Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương thứ mười: Tự vui mừng

03/05/201318:26(Xem: 10969)
Chương thứ mười: Tự vui mừng

Kinh Lương Hoàng Sám (Quyển 7)

Chương thứ mười: Tự vui mừng

Dịch giả: Thích Viên Giác

Nguồn: Thượng tọa Thích Trí Tịnh giảo chính

Ngày nay Đại chúng đồng nghiệp trong Đạo tràng, từ khi quy y trở lại đây, biết chỗ chí đức là nơi nương tựa của tất cả.

Đoạn nghi, sám hối thì tội ác mê lầm đều tiêu diệt. Tiếp đến phát tâm dùi dắt nhau tu hành thì cởi mở được oán thù được tiêu diêu tự tại.

Như thế thì Đại chúng há lại không hớn hở vui mừng hay sao?

Nay nói ý nghĩa những điều đáng vui mừng sung sướng thì trong kinh chép rằng: “Có tám nạn khổ: Một là Địa ngục, hai là Ngã quỉ, ba là Súc sanh, bốn là Biên địa (1) năm là trường thọ Thiên (2), sáu là tuy được thân người mà câm điếc, ngọng liệu, tàn tật, bảy là sanh vào nhà Tà kiến (3), tám là sanh trước Phật hay sau Phật.

Vì có tám nạn ấy nên chúng sanh cứ chìm đắm mãi trong biển luân hồi sanh tử, không thể ra được.

Nay chúng con sanh nhằm đời tượng pháp tuy không gặp Phật, nhưng sự vui mừng còn nhiều:

Phàm có nạn là tại tâm, nếu tâm sanh nghi ngờ thì không phải nạn cũng thành nạn.

Nếu tâm không sanh nghi ngờ thì nạn gì cũng thành ra phi nạn.

Vì sao biết được?

Ví như nạn thứ tám, nói rằng sanh trước Phật hoặc sanh sau Phật là nạn. Nhưng bà già ở thành đông, đồng sanh với Phật một thời, đồng ở với Phật một xứ mà bà già ấy không thấy Phật. Cho nên biết rằng tâm nghi ngờ là nạn, vị tất không đồng thời với Phật mà cho là nạn.

Ma Ba tuần ôm lòng ác động trong khi còn sống đã đọa vào địa ngục.

Rồng nghe thuyết pháp còn ngộ được đạo Bồ đề. Vậy chắc gì ở nhơn gian hay thiên thượng mà liền cho không có nạn. Tâm nếu biết điều thiện thì quả báo bình đẳng.

Cõi trời Lục dục là cao quý mà đọa địa ngục, súc sanh là thấp hèn mà lên được Đạo tràng.

Thế nên tâm tà thì khinh nạn thành trọng tâm chánh thì trọng nạn thành vô ngại.

Ngày nay Đại chúng đồng nghiệp trong Đạo tràng vì tâm nghi nên gặp việc không phải nạn thành ra nạn. Nếu tâm chánh thì nạn thành phi nạn.

Nay chỉ cử ra một điều ấy cũng đủ hiểu rõ; trước Phật hay sau Phật đều là Chánh pháp; Biên địa, súc sanh đều là Đạo tràng. Nếu tâm chánh thì không còn nạn nữa; bằng tâm còn nghi ngờ thì nạn thành ra vô lượng.

Những điều vui mừng như thế sự thật không phải là ít, trong nhật dụng hằng ngày Đại chúng không tự biết công đức của mình.

Nay tôi sơ lược trình bày qua sự vui mừng theo thiển kiến của tôi để Đại chúng tự suy nghĩ.

Nếu biết được sự vui mừng của mình thì cần phải tu tâm xuất thế.

Tự vui mừng những gì?

- Phật dạy: “Địa ngục khó thoát khỏi; nay chúng ta đã cùng nhau xa lìa được khổ Địa

ngục. Đó là sự vui mừng thứ nhất.

- Ngã quỉ khó thoát được; nay chúng ta đã thoát được những thống khổ đói khát của Ngã quỉ. Đó là sự vui mừng thứ hai.

- Súc sanh khó xả bỏ; nay chúng ta đã thoát được quả báo súc sanh. Đó là quả báo thứ ba.

- Sinh ở Biên địa, không biết nhơn nghĩa; nay chúng ta đồng được chung ở giữa quốc độ có Phật, Pháp lưu hành; đích thân thừa hưởng được giáo lý nhiệm mầu của chư Phật. Đó là sự vui mừng thứ tư.

- Sanh lên cõi trời trường thọ, không biết trồng cội phúc: nay chúng ta ở đây đều được trồng căn lành. Đó là sự vui mừng thứ năm.

- Thân người khó được, một phen mất khó trở lại; nay chúng ta đều được làm người. Đó là sự vui mừng thứ sáu.

- Sáu căn không đầy đủ thì không trồng được căn lành, nay chúng ta đều được thanh tịnh, hướng về pháp môn thâm diệu của Phật. Đó là sự vui mừng thứ bảy.

- Có thế trí biện thông (4) tức là không phải nạn mà thành nạn. Nay chúng ta nhất tâm nương về chánh pháp. Đó là sự vui mừng thứ tám.

-Trước Phật sau Phật đều là nạn; hoặc cho rằng mắt mình không thấy Phật là đại nạn. Nay chúng ta đã cùng nhau phát đại thiện nguyện, thệ độ hết thảy chúng sanh cùng tận đời vị lai; không chấp việc không thấy Phật là nạn. Chỉ một phen thấy hình tướng Phật, một phen nghe được Chánh pháp, cũng tự cho đồng như ngày xưa được thấy được nghe đức Phật thuyết pháp đầu tiên tại vườn Lộc Uyển. Việc làm của chúng ta mục đích là diệt được tội, sanh được phước là quý; chứ không phải vì không thấy Phật mà cho là nạn.

- Phật dạy: “Thấy được Phật là khó”. Nay chúng ta đã cùng nhau chiêm ngưỡng được hình tướng Phật. Đó là sự vui mừng thứ chín.

- Phật dạy: “Nghe được pháp Phật là khó”. Nay chúng ta đã cùng nhau hưởng được Cam lồ pháp vị của Phật. Đó là sự vui mừng thứ mười.

- Phật dạy: “Xuất gia được là khó”. Nay chúng ta được từ thân cát ái trở về với Đạo. Đó là sự vui mừng thứ mười một.

- Phật dạy: “Lợi cho mình là dễ, lợi cho người là khó”. Nay chúng ta một lạy, một bái đều vì tất cả chúng sanh khắp mười phương mà hồi hướng công đức. Đó là sự vui mừng thứ mười hai.

- Phật dạy: “Chịu khổ, chịu cực được là khó”. Nay chúng ta, mọi người đều kiều cần, siêng năng làm lành không nghỉ, không biếng nhác. Đó là sự vui mừng thứ mười ba.

- Phật dạy: “Đọc tụng kinh điển được là khó”. Nay chúng ta giờ phút nầy đang đọc tụng kinh điển của Phật. Đó là sự vui mừng thứ mười bốn.

- Phật dạy: “Tọa thiền là khó”. Nay chúng ta có người tức tâm định ý. Đó là sự vui mừng thứ mười lăm.

Ngày nay Đại chúng đồng nghiệp trong Đạo tràng thấy có nhiều sự vui mừng như vậy vô lượng vô biên, không phải bấy nhiêu lời đó mà có thể kể hết được.

Phàm người ở đời vui ít khổ nhiều. Được một điều vui mừng còn hớn hở thay, huống gì nay chúng ta có nhiều điều vui vô ngại.

Được vô ngại nầy đều nhờ sức oai thần của mười phương Tam bảo. Chúng ta mọi người đều nên nhớ tưởng ơn đức Phật, Pháp, Tăng. Đại chúng nên tha thiết đầu thành đảnh lễ Tam bảo, nguyện xin thay thế hết thảy Quốc vương, Đế chúa, Thổ cảnh, nhân dân, cha mẹ, Sư trưởng, thượng, trung, hạ tọa, tín thí đàn việt, thiện ác tri thức, chư Thiên, chư Tiên, hộ thế Tứ vương, thông minh chánh trực, Thiên địa, hư không, chủ thiện, phạt ác, thủ hộ trì chú, ngũ phương Long vương, Long thần, Bát bộ, chư đại Ma vương, ngũ đế Đại ma, nhất thiết Ma vương, Diêm la vương, Thái sơn Phủ quấn, ngũ đạo Đại thần, Thập bát Ngục vương và các quan thuộc trong địa ngục; rộng ra cho đến vô cùng vô tận các loài hữu tình, có thần thức, có Phật tánh trong ba cõi sáu đường; nguyện vì các chúng sanh ấy mà quy y tận hư không giới hết thảy mười phương Tam bảo.

Nguyện xin Tam bảo dủ lòng từ bi, đồng gia tâm nhiếp thọ, đồng đem thần lực tự tại bất khả tư nghị mà che trở cứu vớt, ; làm cho hết thảy chư Thiên, chư Tiên, hết thảy Thần vương, Thần tướng, rộng ra cho đến, hết thảy chúng sanh trong sáu đường từ đây trở đi vượt khỏi biển sanh tử, đến bờ giải thoát bên kia, hạnh nguyện sớm viên mãn, đồng lên Thập địa, vào Kim cang tâm, thành bậc Chánh giác.




Chú thích



1 Biên địa nơi không có Phật pháp, thường không biết lễ nghi, không có văn hóa, mỹ tục Trái với Trung quốc là nơi thường có Phật pháp, có lễ giáo.

2 Trường thọ thiên: Cõi trời phi phi tưởng, cõi cuối cùng của vô sắc giới, không có Phật pháp, hay đọa tà kiến, ngoại đạo.

3 Tà kiến: nhận thức sai lầm, không tin nhơn quả, luân hồi, hay hủy báng Tam bảo, hay theo ngoại đạo.

4 Thế trí biện thông: biện tài ngôn thuyết lanh lợi theo trí thế gian, bênh vực sự không tin của mình.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]