Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương IX Căn Thân Và Thế Giới

07/05/201311:03(Xem: 9738)
Chương IX Căn Thân Và Thế Giới

CHƯƠNG IX: CĂN THÂN VÀ THẾ GIỚI ^

Con người và tất cả mọi loài chúng sanh trong thế giới và vũ trụ này đều là ảnh hiện của các chủng tử và hiện hành nơi A lại da thức đã được huân tập, tăng trưởng, chín mùi, duyên khởi chuyển biến mà hình thành. Cá nhân của mỗi chúng sanh trong thế giới này là biểu hiện của nghiệp báo của tự thân, là quả báo do những nghiệp riêng của từng chúng sanh đó tạo nên. Thế giới và mọi loài là quả báo chung của tất cả những gì hiện hữu trong thế giới này. Vì quả báo chung mà có thế giới và chúng sanh hiện hữu quanh ta. Vì quả báo riêng mà mỗi chúng sanh có những hình thể, đời sống và tâm tư khác nhau.

Trong thế giới hiện tại mọi sự cứ lưu chuyển tiếp nối sanh diệt tương tục. Mặt trời hiện lên chiếu sáng hư không u minh, trái đất cứ việc quay và sáng tối cứ thay nhau tiếp diễn; gió mưa, nóng lạnh, bão tố, tuyết rơi, bốn mùa xuân hạ thu đông cứ diễn biến liên tục; sinh vật và cỏ cây cứ sinh sôi tăng trưởng, đâm trồi nẩy mộng và đâm hoa kết trái.

Thế giới khi đã hiện thành là thế giới hữu chất, là thế giới vật chất hữu hạn, là thế giới do tâm cấu nhiễm chuyển biến, là thế giới không tự có, là thế giới không tự hiện hữu, là kết quả của những nhân duyên trùng trùng duyên khởi, nương nhau mà hiện hữu, là thế giới mà Duy thức gọi là Đới Chất Cảnh.

Những cảnh giới đới chất đó hình như hiện hữu ngoài tâm và có thực thể vì chúng ù lỳ và thô trược khiến cho người bình thường không thể tin được chúng chỉ là chuyển biến của tâm thức. Anh và tôi, tất cả chúng sanh và thế giới này rõ ràng hiện hữu. Rõ ràng trái núi này là trái núi, rõ ràng dòng sông kia là dòng sông. Tôi thấy được anh và anh thấy được tôi. Cả anh và tôi đều thấy trái núi này ngăn ngại và dòng sông kia thì lưu chuyển.

Cảnh giới đới chất này là sự chuyển biến và hóa hiện của những quang minh bị lưu ngại kết cấu lại thành cảnh giới thô kệch bên ngoài mà duy thức học gọi là thế giới trần cảnh, là thế giới cát bụi, là thế giới gồm sơn hà, hải địa, núi sông, cây cối và tất cả mọi loài chúng sinh y trú trong đó. Chúng ta là con người nhận biết được thế giới trần cảnh này qua cửa ngõ của năm giác quan gọi là Ngũ Căn. Ngũ căn này gồm Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi và Thân là những bộ phận thô kệch bên ngoài mà duy thức gọi là Phù Trần Căn. Năm căn này ăn thông với năm căn ẩn tàng bên trong nằm trong bộ não do các dây thần kinh đi dọc theo đường xương sống và tỏa ra khắp châu thân. Năm căn ẩn tàng này gọi là Tịnh Sắc Căn hay còn được gọi là Thắng Nghĩa Căn.

Ngũ căn tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài, đưa dữ kiện tiếp xúc được vào tịnh sắc căn bên trong, rồi tác động vào ngũ thức. Mỗi phần của ngũ thức chỉ trực nhận được dữ kiện trong phạm vi hoạt động của mình. Nhãn thức chỉ phân biệt được hình ảnh là sáng hay tối, có mầu sắc hay không có mầu sắc nhưng không thể biết được hình ảnh đó là hình ảnh gì, mầu xanh hay mầu đỏ, đẹp hay là xấu. Nhĩ thức chỉ biết được động hay tĩnh, chứ không phân biệt được âm thanh đó là âm thanh gì, tiếng trống hay là tiếng chầy, êm dịu hay không êm dịu. Tỷ thức chỉ phân biệt có mùi hay không có mùi chứ không thể biết được mùi đó là mùi gì, thơm hay không thơm, mùi hương chiên đàn hay là mùi hôi của chồn hoang. Thiệt thức chỉ biết có vị hay không có vị chứ không phân biệt được vị được tiếp xúc là vị gì, là vị ngọt của mật hay vị đắng của thuốc. Thân thức chỉ biết có xúc chạm hay không xúc chạm chứ không thể biết đó là đó là trơn hay nhám, là sự xúc chạm của da thịt hay của nhung lụa.

Ngay sát na đầu tiên, các dữ kiện này được đưa ngay vào A lại da thức. Sau đó là tác dụng của Mạt na thức, còn được gọi là Ý căn. Ý căn quay vào A lại da thức lục tìm các chủng tử tương ưng với các dữ kiện nhận được. Khi này Ý thức được tác động, tập trung các dữ kiện của Ngũ thức lại so sánh với các dữ kiện do Mạt na thức lấy ở A lại da thức ra mà biết được đó là hình ảnh gì, âm thanh, mùi vị và xúc chạm ra sao; rồi khởi ra phân biệt yêu hay ghét, thích hay không thích.

Các cảm giác và nhận thức của Ý thức này lại được đưa vào Ý căn rồi lại huân tập vào A lại da thức thành một chủng tử mới làm tăng thượng duyên cho các chủng tử có sẵn trong A lại da thức. Cứ thế các chủng tử mới cũ cứ tương sanh, tương duyên làm nhân quả cho nhau, trùng trùng duyên khởi cho đến khi đầy đủ nhân duyên thì chuyển biến và hiện khởi thành một căn thân khác trong một thế giới khác khi căn thân hiện tại này bị suy yếu và hủy hoại.

Tùy theo nghiệp lực của những cộng nghiệp và biệt nghiệp mà tâm thức chuyển biến và hiện khởi thành căn thân trong một thế giới thuộc tam giới. Thế giới này có thể là một thế giới trong cõi Dục, là một cõi trời trong cõi Sắc hay trong cõi Vô Sắc.

Dù là một căn thân trong thế giới nào đi nữa thì cảnh giới chánh báo và y báo đó cũng đều là cảnh giới đới chất. Cảnh giới đới chất là cảnh giới bị lưu ngại và có ngằn mé mà sự khác biệt giữa các cõi chỉ là ở mức độ nhiễm ô trọng trược hay vi tế chứ không còn thanh nhẹ và uyên nguyên, không ngằn mé như cảnh giới của bản tánh Chân tâm.

Trong cảnh giới đới chất đó, không có gì là có tự tánh riêng biệt. Mọi sự đều do thất đại gồm đất, nước, gió, lửa, không đại, kiến đại và thức đại nương nhau mà xoay vần chuyển hiện. Mọi sự, mọi vật hiện hữu là do những cái không phải là nó tạo nên. Tất cả đều là y tha khởi.

Y tha khởi có nghĩa là do cái khác mà sanh khởi ra. Hãy nghe mẩu đối thoại giữa vua Di Lan Đà, một vị vua gốc Hy Lạp cai trị vùng Tây Bắc Ấn và tỳ kheo Na Tiên vào khoảng hơn 200 năm trước tây lịch. Vua hỏi:

- Đại đức pháp danh là gì?

- Người ta gọi bần tăng là Na Tiên, nhưng đó chỉ là tên suông đặt ra để phân biệt người nọ và người kia chứ thật ra trong cái đó không có gì là bần tăng hay cái gì của bần tăng.

- Người đáp trẫm đây không phải Na Tiên sao?

- Không phải.

- Thế thì ai là Na Tiên? Tóc trên đầu ngài phải là Na Tiên không?

- Không phải.

- Mặt mày, da thịt của người đứng trước trẫm phải Na Tiên không?

- Không phải.

- Mắt tai mũi lưỡi thân ý của ngài cũng không phải Na Tiên sao?

- Không phải.

- Ngoài các thứ đó có phải là Na Tiên không?

- Không phải.

- Thế sao lúc nẫy Đại đức nói người ta gọi ngài là Na Tiên, vậy là Đại đức đã nói dối?

Tỳ kheo Na Tiên chậm rãi đáp:

- Tâu Đại vương! Chẳng hay Đại vương đến đây bằng gì?

- Trẫm đi bằng xe.

- Tâu Đại vương! Ngài nói đến đây bằng xe, điều đó có thật không?

- Trẫm nói thật.

- Vậy xin chỉ rõ cho bần tăng cái xe của Đại vương. Cái gọng xe này phải là xe không?

- Không phải.

- Trục, bánh xe, thùng xe, dây kéo có phải là xe không?

- Không phải.

- Các thứ ấy gom lại có phải là xe không?

- Không phải.

- Ngoài các thứ đó có thứ khác không dính dáng gì đến các thứ ấy gọi là xe chăng?

- Không phải.

Tỳ kheo Na Tiên ngưng một lúc rồi nói tiếp:

Vậy lúc nẫy Đại vương nói với bần tăng là ngài đến đây bằng xe. Điều này cũng đáng ngờ vực lắm.

Qua câu chuyện trên ta đã thấy rõ Na Tiên cũng như cái xe chỉ là những tên gọi suông chứ không có người và xe thật. Tất cả vũ trụ này gồm núi sông, biển cả, nhà đất, người và vật cũng đều không thật có, chúng chỉ là giả tướng giữa những mối tương quan, tương duyên của những gì không phải là chính nó.

Sở dĩ có tôi là vì có anh, vì nếu không có anh thì sao có cái gọi là tôi. Thế giới này gọi là thế giới vì có tôi và có anh trong đó, vì nếu không có tôi và anh trong đó thì làm sao biết rằng có thế giới. Bóng tối có được là vì có ánh sáng và ngược lại ánh sáng hiện hữu là do có bóng tối. Vì nếu lúc nào cũng sáng thì cái tên gọi ánh sáng chẳng có ý nghĩa gì và ngược lại lúc nào cũng không có ánh sáng thì chữ bóng tối cũng không gây nên một ý niệm gì. Vì thế mà nói tất cả đều là huyễn mộng và không có tự tánh. Tất cả đều là quy ước và đều chỉ là sự chuyển hiện từ chân tâm khi bị vọng niệm làm vẩn đục ví như nước sông bị đục ngầu vì đất bùn dấy động.

Tất cả những giả dối, những huyễn ảo biến hiện của tâm thức cứ chuyển biến tiếp diễn không ngừng, vật chiếu soi trở thành bị chiếu soi, năng thành sở, sở thành năng; được tô đậm và hằn sâu vào nơi A lại da thức khiến chúng không phải thật mà được nhận biết là thật có, không có bản ngã mà thấy là có bản ngã, sát na sanh diệt và không có tự tánh mà tưởng là thường còn và có thật thể.

Không những thế mà cảnh giới đới chất đó nhiều khi còn bị bao trùm thêm bởi những mê lầm do sự tán loạn thần kinh khi quá mong cầu hay khi quá sợ hãi, khi tưởng tượng và xét đoán sai lầm. Thí dụ như khi đi trong đêm tối ở nơi hoang vắng, có thể vì sợ hãi mà nhìn lầm sợi dây thành con rắn hoặc bóng cây thành ma quỷ; khi khát nước trong sa mạc, vì lòng khao khát mong cầu mà tưởng ánh nắng phản chiếu nơi xa là hồ nước. Có khi vì tu tập quá ráo riết và với một cái tâm quá mong cầu thì các hình ảnh của Tiên Nữ, các vị Trời, hay các vị Bồ Tát và đôi khi ngay cả hình ảnh của Phật và Thiên Ma cũng có thể hiện ra trong tâm khi đang thiền tập, khi ngủ mê hay khi bị hôn trầm.

Tất cả mọi hiện tuợng hình như cứ tự nhiên sanh trưởng tiếp nối một cách liên tục, ví như hạt giống nẩy mầm, tăng trưởng thành cây; cây đâm nhánh, trổ lá, nở hoa, ra trái rồi tàn tạ khiến chúng ta có cảm tưởng như mọi vật cứ tự nhiên sanh ra. Thực ra tất cả các hiện tượng trong vũ trụ đều từ tâm sanh ra và đều nương nhau mà có, cái này có thành ra cái kia có, cái này diệt thì cái kia diệt hoặc cái này sanh thì cái kia diệt và cái này diệt thì cái kia sanh, không cái gì có tự tánh riêng biệt. Tất cả đều tùy duyên, sanh trưởng, tương sanh, tương diệt, tương tục, tương tức. Không có gì là thường còn và tất cả đều bị chi phối bởimuời hai nhân duyên, bởi thành trụ hoại không và bởi sanh lão bệnh tử.

Khi nhận rõ được các pháp là không thật, là như huyễn, chỉ là những biến hiện nơi tâm thức rồi quyết tâm tu tập Thiền Quán hầu trở về với cái Chân Thật Uyên Nguyên Bản Hữu xa xưa thì lúc đó là lúc biết được con đường tu. Như đứa con bị lạc đã lâu, nay thấy được con đường trở về mái nhà xưa. Biết được như vậy gọi là kiến đạo. Bậc kiến đạo là bậc bồ tát đệ nhất địa, bậc sơ địa bồ tát, bậc đã biết được con đường phải đi và nhất quyết nguyện tu hành bất thối chuyển để đạt được giải thoát.

Từ giai đoạn kiến đạo cho đến khi được giải thoát thì hành giả phải qua 12 quả vị. Từ Sơ địa Bồ tát đến Thất địa Bồ tát; sau đó tới quả vị Bất động địa tức Bát địa Bồ tát, tương đương với quả vị A La Hán của tiểu thừa. Từ quả vị này mà tiếp tục tu trì Vô Phân Biệt Trí diệt trừ được Phiền Não Chướng và Sở Tri Chướng sẽ tiến đến Thập địa Bồ tát, rồi tới bậc Đẳng Giác. Tới địa vị Đẳng Giác rồi tiếp tục tu trì, khởi được Kim Cương Dụ Địnhthì đạt tới bậc Cứu Cánh Diệu Giác tức là thành Phật.

Khi này thì Tiền ngũ thức chuyển thành Thành Sở Tác Trí, Ý thức thành Diệu Quan Sát Trí, Mạt na thức thành Bình Đẳng Tánh Trí, A lại da thức thành Đại Viên Cảnh Trí.Lúc này cảnh giới chân thật của tánh Viên Thành Thật mới hiển bày. Tất cả mọi cảnh giới đều là Biển Trí Huệ Bát Nhã, là Chân Không Diệu Hữu, là Như Lai Tạng, là Chân Như, là Thật Tánh, là Chân Tâm thường còn viên mãn vượt khỏi tất cả ý niệm về không gian và thời gian, tất cả đều tròn đầy và vô ngại tức tất cả đều Viên Dung Vô Ngại.

Trong phẩm Ly Thế Gian của kinh Hoa Nghiêm bồ tát Phổ Hiền đã giảng giải về Viên Dung Vô Ngại như sau:

Chư Phật tử! Đại Bồ Tát có mười Vô Ngại Dung: Chúng sanh vô ngại dung, Quốc độ vô ngại dung, Pháp vô ngại dung, Thân vô ngại dung, Cảnh vô ngại dung, Thần thông vô ngại dung v.v...

Chư Phật tử! Thế nào là Quốc độ Vô ngại dung? Là đem tất cả vào một cõi, Vô ngại dung. Là đem tất cả cõi vào một lỗ chân lông, Vô ngại dung. Là một thân ngồi kiết già đầy khắp tất cả cõi, Vô ngại dung. Là trong một thân biến hiện tất cả cõi, Vô ngại dung...

Chư Phật tử! Thế nào là Thân Vô ngại dung? Là đem tất cả thân chúng sanh vào thân mình, Vô ngại dung. Là đem thân mình vào thân tất cả chúng sanh, Vô ngại dung. Là đem một thân đầy khắp tất cả pháp tam thế thị hiện cho chúng sanh, Vô ngại dung. Là một thân thị hiện vô biên thân nhập tam muội, Vô ngại dung. Là nơi một thân thị hiện thân đồng số chúng sanh thành cảnh giác, Vô ngại dung...

Chư Phật tử! Thế nào là Thần lực Vô ngại dung? Là đem bất khả thuyết thế giới vào một vi trần, Vô ngại dung. Là trong một vi trần hiện khắp pháp giới tất cả cõi Phật, Vô ngại dung. Là đem nước tất cả đại hải để vào một lỗ chân lông qua lại cùng khắp mười phương thế giới mà không làm xúc não chúng sanh, Vô ngại dung. Là đem bất khả thuyết thế giới nạp trong thân mình thị hiện tất cả việc làm do sức thần thông, Vô ngại dung. Là dùng một sợi lông buộc bất khả số núi Kim cang, núi Thiết vi cầm đi du hành tất cả thế giới chẳng làm cho chúng sanh có lòng kinh sợ, Vô ngại dung. Là đem bất khả thuyết kiếp làm một kiếp, một kiếp làm bất khả thuyết kiếp, trong đó thị hiện các sự thành hoại sai biệt mà chẳng làm cho chúng sanh có lòng kinh sợ, Vô ngại dung...

Ở đọan kinh Hoa Nghiêm trên, cần để ý là các vị Đại Bồ Tát thị hiện thần thông vô ngại dung thìø không bao giờ làm xúc não và kinh sợ chúng sanh, các vị ấy không bao giờ để lộ cho chúng sanh biết mình là Bồ tát, là mình có thần thông. Rải rác trong các kinh điển và trong các luận giải của các vị Tổ sư cho thấy rằng khi bị lộ hình tướng thì các vị Bồ tát thường chạy biến mất không để lại tung tích. Các vị chỉ thị thố thần thông để gây tín tâm sâu đậm trong chúng sanh rồi sau đó thị hiện tịch diệt, mục đích để thắp sáng ngọn đuốc Phật pháp hầu chánh pháp được duy trì dài lâu. Có vị thị hiện bay lên hư không xong ngồi kiết già hoặc trồng cây chuối để đầu xuống đất chân lên trời mà tịch diệt. Có vị để lại Chân thân bất hoại mà di tích bây giờ vẫn còn để lại như các ngài Huệ Năng, Hám Sơn và Đơn Điền tại chùa Nam Hoa bên dòng sông Tào Khê của Trung Hoa hay các ngài Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường tại chùa Đậu thuộc tỉnh Hà Tây của Việt Nam.

Để kết thúc chương này xin chép ra vài lời kệ trong kinh Hoa Nghiêm:

Tất cả quốc độ rộng vô biên

Như ảnh, như huyễn, như dương diệm

Mười phương chẳng thấy từ đâu sanh

Cũng không có chỗ đi và đến

Diệt, Hoại, Sanh, Thành xoay vần mãi

Trong cõi hư không chẳng tạm dừng

Tất cả do Nguyện lực thanh tịnh

Cũng do Nghiệp lực chỗ giữ gìn...

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]