Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 11, 12, 13

02/05/201319:35(Xem: 9425)
Phần 11, 12, 13
Bàn Về Tư Tưởng Phật Học Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp Kim Dung


Phần 11, 12, 13

Thích Chơn Thiện
Nguồn: Thích Chơn Thiện


Phần 11

Hồi 10: Kim Ô Đao pháp

A. Tóm tắt Hồi 10

- A Tú qua cảm nghiệm tự thân với rung động chân thật của tâm hồn đã khẳng định: Cẩu Tạp Chủng không phải là Thạch Trung Ngọc. Điều nầy lần đầu tiên được nghe từ con người đẹp đẽ, hiền hoà của A Tú, Cẩu Tạp Chủng cảm động đến rơi nước mắt. Chàng tự nhiên nắm hai bàn tay A Tú và rất chân thành thốt lên lời cảm tạ. Bất giác chàng buông tay ra, cảm thấy mình suồng sã, xấu hổ. Cử chỉ này khiến Sử bà bà yên lòng hẳn chàng là người khác, Thạch Trung Ngọc là người khác.

- Sử bà bà, để kịp đối đầu với Đinh Bất Tứ, bèn thu nhận Cẩu Tạp Chủng là đệ tử truyền nhân của mình và lập ra Kim Ôâ đạo pháp. Bà gọi tên chàng thiếu hiệp là Sử Ức Đao và dạy đủ 72 chiêu kiếm pháp Tuyết Sơn và 73 chiêu đao pháp Kim Ô để khắc chế. Chàng tập luyện đến mức độ sử dụng đao pháp khá thông thạo.

- Một hôm tình cờ Đinh Bất Tam và Đinh Đang bất chợt xuất hiện trong rừng Tử Yên, khi chàng và A Tú đang thân mật trò chuyện và lạy nhau để cảm tạ lòng tốt của nhau, Đinh Bất Tam liền chận đường; Đinh Đang thì phóng đao kết liễu mạng sống A Tú. Núng thế, Cẩu Tạp Chủng bồng A Tú thi triển khinh công thượng thừa (nhờ nội lực vô cùng thâm hậu) băng rừng lẫn trốn về động.

- Đến nơi thì chàng lại thấy Bạch Vạn Kiếm đang tử chiến với Đinh Bất Tứ: bên kiếm, bên quyền. Đinh Bất Tứ đánh tay không không địch lại, bị thương nhẹ ở hông, máu chảy khá nhiều; vừa lúc Đinh Bất Tam đến trợ chiến, đánh chết ba tên kiếm sĩ Tuyết Sơn và gây thương tích Bạch Vạn Kiếm, đang dồn Bạch Vạn Kiếm đến điểm thúc thủ. Cẩu Tạp Chủng nhảy vào can thiệp, đứng về phe Bạch Vạn Kiếm, sử dụng Kim Ô đao pháp, bên cạnh kiếm pháp Tuyết Sơn, tấn công Đinh Bất Tam và Đinh Bất Tứ. Hai ông kiêu mạng nầy kinh hoàng thấy cả hai bị vây chặt giữa ánh đao và kiếm; cả hai đều bị thương, liền nhảy vội ra khỏi vùng đao kiếm trốn chạy vào rừng thoát thân...

- Bạch Vạn Kiếm hỏi Cẩu Tạp Chủng về lai lịch Kim Ô đao pháp. Chàng thành thật thuật lại các lời giảng dạy của Sử bà bà khiến Bạch Vạn Kiếm tức mình vung kiếm chém chàng.

Cẩu Tạp Chủng bị ép phải chiến đấu, hơn một lần " tha chết " cho Bạch Vạn Kiếm: Kim Ô đao pháp quả là có sức mạnh khắc chế và vượt hẳn kiếm pháp Tuyết Sơn. Bạch Vạn Kiếm rất bẽ mặt, bèn dùng mẹo đánh lừa Cẩu Tạp Chủng và thắng chàng một chiêu... rất là hạ cấp!...

B. Ý Kiến

1. Tâm và Tướng:

- Các cao thủ võ lâm đều nhận diện Cẩu Tạp Chủng qua cái thân tướng của chàng và qua kinh nghiệm giác quan thường nghiệm của mình nên đã nhận lầm chàng là Thạch Phá Thiên (Thạch Trung Ngọc) và làm phát sinh ra biết bao nhiêu rối ren cho xã hội.

- Chỉ một mình A Tú đầy đủ nhân duyên phân biệt rõ Cẩu Tạp Chủng và Thạch Trung Ngọc qua cái tâm , cái tình chân thật của chàng, và qua rung động con tim của chính mình. Sử bà bà cũng quan sát chàng qua biểu hiện cái tâm, cái tình của chàng và xác nhận chàng không phải là Thạch Trung Ngọc.

Cái tướng trạng không nói lên được sự thật, con người thật, điều mà Kinh Kim Cang đã nói: "Các tướng đều là hư dối" (" Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng "). Giá trị thật của con người là ở cái tâm. Giáo dục con người là giáo dục cái tâm, chuyển đổi cái tâm.

2. Tinh thần vô hại - hữu nghị:

- Kim Ô đao pháp của Sử bà bà gồm toàn những chiêu đầy nộ khí, sát thủ, dễ gây tử thương và tổn thương cho đối phương, sẽ chuốc lấy oán thù, cừu hận đe dọa an ninh cho bản thân , gia đình và bang phái. Vì thế, với thái độ sống của Cẩu Tạp Chủng và A Tú, A Tú bèn giới thiệu cho Sử Ức Đao chiêu " Bàng cổ trắc kích ": khi thấy rõ mình đã chiến thắng đối phương rồi, thì liền chém đông, chém tây cho người chung quanh loè mắt không thấy gì, rồi thu đao về mà nói rằng: " Kiếm pháp các hạ thật là tinh diệu, tại hạ khâm phục vô cùng. Hôm nay chúng ta bất phân thắng bại, giải hoà để kết bạn được chăng? Vậy là đối phương hiểu ngay mình có ý nhường nhịn, lại không tổn thương đến thể diện, nhiều phần là họ kết bạn với đại ca ngay ". (tập.2,tr.239)

Đây là chiêu thức hữu nghị, kết bạn gọi là chiêu " Dĩ hoà vi quýù", tương tự lấy tình thương xoá bỏ hận thù của Phật giáo để xây dựng an lạc cho đời sống.

3. Bài học về sự phối hợp Kim Ô đao pháp và Tuyết Sơn kiếm pháp:

- Mỗi chiêu của Kim Ô đao pháp đều là khắc tinh của từng chiêu Tuyết Sơn kiếm pháp, nhưng khi đao và kiếm ấy liên thủ thì tạo thành một sức mạnh kinh hồn, nhất là đao pháp được sử dụng bởi nội lực thâm hậu của Sử Ức đao, đến nỗi hai đại cao thủ tuyệt luân Đinh Bất Tam và Đinh Bất Tứ chỉ chịu đựng được vài chiêu đầu rồi đều bị thương suýt vong mạng, kinh hoàng lăn mình ra khỏi vòng đao kiếm cắm đầu tẩu thoát. Kim Dung viết:

"... Bạch Vạn Kiếm liền sử chiêu " Ám hương sơ ảnh ", trường kiếm vừa rung lên, kiếm quang đã xuất hiện trùng trùng. Đây là một chiêu tinh vi nhất trong kiếm pháp Tuyết Sơn, có thể đả thương đối phương bất cứ lúc nào, không thể biết để đề phòng. Thạch Phá Thiên (Cẩu Tạp Chủng) cầm con dao chặt củi phạt ngang rồi rung động luôn mấy cái. Đó là chiêu " Bào ngư chi tứ ", nội lực xô ra cả bốn mặt tám phương.

Bỗng nghe hai tiếng la ối ối, vai Đinh Bất Tứ bị trúng đao, cánh tay Đinh Bất Tam bị trúng kiếm. Hai lão đột nhiên quay mình nhảy ra ngoài vòng. Đinh Bất Tam xoay lại nắm tay Đinh Đang lôi đi, chạy lẹ vào khu rừng phía đông, còn Đinh Bất Tứ chạy trốn về quả núi ở hướng Tây " (tập 2, tr.262)

Nếu Cẩu Tạp Chủng là mẫu hình tâm lý được phát triển theo tinh thần Phật học, thì " xen " đấu kiếm trên đã gợi ý rằng:

- Thiền chỉ và các định mà hành giả đắc được (tương tự sự thành tựu " La hán phục ma thần công ") sẽ thiếu tác dụng giúp ích cho tự thân hành giả và tha nhân, nếu không biết sử dụng nó để hành thiền quán mà cắt đứt hẳn các phiền não (tương tự vận nội lực ra đao pháp và kiếm pháp) cho mình và cho người.

- Nếu văn hoá Phật giáo được kết hợp và bổ sung cho một hệ văn hoá nào đó(tương tự việc Cẩu Tạp Chủng liên thủ với Bạch Vạn Kiếm) thì sẽ là một sự bổ sung tuyệt vời tạo ra một sức mạnh văn hoá đáng kể!

Phần 12

Hồi 11: Rượu thuốc

A. Tóm tắt Hồi 11

- Thạch Phá Thiên (Cẩu Tạp Chủng) trở lui hang động thì Sử bà bà và A Tú đã dời chỗ ở đi nơi khác.

- Chàng bước vào một chiếc thuyền lớn giạt vào đảo. Thuyền đầy các thi thể của Phi Ngư bang do sự trừng phạt của hai sứ giả " Thưởng thiện Phạt ác "

- Hai chiếc thuyền lớn khác của Thiết Xoa Hội kéo chiếc thuyền của Phi Ngư bang xuống miền hạ lưu, cảng Hồng Liễu. Thạch Phá Thiên trốn ở lòng thuyền nghe được câu chuyện Thiết Xoa Hội làm sào huyệt dưới lòng đất để tránh mặt "sứ giả ". Khi tất cả đã vào đất liền của cảng, Thạch Phá Thiên đi giọc ven sông đến ẩn trong một khu rừng rậm. Chàng hạ sát một chú heo rừng đến tấn công chàng; lên lửa thui các đùi heo để trừ cơn đói.

- Tại đây, hai sứ giả xuất hiện, cùng chàng trò chuyện bên lửa, rượu và thịt heo rừng.

- Tình cờ, nhân duyên đưa đẩy chàng nốc sạch hai bình rượu kịch độc của hai sứ giả: lượng rượu mà hai sứ giả đã tinh luyện để luyện nội lực cho nửa năm.

" La hán phục ma thần công " đã hoá giải rượu độc thành rượu bổ tăng thêm nội lực cho Thạch Phá Thiên.

- Cả ba kết nghĩa sinh tử rồi cùng lên đường đến hành dinh của Thiết Xoa Hội.

B. Ý Kiến

1. Ý nghĩa rượu độc thành rượu bổ

- Thực tế đời sống cho thấy, nếu rượu bổ, hay thuốc bổ, mà dùng vô độ có thể dẫn đến cái chết.

- Chất kịch độc, thông thường thì cơ thể rất khó dung nạp nên dễ kết thúc mạng sống do tê liệt hệ tim, hay thần kinh.

- Nếu lượng độc vào với liều lượng mà cơ thể có thể dung nạp thì nó trở thành khả năng đề kháng chống độc, như các loại vắc -xim.

- Nếu cơ thể có khả năng đề kháng rất cao, thì khả năng dung nạp chất độc cao hơn: đây là trường hợp của hai sứ giả dùng rượu độc để gia tăng công lực như Kim Dung viết. Cẩu Tạp Chủng do có nội lực của" La hán phục ma thần công " mà dung nạp rượu độc nhiều lần lớn hơn hai sứ giả.

- Về mặt tâm lý cũng thế, khổ đau, bất hạnh ở đời khiến nhiều người không chịu được phải điên cuồng, hay tự vẩn. Nhưng cũng có nhiều người có khả năng làm chủ tâm thức và tình cảm cao có thể chịu đựng nhiều khổ đau: càng khổ đau, tâm thức càng thức tỉnh, tình người càng dâng cao, và dục vọng càng vơi đi: đây là ý nghĩa thực sự của sự kiện rượu độc chuyển hoá thành rượu thuốc (bổ) đối với người có định lực (khả năng thiền định) sâu như Cẩu Tạp Chủng.

2. Tính chất bất định của các hiện hữu

- Tính chất của các hiện hữu, ví như rượu, được xác định bởi một số điều kiện nào đó, trong môi trường nào đó; tính chất đó sẽ khác đi trong các điều kiện xác định khác, ở môi trường khác. Đây gọi là tính chất bất định, hay không thật sự có tự ngã, của các hiện hữu. Tương tự như câu nói " thù của kẻ thù là bạn ".

Phật giáo xác định các hiện hữu đều do điều kiện sinh nên không có tự ngã, gọi là vô ngã, vô thường.

Các học thuyết (" isme ") ở đời thường có khuynh hướng khẳng định, cho hiện hữu một tính chất bất biến nào đó. Đây là chủ trương không phù hợp với thực tế, thực tại. Hồi truyện về " Rượu thuốc " gợi cho người đọc tư tưởng nầy.

3. Nét khác biệt giữa hai thái độ hiền thiện, hay nét khác biệt giữa văn hoá " Thiếu Lâm tự " và đảo Hiệp Khách:

a/ Thiện chấp thủ (dính mắc) của Hiệp Khách đảo

Hai sứ giả " Thưởng thiện, Phạt ác " của đảo Hiệp Khách chuyên hành hiệp, làm việc thiện, nhưng làm với thái độ cố chấp, chấp thủ, dính mắc.

b/ Thiện rất thuần thiện, không dính mắc của Cẩu Tạp Chủng (thuộc văn hoá của Thập Bát La hán, Thiếu Lâm tự)
Cẩu Tạp Chủng sống rất thuần thiện, tự nhiên, không bị dính mắc, không bận tâm đến khen, chê nên có điều kiện để phát triển nội lực cao, phát triển trí tuệ.

Đây là đặc tính rất cơ bản rọi sáng lý do vì sao đảo Hiệp Khách suốt 40 năm, không phá giải được bí pháp " Thái Huyền Kinh ", trong khi Cẩu Tạp Chủng chỉ cần vỏn vẹn 100 ngày, giải mã dễ dàng bí pháp. Hãy lắng nghe một mẫu đối thoại ngắn sau đây về sự khác biệt của hai thái độ tâm lý nói trên:

" Thạch Phá Thiên (Cẩu Tạp Chủng) xua tay nói:' Hai vị ca ca có thêm một tay phụ lực há chẳng tốt hơn ư? Chúng ta ít người không địch nổi số đông, nếu gặp nguy cấp thì cứ chạy trốn, đâu có nhất định phải chết? '
Lý Tứ cau mày nói: ' Đánh thua bỏ chạy thì đâu phải là anh hùng hảo hán? Hay nhất là ngươi đừng đi theo để làm mất mặt chúng ta ' ".
(tập 3, tr. 40)

Phần 13

Hồi 12: Hai tấm bài đồng

A. Tóm tắt Hồi 12

- Hai " sứ giả " và Cẩu Tạp Chủng đi vào tổng hành dinh của sào huyệt Thiết Xoa Hội. Không có sức mạnh nào ngăn cản bước chân đi của ba người.

- Tại hành dinh, tổng đà chủ Uông Đắc Thắng long trọng, vừa kinh hãi, tiếp đón hai tấm bài đồng, thiếp mời đi dự hội yến " Lạp bát ". Tại đây, hai sứ giả đúng thời điểm ngấm rượu độc ngất đi. Uông Đắc Thắng và các cao thủ Thiết Xoa xông vào giết cả ba. Cẩu Tạp Chủng, với bản năng tự vệ, múa tít song chưởng, độc khí của rượu độc tiết ra làm chết tức khắc gần 100 người Thiết Xoa ở đó. Chàng bèn vận khí điều hoà kinh mạch cho Trương Tam, Lý Tứ, cứu hai sứ giả. Cả ba lại tiếp tục lên đường. Hai sứ giả đi riêng theo sứ mệnh.

- Cẩu Tạp Chủng một mình đi lạc đến Thượng Thanh Quán của các đạo sĩ Lão Trang và ẩn mặt theo dõi Thạch Thanh và Mẫn Nhu (vốn là môn sinh của Thượng Thanh Quán) đang đàm đạo với Thiên Hư (đạo chủ) và các huynh đệ cao cấp, đòi nhận lãnh hai tấm bài đồng đi phó hội chịu chết thay cho Thiên Hư.

- Bị phát hiện, Cẩu Tạp Chủng xuất chưởng tự vệ khiến hai đạo trưởng bị ngất đi (có thể vong mạng). Các đạo trưởng nghi ngờ đây là âm mưu của Thạch Thanh - Mẫn Nhu. Cuộc xung đột đao kiếm xẩy ra giữa các đạo trưởng và Cẩu Tạp Chủng: các đạo trưởng gồm Thiên Hư, thua trận; nhiều người bị té ngất; Cẩu Tạp Chủng cứu tỉnh được tất cả; rồi chia tay các đạo trưởng; trả lại hai tấm bài đồng cho Thiên Hư; đoạn cùng Thạch Thanh - Mẫn Nhu tiếp tục hành trình...

B. Ý Kiến

1. Dòng sống đầy yếu tố bất ngờ:

- Sự kiện hai " sứ giả " tài ba, thông thái, ngót 40 năm bất bại trên giang hồ qụy ngã tại hành dinh Thiết Xoa Hội nói lên sự thật dòng sống đầy yếu tố bất ngờ mà thuật ngữ Phật học gọi là vô thường: đầy nguy hiểm và khổ đau. Đời sống là biến động, mà không tỉnh tại.

2. Cái nhìn thực và trí tuệ:

- Các đạo trưởng của Thạch Thanh Quán tu hành chú trọng phần chuyển đổi về thân, mà nhẹ về tâm lý, nên cái nhìn trở nên phàm tục: đã không nhận ra cái tâm chân thật của Thạch Thanh, Mẫn Nhu và Cẩu Tạp chủng. Nếu các đạo trưởng nặng về tu tập tâm lý, huấn luyện tâm lý, thiền định thì cái nhìn sẽ trở nên khoan dung hơn, sáng suốt hơn, vị tha hơn, và đã không rơi vào các ngộ nhận, sai lầm đáng tiếc.

Cho đến khi các sự việc trở nên sáng tỏ, tâm lý của các đạo trưởng vẫn cố chấp, hẹp hòi, cảm thấy tức bực, bẽ bàng, thay vì cảm thông sâu sắc hơn và đạo tình hơn đối với Thạch Thanh, Mẫn Nhu và Cẩu Tạp Chủng. Tu hành như vậy thì có lợi ích rất ít cho mình và người, vẫn còn cách xa với cái nhìn đầy chân thật và trí tuệ.

3. Chiêu thức của Thượng Thanh Quán và chiêu thức của Cẩu Tạp Chủng

- Các thế võ, kiếm, đao chẳng qua chỉ khác nhau ở thế vận hành tay, chân, và tốc độ của vận hành. Sức mạnh của võ, đao, kiếm nầy được gọi là " hữu chiêu ", luôn bị hạn cục.

- Cẩu Tạp Chủng ra chiêu về võ, đao, kiếm cũng thế, về mặt tướng trạng biểu hiện thì vẫn là hạn cục. Điểm khác biệt duy nhất đã khiến cho võ thuật, kiếm pháp, đao pháp ấy trở nên vô song là do nội lực (hay gọi là sức mạnh của tâm lý, thiền định) hùng hậu, do cái tâm, nhân hậu, vô dục, vị tha, vô chấp. Sức mạnh vô song đó thật sự có mặt trong thiền định Phật giáo, trong văn hoá Phật giáo. Đây hẳn là nội dung mà tác giả muốn đề cập khi giới thiệu giá trị vô song của "La hán phục ma thần công ".

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]