Việt Nam Phật Giáo Sử Luận - Tập 3
Chương 31: Xây Dựng Lại Các Cơ Sở Hành Đạo
Nguyễn Lang
Nguồn: Nguyễn Lang
KHUYNH HƯỚNG THÂN KHÁNG CHIẾN CỦA CÁC TỔ CHỨC PHẬT GIÁO
Mặt trận kháng chiến Sài Gòn rồi Hà Nội và Huế tan vỡ; tang tóc gieo trên quê hương càng lúc càng nhiều. Một số tăng sĩ và cư sĩ làm việc trong kháng chiến rút theo về các căn cứ chiến khu. Những tăng sĩ và cư sĩ khác tại các địa phương tản cư cũng cùng với đồng bào từ từ hồi cư tìm về nơi trú cũ.
Nhiều nơi nhà cửa tan hoang và chùa chiền đổ nát. Quân đội viễn chinh Pháp lập đồn lũy khắp nơi. Đó là vào khỏang cuối 1947. Chùa chiền được quét dọn, mở cửa. Những lễ cầu siêu và cầu an được tổ chức. Tâm hồn nặng trĩu đau thương và tang tóc, Phật tử đổ xô về chùa để tìm nguồn an ủi. Đau thương càng nhiều thì đức tin tôn giáo càng mạnh. Biến chuyển càng nhiều thì giáo lý vô thường càng được nhìn nhận rõ ràng. Phật giáo thời gian ấy là Phật giáo của niềm an ủi vỗ về, là giọt nước cam lộ từ bi trên nhành dương liễu.
Tuy đã bắt đầu tổ chức guồng máy kiểm soát trong các thành phố nhưng thực dân và những người tay sai vẫn không có cách gì ngăn cản được sự liên hệ giữa quần chúng hồi cư và những căn cứ kháng chiến. Bề ngoài ai nấy đều có vẻ sống yên lặng, nhưng ý thức về cuộc kháng chiến thì rất tỏ rõ. Tại các chùa, nơi phòng khách, người ta thường đọc một bản yết thị nhỏ dán trên tường: “Đây là thiền môn, không nên luận bàn về chính trị”. Những yết thị đó, ai cũng biết là chỉ để dành cho những người do thám cho guồng máy thực dân. Những tăng ni trẻ tuổi ở các chùa vẫn có liên lạc với các đồng liêu của họ trong vùng kháng chiến và nhiều vị vẫn lén về khu kháng chiến một cách đều đặn. Chính trong thời gian này mà nhiều tăng ni bị bắt giam hoặc bị sát hại. Ít có chùa nào ở những vùng núi non và thôn quê mà không có liên lạc để giúp đỡ công cuộc kháng chiến.
Những tổ chức Phật giáo cứu quốc được tiếp tục duy trì. Trụ sở của các tổ chức này có nơi đặt tại vùng kháng chiến, có nơi đặt tại vùng hồi cư. Tỉnh nào cũng duy trì một Ủy ban Phật Giáo Cứu Quốc. Không những chỉ có các tăng sĩ trẻ đứng ra đảm nhiệm công cuộc này mà những vị tôn túc nhiều khi cũng đã chịu đứng ra làm chủ tịch các ủy ban để các tăng sĩ trẻ tuổi dựa vào mà làm việc. Thiền sư Huệ Quang, một trong những cây cột chống của hội Lưỡng Xuyên Phật học, đã đứng ra làm chủ tịch Ủy Ban Phật Giáo Cứu Quốc tỉnh Trà Vinh, đồng thời cũng là ủy viên xã hội của Ủy Ban Hành Chính tỉnh bộ Trà Vinh. Hồi ấy ông đã gần 60 tuổi. Thiền sư Pháp Dõng đứng ra làm chủ tịch Ủy Ban Phật Giáo Cứu Quốc tỉnh Gia Định. Thiền sư Pháp Tràng là chủ tích Ủy Ban Phật Giáo Cứu Quốc tỉnh Mỹ Tho. Thiền sư Pháp Long là chủ tịch Ủy Ban Phật Giáo Cứu Quốc tỉnh Vĩnh Long. Chùa Ô Môi ở xã Mỹ Quý trong chiến khu Đồng Tháp Mười là trụ sở của hội Phật Giáo Cứu Quốc Nam Bộ(106).
Tham dự vào ban chấp hành có các thiền sư Minh Nguyệt, Huệ Phương, Viên Minh và Không Không. Tờ Tinh Tấn, nguyệt san của tổ chức có khi được phổ biến về tận Sài Gòn. Tại Liên Khu V, nơi cư sĩ Lê Đình Thám làm chủ tịch Ủy Ban Hành Chánh Miền Nam Trung Bộ, tăng sĩ và cư sĩ hoạt động mạnh mẽ trong Ủy Ban Phật Giáo Cứu Quốc ở trung ương cũng như tại các tỉnh hệ thuộc. Các tăng sĩ trẻ như Tâm Hoàn, Kế Châu, Huyền Quang v.v… được sự cộng tác đắc lực của một số đoàn viên đoàn Phật Học Đức Dục cũ như Nguyễn Hữu Quán, đã gây được những sắc thái đặc biệt cho hoạt động của tổ chức Phật giáo trong liên khu.
Tại khu cực miền Bắc Trung Phần gồm Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, sự có mặt của thiền sư Mật Thể đại biểu Quốc Hội và của những vị khác như Giác Phong, Trí Độ v.v… dã tạo được ít nhiều sinh lực.
Tại các chiến khu miền Bắc, tăng sĩ và cư sĩ tham dự đắc lực vào việc xây dựng vùng giải phóng, sản xuất kinh tế, chăm nom giáo dục và nuôi nấng thiếu nhi. Cư sĩ Thiều Chửu và hơn năm mươi em cô nhi của chùa Quán Sứ đã định cư luôn trên vùng giải phóng. Thiền sư Thế Long, trụ trì chùa Cổ Lễ ở Nam Định là người tiêu biểu nhất cho giới tăng sĩ tham dự cách mạng. Ông đã hoạt động hết lòng tại các vùng kháng chiến và đã kêu gọi thanh niên tăng tạm thời ngừng việc tu học để góp phần vào cách mạng. Gần ba mươi thanh niên tăng kể cả các vị sư trú tại chùa Cổ Lễ đã nghe theo lời gọi của ông đi vào vùng kháng chiến.
Phần lớn, tăng sĩ ở các khu vực giải phóng đều làm việc lao động khai phá đất đai, trồng mía, trỉa bắp, liên lạc, tiếp tế hoặc những công tác xã hội và giáo dục khác.
Tại các vùng hồi cư, điều kiện đã có đủ cho sự tạo dựng lại cơ sở. Khắp nơi tăng sĩ và cư sĩ tìm về với nhau để tổ chức lại sự tu học. Một số Phật học đường được mở cửa và các tổ chức tăng già và cư sĩ được tái lập. Công việc Phật sự tiến hành rất mau chóng bởi vì quần chúng Phật tử đi chùa và tham dự Phật sự rất đông đảo.
Tại Trung Phần, thiền sư Trí Thủ vận động mở cửa lại Phật học đường Báo Quốc vào năm 1947. Hội Việt Nam Phật Học, hậu thân của hội An Nam Phật Học cũng được thành lập vào tháng Sáu năm 1948 đặt trụ sở tại số 1B đường Nguyễn Hoàng, Huế. Cư sĩ Chơn An Lê Văn Định đứng làm hội trưởng. Hội bắt đầu liên lạc và tái lập các tỉnh hội và chi hội ở miền Trung.
Các huynh trưởng Gia Đình Phật Hóa Phổ cũng quy tụ thanh thiếu niên Phật tử lại và đoàn ngũ hóa tổ chức. Chỉ trong vòng một năm thôi, hội Việt Nam Phật Học đã thiết lập được cơ sở hành đạo vững vàng tại miền Trung.
Tổ chức “Sơn Môn Tăng Già” cũng được thành lập tại chùa Thừa Thiên và dần dần tại các tỉnh. Thiền sư Tịnh Khiết được suy tôn làm Tùng Lâm Pháp Chủ của Sơn Môn Tăng Già Trung Việt. Vào năm 1947, trụ sở của Sơn Môn Tăng Già Trung Việt đặt tại chùa Linh Quang Huế.
Về phương diện báo chí, một tạp chí Phật học được xuất bản, lấy tên là Giác Ngộ, do một số thanh niên tăng sĩ và cư sĩ chủ trương, trong đó có Võ Đình Cường, Cao Khả Chính, Trương Tú, Trịnh Tiên, Phạm Đăng Trí và Trúc Diệp v.v… Sau đó, tờ Viên Âm được tục bản với sự chăm sóc của thiền sư Trí Quang, làm cơ quan ngôn luận chính thức của hội Việt Nam Phật Học.
Tại Bắc Phần, một số tăng sĩ triệu tập đại hội chư tăng tại chùa Quán Sứ vào ngày 20.8.1949 để thành lập hội Tăng Ni Chính Lý Bắc Việt và bầu thiền sư Tố Liên làm hội trưởng. Một Phật học đường cho tăng sinh do thiền sư Tuệ Tạng đứng làm đốc giáo được khai giảng tại chùa Quán Sứ vào tháng Chính 1949 và một Phật học đường cho ni sinh cũng được khai giảng tại chùa Vân Hồ cũng vào tháng Chín 1949. Đến ngày 9.9.1950, đại hội “Tăng Ni Chỉnh lý” họp tại chùa Quán Sứ và danh xưng được đổi lại là “ Phật Giáo Tăng Già Bắc Việt”. Tháng Tư năm 1951, thiền sư Mật Ứng được suy tôn làm Thiền gia pháp chủ. Bán nguyệt san Phương Tiện được xuất bản, do thiền sư Tố Liên đảm nhiệm với sự cộng tác của các thiền sư Trí Hải, Vĩnh Trường, Quảng Hằng và Ngọc Bảo.
Đồng thời hội Việt Nam Phật Giáo cũng được thành lập tại chùa Quán Sứ, với cư sĩ Bùi Thiện Cơ làm hội trưởng. Một hội khác tên là hội Phật Tử Việt Nam được thành lập tại chùa Chân Tiên.
Tại Nam Phần, các thiền sư Trí Tịnh và Quảng Minh thành lập Phật học đường Liên Hải tại Chợ Lớn vào năm 1946. tiếp đến, thiền sư Huyền Dung mở Phật học đường Mai Sơn. Phật học đường này sau được dời về chùa Sùng Đức Chợ lớn. Năm 1949, thiền sư Trí Hữu thành lập Phật học đường Ứng Quang, cũng ở Chợ Lớn. Tại Trà Vinh, thiền sư Thiện Hoa cũng mở cửa lại Phật học đường Trà Vinh, thiền sư Thiện Hoa cũng mở cửa lại Phật học đường Trà Vinh từ 1946 và thu nhận học tăng mới.
Năm 1950, các thiền sư Trí Hữu, Thiện Hòa, Nhật Liên, Huyền Dung, Trí Tịnh và Quảng minh họp tại chùa Ứng Quang và quyết định thống nhất các Phật học đường Liên Hải, Mai Sơn và Ứng Quang lại. Kết quả là Phật học đường Nam Việt được thành lập tại chùa Ứng Quang. Thuận theo ý thiền sư Nhật Liên, chư tăng đồng ý đổi danh xưng Ứng Quang thành Ấn Quang,
Năm 1953, Phật học đường Phật Quang cũng gia nhập Phật học đường Nam Việt và thiền sư Thiện Hoa được mời về chùa Ấn Quang để cộng tác.
Trong những vị cư sĩ ủng hộ việc thành lập Phật học đường Nam Việt, có vị tên là Mai Thọ Truyền, pháp danh là Chánh Trí. Thấy các miền Trung và miền Bắc đã có cơ sở tu học vững chãi cho người cư sĩ, ông Mai Thọ Truyền vận động với các thân hữu để thành lập hội Phật Học Nam Việt. Hội này ra đời ngày 25.2.1951 tại Sài Gòn, đặt trụ sở tại chùa Khánh Hưng ở Hòa Hưng, và sau đó ít lâu dời về chùa Phước Hòa ở Bàn Cờ. Hội trưởng niên khóa đầu tiên là cư sĩ Nguyễn Văn Khỏe, một cư sĩ từng hoạt động đắc lực cho hội Lưỡng Xuyên Phật Học. Sau nhiều năm hoạt động, hội Phật Học Nam Việt dựng chùa Xá Lợi để làm trụ sở.
Ngày 5.6.1951 một cuộc đại hội của chư tăng tại chùa Hưng Long đã đi đến sự thành lập Giáo Hội Tăng Già Nam Việt, trụ sở đặt tại chùa Ấn Quang. Thiền sư Đạt Từ làm trị sự trưởng của Giáo Hội và thiền sư Nhất Liên đảm nhận trách vụ tổng thư ký. Thiền sư Đạt Thanh (chùa Giác Ngộ) được suy tôn làm pháp chủ lâm thời. Đại hội ngày 8.3.1953 của Giáo Hội Tăng Già Nam Việt bầu thiền sư Thiện Hòa làm trị sự trưởng và suy tôn thiền sư Huệ Quang làm pháp chủ.
Như vậy là Bắc Trung Nam đã có đủ các tập đoàn tăng sĩ và cư sĩ. Ba tập đoàn tăng sĩ và ba tập đoàn cư sĩ này năm 1951 đã họp hội đồng tại Huế và thành lập một tổ chức Phật giáo thống nhất lấy tên là Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam.
Đứng về phương diện hình thức, các tổ chức Phật giáo nói trên đều tuyên bố là không mang màu sắc chính trị, nghĩa là tránh không đả động tới vấn đề thời cuộc. Điều này có tính cách dễ hiểu, bởi vì những tổ chức này được thiết lập và hoạt động trong những vùng “quốc gia”, những vùng được cai trị và bảo vệ bởi một “chính quyền quốc gia” với sự kiểm soát của quân đội thực dân Pháp. Tuyên bố công khai rằng họ chống thực dân và chính quyền bù nhìn do thực dân đặt ra, đó là việc những tổ chức Phật giáo ấy không thể làm được, bởi vì nếu làm như thế thì bị đóng cửa và đàn áp ngay từ buổi đầu. Điều họ có thể làm được, do đó, là tuyên bố tính cách phi chính trị của họ và như vậy có thể từ chối những áp lực của thực dân và các chính quyền tay sai biến mình thành những yếu tố chống kháng chiến. Tuy nhiên, thực hiện được điều này cũng là một công trình vất vả. Áp lực của chính quyền thường xuyên đè nặng trên họ, và khi chống lại áp lực này, họ trở thành những tổ chức không được chính quyền tin cậy. Trái lại, họ còn bị nghi ngờ, nhất là khi một số tu sĩ và cư sĩ trong các tổ chức Phật giáo bị bắt vì lý do hoạt động bí mật cho kháng chiến. Lợi dụng những tổ chức này vào mục tiêu chính trị không được, chính quyền bèn xoay sang nâng đỡ những thành phần tăng sĩ và cư sĩ “thân hữu” để giúp họ thành lập những tổ chức Phật giáo có tính cách thân chính. Do đó, những tổ chức như Phật Giáo Thuyền Lữ (ở Trung) và Phật Giáo Cổ Sơn Môn (ở Nam) ra đời. Tuy vậy, những tổ chức này không hữu hiệu và không lớn mạnh được(107)
Đứng về phương diện nội dung, các tổ chức Phật giáo nói trên, ít nhất là trong giai đoạn 1948-1950, đều có khuynh hướng thân kháng chiến. Khuynh hướng này được trông rõ rệt trong giới trẻ tuổi của các tập đoàn Phật giáo, tăng sĩ cũng như cư sĩ. Từ 1949, tổ chức Gia Đình Phật Hóa Phổ đã được thành lập và phát triển mạnh ở miền Bắc rồi và đạo Phật ở Việt Nam hòi đó không còn là đạo của riêng những người lớn tuổi nữa. Chùa chiền ở thành thị (và ở cả thôn quê nữa) đều thấp thoáng bóng người trẻ tuổi và vang vang tiếng hát của họ. Nhiều phần tử tăng sĩ và cư sĩ trẻ tuổi bí mật tham dự kháng chiến và bí mật liên lạc với bạn bè của họ trong vùng kháng chiến. Họ đồng nhất “chính nghĩa độc lập” với đạo Phật và họ gọi con đường tranh đấu cho độc lập quốc gia của những người kháng chiến là “chính đạo”. Hãy nghe một thanh niên Phật tử ở Hà Nội cầu nguyện trong đêm giao thừa Canh dần, đem 16 thángHai năm 1950:
“Đêm giao thừa Canh dần! Giờ phút thiêng liên này đã đánh dấu một năm khói lửa mịt mù trên giang sơn nước Việt, một năm chiến tranh tàn khốc từ Bắc chí Nam, từ Đông sang Tây, trên bán đảo chữ S, một năm đầy dẫy những giết chóc, đấnp, thiêu hủy, gây nên biết bao nỗi đau thương tang tóc!… nhưng cũng là là một năm mà dân tộc Việt Nam đã trưởng thành, một năm mà dân tộc Việt Nam đã hy sinh xương máu để dành Độc Lập, Tự Do cho Tổ Quốc. Biết bao nhiêu chiên sĩ và nạn nhân chiến tranh đã bỏ mình nơi chiến địa! Biết bao cơ nghiệp bị phá hủy! Sự hy sinh của cả một dân tộc thật là vô bờ bến.
“Trong giờ phút thiêng liêng của lễ giao thừa, tất cả hàng Phật tử lên khóa lễ tụng kinh niệm Phật để tâm hồn được yên tĩnh mà tưởng niệm đến những người thân yêu, giờ này đang còn tranh đấu, còn đang chịu cực khổ lầm than ở khắp nơi từ thành thị thôn quê đến tận bên giời góc bể, để tưởng niệm đến những bà con họ hàng thân thích đã bao thu biệt vô âm tín, hiện nay còn sống hay đã ngã quỵ trước mũi tên hòn đạn nơi sa trường!
“Ngoài trời tối đen như mực, gió bấc vi vút từng cơn, hật mưa xuân lạnh buốt càng gợi cho ta nhớ đến các bà con, anh em, chú bác, cô dì, con cháu thân yêu của chúng ta giờ đây ở những nơi xa xăm mù mịt,đang lo lắng làm tròn phận sự của một đệ tử Phật chân chính đang nổ lực hoạt động cho hòa bình chóng trở lại với giang sơn đất nước…
“Chiến tranh tàn sát sẽ chấm dứt!
“Chính nghĩa, chính đạo phải được tôn trọng!
“Xa xa tiếng chuông chùa vọng trong không trung như nhắn nhủ các hàng đệ tử Phật hãy kiểm điểm mình, kiểm điểm công việc mình làm trong năm vừa qua và hãy nương ánh hào quang chư Phật soi sáng cho con đường “chính đạo” để sang năm mới, cá bạn mạnh dạn tiến bước, tăng trưởng đạo tâm và cương quyết giữ vững tinh thần”(108).
Trong một tạp chí xuất bản ở thành thị mà viết được như thế, tưởng cũng là rõ rệt và can đảm. Chúng ta hãy để ý đến danh từ hòa bình dùng trong bài. Danh từ này còn có nghĩa là “độc lập”.
Cũng như trong một ý niệm về “hòa bình” tương tự, một Phật tử ở Sài Gòn viết vào tháng Tám năm 1950 đề nghị một chương trình tám điểm, hai điểm đầu như sau:
“Điều thứ nhất: gấp gấp ngừng chiến tranh. Nên tôn kính chủ quyền của dân tộc. Phải giải phóng các dân tộc thuộc địa, lập thành quốc gia mà chủng tộc của họ tự chủ lấy. Không được tham dự vào việc chính trị tự chủ của các quốc gia…”
“Điều thứ hai: Quân đội viễn chinh phải trở về bổn quốc, không được đình trú trên địa phận một quốc gia nào. Các giới tư nhân trung lập như thương gia, kỹ nghệ gia v.v… phải có điều kiện thỏa thuận mưói có thể lưu trú được(109).
Tính cách “phi chính trị” có vẻ hình thức của các tập đoàn Phật giáo hồi đó, thực ra, chỉ là một hình thức tự vệ. Giới Phật tử tuổi trẻ, bằng hành động và phát biểu của họ, đã nói được khuynh hướng thân kháng chiến của các tổ chức trên.
ĐẠO PHẬT XOA DỊU ĐAU THƯƠNG
Nhưng không phải tất cả mọi người trong các tổ chức Phật giáo đều có hoạt động và tư tưởng thân kháng chiến. Rất đông những người tới chùa hồi đó là những người đã từng chịu đựng tai ách chiến tranh: thân nhân của họ từng bị sát hại hoặc tù đày hoặc mất tích, cơ nghiệp của họ từng bị tan tành vì bom đạn. Họ đến chùa để tìm sự an tĩnh cho tâm hồn, để được an ủi, để được chở che.
Nữ sĩ Tâm Tấn viết năm 1949 tại chùa Báo Quốc trong dịp lễ Vu Lan:
A Di Đà Phật, mõ rền chuông nổi
Tôi đắm chìm trong thế giới trầm hương
Bỗng nghe vang lời cầu nguyện bi thương
Chợt tỉnh, lặng ngắm nhìn tín đồ nam nữ:
Đây là vợ khóc chồng đày xa xứ
Đây là chồng khóc vợ tử biệt ly
Cha có con khổ bệnh đến quy y
Cảnh oàn oại trong vòng vô lượng khổ
Trí vang ngân lời kinh siêu độ
Từng nhịp lòng nhân ái gửi theo chuông
Trong phút giây, tôi sống giữa hai đường
Phật bất diệt và trần gian tiêu diệt…”(110)
Có những người đến chùa để vừa tìm nguồn an ủi, vừa để cầu nguyện cho người thân đã mất hoặc đang chiến đấu gian khổ ở xa xôi. Những có những người đã quá đau khổ vì chiến tranh chỉ muốn đến chùa để được an ủi, và không muốn nghe chuyện chiến tranh và chính trị ở chốn thiền môn dù tình cảm của họ vẫn thiên về bên kháng chiến. Cũng có người nhất quyết bảo vệ tính cáh “phi chính trị” của tổ chức Phật giáo: họ chống chuyện làm chính trị trong tổ chức Phật giáo dù trong thâm tâm, họ không có ác cảm gì với kháng chiến.
Trong số những người này, ta nhận diện được một số người có mặt trong guồng máy quản trị của các hội Phật giáo: họ chống lại bất cứ hành động nào có thể gây nguy hại đến tổ chức họ về phương diện pháp lý, và cố nhiên là họ không đi đôi với giới thiên tả. Những người này thường thường là những cư sĩ có đôi chút địa vị trong xã hội. Họ có được thể xem là “cánh hữu” của các tổ chức Phật giáo. Những thành phần này có thể là những Phật tử thành thực và có đức tin nơi đạo Phật; tuy nhiên điều ấy đã không ngắn cấm được họ sử dụng địa vị của họ trong đoàn thể Phật giáo để củng cố địa vị của họ trong xã hội. Tính chất bảo thủ của họ đã làm trì trệ bước tiến của Phật giáo không phải là ít.
PHẬT TỬ ĐI TÌM MỘT CON ĐƯỜNG MỚI
Trong khoảng thời gian từ 1945 đến 1950, giới Phật tử yêu nước không tìm thấy con đường nào có thể phục vụ được cho nền độc lập quốc gia ngoài con đường tham dự vào cuộc kháng chiến bạo động. Nhưng trong quá trình tham dự này, họ dần dần nhận thức được những điều sau đây:
- Các đảng phái đối lập buổi đầu trong phong trào về sau thanh toán nhau không nương tay.
- Phật tử bị bắt buộc phải chọn lựa giữa những đảng phái này và bị lôi cuốn vào guồng máy.
- Trong các khu giải phóng, Phật tử không có điều kiện tổ chức sinh hoạt tôn giáo của mình.
- Tuy mệnh lệnh chính thức của chính quyền cách mạng là tôn trọng tự do tín ngưỡng, nhưng khuynh hướng hạn chế về Phật giáo đó đây vẫn còn bộc lộ.
- Ám sát, đặt mìn, cầm súng không thích hợp với tinh thần bất bạo động của Phật tử.
Hỡi toàn thể Phật tử Việt Nam! Chúng ta hãy san phẳng những hình thức sai biệt, cùng chung sức chung lòng để làm tròn sứ mạng kiến tạo hòa bình, gây mầm an lạc, và nêu cao ngọn đuốc trí tuệ của đức Thế Tôn(111).
Con đường mới tuy đã tìm thấy, nhưng chưa phải là một con đường thênh thang. Những Phật tử còn chiến đấu trong hàng ngũ kháng chiến vẫn kiên trì trên con đường gian khổ của họ. Tại các vùng “quốc gia” kiểm soát, Phật tử nỗ lực củng cố và phát triển tổ chức mình. Ý niệm “đạo pháp gắn liền dân tộc” được hình thành và hoài vọng của một cuộc tranh đấu bất bạo động cho hòa bình và cho chủ quyền dân tộc được khơi mở. Sự thống nhất của Phật giáo Việt Nam năm 1951 đã làm phát sinh một niềm tin mới.
Những chương sau đây sẽ nói về những hoạt động chấn hưng và phát triển của các tập đoàn Phật giáo từ 1948 trở đi.
CHÚ THÍCH
(106) Gọi là chùa Ô Môi vì trước chùa có một hàng cây ô môi dài. Hiện chưa tìm được tên chữ của chùa
(107) Tổ chức Phật giáo Thuyền Lữ được thiền sư Trí Hưng đứng ra chủ xướng. Thiền sư Trí Hưng tên là Nguyễn Tăng người quận Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Là tăng cương chùa Từ Lâm, ông cũng kiêm nhiệm trách vụ kiểm tăng ở ba quận miền Nam tỉnh Quảng Ngãi là Tư Nghĩa, Mộ Đức và Đức Phổ. Ông là con thứ mười ba của một nhân sĩ thân Pháp tên là Nguyễn Thân vì vậy thường được gọi là “cậu mười ba”. Ông thường dựa thế quan tuần vũ Quảng Ngãi là Võ Chuẩn để gây thanh thế trong tỉnh. Sau Cách Mạng 1945 ông phải bỏ ra Huế, cùng với một số tăng sĩ chùa Hải Đức và chùa Phổ Thiên, ông đã lập hội Phật giáo thuyền lữ và cho ra tập san Thuyền Lữ. Tổ chức này sống không quá 4 năm. Ông bỏ vào Sài Gòn và cùng với thiền sư Trung Nghĩa lập tổ chức Phật giáo Cổ Sơn Môn đặt trụ sở tại chùa Giác Lâm ở Phú Thọ, sau đó lại dời về chùa Phụng Sơn.
(108) Trúc Đông, viết trong bán nguyệt san Bồ Đề, Hà Nội, số 11, ra ngày 17.2.1950.
(109) Cư sĩ Lục Hòa, viết trong bán nguyệt san Bồ Đề số 24, ra ngày 28.8.1950
(110) Tâm Tấn: Hương Đạo Hạnh, Liên Hoa Huế, 1856.
(111) Bản Tuyên Ngôn thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam .
Gửi ý kiến của bạn