Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 3

02/05/201318:42(Xem: 9519)
Chương 3
Bàn Về Tây Du Ký Của Ngô Thừa Ân


Chương 3

Thích Chơn Thiện
Nguồn: Thích Chơn Thiện


Ngô Thừa Ân, hay Tây Du Ký với vấn đề một nền văn hóa hậu hiện đại.

I. Nhìn chung

Tình người, an lạc và hạnh phúc cho con người trong đời sống hiện tại là mơ ước nghìn thu của cuộc đời. Các văn hào, thi hào, nghệ sĩ, đạo sĩ, các nhà xã hội, văn hóa, giáo dục tư tưởng qua các thời đại vẫn tự nhận cái sứ mệnh nói trên niềm mơ ước rất người ấy.

Ðức Phật Thích Ca đã dạy: "Ta ra đời vì lợi ích, an lạc của Chư Thiên và loài Người". Có lẽ Ngô Thừa Ân nghe được lời dạy ấy vọng lên trên từng dòng kinh Phật nên mới sáng tác bộ tiểu thuyết Tây Du Ký để thể hiện sứ mệnh của một tư tưởng lớn giới thiệu một hướng văn hóa đầy tình người, an lạc và hạnh phúc. Tác giả hâu như đặt trọn niềm tin vào đấng Toàn Giác như một nhà đại giải thoát và đại văn hóa của nhân loại, vừa giới thiệu con đường thoát khổ vừa đề bạt một hướng văn hóa mới cho nhân dân Ðông Ðộ
.
Ngày nay, xã hội đã ý thức rằng giáo dục làm nên văn hóa và văn minh, công việc xây dựng một nền văn hóa mới là công việc xây dựng một hệ thống giáo dục mới đòi hỏi có sự hoàn bị về lý thuyết nhân tính (Theory of Personnality) xác định rõ con người như thế nào là câu hỏi về nội dung giáo dục và kỹ thuật giáo dục. Tại đây cần xây dựng một triết lý về con Người, đề cập đến vai trò của nhận thức, tư duy hữu ngã và vấn đề giá trị, đạo đức của đời sống.

Về con Người, nền văn hóa cổ Hy Lạp và La Mã chưa có tiếng nói thuyết phục; nền văn hóa Trung Hoa cũng thế, chưa có một cái nhìn ổn định. Ngô Thừa Ân nhận thấy cần có cái nhìn mới ấy đang ngự trị Lôi Âm tự, vùng văn hóa Tây Trúc. Nền văn hóa này giới thiệu con người là một tập hợp của Năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành thức uẩn. Sắc uẩn là phần vật lý; thọ, tưởng, hành, và thức thuộc tâm lý. Bên trong con người Năm uẩn ấy có mặt trong nguồn năng lực và một trí tuệ vô hạn có thể giúp con người chuyển khát vọng hạnh phúc và chân lý thành hiện thực ngay tại đời sống này.

Sắc uẩn gồm có nội sắc (thân vật lý của mình) và ngoại sắc (thân tha nhân và thế giới vật lý). Thọ uẩn gồm có nội thọ (những cảm nhận hỷ, lạc trong thiền định) và ngoại thọ (các cảm nhận hỷ, lạc qua các giác quan bên ngoài). Tưởng uẩn gồm có tưởng về sắc, thanh, hương, vị, xúc và về pháp. Hành uẩn gồm có tư duy (tác ý) về sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Thức uẩn gồm có nhã thức, tỉ, thiệt, thân và ý thức.

Như vậy, con người theo giáo lý nhà Phật và theo quan điểm của nền văn hóa mới, không phải là một ngã thể độc lập với tha nhân, gia đình, xã hội, thiên nhiên, mà gắn liền với các hiện hữu ấy. Thế giới này, xã hội này là chính cơ thể và tâm thức con người cần được bảo vệ tự thân và hạnh phúc của tự thân.

Với nhận thức Duyên khởi, Vô ngã của nền văn hóa mới, tư duy mới (chánh tư duy) con người, gia đình, xã hội và môi trường là một khối nhất thể, không thể tách ly: con người là con người của gia đình, xã hội và môi sinh; môi sinh là môi sinh của con người và xã hội.v.v... Cái nhìn mới này sẽ đưa ra các giá trị mới, thái độ sống mới là một nền văn hóa, giáo dục mới nhằm đem lại hòa bình, an lạc và hạnh phúc lâu dài cho xã hội.

Hạnh phúc không phải là của quan niệm, khái niệm, mà là của sự sống giác tỉnh trong hòa điệu của Năm uẩn. Hạnh phúc vì thế không phải của các ngã tưởng, ngã niệm hay của dục vọng. hạnh phúc và con người là một, và là cái một của tương quan Duyên khởi. Con đường sống của nền văn hóa mới vì vậy là con đường sống của vị tha, của hòa điệu, của sự dập tắt các ngã tưởng (với đời sống xã hội thì chế ngự các ngã tưởng).

Ngày nay, nền văn minh hiện đại đã mạnh mẽ nói lên rằng văn minh vật chất càng phát triển thì cần phải tổ chức tốt nền văn minh tinh thần. Cuộc khủng h oảng về dân số, đạo đức và ô nhiễm môi sinh hiện tại đang đặt ra những thẻ thách lớn. Làm sống ung thư và sida đang ám ảnh con người. Nếu Tất cả (mọi người) đều thấy rõ sự thật của Duyên sinh hay Năm uẩn thì sẽ ý thức rằng khổ đau, rối ren ở chỗ này là khổ đau rối ren của chỗ kia, của toàn trái đất, và sẽ cùng nhau mở đường đi ra khỏi cuộc khủng hoảng cùng nhau bảo vệ trái đất như bảo vệ chính mình. Cái thấy biết sự thật ấy đang trông cậy vào vai trò của văn hóa giáo dục "hậu hiện đại".

Các xã hội nếu được xây dựng trên cơ sở Duyên sinh Vô ngã thì chiến tranh sẽ dần dần biến mất, các tệ nạn xã hội (cướp bóc, tham nhũng...) sẽ dần dần biết mất. Con người nếu rõ Duyên sinh, Vô ngã thì sẽ nhận ra, qua thể nghiệm, dục vọng là khổ đau, vị kỷ là khổ đau, si mê là khổ đau, và sẽ tự động tách rời khỏi chúng. Tại đây con người sẽ sung sướng nhận ra rằng: cuộc sống đang còn nguyên ở đó tràn đầy những âm thành và màu sắc; lẽ sống của mỗi cá nhân không phải là ham muốn; và hạnh phúc phải là thảo mãn các ham muốn, mà là sự biết sống, biết nhìn, biết đủ và biết rằng cuốc sống chính là mình. Mọi sự vẫn tiếp tục trôi chảy; con người tiếp tục sống như đang sống, nhưng sống với sự giác tỉnh nói trên.

Từ đây, từ sự thật Duyên khởi, con người sẽ không bàn đến hệ tư tưởng cho rằng có một đấng toàn năng tạo ra vũ trụ, và giữ quyền thưởng phạt con Người. Từ đây, con người trở về chính mình sống nương tựa mình và nương tựa sự thật Duyên khởi; trở về với sự hòa điệu của tim và óc, của cá nhân và xã hội, của thiên nhiên và con người trở về với sự tách rời khỏi các nhân tố gây ra khổ đau cho mình và người (như chấp ngã, dục vọng, ích kỷ, đố kỵ.v.v...).

Ðấy là một số ý niệm tổng quát, Ngô Thừa Ân đã nở ra một cuộc Tây du vượt qua 81 ma nạn trước khi đặt chân tới Lôi Âm tự, thì nền văn hóa giáo dục hậu hiện đại cũng cần thời gian để giáo dục con người và tổ chức xã hội theo nhận thức, tư duy mới (nhân bản và trí tuệ) để hình thành nếp sống văn hóa mới, phải vượt qua nhiều khó khăn trước khi nhìn thấy quả. Có nhiều việc làm mà chúng ta sẽ lần lượt bàn đến.

II. Sự thật của con người và cuộc đời.

Sự thật và hạnh phúc là vấn đên lớn mà nhân loại mãi tìm kiếm. Còn tìm kiếm có nghĩa là còn chưa thấy. Vì chưa thấy rõ sự thật của cuộc đời nên con người tiếp tục nói về, bàn về cuộc đời. Vì sự thật của con người là khổ đau nên con người khát vọng tìm kiếm hạnh phúc. Tìm kiếm hạnh phúc là vai trò của văn hóa và giáo dục.

Cách đây 26 thế kỷ, thái tử Siddhattha (người xứ Ấn) đã tự mình tìm kiếm lời giải đáp cho hai vấn đề lớn nói trên. Sau một thời gian hành sâu thiền định và sáu năm hành khổ hạnh, thái tử vẫn mịt mờ trước sự thật. Nhưng sau bốn (hay bảy) tuần lễ thiền quán dưới cội cây bồ đề, thái tử đã chứng ngộ sự thật Duyên khởi, thấy rõ gốc của khổ đau và con đường dẫn đến đoạn diệt khổ đau, và thái tử bấy giờ trở thành bậc Toàn Giác, Phật, Thế Tôn.
Sự thật mà Ðức Phật đã chứng ngộ có thể được tóm tắt như sau:

- "Do cái này có mặt nên cái kia có;
Do cái này sinh, nên cái kia sinh.
Do cái này không có mặt, nên cái kia không có,
Do cái này diệt, nên cái kia diệt"

- Do vô minh mà có hành, do hành mà có thức, do thức mà có danh sắc, do danh sắc mà có lục nhập, do lục nhập mà có xúc, do xúc mà có thọ, do thọ mà có ái, do ái mà có thủ, do thủ mà có hữu, do hữu mà có sinh, do sinh mà có lão tử, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ðây là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn". (Tương Ưng II, bản dịch của HT Thích Minh Châu, 1982, tr. 4)

Vô minh là chi phần đầu của 12 nhân duyên, nhưng không phải là nguyên nhân đầu tiên; nó cũng do duyên mà sinh. Vô minh đã được Ðức Phật định nghĩa:

"Và này các Tỷ kheo, thế nào là vô minh? Này các Tỷ kheo, không biết rõ về khổ, không biết rõ về khổ tập, không biết rõ về khổ diệt, không biết rõ về khổ tập, không biết rõ về khổ diệt, không biết rõ về con đường đưa đến khổ diệt. Này các Tỷ kheo, đây gọi là vô minh". (sđd. tr.4)

Từ định nghĩa trên, vô minh có thể được hiểu là do không hiểu Tứ đế, không hiểu duyên khởi, hay do chấp thủ các ngã tướng. Giờ chúng ta thử quan sát sự vận hành của vô minh trong mỗi cá nhân hiện tại trong nền văn hóa hiện đại.

1. Nhóm Vô minh và Hành.

Nền văn hóa phổ biến hiện nay của nhân loại là sản phẩm của tư duy hữu ngã. Tư duy này đặt để các ngã tính cho mọi hiện hữu để thiết lập trật tự cho tư duy và cuộc sống. Như vậy ở đó có mặt Vô minh và Hành. Nói khác đi, nền văn hóa ấy đang biểu thị sự vận hành của Vô minh.

Con người chịu ảnh hưởng của văn hóa, tư duy được định hình bởi văn hóa, nên mặc nhiên xem tự ngã như là có thật.

Thế là Vô minh xâm nhập và ngự trị các hành động thân, lời và ý của con người.

2. Nhóm Thức và Danh sắc.

Giáo dục làm nên văn hóa. Văn hóa đã là hữu ngã thì giáo dục cũng mang tính chất hữu ngã thì giáo dục cũng mang tính chất hữu ngã. Giáo dục thì truyền đạt các kiến thức, rèn luyện tư duy, nên kiến thức và tư duy ấy là hữu ngã và là Vô minh. Thức là hữu ngã là là vô minh. Nếp sống của con người Danh sắc hình thành nghiệp thức và mở ra dòng sống à chuyên chở Vô minh và khổ đa.

Thế là, cái gọi là sống của mỗi cá nhân chỉ là sự biểu hiện của những ý niệm hữu ngã, đã đánh mất sự sống.

3, Nhóm Lục nhập, Xúc, Thọ.

Lục nhập, Xúc, Thọ chỉ la sự biểu hiện của Thức và Danh sắc là hiện hành của Vô minh của nền văn hóa hữu ngã. Cái gọi là cá nhân xúc, thọ thật sự chỉ là Vô minh xúc, thọ. Và, vì thế gọi là "tôi khổ đau" chỉ là một vọng tưởng ám ảnh cá nhân.

4. Nhóm Ái, Thủ

Lòng khát sống của cá nhân trước cuộc sống bốc cháy các khát khao ngũ dục lạc (hay dục ái) các khát khao tồn tại (hữu ái) và các khao khát vĩnh cửu (vô hữu ái). Khát khao ấy thúc dục cá nhân nắm chặt đối tượng khát khao. Ðây là Chấp thủ. Hậu quả của Chấp thủ là các cuộc xung đột, chiến tranh, kỳ thị tôn giáo, mà da và phái tính... mở ra một cuộc diện bất an hiện nay.

Lòng khát ái thì dẫn đến các hiện tượng phát triển "sex", kinh doanh "sex", đẩy con người chìm sâu vào các thụ hưởng thấp kém làm rã dần nền đạo đức cá nhân, gia đình và xã hội.

Khi mà Tham ái và Chấp thủ phát triển mạnh, thì các tâm lý vị tha, nhân ái, công bằng, khoan dung phải co mình lại, xã hội lâm vào các nguy kịch của các tệ trạng, của sự tàn phá rừng, biển và ô nhiễm môi sinh, của sự khai thác vô độ lòng dục ái và tinh thần cạnh tranh, tách xa dần hướng giáo dục nhân bản.

Trước sự thật cuộc sống đang đi vào băng hoại ấy, các nhà giáo dục cần cấp thiết mở ra các hướng giáo dục thoát khổ, hướng giáo dục Duyên Khởi vận hành để đoạn trừ Vô minh, như Ðức Phật đã dạy về Duyên Khởi, và đã mở đường rằng:

"Như vậy này các Tỷ kheo, Vô minh duyên Hành, Hành duyên Thức, Thức duyên Danh sắc, Danh sắc duyên Lục nhập, Lục nhập duyên Xúc, Xúc duyên Thọ, Thọ duyên Ái, Ái duyên Thủ, Thủ duyên Hữu, Hữu duyên Sinh, Sinh duyên Khổ, Khổ duyên tín, tín duyên hân hoan, hân hoan duyên hỷ, hỷ duyên khinh an, khinh an duyên lạc, lạc duyên định, định duyên tri kiến như chân, tri kiến như chân duyên yếm ly, yếm ly duyên ly tham, ly tham duyên giải thoát, giải thoát duyên trí về đoạn diệt. (Tương Ưng II, sđd, tr. 37)

Giáo dục cần chỉ cho con người thấy rõ các nguy hiểm của nền văn hóa có chiều hướng đang bị vận hành bởi Vô minh, bởi những ý niệm chấp ngã, chấp "tôi" đê mở lòng tin về một nền giáo dục duyên khởi loại bỏ Vô minh, mở hướng vào an lạc và hạnh phúc trong hiện tại.

5. Nhóm Hữu, Sinh, Lão tử, Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não.

Do Vô minh, nền văn hóa hiện tại đang hiện hành với những hiện tượng xã hội báo động. Ðây là Hữu, Sinh, Lão tử, Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não, là sự sinh khởi của Vô minh và khổ đau.

Con đường xây dựng hạnh phúc cho đời vì vậy cần được vận hành bởi Minh hay chánh kiến, trí tuệ. Ðấy là sự vận hành của nhận thức Vô ngã sẽ mở ra hướng sống nhân ái, vị tha, vì hạnh phúc an lạc của số đông, và sẽ mở ra một nếp sống đạo đức nhân bản, hiện thực và trí tuệ cho cá nhân, gia đình và xã hội..

Suốt hơn bốn mươi năm giáo hóa, Ðức Phật chỉ nói khổ và con đường diệt khổ cho đủ mọi căn cơ xuất gia và tại gia, vì thế toàn tạng Kinh, Luật, Luận của Phật giáo cũng chỉ kiết tập về những lời dạy tập chú về việc trình bày khổ và con đường diệt khổ và nói đến nếp sống, nếp nghĩ thế nào để đạt hạnh phúc trong hiện tại và trong tương lai.

Giáo lý của Phật đã giới thiệu rất nhiều nếp sống phù hợp với mọi căn cơ ở đời đi đến hạnh phúc, nên đạo Phật cần được giới thiệu, phổ biến rộng rãi cho đời, trong thế giới học đường. Ðây là một nội dung mà các hệ thống văn hóa, giáo dục hiện đại đang tìm kiếm.

III. Một nền giáo dục Duyên khởi.

Hơn ba phần tư nhân loại hiện nay không biết đến đạo Phật, hay không nghiên cứu đạo Phật. Số còn lại có sống với, có tìm hiểu, có nghiên cứu hay quan sát sinh hoạt của Phật giáo.

Các nhà xã hội học, các nhà văn hóa, tư tưởng hay giáo dục hiện đại vẫn chưa có nhân duyên tìm hiểu cặn kẽ, sâu xa giáo lý Phật giáo. Với những vị có nghiên cứu sâu thì chỉ nghiên cứu đạo Phật như như một hệ thống tư tưởng triết lý. Với những vị này chỉ thiếu điều kiện thực hành nên cũng khó nhận ra chân giá trị của đạo Phật. Hầu hết cứ đinh ninh rằng Phật giáo là một tôn giáo, vì thế Phật giáo chỉ dành cho lãnh vực tín ngưỡng, mà xa lạ với các nếp sống con người khát vọng tạo dựng hạnh phúc trần gian. Hoặc giả đinh ninh rằng Phật giáo cứ nói mãi về khổ đau thì là tiếng nói bi quan; hay Phật giáo chủ trương ly dục là một chủ trương không thiết thực, xa lạ với con người.v.v... Thật là đầy ngộ nhận! Làm sao người ta có thể tin rằng Phật giáo có thể giới thiệu với đời một đường hướng giáo dục rất thiết thực, nhân bản và trí tuệ?!

Vào thế kỷ XVI, Ngô Thừa Ân, qua tiểu thuyết Tây Du Ký, tin tưởng rằng Phật giáo sẽ giúp cải thiện đường hướng văn hóa, giáo dục của xã hội Trung Hoa, ông đã viết những suy nghĩ của ông thành bộ tiểu thuyết Tây Du Ký bất hủ, nhưng những tâm sự, suy nghĩ, hoài bão của ông vẫn được gói kín trong 100 hồi truyện cho đến ngày nay. Những tư duy phát hiện giá trị đạo Phật đầy trân quý của ông chỉ để giúp đời giải trí sau các ngày giờ làm việc mệt mõi, bởi vì đấy là tiểu thuyết, mà không phải là giáo dục, tư duy và tâm lý. Kinh Phật thì chỉ để dành cho tu sĩ Phật giáo và để tôn quý, bởi vì đó là tôn giáo mà không phải là văn hóa giáo dục. Thật là đáng tiếc!

Giáo dục có hai mục tiêu chính:
1. Giáo dục con người tự thân hiểu mình và biết hướng dẫn đời mình đi đến hạnh phúc ngay trong hiện tại.
2. Giáo dục con người xã hội hiểu biết xã hội mình đang sống và đáp ứng các yêu cầu của xã hội và lịch sử với các mục tiêu tức thời và lâu dài.

Về mục tiêu thứ nhất của giáo dục, thì đạo Phật đáp ứng trọn vẹn, nếu không nói là rất lý tưởng. Về mục tiêu thứ hai của giáo dục là giảng dạy cung cấp cho học viên, sinh viên các kiến thức chuyên môn để xây dựng và phát triển xã hội. Trong mục tiêu này, xã hội và lịch sử còn yêu cầu học đường dạy một tinh thần đòan kết dân tộc kéo sơn thể hiện ngay trong h ọc đường và ngoài xã hội. Về yêu cầu này, học đường cần có một triết lý giáo dục như thế nào vừa nhân bản vừa dân tộc, vừa có thể vượt qua các dị biệt. Hẳn là giáo lý Duyên khởi, Vô ngã đáp ứng yêu cầu này. Duyên khởi là sự thật của vạn hữu, nên không thuộc riêng của ai hay của dân tộc nào, vì vậy nó là của moi người. Vì Vô ngã nên khi một người chấp nhận Duyên khởi, Vô ngã thì dễ dàng hòa hợp với các ngã, với các tư duy tín ngưỡng hữu ngã; do vậy dễ dàng đến với mọi người, dễ dàng hòa hợp đoàn kết. Vì có nhạn thức Vô ngã nên có thái độ sống vô chấp, không bảo thủ, khoan dung, nên cũng dễ dàng đoàn kết, thống nhất với mọi người, mọi khuynh hướng vì đại nghĩa xã hội, dân tộc.

Ngoài hai đóng góp quan trọng trên, Duyên khởi là tòan bộ giáo lý Duyên khởi và toàn bộ giáo lý Giới, Ðịnh, Tuệ của Phật giáo có thể có rất nhiều đóng góp rất hữu ích khac snhau cho giáo dục như giáo dục tinh thần tự tri, tự giác tự trách nhiệm, độc lập, tùy duyên, tự trọng, tinh thần phê phán, tinh thần thiết thực hiện tại, nhân bản, thiền định và sáng tạo, tinh thần khích lệ.v.v...

Về triết lý giáo dục, giáo lý Duyên khởi và Ngũ uẩn có thể giúp học đường xây dựng một lý thuyết về nhân tính ổn định và giá trị. Hai giáo lý này có thể là cơ sở để hình thành nhận thức luận và giá trị luận sáng giá.

Về tâm lý, đạo Phật là con đường đoạn diệt phiền não, lo âu, vốn là vai trò chính của ngành tâm lý giáo dục hiện đại.

Với một số ưu điểm tiêu biểu vừa đề cập, chúng ta có thể đi đến kết luận rằng văn hóa Phật giáo có nhiều điểm thể hiện các giá trị nhân bản phù hợp với các chuẩn mực đạo đức và văn hóa mà chúng ta đang xây dựng.

Kinh nghiệm lịch sử Việt Nam dưới triều đại Lý, Trần (từ thế kỷ XI đến cuối thế kỷ XIV) cho thấy văn hóa Phật giáo làm chủ đạo cho văn hóa Việt Nam thời bấy giờ và đã tạo nên một sức mạnh dân tộc phi thường; Bắc thắng Tống, Nam bình Chiêm dưới triều Lý; ba lần đại phá quân Nguyên Mông dưới đời Trần, đạo quân xâm lược rất hùng mạnh dã đánh bại Trung Hoa và nhiều nước Châu Âu đương thời.

Trong thời kỳ lịch sử cận đại và hiện đại, bên cạnh sự phát triển khoa học, tinh thần giáo lý từ bi và thiền định Phật giáo đã đóng góp rất nhiều cho sự hùng mạnh của nước Nhật Bản.

Vẫn còn rất nhiều bài học hữu ích, giá trị cần thiết cho con người và cho lịch sử dân tộc rút ra từ pt, chúng ta cần công phu nghiên cứu, vận dụng trong sự nghiệp giáo dục văn hóa nước nhà.

IV. Triết lý Giáo dục

Một đường hướng giáo dục, ngoài lý thuyết về nhân tính, còn có triết lý giáo dục của nó để từ đó hình thành một mẫu người giáo dục và nội dung giáo dục.

Có ba vấn đề chủ yếu hình thành một đường hướng triết lý nói chung và triết lý giáo dục nói riêng đó là vấn đề bản thể, vấn đề nhận thức và vấn đề giá trị cần được bàn đến đối với giáo lý Phật giáo.

1. Vấn đề bản thể (ontology)

Hệ tư tưởng Âu, Mỹ chịu ảnh hưởng của tư duy nhị nguyên (tư duy ngã tính) đã nêu ra vấn đề bản thể khi đi tìm hiểu sự thật của con người và cuộc đời. Ðặt ra vấn đề bản thể là đặt vấn đề nguồn gốc của sự vật, hay vấn đề bản chất, hoặc bản tính của sự vật, hoặc vấn đề nguồn gốc hay nguyên nhân đầu tiên.

Sự vật được tìm hiểu ở đây trở thành đối tượng của tìm hiểu mà chr thể tìm hiểu của nó là tư duy của con người hoạt động qua các giác quan giới hạn sự ghi nhận của các giác quan về các hiện hữu vốn giới hạn, khó phản ảnh được sự thật của các hiện hữu. Tư duy thì hoạt động qua nguồn tin tức mà các giác quan cung cấp, cộng thêm vói khả năng phối kiểm tổng hợp đầy ngã tính. Thế nên, dưới cái nhìn trí tuệ như thật của Phật giáo, sự thật của các hiện hữu không có mặt trong các câu hỏi và trong các câu trả lời của hệ thống (cơ cấu) tư duy ấy. Nói khác đi, qua sự thật Duyên khởi đã được Ðức Phật chứng ngộ dưói cội bồ đề, thì vấn đề bản thể, bản chất hay nguồn gốc theo nghĩa "ontology" ấy không phù hợp với giáo lý nhà Phật. Nó thuộc tư duy nhị nguyên, mà không phải của thực tai. Phật giáo phủ nhận các câu hỏi về bản thể, bản chất, nguồn gốc hay nguyên nhân đầu tiên ấy. Câu hỏi đã đi xa khỏi thực tại, thì câu trả lời cho câu hỏi đó càng đi xa hơn khỏi thực tại.

Vì phủ nhận nguyên nhân đầu tiên của các hiện hữu, nên giáo lý Duyên khởi phủ nhận các quan điểm cho rằng có đấng sáng tạo vũ trụ, dấng Thượng đế hay Phạm thiên tạo ra loài người.

Vì là Duyên khởi, Vô ngã, nên giáo lý Phật giáo không chấp nhận, không chủ trương duy tâm, không chủ trương duy vật, duy linh.v.v... Vũ trụ và con người là do duyên sinh. Tâm, Vật, Linh.v.v... là do duyên sinh.

Với Phật giáo, vũ trụ và vạn hữu đang là,là duyên sinh:

"Do cái này có mặt, nên cái kia có.
Do cái này sinh, nên cái kia sinh".
"Do cái này không có mặt, nên cái kia không có,
Do cái này diệt, nên cái kia diệt".

Vì do duyên mà sinh nên mọi hiện hữu dù là ý niệm như lông rùa, sừng thỏ, hay thái dương hệ, đều rỗng không tự ngã và được gọi là Vô ngã, Vô Tánh hay Không Tánh.

Nhưng, vũ trụ, vạn hữu đến vơi mỗi người thì không còn như chúng hiện hữu, đã bị méo mó đi nhiều do sự can thiệp của các giác quan con người, tư duy tình cảm và các định kiến khác. Chỉ khi nào loại ra khỏi cái nhìn của con người các nhân tố can thiệp ấy thì vũ trụ vạn hữu mới xuất hiện như thật, như chúng đang là.

Cái thấy biết ngã tính của con người như vậy là sai lầm (sai với thực tại) và được giáo lý nhà Phật gọi là điên đảo kiến.

Cái tâm của con người hoạt động, tác ý trên các ngã tướng là không thật và được gọi là điên đảo tâm.

Cái niệm tưởng của con người là ngã tính và niệm tưởng về các ngã tướng gọi là ngã tưởng nó sai lầm và được gọi là diên đảo tưởng.

Thói quen tình cảm của con người sống với các ngã tưởng, ngã tướng, sống với các dục niệm khiến trở ngại chánh kiến, chánh niệm nên được gọi là điên đảo tình.

Phật giáo vơi vai trò giáo dục chỉ rõ cho người đời thấy rõ bốn thứ điên đảo ấy và tu tập tâm để thoát ly chúng. Khi bốn thứ điên đảo ấy được nhiếp tịnh, thì vũ trụ và con người chân thật xuất hiện. Vấn đề giáo dục ở đây không phải giới thiệu vũ trụ và con người chân thật là gì, mà là giới thiệu những gì đang ngăn che tâm con người và huấn luyện tâm để làm sụp đổ các ngăn che ấy. Khi các ngăn che sụp đổ, thì các thật tướng xuất hiện. Con người sống đúng nghĩa là sống với thực tại, sống với sự thật ở ngoài các ngăn che.

2. Vấn đề nhận thức (Epistemology)

Tư duy con người hoạt động dựa vào các tin tức được cung cấp từ các giáo quan tại, mắt, mũi, lưỡi, thân và ý căn, dựa vào kinh nghiệm của giác quan và dựa vào kinh nghiệm tư duy gán cho sự vật. Ngã tính ấy là hệ quả của ba nguyên lý căn bản làm nền tảng để tư duy có thể hoạt động. ba nguyên lý đó là:

a/ Nguyên lý đồng nhất: Một vật được gọi là A thì mãi là A như thế thì tư duy mới làm việc được.

b/ Nguyên lý cấm mâu thuẫn: Một vật được gọi là A hoặc được gọi là B, chứ không thể khi thì A khi thì B. Ổn định tên gọi như vậy thì tư duy mới có thể vận động.

c/ Nguyên lý triệt tam: Một vật có thể được gọi là A hay B, chứ không thể vừa là A vừa là B. Có vậy tư duy mới có thể hoạt động. Ba nguyên lý trên hàm ý rằng (hay giả định rằng) mọi hiện hữu đều phải có tên gọi riêng và có ngã tính bất biến. Thế là yêu cầu để tư duy có thể hoạt động là gán cho mỗi hiện hữu một ngã tính. Vậy nên tư duy này được gọi là tư duy hữu ngã, tư duy ngã tính hay tư duy nhị nguyên (chủ thể nhìn và đối tượng nhìn đều có ngã tính độc lập). Trong khi đó, thực tại thì trôi chảy liên tục, bạn không thể đặt chân hai lần trên một dòng nước. Như thế hoạt động tư duy của con người thì khác với thực tại. Ðây là điểm đầu nguồn quyết định thân phận con người, luôn luôn đặt con người ngoài thực tại, mâu thuẫn với thực tại để làm dấy sinh vô số khổ đau, phiền não, tham, sân, si dục vọng và các phiên não đều dấy khởi từ tư duy hữu ngã ấy.

Các căn thì được cấu tạo có điều kiện, khả năng đón nhận sự vật rất hạn chế, đã cung cấp tin tức cho tư duy rất giới hạn, có khi sai lạc hẳn. Ðây là một điểm khác nói lên giới hạn và sai lầm của tư duy.

Nhận thức, hiểu biết của con người là đến tư duy và giác quan giới hạn ấy, nên dẫn con người đến các thấy biết hạn hẹp, sai lầm, che mờ sự thật, sự thật của vạn hữu thực tại. Giáo dục có vai trò chỉ cho con người thấy cái giới hạn của nhận thức, và vạch mở con đường giúp con người thấy sự thật và thấy hạnh phúc tại trần gian.

Phật giáo rất tuyệt với trong việc đảm nhận vai trò giáo dục này. Ðức Phật dạy có năm cấp độ thấy biết thực tại:

a/ Tưởng tri (Sannàjànati: khả năng phân biệt các sự vật hiện hữu, khả năng kinh nghiệm, ghi nhớ và hồi tưởng.
b/ Thức tri (Vinnàjànati): khả năng ghi nhận sự hiện diện của các pháp qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý căn.
c/ Tư duy (Mannàjànati): khả năng nối kết, phân tích tổng hợp, phối kiểm và suy luận lên các dữ kiện, tin tức do các giác quan cung cấp.
d/ Thắng tri (Abhijànati): là cái thấy biết sự vật trực tiếp bằng sự quán sát của tâm thức trong thiền định (không có mặt tư duy). Cái thấy biết của thắng tri tương tự như trực giác triết học của phương Tây. Tại đây, con người thấy sự vật như sự vật đang trôi chảy.
đ/ Liễu tri (Parijanàti): Tiếp nối cái thấy biết của thắng tri cho đến khi thật nhuần nhuyễn, khi mà tâm tham, sân, si đều rụng đổ hết, thì cái thấy biết bấy giờ gọi là liễu tri. Liễu tri mới là cái thấy biết sau cùng, như thật, như chân mọi hiện hữu.

Ba cấp độ thấy biết đầu là thuộc nhận thức, tri thức và các tri kiến của con người và của thế giới học đường cũ. Học đường ngày nay, hay nền văn hóa "hậu hiện đại" cần giáo dục con người đi vào hiểu biết thắng tri và liễu tri, và thực hiện thắng tri, liễu tri. Sự thật và hạnh phúc chân thật có mặt trong thắng tri và liễu tri này.

Học đường cũng cần vạch rõ: mỗi loại tri thức đem lại cho con người một loại hiểu biết và được vận dụng vào một lãnh vực xã hội tương ứng. Tất cả đều cần thiết nếu con người không chấp thủ chúng.

3. Vấn đề giá trị, đạo đức.( Axiology)

Nói đến giá trị là nói đến sự đánh giá. Chủ thể của sự đánh giá là nhận thức, tư duy của con người. Như được trình bày ở mục nhận thức trên, nhận thức và tư duy đã là giới hạn và sai lầm nên các giá trị, vấn đề thiện, ác, đạo đức do tư duy ngã tính đặt để cần được xét lại. Giá trị của một hành động là do nhiều nhân duyên kết hợp mà thành gồm sự chủ tâm tác ý, ý chí thực hiện, tình cảm thực hiện và cả kết quả của hành động. nếu chỉ căn cứ vào cái tướng biểu hiện ở bên ngoài mà đánh giá thì rất thiếu sót, dễ sai lầm. Ví dụ như một bà mẹ diễn đạt sự rất âu yếm người con trẻ mà nghiến răng nói rằng: "ta ghét mầy quá!" (như nói với tấm lòng rất đỗi là âu yếm). Nếu căn cứ vào cái tướng và lời diễn đạt kia thì quả khó thấy được giá trị của hành động ấy (ở đây sự âu yếm là động cơ của hành động). Hai người cùng làm một việc giống nhau mà giá trị lại khác nhau. Ví như hai người cùng giúp đỡ một người nghèo một số tiền bằng nhau, nhưng một người giúp vì tình thương, một người giúp vì có ý đồ lợi dụng; như vậy một người là thiện lương, người kia là không thiện lương.

Cùng một con người làm cùng một hành động ở hai hoàn cảnh hay thời điểm khác nhau thì có giá trị khác nhau. Chẳng hạn ăn cơm đúng bữa là tốt, ăn cơm lúc khỏe là bình thường, mà ăn cơm lúc đau thương hàn thì có thể dẫn đến cái chết.v.v...

Do đó, không thể có một bảng liệt kê giá trị ấn định sẵn các giá trị của các hành động con người. Người ta cũng không dễ dàng phê phán đúng hành động của những người khác khi không lên hành động của người đó. Vì thế, giá trị nhân bản là mỗi người tự biết mình, đánh giá mình, và rất cẩn trọng khi đánh giá việc làm của những người khác. Giá trị nhân bản là hành động nhằm đem lại an lạc hạnh phúc cho số đông trong hiện tại và tương lai vì chính con người, mà không phải vì nhân danh một quyền lực hay một đấng thần linh nào khác. Tiêu chuẩn giá trị phải là con người và hạnh phúc của con người. Giá trị chính là đạo đức, và đạo đức chính là hạnh phúc. Ở đâu có đạo đức, ở đó có mặt hạnh phúc; ở đâu có hạnh phúc ở đó có mặt đạo đức. Vì thế, đạo đức và hạnh phúc còn đồng nghĩa với vị tha và từ bi (hay lòng nhân ái); và đi xa hơn, đạo đức và hạnh phúc ocn đồng nghĩa với sự chế ngự chấp thủ bản ngã, với sự chế ngự dục vọng; càng ít dục vọng càng hạnh phúc nhiều. Ðây là loại giá trị của thực tại đòi hỏi con người thực nghiệm để nhận chân giá trị mà không phải là loại giá trị sản phẩm của tư duy tỉnh.

Vấn đề giá trị của nhận thức, vấn dề tư duy và đánh giá các giá trị, hay vấn đề giá trị nói chung, đã được ntga đưa vào nhiều hồi truyện Tây Du Ký và đã được người viết bàn đến nhiều. Hẳn đây là một vấn đề ách yếu của nội dung của nền giáo dục nhân bản và trí tuệ.

Những công thức giá trị mang vẽ ước lệ, hình thức của các nền văn hóa cũ của nhân loại đã gây ra nhiều bi kịch trong cuộc sống mà nhiều văn hào, thì hào nhân bản thế giới đã nỗ lực tháo gỡ (nhưng thiếu tính toàn diện không như Ngô Thừa Ân) như câu chuyện Le Cid (Pháp), các tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, và rất nhiều phim ảnh hiện đại.

Phải chăng đã đến lúc các nhà văn hóa, giáo dục nhân bản cần hình thành một nền giáo dục "hậu hiện đại" đem lại nhiều tình người, trí tuệ và hạnh phúc hơn cho nhân loại?

V. Mẫu người giáo dục của nền giáo dục mới "hậu hiện đại"

Khi nhà giáo dục thấy rõ quy luật sinh diệt của các hữu, thấy rõ duyên khởi trong tất cả hiện hữu, thấy rõ con người ngũ uẩn của tương quan mật thiết với gia đình, tập thể, xã hội và môi sinh, thấy rõ các hiện tượng xã hội hiện hữu tương duyên với nhau, thấy rõ vai trò của tư duy, dục vọng đối với con người và hạnh phúc của con người, thì nhà giáo dục sẽ hình dung ra được một nội dung giáo dục con người như thế nào.

Một nền giáo dục hiện thực và nhân bản phải là một nền giáo dục tạo ra một môi trường và một nội dung giáo dục thế nào để mọi người tiếp thu đêu có điều kiện phát triển kiến thức, tình cảm và trí tuệ tốt nhất nhằm đáp ứng hai yêu cầu chính: cá nhân và xã hội.

Dòng sống là trôi chảy. Con người cũng phát triển không ngừng về tâm thức.

Bên cạnh nội dung giáo dục con người cá nhân như thế, học đường còn hoạch định nội dung giáo dục con người xã hội để đáp ứng các yêu cầu của xã hội và lịch sử. Phần này cần được điều hợp với phần giáo dục ở trên thế nào để thể hiện tinh thần giáo dục rằng: "cá nhân là cá nhân của xã hội, và xã hội là xã hội của cá nhân".

Về văn hóa truyền thống của dân tộc cũng là một vấn đề quan trọng mà nhà giáo dục nhân bản và hiện đại cần quan tâm xét đến.

Giáo dục của một xứ sở cần đáp ứng các yêu cầu lịch sử của xứ sở ấy (yêu cầu phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng...) Cần bảo vệ văn hóa truyền thống và đề cao truyền thống. Nhưng văn hóa truyền thống cũng chỉ là sản phẩm của con người nhằm phục vụ hạnh phúc của cvon người xứ sở, nên không thể đặt con người sau văn hóa truyền thống, mà cần xét định những gì của văn hóa truyền thống tốt đẹp và phù hợp với hướng phát triển của lịch sử thì bảo trì và phát huy, những gì thuộc văn hóa truyền thống mà không còn phù hợp với hướng phát triển của con người và lịch sử thì thay đổi. Ðây cũng là một đặc điểm của nền giáo dục nhân bản và hiện đại.

Có một yêu cầu giáo dục khác, vừa thuộc yêu cầu của các nhân vừa thuộc yêu cầu xã hội, đó là yêu cầu tín ngưỡng. Con người có quyền tự do chọn lựa thức ăn và màu áo cho mình thì cũng có quyền chọn lựa tín ngưỡng như là màu áo của tình cảm, tâm hồn. Xã hội và học đường cần đáp ứng tốt yêu cầu tín ngưỡng này. nhưng các tín ngưỡng dị biệt dễ dàng tách rời các cá nhân xa nhau, đây là vấn đề của xã hội: làm thế nào để các cá nhân có tín ngưỡng dị biệt có thể gần gũi nhau và cảm thông nhau thì yêu cầu giáo dục về đoàn kết dân tộc mới thực hiện được. Học đường hiện đại hay "hậu hiền đại:, vì thế cần có một triết lý giáo dục chung vượt lên trên (hay vượt ra ngoài) các dị biệt ấy để có thể thống nhất các dị biệt. Ngô Thừa Ân, tại Ngũ Trang Quán dã mở ra một b ữa tiệc nhân sâm để Phật giáo (Bồ Tát Quán Thế Âm và phái đoàn Tây du) và Lão trang, Nho giáo (các thiên tiên, địa tiên) thân mật, đề huề; và để Tôn Ngộ Không cùng vị chủ nhân Ngũ Trang Quán kết nghĩa huynh đệ, sau một hồi tranh chấp xung đột. Ðây cũng là một vấn đề lớn của giáo dục. Tất cả đang gặp gỡ nhau, ở địa bàn con người rất người, hạnh phúc con người và cuộc đời (hay môi sinh và xứ sở). Phải chăng đây là cơ sở gặp gỡ của giáo dục để thể hiện mục tiêu giáo dục cảm thông, thương yêu và đoàn kết?

Tất cả đang trông chờ vào vai trò giáo dục ở học đường, tập thể, gia đình và xã hội. Tất cả đang trông chờ vào các phương tiện truyền thông: đài, sách và báo cí, văn nghệ, hội họa... chuẩn bị cho con người của thời đại một nhận thức mới thiết thực, nhân bản và trí tuệ trước hết.


Viết xong ngày 18 tháng 9 năm 1991
Thiền Viện Vạn Hạnh
Tỷ kheo Thích Chơn Thiện

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]