văn, địa lý, đây gọi là những hành vi xấu.

+ Mọi người đều thấy, đều nghe: Đây là yếu tố để tăng xử lý một Tỳ kheo ô tha gia hành ác hạnh. Những sinh hoạt và giao thiệp của tỳ kheo như thế trở thành nếp sống thường nhật mà mọi người đều biết, tạo thành những ấn tượng thành kiến của họ về đời sống của các Tỳ kheo trong quan hệ với các tục gia, cho đến mức độ ấy, Tăng cần xử lý để không gây trở ngại cho đời sống đạo đức của các Tỳ kheo khác.

+ Các Tỳ kheo nên nói… Quy định biện pháp xử lý của Tăng đối với Tỳ kheo ô tha gia hành ác hạnh. Biện pháp này là đuổi Tỳ kheo ấy đi chỗ khác để cắt đứt những mối giao thiệp phi pháp, phi oai nghi.

Sự tiến hành của biện pháp xử lý này được nói trong Tứ phần 5 như sau:

Việc xử lý phải được chủ trì bởi vị Thượng tọa có trách nhiệm hoặc có uy tín đối với Tỳ kheo ô tha gia.Tỳ kheo ấy được gọi ra giữa Tăng. Trước hết, Tăng tác pháp cử tội, tức luận tội Tỳ kheo ấy trên cơ sở hoặc thấy, hoặc nghe. Sau khi có đủ yếu tố để nêu tội, Tăng tác pháp ức niệm, yêu cầu tỳ kheo ô tha gia nhớ nghĩ các hành vi quá khứ của mình và tự xác nhận là có phạm tội đúng như Tăng đã nêu. Trên cơ sở tự nhận của Tỳ kheo ấy, Tăng kết luận về tội danh, và đề cử một Thượng tọa làm yết ma sư để tác pháp tẩn xuất. Vị yết ma sư bạch yết ma như sau:

Đại đức Tăng, xin lắng nghe, Tỳ kheo… này, sống tại… là người ô tha gia, hành ác hạnh. Ô tha gia mọi người đều thấy đều nghe. Hành ác hạnh mọi người đều thấy đều nghe, nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay vì Tỳ kheo… tác pháp tẩn xuất, với phán quyết rằng: "Ngươi là người ô tha gia, hành ác hạnh. Ô tha ia mọi người đều thấy đều nghe. Hành ác hạnh mọi người đều thấy đều nghe. Ngươi đã hành ác hạnh, nay hãy rời khỏi chỗ này, không nên sống ở đây nữa". Đây là lời tác bạch.

Đại đức Tăng, xin lắng nghe. Tỳ kheo… này, sống tại… là người ô tha gia, hành ác hạnh. Ô tha gia mọi người đều thấy đều nghe. Hành ác hạnh mọi người đều thấy đều nghe. Tăng nay vì Tỳ kheo… tác pháp yết ma tẩn xuất, với phán quyết rằng: "… nt…". Các trưởng lão nào chấp thuận Tăng vì Tỳ kheo… tác pháp yết ma tẩn xuất thì im lặng. Ai không chấp thuận hãy nói. Đây là yết ma lần thứ nhất.

… Đây là yết ma lần thứ hai.

… Đây là yết ma lần thứ ba.

+ Tỳ kheo ấy nói các Tỳ kheo rằng: "…": Tỳ kheo ô tha gia bị Tăng tác pháp tẩn xuất, không chấp hành quyết định của Tăng. Hành vi chống yết ma tẩn xuất như pháp của Tăng trong trường hợp này là cơ sở cho yết ma gián tiếp theo, và đây là yết ma tối quyết định bản chất và các hình thái vi phạm của tội tăng già bà thi sa điều 11 này.

+ Các Tỳ kheo nên nói với Tỳ kheo ấy rằng: "…": Đây là nội dung của yết ma ha gián đối với Tỳ kheo bị đuổi nhưng có hành vi chống lại yết ma tẩn xuất của Tăng.

Trước khi cử phần tác bạch của yết ma ha gián, Tăng nên nói lời khuyến cáo với Tỳ kheo ô tha gia rằng:

Đại đức ô tha gia mọi người đều thấy đều nghe. Hành ác hạnh mọi người đều thấy đều nghe. Đại đức, ô tha gia, hành ác hạnh, nên bỏ sự ấy đi, chớ để Tăng tác pháp ha gián mà phạm trọng tội.

Nếu Tỳ kheo ô tha gia không chịu nghe theo lời khuyến cáo này mà hối cải, bấy giờ sẽ cử phần tác bạch:

Đại đức Tăng, xin lắng nghe, Tỳ kheo… sống tại… trong khi được Tăng tác yết ma tẩn xuất đã nói như vậy: "Đại đức Tăng, các Tỳ kheo có thiên vị… như trong chánh văn,,,". Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay tác pháp ha gián Tỳ kheo… cho bỏ sự ấy, với lời khuyến cáo rằng: "Đại đức, chớ nói rằng… như trong chánh văn…". Đây là lời tác bạch.

Đến đây, trước khi cử yết ma lần thứ nhất, cần nói lời khuyến cáo rằng:

Đại đức, tôi đã tác bạch sắp tới là ba lần yết ma. Vậy ở đây Đại đức nên bỏ sự ấy. Chớ để Tăng tác pháp ha gián mà phạm trọng tội.

Khuyến cáo tác bạch, yết ma, pháp thức cũng giống như trong các yết ma ha gián đối với các điều 10, 11 ở trên.

Đại đức Tăng, xin lắng nghe, Tỳ kheo… này, sống tại… khi được Tăng tác yết ma tẩn xuất, đã nói rằng: "…". Tăng nay tác pháp ha gián Tỳ kheo… cho bỏ sự ấy, với khuyến cáo rằng: "…". Các trưởng lão nào chấp thuận Tăng tác pháp ha gián Tỳ kheo… cho bỏ sự ấy, thì im lặng. Ai không chấp thuận hãy nói. Đây là yết ma lần thứ nhất.

Tiếp theo cũng nói lời khuyến cáo như trên với một vài thay đổi cần thiết khác. Nếu vẫn ngoan cố, Tăng tiếp tục cử yết ma lần thứ hai, và sau đó cũng khuyến cáo nữa. Cho đến yết ma lần thứ ba, không nói lời khuyến cáo, mà nói lời kết của yết ma như sau:

Tăng đã chấp thuận tác pháp ha gián Tỳ kheo… cho bỏ sự ấy, vì im lặng. Tôi ghi nhận như vậy.

+ Cho đến ba lần can gián…: Đoạn cuối cùng, quy định nguyên tắc luận tội tăng già bà thi sa. Nguyên tắc này cũng giống như trong cá điều 10 và 11 ở trên.

2. PHẠM TƯỚNG:

Yếu tố luận tội trong điều học này là yết ma ha gián như pháp thành tựu. Cơ sở của yết ma ha gián này là thái độ chống lại yết ma tẩn xuất. Cơ sở của yết ma tẩn xuất trong điều học này là ô tha gia hành ác hạnh. Các hình thái vi phạm, nên đọc lại và so sánh các điều 10 và 11 ở trên.

a. Tăng già bà thi sa:

- Yết ma ha gián đã như pháp thành tựu, sau yết ma lần thứ ba.

b. Thâu lan giá:

- 3 tội thâu lan giá: sau yết ma lần thứ hai.

- 2 tội thâu lan giá: sau yết ma lần thứ nhất.

- 1 tội thâu lan giá: sau lời tác bạch.

c. Đột kiết la:

Nếu hối cải trước khi tác bạch thành tựu.

d. Phú tàng:

Kể từ khi yết ma lần thứ ba thành tựu như pháp trở đi, nếu không hối cải, cách một đêm kể là một ngày phú tàng. Cho đến khi hối cải, qua bao nhiêu đêm là bấy nhiêu ngày phú tàng.

e. Linh tinh:

Một số trường hợp ô tha gia hành ác hạnh, nhưng không trở thành yếu tố để Tăng tác pháp tẩn xuất. Những trường hợp này đều là đột kiết la.

Tứ phần: Tỳ kheo mang thư đi mà không xem trước nội dung: đột kiết la. Tỳ kheo làm sứ giả, làm kẻ đưa tin cho bạch y: đột kiết la.

Một số trường hợp liên hệ ô tha gia, hành ác hạnh nhưng không kể là phạm nếu có mục đích chính đáng: như vì cha mẹ, người bịnh, người trong tù mà thông đưa tin tức. Hoặc trồng bông, kết hoa v.v… vì để cúng dường Tam bảo.

3. DUYÊN KHỞI:

Phật tại Xá Vệ. Bấy giờ tại Kỳ Viên có hai Tỳ kheo, A Thấp Bà và Phú Na Bà Sa, là hai người trong nhóm sáu Tỳ kheo. Họ trồng hoa, chơi kiểng, hái hoa tặng bạch y, hoặc kết làm tràng hoa tặng bạch y. Họ đứng ngồi cùng giường cùng ghế với người nữ, ăn chung mâm chung chén với người nữ. Họ ca múa, xướng hát, chơi nhạc, hòa nhạc, chơi bài, chơi các trò giải trí linh tinh, giao thiệp và nô đùa bừa bãi với các bạch y. Nếp sống của họ trở thành quen thuộc với các bạch y tại đó. Một thời, các Tỳ kheo từ địa phương khác, ghé qua đây, đi khất thực. Các vị này đi với cử chỉ trang nghiêm, không đùa giỡn, không nhìn ngắm ngang dọc. Các bạch y chê các vị này là đứng đắn, nghiêm nghị, không vui tính, thân mật với họ như hai Tỳ kheo kia. Do đó, họ lánh xa và khiến các vị này khất thực rất khó khăn. Sự việc này được các Tỳ kheo trình lên Đức Phật. Phật khiến hai tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, là hai vị bổn sư của hai Tỳ kheo kia, đến Kỳ Viên tác pháp tẩn xuất. Hai ngài đến nơi, gọi hai Tỳ kheo ấy ra giữa Tăng luận tội. Sau khi họ nhận tội, các ngài tác pháp tẩn xuất. Nhưng sau đó, hai Tỳ kheo ấy chống lại phán quyết của Tăng trong yết ma tẩn xuất. Phật lại khiến các Tỳ kheo tác pháp ha gián, và kết giới điều học này.

ĐIỀU 13. Ác tánh vi gián.

A. CHÁNH VĂN:

Tỳ kheo nào, có tánh ngoan cố không nghe người khuyên, đã được các Tỳ kheo như pháp khuyên can những điều trong học giới, tự thân không nhận lời can gián, lại nói: "Các Đại đức, chớ nói với tôi điều gì hoặc xấu hoặc tốt. Tôi cũng không nói với các Đại đức điều gì hoặc xấu hoặc tốt. Các Đại đức, hãy thôi, chớ can gián tôi". Các Tỳ kheo nên can gián Tỳ kheo ấy rằng: "Đại đức, chớ tự thân không nhận lời can gián. Đại đức, hãy tự thân nhận lời can gián. Đại đức như pháp can gián các Tỳ kheo. Các Tỳ kheo như pháp can gián Đại đức. Như vậy, chúng đệ tử Phật được tăng ích, can gián lẫn nhau, chỉ bảo lẫn nhau, phát lộ với nhau". Tỳ kheo ấy được can gián như vậy, kiên trì không bỏ. Các Tỳ kheo nên can gián ba lần cho bỏ sự ấy. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt; nếu không bỏ, tăng già bà thi sa.

B. LƯỢC GIẢI:

1. THÍCH NGHĨA:

+ Ác tánh: Luật nhiếp 4, bẩm tánh thô ngôn, tính tình khó nói, khó bảo, hay cãi lại những lời khuyên bảo của người khác. Thập tụng: ác tánh lệ ngữ, tính ngoan cố, hay cãi bướng.

+ Như pháp khuyên can, những điều trong học giới:

Tỳ kheo vi phạm những điều đã được Phật chế, được ghi trong Giới kinh. Khuyên can như pháp, là chỉ điểm những hành vi sai luật có căn cứ do thấy, do nghe hoặc do nghi.

Về thể thức can gián, Tăng kỳ 7 nêu ba thể thức: 1. Cá nhân, một tỳ kheo can gián tại chỗ vắng. 2. Nhiều người, hai hoặc ba Tỳ kheo can gián. 3. Giữa Tăng, Tăng tác yết ma ha gián. Thể thức này cũng giống như đã nêu trong điều 10 ở trên.

+ "Các Đại đức, chớ nói với tôi… chớ can gián tôi":

Đây là nêu cụ thể thái độ ngoan cố, chống lại sự can gián của các Tỳ kheo.

+ Các Tỳ kheo nên can gián: Sự can gián của Tăng, với ba thể thức vừa nêu trên.

+ Đại đức, chớ tự thân không nhận lời can gián… phát lộ với nhau: Nội dung lời can gián của các Tỳ kheo.

Cá nhân can gián, rồi đến nhiều người can gián, nếu điều không chịu hối cải, các Tỳ kheo gọi Tỳ kheo bướng bỉnh ấy ra giữa Tăng để tác pháp ha gián. Thể thức yết ma cũng giống như trong điều 12 trên, chỉ thay đổi những từ cần thiết.

2. PHẠM TƯỚNG:

Các hình thái phạm vi trong đây, gồm hoặc phạm một tội tăng già bà thi sa, hoặc từ ba cho đến một tội thâu lan giá, hoặc đột kiết la, vè nguyên tắc luận tội, cũng giống như điều 12 ở trên, tham chiếu thêm điều 10 để so sánh.

3. DUYÊN KHỞI:

Phật tại Câu Diệm Di, trong tinh xá Cù Sư La. Tỳ kheo Xa Nặc, hoặc gọi là Xiển Đà, nguyên trước là người đánh xe của Đức Thích Tôn. Do bẩm tính ngoan cố, hay cãi bướng, lại tự thị về chỗ xuất thân của mình, nên không chịu nghe lời khuyên bảo các Tỳ kheo khác. Do đó, Phật dạy các Tỳ kheo những biện pháp xử lý đối với Tỳ kheo có bẩm tính như vậy, và nhân đó, kết điều học giới này.

III. KẾT THUYẾT:

1. TRỊ PHẠT:

A. CHÁNH VĂN:

Thưa các Đại đức, tôi đã tụng xong mười ba pháp tăng già bà thi sa. Chín giới đầu, lần đầu làm là phạm; bốn giới sau, cho đến ba lần can gián. Tỳ kheo nào phạm bất cứ một pháp nào, biết mà che giấu, cần phải cưỡng bức cho ba lị bà sa. Hành ba lị bà sa xong, cho thêm sáu đêm ma na đỏa. Hành ma na đỏa xong còn phải xuất tội. Cần phải giữa Tăng gồm hai mươi vị để xuất tội Tỳ kheo ấy. Nếu thiếu một, không đủ chúng hai mươi người mà xuất tội Tỳ kheo ấy, thì tội của Tỳ kheo ấy không được trừ, các Tỳ kheo cũng bị khiển trách. Như thế là hợp thức.

B. LƯỢC GIẢI:

+ Chín giới đầu… cho đến ba lần can gián: quy định mức thành tội tăng già bà thi sa. Từ giới thứ nhất cho đến thứ 9 chỉ liên hệ trách nhiệm cá nhân, nên hễ làm là phạm, nếu hội đủ yếu tố. Từ giới 10 đến 13, vì là những hành vi liên hệ đến Tăng, cho nên, nếu chống lại sự can thiệp và phán quyết của Tăng, bấy giờ mới phạm. Các yếu tố để xác định tội phạm đều đã được nêu trong từng điều.

+ Cưỡng bức cho ba lị bà sa([41]): Tỳ kheo phạm tăng già bà thi sa, nhớ biết rõ hành vi trái phạm của mình, nhưng cố ý che giấu, nghĩa là phú tàng, nhưng sau đó thú nhận, Tăng cho hành ba lị bà sa ngoài ý muốn của Tỳ kheo ấy. Ba lị bà sa, Hán dịch là biệt trú, nghĩa là sống riêng biệt các Tỳ kheo; hoặc dịch là biến trú, nghĩa là sống quanh quẩn giữa các Tỳ kheo nhưng không được kể trong hàng của Tăng. Hoặc cũng dịch là cọng trú, nghĩa là sống chung; nhưng ý nghĩa này chỉ áp dụng cho trường hợp một tu sĩ ngoại đạo muốn thọ Tỳ kheo. Ở đây, người phạm tăng già bà thi sa chưa thể gọi là mất hẳn phẩm chất của Tỳ kheo, nhưng vì phẩm chất ấy không trọn hay gần như mất, do đó, không được tham dự các phận sự của Tăng, ngoài những việc phục dịch các Tỳ kheo khác. Sự tạm ngưng phận sự Tỳ kheo này được gọi là ba lị bà sa. Chi tiết và các thể thức hành ba lị bà sa sẽ được nói rõ trong phần Sám hối và Trị phạt ở sau.

+ Ma na đỏa: Hán dịch là ý hỉ, hoặc hạ ý. Chi tiết về ý nghĩa và thể thức hành ma na đỏa cũng đã nói rõ trong phần Sám hối và Trị phạt ở sau.

+ Cần phải giữa Tăng… xuất tội Tỳ kheo ấy: quy định túc số của yết ma xuất tội tăng tàn. Số tối thiểu là 20 Tỳ kheo, không thể thiếu một. Trong trường hợp không đủ túc số này, Tỳ kheo đã hành ma na đỏa có thể trở lại sinh hoạt bình thường, nhưng tội tăng già bà thi sa vẫn còn tạm thời treo ở đó, chờ khi nào hội đủ túc số Tăng mới tác pháp xuất tội để phục hồi bản chất Tỳ kheo toàn vẹn cho vị ấy.

Ý nghĩa và thể thức xuất tội, sẽ nói rõ trong phần Sám hối và Trị phạt ở sau.

+ Các Tỳ kheo cũng bị khiển trách: Hán: chư Tỳ kheo diệc khả ha. Tăng tác pháp yết ma xuất tội không như pháp, thiếu túc số, phạm tội việt tỳ ni, nghĩa là có hành vi sái luật định. Bất cứ loại yết ma nào, không hội đủ yếu tố như pháp để thành tựu, mà Tăng vẫn cử hành, đều phạm tội việt tỳ ni.

+ Như thế là hợp thức ([42]): Hán: thử thị thời, nghĩa đen là sự tiến hành như vậy hợp với hoàn cảnh. Hoàn cảnh ở đây chỉ các thể thức đã quy định được tiến hành đúng theo thứ tự.

2. KẾT VẤN:

Nay hỏi các Đại đức, trong đây có thanh tịnh không? (hỏi 3 lần).

Các Đại đức, trong đây thanh tịnh, vì im lặng. Tôi ghi nhận như vậy.






CHÚ THÍCH

[1] Pàli: otinno viparinatena cittena, bị ám ảnh (bởi dục tình), với tâm điên đảo. Trong đó, otinno, nghĩa đen là đi xuống (Vin Texts I, tr. 7, ct2), theo giải thích của Vibhariga:bị lôi cuốn bởi dục tình. Viparinatena, nghĩa đen, biến đổi. Phù hợp với Thập tụng: dục thạnh, biến tâm.

[2] Pàli: yathà tam yavà yuvatim methunùpasamhitàhi, như một thanh niên nói với một thiếu nữ, liên hệ đến sự dâm dục.

[3] Pàli: altakàmapàricariyàya, sự cúng cho dục lạc của tự ngã. B.D.i, tr. 224, ct 1, lưu ý, attakàma, nghĩa đen, dục lạc cho tự thân, cho chính mình, đồng thời cũng hàm một ý nghĩa tôn giáo, dục lạc của Thần ngã (Pàli: atta ; Phạn: àtman. Nam truyền 1,tr. 227, ct-1, cũng lưu ý: Trong Giới bổn tiếng Phạn: àtman Kàya paricaryàm, ở đây, nói kàya: thân thay vì kàma:dục lạc.

[4] Tham chiếu Trường bộ I, tr. 5

[5] Nam truyền 1, tr. 222

[6] Pàli: samcaritta, Phạn: samcaritra, nghĩa đen: công cụ cho hai người qua lại với nhau (20 tiền tố sam ; cộng thông, gốc động từ CAR: bước đi, hậu tố tra chỉ công cụ). Trong từ Hán, vãng lai và môi giá, đối chiếu tiếng Phạn, cả hai đồng nghĩa.

[7] Tự khất cầu, Pàli: samyàcikàya, hoặc sannacikàya, và theo giải thích của Vibhanga: sayam yàcitvà, tự mình xin riêng. Ốc, Pàli: kuti: chòi hay túp lều, ta thường gọi là cốc hay thất.

[8] Kích thước này quá lớn. Nếu cho rằng có sự giải thích khuếch đại trong các bộ, và 1 gang tay Phật không dài hơn người thường quá cỡ như vậy, thì kích thước ở đây có thể xác định lại: chiều dài 3,00 mét và ngang 1,75 mét. Xem thêm giải thích về gang tay Phật trong chương V: Ba dật đề, đoạn sau.

[9] Đại 22, tr. 585c

[10] Pàli: mahallakam vihàram, nghĩa đen, trú xứ rộng lớn. Giải thích của Vibhanga: gọi lớn, chỉ cho trú xứ không có thí chủ làm cho. Theo giải thích này, vihàra không có nghĩa là một ngôi chùa, mà là một kiểu chòi cá nhân, nhưng phân biết với điều 6 không có thí chủ, còn ở đây có thí chủ. Xem thêm ct. dưới.

[11] Ở đây, luật Căn bản bản hiểu vihàra là một tinh xá, hay một ngôi chùa, khác hẳn với quan điểm các bộ khác. Do đó, chánh văn của bộ này có thay đổi: "Làm chùa lớn, có thí chủ, vì chúng (tăng) mà làm".

[12] Đại 22, tr. 586b

[13] Đại 22, tr. 279a

[14] Đại 23, tr. 689a

[15] Đại 22, tr. 587 và tiếp.

[16] Tứ phần gọi chung là Từ Địa Tỳ kheo, hình như muốn nói chỉ là một người. Ngũ phần cũng vậy, gọi một tên là Từ Địa. Thập tụng phiên âm Di Đa La Phù Ma Tỳ kheo, cũng chỉ một người. Nhưng trong Căn bản bản tỳ nại da 13, đây là hai người, và dịch nghĩa: Thiện Hữu và Đại Địa, phù hợp với Mettiya và Bhummajaka.

[17] Pàli: Mettiyà, hình như là em gái của Mettiya

[18] Đại 22, tr. 280b, ngoài Từ Địa, còn kể thêm nhóm sáu Tỳ kheo cho đủ tăng số để tác pháp cử tội Đạp Bà.

[19] Pàli: anõnõabhàgiyassa adhikaranïassa kinci desamï lesamattamï upàdàya, đối với tránh sự thuộc bộ khác, dựa trên một điểm loại tợ. Về ý nghĩa tránh sự thuộc các bộ khác, theo giải thích của Vibhanga: đối với ba la di bất tịnh hạnh, các ba la di khác là dị sự. Về một điểm loại tợ, Vin, texts, tr. 10 dịch: "một điểm nào đó không quan trọng" ; B.D.i., tr. 291: "một điểm nào đó là giả định".

[20] Đại 23, tr. 122c

[21] Đại 23, tr. 700a

[22] Đại 24, tr. 546a

[23] Đại 22, tr. 281b

[24] Phạn: lesïa-màtra

[25] Đại 24, tr. 768a

[26] Phiến, Phạn: desùa ; phiến tợ, Phạn: lesùamàntra. Tứ phần hiểu hai từ này đồng cách nên lesùamàntra phẩm định cho desùa, và như vậy có nghĩa là: điểm vụ vặt, hay tiểu tiết không quan trọng. Xem thêm ct. 71 ở trên.

[27] Theo các chánh văn của các bộ khác, câu này nên đọc liền một phần của câu dưới: dục hoại hòa hiệp Tăng phương tiện: nhưng sự ngắt câu như vậy không phù hợp với văn pháp Hán. So sánh Pàli: samaggassa samïggassa bhedàya parakkameyya, tiến hành với mục đích làm tan vỡ Tăng. Tiến hành, Tứ phần nói: phương tiện ; Căn bản nói: hưng phương tiện ; Pàli: parakkameyya, với giải thích của Vibhanga: (...) pakkham pariyesati, ganïamï bandhati, nó tìm cầun phe nhóm, nó kết thành đồng bọn. Ở đây, tiến hành hàm ý vận động.

[28] Vibhanga (Vin.iii.173): samaggo nàma samïgho samàma – samïvàsako samïànasìmàya tïhito, hòa hiệp, nghĩa là Tăng tồn tại trong cùng một trú xứ, trong cùng một cương giới.

[29] Pàli: sìma ; xem giải thích chi tiết, Yết ma yếu chỉ, ch.ii.

[30] Pàli: samïghaheda, sự tan vỡ của Tăng.

[31] Pàli: cakka – bheda ; B.D.i., tr.296, ct. 3: nghĩa đen là sự tan vỡ của bánh xe ; nghĩa tượng trưng đặc biệt: làm tan vỡ sự hòa bình, gieo rắc sự bất hòa. Nhưng theo các bản Hán, cakka ở đây nên hiểu là dhamma-cakka: Pháp luân, chỉ cho đạo tám chi.

[32] Xem ct. 79 ở trên.

[33] Pháp phá hòa hiệp Tăng: Pàli: bhedana samïvatanikamï adhikaranïamïa, tránh sự dẫn đến tình trạng phá Tăng. Tránh sự chỉ đề tài hay luận điểm, sở y căn cứ của những tranh luận.

[34] Bốn giai doạn, đây là phân tích theo văn mạch Hán. Nếu y theo các bộ khác, chủ yếu chỉ có ba giai đoạn: 1. Vận động ; 2.Đề xuất luận điểm ; 3.Bảo vệ luận điểm.

[35] Tứ phần 5, Đại 22, tr. 594

[36] Tứ phần: đồng nhất sư học ; Căn bản: đồng nhất thuyết ; Pàli: ekuddesa, nghĩa như Căn bản. Đây chỉ đồng nhất thuyết giới. B.D.i., tr. 300, ct. 1 ; Vin. Texts i., tr.11, ct.1: cùng chấp hành cáo chung điều khoản trong Ba la đề mộc xoa.

[37]Aại 22, tr. 593b

[38] Tường thuật chi tiết cũng được đề cập trong Tứ phần 46, Phá Tăng kiền độ (Đại 22, tr 909). Ngũ phần 25, Phá Tăng pháp (Đại 22, tr. 164), Căn bản phá Tăng sự, Đại 24, tr. 99, v.v…

[39] Hán: ban đảng, trợ bạn và đồng đảng. Pàli: anuvattaka, vaggavàdka, kẻ thuận tùng và kẻ tán trợ.

[40] Tứ phần 5, Đại 22, tr. 595c

[41] Pàli: akamà parivatthbbamï, tức akàma-parivàsa, hành biệt trú không do ý thích, hoặc có thể hiểu: hành trú biệt với tâm trạng không hoan lạc, mà đây ưu sầu vì hối hận.

[42] Ayamï tattha sïàmìci, điều ấy là chân chính trong đây.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]