Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Mở Đầu

06/05/201320:15(Xem: 10663)
Mở Đầu

MỞ ĐẦU ^

Xin kính lễ bậc Toàn Giác

Thế Gian Giải, Thiên Nhơn Sư

Với lòng tin bất thối chuyển

Nguyện cho bài lược giải này

Đạt được nghĩa chân thật nhất

Đem lợi lạc đến mọi người.

Giáo lý đạo Phật đặt căn bản trên hai hệ thống Nguyên Thủy và Phát Triển mà khi xưa thường gọi là Tiểu Thừa và Đại Thừa.

Hệ thống nguyên thủy dựa trên tư tưởng A tỳ đạt ma, còn hệ thống phát triển dựa trên tư tưởng Duy thức học. Cả hai đều nghiên cứu về tâm thức của con người. A tỳ đạt ma chia tâm thức ra làm 6 thức. Sáu thức đó là: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý thức. Duy thức học thì ngoài 6 thức trên còn nói đến hai thức nữa là mạt na thức và a lại da thức. A tỳ đạt ma chia tất cả các pháp ra làm 75 pháp, còn Duy thức học chia các pháp ra làm 100 pháp, gọi là Bách pháp minh môn luận.

Duy Thức Tam Thập Tụng là một tác phẩm Đại Thừa Phật Giáo gồm 30 bài kệ do Bồ tát Thế Thân trước tác. Theo đó thì tất cả các hiện tượng và ý niệm đều không thật có, chúng đều duyên khởi, do Chân Tâm bị vọng niệm quấy động mà chuyển biến và biểu hiện ra. Tánh chất chân thực của tất cả các hiện tượng và các ý niệm không thể do tri kiến thường tình mà giải thích được mà phải là sự trực nhận do kết quả của sự tu tập thiền định khi đạt được sự đột biến nội tại nơi tâm thức.

Phải có lòng tin vững chắc và sự phát tâm bất thối chuyển, nhất tâm kiên cố tu trì theo giáo lý Phật Đà cho đến khi phá tan được tất cả những vô minh vi tế nhất của phiền não chướng và sở tri chướng đã tích tập từ thuở vô thủy thì Chân Tâm mới hiển lộ và hành giả mới thâm nhập và trực nhận được thật tánh của các pháp.

Trước khi trước tác Duy Thức Tam Thập Tụng này, ngài Thế Thân đã viết A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận. Câu Xá Luận này cũng trình bầy về tâm thức nhưng theo quan niệm của Phật Giáo Tiểu Thừa, theo đó tất cả các hiện tượng và các ý niệm chỉ bao gồm trong 75 pháp.

Sau khi được người anh là Vô Trước điểm hóa, Thế Thân chuyển hướng theo Đại Thừa và trước tác nhiều tác phẩm đại thừa, chẳng hạn như: Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận, Duy Thức Nhị Thập Tụng cùng chú giải và Duy Thức Tam Thập Tụng, theo đó thì tất cả các hiện tượng và ý niệm của tam giới lục đạo gom lại thành 100 pháp.

Tác phẩm Duy Thức Nhị Thập Tụng khác với Duy Thức Tam Thập Tụng ở chỗ tác phẩm thứ nhất chỉ nhằm mục đích phá vỡ các lập luận của các phái ngoại đạo, còn tác phẩm thứ nhì thì trình bầy tất cả khía cạnh của tâm thức, hiển bầy ra cái lý nhất thiết pháp duy tâm tạo, rồi đưa ra phương pháp tu tập thiền định, nương vào hiện tướng của các pháp mà nhập được vào thể tánh Chân Như. Vì thế mà phương pháp tu tập của Duy Thức còn được gọi là tùng tướng nhập tánh.

Khi ngài Thế Thân trước tác ra Duy Thức Tam Thập Tụng, ngài chưa viết lời chú giải. Sau này có tới 10 luận sư chú giải, trong số này có các luận sư Nan Đà (Nanda), An Huệ (Sthiramati) và Hộ Pháp (Dharmapala). Nhưng hầu hết các bản chú giải này đều bị ngoại đạo ở Ấn Độ tiêu hủy. Hiện nay chỉ có bản chú giải của ngài An Huệ bằng tiếng Phạn còn lưu truyền ở Tây Tạng.

Vào khoảng tiền bán thế kỷ thứ bẩy pháp sư Huyền Trang (599-664) từ Trung Hoa sang Ấn Độ cầu pháp. Ngài đã được luận sư Giới Hiền (Silabhadra) truyền dậy về Duy Thức tại học viện Na Lan Đà (Nalanda) trong khoảng thời gian từ năm 633 đến năm 637. Ngài Giới Hiền khi xưa là đệ tử của ngài Hộ Pháp, lúc ấy đã trên 100 tuổi và là một luận sư nổi tiếng về Duy Thức.

Sau khi tham học bên Ấn Độ được 16 năm (629-645) trở về Trung Hoa, ngài Huyền Trang đã phiên dịch, chú giải và trước tác rất nhiều kinh luận Đại Thừa, trong đó có Thành Duy Thức Luận, chú giải 30 bài tụng về Duy Thức của bồ tát Thế Thân.

Các chú giải của pháp sư Huyền Trang về Thành Duy Thức Luận là tập hợp những chú giải của các luận sư nổi tiếng khi xưa nhưng phần chính là dựa trên chú giải của ngài Hộ Pháp.

Vì muốn làm hiển lộ thật tướng của Chân Tâm, một việc mà không có một ngôn từ nào có thể diễn tả được, nên Duy Thức Học đã phải tạm đặt ra các danh từ mới để đặt tên cho các hiện tượng, khái niệm cùng tánh chất của tất cả các pháp, rồi từ đó lý giải ra cái chân lý rốt ráo của đạo Phật. Các danh từ dùng trong Duy Thức đều rất trừu tượng và mới lạ. Các danh từ nầy lại bắt nguồn từ tiếng Phạn, rồi lại được chuyển dịch ra tiếng Trung Hoa nên môn Duy Thức Học càng trở nên khó khăn và rắc rối.

Cuốn Duy Thức Tam Thập Tụng Lược Giải nầy được trình bầy theo lối huân tập nhằm cho những người mới nghiên cứu về Duy Thức làm quen được với những danh từ và những lý luận mới lạ của Duy Thức.

Khi nghiên cứu về Duy Thức, xin cứ thong thả để ý kỹ từng danh từ và những giải thích về ý nghĩa của các danh từ đó. Nếu thấy vẫn còn chưa nắm vững xin cứ tiếp tục đọc, các vấn đề đó sẽ được lập lại và từ từ sẽ được thông suốt.

Cuốn lược giải này được viết dựa theo các tác phẩm về Duy Thức của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, Thiền Sư Nhất Hạnh. Có nhiều đoạn đã được lấy ở tác phẩm Lăng Nghiêm Ảnh Hiện và Lăng Kính Đại Thừa của Giáo Sư Nghiêm Xuân Hồng. Cũng có nhiều phần dựa vào các băng giảng về các kinh Lăng Nghiêm, Hoa Nghiêm và Lăng Già Tâm Ấn của Thiền Sư Thanh Từ cùng các băng giảng về Duy Biểu Học của Thiền Sư Nhất Hạnh. Tuy nhiên không phải vì vậy mà kiến giải ở đây hoàn toàn giống những kiến giải trong các tác phẩm và băng giảng nêu trên. Sự khác biệt này không phải để bàn luận đúng và sai mà chỉ muốn được ghi lại những kiến giải về Duy Thức Học của một cá nhân trong thời điểm này. Tuy nhiên mọi sự phê bình và chỉ dẫn đều được hoan hỷ đón nhận.

Đặc biệt xin đa tạ giáo sư Nghiêm Xuân Hồng đã hoan hỷ cho phép tùy nghi trích dẫn và sao chép lại các đoạn văn trong các tác phẩm của giáo sư.

Mục đích của cuốn Lược Giải này là muốn làm một chiếc bè nhỏ để tạm đưa quý vị lênh đênh trên dòng sông Duy Thức. Nếu đã tắm mình trên dòng sông đó rồi thì xin đừng để ý gì đến chiếc bè nhỏ này. Cũng xin đừng mê mẩn mãi trong dòng sông đó mà quên đi sự tu trì hầu quay về được với Chân Tâm.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Viết tại tu viện Long Beach

Long Beach, CA, USA.

Mùa thu năm 1995.

Thích Trí Châu

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]