Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 3

02/05/201311:45(Xem: 10749)
Phần 3
Ánh Đạo Vàng


Phần 3

Võ Đình Cường
Nguồn: Võ Đình Cường


Sau khi đã chọn được ngày lành và làm lễ thành hôn cho Thái tử, Tịnh-phạn vương vẫn không chắc ở sức mạnh của ái tình. Để cầm giữ chí hiên ngang của Thái tử, ngài truyền dựng lên một cung điện hết sức nguy nga, chưa từng thấy ở dưới trời.

Cái “ngục” bằng vàng ấy được xây trên một trái núi xanh, dưới chân đoanh tròn sông Rohini nước biếc, giao nối những nguồn suối trắng của Hy-mã-lạp-sơn với dòng nước đỏ của sông Hằng. Xa xa về phía Nam, chạy dài một dãi rừng mai trắng, rồi đến những đồi thông xanh: đồi lạí đồi, làm khuất mất những cảnh tượng náo nhiệt của cuộc đời bên ngoài, nhưng xa xa, gởi mình theo cánh gió tiếng ồn ào của thành thị vẫn đồng vọng đưa về. Ở phía Bắc, dàn ra những cảnh tượng hùng vĩ của dãy Hy-mã-lạp-sơn. Đấy là những ngọn núi, đầu bạc tuyết, hình thù quái dị, đang bồng bế nhau, chồm lên lưng nhau, thi nhau trườn lên để nâng cao tấm màn xanh của bầu trời.

Ngang giữa lưng chừng núi, dưới những đầu trùm khăn tuyết, từng tấm áo xanh rừng có từng đường sọc suối trắng, phủ lên những sườn rắn rỏi và những lưng đá mập tròn. Và dưới chân núi, lan dần ra mãi và nối tiếp những khoảng rừng kia là những đồng cỏ lục.

Giữa cảnh hoang vu tịch mịch ấy mà thỉnh thoảng lặng chìm những tiếng chim muông. Tịnh-phạn vương đã truyền dựng lên những dãy nhà ngang dọc, mở ra trước những vườn hoa bách thảo. Lầu đài chồng chất lên nhau như từng trái núi nhỏ; những chiếc cầu dài bắc qua nhiều hồ nước rộng, những bức tượng đá chạm nhiều nhân vật lấy trong các chuyện tình xưa, những đường dài lát sỏi trắng đan nhau và vượt qua những thảm cỏ mướt. Đời sống ở đây bình yên quá nên chim chóc ru nhau về hót bốn mùa, và một bầy linh dương ngày kia đi lạc đến, cũng nhất quyết ở lại không về.

Nhưng bao nhiêu nghệ thuật tài tình, bao nhiêu của quý giá đều dồn góp lại để dựng ở chính giữa, điện của Thái tử và nàng Da-du. Muốn vào đây phải đi qua một cái hồ xây bằng cẩm thạch có những đường gân xanh, nước trong hồ trong biếc như mắt nàng Da-du; từng đàn cá thia đỏ vàng, xoè đuôi to bằng cái quạt lớn, bắt chước nhau đớp những giải mây hồng in trong nước biếc. Quanh hồ những cây dừa lùn sai lá hạ tròn nhưng bóng im trên sỏi trắng. Ở đây cái gì cũng êm dịu, vì mục đích của ngài Tịnh-phạn là cố làm êm dịu những ý tưởng quá cao xa đang sôi nổi trong lòng người con trai anh tuấn ấy.

Khi vén rèm bước vào phía trong điện, người ta không còn nhớ nữa thời gian. Ở đây ngày đêm không phân biệt. Một thứ ánh sáng màu sữa chảy lai láng trên những bức màn nhung tía, trên những đệm gấm có điểm từng chấm sao vàng, trên những mặt bàn ngà bóng loáng, trên những án lư trầm. Và trầm hương bay, đêm ngày hòa trong ánh sáng, tiếng đàn buông quấn quýt theo làn hương bay. Những khay vàng được dâng đưa trên đôi bàn tay cẩn trọng, đặt trước mặt Thái tử những món trân tu; và từng đĩa ngọc đơm những trái cây còn đọng sương mai; những món giải khát hòa với tuyết đem từ núi Hy-mã, đựng trong chén ngà bóng loáng; những điệu hát tình, đêm ngày ru đưa, ru đưa hồn say sưa của Thái tử. Và của bọn vũ nữ, những bàn chân đeo lục lạc, thơn thơn lướt trên điệu nhạc đơn vui: những bàn tay mềm dẻo nối theo nhau, chuyển từng gợn sóng để dìu giọng tiêu bay... Rồi trước khi giọng tiêu thổi cao vút, những ngón tay thôi chới với giữa ánh sáng thơm xanh, đầu Thái tử đã gục vào vai bà Da-du, đôi mắt lừ đừ từ từ khép lại.

Thái tử sống trong cảnh thiên đàng ấy, quên mất thế giới bên ngoài. Hằng ngày có những quan giám sát lẫn lộn trong đám người hầu, để chực trừng phạt những ai nói đến tiếng kêu gào, rên siết của đau thương, cảnh tượng hãi hùng của hoả táng. Những cảnh tượng già nua không được hiện lên cảnh vật: một đóa hoa sắp úa, người ta vội cắt đi một chiếc lá rụng vàng, người ta vội lượm lên trước khi mặt trời dậy. Nếu một nét nhăn hiện trên vừng trán, một đôi chân mệt mỏi không lanh lẹ nhấn theo tiếng đàn, một giọng ca đang vút cao bỗng đứt quãng, một ngón tay rướm lệ đỏ trên phứn ngà, một sợi tóc bạc hiện giừa làn tóe mây, người cung nữ xấu số ấy sẽ bị đưa ra khỏi đấy.

Thái tử bị đoanh vây giữa bao khoái lạc ấy nhưng đôi khi tỉnh dậy, ngao ngán cho phận mình. Ngài bỗng để rơi một ly rượu ngọc khỏi tay mềm! Thế là tiếng đàn địch lại véo von thêm, mộc trầm lại xông dày khói biếc và những tấm thân của bọn vũ nữ lại mềm dẻo hơn lên. Nhưng Thái tử không vui lại được. Những lúc buồn bã như thế, Ngài truyền cho bọn vũ nữ thôi múa hát và ngồi quanh Ngài. Rồi một nàng, theo lệ như mọi chiều vàng khác, kể tiếp cho Ngài nghe một chuyện tình xưa còn bỏ dở:

– Thưa Thái tử, rồi công chúa nước ấy đợi mãi không thấy chồng về, thắp hương khấn vái đất trời cho nàng gặp được chồng ngoài chiến địa.

Một buổi mai kia, trời đất bỗng sầm tối, một con chim đại bàng nghiêng cánh thấp dần bên khoảng dồng hoang, cất tiếng thanh tao mời công chúa lên lưng để nó đem ra chiến địa.

Rồi chim đại bàng cất cánh bay lên, trên lưng mang nàng công chúa đẹp. Nàng sung sướng tưởng đến phút gặp chồng. Nhưng hỡi ôi ! Nơi chiến địa im lìm một làn tuyết phủ.

Trong lúc ấy thì phò mã, sau khi giặc giã đã dẹp yên, trở về triều, nhưng người yêu đã biến đâu mất!

Con thần mã phi qua những đồng lúa vàng, trên những đầu sóng bạc, phóng qua những núi tuyết, và đêm ngày nó phi luôn như thế, và đêm ngày tiếng nhạc ngựa rền vang một điệu đàn ai oán, làm choáng váng cả núi đồi.

– Rồi sao nữa con?–Thái tử hỏi.

– Thưa Thái tử, rồi một buổi mai kia, công chúa đang mê man trên cánh đại bàng, bỗng tỉnh dậy vì tiếng vang của nhạc ngựa. Nàng bảo con đại bàng hạ xuống và nghiêng cánh trút nàng trên lưng ngựa Phò mã.

– Thế thì uổng quá nhỉ?–Thái tử kết luận.

Người cung nữ ngạc nhiên hỏi lại:

– Thưa Thái tử, Ngài muốn nói gì?

– Ta tiếc cho hai người đã gặp nhau quá sớm. Sao không đi tìm khắp cả mặt đất rồi mới gặp nhau? Như thế hai người sẽ trãi qua được biết bao nhiêu cảnh vật. Ôi! Nếu ta được cưỡi trên cánh chim đại bàng, hay trên lưng con thần mã. Ta sẽ đi ngao du cùng cả thiên hạ, và bao cảnh lạ sẽ chào đón ta ở bốn phương trời.

“Em Da-du yêu quý ơi, em có nghe chăng, những lúc ta gối đầu trên cánh tay em, tiếng rào rạt của lòng ta dâng lên như những tiếng sóng ồ ạt lăn mình trên bãi cát, rồi lại tan tác lui về? Những lúc ấy là những lúc lòng ta khao khát được vượt qua những dãy núi cao và biển rộng. Có những ngày ròng rã lòng ta quay theo với mặt trời, từ buổi mai hồng cho đến chiều tía, có những đêm trọn ta thức với trăng sao, để tưởng tượng ở những phương trời khác, có những tâm hồn được ta mến yêu, có những người ta chưa quen biết, nhưng ta chắc sẽ vui vẻ tiếp mời.

Thế mà ta bị giam hãm trong ba lớp thành này! Làm thế nào, em ơi, khiến ta vui được?”

Có một buổi chiều, đang thiêm thiếp dưới làn gió quạt của người vợ đẹp, Ngài bỗng mở bừng đôi mắt, đứng dậy kêu lên:

– Ôi vũ trụ ta nghe rồi!

– Ngài nghe gì thế?–Công chúa Da-du vội hỏi, đôi mắt hãi hùng nhìn Thái tử. Thái tử nhìn lại nở một nụ cười hiền để làm yên lòng người vợ trẻ. Và để khuây khoả lòng chồng, nàng sai đặt một cây đàn sáu dây trong khung cửa sổ, mặc cho vuốt gió buông bắt. Sáu dây đàn ngân lên một điệu đàn kỳ lạ, làm mọi người trong cung điện đều mê ly. Duy, trong ý gió, chỉ có Thái tử là nghe thấy những niềm khóc than:

– Ôi lang thang! Chúng tôi là gió lang thang đã muôn ngàn thế kỷ, đang đi tìm một sự an nghỉ không thể có ở trần gian. Chúng tôi bay từ đâu lại, khởi từ lúc nào, và bao giờ được yên nghỉ, và sẽ đi về đâu? Nào chúng tôi có biết!

Vì thế có khi chúng tôi đã kêu gào trên biển cả, gầm thét trên núi đồi; nhưng ôi đau đớn! Sự giận hờn của chúng tôi nào có ai hay!

Có lúc qua ngàn thông cao, chúng tôi vừa bay vừa khóc; có những lúc vừa nhọc vừa buồn, chúng tôi đã để tuôn từng luồng sầu hận.

Đau đớn, giận hờn, van lơn, khóc lóc, và nhọc, và buồn: thôi đã đành phận gió. Nhưng đó cũng là số kiếp của người đời!

Một kiếp người qua, một hơi gió thoảng! Chúng tôi đã trải qua biết bao sông núi, chứng kiến biết bao sự tiêu vong, nên chúng tôi chỉ biết kể lể những nỗi đau buồn.

Chúng tôi đã thấy đầy dẫy những tâm thân quằn quại trong đau thương, những cánh tay vươn chơi vơi lên cao trước khi chìm trong thất vọng, những cổ họng khát khao đã kêu gào trong tăm tối!

Chúng tôi đã mang về đây những mùi thối khét của những thây ma thiêu trên giàn hoả, chúng tôi đã mang về đây mùi tanh hôi của những vũng máu đọng thành hồ trên bãi chiến!

Và Ngài hãy nghe đây, tiếng rạt rào của bao làn sóng lệ, những niềm kể lể của những con tim héo tàn!

Ôi trần gian, một tiếng than dài vô kể, làm sao Ngài có thể say mê hoài giữa những khoái lạc mong manh?

Dậy đi thôi! Chúng tôi mong Ngài tỉnh dậy! Trần gian mù quáng đang sờ soạng quanh mình, hỡi người con của Ma-gia, hãy đưa nhân loại ra khỏi vũng lầy tăm tối ấy!

Đi đi thôi! Chúng tôi mong Ngài đi tìm một con đường gỉải thoát cho nhân loại noi theo! Dậy đi thôi! Đi đi thôi! Ôi Thái tử!

Sáu dây đồng rung lên một hơi dài rồi im bặt, như một giọng đang nói bỗng tắt ngang, vì quá thổn thức. Thái tử vùng dứng dậy, đôi mắt sáng lên như vừa tìm thấy một cái gì hiện ở chân trời.

Ngài bước mạnh ra phía cửa phòng, những mảnh rèm trúc tung toé ra hai bên tường và xào xạc chạm vào nhau...
Công chúa Da-du sợ hãi, im lặng theo sau, bước mau từng bước nhỏ.

Nhưng từ ba lớp thành cao, văng vẳng đưa vào những tiếng kèn kẹt của hai tấm cửa sắt mà bọn gác thành khép lại và những tiếng lẻng kẻng của những sợi xích chạm vào nhau. Hoàng hôn xuống đã lâu rồi. Bóng tối kéo đầy. Thái từ ê chề ngồi phịch xuống một tấm ghế đá ở trong vườn.

Từ trong cung, theo gió bay ra từng gợn sóng nhạc và những tiếng hát hồn hển của đoàn vũ nữ đang múa may...

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]