Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

II. Vấn đề tên gọi

05/04/201313:04(Xem: 8349)
II. Vấn đề tên gọi
Văn Học Phật Giáo Việt Nam - Tập 3

II. Vấn Đề Tên Gọi

Tiến sĩ Lê Mạnh Thát
Nguồn: Tiến sĩ Lê Mạnh Thát


Ba truyền bản hiện lưu hành, đấy là truyền bản đời Lê I, đời Lê II và truyền bản đời Nguyễn, mang những tên gọi khác nhau về Thiền uyển tập anh. Truyền bản đời Nguyễn thì gọi Đại nam thiền uyển truyền đăng tập lục ở tờ 1a1, hay Đại nam thiền uyển truyền đăng ở tờ 65a10 và Thiền uyển Truyền đăng lục ở gáy từ tờ 1 đến tờ 65. Điều này không có nghĩa người đứng in truyền bản đời Nguyễn, tức An Thiền không biết đến tên Thiền uyển tập anh đâu. Chính Đạo giáo nguyên lưu quyển thượng tờ 5a4, một tác phẩm của Thiền, đã liệt Thiền uyển tập anh lục một (quyển) giữa những bản gỗ tàng trữ tại các chùa chiền miền Bắc nước ta vào thế kỷ thứ XIX. Như vậy, “bản gỗ cũ chùa Tiêu Sơn”, mà Thiền dùng để in ra quyển thượng của bộ Đại nam thiền uyển truyền đăng tập lục, cứ vào ghi chép vừa dẫn của Đạo giáo nguyên lưu, phải có tên là Thiền uyển tập anh lục. Và chính lời tựa San khắc truyền đăng thủ Trần gia bản tờ 1b4-5, Thiền đã nói thẳng ra tên sách mình dùng cho việc in ra quyển thượng đó là Thiền uyển tập anh, bởi vì Thiền viết:
“Kịp đến nước ta thì xưa có Thiền uyển làm lục, Tập anh làm tên, ghi lấy cao tăng thạc đức của ba triều trình sơ nét chính”. Do thế, mặc dù truyền bản đời Nguyễn ngày nay xuất hiện dưới tên Đại nam thiền uyển truyền đăng tập lục, hay Đại nam thiền uyển truyền đăng, hay Thiền uyển Truyền đăng lục, ta biết chắc chắn là tự nguyên ủy nó vẫn có tên Thiền uyển tập anh.

Về truyền bản đời Lê I và Lê II, trong bảy lần nó nhắc tới tên sách ở những tờ 1a1, 4a1, 26a1, 44a1, 61a1, 71b1, và 72b11 thì sáu lần là đã có tên Thiền uyển tập anh. Chỉ trừ một lần ở tờ 4a1, nó thêm hai chữ “ngữ lục” ở sau thành Thiền uyển tập anh ngữ lục. Bản chất của Thiền uyển tập anh, tuy có chứa đựng ngữ lục, nhưng không phải là một tác phẩm thuần túy thuộc loại ngữ lục. Thực tế mà nói, nó có những truyện không chứa đựng một ngữ lục nào hết. Truyện Pháp Thuận, truyện Ma Ha thuộc dòng thiền Pháp Vân là những thí dụ. Có lẽ vì nhận ra sự trạng đó, nên người hiệu đính và viết tựa cho bản in năm 1715 đã không ngần ngại nêu ngay cái tên Thiền uyển tập anh, mà giải thích ý nghĩa và đã không một lời đề cập xa gần gì tới ngữ lục cả. Hơn nữa, cứ vào số lần xuất hiện của nó thì Thiền uyển tập anh chắc chắn là tên của tác phẩm từ nguyên ủy, nhất là khi ta biết chúng là khởi đầu cho những quyển khác nhau theo truyền bản sáu quyển. Chúng tôi vì vậy nghĩ rằng chữ “ngữ lục” là một thêm thắt vào thời Lê dưới ảnh hưởng của quan niệm, theo đó thì mỗi khi nói đến tác phẩm của các vị thiền sư, người ta phải đề cập tới ngữ lục. Và tên nguyên ủy của tác phẩm chúng ta nghiên cứu đây là Thiền uyển tập anh.

Tên đó từ thế kỷ thứ XV đã được Nguyễn Văn Chất (1422-?) dẫn ra trong phần Tục tập của Việt điện u linh tập tờ 42, mà sau này một “Nho sĩ họ Đoàn” thuộc thế kỷ thứ XVI đã sao lại vào trong quyển thứ ba của Lĩnh nam chích quái truyện tờ 115. Qua thế kỷ thứ XVIII, ngoài bản in năm 1715, Lê Quý Đôn là người sử dụng nhiều nhất Thiền uyển tập anh và đã gọi nó bằng chính cái tên đó trong Đại việt thông sử cũng như trong Kiến văn tiểu lục 4 tờ 12b8. Đến Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, phần Văn tịch chí chỉ ghi lại Thiền uyển tập thôi, trong khi “bản gỗ cũ của chùa Tiêu Sơn” cũng như Đạo giáo nguyên lưu quyển thượng tờ 5a4 đều chép tên Thiền uyển tập anh lục. Cái tên Thiền uyển tập anh có một lai lịch xa xưa và thống nhất như thế. Do đó, chúng tôi đề nghị chúng ta gọi tên tác phẩm mang những đề danh khác nhau trên bằng cái tên Thiền uyển tập anh thống nhất vừa nêu.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]