Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 20, 21, 22

02/05/201319:52(Xem: 9673)
Phần 20, 21, 22
Bàn Về Tư Tưởng Phật Học Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp Kim Dung


Phần 20, 21, 22

Thích Chơn Thiện
Nguồn: Thích Chơn Thiện


Phần 20

Hồi 19: Cháo Lạp Bát

A. Tóm tắt Hồi 19

- Ngày mồng 8 tháng chạp năm nay là ngày hội yến Lạp Bát trên Hiệp Khách đảo. Theo truyền thống của Phật giáo Trung Quốc, đó là ngày kỷ niệm Phật thành đạo.

Trên bờ biển, bịn rịn từ giã những người thân tình nhất, Thạch Phá Thiên (Cẩu Tạp Chủng) lên thuyền con ra đảo. Một đảo vắng giữa biển lớn, phong cảnh đẹp, nơi đến là một vùng hang động thiên nhiên rộng lớn, đẹp đẽ có bàn tay con người tu sửa.

- Quần hùng của hơn 30 năm qua, trừ một số chết vì hết tuổi thọ, và quần hùng năm nay, tất cả đều có mặt ở phòng nghinh tân. Long, Mộc nhị vị đảo chúa cùng với hơn 50 chúng đệ tử áo vàng, áo xanh (Trương Tam ở hàng 12 của áo vàng , Lý Tứ ở hàng 14 áo xanh) ra mắt quan khách rất trang trọng. Long đảo chúa là vị phương phi đầy tiên phong đạo cốt mở lời chào đón và mời tất cả nhắp rượu và dùng cháo (cháo nấu bằng loại rau cỏ rất quý hiếm)

- Các thắc mắc, nghi ngờ của quần hào về Hiệp Khách đảo lần lượt được Long đảo chúa rất ôn tồn giải toả: Tất cả được mời xem các sổ sách ghi chép công phu về các việc làm thưởng thiện, phạt ác phân minh trên chốn giang hồ 40 năm qua. Các bang phái và các cá nhân bị hai sứ giả tiêu diệt đều là các bang phái, cá nhân thuộc ma đạo, tạo ra quá nhiều tội ác không thể dung tha: sổ sách ghi rõ các lý do trừng phạt: Bấy giờ quần hào mới bớt nỗi lo.

B. Ý Kiến

1. Giáp mặt sự thật

- Các dư luận về hai sứ giả " Thưởng thiện, Phạt ác ", và về các việc làm, chủ trương của Hiệp Khách đảo đều là " hý luận "," huyền đàm ", " suy nghĩ một chiều " thiếu căn cứ. Tất cả chỉ là tin đồn làm rối tung toàn cõi giang hồ. Sự thật trên đảo cho thấy hoàn toàn khác. Đây là ảnh tượng của diệu nghĩa Kim Cang Bát Nhã: ở ngoài vòng ngôn ngữ, huyền đàm, ở ngoài các ngã tưởng.

Một lời dạy của đức Phật cho các người Kàlamà rất phổ biến trong giới Phật tử Á Đông là: Đừng vội tin những gì thuộc tin đồn! Đừng vội tin những gì thuộc huyền đàm! Đừng vội tin những gì từ cửa miệng nhà truyền giáo... Nhưng hãy tin những gì tự mình thấy là thiện, lành cho mình và người trong hiện tại và tương lai, hãy xem đó là sự thật mà sống!... cũng cùng một gợi ý rằng hãy tự mình sống, thể nghiệm rồi sẽ tin là thật.

2. Các điều kiện tâm lý có thể khám phá sự thật:

- Các đạo sĩ, như Ngu Trà đạo trưởng, Thiên Hư đạo trưởng là các bậc thanh tu nên hi vọng có điều kiện để tiếp cận chân lý.

- Diệu Đế Thiền sư của Thiếu Lâm tự chuyên hành Giới, Định, Tuệ của Phật giáo, rất có hi vọng để giác ngộ chân lý.

- Mai Nữ hiệp có tâm sáng tạo, hi vọng có thể bắt gặp vài ánh sáng chân lý.

- Các nhà bác học: hi vọng có điều kiện để mở tung bí pháp.

- Các bang chủ hầu hết đều có định lực cao, và kinh nghiệm khổ đau trần thế nhiều, hi vọng có bừng dậy sự giác tỉnh về sự thật.

- Tâm lý thuần thiện, và thông tuệ như Thạch Phá Thiên hi vọng có nhiều nhân duyên tương ưng với chân lý.

3. Lý do qua 40 năm mà bí kíp vẫn còn khép kín

- Các cao nhân đều bị kẹt vào phân tích luận giải, trong khi chân lý thì ở ngoài thế giới ý nghĩa của các ngã niệm, ngã tưởng.

- Các cao nhân đều đắm trước, dính mắc vào các cảm thọ khinh an, hỷ, lạc nên còn bị trói buộc bởi Thọ uẩn (của Ngũ uẩn) như Tôn Hành Giả bị kẹt ở Ngũ Hành sơn: Thọ uẩn là pháp bị làm ra gọi là hữu vi, trong khi sự thật thì không bị làm ra, gọi là vô vi.

- Các cao nhân đều bị dính mắc vào cái thấy biết của mình nên không thể đi xa vào sự phát huy trí tuệ.

Còn bị dính mắc là còn hữu hạn, trong khi trí tuệ giải thoát và giải thoát thì vô hạn.

Điểm dính mắc của các đạo nhân, kiếm khách trên đảo được Kim Dung giới thiệu tương tự sự dính mắc của 62 học thuyết phi Phật giáo ở xứ Ấn trước khi Đức Phật giác ngộ dưới cội bồ đề, đã được trình bày ở Kinh Phạm Võng, Trường Bộ I, Nikàya; và Kinh Phạm Động, Trường A hàm I, tạng A-Hàm.

Theo kinh Phật, kẹt vào ba điểm nêu trên thì hành giả không thể vào đại định của Diệt thọ tưởng định (định đã dập tắt các cảm thọ và các ngã tưởng) để tỏa sáng trí tuệ thể nhập chân lý.

Phần 21

Hồi 20: Hiệp Khách Hành

A. Tóm tắt Hồi 20

- Khi mọi cao thủ đều hoan hỷ với các lời dẫn giải của Long đảo chúa thì đồng thanh muốn tận mắt xem bí kíp " Hiệp Khách Hành " , một bài thơ cổ của Lý Thái Bạch, một đại thi hào của Trung Quốc ngày xưa.

- Các môn đồ của đảo trải rộng tấm bản đồ của Động bí pháp gồm 24 gian thạch thất có chữ và đồ hình trên vách đá. Tất cả được vào, ra tự do, hoặc ở lại luôn trong động tại từng gian thạch thất: đã chuẩn bị đầy đủ thức ăn , thức uống và các nhu cầu thiết yếu khác.

* Gian thạch thất thứ nhất: Câu đầu bài thơ là:

" Triệu khách mạn hồ anh "
(Khách nước Triệu phất phơ giải mũ)

với đồ hình một chàng văn nhân, phong nhã, thanh tú.

* Gian thạch thất thứ hai:

Câu thơ thứ hai là:

" Ngô câu sương tuyết minh "
(Kiếm ngô câu rực rỡ tuyết sương)

- Các chữ viết trên vách động hất lên, tạc qua, đá xuống như là các đường kiếm: có 24 đường kiếm: nhìn kỹ 24 đường kiếm nầy thì Cẩu Tạp Chủng phát hiện có một nguồn nội lực vận hành từ huyệt Nghinh Hương đến huyệt Thương Dương ; phương vị cùng hình trạng các thanh kiếm hoàn toàn tương hợp với vị trí và đường lối vận chuyển kinh mạch trong nội thể.

- Cẩu Tạp Chủng trở lui nhìn ngắm đồ hình ở gian thạch thất thứ nhất: khi nhìn cái tay áo phất thì nhiệt khí đi theo Túc Thiếu Dương Đảm Kinh, hướng vào hai huyệt Nhật Nguyệt và Kim Môn; các nét trong đồ hình liên quan chặt chẽ với nhau như các đường kinh mạch trong cơ thể.

Có 9 lần 9 là 81 nét bút thuận, nghịch, Cẩu Tạp Chủng luyện theo từng nét cho đến khi thuộc lòng.

* Gian thạch thất thứ ba:
" Ngân Yên chiếu bạch mã "
(Ngân yên bạch mã huy hoàng)

Đồ hình là một con tuấn mã đang nghểnh cổ phóng nước đại, dưới vó có nhiều mây mù, như đang bay lên trời. Tập trung nhìn đồ hình thì Cẩu Tạp Chủng thấy khí nóng trong người ngưng trệ, không chuyển vận; rồi nội lực bỗng cuồn cuộn nổi lên giục giã co chân chạy, chạy tiếp nhiều vòng. Chàng chạy chín vòng, vừa để tâm trên đồ hình vách đá cho đến khi đồ hình khắc sâu vào tâm trí thì chàng ngừng chạy và đến gian thạch thất kế tiếp.

*Gian thạch thất thứ tư:
" Tạp đạp như lưu tinh "
(Vó câu vun vút như ngàn sao bay)

Cẩu Tạp Chủng theo đồ hình mà luyện tập.

Từ đây, Cẩu Tạp Chủng đi qua đủ 24 gian thạch thất và nhận ra rằng:

- Câu thơ số 5, số 10 và số 17: mỗi câu là một loại kiếm pháp.
- Câu 6, 7, 8: mỗi câu là một loại khinh công.
- Câu 9, 10, 16: mỗi câu là một loại chưởng pháp.
- câu 13, 18, 20: là công phu vận khí, luyện công.

Chàng học rất nhanh: có ngày học đến 3 môn ; có khi 18 ngày mới học xong một môn. Chàng luyện liên tục cho đến gian thạch thất thứ 23. Vậy cho đến nay, chàng ở trong động 75 ngày trọn.

* Gian thạch thất 24:

- 23 gian đầu đều có đồ hình trên vách đá; gian 24 thì không có đồ hình, mà toàn chữ nghĩa.

- Tại đây, Long Mộc đảo chúa đang ngồi tịnh tọa.

- Các nét bút vừa nhìn vào thì liền choáng váng đầu óc. Nhìn kỹ ngưng thần thì thấy vô số nét bút biến thành những con nòng nọc chuyển động. Nếu chăm chú nhìn thì nòng nọc ngưng chuyển động.

Chàng thanh thản nhìn từng con nòng nọc, thấy nội tức nhảy nhót ở huyệt Chí Dương sau lưng, rồi đến Huyền Khu nối thành một sợi dây. Chàng tìm các con nòng nọc nhìn thế nào để mấy trăm huyệt đạo liên lạc với nhau thành một luồng nội khí thông với nhau thì toàn thân cảm thấy rất khoan khoái. Chàng trải qua ở thạch động 24 nầy đã 7,8 bữa ăn rồi.

Rồi đến một thời điểm nội khí trong người chàng cuồn cuộn dâng trào như một con sông lớn, chàng tự động phóng chưởng " Ngũ nhạc đảo vi khinh ", rồi tiếp sử kiếm pháp " Thập bộ sát nhất nhân " (dù tay không có kiếm)... đi qua hết 24 câu trên bài thơ cổ.

Khi chàng đi qua một mạch đến câu 23 (Thùy Năng thư các hạ) thì nội công và khinh công hoà thành một khối...
Rồi hàng vạn chiêu thức trên vách đá bỗng dưng từ vô thức mà phát ra không ngớt, cảm thấy lòng vui thích mà buột miệng la lên: " Thật là tuyệt diệu! "

- Long Mộc đảo chúa chứng kiến sự thành tựu ấy cũng buột miệng kêu: " Quả nhiên tuyệt diệu! " rồi sụp lạy chàng thiếu hiệp một lạy. Thạch Phá Thiên vội lạy đáp lễ.

Bấy giờ, Long, Mộc đảo chúa kiệt sức do vì cả hai liên thủ để đỡ chưởng phong do Thạch Phá Thiên đánh ra, mà không đỡ nỗi (Sức mạnh nội lực của hai vị là vô song mà cũng kiệt sức)

- Sau đó, Thạch Phá Thiên xin dẫn hai vị đảo chúa trở lại từ động đá thứ nhất đến động 24 và cắt nghĩa ở mỗi động chàng đã làm gì và cho biết rõ chàng không biết chữ. Hai vị đảo chúa cảm tạ mà không đi, vì đã cùng bừng ngộ bí kíp: thì ra các văn tự trên đồ hình là vô dụng!
(thực tại ở ngoài văn tự, ngữ nghĩa)

Chẳng những vô dụng mà còn có hại nữa!

- Hai vị đảo chúa khuyên Thạch Phá Thiên giữ kín sự thành tựu, tuyệt nhiên không tiết lộ để tránh các nguy hiểm ở đời. Động đá bị chấn ,hỏng bởi chưởng phong của ba vị, không bao lâu nữa sẽ đổ. Hai vị liền " quy tiên "

- Chư quan khách được triệu tập mời lên thuyền rời đảo. v.v...

- Hai sứ giả hẹn gặp Thạch Phá Thiên ở đất liền để tiếp tục con đường hành hiệp.

B. Ý Kiến

24 động đá ở Hiệp Khách đảo và Phật học

1. Thạch Phá Thiên ở động thứ nhất và thứ hai cho đến động 23:

- Trước khi đến các thạch động, Thạch Phá Thiên vốn đã thành tựu " La hán phục ma thần công " do tự huấn luyện thiền chỉ và thiền quán. Ở cấp độ thành tựu nầy, chàng thiếu hiệp đã gột sạch các tâm lý cấu uế, bất thiện.

- Thạch Phá Thiên có tâm lý vô dục, không vướng mắc vào tư biện, chữ nghĩa nên dễ đắc các định.

- Công phu chỉ nhìn các đồ hình là một hình thức thiền quán (Vipassana) của Phật giáo.

- Nhìn và nội khí tự vận hành qua các huyệt đạo cho đến khi tất cả các huyệt đạo trong nội thể đều thông suốt, tâm hoàn toàn xả, khinh an thì sự vật tự phô bày thực tướng duyên sinh của nó như chàng đã ngộ từ động thứ hai.

Cứ thế, lập đi lập lại nhiều lần cho đến động thứ 24 thì định lực sung mãn và cái tuệ thấy rõ sự thật duyên sinh sung mãn sẽ cắt đứt tất cả tâm lý ngăn che tâm thức để thể nhập chân lý (thực tướng). Đây là thành tựu sau rốt gọi là phá giải được bí kíp " Thái Huyền Kinh ".

2. Ý nghĩa của 9x9=81 nét bút xuôi, ngược trên đồ hình

Theo Phật học, cảnh giới chúng sinh có chín cảnh trước khi vào cảnh giới Phật (giác ngộ thật pháp); mỗi cảnh giới, mỗi chúng sinh có đủ 9 cảnh giới tâm; 9 cảnh giới chúng sinh sẽ có 9x9=81 cảnh giới tâm sai biệt mà hành giả cần chứng nghiệm.

3. Ý nghĩa 24 thạch động

- Qua mỗi thạch động thì công phu thiền quán của hành giả, và cả định lực, sẽ mạnh hơn, phát triển cao hơn. 24 thạch động là tượng trưng cho tâm thiền định của hành giả qua 24 cảnh giới tâm của cõi trời Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới; trước khi giác ngộ sự thật. Đó là:

- Cõi trời Dục giới có 6: Tứ Thiên vương, Tam thập tam, Dạ ma, Đâu suất đà, Hoá lạc, Tha hoá tự tại.

- Cõi trời sắc giới có 14:

Sơ thiền có 3: Phạm Chúng, Phạm Phụ, Đại Phạm.
Nhị thiền có 3: Thiện Quang, Vô lượng Quang, Quang Âm.
Tam thiền có 3: Thiện Tịnh, Vô lượng Tịnh, Biến Tịnh.
Tứ thiền có 5: Quảng Quả, Vô Tưởng, Vô Phiền, Vô Nhiệt và Thiện Hiện.

- Cõi trời vô sắc giới có 4:

Không vô biên.
Thức vô biên.
Vô Sở Hữu.
Phi tưởng phi phi tưởng.

4. Hai vị đảo chúa Long, Mộc đã đến thạch động 24 đối mặt với một bản văn tự "Hiệp Khách Hành " tại đây hai vị rơi vào hai vướng mắc:

- Nghĩ là mình có thành tựu công phu qua 23 thạch động, đang kẹt vào tri kiến, và đang chờ đợi một tri kiến giải mã bí pháp. Đây gọi là chấp thủ tri kiến, theo Phật học.

- Hai vị đang mãi miết an trú vào cảm thọ lạc của thiền định nên đang bị vướng mắc vào Thọ uẩn, chưa có thể thắng vượt được Thọ và Tưởng nên không thể vào được đại định cao nhất gọi là Cữu định (Diệt thọ tưởng định) để giáp mặt với chân lý, giải thoát.

5. Hai vị đảo chúa khi biết Thạch Phá Thiên không biết chữ nghĩa, cả hai liền bừng tỉnh, sụp lạy Thạch Phá Thiên, chàng kiếm hiệp lạy đáp lễ. Tâm thức cả ba vị bấy giờ đang reo vui như đang vang vọng đoạn kinh cuối của bài Bát Nhã Tâm Kinh:

" Qua rồi, qua rồi, hoàn toàn đã qua rồi,
Tất cả hoàn toàn đã qua rồi. Ôi giải thoát! "
(Yết đế, yết đế, Ba la yết đế, Ba la tăng yết đế,
Bồ đề tát bà ha)

Đó là thời điểm sinh tử, khổ đau sụp đổ như là hình ảnh 24 động đá bị chấn động vỡ và sắp sụp đổ!

6. Bản văn "Hiệp Khách Hành"

- Theo giáo lý nhà Phật, thế giới chân thật là thế giới vô ngã ở ngoài mọi ngã tính cố định. Do ở ngoài các ngã tính cố định, nên ở ngoài thế giới ý nghĩa của khái niệm, của lý luận, huyền đàm.

Kinh Kim Cương dạy:

Đoạn 17 c: Này Tu-Bồ-Đề, Như Lai đồng nghĩa với như tính (suchness)

Đoạn 17 d: "... Vì pháp mà Như Lai chứng đắc và tuyên thuyết thì không phải thật, không phải hư. Cho nên Như Lai dạy tất cả pháp đều là pháp đặc biệt và riêng của Như Lai "

Như thế, dưới cái nhìn không chấp thủ ngã tướng, thì các pháp đều xuất hiện như thực, là thực tại như thực.
Đoạn 26 b: (Bản dịch của Edward Conze)

" Nên thấy chư Phật ở các pháp,
Nên thấy sự chỉ giáo của chư Phật ở pháp thân,
Nhưng thực tính của các pháp không thể nhận thức,
Và không ai có thể nhận thức thực tính như một đối tượng "

Bài cổ thi của Lý Thái Bạch, " Hiệp Khách Hành ", là bài thơ thế tục, nếu được nhìn với cái nhìn ngã tính, ngã tướng (nhìn với văn tự và ý nghĩa): nó là như thực, nếu được nhìn với cái nhìn không chấp thủ như cái nhìn thuần khiết của Thạch Phá Thiên. Bấy giờ, với chàng thiếu hiệp, " Hiệp Khách Hành " qủa thật là " Thái Huyền Kinh ", tương tự các dòng Kinh Kim Cương đã nói rằng:

" Nếu thấy ta qua sắc tướng
Cầu Ta qua âm thanh,
Thì người ấy làm sai
Sẽ trọn không thấy Ta "
(" Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm thanh cầu ngã
Thị nhân hành tà đạo
Chung bất kiến Như Lai ")

Phần 22

Hồi 21: Ta là ai?

A. Tóm tắt Hồi 21

- Thuyền sắp cập bến thì liền thấy Sử bà bà và A Tú từ đỉnh núi phóng xuống biển, Thạch Phá Thiên liền phóng ngay ra một tấm váng thuyền và sử dụng khinh công thượng thừa vượt đến đón bắt: chàng giữ lại A Tú, và dùng lực đẩy Sử bà bà lên thuyền cho Bạch Tự Tại.

- Vừa đến bờ, Đinh Bất Tứ và Mai Văn Hinh đi núi Hùng Nhĩ tìm con.

- Nhóm Thạch Thanh - Mẫn Nhu, Bạch Tự Tại, Sử bà bà, Bạch Vạn Kiếm, Thạch Phá Thiên và A Tú cũng đến Hùng Nhĩ tìm Mai Phương Cô để xoá nợ cũ.

- Không ngờ Mai Phương Cô là " má má " của Thạch Phá Thiên (Cẩu Tạp Chủng) và ngôi nhà trên đỉnh Hùng Nhĩ là nhà của chàng sống từ nhỏ với chó A Hoàng.

- Một cuộc hội diện bất ngờ, sau một xung đột nhỏ bằng lời và bằng kiếm, thì Thạch Phá Thiên cầu xin Thạch Thanh - Mẫn Nhu đừng báo thù " má má ". Mẫn Nhu thông cảm với nỗi khổ thâm trầm của Mai Phương Cô, bà trở nên không thù, không hận nữa.

- Sau khi biết rõ sự tình Thạch Thanh không đến gần nàng là bởi nàng giỏi hơn chàng nhiều mặt: võ, văn và tài nấu nướng. Nàng thất vọng tự vẫn và để lộ dấu son xử nữ trên cánh tay người con gái còn nguyên: điều nầy nói lên rằng Thạch Phá Thiên không phải là con của nàng và Thạch Thanh, mà là chính bé Thạch Trung Kiên nàng đã cướp đi từ hồi một tuổi.

- Câu chuyện kết thúc đau buồn từ nhiều phía: Chàng thiếu hiệp tự mình còn mơ hồ về lai lịch của mình!

B. Ý Kiến

1. Cẩu Tạp chủng lớn lên từ núi Hùng Nhĩ, lưu lạc rời xa Hùng Nhĩ, rồi thành tựu công phu võ công thượng thừa lại trở về cảnh cũ của núi rừng Hùng Nhĩ. Đây là hình ảnh gợi lên trong người đọc giai thoại Thiền của đại thi hào Tô Đông Pha trong văn học Thiền, rằng:

" Khói tỏa Lô sơn, sóng Triết giang,
Khi chưa đến đó, những mơ màng.
Đến rồi lại thấy không gì khác
Khói tỏa Lô sơn, sóng Triết giang "
(" Lô sơn yên tỏa Triết giang triều,
Vị đáo sanh tiền hận bất tiêu.
Đáo đắc hoàn lai vô biệt sự
Lô sơn yên tỏa Triết giang triều ")

Đấy là ý nghĩa:
1. Khi chưa tu, thì núi là núi... (Hùng Nhĩ)
2. Khi đang tu, núi không phải là núi... (Hùng Nhĩ)
3. Khi tu xong, núi vẫn là núi... (Hùng Nhĩ)
1' --> Núi Hùng Nhĩ của bé Cẩu Tạp chủng...
2'-- > Núi Hùng Nhĩ chìm vào lãng quên (rời xa)...
3'--> Núi Hùng Nhĩ của chàng thiếu hiệp Thạch Phá Thiên (hay Thạch Trung Kiên)
đạt đạo...

2. Ta là ai?

- Mai Phương Cô tự vẫn. Vết son xử nữ trên tay nàng còn nguyên, xác định Thạch Phá Thiên (Cẩu Tạp Chủng) không phải là con nàng và Thạch Thanh (bởi Cẩu Tạp Chủng rất giống Thạch Thanh).

Bất giác Thạch Phá Thiên liền miệng hỏi: Ta là ai?

- Đấy là câu hỏi rất triết và rất đạo dành cho mọi người hiện diện trên đời: để tự thức tỉnh biết rõ mình, tâm thức, tình cảm, hiểu biết đang ở đâu?

- Đấy là câu hỏi có hai tiếng rất quan trọng: Ta và Ai bao hàm sự có mặt của một ngã tướng, ngã tính.

Chính cái Ta và cái Ai là đầu mối của mọi tranh chấp, rối loạn trên chốn giang hồ mà " Hiệp Khách Hành " đã ghi lại, và ghi rất đậm nét!

Để xoá tan các khổ đau, bất an ở đời, công việc chính của văn hoá là xóa tan ýniệm về Ta và về Ai trong tư duy của con người. Thực tại thì trôi chảy không ngừng nên không hề có mặt một " cái Ai " nào. Ý niệm về Ta, về Ai chỉ là một vọngtưởng, mà " Thái Huyền Kinh " đã làm nổ tung ở thạch thất thứ 24, khi Thạch Phá Thiên hoàn toàn nhiếp niệm thể nhập với thực tại. Vọng tưởng ấy sẽ tan biến nếu hành giả biết lắng nghe tiếng nói Duyên sinh, Vô ngã thường nói của gió, trăng, mây, nước, âm thanh, ánh sáng, và của thân tâm mỗi người. Nghe như thế là nghe bằng lỗ tai của thực tại , mà không phải bằng lỗ tai máu thịt của con người, gọi là Hùng Nhĩ mà không phải là nhục nhĩ! Biết lắng nghe như biết nghe và nhìn theo chỉ dẫn của bài kệ cuối Kinh Kim Cương:

" Hãy khởi lên cái nhìn:
Hết thảy hiện hữu bị làm ra
Là như mộng, như huyễn, như bọt nước
Như sương mai, như ánh chớp "
(" Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng, huyễn, bào ảnh,
Như lộ, diệc như điển,
Ưng tác như thị quán ")
*

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com