Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương IX: Sự vượt thoát ra khỏi thế giới

06/05/201316:18(Xem: 11131)
Chương IX: Sự vượt thoát ra khỏi thế giới
BUDDHADASA - Quyển Sách Cho Nhân Loại
Tóm Lược Đạo Pháp Của Đức Phật


Chương IX: Sự Vượt Thoát Ra Khỏi Thế Giới

Hoang Phong
Nguồn: Hoang Phong chuyển ngữ


Phép thiền định vipassanâ là một phép luyện tập tâm thức nhằm mục đích nâng tâm thức lên một cấp bậc cao hơn, hầu giúp nó vượt thoát khỏi mọi khổ đau. Tâm thức nhờ vào sự hiểu biết minh bạch rằng không có gì đáng để thèm muốn, sẽ tự loại bỏ được mọi khổ đau; nhờ đó ta cũng sẽ không còn bị các vật thể của thế giới lôi cuốn vào những sự bám víu và ghét bỏ khác. Khi tâm thức đã nắm vững được sự hiểu biết siêu việt ấy thì sẽ vượt lên được các điều kiện trói buộc của con người và đạt được một cấp bậc mà người ta gọi là "lãnh vực siêu-thế-tục" (lokuttara-bhûmi).

Muốn hiểu được lãnh vực siêu-thế-tục là gì thì trước hết phải hiểu được những gì trái ngược lại với nó, tức đấy là lãnh vực thế-tục (lokiya-bhûmi). Lãnh vực thế-tục bao gồm tất cả các cấp bậc mà nơi đó tâm thức còn có thể bị chi phối bởi các thứ vật thể của thế giới (ngũ uẩn và mọi hiện tượng trong thế gian này). Nói một cách ngắn gọn thì thế giới gồm có ba cấp bậc là: cấp bậc của giác cảm (kâmâvacara-bhûmi) tức là cấp bậc mà tâm thức tìm thấy sự thỏa mãn qua các thứ thích thú đủ mọi loại; cấp bậc hình tướng (rûpavacara-bhûmi) là cấp bậc mà tâm thức chán ghét các đối tượng giác cảm, tuy nhiên vẫn còn tiếp tục tìm thấy sự thỏa mãn qua các thể dạng khác nhau của sự tập trung hướng vào các đối tượng hình tướng; và sau cùng là cấp bậc vô-hình-tướng (arûpavacara-bhûmi), là cấp bậc cao nhất của tâm thức khi nó tìm thấy sự thỏa mãn với những gì tuyệt hảo và sự an bình mang lại từ sự tập trung vào các đối tượng khác hơn là hình tướng (trên đây là cách định nghĩa của đại sư Buddhadasa về "tam giới" : dục-giới, sắc-giới, và vô-sắc-giới, và chúng ta thấy rằng đại sư Buddhadasa quan niệm đấy là ba thể dạng bên trong tâm thức và không phải là ba cõi thuộc bên ngoài con người như người ta thường hiểu). Hầu hết tất cả chúng sinh đều thuộc vào ba cấp bậc tâm thần ấy. Dù đấy là con người, thiên nhân, các vị trời, thú vật hay chúng sinh nơi địa ngục, thì tất cả đều gồm chung trong ba cấp bậc thế tục ấy. Tâm thức của một chúng sinh có thể luân phiên trú ngụ hoặc trong cấp bậc này hoặc trong một cấp bậc khác trong số ba cấp bậc trên đây; đấy không phải là một chuyện không thể xảy ra được, mà thật ra đấy là những gì thật tự nhiên (thí dụ ta đang bị hận thù và giận dữ xâm chiếm thì tâm thức ta thuộc vào cấp bậc dục giới của giác cảm đơn thuần - chẳng hạn như hàng thú vật - , nếu ta phát lộ được lòng nhân từ và tìm thấy sự thanh thản và an bình thì tâm thức ta lại chuyển sang cấp bậc của cõi hình tướng chẳng hạn - sắc giới -, cũng nên hiểu thêm là thể dạng vô sắc giới thì khó hơn nữa). Thật vậy trên bình diện tổng quát, ta luôn có xu hướng rơi vào cấp bậc giác cảm thiếu sự tập trung một cách thật tự nhiên, bởi vì thông thường tâm thức con người luôn bị tác động và ảnh hưởng bởi những thứ thích thú mang lại từ màu sắc, hình tướng, âm thanh, mùi, vị và sự đụng chạm thân xác. Tâm thức chỉ có thể thoát khỏi được những sự thu hút ấy trong một vài trường hợp thật hiếm hoi để cảm nhận được sự bình lặng và phúc hạnh phát sinh từ sự tập trung vào các hình tướng hay các thể dạng vô-hình-tướng (các đối tượng vật chất hay phi-phật-chất) - tất cả tùy thuộc vào sức mạnh tập trung của tâm thức.

Vì thế, tâm thức của một cá thế bất cứ lúc nào cũng có thể rơi vào một trong ba cấp bậc tập trung trên đây (vì thế càng chủ động - tức giữ vững được tâm thức - thì ta sẽ càng ít bị chuyển đổi từ cấp bậc này sang cấp bậc khác, nếu không thì tâm thức sẽ luân phiên chuyển đổi hết cấp bậc này sang cấp bậc khác như một chiếc chóng chóng). Tại Ấn Độ, vào thời kỳ của Đức Phật, cách tu tập giúp phát huy các cấp bậc tâm thức xảy ra thông thường hơn, bởi vì vào thời đó khắp nơi trong nước luôn có nhiều người ẩn cư trong rừng để mong cầu tìm được sự an bình và hạnh phúc tương quan với các cấp bậc tập trung mà họ thực hiện được. Trái lại ngày nay tìm được những người như thế quả thật hết sức khó khăn, dù rằng trên thực tế thì bất cứ một con người bình dị nào cũng đều hàm chứa một khả năng giúp mình đạt được các cấp bậc ấy. Thí dụ nếu một người trong thế gian này cảm nhận được niềm hân hoan tối thượng của sự tập trung vào hình tướng thì "thế gian" đối với người ấy sẽ thu nhỏ dưới thể dạng đó (tức cõi sắc giới), bởi vì hắn không còn ý thức được bất cứ thứ gì khác hơn (thí dụ một con người - tức thuộc cõi dục giới - cảm nhận được niềm phúc hạnh bằng sức mạnh tập trung vào các đối tượng hình tướng - sắc - thì tâm thức sẽ chuyển vào cấp bậc cao hơn tức là cõi sắc giới). Trong những lúc ấy và đối với người ấy thì "thế gian" chỉ là như thế và sẽ tiếp tục giữ nguyên như thế cho đến lúc mà tình trạng tâm thức của người ấy chuyển đổi khác đi (tức có thể vượt lên cõi vô-sắc-giới hoặc tụt xuống cõi dục-giới. Xin mạn phép nhắc lại đây là một quan điểm rất duy lý và khoa học khá đặc thù của đại sư Buddhadhasa cho rằng "luân hồi" là một sự "chuyển đổi" các thể dạng tâm thức, không cần phải có đức tin tôn giáo về sự tái sinh và các "cõi hiện hữu khác nhau" - tức tam giới - mới có thể giải thích được hiện tượng luân hồi).

Ngay cả trường hợp một người sống trong một cấp bậc thuộc vào một trong ba cấp bậc trên đây đạt được sự yên lặng và thanh thản giúp người ấy duy trì được sự bất động tương tự như một khối đá hay một khúc cây, thế nhưng sự ham muốn và bám víu vào cái ngã vẫn còn luôn hiện hữu nơi người ấy (có nghĩa là người ấy chưa đạt được sự giải thoát thật sự). Ngoài ra bên trong con người ấy vẫn còn hàm chứa đủ mọi thứ ham muốn, kể cả dưới những hình thức thật tinh tế - chẳng hạn như thể dạng thanh thản mà hắn đang có bỗng biến mất mang lại cho hắn sự thất vọng, và sự thất vọng đó sẽ thúc đẩy hắn tìm kiếm một thể dạng thanh thản khác. Sự ham muốn muốn được thay đổi ấy sẽ tạo ra nghiệp, và như thế có nghĩa là người ấy chưa vượt thoát khỏi thể dạng thế tục, tức là chưa đạt được lãnh vực siêu-thế-tục.

Tâm thức khi đã đạt được lãnh vực siêu-thế-tục sẽ vượt khỏi thế giới. Tâm thức đó sẽ xem thể dạng thế-tục không hàm chứa một thực thể nào cả, không mang một cái ngã nào hay một thực chất nào cả (trống không), và tất nhiên là nó sẽ không còn màng đến thể dạng thế-tục ấy nữa. Các sinh linh sống trong lãnh vực siêu-thế-tục đó sẽ được phân chia thành bốn cấp bậc khác nhau trên Con Đường và Quả mang lại từ Con Đường đó. Bốn cấp bậc ấy là: 1) cấp bậc thuộc "Những Ai đã hội nhập vào được dòng chảy" (sotâpanna, còn gọi là "Dư lưu" tức là cấp bậc thánh nhân thấp nhất và sẽ còn tái sinh); 2) cấp bậc thuộc "Những Ai chỉ còn quay lại một lần cuối cùng" (sakadâgami - "Nhất lai", có nghĩa là còn quay lại thế gian này thêm một lần nữa); 3) cấp bậc của "Những Ai không còn quay lại nữa" (anâgâmi - "Bất lai"); 4) cấp bậc của những "Vị Viên Mãn hay A-la-hán". Lãnh vực thuộc bốn thể loại chúng sinh Cao Quý đó còn gọi là thánh nhân (aryans) được mệnh danh là "siêu-thế-tục". "Siêu-thế-tục" có nghĩa là thuộc vào "bên trên thế giới" và dùng để chỉ định một thể dạng tâm thức, không phải để chỉ định thân xác. Thân xác có thể thuộc vào bất cứ một nơi nào, chỉ cần là các điều kiện sinh sống đủ thích nghi (đủ để duy trì cho thân xác ấy, tức có nghĩa là một người sống trong chùa, trong chốn đô hội hay trong một nơi hoang vắng đều có thể trở thành một thánh nhân - aryan - trong lãnh vực siêu-thế-tục). Thuật ngữ "siêu-thế-tục" chỉ đơn giản dùng để chỉ định một tâm thức vượt lên trên thế giới. Thế giới bên dưới - chẳng hạn như địa ngục tức chốn đọa đày, hoặc là những nơi mang đầy khổ đau, buồn phiền và nô lệ - thì đơn giản không phải là thế giới của các vị thánh nhân (aryan).

Các tiêu chuẩn dùng để phân biệt bốn cấp bậc trong lãnh vực siêu-thế-tục được căn cứ vào các thứ nọc độc tâm thần đang được loại bỏ. Đức Phật phân chia các thứ nọc độc còn tồn lưu trong bốn cấp bậc này thành ra mười thể loại và gọi đấy là những thứ gông cùm (samyojana). Mưới thứ gông cùm ấy xiềng xích con người và tất cả chúng sinh vào lãnh vực thế-tục của thế giới. Khi nào có thể khởi sự nới lỏng được các thứ gông cùm đó để tự giải thoát cho mình thì tâm thức cũng sẽ theo đó dần dần thoát ra khỏi cảnh giới của thế tục. Khi nào tự giải thoát hoàn toàn được cảnh giới đó thì ta cũng sẽ "vượt lên trên thế giới" và thường trú trong lãnh vực siêu-thế-tục.

Ô nhiễm thứ nhất (gông cùm thứ nhất) trong số các thứ ô nhiễm tâm thần thật tinh tế đó là sự tin tưởng vào một cái ngã (sakkâya-ditthi): tức là ý nghĩ cho rằng thân xác và tâm thức này là một "cái tôi". Đấy là một sự sai lầm, một sự hiểu biết lệch lạc phát sinh từ sự bám víu vào ý nghĩ "tôi là thế này". Do đó những người bình dị thường không đủ sức ý thức được bản chất đích thật của thân xác và tâm thức là gì, nên họ không suy nghĩ gì cả và cứ cho rằng "mình là như thế này". Đối với họ thì hết sức hiển nhiên là thân xác và tâm thức tạo ra một "cái tôi" hay chính là "tôi". Cái ý nghĩ phát sinh từ bản năng đó bám rễ quá sâu nên chẳng có ai tỏ ra nghi ngờ gì nữa. Thật thế bản năng sinh tồn (hay tự bảo vệ lấy chính mình - instinct de préservation / self preservation) là những gì giúp duy trì sự sống, tìm kiếm thức ăn và truyền giống. Thế nhưng những gì mà chúng ta gọi là "sự tin tưởng vào cái ngã" phải được hiểu theo ý nghĩa thô thiển nhất của nó, tức là một thứ nguyên nhân đưa đến sự ích kỷ. Đấy chính là chiếc gông thứ nhất trong số tất cả các chiếc gông khác, do đó phải cởi bỏ được nó trước khi nghĩ đến việc tháo bỏ các chiếc gông khác.

Chiếc gông thứ hai là sự nghi ngờ (vicikicchâ), đấy là nguyên nhân mang lại sự do dự và thiếu quả quyết. Hệ trọng hơn hết là sự nghi ngờ đối với việc tu tập giúp đưa đến sự giải thoát khỏi khổ đau; sự nghi ngờ đó phát sinh từ sự thiếu hiểu biết về hiệu quả mang lại từ phép tu tập nói đến trên đây: đấy là cách tự hỏi là việc tu tập ấy có đúng là thích nghi với tôi hay không? Tôi có đủ khả năng để thực hiện việc ấy hay không? Có phương pháp nào khác hơn giúp thực hiện được việc ấy hay không? Phương pháp ấy có hiệu quả hay không? Có đúng là Đức Phật đã đạt được Giác Ngộ hay không? Có đúng Đức Phật đã loại bỏ được khổ đau cho mình hay không? Giáo huấn và phương pháp do Đức Phật đưa ra có thật sự loại trừ được khổ đau hay không? Những người tu hành trong Tăng Đoàn có thật sự đạt được sự giải thoát khỏi khổ đau hay không?

Cội rễ của nghi ngờ chính là vô minh. Nếu như ta có thể kể chuyện những gì xảy ra trên mặt đất cho một con cá sống dưới nước nghe thì nhất định là nó sẽ không tin gì cả, họa chăng có tin thì nó cũng chỉ tin được một tí gì đó mà thôi. Đối với chúng ta đang bị chìm đắm trong một thế giới sắc dục thì chúng ta nào có khác gì với những con cá sống trong nước, vì thế nếu có ai nói với chúng ta về chuyện vượt lên trên sắc dục và thế giới thì chúng ta cũng sẽ chẳng hiểu tí gì cả. Cứ cho rằng chúng ta hiểu được một phần nhỏ nào đó đi nữa thì chúng ta lại đâm ra nghi ngờ những thứ ấy. Cách suy nghĩ như thế thật hết sức tự nhiên. Thế nhưng khi phải suy nghĩ hướng vào một cấp bậc cao hơn thì tất nhiên sẽ làm phát sinh ra một tình huống khác: sự đối chọi giữa một cấp bậc suy nghĩ cao và một cấp bậc suy nghĩ thấp hơn tất sẽ làm nảy sinh ra sự do dự và nghi ngờ (trong trường hợp ta đã quen suy nghĩ một cách bình thường, bỗng dưng nếu bắt buộc phải suy nghĩ cao hơn thì tất nhiên sẽ khó cho ta tránh khỏi sự hoang mang và do dự). Nếu năng lực của tâm thức còn kém thì cấp bậc thấp của tư duy sẽ thắng thế. Sự nghi ngờ và do dự liên quan đến cái tốt luôn hiện hữu một cách kinh niên và dai dẳng trong mỗi con người chúng ta từ lúc vừa sinh. Đối với một người không được hưởng một sự giáo dục đầy đủ thì đấy là một căn bệnh rất thông thường. Chúng ta cần phải sử dụng phép nội quán để tìm hiểu xem sự do dự mang lại những hậu quả tiêu cực trầm trọng như thế nào, và cũng để thấy nó thường xuyên xảy ra với các công việc và trong cuộc sống thường nhật của chúng ta, thường xuyên đến độ có thể khiến cho chúng ta nghi ngờ cả cái tốt, cả sự thật và biết đâu kể cả sự giải thoát khỏi khổ đau.

Chiếc gông thứ ba là dị đoan (sîlabbataparâmâsa) hay là sự bám víu vào các nghi thức và lễ lạc phát sinh từ sự thiếu hiểu biết về nguồn gốc phi lý của những thứ ấy. Nhất thiết đấy chỉ là một sự bám víu sai lầm vào những gì mà người ta thường đem ra thực thi, liên quan đến các thứ giáo điều và nghi lễ. Hãy nêu lên một thí dụ điển hình về sự dị đoan mà đôi khi còn có thể xảy ra cho cả những người Phật Giáo nữa, đấy là sự tin tưởng vào ma thuật và lễ bái. Chủ tâm tìm kiếm một sức mạnh mang tính cách thần bí và tâm linh hay các thứ sức mạnh hộ trì khác là một hành động hoàn toàn sai lầm và phi lý. Xin nêu lên một thí dụ khác liên quan đến việc thệ nguyện giữ giới - đấy thật ra là cách giúp phát huy một thái độ đạo đức nhằm loại trừ các thứ ô nhiễm làm cho tâm thức bị u mê - thế nhưng có người lại tin là việc ấy sẽ mang lại cho mình một sức mạnh kỳ diệu có thể tẩy xóa được các thứ ô nhiễm. Thật ra thì đấy chỉ là cách để họ bám chặt vào các đối tượng, chiếm giữ lấy chúng, và sau cùng thì sẽ gặt hái được những gì hoàn toàn trái ngược lại với sự mong đợi của họ (giữ giới là cách giúp mình hành xử một cách đúng đắn, không phải là một phương tiện giúp mang lại một sức mạnh thiêng liêng). Hành động giữ giới tự nó là một sự hoàn hảo, thế nhưng nếu ta không đủ sức để hiểu và cứ bám vào nó một cách phi lý, xem nó như một thứ gì mầu nhiệm và thiêng liêng thì nó sẽ trở thành một thứ dị đoan không hơn không kém. Cũng thế nếu ta nguyện giữ giới với hy vọng được tái sinh dưới thể dạng thiên nhân chẳng hạn, thì nhất định đấy chỉ là một hình thức bám víu vào các nghi thức và lễ lạc, đi ngược lại với giáo lý nhà Phật. Những thứ tin tưởng đại loại như thế sẽ làm ô nhiễm cách hành xử đúng ra rất là đạo đức trên tất cả mọi phương diện. Mục đích của giới luật Phật Giáo là loại bỏ những thứ ô nhiễm thô thiển trên thân xác (các hành động sai trái) và ngôn từ, hầu thiết đặt một nền móng giúp thực hiện sự tập trung và quán thấy sâu xa - thế nhưng tuyệt nhiên không phải đấy là cách giúp tái sinh vào cõi thiên đường! Động cơ thúc đẩy hoàn toàn sai lầm đó chỉ làm ô nhiễm và vấy bẩn cả giá trị đạo đức của chính mình dưới hình thức của sự bám víu và sắc dục, và cả các khái niệm lầm lẫn khác. Nếu thực thi bố thí, giữ gìn giới luật đạo đức, hoặc thiền định mà còn mang các ý nghĩ lệch lạc đi ra ngoài mục tiêu đích đúng thật của những thứ ấy thì tất nhiên đấy chỉ là tình trạng đi lạc hướng trên Con Đường mà Đức Phật đã chỉ dẫn cho chúng ta.

Phải ý thức được là sự tu tập Phật Giáo tự nó cũng có thể biến thành dị đoan nếu nó kết hợp với những thứ hiểu biết lệch lạc và với sự ước mong đạt được một sức mạnh thần bí. Thật vậy những thứ lặt vặt như thế vẫn thường thu hút được phần đông chúng ta, khiến cho chúng ta cũng cứ muốn thử xem ra sao, thí dụ như những bài hát mang tính cách nghi lễ, các hành động (có tính cách bày vẽ và ngoạn mục) để được mọi người khen ngợi, và vô số các thứ khác nữa đại loại như thế... Nếu nghi lễ được tổ chức bằng cách dâng cơm và bánh ngọt trước ảnh tượng của Đức Phật và nghĩ rằng "hương linh" của Đức Phật sẽ thụ hưởng những thứ ấy, thì chắc chắn một trăm phần trăm là tác động mang lại sẽ trái ngược hẳn với những gì mà mình mong đợi (thay vì phải phát huy trí tuệ thì đấy chỉ là cách làm gia tăng thêm tình trạng vô minh, mê tín và dị đoan của mình). Thái độ đó đi ngược lại với mục tiêu đích thật, thế nhưng lại rất phổ biến trong các giới Phật Giáo, thật quả đấy là những gì hết sức là phi lý. Chính vì thế mà sự tu tập nguyên thủy thật đẹp và đúng đắn đã bị một số người vì vô minh đã làm cho nó bị ô nhiễm. Tóm lại thì đấy là những gì gọi là dị đoan.

Như chúng ta đã thấy, ô nhiễm bắt nguồn từ vô minh và từ sự hiểu biết sai lầm về mọi sự vật. Hầu hết chúng ta đều chất chứa những thứ tin tưởng mang tính cách cá nhân về các thứ sức mạnh thần bí, thật ra thì chỉ vì chúng ta không may học hỏi được những gì không đúng và bị ảnh hưởng bởi một môi trường sai lầm. Có lẽ trong giai đoạn này cũng không nên khai triển chi tiết hơn về vấn đề này vì có thể là vô ích. Thật vậy, những chuyện như thế dù có thể làm cho chúng ta khó chịu, thế nhưng mỗi người trong chúng ta cũng nên tự xét lấy mình về vấn đề này bằng cách nhìn vào những gì được trình bày trên đây.

Khi một người nào đó đã loại bỏ được ba thứ chướng ngại - tin vào một "cái tôi", sự nghi ngờ và dị đoan - thì có thể bảo rằng người ấy đã đạt được cấp bậc thứ nhất trong lãnh vực siêu-thế-tục, tức có nghĩa là người ấy đã trở thành "Người đang bước vào dòng chảy". Nếu muốn từ bỏ hoàn toàn ba thứ gông cùm hay "nọc độc tâm thần" trên đây thì thật ra cũng không phải khó khăn gì cho lắm, vì đấy chỉ là những thuộc tính thô sơ nhất phát sinh từ các thời đại bán khai mà con người lúc đó chưa được tiến hóa lắm. Bất cứ ai cố gắng tìm hiểu và thăng tiến một cách đúng đắn đều hiểu rằng phải loại bỏ ba thứ chướng ngại đó để giúp mình trở thành một vị thánh nhân (aryan); ngược lại, nếu đấy là một người còn vướng mắc trong vô minh và ảo giác, và nếu sử dụng một thuật ngữ thật chính xác để chỉ định người ấy thì có thể bảo người ấy là một người thuộc vào thế giới (pythujjana), tức là một người mà con mắt nội tâm bị một tấm dải bịt mắt quấn thật chặt.

Khi người nào tẩy xóa được các thứ ô nhiễm trên đây thì tâm thức của người ấy sẽ cởi bỏ được các gông cùm của thế gian. Cá thể ấy sẽ được giải thoát khỏi vô minh và ảo giác, chính đấy là những gì tỏa bóng che lấp cả sự thật và trói buộc tâm thức mình vào thế giới. Loại bỏ được chúng tức là bỏ lại phía sau ba thứ gông cùm và ba dải buộc mắt, hầu tự giải thoát cho mình ra khỏi sự kiềm tỏa của chúng để vượt lên trên thế giới và ra bên ngoài thế giới, giúp mình bước vào cấp bậc thứ nhất của lãnh vực siêu-thế-tục. Người ta bảo rằng một người như thế là một thánh nhân (aryan) thuộc vào cấp bậc thứ nhất, một người vừa "bước vào dòng chảy", tức là lần đầu hội nhập vào con sông chảy xuôi về hướng Niết-bàn. Điều đó không có nghĩa là đạt được cấp bậc ấy thì đương nhiên sẽ đạt đến Niết-bàn vào một ngày nào đó trong tương lai. Người ấy chỉ mới đạt được con sông chảy về hướng Niết-bàn, nhưng chưa phải là Niết-bàn, thế nhưng dòng nước ấy là một con sông chảy thẳng vào Niết-bàn, xuôi dòng về hướng Niết-bàn, tương tự một dòng nước của một con sông đổ vào biển cả. Dù sao thì cũng phải còn nhiều thời gian cho một tâm thức sau khi đã hội nhập được vào "dòng chảy" có thể đến được cõi Niết-bàn vào một ngày nào đó (xin chú ý cách dùng chữ trong câu này: tâm thức đến được cõi Niết-bàn, không phải là một con người đến được với Niết-bàn).

Bước được vào cấp bậc thứ hai của lãnh vực siêu-thế-tục chẳng những chỉ có nghĩa là đã loại bỏ được ba thứ gông cùm (cái ngã, sự nghi ngờ và dị đoan) như đã được trình bày trên đây, mà còn phải làm giảm bớt thêm một số thể dạng bám víu, thèm muốn và vô minh, giảm xuống đến độ có thể giúp cho tâm thức vượt lên cao hơn nữa và nó chỉ còn bám víu rất ít vào sắc dục. Theo truyền thống thì người ta bảo rằng một người như thế chỉ còn quay lại thế giới này thêm một lần nữa mà thôi, vì thế mà người ta gọi đấy là "Người chỉ quay lại thêm một lần" bởi vì nơi người ấy chỉ còn rơi rớt lại một chút dấu vết thật nhỏ của sự bám víu vào thế giới này. Nếu người ấy phải quay trở lại thế giới giác cảm của chúng sinh dưới thể dạng con người thì đấy cũng chỉ là một lần sau cùng, bởi vì sự bám víu, ham muốn và vô minh dù vẫn còn đấy thế nhưng đã được giảm thiểu rất nhiều.

Cấp bậc thứ ba là cấp bậc của những "Người không còn quay lại nữa". Vào cấp bậc này thì ngoài một số ô nhiễm tâm thần mà vị thánh nhân (aryan) đã loại bỏ được hầu giúp họ trở thành "Người chỉ quay lại thêm một lần" trong cấp bậc trước đây thì còn có thêm hai thứ gông cùm khác nữa cần phải loại bỏ, đấy là gôm cùm thứ tư và gông cùm thứ năm. Gông cùm thứ tư là sự ham muốn giác cảm, và gông cùm thứ năm là sự tiêu cực (đau buồn, phiền não - négativité / ill will). Đối với "Người bước được vào dòng chảy" cũng như "Người chỉ còn quay lại một lần" thì cả hai đều chưa hoàn toàn loại bỏ được sự ham muốn sắc dục: một vài vết tích nhỏ của sự thích thú trước các đối tượng quyến rũ vẫn còn lưu lại nơi họ, dù cho họ không còn tin vào cái ngã nữa và cũng đã loại bỏ được sự nghi ngờ và dị đoan. Tuy nhiên họ vẫn chưa hội đủ khả năng để hoàn toàn từ bỏ được sự bám víu vào những gì mang tính cách lôi cuốn của giác cảm, và một vài tàn tích vẫn còn sót lại. Trái lại, đối với một vị thánh nhân (aryan) thuộc vào cấp bậc thứ ba, tức không còn quay lại nữa, thì người này đã hoàn toàn loại bỏ được các thứ ấy, tuyệt nhiên không còn một dấu vết nào lưu lại. Đối với các thứ nọc độc mang lại sự tiêu cực, gồm tất cả các thứ cảm tính của sự giận dữ và oán hận, thì người này cũng đã tẩy xóa được gần hết trước đây khi còn trong cấp bậc của "Người chỉ còn quay lại một lần", khi bước sang cấp bậc thứ ba của "Người không còn quay lại nữa" thì các tàn tích còn tồn lưu ấy cũng sẽ được tẩy xóa hết. Tóm lại là người này đã loại trừ được sự thèm muốn sắc dục và cả sự tiêu cực.

Sự ham muốn nhục dục hay sự bám víu vào giác cảm đã được trình bày trong chương thứ IV. Đấy là một thứ u mê dai dẳng, ăn sâu vào tâm thức, tương tự như là một thành phần tạo ra chính tâm thức. Thật hết sức khó cho một người bình thường hiểu được những thứ ấy là gì để mà loại bỏ nó. Tất cả, tuyệt đối tất cả, đều có thể trở thành đối tượng của sự ham muốn: màu sắc, hình tướng, âm thanh, mùi, vị, và các vật thể sờ mó được thuộc đủ thể loại, tất cả đều là đối tượng của giác cảm (kâma - tham dục, ái dục, sắc dục). Thể dạng bám víu của tâm thức sẽ hiện ra dưới hình thức của sự thỏa mãn và chính đấy là sự ham muốn sắc dục (kâma-râga - désir sensuel / sensual desire / dục lạc. Sự ham muốn nhục dục phát lộ từ tất cả sáu cơ quan giác cảm).

Những gì mà chúng ta gọi là sự tiêu cực thì đấy có nghĩa là phản ứng của tâm thức khi nó cảm thấy một sự bất toại nguyện. Khi nào có sự toại nguyện thì sẽ có sự thèm muốn sắc dục dục; khi nào có sự bất toại nguyện thì sẽ có sự tiêu cực xảy ra. Tâm thức của hầu hết tất cả mọi con người đều lệ thuộc vào hai thể dạng ấy. Ta cũng có thể phát lộ cảm tính tiêu cực cả đối với các vật thể bất động, và nguy hiểm hơn nữa là ta cũng có thể trở nên bất mãn với những gì mà chính ta sáng tạo ra, và đấy là những thứ được hình thành từ trong tâm thức của ta. Khi ta cảm thấy giận dữ và hận thù thì đấy có nghĩa là sự tiêu cực đã được đẩy đi quá xa. Tất cả các vị thánh nhân (aryan) từ cấp bậc thấp cho đến cấp bậc của những "Người không còn quay lại nữa", đều đã loại bỏ được những thứ ấy với mức độ tương quan với thể dạng của mình. Mức độ tiêu cực mà vị thánh nhân (aryan) trong cấp bậc thứ ba phải loại bỏ chỉ còn là một thứ phản ứng thật tinh tế hiện ra trong tâm thức, tinh tế đến độ rất ít khi thoáng hiện ra bên ngoài. Nhất thiết đấy chỉ là một sự bấn loạn nội tâm và hoàn toàn không hiện ra trên nét mặt, sự bấn loạn ấy chỉ hiện ra bên trong như một sự bất toại nguyện, một sự bực dọc hay khó chịu trước một người nào đó hay một thứ gì đó không đáp ứng được sự mong đợi của mình. Hãy hình dung ra một con người đã hoàn toàn loại bỏ được sự tiêu cực thì ta cũng sẽ hiểu ngay đấy là một con người ngoại lệ như thế nào, và đáng kính như thế nào.

Năm thứ "gông cùm" mà chúng ta vừa trình bày trên đây đã được Đức Phật xem là những gì phải loại bỏ trước tiên: tin vào một cái ngã, sự nghi ngờ, dị đoan, sự thèm muốn sắc dục, và sự tiêu cực. Các vị thánh nhân (aryan) trong cấp bậc thứ ba đều loại bỏ hoàn toàn được tất cả những thứ này. Vì không còn vướng mắc trong sự thèm muốn sắc dục nữa nên các vị thánh nhân (aryan) trong cấp bậc thứ ba sẽ không còn bao giờ quay lại dưới thể dạng hiện hữu bằng giác cảm nữa, do đó tên gọi của những vị này là những "Người không còn quay lại nữa". Duy nhất những gì còn tồn lưu nơi họ là sự chuyển động hướng về phía trước, đưa đến thể dạng A-la-hán và cõi Niết-bàn, sự tồn lưu ấy thật tối thượng và không liên quan gì cả với sắc dục. Tóm lại đối với năm thứ chướng ngại thì chỉ có vị A-la-hán thuộc cấp thánh nhân (aryan) thứ tư là có thể loại trừ hoàn toàn mà thôi.

Gông cùm thứ sáu là sự bám víu vào những thứ thú vị liên quan đến các thể dạng của sự tập trung hướng vào hình tướng (rûpa-râga). Các vị thánh nhân (aryan) thuộc vào ba cấp bậc đầu tiên chưa đủ khả năng loại bỏ được sự bám víu vào sự thích thú và tĩnh lặng liên quan đến sự tập trung thật sâu về hình tướng, và họ chỉ có thể loại bỏ được hết những thứ này khi nào họ đạt được cấp bậc cuối cùng là cấp bậc của vị A-la-hán. Thể dạng tập trung hoàn hảo hàm chứa một hương vị ngất ngây mà người ta có thể mô tả như là một thứ tiền vị trước khi đạt được Niết-bàn. Dù không phải là Niết-bàn đúng thật thế nhưng nó hàm chứa một hương vị nào đó. Trong những lúc mà sự tập trung trở nên thật hoàn hảo thì các thứ ô nhiễm sẽ ngủ yên. Chúng không biến mất và sẽ hiển hiện trở lại khi nào sự tập trung không còn giữ được nữa. Thật thế khi nào chúng còn ngủ yên thì tâm thức sẽ trở nên trống không, trong sáng, tự do và cảm nhận được hương vị của Niết-bàn. Chính vì thế mà thể dạng ấy có thể biến thành một thứ nguyên nhân tạo ra sự bám víu.

Ô nhiễm tinh tế thứ bảy là sự bám víu vào các điều thú vị liên hệ đến sự tập trung vào các đối tượng khác hơn là hình tướng (arûpa-râga - râga là thèm muốn, rûpa là hình tướng, arûpa là phi-hình-tướng). Sự ô nhiễm này cũng khá tương tự với thứ gông cùm thứ sáu thế nhưng thuộc vào một cấp bậc tinh tế hơn và nhẹ hơn. Sự tập trung vào một vật thể, chẳng hạn như không gian hay sự trống không, sẽ làm phát sinh ra một sự tĩnh lặng và thanh thản sâu xa hơn so với sự tập trung vào một hình tướng, do đó cũng dễ khiến người hành thiền bám víu hơn. Một vị A-la-hán đích thật không bao giờ còn để mình bị mê hoặc bởi thể dạng cảm nhận thú vị đó, hoặc dù bất cứ thứ gì khác, bởi vì vị này sẽ ý thức được ngay tính cách vô thường, sự bất toại nguyện và sự vắng mặt của cái ngã của tất cả mọi sự cảm nhận. Có một số những người tu hành ẩn dật và những người tu hành thần bí sống trong rừng để luyện tập phép tập trung, thế nhưng họ không hề ý thức được sự nguy hiểm (sự bám víu) ẩn nấp bên dưới các thể dạng cực lạc đó. Họ bị những thứ ấy mê hoặc và bám víu vào hương vị do chúng mang lại, đấy cũng chẳng khác gì những người chưa thành thục bám víu vào các đối tượng giác cảm thế thôi. Chính vì lý do đó mà Đức Phật đã sử dụng cùng một chữ "thèm muốn" trong cả hai trường hợp. Nếu bạn suy nghĩ kỹ về những gì vừa được trình bày thì sẽ hiểu ngay được ý nghĩa và rồi bạn sẽ vô cùng ngưỡng mộ và kính phục các chúng sinh mà người ta gọi là các vị thánh nhân (aryan).

Gông cùm thứ tám trói buộc con người vào thế giới là một thứ cảm tính ưu việt (ưu thế, trội hơn người khác / awareness of superiority) hoặc tự ti (thấp kém, mặc cảm / awareness of inferiority). Đấy là một thứ ảo giác cho rằng mình thuộc vào một cấp bậc nào đó (cao hơn hay thấp hơn) so với người khác. Thí dụ như nghĩ rằng: "Tôi không giỏi bằng hắn / Tôi giỏi ngang hàng với hắn / Tôi giỏi hơn hay cao siêu hơn hắn", tức có nghĩa là cảm thấy mình thấp kém hơn, ngang hàng hay trội hơn người khác. Phải cẩn thận, đấy không phải là một cảm tính kiêu căng hay tự phụ gì cả, thế nhưng thật hết sức khó khăn để có thể tránh khỏi việc tự so sánh mình với người khác (một phản ứng tự nhiên). Thứ gông cùm này được xếp vào hàng thứ tám, rất có thể là vì lý do rất khó loại bỏ được nó. Chỉ có các vị thánh nhân (aryan) trong cấp bậc cao nhất mới trừ khử được nó (có thể xem cảm tính tự nhiên về sự so sánh giữa mình và người khác là một sự biểu lộ vô cùng tinh tế và tự động của cái ngã hay "cái tôi"). So sánh tức là một hình thức của sự bám víu. Khi nào tâm thức còn quan tâm đến cái tốt, cái xấu, còn ý thức về sự thấp kém, ưu việt hay ngang hàng so với người khác thì những thứ ấy sẽ còn làm cho chính nó (tức là tâm thức) bị bấn loạn. Chỉ khi nào tâm thức vượt lên được cả cái tốt lẫn cái xấu thì khi ấy những ý nghĩ trên đây mới tự động biến mất được, nếu không thì thể dạng phúc hạnh và sự tĩnh lặng không thể nào hiển hiện ra với tâm thức được.

Gông cùm thứ chín là sự dao động (uddhacca - phóng dật), đấy là sự dao động của tâm thức, sự xao lãng, thiếu sự an bình và yên lặng. Thứ cảm tính đó phát sinh khi nào có một cái gì đó hấp dẫn xảy ra. Tất cả chúng ta đều mang những sự thèm muốn dai dẳng, nhất là sự thèm muốn được có, được như thế, không muốn được có, không muốn được như thế này hay thế nọ. Nếu có một thứ gì truyền đến mắt, tai, mũi, lưỡi hay thân xác thì nó sẽ tìm thấy ngay một sự tương ứng với một trong những xu hướng có sẵn của ta, và rất có thể tâm thức nhân đó cũng sẽ tạo ra ngay một phản ứng đối với nó, tức là chấp nhận hay chống lại, và người ta gọi đấy là một sự vụ lợi (intérêt / interest). Nếu ta nhận thấy đấy là một thứ gì mới lạ hay lạ lùng thì nhất định một sự bối rối sẽ xảy ra, có nghĩa là một thứ hình thức tò mò nào đó vụt phát hiện, đấy chính là vì lý do lúc nào cũng có thể xảy ra những thứ mà ta thèm muốn hoặc những thứ mà ta e sợ, cho nên khiến ta phải luôn dè dặt là như thế (tức là tạo ra cho ta sự dao động thường xuyên). Đối với những người bình thường thì tâm thức họ không đủ khả năng để cưỡng lại các loại phản ứng tự nhiên, họ không thể nào tự ngăn chận không cho phép mình quan tâm đến tất cả mọi thứ đang hiển hiện ra. Nếu một đối tượng hiện ra và trùng hợp với một trong những thứ ham muốn sẵn có của ta thì sẽ rất khó cho ta cưỡng lại nó, và ta sẽ quan tâm đến nó đến một mức độ có thể khiến cho ta tự buộc mình vào với nó, ta cảm thấy vui mừng đến độ quên cả chính mình mà chỉ thấy có nó. Ngược lại nếu đấy là một vật thể mà ta không muốn thì tâm thức sẽ cảm thấy thờ ơ và sự ham muốn chấm dứt ngay. Đấy là bản chất của sự dao động.

Trong ba cấp bậc đầu tiên, vị thánh nhân (aryan) vẫn còn phát lộ sự tò mò (hiếu kỳ, ham hiểu biết), thế nhưng đối với vị A-la-hán thì sự tò mò ấy không còn nữa. Tâm thức của vị A-la-hán đã loại bỏ được bất cứ thứ gì: mọi sự sợ hãi, mọi hận thù, mọi sự lo buồn, ưu tư, nghi kỵ, ngờ vực và tất cả mọi sự ham muốn muốn được hiểu biết và muốn được nhìn thấy các vật thể. Tâm thức của vị ấy hoàn toàn được tự do. Không có gì có thể khích động được nó, thu hút được nó, hoặc khiến cho nó phải phát lộ sự tò mò, đơn giản chỉ vì nó đã gạt bỏ được tính thiên vị (partiality - có thể hiểu như là một sự diễn đạt tự nhiên của tâm thức trước mọi sự vật). Nên chú ý là sự hiện hữu hay sự phát sinh của thể dạng dao động trong bất cứ bối cảnh nào đều là hậu quả do một hình thức thèm muốn nào đó mang lại (dù đấy là sự ghét bỏ hay ưa thích), kể cả sự thèm muốn muốn được hiểu biết. Khi nào loại bỏ được sự thèm muốn và cảm nhận được vô thường, sự vô ích (sự hão huyền, hư ảo, vô tích sự - inanité / worthlessness) và vô-cá-tính (không mang tính cách cá thể - non-personnalité / nonselfhood) của bất cứ sự vật nào, không còn bất cứ gì tỏ ra đáng để chiếm hữu, vì thế nên không còn có gì đáng để phải tò mò. Nếu sấm sét có giáng xuống chân của một vị A-la-hán thì vị ấy cũng không hay biết gì cả bởi vì vị ấy không còn biết sợ cái chết cũng không ham muốn được sống, hay bất cứ thứ gì khác. Ngay cả trường hợp có một thứ gì nguy hiểm xảy đến hoặc có một khám phá lớn xảy ra trên thế giới thì người A-la-hán cũng không tỏ lộ một chút tò mò nào bởi vì tất cả những thứ ấy không mang một ý nghĩa nào cả đối với vị ấy. Vị ấy không còn quan tâm đến là các thứ ấy sẽ mang lại cho mình một cái gì cả bởi vì không có bất cứ thứ gì có thể cám dỗ được vị ấy hay gợi lên một sự tò mò nào cả. Tâm thức của vị ấy đạt được một sự tinh khiết và tĩnh lặng mà những người bình dị như chúng ta không thể nào hình dung ra được.

Gông cùm thứ mười và cũng là gông cùm cuối cùng là vô minh. Vô minh trong trường hợp này sẽ bao gồm tất cả các thứ ô nhiễm mà trước đây chúng ta chưa có dịp đề cập đến. Thuật ngữ "vô minh" chỉ định một thể dạng vắng mặt của sự hiểu biết, và trong trường hợp này thì "sự hiểu biết" có nghĩa là sự "thấu triệt đích thật" hay "sự hiểu biết đúng". Tất nhiên là bất cứ người nào nếu muốn hiện hữu cũng cần phải có một sự hiểu biết, thế nhưng nếu sự hiểu biết ấy là sai, thì người ấy cũng không khá hơn gì một người không-hiểu-biết. Hầu hết tất cả mọi người đều phải chịu đựng một sự vô minh dai dẳng tức là một sự hiểu biết sai lầm; gần như hầu hết chúng ta đều chìm sâu trong tấm màn tăm tối của vô minh. Các câu hỏi quan trọng nhất cho con người có thể là: "Khổ đau đích thật là gì? Nguyên nhân đích thật nào đã đưa đến khổ đau? Sự giải thoát đích thật khỏi khổ đau là gì? Và phương pháp đích thật nào giúp đạt được sự giải thoát khỏi khổ đau?" (một cách trình bày khác của Tứ Diệu Đế). Những ai đạt được một sự hiểu biết đích thật thì sẽ thoát khỏi vô minh, có nghĩa là người ấy là một người giác ngộ. Toàn bộ sự hiểu biết của nhân loại quả thật là vô tận thế nhưng Đức Phật đã trịnh trọng tuyên bố rằng hầu hết những sự hiểu biết ấy không có gì là thiết thực cả. Sự Giác Ngộ của Đức Phật trái lại chỉ nêu lên những gì cần phải hiểu biết. Đức Phật hiểu biết tất cả những gì cần phải hiểu biết. Chữ "thông suốt" (toàn năng - omniscient / all-knowing) có nghĩa là biết những gì cần phải biết và loại ra những gì không thiết yếu.

Vì vô minh nên nhiều người nhầm lẫn khổ đau với thích thú, và chính vì thế mà họ cứ tiếp tục lặn ngụp trong đại dương của khổ đau. Thay vì cố gắng tìm cách biến đổi cảnh huống của mình bằng các phương tiện thích nghi thì họ lại tự đánh lừa mình bằng cách đổ lỗi cho ma quỷ, hay các thiên nhân trên trời hay bất cứ thứ gì khác gây ra khổ đau và những điều bất hạnh cho họ. Cầu khẩn thần linh ma quỷ hay các thiên nhân trên trời là một sự biểu lộ thuộc vào một cấp bậc thấp kém nhất của vô minh. Nếu muốn loại bỏ hoàn toàn khổ đau thì chỉ có cách là loại bỏ sự ham muốn các thứ dục vọng, đấy là nguyên nhân trực tiếp mang lại khổ đau. Nếu xem thể dạng phúc hạnh phát sinh từ sự tĩnh lặng hay từ thể dạng phi-ý-thức do sự tập trung mang lại như là sự tắt nghỉ của khổ đau thì đấy là hoàn toàn sai. Ý nghĩ ấy rất phổ biến từ thời kỳ của Đức Phật và ngày nay vẫn còn tiếp tục. Một số học phái tư tưởng (schools of thought) còn xem sắc dục như là một thứ dụng cụ để trừ khử khổ đau, đến độ một số giáo phái chủ trương các phép tu tập đáng xấu hổ và tục tằn ấy đã phát sinh ngay cả trong chốn chùa chiền (thật ra trong lịch sử Phật Giáo cũng có một vài vị thầy không được hoàn toàn chân chính và cũng có một vài chi phái hiếm hoi không giữ được giới luật đoạn dục, tức chủ trương người tu hành có thể lập gia đình, kể cả trường hợp một số học phái xem hình ảnh dục tính như một đối tượng hay một phương tiện thiền định, thế nhưng tất cả đều là những ngoại lệ. Dầu sao thì cũng không thể nào không bày tỏ sự thán phục và ngưỡng mộ trước sự bộc trực và thẳng thắn của vị đại sư Buddhadasa). Những người ấy tin một cách quả quyết rằng sắc dục là một nhân tố thiết yếu cho sự sống, một thứ thực phẩm tối cần thiết. Bốn thứ nhu cầu là thực phẩm, quần áo, nhà ở và thuốc men đối với họ chưa đủ hay sao mà còn ghép thêm vào đấy sắc dục nữa.

Những ai không hề biết đến Con Đường đưa đến sự tắt nghỉ của khổ đau là gì sẽ rất dễ phạm vào những hành động sai trái, bởi vì họ chỉ được thúc đẩy duy nhất bởi sự ham muốn, và nương tựa một cách thật ngây thơ vào những vật thể vật chất hoặc vào thần linh ma quỷ và các thiên nhân trên trời (sự tin tưởng dị đoan). Những người như thế, và cũng có thể đấy là những người Phật Giáo từ lúc mới sinh, tất cả đều có thể đẩy sự sai lầm quá xa, lý do thật là đơn giản đấy chỉ vì sức mạnh của vô minh ngăn chận không cho họ hiểu được là Con Đường Của Tám Sự Thật Cao Quý (Bát Chánh Đạo) cũng đủ để giúp họ loại bỏ được khổ đau. Họ thích thắp hương và nến rồi xướng lên những lời ước nguyện hướng vào các nhân vật được xem là siêu nhiên.

Ai mà lại chẳng muốn đạt được sự hiểu biết, thế nhưng nếu sự "hiểu biết" đạt được là một thứ hiểu biết sai lầm thì nếu càng hiểu biết thì lại càng lầm lẫn nhiều hơn, và nếu sự hiểu biết trở nên quá nhiều thì sẽ hóa ra sự mù quáng. Chúng ta nên cẩn thận đối với chữ "Giác Ngộ" (bodhi - illumination / enlightenment - rọi sáng, chiếu sáng). Chữ "ánh sáng" ở đây cũng có thể có nghĩa là một tia loé phát lên từ vô minh làm cho mù lòa, đánh lừa mắt mình và mang lại cho mình một sự tự tin quá đáng. Bị chóa mắt bởi vô minh, ta không còn suy nghĩ đúng đắn được nữa và do đó sẽ không còn hội đủ được khả năng để đánh bại vô minh. Ta đánh mất tất cả ngày giờ vào những việc tầm phào, vào những hành động vô bổ, không xứng đáng để quan tâm. Ta vui thích với sắc dục cứ như thể đấy là một thứ gì thật tốt đẹp, thật thiết yếu cho con người, mà chúng ta cần phải thụ hưởng trước khi chết. Chúng ta viện cớ sở dĩ mình hành động như thế là vì mỗi người có quyền có những lý tưởng khác nhau. Hy vọng được tái sinh lên thiên đường chẳng qua cũng chỉ vì lý do sắc dục mà thôi. Tất cả những sự bám víu, nhất là đối với sắc dục, đều phát sinh từ vô minh khiến cho tâm thức bị tắc nghẻn và các lối thoát bị bít kín. Kinh sách thường ví vô minh như một chiếc vỏ sò chụp lên thế gian, không cho chúng ta sinh nhìn thấy được ánh sáng.

Đức Phật xếp vô minh vào hàng thứ mười trong danh sách mười thứ gông cùm. Khi một người đã trở thành A-la-hán, tức cấp bậc cao nhất của các thánh nhân (aryan) thì người ấy cũng loại bỏ được hoàn toàn năm thứ gông cùm hay nọc độc tâm thần cuối cùng. Người ấy loại bỏ được sự ham muốn các hình tướng, sự ham muốn các đối tượng khác hơn hình tướng, sự so sánh mình với người khác, sự dao động và vô minh (tất cả là năm thứ gông cùm). Bốn cấp bậc thánh nhân - gồm những "Người bước vào được dòng chảy", những "Người chỉ còn quay lại một lần", những "Người không còn bao giờ quay lại nữa" và các vị "A-la-hán" - tất cả đều thuộc vào lãnh vực siêu-thế-tục. Lãnh vực này lại được phân chia thành chín thể dạng. Hai thể dạng thứ nhất thuộc cấp bậc của của những "Người bước vào dòng chảy" vì người này còn phải tiếp tục loại trừ những thứ ô nhiễm gọi là "Con Đường giúp đưa vào dòng chảy", và khi nào trừ khử được các thứ ô nhiễm ấy thì sẽ đạt được "Thể dạng quả đưa vào dòng chảy". Cũng tương tự như thế, hai thể dạng "Con Đường" và "quả" của "Người chỉ còn quay lại một lần", hai thể dạng "Con Đường" và "quả" của "Người không còn bao giờ quay lại nữa", và sau cùng là hai thể dạng "Con Đường" và "quả" của bậc "A-la-hán". Bốn cặp song hành đó nếu đem cộng thêm vào đó thể dạng Niết-bàn thì sẽ trở thành tất cả là chín thể dạng của lãnh vực siêu-thế-tục. Khi một người đã tiếp xúc được với lãnh vực này sẽ nhận thấy khổ đau của mình dần dần suy giảm đi tương ứng với cấp bậc của mình, cho đến lúc hoàn toàn được giải thoát. Khi nào người ấy cảm nhận được bản chất đích thật của mọi sự vật bằng một sự trong sáng thật hoàn hảo khiến cho mình không còn phát lộ một sự ham muốn nào đối với bất cứ một thứ gì nữa, thì có nghĩa là người ấy đã đạt được lãnh vực siêu-thế-tục: tức tâm thức của người ấy vượt lên trên thế giới. Sau khi đã hoàn toàn và tuyệt đối loại bỏ được tất cả những thứ ô nhiễm tâm thần thì tâm thức của người ấy cũng sẽ được giải thoát vĩnh viễn khỏi tất cả mọi thứ vật thể của thế giới mà trước đây mình từng yêu thích hay ghét bỏ chúng.

Niết-bàn là một thể dạng không thể so sánh được với bất cứ thứ gì, khác với tất cả các điều kiện con người. Thật ra thì nó cũng phủ định ngay cả các điều kiện con người. Nếu ta nhìn vào tất cả các đặc tính của các điều kiện con người và của sự hiện hữu dưới hình thức hiện tượng và đem chúng ra để xóa bỏ thì ta sẽ có được Niết-bàn (một cách định nghĩa thật đơn giản về Niết-bàn, thế nhưng hết sức tuyệt vời trên tất cả mọi khía cạnh: khi xóa bỏ được tất cả các đặc tính của thế giới thì thế giới sẽ trở thành Niết-bàn. Có thể xem đấy là một công án cho Thiền học hay một chủ đề giúp cho phép thiền định phân giải).

Niết-bàn nằm ra bên ngoài ranh giới của không gian và thời gian. Nó duy nhất và chẳng giống với bất cứ thứ gì trong thế gian này: đấy là sự dập tắt của điều kiện con người (con người vẫn "còn đó" chỉ có các điều kiện tạo ra nó - dưới hình thức hiện tượng - là phải dập tắt, tương tự như dập tắt ngọn lửa tượng trưng cho những gì đang thiêu đốt con người). Đức Phật đã sử dụng phép ẩn dụ (métaphor) để gọi đấy là "thế giới mà nơi đó tất cả những gì tạo tác bằng điều kiện (trong bản dịch sang tiếng Pháp thì dùng chữ tạm bợ) đều chấm dứt" (sankhârâ-samatho - các chữ này rất quan trọng: chữa sankhârâ hay samkhârâ có nghĩa là duy ý tức là tạo ra - fabricating - bằng tâm ý, kinh sách tiếng Việt dịch là hành tức là một hành động, thế nhưng phải hiểu đấy là một hành động tâm thần; chữ samatho có nghĩa là sự yên lặng, lắng xuống, sự tắt nghỉ - quieting, calming). Đấy có nghĩa là một thể dạng tự do, tự do ở đây có nghĩa là giải thoát được khỏi những thứ gông cùm. Thể dạng ấy cũng tương tự như những gì mang lại từ sự chấm dứt của đau buồn, của mọi sự tranh đấu, của các vết thương và sự bất an, dù chúng phát sinh từ bất cứ một nguyên nhân nào. Đấy là bản chất của lãnh vực siêu-thế-tục, một thể dạng tối hậu, và đấy cũng là mục đích, là điểm đến cuối cùng của người Phật Giáo, là quả sau cùng mà sự tu tập mang lại cho họ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]