Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chuyện 71 - Chuyện 80

13/05/201313:09(Xem: 12116)
Chuyện 71 - Chuyện 80

Chuyện Bách Dụ

Chuyện 71 - Chuyện 80

Thích Nữ Viên Thắng

Nguồn: Pháp Sư Thánh Pháp. Thích Nữ Viên Thắng dịch

Chuyện 71
Nỗi khổ đa thê

Lời dẫn: Mọi người ở đời luôn hám của rẻ, nên thường bị lỗ. Chúng tôi nói cách khác, người chịu thiệt thòi vì thường hám của rẻ; đây là nhân quả tuần hoàn. Chúng ta thân cận thiện tri thức đều là những người hiểu biết dạy chúng ta giữ đạo đức, nhân nghĩa, tu tâm dưỡng tính; nhìn hiện tại chúng ta có thiệt thòi, nhưng về sau được quả báo tốt đẹp. Nếu chúng ta thân cận ác tri thức đều dạy chúng ta những hành vi xấu cờ bạc, nhậu nhẹt, nhìn theo hiện tại làm cho chúng ta ăn chơi sung sướng, nhưng quả báo tương lai sẽ chịu đau khổ. Chúng ta nên thân cận thiện tri thức? Hay thân cận bạn bè cờ bạc, nhậu nhẹt?
Ngày xưa có một ông chồng cưới hai bà vợ. Tục Ngữ có câu: "Nếu như trong nhà lục đục, vì cưới thêm vợ nhỏ", chẳng sai tí nào. Bởi vì, phần đông phụ nữ đều có tính ích kỉ hẹp hòi, lại nổi máu Hoạn Thư rất dữ dằn; đặc biệt là chồng mình muốn chiếm làm sở hữu. Vậy làm chồng cưới thêm vợ nhỏ thì làm sao ăn ngon ngủ yên?
Nhưng ông chồng này có tính nhẫn nại rất giỏi, thường xử sự khéo léo, lo chu đáo cho hai bà vợ, khuyên bà này, an ủi bà kia. Nhưng hai bà vẫn không thông cảm cho ông.
Nếu như hôm nay, ông gần gũi bà lớn thì bị bà nhỏ hờn dỗi nói:
- Chàng là kẻ vô tình vô nghĩa, nếu chàng không yêu thiếp thì đừng cưới. Cưới về lại bỏ rơi thiếp, thật là người vô lương tâm; chúng ta chia tay nhau.
Thế là, ả than khóc ầm ĩ, đòi chia tay. Ông chồng vội an ủi:
- Chẳng phải ta yêu nàng nhất trên đời đó sao? Ta làm điều gì nàng không hài lòng?
Vợ nhỏ ấm ức nói:
- Vợ lớn mới là người chàng yêu nhất, thiếp có gì đâu mà chàng thương.
- Ôi! Té ra nàng đang ghen. Được rồi, được rồi! Người ta yêu chính là nàng.
Ông vừa an ủi bà nhỏ xong. Bà lớn ở bên lại trách:
- Chàng có vợ nhỏ không đoái hoài đến thiếp nữa phải không? Nhớ lại ngày xưa, chúng ta cùng nhau chịu cực khổ, ra sức gầy dựng cơ nghiệp, mới thành tựu cơ ngơi này. Ngày nay, chàng có tiền rủng rỉnh trong túi, đi cưới vợ nhỏ. Qua cầu rút ván phải không?
Ông chồng khổ sở nói:
- Nàng đừng nói thế! Không phải ta rất yêu nàng đó sao?
- Ai mà thèm yêu chàng!
Ông ta vỗ về bà này, bà kia tức giận, dỗ dành bà nọ, bà kia nổi tam bành. Thật là hai bà làm khổ một ông.
Ông gần gũi bà lớn thì bà nhỏ hờn giận, âu yếm với bà nhỏ thì bà lớn nổi máu Hoạn Thư. Một hôm, trong lúc ăn cơm. Bà lớn nói:
- Chàng là kẻ vong ân bội nghĩa, lúc đầu theo đuổi thiếp chàng thề thốt những điều gì. Chàng nói trọn đời chỉ yêu mình thiếp, thiếp mới một lòng chung thủy yêu chàng, không quản cực khổ, ra sức làm việc cùng chàng xây dựng vun bén gia đình ấm êm hạnh phúc. Nay chàng giàu sang, chẳng cần thiếp nữa phải không? Mọi việc đều do con hồ li tinh này mê hoặc, chàng mới đánh mất lương tâm như vậy.
Vợ nhỏ quát ầm lên:
- Ai là con hồ li tinh? Bà ăn nói cẩn thận một chút, bằng không con này không khách sáo đâu nhé!
- Không khách sáo gì? Muốn đánh nhau phải không? Đến đây! Mày không dám đến là con điếm giựt chồng bà.
- Có gì mà sợ chứ! Bà xem đây!
Vợ nhỏ lao vào cấu xé bà lớn. Ông chồng đứng ở giữa không biết xử sự như thế nào, can bà lớn cũng không được, bỏ bà nhỏ cũng không xong. Ông kéo bà lớn ra thì bà nói:
- Ông muốn bên vực con hồ li này phải không?
Ông kéo bà nhỏ cũng la quát:
- Này! Ông muốn bên bà già này đánh tôi phải không?
Thế là, xảy ra cuộc chiến ẩu đả loạn xạ, bà nhỏ lao tới đánh ông chồng, ông chồng với bà lớn đánh bà nhỏ; một lúc sau, ông chồng với bà nhỏ đánh bà lớn. Thật khó phân biệt ai ta, ai địch; cuộc chiến bất phân thắng bại. Đúng là hai bà làm khổ một ông.

Bài học đạo lý

Đàn ông vốn có tính tham nên ai cũng muốn đời sống vật chất sung túc đầy đủ, và nhiều vợ. Cổ đức dạy: "No cơm ấm cật dâm dật trong lòng". Đây là căn tính thấp hèn của con người. Trừ phi mọi người đều là thần thánh thì thế gian không còn chuyện thị phi. Lúc chưa có cơm ăn, áo mặc, nhà ở phương tiện đi lại, tài sắc, danh lợi thì bôn ba xuôi ngược, tính toán tranh giành, phải được nó cho bằng được. Đến khi có rồi, muốn chiếm hữu nó, muốn giữ cất nó, có nó mãi mãi. Do đó, mới có chuyện phải trái và đau khổ.
Thiên hạ có rất nhiều chuyện mâu thuẫn yêu-hận, thích thú-nhàm chán, hạnh phúc-khổ đau, thương-ghét, thiện-ác, thị-phi, chính-tà, thật-giả, bỏ-lấy, nắm giữ-buông xả v.v…quả thật là hai bên làm khó. Cho nên, chúng ta phải học trí huệ của Phật "Kiếm trí huệ chặt đứt phiền não". Thì liền giải thoát.

Chuyện 72
Che giấu sai lầm

Lời dẫn: Có người làm được một chút công lao, hay làm được chút việc tốt thì luôn thích khoe khoang với mọi người, lại sợ thiên hạ không biết; còn như họ phạm lầm lỗi, hoặc có khiếm khuyết thì rất sợ mọi người biết được, nên cố che giấu. Cổ đức dạy: "Nếu muốn người không biết, trừ phi mình đừng làm". Nếu chúng ta muốn mọi người không biết lỗi của mình, trừ phi tự mình đừng làm. Bằng không thì cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, sớm muộn gì mọi người cũng biết. Chúng ta che giấu chỉ nhất thời, không thể che giấu lâu được. Người ngay thẳng chân thật mới là chính nhân quân tử. Kẻ thích che giấu lỗi lầm là kẻ tiểu nhân.
Ngày xưa có một đôi vợ chồng trẻ. Một hôm, vợ muốn trở về nhà mẹ đẻ, nên rủ chồng cùng đi. Vợ nói:
- Chàng ơi! Lần này chúng mình về thăm quê, chàng nhớ lịch sự, lễ phép nhã nhặn với cha mẹ, bà con, bạn bè; không được nói năng cộc lốc, làm mất mặt thiếp nhé!
Chồng đáp:
- Ta biết rồi! Nhất định không làm nàng thất vọng đâu.
Về đến nhà vợ, chồng liếc đông, ngó tây, đi chỗ này, đến chỗ kia. Bất giác anh ta đến kho gạo, nhìn thấy gạo trắng nõn nà, thơm phức; bỗng anh ta cảm thấy đói bụng, liền vốc một nắm bỏ vào miệng. Ngay lúc đó, vợ đi vào, anh ta nuốt không được mà nhả ra cũng không ổn.
Vợ nhìn thấy chồng mặt mày nhăn nhó khổ sở, liền lo lắng hỏi:
- Chàng sao thế? Trong người không được khỏe hả?
Chồng ngậm một miệng gạo không trả lời được. Vợ nghi ngờ bước đến thấy hai bên má của chồng sưng vù, nên hốt hoảng hỏi:
- Chàng bị đau răng phải không? Thiếp mời thầy thuốc đến khám nhé!
Vợ lập tức lôi chồng đến gặp cha nói:
- Thưa cha! Chồng con không biết bệnh gì mà hai bên má sưng vù; cha mau cho người mời thầy thuốc đến khám bệnh cho chàng.
Vợ luôn theo sát chồng, cho nên anh ta không có cách nào nhổ gạo ra được. Anh ta lo lắng nghĩ: "Tiêu rồi! Ta phải làm cách nào?".
Thầy thuốc đến khám bệnh cho anh ta xong, bảo:
- Anh ta vô cớ bị trúng độc phải phẫu thuật gấp, bằng không nguy hiểm đến tính mạng.
Thầy thuốc mổ ra chỉ có gạo, mọi người mới biết anh ta ăn vụng. Cả ba người đều lâm vào cảnh khó xử. Cha vợ nói cũng không được –vì một nắm gạo, có đáng giá gì mà nói anh ta; không nói cũng không đúng, tại sao anh ta không nói sớm, báo hại mọi người một phen hoảng hồn. Chàng rể cũng xấu hổ -vì ăn vụng gạo; lại làm cho mọi người lo lắng vô ích. Thầy thuốc cũng quê độ -thầy nói anh ta vô cớ trúng độc, mổ ra chỉ có gạo. Cho nên, mọi người đều không dám nói ra, kết quả ai nấy đều bực mình mà giải tán.

Bài học đạo lý

Các vị đại đức! Mỗi người đều thích che giấu lỗi lầm của mình. Cổ đức dạy: "Người đời ai mà không lỗi, biết sửa đổi là Thánh hiền". Chúng ta phạm lỗi cứ nói thật, tâm biết hối cải thì mới tiêu trừ được tội lỗi. Nếu như chúng ta che giấu là không biết hổ thẹn thì tội che giấu càng nặng thêm. Còn chúng ta biết mình sai là biết hổ thẹn; cho dù tội nặng cũng nhờ đó mà được tiêu trừ, lỗi tuy nhỏ mà chúng ta không biết hổ thẹn là tạo thành tội nghiệp.
Tất cả chúng sinh từ vô thỉ đến nay, luân hồi trong sáu đường là do tích chứa rất nhiều tội nghiệp. Nếu không sám hối, hoặc tu Phật pháp thì nhất định trở thành chủng tử tội nghiệp nhiều đời nhiều kiếp. Vì thế, Phật pháp dùng pháp sám hối làm tiêu trừ nghiệp chướng. Hiện nay, trong Phật giáo đang lưu hành sám văn ở đời rất thịnh, đều dạy chúng ta nghi thức cầu sám hối như thế nào, quan trọng chúng ta có thành tâm cầu sám hối hay không. Nếu chỉ thực hành theo nghi thức này, mà không chí thành sám hối thì làm sao tiêu tội nghiệp?
Cho nên, trong Phật pháp, mỗi tháng có tụng giới hai lần, cũng chính là lúc tụng giới, tự kiểm điểm lại mình trong nửa tháng có phạm giới không? Nếu có phạm giới thì chúng ta phát lộ sám hối, tội mới tiêu trừ; còn như che giấu tội lỗi thì mãi mãi là chủng tử tội nghiệp. Chúng ta che giấu tội lỗi thì mắc tội gì? Ngoài tâm không biết hổ thẹn, còn có chuyện tự tư tự lợi mới là tội nặng nhất. Người có tâm tự tư tự lợi cá nhân sinh ra tất cả tội nghiệp, tính toán tranh đoạt.
Theo tín ngưỡng dân gian là "ngẩng đầu ba thước có thần thánh". Thần thánh luôn kiểm soát hành vi thiện ác của chúng ta để ghi vào sổ, tương lai chúng ta xuống điện Diêm La mới tính tổng kết. Đức Phật dạy: "Hành vi thiện ác hàng ngày của chúng ta đều chứa trong ruộng thức thức tám". Những hành vi này, đợi đến khi các loại nhân duyên thành thục, gọi là nghiệp báo. Nghiệp trước kéo nghiệp sau, từng nghiệp lôi kéo nhau, do thời gian, do chỗ ở, do con người, do sự vật. Nhưng khi chủng tử thành thục thì chịu quả báo. Vì thế, tội che giấu chẳng khác nào che giấu chủng tử tội nghiệp.

Chuyện 73
Anh hùng giả chết

Lời dẫn: Một cô gái mặt rỗ, sẹo lồi lõm nhưng khéo trang điểm thì giống như một cô gái xinh đẹp. Một chàng trai què chân cưỡi ngựa phi nhanh, khác nào một trang nam tử khôi ngô tuấn tú. Một người mù đeo kính đen, nhìn qua giống như người bình thường. Một kẻ giả làm bậc quân tử đi giúp đỡ mọi người, nhưng ai biết hắn đang tính toán âm mưu gì? Muôn sự ở thế gian, con người khéo che đậy, nhất thời mọi người chưa biết được; nhưng đường xa mới biết ngựa hay, sống lâu hiểu rõ lòng người. Con người chỉ che giấu trong chốc lát, không thể che giấu mãi mãi; khi bại lộ sự việc khó mà tránh khỏi tai họa. Vì thế, chúng ta có bao nhiêu tài năng, làm bao nhiêu việc tốt, không cần khoe khoang cho mọi người biết, đó mới là chính nhân quân tử.
Ngày xưa có một kị sĩ rất thích cưỡi ngựa, nhìn tướng mạo bên ngoài, hắn có chút uy phong lẫm liệt. Nhưng thật ra, hắn chưa học qua võ thuật mà lại đi khoác lác xưng ta là anh hùng vô địch trong thiên hạ. Lúc đó, trong thôn thường bị bọn giặc cướp rừng xanh lộng hành, làm cho nhân dân trong thôn đều rất sợ hãi; ai nấy đều lo sợ bọn chúng xông đến nhà mình. Vì thế, thôn trưởng liền mời các vị anh hùng để chỉ huy dân chúng đánh bọn giặc. Gã thanh niên này hùng hồn tuyên bố: "Có gì mà sợ, tôi sẽ đánh bọn chúng tan tác tả tơi".
Một đêm, hắn chỉ huy một đội dân làng, xông thẳng vào sào huyệt của bọn địch. Nhưng đi giữa đường thì chạm trán bọn chúng, bọn chúng sắp đột nhập vào thôn để cướp bóc. Hắn liền hô lớn: "Nào các anh em! Xung phong…Chúng ta hãy giết sạch bọn cướp này". Nhưng hắn lại sợ hãi lén lùi lại phía sau để mọi người xông lên; nhưng bọn thổ phỉ chém càn tiến lên phía trước, không để mọi người chống đỡ. Hắn đành phải giả té xuống ngựa, nằm giả chết trong đống tử thi. Khi trận chiến kết thúc, hắn chặt đuôi một con ngựa chết, trở về thôn nói với mọi người:
- Trong đêm tối đánh nhau với bạn cướp, bị tan rã hàng ngũ; chỉ còn mình tôi đuổi giết bọn cướp, bọn cướp bắn chết ngựa của tôi, nên tôi không thể đuổi theo bọn chúng, đành phải chặt đuôi con ngựa yêu quý đem về.
Trong đó, có một thanh niên hỏi:
- Thủ lĩnh! Khi xuất phát, ngựa của ông màu trắng; vì sao ông lại đem về đuôi ngựa màu đen?
Hắn ấp a ấp úng không trả lời được. Mọi người mới biết hắn chỉ có danh hư bề ngoài, thực chất không có tài cán gì, lại rất sợ chết.
Kẻ giả tài giỏi, giả quân tử, giả anh hùng; cuối cùng cũng bị mọi người biết rõ. Việc gì phải chuộng chút sĩ diện một lúc, mà bị mọi người xa lánh mãi mãi?

Bài học đạo lý

Kẻ giả tài giỏi, giả tài năng ở thế gian này rất nhiều, nhưng đầu óc chúng rỗng tuếch, chẳng có chút hiểu biết. Có kẻ quê mùa dốt nát lại làm ra vẻ dân trí thức. Người thạo nghề vừa bắt tay làm thì biết giỏi hay không. Người có học vấn, hiểu biết, nhân cách, khi nói năng, hành động, ứng xử đều thể hiện ra bên ngoài. Chúng ta không thể đánh giá con người qua hình tướng. Nhưng khi họ nói chuyện, làm việc, hành vi ứng xử thể hiện ra chúng ta đánh giá được họ. Để đánh giá nhân cách, đạo đức, học vấn của mỗi người, theo Khổng Tử nói: "Nhìn hành động của người mà biết được động cơ của họ; nếu người quán sát như vậy thì cái giả làm sao giấu được!" .
Chúng ta sống gần một, hai ngày với mọi người không biết nhân cách, đạo đức và thiện ác của họ. Nhưng "sống lâu hiểu rõ lòng người, đường xa mới biết ngựa hay". Cho dù chúng ta có khéo giả dối che đậy, nhưng một ngày nào mọi người cũng sẽ biết rõ. Cho nên làm người phải sống chân thật. Làm việc phải thật thà ngay thẳng. Nhưng đáng tiếc thay! Mọi người luôn chuộng sĩ diện, thích danh lợi mà đánh mất sự chân thật. Bậc Cổ đức dạy: "Người thành tựu thực tế thì có danh tiếng tương ưng". Chúng ta cũng có thể nói: "Người thành tựu thực tế thì có danh lợi tương ưng". Như thế, mê muội lừa dối mọi người; hoặc giả làm anh hùng; cuối cùng tự mình chuốc lấy hủy nhục. Nhưng vì sao ở đời kẻ giả làm quân tử nhiều như thế? Đều chỉ vì một chút sĩ diện mà thôi.
Một cân thể diện đáng giá bao nhiêu tiền? Có người cố chấp tốn rất nhiều tiền để tranh giành sĩ diện; thậm chí có người liều thân mạng quý báu để giành bằng được sĩ diện; cãi nhau, đánh nhau, kéo nhau ra tòa án cũng vì sĩ diện. Nước này với nước kia, nhà này với nhà nọ, người này với người kia đánh chiếm, tranh giành nhau cũng đều vì sĩ diện. Con người vận động vốn là rèn luyện sức khỏe, cho nên vận động quanh năm suốt tháng; ngày nay lại trở thành vấn đề thi đấu vì thể diện.
Cổ đức dạy:
Nghèo ở phố thị không an biết
Giàu sống rừng sâu có kẻ tìm.
. Đó là vì vinh hoa phú quý; hoặc vì dân phục vụ; hoặc tranh giành vì sĩ diện. Chúng tôi nghĩ đều có đó nhé! Đặc biệt là thể diện rất quan trọng. Vì thế, có người "không thể để lại tiếng thơm trăm đời mà để lại tiếng xấu vạn năm", đều là vì chuộng sĩ diện. Từ xưa, những kẻ đại gian ác cũng là vì chuộng sĩ diện. Trong tôn giáo có người vì chuộng sĩ diện mà tung ra những chiêu thủ đoạn, phao tin đồn nhảm, dọa dẫm, lừa gạt mọi người. "Lỡ bước một phen thành mối hận nghìn đời", cũng vì chuộng sĩ diện. Như vậy, vấn đề chuộng sĩ diện làm hại mọi người rất nhiều.

Chuyện 74
Gỉa làm trang nghiêm

Lời dẫn: Thế gian có chính nhân quân tử, có kẻ tiểu nhân, kẻ giả tài giỏi. Người trung hậu ngay thẳng như đi trên con đường rộng lớn bằng phẳng, không có gai nhọn và sỏi đá, cũng không bị nguy hiểm rình rập các loài rắn độc, trùng độc cắn tổn thương. Nhưng vì sao mọi người đường lớn không chịu đi mà lại đi vào đường hẹp quanh co khúc khủy? Đây chính là trong tâm có liên quan đến ma.
Thuở xưa, người dân Ấn Độ đa số đều tin theo bà-la-môn giáo. Bọn tăng lữ của bà-la-môn giáo được mọi người cúng dường đầy đủ, nên về sau họ dần dần lười biếng tu hành, sống bừa bãi. Có rất nhiều người không giữ quy củ của đạo, làm ô uế tăng lữ. Có người hình dáng tu hành nhưng không trang nghiêm. Có người sống tùy tiện vô kỷ luật. Có người y phục rách rưới và dơ bẩn, giống như dòng dõi thấp hèn. Bà-la-môn vốn là dòng dõi cao sang quý tộc. Như thế, có khác gì dòng dõi thấp hèn.
Nhà vua nghe được tin này, liền truyền lịnh: "Tất cả tăng lữ của bà-la-môn giáo phải tinh tiến học đạo tu hành, phải trang nghiêm thanh tịnh; nếu không thì trở về thế tục, để họ sống theo dòng họ thấp hèn". Nhà vua vừa ban lịnh, bọn chúng khẩn trương thực hành. Những kẻ ăn mặc rách rưới thì mặc y phục mới. Kẻ sống dơ bẩn thì lo đi tắm rửa sạch sẽ. Kẻ lười biếng lo tinh tiến tu hành. Nhưng thói quen lâu ngày khó sửa, bọn chúng làm theo mệnh lịnh bề ngoài, bên trong vẫn lén lút sống dơ bẩn, vô kỉ luật.
Có tên oán trách nhà vua nói: "Nhà vua không lo việc lớn, lại đi lo ba chuyện lặt vặt của chúng ta. Chúng ta sống dơ hay sạch liên gì đến vua chứ; làm sao vua có thể mỗi ngày theo giám sát sự sinh hoạt của chúng ta?". Do đó, bọn chúng vẫn sống vô kỉ luật và dơ bẩn như cũ.
Mỗi khi đi ra ngoài, hoặc ở trước mọi người, bọn chúng giả làm ra vẻ trang nghiêm, đĩnh đạc, nhưng bên trong thì ngược lại. Bọn chúng vốn là thầy tôn giáo phải trang nghiêm thanh tịnh, phải làm mẫu mực cho mọi người, làm tấm gương ở thế gian. Nhưng có người chỉ vì cuộc sống, vì sự cúng dường của mọi người mà bọn chúng giả tạo bề ngoài. Thật sự là dối mình lừa người.

Bài học đạo lý

Thế gian có rất nhiều tôn giáo, cũng có rất nhiều thầy tôn giáo làm nghề tôn giáo. Có người tinh tiến tu hành theo tôn giáo. Có người vì phục vụ cho xã hội; hoặc phục vụ tôn giáo mà theo tôn giáo. Có người vì hoằng pháp lợi sinh, thay trời giáo hóa mà theo tôn giáo. Có người khuyến khích nhân dân tu tâm, làm việc thiện, cứu người, cứu đời mà phục vụ tôn giáo. Có người vì cuộc sống, vì kiếm tiền, đem tôn giáo ra làm kinh doanh, làm xí nghiệp. Có người vì danh lợi, vì tham cúng dường mà đem tôn giáo làm nguồn kiếm tiền, làm hàng hóa mua bán. Vì thế, nhân cách của bậc thầy tôn giáo có khác nhau một trời một vực.
Có người vì tham của cúng dường mà dối thần gạt quỉ, dựa vào quỉ thần để lừa gạt lấy tiền của, chiếm gái đẹp, mượn lịnh của trời để lường gạt dân chúng, vì danh lợi mà bọn chúng không từ thủ đoạn giở trò lừa bịp. Có những kẻ giả thánh, giả thần, giả tiên, giả Phật làm cho mọi người lễ lạy cúng dường. Đây có phải nhiệm vụ của thầy tôn giáo không?
Thầy tôn giáo khuyên mọi người làm việc, phát tâm tu hành, làm bậc mẫu mực, làm gương cho mọi người; đó là tôn kính thần thánh. Nhưng ma lực tài sắc, danh lợi rất lớn, thầy tôn giáo cũng không thoát khỏi bàn tay của chúng. Cho nên, tôn giáo không thanh tịnh, cũng không biết vị thầy tôn giáo đó thật sự có đức hạnh không.
Tục Ngữ có câu: "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng". Chúng ta thân cận thiện tri thức là tu học chính tri, chính kiến, tinh tiến tu hành. Nếu như chúng ta thân cận tà sư là học tà tri, tà kiến, tu mù bậy bạ. Như thế, tốn tiền oan uổng, việc nhỏ mà uổng phí tinh thần, tương lai cùng vào tà đạo, mới là oan uổng rất lớn. Ở đời, bất luận sĩ, nông, công, thương; mỗi người làm mỗi nghề, không có người giả quân tử.
Những người sợ trời, sợ thần, sợ quỉ là người có lương tâm. Người sợ nhân quả, sợ báo ứng là người có căn lành. Những kẻ trời không sợ, đất không ngán, không sợ quỉ thần; ngoại trừ anh hùng có một không hai, là người hết thuốc chữa. Người theo Phật pháp mà không sợ nhân quả, là ma quỉ trong Phật giáo. Trong thần giáo mà giả thần, làm quỉ là tội nhân trong tôn giáo.
Phật giáo giống như con sư tử, nó vừa cất tiếng rống cả trăm loài thú đều sợ hãi. Phật pháp hoằng dương ở đời thu phục nhiều tôn giáo; nhưng chỉ sợ ma vương trong giáo pháp. Phật pháp không sợ ngoại đạo xâm chiếm chỉ sợ những kẻ phá giới trong giáo pháp, càng sợ những kẻ giả làm bậc gương mẫu; giống như trùng trong thân con sư tử, những kẻ giả làm trang nghiêm, nhưng không có đức hạnh; đó là trùng trong thân con sư tử ở trong giáo pháp. Thật đáng sợ thay! Những kẻ bề ngoài là Phật giáo, nhưng bên trong hành tà tri, tà kiến; đây chính là ma vương thật sự trong Phật pháp.

Chuyện 75
Sai một ly đi một dặm

Lời dẫn: Vào thời đại Tam Quốc, Tôn Quyền và Chu Du lập mưu muốn dụ Lưu Bị vượt sông Trường Giang cầu hòa; kì thật, cả hai người muốn giết ông. Nhưng Khổng Minh đi nước cờ cao hơn, dùng tương kế tựu kế, bảo Lưu Bị đi cầu hòa. Kết quả, biến giả thành chân. Tôn Quyền cùng phu nhân chạy trốn, lại hao binh tổn tướng. Chu Du tức giận hộc máu mà chết. Tục Ngữ có câu: "Người tính không bằng trời tính". Quả thật là một cuộc đấu trí hấp dẫn. Cho nên, người có trí huệ, tài năng thì giải quyết mọi việc đều thông suốt. Kẻ ngu si dễ bị mắc lừa.
Ngày xưa có một gã nông dân nuôi một con lạc đà, nó giúp hắn vận chuyển hàng hóa. Tính tình lạc đà hiền lành và nhẫn nại, gặp lúc đi đường xa nó vẫn chịu đói khát, suốt mấy ngày nó không có gì ăn vẫn không hề gì; cho nên, gã nông dân chăm sóc nó rất kĩ. Lúc đầu, hắn cho nó ăn cỏ tươi, nhưng sau đó hắn thấy đối xử với nó như vậy là không công bằng, vì nó chịu cực khổ như thế, phải cho nó ăn lúa gạo mới đúng. Hắn nghĩ phải đem cái vò báu của ông bà để lại, đựng lúa gạo cho nó ăn, để bày tỏ lòng yêu thương nó.
Sáng kiến đã định, hắn đem cái vò báu của ông bà để lại, đựng lúa gạo cho lạc đà ăn, cho rằng như thế là thương yêu nó. Hắn không biết, khi con lạc đà duỗi đầu vào trong cái vò để ăn thì nó không rút ra được. Hắn lo lắng nói:
- Phải làm thế nào bây giờ? Ai có thể kéo đầu con lạc đà ra được?
Mọi người kéo đến xem sự việc xảy ra. Trong đó, có một ông cụ bảo:
- Chú mày hãy cầm búa đập vào đầu nó, có thể kéo ra được không?
Hắn cho là có lý, nên đi vào nhà cầm búa ra đập đầu con lạc đà. Nhưng đầu lạc đà kéo ra được thì cái vò báu bị bể và con lạc đà cũng chết ngay tại chỗ "làm một việc mất cả hai". Từ đó, hắn không còn lạc đà giúp hắn làm việc "làm một việc mất cả ba". Bắt đầu từ đó, hắn lâm vào cảnh khốn khổ "làm một việc mất cả bốn". Cuối cùng, hắn lưu lạc khắp nơi, lang thang khắp đầu đường xó chợ "làm một việc mất nhiều thứ".
Gã nông dân này, tự cho mình thông minh, chỉ cần một câu nói hại người dễ dàng. nhưng hắn không có trí huệ, không biết đúng-sai, không biết khinh-trọng, mới dẫn đến kết cục như vậy.

Bài học đạo lý

Các vị đại đức! Trí huệ đối với con người có quan trọng không? Qua câu chuyện này để lại chúng ta bài học sâu sắc. Đức Phật là Đấng giác ngộ. Phật giáo là tôn giáo trí huệ, dạy chúng ta những vấn đề làm người, làm việc; tu thoát khổ được vui, giải thoát phiền não, tiêu trừ nghiệp chướng như thế nào v.v…
Nhưng chúng sinh tự cho mình thông minh, cho rằng sống ở đời có tiền là có tất cả. Bậc Cổ đức dạy: "Giàu sang chốn trần gian như hoa đốm; địa vị, danh vọng ở đời như bọt nước". Hạnh phúc, giàu sang ở trần gian trôi qua nhanh chóng; huống gì thế gian này vui ít, buồn nhiều. Chúng ta vì cuộc sống, vì danh lợi mà tạo tội nghiệp rất nhiều, tương lai mãi mãi luân hồi trong sáu đường; khổ báo vô lượng vô biên. Như thế, là người có thông minh hay không? Tương lai có mở ra con đường xán lạn hay không? Đây chính là cách nhìn sai khác giữa người trí và kẻ ngu.
Gã nông dân trong câu chuyện, thật sự là hắn muốn kéo đầu con lạc đà ra, nên mới đem búa đập vào đầu nó phải không? Đây chỉ là thí dụ. Dụ cho con người vì cuộc sống, vì danh lợi mà tạo ra các nghiệp ác. Khi đạt đến mục đích rồi, tự hạ thấp nhân cách, đạo đức của mình, huệ mạng nhiều đời nhiều kiếp cũng mất hết; khác nào đập đầu con lạc đà? Sinh mạng con người là quan trọng, hay huệ mạng quan trọng, đều theo cách nhìn của mỗi người không giống nhau. Nhân cách, đạo đức quan trọng, hay tiền bạc, địa vị, danh vọng quan trọng cũng là quan điểm của mỗi người khác nhau. Vinh hoa, phú quý hiện tại quan trọng, hay tương lai nhiều đời nhiều kiếp thoát khổ được vui quan trọng, cũng là nhận xét của mỗi người không giống nhau. Cho nên, mới có sự sai khác giữa người trí và kẻ ngu.
Có người sống ở đời, đi đến nơi đâu cũng đều bóc lột mọi người để mình được lợi; người khác sống đau khổ, mình hưởng thụ sung sướng. Họ cho như thế mới là người thông minh, lại không biết mình đang tạo ác nghiệp, gây đau khổ vào tương lai, hiện tại chỉ được chút lợi mà khổ báo tương lai lại nhiều vô lượng vô biên. Chúng tôi nói cách khác, chúng ta tu hành bồi dưỡng trí huệ, đạo đức thì tương lai được tài sản lấy mãi không hết, dùng hoài không cạn. Ai là người thông minh, ai là kẻ ngu si? Xin các vị tự chọn lựa nhé!

Chuyện 76
Si mê công chúa

Lời dẫn: Con người quý ở tự biết. Tự biết thân phận, tài năng, học vấn. tri thức của mình. Tự mình làm được việc gì? Đều phải biết. Tình thương trong sáng, bình đẳng không có sang hèn. Nhưng xã hội ngày nay thì có sai biệt sang-hèn. Muôn vật đều có đắt-rẻ; ngọn cỏ và cây cổ thụ, quý ở chỗ có thể coi như nhau. Theo quốc gia dân chủ, mỗi người đều có tư cách làm tổng thống, nhưng không phải ai cũng làm tổng thống được. Trí thức của mỗi người có cao-thấp; năng lực có giỏi-dở; thân phận có sang-hèn, tất cả đều có sai khác, không phải mọi người đều giống nhau.
Thuở xưa có gã thanh niên ở vùng nông thôn, chất phác thật thà, quanh năm cần cù cày sâu cuốc bẩm, nên trở thành người khá giả, cuộc sống của hắn trôi qua bình yên. Nhưng ở đời khi người ta đầy đủ vật chất thì sinh ra thói hư tật xấu. Gã thanh niên này có đầy đủ cơm ăn, áo mặc, nhà ở nên nghĩ đến chuyện lập gia đình, lập nghiệp. Nhưng hắn nhìn kĩ trong thôn chẳng có cô gái nào hợp ý. Mặc dù hắn chưa đạt được giàu sang nổi tiếng, nhưng cuộc sống cũng yên ổn, an cư lạc nghiệp.
Gã thanh niên quanh quẩn trong thôn đã lâu, nên đi nơi khác để thư giãn tâm hồn, ngắm nhìn phong cảnh mọi nơi. Một hôm, hắn đi đến thành phố. Khi đi ngang qua hoàng cung, hắn chợt thấy công chúa, dung nhan xinh đẹp tuyệt trần. Hắn bị sắc đẹp của công chúa cuốn hút, quên mất thân phận mình là ai? Hắn đứng ngơ ngẩn rất lâu, công chúa đi rồi, hắn mới chợt tỉnh. Tuy hắn đã trở về làng quê, nhưng ngày đêm hắn cứ mơ tưởng đến hình ảnh công chúa đang hiện trước mặt. Từ đó, hắn luôn dệt mộng đẹp ái tình.
Trước đây, khi chưa gặp được công chúa, hắn vui thích sống cảnh đồng ruộng, vui mừng khi lúa được mùa. Sau khi, thấy được công chúa, hắn không còn thích thú công việc đồng áng và hớn hở khi được mùa. Suốt ngày đêm, hắn chỉ nghĩ nhớ đến công chúa là niềm hạnh phúc của hắn. Nhưng hạnh phúc ảo tưởng làm sao đạt được? Ban ngày hắn nằm dài trên giường ngắm nhìn bức tranh treo trên tường, giống như công chúa đang mỉm cười với hắn; ban đêm, hắn nằm mộng thấy cùng công chúa chạy nhảy vui đùa. Vì thế, làm cho hắn lúc nào cũng dệt mộng đẹp, cuộc sống vinh hoa phú quý, bên người vợ kiều diễm xinh đẹp.
Khi con người đang sống trong cơn mộng tình ái thì không có quan niệm sang hèn; huống gì hắn đang si tình đơn phương, đối tượng hắn nghĩ đến là công chúa con nhà hoàng tộc, còn hắn là nông dân cày sâu cuốc bẩm nghèo cùng. Do đó, sức khỏe hắn ngày càng tiều tụy, luôn sống trong mộng đẹp tình ái. Hắn hạnh phúc hay đau khổ cũng chưa biết rõ. Có người bạn thức tỉnh hắn nói:
- Anh đừng có si mê như vậy, phải biết thân phận của mình là gì? Nếu như anh thích cô nào trong thôn thì chúng tôi sắn sàng giúp anh làm mai mối. Còn công chúa thì anh không nên yêu cuồng si, ảo tưởng như vậy.
Nhưng con người là một động vật rất kì lạ, những thứ người ta không đạt được thì càng muốn chiếm hữu. Kết quả, hắn mắc bệnh cuồng si.
Một hôm, những người bạn thân họp lại để bàn bạc cứu chữa bệnh si tình của hắn. Có người nói:
- Đây là tâm bệnh, thầy thuốc đành bó tay.
Có người bảo:
- Tâm bệnh vẫn có thuốc chữa được.
Có người đưa ý kiến:
- Chỉ cần chúng ta biết mở sợi dây tình cảm trói buộc là được.
Cuối cùng mọi người thống nhất ý kiến nói với anh ta: "Chúng tôi đã cử người đến hoàng cung bàn chuyện cầu hôn, công chúa đã bằng lòng lấy anh; chỉ là công chúa còn đi học, nàng bảo anh hãy giữ gìn sức khỏe, vài ba năm sau sẽ tính chuyện cưới hỏi". Như thế, làm cho tinh thần hắn ổn định sau đó tính nữa".
Hắn nghe công chúa đồng ý lấy mình, nên vui mừng khôn xiết, liền ngồi dậy nói:
- Cảm ơn các bạn nhiều lắm! Mặc dù hiện tại tôi không thể gặp mặt công chúa, nhưng nàng đồng ý lấy tôi; tương lai tôi được sống mãi mãi bên nàng, sẽ hưởng hạnh phúc ngọt ngào, những tháng ngày ân ái thỏa thích. Tôi còn mong ước điều gì nữa?
Từ đó, hắn khỏi bệnh. Nhưng ngày tháng trôi qua, tin tức về công chúa vẫn mịt mù tăm cá, hắn chỉ mơ tưởng mà thôi.

Bài học đạo lý

Các vị đại đức! Mọi người đều có hi vọng, hướng về tương lai. "Người phải vươn lên, nước thì chảy xuống". Nhưng chúng ta hi vọng phải phù hợp với mình, việc đó mình có thể đạt được mục đích. Không phải chúng ta mong muốn những điều không thật có; hoặc việc đó không thể đạt được mục đích thì giống như nằm mộng, ngày tháng trôi qua, đợi mãi đến khi tàn hơi kiệt sức, có hối hận cũng đã muộn.
Có những ngoại đạo ảo tưởng những mục tiêu không thật có như: vô cực, lý thiên, lão mẫu nương, cùng làm giáo chủ v.v…Những điều này không thật có, cũng là ảo tưởng sáng tạo, mãi mãi không đạt được mục đích; giống như gã thanh niên ở thôn quê trong câu chuyện muốn cưới công chúa, chỉ vọng tưởng hư ảo. Làm sao mà đạt được?
Đức Phật như thế nào? Ngài có dạy mọi người sáng tạo ảo tưởng không? Phật là Đấng đại giác, trí huệ, đạo đức rộng lớn, cũng là Bậc đại từ bi. Nếu như chúng ta tu hành trí huệ, từ bi, đạo đức thật sự thì cũng có thể thành Phật. Vì sao có thể phủ định chỉ có ĐứcPhật?

Chuyện 77
Cầu linh dược

Lời dẫn: Nếu như chúng ta muốn trèo lên cây bắt cá thì mãi mãi không bắt được cá. Hoặc nuôi gà trống mà mong đẻ trứng thì nó có đẻ được không? Người không có công đức, không làm việc thiện mà suốt ngày lạy lục cầu thần, cầu sinh lên cõi trời thì không bao giờ đạt được mong ước. Bởi vì, họ không có nhân thiện thì làm sao có quả thiện. Kinh Nhân quả ghi: "Nhân như vậy thì được quả như vậy". "Tự mình gây nhân thì tự chuốc quả". Mình không có gì có cầu cũng không được.
Ngày xưa có một gã nông dân, không biết hắn nghe tin đồn nhảm từ đâu, nói sữa lừa có thể trị bá bệnh, lại còn làm cho thân thể mạnh khỏe "có bệnh trị bệnh, không bệnh bồi dưỡng thân". Cũng có người nói hùa theo: "Sữa lừa chẳng những bồi dưỡng sức khỏe mà còn trị những bệnh nan y như ung thư, tai biến mạch máu, bệnh xơ gan v.v…đều chữa khỏi. Trẻ con mắc bệnh đậu mùa, muốn đề phòng bệnh này thì uống sữa lừa có thể ngăn ngừa được vạn bệnh". Mỗi người thêm một câu, miêu tả giống như thuốc tiên trên trời, uống một viên có thể trẻ mãi không già.
Có người thêu dệt thêm, nói: "Sữa lừa giống như linh đan diệu dược, người bị tai điếc uống vào liền nghe được; người bị mù liền sáng; người điên được tỉnh; người chết sống lại v.v…". Họ nói đủ điều tốt đẹp suốt cả ngày, giống như thuốc tiên trên trời linh nghiệm cũng không bằng sữa lừa. Có người nghe như vậy muốn có liền, nên nói: "Chúng ta phải làm thế nào có được sữa lừa?". Ngay lúc đó, có người dắt một con lừa đi ngang qua. Mọi người nhìn thấy con lừa, liền chạy đến bao vây nó.
Có người vắt tai con lừa để lấy sữa. Có người vắt đuôi nó. Có người vắt khắp thân, nhưng chẳng ai được sữa. Trong đó, có một người vắt bộ phận sinh dục của nó chảy ra được một chút nước tiểu. Hắn hớn hở vui mừng hét to: "Vắt được rồi! Vắt được rồi! Đây chính là sữa lừa thật sự". Mọi người cho là sữa lừa nên tranh nhau vắt. Cuối cùng được một li rất nhỏ, nhưng bán ra được mấy trăm lượng vàng mà cung vẫn không đủ cầu. Khi mọi người uống nước tiểu lừa thì như thế nào? Chẳng có người nào đạt được hiệu quả, nhưng không dám nói. Người tác dụng tâm lý, nên có chút linh nghiệm, liền loan truyền thêu dệt thêm: "Sữa lừa thật là linh, tôi mắc bệnh nan y kia, uống sữa lừa vào khỏi liền". Ai nấy đều hùa theo, một đồn mười, mười đồn trăm. Tục Ngữ có câu: "Một thằng mù dắt một đám người mù". "Một con chó sủa bóng, trăm con chó sủa theo". "Một người truyền hư, trăm người truyền thực". "Lời có ích không ra khỏi cửa, lời nói bậy truyền đi nghìn dặm". Càng đồn càng đi xa.

Bài học đạo lý

Các vị đại đức! Mọi người đều thích nghe lời nói ngọt ngào, thích nghe điều không thật; thích nghe những chuyện kì dị lôi cuốn. Chúng ta nói sự thật, nói chân lý, họ không thích nghe, vì không có hấp dẫn, hứng thú, nên họ không tin. Chúng ta kể chuyện hoang đường ma quái, như chuyện "Một nghìn lẻ một đêm". Kể về huyền thoại, không có thật thì họ đều thích nghe. Thật là kì lạ! Con người là tối linh trong muôn vật. Tính linh ở đâu? Đang lừa dối người? Đang tính kế tranh giành? Hay đang mưu tính hại nhau? Hay đang tìm cách hại người? Nếu như nhìn theo phương diện tín ngưỡng tôn giáo thì không có linh.
Có người tùy tiện sắp đặt thần có lẽ cũng có, chạm khắc tượng thần cũng có người lễ bái, cũng có linh nghiệm. Vì sao? Vì rất nhiều thần linh ở khắp trong vũ trụ. Có vị nương ở cây cỏ. Có vị nương ở tảng đá v.v…đều có linh hiển, huống gì thần có nơi chốn có miếu, có nhà thờ tự, mà không có linh hiển đáng tin hay sao? Chúng ta tín ngưỡng như thế thì tương lai thần có giúp được gì không? Giống như chúng ta làm nghề buôn bán lâu ngày thì có tình cảm qua lại, anh mua tôi mới bán. Có rất nhiều người là bạn với nhau, anh muốn vươn lên thì tôi nâng đỡ anh, mong muốn anh mãi mãi là bạn của tôi. Nhưng tốt nhất anh luôn là cấp dưới của tôi, không được làm cấp trên của tôi. Tục Ngữ có câu: "Rồng bay với rồng, phượng múa với phượng, bạn của chuột biết đào ngạch". Chúng ta tín ngưỡng như thế nào thì cầu khẩn thần linh như thế ấy.
Chúng ta cầu khẩn với chính thần như thế nào? Hay Phật, bồ-tát như thế nào?
Thứ nhất: Phải có tâm cao thượng thì cầu thần cao thượng, tính tình ngay thẳng thì cầu khẩn với chính thần.
Thứ hai: Đức hạnh, ý chí và nguyện lực của họ phải phù hợp đối tượng tín ngưỡng, thì mới tương ưng.
Thứ ba: Ý chí, nguyện lực của đối tượng đó phải bình thường, hành động, việc làm phải phù hợp thì mới có cảm ứng đạo giao.
Vì thế, chúng ta không nên cầu bậy; bằng không thì giống như muốn sữa lừa xằng bậy trong câu chuyện, thật sự rất hoang đường.

Chuyện 78
Uổng công đi và về

Lời dẫn: Chúng ta muốn đến nơi nào, muốn đi chuyến xe nào đó, ban đầu xe đợi khách chậm vài phút, xe mới bắt đầu chạy. Nếu chúng ta đến trễ, xe chạy rồi thì uổng công đi và về. Chúng ta đi thi mà bỏ quên phiếu dự thi ở nhà thì không vào phòng thi được; lúc trở về nhà lấy phiếu dự thi, trở lại mọi người đã thi xong, cũng uổng công đi và về. Chúng ta buôn bán xa nhà muốn kiếm được nhiều tiền lời; không may bị thua lỗ thì cũng uổng công đi và về.
Sinh viên du học xa nhà, ở nước ngoài suốt mấy năm, bôn ba xuôi ngược mà học chẳng ra gì, tốn rất nhiều tiền, lãng phí thời gian quá dài, trở về chẳng làm được gì, cũng uổng công đi và về. Như người cầm binh xuất chinh dẹp trừ giặc cướp, nhưng không thể trừ được bọn chúng, chưa vì dân trừ giặc, uổng công mang vũ khí, nhọc tướng, mệt binh, cũng uổng công đi và về. Có người đi thu tiền nợ, nhưng quên mang theo sổ, đành phải lêu lỏng, chẳng thu được đồng nào, cũng uổng công đi và về. Những chuyện uổng công đi và về ở thế gian có rất nhiều, không sao kể hết.
Ngày xưa có một ông già giàu nứt đố đổ vách. Ông có một người con trai rất thông minh và hiếu thuận. Bất kì anh ta làm việc gì cũng được cha khen ngợi. Như khi ông đi xa trở về nhà mệt mỏi, anh ta chuẩn bị giường nằm sạch sẽ để ông nằm nghỉ. Lúc ông khát nước, anh ta liền đem ly trà đá đến. Mùa đông lạnh rét, anh ta đem áo lạnh cho ông mặc; mùa hè nóng bức thì anh ta bưng thau nước mát đến để ông lau rửa v.v…Anh ta hầu cha rất tỉ mỉ, làm ông hài lòng vô cùng. Vì thế, người cha và mọi người trong thôn luôn khen ngợi anh ta.
Một hôm, người cha bảo:
- Này con! Cha đã già rồi, tương lai con sẽ kế thừa tài sản cha để lại. Cha có rất nhiều đất đai và cơ sở xây dựng ở vùng khác, cho nên mỗi năm phải đi ghi sổ và thu thuế, đợi đến ngày mai cho đem con đi để biết cách làm việc và biết đất đai ở các nơi, sẵn dịp cha con mình thu tiền thuế luôn.
Đến sáng hôm sau, khi trời chưa sáng, người con tự ý một mình đi thu thuế. Nhưng anh ta đến nơi, không có sổ sách ghi tên người, cũng không biết người nào mắc nợ; cho nên anh ta lêu lỏng cả ngày rồi về nhà. Người cha ở nhà tìm con hoài không biết đi đâu, đến tối thấy anh ta trở về, người cha liền hỏi:
- Ngày nay con đi đâu?
Anh ta đáp:
- Thưa cha! Con sợ cha tuổi cao, sức yếu đi đường xa cực nhọc, nên con đi một mình đến đó thay cha thu thuế và tìm hiểu tình hình công việc.
- Không có cha cùng đi, làm sao con thu thuế được? Vả lại không có cha giới thiệu, giải thích, con cũng không thể nào biết rõ tình hình công việc.
Người con này chẳng phải uổng công đi và về?
Người con tự cho mình là thông minh, có thể thay cha làm việc. Kì thật, có việc cũng cần sự giúp đỡ của người khác, bằng không uổng công một chuyến đi.

Bài học đạo lý

Các vị đại đức! Con người tự cho mình thông minh là rất nhiều; giống như kẻ trộm tự cho mình rất thông minh dùng nhiều thủ đoạn tinh vi. Bất luận giới sĩ, nông, công, thương; hàng ngày bận rộn làm việc kiếm tiền cực khổ. Có người làm việc đổ mồ hôi sôi nước mắt thì bị kẻ khác đến bảo: " Tôi đến thu của có sẵn". Họ chỉ cần dùng trí óc một tí. Tục Ngữ có câu: "Giặc trộm kế tài năng của trạng nguyên". Chính là lấy đi hết của cải cực khổ của người khác mà mình chẳng tốn chút công lao cực nhọc. Như thế là người thông minh chăng?
Hậu quả thế nào? Bị người bắt được "ngồi trong nhà tù dăm, ba năm". So với đồ của cải mình trộm được, đáng giá bao nhiêu? Từ đây, đánh mất danh dự con người và tương lai một đời. Đáng giá bao nhiêu? Ngay cả ông bà và bản thân mình sau này, vô cùng xấu hổ khi gặp mọi người. Đáng giá bao nhiêu? Mà còn tương lai nhiều đời nhiều kiếp, phải làm thân trâu ngựa để trả nợ cho người. Lấy trộm tài sản của người, bị họ bắt được phải trả lại cho họ số tiền chôm chỉa được, chính là "tiếng xấu muôn đời" và "tiền đồ đen tối". Như thế, có phải là người thông minh không?
Cán bộ, nhân viên tham ô của nhà nước, cho mình là người thông minh "lấy của công làm tư", "thu nhập ngoài luồng", "bí quyết phát tài". Sự thật là "Lưới pháp luật lồng lộng, tuy thưa mà khó thoát". Cổ đức dạy: "Mười năm đèn sách". Ngày nay, mọi người phải học mười hai năm phổ thông, bốn năm đại học, hay ba năm cao đẳng, hoặc hai năm trung cấp, mới được đi làm. Nhưng chỉ vì tham ô nhất thời, "tương lai đi vào ngõ cụt", lại phải ngồi tù, để lại "tiếng xấu muôn đời"; lại còn "một đời làm quan, chín đời làm ngựa". Chúng ta ngồi tính kỹ như thế, có phải uổng công đi và về không?
Con người sinh ra ở thế gian này, tuy là biển khổ, nhưng cũng có căn lành nhiều đời nhiều kiếp. Đức Phật dạy: "Thân người khó được". Con người có trí huệ, có lương tâm, có thích hợp hoàn cảnh mới có thể tu hành. Nhưng nhân cơ hội này, chúng ta không chịu tu hành, tạo công đức. Trái lại, đều là tính toán tạo nghiệp, không để đức lại cho đời, lại còn tạo nhiều ác nghiệp, tích chứa oán thù ở thế gian, tương lai nhiều đời nhiều kiếp luân hồi vô cùng, khổ báo vô tận. Không phải uổng công đi và về hay sao?

Chuyện 79
Công tử bưng ghế

Lời dẫn: Con người khi không có tiền, ngày ăn ba bữa đạm bạc, mặc y phục thô sơ, nhưng cũng qua ngày tháng an cư lạc nghiệp. Khi họ có tiền, ăn sơn hào hải vị, mặc gấm lụa mềm mại. Có người bữa ăn phải có rượu thịt. Nhưng không may bị tán gia bại sản thì cuộc sống như thế nào?
Cổ đức dạy:
Còn nghèo thì chẳng ai nhìn
Đến khi đỗ trạng tám nghìn nhân duyên.
Khi chúng ta chịu cực khổ, nỗ lực học tập theo thánh hiền; lúc đó, ngày ăn một bữa đạm bạc cũng chịu được; bởi vì, chúng ta muốn nghiên cứu học tập, có thể khiêm tốn học hỏi với tất cả mọi người. Khi làm quan to chức lớn, uy phong lẫm liệt, nhân cách cũng cao, kiêu ngạo tự đại cũng đến, luôn muốn mọi người tôn trọng ta, ta không tôn trọng người khác. Tục Ngữ có câu: "Gió nước theo sự di chuyển". Khi bị bọn gian tà hãm hại tan tác thì cuộc sống của họ như thế nào?
Cổ đức dạy: "Có tiền không nên dùng hết, có thế lực không thể sai khiến mãi". Chúng tôi nói cách khác "Có phúc không thể hưởng hết, có tài năng không được ỷ thế ức hiếp người". Khi có tiền chúng ta nên để lại một ít để khi hết tiền có mà xài. Khi chúng ta có thế lực nên làm việc lợi ích, không được ỷ quyền thế ức hiếp người. Chúng ta có phúc phải quý trọng, có tài năng nên làm việc giúp ích mọi người, không nên lừa gạt và bóc lột mọi người, là tự đào mồ chôn mình, tự tìm ngõ cụt, tương lai khổ báo vô cùng.
Ngày xưa có một hoàng tử sống trong nhung lụa, nên cho rằng công việc bưng ghế cực nhọc là việc của những người nô lệ thấp hèn. Ta là hoàng tử được quyền hưởng hạnh phúc vinh hoa, phú quý nhất ở cõi trần.
Một đêm, mọi người trong cung đã ngủ say, nhà vua ra vườn ngự uyển ngắm nhìn cảnh đẹp ban đêm, liền bảo hoàng tử bưng ghế đến cho vua ngồi. Hoàng tử thưa:
- Tâu phụ hoàng! Bưng ghế là việc của bọn nô bộc hạ tiện, con là hoàng tử, làm sao có thể bưng ghế được?
Nhà vua bảo:
- Nô bộc cũng là người, hoàng tử cũng là người; tại sao nô bộc bưng ghế được, hoàng tử thì không bưng ghế được?
- Tâu phụ hoàng! Con người có sang-hèn, vật có thật-giả, tốt-xấu. Làm sao giống được?
- Được rồi! Ngươi không bưng thì thôi.
Nhà vua cũng không ép buộc hắn.
Không lâu, nhà vua đem binh chống lại quân địch. Chẳng may, trong một trận càn đánh nhau khốc liệt, vua bị tử trận và đất nước cũng bị diệt vong. Hoàng tử tôn quý ngày nào, cũng lo chạy trốn trong đám người tị nạn. Lúc đầu ở trại tị nạn, ai cũng ăn uống đạm bạc kham khổ. Hoàng tử sống trong cung quen ăn ngon mặc đẹp, tất nhiên ăn không nổi. Trải qua vài ngày chàng đói mờ mắt, than trời không linh, trách đất không ứng, đành phải cố gắng nuốt một ít. Qua một thời gian, chàng ta cũng thích ứng cuộc sống hiện tại.
Trước đây, hoàng tử không hề làm việc gì, có kẻ hầu người hạ đem cơm nước dâng đến tận răng. Nay không đi làm thì phải chết đói; cuối cùng, chàng tìm đến một xí nghiệp sản xuất ghế, công việc của chàng làm là bưng ghế, mới có thể duy trì được cuộc sống. Bưng ghế là công việc mà trước đây mà chàng không đồng ý làm, không ngờ hiện nay chàng là công nhân bưng ghế. Rốt cuộc là tạo hóa trêu người phải không? Hay là số phận an bày? Hay là nhân quả tuần hoàn? Chúng tôi để các vị tự đoán nhé!

Bài học đạo lý

Con người vì sao có lúc gặp vận tốt, có lúc gặp vận xấu? Nếu người có phúc báo thì suốt đời hưởng phú quý mới đúng, vì sao họ lại lâm vào cảnh nghèo đói? Nếu người không có phúc báo thì suốt đời phải chịu nghèo cùng, vì sao họ trở nên giàu có? Cuối cùng, người nào điều khiển vận mạng của con người? Đây chính là bàn đến vấn đề nhân trước, quả sau. Nhân có nhân xa và nhân gần, quả cũng có quả xa và quả gần.
Nhân xa tức là chúng ta làm việc thiện ác ở đời trước, quả là giàu sang, nghèo hèn ở đời này. Đời trước, chúng ta có tu hành hay không; hoặc làm phúc, làm ác, lợi người, hại người, là kết thiện duyên, là kết ác duyên. Đời này làm người giàu sang, làm quan to chức lớn; hay làm người nghèo cùng hạ tiện, đều có nhiều sai khác.
Nhân gần được làm người giàu sang, nếu tham ô, khắc nghiệt, bóc lột mọi người để làm giàu thì sẽ có hậu quả thất bại, đau khổ. Nếu người nghèo khổ, biết chịu khó nỗ lực học tập, vươn lên cuộc sống; hoặc trung hậu, thật thà, ở đâu cũng kết duyên lành, giúp đỡ người khác thì nhất định sẽ có một ngày nghiệp hết phúc đến, cũng sẽ giàu sang.
Con người có giàu-nghèo, sang-hèn luôn thăng trầm, vận mạng thường thay đổi. Người giàu sang khi hưởng phúc thì nên tạo phúc cho tương lai, phúc mới dùng không hết. Kẻ nghèo hèn, tuy cuộc sống cực khổ, nhưng ra sức làm việc tìm cơ hội tích chứa phúc đức. Tục Ngữ có câu: "Cảnh nghèo kích động ý chí mạnh mẽ". Nếu như họ không chịu cảnh nghèo khổ thì làm sao có chí để vươn lên cuộc sống; cho nên sự nghèo khó cũng là trợ duyên để họ vươn lên. Chúng tôi nói cách khác, người giàu sang vì đắc ý mà vong ân bội nghĩa, vì giàu sang sống trong xa hoa; hoặc kiêu ngạo tự đại, vênh váo hống hách, cũng là trợ duyên thất bại đau khổ. Con người như thế, là phúc hay họa? Chúng ta hãy vận dụng trí huệ để thấy rõ sự việc.
Phật giáo là tôn giáo trí huệ, chúng ta có thể áp dụng Phật pháp ngay trong cuộc sống hàng ngày; vì Phật pháp vô biên lấy không hết, dùng không cạn. Nếu chúng ta lợi dụng Phật pháp vì cá nhân, danh lợi là tự đào mồ chôn mình, là tự chuốc tai họa, là tự tìm địa ngục để đi vào. Phật pháp là làm lợi người, cứu đời, dạy người thoát khổ được vui, dạy người giải thoát sinh tử, cũng dạy người phương pháp làm người, làm việc. Có người lợi dụng Phật pháp để làm lợi cho cá nhân mình, tất nhiên nhân như thế nào thì quả như thế ấy.

Chuyện 80
Dùng phương pháp đảo lộn

Lời dẫn: Muôn vật trong thế gian, từ ngọn cỏ, cành cây cho đến tất cả dụng cụ đều có cách sử dụng của nó. Chúng ta biết sử dụng đúng là vật có ích, còn sử dụng sai thì kết quả ngược lại. Mỗi người đều có tài năng và có ưu điểm, khuyết điểm khác nhau. Chúng ta phải biết dùng người cho thích hợp thì ai nấy đều là người giỏi, là người thành công. Còn chúng ta biết năng lực của họ mà dùng không thích hợp thì ai ai cũng trở thành người bất tài; hoặc bị thất bại.
Khi chúng ta ăn thức ăn, nhất định phải dùng miệng, nếu đem đút vào hậu môn thì sẽ sinh bệnh. Chúng ta ăn bằng miệng, cảm giác ngon, thích thú và bồi bổ thân thể, cũng là chữa trị tất cả bệnh tật. Nếu chúng ta đút thức ăn vào hậu môn, không chỉ đau đớn mà còn sinh bệnh, khổ càng thêm khổ. Vì thế, muôn vật đều có cách dùng đúng hay dùng sai mà sinh ra kết quả an vui hay đau khổ.
Ngày xưa có một thanh niên rất mạnh khỏe, bất kì công việc nặng nhọc nào, anh ta đều làm nhanh gọn; nhưng không biết vì sao anh ta mắc chứng bệnh trĩ nội. Khi bệnh phát tác làm anh ta đau đớn vô cùng, không còn tha thiết sống. Anh ta bảo các bạn:
- Quả thật tôi rất đau đớn, không cách gì chịu đựng nổi. Các anh hãy làm cho tôi chết, tôi van xin các anh đó!
Mọi người khuyên:
- Anh hãy cố gắng chịu đau một chút, chúng tôi đã cử người đi mời thầy thuốc rồi.
Một lúc sau, thầy thuốc đến, khám bệnh cho anh ta rồi hỏi:
- Bệnh của anh ta khi phát tác rất đau đớn phải không?
Mọi người đáp:
- Thưa thầy, đúng vậy! Xin thầy hãy bán thuốc hay nhất để trị bệnh cho anh ta.
- Bệnh này phải dùng phương pháp nhét thuốc vào, mới có hiệu quả; nhưng tôi có thuốc mà quên mang dụng cụ để nhét vào. Các anh đợi tôi về nhà lấy nhé!
Thầy thuốc vừa đi thì bệnh lại phát tác, anh ta lăn lộn trên giường rên la:
- Các anh hãy đem thuốc nhanh lên cho tôi uống đi, nếu không tôi sắp chết mất.
Mọi người không nỡ nhìn thấy anh ta đau đớn như thế, nên đem thuốc đến và nói:
- Thầy thuốc dặn thuốc này nhét vào hậu môn mới có hiệu quả.
Anh ta bảo:
- Mặc kệ, các anh cứ cho tôi uống trước, rồi tính sau.
Thuốc này có công dụng chỉ xức bên ngoài mà anh ta đem uống vào, nên vừa uống xong, bụng to như cái trống chầu. Anh ta vốn đau ở hậu môn, hiện tại lại đau thêm trên bụng, khổ càng thêm khổ, muốn sống không được, cầu chết cũng không xong. Lúc này, thầy thuốc trở lại. Anh ta réo lên:
- Thầy ơi! Nhanh lên, tôi đau bụng quá, không chịu nổi.
Thầy thuốc ngạc nhiên hỏi:
- Ủa! Không phải anh mắc bệnh trĩ à? Vì sao lúc này lại đau bụng?
- Vì tôi uống thuốc của thầy nên mới ra nông nỗi này.
- Tôi đã dặn rồi, thuốc này dùng để nhét mới có hiệu quả. Vì sao anh lại đem nó uống?
Vì thế, thầy thuốc phải cho anh ta uống thuốc súc ruột. Vừa uống xong, anh ta nôn ói và tiêu chảy ra hết. Sau khi, để anh ta nằm nghỉ ngơi một lúc, thầy thuốc lại nhét thuốc vào hậu môn. Anh anh tốn phí rất nhiều sức lực bệnh mới thuyên giảm.

Bài học đạo lý

Các vị đại đức! Con người sinh ra ở đời, ai cũng có một nghề và đều có phương pháp làm việc. Kiếm tiền có phương pháp kiếm tiền, làm việc có phương pháp làm việc, làm người có phương pháp làm người, dùng đồ vật có phương pháp dùng đồ vật, trị bệnh có phương pháp trị bệnh, tu hành có phương pháp tu hành. Mỗi người đều có phương pháp kinh nghiệm của mình. Nếu như chúng ta dùng phương pháp không đúng thì làm việc gì cũng không thể nào tốt được; còn làm đúng phương pháp thì làm ít mà được thành công nhiều, làm sai phương pháp thì làm nhiều mà thành công ít. Vì thế, làm việc gì cũng đều có phương pháp, mỗi người đều có phương pháp kinh nghiệm riêng. Có người tích lũy phương pháp kinh nghiệm nhiều đời, nhưng họ giấu kín không chịu nói ra, lại nói bí quyết, hay cơ trời không được tiết lộ. Ở đời có bí mật cơ trời không được tiết lộ không? Nói thẳng ra, chẳng đáng một xu. Mọi người biết, nhưng giả ngu không nói mà thôi. Tục Ngữ có câu: "Lừa người không biết, người biết không thể lừa". Đúng vậy.
Muôn sự ở đời, nếu như người biết thì mọi việc đều thông suốt. Người không biết gặp việc gì cũng bị chướng ngại, càng đáng thương hơn họ bị người lừa gạt liên tục, lao lực lại tốn tiền của. Làm quan có kiến thức của làm quan, làm kẻ cướp có kinh nghiệm của kẻ cướp. Kinh nghiệm của nghề buôn bán "không gian xảo thì không buôn bán được", cũng có cách của thương nghiệp. Chúng ta muốn học kiến thức một nghề, phải mất dăm, ba năm; hoặc đem hết tinh lực cả đời. Người được vận may gặp thầy giỏi, bạn tốt; hoặc gặp được thiện tri thức, thì suốt đời đi trên con đường may mắn. Nếu bị vận xấu gặp ác tri thức; hoặc thầy tà, bạn tà, đi trên đường tà thì một đời như sụp đổ.
Nhưng con người thật kì lạ, chúng ta nói lời hay ý đẹp, nói lời chân thật họ không nghe. Họ cứ khăng khăng thích nghe những lời tà ma, lời giả dối, lời đồn nhảm, lời đe dọa, ai nấy đều thích nghe. Người có chính tri, chính kiến của mỗi người; cũng có tà tri, tà kiến của mỗi người. Đặc biệt là kiến thức của tôn giáo, chính-tà càng khó tách rời. Chúng tôi lại nói phương pháp tu hành, là then chốt thăng hoa hay sa đọa. Người tu mù không biết vô tình đi vào đường tà, thật là đáng thương. Cho nên tà-chính không thể phân biệt.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567