Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Câu chuyện ngày xuân

13/05/201313:00(Xem: 8905)
Câu chuyện ngày xuân
Cho Trọn Mùa Xuân


Câu Chuyện Ngày Xuân

HT. Thích Đức Niệm
Nguồn: www.quangduc.com


Thưa quý vị!

htducniemHôm nay quý vị vân tập về đây, ngay ngắn ngồi đối diện tôi, trước ngôi Tam-Bảo, dưới Phật đài, nghe bài thuyết pháp cuối năm, để rồi chút nữa đây thành tâm cùng làm lễ Giao-thừa, đón mừng năm mới, hái lộc đầu xuân, vui mừng ngày xuân tết.

Thưa quý vị! Nói đến Tết, trước hết, tết gợi cho ta cái ý niệm năm hết, kết thúc tất cả cái gì cũ, đã chất chồng tròn đủ một tuổi đời và chúng ta sẽ tiếp nhận thêm một tuổi mới với hy vọng những điều may mắn mới mẻ tốt đẹp trong năm mới. Như trẻ con cởi chiếc áo cũ, vui mừng mặc lên người chiếc áo mới với nụ cười trong trẻo mừng vui thích thú. Nhưng tất cả ý niệm về xuân tết cũ mới đều là sản phẩm của con người, do con người tạo ra và đặt để cho nó, kinh qua thời gian lâu dài và trải qua lớp lớp thế hệ, để rồi hình thành quan niệm suy tư tập quán truyền thống.

Tôi nói sản phẩm, dù là sản phẩm thuộc lãnh vực tinh thần, chẳng hạn như ngày tết, thì đó cũng là do tâm thức con người tạo ra. Mà xưa nay những hiện tượng thực tế cho ta thấy, bất cứ cái gì, điều gì, sự việc gì do con người tạo ra cũng đều là không chân thật. Bởi chính ngay cái nhân là thân mạng và tâm thức của con người cũng vốn là huyễn mộng. Huyễn mộng tạo ra huyễn mộng. Chúng ta đang sống trong canh trường đại mộng, nặng mang bầu vọng tưởng vọng thức thiên kiến biên chấp, nên không có cái gì chân thật trường tồn. Chẳng hạn tết của người Đông phương không giống tết của người Tây phương cả về thời gian, cung cách trang hoàng lẫn phương tiện thưởng thức xuân tết. Bởi tâm chúng sanh bất đồng, nên tạo ra cảnh sắc hiện tượng cũng khác biệt. Tâm chúng sanh hư vọng sai biệt, nên hình thành sản phẩm không giống nhau, không chân thật cả nội dung lẫn hình thức.

Quả thực thế. Chẳng nói chi xa, chỉ trong ba ngày xuân tết là đủ hiển bày thực trạng thầm kín của nhân thế. Thật vậy, tinh thần và tâm tư của người trong cùng một giống nòi mà cũng đã có cách thức đón tết khác nhau. Nguyên do của sự khác nhau là tùy theo tuổi tác, tùy theo hoàn cảnh mà hình thành quan niệm suy tư, tâm lý để rồi đưa đến cách thức không giống nhau. Quý vị có biết chăng? Biết bao người xót xa tủi hận trong ngày tết, thì bên cạnh đó cũng có những người vui cười hỷ hạ tiệc tùng linh đình với cảnh gia đình hạnh phúc đoàn viên, quyến thuộc đoàn tụ, đón mừng xuân tết. Đó là khái lược nói về hiện trạng thế gian. Trong cùng một chủng tộc quốc gia mà mỗi lần xuân tết đến cũng đã không giống nhau rồi, nói chi đến tha quốc dị chủng! Hễ cái gì đã không giống không đồng thì không chân thật, không bền chắc trường tồn, đương nhiên không phải là chân lý. Không phải chân lý thì sẽ phải đổi thay. Hễ đã đổi thay thì sẽ phải mai một, theo lẽ tuần hoàn hoại diệt. Mà hễ còn dính mắc trong vòng thành trụ hoại diệt chuyển thy thì còn phải liên lụy buồn phiền khổ đau. Tâm thức còn bị ngoại cảnh chuyển, thì cuộc sống theo đó sẽ không yên, không thể nào đạt được chân lý an nhiên tự tại:

Tâm thức lao xao trời viễn mộng
Dòng đời cuồn cuộn nỗi thăng trầm

Chừng nào tâm an ý định nhìn sự thăng trầm thế nhân, sự thịnh suy cuộc đời, sự sanh diệt của vạn vật mà lòng tự tại an nhiên thì:

Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết
Hôm qua sân trước một cành mai

Không đạt chân lý an nhiên tự tại thì lẽ nào lại được vô ngại trước cảnh thịnh suy thăng trầm, thong dong buông thả trước trạng thái lưu chuyển không ngừng của cuộc đời:

Sá chi suy thịnh cuộc đời
Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành.

Tâm còn khúc mắc gai góc thì còn dính chặt với buồn khóc xót thương. Hễ tâm còn vướng bận hơn thiệt nhục vinh thì còn bị cuốn theo dòng đời cuộn chảy, không thể nào thoát xác định tâm nhìn thấy cái vẻ đẹp trường tồn chân thật của vạn vật ngày xuân:

Các pháp xưa nay vốn tự như
Không sanh không diệt cũng chẳng hư
Xuân đến trăm hoa đều rộn nở
Oanh vàng liễu thắm hót xuân cười.

Vậy thì người Phật tử chúng ta đối với xuân tết phải như thế nào mới đầy đủ ý nghĩa thưởng xuân?

Thưa quý vị! Tính đến nay, tôi đã trải qua mười cái tết trên xứ Mỹ nầy. Mười cái tết đi qua đã cho tôi bài học đáng giá về nhận thức cuộc đời, về thấu rõ kiếp người, nhất là thân phận kiếp người tha hương và chiêm nghiệm về lẽ sống. Mười cái tết tâm tình Việt-Nam trên đất Hoa-Kỳ đi qua trong đời tôi, đã làm cho tôi ý thức rõ ràng về tình người, nhận chân được kiếp sống:

Cuộc hồng trần xoay vần quá ngán
Kiếp phù sanh tụ tán chán chường
Tình đời thương ghét ghét thương
Ái tình danh lợi làm vương vấn lòng.
Kiếp người quá đỗi long đong
Sớm còn tối mất mây hồng hoàng hôn!

Hôm nay là ngày vui, sao tôi lại nói chi những lời có vẻ bi quan chán đời thế kia?

Xin thưa quý vị! Đạo Phật là đạo như thật, phải trực diện với sự thật để từ đó nhận chân thực trạng hoàn cảnh và tâm tình nhân thế. Phải nghĩ thật, nói thật, hiểu như thật, và làm thật, mới phân định chơn giả, bỏ tà quy chánh, tránh vọng về chơn. Bởi thế, nên nói đạo Phật là đạo của lẽ sống chân thật, là chính đạo, đạo của con người làm cho con người tiến bộ giác ngộ giải thoát. Người Mỹ giúp đỡ tha nhân theo tánh tự nhiên phát xuất từ cõi lòng mà không cần nghĩ đến đền ơn đáp nghĩa. Còn Phật tử chúng ta đã hiểu biết nào là tội phước, nhân quả, luân hồi, quả báo, tu để thành Phật thành thánh hiền, tụng kinh, ăn chay, lần chuỗi, nhưng lại nhiều tính toán ích kỷ so đo chấp chặt. Kinh Phật dạy người hành đạo nên từ bi, hỷ xả, lợi tha, bố thí, trong lúc đó chúng ta lại nhiều ganh tỵ, keo kiết, tham giận, hận hờn. Thậm chí có người hứa cúng dường xây chùa đúc tượng làm việc từ thiện, sau đó lại đổi ý quên lời. Lại có hạng người nếu có đóng góp cho Phật pháp chút ít công của, thì kể công kể nghĩa. Có kẻ còn lợi dụng hơi hám chùa nọ thầy kia, tự khoe mình đã từng làm phước đức công lao Phật sự to tát. Nếu có cộng tác với bà con bạn bè làm ăn làm phước chẳng bao lâu, sau đó vì lợi nhỏ lại bứt ngang bỏ cuộc, nhiều khi còn đoạt của hại người nữa là khác.

Lại có những kẻ có tiền mà tự dối lòng mình, cứ ngửa tay xin tiền xã hội để dành dụm cho con mua nhà sắm xe. Đâu có biết nước mắt của người dân lao tâm lao lực lao động đóng góp. Người xuất gia ở chùa sớm hôm kinh kệ, trì trai giới hạnh, gia công tu hành, với mục đích ngoài việc tiêu trừ nghiệp chướng, tài bồi phước lành, cầu thành đạo quả, phần lớn còn phải lo hồi hướng công đức tu trì của mình để đền trả ơn đàn na thí chủ cúng dường cho mình được an tâm tu hành. Kinh nói: “Kim sanh bất liễu đạo, phi mao đới giác hoàn.” Có nghĩa là, người đời này không chuyên tâm tinh tấn tu hành liễu đạo giác ngộ, thì đời sau sẽ phải làm súc vật mang lông đội sừng trả nợ áo cơm cho người thí chủ. Tu hành thọ nhận người cúng dường mà không chơn chánh, không chuyên cần tinh tấn tu hành để cầu được giác ngộ giải thoát còn phải mắc quả báo như thế, huống chi kẻ tham tâm lãnh tiền xã hội tế bần, hoặc lợi dụng chùa viện để tư lợi quyền danh, thì quả báo trầm trọng biết dường nào!

Thậm chí có kẻ đầu tròn áo vuông mà lòng đầy danh lợi, quên bản nguyện sơ tâm xuất gia cầu đạt đạo quả giác ngộ giải thoát. Tham vọng cuồng trí tà tâm bám chức hám danh đến độ không bằng cấp tự nói dối có bằng cấp, chưa xứng được đại chúng suy tôn lại tự ý tôn xưng danh chức! Lắm lúc còn đại ngôn tự xưng mình đã chứng đắc thánh quả! Đâu có biết kinh dạy rằng: “Nhược phàm phu tự ngôn chứng chánh… danh đại vọng ngữ kỳ tội cực trọng.” Nghĩa là, kẻ phàm phu mà tự xưng mình đã chứng thánh… thì đó là đại vọng ngữ, quả báo rất lớn, tội đọa rất nặng. Người tu học Phật đặt trọng tâm nơi vun bồi đức hạnh, tạo công đức lành, xa lánh lợi danh. Đạo đức và giác ngộ giải thoát vượt ngoài bằng cấp chức tước danh vị. Đó là lý do mà Thái-tử Tất-Đạt-Đa bỏ lại sau lưng tất cả phú quý danh vọng quyền uy để sống đời tăng sĩ bình dị khiêm cung thanh bần lạc đạo. Lịch đại tiền nhân đã có biết bao người vất bỏ danh vọng chức quyền để xuất gia cầu đạo. Danh chức không phải là thước đo đạo hạnh.

Nay tự nhận mình là đệ tử Phật, nguyện học theo Phật, chúng ta có thực sự hành trì theo lời Phật dạy chưa? Ấy thế mà có kẻ sáng mới cạo tóc, chiều liền xưng làm thầy! Thậm chí có kẻ chẳng cần thọ giới cầu sư, tự ỷ mình có chút học hành kiến thức rồi ngang xương mặc áo đắp y xưng đại-đức, thượng-tọa. Kinh Phật gọi hạng người như thế là lạm xưng sa-môn, tổn hoại phẩm hạnh, ô danh tăng đoàn. Lại có kẻ vì tự ái, nghĩ mình mất lợi danh quyền hành nơi chùa viện, xoay ra hủy báng sư tăng, xuyên tạc phá phách sự thanh tịnh cửa thiền. Nếu vì để xây dựng chỉnh huấn cảnh tỉnh những kẻ ngụy tăng tà hạnh lợi dụng chùa viện làm chỗ lợi dưỡng cầu danh, mà họ buộc lòng phải hành động như thế để đánh động lương tri kẻ tà ngụy và để cho Phật tử gần xa không nhận lầm thì đấy là điều đáng khen, đáng ca ngợi tinh thần can đảm vì bảo vệ đạo pháp. Nhưng sự thật thì không phải thế, mà vì mê lợi hám danh muốn được quyền hành nơi cửa Phật mà họ làm thế thì thật là tội lỗi! Nghĩ cho cùng, Phật nào có bảo chúng ta đem tâm trần tục lợi danh xây chùa, hành đạo, thờ Ngài đâu? Sao kẻ phàm tâm lạm xưng là Phật tử, là sư tăng với tâm địa vô minh tà mị tự đâm đầu tạo chi cái nhân hắc ám, làm kiếp ký sinh trùng rúc rỉa cây cổ thụ đạo pháp đến phải tổn thương lở vỏ héo cành thế kia?

Người tin kính Phật mà không e ngại quả báo luân hồi nhân quả là người tự để đời mình lăn sâu xuống hố thẳm tội lỗi! Bất cứ việc làm ý nghĩ gì cũng đều có nhân quả nghiệp báo theo sau đó.

Vậy tết là dịp để cho Phật tử chúng ta tự kiểm thảo suốt một năm qua, đã hưởng trọn một tuổi đời rồi mà ta đã lam gì trong thời gian 12 tháng qua? Hãy nên bình tâm định thần để tự tánh thanh tịnh mà chân thành tự vấn lòng xem, ta đã có thêm gì về đạo đức tự lợi, lợi tha, để rút ngắn đường xa đến bầu trời quang đãng an lạc của đức Di-Lặc? Ta có bao giờ tự hỏi vậy chưa?

Thưa quý vị! Khi hành đạo chạm trán với đời, từ đó tôi đích thực thể nghiệm lời Phật dạy: “Thế gian vô thường, đất nước nguy khốn, tứ đại khổ không, ngũ ấm vô ngã, tâm là nguồn ác, thân là rừng tội.” Ngày xưa, cái tuổi còn ngây thơ, ở chùa lo chuyên tâm tu học, sáng chiều kinh kệ, không hề biết việc đời, tôi chỉ nghe các bậc sư trưởng giảng và chỉ biết suông lời Phật dạy qua các kinh điển: “Thế gian mộng huyễn, tâm người vô thường” thế thôi! Nhưng ngày nay, nhất là trải qua mười năm hành đạo ở xứ Mỹ này đầy chông gai trăm đắng ngàn cay, trùng trùng chướng duyên nghịch cảnh, tôi đã hiểu được thế nào là thế thái nhân tình. Tôi đã nếm được ý nghĩa “trên đường chân lý giác ngộ không phải lúc nào cũng có hoa và bướm.” Mười cái tết ở đây, đã là cơ hội thể nghiệm về lời Phật dạy, về lời các bậc thầy đã khuyên tôi, và từ đấy thực tế cho tôi hiểu được tình đời phức tạp, lòng người khó lường, đồng thời vun bồi cho tôi cái đức tánh kiên nhẫn trong cuộc đời uế độ kham nhẫn nầy, để tôi vững chí hành đạo. “Trên đời không việc gì khó, khó hay không là tại lòng mình. Hễ có chí thì nên.” Điều điển hình nhất là làm cho tôi suy gẫm nhiều về lẽ vô thường.

Vô thường đã kéo lôi, đã chi phối tất cả mọi hiện tượng tâm lý cũng như vật lý thế gian. Một thực trạng điển hình bày ra trước mắt gần gũi nhất, đó là nhìn lại chính bản thân tôi. Tấm hình trên tay tôi còn ghi dấu chụp ngày 16-6-1979, ngày tôi vừa đến phi trường Los Angeles, và xuân tết năm ấy, tôi thấy cái gì cũng đẹp. Đẹp như từ trên mây bay nhìn đèn đêm của thành phố Los Angeles. Giờ đây nhìn lại tấm hình ngày ấy còn ghi rõ nét sắc diện tôi tròn trịa nở nang, da mặt hồn nhiên măng tơ căng nhựa sống, vóc người phốp pháp với nụ cười tươi vô tư lự chào đón mọi người khi bước ra phi cơ, khi về chùa, ngày làm lễ ra mắt. Với tâm hồn thư thới của một tăng sinh vừa tốt nghiệp học trình mà mình đã nuôi mộng một tương lai huy hoàng đang tiến tới chân trời mở rộng hoa mộng đón chào, lúc nào cũng như hoa nở trong gió xuân. Nhưng tết thứ mười này, đứng trước gương soi lại chính mình, đối chiếu với tấm hình chụp cách đây mười xuân tết, thì đã khác xa đi nhiều lắm. Mái tóc đen, má tròn đầy, mắt trong sáng, răng trắng đều đặn, nụ cười hồn nhiên như hoa nở của thuở nào, nay chúng đã âm thầm theo từng cái tết lặng lẽ ra đi! Tất cả đều đổi khác, mất mát hết rồi! Giờ đây chỉ còn lại trên người tôi tóc bạc, má cóp, da nhăn, mắt mờ, răng giả và nụ cười hồn nhiên năm xưa cũng đã biến dạng đi tự lúc nào không hay! Giờ đây chỉ còn lại tâm hồn thanh thản vô tư thoạt có thoạt không!

Thưa quý vị! Tôi tưởng cái tết đầu tiên ở Hoa-Kỳ sẽ là niềm hy vọng an lành sáng sủa, thuận duyên hành đạo, và đời tôi theo đó cũng sẽ có được cuộc sống thanh thản thoải mái trong những năm kế tiếp. Nên lúc đó tôi cảm thấy tràn đầy không gian bao la quang đãng, trời trong không khí mát lành không gợn mây buồn, không bợn nhiễm ô, dòng đời phẳng lặng chẳng mấy nỗi chông gai. Và cũng lúc đó, tôi cảm thấy đâu đâu cũng đầy hoa đời tươi nở, ai ai cũng cởi mở cõi lòng đón chào niềm nở tình đồng đạo đồng hương trong tình người dân tộc. Nên tai tôi lúc nào cũng nghe văng vẳng âm điệu trong trẻo ngọt ngào tình tự quê hương, nồng hậu tình người đồng bào ruột thịt trong đạo từ bi. Với cõi lòng trong trắng nhiệt tình, tôi có niềm tin thật vững chắc “tình đồng bào chan hòa trong tình đạo từ bi giải thoát” thì sẽ keo sơn đầm ấm biết bao! Nhưng thực tế đã làm cho tôi não nề ngao ngán, phảng phất nỗi ưu tư nơi lòng! Dù vậy, nhưng trong tôi lúc nào cũng trỗi lên nhạc lòng tha thiết tiếng gọi đàn đùm bọc lấy nhau “người trong một giống phải thương nhau cùng.”

Thật tình mà nói, qua bao nỗi đắng cay chua chát tình đời đen bạc dồn dập khiến cho tâm tư tôi hồn nhiên như những thiên thần dạo đờn dâng hoa cúng Phật đã bắt đầu suy nghĩ. Lòng trào dâng niềm hy vọng vô biên tưởng chừng ngày về quê hương gần lắm thì tôi lại phải ưu tư nhiều. Bởi tin tưởng sức mạnh đoàn kết “lá lành đùm lá rách.” Nhưng thật sự thì lá lành nhận chìm lá rách! Bởi trong người tôi học đòi tâm nguyện vị tha của đức Phật, mang tâm hạnh hành xả đến Hoa-Kỳ, trước tiên là mong có dịp phục vụ đồng bào và đạo pháp, hầu để chia sẻ phần nào nỗi đau xót vết thương lòng của kiếp sống tỵ nạn tha hương, mà hầu hết mọi con tim đều uất hận nghẹn ngào phải bỏ đất mẹ ra đi chịu kiếp sống đất khách quê người. Mang tâm hồn trong trắng chơn chất nhiệt tình của một tăng nhân nguyện trọn đời sống cho lý tưởng vị tha đã được nung đúc hằng chục năm, từ thuở bé trong cửa thiền với tinh thần xả thân cầu đạo bằng tâm nguyện “trong đời ngũ trược thề vào trước.” Mang tâm hồn còn trinh nguyên với cõi lòng hồn nhiên nhiệt tình đó, giờ đây là dịp để phục vụ cao độ, với hy vọng tiếp tay với đồng bào đau khổ để xây dựng cuộc sống mới hiền hòa tinh thần tương thân tương kính tương trợ trên đất lạ quê người, nhưng thực tế đã làm cho tôi phải suy tư nhiều: “Có được như mình tưởng không, sao mà nhiều uẩn khúc chông gai lắm vậy?!”

Thưa quý vị! Thật tình lòng tôi sống dậy niềm tin tưởng mãnh liệt như thế, và đang say sưa dấn thân với tấm lòng trong trắng tợ băng tuyết không phân biệt thân sơ. Thì cũng trong lúc đó, một vị danh Tăng từ phương xa trên đường hành hóa ghé qua thăm đã nói với tôi: “Với học thức, đạo hạnh như thầy ở Đài-Loan rất tốt, được người quý mến trọng dụng, sao không ở? Thật đáng tiếc! Chỉ có những kẻ thiếu phước mới làm lãnh tụ Phật-giáo Việt-Nam.” Lúc đó, tôi không có một khái niệm gì về cái ý nghĩa của danh từ lãnh tụ, nên câu nói kia không làm cho tôi ngạc nhiên, suy nghĩ gì. Bởi lòng tôi có một ước ao đơn giản: Đến Hoa-Kỳ theo lời mời của Hòa-Thượng Thiên-Ân, người đã hai lần đích thân đến Đài-Loan gặp tôi ngỏ lời mời đến Hoa-Kỳ hợp tác giáo dục hoằng pháp. Và tôi đến Hoa-Kỳ cũng chỉ với mục đích là cùng chia sẽ nỗi đau thương của người đồng quê hương xứ sở, để có dịp phục vụ đạo pháp và giúp đỡ đồng bào ruột thịt thế thôi.

Nhưng với cõi lòng trong trắng nhiệt tình hành đạo sau mười cái tết ở đây, ngày nay suy gẫm lời nói của vị danh tăng kia quả thật là một bài học đáng giá. Kinh qua mười năm hành đạo, âm thầm kiểm điểm, thấy mình dốc hết năng lực và thời gian cho lý tưởng đại nghĩa đạo pháp dân tộc, với hy vọng đồng bào có đời sống tinh thần sáng sủa thoải mái trong những ngày còn lại sống gởi trên đất khách quê người, mong nhờ chất liệu Phật pháp có thể khiến cho mọi ngượi ai nấy đều nuôi dưỡng nhiệt tâm đoàn kết để tạo sức mạnh năng động hy vọng rút ngắn ngày trở lại quê hương. Nhưng cho đến nay, trải qua mười năm mà ánh sáng đường về đất mẹ chưa thấy xuất hiện, tình đồng hương ngày một thêm chia rẽ, đạo pháp càng phân ly, tình trạng đồng bào ruột thịt tại các trại tỵ nạn lại ngày thêm khốn đốn khốc liệt trong tuyệt vọng não nề! Làm gì đây? Tại sao ta sanh ra đời không nhằm thời? Do nghiệp duyên gì mà phải chứng kiến cảnh bi đát? Vậy thì sống để làm chi mà đành phải bất lực nhìn đồng loại một cách thương tâm, nhìn thực trạng đạo pháp mà não lòng để rồi âm thầm chua xót như thế này?

Trước thực trạng cảnh đời tan tác, trước tình người đồng hương rời rạc, trước vận mệnh dân tộc đen tối, trước cảnh huống đạo pháp phân hóa, lòng tôi chua xót não nề! Giờ đây chỉ còn biết nỗ lực phục vụ đạo pháp và đồng hương theo khả năng mình. Có lúc thật lòng chán nản muốn tìm nơi ẩn dật niệm Phật cho đến hết đời. Nhưng gương đức Phật suốt 49 năm trời hoằng pháp lợi sanh đã gặp không biết cơ man là cảnh gay go nguy khó, nhưng không lúc nào tỏ ra mỏi mệt, cho đến giờ phút trước khi vào Niết Bàn, Ngài vẫn còn giảng bài pháp Di-Giáo cuối cùng. Lại cộng thêm vào đó, các pháp hữu và Phật tử cảm thông nỗi lòng thầm kín của tôi, đã bày tỏ lòng thương thân, thạnh tình khuyến khích, nên rồi tôi lại tiếp tục sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh.

Nghĩ cho cùng cũng lạ thật! Thưa quý vị! Hai chữ “thế gian” gồm trong ý nghĩa nôm na là không phải “thế ngay.” Nói thế là nói nôm na mà thú vị, giản dị mà hàm xúc để cho người đời dễ hiểu đó thôi! Bởi không phải thế ngay, nên bày ra cũng lắm tuồng huyễn hóa. Vậy mà đã hấp dẫn, nhận chìm biết bao lớp lớp người thế hệ nầy đến thế hệ khác, khiến cho nhân loại ngày đêm sống say chết ngủ, lặn hụp trong vũng bùn danh lợi dục tình, sanh ra lắm chuyện tranh giành chấp thủ hủy hoại lẫn nhau, mặc dù hiện trạng thương đau đang sống kiếp tằm gởi tủi nhục vẫn còn nhan nhản trước mắt đó! Ấy thế, chẳng phải thế ngay vậy mà thế nhân tăng tục đua nhau chụp bắt mộng huyễn lợi danh tranh giành hãm hại nhau không dứt. Nếu thật sự thế ngay thì chắc là hơn thế nữa!

Kẻ phảm tục bị nhiễm trùng tham vọng danh lợi thị phi đã thấm sâu vào dòng máu xương tủy vong bản từ lâu, họ bỏ đạo truyền thống của ông cha để sống phi dân tộc vọng ngoại, sống đời vô đạo đức đã đành. Đằng này, có kẻ tự xưng mình là Phật tử, biết đi chùa lạy Phật ăn chay, nhiều lúc còn giảng đạo lý vanh vách cho người khác nghe nữa, mà lại mưu tìm danh kiếm lợi trong cửa Phật, được thì chùa yên, không được thì quàng xiên gây rối cửa Phật. Thật đáng đau buồn cho đạo pháp gặp phải tình trạng thế nhân vô minh vọng tâm loạn tưởng làm đạo pháp suy vi. Nghĩ cho cùng, hạng người này do tham vọng đã lầm lẫn ý nghĩa phục vụ đạo pháp. Tinh thần phục vụ đạo pháp chính là bổn phận người Phật tử qua hình thức công quả hộ đạo, đồng thời cũng là nhân tố, cơ hội tốt để tu tâm dưỡng tánh hành thiện, bồi dưỡng phước đức. Chớ nào phải phục vụ đạo pháp để được có chức tước quyền hành như thế gian?! Vì không nhận định rõ đâu là thế pháp và Phật pháp, đâu là thế sự và Phật sự. Thế sự thì truy cầu chụp bắt để thỏa mãn danh vọng dục tình lợi mình hại người đào sâu tội ác. Phật sự thì phát tâm lập nguyện hành đạo tu tâm dưỡng tánh vun bồi phước huệ để tự lợi lợi tha. Nghĩa là phục vụ Phật sự thì trước phải tu tâm sủa tánh sau mới thực hành hộ pháp. Đạo Phật là đạo tu sửa thân tâm để trở thành người hiền lương thanh tịnh, chớ không phải danh lợi thế lực phô trương. Đến với đạo Phật là đến với tâm mình, là buông xả giải thoát. Đến với thế gian là đến với vọng tâm chụp bắt dính mắc trói buộc.

Lắm người tự nhận mình là Phật tử mà không tin sâu nhân quả nghiệp báo, nên để phàm tâm lấn át Phật tâm. Người đem vọng tâm tà niệm hành đạo, nên khi không có hoặc hết danh chức như hội-trưởng, thủ-quỹ, thư-ký, v.v… thì cảm thấy mất quyền danh lợi dưỡng, tâm tham sân trào dâng chế ngự, tự xa lánh Tam-Bảo, rồi tạo ồn náo cửa chùa, dèm pha xuyên tạc sư tăng đạo hữu, đồng thời dùng những lời gian dối bịa đặt để kéo lôi xúi dục người khác cũng bỏ thầy bỏ chùa như mình. Thế nên, Phật dạy: “Tin ta mà không hiểu ta là hủy báng ta” là ý nghĩa nầy! Hạng người như thế quả thật như trùng trong sư tử!

Đã nhận mình là Phật tử thì phải biết vâng lời Phật dạy mà tu sửa tâm tánh hành vi, chứ không phải chỉ mang cái danh Phật tử suông. Đến chùa với ý niệm tu tâm sửa tánh, ăn ở hiền lành, vun bồi phước đức, thế mới đích thực ý nghĩa đi chùa. Chùa là chỗ tu hành chứ nào phải chỗ tranh giành quyền chức? Tu là sửa tâm chỉnh tánh. Hành là cải thiện hành vi, thực hành đúng lời Phật dạy từ bi, hỷ xả vị tha. Điều mình không ưa thích thì đừng làm cho người khác buồn phiền. Nên việc tu hành của Phật tử là nghĩa cử cách mạng. Cách mạng là sửa đổi lối sống. Sống cho xứng với lý đạo chơn thường hợp với lẽ phải, thuận với đạo đức, ngõ hầu thăng hoa cuộc sống. Cách mạng là bỏ cái cũ, trừ cái hư dở lạc hậu, để đổi lấy cái mới thích thời tiến bộ đưa đời sống sinh dân đến an lành sáng sủa hạnh phúc. Tu hành là sửa đổi trừ bỏ tâm tánh hành vi xấu ác, tạo cho tâm tánh mình trở nên từ hòa bao dung cầu tiến để có đời sống đạo đức với ước mong trở thành người đạo hạnh thanh cao. Tu hành là sửa đổi cải tiến từ con người tâm lượng nhỏ hẹp, đạo đức yếu kém, để trở thành con người tâm lượng quảng đại, đạo đức cao dày. Tu hành là sửa đổi từ con người tham lam sân hận si mê, để trở thành con người rộng lượng, từ-bi hỷ-xả trí-huệ buông xả giải thoát. Mục đích của sự tu hành là để chuyển tâm sửa tánh, chuyển phàm thành thánh. Chứ chẳng phải tu bằng hình danh sắc tướng để được người khen, để được chức quyền. Hiểu và thực hành như thế mới thật sự là người Phật tử chơn chánh.

Người Phật tử chơn chánh chính là người làm cuộc cách mạng toàn triệt về thân tâm để tiến đến thánh thiện, nhằm đạt đến đích của sự giác ngộ giải thoát. Có như thế, người Phật tử mới hy vọng thăng hoa trên đường chánh đạo, lìa phàm nhập thánh. Bằng không chỉ là cái danh tướng Phật tử, mãi mãi chìm sâu trong vô minh tham vọng suốt đời loạn động vì danh lợi, kết thân với ác tri thức để rồi mãi mãi trôi nổi trong bể khổ trầm luân. Thế nên nói đến Phật tử là nói đến người đang làm cách mạng thân tâm, người đang tập sống đời sống tiến bộ đạo đức. Nói đến Phật tử tự nhiên cho mọi người cái ý niệm: Đó là người đang sống trong tỉnh thức, sống trong chánh niệm, không ngừng nỗ lực cải thiện đời sống, cải tiến thân tâm, đang dốc lòng xây dựng đời sống đạo hạnh, sống với lòng vị tha, mở toang cánh cửa tâm thức sâu thẳm mà đã từ bao năm khép kín, để nhìn ra chân trời bao la quang đãng tràn ngập ánh sáng giác ngộ giải thoát, hầu xây dựng hạnh phúc cho mình và quốc gia nhân loại. Danh từ Phật tử cao quý như vậy, nên khiến cho người bàng quan có khái niệm về người Phật tử là người sống hiền hòa vị tha, sống đời buông xả theo tiếng gọi của Phật Thích-Ca biết hy sinh tự ngã, đem tình thương và đạo từ bi, ánh sáng trí huệ trải khắp cho nhân thế.

Với ý nghĩa chơn thiện mỹ cao đẹp của danh từ Phật tử trải suốt mấy ngàn năm lịch sử không bị hoen ố. Vậy Phật tử chúng ta làm được phần nào cho tương xứng với danh từ Phật tử cao quý đó chưa? Danh từ Phật tử mang ý nghĩa thanh cao đạo đức thế đó, vậy mà có kẻ đã quy y tin Phật, khi đến chùa không thích người xưng hô mình là Phật tử, đạo hữu, mà lại chỉ thích người xưng hô bằng bác, cụ, giáo sư, bác sĩ, tiến sĩ, chủ tịch v.v… thật là phàm tâm phàm tục, bỏ gốc ham ngọn, lấy giả làm chơn! Như vậy thì làm sao dứt phiền não để được tâm Bồ-đề? Và làm sao có thể thể hiện tâm nguyện hành thiện mà đức Phật ước mong nơi người Phật tử? Nếu không thể hiện được tinh thần cao quý của người Phật tử thì chúng ta đã lần lữa tự tiếp tục dối lòng, và cũng dối Phật nữa. Ta phải gấp rút lập chí chân thành phát nguyện sống đời vị tha hành thiện ngay trong ngày xuân tết này. Bằng không, ta lại mãi tiếp tục dối lòng lạm xưng là tin Phật, là Phật tử. Người Phật tử điều căn bản trước nhất là giữ khẩu nghiệp cho thanh tịnh. Bằng không thì sẽ phun ra những lời thô ác rồi phải lãnh lấy quả báo không lường.

Xuân tết là thời gian kết thúc việc cũ, là khởi điểm cho hành trình mới, là dịp đón nhận thêm tuổi đời, và kiếp sống cũng theo đó rút ngắn. Là Phật tử, chúng ta đứng trước thực trạng đổi thay của kiếp nhân sinh, chứng kiến mình và tha nhân đi dần đến suy tàn kiếp sống, vạn vật sanh diệt diệt sanh, tươi héo héo tươi đổi thay bất tận, nhất là thêm một lần xuân tết lại rút ngắn đi mạng sống của ta, nên phải tự vấn lòng, tự kiểm điểm một năm qua ta đã có tiến bộ nào thêm trên lộ trình Phật dạy: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành” không? Nếu một năm qua ta đã không làm lợi ích gì cho chính bản thân, gia đình, xã hội, quốc gia, nhân loại trên đường thánh thiện lợi tha, phá ngã phá chấp, đó là ta đã lãng phí thì giờ, thờ ơ với lời Phật dạy. Tự xét, ta đã biết bao lần tụng lời Phật dạy, và cũng đã lắm lần nghe lời Phật khuyên “gạt bỏ phàm tâm, từ bi hỷ xả,” đồng thời cũng đã biết bao lần ta đọc lời phát nguyện vị tha xả kỷ hy sinh cho nhân loại của các Bồ-Tát. Có phải thế không thưa quý vị? Thế thì trong năm mới này ta lại cũng nhẫn tâm tiếp tục nguyên trạng sống tự dối nữa ư? Như thế thì ta quá tự phụ khả năng Phật tánh của ta lắm!? Và ta cũng xem thường lời Phật dạy nữa! Người Phật tử chơn chánh không thể nào sống đẩy đưa cho qua ngày tháng, đến chùa, tụng kinh mà ngã si, ngã kiến, ngã mạn, ngã ái, ham danh chức quyền lợi?

Tụng kinh, đọc sám là hàm ý nhắc nhở ta nhớ lời Phật dạy, noi gương theo chân Phật và Bồ-Tát, thực hành theo tâm nguyện của quý Ngài để trau dồi đạo hạnh và từ đó tâm Bồ-đề của ta ngày một thêm sáng tỏ. Vậy ta đã thực hành phần nào chưa? Nếu chưa được phần nào, thì ta đến chùa và ngày ngày tụng niệm làm chi cho phí thì giờ, mòn hư kinh sách! Nếu hằng ngày tụng kinh đọc sám mà ta vẫn là ta còn nguyên vẹn tham sân si ích kỷ bỏn sẻn kiêu căng chấp ngã, như thế việc tụng đọc kinh sám cùng với đời sống thực của ta chẳng liên hệ gì nhau cả. Cứ tâm nào tật nấy không phản tỉnh như thế thì rất khó mà kiến đạo, và còn lâu lắm, thật lâu lắm mới kết duyên Bồ-đề. Vậy thì tâm nguyện hướng về bến bờ giác ngộ hãy còn xa vời, và lộ trình giải thoát hãy còn mù khơi thăm thẳm! Như thế chiếc thuyền đời của ta còn bồng bềnh dịu vợi giữa biển cả trầm luân khổ lụy chưa có ngày cập bến giác ngộ giải thoát.

Tụng kinh niệm Phật tọa thiền là phương tiện trực tiếp nhắc nhở cho ta tu tâm sửa tánh hành thiện để tiến bộ trên quang lộ giác ngộ giải thoát. Chứ chẳng phải tụng kinh niệm Phật tọa thiền bằng hình thức suông mà được thành đạo chứng quả đâu! Xây cất chùa, lập Phật hội là tạo môi trường cơ duyên phương tiện để cho ta và bạn hữu hành xả học đạo tu tâm, chứ nào phải kết bè, lập phe, họp phái để tranh chấp quyền danh lợi dưỡng, để mong được người khen tặng, ăn trên ngồi trước. Mang tâm tranh chấp danh tướng chức quyền hơn thua lợi dưỡng để xây chùa làm Phật sự thì đó là tô bồi thêm tham si chấp ngã, chuốc lấy thêm hậu quả bất thiện, xây đắp dày sâu thêm vọng nghiệp, đó chỉ là tổ làm tổn thương Tam-Bảo, đạo pháp phân ly, tạo cơ hội tốt cho tà nhơn, ngoại đạo ma vương có dịp xâm nhập lũng đoạn chánh đạo chân truyền. Hạng người như thế phải chăng là quyến thuộc của ma vương lạm xưng là Phật tử? Cây cổ thụ đạo pháp cũng từ đó bi loang lổ lung lay nghiêng ngả. Bởi cái nhân hơn thua danh lợi, thì nhất định phải đưa đến cái quả tranh chấp tỵ hiềm phá hoại. Nhân quả như bóng theo hình, như gương chiếu ảnh. Người Phật tử nếu không sáng suốt phân minh nhận định như thế, thì vô tình biến mình làm băng cassette, máy tivi, làm thứ công cụ vô minh dẫn đường đi đến chỗ biến mình và bạn hữu thành quyến thuộc của ma vương lúc nào chẳng hay. Tránh sao khỏi đắc trọng tội lạm dụng xen tạp trong hàng Phật tử, làm hư hoại khả năng chân tâm Phật tánh của mình và tha nhân bị mình quyến rũ.

Hiện tượng đau lòng nầy thường xảy ra trong các sinh hoạt Phật giáo khiến cho dòng sanh mệnh đạo pháp nhiều lúc đau nhức. Điều nầy tưởng cũng nên báo động cho những ai có tâm thao thức về tiền đồ Phật đạo, mà cũng chính là tiền đồ hành đạo của mỗi tự thể cá nhân để biết mà cẩn trọng trong việc hành xử. Gặp khi đạo pháp gian truân, nguyên nhân chính, không ai khác, đó chẳng qua là sự lộng hành của một số người lạm xưng là Phật tử rồi tự tung tự tác cấu kết với ác đảng lập bè lũng đoạn trong các hoạt động Phật sự. Việc này bắt nguồn từ những con người tham danh hám lợi chấp ngã sân si, khinh thường đạo đức nhân quả, không chơn chánh hiểu Phật pháp, nên mới vào chùa lập phe chia phái hoặc làm tay sai cho ngoại đạo ác đảng hầu hám lợi mưu danh, ỷ thế xem thường tội lỗi, tâm thức thiếu vắng đức tin thiện ác nghiệp báo, không đủ tâm thành với Tam-Bảo, ý đồ dùng đạo tạo đời, hoặc chỉ vịn vào danh tước thế gian hiện tại hoặc còn lại cái vang bóng một thời, lợi dụng nắm giữ chức vụ điều hành trong ngôi Tam-Bảo, để rồi từ đó sanh tâm kiêu mạn quản lý luôn cả sư tăng, nên mới tham tâm chấp ngã bày ra đủ trò khuấy rối cửa thiền, hàng Phật tử phải ngửa nghiêng ngao ngán ưu tư thối tâm. Thầy thuận tình chiều theo ý mình thì cho thầy là tốt, thầy có tu. Một mai thầy không chịu nổi sức ép, không chiều theo ý mình, thì hủy báng thầy, cho thầy là bất chánh, thiếu đạo hạnh, rồi bịa đặt đủ điều thị phi chia phe chia nhóm, gây ồn náo cửa thiền vốn thanh tnịh bấy nay. Đây là hiện tượng ma quỷ lộng hành, tà nhơn thao túng lũng đoạn Phật pháp, người Phật tử chơn chánh phải ý thức sáng suốt mà hết mình hộ trì Tam-Bảo.

Trước cảnh huống đó, thầy phải ra đi. Kinh luật dạy rằng: “Xưa có vị Tỳ-kheo trẻ chê vị Tỳ-kheo già tụng kinh ồ ề như tiếng chó sủa. Vị Tỳ-kheo già biết được nên gọi đến khuyên. Vị Tỳ-kheo trẻ liền thành tâm sám hối nên khỏi tội đọa địa ngục, nhưng sau đó còn phải chịu năm trăm kiếp làm thân chó. Kiếp cuối cùng được ngài Xá-Lợi-Phất cứu cho.” Cổ-đức nói: “Ôi! Luận người ở đời búa để trong miệng, sở dĩ hại mình do lời nói ác.” Đâu có biết lời Phật dạy: “Cư sĩ tại gia là người thân cận ngôi Tam-Bảo nên lo hộ đạo.” Có nghĩa là đức Phật khuyên người cư sĩ nên khéo thu xếp việc gia đình để có thì giờ tạo dịp gần gũi ngôi Tam-Bảo vun bồi thiện duyên công quả hộ đạo tu học, đồng thời giúp phương tiện cho Tăng bảo hành đạo hoằng pháp lợi sanh, nên cư sĩ còn gọi là hộ pháp, chớ đâu phải hộ trì Tam-Bảo rồi ỷ có công, lạm quyền hành trong chốn chùa viện? Dù là tăng hay cư sĩ, hễ đã đem phàm tâm lòng tục phục vụ đạo pháp, thì đạo pháp cũng biến thành phi đạo pháp, tức là đạo pháp bị tục hóa chỉ còn là đạo danh lợi mà thôi. Ấy là đạo của ma vương, tà đạo chứ không phải đạo Phật nữa. Kẻ phàm tục lòng đầy ái dục vợ con danh lợi mà có tham vọng làm chủ quyền ngôi Tam-Bảo, dù là dưới hình thức nào, bằng danh nghĩa gì, thì đó là kẻ hình người tâm ma. Còn kẻ mang hình thức nhà tăng lợi dụng ngôi Tam-Bảo để tăng trưởng lợi dưỡng, thỏa mãn danh vọng cá nhân thì đó chính là ma quân trá hình làm tăng để trà trộn trong Phật pháp với ý đồ làm mất sự thanh tịnh của đạo pháp. Kẻ cạo tóc mặc áo làm tăng mà không y theo thứ lớp thọ giới, khinh thường giới pháp, vượt bực mang y pháp, xưng chức tước, thì đó không phải chơn thật tăng. Đạo pháp vì đây mà suy đội. Đạo pháp vốn là chơn lý cách mạng hướng người có đời sống chân chánh lành thiện tiến bộ. Nay tôi thành tâm khẩn thiết đem vạn triệu lòng thành van xin những ai đó đừng lợi dụng danh nghĩa “tiến bộ hợp thời” mà ngụy tạo cải cách sửa kinh đổi luật để hợp thức thỏa thích tà tâm tục hạnh dục tình lợi dưỡng hưởng thục của mình, thì đó là điều bất hạnh họa hại lớn lao cho đạo pháp lắm vậy!

Để khỏi phụ khả năng Phật tánh thánh thiện của mình, để khỏi bị quyền danh lợi dưỡng làm mờ mắt rồi rơi vào tà tâm ác hạnh, để khỏi đắc tội với bốn ơn nặng, để khỏi luống phí thời gian vô ích, thì ngay trong ngày xuân tết nầy, ngày đầu năm mới, Phật tử chúng ta dõng mãnh làm cử chỉ thanh-tịnh-tâm bằng cách đến trước Phật đài, thành khẩn phát nguyện từ đây quyết chí noi gương theo Phật, tin sâu khả năng Phật tánh của mình, mạnh dạn phát nguyện tinh tấn từ xả bỏ ích kỷ tham sân si, thực hành hạnh từ bi hỷ xả sống đời vị tha. Nguyện lấy tâm Phật làm tâm mình, lấy hạnh Phật làm hạnh mình, lấy nguyện Phật làm nguyện mình. Nguyện bắt đầu từ xuân tết này trở đi, chuyên tâm trì giới thanh tnịh, dõng mãnh tinh tấn triệt để vâng lời Phật dạy sống đời đạo hạnh. Đồng thời phát nguyện dù sống bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn luôn nhớ Phật, nhớ lời Phật dạy, dốc lòng hành thiện. Nguyện đem công đức tạo được hồi hướng cho quê hương sớm thoát cảnh rách nát lạc hậu, cho dân tộc sớm thoát cảnh kềm kẹp áp bức đọa đày khốn khổ, để được sống tự do no ấm, và cho pháp giới chúng sanh sớm có ngày thanh tịnh hạnh phúc giác ngộ. Ấy là chúng ta trang nghiêm Tịnh độ mà cũng là tiến bộ thanh tịnh tự tâm. Được như thế mới là ý nghĩa đón mừng xuân tết của người Phật tử.

Tết là tượng trưng cho hy vọng mới mẻ tốt tươi, vui cười mãn nguyện cõi lòng, rộng mở chan hòa với nguồn sống của vạn vật, hài hòa với bản thể bao la của đất trời. Đức Di-Lặc ra đời trong ngày xuân tết mang nụ cười hỷ xả buông thả mở rộng cõi lòng, hòa điệu cùng nguồn sống vạn loại.

Phật tử chúng ta nên tập mở rộng lòng ra, nguyện tinh tấn sống đời vị tha, để chan hòa với nụ cười hỷ xả bất diệt của đức Di-Lặc. Cũng xin đặc biệt lưu tâm, muốn đạt được đời sống vị tha luôn luôn với nụ cười hỷ xả, với cõi lòng buông thả mở toang, chúng ta nên thành tâm thật ý quyết chí thực hành lời Phật dạy để tránh mắc cái bệnh tham sân chấp ngã, năng thuyết bất năng hành. Có thực hành mới đạt thành kết quả. Có chân tâm thành ý thực hành mới hy vọng thoát khỏi tình trạng chim vẹt nói tiếng người, kẻ đếm bạc cho ngân hàng, kẻ giữ bò cho chủ, thùng thiếc cũ rích to tiếng rỗng không, và mới mong có cơ hội thoát ra ba cõi nhà lửa. Ý thức như thế và làm được như thế, chúng ta mới chơn thật là Phật tử, mới thực sự đạt đến ý nghĩa sống và hưởng trọn mùa xuân Di-Lặc vạn hạnh như ý.

Người biết sống khiêm cung, giữ lòng ân nghĩa thì tâm an lý đắc,trọn hưởng mùa xuân hạnh phúc tràn ngập nơi lòng.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567