- Lời Tựa
- Sơ Lược Tiểu Sử Thầy Thích Trí Châu
- Mở Đầu
- Tiểu Sử Bồ Tát Thế Thân
- Duy Thức Tam Thập Tụng
- Ba Mươi Bài Tụng Duy Thức
- Chương I Các Thức Năng Biến Trong Duy Thức Học
- Chương II Đại Cương Về A Lại Da Thức
- Chương III Đặc Tánh Của A Lại Da Thức
- Chương IV Mạt Na Thức
- Chương V Liễu Biệt Cảnh Thức
- Chương VI Các Tâm Sở Thiện, Phiền Não Và Bất Tịnh
- Chương VII Sắc Pháp Và Tiền Lục Thức
- Chương VIII Duyên Cảnh và Lượng
- Chương IX Căn Thân Và Thế Giới
- Chương X Bất Tương Ưng Hành Pháp
- Chương VI Các Tâm Sở Thiện, Phiền Não Và Bất Tịnh
- Chương VII Sắc Pháp Và Tiền Lục Thức
- Chương VIII Duyên Cảnh và Lượng
- Chương IX Căn Thân Và Thế Giới
- Chương X Bất Tương Ưng Hành Pháp
- Chương XI Tam Tánh
- Chương XII Tam Vô Tánh
- Chương XIII Các Địa Vị Tu Tập
- Chương XIV Tóm Tắt
- Tìm Một Hướng Đi
CHƯƠNG XIV: TÓM TẮT ^
Do tập khí có từ vô thủy, con người có những kiến chấp thật kiên cố, xâu dầy rất khó mà phá trừ và buông xả. Muốn buông xả phải nhận chân ra được các pháp là giả có và như huyễn. Chính vì thế mà trong bài tụng đầu và trong hai câu đầu của bài tụng thứ hai bồ tát Thế Thân đã nhấn mạnh đến cái giả có của các pháp và chúng đều do thức biến hiện; các thức gồm có ba thứ là dị thục, tư lương và liễu biệt cảnh :
Do giả thuyết ngã pháp
Hữu chủng chủng tướng chuyển
Bỉ y thức sở biến
Thử năng biến duy tam
Vị: dị thục, tư lương
Cập liễu biệt cảnh thức.
Tiếp theo đó ngài diễn tả chi thiết về tánh chất của thức thứ nhất. Tánh chất tổng quát của thức thứ nhất được biểu hiện ở ba cái tên gọi là: A lại da, Dị thục và Nhất thiết chủng. Khi muốn diễn ta tánh chất chứa nhóm của thức này thì gọi nó là tàng thức tức là kho chứa mà tiếng phạn gọi là A lại da. Khi muốn diễn tả sự chuyển biến mà hiện khởi của thức này thì gọi nó là Dị thục nghĩa là chín mùi mà thành quả. Khi muốn nói đến tất cả mọi hạt giống của tất cả các pháp đều được chứa trong thức này thì gọi nó là Nhất thiết chủng.
Tất cả mọi suy nghĩ, hành động, thấy biết hoặc xấu, hoặc tốt, hoặc không xấu lẫn không tốt của ta đều được lưu giữ trong tàng thức sơ năng biến này và các dữ kiện được lưu giữ đó cứ liên tục chuyển biến không lúc nào ngưng nghỉ tựa như dòng thác đổ, hết khối nước này đổ xuống thì có khối nước tiếp theo, liên miên bất tận. Những chuyển biến này khi đã đầy đủ nhân duyên, tăng trưởng chín mùi thì chuyển hiện ra căn thân và thế giới tức là chánh báo và y báo. Với tri kiến phàm phu không thể nào có thể hiểu biết tường tận được những chuyển biến trong thức này, cũng không thể biết được sự thọ nhận và nơi chốn được thọ nhận, không thể biết chắc chắn được sẽ nhận lãnh thân mạng nào trong sáu loài chúng sanh và cũng không thể biết rõ ràng các cõi sẽ được thọ mạng tức là không thể biết rõ sự nhận thọ của chánh báo và y báo. Những sự chứa nhóm và chuyển biến nơi A lại da thức sẽ chấm dứt khi đạt được quả vị A la hán. Khi ấy A lại da thức hoàn toàn vô lậu và được gọi là Bạch tịnh thức. Tất cả đặc tính nói trên của tàng thức sơ năng biến được bồ tát Thế Thân thâu gọn trong hai câu sau của bài tụng thứ hai, bài tụng thứ ba và bài tụng thứ tư:
Sơ A lại da thức
Dị thục, Nhất thiết chủng
Bất khả tri chấp thọ
Xứ, liễu. Thường dữ xúc
Tác ý, thọ, tưởng, tư
Tương ưng duy xả thọ
Thị vô phú vô ký
Xúc đẳng diệt như thị
Hằng chuyển như bộc lưu
A la hán vị xả.
Tiếp đến bồ tát Thế Thân nói đến thức đệ nhị năng biến tức là thức mạt na. Tánh chất của thức này là luôn chấp A lại da thức và các chủng tử cùng hiện hành nơi A lại da thức là thiệt có rồi khởi sinh những chấp trước và nắm giữ. Những chấp trước và nắm giữ này là nguồn gốc của những ngã ái, ngã kiến cùng ngã mạn và ngã si, là bốn món trong căn bản phiền não. Thức này luôn hiện khởi và không rời A lại da thức. Khi đạt được quả vị A la hán hay khi đắc được Diệt tận định của bậc xuất thế đạo tức là bồ tát đệ bát địa thì mới loại trừ được các tánh chất tư lương và chấp trước nơi mạt na thức.
Tánh chất của thức này được bồ tát Thế Thân diễn tả trong ba bài tụng thứ năm, thứ sáu và thứ bẩy:
Thứ đệ nhị năng biến
Thị thức danh mạt na
Y bỉ chuyển duyên bỉ
Tư lương vị tánh tướng
Tứ phiền não thường câu
Vị: ngã si, ngã kiến
Tinh ngã mạn, ngã ái
Cập dữ xúc đẳng câu
Hữu phú vô ký nhiếp
Tùy sở sanh sở hệ
A la hán, Diệt định
Xuất thế đạo vô hữu.
Tiếp đến ngài nói đến thức đệ tam năng biến gồm thức thứ sáu và năm thức trước gọi làthức liễu biệt cảnh. Khi đã có thọ mạng rồi nghĩa là khi các nghiệp quá khứ đủ duyên chín mùi chuyển hiện ra thân căn của một chúng sinh rồi thì sáu thức này nương nơi thân căn mà phân biệt thế giới bên ngoài. Tất cả các loại tâm sở đều tương ưng với thức liễu biệt cảnh này. Tất cả các pháp thiện hay phiền não hoặc bất định đều do thức này phân biệt mà khởi sanh. Các tâm sở có 51 món tất cả và được phân chia thành sáu loại như sau: 5 biến hành, 5 biệt cảnh, 11 thiện, 6 căn bản phiền não, 20 tùy phiền não và 4 bất định tâm sở.
Thiết nghĩ chúng ta cũng nhân đây ôn lại 100 pháp trong Bách Pháp Minh Môn Luậnbao gồm cả 51 tâm sở pháp vừa nói. 100 pháp đó được chia làm 5 loại:
I. TÂM PHÁP có 8 món là: Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt Thức, Thân thức, Ý thức, Mạt na thức và A lại da thức.
II. TÂM SỞ HỮU PHÁP gồm 51 món là:
- 5 Biến Hành: Xúc, Tác ý, Thọ, Tưởng, Tư.
- 5 Biệt Cảnh: Dục, Thắng giải, Niệm, Định, Huệ.
- 11 món Thiện: Tín, Tàm, Quý, Vô tham, Vô sân, Vô si, Tinh tấn, Khinh an, Bất phóng dật, Hành xả, Bất hại.
- 6 Căn Bản Phiền Não: Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Ác kiến.
- 20 Tùy Phiền Não gồm 10 Tiểu tùy, 2 Trung tùy và 8 Đại tùy. 10 Tiểu tùy là: Phẫn, Hận, Phú, Não, Tật, Xan, Cuống, Siễm, Hại, Kiêu. 2 Trung tùy là: Vô tàm, Vô quý. 8 Đại tùy là: Trạo cử, Hôn trầm, Bất tín, Giải đãi, Phóng dật, Thất niệm, Tán loạn, Bất chánh tri.
- 4 Bất Định: Hối, Miên, Tầm, Tư.
III. SẮC PHÁP gồm 11 món là: Nhãn căn, Nhĩ căn, Tỷ căn, Thiệt căn, Thân căn, Sắc trần, Thanh trần, Hương trần, Vị trần, Xúc trần và Pháp trần. Những món này gồm 5 căn và 6 trần. Theo thiển ý của tác giả thì sắc pháp phải có 12 món mới trúng. Món thứ 12 là bộ não là nơi tập trung tất cả các dữ kiện do ngũ căn đưa tới, nhưng vì nó ẩn tàng bên trong nên không tính.
IV. BẤT TƯƠNG ƯNG HÀNH PHÁP gồm 24 món: Đắc, Mạng căn, Chúng đồng phận, Dị sanh tánh, Vô tưởng định, Diệt tận định, Vô tưởng báo, Danh thân, Cú thân, Văn thân, Sanh, Trụ, Lão, Vô thường, Lưu chuyển, Định vị, Tương ưng, Thế tốc, Thứ đệ, Thời, Phương, Số, Hòa hiệp, Bất hòa hiệp.
V. VÔ VI PHÁP có 6 món là: Hư không vô vi, Trạch diệt vô vi, Phi trạch diệt vô vi, Bất động diệt vô vi, Tưởng thọ diệt vô vi, Chơn như vô vi.
Bồ tát Thế Thân diễn tả thức liễu biệt cảnh và tất cả các tánh chất của nó trong trong bẩy bài tụng kế tiếp tức từ bài tụng thứ tám đến bài tụng thứ mười bốn như sau:
Thứ đệ tam năng biến
Sai biệt hữu lục chủng
Liễu cảnh vi tánh tướng
Thiện bất thiện câu phi
Thử tâm sở biến hành
Biệt cảnh, thiện, phiền não
Tùy phiền não, bất định
Giai tam thọ tương ưng
Sơ biến hành: xúc đẳng
Thứ biệt cảnh vị: dục
Thắng giải, niệm, định, huệ
Sở duyên sự bất đồng
Thiện vị: Tín, tàm, quý
Vô tham đẳng tam căn
Cần, an, bất phóng dật
Hành xả cập bất hại
Phiền não vị: tham, sân
Si, mạn, nghi, ác kiến
Tùy phiền não vị: phẫn
Hận, phú, não, tật, xan
Cuống, siễm dữ hại, kiêu
Vô tàm cập vô quý
Trạo cử dữ hôn trầm
Bất tín tinh giải đãi
Phóng dật cập thất niệm
Tán loạn, bất chánh tri
Bất định vị: hối, miên
Tầm tứ nhị các nhị
Sau đó bồ tát Thế Thân nói đến duyên khởi của tiền lục thức, gồm nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân thức và ý thức. Ngài nói các thức đó đều có hạt giống nơi thức thứ tám, lấy thức này làm căn bản và nương nơi thức này mà phân biệt và chuyển biến ví như sóng nương nơi nước (như đào ba y thủy). Ngũ thức thì tùy duyên mà hiện khởi tức là khi có đủ duyên mới có tác động còn ý thức thì thường hiện khởi nghĩa là luôn luôn tác động, chỉ trừ khi ngủ mê thiếp đi không có mộng mị, khi chết ngất hoặc khi nhập diệt tận định hay vô tưởng định là hai định thật tĩnh lặng, không còn thọ và tưởng nữa. Ngoài ra khi sanh lên cõi trời vô tưởng thì thức thứ sáu này cũng ngưng hoạt động.
Do các thức chuyển biến mà phát sinh năng phân biệt và sở phân biệt. Năng phân biệt và sở phân biệt này cứ liên tục chuyển biến nên khởi sanh tất cả các pháp. Năng và Sở phân biệt này đều do nơi tâm thức động niệm mà khởi sanh nên không có thực và do đó ngài Thế Thân nói tất cả đều là duy thức. Bài tụng thứ mười lăm cho đến mười bẩy diễn tả ý này:
Y chỉ căn bản thức
Ngũ thức tùy duyên hiện
Hoặc câu hoặc bất câu
Như đào ba y thủy
Ý thức thường hiện khởi
Trừ sanh vô tưởng thiên
Cập vô tâm nhị định
Thùy miên dữ muộn tuyệt
Thị chư thức chuyển biến
Phân biệt sở phân biệt
Do thử bỉ giai vô
Cố nhất thiết Duy thức
Sau dó ngài cắt nghĩa về nghiệp quả. Theo ngài sở dĩ chúng sanh phải thọ báo thân liên tục mãi trong sanh tử luân hồi là vì ở trong tàng thức có cái năng lực triền chuyển, là cái năng lực làm cho nghiệp nhân cứ phát triển tiếp nối không bao giờ ngưng nghỉ, tất cả những phân biệt hay nói rõ hơn là tất cả những gì ta cảm thọ, suy nghĩ hay hành động đều được đưa vào lưu trữ trong tàng thức như một chủng tử, chủng tử này cứ tiềm ẩn huân tập, chuyển biến thành nghiệp nhân và các nghiệp nhân này cứ tương duyên, tương sanh mà chín mùi thành nghiệp quả dị thục. Nghiệp này hết thì nẩy sanh nghiệp khác nối tiếp nhau liên tục như một dòng nước chẩy. Bài tụng thứ mười tám và mười chín diễn tả ý này:
Do nhất thiết chủng
Như thị như thị biến
Dĩ triền chuyển lực cố
Bỉ bỉ phân biệt sanh
Do chư nghiệp tập khí
Nhị thủ tập khí câu
Tiền dị thục ký tận
Phục sanh dư dị thục.
Ngay từ vô thủy, vì một niệm bất giác mà Chân tâm thanh tịnh bị chiếu soi và dấy động mà phát sanh ra hai phần năng kiến và sở kiến. Năng kiến là phần phân biệt chiếu soi và sở kiến là đối tượng của sự chiếu soi phân biệt đó. Vì sự phân biệt đó mà Chân tâm bị biến đổi, thật thanh tịnh mà biến thành có hình tướng. Khi Chân tâm chuyển hiện thành căn thân và thế giới thì sự phân biệt đó làm cho mọi vật vốn như huyễn mà dường như có thật, ví như hoa đốm giữa hư không. Sự phân biệt này được gọi là biến kế sở chấp, ý muốn nói vì sự phân biệt này mà mọi vật, mọi sự bị biến đổi khác với cái tánh chân thật của chúng. Mọi vật nương nhau mà hiện hữu chứ thật ra đều không có tánh chất riêng biệt. Thí dụ cái núi kia không phải có tánh chất riêng biệt của cái núi mà là do các khối đá và đất họp lại mà thành, những khối đá và những khối đất đó cũng không có tánh chất riêng biệt của khối đá và khối đất mà là do vô lượng vô số các vi trần họp thành, các vi trần đó cũng không thể hiển lộ được nếu không có hư không, cả vi trần và hư kông cũng không thể có nếu không có con mắt phân biệt, con mắt hiện hữu là phải nương vào thân căn.
Thân căn này cũng không thể hiện hữu nếu không có thế giới chung quanh, và cứ tiếp tục thì ta sẽ thấy mọi vật trùng trùng duyên khởi, không có cái gì có thể hiện hữu đơn độc được, tất cả như những gút mắt của một màng lưới mà trong kinh thường ví như những hạt châu trong cái khăn quàng của trời Đế Thích, các hạt châu này lấp lánh phản chiếu hạt châu kia và mọi hình ảnh trong đó trùng trùng phản chiếu qua lại, hạt châu này có hình ảnh của hạt châu kia, tất cả các hình ảnh chiếu sáng đó cứ nương nhau mà ảnh hiện. Tóm lại mọi vật đều không có tự tánh chân thật và đều là y tha khởi, tức là nương vào cái khác mà có. Nếu nương nơi y tha khởi mà xa rời được biến kế sở chấp thì ngay nơi các pháp duyên sanh mà trở về được với cái chân thật tức là biết được viên thành thật. Bồ tát Thế Thân cô động ý này trong hai bài tụng thứ hai mươi và hai mươi mốt:
Do bỉ bỉ biến kế
Biến kế chủng chủng vật
Thử biến kế sở chấp
Tự tánh vô sở hữu
Y tha khởi tự tánh
Phân biệt duyên sở sanh
Viên thành thật ư bỉ
Thường viễn ly tiền tánh.
Ngài Thế Thân nói tánh y tha và tánh viên thành thật không phải khác nhau và cũng không phải là không khác nhau ví như sóng với nước, sóng không phải là nước mà sóng cũng chẳng khác nước vì sóng từ nước mà ra. Nếu không có gió thì không có sóng vì sóng đã hòa vào nước. Cũng vậy vì có biến kế sở chấp nên mới có y tha khởi. Vì có biến kế sở chấp mà chân như tức viên thành thật bị khuấy động mà hiện ra tuồng như có pháp nhưng nếu dẹp được biến kế sở chấp thì các pháp y tha khởi trở lại bản thể tĩnh lặng thanh tịnh là viên thành thật.
Viên thành thật và y tha khởi giống như các pháp vô thường, vô ngã vaø không mà đức Phật hằng thuyết, mục đích chính là để chúng sanh không chấp vào các pháp, để chúng sanh biết rõ các pháp là giả, là không thật có, là sanh diệt không thường còn mà phá bỏ được tất cả những chấp có, chấp không, để có thể vững tâm tu trì trở về được với Bản Tánh Chân Như. Bồ tát Thế thân cũng nói rằng vì sợ chúng sanh chấp vào các pháp ngoại đạo, cho rằng các pháp có thật, hoặc các pháp tự nhiên sanh, hoặc là các pháp có nguyên nhân xuất xứ đầu tiên, có một nguyên nhân tối hậu ngoài tâm nên Phật thường thuyết tất cả các pháp đều vô tánh. Thứ nhất là các pháp không có tướng chân thật nên nói Tướng Vô Tánh. Thứ hai là các pháp không có nguồn gốc chân thật đầu tiên, không phải tự nhiên mà có nên nói Sanh Vô Tánh hay là Vô Tự Nhiên Tánh. Thứ ba là nếu bỏ được tánh biến kế sở chấp tức là tánh chấp thật có ngã và pháp thì sẽ biết được cái nghĩa rốt ráo của tất cả các pháp tức là biết được cái bản thể Chân Như bất sanh bất diệt của các pháp nên nói Thắng Nghĩa Vô Tánh. Tánh này cũng được gọi là Duy Thức Thật Tánh.
Tất cả ý nghĩa vừa diễn tả được bồ tát Thế Thân cô động trong bốn bài tụng từ bài tụng thứ hai mươi hai đến bài tụng thứ hai mươi lăm:
Cố thử dữ y tha
Phi dị phi bất dị
Như vô thường đẳng tánh
Phi bất kiến thử bỉ
Tức y thử tam tánh
Lập bỉ tam vô tánh
Cố Phật mật ý thuyết
Nhất thiết pháp vô tánh
Sơ tức tướng vô tánh
Thử vô tự nhiên tánh
Hậu do viễn ly tiền
Sở chấp ngã pháp tánh
Thử chư pháp thắng nghĩa
Diệc tức thị chân như
Thường như kỳ tánh cố
Tức Duy Thức Thật Tánh.
Lý thì nói nương nơi Y Tha Khởi Tánh mà viễn ly được Biến Kế Sở Chấp Tánh là thấy được Viên Thành Thật Tánh chứ thật sự thì phải tu trì qua nhiều giai đoạn.
Giai đoạn đầu tiên là trang bị hành trang, học hỏi kinh điển và đi tham học với các bậc thiện tri thức để khơi dậy chủng tánh đại thừa câu sanh mà phát lòng tin dũng mãnh cầu trụ Duy Thức Tánh, quyết chí tu trì cho đến khi đạt đạo quả Bồ Đề thì bấy giờ mới có cái năng lực để diệt trừ hai cái chướng ngại tùy miên của năng thủ và sở thủ. Địa vị này là địa vị Kiến Đạo, là bậc Sơ Thiền của Sơ Địa Bồ Tát tương đương với quả vị Tu Đà Hoàn của Thanh Văn. ở địa vị này các vị tu đà hoàn và bồ tát vẫn còn thấy mình có sở đắc nên chưa phải là thật trụ vào Duy Thức Tánh. Giai đoạn này là giai đoạn Tư Lương và Gia Hạnh như các luận sư về Duy thức thường nói. Bài tụng thứ hai mươi sáu và hai mươi bẩy nói đến quả vị này:
Nãi chí vị khởi thức
Cầu trụ duy thức tánh
Ư nhị thủ tùy miên
Do vị năng phục diệt
Hiện tiền lập thiểu vật
Vị thị duy thức tánh
Dĩ hữu sở đắc cố
Phi thật trụ duy thức.
Kế đến giai đoạn Thông Đạt tức biết được không tánh của hai thủ nghĩa là biết được các pháp là không tự tánh cho nên xa rời được các phiền não của chấp thủ. Địa vị này tương đương với bậc Tư Đà Hàm và A Na Hàm của Thanh văn cùng bậc Nhị Thiền và Tam Thiền của Bồ Tát từ Nhị Địa đến Thất Địa. Các vị thanh văn và bồ tát ở địa vị này đã khởi được Trí Vô Sở Đắc, tu Pháp Không Chân Như xa rời được hai tướng Năng Thủ và Sở Thủ, trừ được ngã chấp và pháp chấp phần thô nên mới trụ được vào tánh Duy Thức. Bài tụng thứ hai mươi tám nói rõ quả vị này:
Nhược thời ư sở duyên
Trí đô vô sở đắc
Nhĩ thời trụ Duy Thức
Ly nhị thủ tướng cố.
Các vị A la hán hồi đầu theo đại thừa cùng các vị Bồ Tát ở bậc Tứ Thiền từ Bát Địa trở lên đã trụ trong Duy Thức Tánh tiếp tục khởi Vô Phân Biệt Trí dõng mãnh tu tập, đối với cảnh sở duyên không còn khởi phân biệt nữa, không còn chấp có lẫn chấp không, không còn chấp là thật có ngã và thật có pháp, tiếp tục tu trì miên mật không gián đoạn tiến lên đến bậc Bồ Tát Thập Địa.
Vị Thập Địa Bồ Tát với Vô Sở Đắc Trí bất khả tư nghì, tu Thắng Pháp Không Quán, trừ được hai chướng sở thủ câu sanh phần tế đắc được bậc Đẳng Giác. Tuy vậy vẫn còn một chút chướng ngại thậm thâm vi tế, cho đến khi khởi được Kim Cương Dụ Định đắcVô Thượng Giác tức là quả vị Diệu Giác của Phật thì các phiền não thậm thâm vi tế đó mới hoàn toàn được loại trừ. Hai phiền não chướng này làm trở ngại khó khăn vô cùng cho việc chứng quả Giải Thoát nên bài tụng gọi là hai phiền não nặng nề (nhị thô trọng).
Khi đắc Vô Thượng Giác rồi thì cảnh giới hữu lậu khi xưa chuyển thành vô lậu thanh tịnh. Trong cảnh giới vô lậu này thì tất cả đều tuyệt thanh tịnh, các pháp đều là chân thiện và thường còn. Cảnh giới này là cảnh giới an vui và giải thoát. Bậc đã giác ngộ này được gọi là Đại Mâu Ni. Mâu ni có ba nghĩa. Thứ nhất là nhân từ, hán dịch là năng nhân. Thứ hai làhoàn thiện. Thứ ba là tịch tĩnh vắng lặng, hoàn toàn dứt trừ được tất cả mọi phiền não, thân tâm hoàn toàn an lạc. Đại Mâu Ni cũng được gọi là Pháp Thân. Hai bài tụng cuối thứ hai mươi chín và ba mươi diễn tả ý trên:
Vô đắc bất tư nghì
Thị Xuất Thế Gian Trí
Xả nhị thô trọng cố
Tiện chứng đắc chuyển y
Thử tức Vô Lậu Giới
Bát tư nghì thiện thường
An lạc giải thoát thân
Đại Mâu Ni danh Pháp.
Để chấm dứt phần tóm tắt này xin cùng tư duy về một đoạn trong Chứng Đạo Ca của Thiền Sư Vĩnh Gia Huyền Giác ở Trung Hoa:
Ta sớm bao năm chuyên học vấn
Từng viết sớ sao tìm kinh luận
Phân biệt danh tướng mãi không thôi
Vào biển đếm cát tự chuốc hận
Quả đáng bị Như Lai quở trách
Châu báu của người có gì ích?
Lâu nay đắn đót rõ công suông
Uổng bấy làm thân phong trần khách!