Giải thích Đề Kinh Lăng Nghiêm
Lời nói đầu
Nguồn: Hải Nhân Lão Pháp Sư. Thích Toàn Châu dịch
Tập nhỏ nầy giải thích Đề Kinh Lăng Nghiêm. Kinh Lăng Nghiêm chỉ có một, nhưng bản giải không phải một. Kinh Lăng Nghiêm mà xưa nay các Phật Học Viện (Phật Học Đường, Tu Viện, v.v...) tại Việt Nam được học là Kinh Lăng Nghiêm Trực Chỉ của Thiền sư Đơn Hà giải, và các bản Việt dịch được ra đời từ đó, sự chú giải ra Việt văn cũng căn cứ theo đó. Kinh Lăng Nghiêm, nói cho đủ phải là: Đại Phật Đảnh Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh. Từ giữa năm 1967 đến giữa năm 1969 chúng tôi học tại Huế (4 năm nội trú do Quý Ngài Hòa Thượng Thích Trí Thủ và Hòa Thượng Thích Mật Nguyện cùng Quý Hòa Thượng tại Huế đào tạo) cũng là Lăng Nghiêm Trực Chỉ của Ngài Đơn Hà giải (bằng Hán tự do Hòa Thượng Thích Mật Nguyện dạy) và gần cuối năm 1971 vào Cao Đẳng Phật Học Viện Huệ Nghiêm tại Sài Gòn, chúng tôi cũng học lại bộ ấy một lần nữa, do Hòa Thượng Thích Trí Tịnh dạy. Bản Việt dịch thì có "Thủ Lăng Nghiêm" của Bác sĩ Lê Đình Thám, Pháp danh Tâm Minh, gồm cả chú giải của Bác sĩ trong đó, và "Triết Lý Kinh Lăng Nghiêm" của cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, v.v... Bản giải nầy đương nhiên là có nhiều điểm hay và cần thiết cho người học Phật thời bây giờ hơn các bản trên.
Cách đây khoảng trên 10 năm, tôi may mắn được gặp bản Chú Giảng (Giảng Ký) của Ngài Hải Nhân Lão Pháp Sư, do Thầy Minh Hiệp phát tâm thỉnh chở từ Đài Loan về, với rất nhiều Kinh Luận bằng chữ Hán để cúng dường, Ni Sư Như Tường đủ nhân duyên phân phối cúng dường. Ni Sư cho biết, chỉ có 5 bộ Lăng Nghiêm, nên chỉ nhắm vị nào chuyên tu học hoằng Pháp, hiểu sâu Phật Pháp và đủ khả năng đọc dịch Kinh điển chữ Hán mới cúng dường. May mắn tôi được Ni Sư mời cúng một bộ (chưa kể các bộ khác như: Kinh Hoa Nghiêm, Luận Đại Trí Độ, v.v...).
Đọc bản Giảng Ký nầy của Ngài Hải Nhân, tôi hết sức vừa lòng, vì không phải chỉ giải TRỰC CHỈ ý Thiền, mà chủ ý của Ngài còn muốn cho người học Phật phải hiểu rộng hơn và rõ ràng chính xác về Chánh Pháp của Phật. Tức Ngài còn nặng về tinh thần hộ Pháp và muốn ai nấy đủ khả năng tuyên dương Chánh Pháp. Năm đệ Chú Lăng Nghiêm cũng được Ngài dịch giải kỹ. Đây là những điểm mà chúng tôi quy kính và xin đảnh lễ Giác Linh Ngài, nguyện tiến hành dịch, mong góp một chút công đức nhỏ nào trong sự nghiệp hoằng Pháp rộng lớn của chư Bồ Tát tái lai đó.
Kính lạy mười phương Tam Bảo, đảnh lễ Bồ Tát Hải Nhân cho con được đủ duyên dịch trọn bộ nầy.
Xin tri niệm công đức Thầy Minh Hiệp và Ni Sư Thích Nữ Như Tường giúp tôi có bộ Pháp Bảo vô giá nầy.