Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 12: Thiện Hữu

13/05/201312:03(Xem: 9845)
Chương 12: Thiện Hữu
Câu Chuyện Của Dòng Sông


Chương 12: Thiện Hữu

Phùng Khánh & Phùng Thăng
Nguồn: Nguyên tác: Hermann Hesse Việt dịch: Phùng Khánh & Phùng Thăng


Một dạo Thiện Hữu cùng với vài Sa Môn khác đến nghỉ ngơi trong khu vườn chơi mà Kiều Lan, người kỹ nữ đã dâng cúng đồ đệ của đức Phật. Chàng nghe nói về một người lái đò già bên sông, cách một ngày đường, mà nhiều người cho là hiền nhân. Khi Thiện Hữu lên đường khất thực, chàng chọn con đường ngang qua khúc sông ấy, hăm hở muốn thấy được người lái đò kia, vì tuy chàng đã sống theo giới luật và được những người sư đệ kính trọng nhờ tuổi tác và đức khiêm cung, chàng vẫn còn đang thao thức trong tâm hồn, và sự tìm tòi của chàng vẫn không được thoả mãn.

Chàng đến bờ sông và nhờ người lái đò đưa chàng qua bên kia bờ. Khi họ đã đến bến chàng nói với người lái đò:

- Ông thật tốt với những Sa Môn khất sĩ. Ông đã đưa rất nhiều chúng tôi sang sông. Thế ra ông cũng là một người đang tìm con đường chánh đạo sao?

Đôi mắt già nua của Tất Đạt thoáng hiện nụ cười khi chàng đáp:

- Người tự gọi mình là một kẻ tìm kiếm sao, hỡi thầy tỳ kheo, khi trông người cũng đã khá tuổi tác, và lại mặc áo tăng sĩ của đức Cồ Đàm?

- Tôi già nua thật, Thiện Hữu nói – nhưng tôi chưa bao giờ thôi tìm kiếm. Tôi sẽ không bao giờ thôi tìm kiếm. Đấy như là định mệnh của tôi. Tôi đoán hình như người cũng đã tìm kiếm. Người có thể nói cho tôi nghe chút đỉnh về điều đó không. Hỡi ông bạn?

Tất Đạt đáp:

- Có cái gì xứng đáng cho tôi nói với ngài đâu, trừ ra rằng ngài tìm kiếm quá nhiều, và bởi ngài tìm kiếm quá nhiều, ngài không thể nào gặp được.

- Sao lại như thế? Thiện Hữu hỏi.

- Khi một người tìm kiếm, thì thường thường anh ta chỉ thấy có điều mà anh ta tìm kiếm; và anh ta không thể gặp được cái gì, không thể thu nhận được gì, bởi anh ta chỉ nghĩ về điều anh ta đang tìm, bởi anh ta có mục đích, và bị ám ảnh vì mục đích ấy. Tìm kiếm có nghĩa là mục đích, nhưng “gặp” có nghĩa là tự do tự tại, sẵn sàng đón nhận, không có mục đích cố định nào. Hỡi người Sa Môn khả kính, có lẽ ngài quả là một người tìm tòi, vì trong khi cố đạt mục đích, ngài đã không thấy bao nhiêu sự vật trước mắt ngài.

- Tôi vẫn chưa hiểu thấu. Ngài muốn nói gì?

Tất Đạt bảo:

- Có một lần, vị Sa Môn đáng kính ơi, cách nhiều năm qua, ngài đến sông này và trông thấy một người ngủ ở đây. Ngồi bên cạnh kẻ kia trông chừng giấc ngủ cho nó, nhưng ngài lại không nhận ra kẻ đang ngủ đó là ai.

Quá ngạc nhiên, và như một người mắc phải bùa chú, vị Sa Môn trừng trừng nhìn người lái đò:

- Anh có phải là Tất Đạt không? Chàng e dè hỏi. Tôi lại không nhận ra anh lần này nữa! Tôi rất sung sướng được gặp lại anh, Tất Đạt. Rất sung sướng. Anh đã thay đổi rất nhiều, bạn ơi. Và bây giờ anh đã thành người lái đò sao?

Tất Đạt cười lớn thân mật:

- Phải, tôi đã trở thành người lái đò! Nhiều người phải thay đổi khá nhiều và mặc đủ mọi chiếc áo. Tôi là một trong những kẻ ấy, bạn. Rất hoan nghênh bạn, Thiện Hữu, xin mời bạn ở lại hôm nay trong chòi tôi.

Thiện Hữu ở lại đêm ấy trong chòi và ngủ trên chiếc giường của Vệ Sử ngày xưa. Chàng hỏi người bạn thời niên thiếu kia rất nhiều câu hỏi. Và Tất Đạt có biết bao nhiêu câu chuyện để kể cho Thiện Hữu nghe về đời chàng.

Sáng hôm sau, khi đã đến lúc từ giã, Thiện Hữu ngập ngừng bảo bạn:

- Trước khi tiếp tục lên đường, Tất Đạt, tôi muốn hỏi anh một lời nữa. Anh có một thuyết lý nào không, một niềm tin hay hiểu biết mà anh chấp trì, giúp anh sống và hành động phải lẽ?

Tất Đạt nói:

- Bạn cũng biết rồi, ngay khi còn là một thiếu niên, khi chúng ta sống với những người khổ hạnh trong rừng già, tôi đã không mấy tin vào chủ thuyết và thầy dạy, và tôi đã ngoảnh mặt đi trước những thứ ấy. Bây giờ tôi vẫn còn như thế đó, mặc dù tôi đã qua bao nhiêu người dạy dỗ. Một người kỹ nữ xinh đẹp đã là thầy tôi một thời gian khá lâu, và một thương gia giàu, một tay bạc sành sỏi. Vào một dịp khác, một người khất sĩ của đức Phật là thầy tôi. Người dừng bước du khất để ngồi bên tôi khi tôi ngủ thiếp trong khu rừng. Tôi cũng học được một ít từ người ấy và rất cám ơn người. Nhưng nhất là tôi đã học từ con sông này và từ người trước tôi, Vệ Sử. Ông quả thật là một người giản dị; ông không phải là một nhà tư tưởng, nhưng cũng trực nhận được lẽ vi diệu như đức Cồ Đàm. Ông thật là một vì thánh.

Thiện Hữu nói:

- Tất Đạt, tôi thấy dường như anh cũng còn thích đùa bỡn chút đỉnh. Tôi tin anh và biết anh đã không theo một vị thầy nào, nhưng đến cả chính anh lại không có một lý thuyết, một tư tưởng nào hay sao? Anh lại không khám phá được cho chính mình một vài tri thức giúp anh sống hay sao? Tôi sẽ rất sung sướng nếu được anh nói cho nghe về điều ấy.

Tất Đạt nói:

- Vâng, tôi đã có những ý nghĩ và hiểu biết thâu nhặt được thỉnh thoảng. Đôi khi, trong một giờ hay một ngày, tôi đã trực giác có tri thức, hệt như người ta cảm thấy sự sống trong nhịp tim. Tôi đã có nhiều ý tưởng, nhưng thật khó nói cho bạn nghe về chúng. Nhưng đây là một ý tưởng đã làm tôi chú ý, Thiện Hữu. Sự khôn ngoan không thể truyền cho kẻ khác. Trí tuệ mà một người hiền triết cố truyền lại luôn luôn nghe có vẻ điên rồ.

- Anh đùa đấy chăng? Thiện Hữu hỏi.

- Không, tôi đang nói với bạn điều mà tôi đã tìm thấy. Kiến thức có thể truyền được nhưng trí tuệ thì không. Người ta có thể tìm thấy nó, sống trong nó, được thêm sức mạnh vì nó, làm nên những phép lạ nhờ nó, nhưng người ta không thể truyền dạy nó được. Tôi đặt nghi vấn về điều này từ hồi còn trẻ, và chính nghi vấn đó đã làm cho tôi xa lánh mọi thầy học. Có một ý tưởng tôi suy ra, Thiện Hữu, mà có lẽ bạn cũng lại cho là một trò đùa hay một sự điên rồ nữa: ấy là trong mọi sự thật, điều ngược lại cũng đúng không kém. Chẳng hạn, một sự thật chỉ có thể diễn tả và gói trọn trong danh từ nếu sự thật chỉ có một mặt. Mọi điều, nếu được suy tưởng và diễn tả thành danh từ thì đều là phiến diện, chỉ là nửa phần sự thật, nó thiếu hẳn tính cách toàn vẹn, tròn đầy, nhất thể. Khi đức Phật dạy về thế giới, Ngài phải phân chia thành Khổ đế và Niết Bàn, thành Vọng và Chân, thành khổ đau và giải thoát. Người ta không thể làm khác hơn, không có phương pháp nào khác cho những người giảng dạy. Nhưng thế giới tự nó, ở trong ta và
ung quanh ta, thì lại không bao giờ phiến diện. Không bao giờ một người hay một sự việc lại thuần khổ hay thuần lạc, không bao giờ một người lại thuần là thánh thiện hay thuần tội lỗi; chỉ dường như thế bởi vì chúng ta bị mắc phải một ảo tưởng rằng thời gian là một cái gì có thực. Thời gian không thực có, Thiện Hữu. Tôi đã luôn luôn trực nhận điều này. Và nếu thời gian không thực có, thì đừng tưởng tượng ngăn chia cõi đời này với cõi vô cùng, ngăn chia thiện và ác, hạnh phúc và đau khổ, tất cả cũng chỉ là một ảo tưởng …

- Sao lại như thế? Thiện Hữu hỏi, hoang mang.

- Này nhé, bạn! Tôi là một kẻ phạm tội và bạn là một kẻ phạm tội, nhưng một ngày kia người tội lỗi cũng sẽ là Đại ngã trở lại, sẽ đạt Niết Bàn, sẽ trở thành một đức Phật. Nhưng ý niệm “một ngày kia” ấy là một ảo tưởng: đấy chỉ là một sự so sánh. Kẻ tội nhân không phải đang tiến hoá, mặc dù tư tưởng ta không quan niệm khác hơn. Không, đức Phật, tiềm năng đã sẵn có trong người tội lỗi, tương lai đã ở trong hiện tại. Đức Phật tiềm tàng ấy phải được trực nhận trong người kia, trong bạn, trong tất cả mọi người. Thiện Hữu, thế giới không phải bất toàn hay đang từ từ tiến trên đường dài để đạt đến Toàn Thiện. Không, nó hoàn hảo trong mọi giây phút, mọi tội lỗi mang theo với nó sự ân xá, mọi trẻ con đã là những ông già tiềm tàng, mọi nầm non đã mang sẵn chết chóc, và trong mọi người hấp hối, đã có sự sống Vĩnh cửu. Một người không thể nào thấy được người khác đã đi bao xa, đức Phật hiện hữu trong kẻ trộm cướp và tay bạc bịp; kẻ trộm cướp hiện diện trong người Bà La Môn. Trong lúc quán tưởng sâu xa, ta có thể bất chấp thời gian tính, thấy đồng thời tất cả quá khứ, hiện tại, vị lai, và khi thấy mọi sự đều tốt, đều hoàn hảo, mọi sự đều là Đại ngã, linh hồn. Bởi thế đối với tôi dường như mọi sự vật hiện hữu đều tốt cả - chết cũng như sống, tội lỗi cũng như thánh thiện, khôn ngoan cũng như điên rồ. Mọi sự đều cần thiết, mọi sự chỉ cần sự biểu đồng tình của tôi, cái gật đầu của tôi, niềm yêu thương và thông cảm của tôi: lúc đó tất cả đều tốt đẹp đối với tôi và không gì có thể làm hại tôi nữa. Tôi đã học qua thể xác và linh hồn tôi rằng tôi cần phải phạm tội, cần phải đắm mê dục lạc, cần phải lao tâm nhọc trí kiếm tiền của, trải qua những cơn buồn nôn và xuống tận cùng hố thẳm tuyệt vọng, để mà học đừng chống chọi lại chúng, để mà học yêu thương cuộc đời, và không còn so sánh nó với một thứ thế giới tưởng tượng viễn vông do mình ao ước, không còn so sánh nó với một ảo tưởng nào về Toàn Thiện, mà trái lại để cuộc đời nguyên trạng là nó, yêu thương và vui thích được dự phần với nó. Những điều này, Thiện Hữu ơi, là vài ý tưởng trong đầu tôi.

Tất Đạt cúi xuống nâng một hòn đá khỏi mặt đất, cầm trên tay.

- Đây, - chàng nâng niu viên đá, - đây là một viên đá, và trong một thời gian nào đó có lẽ nó sẽ là đất, và từ đất trở thành cây, loài vật hay người. Trước đây có thể tôi đã nói: viên đá này chỉ là đá, nó không có giá trị, nó thuộc về thế giới vật chất trơ lì, nhưng có lẽ trong vòng biến hoá viên đá cũng có thể trở thành người và linh hồn, vật thì nó cũng quan trọng. Đấy là điều mà đáng lẽ tôi đã nghĩ. Nhưng bây giờ thì tôi lại nghĩ: hòn đá này là đá, nó cũng là loài vật, Chúa và Phật. Tôi không yêu kính nó vì nó là một vật và sẽ trở thành một vật gì khác, nhưng vì nó từ lâu đã, và mãi mãi sẽ là mọi sự. Tôi yêu nó chỉ vì nó là một hòn đá. Tôi thấy giá trị và ý nghĩa trong mọi đường vân tinh vi của nó và trong mọi lỗ hổng, trong màu vàng, màu xám, trong vẻ cứng và âm thanh của nó khi tôi gõ lên trong sự khô ráo hay ẩm ướt của bề mặt. Có những hòn đá sờ giống dầu hay xà phòng, trông giống như lá hay cát, và mỗi viên đá đều khác biệt và tôn thờ Toàn Thiện một cách riêng; mỗi viên đá đều là Đại ngã. Đồng thời nó lại cũng rất là đá, trơn như dầu hay xà phòng và chính điều đó làm tôi thích thú và thấy nó thần diệu, đáng tôn thờ. Nhưng thôi tôi không nói thêm nữa. Danh từ không diễn tả được tư tưởng bao nhiêu. Những ý tưởng luôn luôn trở nên hơi khác đi ngay khi chúng được diễn tả, chúng trở nên méo mó, đôi khi điên rồ. Tuy vậy, điều này cũng làm cho tôi thấy thú vị và có lẽ đúng, rằng cái gì có giá trị, là chân lý đối với một người, thì đối với người khác nó dường như vô nghĩa.

Thiện Hữu đã lắng nghe trong im lặng.

- Tại sao anh kể cho tôi nghe về hòn đá? Chàng hỏi sau một lúc ngập ngừng.

- Tôi không cốt làm thế. Nhưng có lẽ điều ấy chứng tỏ rằng tôi yêu hòn đá, con sông và tất cả mọi sự mà ta thấy đây và từ đó ta có thể học. Tôi có thể yêu thương một hòn đá, Thiện Hữu ạ, và một thân cây hay một mảnh vỏ cây. Đấy là sự vật, và người ta có thể yêu mến sự vật. Nhưng người ta không thể yêu mến danh từ. Vì thế, những lời giảng dạy đối với tôi thật vô dụng. Chúng không cứng, cũng không mềm, không vị - chúng không có gì ngoài ra danh từ. Có lẽ chính chúng đã ngăn cản bạn đạt đến bình an, có lẽ quá nhiều danh từ, vì cả đến sự giải thoát và đức hạnh, khổ đau và lạc, cũng chỉ là những danh từ, hỡi Thiện Hữu. Niết Bàn không phải là một sự vật, chỉ có danh từ Niết Bàn mà thôi.

Thiện Hữu:

- Niết Bàn không chỉ là một danh từ, Tất Đạt. Đó là một ý tưởng.

Tất Đạt tiếp:

- Nó có thể là một ý tưởng, nhưng tôi phải thú thật với bạn rằng tôi không phân biệt mấy giữa ý tưởng và danh từ. Thành thật mà nói, tôi cũng không gán cho ý tưởng nhiều quan trọng nữa. Tôi quan tâm đến sự vật nhiều hơn. Chẳng hạn, có một người ở trên khúc sông này đã là tiên phong của tôi và thầy tôi. Ông ta là một người thánh thiện trong bao nhiêu năm đã chỉ tin vào dòng sông, và không tin gì khác. Ông ta để ý rằng tiếng con sông đang nói với ông ta. Ông ta học từ nó, nó dạy dỗ, giáo dục ông ta. Con sông đối với ông ta như một Thượng đế, mà trong nhiều năm ông không biết rằng mỗi làn gió, mỗi một đám mây, mỗi thân chim, mỗi con bọ cũng đều thần tiên không kém, hiểu biết và có thể dạy cho ta hệt như dòng sông mà ông tôn sùng. Nhưng khi người thánh thiện ấy bỏ đi vào rừng, ông ta biết hết mọi sự, ông biết hơn cả bạn và tôi, mà không cần thầy hay sách vở, chỉ vì ông ta tin tưởng ở dòng sông.

Thiện Hữu nói:

- Nhưng cái mà anh gọi là “sự vật” ấy, nó có phải là một cái gì có thật hay không, một cái gì thực hữu nội tại! Nó lại không chỉ là ảo ảnh của phù trần, hình bóng, hiện tượng mà thôi hay sao? Hòn đá của anh, cây cối của anh, - chúng có thực hay không?

- Điều đó cũng không làm tôi bận tâm mảy may – Tất Đạt nói. Nếu chúng là ảo tưởng thì tôi cũng là ảo tưởng, và như thế chúng luôn luôn đồng một tính chất với tôi. Chính điều này làm cho chúng đáng kính đáng yêu biết mấy. Chính vì thế mà tôi có thể yêu chúng. Và đây là lý thuyết sẽ làm cho bạn cười nữa, Thiện Hữu. Ấy là, với tôi, dường như thương yêu là điều quan trọng nhất trên đời. Những tư tưởng gia vĩ đại có thể đặt nặng vấn đề tìm hiểu vũ trụ nhân sinh, giảng giải và khinh bỉ nó. Nhưng tôi nghĩ chỉ có một điều quan trọng là yêu thương thế giới, không phải khinh bỉ nó, không thù ghét nhau mà phải nhìn thế giới và nhìn chính chúng ta cùng mọi sự vật với lòng yêu thương và kính trọng.

- Tôi hiểu điều đó, Thiện Hữu bảo. Nhưng đây chính là cái mà đấng Giác Ngộ gọi là vọng tưởng. Ngài dạy lẽ độ lượng, nhẫn nhục, từ bi … nhưng không dạy yêu thương. Ngài giới răn chúng ta không được trói buộc mình vào những tình yêu thế tục.

- Tôi hiểu, Tất Đạt nói, nụ cười chàng sáng ngời hào quang, - tôi hiểu, Thiện Hữu, và đây chúng ta lại đang rối ren vì nghĩa danh từ, lọt vào trong sự tranh chấp của những tiếng, lời, vì tôi không phủ nhận rằng danh từ của tôi về yêu thương thật là trái ngược với những lời chỉ dạy của đức Cồ Đàm. Chính vì thế mà tôi khinh thường danh từ thế đó, Thiện Hữu, vì tôi biết mâu thuẫn kia chỉ là một ảo tưởng. Tôi biết ý tôi không mâu thuẫn với đức Phật. Thật vậy, làm sao Ngài có thể không biết đến Tình Yêu; Ngài, người đã trực nhận mọi sự phù phiếm giả tạo của nhân sinh, nhưng mặc dù vậy, Ngài vẫn yêu nhân loại đến độ đã tận tuỵ một đời chỉ để giúp đỡ và giáo dục con người? Với bậc thầy cao cả này, cũng thế, tôi xem sự vật quan trọng hơn danh từ, hành động và đời sống của Ngài đối với tôi quan trọng hơn lời của Ngài, cử động của bàn tay Ngài đối với tôi quan trọng hơn quan niệm của Ngài. Không phải vì lời nói hay tư tưởng của Ngài mà tôi xem Ngài là một vĩ nhân, mà chính là hành vi và nếp sống của Ngài.

Hai người im lặng một lúc lâu. Khi Thiện Hữu sửa soạn từ giã, chàng nói:

- Cám ơn anh đã nói cho tôi nghe những ý tưởng của anh, Tất Đạt. Một vài ý tưởng thật là quái lạ. Tôi không thể nắm vững được chúng ngay. Tuy nhiên, cảm ơn anh và chúc anh hưởng nhiều ngày bình an.

Nhưng trong thâm tâm, chàng lại nghĩ: Tất Đạt thật là một người lạ lùng, diễn tả những tư tưởng kỳ dị, có vẻ điên rồ. Thật là khác với những lời của Thế Tôn biết bao! Lời Thế Tôn thì bao giờ cũng sáng sủa, trực tiếp, hiểu được ngay; không có gì là kỳ dị, quái gở hay đáng cười. Nhưng tay chân Tất Đạt, mắt chàng, vừng trán chàng, hơi thở, nụ cười chàng, cái chào của chàng, dáng điệu của chàng có ảnh hưởng nơi ta khác với những tư tưởng của chàng. Từ ngày Thế Tôn nhập Niết Bàn, chưa bao giờ ta gặp được một người, trừ Tất Đạt, mà về người ấy ta nghĩ: đây chính thực là một người thánh thiện! Ý nghĩ anh ta có thể quái dị, lời lẽ anh ta có vẻ điên rồ, nhưng cái nhìn, bàn tay anh, da thịt anh, tất cả toả ngời sự trong sáng, thanh bình, hiền hoà, thánh thiện mà ta chưa hề thấy ở nơi nào bất cứ một người nào từ khi vị thầy Giác Ngộ của ta khuất bóng.

Khi Thiện Hữu đang có những tư tưởng ngổn ngang đối chọi ấy, chàng lại cúi chào Tất Đạt đầy trìu mến đối với chàng. Thiện Hữu cúi thấp trước con người đang ngồi trầm tĩnh.

- Tất Đạt, Thiện Hữu bảo – bây giờ chúng ta đã là những ông già. Có thể chúng ta sẽ không bao giờ gặp lại nhau trên đời này nữa. Tôi có thể thấy được, hỡi bạn thân yêu, rằng anh đã tìm thấy bình an. Tôi nhận rằng tôi đã không tìm thấy nó. Nói cho tôi nghe thêm một lần nữa, hỡi người bạn kính yêu, hãy nói cho tôi nghe một điều mà tôi có thể hiểu được! Cho tôi một điều gì để giúp tôi trên đường đi, hỡi Tất Đạt! Đường tôi đi thường gian nan và tăm tối.

Tất Đạt lặng yên nhìn Thiện Hữu với nụ cười trầm tĩnh thanh bình của chàng. Thiện Hữu nhìn chăm chăm vào mặt chàng, lo ngại, khát khao. Cái nhìn của Thiện Hữu in dấu niềm đau khổ, sự tìm kiếm không ngừng, và luôn luôn thất bại. Tất Đạt thấy rõ điều ấy và mỉm cười:

- Cúi gần tôi! – Chàng thì thầm bên tai Thiện Hữu. Nào, đến gần hơn nữa, sát lại gần, hãy hôn lên trán tôi đi, Thiện Hữu!

Mặc dù ngạc nhiên, chàng do một tình thương lớn thúc đẩy, phải vâng lời Tất Đạt. Chàng cúi sát gần Tất Đạt và kề môi vào vừng trán. Một cái gì thần diệu xảy đến với chàng. Khi chàng đang còn vương vấn vì những nỗi kỳ dị của Tất Đạt, khi chàng nhọc công khổ trí một cách vô hiệu để đuổi xa ý niệm thời gian, để tưởng tượng Niết Bàn và Khổ đế là một, khi cả đến một ý niệm khinh bỉ đối với lời lẽ của bạn đang mâu thuẫn với một niềm yêu thương kính phục vô bờ, thì điều kỳ diệu ấy xảy đến với chàng. Thay vào đấy, chàng thấy những nét mặt khác, nhiều nét mặt, cả một loạt, một dòng liên tiếp những nét mặt, trăm ngàn nét mặt, chợt hiện rồi chợt biến, nhưng đồng thời cũng dường như đều ở đấy, thay đổi không ngừng và mới lạ luôn luôn, tuy thế tất cả đều là Tất Đạt. Chàng thấy mặt mày một con cá, một con cá đang hấp hối với đôi mắt nhắm nghiền. Chàng thấy nét mặt hài nhi mới sinh, đỏ hỏn và nhăn nheo, chợt khóc. Chàng thấy nét mặt một kẻ sát nhân, thấy anh ta thọc dao vào thân thể một người, đồng thời chàng thấy kẻ tội nhân kia quì gối, bị trói và chiếc đầu bị chặt đứt do một người đao phủ. Chàng thấy những thân thể trần truồng của đàn ông và đàn bà trong dáng điệu và trong cơn cuồng nhiệt của yêu đương. Chàng thấy những thi thể duỗi dài, cứng đờ, lạnh giá, trống trải. Chàng thấy những đầu thú vật, beo, cá sấu, voi, bò, chim chóc. Chàng thấy thần Sáng tạo và thần Huỷ diệt. Chàng thấy tất cả những hình dáng, nét mặt kia trong muôn ngàn tương quan với nhau, tất cả đều hỗ trợ nhau, yêu, ghét, huỷ diệt nhau và trở lại sơ sinh. Mỗi dáng hình đều đi đến cái chết, đều là những biểu hiện say đắm, khổ đau của luật vô thường. Tuy thế, không có một hình hài nào là chết hẳn, chúng chỉ biến hoá, luôn luôn tái sinh, luôn luôn có một bộ mặt mới: chỉ có thời gian đứng giữa nét mặt này với nét mặt khác. Và tất cả những hình hài và dáng mặt này nghỉ ngơi, tuôn chảy, sinh hoá trôi qua và hoà lẫn vào nhau, và trên tất cả những hình hài đó, luôn luôn có một cái gì mong manh, hư ảo, tuy nhiên vẫn hiện hữu, phủ lên như một làn băng giá mỏng, như một làn da trong suốt, một lớp vỏ, một dáng hình hay mặt nạ bằng nước – và chiếc mặt nạ kia là nét mặt tươi cười của Tất Đạt, mà chàng đang đặt môi hôn. Và Thiện Hữu thấy rằng nụ cười phớt trên bao nhiêu hình hài ẩn nấp kia, nụ cười của sự Nhất thể phảng phất trên bao hình hài tuôn chảy, nụ cười của sự Đồng thời ở trong muôn ngàn cái Sinh và Tử - trong sinh có tử và ngược lại - nụ cười của Tất Đạt, chính thực là nụ cười trầm tĩnh, sâu xa, khôn dò, nụ cười có vẻ ban ân vừa có vẻ chế diễu, nụ cười Trí tuệ, nụ cười muôn mặt của Thế Tôn, đức Phật, mà chàng đã bao lần nhìn thấy, lòng tràn đầy uy phục. Thiện Hữu biết rõ nụ cười kia chính là nụ cười của đấng Toàn Giác.

Không còn biết nữa thời gian có hiện hữu hay không, cảnh trước mắt đã hiện ra trong một giây hay tròn thế kỷ, không còn biết nữa đấy là Tất Đạt hay đức Thế Tôn, một Tiểu ngã hay cái gì khác, Thiện Hữu như vừa nhận mũi tên thần diệu đâm sâu vào trong chàng đem lại cho chàng niềm hân hoan. Vô cùng mừng rỡ, Thiện Hữu vẫn đứng một lúc, nghiêng mình trên nét mặt bình an của Tất Đạt mà chàng vừa hôn lên, nét mặt đã là sân khấu cho tất cả những hình hài hiện tại, vị lai. Vẻ mặt chàng không đổi sau khi làn gương của muôn ngàn hình sắc đã biến mất. Tất Đạt mỉm cười bình an, hiền từ, nụ cười có vẻ đầy ân huệ, cũng có vẻ đầy châm biếm, hệt như đấng Giác Ngộ đã cười.

Thiện Hữu cúi thấp. Những giọt nước mắt khôn ngăn rỉ xuống gương mặt già nua. Chàng thấy tràn ngập một cảm giác yêu thương lớn rộng, tràn ngập niềm kính cẩn. Chàng phủ phục quì trước con người đang ngồi bất động, mà nụ cười nhắc chàng nhớ đến mọi sự chàng đã từng yêu thương trong cuộc sống, mọi giá trị và thánh thiện trong đời chàng.

------------------Hết------------------
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]