Việt Nam Phật Giáo Sử Lược
Chương Hai: Phật Giáo Đời Hậu Lý Nam Đế (571 - 602)
Và Đời Bắc Thuộc Thứ Ba (571 - 602)
Và Đời Bắc Thuộc Thứ Ba (571 - 602)
Thích Mật Thể
Nguồn: Thích Mật Thể
Tiền Lý Nam Đế mất, Triệu Quang Phục nối nghiệp xưa là Triệu Việt Vương (549-571), rồi lại bị Lý Phật Tử đánh thua và lên làm vua tức Hậu Lý Nam Đế.
Đến năm Nhâm Tuất (602), vua nhà Tùy là Văn Đế sai tướng Lưu Phương sang đánh Nam Việt, dụ Phật Tử ra hàng. Hậu Lý Nam Đế yếu thế bèn qui phục, nước ta lại bắt đầu nội thuộc nước Trung Hoa lần thứ ba, từ năm 603 đến năm 939.
Trong năm 580, nước ta có ngài Tì Ni Đa Lưu Chi qua truyền Phật giáo, rồi lần lần truyền thống thành ra một phái Thiền Tôn.
Phái Tì Ni Đa Lưu Chi
Sách Cổ Châu Pháp Vân Phật Bổn Hạnh ngữ lục có chép: «Vào khoảng đời Đông Tấn (317 - 419) niên hiệu Tả Kiến (569 - 582), có một Pháp sư tên là Tì Ni Da Lưu Chi người Ấn Độ, nhận biết có Phật giáo ở đây (Nam Việt) liền qua trú ở chùa Pháp Vân giảng dạy Phật pháp. Phật giáo ở đây thạnh hành từ đó»
Sách Đại Nam Thuyền Uyển Tập Anh cũng có dẫn lời ngài Thông Biện Thiền sư nói : Tì Ni Đa Lưu Chi là Sơ tổ của Thiền Tôn ở nước ta.
Ngài tên chữ Phạn là Vinitaruei, người ở Nam Thiên Trúc, sang Tây Thiên Trúc để khảo đạo Phật, nhưng vì cơ duyên chưa gặp, nên ngài qua cõi Đông Độ tiến vào Trung Hoa đến Trường An năm 574. Lúc này Phật giáo ở Trung Hoa đương bị bài xích[1].Ngài muốn qua đất Nghiệp (thuộc tỉnh Hồ Nam bây giờ) may gặp ngài Đệ Tam tổ Tăng Xàng ở núi Tư Không, ngài liền đem lòng kính mộ và xin làm đệ tử; Tam tổ truyền tâm ấn cho và khuyên ngài qua Nam phương mà tiếp độ chúng sinh chớ không nên ở đây làm gì Ngài liền bái từ ra đi. Đến Quảng Châu ngài Trú trì ở chùa Chế Chỉ, dịch kinh “Tượng Đầu báo nghiệp sai biệt” chữ Phạn ra chữ Hán. Đến năm Canh Tý niên hiệu Đại Tường thứ hai nhà Chu (580), ngài qua Nam Việt trú trì ở chùa Pháp Vân (làng Văn Giáp, huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Đông bây giờ) lại dịch bộ kinh “Tổng trì”. Năm Quý Sửu niên hiệu Khai Hoàng thứ 14 nhà Tùy (594) ngài truyền tâm ấn cho ngài Pháp Hiền rồi tịch.
Đến đời nhà Lý, vua Thái Tôn (l028 - l054) có làm bài kệ truy tán ngài rằng :
Sáng tự Nam lai quốc
Văn quân cửu tập thiền.
Ứng khai chư Phật tín,
Viễn hợp nhất tâm nguyên.
Hạo hạo Lăng-già nguyệt,
Phân phân bát-nhã liên.
Hà thời hạnh tương kiến,
Tương dự thoại trùng huyền.
Dịch:
Mở lối qua Nam Việt,
Nghe ông chỉn học Thiền
Nguồn tâm thông một mạch,
Cõi Phật rộng quanh miền.
Lăng-già ngời bóng nguyệt,
Bát-nhã nức mùi sen.
Biết được bao giờ gặp,
Cùng nhau kể đạo huyền.
Ngài là Sơ tổ phái Thiền Tôn thứ nhất ở nước ta, sau ngài truyền pháp cho Pháp Hiền Thiền sư, rồi truyền thống mãi đến đời Y Sơn Thiền sư (1216) được 19 đời, biết được danh hiệu và sự tích cọng 31 ngài[2] .Xét ngược lên về trước thì ngài là đệ tử đức Tam tổ Tăng Xáng[3]. Ngài Tăng Xáng là đệ tử của đức Nhị tổ Huệ Khả và ngài Huệ Khả là đệ tử của đức Bồ-đề Đạt-ma (Bodhidharma), tức là Sơ tổ phái Thiền tôn ở Trung Hoa vậy (Xem phần Phật giáo ở Trung Quốc).
Pháp Hiền Thiền sư : Nhị tổ phái Thiền Tôn ở nước ta là Pháp Hiền Thiền sư. Ngài giòng họ Đỗ, quê ở quận Chu Diên (tỉnh Sơn Tây bây giờ), khi mới xuất gia, thọ giới với Quang Duyên đại sư ở chùa Pháp Vân. Đến khi ngài Tì Ni Đa Lưu Chi ở Quảng Châu qua nước ta tới chùa Pháp Vân thấy ngài Pháp Hiền nhìn kỹ vào mặt mà nói :
- Chú họ gì ?
Pháp Hiền đáp :
- Hòa thượng họ gì ?
Thiền sư lại hỏi lại :
- Chú không có họ à ?
- Sao lại không có ? Nhưng đố Hòa thượng biết ?
Thiền sư quát lên :
- Biết để làm gì ?
Ngài Pháp Hiền chợt hiểu ý ngài Tì Ni Đa Lưu Chi, liền sụp xuống lạy xin theo làm đệ tử và sau được truyền tâm ấn.
Sau ngài vào trong núi Từ Sơn tu Thiền định, những loài cầm thú thường quấn quít chung quanh, người đời thấy thế càng lấy làm lạ và kính mộ; đệ tử tìm đến học đạo càng ngày càng đông, ngài mới lập tịnh xá để giảng dạy. Phái Thiền tôn ở nước ta hồi ấy là thạnh nhất.
Ngài Pháp Hiền tịch vào năm Võ Đức thứ 9 đời Đường (626) và truyền đạo cho ngài Thanh Biện Thiền sư.
Xét ra nước ta Phật giáo truyền vào đã hơn bốn trăm năm nay, mà mãi đến thời kỳ này mới được phổ thông. Ấy cũng là nhờ ở ngài Tì Ni Đa Lưu Chi và ngài Pháp Hiền. Nhưng âu cũng là cơ duyên đặc biệt, nên ngài Tì Ni Đa Lưu Chi mới vâng lời ngài Tam tổ Tăng Xáng mà qua truyền pháp ở phương Nam này.
Phật giáo đã đến hồi thịnh, nên bấy giờ (vào khoảng năm 603 - 604) Thứ sử Giao Châu là Lưu Phương mới đưa sớ về tâu dâng vua Tùy rằng : “Nước Việt Nam ngày nay dân chúng rất tôn sùng Phật giáo, lại có nhiều vị Chân Tăng giáo hóa, nên bốn phương thảy đều qui y...”. Nhân đó, vua Cao Tổ nhà Tùy mới ban cho các vị Danh Tăng ở nước ta năm hòm lễ vật và sắc xây tháp ở chùa Pháp Vân, chùa Tràng Khánh cùng các danh địa khác. Đó là lần đầu tiên Phật giáo ở nước ta được Chánh phủ đô hộ để ý đến.
Bên Trung Hoa, năm Mậu Dần (618) nhà Tùy mất, nhà Đường kế nghiệp, nước ta lại thuộc nhà Đường và bị chia ra làm 12 châu, gọi gồm là An-nam đô hộ phủ. Trong mấy thời kỳ Bắc thuộc, nước ta bị nhà Đường cai trị nghiệt hơn cả. Nhưng về phương diện Phật giáo lại được để ý đến; như năm Võ Đức (626), Vua Đường Cao Tổ có ban cho An-nam năm hòm Xá-lỵ (?) và sắc dựng chùa, xây tháp.
Xem thế đủ biết Phật giáo ở ta bấy giờ đã thịnh. Vả lại Nhị tổ Thiền tôn là Pháp Hiền Thiền sư vừa mới tịch và đã độ cho bao nhiêu đệ tử rồi. Lại trong thời ấy Phật giáo bên Trung Hoa và người Thiên Trúc thường thường mượn đường nước ta mà qua lại, các người thường ghé lại ít lâu để thuyết pháp thì ta cũng chịu ảnh hưởng được nhiều vậy.
Lại theo Trần Văn Giáp tiên sanh khảo[4] trong các sách thấy có nói : “Về đời Đường có ba đoàn truyền giáo ở An-nam. Đoàn thứ nhất có ba người Trung Hoa, đoàn thứ hai cũng có ba người Trung Hoa và là người Trung á; đoàn thứ ba đáng chú ý hơn : có 6 Pháp sư An-nam mà bốn người ở Giao Châu (Hà Nội và Nam Định bấy giờ) và hai người ở ái Châu (Thanh Hóa bây giờ)”.
I. Đoàn thứ nhất :
1. Minh Viễn Pháp sư : Người ở huyện Thanh Thành, Ích Châu (Tứ Xuyên bây giờ), tên hiệu chữ Phạn của ngài là Chấn-đà-đề-bà. Thuở nhỏ ngài đã học kinh Phật, càng lớn càng chăm chỉ nên ngài am hiểu tất cả những kinh điển, ngài lại khảo về Trang Chu. Ngài ẩn ở Lô Sơn (Hồ Bắc bây giờ) để tu thiền định.
Sau ngài thấy đạo Phật ở đó có ý đình trệ, ngài liền xuống phía Nam qua đất Giao Chỉ (Bắc kỳ) đến đảo Java rồi qua đảo Tích Lan đến Nam Thiên Trúc; sau ngài tịch ở dọc đường, không rõ ngài thọ bao nhiêu tuổi.
2. Huệ Mạnh Thiền sư : Ngài ở quận Giang Lăng, Kinh Châu (Hồ Bắc) rất tinh thông Phật pháp. Ngài muốn qua Chiêm Thành, nhưng khi đi đò gặp giông tố, nên phải ở lại Thượng kinh (biên giới cũ Trung kỳ) rồi trở về Trung Hoa.
3. Vô Hành Thiền sư : Ngài cũng ở quận Giang Lăng, tên hiệu chữ Phạn là Bát-nhã Đề-bà (Pajnâ-deva). Sau khi du lịch khắp Trung Quốc, ngài về ẩn tu trong núi, chuyên trì kinh Pháp Hoa tam muội. Sau ngài lại du lịch các miền Cửu Giang và Tam Việt (Ngô Việt, Nam Việt). Ngài có kết giao với Trí Hoằng Thiền sư rồi qua đất Thất Lợi Phật Thệ (cusijaya). Ngài thọ được 56 tuổi.
II. Đoàn thứ hai :
1. Đàm Nhuận Pháp sư : Ngài ở Lạc Dương, tinh thông luật điển. Ngài qua sông Dương Tử lần xuống phía Nam, đến đất Giao Chỉ có trú lại ít lâu, được các thiện nam tín nữ sùng mộ rất đông. Rồi ngài lại xuôi về phía Nam Định qua Thiên Trúc, nhưng vừa đến Đột Bồn (Java) thì thọ bịnh rồi tịch, thọ 30 tuổi.
2. Trí Hoằng Pháp sư : Ngài ở Lỗ Giang, cháu ông sứ giả Vương Huyền Sách, lúc nhỏ đã thông hiểu đạo Phật, lớn lên đi du lịch khắp Trung Quốc, sau lại muốn qua Đông Ấn, gặp Vô Hành Thiền sư cùng đến Hợp Phố (bán đảo Quảng Đông) rồi xuống thuyền dọc theo đường bể, không may gặp bão phải đậu lại Thượng Kinh, hai ngài bèn đi ngược lên Giao Châu ở lại một năm. Sau gặp một chiếc thuyền lớn, hai người bèn về xứ Thất Lợi Phật Thệ. Ngài ở Trung ấn Độ gần 8 năm, sau qua xứ Cachemira Bắc ấn Độ rồi không rõ ngài tịch ở đâu.
3. Tăng-già-bạt-ma (Samyhavamla) : Ngài ở nước Khương Cư, lúc nhỏ đi chân qua bãi sa mạc đến kinh đô.
Khoảng năm Hiển Khánh (656 - 660) được sắc lệnh theo một sứ giả qua Tây phương đến Bồ-đề đạo tràng, được dự yến gần bên Kim Cang tòa (Vajrâsana). Sau trở về Trung Quốc được chỉ dụ qua Giao Chỉ tìm các bảo vật. Lúc này Giao Chỉ đương bị nạn mất mùa đói kém, ngài bèn hợp sức cùng quan địa phương ngày nào cũng phát chẩn cho dân, nhưng không thể chu cấp hết được; ngài động lòng từ bi thường rơi lệ chan chứa. Dân bản xứ bấy giờ gọi ngài là “vị Bồ-tát hay khóc”. Ngài thọ được 69 tuổi.
III. Đoàn thứ ba :
1. Vân Kỳ Thiền sư : Ngài ở Giao Châu, thường đi du lịch với ngài Đàm Nhuận, thông hiểu chữ Phạn, có trú ở Thất Lợi Phật-xá. Ngài thọ chừng 30 tuổi.
2. Mộc-xoa Đề-bà : Ngài cũng người Giao Châu, không rõ tên thật là gì, đã từng vượt Nam hải đi khắp các xứ Khi đến Bồ-đề đạo tràng ngài cúng dường Xá lợi Phật rồi tịch, thọ được 25 tuổi.
3. Khuy Xung Pháp sư : Ngài cũng ở Giao Châu, đệ tử của ngài Minh Viễn, tên chữ Phạn là Chất-đát- la-đề-bà (Citra-deva). Cùng ngài Minh Viễn đi đường biển tới đảo Tích Lan rồi qua Tây ấn gặp ngài Huyền Chiếu, lại qua Trung ấn. Ngài bẩm tính thông minh và bặt thiệp, hiểu hết các kinh điểm chữ Phạn. Khi đến thành Vương-xá (Kucâgârapuca), sau khi tham yết Bồ-đề-thọ, ngài lâm bịnh và tịch trong vườn Trúc Lâm, thọ 30 tuổi.
4. Huệ Diệm Pháp sư : Ngài cũng ở Giao Châu, đệ tử của ngài Vô Hành đi qua Tích Lan rồi trú luôn ở đó, ngài tịch vào năm nào không rõ.
5. Trí Hành Thiền sư : Ngài ở Ái Châu, tên chữ Phạn là Bát-nhã-đề-bà (Prajnâ-deva). Ngài qua Trung ấn và hành hóa khắp nơi. Khi đến Bắc-kinh-già (Ganga), ngài nghỉ luôn ở chùa Tín Già và tịch ở đó, thọ 50 tuổi.
6. Đại Thặng Đăng Thiền sư: Ngài cũng ở Ái Châu, tên chữ Phạn là Ma-ha-gia-na Bát-địa-dĩ-ba (Mahâyâna - Pradipa). Lúc nhỏ ngài đi theo cha mẹ qua xứ Đỗ-hòa la-bát-để (Dvâravati). Sau được đi theo sứ giả là Diện Tự về kinh đô Trung Quốc, thọ giới với ngài Đường Huyền Trang. Ngài thông hiểu nhiều kinh điển, quyết chí đến Bồ-đề đạo tràng tham lễ, nên muốn vượt bể qua Thiên Trúc. Ngài qua Tích Lan, qua Đông ấn, Nam ấn rồi nghỉ ở xứ Đam-ma- lập-để (Tamralipti) mười hai năm; nhơn thế mà ngài được thông hiểu tiếng Phạn. Ngài có thích nghĩa bộ Duyên sanh luận (Nidânacastra) và nhiều kinh khác. Rồi ngài cùng đi với ngài Nghĩa Tịnh đến Trung Ấn thăm chùa Na Lan Đà (Nalandâ) rồi đến viếng Kim Cang tọa và trở về Tỳ-xá-lỵ (Vaicâly), sau lại qua nước Cu-chi với ngài Vô Hành. Sau ngài tịch ở chùa Bát Niết-bàn (Parinirvâna), thọ 60 tuổi.
Xem như vậy ta thấy Phật giáo ở Việt Nam về đời Bắc thuộc này có thể gọi là thịnh. Trong xứ đã nhiều Pháp sư Trung Hoa và Ấn Độ qua lại giáo hóa, nên ta mới có nhiều ngài ngộ đạo và chịu khổ đến tìm tận nơi Phật địa để tầm đạo như vậy. Nước ta về thời ấy làm trung gian cho Trung Hoa và Ấn Độ lại có cái lợi này : Hồi ấy dân Chàm còn mạnh lại ở gần ta, họ lại dùng chữ Phạn làm văn tự và thông hiểu cả tiếng Da-va (Java), nên ta cũng có nhiều người giao thiệp với họ, cũng hiểu hai thứ chữ đó. Bởi thế, những người Trung Hoa qua Ấn Độ và người Ấn Độ qua Trung Hoa, khi tới Giao châu, thường tìm người nước ta làm thông ngôn hoặc cộng tác dịch kinh chữ Phạn. Như vậy ta không nên ngạc nhiên khi thấy nhiều kinh điển về bản cựu dịch hoặc tân dịch đều dịch lần đầu tại An-nam.
Tiếc thay hồi ấy ta chỉ có những nhà tầm đạo, ngộ đạo dịch kinh mà lại không có mấy ai có óc phát triển hoặc bổ luận trước tác để góp thêm sách vào kho kinh điển nhà Phật ở xứ mình.
Tuy nhiên, Phật giáo ở nước ta càng ngày càng được chính phủ đô hộ biệt đãi và chú ý. Dân tộc Trung Hoa từ ấy đã bớt cho người mình là một thứ mọi rợ man di nữa; đó cũng là nhờ ở mấy vị Cao Tăng. Xem trong sách Kiến văn lục của Quế Đường tiên sanh (Lê Quí Đôn) có trích được mấy bài thơ của mấy đại thi hào đời Đường, xướng họa với mấy vị Cao Tăng nước ta khi các ngài qua Trung Quốc thì đủ biết. Mấy bài này ở sách Loại hàm Anh ngữ của Trung Quốc cũng thấy chép.
1. Nhật Nam Tăng : chỉ biết ngài người quận Nhật Nam chớ không rõ tôn hiệu là chi. Khi ngài trú trì ở một ngôi chùa trong hang núi ở Trung Hoa, thi hào Trương Tịch đề tặng một bài thơ :
Sơn Trung tặng Nhật Nam Tăng
Độc hướng song phong lão,
Tùng môn bế lưỡng nhai.
Phiên kinh thượng tiêu diệp,
Quái nạp lạc đằng hoa
Thứu thạch tân khai tỉnh,
Xuyên lâm tự chủng ma.
Thời phùng Nam hải khách,
Man ngữ vấn thùy gia ?
Dịch:
Núi thẳm một mình ẩn,
Cửa tùng đôi cánh gài.
Lá chuối biên kinh cũ,
Bông mây rụng áo dài,
Lật đá khơi ngòi giếng,
Xoi rừng tỉa giống gai.
Khi gặp khách Nam Hải
Tiếng Mường biệt hỏi ai ?
2. Vô Ngại Thượng nhơn : Ngài tu ở chùa Sơn Tĩnh hạt Cửu Châu (Thanh hóa). Bấy giờ là thời vua Võ Hậu nhà Đường (685) có thi hào Trầm Thuyên Kỳ qua An-nam chơi, có đến yết kiến Thượng nhân, tự xưng làm đệ tử, sau có làm bài thơ lưu giản để tỏ lòng khen ngợi kính phục ngài :
Yết Cửu Châu Sơn Tỉnh Tự Vô Ngại Thượng Nhân
Đại sĩ sanh Thiên Trúc,
Phân thân hóa Nhật Nam
Nhơn trung xuất phiền não,
Sơn hạ tức Già-lam.
Tiểu giản hương vi sát,
Nguy phong thạch tác am.
Hầu thuyền thanh cốc nhũ,
Khuy giảng bạch viên tham.
Đằng ái vân gian bích
Hoa thê thạch hạ đàm.
Tuyền hành u cung hảo,
Lâm quài dục y kham.
Đệ tử ai vô thức,
Y vương tích vị đàm.
Siêu nhiên hỗ khê tịch,
Chích thọ hạ hư lam.
Dịch :
Phật xưa sinh ở Tây Thiên,
Mà nay xuất hiện ở miền Nhật Nam
Thoát vòng phiền não cõi phàm,
Thảnh thơi dưới núi Già-lam một toà.
Ngọn khe chóp núi lân la,
Hương là Cố sát, đá là thần am.
Chim xanh chực, vượn trắng dòm,
Sớm mai giảng kệ, chiều hôm tham thiền.
Mấy từng mây quấn đá chen,
Dây leo chân vách, hoa lên mặt đầm.
Thiên nhiên sẵn thú tuyền lâm,
Rừng phơi áo giặt suối dầm nước hương.
Phận hèn học kém đáng thương,
Tiếc vì chưa hiểu Y vương thế nào.
Hỗ khê một bữa may sao,
Dầu non đỗ xuống cây cao một cành.
3. Phụng Đình Pháp sư : Ngài sang Trung Quốc giảng kinh ở trong cung vua Đường, khi về có đại thi hào Dương Cự Nguyên tặng một bài thơ tiễn biệt :
Tống Phụng Đình Pháp sư qui An-nam
Cố hương Nam Việt ngoại,
Vạn lý bạch vân phong.
Kinh luận từ thiên khứ,
Hương hoa nhập hải phùng.
Lộ đào thanh phạm triệt,
Thần các hóa thành trùng.
Tâm đáo Trường An mạch,
Giao Châu hậu dạ chung.
Dịch :
Quê nhà trông cõi Việt,
Mây bạc tít mù xa.
Cửa trời vắng kinh kệ,
Mặt bể nổi hương hoa.
Sóng gợn cò im bóng,
Thành xây hết mấy tòa.
Trường An lòng quấn quít,
Giao Châu chuông đêm tà...
4. Duy Giám Pháp sư : Ngài cũng sang Trung Quốc giảng kinh trong cung vua Đường, ngài ở lâu năm, già mới về cố hương. Thi hào Cổ Đảo có bài thơ tiễn biệt :
Tống An-nam Duy Giám Pháp sư :
Giảng kinh xuân điện lý,
Hoa nhiễu ngự sàng phi.
Nam hải kỷ hồi quá,
Cựu sơn lâm lão qui.
Xúc phong hương tổn ấn,
Lộ vũ khánh sanh y.
Không thủy ký như bỉ,
Vãng lai tiêu tức hy.
Dịch :
Điện xuân giảng kinh luận,
Giường ngự vướng mùi hoa.
Bể nam quen lối cũ,
Non Việt viếng tuần già.
Án mòn khi gió táp,
Áo lấm lúc mưa sa.
Kìa kìa trời lẫn nước,
Tin tức biết bao xa.
Xem đó, ta lại biết thêm đại khái Phật giáo ở nước ta về thời thuộc Đường Tăng già An-nam mà được sang giảng kinh trong cung vua cũng là một sự hiếm có, mà bấy giờ bên Trung Quốc đời Đường Phật giáo đương hồi thạnh, hẳn không thiếu gì Cao Tăng, mà Tăng-già ta dự vào việc giảng kinh, kể cũng là một điều chứng nhận vẻ vang cho lịch sử Phật giáo Việt Nam vậy.
Ấy là trong thời kỳ thuộc nhà Đường, nước ta bị sống dưới cái chính thể cay nghiệt quá, nên trong nước thường có những cuộc khởi nghĩa hoặc như nước ngoài quấy nhiễu, như năm Khai Nguyên thứ 10 (722) có Mai Hắc Đế khởi nghĩa ở Hoan Châu (Nghệ An), năm Đinh Vị niên hiệu Đại lịch thứ 2 đời Đường Đại Tôn (767), quân Côn Lôn và quân Đồ Bà ngoài đảo vào cướp phá; năm Tân Vị (791) có Bố Cái Đại vương khởi nghĩa ở quận Đường Lâm (Sơn Tây) rồi lại giặc Nam Chiếu quấy nhiễu hàng mười năm trời, dân tình rất là rối loạn khổ sở.
Trong khoảng mấy trăm năm trời, dân ta sống điêu đứng dưới chánh phủ đô hộ, chế độ hà khắc mà Phật giáo sử có những giai đoạn ấy, thật cũng vẻ vang! Vả đồng thời Nho giáo và Lão giáo cũng được mở mang nhiều.
Lại trong đời thuộc Đường ấy, ngài Vô Ngôn Thông đã qua truyền đạo ở ta mà lập thành phái Thiền tôn thứ hai.
Phái Vô Ngôn Thông
Đời vua Đức Tôn nhà Đường (780 - 836) quan Tể tướng là Quyền Đức Dư có để bài tựa trong cuốn Truyền pháp lục, có viết một đoạn : "Sau khi tổ Tào khê[5] tịch rồi, Thiền tôn thạnh hành, ở đâu cũng có tôn phái truyền thống. ở Giao Châu thì có Vô Ngôn Thông đạo sĩ đem tôn chỉ của Bách Trượng Thiền sư mà khai ngộ cho dân chúng.
Nói đến Vô Ngôn Thông tức là nói đến Sơ tổ của phái Thiền tôn thứ hai ở ta. Ngài họ Trịnh, quê ở Quảng Châu, lúc nhỏ đã mộ đạo không thiết gì đến gia sản, rồi xuất gia tu học ở chùa Song Lâm đất Vũ Châu (Chiết Giang bây giờ). Tính ngài điềm đạm ít nói, nhưng sự lý gì cũng thông hiểu, nên người ta mới đặt danh hiệu cho ngài là Vô Ngôn Thông.
Một hôm ngài đang lễ Phật thì gặp một vị Thiền sư đến điểm hóa cho ngài, rồi đưa ngài đi tìm Mã Tổ mà tham học. Nhưng mới tới Giang Tây đã nghe tin Mã Tổ[6] tịch rồi, hai ngài liền đưa nhau đến bái yết Bách Trượng Thiền sư (đệ tử của Mã Tổ) xin học.
Bấy giờ có một vị Tăng trong lớp học, hỏi Bách Trượng Thiền sư rằng :
Thế nào là pháp môn đốn ngộ của phái Đại thừa?
Bách Trượng Thiền sư dạy rằng :
Tâm địa nhược thông, huệ nhật tự chiếu
(Nếu tâm địa được thông thì mặt trời trí huệ tự nhiên chiếu sáng).
Nghe được câu ấy, ngài Vô Ngôn Thông tự nhiên ngộ đạo. Rồi ngài về Quảng Châu Trú trì ở chùa An Hòa. Năm Canh Tý niên hiệu Nguyên Hòa thứ 15 đời nhà Đường (829), ngài qua An-nam trú ở chùa Kiến Sơ làng Phù Đổng (Bắc Ninh), trọn ngày ngồi xây mặt vào vách mà thiền định. Như thế đã mấy năm mà không ai biết; duy có một vị sư ở chùa đó là Cảm Thành Thiền sư, biết ngài là bậc Cao Tăng đắc đạo trong phái Thiền tôn thì đem lòng kính trọng và thờ làm thầy.
Một hôm không bệnh tật gì, ngài đòi tắm rửa rồi tịch. Bấy giờ là niên hiệu Bảo Lịch đời nhà Đường.
Truớc khi tịch ngài gọi Cảm Thành Thiền sư đến bảo rằng : "Ngày xưa Tổ sư là ngài Nam Nhạc, khi sắp tịch có dặn lại mấy lời rằng :
“Nhất thiết chư pháp, giai tùng tâm sanh.
Tâm vô sở sanh, pháp vô sở trú.
Nhược đạt tâm địa, sở trú vô ngại.
Phi ngộ thượng căn, thận vật khinh hứa”.
(Nghĩa là : Hết thảy các pháp, đều tự tâm sanh; tâm nếu không sanh pháp không chỗ trú; nếu hiểu được tâm địa ấy, thì làm việc gì cũng không trở ngại. Cái tâm pháp ấy, nếu không gặp được bậc thượng căn, thì chớ nên truyền bậy). Nay ta cũng dặn lại người câu ấy.”
Nói xong, ngài chấp tay lại mà tịch. Cảm Thành Thiền sư rước ngài lên hỏa đàn, rồi thâu hài cốt ngài mà xây Tháp thờ ở núi Tiên Du.
Thế là từ đời Sơ Tổ Tì Ni Đa Lưu Chi sang truyền thống Thiền Tôn ở Giao Châu (580) đến thời này (820) cách hơn 200 năm, ta lại có một Sơ Tổ truyền phái Thiền Tôn thứ hai nữa.
Giòng Vô Ngôn Thông xuống được 15 đời, biết được danh hiệu và sự tích cọng là 40 người. Đến đời cư sĩ Ứng Thuận là cuối cùng (1221) .
Cảm Thành Thiền sư : Đệ tử của ngài Vô Ngôn Thông; được ngài truyền tâm ấn và cho pháp hiệu là Cảm Thành. Thiền sư quê ở huyện Tiên Du (Bắc Ninh), không rõ họ là gì, chỉ biết lúc xuất gia lấy đạo hiệu là Lập Đức. Nguyên trước ngài có Trú trì ở một ngôi chùa trên núi Tiên Du, sau có người hào phú họ Nguyễn ở làng Phù Đổng mến phục đạo đức ngài, tình nguyện đem gia trạch cúng làm ngôi chùa, rước ngài về ở, tức là chùa Kiến Sơ ở làng Phù Đổng bây giờ .
Ngài ở đó chưa được bao lâu thì Vô Ngôn Thông Thiền sư vân du qua đó, thấy ngài có tư cách đủ truyền đạo thống thì ở lại. Ngài biết Thiền sư là bậc đắc đạo, nên rất thành kính thờ làm thầy, mai hầu tối chực, không hề biếng trễ, nên Thiền sư Vô Ngôn Thông đặt đạo hiệu lại cho ngài là Cảm Thành. Một hôm Thiền sư gọi ngài đến bảo rằng :
“Xưa đức Thế Tôn vì một nhơn duyên lớn mà xuất hiện ở đời, khi pháp duyên đã viên mãn, sắp vào cõi Niết-bàn, ngài đem chính pháp nhãn tạng và y bát truyền lại cho đức Ma-ha Ca-diếp là đệ tử của ngài, thành ra đức Ca-diếp là Tổ thứ nhất của chánh thống Thiền Tôn. Từ Tổ Ca-diếp truyền đến ngài Đạt-ma là đời thứ 28 ở Tây Thiên; ngài Đạt-ma vượt bỏ qua Đông độ, trải qua nguy hiểm mới truyền tâm pháp cho ngài Tăng Xáng[7] lần lần truyền xuống đến Lục tổ Huệ Năng. Từ Sơ tổ Đạt-ma đến Lục tổ Huệ Năng, trao truyền chánh pháp đều lấy y bát làm minh chứng. Vì lúc đầu phải có thế người ta mới biết mà tin. Về sau Phật pháp truyền bá đã rộng, mà y bát là một hiện tượng dễ sanh ra tranh đoan, nên ngài Lục Tổ không truyền y bát nữa mà chỉ truyền tâm pháp mà thôi.
Lãnh được tâm truyền của Lục Tổ là Nam Nhạc Thiền sư; Nam Nhạc Thiền sư truyền cho Mã Tổ Thiền sư; Mã Tổ Thiền sư truyền cho Bách Trượng Thiền sư. Bấy giờ ở Bắc phương Phật pháp thạnh hành đã lâu, nhiều người đã hiểu giáo pháp Đại thừa, nên ta mới qua Nam phương để tìm người mà truyền chánh pháp. May gặp ngươi ở đây cũng là bởi nhơn duyên định sẵn.”
Vậy ngươi hãy nghe lấy bài kệ này :
Chư phương hao hao,
Vọng tự huyên truyền;
Vị ngô thủy tổ,
Thân tự Tây Thiên
Truyền Pháp Nhãn tạng,
Mục vị chi thuyền.
Nhất hoa Ngũ diệp,
Chủng tử miên miên.
Tiềm phù mật ngữ,
Thiên vạn hữu duyên.
Hàm vị tâm tôn,
Thanh tịnh bản nhiên.
Tây Thiên thử độ,
Thử độ Tây Thiên.
Cổ kim nhật nguyệt,
Cổ kim sơn xuyên.
Xúc đồ thành trệ,
Phật tổ thành oan.
Sái chi hào ly,
Thất chí bách thiên.
Nhừ thiện quan sát,
Mạc khiêm nhi tôn.
Trục nhiêu vấn ngã,
Ngã bổn vô ngôn.
Dịch :
Các nơi đồn thổi,
Quấy phá huyên truyền;
Rằng Phật Tổ ta,
Gốc ở Tây Thiên
Truyền Pháp Nhãn tạng,
Gọi là đạo Thiền.
Một hoa Năm lá;
Hạt giống liên miên.
Một lời mầu nhiệm,
Duyên phước muôn nghìn,
Ấy là lâm tôn,
Yên lặng thản nhiên.
Tây Phương là đây,
Đây là Tây Phương.
Mặt trời mặt trăng,
Núi sông xưa nay,
Chậm đường là trệ,
Gặp Tổ thành oan.
Sai đi một mảy,
Lỗi đến trăm ngàn.
Người khéo xem xét,
Chớ để phàn nàn.
Ta không nói nữa,
Đừng còn hỏi han.
Cảm Thành Thiền sư nghe lời thầy dạy trong bài kệ thì hiểu thấu, cho là mầu nhiệm mà ngộ đạo ngay.
Sau có một vị Tăng hỏi ngài rằng:
- Thế nào là Phật ?
- Chỗ nào cũng là Phật cả.
- Thế nào là tâm của Phật ?
- Không hề che đậy chỗ nào.
Ấy - cái lối truyền thọ tâm pháp của phái Thiền tôn chỉ giản ước có thế mà bao hàm ý nghĩa vô cùng.
Đến năm Canh Thìn, niên hiệu Hàm Thông nguyên niên (860), Cảm Thành Thiền sư không bệnh mà tịch, truyền tâm pháp cho Thiện Hội Thiền sư.
Trong thời kỳ Cảm Thành Thiền sư truyền giáo, thì Phật giáo bên Trung Hoa bị “đệ tam võ ách”[8]
Ta ở xa tuy không bị ách vận ấy nhưng nước ta vốn thuộc nước Trung Hoa, nên Phật giáo thời ấy cũng bị ảnh hưởng mà đình trệ lại, không dám truyền bá mạnh.
Tuy nhiên, bề trong sự truyền bá vẫn ngấm ngầm. Vả trong thời ấy hẳn phải có nhiều Cao Tăng Ấn Độ hoặc Trung Hoa trốn sang cõi đất tuy nhỏ mà thái bình này để nối tiếp việc truyền đạo.
Thiện Hội Thiền sư : Ngài quê ở huyện Siêu Loại (Bắc Ninh bây giờ). Lúc nhỏ ngài học ở chùa Định Thiền trong làng, lớn lên mới xuất gia, thọ giới, tự hiệu là Tổ Phong, rồi đi vân du khắp mọi nơi để tìm thầy tham học. Khi đến chùa Kiến sơ được gặp Cảm Thành Thiền sư bèn xin ở lại học.
Ngài thờ Thiền sư hơn 10 năm mà không chán. Một hôm vào phòng hỏi thầy rằng :
- Trong kinh Phật có nói : Đức Thích-ca Như Lai từng tu hành trải vô số kiếp mới thành Phật, thế mà nay thầy dạy rằng : “Tâm tức là Phật, Phật tức là tâm” là nghĩa làm sao ? Thật đệ tử không hiểu, xin thầy dạy rõ cho.
Cảm Thành Thiền sư nói :
- Người bảo trong kinh Phật nói thế là ai nói đó ?
- Vậy lời ấy không phải là Phật thuyết ư ?
- Lời ấy đâu phải là Phật thuyết. Kinh Văn Thù Phật có dạy : “Ta trú ở thế gian dạy chúng sinh 49 năm, chưa từng đặt ra một câu bằng văn tự để nói với ai bao giờ.” Vì theo chánh đạo, nếu lấy văn tự làm bằng chứng để cầu đạo, ấy là mê; lấy sự khổ hạnh để cầu Phật, ấy là mê; lìa tâm ra mà cầu Phật, ấy là ngoại đạo, mà cố chấp cái tâm ấy là Phật cũng lại là ma vậy.
- Nếu bảo tâm ấy tức là Phật, thì trong tâm ấy cái gì là Phật, cái gì là không phải Phật ?
- Ngày xưa có người hỏi Mã Tổ rằng : “Nếu bảo tâm ấy là Phật, thì trong tâm ấy cái gì là Phật ?” Mã Tổ trả lời rằng: “Thế ông ngờ tâm ấy cái gì không phải là Phật, ông chỉ vào đấy cho tôi xem”. Người ấy không nói gì. Mã Tổ lại tiếp : “Đạt được thì khắp mọi nơi chỗ nào cũng là Phật, mà không đạt được thì cứ sai lầm đi mãi mãi”. Thế là chỉ vì một lời nói nó che đi mà thành ra sai lầm đó thôi. Người đã hiểu chưa ?
- Nếu vậy, đệ tử hiểu rồi.
Người hiểu thế nào ?
- Đệ tử hiểu rằng khắp hết mọi nơi chỗ nào cũng là tâm Phật cả.
Nói thế rồi ngài sụp xuống lạy. Cảm Thành Thiền sư nói :
- Thế là người hiểu tới nơi rồi đó.
Cảm Thành Thiền sư mới đặt tên cho ngài là Thiện Hội, nghĩa là khéo hiểu. Ngài ngộ đạo rồi lại về Trú trì ở chùa Định Thuyền. Sau ngài tịch ở chùa ấy vào năm Canh Thân, niên hiệu Quang Hóa nhà Đường (900), và truyền tâm pháp cho đệ tử là Vân Phong người huyện Từ Liêm, tức là đời thứ ba giòng Vô Ngôn Thông vậy.
*
Lúc này nội tình nước Trung Hoa thật là rối loạn. Nhà Đường từ vua Ý Tôn, Hy Tôn đến Chiêu Tôn, chính trị suy đồi, nên các triều quan hoành hành quá đỗi. Rồi Chu Toàn Trung giết vua mà tự lập. Trong khoảng hơn 50 năm triều đại thay đổi luôn luôn. Các thà nổi lên thay nhau làm vua là Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tần, Hậu Hán, Hậu Chu gọi là đời Ngũ Đại hay Ngũ Quý.
Nước ta vì vậy chính trị cũng có chiều thay đổi. Năm 906 có Khúc Thừa Dụ sang làm Tiết Độ sứ ở Giao Châu mà ở Quảng Châu (Quảng Đông, Quảng Tây bây giờ) thì Lưu Ẩn được nhà Hậu Lương phong cử cho làm Nam Bình Vương ra trấn ở đó kiêm chức Tiết Độ sứ, có ý để lấy lại Giao Châu cho nhà Lương. Năm sau Thừa Dụ chết, giao quyền cho con là Khúc Hạo. Khúc Hạo lên làm Tiết Độ sứ Giao Châu, có con là Khúc Thừa Mỹ sang sứ Quảng Châu, tiếng là kết hiếu, nhưng cốt để do thám.
Lưu Ấn ở Quảng Châu, đóng phủ trị ở Phiên Nhung, được bốn năm thì mất, em là Lưu Cung lên thay. Nhân có việc bất bình với Hậu Lương, Lưu Cung tự xưng đế lấy Quốc hiệu Đại Việt, sau đổi là Nam Hán.
Năm 917 Khúc Thừa Mỹ lên thay cha, không chịu thần phục nhà Nam Hán. Lưu Ấn liền sai tướng sang đánh, bắt được Thừa Mỹ, rồi sai Lý Tiến sang làm Thứ Sử cùng Lý Khắc Chính cùng giữ Giao Châu. Năm Tân Mão (931) tướng cũ của Khúc Hạo là Dương Diên Nghệ nổi lên, mộ quân đánh đuổi bọn Lý Tiến, rồi tự xưng làm Tiết Độ sứ.
Được sáu năm, Dương Diên Nghệ lại bị gia tướng là Kiều Công Tiễn giết đi mà cướp quyền.
Khi ấy có tướng của Dương Diên Nghệ là Ngô Quyền, người Phong Châu (Sơn Tây), nổi lên đánh Kiều Công Tiễn. Kiều thua về cầu cứu quân Nam Hán. Quân Nam Hán sang cũng bị thua và từ đó, quân Trung Hoa không dám sang Giao Châu quấy nhiễu nữa.
Ngô Quyền xưng vương, giải được cái ách vận hơn nghìn năm nước ta bị nô lệ và mở đường tự lập cho những nhà Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê về sau này.
Về Phật giáo ở nước ta lúc ấy cố nhiên là phải đình trệ, tuy sự truyền thống của hai giòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông vẫn lưu hành.
Trong thời Tiền Ngô Vương (939 - 944) ở ta, bên Trung Hoa vào niên hiệu Hiển Đức nhà Hậu Chu (955), Phật giáo lại bị đại ách, đó là “Nhất tôn chi ách”[9] vậy.
Phật giáo ở Trung Hoa tưởng đến tuyệt đích, nhưng không có ảnh hưởng gì đến Phật giáo ở nước ta.
Khi Trung Hoa bước sang nhà Tống thì nước ta cũng dần dần bước sang nhà Đinh.
CHÚ THÍCH
[1] Đúng lúc Phật giáo ở Trung Hoa bị Võ ách lần thứ hai. Võ Đế nhà Bắc Chu Trung Hoa phá Phật giáo (xem lại Phật giáo ở Trung Quốc)
[2] Xem bảng A
[3] Xem bảng B
[4] La Bouddhisme en Annam, trang 31.
[5] xem bản đồ A.
[6] Xem băn đồ A.
[7] Xem bảng A
[8] Xem lại đoạn Phật giáo ở Trung Quốc
[9] Xem lại đoạn Phật giáo Trung Quốc ở trên
Gửi ý kiến của bạn