Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

CHƯƠNG 16: CÁC CẢNH GIỚI

03/04/201318:59(Xem: 25709)
CHƯƠNG 16: CÁC CẢNH GIỚI

vstp-bia

Vì sao tin Phật

Hòa thượng K. Sri Dhammananda

Thích Tâm Quang dịch Việt,
California, Hoa Kỳ, 1997

Nguyên tác: What Buddhists believe, Malaysia, 1987


---o0o---

PHẦN VI

THẾ GIỚI NÀY VÀ THẾ GIỚI KHÁC

Chương 16

NHỮNG CẢNH GIỚI

-ooOoo-

NGUỒN GỐC CỦA THẾ GIỚI

"Không có một lý do nào để đòi hỏi thế giới này phải có một khởi thủy. Quan niệm về mọi vật phải có sự bắt đầu thực ra là do tư tưởng nghèo nàn của chúng ta. (Bertrand Russell)

Có ba trường phái tư tưởng luận về nguồn gốc thế giới. Tư tưởng của truờng phái thứ nhất cho là thế giới hiện hữu do thiên nhiên và thiên nhiên không phải là một sức mạnh có tri thức. Tuy nhiên, thiên nhiên hành hoạt theo sự hòa hợp của chính thiên nhiên và luôn luôn thay đổi.

Trường phái tư tưởng thứ hai nói là thế giới được tạo ra bởi một Thượng Đế Toàn Năng chịu trách nhiệm về mọi thứ.

Trường phái tư tưởng thứ ba nói là sự bắt đầu của thế giới và đời sống không thể nhận thức được bởi vì chúng không có đầu và cũng không có cuối. Phật Giáo theo trường phái thứ ba. Triết gia Bertrand Russell tán thành trường phái này nói rằng "Chẳng có lý do nào để cho rằng thế giới này có một khởi thủy. Quan niệm này sự vật phải có sự bắt đầu thực ra do tư tưởng nghèo nàn của chúng ta".

Khoa học hiện đại nói rằng cách đây vài triệu năm, trái đất vừa mới nguội không có đời sống và đời sống bắt nguồn từ đại dương. Phật Giáo không bao giờ tuyên bố là thế giới, mặt trời, mặt trăng, các tinh tú, gió, nước, ngày và đêm đều sáng tạo bởi một thượng đế toàn năng hay bởi một Đức Phật. Người Phật Tử tin là thế giới này không phải tạo ra một lần, nhưng thế giới này đã được tạo ra triệu triệu lần mỗi giây và cứ tiếp tục cứ như thế và sẽ tan rã bởi chính nó. Theo Phật Giáo, hệ thống thế giới lúc nào cũng xuất hiện và biến đi trong vũ trụ.

H.G. Wells, trong cuốn Tóm Tắt Lịch Sử về Thế Giớiviết: "Nói chung ai cũng công nhận rằng vũ trụ mà chúng ta đang sống, có tất cả mọi thứ phát xuất đã hiện hữu trong một thời gian rất lâu và có thể hiện hữu vô cùng tận. Nhưng ý kiến cho rằng vũ trụ mà chúng ta đang sống, chỉ hiện hữu sáu hay bẩy ngàn năm có thể coi như một ý kiến hoàn toàn lỗi thời. Không có đời sống nào đột nhiên xuất hiện trên trái đất".

Những nỗ lực do nhiều tôn giáo giải thích sự khởi đầu và sự chấm dứt của vũ trụ đương nhiên thiếu nhận thức. Lập trường của các tôn giáo đưa ra quan điểm về vũ trụ được sáng tạo bởi thượng đế đúng vào một năm nhất định nào đó, đã trở nên một lập trường khó có thể đứng vững dưới ánh sáng của kiến thức tân tiến và khoa học.

Ngày nay, khoa học gia, sử gia, các nhà thiên văn, sinh vật học, thực vật học, nhân loại học và các nhà tư tưởng vĩ đại, tất cả đã đóng góp nhiều kiến thức mới về nguồn gốc của thế giới. Khám phá và kiến thức cuối cùng không chút nào mâu thuẫn với giáo lý của Đức Phật. Bertrand Russell một lần nữa nói ông tôn kính Đức Phật vìNgài không tuyên bố sai lầm như những người khác đã phạm phải khi nói về nguồn gốc của thế giới.

Những giải đoán về nguồn gốc vũ trụ mà nhiều tôn giáo đề ra không được các khoa học gia hiện đại và các nhà trí thức chấp nhận. Cả đến những lời chú giải trong Kinh Phật về câu hỏi này do một số nhà văn Phật Giáo viết cũng không thể được các tư tưởng khoa học thừa nhận. Đức Phật không phí phạm thì giờ của Ngài vào việc giải quyết vấn đề này. Lý do Ngài im lặng vì vấn đề không có giá trị đạo lý gì để đạt trí tuệ. Sự giải thích về nguồn gốc vũ trụ không phải là điều quan tâm của tôn giáo. Lời thuyết lý như vậy không cần thiết cho phương cách sống một cuộc đời chính đáng và định hướng đời sống tương lai của chúng ta. Tuy nhiên nếu ai nhất định nghiên cứu vấn đề này, thì phải nghiên cứu khoa học, thiên văn, địa dư, sinh vật học và nhân chủng học. Những khoa học này cho nhiều điều đáng tin và đều được trắc nghiệm về vấn dề này hơn là bất cứ tôn giáo nào. Mục đích của tôn giáo là trau dồi đời sống nơi đây, trong thế giới này và về sau này cho đến khi đạt được giải thoát.

Dưới mắt Đức Phật, thế giới chẳng là gì cả mà chỉ là Luân Hồi - vòng tiếp nối của sanh và tử. Với Ngài, sự bắt đầu của thế giới và sự chấm dứt của thế giới là trong vòng Luân Hồi này. Khi các nguyên tố và năng lượng tương quan và phụ thuộc lẫn nhau, thì việc đơn cử ra thứ gì đó cho là khởi đầu trở thành vô nghĩa. Bất cứ ức đoán nào về nguồn gốc của thế giới đều không có một sự thật tuyệt đối trong khái niệm của chúng ta.

"Vô tận là bầu trời, vô tận là số chúng sanh
Vô tận là những thế giới trong vũ trụ rộng lớn
Vô tận trong trí tuệ mà Đức Phật dạy điều này
Vô tận là những đức hạnh của Ngài đã dạy những điều này.
-- (Sri Ramachandra)

Một hôm một người tên Malunkyaputta tới gần Đức Bổn Sư và yêu cầu Ngài giảng về nguồn gốc vũ trụ . Anh ta lại còn dọa rằng sẽ không còn là tín đồ của Ngài nữa nếu câu trả lời của Đức Phật không thỏa đáng với anh ta. Đức Phật bình tĩnh bẻ lại anh ta việc Malunkyaputta theo Ngài hay không theo Ngài chẳng gây hậu quả gì cho Ngài, vì Chân Lý chẳng cần ai phải hỗ trợ cả. Rồi Đức Phật nói Ngài không muốn bàn thảo về nguồn gốc của Vũ Trụ. Với Ngài, muốn đạt kiến thức về những vấn đề như vậy chỉ là sự phí phạm thì giờ vì nhiệm vụ của con người là làm sao tự giải thoát được ngay ở hiện tại, không phải ở quá khứ hoặc ở tương lai. Tượng trưng việc này, Đấng Đại Giác lấy thí dụ một người bị thương vì mữi tên độc. Con người thiểu trí này từ chối không cho rút mữi tên ra cho đến khi nào y biết tất cả những gì về người bắn. Kẻ bị thương này đã chết trong khi các người phụ giúp y lo tìm kiếm những chi tiết không cần thiết. Giống như vậy, nhiệm vụ của chúng ta ngay bây giờ là đạt Niết Bàn, chẳng cần bận tâm gì về khởi thủy của mình.

CÁC HỆ THỐNG THẾ GIỚI KHÁC

Dưới ánh sáng của các khám phá khoa học hiện đại, chúng ta có thể công nhận giới hạn của thế giới loài người và giả thuyết về các hệ thống thế giới khác có thể đang hiện hữu ở những phần khác của vũ trụ.

Có một vài dịp, Đức Phật bình luận về bản chất và thành phần của vũ trụ. Theo Đức Phật, có những hình thái đời sống khác hiện hữu ở các phần khác của vũ trụ. Đức Phật ghi nhận có ba mươi mốt cảnh giới trong vũ trụ. Chúng là:

- 4 khổ cảnh hay ác đạo (đời sống ở 4 cõi: địa ngục, súc sanh, ngã quỷ và A Tu La)
- 1 thế giới loài người
- 6 Devalokas, cõi trời hay cảnh giới chư thiên
- 16 Rupalokas hay cõi sắc giới
- 4 Arupalokas hay cõi vô sắc giới

Sự hiện hữu của những cảnh giới này chưa được xác nhận bởi khoa học hiện đại. Tuy nhiên, các khoa học gia hiện đại đang nghiên cứư về giả thuyết là có thể có các hình thái đời sống hiện hữu trên các hành tinh khác. Với kết quả khoa học tiến bộ nhanh chóng ngày nay, chúng ta có thể không lâu sẽ tìm thấy những chúng sanh sống trên các hành tinh khác trên những phần xa xôi nhất của giải ngân hà. Có thể chúng ta sẽ thấy họ lệ thuộc vào những định luật giống như chúng ta. Về vật chất họ có thể khác hẳn chúng ta cả về hình tướng, nguyên tố và thành phần hóa học và sống trong những chiều khác nhau. Họ có thể siêu việt hơn chúng ta nhiều hay cũng có thể thấp kém hơn chúng ta nhiều.

Tại sao chỉ trái đất là hành tinh duy nhất chứa đựng hình thái của đời sống? Trái đất chỉ là một hạt bụi nhỏ trong vũ trụ bao la. Sir James Jeans, một nhà thiên văn lỗi lạc, ước lượng là toàn thể vũ trụ lớn vào khoảng một ngàn triệu hơn khoảng không gian mà ta có thể nhìn thấy bằng viễn vọng kính. Trong cuốn sách của ông "Vũ Trụ Huyền Bí", ông nói rằng tổng số vũ trụ có thể so với tổng số các hạt cát trên tất cả bờ đại dương của thế giới. Trong một vũ trụ như vậy, hành tinh trái đất chỉ là một phần triệu của một hạt cát. ông cũng báo cho chúng ta là ánh sáng mặt trời mất một phần bẩy giây mới tới trái đất, phải mất lối chừng 100.000 năm mới xuyên qua được hết vũ trụ! Sự mênh mông của vũ trụ là như vậy. Khi chúng ta xét đến sự rộng lớn của nhiều vũ trụ làm thành cái mà ta thường gọi là "ngoại tầng không gian", giả thuyết về các hệ thống thế giới khác hiện hữu có thể tin được theo khoa học.

Dưới ánh sáng của những khám phá khoa học hiện đại, chúng ta có thể nhận thức được những giới hạn của thế giới loài người. Ngày nay, khoa học đã chứng minh rằng thế giới loài người hiện hữu trong phạm vi giới hạn của tần số rung động mà những cơ quan cảm giác của chúng ta có thể tiếp nhận được. Và khoa học cũng cho chúng ta thấy cũng có những tần số rung động khác ở trên hay ỏ dưới tầm tiếp nhận của chúng ta. Với những sự khám phá của làn sóng vô tuyến, quang tuyến X, làn sóng truyền hình, và làn sóng vi ba, chúng ta có thể nhận thức tầm nhìn hết sức là giới hạn mà chúng ta phải chịu bởi những cơ quan cảm giác của chúng ta. Chúng ta hé mắt nhìn vũ trụ qua "vết nẻ" của những cơ quan cảm giác của chúng ta, giống như chúng ta ghé mắt nhìn qua kẽ hở cánh cửa. Sự nhận thức này về giới hạn của sự tiếp thâu cho chúng ta thấy có thể có những hệ thống thế giới khác hiện hữu ngăn cách ta hoặc thâm nhập sâu vào thế giới chúng ta.

Về bản chất của vũ trụ, Đức Phật nói sự khởi thủy và sự chấm dút của vũ trụ không thể nhận thức được. Người Phật Tử không tin là thế giới bỗng nhiên hoàn toàn chấm dứt và hoàn toàn bị tiêu diệt. Không có việc bỗng nhiên cả vũ trụ bị tiêu diệt. Khi một phần của vũ trụ biến đi thì phần khác của vũ trụ vẫn còn lại. Khi một phần khác biến đi, thì một phần khác lại tái xuất hiện hoặc tạo ra những chất tản mác của vũ trụ trước đây. Đó là sự cấu tạo bởi sự tích tụ của các phân tử, những nguyên tố căn bản, hơi và nhiều năng lượng, một tổng hợp hỗ trợ bởi sức đẩy tới và trọng lượng thu hút. Rồi một số hệ thống thế giới mới xuất hiện và hiện hữu một thời gian. Đó là bản chất của năng lượng vũ trụ. Do đó Đức Phật tại sao nói sự khởi thủy và sự chấm dứt của vũ trụ không thể nhận thức được .

Chỉ một đôi khi trong các trường hợp đặc biệt, Đức Phật mới đề cập đến bản chất và thành phần của vũ trụ. Khi Ngài nói, Ngài rất chú ý đến khả năng hiểu biết của người hỏi. Đức Phật không quan tâm đến loại suy đoán siêu hình không đem đến sự phát triển tinh thần.

Người Phật Tử không cùng quan điểm của số người cho rằng thế giới sẽ bị một thượng đế tiêu diệt, khi có nhiều người vô tín ngưỡng và nhiều sa đọa trong nhân loại. Về niềm tin này, người dân có thể hỏi: thay vì tiêu diệt bằng quyền năng, tại sao thượng đế không dùng sức mạnh ấy để tăng trưởng đức tin nơi những người ấy và tẩy sạch tất cả những thói hư tật xấu từ tâm con người? Dù thượng đế hủy diệt hay không, tự nhiên một ngày nào đó mọi vật khi đã hiện hữu tất phải đoạn diệt. Tuy nhiên, theo ngôn ngữ của Đức Phật, thế giới không là gì ngoài là sự kết hợp của sự thành, trụ, diệt và tái kết hợp của danh và sắc (nama-rupa)

Trong lý giải sau cùng, Giáo lý của Đức Phật vượt qua những khám phá của khoa học hiện đại dù những khám phá này gây nhiều ấn tượng rất mạnh mẽ đến ngạc nhiên. Trong khoa học, kiến thức về vũ trụ có thể giúp con người làm chủ về tiện nghi vật chất, và an toàn cá nhân. Nhưng Đức Phật dạy dù kiến thức có rộng đến đâu đi nữa cũng không thể làm con người giải thoát rốt ráo khỏi những đau khổ của cuộc sống. Con người phải tự mình nỗ lực tranh đấu cho đến khi tiến đến sự hiểu biết thật sự về bản chất của chính mình và bản chất vô thường của vũ trụ. Muốn thật sự được giải thoát, ta phải tìm cách thuần hóa tâm ý mình, đoạn diệt lòng tham ái vào các khoái lạc vật chất. Khi ta đã thật sự hiểu rõ rằng vũ trụ mà ta đang cố chinh phục là vô thường, ta sẽ tự thấy mình giống như Don Quixote đang đánh nhau với kẻ địch tưởng tượng. Với Chánh Kiến của chính mình, ta sẽ dùng thì giờ và năng lực để chiến thắng tâm mình và tiêu diệt ảo tưởng của cái ta mà không cần phải phí phạm nỗ lực vào những cách giải quyết không quan trọng và cần thiết khác.

QUAN NIỆM PHẬT GIÁO VỀ THIÊN ĐƯỜNG VÀ ĐỊA NGỤC

Người trí tạo thiên đường cho chính mình, kẻ ngu tạo địa ngục cho chính mình ngay đây và sau này.

Quan niệm Phật Giáo về thiên đường và địa ngục hoàn toàn khác hẳn các tôn giáo khác. Người Phật Tử không chấp nhận những nơi đó là trường cửu. Thật vô lý khi đầy đọa một người nào đó vào địa ngực vĩnh viễn vì những nhược điểm của y nhưng rất hợp lý nếu cho y có cơ hội tự mình tu sửa. Theo quan điểm Phật Giáo, những kẻ bị vào địa ngục có thể tự chuyển hóa để hướng thượng do những công đức đã tạo được trước đó. Cửa địa ngục không khóa. Địa ngục chỉ là một nơi tạm bợ và không có lý do nào bắt những chúng sanh đó phải chịu đau khổ mãi mãi ở nơi đó.

Giáo lý của Đ?c Phật cho chúng ta thấy có thiên đường và địa ngục không những bên kia thế giới này, mà cũng có ngay chính trong thế giới này. Do vậy, quan niệm thiên đường và địa ngục rất hợp lý. Chẳng hạn, Đức Phật một lần nói: "khi người thiểu trí cỡ trung bình khẳng định là có Địa Ngục dưới đại dương, kẻ đó đã quyết đoán sai lầm và vô căn cứ". "Địa Ngục" là từ ngữ dùng để chỉ những cảm giác đau đớn. Ý kiến về một nơi chốn đặc biệt đã được tạo sẵn hoặc một cảnh giới tạo ra bởi thượng đế như thiên đường và địa ngục không thể chấp nhận được theo quan niệm Phật Giáo.

Lửa địa ngục trong thế giới này còn nóng hơn lửa địa ngục bên kia thế giới. Không có lửa nào bằng lửa sân hận, ái dục, tham lam và si mê. Theo Đức Phật chúng ta đang bị thiêu đốt bởi mười một loại đau khổ vật chất và tinh thần: tham lam, sân hận, bệnh ảo tưởng, suy tàn, chết, lo âu, than van, đau đớn (vật chất và tinh thần) sầu muộn và nuối tiếc. Con người có thể đốt cháy toàn thể thế giới với các loại lửa này do sự thiếu điều hòa về tâm linh. Theo một quan điểm Phật Giáo, cách dễ nhất định nghĩa địa ngục và thiên đường là bất luận nơi đâu có nhiều khổ đau ở thế gian này hay trong bất cứ cảnh giới nào, chỗ đó là địa ngục cho những người đau khổ. Nơi đâu có nhiều lạc thú và hạnh phúc, ở thế gian này hay trong bất cứ cảnh giới nào khác, cõi đó là thiên đường cho những người vui hưởng đời sống trần thế tại nơi chốn đặc biệt đó. Tuy nhiên, cảnh giới của loài người có lẫn lộn cả đau đớn lẫn sung sướng, con người kinh nghiệm được cả đau khổ lẫn hạnh phúc, và do đó có thể chứng nghiệm được bản chất thực sự của đời sống. Nhưng ở nhiều cảnh giới, chúng sinh nơi đó ít có cơ hội coù được sự chứng ngộ này. Có nơi, đau khổ nhiều hơn hạnh phúc, có nơi lạc thú nhiều hơn đau khổ.

Người Phật Tử tin rằng sau khi chết sẽ có tái sanh vào một trong số những kiếp sống có thể có được. Kiếp sống tương lai này đưôïc tạo nên bởi chập tư tưởng cuối cùng của một người lúc sắp chết. Tư tưởng cuối cùng này quyết định kiếp sống tương lai do kết quả những hành động quá khứ của người đó trong kiếp này hoặc kiếp trước. Vậy nên, nếu tư tưởng mạnh nhất phản ảnh được hành động phước đức, người đó sẽ có một kiếp sống tương lai hạnh phúc. Nhưng tình trạng đó chỉ tạm bợ đến khi phước đức cạn hết, kiếp sống khác phải bắt đầu và cứ như vậy tiếp diễn, do "nghiệp" lực quyết định. Tiến trình này tái diễn liên tục và vô tận chỉ trừ khi ta đạt tới "Chánh Kiến" và nhất quyết đi theo Bát Chánh Đạo mới mang lại cho ta hạnh phúc tối thượng Niết Bàn.

Thiên đường là một cõi tạm dành cho những ai đã tạo được nhiều hành động tốt đẹp được hưởng những lạc thú giác quan thêm một thời gian dài nữa. Địa ngục là một cõi tạm khác mà những người tội lỗi phải chịu thêm nhiều đau khổ về vật chất và tinh thần. Không có lý do nào để tin là các nơi đó thường còn. Không có thượng đế ở sau hậu trường thiên đưòng và địa ngục. Mỗi và mọi người đều kinh nghiệm khác nhau tùy theo thiện hay ác nghiệp của mình. Người Phật Tử chưa bao giờ thuyết phục ai đến với Đạo mình bằng cách đe dọa lửa điạ ngục hay cám dỗ bằng thiên đường. Lý tưởng chính của họ là xây dựng cá tính và huấn luyện tinh thần. Người Phật Tử tu tập không cần phải nhắm đến thiên đường hay phát triển tâm sợ hãi địa ngục. Bổn phận của họ là sống đứng đắn bằng cách giữ vững những phẩm tính của con người và niềm an lạc trong tâm.

NIỀM TIN VÀO CÁC CHƯ THIÊN

Phật Tử không phủ nhận sự hiện hữu của các thần linh hay chư thiên.

Chư thiên may mắn nhiều hơn loài người về mặt hưởng thụ lạc thú cảm quan. Họ cũng thủ đắc một số sức mạnh (thần thông) mà loài người không có. Tuy nhiên thần thông của các chư thiên này bị giới hạn vì họ cũng chỉ là các chúng sanh nhất thời. Họ hiện hữu ở các cảnh giới sung sướng và vui hưởng đời sống lâu dài hơn đời sống con người. Khi nghiệp thiện họ đã tích lữy được từ các kiếp trước đã cạn hết, những chư thiện này cũng chết và tái sanh vào một nơi nào đó tùy theo nghiệp thiện hay ác của họ. Theo Đức Phật, con người có cơ hội để gia tăng công đức hầu sanh vào các hoàn cảnh tốt hơn, còn chư thiên kém may mắn hơn về phương diện này.

Phật Tử không cho là các chư thiên này là quan trọng. Họ không coi các chư thiên là nơi nhờ cậy cho việc phát triển đạo đức hay là nơi nương tựa để đạt giải thoát Niết Bàn. Dù to hay nhỏ, cả loài người lẫn chư thiên đều phải hoại diệt và tái sanh.

Đại chúng Phật Giáo thường tin là các chư thiên có thể được cảm ứng và phù trợ cho họ bằng cách hồi hướng các phước báu đến chư thiên mỗi khi họ làm được hành vi công đức nào. Niềm tin này căn cứ vào huấn thị của Đức Phật truyền cho các chư thiên bảo vệ những người sống đúng đạo lý. Đó là nguyên do tại sao người Phật Tử hồi hướng các phưóc báu đến chư thiên hay tưởng nhớ đến chư thiên bất cứ lúc nào họ hành những hạnh công đức. Tuy nhiên, dâng cúng và lễ bái các chư thiên không được khuyến khích mặc dù có vài tập tục Phật Giáo tập trung vào các hoạt động này. Khi gặp khó khăn, người ta thường quay về với chư thiên để bầy tỏ nỗi ưu phiền nơi lễ bái. Làm như vậy, họ thấy được khuây khỏa và an ủi; họ cảm thấy dễ chịu hơn trong thâm tâm. Tuy nhiên với người trí thức có ý chí mạnh mẽ, có giáo dục và hiểu biết đứng đắn, những niềm tin và hành động này không cần thiết phải dùng đến. R‚ ràng không có lời dạy nào trong Phật Giáo nói người Phật Tử có thể đạt Niết Bàn bằng cách cầu nguyện chư thiên. Người Phật Tử tin là " trong sạch hay ô nhiễm tùy nơi ta. Không ai ở bên ngoài làm cho người khác trong sạch được". (Kinh Pháp Cú, Câu 165)

Phật Quả và Niết Bàn có thể đạt được mà không cần đến sự giúp đỡ từ một nguồn bên ngoài. Cho nên, người Phật Tử vẫn có thể tu tập dù có hay không có chư thiên.

THẾ GIỚI QUỶ THẦN

Có những chúng sanh hay quỷ thần hữu hình hay vô hình cũng giống như ánh sáng ta có thể nhìn thấy hay không nhìn thấy được.

Phật Giáo không bác bỏ sự hiện hữu của các quỷ thần thiện và ác. Có những chúng sanh hoặc quỷ thần hữu hình hay vô hình cũng như ánh sáng ta có nhìn thấy hay không nhìn thấy được. Chúng ta cần đến những dụng cụ đặc biệt để nhìn những loại ánh sáng vô hình và chúng ta cần đến giác quan đặc biệt để nhìn thấy những chúng sanh vô hình. Ta không thể phủ nhận sự hiện hữu của những quỷ thần đó chỉ vì chúng ta không nhìn thấy chúng được với mắt trần. Những quỷ thần này cũng phải chịu sinh tử. Chúng không ở vĩnh viễn dưới hình thức quỷ thần. Chúng cũng hiện hữu trong thế giới mà chúng ta đang sống.

Một Phật Tử chân chính là người hun đúc đời sống của mình theo nhân quả đạo đức khám phá bởi Đức Phật. Người đó không cần quan tâm đến việc thờ phượng các thần linh và quỷ thần đó. Tuy nhiên, loại lễ bái đó có một số lợi lạc và quyến rữ quần chúng, và tự nhiên đem một số Phật Tử vào giao tiếp với những sinh hoạt này.

Về việc bảo vệ chống lại các quỷ thần xấu, lương thiện là cái khiên chống lại điều ác. Lương thiện là bức tường ngăn tội ác không xâm nhập được trừ phi người luơng thiện mở cửa cho ảnh hưởng tội lỗi. Cả đến một người sống một cuộc đời thật đạo hạnh và thánh thiện, có một cái khiên tốt bao che cuộc sống đạo đức và cao thượng nhưng người đó vẫn có thể hạ thấp cái khiên bảo vệ này xuống vì tin vào sức mạnh của quỷ thần ác có thể làm hại mình.

Đức Phật không bao giờ khuyên tín đồ của Ngài sùng bái các quỷ thần đó và sợ hãi họ. Thái độ của Phật Tử là hồi hướng công đức và trải tâm từ-ái đến họ. Phật Tử không làm hại chúng. Mặt khác, nếu một người đạo hạnh, đức độ và trong sạch, thông minh và có ý chí mạnh mẽ và khả năng hiểu biết, thì người đó thấy rằng mình mạnh hơn quỷ thần nhiều. Quỷ thần xấu sẽ tránh xa người đó, quỷ thần tốt sẽ bảo vệ người đó.

Ý NGHĨA CỦA VIỆC HỒI HƯỚNG CÔNG ĐỨC CHO NGƯỜI QUÁ CỐ

Nếu thực tình bạn muốn tôn kính và giúp đỡ người quá cố, bạn hãy hành những hành vi công đức dưới danh nghĩa của những người ấy, và hồi hướng phước báu đến cho họ.

Theo Phật Giáo, hành vi thiện hay "hành động công đức" mang hạnh phúc cho hành giả ngay trong thế giới này và sau này. Chúng ta tin rằng hành động công đức chắc chắn dẫn đến m?c tiêu cuối cùng là hạnh phúc trường cửu. Hành động công đức có thể thực thi qua thân, khẩu và ý. Mọi hành động thiện đều tạo công đức sẽ tích lữy vào thiện nghiệp của hành giả. Phật Giáo cũng dạy công đức tạo được có thể hồi hướng cho người khác hay có thể chia sẻ với người khác. Nói một cách khác, công đức có thể "chuyển hoán" và có thể chia sẻ với người khác. Người nhận được công đức có thể đang sống hay đã chết.

Phương pháp hồi hướng công đức rất đơn giản. Trước tiên ta phải thực hiện một số công đức. Người làm công đức chỉ mong muốn phước báu đã tạo dành đặc biệt cho người nào đó, hay cho "tất cả chúng sanh". Phúc nguyện này có thể được niệm thầm trong tâm hoặc diễn tả bằng lời.

Tâm nguyện khi thể hiện này có khả năng được cảm ứng bởi người thọ nhận. Khi người thọ nhận hay biết được hành động hay nguyện ước này, thì sẽ cùng nhau phát khởi một niềm hoan hỉ. Nơi đây, người thọ nhận trở thành một người tham gia hành vi nguyên thủy bằng cách tự liên kết với công đức đã làm. Nếu người thọ nhận tự đồng hóa với cả hành vi lẫn hành giả, đôi khi có thể đạt được công đức to lớn hơn hành giả nguyên thủy, vì tâm hoan hỉ của người ấy lớn hơn, hay vì nhận thức được giá trị của công đức này căn cứ trên sự hiểu biết Phật Pháp và, do vậy hưởng nhiều phước báu hơn. Kinh điển Phật Giáo chứa nhiều câu truyện về truờng hợp này.

Niềm vui hồi hướng phước báu cũng có thể sanh khởi dù người làm công đức có kiến thức hay không. Điều cần thiết phải làm là cốt cho người thọ nhận cảm thấy hân hoan trong tâm khi nhận biết được nghĩa cử này. Nếu mong muốn, người đó có thể bày tỏ niềm vui bằng cách nói lên chữ "Sadhu" có nghĩa là "Lành thay". Đó là cách bày tỏ sự tán thán bằng ý hoặc bằng lời. Để chia sẻ công đức do người khác làm, điều quan trọng là phải có sự chấp thuận thật sự, và niềm hoan hỉ phát sanh từ tâm người thọ nhận.

Ngay cả khi mong muốn được như vậy, người làm công đức không thể ngăn người khác chia vui với công đức mình vì không có quyền gì đối với tư tưởng của người khác. Theo Đức Phật, trong tất cả mọi hành động, tư tuởng mới là điều thực sự quan trọng. Hồi hướng công đức căn bản là một hành động của tâm.

Hồi hướng công đức không có nghĩa là cho hết phước báu mà mình đạt được khi làm việc thiện. Trái lại, hành động của hồi hướng công đức chính nó là một công đức làm phước báu đã tạo càng được tăng thêm nữa.

TẶNG PHẨM CAO CẢ NHẤT CHO NGƯỜI QUÁ VÃNG

Đức Phật nói rằng tặng phẩm tốt đẹp nhất cho thân nhân đã quá vãng là làm công đức và hồi hướng phước báu vừa tạo này đến họ. Ngài cũng nói là những ai hành hạnh hồi hướng cũng nhận những được quả phước của những công đức mình làm. Đức Phật khuyến khích những ai làm việc thiện chẳng hạn như cúng dường cho các bậc thánh thiện, hãy hồi hướng phước báu đó đến những người thân đã qua đời. Hãy nên cúng dường với danh nghĩa người quá cố bằng cách hồi tưởng lại trong tâm những điều như " Khi vị ấy còn sống, vị ấy đã cho tôi của cải này, vị ấy đã làm cho tôi những việc này, vị ấy là thân nhân của tôi, là người bầu bạn với tôi vân vân... (Tirokudda Sutta - Khudakapatha). Không nên khóc lóc, đau buồn, than van và nuối tiếc; những thái độ như vậy không đem lợi ích gì cho người đã chết.

Hồi hướng công đức đến các hương linh được căn cứ trên sự tin tưởng thông thường là khi một người chết đi, phước và tội được đem cân nhắc và hành động của người ấy sẽ định đoạt người ấy tái sanh vào một cảnh giới sung sướng hay thống khổ nào. Hoặc tin là các nguời chết có thể xuống cảnh giới của các vong linh không siêu thoát. Những chúng sanh trong những hình thái thấp kém này không thể tạo được phước đức m?i, và phải sống nhờ vào những công đức tạo được từ trên thế gian này.

Những ai không làm hại người khác, và hành các hạnh thiện lành trong đời mình, chắc chắn có cơ may tái sanh vào nơi nhàn cảnh. Những người như vậy không cần đến sự giúp đỡ của thân nhân hiện tiền. Tuy nhiên, với những người không có cơ duyên để được sanh vào cảnh giới sung sướng, luôn luôn chờ đợi các công đức của những thân nhân đang sống để bù đắp những thiếu hụt và giúp họ có thể tái sanh vào một nơi tốt đẹp hơn.

Những người tái sanh dưới hình thái ma quỷ bất hạnh có thể giải thoát được khổ cảnh nhờ sự hồi hướng phước báu do công đức được tạo của bè bạn và thân nhân .

Lời dạy về hồi hướng công đức đến người quá cố là thể thức tương ứng với tập tục Ấn Độ Giáo đã truyền thừa qua các thời đại. Nhiều nghi lễ được cử hành để vong linh các tổ tiên được sống trong bình an. Tập tục này đã có một ảnh hưởng to lớn vào đời sống xã hội của một số quốc gia Phật giáo. Người chết bao giờ cũng được nhớ đến khi ta hoàn tất bất cứ một công việc phước thiện nào, và vào các dịp liên quan đến đời sống của họ, như những ngày sanh hay ngày giỗ. Vào những dịp như vậy, ta thưòng cử hành một vài nghi lễ. Người hồi hướng công đức rót nước từ một cái bình đến một bình khác tương tự, trong khi đọc một câu kệ bằng tiếng Pali được dịch như sau :

Như con sông, khi đầy phải chảy
đem nước tràn đến tận nơi xa
Cũng như vậy, điều được nơi đây
sẽ đem phước đến vong linh tại đấy
Như nước nguồn rót từ ngọn núi
chảy xuống và dâng ngập cánh đồng
Cũng như vậy điều được nơi đây
sẽ đem phước đến vong linh tại đấy.
-- (Kinh Nidhikanda trong Khuddakapatha)

Nguồn gốc và ý nghĩa việc hồi hướng công đức được các học giả đem ra bàn cãi. Mặc dầu tập tục cổ xưa này còn hiện hữu đến ngày nay tại nhiều quốc gia Phật Giáo, một số rất ít Phật Tử theo tập tục cổ xưa này hiểu được ý nghĩa của việc hồi hướng công đức và cách thức thích đáng để thi hành.

Nhiều người đã phí phạm thì giờ và tiền bạc vào những lễ nghi và trình diễn vô nghĩa để tưởng niệm người đã qua đời. Họ không hiểu là không thể nào giúp đỡ được người chết đơn giản bằng cách xây dựng mộ phần, mộ chí và nhà táng to lớn và những đồ tế nhuyễn khác. Cũng chẳng có thể giúp đỡ được người chết bằng cách đốt hương, vàng mã vân vân...; và cũng chẳng thể giúp đỡ người chết bắng cách giết các súc vật và đem các loại thực phẩm khác để dâng cúng . Ta cũng không nên phí phạm đem đốt các vật dụng của người chết cho rằng họ sẽ được hưởng do hành động này, đáng ra các vật dụng này nên đem phân phát cho những người nghèo khó.

Cách duy nhất để giúp đỡ người chết là làm một số công đức theo đúng cách thức đạo giáo để tưởng nhớ đến họ. Công đức gồm có những hạnh lành như bố thí, xây trường học, tự viện, cô nhi viện, thư viện, bệnh viện, ấn tống kinh sách để tặng, và các công việc từ thiện tương tự.

Tín đồ của Đức Phật nên hành động khôn ngoan và không nên mù quáng làm theo bất cứ điều gì. Trong khi những người khác cầu nguyện thánh thần cho người chết thì người Phật Tử trải tâm từ-ái trực tiếp đến họ. Bằng cách làm những việc thiện, họ có thể hồi hướng công đức này đến người yêu quí để những người này được hưởng lợi lạc. Đó là cách thức tốt nhất để tưởng nhớ, để đem vinh dự thật sự và để khắc ghi mãi mãi tên người đã khuất. Được hoan hỉ, người quá cố sẽ đền đáp phúc lành lại cho những thân quyến hiện tiền. Cho nên bổn phận của thân quyến là tưởng nhớ đến người đã ra đi bằng cách hồi hướng công đức, và rải tâm từ-ái trực tiếp đến họ.

-ooOoo-

Đầu trang| Mục lục| 01| 02| 03| 04| 05a| 05b| 06| 07| 08| 09| 10| 11| 12| 13| 14| 15| 16| 17


Source :
BuddhaSasana Home Page

--- o0o ---

Trình bày: Chân Đức & Nguyên Thảo

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]