Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Qui Sơn Cảnh Sách- 10

07/05/201312:23(Xem: 7424)
Qui Sơn Cảnh Sách- 10
Phần 10

Chánh Văn:

“Thử tắc phá tam giới, nhị thập ngũ hữu”.
Dịch:

Đây là phá 3 cõi 25 loài.


Giảng:

Kinh Lăng Nghiêm, Phật chia ra 25 cõi, nên đây nói 25 loài. Chúng ta tu là quyết ngay đời này phải ra khỏi tam giới, dứt vòng luân hồi. Theo tinh thần Thiền tông, chúng ta phải thấy mình chỉ là mgười khách qua lại trong tam giới thôi. Chúng ta không còn bị trói buộc mà chỉ vì tùy nguyện độ sanh nên đi vào tam giới


Chánh Văn:

“Nội ngoại chư pháp tận tri bất thật, tùng tâm biến khởi, tất thị giả danh”.
Dịch:

Trong, ngoài các pháp đều biết không thật.Từ tâm biến khởi, tất thị giả danh”.

Giảng:

Một câu này, quí vị nếu nhận hiểu rồi, có thể nói tu suốt kiếp cũng chưa xong. “Nội ngoại chư pháp” là các pháp bên trong và bên ngoài, tức năm uẩn và sáu trần, đối với các pháp hằng chiếu soi thấy nó không thật ấy là giải thoát. Như trong kinh nói: giả sử bố thí châu báu nhiều bằng quả đất cũng chưa chắc được giải thoát. Vì sao? Vì còn thấy mình thật, người thật, của cải thật thì đó là nhơn luân hồi ( nhưng luân hồi trong cõi lành) chứ chưa phải giải thoát. Người quyết tâm giải thoát phải luôn luôn dùng trí tuệ thấy rõ năm uẩn, sáu trần, các pháp thế gian và xuất thế gian đều không thật. Vì sao không thật? Vì “từ tâm biến khởi?”. Sở dĩ chúng ta luân hồi trong tam giới là do nghiệp gây nên, mà gốc nghiệp là thân, miệng, ý. Nhưng xét kỹ thì thân và miệng chỉ là công cụ của ý, ý chủ động. Ý có nghĩ thân mới làm, miệng mới nói. Vì thế chúng ta tu là cốt làm sao cho ý dừng lặng không còn tạo nghiệp thì còn ai lôi chúng ta vào tam giới nữa? Tất cả phương pháp tu đều quy về chỗ đó. Niệm Phật, trì chú thì phải đến chỗ nhất tâm, tham thiền phải bặt vọng tưởng, tức ý không còn hoạt động. Chúng ta không hiểu thấu đáo nên chấp cho rằng tụng kinh có phước, trì chú có linh nghiệm, tham thiền có công đức v.v…mà không biết rằng tất cả những phương tiện ấy chỉ cốt để đập tan dòng ý thức cuộn chảy trong chúng ta. Khi ý thức lặng rồi thì tâm thanh tịnh nhất như. Có người tu đến chỗ lặng vọng tưởng lặng rồi lại hoảng hốt, cho rằng: mình đâu mất! Thế là cầu thanh tịnh, được thanh tịnh lại hoảng sợ ! Chẳng khác nào chàng Cùng tử trở lại quê cha, đến chừng thấy cha lại hoảng kinh chạy trốn, buộc lòng ông cha phải dùng phương tiện dẫn dụ về làm những công việc hèn hạ, như hốt rác, đổ phân thế mà lại hài lòng. Thật đáng thương xót! Cũng vậy, Phật mượn phương tiện dạy chúng ta tu hành qua thứ lớp. Như tu thiền, quán tứ đại thì trước quán thủy đại. Quán nước trong thân lần lần tràn khắp hư không thì được cái định thứ nhứt là sơ thiền, kế đến quán gió; lửa v.v…cuối cùng xả hết đến Diệt thọ tưởng định là chận đứng dòng tâm ý. Chỉ vì chúng ta không nhận nổi cái “trực chỉ”, nên Phật phải dẫn quanh một vòng phương tiện, đến rốt cùng cũng là bặt tâm ý. Thiền tông thì chỉ thẳng, khiến cho người hoảng hốt tưởng rằng đến đó là không còn gì nữa. Đây là bịnh do mê lầm mà ra, chứ không có gì lạ. Vì chúng ta lâu nay hằng sống với cái hư giả mà cho là thật, còn đối với cái thật thì lại hồ nghi. Ví như kẻ xa quê lâu ngày muốn về thăm cha mẹ nhưng quên mất số nhà chỉ nhớ loáng thoáng con đường. Khi đến con đường ấy cứ đi tới đi lui mãi, thậm chí dừng trước cổng nhà mình mà cũng không biết, lại phải tìm người để hỏi. Chúng ta cũng vậy, khi vọng tưởng dấy lên cuồn cuộn thì ra sức dẹp, hết vọng tưởng lại thấy không ngơ, rồi sợ mà không nhận “ cái thật” trong cái không ngơ đó, nên muốn trở lại vọng tưởng nữa. Cứ lẩn quẩn, loanh quanh tu mãi chẳng đến đâu. Đó là vì không thấy rõ lối đi nên bị mắc kẹt, còn nếu chúng ta biết rõ manh mối chánh yếu của việc tu, thì đi thẳng vào nhà không còn sợ sệt gì nữa. Thế nên, Tổ dạy người tu thiền trước phải dùng trí tuệ chiếu soi thấy năm uẩn, sáu trần thảy là không thật, từ tâm biến khởi chỉ có giả danh. Đây là giai đoạn căn bản bước vào cửa thiền.

Chánh Văn:

“Bất dụng tương tâm thấu bạc, đản tình bất phụ vật, vật khởi ngại nhân”.
Dịch:

Chẳng cần đem tâm nương gá, chỉ lòng không gá vật thì vật đâu chướng ngại được người.

Giảng:

Thật là đơn giản, tu thiền là thế đó. Nếu ngồi thiền mà tâm còn nhớ việc này, nghĩ chuyện kia goi là “thấu bạc”. Điểm này có người thắc mắc, như chánh tư duy là dùng một đề tài nào đó suy tới nghĩ lui, nghiền ngẫm cho ra lý, lâu ngày nảy ra một ý kiến hay nào đó, người ta cho là phát huệ, phải không? Thiền Tông thì không dùng như vậy. Vì như vậy thì tâm mãi loạn, ý tạo nghiệp bao giờ mới dừng? Ở đây cốt đánh tan ý. Chẳng đem đề tài nào suy gẩm cả, mà chỉ không cho vọng tình chạy theo sự vật bên ngoài. Nếu ngồi thiền mà chợt nhớ ông A, ông B là tình đã gá vật rồi. “Vật” đây là người, cảnh bên ngoài. Nếu tâm mình chạy theo vật phải biết mà chận ngay. Đừng để tâm dong ruổi theo cảnh vật, đến cả danh ngôn cũng vậy, đây là cái dễ làm cho tâm loạn nhất. Lúc đầu loạn theo cái thô lần lần đến cái tế. Như những lời nói của cổ đức, hoặc trong kinh sách, cho đó là nghĩ lành nên thường đuổi theo, ấy là bệnh của người tu thiền hay mắc phải. Chúng ta vừa dấy niệm là tình đã “phụ vật” rồi. Tất cả những nghĩ tưởng của ta đều không rời danh ngôn, sắc tướng. Khi ngồi yên không thấy người, cảnh bên ngoài. Song, nếu chợt nhớ hình ảnh nào đó thì liền hiện ra, như có trước mắt. Hoặc nhớ câu nói nào đó thì liền nghe vang lên trong tâm thức. Đó gọi là pháp trần. Những lúc đó chúng ta không gá vào những vật hiện có trước mặt, nhưng gá vào bóng dáng của vật còn lưu lại trong tâm thức, như vậy cũng là “phụ vật”, vật từ tâm biến ra. Vì thế chủ yếu là chúng ta đừng để cho tâm gá vật. Nếu thấy người thấy cảnh mà tâm không duyên theo thì đâu có gì chướng ngại. Dù ngọc ngà đầy trước mặt mà tâm không dấy động, thì thử hỏi cái gì chướng ngại mình? Chướng là do ma bên trong chực sẵn cộng thêm lũ quỷ bên ngoài nữa, mới làm nội công ngoại kích mà phá tan thành trì giới luật và Thiền định của chúng ta. Cho nên, khi có người hỏi Thiền sư: “Thế nào là giải thoát”. Ngài đáp: “Tâm, cảnh không đến nhau là giải thoát”. Đây chính là nghĩa “tình không gá vật”. Như vậy, chúng ta thấy rõ giải thoát chẳng phải tìm đâu xa, chẳng phải tu nhiều đời nhiều kiếp mới được. Mà chỉ “tâm cảnh không đến nhau”, chứ chẳng có gì là kỳ lạ cả. Chỉ vì tâm cảnh dính nhau nên bị trói buộc, chính vọng tưởng trói chúng ta vào vòng sanh tử, dứt vọng tưỏng thì nhân trói buộc đâu còn, đó là giải thoát ngay hiện đời. Sự tu hành đơn giản chỉ có thế.


Chánh Văn:

“Nhậm tha pháp tánh châu lưu, mạc đoạn mạc tục. Văn thinh kiến sắc, cái thị tầm thường. Giá biên na biên, ứng dụng bất khuyết”.
Dịch:

Mặc tình pháp tánh trùm khắp, chẳng phải đoạn dứt cũng chẳng cần tiếp nối. Nghe tiếng thấy sắc là việc tầm thường. Bên này bên kia ứng dụng không thiếu.

Giảng:

Đến đây Tổ chỉ cho chúng ta thấy một cái gì cao siêu rộng khắp:

“Nhậm tha pháp tánh châu lưu, mạc đoạn mạc tục”. Khi tâm cảnh không dính nhau, chúng ta khôngcòn lệ thuộc vào vọng tình, cái mà hằng lâu chúng ta chấp cho nó là mình. Lúc đó cái gì là mình? Chỉ vì lâu nay chúng ta thấy hòn bọt cho đó là biển cả, đâu ngờ nay đập tan hòn bọt mới thấy biển cả mênh mông. Khi vọng tưởng hết, chừng ấy chúng ta mới thể nhập pháp tánh vô biên. Chổ này Tổ Tăng Xán gọi là “Viên đồng thái hư, vô khiếm vô dư”. Khi tâm dừng, không chạy theo vọng tưởng nữa đừng tưởng là hết, mà lúc ấy là lúc đập tan hòn bọt để hòa cùng biển cả. Nơi nơi chốn chốn đều có mình. Mình không còn hạn cuộc trong cái thân nhỏ bé này nữa mà trùm khắp hư không. Vì thế, Ngài Thiện Tài đồng tử khi bước vào lầu các của Bồ Tất Di-Lặc liền thấy vô lượng vô biên chư Phật, và mỗi chỗ mỗi chỗ đều có mặt Ngài đang đảnh lễ. Khi nhập pháp tánh rồi thì nó tràn lan trùm khắp, không cắt đứt cũng đừng tiếp nối, lúc đó an nhiên tự tại. Lúc đó là sống với pháp thân. Cho nên các Tổ khi thể nhập được pháp tánh rồi thì nói một lời là một bài kệ. Đi, đứng, nói, nín đều là đạo. Không cần đợi đến chết mới nhập pháp thân, chỉ cần dứt vọng tưởng là được. Đến đó thì:

“Văn thinh kiến sắc cái thị tầm thường”, tức nghe tiếng thấy sắc đều là tầm thường. Bởi vì khi đã thể nhập được pháp tánh, nhận được cái chân thật rồi thì tất cả sự vật ở thế gian đều là ảo ảnh không thật, không có gì đáng để chúng ta quyến luyến. Nhưng nếu chưa đến đó thì phải thận trọng. Có một số tu sĩ sắm radio, tivi để xem, rồi hút thuốc, uống bia…tự cho mình là người phá chấp, tự tại trong khi tâm còn đầy ấp vọng tưởng, thì đó là ngụy biện để che mắt thế gian. Chúng ta chỉ tự tại khi nào nhập được “pháp tánh châu lưu”, khi nào nhận được cái chân thật thì cái giả mới không màng. Ví như một em bé nhà quê được mẹ mua cho đôi bông bằng vàng giả. Em bé hí hửng đem khoe với bạn bè, tự hài lòng quí thích đôi bông, vì em tưởng nó là thật. Nhưng đối với người có đôi hoa tai bằng vàng ròng hay kim cương thì đôi bông giả kia đâu có giá trị gì. Dù cho đầy trước mắt những thứ giả ấy, họ cũng không thèm để ý huống nữa là quí thích. Khi chúng ta vượt qua khỏi lãnh vực giả dối, tìm lại được mặt thật xưa nay, thì khi ấy đối với thế gian này ta mới là người hoàn toàn không ô nhiễm. Như Ngài Phù Dung nói: “Ngộ thinh ngộ sắc như thạch thượng tài hoa, kiến lợi kiến danh như nhãn trung trước tiết”. Tức là gặp thinh gặp sắc như cây trồng trên đá, thấy lợi thấy danh như bụi rơi vào con mắt. Đối với người đã đạt được pháp tánh rồi thì thinh sắc danh lợi không bám được, chẳng có chi phải bận lòng. Mà lúc ấy:

“Giá biên na biên ứng dụng bất khuyết”. Bên này bên kia ứng dụng không thiếu. Bên này bên kia là thế nào? Là đứng về mặt xuất thế gian thì không còn bị năm trần ô nhiễm. Còn đứng về mặt thế gian thì tùy cơ ứng biến diệu dụng không lường. Không chấp có, không kẹt không, không mắc trong thế gian cũng không đắm trong giải thoát.

Tự tại qua lại trong tam giới, tùy duyên hóa độ muôn loài. Đó là chỗ cứu kính của người tu. Đoạn trên Tổ đã thố lộ chỗ chí yếu của việc tu để chúng ta không còn ngờ vực, đến đây Tổ lại khen ngợi để sách tấn.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]