Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

1. Phẩm pháp môn thứ ba mươi bốn

03/05/201313:28(Xem: 11157)
1. Phẩm pháp môn thứ ba mươi bốn

Kinh Hoa Thủ (Quyển X)

1. Phẩm pháp môn thứ ba mươi bốn

Hòa thượng Thích Bảo Lạc

Nguồn: Hòa thượng Thích Bảo Lạc Việt dịch

Phật bảo Kiên Ý rằng: đã gọi là pháp thì không suy, không nghĩ, vô tướng, vô tác, không nhớ, không tưởng, thanh tịnh không duyên, không văn tự, cũng không bằng lời, không thể chỉ bày ra được.

Này Kiên Ý, các pháp không gặp các căn không thể dùng trí biết được, cũng không thể dùng vô trí biết được. Không thể biết, cũng như không thể không biết. Này Kiên Ý, pháp do các duyên hợp thành, Như Lai biết mà biết không phải bằng lời nói. Như Lai đem pháp bất khả thuyết ấy nói về các pháp; có thuyết đạo tức là có pháp môn rồi. Tại sao? Ðem chư hành (1) ấn chứng vào tất cả các pháp thành một vị. Này Kiên Ý, các pháp vô cùng tận không bờ mé. Này Kiên Ý, các pháp hoàn toàn không tăng, không giảm cho đến vô tận. Do nghĩa này nên Như Lai dùng ngôn ngữ, văn tự phân biệt giải rõ. Kiên Ý, vành chữ 31 (A) sau mới tới các chữ khác theo thứ tự liên tục. Vì thế nói từ chữ A biến ra những chữ khác. Từ các chữ hợp thành các câu, những câu kết hợp lại với nhau thành ý nghĩa. Vì thế Như Lai nói chữ 31 bao hàm tất cả các pháp. Này Kiên Ý, pháp môn này những gì là pháp? Kiên Ý, sở dĩ gọi pháp, vì bản lai của nó vô tác, không thể nói bàn, không chỉ ra được. Vì vô tri nên biết mà không thể nói ra được, không nói ra được nên không thể chỉ bày ra được. Chữ 31 (A) như thế có thể làm ra tất cả ngôn ngữ gọi là pháp môn. Nếu thiện nam, tín nữ nhập pháp môn này là được trí huệ vô tận, và biện tài vô ngại. Pháp môn vô tận ấy ở quá khứ vô cùng, trong cái vô cùng tận ấy không có tướng, không thể nói ra được. Có những cái biết đều là vô tri, có những cái thấy đều không thể thấy, có những sự phân biệt đều không phân biệt cho nên gọi là vô tận. Này Kiên Ý, đấy gọi là môn. Môn là gì? Ấy là các pháp môn vậy. Những gì là pháp Phật không đạt được? Hơn thế nữa, môn này quán xét các pháp tới chỗ không còn suy lường nữa. Tại sao thế? Vì tất cả ngôn ngữ đều chẳng phải ngôn ngữ. Mọi việc nói bàn đều không cùng tận. Mọi lời nói đều NHƯmà chẳng lìa NHƯ. Mọi hiểu biết đều chẳng có thể biết. Này Kiên Ý, đó là câu Kim Cang (2) vậy. Tại sao gọi là câu kim cang? Như pháp vô tác thì không thể hoại diệt được. Vì không hoại diệt nên gọi là câu kim cang. Các pháp không nghiệp, vì không nghiệp nên không có báo. Vì thế Như Lai nói tất cả pháp không nghiệp, không báo như thế gọi là pháp ấn. Như Lai nói nghiệp, quả báo đều là ấn cả. Ấn thì không thể hủy diệt được. Này Kiên Ý, nếu thiện nam, tín nữ nào muốn biết nghiệp báo thì vào môn này. Kiên Ý, tất cả các pháp không đến, không đi là nhập pháp môn. Nhân môn này ta vì chúng sanh nói có sanh tử khác nhau. Kiên Ý, nếu thiện nam, tín nữ muốn hiểu sanh tử của chúng sanh thì dùng ấn này mà vào, gọi là pháp ấn, ấn vô văn tự, ấn vô chướng ngại. Này Kiên Ý, Như Lai có nói bàn cũng đều từ ấn ấy. Tất cả những gì có thân đều là thân Như Lai. Tại sao? Vì tánh của các thân ấy không chống trái nhau. Phật dùng ấn này nói về thân tướng chúng sanh, gọi là thân ấn; cũng dùng ấn này để chỉ rõ tất cả thân tướng. Tại sao? Này Kiên Ý, vì các pháp vô môn nên không thể nhập. Vì không nhập nên cũng không thể xuất. Các pháp không xuất nên cũng không nhập. Vì thế Như Lai, nếu có thuyết đều không lìa cái vô ngại ấy mà thuyết. Dùng cái bên ngoài vô ngại mà nói các pháp, cũng như do cái bên ngoài này biết được chúng sanh để tùy nghi mà thuyết pháp. Này Kiên Ý, cái bên ngoài vô ngại ấy là cái không có ngằn mé. Không ngằn mé là tánh của tất cả chúng sanh, gọi là cửa ngoài biên.

Vào cửa ngoài biên có thể mở được nghìn ức pháp tạng(3) . Pháp tạng này cũng chẳng phải chỗ chứa giữ. Kiên Ý, Như Lai ở trong các pháp tạng mà nói pháp nên gọi là ngoài biên. Lại có các sắc tạng, thọ, tưởng, hành, thức tạng nữa. Tạng đây chẳng phải chỗ chứa giữ, cũng không phải tạng tự tại mà đó là các chỗ chứa lấy chữ 31 (A) làm lối vào. Lúc bấy giờ Kiên Ý bạch Phật rằng, bạch đức Thế Tôn, cửa này thật là sâu thẳm! Phật bảo: này Kiên Ý! Ta không nghĩ sâu hoặc cạn. Bạch Thế Tôn: Phật có thuyết pháp chăng? Này Kiên Ý, không như phàm phu tham chấp có thuyết mà tùy kẻ trí giải bày, không nói ra. Tại sao? Vì không thể thuyết cái tướng các pháp được, chỉ có người trí biết rõ thôi. Nếu người phàm phu có biết thì chấp vào văn tự, nên Phật nói văn tự, ngôn ngữ chẳng phải là ngôn ngữ. Phật lại bảo Kiên Ý rằng: tất cả các pháp tịnh như ánh sáng mặt trời, tùy nơi chiếu soi mà vào tận những nơi không biên giới. Này Kiên Ý, tất cả các pháp đều có thể chiếu sáng, có thể soi tỏ trí huệ vậy. Kiên Ý, tất cả các pháp không bị chướng ngại, như hư không. Kiên Ý, tất cả các pháp không bị chướng ngại, như hư không. Kiên Ý, theo kiến chấp hai pháp nên Như Lai dùng mắt vô ngại để quán xét. Kiên Ý, ấy là pháp nhãn vậy.

Phật dùng pháp nhãn này mà thấy tất cả các pháp không còn có tướng chướng ngại. Này Kiên Ý, đó gọi là các pháp không chướng ngại môn. Nếu có thiện nam, tín nữ nào muốn vào cửa này thì những lời nói đều có lợi ích, không bị chướng ngại, đều làm cho rõ nghĩa thú, nói lên được nghĩa sâu không còn tham chấp. Lại này Kiên Ý, các pháp không dơ, không nhiễm, không lìa. Kiên Ý, pháp không có chỗ nương tựa nên không thể nhận. Kiên Ý, pháp vô cùng tận không có gốc ngọn. Này Kiên Ý, có nói ra bằng văn tự hay ngôn ngữ thì nên biết rằng không có văn tự, cũng như không có ngôn ngữ. Kiên Ý, làm sao vào cửa văn tự ấy? Chỉ nói pháp không chướng ngại là vào rồi. Kiên Ý, vào như thế là chẳng vào, là nhập được pháp tánh. Kiên Ý, Như Lai nói các môn tam muội là thế nào? Này Kiên Ý, có một tướng tam muội và các tướng tam muội. Một tướng tam muội là có vị Bồ Tát nghe ở một thế giới nào có Phật đang thuyết pháp, Bồ Tát đem hình vị Phật ấy để phía trước, hoặc ngồi đạo tràng chứng vô thượng Bồ Ðề, hoặc chuyển pháp luân, hoặc cùng đại chúng bao quanh mà thuyết pháp. Dùng hình Phật như thế giữ cho tâm không loạn niệm để nhiếp phục các căn, nhất tâm niệm Phật không rời; cũng nghĩ tới tướng thế giới của Phật mà vị Bồ Tát ấy đối với hình Như Lai, cũng như hình của thế giới ấy đều hiểu là không tướng. Thường thực hành pháp như thế, quán xét như thế chẳng rời. Tượng Phật lúc đó ở ngay trước Bồ Tát mà thuyết pháp. Lúc bấy giờ Bồ Tát khởi niệm cung kính muốn nghe pháp, tùy theo sự tin hiểu sân cạn, lại càng thêm tôn sùng kính ngưỡng Như Lai hơn.

Bồ Tát ở nơi tam muội ấy nghe Phật thuyết các pháp đều là tướng tan hoại. Nghe xong liền thọ trì, Bồ Tát từ tam muội đứng dậy, vì bốn chúng mà diễn nói pháp ấy. Này Kiên Ý, ấy gọi là nhập một tướng tam muội vậy. Lại này Kiên Ý, Bồ Tát trụ trong tam muội ấy có thể tiêu hủy hình Phật kia, cũng như tự làm hoại luôn chính mình. Dùng tướng hoại diệt ấy hủy luôn các pháp. Vì hủy các pháp nên nhập vào một tướng tam muội. Từ tướng tam muội đứng dậy có thể vì bốn chúng mà thuyết rõ pháp ấy. Kiên Ý, ấy là phương tiện vào một tướng tam muội. Lại nữa Kiên Ý, Bồ Tát nhờ Phật tượng mà nghĩ thế này: tượng đây từ đâu đến? Ta đem tượng đi đâu? Liền biết tượng Phật không từ đâu đến, cũng không thể đem đi đâu cả. Lúc đó Bồ Tát nghĩ rằng: tất cả các pháp cũng đều như thế: không từ đâu đến, cũng không đi đâu. Bồ Tát thực hành và suy nghĩ như thế chẳng bao lâu chứng được pháp nhẫn vô ngại. Khi được pháp nhẫn rồi nghĩ tới sở tri của chư Phật, tới các pháp nhiệm mầu đều hiện ra ở trước. Dùng pháp nhiệm mầu ấy được biện tài vô ngại, nên tuy giảng pháp mà chẳng thấy pháp. Này Kiên Ý, trong đời quá khứ Như Lai có trí tuệ vô ngại, cũng như trong các thân tướng, trí huệ ấy không chướng ngại. Cũng trong quá khứ

Như Lai không tạo các mối buộc, cũng như biết rõ nên chẳng duyên theo niệm nhớ tưởng. Kiên Ý, Bồ Tát cũng như thế, trụ trong tam muội, tuy thuyết pháp mà không thấy có pháp để thuyết. Bồ Tát trụ trong tam muội ấy chuyên tâm tu tập, tùy theo nhân duyên được nghe tới vị Phật thứ hai đem hình để ở trước, hoặc ngồi đạo tràng mà chứng vô thượng Bồ Ðề hay chuyển pháp luân, hoặc giữa đại chúng vây chung quanh để thuyết pháp. Bồ Tát cũng thọ trị Phật pháp lần thứ hai mà vẫn không bỏ tượng Phật gốc; cũng như thấy Phật mà Bồ Tát đủ duyên với đức Phật thứ hai, đem hình để ở trước để nghe thuyết pháp. Kiên Ý, ấy cũng gọi là nhập một tướng tam muội. Lại nữa Kiên Ý, Bồ Tát dùng hình Phật để tu tập nên được tự do muốn thấy chư Phật đều có thể thấy hiện ra ở trước. Kiên Ý, cũng như tâm tỳ kheo được tự tại quán xét mọi sắc tướng màu xanh hiểu là cả thế giới đều một tướng màu xanh. Người kia chỉ nghĩ đến một màu xanh duy nhất, xét các pháp trong ngoài đều là một màu xanh. Vì trong cái duyên ấy được lực tự do tự tại vậy. Kiên Ý, Bồ Tát cũng như thế, tùy chỗ nghe danh chư Phật ở thế giới nào liền đem hình Phật và thế giới ấy để hiện ra ở trước. Bồ Tát khéo tu tập nghĩ tưởng tới Phật, quán các thế giới toàn là Phật. Nhờ lực khéo quan sát như thế mà hiểu rõ được các duyên đều là một duyên, là Phật duyên trong hiện tại. Như thế gọi là được một tướng tam muội.Kiến Ý bạch Phật rằng, bạch Thế Tôn: dùng phương tiện gì được tam muội ấy?

Phật bảo Kiên Ý: đối với duyên niệm Phật, thành khẩn niệm không loạn, không lìa duyên, ấy gọi là tam muội môn. Kiên Ý, lấy một duyên ấy mà hiểu rõ các pháp, thấy mọi pháp tướng đều như nhau, ấy là một tướng tam muội. Bồ Tát trụ trong tam muội ấy, cũng như nhập pháp môn này mà cho rằng tất cả lời nói đều là lời của đức Phật. Tất cả thân tướng đều là thân Như Lai, luôn luôn không xa lìa. Lại này Kiên Ý, Bồ Tát nghe danh chư Phật hoặc hai, ba, bốn, năm hay mười, hoặc 20, 30, 40, 50 hoặc trăm nghìn vạn hay hơn số đó, một lúc chuyên niệm hết, cũng như các thế giới, số chúng đệ tử đều hiện ra ở trước với lòng tôn kính. Cũng nghĩ tới Phật đầy đủ thân hình kỳ diệu tướng tốt hiện ra ở trước với lòng cung kính tôn trọng; cũng như lấy mỗi một trong 32 tướng đại nhân và các tướng hạnh không dối, tướng sư tử hùng mãnh, vô kiến đảnh tướng, tướng quán tượng vương, tướng thủ đại quang. Dùng sự hiểu biết quán xét vô số tướng như thế, cũng như lấy tướng Phật, tướng thế giới, đem sự hiểu biết quán xét vô lượng các tướng thanh tịnh ấy; cũng lấy chúng đệ tử của Phật đem sự hiểu biết quán xét vô lượng các tướng ấy. Lúc đó Bồ Tát nghĩ rằng chư Phật có nhiều như thế từ đâu lại, ta phải đem đi đâu; liền biết chư Phật và xét chính thân mình không từ đâu đến, cũng không đi về đâu. Quán xét như thế là biết tin hiểu như vậy. Lúc đó Bồ Tát nghĩ thế này: trong các việc đó không một pháp nào cố định nên gọi là Như Lai. Lúc quán sát như thế biết tất cả pháp đều không, không chủ tể một tướng hay không tướng. Dùng cửa vô tướng này vào tất cả mọi pháp. Hiểu rõ như thế là thông suốt tất cả các pháp chỉ có một tướng. Này Kiên Ý, Bồ Tát chuyên niệm Phật duyên vào một chỗ, ấy gọi là các tướng tam muội môn. Kiên Ý, nếu Bồ Tát nhập tam muội này thông suốt các pháp đều một tướng vô tướng, ấy gọi là các tướng tam muội. Bồ Tát trụ trong tam muội ấy chỗ thấy, biết không phải là Như Lai; cũng như chẳng thấy, chẳng biết gì Như Lai cả. Chỗ thấy, chỗ biết không phải là pháp, cũng không thấy được pháp. Có sở tri kiến là đệ tử của Phật mà chẳng thấy, chẳng biết được chúng đệ tử Phật. . Chỗ thấy, chỗ biết ấy không phải thuyết pháp; cũng như chẳng thấy, chẳng thuyết pháp là gì. Có chỗ tri kiến thì không phải là duyên, cũng chẳng thấy duyên. Chỗ tri kiến không phải là biện, cũng chẳng thấy biện. Những cái 'bị thấy' thì chẳng phải là cõi Phật, cũng chẳng thấy được cõi Phật. Những cái bị trông thấy không phải thế giới, cũng chẳng thấy được thế giới. Những cái bị trông thấy không phải chúng hội, cũng chẳng thấy được chúng hội. Không một pháp nào chẳng thuyết mà không bị thuyết. Không pháp nào chẳng hiện, cũng không thấy chỗ hiện. Hiểu rõ như thế cũng như không hiểu; phân biệt rõ cũng như không phân biệt. Không pháp nào chẳng hoại, cũng như không bị hoại. Không pháp nào chẳng xuất, cũng như không bị xuất hiện. Không pháp nào chẳng soi sáng, cũng như không bị soi sáng. Này Kiên Ý, đó là cửa tam muội của chư Bồ Tát. Người nào vào cửa này trong các pháp được trí vô ngại. Quán sát như thế là vô ngại nhãn, trong đó không tham chấp gọi là pháp nhãn. Kiên Ý, Bồ Tát dùng tam muội ấy nên biện tài vô ngại.

Lúc đó Kiên Ý Bồ Tát bạch Phật, bạch đức Thế Tôn: có bao nhiêu vị Bồ Tát đời sau đạt được tam muội này để được biện tài vô lượng vô biên? Ðời sau Bồ Tát đạt được tam muội có thể được biện tài vô ngại những gì? Kiên Ý, nếu Bồ Tát đời sau ở trong chúng tỳ kheo được nghe tam muội ấy thì nên biết rằng các vị đã đạt được tam muội rồi, nên được biện tài vô ngại. Nếu người nào thường tu tập tam muội được đắc thành môn tam muội này, cũng như được biện tài vô ngại. Kiên Ý, cửa này có thể mở để chứa tám trăm pháp, như trong hiện tại ở cõi Phật A Súc chư Bồ Tát thường dùng cửa này. Kiên Ý, trong một cửa thu nhiếp tất cả các pháp môn của tam muội môn, gọi là trùng cú môn (4) . Vì thế, Kiên Ý, người nào theo như pháp muốn nhập tam muội môn, trùng cú môn nên thân cận hỏi các bậc thiện tri thức, các thực hành thế nào? Quán sát ra sao? Tu tập thế nào? Nên theo chỗ chỉ dạy đúng pháp mà tu hành. Kiên Ý, nếu có đủ bốn pháp biết đó là bậc thiện tri thức. Những gì là bốn?

1) Khiến cho người khác vào các thiện pháp

2) Che dấu tất cả các pháp bất thiện

3) Làm cho người trụ trong chánh pháp

4) Thường tùy thuận giáo hóa chúng sanh.

Người nào đủ bốn pháp như thế là bậc thiện tri thức vậy.

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn muốn làm cho rõ nghĩa trên nên nói bài kệ rằng:

Nên gần thiện tri thức
hay che các việc ác
ưa nói điều Phật khen
người ấy nên thân cận.
Tùy Phật đạo giáo hóa
sanh pháp thiện cho người
an trụ trong chỗ nghe
được tăng thêm trí huệ.
Pháp gần cần nên gần
pháp xa phải nên lìa
Các pháp ác lánh xa
tu điểm Phật ngợi ca.
Nếu muốn được biện tài
và đầy đủ trí huệ
nên sớm tu thiền định.
Thường theo thiện tri thức
như chỗ dạy tu hành
đúng pháp không tin thần.
Tự hiểu được pháp lành
cũng nên vì người thuyết
thâm tâm hành thiện pháp
Xa lìa lời nịnh hót
thường gần thiện tri thức
tu hành theo đúng pháp
Gần được thiện tri thức
phải xa lìa kẻ ác.
Ða văn mới có được
tam muội mới chứng nên.

Lại này Kiên Ý, nếu có được bốn pháp thì biết là người thiện tri thức. Những gì là bốn?

1) Khéo biết dạy dỗ

2) Khéo tu tập đạo

3) Biết chỉ giáo điều sai lầm

4) Biết sửa đường sai quấy

Này Kiên Ý, có được bốn pháp ấy nên biết đó là bậc thiện tri thức vậy.

Lúc đó đức Thế Tôn bèn nói bài kệ rằng:

Biết dạy dỗ tu đạo
Biết lỗi lầm sai trái
Biết rõ được như thế
trụ trong pháp vô ngại.

Này Kiên Ý, lại cũng có bốn pháp nên biết là người thiện tri thức. Những gì là bốn? Biết đất, biết người, biết nói, biết làm. Thế nào là biết đất? Theo người mà biết đất. Thế nào là biết người? Theo chỗ thực hành mà biết người trong đất đa dục, đa sân, đa si, hay trong đất định dục, định sân, định si. Người thì ở đất định dục, định sân, định si, kẻ thì trụ trong đất định dục sân, định dục sân si, người kia ở trong đất dục, sân, si. Nếu chúng sanh ở trong ba địa bất thiện ấy ta đều có thể biết được. Ðã biết nên theo chỗ trụ địa ấy mà thích hợp giáo hóa, tùy theo các dục lạc của Bồ Tát đều biết hết. Này Kiên Ý, nếu người nào thành tựu được bốn pháp trên, nên biết đó là bậc thiện tri thức. Này Kiên Ý, lại có bốn pháp nên biết được tướng người thiện tri thức. Những gì là bốn?

1) Khéo giữ gìn lời nói

2) Làm cho người trụ trong pháp nhiệm mầu

3) Thường tùy thời giáo hóa

4) Tùy lúc nghỉ ngơi

Lúc đó đức Thế Tôn liền nói bài kệ rằng:

Biết tùy người thực hành
các địa sai biệt hẳn.
Biết tùy người dạy bảo
nên chúng thành tựu cả
Thuyết pháp điều phục là
khiến trụ pháp nhiệm mầu.
Tùy thời quở trách đa
cũng tùy thời nghỉ ngơi.
Tâm lành nói ra lời
không nhận việc phi thời
Người trí như thế đó
tùy nên theo hoặc bỏ

Này Kiên Ý, lại có bốn pháp nên biết tướng người thiện tri thức, thì có thể làm cho người khác tu pháp tam muội. Những gì là bốn?

1) Làm cho chúng đệ tử xuất gia thực hành hạnh xa lìa

2) Khiến cho người nhập vào quán pháp mầu nhiệm

3) Làm cho an trụ trong thiền định, trong mọi duyên mà không bị ngăn ngại

4) Xa lìa các tướng.

Này Kiên Ý, có bốn pháp ấy nên biết được là bậc thiện tri thức. Phật nói bài kệ:

Như người khen xuất gia
và ở chỗ vắng xa
Khiến đệ tử chiến thắng
ấy thiện tri thức đa
khiến trụ nghĩa đệ nhứt(5)
ở trong vi diệu pháp
trụ thiền định vô tướng
chính danh thiện tri thức.

Lại nữa này Kiên Ý, nếu Bồ Tát thành tựu được bốn pháp thì có thể tu tập tam muội. Những gì là bốn?

1) Xa lìa tự tâm

2) Thuận theo ý thầy

3) Lìa bỏ các duyên (mối buộc)

4) Tu pháp tam muội thường chuyên cần tinh tấn, quyết định không lui sụt.

Muốn đạt được tam muội ấy phải ưa ở nơi thanh tịnh, xa lánh những nơi ồn náo. Nếu Bồ Tát thành tựu bốn pháp ấy có thể tu môn tam muội này.

Kiên Ý, Bồ Tát còn có bốn pháp làm cho sớm đạt được tam muội. Những gì là bốn?

1) Khéo giữ hình ảnh Phật cho đến trong giấc mộng cũng thấy chư Phật.

2) Khéo giữ hình ảnh thuyết pháp cho đến trong giấc mộng cũng thấy được nghe pháp.

3) Vì chúng sanh nói pháp không biết mỏi mệt, được các pháp nhẫn sâu xa để biết mọi pháp đều hoại diệt.

4) Thực hành định không nương tựa, tùy định để lìa tâm.

Kiên Ý, Bồ Tát có bốn pháp chóng đạt được tam muội như thế. Lúc bấy giờ đức Thế Tôn nói bài kệ rằng:

Người ấy chẳng rời
hình tướng Thế Tôn.
Thường ôm hình Phật
chẳng rời trước mặt.
Luôn được thấy Phật
băm hai tướng tốt.
Nghe Phật thuyết pháp
giữ tướng thật ấy
chắc chắn bền xa
trong pháp nhẫn hòa
nương nơi thiền định
tâm ưa lìa xa
Chẳng diệt pháp ấy
hoại liệt pháp thảy.
Các pháp chẳng pháp
người ấy ưa thích
các tướng quán sát
không điểm phân biệt.
Tin hiểu pháp thật
đều là thân Phật
ngôn từ chẳng chấp
không theo lời người
Tự biết tướng đây
do người nói ra.
Tu nhẫn nhục hòa
chính danh kẻ trí.
Sớm đạt tam muội
tri thức gần gủi
tu pháp Phật khen
giáo hóa chúng sanh
trụ sâu định pháp.
Kiên Ý Bồ Tát
nếu đủ bốn pháp
thì việc tu hành
tam muội chóng thành.

Những gì là bốn?

1) Khéo biết tướng các duyên

2) Khéo phân biệt các duyên

3) Biết các duyên thường thay đổi

4) Khéo biết bổn hạnh(6)

Ðủ bốn pháp như thế chóng thành tựu thông suốt được định.

Lúc bấy giờ đức thế Tôn nói bài kệ rằng:

Bồ Tát đa văn thêm trí tuệ
Tâm vị tha nói ra tam muội
pháp lành chư Phật được nghe thấy
nên vì người truyền trao giảng dạy.
Do quán thân Phật như tướng thật
là pháp tu tam muội nghiêm mật
trong thân tướng trang nghiêm của Phật
thâm tâm niệm tưởng tướng sai biệt:
thân tướng và băm hai tướng tốt
hình tướng, sắc tướng, quang minh tướng
diện mạo, lông mi, tướng bạch hào (7)
nhơn tôn tướng ấy niệm nghĩ thường
hiển bày các tướng tại mục tiền
Luôn luôn quán sát tướng sai biệt
cũng như mỗi phần của sắc thân
chẳng phải một tướng là thân Phật
chú tâm phân tích các Phật thân
Tâm vốn vô hình bổn tánh thanh.
Liên tục tùy duyên niệm đổi thay
thuận duyên các tướng phát hiện ra.
Biết rõ tâm tướng lại qua không dừng
là hiểu pháp duyên sanh diệt luôn
Pháp phát sanh do niệm phân biệt
nếu không phân biệt là an lạc.
Khéo biết tâm tánh tướng chuyển đổi
cũng biết các duyên là huyễn thôi.
Biết pháp thế gian như lửa đốt
rõ thế rồi tâm không hoảng hốt.
Nghĩa các pháp đều như thế cả
tức biết các tướng Phật biến hóa
không cố chấp tướng lạ hình Phật
Biết các thế giới đều không thật.
Trong mọi duyên không ôm tướng chấp
biết được thân tâm luôn chuyển dời.
Pháp như thế rõ ràng niệm quán
chóng được tam muội hằng soi sáng
hiện thần thông mỗi khi thuyết giảng
nói những điều chánh đáng chẳng sai
làm chúng sanh mở khai tâm thiện
đạt pháp mầu vi diệu thậm thâm.

Này Kiên Ý, Bồ Tát có bốn pháp nên thành tựu được tam muội, nên vì người khác mà giảng giải. Những gì là bốn?

1) Có được tam muội rồi nên chuyên cần tinh tấn không dừng nghỉ, ngày đêm thường đi kinh hành. Lúc muốn ngồi thiền trước hết phải nghĩ tới Phật đang ngồi tòa đạo tràng ở trước mặt, đang bố thí pháp cho chúng sanh không tiếc.

2) Ðối với người thuyết pháp xem như thấy đức Thế Tôn

3) Phân tích tự thân không nương pháp, đem cái không nương ấy thuyết cho chúng sanh hiểu rõ.

4) Bồ Tát thực hành như thế, nghĩ như thế, duyên như thế, ở yên nơi pháp tòa, bố thí pháp rộng khắp nên được tam muội, hoặc có Bồ Tát từ pháp tòa đứng dậy liền được tam muội.

Lại nữa này Kiên Ý, nếu Bồ Tát thành tựu được bốn pháp, là đạt được tam muội. Những gì là bốn?

1) Bồ Tát vì người mà xuất gia tu hạnh viễn ly, lìa bỏ những nơi ồn náo.

2) Chỉ chứa đủ ba y, lìa tâm tham chấp. Ở chúng tại gia và chúng xuất gia không tạo các mối buộc.

3) Xa hẳn những lỗi quấy phi pháp

4) Ðược pháp nhẫn sâu xa, ưa thích vắng lặng.

Kiên Ý, Bồ Tát thành tựu bốn pháp ấy liền được tam muội.

Này Kiên Ý, nếu Bồ Tát tại gia thành tựu bốn pháp cũng được tam muội vậy. Những gì là bốn?

1) Bồ Tát tại gia giữ gìn năm giới, mỗi ngày chỉ ăn một bửa

2) Nương nơi chùa tháp, học rộng nghe nhiều

3) Thấu triệt các luận thuyết, cũng như thân cận các bậc thiện tri thức

4) Khéo biết đem pháp tam muội ra giáo hóa.

Này Kiên Ý, Bồ Tát tại gia nhờ thành tựu bốn pháp ấy nên đạt được tam muội.

Lại này Kiên Ý, nếu Bồ Tát tại gia hay xuất gia thành tựu bốn pháp sau đây đạt được tam muội. Những gì là bốn?

1) Hoàn toàn giữ giới thanh tịnh trong mọi sinh hoạt không còn nghi ngờ

2) Nhờ tam muội, không tham tiếc thân mạng, không nương pháp

3) Tùy chỗ nghe, đem tam muội ấy ra giáo hóa

4) Ở cõi người niệm tưởng đức Thế Tôn

Lúc tu niệm Phật tam muội như thế lìa được tâm keo kiệt (8) .

Này Kiên Ý, nếu Bồ Tát tại gia hay xuất gia có được bốn pháp trên đạt được tam muội.

Kiên Ý, nếu người phát tâm Ðại Thừa muốn được tam muội nên tu bốn pháp lợi ích sau đây. Những gì là bốn?

1) Nên quán thân bất sanh, bất tịnh

2) Nên quán thọ bất sanh, là khổ

3) Nên quán tâm bất sanh, vô thường

4) Nên quán pháp chẳng sanh, vô ngã.

Kiên Ý, Bồ Tát thành tựu được bốn pháp ấy trợ lực cho tam muội này.

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn muốn làm cho rõ nghĩa trên nên nói bài kệ rằng:

Bồ Tát nên tu tập
chỗ Phật khen niệm xứ
Nơi tỳ kheo hành xử
hay được tam muội này.
Cần phải phân tích thân
cũng chẳng ham nương tựa
Do tâm không nương tựa
nên đạt được tam muội.
Trong tâm pháp với 'thọ'
cũng không nơi nương tựa.
Pháp khó nghĩ bàn ấy
đạt được tam muội này.
Cần tu tập tứ thiền (9)
và bốn pháp chánh cần.
Không nương tựa pháp nào
nên được tam muội này.
Với bốn như ý túc
và bốn trí vô ngại
là pháp phải học hỏi
chớ sanh tâm giải đãi.
An trụ trong giới thảy
gần thiện tri thức dạy.
Người nói tam muội ấy
tưởng như thấy Thế Tôn.
Ða văn là căn bổn
từ trong tam muội đến.
Tùy chư Phật đã nói
tu như lời chỉ giáo.
Ðấy là mắt sáng tạo
pháp nhãn không gì cao
không một chướng ngại nào
để chỉ giáo chúng sanh.
Căn bản từ các kinh
đa văn pháp phát sanh
Bồ Ðề từ đây thành.
Thế nên tu học thường
Phật hiện khắp mười phương.
Bốn trí vô ngại tưởng
phát ra từ nơi đó.
Tu học cần kiên cố
Bồ Tát được như thế
đạt tam muội Phật nói.
Người ấy lúc nói pháp
biện bác không cùng tận
nên đối với các pháp
thấu rõ tướng chân thật.
Như biển không tăng giảm
nên không ai đội nổi.
Nếu được tam muội rồi
không chỉ dạy cho người
cũng như lúc nghe pháp
chẳng xét người khác thuyết
trời, rồng, quỉ, long vương
dạ xoa, khẩn na la
chúng nhơn, phi nhơn thảy
Quán xét Bồ Tát nói
trụ trong tam muội ấy.
Tâm chúng sanh rõ thấu
biết điều chúng ưa muốn
để tùy nghi giảng bày.
Ta trong kinh pháp này
nói đến chư Phật thảy
Vì trụ trong tam muội
nên biết rõ danh tự
cũng như biết chư Phật
diễn nói đủ các pháp
tùy theo tâm nghĩ suy
tức thì đều liễu tri
Phật Thế Tôn các vị
chúng đệ tử tu trì
trụ trong tam muội này
thảy đều nghe biết cả.
Rõ biết Phật, thế giới
việc trang nghiêm như thế
cũng biết tuổi thọ mạng
nhờ rõ được tam muội.
Biết các kiếp, số tuổi
cùng nhựt nguyệt, thời tiết
mười phương trong trời đất
chư Phật lưỡng túc tôn
thông suốt không gì hơn
Cũng biết các cõi Phật
và cả chư Thế Tôn
đều có tên sai biệt
tam muội khéo tu tập
nên thảy đều thấy biết.
Cũng biết chư Thế Tôn
cùng các chúng đệ tử.
Vì họ nói pháp ngữ
tất cả đều thông đạt.
Các pháp diệu thâm mật
chỗ thực hành chư Phật.
Tam muội khéo tu tập
thảy đều thấy biết hết
Ở trong đời vị lai
vô lượng chư Thế Tôn
tên gọi và giòng dõi
tất cả đều biết rõ
cũng như biết tuổi thọ
cùng chúng đệ tử cả
kinh pháp đã nói ra
đều có thể biết suốt.
Biết chư Thế Tôn Phật
mỗi vị tịnh trang nghiêm
chư Phật diệt độ xong
giáo pháp trụ bao lâu
định trong tam muội sâu
Việc này đều rõ thấu
đa văn muốn mong cầu
nên tu tam muội nầy.
Nhân tập tam muội ấy
các nghĩa thú hiểu thấu
Nên biết tam muội này
nhập Phật trí ban đầu
làm lợi lạc muôn loài.
Trí tuệ Phật sáng soi
nhờ từ đó phát sanh
vô lượng các phước lành.
Nếu người phát tâm thành
cầu Bồ Ðề đạo Thánh
cúng dường Phật quá khứ
cùng các chúng đệ tử.
Cúng mỗi vị Phật đủ
và các hàng đệ tử.
cõi ba nghìn bỏ cả
châu báu ở đại thiên
dùng của báu như trên
đầy đủ một kiếp tròn
đều cúng dường không tiếc.
Chư Phật và Thánh triết
trong đời vị lai tiếp
và cả chư Thế Tôn
cũng tận tâm cúng dường
cùng đệ tử các Ngài
Kiên Ý nên biết rằng
người ấy có phước duyên
cầu Phật vô thượng pháp
được trí bất khả thuyết.
Người cầu Phật chí quyết
tu tập tam muội pháp.
Từ tam muội ấy đạt
được đa văn cao tột.
Ða văn đạt hoàn tất
thuyết rộng cho chúng nhờ
Phước đây hơn phước kia
khó có thể suy lường
Phước báu khó hạn lượng
làm trí huệ tăng trưởng.
Tu pháp tam muội tướng
không nương Phật cúng dường.
Nếu đem hoa, dầu, hương
đồ ăn mặc, thuốc thang
Chư Phật nguyện cúng dường
ấy không tướng chân thật.
Như Lai ngồi đạo tràng
chứng được vi diệu pháp.
Người nào ham tu học
ấy chân thật cúng Phật.
Như người cầu đạo giác
muốn thấy được chư Phật
cần tu pháp nghiêm mật
sớm đạt tam muội này.
Nếu nghe tam muội đây
sanh tâm hoan hỷ ngay
chúng sanh kia chính là
từng thấy Phật hằng sa...


Lại này Kiên Ý, nếu người thiện nam, tín nữ cầu Phật đạo, cúng dường trang trí chùa tháp Phật đầy đủ được bốn đại nguyện thanh tịnh. Những gì là bốn?
1) Ðược sắc thân thanh tịnh số một
2) Sanh ra đời thường được lìa nơi chướng nạn
3) Bền lòng giữ gìn thiện pháp
4) Thường thấy chư Phật có lòng tin vững chắc, nên chóng đạt được vô thượng
Bồ Ðề, truyền bá giáo pháp nhiệm mầu sâu rộng. Ðó là bốn pháp.
Lúc bấy giờ đức Thế Tôn muốn làm cho rõ nghĩa trên nên nói bài kệ rằng:


Kẻ trí thường cúng dường
chư Phật, tạo chùa tháp
chư thánh hiền xưng tán
được bốn pháp vô hạn
thường sanh nơi không nạn
hay thấy được chánh chân
chư Phật thường thấy luôn.
Thấy Phật tâm tịnh thanh
được tin sâu vững bền
bất động như Tu Di
quyết định được Phật trí
chóng thành vô thượng đạo.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]