Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tạp A-hàm quyển 15 (387 - 397)

08/05/201313:34(Xem: 12930)
Tạp A-hàm quyển 15 (387 - 397)

Kinh Tạp A Hàm

Tạp A-hàm quyển 15 (387 - 397)

Tỳ kheo Thích Đức Thắng

Nguồn: Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ

KINH 387. HIỀN THÁNH (2)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn bảo năm vị Tỳ-kheo:

“Có bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Tỳ-kheo đối với Khổ Thánh đế đã biết, đã hiểu; đối với Khổ tập Thánh đế đã biết, đã đoạn; đối với Khổ diệt Thánh đế đã biết, đã chứng; đối với con đường đưa đến sự diệt tận của khổ Thánh đế đã biết, đã tu. Như vậy, Tỳ-kheo không còn then khóa, san bằng thành hào, vượt qua các hiểm nạn, cởi mở các ràng buộc, được gọi là Hiền thánh dựng ngọn cờ Thánh.”

[59]

“Này các Tỳ-kheo, thế nào là không còn then khóa? Năm hạ phần kết sử đã lìa, đã biết; đó gọi là không còn then khóa.

[60][61]

“Thế nào là san bằng thành hào? Hào sâu vô minh đã đoạn, đã biết; đó gọi là san bằng thành hào.

[62][63]

“Thế nào là vượt qua các hiểm nạn? Giải thoát sanh tử, tận cùng mé khổ; đó gọi là vượt qua các hiểm nạn.

[64][65]

“Thế nào là cởi mở các ràng buộc? Ái đã đoạn, đã biết.

[66][67]

“Thế nào là dựng ngọn cờ Thánh đạo? Ngã mạn đã đoạn, đã biết; đó gọi là dựng ngọn cờ Thánh.”

[68][69]

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 388. NGŨ CHI LỤC PHẦN[70]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn bảo năm vị Tỳ-kheo:

“Có bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Tỳ-kheo đối với Khổ Thánh đế đã biết, đã hiểu; đối với Khổ tập Thánh đế đã biết, đã đoạn; đối với Khổ diệt Thánh đế đã biết, đã chứng; đối với con đường đưa đến sự diệt tận của Khổ Thánh đế đã biết, đã tu. Đó gọi là Tỳ-kheo đoạn năm chi, thành sáu phần, thủ hộ một, nương dựa vào bốn, trừ bỏ các đế, lìa các đường ngả tư, chứng các giác tưởng, tự chính mình tạo tác, tâm khéo giải thoát, tuệ khéo giải thoát, thuần nhất trong sạch, đó gọi là Thượng sĩ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 389. LƯƠNG Y



Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có bốn pháp, nếu thành tựu thì được gọi là bậc Đại y vương, đầy đủ các chi phần cần phải có. Những gì là bốn? Một là khéo biết bệnh; hai là khéo biết nguyên nhân của bệnh; ba là khéo biết cách đối trị bệnh; bốn là khéo biết trị bệnh để về sau bệnh không còn tái phát nữa.

“Thế nào gọi là lương y khéo biết bệnh? Lương y biết rành các chủng loại bệnh như vậy, như vậy; đó gọi là lương y khéo biết bệnh.

“Thế nào là lương y khéo biết căn nguyên của bệnh? Lương y biết rành bệnh này do gió gây nên, do đàm ấm gây nên, nước nhớt nước dãi gây nên, khí lạnh gây nên, do các sự việc hiện tại gây nên, do thời tiết gây nên; đó gọi là lương y khéo biết căn nguyên của bệnh.

“Thế nào là lương y khéo biết cách đối trị bệnh? Lương y biết rành các loại bệnh, nên thoa thuốc, nên cho mửa, cho xổ, nên nhỏ mũi, nên xông, nên cho ra mồ hôi; và những cách đối trị đại loại như vậy; đó gọi là lương y khéo biết cách đối trị.

“Thế nào là lương y khéo biết trị bệnh rồi về sau bệnh không còn tái phát nữa? Lương y khéo trị tất cả các chứng bệnh, khiến dứt trừ hoàn toàn, vĩnh viễn không tái phát trở lại sau này nữa; đó gọi là lương y khéo biết trị bệnh không còn tái phát nữa.

“Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác là Bậc Đại Y vương đã thành tựu bốn đức, chữa lành bệnh chúng sanh cũng lại như vậy. Bốn đức là gì? là Như Lai biết như thật đây là Khổ Thánh đế; biết như thật đây là Khổ tập Thánh đế; đã biết như thật đây là Khổ diệt Thánh đế, biết như thật đây là Khổ diệt đạo tích Thánh đế.

“Này các Tỳ-kheo, các lương y thế gian không biết như thật cách đối trị đối với cội gốc sanh, không biết như thật cách đối trị đối với cội gốc lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não. Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác là vị Đại Y vương, biết như thật cách đối trị đối với cội gốc sanh, lão, tử, ưu, bi, khổ, não. Vì thế nên Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác được gọi là Đại Y vương.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 390. SA-MÔN BÀ-LA-MÔN (1)[71]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào mà không biết như thật Thánh đế về khổ này, không biết như thật Thánh đế về sự tập khởi của khổ này, không biết như thật Thánh đế về sự diệt tận của khổ này, không biết như thật Thánh đế về con đường đưa đến sự diệt tận của khổ này, các Sa-môn, Bà-la-môn ấy chẳng phải là Sa-môn của Sa-môn, là Bà-la-môn của Bà-la-môn. Những người ấy, đối với nghĩa của Sa-môn, nghĩa Bà-la-môn, không thể trong đời hiện tại tự tri tự tác chứng rằng ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’

[72]

“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào mà biết như thật Thánh đế về khổ này, biết như thật Thánh đế về sự tập khởi của khổ này, biết như thật Thánh đế về sự diệt tận của khổ này, biết như thật Thánh đế về về con đường đưa đến sự diệt tận của khổ này, thì nên biết các Sa-môn, Bà-la-môn ấy chính là Sa-môn của Sa-môn, là Bà-la-môn của Bà-la-môn; những người ấy, đối với nghĩa của Sa-môn, nghĩa Bà-la-môn, trong đời hiện tại tự tri tự tác chứng rằng ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’

“Cho nên, này các Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế hiện quán, nên khởi lòng mong muốn hơn lên, tinh cần, nỗ lực, phương tiện tu học. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 391. SA-MÔN BÀ-LA-MÔN (2)[73]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn bảo năm vị Tỳ-kheo:

Nói rộng như trên, chỉ có một vài sự sai biệt là:

“Nếu không biết như thật bốn Thánh đế, nên biết Sa-môn, Bà-la-môn này chẳng phải Sa-môn số, chẳng phải Bà-la-môn số. Nếu biết như thật đối với Thánh đế, thì Sa-môn, Bà-la-môn này…” cho đến…

[74]

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 392. NHƯ THẬT TRI[75]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào mà không biết như thật Thánh đế về khổ này, không biết như thật Thánh đế về sự tập khởi của khổ này, không biết như thật Thánh đế về sự diệt tận của khổ này, không biết như thật Thánh đế về con đường đưa đến sự diệt tận của khổ này, nên biết Sa-môn, Bà-la-môn này không thoát được khổ.

“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào biết như thật Thánh đế về khổ này, biết như thật Thánh đế về sự tập khởi của khổ này, biết như thật Thánh đế về sự diệt tận của khổ này, biết như thật Thánh đế về con đường đưa đến sự diệt tận của khổ này, nên biết Sa-môn, Bà-la-môn này thoát được khổ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Cũng như đối với Khổ không giải thoát và giải thoát, chi tiết như trên; cũng vậy:

[76]

Đối với (xả) đường ác không giải thoát và giải thoát.

-

Có thể xả giới thoái giảm và không xả giới thoái giảm.

Có thể tự tuyên bố đã chứng đắc pháp thượng nhân và không thể tự tuyên bố đã chứng đắc pháp thượng nhân.

Có thể ngoài (chánh pháp) này mà tìm cầu phước điền tốt và không thể ngoài (chánh pháp) này mà tìm cầu phước điền tốt.

Có thể ngoài (chánh pháp) này mà tìm cầu bậc Đại sư và không thể ngoài (chánh pháp) này mà tìm cầu Đại sư.

Không thể vượt qua khỏi khổ và có thể vượt qua khỏi khổ.

Không thể thoát khổ và có thể thoát khổ.

Như những kinh trên đều lập lại tiếp theo bằng kệ:

“Nếu không biết cái khổ
Và nhân các khổ này;
Và tất cả pháp khổ
Tịch diệt trọn không còn;
Nếu không biết dấu đạo,
T duy tất cả khổ;
ư[77]
Không có tâm giải thoát,
Tuệ giải thoát cũng không,
Không thể vợt các khổ,
ư
Để cứu cánh thoát khổ.
Nếu biết khổ nh thật;
ư
Cùng biết nhân các khổ;
Và tất cả các khổ
Tịch diệt hết không còn;
Nếu lại biết nh thật,
ư
Dấu đạo của dứt khổ,
Ý giải thoát đầy đủ,
Tuệ giải thoát cũng vậy,
Có thể vợt các khổ,
ư
Cứu cánh được giải thoát.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 393. THIỆN NAM TỬ[78]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu có thiện nam tử, chánh tín, không gia đình, xuất gia học đạo, thì tất cả điều cần làm là cần biết pháp bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế, nếu chưa hiện quán, thì phải siêng năng tìm phương tiện tu tập hiện quán.”

[79]

Cũng như chương cú này, tất cả kinh bốn Thánh đế, đều nên nói đầy đủ như vậy.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Các kinh với nội dung: Biết như vậy, thấy như vậy, hiện quán như vậy, cũng nói như trên.

[80]

Lại nữa, cũng như kinh trên, với nội dung thêm bớt như sau:

“Đoạn tận ba kết, đắc quả Tu-đà-hoàn. Tất cả nên biết bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Nên biết như vậy, nên thấy như vậy và hiện quán như vậy. Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.”

[81]

(...)

“Nếu ba kết sử đã đoạn tận, tham, nhuế, si mỏng, chứng đắc Tư-đà-hàm. Tất cả đều biết như thật đối với bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Nên biết như vậy, nên thấy như vậy và hiện quán như vậy.(...)” cũng nói như trên.

[82]

(...)

“Nếu năm hạ phần kết đã đoạn tận, chứng đắc A-na-hàm hạng Sanh Bát-niết-bàn, không còn tái sanh vào cõi thế gian này nữa. Tất cả đều cần biết bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Nên biết như vậy, nên thấy như vậy và hiện quán như vậy. (...)” cũng nói như trên.

[83]

(...)

“Nếu tất cả lậu đã đoạn tận, vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời, tự tri tự tác chứng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’ Tất cả đều cần biết bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Nên biết như vậy, nên thấy như vậy và hiện quán như vậy. (...)” cũng nói như trên.

(...)

“Nếu chứng được đạo Bích-chi-phật, tất cả đều cần biết bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Nên biết như vậy, nên thấy như vậy và hiện quán như vậy.(...)” cũng nói như trên.

(...)

“Nếu đạt được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tất cả đều cần biết bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Nên biết như vậy, nên thấy như vậy và hiện quán như vậy. (...)” cũng nói như trên.

“Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.”

KINH 394. NHẬT NGUYỆT (1)[84]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Như mặt trời mọc, ánh sáng hiện trước. Cũng vậy, chân chánh diệt tận khổ cũng có dấu hiệu xuất hiện trước; tức là biết bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế.”

[85]

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 395. NHẬT NGUYỆT (2)[86]

Tôi nghe như vầy:

Khi Đức Phật ở trong vườn Nai, chỗ ở của Tiên nhân, nước Ba-la-nại, thì bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu mặt trời, mặt trăng không xuất hiện giữa thế gian, tất cả các vì tinh tú cũng không xuất hiện giữa thế gian này, thì ngày và đêm, nửa tháng, thời tiết, số năm, thời khắc, khoảnh khắc, tất cả đều không xuất hiện. Như thế, thế gian sẽ luôn luôn tối tăm, không có ánh sáng, chỉ có đêm dài, thuần là một khối mù tối lớn hiện ra ở thế gian.

“Nếu Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác không xuất hiện ở thế gian, không nói về Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, thế gian này sẽ mù tối, không có ánh sáng chiếu rọi, như thế đêm dài thuần là bóng tối trùm khắp thế gian.

“Nếu mặt trời, mặt trăng xuất hiện ở thế gian, các tinh tú cũng xuất hiện, ngày và đêm nửa tháng, thời tiết, số năm, thời khắc, khoảnh khắc, tất cả đều xuất hiện ở thế gian. Cũng thế, Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở thế gian nói Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, thì thế gian không còn tối tăm và đêm dài được soi sáng, thuần nhất, trí tuệ sẽ hiện ra ở thế gian.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 396. THÁNH ĐỆ TỬ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Như mặt trời xuất hiện, đi vòng khắp giữa không trung, phá tan mọi tăm tối, ánh sáng chiếu rõ. Cũng vậy, Thánh đệ tử, có những pháp tập khởi, tất cả đều diệt hết rồi, xa lìa các trần cấu, sanh được mắt pháp cùng sanh với hiện quán, đoạn trừ ba kết là thân kiến, giới thủ và nghi. Ba kết này đoạn tận, gọi là Tu-đà-hoàn, không rơi vào đường ác pháp, chắc chắn hướng đến Chánh giác, bảy lần qua lại cõi trời, cõi người, rồi giải thoát được khổ. Thánh đệ tử kia, trong lúc đó tuy có khởi lên ưu, khổ, chỉ nghe nói Thánh đệ tử kia ly dục, lìa pháp ác bất thiện, có giác, có quán, có hỷ lạc do viễn ly sanh, đầy đủ an trụ Sơ thiền; chứ không thấy Thánh đệ tử kia có một pháp không đoạn, để có thể khiến tái sanh vào đời này. Ở đây, đệ tử của bậc Thánh này được nghĩa lớn của mắt pháp. Cho nên các Tỳ-kheo đối với bốn Thánh đế này nếu chưa hiện quán thì nên siêng năng, tinh cần tìm phương tiện, khởi ý muốn tinh tấn tu học.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 397. KH Ư ĐỀ LA

[87]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu ai nói như vầy ‘Tôi đối với Khổ Thánh đế chưa hiện quán; đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, chưa hiện quán,’ mà lại nói ‘Tôi sẽ đạt được hiện quán Khổ diệt đạo tích Thánh đế’. Lời nói này không đúng. Vì sao? Vì không có điều này. Nếu Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, chưa hiện quán mà muốn hiện quán Khổ diệt đạo tích Thánh đế, thì điều này không thể có được. Ví như có người nói: ‘Tôi muốn lấy lá khư-đề-la kết lại làm thành món đồ đựng nước để mang đi.’ Điều này không thể có được. Vì sao? Vì không có điều này. Hay nói như vầy: ‘Tôi đối với Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, chưa hiện quán mà muốn hiện quán Khổ diệt đạo tích Thánh đế chưa hiện quán’, điều này cũng không thể có được.

[88][89]

“Nếu lại nói: ‘Tôi sau khi hiện quán Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, sẽ chứng đắc hiện quán Khổ diệt đạo tích Thánh đế’, đó là lời nói khéo. Vì sao? Vì việc này có thể có được. Nếu Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, đã được hiện quán rồi, mà muốn hiện quán Khổ diệt đạo tích Thánh đế, thì điều này có thể có được. Ví như có người nói: ‘Tôi lấy lá bát-đàm-ma, lá ma-lâu-ca kết lại thành đồ đựng nước mang đi’, đó là lời nói khéo. Vì sao? Vì điều này có thể có được. Như vậy, nếu nói rằng: ‘Tôi sau khi hiện quán Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, nay muốn đắc hiện quán Khổ diệt đạo tích Thánh đế’, đó là lời nói khéo. Vì sao? Vì điều này có thể có được. Nếu đối với Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, đã hiện quán và muốn hiện quán Khổ diệt đạo tích Thánh đế, thì điều này có thể có được.”

[90][91][92]

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]