Nguồn: Thích Chơn Thiện
I. TỔNG QUÁT
Gần đây Ðài truyên hình hình Thành phố Hồ Chí Minh chiếu bộ phim Tây Du Ký, Dương Khiết đạo diễn, đã đem lại nhiều cảm giác sinh thú cho người xem. Nhiều bài báo, nhiều lời bình phẩm và dư luận và dư luận của quần chúng về bộ phim sôi nổi, đặc biệt của luồng dư luận là sự lẫn lộn giữa giá trị của pháp sư Huyền Trang, thiền sư vừa là nhà Phật học, nhà dịch thuật, với giá trị của Ðường Huyền Trang trong bộ phim Tây Du Ký và Ðường Huyền Trang trong tiểu thuyết Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân. Dư luận cũng lẫn lộn giữa giáo lý Phật giáo đích thực với giáo lý Phật giáo được phản ảnh qua bộ phim hay qua tiểu thuyết Tây Du Ký.
Người viết bài này thiển nghĩ người Phật tử cần xác định nhận thức rằng:
Pháp sư Huyền Trang của lịch sử Phật giáo Trung Hoa là có thực, là một thiền sư thông rõ Kinh, Luật, Luận Phật giáo, là một nhà Phật học lỗi lạc, là một nhà dịch thuật tài danh, đã du học ở Ấn Ðộ và chiêm bái Phật tích tại đó suốt 17 năm, sau đó trở về Trung Quốc dịch các Kinh, Luận trong suốt 18 năm thì mất. Cuộc đời và sự nghiệp xuất thế của Pháp sư có giá trị độc lập với Trần Huyền Trang trong phim ảnh, và độc lập với Trần Huyền Trang trong tiểu thuyết Tây Du Ký.
Không thể căn cứ vào Trần Huyền Trang trong tiểu thuyết hay phim ảnh với nhiều tình tiết hư câu để đánh giá Pháp sư Trần Huyền Trang có thực trong lịch sử. Ổn định nhận thức như thế để người Phật tử khỏi phải phiền não trước những diễn xuất hay diễn đạt kém phần giải thoát của nhân vật Trần Huyền Trang trong phim ảnh hay trong tiểu thuyết.
- Tương tự, người Phật tử cần ổn định nhận thức của mình về sự khác biệt giữa giáo lý Phật giáo đích thực với giáo lý Phật giáo được phản ánh có chỗ thiếu trung thực qua phim ảnh hay tiểu thuyết để khỏi phải băn khoăn trong việc tìm lời lẽ biện minh thế này thế khác.
- Người viết cũng cảm thấy rằng ngay cả khi người Phật tử đã ổn định nhận thức của mình về Pháp sư Huyền Trang đích thực thì vẫn không tránh được cảm nhận khó chịu trước hình ảnh Ðức Phật (diễn xuất trong phim) chụp Ngũ hành sơn xuống mình Tôn Ngộ Không (bấy giờ đã là Tôn Ngộ Không sau ngày thụ giáo vớiTôn giả Tu Bồ Ðề) hơi nặng nề (thiếu nét từ bi) rồi liền xoay lại vui vẻ nhìn Hằng Nga hát múa, và trước hình ảnh Tôn giả Ðại Ca Diếp, Tôn giả A Nan, đại đệ tử của Ðức Phật, lôi thôi độ trái cây và lôi thôi đòi "hối lộ" đầy nét phàm phu. Hai hình ảnh ấy thật là xa lạ đối với Phật giáo và thật khó hiểu đối với người Phật tử hiểu đạo! Hình ảnh hối lộ ấy diễn ra hệt như trong tiểu thuyết của Ngô Thừa Ân, điều mà người viết bài này nghi ngờ không phải là đoạn sáng tác của Ngô Thừa Ân, một tiểu thuyết gia nổi danh có một kiến thức Phật học sâu sắc đã được biểu hiện qua bản truyện Tây Du Ký.
- Trở về tiểu thuyết Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân. Ðọc xong Tây Du Ký, người viết liền khởi tưởng:
* Sự nghiệp du học, phiên dịch và tu hành của pháp sư Huyền Trang là vĩ đại, đã để lại nhiều sự ngưỡng mộ trong quần chúng Phật tử hậu lai, và nhiều hứng khởi trong các nhà nghiên cứu, dịch thuật và sáng tác văn học về sau. Quần chúng ngưỡng mộ pháp sư qua văn học truyền khẩu NGÔ THỪA ÂN đã hứng khởi đến độ dựng thành bộ tiểu thuyết Tây Du Ký bất hủ.
* Ngô Thừa Ân hẳn và viết về những gì trong giáo lý Phật giáo đã tạo nên pháp sự Trần Huyền Trang và sự nghiệp vĩ đại của người. Ðó là con đường tu tập thoát ly mọi nỗi khổ đau trần thế, cái nỗi khổ đau đang đè nặng cuộc đời của Ngô Thừa Ân và xã hội Trung Hoa phong kiến đương thời.
* Tác giả đã biểu tượng hóa lộ trình tu tập giải thoát, theo Phật giáo, bằng hình ảnh bốn thầy trò Ðường Tăng và con ngựa trắng đi Tây Trúc thỉnh kinh với tám mươi mốt khổ nạn.
Trong bài phiếm bàn này, người viết chỉ bàn đến các biểu hiện giáo lý Phật giáo tản mạn qua các nhân vật và các cảnh nạn, mà không đi vào các quan niệm nhân sinh, xã hội và lại càng không bàn đến văn phong bút pháp của tác giả.
II. HÌNH ẢNH GIÁO LÝ PHẬT GIÁO BẮC TRUYỀN ÐƯỢC PHẢN ẢNH QUA TÂY DU KÝ.
1/ Qua các nhân vật chính (tổng quan)
Bảng liệt kê các Kinh, Luật, Luận mà Ðường tăng thỉnh về Trung Quốc, theo Ngô Thừa Ân, là thuộc giáo lý Bắc truyền. Với các nhà nghiên cứu Phật học vững vàng như Ngô Thừa Ân mới nhận ra tư tưởng Bát Nhã là cột sống của giáo lý Bắc truyền. Các bản kinh tiêu biểu và phổ biến nhất của giáo lý Bát Nhã là Bát Nhã Tâm Kinh và Kim Cương Bát Nhã. Vì thế Ngô Thừa Ân đã chọn lựa và giới thiệu các nét giáo lý tinh yếu của hai bản Kinh ấy vào cuốn tiểu thuyết thời danh Tây Du Ký.
* Tạng Kinh Bát Nhã (ngót 700 cuốn) do pháp sư Huyền Trang dịch. Bản Bát Nhã Tâm Kinh là bản Kinh mà pháp sư thường đọc tụng, ngay cả những lúc cấp nạn như tại sa mạc Gobi - theo đúng sử liệu - Bản kinh này là tinh yếu của tư tưởng Bát Nhã đã được tác giả đưa vào tiểu thuyết làm triết lý cho cuộc Tây du.
Hồi thứ 19 (của Tây Du Ký) viết rằng:
"Ðông Vân San, Ngộ Không thu Bát Giới,
Núi Phù Ðồ, Tam Tạng nhận Tâm Kinh".
Ðường Tăng tại đây được thiền sư Ô Sào (hóa thân của Bồ Tát) truyền dạy bài Bát Nhã Tâm Kinh (Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội. 1982) như là vũ khí để chiến thắng vượt qua các ách nạn.
* Ðọc cuộc hành trình Tây du, Ðường tăng thường tụng niệm bản Bát Nhã Tâm Kinh - và thường được Tôn Ngộ Không nhắc nhở - để thắng vượt các sợ hãi, âu lo.
* Cuối đường Tây du, Ðường Tăng được hóa thân Phật dùng chiếc thuyền Bát Nhã (không đáy) chở qua sông mê đến bờ bên kia của Phật cảnh. Bước vào thuyền, Ðường Tăng liền thoát xác: được pháp thân thanh tịnh vô tướng, và để lại chiếc sắc thân, như một xác chết, nổi bềnh bồng giữa sóng nước sinh tử.
* Suốt đường thỉnh kinh, phái đòan Tây du luôn luôn được Bồ Tát Quán Thế Âm theo sát cứu độ. Quán Thế Âm theo là tên của vị Bồ Tát mở đầu bản Bát Nhã Tâm Kinh, vị Bồ Tát do vì thấy rdox Năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức - nghĩa là con người và vũ trụ) là không có tự ngã mà vượt qua hết thảy khổ ách, đi vào sinh tử tự tại cứu đổ chúng sinh.
Như thế, tại đây đã có thể kết luận rằng: Ngô Thừa Ân đã diễn lại nội dung Bát Nhã Tâm Kinh (hay tư tưởng tinh yếu của Bát Nhã) và hành trình để chứng đắc trí tuệ Bát Nhã qua toàn bộ tiểu thuyết Tây Du Ký mà mỗi bước đi của phái đoàn thầy trò Ðường Tăng là mỗi bước đi tiến gần giải thoát.
2/ Các nhân vật chính của phái đoàn thỉnh kinh.
Nếu hiểu mỗi nhân vật của phái đoàn thỉnh Kinh là một biểu tượng độc lập, riêng lẽ thì khó mà nắm được toàn mạch tư tưởng nhất quán của Ngô Thừa Ân, chúng ta sẽ lúng túng trong việc tìm hiểu các ảnh tượng giáo lý Phật giáo trải khắp toàn truyện.
Thực sự cuộc hành trình Tây du là một hành trình giải thoát của mỗi người muốn thoát ra khỏi mọi nỗi khổ đau của sinh tử. Nhân vật thầy trò Ðường Tăng là biểu tượng các phần tố tâm thức của một tâm hồn Ðường Tăng.
Về Ðường Tăng
Ðường Tăng là tiếng nói của hạnh nguyện giải thoát, của bi nguyện độ sinh, và sau hết là tiếng nói của cho tim trần thế.
Tiếng nói ấy là linh hồn của nghĩa sống, như Ðường Tăng là người dẫn đầu đoàn thỉnh kinh. Ðây là không là tiếng nói của trí tuệ, của khối óc, nên thường thiếu khả năng phân biệt chánh tà, hư thực, thường bị mắc vào cạm bẩy của ác ma. Tiếng nói của con tim ấy cần được soi sáng bởi tiếng nói thiền định và giới đức như là Ðường Tăng cần đến ba môn đồ phò tá (sẽ bàn tiếp)...
Về Tôn Ngộ Không (Tôn Hành Giả)
* Tôn Ngộ Không là biểu trưng cho Chánh kiến và Chánh tư duy (Thánh tuệ uẩn của mỗi hành giả, là trí tuệ Vô ngã thấy rõ mọi hiện hữu là Vô ngã, vô thường và dẫn đến tan rã, khổ đau. Trí tuệ ấy khác với trí tuệ sinh diệt. Nó là vô sinh nên tác giả Ngô Thừa Ân giới thiệu Mỹ hầu vương được sinh ra từ trứng đá, kết tinh của tú khí trời đất. Trí tuệ ấy tự biết tìm đường đi ra khỏi sinh tử như Mỹ hầu vương biết tìm đường đến với đại đệ tử của Ðức Phật (Tôn giả Tu Bồ Ðề) để học đạo bất sinh bất diệt.
* Tôn giả Tu Bồ Ðề là đệ nhất ly dục, ly ái (còn có nghĩa là đệ nhất rời chấp thủ hết thảy các ngã tướng) trong hàng đệ tử của Ðức Phật - theo Kinh Kim Cang Bát Nhã - Ðạo và Mỹ hầu vương được truyền dạy thấy rõ Vô ngã tướng (hay không tướng) của vạn hữu và tự tâm rời xa mọi tham ái. Nắm được sở đắc ấy thì liền tự tại, ở ngoài mọi khổ đau. Sự kiện tự tại này đã được Ngô Thừa Ân biểu hiện qua 72 phép thần thông biến hóa của pháp môn Ðịa-sát.
Trí tuệ này là cao nhất để đi đến trí tuệ giải thoát sau cùng, không còn trí tuệ nào khác cao hơn, nên được gọi là Vô sư trí. Vì thế Tôn giả Tu Bồ Ðề cấm Tôn Ngộ Không tiết lộ danh tánh của Thầy dạy đạo cho Tôn Ngộ Không.
Ðạt được trí tuệ xa lìa khổ đau ấy, Mỹ hầu vương nhận được pháp danh Tôn Ngộ Không. chữ Tôn theo lời cắt nghĩa của Tôn giả Tu Bồ Ðề, nếu xóa bộ khuyển bên cạnh thì thành chử Tử (con) và chữ Hệ (trẻ con). Như thế trí tuệ giải thoát sau cùng, mà chưa là trí tuệ giải thoát sau cùng, trí tuệ này cần được tu tập thêm Giới và Ðịnh.
* Trí tuệ, tự thân nó là động, tháo động, vì thế Tôn Ngộ Không mang thân tướng giống khỉ. Cái động của trí tuệ cần được thuần hóa và nuôi dưỡng bằng định tâm và sự thực hành giới hạnh. Ðịnh tâm sẽ rửa sạch cái động của ý, giới đức sẽ rửa sạch cái động của trí tuệ cần được thuần hóa và nuôi dưỡng bằng định tâm và sự thực hành giới hạnh. Ðịnh tâm sẽ rửa sạch cái động của ý, giới đức sẽ rửa sạch cái động của thân, khẩu. Chưa đủ, có những thời điểm manh động của trí cần phải nhờ đến đại định để chế ngự như là Tôn Ngộ Không cần phải đội trên đầu chiếc vòng "Khẩn cô nhi" (còn gọi là vòng "Kim cô" hay vòng "định tâm") và cần được chế ngự bởi "định tâm chú" (hay chú Khẩn cô nhi) của Bồ Tát Quán Thế Âm.
* Khi mà trí tuệ ấy chưa được Giới, Ðịnh chế ngự và nuôi dưỡng thì nó sẽ bị Năm uẩn (hay vũ trụ, cuộc đời) khống chế với vô lượng phiền não. Ðây là hình ảnh mà Tôn Ngộ Không bị Ngũ hành sơn chụp lên mình năm trăm năm mà không trăn trở được. Ðó là cái họa đại náo Thiên cung của Tề Thiên Ðại Thánh, do vì Ðại Thánh thấy rõ cái hư, cái rởm (và cả dỏm nữa) của trên trời và dưới thế, không chịu được mà đại náo, đập phá, đạp đổ.
* Ðường giải thoát chưa dừng lại ở đây. Ngộ Không (hay trí tuệ) cần tiếp tục vào đại định và lòng đại bi, cần phải tu tập nhiều lần nữa.n ghĩa là Ngộ Không phải tinh tấn lên đường thực hành giải thoát. Bấy giờ Ngộ Không có thêm một pháp hiệu nữa là Hành Giả.
* Trí tuệ của Tôn Hành Giả (nặng phần tự độ) cần phải được tu tập cùng với bi tâm độ sinh (phần độ tha của Ðường Tăng) thì mới thiện xảo, mới tiến gần giải thoát tối hậu. Cũng thế, bi tâm cần được trí tuệ Vô ngã dẫn đường, nếu không thì dễ lạc đạo. Tác giả Ngô Thừa Ân diễn đạt điểm giáo lý này qua sự xây dựng hai nhân vật Ðường Tăng và Tôn Hành Giả. Khi nào mà Ðường Tăng không nghe Tôn Hành Giả thì phái đoàn Tây du trở nên buồn bã ảm đạm như một phái đoàn đưa ma (như cảnh quỷ Hoàng Bào hãm hại Ðường Tăng sau khi Ngộ Không bị đuổi về núi Hoa Quả).
* Người tu giải thoát rời xa trí tuệ một bước thì bị họa liền một bước. Cần phải thường xuyên giữ chánh niệm hay "như lý tác ý" để tránh các nạn ở am Mộc "Tiên (hồi 64): Ðường Tăng mắc vào cảnh mê thơ, rượu và tình. Bấy giờ, khi Tôn Hành Giả xuất hiện kịp thời thì ma cảnh liền tan biến, Ðường Tăng ra khỏi sự đắm trước nội thọ và ngoại thọ.
Về Trư bát Giới (Trư Ngộ Năng)
* Theo Phật giáo Bắc và Nam truyền, thiền định để chế ngự cái động của tuệ và của tâm cần được tu tập trên căn bản phạm h ạnh. Vì thế hành trình giải thoát cần có công phu thực hành Thánh giới uẩn, như phái đoàn Tây du cần có mặt Trư Bát Giới (bát giới là tám giới căn bản của người xuất gia).
* Trư Bát Giới vốn là Thiên Bồng Nguyên soái, do vì say men tiên tửu, dục ái trỗi dậy quấy rồi Hằng Nga mà bị đày xuống hạ giới với thân mình thô lậu. Trư Bát Giới quả là hiện thân của dục vọng, của sự buông lung thân, khẩu hành. khi Bát Giới trở thành môn đệ của Ðường Tăng là khi đoàn Tây du thể hiện công phu hành trì giới uẩn để chế ngự dục vọng và tẩy trừ thân, khẩu nghiệp. Tác giả Tây Du Ký đã khéo xây dựng nhân vật Trư Bát Giới tham ăn, tham ngủ nghĩ và nói năng thô lậu như là tập khí sinh tử còn lại để trên con người xuất thế, tập khí này cần được tẩy rửa khỏi Tâm giải thoát và Tuệ giải thoát.
* Tánh của Trư Bát Giới thường không hợp với Tôn Hành Giả là cũng do vì sự có mặt của tập khí sinh tử ấy. Lúc nào Giới được tu tập cùng với Tuệ thì công phu giải thoát ổn định, lúc nào giới rời khỏi tuệ thì công phu giải thoát rối loạn. Hệt như những lúc Trư Bát Giới hòa thuận với Tôn Hành Giả thì phái đoàn Tây du êm ả, những lúc Trư Bát Giới nghịch ý Tôn Hành Giả thì phái đoàn Tây du lâm nạn lớn.
* Nhưng Trư Bát Giới cũng lập được nhiều công trên đường thỉnh Kinh. Ðây là ý nghĩa Bồ Tát Quán Thế Âm đặt pháp danh Ngộ Năng cho Bát Giới. Khi mà dục vọng hướng về giải thoát, thì dục vọng trở thành một sức mạnh giải thoát cần thiết cho hành giả.
* Những đoạn đường tu để chiến thắng dục vọng là những đoạn đường dục ái, hữu ái và vô hữu ái mà hành giả phải vượt qua. Khi Trư Bát Giới theo phò Ðường Tăng là khi dục vọng chuyển thành giải thoát mà khởi đầu là bỏ dục ái (Trư Bát Giới rời khỏi nhà nhạc gia Cao Lão) để tiến đến cắt lìa dục ái, hữu ái và vô hữu ái. Tại đây, hình ảnh của Trư Bát Giới là hình ảnh ái nghiệp còn tồn đọng (tùy miên) trong tâm thức Ðường Tăng hay trong tâm thức của một hành giả trên đường về giải thoát.
Ngô Thừa Ân xây dựng vai trò Trư Bát Giới là nói lên rằng, theo Phật giáo, khi có trí tuệ Vô ngã (chánh kiến và chánh tư duy) và bi nguyện giải thoát độ sinh, hành giả cần phải tu tập Giới uẩn, Ðịnh uẩn và Tuệ uẩn cho đến thời điểm giải thoát sau cùng, tan hết tập khí sinh tử (trừ hết các sanh y).
Về Sa Ngộ Tịnh
* Vai trò của giới là chế ngự cái loạn động của thân hành và khẩu hành; riêng cái loạn động của tâm, trí thì phải cần đến công phu thiền định. Vì thế, phái đoàn Tây du cần kết nạp thêm nhân vật Sa Ngộ Tịnh (Tịnh có nghĩa là định tâm). Ngộ Tịnh là biểu tượng của công phu tu tập Thánh định uẩn. Vì thế, nhân vật Ngộ Tịnh trầm lặng, chuyên chú, cần mẫn và ổn định suốt cuộc hành trình Tây du.
* Nhân dịp tập Giới, hành giả mới có tâm định nên tác giả Tây Du Ký đã kết nạp Ngộ Tịnh sau Ngộ Năng và làm sư đệ Ngộ Năng.
* Sa Ngộ Tịnh vố là Quyển Liêm đại tướng ở nhà trời, do vì chếch choáng rượu trời, đánh mất chánh niệm, làm đổ ly ngọc mà bị đày xuống trần gian (dục giới). Khi đi theo Ðường Tăng là khi Ngộ Tịnh thiết lập lại chánh niệm tỉnh giác, hành trì định uẩn.
* Ðịnh uẩn gắn liền với Tuệ uẩn, theo Phật giáo, không có định thì không có tuệ, không có có tuệ thì không có định. Do vậy, Ngô Thừa Ân đã vẽ nên một tình huynh đệ thắm thiết giữa Ngộ Không và Ngộ Tịnh. Sa Ngộ Tịnh là hình ảnh biểu hiện trạng thái tâm lý ổn định của hành giả trên đường về giải thoát, tạo thêm sự sáng suốt của trí tuệ và tâm thức như có lần Ngộ Tịnh đã mách nước cho Ngộ Không loại trừ Ðường Tăng giả.
Về Tiểu Long Mã
* Tiểu Long Mã là con Tây Hải Ngao Nhuận (giữa Trời và Ðất), do vì khởi niệm nghịch ý cha, châm lửa đốt ngọc minh châu trên điện, bị thiên đình xử tội chết, sau nhờ Bồ Tát Quán Thế Âm cứu vớt khỏi tội chờ ngày phò tá Ðường Tăng sang Tây Trúc.
* Ðây là một nhân vật ẩn kín của phái đoàn Tây du mà nếu thiếu sự chú tâm, chúng ta sản xuất không phát hiện ra. Khi Tiểu Long Mã lên đường đi Tây du là khi hiếu tâm bắt đầu được tu tập cho đến khi thành bi tâm và giải thoát tâm. Cấu trúc thêm nhân vật Tiểu Long Mã vào phái đoàn Tây du là Ngô Thừa Ân muốn giới thiệu công phu tu tập Giới, Ðịnh, Tuệ được thực hiện trên căn bản hiếu tâm, như giáo lý Phật giáo từng dạy: "Tâm hiếu là tam tu, hạnh hiếu là hạnh tu" và Ðiều thiện lớn nhất là chí hiếu, điều ác cùng cực là bất hiếu".
Với Phật giáo, đại bi tâm chỉ là sự phát triển rộng, sâu của hiếu tâm, vì thế Tiểu Long Mã là con người cưỡi của Ðường Tăng cho đến Lôi Âm tự.
* Qua nhân vật thứ năm này, Ngô Thừa Ân đã nói lên được sự đề cao hiếu đạo của Phật giáo, và sự quan tâm của Phật giáo đến việc xây dựng một nhân cách đạo đức cho một xã hội tốt đẹp cho con người. Tại đây, chúng ta cũng thấy rằng cuộc đời đang cần đến Phật giáo như Tiểu Long Mã cần đến bàn tay cứu độ của Bồ Tát Quán Thế Âm.
Về Lôi Âm Tự và tám mươi mốt ách nạn
* Lôi Âm tự là một danh từ rất biểu tượng. Nó biểu tượng háo một thế giới có ngôn ngữ chân thật nói lên được chân tướng của vạn hữu, như là tiếng sám sét siêu vượt lên trên các âm thanh trần thế - thứ âm thanh của hữu niệm, hữu ngã. Vì thế Tôn giả Ðại Ca Diếp và Tôn giả A Nan thoạt đầu đã trao cho Ðường Tăng các bản Kinh vô tự, bởi vì vô tự mới thực là Chân Kinh. Nhưng khó khăn thay, trần gian không đọc được Kinh vô tự: Như Lai đã phải dạy trao Kinh hữu tự do vậy không nói lên được thực tướng. Hành giả phải hành Giới, Ðịnh, Tuệ và tâm đại bi mới thể nhận được thực tướng. Ðây là công phu đánh thức dậy gaics tính vốn có trong mỗi hành giả như sấm sét đánh thức mình ra khỏi cơn mê của 81 cảnh giới tâm.
81 cảnh giới tâm ấy là gì?
Ngô Thừa Ân đã khéo dựng lên tám mươi mốt cảnh nạn phải vượt qua trên đường Tây du. Theo Phật giáo, có mười cảnh giới hiện hữu, đó là Phật, Bồ Tát, Duyên giác, Thinh văn, Trời, Người, A-tu-la, Ðịa ngục, Ngạ quỷ và Súc sinh. Muốn đến cảnh giới Phật, hành giả phải đi qua chín cảnh giới còn lại. Mỗi cảnh giới có đủ chín cảnh giới tâm còn lại ấy, thành thử có tất cả 81 cảnh giới tâm sai biệt còn lại (9x9). Mỗi cảnh giới tâm này đều che mờ Phật trí, như con suối nước đổ xuống bao che động Thủy Liêm ở Hoa Quả sơn, mà hành giả cần tẩy rửa. Công việc tẩy rửa 81 cảnh giới tâm ấy chính là nỗ lực của phái đoàn Tây du vượt qua 81 ách nạn vậy.
III. CÁC HÌNH ẢNH BIỂU TƯỢNG KHÁC NHAU GIỚI THIỆU PHẬT HỌC TRONG TÂY DU KÝ
Ðọc Tây Du Ký chúng ta bắt gặp rất nhiều hình ảnh biểu tượng và ngôn ngữ biểu tượng, biểu tượng hóa giáo lý Phật giáo. chúng ta sẽ có dịp thích thú chia sẻ với các hứng khởi sáng tác của tác giả.
Trong giới hạn của bài phiếm luận, người viết không có tham vọng trình bày xuyên suốt từ đầu đến cuối truyện các hình ảnh và ngôn ngữ biểu tượng ấy, mà chỉ điểm xuyết vài nét chấm phá gọi là để đáp lễ dư luận của đại chúng sau khi bộ phim Tây Du Ký được chiếu trên màn ảnh nhỏ của Ðài truyền Hình thành phố vừa qua.
1. Về đôi mắt vàng của Tề Thiên Ðại Thánh
- Mỹ hầu vương đặc biệt có đôi mắt vàng sáng chói, chiếu suốt qua các cung Trời làm Ngọc Hoàng rĩng động, kinh ngạc. Ðôi mắt vàng ấy phân biệt rõ chính tà, hư thật. Ðôi mắt vàng ấy đã ràn rụa nước mắt trước cảnh đời vô thường, khổ đau đi tìm đường học đạo bất sinh bất diệt từ Tôn giả Tu Bồ Ðề tại một trú xứ xa xăm. Ðôi mắt vàng ấy đã là linh hồn của cuộc hành trình thỉnh Kinh mà thiếu nó thì tức thời phái đoàn rơi nào ma nạn.
Ðôi mắt vàng ấy là gì, nếu không phải là biểu tượng của trí tuệ Bát Nhã, của giáo lý trí tuệ Bát Nhã của Phật giáo?
- Như giáo lý Phật giáo đã "dựng đứng dậy những gì bị quăng ngã xuống, mở ra những gì bị che kín", đôi mắt vàng của Mỹ hầu vương đã thấy và đã làm cho chúng ta thấy cái sự thật mộng mị, bất toàn, hư dối từ âm phủ đến Thiên cung. Cuộc đại náo của Tề Thiên Ðại Thánh tại Long cung và Thiên cung là sự đánh thức dậy sự thật ấy cho chúng sinh tại đó thấy rõ lối ra khỏi vô thường, không thật để đi vào nguồn giải thoát chân thật. Vì vậy chiếc thiết bổng nặng nghìn cân của Ðại Thánh Tề Thiên, biểu hiện sức mạnh của đôi mắt vàng, là chiếc gậy đánh thức mà không phải nổi loạn, là xây dựng mà không phải đập phá. Chiếc gậy sắt ấy đập phá các nguyên nhân gây ra đau khổ cho cuộc đời và xây dựng an lạc, hạnh phúc của vô sinh. Chỉ đôi mắt vàng tuyệt với kia xuất hiện trong tiểu thuyết hay truyện phim là đủ để chúng ta đánh giá cao tiểu thuyết ấy, phim ấy.
Hầu như suốt thời gian theo dõi cuộc hành trình thỉnh Kinh, chúng ta đã bị cuốn hút bởi cái nhìn chính xác và bởi thái độ tự chủ trước các hiểm nạn và trước mọi cám dỗ của Tôn Hành Giả. Mỗi cái nhìn, mỗi bước đi của Hành Giả như vang lọng lời Kinh Bát Nhã:
"...Dĩ vô sở đắc, cố Bồ-đề-tát-đỏa y Bát Nhã Ba La Mật-đa, cố tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn'.
2. Biểu tượng của hồi thứ 14
Ở hồi thứ 14 này, sáu tên cướp đường là "mắt nhìn mừng", "tai nghe giận", "mũi ngữi thích", "lưỡi nếm nghĩ". "thân vốn lo", và "ý thấy muốn" đón Ðường Tăng và Tôn Hành Giả. Tôn Hành Giả đã dễ dàng đánh chết chúng, và đã thẳng thừng thưa sư phụ Ðường Tăng: "Thưa sư phụ, đệ tử không đánh chết chúng thì chĩng sẽ đánh chết sư phụ". Câu này có nghĩa là:
"Nếu đệ tử không đánh chết các tâm phiền não (mừng, giận, ưa thích, ham muốn, lo buồn....) khởi lê từ sáu căn thì đệ tử sẽ đánh mất lý tưởng giải thoát độ sinh".
Sáu tên cướp đường kia là biểu tượng cho sắc, thinh, hương, vị, xúc và pháp. Nếu thiếu giác tỉnh chế ngự chúng, thì chúng sẽ đột nhập sáu căn (tai, mắt, mũi, lưỡi, thân và ý) gây ra giặc phiền não, khổ đau. Ðánh chết chúng là biểu hiện mạnh mẽ quyết tâm giải thoát và nhiếp được phần thô động của thân hành, khẩu hành và ý hành. Ðây là công phu giải thoát bước đầu vậy.
3. Biểu tượng của hồi thứ 26
Tại Ngũ Trang Quán, trú xứ của vị đại Ðịa tiên Trấn Nguyên Tử, Tôn Hành Giả ăn trộm ba quả nhân sâm và nổi cơn thịnh nộ đánh bật gốc rễ cây nhân sâm vô cùng quý báu của người. Cây nhân sâm là loại kinh căn có mặt từ khi thiên địa mới khai tích, quý nhất trong vườn cây của vị đại Ðịa tiên. Vì thế, Trấn nguyên tử, với thần thông vô lượng, đã bắt giữ trọn phái đoàn Tây du. Tôn Hành Giả phải nhiều phen chiến đấu vất vả, rồi đến Ðông Hải cầu Bồ Tát Quán Thế Âm dùng Cam lồ thủy hồi sinh cây nhân sâm mới thoát nạn.
Tại đây, Ngũ Trang Quán là biểu tượng của Ngũ hành, lúc theien đại khai tích là biểu tượng lúc âm dương mới tượng. Âm dương phối hợp với ngũ hành, theo đạo Nho, sinh ra vạn hữu. Cây nhân sâm vì thế là b iểu tượng cho nguồn gốc của các pháp hữu vi. Thế là, ở đây Tôn Hành Giả, với trí tuệ Vô ngã của mình, đã có khả năng làm bật gốc các pháp hữu vi (Tam giới), nhưng vì tập khí sinh tử còn nhiều nên thân tâm còn phải chịu hệ lụy trong sinh tử, như phái đoàn Tây du đang bị giam giữ tại Ngũ Trang Quán.
Nước Cam lồ của Bồ Tát Quán Thế Âm là biểu tượng cho nước phạm hạnh lấy từ trí tuệ Bát Nhã Ba La Mật của Bồ Tát, là thứ nước dập tắt lửa ái, lửa thủ, vô minh, là thứ nước của vô sinh, siêu vượt sinh diệt. Do vì siêu vượt sinh diệt nên nó thiết lập được sinh diệt, làm hồi sinh được cây nhân sâm.
Pháp Phật cao là ở chỗ này. Pháp Phật thoát ly sinh tử là ở chỗ này.
Xây dựng cảnh nạn Ngũ Trang Quán là Ngô Thừa Ân muốn giới thiệu nét giáo lý đặc thù vô tỉ của Phật giáo và vừa chỉ đường cho hành giả phá đổ tâm sinh diệt của các ngã tưởng (ngã tưởng, nhơn tưởng, chúng sinh tưởng, thọ giả tưởng, pháp tưởng, phi pháp tưởng, tưởng và phi tưởng).
4. Biểu tượng của hồi thứ 27
Tại đây, nữ yêu tinh Bạch Cốt ba lần quyết hại Ðường Tăng, ba lần hóa hiện dân lành để đánh lừa lòng từ bi của Ðường Tăng, nhưng cả ba lần đều bị Tôn Hành Giả phát hiện đánh chết. Sự kiện này khiến Ðường Tăng phẫn nộ Hành Giả. Bát Giới lại xúc siểm với Ðường Tăng, bảo rằng Tôn Hành Giả đã ác ý giết chết ba người lương thiện mà thưa dối với Ðường Tăng là ba con quỷ. Ðường Tăng quyết định đuổi Tôn Hành Giả về Hoa Quả sơn. Ðọc truyện và xem phim đến hòi này ai cũng xúc động đến chảy nước mắt, cũng thở ngắn than dài: Ôi! thật là bi thương! Thật là bi kịch!
Hậu quả của bi kịch trên do Ðường Tăng mê mờ không thấy rõ hư, thật, và do lòng ganh ghét, đố kỵ, xúc siểm của người sư đệ còn đầy vô minh, Trư Bát Giới.
Ðây là chỗ diễn đạt tài tình của Ngô Thừa Ân và diễn xuất tuyệt vời của phim ảnh.
- Nữ ma Bạch Cốt là biểu tượng của các vọng tâm sinh khởi từ tham, sân, si mà giáo lý có khi chỉ nói vắn tắt là ái tâm.
Lần thứ ba, Tôn Hành Giả đánh chết Bạch Cốt Tinh là biểu tượng cho việc tu tập đoạn trừ vọng tâm phải thực hiện nhiều lần (ở Phạn Văn, số ba mới là số nhiều). Lại nữa, trong thiền quán, hành giả chỉ thấy và đoạn vọng tâm khi nó diệt, chưa đủ; thấy và đoạn vọng tâm khi nó tồn tại, cũng chưa ổn; khi cần phải thấy và đoạn vọng tâm khi nó khởi nữa, cho đến lúc này vọng tâm mới thật sự được diệt trừ. Ðây là ý nghĩa rất chuyên môn về Phật học (thiền định Phật giáo).
Dựng nên cảnh bi kịch này, Ngô Thừa Ân muốn nói lên một sự thật giáo lý Phật giáo rằng: nếu hành giả tu tập Giới và tu tập từ tâm mà thiếu trí tuệ giải thoát thì công phu tu tập giải thoát chỉ là các xác sống không hồn, ảm đạm, vô cùng ảm đạm: Không có trí tuệ Vô ngã thì sẽ không có giải thoát và không có đạo Phật.
Tại đây, chúng ta đâu dám nghĩ rằng tiểu thuyết Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân đầy hư cấu là thần thoại, nhảm nhí?
5. Biểu tượng về Hồng Hài Nhi, La sát và Ngưu Ma Vương (Hồi 42, 60 và 61)
Theo dõi hành trình của phái đoàn Tây du, chúng ta thấy rằng cứ mỗi lần vượt qua được một ma nạn, là mỗi lần phái đoàn tiến thêm một bước gần giải thoát sinh tử; mỗi lần kẹt vào một ma nạn là mỗi lần phát hiện ra chỗ ngưng trệ của tâm thức giải thoát của phái đoàn, cũng là chỗ ngưng trệ tâm thức của hành giả tu tập.
- Hồng Hài Nhi đã bắt giam Ðường Tăng, Ngộ Năng, Ngộ Tịnh và Tiểu Long mã. Ngộ Không cũng chiến bại trước vòng xe lửa của Hồng Hài Nhi. Vòng xe lửa ấy biểu tượng của lửa tham và lửa sân, thế lực mạnh nhất của ma giáo. Ngộ Không thì không tham, có trí tuệ, nhưng còn cái động của sân nên đã bị vòng lửa của Hồng Hài Nhi đốt sém, mà không thể dập tắt được vòng xe lửa, dù đã vận dụng nhiều thứ thần thông. Ngộ Không đã phải cầu viện Bồ Tát Quán Thế Âm thu phục Hồng Hài Nhi mới thoát nạn.
Ngang đây, Ngô Thừa Ân đã giới thiệu với người học Phật và hành giải thoát rằng: cần phải vận dụng thiền quán sâu xa về trí tuệ Vô ngã thì hành giả mới dập được tham, sân, si và quyến thuộc của chúng. Cái ngưng trệ của giải thoát tại đây là do hành giả hành Giới chưa thuần (ý nghĩa Bát Giới bị trói), Ðịnh chưa vững (ý nghĩa Ngộ Tịnh bị giam) và Tuệ chưa ổn (ý nghĩa Ngộ Không suýt bị đốt). Từ đây hành giả cần tu tập phát triển mạnh thêm Giới, Ðịnh, và Tuệ.
- Ở hồi mượn quạt Ba tiêu để dập tắt hỏa diệm sơn trên đường Tây du, Ngộ Không bị bà La-sát phất một quạt bị đẩy đi xa mười vạn dặm. Sau nhờ Bồ Tát Văn Thù cho uống "định phong đơn" mới vô hiệu hóa tác dụng của quạt Ba tiêu, mới vận dụng được kế sách chế ngự bà La-sát.
Quạt Ba tiêu là tượng trưng bát phong ở đời (khen. Chê, mừng, giận, danh vọng, lợi dưỡng, được mất). Tám thứ ấy thường làm giao động tâm thức người tu, nếu thiếu giác tỉnh và thiếu định lực. Vì vậy khi uống vào "định phong đơn" nghĩa là khi tâm định đã vững, thì hành giả thoát được nạn quạt Ba tiêu, hàng phục được nhiều thứ vọng tâm.
Qua được nạn này là phái đoàn Tây du đi được nữa đoạn đường giải thoát về Tây Trúc, tự tại được trước các thị phi, bỉ, thử, danh vọng và lợi dưỡng ở đời. Thành quả giải thoát này thật là đáng kể!
- Cũng ở hồi này (60 và 61), sách lược chiến đầu của Tôn Hành Giả là đánh thẳng vào đầu não của ma quân, chui ngay vào bụng La-sát mà quậy phá. La-sát chỉ còn một cách chọn lựa: đầu hàng. Ðây là ý nghĩa thiện xảo của các pháp tu của đạo Phật, luôn luôn loại trừ vọng niệm từ gốc rễ, từ đầu nguồn.
- Ðối với nhân vật Ngưu Ma Vương, Tôn Hành Giả đã hóa ra Ngưu Ma Vương giả để gạt La-sát lấy quạt Ba tiêu, nhưng chính Ngưu Ma Vương đã tương kế tựu kế biến hóa ra Ngộ Năng giả để lấy lại quạt Ba tiêu từ tay Hành Giả.
Hành Giả đã phải buông lời than: "mình là người bắt rận thiện xảo lại xui xẻo để bị rắn căn".
Ðây là biểu tượng của pháp tu hành "Tùy quán" của thiền định. Hành pháp này hành giả cần cẩn trọng giữ chánh niệm, hễ thất niệm thì rơi vào vọng tâm và bị trói buộc vào vọng tâm. Cần phải luôn luôn biết rõ tâm mình đang ở đâu và nó là gì (quyến thuộc của tham, sân, si hay vô tham, vô sân, vô si).
6. Biểu tượng của hồi thứ 54, 64 và 72
Một nhà quân sự, khi đánh một đồn, bót địch thì thường phải có kế sách: công đồn, chặn viện. Sau khi chặn viện xong thì công hãm đồn, nếu không thì sẽ lưỡng đầu thọ địch. Cũng vậy, hành giả trên đường giải thoát cần phải dẹp giặc trong và đánh giặc ngoài. Khi hàng phục được giặc "Lục tặc" và "Bát phong" ở ngoài thì hành giả tập trung vào trong để diệt giặc nội. Ðấy là công việc chế phục, loại trừ dục ái, hữu ái và vô hữu ái. Về dục ái, thì có thể dùng định tâm để nhiếp, nhưng còn hữu ái và vô hữu ái, thì phải dùng trí tuệ để trừ. Chúng ta hãy tiếp tục theo dõi cuộc hành trình Tây du.
- Hồi thứ 54 diễn ra cảnh nữ vương nước Tây Lương thiết tha yêu Ðường Tăng. Ðường Tăng đã hoàn toàn tự chủ trước mối tình đẹp và lạ này. Ðây là biểu tượng Ðường Tăng chế phục được Dục ái.
- Hồi thứ 64 xẩy ra cuộc tình thơ mộng giữa thơ, nhạc và tiên tửu của Hạnh Tiên. Mối tình nhẹ nhàng như mỗi tình ở Thiên giới, nhưng hiểm họa cũng khốc liệt. Tại đây Ðường Tăng vẫn tỉnh táo, nhưng xem dra thế tự vệ đã có chiều nguy hiễm, sinh tử thầy gần kề. May nhờ Tôn Hành Giả cứu giá. Ðây là ý nghĩa biểu tượng: chỉ có trí tuệ Vô ngã ở trong thiền định mới cắt đứt được hữu ái. Am mộc tiên (ở hồi 64 này) quả là nơi đáng nhớ của Ðường Tăng!
- Hồi thứ 72 xẩy ra ở động Bà Ty. Tại đây Ðường Tăng một mình tự dấn thân vào sào huyệt của bảy tiên cô nhền nhện tuyệt đẹp, những tiên nương thường tắm gội ở suối trời Trạc Cấu (suối rửa sạch các cấu bẩn của dục ái). Các tiên nương này không nghĩ gì đến chuyện mây mưa mà chỉ muốn ăn thịt Ðường Tăng.
Bảy yêu nhền nhện là biểu tượng cái tinh tế của ái, đó là vô hữu ái. Vì thế, chúng chiến thắng được Ngộ Năng, nhưng bị tiêu diệt bởi Hành Giả.
Bảy yêu nhền nhện cũng là biểu tượng của thất tình (hỷ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục). Với thất tình, công phu của Giới không thể chiết phục (nên Bát Giới bị trói) mà chỉ có trí tuệ loại trừ.
Bảy yêu nhền nhện lại dựa vào sức mạnh của người sư huynh Bách Nhỡn ma quân mà tác quái. Bách Nhỡn ma quân có tà pháp phun ra sức nóng và khói mù che kín cả trời đấy khiến Ngộ Không thúc thủ. Ngộ Không phải cầu cứu Bồ Tát Tỳ Lam dục độc Kim luyện từ ánh sáng mặt trời để chế trị Bách Nhỡn ma quân.
Bách Nhỡn ma quân vì thế là ý nghĩa biểu tượng của vô minh (si mê, phóng ra khói mù chấp ngã và lửa dục, chỉ chịu khuất phục trước trí tuệ thuần phục của Tỳ Lam Bồ Tát (biểu tượng bằng cây kim luyện từ mặt trời).
Ðây là hiểm nạn khó squa của Tôn Hành Giả.
7. Biểu tượng của hồi thứ 58
"Hai lòng xáo trộn cả Càn khôn
Một thế khó tu thành tịch diệt"
Cái cảnh hai Tôn Hành Giả xuất hiện trong ngôn ngữ và hành động giống hệt nhau gây xáo trộn cả trời đất, thiên đình và Bồ Tát đều không phân biết được, chỉ có Như Lai mới vạch rõ chân tướng của Tôn Hành Giả giả.
Ðây là một cảnh diễn đạt về một cảnh tâm rất tế nhị.
Ngô Thừa Ân tại đây đang giới thiệu rằng chân tướng của các pháp chỉ có thể đạt được bằng thật trí, Phật trí và sự thật luôn luôn ở ngoài các ngã tướng, như Kinh Kim Cang dạy: "Phàm cái gì là ngã tướng thì hư vọng" (Phàm sở hữu tướng gia thị hư vọng). Hệt như trường hợp trước hai chú tiểu cuốn sáo, một thiền sư kêu lên: "Một được, một mất".
Hồi thứ 58 này cũng nói lên rằng giá trị chân thật của con người cũng ở ngoài các tướng trạng, rời khỏi tướng " nhị thủ" (chấp có năng và sở). Chấp vào trí tuệ Vô ngã cũng là chấp thủ, sẽ ngăn ngại giải thoát, như phái đoàn Tây du khó xử trước hai Tôn Hành Giả vậy.
8. Kế sách đối trị ác ma.
Dọc cuộc hành trình Tây du, Tôn Hành Giả phải đương đầu với nhiều loại ác ma, đương đầu với nhiều loại vũ khí tàn độc, Tôn Hành Giả vận dụng đủ 72 phép thần thông dựa vào bốn kế sách chính:
- Kế sách khắc chế: Dùng khắc chế để đối trị như dùng nước để dập tắt lửa, dùng gà để diệt rết.
- Vào tận hang cọp để bắt cọp con: Tôn Hành Giả thường chui ngay vào bụng ác ma để quấy phá.
- Tận diệt ác ma để trừ hậu hoạn.
- Khi sử dụng thần thông thất bại thì cầu viện Như Lai, Bồ Tát.
(đây là ý nghĩa vận dụng trí tuệ Bát Nhã thâm sâu).
Bốn kế sách trên cũng là bốn phương pháp mà người tu sử dụng để loại trừ các vọng niệm.
9. Về đạo đức Phật giáo.
- Suốt tập truyện Tây Du Ký, bên cạnh các giáo lý Phật giáo vừa được đề cập ở trên, Ngô Thừa Ân thường nói đến nhân quả, nghiệp báo và khuyến khích hành thiện như trong cảnh vu Ðường du địa phủ, trong hồi 71, vua Chu Tử bị nạn, trong hồi 87 nói về chuyện công chúa bị yêu ma đánh tráo.v.v...
- Tác giả, dưới hình thức nhận diện bổn sinh, thường vạch rõ chân tướng của các yêu, ma, quỷ, quái đều là gốc thú vật cả, là những gì gớm tởm cần được tránh xa.
10. Thêm vài điểm phiếm luận
- Có ý kiến đánh giá rất thấp tiểu thuyết Tây Du Ký chỉ vì tác giả Ngô Thừa Ân xây dựng các nhân vật hoàn toàn là huyền hoặc hư cấu.
Người viết bài phiếm luận này thì đánh giá ngược lại. Không phải vì tính huyền hoặc và hư cấu mà đánh giá thấp cuốn truyện, bởi vì chính huyền hoặc và hư cấu là chất liệu của sáng tác văn học, tiểu thuyết. Ðiều quan trọng là tìm xem cuốn tiểu thuyết có nói lên được những giá trị sống nào không? Câu chuyện lịch sử Việt Nam về Lạc Long Quân và Âu Cơ.v.v... không phải đầy hư cấu, thần thoại đó sao? Các tập Việt Ðiện U Linh Tập và Lĩnh Nam Chích Quái của văn học Việt Nam cũng cùng tính chất hư cấu và thần thoại ấy, ai dám bảo rằng không có giá trị?
- Có ý kiến cho rằng Tây Du Ký là chuyện hoang tưởng, cấu trúc rối rắm, khó nhận ra những gì tác giả muốn nói.
Như chúng ta điều biết, mỗi loại ngôn ngữ chuyên chở một ý nghĩa riêng và một cách diễn đạt riêng. Ngôn ngữ khoa học thì khác ngôn ngữ ngoại giao, khác với ngôn ngữ thi ca, và hiển nhiên là khác với ngôn ngữ tiểu thuyết. Ngôn ngữ tiểu thuyết hiện thực; ngôn ngữ tiểu thuyết Quỳnh Giao thì khác với ngôn ngữ tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, và khác với ngôn ngữ biểu tượng của Tây Du Ký.
Chính dựa vào ngôn ngữ và hình ảnh biểu tượng mang ý nghĩa, Ngô Thừa Ân mới cùng lúc nói lên được nhiều ý nghĩa tôn giáo, xã hội và con người. Ðây là thứ ngôn ngữ phong phú ý tưởng làm cho cuốn tiểu thuyết trở nên hấp dẫn hơn. Cũng chính từ thứ ngôn ngữ này mà dư luận đã dấy lên nhiều cuộc trao đổi, tranh cãi sôi nổi về Tây Du Ký trong mấy tháng qua, và có thể kéo dài trong nhiều tháng đến. Mỗi người có một cái nhìn riêng về Tây Du Ký, và biến hóa bộ truyện Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân thành Tây Du Ký của mình, như là Tôn Ngộ Không phù phép thổi lông biến hóa ra vô số Tôn Ngộ Không vậy. Nói theo thuật ngữ của Phật giáo, hiện nay có đến tám vạn bốn nghìn ý kiến khác nhau về Tây Du Ký.
IV. KẾT LUẬN
Phần bàn trên đây chỉ là vài nét chấm phá, điểm xuyết. Chúng ta có thể tìm thấy ở tiểu thuyết Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân có nhiều phản ảnh tư tưởng Phật học có giá trị, nếu hiểu năm nhân vật của phái đoàn Tây du là biểu hiện của chính một con người trên đường về giải thoát sinh tử. Con người đó có thể là Ðường Tăng, có thể là Tôn Ngộ Không, mà cũng có thể là bất cứ một người nào trong quá khứ, trong hiện tại hay trong tương lai. Tất cả các ma nạn đều là cảnh giới của tâm thức, xẩy ra trong tâm thức của hành giả, do tác động từ nội tâm hoặc từ ngoại giới.
Tôn Ngộ Không sau khi học xong đạo vô sinh, từ giả Tôn giả Tu Bồ Ðề trở về động Thủy Liêm là đắc đạo giải thoát ít nhất là quả thứ nhất của dòng Thánh (quả Tu Ðà Hoàn). Quả vị giải thoát này mới đoạn trừ thân kiến, nghi và giới cấm thủ, còn phải tiếp tục tu hành để đoạn trừ bảy kiết sử còn lại: dục, sân, hữu ái, vô hữu ái, mạn, trạo cử và vô minh, như đã được biểu hiện qua các ma nạn trên đường phò Ðường Tăng đến Lôi Âm tự. Với tâm thức này, Ngộ Không đã vượt qua chuyện tái sinh về địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, và không rơi vào dục ái của cõi Người và cõi Trời (trời dục giới). Vì thế tác giả Ngô Thừa Ân diễn đạt quả chứng ấy bằng các cuộc tung hoành hiên ngang của Tề Thiên Ðại Thánh ở Ðịa phủ, Long cung và Thiên đình. Ý nghĩa đại nào là thế chứ không phải là ý nghĩa đập phá mà người đời thường hiểu. Theo phò Ðường Tăng là ý nghĩa Ngộ Không tiếp tục tu tập giải thoát để chứng đắc ba quả thánh còn lại và hành Bồ Tát hạnh theo giáo lý Bắc truyền.
Các hồi còn lại của bộ truyện mà người viết bài phiếm luận này chưa bàn đến cần được ghi nhận là chưa bàn đến. Những hồi ấy có thể lập lại những hồi cũ bàng các sự kiện mới, theo tinh thần huấn luyện tâm lý của Phật giáo: mỗi quả vị chứng đắc cần được tu tập nhiều lần cho thuần thục trước khi đi đến một chứng đắc mới.
Lại nữa, dù bất cứ nội dung giải thoát nào mà Ngô Thừa Ân bàn đến đều được bao gồm vào con đường tu tập Giới, Ðịnh, Tuệ và bi nguyện độ sinh của hàng Bồ Tát, tất cả không thể đi ra khỏi con đường truyền thống giải thoát ấy, như Tề Thiên Ðại Thánh không thể nhảy ra khỏi bàn tay của Ðức Phật.
Ðể kết thúc phần phiếm luận này, người viết xin ghi lại cảm nhận của mình khi đọc truyện Tây du và khi xem phim Tây du rằng: Cả hai thời ấy tôi đều bị chụp phủ lên tâm thức nét buồn bã của Mỹ hầu vương trước cuộc sống vô thường, tôi đều bị ám ảnh bởi các ma nạn mạnh đến độ tôi cứ ngỡ rằng có cái gì thật hư ảo chung quanh các dung sắc và chung quanh cuộc sống của mình, và có một ảnh hưởng nào đó thu hút tôi về phía ngay chính, nhân ái, hiện thực và trí tuệ. Tôi tự nghĩ: cuộc sống sẽ bắt đầu hạnh phúc nơi nào cụm "Ngũ Hành sơn" tung vỡ.