Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tạp A-hàm quyển 30 (830 - 840)

08/05/201318:28(Xem: 13132)
Tạp A-hàm quyển 30 (830 - 840)

Kinh Tạp A Hàm

Tạp A-hàm quyển 30 (830 - 840)

Tỳ kheo Thích Đức Thắng

Nguồn: Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ

KINH 830. BĂNG-GIÀ-XÀ[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong rừng Băng-già-kỳ tại Băng-già-xà[2]. Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì các Tỳ-kheo nói pháp tương thích với giới[3], khen ngợi pháp chế giới. Lúc ấy, Tôn giả Ca-diếp Thị[4] đang ở tại thôn Băng-già nghe Thế Tôn nói pháp tương ưng với giới, khen ngợi giới này, trong lòng rất không kham nhẫn, không hoan hỷ, nói rằng: ‘Sa-môn ấy khen ngợi giới này, tích cực chế giới này[5].’

Sau khi đã trú ở đó như ý muốn tại thôn Băng-già, Đức Thế Tôn hướng đến nước Xá-vệ. Lần lượt du hành đến vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Sau khi Thế Tôn đi không bao lâu, Tôn giả Ca-diếp Thị liền sanh lòng hối hận: ‘Ta nay mất lợi, bị bất lợi lớn, khi Thế Tôn nói về pháp tương ứng với giới, khen ngợi việc chế giới; đối với Thế Tôn tâm ta không kham nhẫn, không hoan hỷ. Với tâm không hoan hỷ, nói rằng, ‘Sa-môn tích cực chế giới này, hết lòng khen ngợi giới này.’

Sáng sớm hôm sau, Tôn giả Ca-diếp Thị đắp y mang bát vào thôn Băng-già khất thực. Ăn xong trở về tinh xá, gởi ngọa cụ[6], rồi tự mang y bát đến thành Xá-vệ. Sau khi lần lượt du hành đến nước Xá-vệ, cất y bát và rửa chân xong, đi đến Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân và bạch Phật rằng:

“Con xin hối lỗi, Thế Tôn! Con xin hối lỗi, Thiện Thệ! Con là kẻ ngu si không tốt, không phân biệt được; khi con nghe Thế Tôn vì các Tỳ-kheo mà nói pháp tương ứng với giới, khen ngợi việc chế giới, đối với Thế Tôn con đã không kham nhẫn, không hoan hỷ. Với tâm không hoan hỷ, nói rằng, ‘Sa-môn tích cực chế giới này, hết lòng khen ngợi giới này.’”

Phật bảo Ca-diếp Thị:

“Ở chỗ nào nơi Ta mà ông không kham nhẫn, không hoan hỷ. Với tâm không hoan hỷ, nói rằng, ‘Sa-môn tích cực chế giới này, hết lòng khen ngợi giới này.’?”

Ca-diếp Thị bạch Phật rằng:

“Lúc Thế Tôn ở trong rừng Băng-già-kỳ, tại thôn Băng-già-xà, vì các Tỳ-kheo nói pháp tương ứng với giới, khen ngợi giới này. Con lúc bấy giờ đối với Thế Tôn tâm không kham nhẫn, không hoan hỷ. Với tâm không hoan hỷ, nói rằng, ‘Sa-môn tích cực chế giới này, hết lòng khen ngợi giới này.’ Bạch Thế Tôn, hôm nay con tự biết hối tội, tự thấy hối tội mình. Xin Đức Thế Tôn thương xót nhận sự hối lỗi của con.”

Phật bảo Ca-diếp Thị:

“Ông đã tự biết hối lỗi vì đã ngu si, không tốt, không phân biệt được, nên khi nghe Ta vì các Tỳ-kheo nói pháp tương ứng với giới, khen ngợi việc chế giới, đối với Ta mà không kham nhẫn, không hoan hỷ. Với tâm không hoan hỷ, nói rằng, ‘Sa-môn tích cực chế giới này, hết lòng khen ngợi giới này.’ Ca-diếp, nay ông đã tự biết hối lỗi, đã tự thấy hối lỗi rồi, thì trong đời vị lai luật nghi giới sẽ sanh[7]. Nay Ta vì thương xót ông nên nhận sự sám hối của ông.”

Sau khi Ca-diếp Thị sám hối như vậy rồi, thì thiện pháp tăng trưởng, không bao giờ bị suy giảm. Vì sao? Vì nếu có người nào tự biết tội, tự thấy tội, mà sám hối tội lỗi, thì trong đời vị lai luật nghi giới sẽ sanh, thiện pháp tăng trưởng, không bao giờ suy giảm.

“Giả sử Ca-diếp là một vị Thượng tọa, không muốn học giới, không coi trọng giới, không muốn chế giới, thì Tỳ-kheo như vậy Ta không khen ngợi. Vì sao? Vì nếu Đại Sư mà khen ngợi người này, thì những người khác sẽ lại gần gũi, cung kính, tôn trọng. Nếu người khác cùng gần gũi, tôn trọng, thì sẽ cũng có đồng kiến giải, đồng việc làm. Nếu người nào có việc làm giống như kia, thì mãi mãi sẽ chịu khổ không lợi ích gì. Cho nên Ta đối với Trưởng lão này, ban đầu không khen ngợi, vì vị ấy ngay lúc đầu đã không thích học giới. Như trưởng lão, trung niên, thiếu niên cũng như vậy.

“Nếu Thượng tọa Trưởng lão này, ban đầu coi trọng học giới, khen ngợi việc chế giới, thì Trưởng lão như vậy, Ta sẽ khen ngợi, vì ban đầu đã thích học giới. Đại Sư sẽ khen ngợi người này thì những người khác sẽ lại gần gũi, cung kính, tôn trọng. Nếu người khác cùng gần gũi, tôn trọng, thì sẽ cũng có đồng kiến giải, đồng việc làm. Đồng sở kiến, cho nên, đời vị lai sẽ được ích lợi lâu dài. Cho nên đối với vị Trưởng lão Tỳ-kheo kia, thường phải khen ngợi, vì sơ thủy đã vui thích học giới. Vị trung niên, thiếu niên cũng lại như vậy.”

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

KINH 831. GIỚI[8]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu các Tỳ-kheo Thượng tọa Trưởng lão, sơ thủy không vui thích học giới, không coi trọng học giới, thấy Tỳ-kheo khác ban đầu vui thích học giới, coi trọng giới, khen ngợi việc chế giới, vị ấy cũng không tùy thời khen ngợi, đối với những Tỳ-kheo này Ta cũng không khen ngợi, vì vị ấy sơ thủy không vui thích học giới. Vì sao? Vì nếu Đại Sư khen ngợi vị ấy, thì người khác sẽ lại gần gũi tôn trọng, đồng kiến giải. Vì đồng kiến giải nên lâu dài chịu khổ không có lợi ích. Cho nên Ta đối với các trưởng lão,... trung niên, thiếu niên kia, cũng lại như vậy. Người vui thích học giới như trước đã nói.”

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

KINH 832. HỌC[9]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có Ba học. Những gì là ba? Đó là tăng thượng Giới học, tăng thượng Ý học, tăng thượng Tuệ học.

“Thế nào là tăng thượng Giới học? Tỳ-kheo an trụ Giới Ba-la-đề-mộc-xoa, đầy đủ oai nghi hành xử, thấy tội vi tế sanh lòng sợ hãi, thọ trì học giới. Đó gọi là tăng thượng Giới học.

“Thế nào là tăng thượng Ý học? Tỳ-kheo ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác có quán, hỷ lạc do viễn ly sanh, chứng và an trụ Sơ thiền,... cho đến chứng và an trú đệ Tứ thiền. Đó gọi là tăng thượng Ý học.

“Thế nào là tăng thượng Tuệ học? Tỳ-kheo nào biết như thật về Khổ Thánh đế này, biết như thật về Khổ tập Thánh đế này, Khổ diệt Thánh đế này, Khổ diệt đạo tích Thánh đế này, thì đó gọi là tăng thượng Tuệ học.”

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

Các kinh khác nói về Ba học, như đã nói Niệm xứ ở trước.

Như Thiền, Vô lượng, Vô sắc cũng vậy. Như bốn Thánh đế, cũng vậy bốn Niệm xứ, bốn Chánh đoạn, bốn Như ý túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác phần, tám Thánh đạo, Bốn đạo, Bốn pháp cú và tu tập Chỉ quán cũng nói như vậy.[10]

KINH 833. LY-XA[11]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong giảng đường Trùng các, bên ao Di hầu, nước Tỳ-xá-ly.

Bấy giờ có người luyện voi giỏi người Ly-xa, tên là Nan-đà[12], đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, lui qua ngồi một bên. Bấy giờ, Thế Tôn bảo Ly-xa Nan-đà rằng:

“Nếu Thánh đệ tử thành tựu bốn Bất hoại tịnh, mà muốn cầu thọ mạng liền được thọ mạng; muốn cầu dung sắc, sức lực, khoái lạc, biện tài, liền được một cách tự tại. Những gì là bốn? Thành tựu Phật bất hoại tịnh; thành tựu Pháp, Tăng bất hoại tịnh; thành tựu Thánh giới bất hoại tịnh. Ta thấy Thánh đệ tử này sau khi mạng chung ở đây sẽ sanh lên cõi trời, ở đó được mười thứ pháp. Những gì là mười? Được tuổi thọ cõi trời, sắc đẹp cõi trời, danh xưng cõi trời, khoái lạc cõi trời, tự tại cõi trời và sắc, thanh, hương, vị, xúc cõi trời. Nếu Thánh đệ tử ở trên trời mạng chung sẽ sanh vào cõi người. Ta thấy họ đầy đủ mười điều. Những gì là mười? Được tuổi thọ cõi người, người tốt đẹp, danh xưng, khoái lạc, tự tại và sắc, thanh, hương, vị, xúc cõi người. Ta nói vị đa văn Thánh đệ tử này tin không do người khác, ước muốn không do người khác[13], không nghe từ người khác, không lấy ý người khác, tư duy không nhân bởi người khác. Ta nói vị ấy có tri kiến chánh tuệ như thật.”

Bấy giờ, có người đi theo Nan-đà, thưa Nan-đà rằng:

“Giờ tắm đã đến, bây giờ xin ngài đi cho!”

Nan-đà đáp rằng:

“Nay ta không cần tắm gội theo thế gian, mà nay ta ở trong pháp thắng diệu này tự tắm gội; vì đối với Thế Tôn ta đã có được tín lạc thanh tịnh.”[14]

Sau khi người huấn luyện voi Ly-xa Nan-đà nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy, làm lễ mà lui.

KINH 834. BẤT BẦN[15]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong giảng đường Trùng các, bên ao Di hầu tại Tỳ-xá-ly. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Thánh đệ tử nếu thành tựu được bốn Bất hoại tịnh, thì ở giữa loài người không sống cuộc sống nghèo khốn; không bị lạnh rét, xin ăn; mà tự nhiên giàu sang đầy đủ. Những gì là bốn? Thành tựu bất hoại tịnh đối với Phật; thành tựu bất hoại tịnh đối với Pháp, Tăng, Thánh giới. Cho nên, Tỳ-kheo phải học như vầy: ‘Ta sẽ thành tựu bất hoại tịnh đối với Phật; sẽ thành tựu bất hoại tịnh đối với Pháp, Tăng, Thánh giới.”

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

KINH 835. CHUYỂN LUÂN VƯƠNG[16]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Chuyển luân Thánh vương có đầy đủ bảy báu, thành tựu được bốn thứ thần lực trong cõi người, làm vua bốn thiên hạ, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh lên cõi trời. Tuy lại làm Chuyển luân Thánh vương có đầy đủ bảy báu, thành tựu được thần lực trong cõi người, làm vua bốn thiên hạ và sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh lên cõi trời, nhưng vẫn còn chưa đoạn trừ được cái khổ của đường ác địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Vì sao? Vì Chuyển luân vương chưa đạt được bất hoại tịnh đối với Phật, chưa được bất hoại tịnh đối với Pháp, Tăng và Thánh giới.

Đa văn Thánh đệ tử mang y phấn tảo, xin ăn khắp mọi nhà, dùng ngọa cụ bằng cỏ, nhưng các vị đa văn Thánh đệ tử này đã giải thoát được cái khổ của các đường ác địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Vì sao? Vì các vị đa văn Thánh đệ tử này đã thành tựu được bất hoại tịnh đối với Phật; đã thành tựu được bất hoại tịnh đối với Pháp, Tăng và Thánh giới. Cho nên các Tỳ-kheo phải học như vầy: ‘Ta sẽ thành tựu bất hoại tịnh đối với Phật; sẽ thành tựu bất hoại tịnh đối với Pháp, Tăng và Thánh giới.’”

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

KINH 836. TỨ BẤT HOẠI TỊNH[17]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Các ông nên khởi lòng thương mến và lòng từ bi. Đối với những gì các ông nói, nếu có người nào thích nghe, thích lãnh thọ, thì các ông hãy vì họ mà nói về bốn bất hoại tịnh, khiến cho chứng nhập, khiến cho an trụ[18]. Những gì là bốn? Bất hoại tịnh đối với Phật; bất hoại tịnh đối với Pháp; bất hoại tịnh đối với Tăng; thành tựu Thánh giới. Vì sao? Dù bốn đại: đất, nước, lửa, gió có sự thay đổi tăng giảm, bốn bất hoại tịnh này chưa từng có sự tăng giảm biến khác. Chúng không tăng giảm biến khác, cho nên đa văn Thánh đệ tử đã thành tựu được đối với Phật, mà nếu bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, thì điều này không thể có được. Cho nên, các Tỳ-kheo nên học như vầy: ‘Tôi sẽ thành tựu bất hoại tịnh đối với Phật; sẽ thành tựu bất hoại tịnh với Pháp, Tăng và thành tựu Thánh giới và sẽ thiết lập cho người khác cũng được thành tựu.’”

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

KINH 837. QUÁ HOẠN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu tin người, sanh năm điều lỗi lầm: Hoặc khi người ấy vi phạm giới luật, bị chúng từ bỏ[19], thì người tin kính kẻ đó sẽ nghĩ như vầy: ‘Đây là thầy của ta, được ta kính trọng, nay bị chúng Tăng từ bỏ. Nay ta còn lý gì để vào chùa tháp này nữa?’ Khi đã không còn vào chùa tháp rồi, thì sẽ không kính chúng Tăng. Do không kính Tăng, nên không còn nghe được pháp. Do không còn nghe pháp, pháp lành sẽ bị thoái mất, không còn được an trụ lâu trong Chánh pháp. Đó gọi là lỗi lầm thứ nhất do tin kính người sanh ra.

“Lại nữa, ai tin kính người, nếu người được kính vi phạm giới luật, bị chúng Tăng cử tội bất kiến[20]; ai tin kính người sẽ nghĩ như vầy: ‘Đây là thầy ta, đã được ta kính trọng mà nay bị chúng Tăng cử tội bất kiến. Nay ta còn lý gì để vào chùa tháp nữa?’ Khi đã không vào chúa tháp rồi, thì không còn kính chúng Tăng. Do không kính Tăng, nên không còn nghe được pháp. Do không còn nghe pháp, pháp lành sẽ bị thoái mất, không còn được ở lâu trong Chánh pháp. Đó gọi là lỗi lầm thứ hai do dễ tin kính người sanh ra.

“Lại nữa, người kia nếu đắp y mang bát du hành phương khác, kẻ tin kính người kia sẽ nghĩ như vầy: ‘Người được ta kính, đã đắp y mang bát du hành nhân gian. Nay ta còn lý gì mà vào chùa tháp này nữa?’ Khi đã không vào chùa tháp rồi, thì không còn cung kính chúng Tăng. Do không kính Tăng, nên không còn nghe được pháp. Do không còn nghe pháp, pháp lành sẽ bị thoái mất, không còn được ở lâu trong Chánh pháp. Đó gọi là lỗi lầm thứ ba do dễ tin kính người sanh ra.

“Lại nữa, nếu người được tin kính kia, xả giới hoàn tục, người dễ tin kính người kia sẽ nghĩ như vầy: ‘Ông là thầy ta, được ta kính trọng, đã xả giới hoàn tục, nay ta không nên vào chùa tháp này. Khi đã không vào chùa rồi, sẽ không còn kính chúng Tăng. Do không kính Tăng, nên không còn nghe được pháp. Do không còn nghe pháp, pháp lành sẽ bị thoái mất, không còn được ở lâu trong Chánh pháp. Đó gọi là lỗi lầm thứ tư do dễ tin kính người sanh ra.

“Lại nữa, nếu người được tin kính kia, thân hoại mạng chung, người dễ tin kính người kia sẽ nghĩ như vầy: ‘Ông là thầy ta, được ta kính trọng, nay đã qua đời; nay ta còn lý gì để vào chùa tháp này nữa?’ Khi đã không còn vào chùa nữa, thì sẽ không còn kính Tăng. Đó gọi là lỗi lầm thứ năm do dễ tin kính người sanh ra.

“Cho nên, các Tỳ-kheo, phải học như vầy: ‘Ta sẽ thành tựu bất hoại tịnh đối với Phật, bất hoại tịnh đối với Pháp, Tăng và thành tựu Thánh giới.”

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

KINH 838. THỰC[21]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có Bốn loại thức ăn nuôi lớn chúng sanh, nhiếp thọ và làm tăng trưởng bốn đại. Những gì là bốn? Đó là Đoàn thực, Xúc thực, Ý tư thực và Thức thực. Cũng vậy, có bốn thứ phước đức thấm nhuần làm thức ăn an lạc[22]. Những gì là bốn? Bất hoại tịnh đối với Phật; bất hoại tịnh đối Pháp, Tăng và thành tựu Thánh giới. Cho nên các Tỳ-kheo phải học như vầy: ‘Ta sẽ thành tựu bất hoại tịnh đối với Phật; bất hoại tịnh đối với Pháp, Tăng và thành tựu Thánh giới.”

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

KINH 839. GIỚI (1)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

Như đã nói ở trên, nhưng có một vài sai biệt.

“Người thành tựu bất hoại tịnh đối với Phật, được nghe Pháp, được chúng Tăng hộ niệm và thành tựu Thánh giới.”

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

KINH 840. GIỚI (2)[23]

KINH kế này cũng nói như trên, nhưng có một vài sai biệt:

“Người nào nếu thành tựu bất hoại tịnh đối với Phật, Pháp, Tăng, thì đối với sự bỏn sẻn nhơ nhớp trói buộc chúng sanh, sẽ xa lìa được lòng bỏn sẻn nhơ nhớp, tại gia mà an trụ giải thoát; tâm thường hành bố thí, thích bố thí, luôn an lạc trong việc thực hành xả thí bình đẳng, thành tựu được Thánh giới.”

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]