Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tạp A-hàm quyển 27 (712 - 722)

08/05/201317:53(Xem: 17487)
Tạp A-hàm quyển 27 (712 - 722)

Kinh Tạp A Hàm

Tạp A-hàm quyển 27 (712 - 722)

Tỳ kheo Thích Đức Thắng

Nguồn: Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ

KINH 712. VÔ ÚY (2)[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong hang núi Kỳ-xà-quật, tại thành Vương xá.

Như đã nói ở trên, nhưng có một vài sai biệt:

“Có Sa-môn, Bà-la-môn thấy như vầy, nói như vầy: ‘Không có nhân, không có duyên cho sự vô trí, vô kiến, của chúng sanh. Không nhân, không duyên cho trí kiến của chúng sanh[2].’ Như đã nói đầy đủ... cho đến vương tử Vô Úy, sau khi nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi lui.

KINH 713. CHUYỂN THÚ[3]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có số đông các Tỳ-kheo, sáng sớm đắp y mang bát vào thành Vương xá khất thực. Lúc ấy số đông các Tỳ-kheo nghĩ như vầy: ‘Hôm nay còn quá sớm, chưa đến giờ đi khất thực. Chúng ta hãy ghé qua tinh xá các ngoại đạo.’ Số đông các Tỳ-kheo này liền vào tinh xá ngoại đạo, cùng các ngoại đạo chào hỏi nhau. Sau khi chào hỏi nhau xong, ngồi qua một bên.

Các ngoại đạo hỏi Tỳ-kheo rằng:

“Sa-môn Cù-đàm vì các đệ tử nói pháp đoạn trừ năm cái, chúng che lấp tâm làm cho tuệ lực suy kém, là phần chướng ngại, không chuyển hướng Niết-bàn. An trụ bốn Niệm xứ, tu bảy Giác ý. Chúng tôi cũng vậy, vì các đệ tử nói đoạn năm cái vốn che lấp tâm làm cho tuệ lực suy giảm và khéo an trụ bốn Niệm xứ, tu bảy Giác phần. Chúng tôi cùng với Sa-môn Cù-đàm có gì là khác nhau, đều có thể nói pháp?”

Khi các Tỳ-kheo nghe những điều ngoại đạo nói, trong lòng không vui, bèn chỉ trích ngược lại[4], rồi từ chỗ ngồi đứng dậy bỏ đi, vào thành Xá-vệ khất thực. Khất thực xong, trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui sang một bên, đem những lời nói của ngoại đạo bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Lúc ngoại đạo kia nói như vậy, các ông nên hỏi ngược lại rằng: ‘Năm cái của ngoại đạo, chủng loại lý ưng là mười. Bảy Giác chi, đáng ra phải là mười bốn.’ Mười của năm cái là những gì? Mười bốn của bảy giác là những gì? Nếu hỏi như vậy, những ngoại đạo kia sẽ tự giật mình tán loạn. Theo pháp của ngoại đạo[5], tâm sanh sân nhuế, kiêu mạn, chê bai, hiềm hận, không nhẫn thọ, hoặc im lặng cúi đầu, không thể biện luận, âm thầm suy nghĩ. Vì sao? Ta không thấy người nào trong chúng chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, Trời, Người nghe những gì Ta nói mà hoan hỷ tùy thuận, chỉ trừ có Như Lai và chúng Thanh văn ở đây nghe mà thôi[6].

“Này các Tỳ-kheo, mười của năm cái là những gì? Đó là có tham dục bên trong, tham dục bên ngoài. Tham dục bên trong kia là triền cái, là chẳng phải trí, chẳng phải đẳng giác, không chuyển hướng đến Niết-bàn. Tham dục bên ngoài kia là cái, chẳng phải trí, chẳng phải đẳng giác, không chuyển hướng đến Niết-bàn.

“Sân nhuế có tướng sân nhuế. Nếu sân nhuế cùng với tướng sân nhuế[7], tức là triền cái, chẳng phải trí, chẳng phải đẳng giác, không chuyển đến Niết-bàn. Có thùy, có miên[8]; thùy này, miên này tức là triền cái, chẳng phải trí, chẳng phải đẳng giác, không chuyển hướng đến Niết-bàn. Có trạo cử, có hối tiếc; trạo cử này, hối tiếc này tức là cái[9], chẳng phải trí, chẳng phải đẳng giác, không chuyển hướng đến Niết-bàn. Có nghi pháp thiện, có nghi pháp bất thiện[10]; nghi pháp thiện này, nghi pháp bất thiện này tức là cái, chẳng phải trí, chẳng phải đẳng giác, không chuyển hướng đến Niết-bàn. Đó gọi là năm cái nói mười.

“Bảy Giác phần nói là mười bốn là những gì? Có tâm an trú chánh niệm nơi pháp bên trong[11], có tâm an trú chánh niệm nói pháp bên ngoài. Niệm trụ pháp bên trong này chỉ cho Niệm giác phần, là trí, là đẳng giác, có thể chuyển hướng đến Niết-bàn; niệm trụ pháp bên ngoài này cũng chỉ cho Niệm giác phần, là trí, là đẳng giác, có thể chuyển hướng hướng đến Niết-bàn. Có tuyển trạch pháp thiện, tuyển trạch pháp chẳng thiện[12]. Tuyển trạch pháp thiện kia là chỉ cho Trạch pháp giác phần, là trí, là đẳng giác, có thể chuyển đến Niết-bàn; tuyển trạch pháp chẳng thiện kia cũng chỉ cho Trạch pháp giác phần, là trí, là đẳng giác, có thể chuyển đến Niết-bàn. Có tinh tấn để đoạn pháp bất thiện, có tinh tấn để nuôi lớn pháp thiện[13]. Tinh tấn để đoạn trừ pháp bất thiện kia là chỉ cho Tinh tấn giác phần, là trí, là đẳng giác, có thể chuyển đến Niết-bàn. Tinh tấn để nuôi lớn pháp thiện kia cũng chỉ cho Tinh tấn giác phần, là trí, là đẳng giác, có thể chuyển đến Niết-bàn. Có hỷ, có hỷ xứ[14]. Hỷ này là Hỷ giác phần, là trí, là đẳng giác, có thể chuyển đến Niết-bàn. Hỷ xứ này cũng là Hỷ giác phần, là trí, là đẳng giác, có thể chuyển đến Niết-bàn. Có thân khinh an, có tâm khinh an[15]. Thân khinh an này là Khinh an giác phần, là trí, là đẳng giác, có thể chuyển đến Niết-bàn; tâm khinh an này cũng là Khinh an giác phần, là trí, là đẳng giác, có thể chuyển đến Niết-bàn. Có định, có tướng định[16]. Định này chỉ cho Định giác phần, là trí, là đẳng giác, có thể chuyển đến Niết-bàn; tướng định này cũng chỉ cho Định giác phần, là trí, là đẳng giác, có thể chuyển đến Niết-bàn. Có xả pháp thiện, có xả pháp bất thiện[17]. Xả pháp thiện này chỉ cho Xả giác phần, là trí, là đẳng giác, có thể chuyển đến Niết-bàn; xả pháp bất thiện này cũng chỉ cho Xả giác phần, là trí, là đẳng giác, có thể chuyển đến Niết-bàn. Đó gọi là bảy Giác phần nói là mười bốn.”

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

KINH 714. HỎA[18]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có số đông các Tỳ-kheo.

Như đã nói ở trên, nhưng có một vài sai biệt.

“Có các xuất gia ngoại đạo nói như vậy, nên hỏi lại rằng: ‘Nếu tâm yếu kém, còn do dự, bấy giờ nên tu những giác phần nào? Những gì tu không đúng lúc[19]? Nếu lại tâm điệu cử[20]; với tâm điệu cử, do dự ấy, bấy giờ nên tu những giác phần nào? Và những gì là không đúng lúc? Nếu hỏi như vậy, các ngoại đạo kia tâm sẽ giật mình, phân tán, nói lãng sang những pháp khác; tâm sanh phẫn nhuế, kiêu mạn, hủy báng, hiềm hận không nhẫn thọ; hoặc im lặng, cúi đầu, không thể biện luận âm thầm suy nghĩ. Vì sao? Ta không thấy người nào trong chúng chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, Trời, Người nghe những gì Ta nói mà hoan hỷ tùy thuận, chỉ trừ có Như Lai và chúng Thanh văn ở đây nghe mà thôi[21].

“Này các Tỳ-kheo, nếu lúc tâm yếu kém, tâm do dự, thì không nên tu Khinh an giác phần, Định giác phần, Xả giác phần. Vì sao? Khi tâm yếu kém phát sanh, vì yếu kém, do dự, các pháp này càng làm tăng thêm yếu kém. Thí như một đóm lửa mà muốn cháy mạnh lên, lại bỏ than tro[22] vào. Thế nào, này Tỳ-kheo, chẳng phải vì thêm tro vào khiến cho lửa tắt chăng?”

Tỳ-kheo bạch Phật:

“Đúng vậy, bạch Thế Tôn!”

“Cũng vậy, Tỳ-kheo, yếu đuối, do dự, nếu tu Khinh an giác phần, Định giác phần, Xả giác phần, thì đây không phải thời, vì tăng thêm lười biếng thôi.

“Hoặc khi tâm điệu cử khởi lên, nếu tâm điệu cử, do dự, bấy giờ, không nên tu Trạch pháp giác phần, Tinh tấn giác phần, Hỷ giác phần. Vì sao? Vì khi tâm điệu cử khởi lên, với tâm điệu cử, do dự, các pháp này làm cho tăng thêm. Thí như lửa đang cháy, muốn dập tắt mà đem cỏ khô thêm vào. Ý các ông thế nào? Há không khiến cho lửa cháy bùng lên đó sao?”

Tỳ-kheo bạch Phật:

“Đúng vậy, bạch Thế Tôn!”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Khi tâm điệu cử khởi lên, nếu tâm điệu cử, do dự, mà tu Trạch pháp giác phần, Tinh tấn giác phần, Hỷ giác phần, làm tăng thêm điệu cử.

“Này các Tỳ-kheo, khi tâm yếu đuối sanh khởi, nếu tâm yếu đuối, do dự. Lúc bấy giờ nên tu Trạch pháp giác phần, Tinh tấn giác phần, Hỷ giác phần. Vì sao? Vì khi tâm yếu đuối sanh khởi, nếu tâm yếu đuối, do dự, bằng các pháp này mà được khai thị, chỉ giáo, khích lệ, làm cho hoan hỷû. Thí như một đóm lửa muốn cho nó cháy lên, thì nên cho cỏ khô vào. Thế nào Tỳ-kheo! Lửa này có cháy hừng lên không?”

Tỳ-kheo bạch Phật:

“Đúng vậy, bạch Thế Tôn!”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Khi tâm yếu đuối sanh khởi như vậy, nếu tâm yếu đuối, do dự, lúc bấy giờ nên tu Trạch pháp giác phần, Tinh tấn giác phần, Hỷ giác phần để được khai thị, chỉ giáo, khích lệ, làm cho hoan hỷ.

“Hoặc khi tâm điệu cử sanh khởi; nếu tâm điệu cử, do dự, thì nên tu Khinh an giác phần, Định giác phần, Xả giác phần. Vì sao? Vì khi tâm điệu cử sanh khởi; nếu tâm điệu cử, do dự, thì bằng các pháp này mà có thể khiến cho an trụ bên trong, nhất tâm nhiếp trì. Thí như lửa đang cháy, muốn cho nó tắt, chỉ cần cho than tro vào, thì lửa này sẽ tắt.

“Như vậy, này các Tỳ-kheo, nếu tâm điệu cử, do dự, mà tu Trạch pháp giác phần, Tinh tấn giác phần, Hỷ giác phần thì không đúng thời; nếu tu Khinh an, Định, Xả giác phần thì tự nó mới đúng thời. Vì các pháp này khiến cho an trụ bên trong, nhất tâm, nhiếp trì. Niệm giác phần thì hỗ trợ cho tất cả.”

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

KINH 715. THỰC[23]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có năm triền cái, bảy Giác phần, có thức ăn, không thức ăn. Nay Ta sẽ nói. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói. Thí như thân thể phải nhờ vào thức ăn mới tồn tại, chứ chẳng phải không nhờ thức ăn. Cũng vậy, năm triền cái nhờ vào thức ăn mới tồn tại, chứ chẳng phải không nhờ thức ăn.

“Tham dục triền cái lấy gì làm thức ăn? Đó là tướng xúc[24]. Đối với tướng ấy mà không tư duy đúng[25], tham dục chưa khởi sẽ khiến khởi; tham dục đã khởi rồi thì có thể khiến cho tăng rộng. Đó gọi là thức ăn của dục ái triền cái[26].

“Những gì là thức ăn của sân nhuế triền cái? Đó là tướng chướng ngại[27]. Đối với tướng ấy mà không tư duy đúng, thì sân nhuế cái chưa khởi sẽ khiến khởi; sân nhuế cái đã khởi rồi thì có thể khiến cho tăng rộng. Đó gọi là thức ăn của sân nhuế triền cái.

“Những gì là thức ăn của thùy miên cái? Gồm có năm pháp. Những gì là năm? Đó là yếu đuối, chẳng vui, ngáp ợ, ăn nhiều, lười biếng. Đối với chúng không tư duy đúng, khi thùy miên cái chưa khởi thì khiến khởi, thùy miên cái đã khởi rồi, có thể khiến cho nó tăng rộng. Đó gọi là thức ăn của thùy miên cái.

“Những gì là thức ăn của trạo hối? Gồm có bốn pháp. Những gì là bốn? Đó là giác tưởng về thân thuộc, giác tưởng về mọi người, giác tưởng về chư Thiên, giác tưởng về những khoái lạc vốn đã tự kinh qua[28]. Tự mình nhớ nghĩ hay dò người khác khiến nhớ nghĩ mà sanh giác tưởng. Đối với chúng khởi tư duy không chân chánh, khi trạo hối chưa khởi thì khiến khởi; trạo hối đã khởi rồi thì có thể khiến cho nó tăng rộng. Đó gọi là thức ăn của trạo hối.

“Những gì là thức ăn của nghi cái? Có ba đời. Những gì là ba? Đó là đời quá khứ, đời vị lai, đời hiện tại. Đối với đời quá khứ còn do dự, đời vị lai còn do dự, đời hiện tại còn do dự. Đối với chúng khởi tư duy không chân chánh, nghi cái chưa khởi sẽ khiến khởi; nghi cái đã khởi thì có thể khiến cho nó tăng rộng. Đó gọi là thức ăn của nghi cái.

“Thí như thân thể nhờ vào thức ăn mà được nuôi lớn, chứ chẳng phải không nhờ thức ăn. Cũng vậy, bảy Giác phần cũng nhờ vào thức ăn mà tồn tại, nhờ vào thức ăn mà nuôi lớn, chứ chẳng phải không nhờ ăn.

“Cái gì là chẳng phải thức ăn của Niệm giác phần? Không tư duy về bốn Niệm xứ, Niệm giác phần chưa khởi sẽ chẳng cho khởi; Niệm giác phần đã khởi rồi, khiến cho giảm đi. Đó gọi là chẳng phải thức ăn của Niệm giác phần.

“Cái gì chẳng phải là thức ăn của Trạch pháp giác phần? Lựa chọn đối với pháp thiện, lựa chọn đối với pháp bất thiện; không tư duy đối với chúng, Trạch pháp giác phần chưa khởi sẽ không cho khởi; Trạch pháp giác phần đã khởi sẽ khiến cho bị giảm đi. Đó gọi là chẳng phải thức ăn của Trạch pháp giác phần.

“Những gì là chẳng phải là thức ăn của Tinh tấn giác phần? bốn Chánh đoạn; đối với chúng không tư duy, tinh tấn giác phần chưa khởi sẽ không khởi; Tinh tấn giác phần đã khởi sẽ khiến cho bị giảm đi. Đó gọi là không phải thức ăn của Tinh tấn giác phần.

“Những gì là chẳng phải là thức ăn của Hỷ giác phần? Có pháp Hỷ, có pháp hỷ xứ; đối với chúng không tư duy, Hỷ giác phần chưa khởi sẽ không cho khởi; Hỷ giác phần đã khởi sẽ khiến cho bị giảm đi. Đó gọi là chẳng phải thức ăn của Hỷ giác phần.

“Những gì là chẳng phải là thức ăn của Khinh an giác phần? Có thân khinh an cùng tâm khinh an; đối với chúng không tư duy, khi Khinh an giác phần chưa sanh sẽ không cho khởi; Khinh an giác phần đã sanh sẽ khiến cho bị giảm đi. Đó gọi là chẳng phải thức ăn của Khinh an giác phần.

“Những gì là chẳng phải là thức ăn của Định giác phần? Có bốn Thiền; đối với chúng không tư duy, Định giác phần chưa khởi sẽ không cho khởi; Định giác phần đã khởi sẽ khiến cho bị giảm đi. Đó gọi là chẳng phải thức ăn của Định giác phần.

“Những gì là chẳng phải là thức ăn của Xả giác phần? Có ba giới; đó là đoạn giới, vô dục giới, diệt giới; đối với chúng không tư duy, Xả giác phần chưa khởi sẽ không cho khởi; Xả giác phần đã khởi sẽ khiến cho bị giảm đi. Đó gọi là chẳng phải thức ăn của Xả giác phần.

“Những gì là chẳng phải là thức ăn của tham dục cái? Quán bất tịnh; tư duy đối với nó, tham dục cái chưa khởi sẽ không khởi; tham dục cái đã khởi sẽ khiến cho bị dứt. Đó gọi là chẳng phải thức ăn của tham dục cái.

“Những gì là chẳng phải thức ăn của sân nhuế cái? Tư duy về tâm từ kia,[29] sân nhuế cái chưa sanh sẽ không khởi; sân nhuế cái đã sanh sẽ khiến cho bị diệt đi. Đó gọi là chẳng phải thức ăn của sân nhuế cái.

“Những gì là chẳng phải thức ăn của thùy miên cái? Tư duy về sự chiếu sáng[30] kia, khi thùy miên chưa sanh, không cho khởi; thùy miên đã sanh rồi, khiến cho bị diệt đi. Đó gọi là chẳng phải thức ăn của thùy miên cái.

“Những gì là chẳng phải thức ăn của trạo hối cái? Tư duy đúng về sự tĩnh chỉ kia, trạo hối cái chưa sanh sẽ không khởi; trạo hối cái đã sanh sẽ khiến cho diệt đi. Đó gọi là chẳng phải thức ăn của trạo hối cái.

“Những gì là chẳng phải thức ăn của nghi cái? Tư duy về pháp duyên khởi, nghi cái chưa sanh sẽ không khởi; nghi cái đã sanh sẽ khiến cho diệt đi. Đó gọi là chẳng phải thức ăn của nghi cái.

“Thí như thân thể phải nhờ vào thức ăn mà sống, nhờ vào ăn mà tồn tại. Những gì là thức ăn của Niệm giác phần? Tư duy bốn Niệm xứ rồi, Niệm giác phần chưa sanh sẽ khiến cho sanh khởi; Niệm giác phần đã sanh càng sanh khởi khiến cho tăng rộng. Đó gọi là thức ăn của Niệm giác phần.

“Những gì là thức ăn của Trạch pháp giác phần? Có lựa chọn pháp thiện, có lựa chọn pháp bất thiện; khi tư duy về chúng, nếu Trạch pháp giác phần chưa sanh, khiến cho sanh khởi, Trạch pháp giác phần đã sanh rồi, thì càng sanh khởi khiến cho tăng rộng. Đó gọi là thức ăn của Trạch pháp giác phần.

“Những gì là thức ăn của Tinh tấn giác phần? Tư duy về bốn Chánh đoạn, nếu Tinh tấn giác phần chưa sanh, khiến cho sanh khởi, Tinh tấn giác phần đã sanh rồi, thì tái sanh khiến cho tăng rộng. Đó gọi là thức ăn của Tinh tấn giác phần.

“Những gì là thức ăn của Hỷ giác phần? Có Hỷ, có Hỷ xứ; tư duy về chúng, nếu Hỷ giác phần chưa sanh, khiến sanh khởi; Hỷ giác phần đã sanh rồi, thì tái sanh khiến cho tăng rộng. Đó gọi là thức ăn của Hỷ giác phần.

“Những gì là thức ăn của Khinh an giác phần? Có thân khinh an, tâm khinh an; tư duy về chúng, nếu Khinh an giác phần chưa sanh, khiến sanh khởi, Khinh an giác phần đã sanh rồi, thì tái sanh khiến cho tăng rộng. Đó gọi là thức ăn của Khinh an giác phần.

“Những gì là thức ăn của Định giác phần? Tư duy về bốn Thiền, Định giác phần chưa sanh, khiến cho sanh khởi, Định giác phần đã sanh rồi, thì tái sanh khiến cho tăng rộng. Đó gọi là thức ăn của Định giác phần.

“Những gì là thức ăn của Xả giác phần? Gồm có ba giới. Những gì là ba? Đó là đoạn giới, vô dục giới, diệt giới; tư duy về chúng, Xả giác phần chưa sanh khiến cho sanh khởi; Xả giác phần đã sanh rồi, thì tái sanh khiến cho tăng rộng. Đó gọi là thức ăn của Xả giác phần.”

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

KINH 716. PHÁP (1)[31]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Ở trong nội pháp, Ta không thấy có một pháp nào mà pháp ác bất thiện chưa sanh lại khiến cho nó sanh; pháp ác bất thiện đã sanh rồi, thì tái sanh khiến cho tăng rộng. Hay pháp thiện chưa sanh, khiến cho không sanh; đã sanh rồi, khiến cho bị giảm đi. Đó là không tư duy chân chánh.

“Này các Tỳ-kheo, không tư duy chân chánh, tham dục cái chưa sanh khiến cho sanh; đã sanh rồi, thì tái sanh khiến tăng rộng. sân nhuế, thùy miên, trạo hối, nghi cái chưa sanh, khiến cho sanh; đã sanh rồi, thì tái sanh khiến cho tăng rộng. Niệm giác phần chưa sanh, không cho sanh; đã sanh rồi, khiến giảm đi; Trạch pháp, Tinh tấn, Hỷ, Khinh an, Định, Xả giác phần chưa sanh, không cho sanh; đã sanh rồi, khiến giảm đi.

“Ta không thấy một pháp nào có thể khiến cho pháp ác bất thiện chưa sanh thì không sanh; đã sanh rồi, khiến cho đoạn; pháp thiện chưa sanh, thì khiến sanh; đã sanh rồi, thì cho tái sanh khiến tăng rộng. Đó là tư duy chân chánh.

“Này Tỳ-kheo, tư duy chân chánh thì tham dục cái chưa sanh, sẽ khiến không sanh; đã sanh rồi, khiến cho nó dứt. Sân nhuế, thùy miên, trạo hối, nghi cái chưa sanh, khiến không sanh; đã sanh rồi, khiến dứt. Niệm giác phần chưa sanh, khiến cho sanh; sanh rồi, cho tái sanh khiến tăng rộng; Trạch pháp, Tinh tấn, Hỷ, Khinh an, Định, Xả giác phần chưa sanh, khiến cho sanh; đã sanh rồi, thì tái sanh khiến cho tăng rộng.”

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

KINH 717. PHÁP (2)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Ở trong ngoại pháp, Ta không thấy một pháp nào như là tri thức ác, bạn đảng ác mà pháp ác bất thiện chưa sanh, khiến cho sanh, đã sanh rồi, thì tái sanh khiến cho tăng rộng; pháp thiện chưa sanh lại khiến không sanh; đã sanh rồi lại khiến giảm đi.

“Với tri thức ác, bạn đảng ác; tham dục cái chưa sanh, ï khiến sanh; đã sanh thì tái sanh khiến tăng rộng. Sân nhuế, thùy miên, trạo hối, nghi cái chưa sanh khiến sanh; đã sanh rồi, thì tái sanh khiến tăng rộng. Niệm giác phần chưa sanh, thì khiến không sanh, đã sanh rồi khiến giảm đi; Trạch pháp, Tinh tấn, Hỷ, Khinh an, Định, Xả giác phần chưa sanh, khiến không sanh; đã sanh rồi, khiến giảm đi.

“Này các Tỳ-kheo, Ta không thấy một pháp nào, mà pháp ác bất thiện chưa sanh, khiến không sanh, đã sanh rồi, khiến nó dứt; khi pháp thiện chưa sanh, khiến sanh, đã sanh rồi, thì tái sanh khiến tăng rộng. Đó là thiện tri thức, thiện bạn đảng, thiện tùy tùng.

“Với thiện tri thức, thiện bạn đảng, thiện tùy tùng, tham dục cái chưa sanh, thì không cho sanh; đã sanh rồi, thì khiến cho diệt đi; sân nhuế, thùy miên, trạo hối, nghi cái chưa sanh, thì khiến cho không sanh, đã sanh rồi, thì khiến dứt. Niệm giác phần chưa sanh, thì khiến sanh, đã sanh rồi, thì tái sanh khiến tăng rộng; Trạch pháp, Tinh tấn, Hỷ, Khinh an, Định, Xả giác phần khi chưa sanh, thì khiến sanh, đã sanh rồi, thì tái sanh khiến chúng tăng rộng.”

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

KINH 718. XÁ-LỢI-PHẤT[32]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất bảo các Tỳ-kheo:

“Có bảy Giác phần. Những gì là bảy? Đó là Niệm giác phần, Trạch pháp giác phần, Tinh tấn giác phần, Hỷ giác phần, Khinh an giác phần, Định giác phần, Xả giác phần. Bảy Giác phần này quyết định mà được, không tinh cần mà được, tôi tùy theo ý muốn mà chứng nhập một giác phần[33]. Hoặc buổi sáng, giữa trưa, hay buổi chiều mà nếu muốn chứng nhập, thì nhiều lần chứng nhập tùy theo sở dục. Thí như vua, đại thần, có đủ thứ y phục để ở trong rương tráp, tùy theo nhu cầu cần dùng của mình mà vào lúc trưa hay chiều, theo ý dùng tự do. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, bảy Giác phần này, vì quyết định mà được, không tinh cần mà được, tùy ý chứng nhập. Tôi, đối với Niệm giác phần này, là thuần trắng thanh tịnh, lúc khởi biết khởi, lúc diệt biết diệt, lúc biến mất biết biến mất; đã khởi biết đã khởi, đã diệt biết đã diệt. Cũng vậy, đối với Trạch pháp, Tinh tấn, Hỷ, Khinh an, Định, Xả giác phần, thì cũng nói như vậy.”

Sau khi Tôn giả Xá-lợi-phất nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Tôn giả đã nói, đều hoan hỷ phụng hành.

KINH 719. ƯU-BA-MA[34]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại ấp Ba-liên-phất. Bấy giờ Tôn giả Ưu-ba-ma[35], Tôn giả A-đề-mục-đa[36] đang ngụ tại tinh xá Kê lâm ở ấp Ba-liên-phất. Bấy giờ, Tôn giả A-đề-mục-đa vào buổi chiều sau khi từ thiền tịnh thức dậy, đến chỗ Tôn giả Ưu-ba-ma, chào hỏi khích lệ nhau xong, ngồi lui qua một bên, hỏi Tôn giả Ưu-ba-ma:

“Tôn giả, có thể cho biết phương tiện của bảy Giác phần[37], được chứng nhập với an trú lạc[38] như vậy, hay chứng nhập với an trú khổ như vậy?”

Ưu-ba-ma đáp rằng:

“Tôn giả A-đề-mục-đa, Tỳ-kheo khéo biết phương tiện tu bảy Giác phần thì cũng có thể chứng nhập với an trú lạc như vậy, cũng có thể chứng nhập với an trú khổ như vậy.”

Lại hỏi:

“Tỳ-kheo làm thế nào để khéo biết phương tiện tu bảy Giác phần?”

Ưu-ba-ma đáp rằng:

“Tỳ-kheo lúc phương tiện tu Niệm giác phần, tư duy biết rằng[39] ‘Tâm kia không khéo giải thoát, không bỏ ngủ nghỉ, không khéo điều phục trạo hối. Như tư duy về pháp Niệm giác xứ của ta, tuy phương tiện tinh tấn cũng không đạt được bình đẳng.’ Cũng vậy, Trạch pháp, Tinh tấn, Hỷ, Khinh an, Định, Xả giác phần cũng nói như vậy.

“Nếu Tỳ-kheo lúc phương tiện tu Niệm giác phần, trước hết tư duy: ‘Tâm khéo giải thoát, dẹp bỏ ngủ nghỉ, điều phục trạo hối, đối với pháp Niệm giác xứ này như ta tư duy rồi, sau đó tuy không tinh cần phương tiện mà đạt được bình đẳng. Như vậy A-đề-mục-đa, Tỳ-kheo biết phương tiện tu bảy Giác phần, chứng nhập với an trú lạc như vậy, chứng nhập với an trú khổ như vậy.”

Sau khi hai vị Chánh sĩ cùng bàn luận với nhau xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

KINH 720. A-NA-LUẬT

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả A-na-luật cũng ở nước Xá-vệ, trong tinh xá Tòng lâm. Lúc ấy, có số đông các Tỳ-kheo đến chỗ A-na-luật, chào hỏi khích lệ nhau. Sau khi chào hỏi khích lệ xong, ngồi lui qua một bên, nói với Tôn giả A-na-luật:

“Thưa Tôn giả có biết, khi phương tiện tu bảy Giác phần, có sanh ra lạc trú không?”

Tôn giả A-na-luật bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Tôi biết, lúc Tỳ-kheo phương tiện tu bảy Giác phần, sanh ra lạc trú.”

Các Tỳ-kheo hỏi Tôn giả A-na-luật:

“Thế nào là biết Tỳ-kheo khi phương tiện tu bảy Giác phần, sanh lạc trú?”

Tôn giả A-na-luật bảo các Tỳ-kheo:

“Tỳ-kheo phương tiện tu Niệm giác phần, mà khéo biết tư duy, tâm ta khéo giải thoát, khéo bỏ ngủ nghỉ, khéo điều phục trạo hối. Như pháp niệm giác phần xứ này, tư duy rồi, nỗ lực phương tiện, tâm không lười biếng, thân khinh an không loạn động, buộc tâm an trụ, không khởi loạn niệm, nhất tâm chứng nhập. Cũng vậy, đối với Trạch pháp, Tinh tấn, Hỷ, Khinh an, Định, Xả giác phần cũng nói như vậy. Đó gọi là biết Tỳ-kheo lúc phương tiện tu bảy Giác phần, thì sanh ra lạc trú.”

Sau khi các Tỳ-kheo nghe những gì Tôn giả A-na-luật đã nói, đều hoan hỷ tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

KINH 721. CHUYỂN LUÂN VƯƠNG (1)[40]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Lúc Chuyển luân Thánh vương ra đời, có bảy báu hiện ra ở thế gian: bánh xe vàng báu, voi báu, ngựa báu, thần châu báu, ngọc nữ báu, quan giữ kho báu. Cũng vậy, Như Lai xuất thế cũng có báu bảy Giác phần hiện ra.

“Trai giới[41], ngồi trên lầu quán, đại thần vây quanh, có bánh xe vàng báu xuất hiện từ phương Đông, bánh xe có ngàn căm, trục quay đều, vành bánh xe tròn, tướng bánh xe đầy đủ, vua nghĩ: ‘Có điềm lành này, nên chắc chắn là Chuyển luân Thánh vương. Ta nay nhất định là Luân vương.’ Liền dùng hai tay đỡ lấy bánh xe vàng báu, đặt vào giữa lòng tay trái, tay phải thì quay, nói rằng: ‘Nếu đây là bánh xe vàng báu của Chuyển luân Thánh vương, thì hãy quay theo con đường cổ xưa của Chuyển luân Thánh vương mà đi.’ Lúc ấy bánh xe báu liền xuất phát, lăn đi phía trước vua và số đông, ở phương Đông, nương vào hư không, nhắm hướng Đông mà đi, lăn theo con đường ngay thẳng của Thánh vương xưa. Vua theo bánh xe báu; bốn binh chủng cùng theo. Nếu đến nơi nào bánh xe báu dừng lại thì vua và bốn binh chủng cũng dừng lại nơi đó. Các Tiểu vương những xứ phương Đông thấy Thánh vương đến, tất cả đều quy phục.

“Như Lai xuất hiện ở đời cũng có bảy Giác phần hiện ra ở thế gian; đó là Niệm giác phần, Trạch pháp giác phần, Tinh tấn giác phần, Hỷ giác phần, Khinh an giác phần, Định giác phần, Xả giác phần.”

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

KINH 722. CHUYỂN LUÂN (2)[42]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Lúc Chuyển luân Thánh vương xuất hiện ở đời, bảy báu cũng hiện ra ở thế gian.

“Khi Chuyển luân Thánh vương ra đời, bánh xe vàng báu xuất hiện như thế nào? Bấy giờ Thánh vương Quán đảnh dòng Sát-lợi, nhằm vào ngày rằm, tắm rửa sạch sẽ, thọ trì trai giới, ở trên lầu các, đại thần vây quanh. Khi ấy, có bánh xe vàng báu từ phương Đông xuất hiện. Bánh xe có ngàn căm, trục quay đều, vành bánh xe tròn, tướng bánh xe đầy đủ, bằng vàng ròng cõi trời. Vua tự nghĩ: ‘Nghe từ xa xưa truyền lại rằng, ngày rằm nhằm ngày bố-tát, Đại vương Quán đảnh dòng Sát-lợi, tắm rửa sạch sẽ, thọ trì trai phước, thì có bánh xe báu hiện ra. Nay cũng như ngày xưa, đã có điềm lành này, nên biết ta là Chuyển luân Thánh vương.’ Liền dùng hai tay đỡ lấy bánh xe vàng báu, đặt vào giữa lòng tay trái, tay phải thì quay, nói rằng: ‘Nếu là bánh xe vàng báu của Chuyển luân Thánh vương, thì phải quay lại con đường cổ xưa của Chuyển luân Thánh vương mà đi.’ Nói xong lời này rồi, bấy giờ bánh xe báu liền từ trước vua nhắm hướng Đông mà đi theo con đường ngay thẳng của Thánh vương xưa. Nhà vua cùng bốn binh chủng theo bánh xe báu, đến phương Đông. Các Tiểu vương các nước phương Đông thấy Thánh vương đến, đều tung hô: ‘Lành thay, hoan nghinh Đại vương đến! Đây là nước của Đại vương. Nước này an ổn, nhân dân phồn vinh an lạc. Xin ngài dừng lại ở đây, giáo hóa mọi người nước này. Chúng tôi thảy đều là tùy tùng của Thiên tôn.’

Thánh vương đáp rằng:

“–Này các chủ tụ lạc, từ nay các ngươi nên khéo giáo hóa người dân trong nước. Nếu có ai nghịch lại, thì nên đến báo cho ta, sẽ theo như pháp luật mà giáo hóa. Chớ nên làm những điều phi pháp. Và cũng nên khiến mọi người trong nước khéo cải hóa những điều phi pháp. Nếu đúng như vậy, thì đó là theo sự giáo hóa của ta.

“Từ biển Đông này, Thánh vương nương theo đường của Thánh vương xưa đến biển Nam. Rồi nương theo con đường của Thánh vương xưa vượt biển Nam mà đến biển Tây; theo con đường của Thánh vương xưa vượt qua biển Tây đến biển Bắc. Các Tiểu vương quốc của các phương Nam, Tây, Bắc đều cung đón thỉnh mời cũng nói đầy đủ như phương Đông. Bấy giờ, bánh xe vàng báu mà Thánh vương đã đi theo này vượt qua biển Bắc, trở lại trên cung điện Chánh trị, ở giữa hư không. Đó là Chuyển luân Thánh vương khi xuất hiện ở đời thì có bánh xe vàng báu hiện ra ở thế gian.

“Khi Chuyển luân Thánh vương xuất hiện ở đời, voi trắng báu hiện ra ở thế gian như thế nào? Đại vương Quán đảnh dòng Sát-lợi thấy voi hoàn toàn trắng, màu sắc nó tươi đẹp, bảy chi vững vàng[43]. Thánh vương thấy vậy, lòng hân hoan nghĩ: ‘Voi báu này, nay lại ứng hiện đối với ta.’ Vua liền cho kêu tượng sư, người điều phục voi giỏi, bảo nhanh chóng điều phục voi báu này, khi nào điều phục xong hãy đưa đến. Tượng sư vâng lệnh, chưa đầy một ngày mà đã điều phục được voi; đầy đủ tất cả dấu hiệu chứng tỏ đã được điều phục. Giống như voi khác đã được điều phục trong một năm; con voi báu này chỉ được điều phục trong vòng một ngày mà được như vậy. Sau khi đã điều phục xong, dẫn đến chỗ vua, tâu lên vua rằng: ‘Voi này đã được điều phục xong, giờ xin vua biết cho.’

“Bấy giờ, Thánh vương, xem kỹ tướng voi đã được điều phục hoàn bị này, rồi cưỡi voi báu, vào lúc sáng sớm, đi khắp bốn biển, cho đến giữa ngày trở về vương cung. Đó gọi là khi Chuyển luân Thánh vương xuất hiện ở đời, thì voi báu này hiện ra ở thế gian.

“Khi Chuyển luân Thánh vương xuất hiện ở đời, thì ngựa báu hiện ra ở thế gian như thế nào? Chuyển luân Thánh vương sở hữu một con ngựa báu, thân toàn màu xanh, đầu đen, đuôi đỏ. Thánh vương thấy ngựa, lòng sanh hân hoan, nghĩ: ‘Ngựa thần này, nay lại ứng hiện đối với ta.’ Vua liền giao cho mã sư, hãy nhanh chóng điều phục nó, khi nào điều phục xong thì dẫn đến đây. Mã sư vâng lệnh, chưa đầy một ngày mà đã điều phục được ngựa này. Giống như ngựa khác đã được điều phục cả năm, ngựa báu này chỉ không đầy một ngày mà được điều phục như vậy. Sau khi biết ngựa đã điều phục xong, dẫn đến chỗ vua thưa rằng: ‘Ngựa này đã được điều phục xong.’

“Bấy giờ, Thánh vương xem kỹ tướng ngựa báu đã được điều phục hoàn bị, rồi cưỡi ngựa báu, vào lúc sáng sớm, đi khắp bốn biển, cho đến giữa ngày trở về vương cung. Đó gọi là khi Chuyển luân Thánh vương xuất hiện ở đời thì ngựa báu cũng hiện ra thế gian.

“Khi Chuyển luân Thánh vương xuất hiện ở đời, thì ngọc báu Ma-ni hiện ra ở thế gian như thế nào? Ngọc báu mà Chuyển luân Thánh vương sở hữu, hình dáng của nó có tám cạnh, chiếu ánh sáng đượm, không tỳ vết, thường làm đèn sáng trong cung vua. Chuyển luân Thánh vương thí nghiệm ngọc báu. Vào một đêm trời mưa tối tăm, cầm ngọc báu đi trước dẫn đường, đem bốn binh chủng vào trong vườn rừng, ánh sáng của nó tỏa rạng ra cỡ một do-tuần. Đó gọi là lúc Chuyển luân Thánh vương xuất hiện ở đời, thì ngọc báu Ma-ni hiện ra ở thế gian.

“Khi Chuyển luân Thánh vương xuất hiện ở đời, thì Ngọc nữ hiền báu hiện ra ở thế gian như thế nào? Ngọc nữ mà Chuyển luân Thánh vương sở hữu, không đen không trắng, không cao không thấp, không lớn quá, không nhỏ quá, không mập không ốm, thân thể đoan chánh, thân thể lúc lạnh thì ấm, lúc nóng thì mát, thân thể mềm mại như áo ca-lăng-già; những lỗ chân lông trên cơ thể toát ra mùi hương chiên-đàn, hơi thở mũi, miệng thoảng mùi thơm Ưu-bát-la; ngủ sau dậy trước, hầu hạ nhà vua, theo sắc mặt biết ý mà phục vụ; lời nói dịu dàng đáng yêu, đoan tâm chánh niệm làm cho vua phát sanh đạo ý; tâm không vượt trái, huống chi là thân và khẩu. Đó gọi là lúc Chuyển luân Thánh vương xuất hiện ở đời thì có Ngọc nữ hiện ra thế gian.

“Khi Chuyển luân Thánh vương xuất hiện ở đời thì thần báu chủ kho tàng hiện ra thế gian? Vì đại thần chủ kho tàng của Chuyển luân Thánh vương, vốn hay làm việc bố thí, nên khi sanh ra đã có thiên nhãn, có thể thấy kho tàng ẩn dấu là có chủ hay không chủ, hoặc dưới nước hay trong đất, hoặc gần hay xa, tất cả đều thấy hết. Khi Chuyển luân Thánh vương cần trân bảo thì lập tức ra lệnh, tùy theo chỗ cần dùng của vua liền dâng lên. Một hôm Thánh vương muốn xem thử khả năng của vị đại thần này, nên cho giong thuyền ra biển và bảo vị đại thần này:

“–Ta đang cần vật báu.

Đại thần tâu vua rằng:

“–Xin dừng bên bờ một chút, thần sẽ dâng lên.

Vua bảo đại thần này:

“–Hiện tại ta không cần vật báu bên bờ, mà cần đưa hết cho ta ngay[44]!

“Bấy giờ, ngay trong nước đại thần liền lấy ra bốn chum vàng, bên trong đựng đầy kim bảo dâng lên Thánh vương, tùy theo chỗ cần dùng của vua mà lấy sử dụng. Nếu lấy đủ rồi, những kim bảo còn lại đều được trả lại trong nước. Đó gọi là Thánh vương khi xuất hiện ở đời, thì có thần chủ kho tàng như vậy hiện ra ở thế gian.

“Khi Thánh vương xuất hiện ở đời, có thần chủ binh hiện ra ở thế gian như thế nào? Có vị đại thần chủ binh thông minh, tài trí, biện thông. Cũng như người ở thế gian thành tựu sự suy tính khéo léo, thần này tùy theo chỗ cần của Đại vương mà đáp ứng như cần đi, cần dừng lại, cần xuất, cần nhập; hay bốn loại binh chủng của Thánh vương đang hành quân đường xa chợt dừng lại vẫn khiến không bị mệt mỏi; biết tất cả những gì vua cần nên làm, cùng những việc có công đức ngay trong hiện tại và đời sau đem trình tâu Thánh vương. Đó gọi là lúc Chuyển luân Thánh vương xuất hiện ở đời, có sự xuất hiện của thần chủ binh. Cũng vậy, khi Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời, có bảy Giác phần hiện ra ở thế gian.

“Những gì là bảy? Đó là Niệm giác phần, Trạch pháp giác phần, Tinh tấn giác phần, Hỷ giác phần, Khinh an giác phần, Định giác phần, Xả giác phần.”

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]