Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nhập Bất Nhị Pháp Môn

10/05/201320:17(Xem: 12232)
Nhập Bất Nhị Pháp Môn

Bồ Tát Có Bệnh (Biên soạn về Kinh Duy Ma Cật)

Nhập Bất Nhị Pháp Môn

Thích nữ Như Đức

Nguồn: Thích nữ Như Đức

Một trong những công án Thiền là câu “Muôn pháp trở về một, một về chỗ nào?” Cái một ấy bao trùm tất cả, chứa đựng tất cả, dung thông tất cả, ở đâu cũng chính nó, vậy thì có gì đến đi. Danh từ một và hai chỉ là số lượng phân biệt của thế gian, nhưng từ chỗ khởi đầu phân biệt một và cái khác với một ấy, nảy sinh ra vô số phân biệt, lôi kéo không cùng. Nay đưa ra câu hỏi về “bất nhị”, cũng giống như ý nghĩa hành phi đạo chính là con đường Phật để các vị Bồ-tát nói lên quan điểm của mình. Qua đó, chúng ta thấy rằng Bồ-tát sau khi thực hiện tất cả việc độ sanh, đi khắp nơi, đến với mọi loài thì sẽ có một cái nhìn quán triệt, thông đạt không ngại.

VĂN KINH


Lúc ấy Duy-ma-cật nói với chúng Bồ-tát rằng: “Chư nhân giả! Thế nào là Bồ-tát vào pháp môn không hai?” Đến đây các vị Bồ-tát lần lượt nói lên ý kiến của mình.
1- Bồ-tát Pháp Tự Tại nói: Sanh và diệt là hai. Pháp vốn xưa chẳng sanh, nay ắt chẳng diệt. Được Vô Sanh Pháp Nhẫn là vào pháp môn không hai.
Nhìn tổng quát các hiện tượng, chúng ta bị chi phối bởi sự có mặt và sự biến mất của chúng. Bồ-tát nhìn trên bản thể, thấy không sanh diệt, được một cái nhìn sâu, bao trùm như thế thì thấy không có hai.
2- Bồ-tát Đức Thủ nói: Ngã và ngã sở là hai. Vì có ngã nên mới có ngã sở, nếu không có ngã thì không có ngã sở.
Vị Bồ-tát này đặt vấn đề chính ở bản ngã. Ý thức về mình về người, về cái của ta và không phải của ta, làm mọi sự chia cắt. Ngã là cái nút cần được tháo gỡ, một thi sĩ nói:
Khi chưa có ta hề đường đi thênh thang
Kịp khi có ta hề chông gai mênh mang.
3- Bồ-tát Bất Huyễn nói: Thọ và chẳng thọ là hai. Nếu chẳng thọ đối với các pháp thì là bất khả đắc. Vì bất khả đắc nên không lấy không bỏ…
Bồ-tát này đứng về thái độ và tư tưởng trên các pháp, chấp nhận hoặc không chấp nhận đều là hai việc cần buông bỏ. Đức Phật nói: “Ta đối với các pháp đều nhận biết, nhưng tất cả đều Vô sở thọ”.
4- Bồ-tát Đức Đảnh nói: Nhơ và sạch là hai, thấy bản chất thật của nhơ thì không thấy có tướng sạch…
Nhơ cũng như sạch, đều không có bản chất thật, tùy nghiệp, tùy các cư xử của mọi loài mà nói nhơ, nói sạch. Nơi đống rác, đống phân vẫn là nhà cửa của vô số loài, bỏ đi cái nhìn dị biệt, có nghĩa là đừng bắt mọi loài nhìn theo ý kiến của mình thì sẽ không thấy trở ngại. Tuệ Trung Thượng Sĩ bảo:
Pháp thân không ngăn ngại
Nào sạch lại nào dơ
Xưa nay không dơ sạch
Dơ sạch thảy tên suông.

5- Bồ-tát Thiện Túc nói: Động và niệm là hai. Chẳng động ắt là không niệm. Không niệm tức là không phân biệt.
Động là sự máy động, chớm khởi động của tâm thức, niệm là cái khởi động đã thành dòng tư tưởng. Cái chớm khởi còn ở tình trạng nguyên sơ, nhưng là đã tách mình ra khỏi khối đồng nhất, nên từ đó dẫn đến niệm tưởng, hễ có niệm tưởng thì mọi việc phân chia, không vào Pháp môn Bất nhị.
6- Bồ-tát Thiện Nhãn nói: Nhất tướng và vô tướng là hai. Nếu biết nhất tướng tức là vô tướng cũng không chấp giữ vô tướng, vào chỗ bình đẳng là vào pháp môn Bất nhị.
Có tướng và không tướng thay phiên nhau biểu hiện. Sợ tướng nên tìm đến không tướng cũng còn kẹt hai bên, ngay nơi tướng biết là không có tướng, mọi vật bình đẳng.
7- Bồ-tát Diệu Tý nói: Tâm Bồ-tát và tâm Thanh văn là hai. Quán tâm tướng không, như trò ảo hóa thì không thấy có tâm Bồ-tát khác với tâm Thanh văn, đó là vào pháp môn Bất nhị.
Bồ-tát mà còn chấp có tâm Bồ-tát và tâm Thanh văn thì chưa phải Bồ-tát.
8- Bồ-tát Phất Sa nói: Thiện và bất thiện là hai. Nếu chẳng khởi ý cho là thiện, bất thiện, đến bờ mé vô tướng để thông đạt là vào pháp môn Bất nhị.
Vẫn thường hằng làm thiện nhưng không chấp trước vào việc của mình, không phân biệt đối xử khi gặp người thiện - bất thiện.
9- Bồ-tát Sư Tử nói: Tội và phước là hai. Nếu thông đạt tánh của tội thì cùng phước không khác…
Tánh của tội cũng như tánh của phước đều không thật, tội phước phát sanh từ tâm vọng, cho là tội là phước đứng về phía này chống báng phía kia đều là không đúng pháp thể.
10- Bồ-tát Sư Tử Ý nói: Hữu lậu và vô lậu là hai. Nếùu chứng đắc các pháp bình đẳng thì không khởi ý niệm về hữu lậu, vô lậu, không chấp tướng cũng không trụ vào vô tướng…
Sở dĩ có phiền não là vì không thấy được tánh cách bình đẳng của các pháp. Nếu được tâm như thì đến chỗ vô lậu mà không còn chấp đó là vô lậu.
11- Bồ-tát Tịnh Giải nói: Hữu vi và vô vi là hai. Nếu lìa tất cả số đếm thì tâm như hư không, do trí tuệ thanh tịnh không chỗ trở ngại mà vào pháp môn Bất nhị.
Pháp hữu vi có tạo tác hình tướng nên có số đếm, ở đây lìa tất cả hình tướng đến chỗ tâm rỗng rang nên gọi là nhập pháp môn Bất nhị.
12- Bồ-tát Na-la-diên nói: Thế gian và xuất thế gian là hai. Tánh không của thế gian tức là xuất thế gian. Trong đó không vào, không ra, không đầy, không vơi…
Chán thế gian nên hướng vào xuất thế gian. Lục tổ Huệ Năng nói: “Phật pháp tại thế gian. Bất ly thế gian giác. Ly thế mích Bồ-đề. Kháp như tầm thố giác.” Nghĩa là: Phật pháp ở tại thế gian. Không lìa thế gian mà được giác ngộ. Lìa thế gian tìm giác ngộ thì cũng như tìm sừng con thỏ.
13- Bồ-tát Thiện Ý nói: Sanh tử Niết-bàn là hai. Nếu thấy được tánh của sanh tử là không sanh tử. Không trói không mở, không cháy không tắt…
Tuệ Trung Thượng Sĩ nói: Tâm mà sanh chừ sanh tử sanh. Tâm mà diệt chừ sanh tử diệt.
14- Bồ-tát Hiện Kiến nói: Tận và bất tận là hai. Nếu là pháp cứu cánh tận cũng như bất tận đều là tướng vô tận…
Khi chúng ta phân biệt thì các pháp kéo dài, mong cho tận cùng hay không tận cùng cũng đều sai.
15- Bồ-tát Phổ Thủ nói: Ngã và vô ngã là hai. Ngã còn chẳng thể đắc làm sao đắc được phi ngã…
Thông thường chúng sanh chấp ngã, nhưng thật ra đó chỉ là cái hiểu biết về ngã không đến nơi đến chốn, cho nên rốt cuộc nói ngã, nói vô ngã cũng chỉ trên ngôn ngữ.
16- Bồ-tát Điện Thiên nói: Minh và vô minh là hai. Thật tánh của vô minh là minh. Minh cũng không thể giữ lấy, lìa tất cả số lượng trong ấy bình đẳng không hai.
Vô minh là mê mờ điên đảo, vô minh không có tánh chất thật cố định, nếu vô minh cố định thì làm sao tu? Biết được điều này là minh cũng đừng chấp tướng minh cố định vĩnh viễn.
17- Bồ-tát Hỷ Kiến nói: Sắc, không là hai. Sắc tức là không, phi sắc cũng là không…
Đây thuộc về lý Bát-nhã.
18- Bồ-tát Minh Tướng nói: Tứ đại và Không đại khác nhau, là hai. Tánh của tứ đại là tánh của không đại… Nếu biết tánh các đại là như vậy tức nhập pháp môn Bất nhị.
Tứ đại chủng và không đại chủng đều từ nguồn gốc ban đầu là nhất tâm, thế nên bản tánh đồng. Chỉ vì theo duyên nghiệp chúng sanh mà thấy có khác.
19- Bồ-tát Diệu Ý nói: Nhãn căn và sắc trần là hai. Nếu biết tánh của nhãn căn đối với sắc không tham, không sân, không si, đó gọi là tịch diệt vắng lặng. Năm căn và năm trần còn lại cũng giống như thế, các căn đối với các trần không bị chi phối là vào pháp môn Bất nhị.
Các Thiền sư thường nói: Căn trần không đến nhau là giải thoát. Vào pháp môn Bất nhị là vào chỗ giải thoát ấy.
20- Bồ-tát Vô Tận Ý nói: Bố thí và hồi hướng Nhất thiết trí là hai. Cho đến trì giới… đối với hồi hướng Nhất thiết trí là hai. Tánh của bố thí… là thật tánh của hồi hướng Nhất thiết trí. Ở trong ấy vào một tướng là pháp môn Bất nhị.
Hành lục độ là tiến đến Phật đạo, hồi hướng Nhất thiết trí cũng tiến đến Phật đạo, nên chỉ cần vào một tướng cũng đủ.
21- Bồ-tát Thâm Tuệ nói: Không, vô tướng, vô tác là hai (khác nhau nên thấy hai). Không tức là vô tướng, vô tướng tức là vô tác, vào một môn giải thoát tức vào ba môn giải thoát.
Ý này giống ý trên.
22- Bồ-tát Tịch Căn nói: Phật, Pháp, Tăng là hai. Phật tức là Pháp, Pháp tức là Tăng. Tam bảo đều là tướng vô vi, bình đẳng như hư không, tất cả pháp cũng thế.
Đối với Tam bảo là ba ngôi báu, các pháp dù quý dù tiện cũng đều bình đẳng. Lục Tổ nói: Phật là giác, Pháp là chánh, Tăng là thanh tịnh. Quy y Tam Bảo là trở về với ba đức tính sẵn có nơi một thân ta.
23- Bồ-tát Tâm Vô Ngại nói: Thân và thân hoại là hai. Thân tức thân hoại. Vì sao? Người thấy thật tướng của thân tức không thấy thân và thân hoại. Thân và thân hoại không hai, không thể phân biệt, đối với điều này không kinh sợ là vào pháp môn Bất nhị.
Vì yêu thích thân nên sợ mất thân, đó là còn thấy hai.
24- Bồ-tát Thượng Thiện nói: Thân, khẩu, ý lành là hai. Ba nghiệp đều không có tướng tạo tác… Nếu hay theo được tuệ không tạo tác đó là vào pháp môn không hai.
Làm lành mà không thấy có làm, đó là tuệ vô tác.
25- Bồ-tát Phước Điền nói: Phước hạnh, tội hạnh và bất đồng hạnh là hai. Tánh thật của ba hạnh ấy là không…
Làm tội và làm phước là một bên, không làm tội phước tức là bất động nghiệp, nghiệp vô vi, cho đó là một bên. Không khởi tâm về bên này hay bên kia nên vào pháp môn Bất nhị.
26- Bồ-tát Hoa Nghiêm nói: Từ ngã khởi nhị biên là hai. Thấy thật tướng của ngã thì không khởi pháp hai bên, không ở trong nhị biên đó là Vô sở thức…
Từ chấp có ta nên khởi lên thấy các pháp ngoài ta, đó là nhị biên, thấy có mình, người, chúng sanh… Nếu thấy ta không thật thì mọi cái thấy khác đều mất.
27- Bồ-tát Đức Tạng nói: Có tướng sở đắc là hai. Nếu không sở đắc ắt là không lấy, không bỏ. Không lấy, bỏ là vào pháp môn Bất nhị.
Tướng sở đắc gồm hai phần: năng đắc và sở đắc. Vì có năng thì có sở, chia hai bên. Không năng sở thì an nhiên vô vi.
28- Bồ-tát Nguyệt Thượng nói: Tối với sáng là hai. Không tối không sáng ắt không có hai. Như nhập Diệt thọ tưởng định không tối không sáng…
Đối với sự cảm thọ các pháp như không gian, thời gian ánh sáng… đều lặng lẽ thì gọi là nhập pháp môn Bất nhị, trong đó chỉ có dòng tâm trôi chảy, đôi khi không cần ánh sáng ta vẫn thấy biết.
29- Bồ-tát Bảo Ấn Thủ nói: Thích Niết-bàn chán ghét thế gian là hai. Nếu chẳng thích Niết-bàn chẳng ghét thế gian thì không có hai. Vì sao? Nếu có trói ắt có mở, nếu vốn không bị trói thì ai cầu mở. Không buộc không mở không ưa không chán là vào pháp môn Bất nhị.
Chọn lựa thì sẽ có vui buồn theo sau.
30- Bồ-tát Châu Đảnh Vương nói: Chánh đạo và tà đạo là hai. Người trụ chánh đạo thì không phân biệt là tà là chánh. Lìa hai cái này là vào pháp môn Bất nhị.
31- Bồ-tát Nhạo Thật nói: Thật và chẳng thật là hai. Người thấy thật còn không thấy chỗ thật chẳng thật. Vì sao? Chỉ có tuệ nhãn mới thấy được. Nhưng tuệ nhãn không thấy mà chỗ nào cũng thấy, đó là vào pháp môn không hai.
Đại ý hai vị Bồ-tát này nói đến chỗ chân lý chính đáng thì không chia đây kia hơn kém. Người giải thoát thật sự chẳng màng gì những so đo.
*
Ba mươi mốt vị Bồ-tát đều nói về pháp môn Bất nhị, mỗi người mỗi cách trình bày, nhưng đều gặp nhau ở chỗ tận cùng lẽ thật, chỗ không cho ý niệm và ngôn ngữ có thể chen vào. Bồ-tát là luôn luôn nêu lý tưởng đạt đến chân thật rốt ráo, luôn ở trong giải thoát. Nhưng qua lời các Ngài nói thì chỗ giải thoát thật sự chính là chỗ đất tâm không dính. Không còn chia phân. Đâu đâu cũng là viên minh tròn sáng.
Cuối cùng ngài Văn-thù nói rằng: “Theo ý tôi đối với tất cả pháp không nói, không thuyết, không chỉ bày, không ý niệm, lìa vấn đáp là đến chỗ pháp môn Bất nhị.”
Đây là lời tổng kết, nói đến đây rồi mà hỏi Duy-ma-cật thì Ngài chỉ lặng thinh, “Thời Duy-ma-cật mặc nhiên vô ngôn”.
Sự im lặng của Duy-ma-cật là một lời kết thúc hay nhất, chấm dứt mọi ngôn ngữ. Nói hay không nói đều chẳng ra ngoài tâm, lời các Ngài nói đã nhiều rồi. Ở đây Duy-ma-cật hiển lộ chỗ không lời, “Chốn không lời là muôn tiếng ca”. Đời sau ca ngợi Duy-ma-cật là im lặng sấm sét. Nhưng phải đi qua hết những giai đoạn mà các vị Bồ-tát trình bày ở trên rồi mới đến chỗ này.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]