Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần chú giải quyển thứ tư

13/05/201319:21(Xem: 11929)
Phần chú giải quyển thứ tư

Đức Phật nói Kinh Hồng Danh Lễ Sám

Phần chú giải quyển thứ tư

Hòa thượng Thích Huyền Vi

Nguồn: Việt dịch từ Dịch từ Tục Tạng Kinh (Ấn Độ soạn thuật)

Huệ nhãn: Oeil (yeux) de la Sagesse (F). Mắt huệ, sự thấy bằng trí huệ; huệ nhãn là một thứ nhãn mục trong ngũ nhãn của đức Như Lai. Những bậc đắc đạo như La Hớn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật đều có huệ nhãn.

Sáu đường: Đã giải ở quyển thứ Nhất, số 37.

Thập lực: Dasabala (S); Dix forces (F). Mười sức lực trí tuệ: 1. Tri thị xứ phi xứ trí lực. 2. Tri tam thế nghiệp báo trí lực. 3. Tri chư thiên giải thoát tam muội trí lực. 4. Tri chúng sanh tâm trí trí lực. 5. Tri chủng chủng giải trí lực. 6. Tri chủng chủng giới trí lực. 7. Tri nhứt thiết sở đạo trí lực. 8. Tri thiên nhãn vô ngại trí lực. 9. Tri túc mạng vô lậu trí lực. 10. Tri vĩnh đoạn tập khí trí lực.

Thiện tri thức: Ami vertueux, Homme vertueux et intelligent (F). Bạn lành, bạn về đạo lý. Cũng gọi là thiện trí thức. Thiện tri thức là người tốt lành quen biết mình, hiểu rõ tánh tình, chí hướng của mình.

Ngũ nghịch: Cinq péchés (F). Năm tội phản bội: Thay vì báo ơn trả nghĩa, bồi bổ phước điền, lại đi làm phản nghịch, cho nên kể là tội: Giết cha, giết mẹ, giết A La Hớn, phá hòa hiệp Tăng và ra máu mình Phật.

Nhứt xiển đề: Atyantika (S), tiếng âm theo Phạn, có những nghĩa nầy: Kẻ bất tín triệt để; kẻ ác tâm; kẻ làm việc tội lỗi mà chẳng biết hổ thẹn, chẳng chịu cải hối; kẻ không tin luân hồi, nhân quả; kẻ chẳng gần với thiện hữu; kẻ không tin Phật tánh…

Kinh Phương Đẳng: Thường đọc trọn câu là: Phương Đẳng Đại Thừa Kinh Điển. Các Kinh điển của đạo Phật Đại Thừa đều chứa đủ nghĩa lý rộng rãi và bao quát như nhau, cho nên gọi là Phương Đẳng. Phương = phương quảng, tức là vuông vức và rộng rãi, chứa đủ các pháp, từ nhỏ tới lớn, từ thấp lên cao. Đẳng = bình đẳng, như nhau. Những Kinh Đại Thừa, như: Hoa Nghiêm, Viên Giác, Pháp Hoa, Niết Bàn v.v… đều như nhau cả, chứa đủ lý nhiệm mầu, thật tướng. Bất cứ ai tu cho triệt để một kinh điển nào về Đại Thừa, cũng đều thành Phật.

Mười nghiệp ác: Đã chú giải ở quyển thứ Nhất, số 24.

Tứ trọng tội: Parajika (S) Quatre cas de degradation (F). Bốn điều nặng, bốn giới cấm hệ trọng. Giới luật tỳ kheo có tất cả 250 giới, có 4 điều nầy hệ trọng hơn hết: Ấy là: sát sanh, trộm cướp, dâm dục và đại vọng ngữ…

Lục trọng: Cũng như lục tệ, sáu thứ tệ trọng. Ấy là: Xan tham, phá giới, giận tức, biếng nhác, tán loạn và ngu si.

Bát trọng: Tám tội nặng bên nữ giới đi tu thọ đại giới bị phạm: Sát sanh, trộm cướp, dâm dục, nói dối, xúc chạm, phạm 8 việc, che dấu và theo trú…

Ngũ giới: Năm giới cấm của người tại gia: 1. Không giết hại chúng sanh. 2. Không trộm cắp. 3. Không tà dâm. 4. Không nói dối. 5. Không uống rượu say.

Bát Quan Trai: Atthanga Sila (S) Huit défenses (F) Tám giới trai: 1. Không sát sanh. 2. Không trộm cướp. 3. Không dâm dục. 4. Chẳng láo xược. 5. Chẳng uống rượu. 6. Chẳng ướp hoa, thoa phấn, xức dầu, mang đồ trang sức. 7. Chẳng nằm giường cao, và chẳng xem hát xướng. 8. Chẳng ăn quá ngọ.

Ngũ thiên: Năm loại tội trong Phật giáo: 1. Ba la di. 2. Tăng tàng. 3. Ba dật đề. 4. Đề xá ni và 5. Đột kiết la (Xin xem kỹ trong tạng Luật)

Thất tụ: Bảy loại tội trong Phật giáo: 1. Ba la di. 2. Tăng tàng. 3. Thâu lan giá. 4. Ba Dật Đề. 5. Đề xá ni. 6. Đột kiết la và 7. Ác thuyết (Xin xem kỹ trong tạng Luật)

Bồ Tát giới: Giới làm lợi ích cho chúng sanh gồm 10 giới trọng và 48 giới khinh. (Xin xem trong Kinh Phạm Võng)

Ba tháng ăn chay mỗi năm: Có hai thuyết ăn chay mỗi năm: Một là ăn chay theo tam ngươn, tức là ăn tháng giêng, thượng ngươn, ăn tháng bảy, trung ngươn hay tháng mười ta, hạ ngươn. Hai là theo câu “chánh, ngũ, cửu, niên tam trường trai.” Tháng giêng, tháng năm, và tháng chín ta, mỗi năm ăn chay trường ba tháng để thân tâm thanh tịnh mà sám hối hay cầu nguyện…

Ba nghìn oai nghi: Ba nghìn oai nghi. Oai nghi là cung cách: đi, đứng, ngồi, nằm cho nghiêm chỉnh, khiến người kính trọng. Một tỳ kheo phải giữ 250 giới; mỗi giới có 4 oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi. Như vậy là 250x4=1.000 oai nghi; tuần tự có ba thời gian: 1.000 oai nghi đời quá khứ; 1.000 oai nghi đời hiện tại và 1.000 oai nghi đời vị lai. Tức là 3.000 oai nghi vậy.

Tám muôn luật nghi: Tám muôn luật nghi 250 giới tỳ kheo, mỗi giới có 4 oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi, tức là 4x250=1000. Nhơn cho tam tụ tịnh giới của Bồ Tát: 1. Nhiếp luật nghi giới. 2. Nhiếp thiện pháp giới. 3. Nhiêu ích hữu tình giới. Tức là 3x1.000 = 3000. Nhơn cho ba nghiệp về thân: Sát, đạo, dâm và bốn nghiệp về khẩu: Vọng ngôn, ỷ ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu tức là 7x3.000=21.000. Nhơn cho 3 thứ tham, sân, si và Mạt Na thức có 4 thứ phiền não = ngã si, ngã kiến, ngã mạn và ngã ái. Tức là 4x21.000=84.000. Tất cả là 84.000 tế hạnh, nhưng kêu theo số chẵn là tám mươi ngàn (80.00) tế hạnh hay luật nghi.

Mười sáu thứ ác luật nghi: Người tu theo Phật không nên làm 16 ác luật nghi. 1. Vì lợi dưỡng nuôi dê và dê con, khi chúng nó mập mạp đem đi bán. 2. Vì lợi, mua dê và dê con mà làm thịt. 3. Vì lợi nuôi dưỡng heo và heo con, khi chúng nó mập mạp thì đem đi bán. 4. Vì lợi, mua heo và heo con mà làm thịt. 5. Vì lợi nuôi dưỡng bò và bò con, khi chúng nó mập mạp thì đem đi bán. 6. Vì lợi, mua bò và bò con mà làm thịt. 7. Vì lợi nuôi gà cho mập, khi chúng nó mập mạp thì đem đi bán. 8. Vì lợi, mua gà mà làm thịt. 9. Câu cá. 10. Săn thú. 11. Cướp giựt. 12. Làm kẻ hàng thịt. (Đứng chặt thịt bán). 13. Giăng lưới bắt chim. 14. Nói đâm thọc. 15. Ngục tốt và 16. Chú long. (Chuyên bùa chú thư ếm để hại người mà lấy lợi.)

Ngũ dục lạc: Năm thứ ham muốn khoái lạc. Ấy là tiền của, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống và ngủ nghỉ. Hay cũng có chỗ gọi: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp là ngũ dục lạc.

Lục độ: Đã chú giải ở quyển thứ ba, số 26.

Tứ đẳng: Đã chú giải ở quyển thứ Nhứt, số 91.

Ba mươi hai tướng tốt: Trente deux signes (F). 32 tướng tốt của Phật. Ngoài chữ x nơi ngực là tướng rất quý. Đức Phật có đủ 32 tướng tốt: 1. Bàn chân bằng phẳng. 2. Chỉ dưới bàn chân có ngàn cái xoay tròn như hình cả ngàn cây căm bánh xe. 3. Ngón tay dài, trước đầu ngón tay nhỏ và nhọn. 4. Tay, chân đều dịu mềm. 5. Trong kẽ tay và kẽ chân có da mỏng như giăng lưới. 6. Gót chân đầy đặn; 7. Trên bàn chân nổi cao đầy đặn. 8. Bắp về tròn như bắp chuối. 9. Khi đứng hai tay dài quá gối. 10. Nam căn ẩn kín. 11. Thân hình cao lớn và cân phân. 12. Những lỗ chân lông thường ánh ra sắc xanh. 13. Những lông trên mình uốn về bên hữu. 14. Thân thể sáng chói như vàng thắm. 15. Quanh mình thường có hào quang chiếu ra một tầm. 16. Da mỏng và mịn. 17. Lòng bàn chân, bàn tay, hai vai và trên đảnh, bảy chỗ ấy đầy đặn. 18. Hai nách đầy đặn. 19. Thân thể oai nghiêm như sư tử. 20. Thân thể vuông chắn ngay thẳng. 21. Hai vai tròn trịa cân phân. 22. Bốn mươi cái răng. 23. Răng trắng, trong, đều nhau và khít. 24. Bốn cái răng cửa lớn hơn. 25. Gò má nổi cao, như hai mép của sư tử. 26. Nước miếng đủ chất thơm ngon. 27. Lưỡi rộng dài, mềm mỏng, khi le ra đến chân tóc. 28. Giọng nói trong trẻo nghe xa, như giọng nói của Phạm Thiên. 29. Mắt xanh biếc. 30. Lông nheo dài đẹp. 31. Chòm lông trắng thường chiếu sáng, mọc giữa hai chặng mày. 32. Trên đỉnh đầu, thịt nổi cao lên như một bới tóc.

Tám mươi vẻ đẹp: Anuvjajana (S). Quatre-vingt marques secondaires (du Bouddha): Cũng gọi là bát thập chủng hảo. 80 tướng tốt phụ theo 32 tướng trang nghiêm của Phật: 1. Móng tay bầu tròn. 2. Móng tay màu như đồng đỏ. 3. Móng tay láng. 4. Ngón tay tròn trịa. 5. Ngón tay đẹp. 6. Ngón tay nhọn đàng đầu. 7. Gân máu ẩn kín. 8. Mắt cá ẩn kín. Những khớp xương chắc chắn. 10. Hai bàn chân bằng nhau. 11. Gót chân rộng rãi. 12. Đường chỉ trong bàn tay thì láng. 13. Đường chỉ trong bàn tay thì bằng nhau. 14. Đường chỉ trong bàn tay ăn sâu. 15. Đường chỉ trong bàn tay không quanh quẹo. 16. Đường chỉ trong bàn tay thì chạy dài. 17. Môi đỏ như trái tần bà. 18. Tiếng thốt ra không to lắm. 19. Lưỡi mềm, mịn và đỏ. 20. Tiếng nói dịu ngọt và trong, nghe như tiếng voi hay tiếng sấm. 21. Nam căn đầy đủ. 22. Cánh tay dài. 23. Tay chân sáng láng. 24. Tay chơn mịn màng. 25. Tay chơn rộng rãi. 26. Tay chơn không có lệch xệ. 27. Tay chân không cợm xương. 28. Tay chơn đều đủ và mạnh mẽ. 29. Tay chân rất cân phân với nhau. 30. Xương đầu gối rộng lớn và đầy. 31. Tay chân tròn trịa. 32. Tay chân rất láng. 33. Tay chơn đều. 34. Rún sâu. 35. Rún đều. 36. Cái hạnh của Ngài thanh tịnh. 37. Ngài dễ chịu, dễ thương. 38. Ngài tủa ra chung quanh mình hào quang rất sáng, rất trong làm tan mất sự mờ ám. 39. Tướng đi đằm thắm oai nghiêm như tượng vương. 40. Tướng đi oanh liệt như sư tử. 41. Tướng đi trang nhã như bò thần. 42. Tướng đi như nga vương. 43. Vừa đi vừa xoay về phía hữu. 44. Từ hông chí bàn tọa tròn trịa. 45. Từ hông chí bàn tọa thì láng. 46. Từ hông chí bàn tọa không có chênh lệnh. 47. Cái bụng hình cây cung. 48. Một cái thân thể mà không vật gì làm lu lờ hoặc lem luốc được. 49. Mấy cái răng cửa thì bầu tròn. 50. Mấy cái răng cửa thì nhọn đàng đầu. 51. Mấy cái răng cửa đều với nhau hết. 52. Cái mũi rộng lớn. 53. Cặp mắt sáng. 54. Cặp mắt trong. 55. Cặp mắt hiền. 56. Cặp mắt dài. 57. Cặp mắt mở lớn. 58. Cặp mắt như hai kiến hoa sen xanh. 59. Cặp chân mày bằng nhau. 60. Cặp chân mày đẹp. 61. Cặp chân mày đâu với nhau. 62. Cặp chân mày rất cân phân đều đặn. 63. Cặp chân mày đen. 64. Hai gò má đầy đặn. 65. Hai gò má bằng với nhau. 66. Hai gò má đều xinh đẹp. 67. Thấy Ngài không ai dám mắng và rầy, vì hình thể Ngài tốt đẹp đủ điều. 68. Ngũ quan và trí giác của Ngài chịu quyền chế ngựa của Ngài một cách nghiêm chỉnh. 69. Các cơ thể đầy đủ và trang trọng. 70. Mặt và trán đối nhau rất cân phân. 71. Cái đầu rất nở nang. 72. Tóc đen. 73. Tóc bằng ngọn với nhau. 74. Tóc có hàng ngũ vén khéo. 75. Tóc có mùi thơm. 76. Tóc không cứng sợi. 77. Tóc không rối. 78. Tóc rất đều. 79. Tóc uốn lại. 80. Tóc có hình những chữ thánh, như chữ Srivatsa, chữ Savastika, chữ Nandyavasta, chữ Vardhamana…

Thập lực: Đã chú giải ở quyển nầy, số 3.

Tứ vô úy: Đã chú giải ở quyển thứ nhứt, số 94.

Tam niệm: Lòng đại bi của Phật, nhiếp hóa chúng sanh, thường trụ vào ba lòng nghĩ: 1. Chúng sanh tin Phật, Phật chẳng sanh lòng vui mừng, thường trú yên vào chánh niệm, chánh trí. 2. Chúng sanh chẳng tin Phật, Phật chẳng sanh lòng lo buồn, thường trú yên vào chánh niệm, chánh trí. 3. Đồng thời một hạng tin, một hạng chẳng tin, Phật biết vậy, chẳng sanh lòng vui mừng và lo buồn, thường trú yên vào chánh niệm, chánh trí.

Tám tự tại: Tám đức tự tại của Phật. Như Lai đắc Niết Bàn, tức là thể nhập đại ngã, hoàn toàn tự tại, có đủ tám đức: 1. Ngài dùng một thân mà thị hiện ra rất nhiều thân, nhiều như số vi trần. 2. Thân như vi trần của Ngài bủa khắp tam thiên đại thiên thế giới. 3. Cái đại thân của Ngài nhẹ nhàng bay lên trên không, bay đến các thế giới khác. 4. Ngài hiện ra vô lượng hình thể các loại mà ở tại một cõi. 5. Sáu căn của Ngài đều tự tại. 6. Ngài đắc tất cả các pháp, nhưng trong tâm Ngài vẫn tưởng là không đắc. 7. Ngài thuyết pháp một cách tự tại và 8. Ngài tự bủa mình khắp nơi, mà người ta chẳng thấy, dường như hư không. Phật là thế, chúng ta sám hối hết tội lỗi rồi cũng chứng đắc tám tự tại như Ngài.

PHẦN CHÚ GIẢI QUYỂN THỨ TƯ

HẾT

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]