Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lời nói đầu

03/05/201319:54(Xem: 12689)
Lời nói đầu
Bát Nhã Ba La Mật Kinh


Lời Nói Đầu

Pháp Sư Thích Từ Thông
Nguồn: Pháp Sư Thích Từ Thông

BÁT NHÃ BA LA MẬT là một trong những hệ tư tưởng của Đaị thừa Phật giáo Bắc tông. Bát Nhã Ba La Mật, Trung Hoa dịch: TRÍ TUỆ ĐÁO BỈ NGẠN. Thành ngữ đáo bỉ ngạn, chỉ cho sự viên mãn cứu kính, sự hoàn thành trọn vẹn về một lãnh vực tri thức, một công hạnh lợi tha, một sự giải thoát giác ngộ hoàn toàn..

Bát Nhã Ba La Mật, với nhà Phật học được xem là thứ trí tuệ cứu kính, so với các trí tuệ. Sử dụng trí tuệ đáo bỉ ngạn, con người có khả năng nhận thức thế giới, thông qua ngũ nhãn của mình. Khi đề cập thứ trí tuệ cứu kính, nhà Phật ít dùng từ trí tuệ theo nghĩa thông thường. Để chỉ thứ trí tuệ độc đáo cứu kính ấy, nhà Phật thường xử dụng nguyên âm bằng cái từ Bát Nhã. Nói đến Bát Nhã, người Phật học hiểu ngay là thứ trí tuệ độc đáo cứu kính, có khả năng nhận thức vũ trụ nhân sinh.

Các thiền đường, nói nôm na là chỗ các tu sĩ Phật giáo ăn cơm, ngồi thiền, tham cứu kinh điển, tiếp khách thập phương, thường có tấm biển chữ to. Biển đẹp hay tầm thường tùy khả năng tài chánh của nhà chùa, nhưng tuyệt đại đa số chùa đều có tấm biển với ba chữ:


"BÁT NHÃ ĐƯỜNG"

Ba chữ đó, vừa có ý nghĩa cảnh tỉnh, vừa có ý nghĩa biểu trưng: Rằng người tu sĩ Phật giáo phải sống bằng Bát Nhã, nên sống trong Bát Nhã, vì đây là ngôi nhà BÁT NHÃ của chốn tòng lâm.

Theo Thiên thai phái giáo, hệ tư tưỏng Bát Nhã chiếm khoảng 22 trên 49 năm trong đời giáo hóa của Đức Phật. Cho nên nhìn vào công trình phiên dịch, sớ giải, trước thuật của các tiền bối Phật học mà kinh khiếp! Chỉ đọc đề mục, tên kinh, niên đại, dịch giả, thuật giả, sớ giải giả, trong hệ tư tưởng Bát Nhã Ba La Mật thôi, tôi cảm thấy đã mệt. Dưới đây tôi xin nêu một số nhỏ danh mục kinh, thuộc hệ tư tưởng Bát Nhã để giới thiệu đại khái, cùng chư thiện hữu tri thức tường lãm, và cũng thưa là xin miễn nêu tôn danh các dịch giả tiền bối để khỏi rườm rà, vì ở đây không cần thiết:

1.Phỏng quang Bát Nhã Ba La Mật Kinh 20 quyển, 90 phẩm.

2.Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Kinh 30 quyển, 90 phẩm.

3.Quang tán Bát Nhã Ba La Mật Kinh 10 quyển, 27 phẩm

4.Đạo hạnh Bát Nhã Ba La Mật Kinh 10 quyển, 30 phẩm

5.Tiểu phẩm Bát Nhã Ba La Mật Kinh 10 quyển, 29 phẩm

6.Phật Mẫu Xuất Sanh Tam Pháp Tạng, Bát Nhã Ba La Mật Kinh 25 quyển, 32 phẩm

7.Phẩm Mẫu Bảo Đức Tạng, Bát Nhã Ba La Mật Kinh 3 quyển, 20 phẩm.

8.Đại Minh Độ Vô Cực Kinh (hệ Bát Nhã) 6 quyển, 30 phẩm/

9.Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Sao Kinh 5 quyển, 13 phẩm.

10. Thắng Thiên Vương, Bát Nhã Ba La Mật Kinh 7 quyển, 16 phẩm.

11. Văn Thù Sư Lợi sở thuyết Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Kinh 1 quyển.

12. Phật Thuyết Nhụ Thủ Bồ Tát Vô Thượng Thanh Tịnh phần Vệ Kinh 2 quyển

13. Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Kinh 1 quyển. Cưu Ma La Thập dịch (Tài liệu căn bản giáo án này)

14. Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Kinh 1 quyển. Chân Đế dịch

15. Đại Bát Nhã Ba La Mật Kinh 600 quyển. Hơn 80.000 lời. 785 phẩm, Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang dịch. Đời Nhà Đường. 600 = 666 niên đại.

Nêu đại cương mà đã có từng ấy kinh hệ tư tưởng Bát Nhã Ba La Mật Đa. Xem thế, nghiên cứu Bát Nhã mà tham khảo hết ngần ấy tài liệu, có lẽ đến chết già. Đã bao lần tôi định bụng lội khơi vào biển Bát Nhã bao la ấy. Rồi lòng tự nhủ lòng. Không thể lội trong biển mênh mông không bờ bến. Mà biển nào cũng phải có bờ chứ. Tay lưới dù lớn, dài bao nhiêu cũng phải có giềng. Áo rộng cỡ nào cũng phải có bâu. Tôi cương quyết phải tìm bờ để vào, phải nắm giềng để phăng lưới, phải xách bâu mới xếp áo đựợc. Nghĩ vậy tôi để tâm nghiên cứu viết tài liệu giáo án này. Trước hết lợi mình, đồng thời hướng dẫn đàn em hậu học đang theo học ở các trường Phật học Cao cấp: Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tôi là một trong số giảng viên được phân công hướng dẫn các môn Kinh luận Đại thừa.

Theo nội dung tài liệu giáo án này được gọi là: BÁT NHÃ BA LA MẬT KINH TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG.

Không biết có chủ quan lắm không, chứ theo tôi, nghiên cứu Bát Nhã Ba La Mật Kinh Trực Chỉ Đề Cương này, rồi dựa theo cơ sở tư duy đó, phát triển tự nhiên trí, vô sư trí của mình, theo đó, các độc giả có thể xem các bộ kinh Bát Nhã khác, ta sẽ thấy giáo lý không còn khó khăn lắm.

BÁT NHÃ BA LA MẬT KINH TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG, do bỉ nhân tôi tóm lược từ chất liệu ở bộ kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa và Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh. Nói cách khác, tôi dịch Tỉnh lược bộ Kim Cương Bát Nhã Kinh và Bát Nhã Tâm Kinh viết thành giáo án này.

Phần trực chỉ, để giảng rộng, giải thích lý nghĩa của kinh văn. Phần này cũng do bỉ nhân tôi, tư duy tìm hiểu nghĩa lý ẩn tàng trong chất giáo lý Bát Nhã mà viết ra. Về văn tự vụng về, chẳng đáng là bao. Nhưng pháp dược này được bổ ích nhiều hay ít đối với xã hội nhân quần, cần có sự diễn đạt để hướng dẫn tư tưởng người đọc qua phần TRỰC CHỈ đó. Nếu nó là pháp dược, là thuốc quí, lợi ích chúng sanh, thì người ta sẽ vun trồng chăm quén, gầy giống lâu dài. Nếu nó là thứ cỏ dại, có nó chỉ làm tổn thương sự sanh trưởng của lúa mạ hoa màu, nhân quần xã hội sẽ đào thải nó đi. Nếu chưa nhổ bỏ lúc này, thì người ta cũng để cho nó chết khô một ngày nào đó.

Cùng một bộ Kim CangBát Nhã Ba La Mật mà xưa nay khó có thể đếm hết phương danh những người dịch, giải, diễn đạt lý kinh. Nhưng phong phú thay! Ý tưởng không ai giống ai cả. Có giống nhau chăng là giống ở những chỗ ngôn từ "vô thưởng vô phạt" "rẻ rề" ấy! Đó là do sự tìm hiểu, tư duy THÂM NGHĨA theo Tri kiến Phật ở mỗi con người.

Những tiểu đề phân đoạn mục ở kinh văn cũng do bỉ nhân tôi tự đặt. Công dụng của nó gần như đại ý của mỗi đoạn kinh văn ấy.

Tôi đề nghị các bạn đọc: Đọc Bát Nhã Ba La Mật Kinh Trực Chỉ Đề Cương, tiếp theo là tư duy phân tích, rồi so sánh nghĩa lý của bộ Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật và Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, làm như thế rất có lợi cho phần tri kiến. Vận dụng cơ sở tư duy đó, đọc nhiều kinh Bát Nhã khác càng được lợi lớn hơn.

Vì là một giáo án, đề cương không thể đáp ứng yêu cầu đa diện cho các hàng thức giả muốn tìm hiểu Phật học uyên thâm. Nếu đòi hỏi triết lý sâu xa, chứng minh đa diện, tài liệu này không thể thỏa mãn yêu cầu to lớn như vậy.

Nếu có sự bất như ý trong đây, xin chư thiện hữu tri thức niệm tình tha thứ


THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Viết tại Huỳnh Mai Tịnh Thất
28-2-1985
Thích Từ Thông
Cẩn Chí
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]