Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

186. Kinh Cầu giải [1]

10/05/201313:30(Xem: 19421)
186. Kinh Cầu giải [1]

Kinh Trung A Hàm

186. Kinh Cầu giải [1]

Thích Tuệ Sỹ dịch

Nguồn: Thích Tuệ Sỹ dịch

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa Câu-lâu-sấu, tại đô ấp Kiếm-ma-sắt-đàm, một đô ấp của Câu-lâu[2].

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Duyên nơi ý của mình mà không biết như thật về tâm trí của người khác[3] thì không thể biết được sự Giác ngộ chánh đẳng của Thế Tôn. Vậy làm thế nào để tìm hiểu[4] Như Lai[5]?”

Khi ấy các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn rằng:

“Bạch Thế Tôn, Thế Tôn là gốc của pháp, Thế Tôn là chủ của pháp, pháp do nơi Thế Tôn mà có. Ngưỡng mong Ngài thuyết cho, chúng con nghe được rồi sẽ thấu rõ nghĩa lý.”

Phật liền bảo rằng:

“Này các Tỳ-kheo, hãy lắng nghe rõ và khéo suy nghĩ. Ta sẽ phân biệt đầy đủ cho các ông nghe.”

Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời mà lắng nghe.

Thế Tôn bảo rằng:

“Duyên nơi ý của mình mà không biết như thật về tâm trí của người khác, phải do hai sự kiện để tìm hiểu Như Lai, một là sắc được biết bởi mắt và hai là tiếng được nghe bởi tai.

“Pháp ô nhiễm được biết bởi mắt và tai, có hay không có nơi Tôn giả ấy[6]? Sau khi tìm hiểu, biết rằng pháp ô nhiễm được biết bởi mắt và tai không có nơi Tôn giả ấy. Nếu ở đây không có, lại phải tìm hiểu nữa.

“Pháp hỗn tạp được biết bởi mắt và tai[7], có hay không có nơi Tôn giả ấy? Sau khi tìm hiểu, biết rằng những pháp hỗn tạp được biết bởi mắt và tai không có nơi Tôn giả ấy. Nếu ở đây không có, phải tìm hiểu thêm nữa.

“Pháp bạch tịnh được biết bởi mắt và tai, có hay không có nơi Tôn giả ấy? Sau khi tìm hiểu, biết rằng pháp bạch tịnh được biết bởi mắt và tai có nói Tôn giả ấy. Nếu ở đây có, lại phải tìm nữa.

“Tôn giả ấy đã thực hành pháp ấy lâu dài hay chỉ thực hành tạm thời? Nếu khi tìm hiểu, biết rằng Tôn giả ấy thực hành pháp ấy lâu dài chứ không phải tạm thời. Nếu là thường thực hành, lại phải tìm hiểu thêm nữa.

“Tôn giả ấy[8] nhập vào thiền này vì danh dự, vì lợi nghĩa, hay không vì danh dự và lợi nghĩa? Nếu khi tìm hiểu, biết rằng Tôn giả ấy nhập vào thiền này không phải vì tai hoạn[9].

“Nếu có người nói như vầy, ‘Tôn giả ấy thích tu hành[10] không phải vì sợ hãi; ly dục, không hành dục, vì dục đã diệt tận[11]’, thì nên hỏi người ấy rằng, ‘Này Hiền giả, với hành vi nào, với năng lực nào, với trí tuệ nào để Hiền giả có thể tự mình nhận xét chân chánh rằng, ‘Tôn giả ấy thích tu hành không phải vì sợ hãi; ly dục, không hành dục, vì dục đã diệt tận’?’ Nếu người ấy trả lời như vầy, ‘Tôi không biết tâm trí của vị ấy, cũng không phải do sự kiện nào khác mà biết. Nhưng vị Tôn giả ấy, hoặc khi sống một mình, hoặc khi ở giữa đại chúng, hoặc ở giữa chỗ tập họp, nơi đó hoặc có Thiện thệ hay những người thọ hóa bởi Thiện thệ[12], hoặc là bậc Tông chủ, hoặc là người được thấy bởi vật dục[13], này Hiền giả, tôi cũng không tự mình hiểu biết vị ấy[14]. Tôi nghe từ chính Tôn giả ấy mà trực tiếp ghi nhận như vầy, ‘Ta thích tu hành không phải vì sợ hãi; ly dục, không hành dục, vì dục đã diệt tận’ Này Hiền giả, với hành vi như vậy, với năng lực như vậy, với trí tuệ như vậy, khiến tôi tự mình nhận xét chân chánh mà nói rằng, ‘Tôn giả ấy thích tu hành không phải vì sợ hãi; ly dục, không hành dục, vì dục đã diệt tận’.’

“Trong đây này lại cần phải hỏi thêm nữa về Như Lai, ‘Nếu có pháp ô nhiễm được biết bởi mắt và tai, có trường hợp pháp ấy bị diệt tận vô dư chăng? Nếu có pháp hỗn tạp được biết bởi mắt và tai, có trường hợp pháp ấy bị diệt tận vô dư chăng? Nếu có pháp bạch tịnh, có trường hợp pháp ấy bị diệt tận vô dư chăng?’ Như Lai bèn trả lời người ấy rằng, ‘Nếu có pháp ô nhiễm được biết bởi mắt và tai, có trường hợp pháp này bị diệt tận vô dư. Nếu có pháp hỗn tạp được biết bởi mắt và tai, có trường hợp pháp này bị diệt tận vô dư.’

“Nếu có pháp ô nhiễm được nhận biết bởi mắt và tai, Như Lai diệt tận, đoạn trừ, nhổ tuyệt gốc rễ, không bao giờ sanh khởi trở lại nữa. Nếu có pháp hỗn tạp được biết bởi mắt và tai, Như Lai diệt tận, đoạn trừ, nhổ tuyệt gốc rễ, không bao giờ sanh trở lại nữa. Nếu có pháp bạch tịnh, thì Ta với pháp bạch tịnh như vậy, cảnh giới như vậy, đạo Sa-môn như vậy, Ta như vậy mà thành tựu Chánh pháp luật này.

“Có đệ tử tịnh tín đến thăm viếng Như Lai, phụng sự Như Lai, nghe pháp từ Như Lai, và được Như Lai nói pháp cho, pháp cao siêu càng lúc càng cao siêu, pháp vi diệu càng lúc càng vi diệu, khéo đoạn trừ hắc bạch. Sau khi được Như Lai nói pháp cho nghe, pháp cao siêu càng lúc càng cao siêu, pháp vi diệu càng lúc càng vi diệu, khéo đoạn trừ hắc bạch; nghe như vậy như vậy rồi, vị ấy biết tường tận[15] pháp một, đối với các pháp mà chứng đắc cứu cánh, tịnh tín nơi Thế Tôn, biết rằng ‘Thế Tôn là vị Chánh Đẳng Giác’ vậy.

“Ở đây, lại cần hỏi thêm vị ấy rằng, ‘Này Hiền giả, do hành vi nào, do năng lực nào, do trí tuệ nào để Hiền giả có thể biết tường tận pháp một, đối với các pháp mà chứng đắc cứu cánh, tịnh tín nơi Thế Tôn, biết rằng ‘Thế Tôn là vị Chánh Đẳng Giác?’ Vị ấy sẽ trả lời như vầy, ‘Này Hiền giả, tôi không biết tâm của Thế Tôn, cũng không do sự kiện nào khác mà biết. Tôi do nơi Thế Tôn mà có tịnh tín như vậy. Thế Tôn nói pháp cho tôi nghe, pháp cao siêu càng lúc càng cao siêu, pháp vi diệu càng lúc càng vi diệu, khéo đoạn trừ hắc bạch. Này Hiền giả, như Thế Tôn nói pháp cho tôi nghe, và tôi nghe như vậy như vậy, Như Lai nó pháp cho tôi nghe, pháp cao siêu càng lúc càng cao siêu, pháp vi diệu càng lúc càng vi diệu, khéo đoạn hắc bạch, và tôi nghe như vậy như vậy rồi, biết tường tận pháp một, đối với các pháp mà chứng đắc cứu cánh, tịnh tín nơi Thế Tôn, biết rằng ‘Thế Tôn là vị Chánh Đẳng Giác’. Này Hiền giả, tôi do hành vi như vậy, năng lực như vậy, trí tuệ như vậy, khiến tôi biết tường tận pháp một, đối với các pháp mà chứng đắc cứu cánh, tịnh tín nơi Thế Tôn, biết rằng ‘Thế Tôn là vị Chánh Đẳng Giác’.’

“Nếu ai có hành này, lực này, trồng sâu gốc rễ tịnh tín nơi Như Lai, tín căn đã vững, thì được gọi là tín tương ưng với trí bất hoại, do thấy được gốc rễ. Sa-môn, Phạm chí, Chư thiên, Ma, Phạm và các hàng thế gian khác không thể tước đoạt được. Hãy như vậy mà tìm hiểu Như Lai. Hãy như vậy mà nhận biết chính đáng về Như Lai.”

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

[1]. Tương đương Pāli, M. 47. Vimṃsaka-suttaṃ.

[2]. Câu-lâu-sấu, xem các kinh 177, 175.

[3]. So Pāli: Vīmaṃsakena bhikkhunā parassa cetopariyāyam ājānantena “Tỳ-kheo tư sát muốn biết tập tánh (cetopariyāyam) của người khác”.

[4]. Cầu giải 求 解. Pāli: samannesanā.

[5]. Đại ý: làm sao biết Như Lai có phải là Chánh đẳng giác hay không?

[6]. Bản Pāli: nơi Như Lai.

[7]. Pháp hỗn tạp, lẫn lộn cả tịnh và nhiễm. Pāli: vītimissā cakkhusotaviññeyyā dhammā.

[8]. Bản Hán, bỉ Tôn đoạn trước trong bản Pāli nói là Như Lai; bỉ Tôn ở đoạn này, Pāli nói: ñattajjhāpanno āyasmā bhikkhu, “Tôn giả Tỳ-kheo nổi tiếng này”.

[9]. Bản Pāli: tìm hiểu xem sự nguy hiểm có khởi lên cho Tôn giả hữu danh này không, và biết rằng không.

[10]. Hán: lạc hành 樂 行; Pāli: uparata, tịch tĩnh hay trấn tĩnh, tự kềm chế.

[11]. Pāli: vitarāgattā kāme na sevati khayā rāgassā ti, không hành theo dục, vì đã ly dục, diệt tận dục.

[12]. Thiện thệ, vi thiện thệ sở hóa 善 逝 為 善 逝 所 化. Pāli: ye ca tattha sugatā ye ca tattha duggatā, “những người ở nơi đó là hành phục (thiện hành) hay khốn nạn (ác hành)”. Sugatā, duggatā, những người hạnh phúc hay khốn nạn (thiện hành, ác hành), ở đây không phải là danh hiệu chỉ cho Đức Phật như thường gặp trong mười hiệu Phật.

[13]. Nhân thực khả kiến 因 食 可 見, do ăn mà được thấy (xuất hiện). Pāli: ye ca idhekacce āmisesu sandissati, một số người ở đây bị lôi cuốn theo vật dục. Bản Hán hiểu sandissati (bị lôi cuốn) là được thấy (khả kiến), do gốc động từ passati (thấy).

[14]. Ngã bất tự tri 我 不 自 知. Pāli: nāyasmā taṃ tena avajānāti, Tôn giả ấy không vì vậy mà khinh bỉ người đó.

[15]. Hán: tri đoạn 知 斷; Pāli: abhiññāya.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]