Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 3: Những chủ đề chung trong A-Hàm ( phần 1)

25/04/201311:46(Xem: 10059)
Chương 3: Những chủ đề chung trong A-Hàm ( phần 1)
A-Hàm - Mưa Pháp Chuyển Hóa Phiền Não


Chương 3: Những Chủ Đề Chung Trong A-Hàm (phần 1)

Ni sư Thích Nữ Giới Hương
Nguồn: Ni sư Thích Nữ Giới Hương


BA KHỔ, BA THỌ

Như kinh Đại Duyên Phương Tiện (Trường A Hàm, số 13), Kinh Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc (Trung A Hàm, Phẩm 17, số 210) và nhiều kinh khác trong A-hàm, Đức Phật dạy có ba thọ là có ba khổ.

Khổ khổ: Thân là có khổ, khổ vì già, vì bịnh, vì chết. Bây giờ sáu căn đối với sáu trần, con mắt chúng ta lại còn mua thêm những chuyện khổ khác vào thân; rồi cái tai lại nghe các chuyện thị phi để vơ thêm khổ vào thân. Chúng ta có thói quen cứ mua một trăm thứ để tự làm khổ lấy mình nữa, rồi cứ than rằng ‘Tôi khổ quá!’ Khi nghe như thế thì Đức Phật bảo là ‘khổ khổ’ (có hai cái khổ: khổ của thân và khổ bên ngoài chồng lên nhau). Có gói quà đó rồi ai lấy cắp mất, nhưng mình còn bực tức, thèm muốn gói quà đó nữa mà nó lại không có. Chúng ta đi tìm kiếm để làm sao cho có được gói quà ấy để thỏa mãn điều mà chúng ưa thích say mê. Hoặc ví như bà mẹ sinh ra được một đứa con thì bà mừng quá, cho nó là thật của mình. Mỗi năm làm tiệc sinh nhật để mừng, không dè nửa chừng nó bịnh, chết và phải đem chôn. Thế thì sự mừng ấy là gốc của sự khổ. Thân đã khổ lại chồng thêm sự khổ khác bên ngoài của đứa con đem đến hay sự mất mát bên ngoài đem đến nên là khổ khổ.

Hoại khổ: Chúng ta nói buổi tiệc văn nghệ vui quá! nhưng Phật bảo là hoại khổ bởi vì niềm vui sẽ phôi phai. Sự buồn khổ xuất hiện ngay khi tiệc vui vừa dứt hay khi gói quà quý giá biến mất. Sáu căn cả ngày tìm đòi sự ưa thích trong khi cái thân đã khổ mà lại còn có những cái khổ bên ngoài chồng chất vì mất niềm vui, cho nên Đức Phật gọi là hoại khổ vì chúng ta mong muốn có niềm vui ấy mãi mà không có nữa nên sự khổ xuất hiện.

Hành khổ: Khi chúng ta đứng ở cửa sổ và ngó ra ngoài bầu trời, thấy phong cảnh cây cối bên ngoài, chúng ta cảm thấy không bận lòng gì cả, không khổ cũng không vui, Đức Phật bảo cảm giác đó là hành khổ, tức là si thọ. Hành là đang đi về sự khổ, vì là si nên vẫn cứ tưởng thân mình là thật, cảnh là thật, chứ không biết thân này là đống đất đứng đấy thôi, cảnh cũng chỉ là bóng ảnh của nhãn thức vô thường sanh diệt. Tất cả chỉ là tuần nghiệp giả hiện, chứ không thật. Chúng ta ăn quả ổi thấy ngọt ngon nên thích lắm. Thế là khởi lạc thọ nhưng nếu chúng ta quan sát thấy quả ổi và cây ổi là cái gì? là đất. Chúng ta quăng quả ổi xuống đất một thời gian thì hạt ổi mọc rễ bởi nó là đất. Tương lai cây ổi già chết thì nó cũng tan ra thành đất, trong ổi có nước nên ổi mềm và vắt ra sẽ có nước mật ổi, tức là có nước. Trong đó có màu xanh, màu đỏ là ruột ổi, là do ánh sáng mặt trời chiếu vào cho nên nó có hơi ấm và cấu tạo với những chất của ổi tạo thành những màu hồng hồng như thế. Mặt trời tức là hơi ấm là lửa. Rồi có gió, không khí để ổi hít thở và nhả khí oxy nên chung quy ổi cũng là đất nước gió lửa, chứ nó không phải là quả ổi thật. Bây giờ chúng ta đứng dựa cửa sổ, nhìn vào cảnh bình thường, chúng ta vẫn cho cây ổi là cây ổi, cây quít là có thật cây quít. Chúng ta đang đứng đây thì vẫn thấy là mình đang bình an đứng nhìn đây. Như thế là chúng ta đang huân tập sự ngu si vì cho những cái hư vọng là thật. Do cho hành khổ là thật, chứng tỏ chúng ta mê muội nên chúng ta sẽ đi về cảnh khổ, vận hành của khổ, cho nên Phật gọi là hành khổ.

Vì sao khi chúng ta cảm giác không khổ, không vui thì Đức Phật bảo đây là hành khổ? Hành nghĩa vận hành, là đang đi dần đến sự khổ. Vì cho có thân chúng ta, có quyển sách và có việc đang viết sách là thật. Như thế gọi là si thọ và si thọ này đang đưa chúng ta đến cái khổ, bởi lẽ do chúng ta không chịu tỉnh ra, không chịu tu các pháp quán để mở trí tuệ. Giờ phút này huân tập sự ngu, chốc nữa lại ngu, cứ như thế vun trồng sự ngu si mà đã ngu si thì sẽ đi về đường khổ, làm sao làm thánh, làm hiền, làm Phật tổ được. Thế cho nên gọi là hành khổ nghĩa là mình đang đi đến cái khổ đấy và bởi vì chúng ta cứ huân tập cái ngu si ấy. Thân đã khổ lại còn ngu si lãnh thọ. Đã ngu si thì kết quả không có bao giờ tốt cả. Người mà hằng ngày huân tập cái ngu si, không chịu quán sát để tỉnh ra thì cứ đi dần về đường mê, đường khổ.

Trong A-hàm, Đức Phật dạy muốn cho chánh pháp tăng trưởng, những ai là đệ tử của Phật thì phải tập thắp đuốc lên mà đi, nghĩa là phải khai mở trí tuệ của mình ra, phải tu các pháp quán, chuyên cần mà quan sát, để diệt trừ những tham ưu, khổ não trên đời. Tập quán như thế thì mới là đệ tử Phật. Nếu mà không quán thì không nhận là đệ tử của Đức Phật.

BA MINH VÀ CHÍN ĐỊNH

Kinh Tam Minh (Trường A Hàm, số 26), Kinh Sa Môn Quả (Trường A Hàm, số 27), Đức Phật giảng về Ba minh như sau:

Tri là biết và kiến là thấy. Người có tri kiến là người thấy biết đầy đủ, người có trí tuệ, là bậc tối thượng, siêu vượt hết cả mọi người. Bậc tối thượng là bậc được lậu tận trí, sạch hết những lầm mê, rửa sạch tâm mình. Lậu là khiến phải đọa lạc, rơi rớt. Có trí tuệ là chúng ta đã rửa sạch những lầm mê để không phải đọa lạc nữa. Muốn có trí tuệ, chúng ta phải tu định tâm. Đó là mục đích đệ nhất của A-hàm. Đức Phật khuyên chúng ta không phơi bày những sự tài giỏi của thần thông, những khổ hạnh hành xác để mọi người thấy lạ rồi người ta khen là tài giỏi, rồi người ta cúng dường. Đây không phải là mục đích, không phải là trí tuệ.

Tại sao muốn có trí tuệ phải tu định tâm? Bởi vì bản chất của chúng ta là giác tỉnh, là trí tuệ, chỉ vì mê muội theo đường sanh tử nhận đất nước gió lửa này là thân mình. Rồi từ đấy cứ huân tập mãi những tham, giận, sân, si, mạn, nghi, tà kiến. Chúng ta còn ham thích đi chơi, còn ghen ghét ganh tỵ, còn tranh hơn tranh thua; những loại tâm này sẽ đưa chúng ta đi vào bào thai nên gọi là lậu. Bây giờ có trí tuệ làm cho tâm mình sạch những phiền não, buông lung phóng túng ấy đi, biết chúng là hư vọng. Những lúc chúng ta bực bội tức tối thì đừng nhận những tức tối bực bội là mình, biết đây là cái đọa lạc. Chúng ta phải khởi trí tuệ soi những cái ấy làm cho chúng tan sạch đi. Các thứ hư vọng huân tập mãi từ vô thủy đến nay, rồi mê cứ đi mãi trên đường mê, cho nên bây giờ cần an định tinh thần.

Chúng ta vâng lời Đức Phật dạy phải ở nơi thanh vắng, an định tinh thần. Cần phải an ổn trí tuệ, an định tinh thần bởi vì mục đích của Phật là đem ánh sáng trí tuệ soi lại mình, để gột rửa những lầm mê từ vô thủy đến giờ của chúng ta. Đạo Phật khác đường lối của những nhà ngoại đạo. Các ngoại đạo lõa thể thì sống trần truồng và nằm trên những đống gai để gai châm mình, đứng một chân giữa trời trưa nắng, ngày ăn một hạt mè, để cho thiên hạ ca ngợi khen mình. Đây vẫn là những cái chạy theo hư danh, cầu bên ngoài. Cho nên Đức Phật khuyên chúng ta ở chỗ vắng, an định tinh thần, nhìn lại mình và lọc cho sạch những gì có thể lôi mình đi vào đường đọa lạc. Vâng lời Phật và làm những việc mà Phật đã dạy. Có nhiều vị nguyện ở trên núi chuyên tu cho đến lúc chết rủ, chết rục thì thôi. Quyết tâm tu an định ở chỗ vắng là điều quý, nhưng phải có pháp của Phật, phải học Phật pháp, rồi phải thực hiện những gì đã học. Vậy điều quan trọng là có pháp của Đức Phật, chứ không phải cứ ở chỗ vắng mà thành Phật được, chứ không phải ở núi rừng tu rục gọi là tu theo đạo Phật thì không phải, phải có Phật pháp hướng dẫn.

Đừng cầu danh, đừng cầu lợi. Đừng chạy ra bên ngoài mà cầu. Hãy quay trở về mình, rồi cứ theo phương pháp của Đức Phật dạy để loại trừ tham sân thì sự ngu mê dần dần tan đi. Như thế, an định cho đến ngày lậu tận, chứng được tam minh.

Minh là sáng. Muốn tuệ sáng thì tâm phải an định. Định mà không tuệ là si định. Định mà sáng suốt nên gọi là tuệ định. Ví là ngọn đèn, nhưng ngọn đèn không có tí gió và tí lay động nào hết, nên đèn tỏa ánh sáng rất xa. Còn đèn mà trước gió loạn động thổi phía này, phía kia thì ánh sáng cũng nhảy múa không sáng. Tâm chúng ta cũng thế cũng sáng biết hết sự việc này đến sự việc kia, tâm biến hóa suốt ngày theo sáu trần như ngọn đèn treo trước gió. Khi gió thổi lung lay như vậy thì đèn không đủ sức sáng của nó. Phải định yên thì mới sáng. Cũng thế như tấm vải trắng, nếu có vết nhơ thì không gọi là trắng mà sạch hết vết bẩn thì gọi là trắng tinh.

Vị tỳ kheo phải luyện tâm tới trình độ định tuệ cân phân, cả hai thứ cùng hoàn mãn cả. Với định tuệ như thế thì vị ấy tu các thánh pháp dễ lắm và mới nói chuyện tu được các pháp của Đức Phật, còn tâm của chúng ta vừa không có định và không có tuệ. Cho nên chúng ta phải bắt chước các bậc thánh và phải tu cho đến trình độ này. Thanh tịnh phải cho tới định tuệ như thế này, như ngọn đèn đứng gió hay như tấm vải trắng không còn vết nhơ. Tâm của vị này không vướng mắc một cái gì, vui buồn thị phi, hoàn toàn không bận lòng mà đạt được một sự khinh an và hỷ lạc của an định. Đây là thứ vui vi diệu của tâm định tuệ. Phải biết niềm vui này là vui lắm và vui cùng cực, chứ không phải cái vui bình thường hàng ngày như chúng ta. Tuy có được niềm vui ấy, nhưng các bậc thánh vẫn không tự cao, không vướng mắc chấp thủ, không bận lòng, không lay động nên đèn tuệ càng sáng và tấm vải càng trắng.

Đạt tới tứ định, tứ thiền (sơ, nhị, tam, tứ thiền) và nếu vị tỳ kheo còn tiến nữa lên tới chín lớp định (Sơ, nhị, tam, tứ thiền, Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô xở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ và Diệt thọ tưởng định); định thứ chín là Diệt thọ tưởng định thì mới hoàn toàn tiêu tham sân si. Tỳ kheo xả mừng vui, diệt ưu khổ thì như tấm lụa trắng trùm chúng ta từ đầu đến chân, thấy toàn là lụa trắng cả. Nhìn vào thấy toàn là một khối trắng xóa, không có vướng một chút màu khác lẫn vào. Màu trắng đây là toàn định ví cho tâm thanh tịnh hoàn toàn không có vướng hay le lói một tâm niệm xấu nào len vào cả, dù chỉ gợn một chút nhơ cũng không có.

Đèn là ví cho tuệ mà tuệ ở trong định. Một sự tĩnh lặng hoàn toàn. Đây là sự định hoàn toàn ở nơi thanh vắng mà có. Chúng ta thấy hầu hết ở cuối mỗi bài kinh A-hàm là Đức Phật đều khuyên ở chỗ thanh vắng mà tìm sự vui trong tâm định tuệ của mình. Đây là tâm hoàn toàn sáng suốt. Đừng ham những sự vui hảo huyền bên ngoài mà hãy trở về tìm niềm vui bên trong của mình. Đây mới thật là niềm vui mà các bậc thánh hiền thường khen ngợi.

Chúng ta thì tưởng phải đợi ai cho chúng ta một tiếng khen, đi ăn mày một tiếng khen thì chúng ta mới được an vui hoặc ai cho mình nhiều quà cáp hay tiền bạc thì mình mới vui. Ở đây, nhiều lần Đức Phật nhắc phải buông những thứ ấy, nghĩa là chúng ta phải trở về với mình. Trở về mình thì sẽ có những niềm vui chân thật tức chuẩn bị để bước lên làm hiền làm thánh.

Tỳ kheo nương vào lực của chín định này thì đạt được ba minh. Minh là sáng suốt. Vị ấy được ba cái sáng suốt là: Thiên nhãn minh (có thể thấy được thông suốt), lậu tận minh (không còn rơi xuống cõi sanh tử nữa) và túc mạng minh (có thể biết rõ kiếp trước).

1)Thiên nhãn minh là được mắt sáng thấy rõ trên từ khắp 33 cõi trời, thấu xuống thập phương địa ngục thấy người làm ác thì sẽ đi về đường khổ của địa ngục, ngạ quỷ, bàng sanh; người làm thiện thì sẽ lên cõi trời, cõi người. Vị này trông thấy đường đi của thiện và ác rõ ràng như vậy. Còn chúng ta bây giờ mờ mịt bị sắc ngăn che, chỉ thấy tường vách. Chúng ta bị mê nên mới nghe pháp ngày hôm qua, hôm kia thôi thì hôm nay là đã quên rồi và cái thấy của chúng ta cũng chỉ giới hạn trong khuôn khổ của bốn vách tường, chứ không nhìn thấy xuyên suốt được. Còn đàng này, các bậc thánh sáng suốt thấy xuyên cả trên trời và địa ngục; thấy khắp tất cả, từ việc lớn đến việc nhỏ. Khả năng thấy được như thế thì biết vô minh của các ngài đã tan đi rất nhiều. Không phải các bậc thánh ước lượng suy đoán mà các ngài đã thấy nhân quả báo ứng rõ ràng như thế. Chẳng những Đức Phật mà ngay những vị chứng A-la-hán thì cũng có thiên nhãn như thế rồi. Cho nên các ngài nói sự thật chứ không phải chỉ để dọa cho chúng ta sợ. Hễ chúng ta còn ăn cắp thì còn làm con trâu kéo cày trả nợ. Mắt trời của các ngài trông thấy rõ như thế thì các ngài nói, cho nên gọi là minh, là sáng. Bởi vì hết vô minh rồi thì minh hiện, sáng hiện lên. Do sáng hiện lên thì con mắt sáng suốt thấy biết được các thứ trên trời đến địa ngục.

2) Lậu tận minh: lậu là rơi lọt xuống, tận là dứt hết, không còn nữa, minh là trí sáng. Lậu tận minh là có trí sáng trừ si ám nên không còn rơi lọt vào sanh tử nữa. Bây giờ chúng ta diệt những lậu tham sân si, tức là khi tâm mình khởi lên những ham thích tiền bạc, áo đẹp, đi chơi, thích được người ta khen thì biết ngay những cái này là đọa lạc, phải vội vàng mà trừ nó đi. Đừng có nhận tôi thích, tôi ưa, phải biết đó là những cái đưa mình đi vào bào thai tái sanh luân hồi. Hoặc khi có những khó chịu, bực tức khởi lên thì đừng nhận là ‘Tôi đang bực mình khó chịu’ mà biết đây là những hư vọng không phải tâm mình. Phải có trí tuệ đoạn cho hết những đọa lạc trong tâm mình.

Người chứng được lậu tận minh là người có trí tuệ thấy sanh nơi này và chết nơi kia. Như thấy mọi người đang ngồi đây kiếp sau sẽ đi về đâu, sẽ sanh lên các cõi trời, cõi người, a-tu-la hay đọa làm loài súc sanh, loài ma quỷ, địa ngục theo nghiệp của từng vị. Y theo từng người mà biết được sẽ sanh về đâu. Vị này được trí tuệ vô lậu. Vô là không, lậu là lọt xuống. Như rót nước thì nước chảy giọt, rơi lọt vào lòng của cái ly. Người hữu lậu tức là người còn bị đọa lạc, lọt vào vòng sanh tử, còn những bậc thánh lậu tận là có trí tuệ vô lậu thì vĩnh viễn không bị lọt vào đường sanh tử nữa.

3) Túc mạng minh: mạng là thân mạng, túc là quá khứ, nên túc mạng minh nghĩa là thấy biết rõ kiếp trước. Vị ấy biết được đời trước của mình là ai, tên họ là gì, thuộc gia đình nào, sinh sống bằng nghề gì, khổ vui, thọ mạng thế nào. Ví dụ kiếp trước vị ấy làm con bò ở Ấn Độ thì con bò hình dáng ra sao, sống ở đâu, ăn uống, khổ vui, làm việc cực nhọc và thọ mạng thế nào. Có kiếp chúng ta ở cõi người, có kiếp ở loài vật, ở cõi ma quỷ và nhiều cõi khác. Các bậc thánh hiền có túc mạng trí đều thấy hết và biết hết mỗi mỗi kiếp chúng ta ra làm sao, trôi nổi trong sáu cõi thế nào.

Chúng ta vì mê muội nên chun vào tử cung mẹ, uống máu nhơ bẩn trong bào thai, ra ngoài tử cung thì quên hết, quên những kiếp trước và ngay kiếp vừa rồi của mình, cũng quên sạch. Tu tập Tứ niệm xứ và giới định tuệ như trong A-hàm Đức Phật đã dạy thì chúng ta liền hết mê, tỉnh ra nhớ được quá khứ của mình tức là có được trí túc mạng minh biết nhiều kiếp trước của mình và người. Người trí tuệ là người không có nuôi những sự nhơ xấu trong tâm. Xuất gia là lìa bỏ gia đình tức là lìa bỏ tham sân si. Đến chùa giữ giới luật nhưng như thế vẫn chưa là giới hạnh đâu, phải có đủ bốn thiền, chín thiền mới thật là người giới hạnh. Dù chúng ta học giới luật tỳ kheo hay tỳ kheo ni, hay thập giới, ngũ giới của các Phật tử, dù là chói sáng thi-la (giới luật) của bậc xuất gia và tại gia đi nữa mà nếu chúng ta chưa tu được định sổ tức (hơi thở), quán Tứ niệm xứ để soi lại tâm mình, để thanh lọc cho tiêu từng tâm niệm tham sân si thì như thế chưa gọi là thiện, chưa gọi là lành.

Khi nào năm ấm của chúng ta không còn sắc chất của cõi dục giới nữa, da thịt xương hoàn toàn là người của sắc giới rồi thì khi ấy hy vọng chúng ta có thể có các trí này. Còn sắc chất của dục giới thì hãy còn là dục tham muốn thì chưa gọi là thanh tịnh, chưa hoàn toàn chuyển được năm ấm. Chúng ta phải tu quán hơi thở, quán Tứ niệm xứ soi lại, lọc cho sạch không còn những tham sân si hư vọng nữa, chế ngự được tham sân si, ngày nào chúng ta được lậu tận trí này thì chúng ta mới lọc sạch được dục chất, dục tâm của chúng.

Các ngài do tâm định, trí sáng nên được ba minh Thiên nhãn minh, Lậu tận minh và Túc mạng minh này. Chúng ta hễ chịu khó tu hành thì tương lai sẽ được ba minh như vậy, nhưng Đức Phật khuyên chúng ta đừng mong cầu những thần thông ba minh như vầy để khoe với mọi người là mình tài giỏi hơn người mà chỉ nên thẳng đường, chánh niệm chuyên tu cầu giải thoát giác ngộ, thoát luân hồi thôi. Trong đạo Phật có các vị sa-di tuy nhỏ mà đã có lực định và chứng thần thông.

Như có chuyện kể có một vị sa-di chứng quả Tư đà hoàn và người ta để ý vị sa-di này khi đi qua đàn kiến hay đi qua vũng nước có trùng thì chân liền nhấc bổng lên khỏi hư không khoảng 10 phân (1 tấc). Nếu vị sa-di này cuốc đất thì không bao giờ tổn thương đến thân mạng trùng kiến; kinh gọi là “Đạo lực nhậm vận ly ngộ sát” tức người ngộ đạo thì không bao giờ có việc ngộ sát tức lỡ sát hại. Nếu các ngài vô tình đến chỗ có đàn kiến thì tự nhiên chân nhấc bổng lên, không có dẫm vào chết một con kiến nào. Đây là điểm đầu tiên của bậc siêu phàm, các ngài không bao giờ ngộ sát. Các tỳ kheo 30 hạ cũng không dám ngồi trước hay đi trên những vị sa di chứng thần thông này dù là theo thứ tự hạ lạp thì chú sa-di nhỏ phải đi sau các thầy tỳ-kheo.

Một chuyện khác nữa là vua A-dục khi thâm nhập Phật pháp rồi lập nguyện đảnh lễ tất cả các vị xuất gia mà vua được diện kiến. Một hôm vào rừng vắng gặp một chú sa-di nhỏ đang kiếm củi. Vua chân thành cung kính đảnh lễ rồi dặn dò chú sa-di rằng: ‘Tôi lạy thầy vì tôi có cái nguyện đó, nhưng xin thầy đừng nói cho ai biết vì tôi là vua của thiên hạ mà lại đi lễ một người tầm thường thì trong triều đình nghe được sẽ can ngăn, không đồng ý’.

Thầy sa-di vui vẽ gật đầu và bước vào bình nước, rồi lại đi ra khỏi bình. Chú đi ra và vào bình nước như thế ba lần và chú dặn vua A-dục rằng: ‘Bệ hạ đã thấy tôi đi ra đi vào bình nước như thế thì thấy nhưng đừng có nói cho ai biết. Bởi vì những vị chứng quả thì không có bao giờ được phép khoe khoang. Nếu phô trương ra ngoài thì phạm giới, nên xin Bệ hạ đừng có nói cho ai biết’. Vua A-dục kinh ngạc không ngờ một chú sa-di trông bên ngoài tầm thường mà lại là một bậc thánh chứng thần thông như thế, nên vua càng lạy nhiều nữa và xin sám hối vì mắt phàm phu không thấy được những việc này.

Lại có chuyện kể các chú sa-di xuống sông tắm và nghịch đùa với nhau rất vui. Từ trên lầu cao, vua Ba-tư-nặc nói mĩa với Mạc-lợi Phu Nhân là: ‘Thầy của phu nhân đấy!’ vì hoàng hậu hay đi chùa và rất kính ngưỡng chư tăng. Bỗng các chú sa-di rủ nhau lên bờ đắp y áo chỉnh tề, ngồi kiết già và để bình bát trước mặt. Tự nhiên lúc đó các bình bát bay lên hư không xếp thành hàng như những bông hoa múa lượn rồi lại trở về chỗ cũ. Vua thấy như vậy hết dám khinh mạn, khởi tâm kính trọng và sám hối. Lúc ấy hoàng hậu Mạc Lợi thấy thế liền nói rằng “Bệ hạ thấy không, Thầy của tôi đấy”.

BA THỪA: NHÂN THỪA, THIÊN THỪA VÀ THANH VĂN THỪA

Chúng ta ngày xưa làm thân gì thì không rõ chỉ biết ngày nay vẫn y nguyên trong vòng sanh tử. Nếu không cố gắng thì làm sao thoát cái vòng lẩn quẩn vô lượng kiếp? Vòng hoặc nghiệp khổ này cứ mãi xoay tròn. Nay chúng ta học Phật mà vẫn chưa nắm vững được lối ra, sau này đến thời mạt pháp rồi thời diệt pháp thì làm sao chúng ta gặp Phật pháp. Các bậc thánh hiền học tới đâu, thực hành tới đó nên ngay đấy có kết quả. Còn chúng ta đói mà không ăn, trở thành bánh vẽ. Chúng ta học rất nhiều nào là Giới định tuệ, Tứ đế, Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, Tam minh, Ba thừa... như người lượm được sổ tài chánh của đại gia giàu có, thế nhưng mà chúng ta không có đồng bạc nào. Chúng ta vẫn khổ vì sanh già bịnh chết và vẫn nghèo nàn vì kém phước báo và trí tuệ.

Chúng sanh trong sáu đạo chỉ có cõi trời, cõi người là tạm đỡ khổ, có khả năng tu đạo xuất thế, còn các cõi khác là khổ, không có khả năng tu tập. Cho nên trong A-hàm, Đức Phật dạy có ba thừa: Nhân thừa dạy giữ năm giới để bảo vệ, trở lại thân người, biết tu tập để bước lên nấc thang xuất thế. Thiên thừa dạy thập thiện, bốn định, bốn vô lượng tâm để được lên cõi trời. Thanh văn thừa tu Tứ đế và Mười hai nhân duyên để giải thoát sanh tử.

BẢY ĐIỂM QUAN YẾU ĐỂ NGÔI TAM BẢO ĐƯỢC HƯNG LONG

Kinh Du Bộ (Trường A Hàm, số 2) tường thuật câu chuyện vua A-xà-thế, nước Ma Kiệt Đà muốn chinh phục nước Bạch-kỳ xây đại thành đến thỉnh ý Thế Tôn. Lúc đó, Đức Phật không có khuyên vua là nên chinh phục nước Bạch Kỳ hay không, bởi vì nếu Phật bảo vua đi chinh phục nghĩa là đánh lấy nước Bạch-kỳ thì sẽ gây nên cuộc chiến tranh thảm khốc, sẽ có bao nhiêu người dân vô tội bị chết, bao nhiêu sự tang thương đẫm máu, rồi lại sinh ra nhiều chuyện hận thù lẫn nhau không dứt. Còn nếu Phật bảo họ đừng đánh nhau thì chưa chắc vua quan triều đình sẽ chịu nghe theo. Thế cho nên, Đức Phật mới bảo các sứ thần của Vua A-xà-thế cứ ngồi yên đấy để nghe cuộc pháp đàm hay vấn đạo giữa Đức Phật với tôn giả A-nan thôi và khi nghe xong thì chính sứ thần và vua A-xà-thế là người quyết định cho việc xâm lăng này hay không? Cuộc pháp đàm như sau:

Đức Phật bèn hỏi tôn giả A-nan rằng, A-nan có nghe ở xứ Bạch Kỳ có bảy việc như sau:

1) “Ngươi có nghe dân nước Bạt-kỳ thường nhóm họp bàn những sự việc chân chánh không?”

A-nan đáp: “Con có nghe.”

Phật nói với A-nan: “Nếu được như thế, lớn nhỏ hòa thuận, nước đó lại càng thịnh vượng; nước ấy sẽ an ổn lâu dài, không thể xâm hại được.

2) “Này A-nan, ngươi có nghe người nước Bạt-kỳ vua tôi hòa thuận, trên dưới kính nhường nhau không?”

A-nan đáp: “Con có nghe.”

3) “Này A-nan, ngươi có nghe dân nước Bạt-kỳ thường tôn trọng pháp luật, hiểu điều cấm kỵ, chẳng trái lễ độ không?”

A-nan đáp: “Con có nghe.”

4) “Này A-nan! Ngươi có nghe dân nước Bạt-kỳ hiếu dưỡng cha mẹ, kính thuận sư trưởng không?”

A-nan đáp: “Con có nghe.”

5) “Này A-nan! Ngươi có nghe dân nước Bạt-kỳ thường tôn trọng tông miếu, kính nể quỉ thần không?”

A-nan đáp: “Con có nghe.”

6) “Này A-nan, ngươi có nghe dân nước Bạt-kỳ giữ gìn khuê môn trinh chính, thanh khiết, không bậy bạ, cho đến sự vui đùa, nói năng cũng không tà vạy không?”

A-nan đáp: “Con có nghe.”

7) “Này A-nan, ngươi có nghe dân nước Bạt-kỳ tôn thờ Sa-môn, kính người trì giới và thân cận ủng hộ chẳng biếng nhác không?”

A-nan đáp: “Con có nghe.”

“Này A-nan, nếu được như vậy thì nước đó càng thêm thịnh vượng và yên ổn lâu dài, không thể xâm hại được.”

Bấy giờ, Đại thần Vũ-xá liền bạch Phật: “Nhân dân nước kia nếu thi hành có một điều còn không mong gì thắng họ, huống nay họ đủ cả bảy điều. Vì việc nước quá bận, con xin từ tạ trở về.”

Qua cuộc vấn đáp Đức Phật cho thấy nước Bạch-kỳ có bảy điều như sau:

1) Về việc cai trị dân trong nước Bạch-kỳ, mỗi khi có việc gì thì cùng vua quan và dân trong nước cùng nhau bàn thảo với nhau chứ vua không có độc tài, các quan cũng không có quyền riêng mà những chính sách cai trị trong nước là có sự đồng ý chung của số đông tất cả mọi người dân.

2) Trong nước Bạch-kỳ, vua tôi hòa thuận trên kính dưới nhường.

3) Toàn thể dân chúng Bạch-kỳ biết lễ độ, tôn trọng và giữ gìn luật pháp của nước Bạch-kỳ.

4) Trong nước dân chúng được giáo dục chu đáo. Các con cái biết hiếu dưỡng với cha mẹ, kính thuận với các bậc sư trưởng.

5) Người dân rất tôn trọng các tôn giáo và tin tưởng trên thì có thánh hiền, dưới thì có quỷ thần cho nên họ biết kính trọng các đền miếu và chốn chùa chiền tôn nghiêm.

6) Các người nữ khuê môn trinh chính, nghiêm chỉnh thanh khiết, không có giỡn cười và thực hành các tà hạnh.

7) Người dân biết phụng thờ và ủng hộ chư tôn đức tăng ni xuất gia tu đạo.

Ấy là bảy tinh thần sống hòa hợp và biết trọng lễ nghĩa của dân nước Bạch-kỳ. Khi nghe đến đây, vị quan tham sứ được gởi đi sang nước Ma-kiệt-dà để hỏi ý kiến của Phật liền bạch Phật là nếu mà dân Bạch-kỳ chỉ có được một trong bảy tinh thần sống như trên thì người ta cũng là một nước văn minh hùng mạnh rồi, huống chi dân Bạch-kỳ có cả bảy điều ấy thì vua A-xà-thế khó đánh thắng được một nước có sức hòa hợp và tổ chức việc quốc sự tốt như thế. Vậy thì vua A-xà-thế nên rút lui chiến thuật chinh phục và không nên đem quân sang đánh nước Bạch Kỳ nữa. Nhân cơ hội này, Đức Phật mới dạy các tăng ni bổn phận phải học và phải thọ trì thực hiện bảy điểm này khiến ngôi Tam bảo (Phật, pháp, tăng) không bị tổn hoại ở thế gian. Nếu chư tôn đức tăng ni tu bảy điểm này thì ngôi Tam Bảo sẽ hưng thịnh và sẽ là nơi nương tựa của tất cả thế gian.

Ứng dụng bảy điều của người dân Bạch-kỳ như trên, đối với nhà chùa thì bảy tinh thần sống hòa hợp đó được thực hiện như sau:

1. Trên dưới, trẻ già hòa thuận và tôn trọng lẫn nhau

Trên thì có vị thầy hay sư cô trụ trì, rồi đến phó trụ trì, rồi đến các vị dưới thứ tự kế tiếp đều phải sống hòa thuận. Đức Phật dạy tất cả chúng ta trong cuộc sống hàng ngày phải có trên dưới trẻ già. Ai cũng có bổn phận đối với từng người mà phải hòa tôn trọng lẫn nhau để ngôi Tam Bảo được vững và được hưng thịnh ở thế gian. Trong gia đình cũng vậy phải có hòa thuận thì mới yên ổn hạnh phúc. Nếu trong một tập thể mất chữ thuận thì không còn chữ hòa, mà đã không hòa thì phải nát. Nếu đã nát, đã vỡ thì gia đình, tập thể Phật tử hộ pháp, tăng già chư tăng sẽ tan rã thì ngôi Tam Bảo không thể đứng yên. Thế cho nên mỗi người muốn cho ngôi Tam Bảo được hưng long thì phải dẹp mình đi, quên mình đi mà thuận hòa với mọi người, thuận chìu mọi người thì đoàn thể của chúng ta mới bình yên được. Đoàn thể của mình bình yên, tăng ni mà được bình an thì mới có người giảng dạy Phật Pháp rồi ngôi chùa mới có người trông nom thì thập phương Phật tử đến lễ chùa, người ta có việc gì cần nhờ giúp thì người ta mới có nơi nương tựa tinh thần.

i. Tam bảo là nơi nương tựa

Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) là nơi nương tựa duy nhất của thế gian để giải thoát mà nếu bây giờ nơi nương tựa duy nhất ấy lại tan vỡ, lại bất hòa thì làm sao mà thế gian có nơi nương tựa hoặc chúng hộ pháp mà tan vỡ, bất hòa thì làm sao hộ trì cho tăng già? Cho nên nếu có người cố ý phá sự hòa hợp trong tăng già thì tội mà phá chữ hòa nặng lắm. Chúng ta phải cẩn thận, luôn luôn tùy thuận trong huynh đệ, trong gia đình và tập thể của mình, phải dẹp mình lại. Chúng ta định làm một việc gì đó mà trong ban tổ chức không bằng lòng thì chúng ta phải tùy thuận không làm. Chúng ta muốn nghỉ trong phòng nhưng huynh đệ không vui thì chúng ta hòa đi cùng chị em là Phật sự, làm sao để bảo hộ sự vui vẽ trong trong tập thể huynh đệ, trong gia đình, chứ đừng có khơi lên, đừng bới ra những rắc rối, những mệt nhọc làm sứt mẻ hòa khí. Hoặc mỗi khi chúng ta thấy khó chịu trong lòng và gương mặt làu bàu, chúng ta tưởng là tâm mình không ai biết, nhưng chúng ta không ngờ chúng ta làm không khí của cả đại chúng cũng xị theo mặt của chúng ta, khiến những người chung quanh người ta mất cái vui, khiến chúng quanh đại chúng bận lòng thì chúng ta cũng vì đại chúng mà nén sự buồn riêng của mình. Còn như thấy đại chúng hiện tướng hoan hỉ vui vẽ, thế là mình cũng hòa vui theo. Cúng dường ngôi tăng bảo tức là cúng dường niềm vui cho các vị tu sĩ chung quanh chúng ta đây. Cúng dường sự an ổn, sự vui mừng này cho chúng tăng, công đức lớn lắm, có thể tiêu được những tội hết sức nặng của chúng ta. Chúng ta vui vẽ cúng dường sự an vui trong chúng thì phước đức lớn bằng ngần nào. Ngược lại, nếu chúng ta phá sự hòa hợp và an vui trong chúng thì tội cũng nặng biết ngần nào.

Như vậy, thứ nhất là trên đối với dưới, già đối với trẻ, cả trên cả dưới, cả già cả trẻ phải hòa thuận tôn trọng lẫn nhau, không những là tôn trọng mà còn phải hòa thuận. Tại làm sao chúng ta phải tôn trọng quý thầy, quý sư cô? Vì tất cả đây là ngôi Tam Bảo, vì suốt ngày chúng ta tụng kinh. Sau cuối mỗi thời kinh, chúng ta đều quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Chúng ta quy y từ thâm tâm, chân thành quy y chứ không chỉ tụng trên đầu lưỡi theo bài kinh. Chúng ta ai cũng muốn chân thành tu học cho nên chúng ta thành thật đối trước ngôi Tam Bảo mà tha thiết bạch rằng: “Con xin suốt đời quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng”. Quy y nghĩa là quay về nương tựa. Vậy thì Tăng là nơi chúng ta nương tựa mà Tăng là ai? Chính là quý thầy, quý sư cô! Chúng ta đã nguyện quy y Tăng thì các ngài là nơi chúng ta nương tựa, thế thì chúng ta có cần tôn trọng tăng già. Không phải chúng ta chỉ có nương tựa quý Hòa thượng, quý thầy thôi mà quên nương tựa quý sư cô. Phải nương tựa tất cả, vì quý thầy và quý sư cô cũng là tăng. Chính nghĩa chữ ‘Tăng’ là một đoàn thể từ bốn người trở lên gọi là Tăng chứ không phải một người mà gọi là Tăng. Bây giờ người ta trông thấy một vị tỳ kheo người ta cứ gọi là Tăng, cũng đúng, ngoài ra ‘tăng’ còn có nghĩa là tăng già. Bốn người trở lên mới được gọi là Tăng, nghĩa là một đoàn thể. Thế thì tuy đây là những chú sa-di hay sa-di-ni nhỏ nhưng mà lại là phần tử của đoàn thể Tăng này, vừa là phần tử hiện tại của đoàn thể mà rồi những người già, đã già thì sẽ suy, đã suy thì yếu, đã yếu thì tàn. Nếu không có những người trẻ lớn lên để tiếp nối thì ngôi Tam Bảo sẽ không còn ở thế gian. Thế cho nên, tất cả những người trẻ chính là người chính, là niềm hy vọng, là sự chờ đợi của tất cả mọi người, cho nên lại càng tôn càng quý, càng mong mỏi nhiều. Đó là điểm thứ nhất Đức Phật dạy cho chúng ta để xây dựng ngôi Tam Bảo ở thế gian. Chúng ta học, nghe ở tai, để vào lòng, rồi thực hiện trong đời sống của chúng ta hàng ngày.

ii. Hòa

Chúng ta phải nhớ hòa thuận, cả trên lẫn dưới, cả trẻ lẫn già đều học hai chữ: hòa và thuận. Tập không có lùng bùng bực bội, cau có gây sự với nhau. Cứ mỗi một tháng, chùa có hai kỳ sám hối, nếu miệng của chúng ta không hòa, hay nói những lời chọc tức hỗn hào, khiến người bực bội, đấy là tội từ cái miệng không hòa. Còn thân không hòa là chúng ta lấy cùi chõ hích người bên cạnh một cái, hoặc là nhún vai khinh khỉnh không nghe lời hoặc là bĩu cái môi ra thật dài một cái, hoặc là con mắt lườm người khác như thế là hiện lên thân tướng không hòa. Còn tâm hễ làu bàu bực bội tức tối thì hiện tướng khó chịu ở khuôn mặt. Cho nên, chúng ta phải sám hối và tập sống hoan hỷ vui vẽ để những người chung quanh ta mát dạ hài lòng như thế thì sẽ hòa vui đại chúng và bản thân chúng ta cũng sẽ được tăng trưởng phước báo.

iii. Thuận

Các vị trong chùa hay tập thể sắp xếp chúng ta làm việc gì thì chúng ta nên vâng lời và tập làm thử, nên vui vẽ tùy thuận để tập thể vui. Rồi huynh đệ tổ chức đi thiền hành ngoài trời chẳng hạn, chẳng lẽ mình ngồi một nơi để làm việc khác, cho nên cũng tùy thuận cùng nhau ra hít thở, thiền hành với huynh đệ để huynh đệ vui lòng, nghĩa là thuận chìu tập thể trong tất cả mọi việc trừ những việc bậy, sai quấy. Chúng ta phải biết phân biệt phải với trái, chánh với tà. Thuận hòa không có nghĩa là nhắm mắt chấp nhận hết tất cả cái bậy mà trái lại phải bài trừ tất cả những cái không đúng thì sự thuận hòa mới lâu dài và mới còn duy trì được. Cho nên, sự thuận hòa phải có phân biệt minh bạch điều phải và điều trái, cái nào đúng luật đúng pháp lợi ích như thế thì chúng ta mới thuận theo. Còn nếu ai rủ làm việc bậy thì chúng ta phải thành thật nói thật là việc này không nên, việc này sai quấy để cùng nhau đồng ý trong việc lành, việc thiện mà bỏ sự sai quấy đi. Trái lại, nếu mà còn để những sai lầm ở trong tập thể thì sự thuận hòa sẽ bị tan rã ngay, khiến không bền lâu và cũng không phải là cách đúng đắn để hưng long ngôi Tam Bảo được.

Tóm lại, bằng cách nào đó mà trong tập thể, miệng chúng ta lúc nào cũng cười hòa thuận, mắt cũng cười, toàn thân cũng vui vẽ để cho những người chung quanh được hòa ấm vui sống giải thoát với nhau.

2) Công việc Phật, pháp và tăng thì tất cả phải đồng ý cùng làm

Xây chùa, đúc tượng, hay mua các thứ cúng dường trang nghiêm cho Phật bảo gọi là việc Phật (Phật sự). Thơ tả, họa hình Phật, in kinh ấn tống là việc pháp bảo (pháp sự). Cúng dường tứ sự (y phục, sàng tòa, thực phẩm và y dược), xây dựng phòng xá cho chư tôn đức tăng ni ở tu học là việc tăng bảo (tăng sự).

Chúng ta là những vị hộ pháp nên cùng hòa đồng ý tưởng trong cách thức ủng hộ Tam Bảo, chứ đừng có người này muốn làm việc này, người kia muốn làm việc kia thì không nên. Không nên tỏ dáng bực dọc, phiền nhọc, bất mãn mà hãy tỏ ra sự dịu dàng vui vẽ thuận hòa theo ý kiến chung trong việc duy trì và hưng thịnh ngôi Tam bảo giữa thế gian này.

3) Hiểu rõ và tôn trọng giới luật với nội quy

Cái gì là sự khác nhau giữa giới luật và nội quy? Giới luật là lời Đức Phật dạy cách đây đã 2600 năm tức pháp thoại này đã áp dụng trong khắp không gian và thời gian. Khắp không gian là dù chư tăng ni và Phật tử ở Ấn Độ, Hoa Kỳ, Việt Nam hay khắp nơi trên địa cầu đều phải vâng giữ. Khắp thời gian nghĩa là suốt cả 2.600 năm cho đến hôm nay và mãi mãi về sau cứ phải vâng lời những điểm giới luật chính yếu ấy. Nội quy là quy luật riêng của từng địa phương, từng hoàn cảnh ví dụ như ngày xưa ở Ấn Độ thì Phật dạy chư tăng phải đi khất thực nhưng bây giờ ở Việt Nam, Hoa Kỳ thấy không thích hợp với việc này, nên không phổ biến hạnh khất thực nữa. Bởi có những vị sư giả mạo ở các nơi, nên lòng Phật tử không còn tin việc đi khất thực nữa. Do vậy, chư tăng chư ni hòa hợp đồng ý lập ra một nội quy với nhau, để trong một thời gian ấy, ở địa phương ấy, không còn việc khất thực nữa. Lập nội quy là để giúp chúng ta sống thế nào cho hợp với lòng dân và lợi ích cho ngôi Tam Bảo tại khu vực đó, cho nên từng ngôi chùa, từng tập thể, từng địa phương lại có các quy luật riêng phù hợp cho tổ chức của mình.

Chúng ta học giới không được sát sanh, trộm cắp, nói dối, uống rượu và tà hạnh. Chúng ta ngẫm nghĩ tìm hiểu, tại làm sao Đức Phật lại bảo chúng ta không được sát sanh? Nhìn các loài sinh vật như gà, heo, vịt, trâu, bò, chúng ta trầm tư quán xem toàn thân chúng cũng thấy bằng hai mắt như loài người, cũng đang nghe bằng hai tai, cũng ăn bằng miệng, cũng da bọc thịt, thịt bọc xương, trong xương có tủy, cũng ruột, gan, tim, phổi, cũng bộ máy hô hấp, bộ máy tuần hoàn, bộ máy tiêu hóa đó, cấu trúc toàn thân của chúng không có khác với thân loài người. Loài súc vật cũng biết thấy nghe hay biết, cũng biết cầu an tránh khổ như người, tại sao chúng ta nở giết nó, bắt nạt nó. Loài người và loài vật chỉ khác nhau một điểm là loài người có phước, còn loài vật thì bạc phước. Chúng ta có phước cho nên cơ thể của chúng ta thuận tiện hơn và làm được nhiều việc hơn loài vật. Chúng ta có hai bàn tay cho nên chúng ta làm cái gì cũng được, còn loài vật thì tội nghiệp như gà, vịt, chim nuôi con thì chỉ có cái mỏ nhỏ để đi bới đi tìm, chúng có cánh nhưng cũng chẳng bế được con của chúng. Tội nghiệp cơ thể của loài vật thiếu phương tiện bởi vì chúng bạc phước. Thế bây giờ chúng ta cậy mình có phước, chúng ta bắt nạt kẻ bạc phước thì cái phước của mình ấy là cái phước thất đức. Đức Phật dạy ‘Phước-Đức’ là hai cái phải đi đôi như chim có hai cánh mới bay được. Hễ có phước và có đức thì phước đó còn hoài cho đến khi thành Phật xài cũng không hết phước đó. Nhưng nếu cái phước mà thất đức như cướp mạng của con gà, vịt, heo, trâu, bò, tôm, cua, ốc, cá; chúng ta cứa cổ, mổ bụng chúng lấy thịt chúng để ăn thì phước mau hết mà tội sát phải mang theo. Chung quy cũng ăn miếng ăn qua cái miệng lưỡi một chút, rồi tuổi già sập đến, cái chết cũng đến, rồi chúng ta phải đi làm con gà, vịt, heo, trâu, bò, tôm, cua, ốc, cá để đền nợ miệng cho thế gian. Chúng ta giết chúng ngày nay thì ngày mai chúng ta lại chịu làm súc vật để cho thiên hạ giết lại. Thế cho nên, người học giới luật hiểu rõ như thế thì một lòng tôn trọng giới luật, một bề vâng lời tuân theo giới luật. Chẳng những với con gà, vịt, heo, trâu, bò, tôm, cua, ốc, cá mà đến con kiến, sâu, trùng, dế, chúng ta cũng không nỡ giết, phải nói là không dám giết vì luật cấm không được làm.

Chúng ta vâng theo giới luật của Đức Phật một cách cung kính nghĩa là dù trước mặt mọi người hay sau lưng mọi người, dù đêm hay ngày, dù ở hoàn cảnh nào, chúng ta cũng không bao giờ được sát sanh, trộm cắp, nói láo, uống rượu, tà hạnh. Con muỗi có đốt chúng ta đau thì chúng ta cũng chỉ xua nó đi chứ đừng có đập. Có vội đến đâu thì vội, chứ trông thấy con kiến thì phải né tránh, không được bước lên thân kiến, dẫm đạp cho nó chết. Như thế là chúng ta tuân lời Đức Phật dạy và vì hiểu rõ ý nghĩa của từng giới, cho nên chúng ta vâng theo triệt để với một sự hoan hỉ trì giới tinh nghiêm.

Nói về thế gian, Phật tử phải nương tựa vào ngôi Tam Bảo. Muốn để Phật tử nương tựa thì Phật tử phải tôn trọng, phải kính Tam bảo. Muốn cho Phật tử tôn kính thì phải tự đáy lòng Phật tử phải tin, phải phục Tam bảo. Cho nên, chư tăng là chúng trung tôn, bậc xuất gia phải giữ gìn giới luật như những bậc gương mẫu và mô phạm. Chúng xuất gia hay tại gia giữ giới luật thiết yếu là để chúng ta cầu giải thoát những quả báo xấu và đứng về ngôi Tam Bảo thế gian là để chúng Phật tử nương tựa vào ngôi Tam Bảo.

Nếu chúng xuất gia đủ giới luật thì mới là người tu đúng pháp. Sống đúng thì khi phật tử nhìn thấy cái đúng ấy, phật tử mới mừng rỡ, mới tin, mới kính, mới nương tựa, mới tới bên cạnh để hỏi Phật Pháp, để cầu tu, cầu học để giúp phật tử tiến lên. Thế cho nên, quý thầy, quý sư cô là hiện thân biểu tượng của giới luật. Giới luật hiện hình lên ở thân tâm của chư tăng ni và phật tử trông thấy chư tăng ni là thấy giới luật, thấy đường lối nếp sống hiền thánh khiến cho lòng phật tử mừng rỡ, phật tử tin, phật tử kính rồi mới nương tựa tu tập theo được. Cho nên, Đức Phật dạy tất cả tăng ni và Phật tử phải sống đúng pháp đúng luật.

4) Kính phục những vị có kiến thức rộng và có khả năng phục vụ đại chúng

Kiến là thấy, thức là biết. Người thấy rộng, biết rộng, có trí tuệ, khả năng hơn chúng ta, tức là người ta có tài phục vụ được đại chúng. Trong chùa có nhiều ban, những thành viên của mỗi ban là những vị biết phục vụ, biết tổ chức sắp xếp, hy sinh đại lao phục vụ đại chúng. Thế thì đối với những ban phục vụ ấy, chúng ta phải biết kính trọng và kính trọng người có tâm phục vụ đại chúng, người tận lòng phục vụ đại chúng.

Thế nào gọi là phục vụ đại chúng? Phật tử kính quý ngôi Tam Bảo ở thế gian cho nên phật tử kính trọng phục vụ, công quả các việc chung của chúng. Phật tử tận tình, hễ có điều gì khó thì Phật tử hết lòng lo giúp đỡ. Hễ việc gì nặng nhọc vất vã nhọc nhằn thì Phật tử cũng không quản công lao nặng nhọc mà lăn xả vào làm như thế gọi là người phục vụ đại chúng. Như ban trai soạn nấu nướng thổi cơm trong chùa, tận tình lo miếng cơm ngon dẽo cho chư tăng ni, nấu miếng canh cho ngọt ngào, nêm nước tương nước muối cho vừa miệng, làm sao cho quý thầy, quý sư cô có được bữa cơm ngon bổ, ăn vào khiến cho có sức khỏe tu tập. Phật tử hết sức tận tâm lo việc cho chùa, thương yêu chùa, kính quý ngôi Tam Bảo cho nên không quản sức mệt nhọc để đại lao làm. Thế thì chúng ta phải thấy điểm hay đó, phải biết những bậc bồ tát này là những bậc đáng kính trọng, phải biết kính quý các vị bồ tát hy sinh ấy và phải noi gương, coi những bậc ấy là những bậc gương mẫu, có trí tuệ, có tâm với đại chúng. Chúng ta phải tôn trọng, đặc biệt kính trọng những vị có tài năng và có tâm đại lao phục vụ này.

Nói một cách khác, đáng lẽ chúng ta phải đối xử bình đẳng ai cũng như ai, nhưng tại sao đây chúng ta phải đặc biệt kính trọng những vị có trí tuệ và những vị có khả năng phục vụ đại chúng này? Chúng ta phải thật hiển công đức của những vị bồ tát ấy, làm cho đại chúng phải thấy được công đức của các ban làm việc, công đức của các vị khổ công ở nhà bếp và những nơi khác, hiển nét đẹp đó lên. Có hiển lên nét trang nghiêm công đức thậm thâm ấy thì trong đại chúng đây mới có người biết bắt chước, biết noi gương và biết phát tâm phục vụ đại chúng để cùng vun trồng phước báo.

5) Ai nấy phòng hộ tâm ý, lấy hiếu kính làm đầu

i. Phòng hộ tâm ý

Chúng ta phải phòng hộ từ tâm ý của mình và biết kính trọng hiếu thuận lẫn nhau. Nếu khởi tâm thấy phiền người này, ghét vị kia, thấy không ưa, thấy khó chịu thì chúng ta phải vội vàng lại nhắc nhỡ lại mình: “Phải phòng hộ tâm ý của chúng ta, đừng có bực dọc tức tối như thế thì không được”. Vì khi bực bội tức tối thì chúng ta sẽ bật ra lời nói, sẽ có những tia mắt độc ác nhìn người kia, thế là động đến người ta. Cho nên, phải đề phòng từ ở trong tâm chứ đừng để nó hiện ra ở tia mắt, đã hiện ra lời nói hay hành động thì không gỡ được nữa vì người kia đã phiền nhọc rồi. Phòng ngay trong tâm như thế gọi là sự phòng hộ tâm ý. Sự phòng hộ này chúng ta phải để ý, đối với bạn bè hay người nhỏ hơn chúng ta lấy sự thương yêu kính nhường, đối với người trên chúng ta lấy hiếu thuận kính trọng làm đầu, nghĩa là dẹp sự bực bội tức tối của chúng ta lại mà thuận hòa thương yêu tất cả, đừng hiện ra cái tướng bất hòa, phải phòng hộ từ ở trong thâm tâm.

Tại làm sao chúng ta phải quán tỉ mỉ kỹ lưỡng như thế? bởi vì nếu để tâm khởi lên hoài những tâm không tốt thì từ từ sẽ tích tập thành thói quen cả. Ví dụ hôm nay bừa bãi, ngày mai bừa bãi sẽ thành ra thói quen người hay bừa bãi. Do thói quen bừa bãi thì thành ra tính nết bừa bãi thế thì hóa thành con người hư hỏng. Vì thế, chúng ta phải phòng giữ tâm của chúng ta hôm nay thì ngày mai chúng ta cũng phòng giữ, ngày mốt cũng phải phòng giữ thì tâm của chúng ta mới an ổn được, mới không có những sự bực dọc vô ích. Chúng ta phải như vậy, kính trọng những người xung quanh, đừng để những sự hôi dơ của tâm mình bốc hơi ra ngoài, những giận hờn, tức tối, bực bội. Đừng để bốc ra những lời nói bực dọc, những hành động xúc phạm đến người khác. Chúng ta phải rửa sạch tâm hồn, xóa những cái riêng của mình, những sự hôi dơ của mình, tập hòa đồng, tập quên mình để cho đại chúng chung quanh được bình an.

Đức Phật dạy chúng ta phải sống như thế mới là người xuất gia, như thế mới đúng là người thay áo thế gian để mặc áo nhà chùa, hoặc mới là những người Phật tử thuần thành, là những đệ tử của Đức Phật biết tu sữa. Nếu chúng ta không làm được những việc này mà chúng ta tự xưng mình là bậc tu hành hay hành giả là chúng ta lạm dụng danh hiệu tu hành, không phải thật tu, và người ngoài gọi chúng ta là bậc xuất gia hay là Phật tử thì danh từ ấy cũng sai. Thế cho nên, chúng ta phải làm sao sống cho đúng với danh xưng đức hạnh của mình là bậc xuất gia hay người Phật tử.

ii. Hiếu kính làm đầu

Thế nào là lấy hiếu kính làm đầu? Đức Phật muốn nhắc chúng ta phải có bổn phận đối với người trên, phòng hộ tâm ý, đừng để cho tâm bất kính, tâm vô lễ khởi lên. Vì nếu không phòng hộ tâm bất hiếu, bất kính thì nó sẽ đưa chúng ta vào những quả báo nguy hiểm. Nếu đối với chư tôn đức tăng ni hay các bậc trưởng lão mà chúng ta chỉ nhìn bằng nửa con mắt thì trong kinh, Đức Phật dạy đó là: “ác nhỡn thiện sư” tức là đem con mắt giận dữ mà nhìn thì cũng bị tội địa ngục rồi, huống chi là trong tâm của chúng ta còn khởi những ý nghĩ để mà xoay sở các ngài thì không nên, cho nên phải phòng hộ tâm của chúng ta và phải lấy hiếu kính làm đầu. Nếu chúng ta đem tâm cung kính, tâm tôn trọng người trên mà muốn xây dựng lại cho người trên thế thì hay lắm, thì được; chứ đừng đem tâm bới móc, xoay sở, lật đổ các bậc tu hành thì chính chúng ta bị quả báo trước, cho nên đây mới dạy chúng ta phòng hộ tâm, giữ gìn tâm của chúng ta là điểm cần yếu.

Phòng hộ tâm ý thì chẳng những chúng ta được bình an mà đại chúng cũng được bình an. Nếu tâm không phá phách, đâm chọc người này người kia thì tự chính chúng ta được bình an yên ổn, cho nên cần phải giải thoát các thứ tâm não phiền đó. Chúng ta phải phòng hộ tâm ý của chúng ta để bảo vệ sự an ổn chung của tất cả đại chúng bởi lẽ khi tâm của mình an được thì không khí chung quanh mới bình an. Nếu nay chống đối người này, mai chống đối người kia, rồi người bên cạnh chúng ta cũng lại bắt chước thì dễ sinh ra những phong trào, thổi lên những chống đối thì như thế tập thể phải nứt rạng rồi từ cái nứt rạng đi đến cái đổ vỡ, tan nát. Cho nên, chúng ta phải phòng hộ từ trong tâm mình, hộ những nứt rạng trong tâm mình, đừng có tâm bới lỗi mà nên đem tâm đùm bọc che chỡ, giúp ích cho nhau, nhờ đó mà chúng ta và đại chúng chung quanh đều được bình an tiến tu.

6) Thường hành thiểu dục tri túc

Hai thuật từ ‘ít muốn và biết đủ’ từa tựa giống nhau như hai chữ từ và bi, chỉ có khác nhau chút ít. Ít muốn là Đức Phật khuyên chúng ta đừng đòi hỏi và ước mong nhiều, đừng có khởi tâm muốn cái này, muốn cái kia, mơ tưởng dong duỗi cái này cái khác. Biết đủ là Đức Phật khuyên chúng ta vui với những cái chúng ta hiện đang có. Chúng ta đang có chiếc áo vá thì vui với chiếc áo vá miễn là mình ấm và che thân kín là được. Thế cho nên ít muốn và biết đủ từa tựa giống nhau nhưng cũng có một chút khác như thế. Đức Phật cho một thí dụ như người khảy đàn. Nếu dây đàn căng quá thì âm thanh bức xúc, không có hòa ấm, không gọi là giai điệu được; nhưng nếu để dây lỏng chùng thì đàn không phát lên tiếng. Thế cho nên, đừng quá chùng, đừng quá căng mà cứ vừa phải. Thiểu dục ít muốn nghĩa là đừng đòi hỏi những cái quá đáng. Chúng ta cứ vừa sống, ăn vừa đủ no, mặc vừa đủ ấm, đừng đòi hỏi những cái quá đáng thì gọi là ít muốn. Tâm không có mong cái này, không ngóng cái kia, đòi cái này, thích cái nọ, dẹp những tâm đó lại, đó là ít muốn.

Tại sao để ngôi Tam Bảo được hưng long ở thế gian mà Đức Phật lại dạy chúng ta ít muốn biết đủ? Tại vì nếu cứ chạy đi tìm cầu, áo thì đòi áo đẹp, ở thì đòi phải chùa kiểu này kiểu kia, ăn thì phải ăn sang, ăn những thứ mà thiên hạ khen là sang trọng, chẳng những ăn để khỏe mạnh mà còn ăn để ngon miệng, để cho sang trọng. Hôm nay ăn thứ này chán thì mai lại đòi thứ khác; xe hơi thì phải xe xịn…, cứ như vậy cho nên tâm rong rỡ chạy bên ngoài. Do cứ tìm cầu chỗ này chỗ kia thì tâm ấy không thể bình an được và sẽ mở ra nhiều các hệ lụy và ngay cái tâm ấy cũng không bình an. Nếu một người không bình an thì ở trong đại chúng có yên được không? Không! Thế cho nên mở ra những phiền nhọc trong chúng. Cho nên đây Đức Phật dạy tất cả dù già dù trẻ, dù trên dù dưới, ai cũng cứ quay về phòng hộ tâm của mình, sống biết đủ, sống ít muốn, cho tâm bình an. Một người bình an, hai người bình an, cả chúng bình an thì cả đại chúng, cả tập thể hay c��� gia đình đều an hòa yên ổn. Còn nếu người này cứ sùng sục chuyện này, người kia sùng sục chuyện kia thì cả tập thể ấy cứ sùng sục, không thể yên được. Cho nên mỗi người cứ lo bảo vệ tâm an ổn của mình thế thì trong chúng sẽ an vui hòa tu.

7) Trước hãy vì người rồi sau đó mới vì mình, không theo danh, không cầu lợi

Trong tất cả việc làm của chúng ta nên để ý bốn việc như sau: 1. Trước vì người. 2. Sau vì mình. 3. Không theo danh. 4. Không cầu lợi.

Bất luận là làm một việc gì thì chúng ta trước hết phải vì người chứ đừng có vì mình. Đức Phật nói rất dung hòa là trước hãy vì người, sau là vì mình, chứ không phải bỏ hẳn mình đi mà không nói tới. Nhưng điểm chú ý là trước hãy vì người, rồi sau mới là vì lợi ích cho mình. Nhưng mà dù là vì mình hay người thì cũng nhớ đừng có chạy theo danh lợi.

Thế nào là vì người rồi sau mới vì mình? Ví dụ ban chức sự muốn chúng ta làm việc này theo kiểu này thì chúng ta tùy thuận sắp xếp như vậy để cho đa số vui. Đây là chúng ta mong cho mọi người vui chứ không phải để cho đại chúng khen mình, thưởng mình và thương yêu mình. Nếu như chia kinh sách cúng dường mà thiếu phần thì chúng ta sẵn sàng nhường cho thính chúng, còn chúng ta cần thì đi mượn cũng được, như thế là trước vì người rồi sau là vì mình. Hãy thầm lặng hy sinh nhường cho người thì chúng ta lại có được những phước đức khác.

Thế nào là không cầu danh lợi? Trong tất cả các việc làm tuyệt đối là không có hai chữ danh và lợi. Chúng ta cứ thấy việc lành thì làm, chứ đừng nghĩ chúng ta làm việc này để cho mọi người khen. Chúng ta không cầu người khen vì một khi chúng ta cứ mãi mua chuộc lòng người thì thành ra chúng ta cứ mãi bị hệ lụy. Chúng ta sẽ thành người bị ràng buộc, bị hệ lụy, cứ để cho người khác được hài lòng. Làm cái gì cũng mong được vừa lòng, mãi bận tâm tới người này vui, vừa lòng người kia mà không nhìn thẳng việc làm mang lợi ích cho mọi người. Vì cứ mãi chạy theo vừa lòng từng người mà hóa ra việc chính của mình bị hỏng đi. Cho nên, chúng ta không bận lòng, không mua chuộc lòng người mà chỉ cần việc của chúng ta có ích cho mọi người. Hễ thật sự có ích thì người khen, còn người chê là việc của người, chúng ta không lo ngại, chỉ cần chúng ta nhìn thẳng vào việc chúng ta làm cho nó đúng.

Vậy Kinh Du Bộ chủ yếu là giới thiệu bảy điểm quan yếu mà chúng ta cần phải giữ để cho ngôi Tam Bảo được hưng long. Đây cũng là bảy loại bi trí để từ địa vị phàm phu bước lên ngôi thánh hiền mà Đức Phật đã tặng cho tất cả chúng ta.

(Trường A Hàm, Kinh Du Bộ, số 2)

BỐN VÔ LƯỢNG TÂM GỠ NHỮNG LẦM MÊ CHO MỌI NGƯỜI

Kinh Thuyết Xứ (Trung A Hàm, Phẩm 7, số 86), Tam Bảo (Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 21. Kinh số 10), Phóng Ngưu, (Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 49. Kinh số 2), Kinh Anh Vũ (Trung A Hàm, Phẩm 12, số 152), Đức Phật dạy muốn phát khởi lòng từ bi một cách thật sự đối với mọi loài thì chúng ta phải quán bất tịnh vào ba đối tượng là: 1) người mình yêu, 2) ghét, 3) bình thường, không yêu không ghét. Qua pháp quán bất tịnh này, chúng ta sẽ thấy sự yêu và ghét của chúng ta là sai lầm, nên khởi lòng từ bi bình đẳng, xót thương chúng sanh mê lầm từ vô thủy mà cầu mong cho họ giải thoát.

Chúng ta phải quán người thân mà mình yêu thương, quý mến, nhưng cuối cùng rồi thân ấy cũng phải tan thành một đống thịt hư thối, một bộ xương rải rác hóa thành cát bụi hư vô. Còn người mình ghét lắm thì cũng giống như vậy. Cuối cùng người đáng ghét ấy cũng thành một thây chết, theo thời gian mòn dần thành đất. Người đang đi ngoài đường kia mà chúng ta cảm thấy không yêu không ghét, không dính dáng gì cả nhưng chung quy khi chết người ấy vẫn là đống thịt thối với một sọ người đáng sợ. Thế thì cả ba người mà chúng ta yêu, ghét hay không yêu không ghét ấy, chung quy chỉ là đống thịt thối, đầu lâu với các lóng xương rụng tàn trả về cho đất. Vậy cảm giác yêu, ghét của chúng ta vốn không có thật. Khi chúng ta thấy rõ như thế thì lòng yêu ghét biến mất mà thay vào đó là lòng xót thương đối với mọi loài đau khổ đang chịu cùng chung một cộng nghiệp.

Từ vô thủy chúng ta đã lầm nhận thân này là mình và bây giờ vẫn còn lầm như thế. Rồi thấy những người khác cũng có những mê dại tạo nghiệp như thế, nên chúng ta khởi tâm thương xót muốn gỡ những lầm mê cho họ, tức là chúng ta đã phát khởi được lòng từ bi thương họ hơn là ganh ghét thù oán họ. Như thế, chúng ta sẽ khởi được tâm bình đẳng đối với mọi người, không phân chia yêu ghét hay không yêu ghét. Đối với người ghét chúng ta đã tan biến lòng oán ghét, đối với người mình ái quý dần dần cũng tan sự ái quý, chỉ còn lại lòng thương xót vô bờ đối với sự đau khổ của họ. Ví dụ mẹ là người rất thương chúng ta. Bây giờ chúng ta quán bất tịnh về thân của mẹ thì không phải là chúng ta hết yêu mẹ mà trái lại càng tăng trưởng lòng thương quý mẹ và muốn gỡ sự mê hoặc cho mẹ khỏi khổ.

Còn đối với người ghét mà chúng ta bỏ mặc thì lòng từ bi của chúng ta sẽ bị thiếu xót đi. Như thế chúng ta tập dần quán bất tịnh đối với ba loại người, cho đến khi lòng từ bi bình đẳng được rồi thì mình cứ thế mình sống với tâm thánh thiện đó. Từ tâm đối với một phương, hai phương, ba phương, bốn phương. Tập nới rộng tâm từ bi hỉ xả ra nhiều phương cũng thế. Đây là bốn vô lượng tâm tu như các kinh A-hàm đã nói.

Chúng ta đừng nên nghĩ kinh A-hàm thuộc giáo lý Nguyên Thủy thuộc Tiểu thừa là chủ trương ích kỷ, cứ lo giải thoát cho mình, không nghĩ đến người khác. Ngược lại, các vị tiểu thừa tu bốn vô lượng tâm này rất căn bản bằng cách quán bất tịnh với ba đối tượng (thương, ghét và bình thường) như trên, để khởi tâm thương yêu bình đẳng. Như vậy, chúng ta thấy rằng các ngài thương tất cả mọi loài ở khắp mười phương. Khi có tâm từ bi bình đẳng, rồi tập sống từ tâm ấy với một phương, hai phương cho đến mười phương. Đối với tất cả những người ở phương đông thì chúng ta nhất định chỉ một lòng từ, không hờn, không giận, không than, không oán. Tu được phương đông rồi đến phương nam. Được phương nam rồi đến phương tây, phương bắc, rồi phương trên dưới trong ngoài đối với tất cả mọi người ở khắp mười phương, như vậy gọi là tu được tâm từ hoàn toàn. Từ là ban vui, khoan dung tha thứ, nhẫn tất cả những gì người ta gây khó chịu cho mình, mình vẫn vui vẽ. Tập âm hưởng nhẫn rồi nhu thuận nhẫn, nhẫn được hết, không nắm giữ, tâm như hư không, không lưu dấu vết.

Được tâm từ rồi thì tu tập tiếp tâm bi, hỉ, xả và cũng hướng đến mười phương như thế. Bi là xót thương, muốn cởi gỡ sự khổ cho mọi người. Rồi tu đến tâm hỉ, đến tâm xả ở khắp mười phương. Tu được bốn vô lượng tâm này sau khi mệnh chung mới được sanh lên cõi trời Phạm Thiên Vương, còn tu thập thiện và thiền định thì lên được cõi trời sắc giới.

Chúng ta phải luyện tâm cho phát khởi lòng từ bi. Người thuần thục từ tâm thì chúng sanh sẽ cảm ứng tự nhiên dễ dàng quy phục gần gũi. Nếu gặp những chống đối, những chướng ngại thì người thật có lòng từ cũng sẽ dễ dàng vượt qua. Chúng ta có lòng từ bi tận lòng lo cho người khác thì tự nhiên sẽ có sự cảm thông lẫn nhau dù là loài thú cũng cảm nhận được. Ngay cả ác thú cũng cuối đầu quy phục bậc thánh như A-hàm kể chuyện lòng từ của Đức Phật đã cảm hóa con voi say quỳ xuống bái phục. Cho nên, trước hết phải luyện tâm mình, gội hết những sân giận bực bội tức tối đi, không hờn, không phiền, không giận ai. Chúng ta phải có trí tuệ thấy được việc này và bắt đầu vun trồng tưới tẫm tâm từ bi hỉ xả.

Chúng ta đừng có lầm lẫn giữa từ bi với ái kiến. Hai cái này khác nhau. Kiến là thấy, ái là yêu. Ái kiến là có yêu mới lo, còn ghét thì không có lo, bỏ mặc, nên từ bi và ái kiến có hai ranh giới của thương ghét đối đãi khác nhau. Còn từ bi thì bình đẳng không có phân chia thân sơ, thương ghét. Thấy một con chim xinh xinh, một con mèo, một con cún mũm mĩm, ta thương quý và săn sóc chúng thì gọi là ái kiến. Còn người sáng suốt thì biết rằng trong thân của con chim, con cún kia đang có hàng chục con bò chét ngày đêm hút máu nó, ngày đêm nó đau ngứa mà không có tay để xoa gãi, không có miệng để nói. Con chim, con cún và các loài vật phải chịu sự khổ này từ lúc vừa lọt lòng mẹ, cho đến ngày chúng lìa đời cũng không có một lúc nào ngừng cả. Hết con bọ chét này cắn, lại con bọ chét khác cắn. Con cún xoay vòng vòng cắn trên đuôi nó, nó kêu oăng oẳng mà cũng không làm gì được, con người nếu hiểu thì bắt bọ chét hoặc tìm cách diệt giùm, còn người không hiểu thì chó cún phải chịu cái đau khổ cả hàng chục con bọ chét trên người nó, nên trọn đời loài vật bị cái đau, cái ngứa ấy hoành hành. Con cún, con chim, con gà không có tay thành ra chúng không xoa gãi được. Con chó, mèo, chim đều phải chịu chung cái khổ ấy cả. Nếu chúng ta nhìn thấy cái khổ như thế mà chúng ta khởi lòng thương thì tình thương ấy là lòng từ bi. Chúng ta biết rằng con mèo kia với nghiệp sát sanh của nó trong quá khứ nên giờ làm con mèo và hiện đời nếu tạo nghiệp sát nữa thì sẽ tiếp tục đọa làm loài thú tiếp. Cứ đời này đến đời khác, loài thú phải qua lại trong ba đường địa ngục, ngạ quỷ, bàng sanh, không biết bao giờ mới được nếm trở lại hương vị và phước đức của loài người trở lại. Cho nên loài vật khó dứt nghiệp khổ, khó hết khổ được. Do quan sát những nổi khổ ấy, nên chúng ta phải khởi lòng thương xót sự ngu si của chúng thì đó là lòng từ bi chân thật; còn nếu chúng ta thấy con cún, con chim xinh xinh hay hay đáng yêu đang cưng đáng vuốt ve thì cái ấy gọi là ái kiến.

CÂY BỒ ĐỀ HOÀN MÃN CỦA BẢY GIÁC CHI

Như Kinh Lệ (Trung A Hàm, Phẩm 18, số 222), Đức Phật dạy các tỳ-kheo phải “Tinh cần tỉnh giác, hành bảy giác chi, mới mong thành tựu trí tuệ hiền thánh.”

Chúng ta đang mong có trí tuệ của các bậc hiền thánh và muốn có trí tuệ ấy thì phải tu Bảy giác chi. Giác là tỉnh ra và chi là cành, bảy cành cây bồ đề bao gồm niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định và xả. Chúng ta gọi bảy giác chi là bảy cành trí tuệ giác tỉnh của chúng ta. Chúng ta mỗi người luôn nhớ đến bảy sự giác tỉnh này như cái cây phải có bảy cành.

i. Cành thứ nhất: Niệm nghĩa là phải nhớ đến. Ví dụ chúng ta nguyện từ đây sẽ nhớ trừ hai triền cái là tham và sân. Đã niệm nhớ thì chúng ta không được khi nhớ khi quên mà phải luôn luôn nhớ. Sáng, trưa, chiều, tối lúc nào chúng ta cũng phải nhớ đến hai triền cái tham sân và phải đuổi chúng đi. Mỗi khi tham sân móng khởi lên là chúng ta phải biết ngay, phải nhớ ngay, đây không phải là mình. Nếu chúng ta quên, không đuổi thì tham sân cứ ngự trị và đứng đấy thì sẽ bị nguy hiểm. Nuôi giặc trong nhà là nguy hiểm. Cho nên sự giác tỉnh đầu tiên là phải nhớ ra. Hễ trong lòng hơi bực bực là biết ngay sân-triền-cái đang ló đầu đấy. Hoặc tâm thích ăn ngon, thích đi chơi, biết ngay đây là tham-triền-cái đang hiện hành. Vậy muốn hàng phục tham sân thì việc đầu tiên của chúng ta là niệm, nhớ, luôn tỉnh đừng mê. Hễ tham sân thò mặt ra thì nhớ đuổi luôn, đừng để chúng làm chủ mình, phải nhớ ngay chúng không phải là mình. Đừng nói là tôi thích, tôi giận, tôi yêu, tôi ghét. Biết nó là khách thì mặc nó, để cho nó tự tan đi. Biết mình tức là mình sẽ trị được những vô minh khách trần đó thì tham sân sẽ tự hạ xuống. Đó là cành bồ đề đầu tiên. Chúng ta phải để cho nó đâm chồi nảy lộc trong cây bồ đề của chính mình.

ii. Cành thứ nhì: Trạch là chọn lọc. Chúng ta phải biết chọn điều nào là phải, điều nào là trái. Nếu điều nào hay đúng thì chúng ta thực hành theo, còn điều xấu dỡ tệ thì vứt bỏ đi. Việc loại trừ tham sân này, chúng ta cũng phải cần dùng đến trạch pháp như mỗi khi chúng ta bị ai la, chúng ta phừng phừng bực bội và khó chịu. Chúng ta liền nhớ tâm nổi giận là xấu, hư vọng, nguy hiểm, tai nạn có thể đưa chúng ta về sau làm rắn rết, bò cạp. Sân giận, hung dữ là về sau sẽ đưa mình về làm những loài độc địa ấy, sẽ bị quả báo khổ lắm. Cho nên, chúng ta phải sáng suốt biết chọn pháp, chọn tâm nào tốt thì chúng ta hãy giữ và phát huy. Còn tâm nào xấu đưa chúng ta đến đọa lạc thì hãy đuổi chúng đi, tức tốc đuổi ngay, phải biết sợ chứa chúng trong lòng. Phải biết sợ sự nguy hiểm như vậy thì gọi là chúng ta có trí tuệ trạch pháp. Trạch pháp nghĩa là phải biết phân biệt, biết chọn lọc cái nào hay cái nào dỡ. Chúng ta bây giờ trong tâm cứ giận và bực bội. Chúng ta không ngờ đó là mình đang nuôi những con rắn rết trong lòng. Mai đây sự sân giận đó sẽ đưa chúng ta vào trứng con rắn, vào bụng con rết, để rồi mai đây làm rắn và bò cạp. Không có ai trong chúng ta thích làm rắn hay bò cạp thì trong lòng chớ có nuôi tham sân vì nó là mầm mống đưa vào bào thai súc vật hoặc là ma quỷ. Người nào khôn ngoan, có trí tuệ trạch pháp nghĩa là biết chọn lọc sự lành thiện để nuôi ở trong tâm. Niệm thiện ấy mình hãy nhận làm mình, mình hãy làm theo, còn cái độc, nguy hiểm, đưa chúng ta đọa lạc thì đuổi nó đi, không nhận là mình. Như thế gọi là biết chọn lọc, trạch pháp. Hãy nhìn thẳng vào sự việc và sáng suốt xét xem cái nào mình nên nghe. Chúng ta phải chọn sự tốt mà đem lại an ổn cho bản thân mình và đem yên ổn giải thoát cho mọi người.

iii. Cành thứ ba: Tinh tấn nghĩa là miên mật chuyên tâm đuổi tham sân đi. Sáng, trưa, chiều tối lúc nào cũng tỉnh thức loại trừ tham sân, chứ không nên có khi thì đuổi, khi thì mời ở lại để nuôi dưỡng đãi đằng thì không nên. Lúc mời tham sân ở lại một tí cũng giống như chúng ta nếm một tí thuốc độc xem có tốt không? Chúng ta nghĩ rằng chắc nếm một tí thôi không có sao? Nhưng nếm thuốc độc dù là một t�� cũng tác hại thân thể rồi. Cũng thế một tí tham, một tí sân cũng khiến cho chúng ta đọa lạc và không toàn phạm hạnh. Cho nên, với tham sân cũng đừng có một tí. Một tí tham, rồi một tí tham nữa, cứ thế mà lần lữa thì sẽ hại toàn thân, sẽ mất thân mất mạng gây nguy hiểm, cho nên phải loại bỏ ngay. Một tí cũng vội vàng vứt đi bởi vì nó là thuốc độc, đẩy thân người tu hành của chúng ta cuối cùng xuống làm con bò cạp, con rắn, con mèo, con gà hay vào cảnh giới ma quỷ, địa ngục.

Thế nên, buổi sáng chúng ta tinh tấn soi tâm của mình. Buổi trưa chúng ta cũng tinh tấn tĩnh lặng để soi tâm của mình. Sáng trưa chiều tối, lúc nào chúng ta cũng chiếu soi giữ tâm miên mật an hòa. Nếu tâm có an định thì mới sáng suốt. Có sáng suốt thì những mống niệm khởi lên nó mới vội vàng biết ngay, mới không bị đánh lừa và không nhận tham sân là mình để bốc lên những hành động sai lầm.

Tinh là chuyên làm một việc này thôi. Từ hôm nay trở đi, chúng ta đừng ôm đồm làm nhiều việc thì không nổi sức chiếu soi. Chúng ta chỉ có mỗi việc là không tham và không giận, chỉ lo một việc này thôi. Áo trắng tinh tức chỉ có một màu trắng thôi, không có xen màu xanh, vàng, đỏ, trắng vào. Chúng ta phải làm chủ mình, không có tới tắp lo chuyện nọ, nghĩ chuyện kia, những chuyện lôi thôi gì cũng bỏ đi hết. Chỉ làm một việc là nhìn lại mình. Hễ móng tham thì liền nhớ và móng sân thì liền biết. Như thế là tinh chuyên một việc và cứ thế mà tiến lên. Tấn là siêng nhớ, thúc đẩy việc nhớ quán này. Sáng cũng một việc ấy mà tiến lên. Trưa cũng một việc ấy mà tiến lên. Tối cũng một việc ấy mà tiến lên. Như thế, chúng ta có cành thứ ba gọi là tinh tấn.

iv. Cành thứ tư: Hỷ là mừng. Chúng ta sáng suốt để nhớ mà đuổi tham sân si. Không phải tham sân si đến từ hôm qua hay năm ngoái mà từ vô thủy đến giờ, chúng ta vẫn để tham sân này làm chủ trong nhà. Tham sân chi phối chúng ta, nó bắt chúng ta phải la, phải nhăn nhó với thiên hạ. Nó làm tình, làm tội chúng ta từ vô thủy tới giờ. Bây giờ nhờ học Phật, chúng ta tỉnh được, chúng ta biết tham sân này không phải là mình, buông nó ra. Mặc nó thì nó tan đi. Chúng ta biết nó chỉ là ảo hóa nên cứ mặc thì nó tan, chứ không cần phải công phu nội lực gì nhiều cả. Không có khó khăn gì đâu, bây giờ có thể khôi phục việc làm chủ của mình, chúng ta có thể sáng suốt. Cứ rời được tham sân thì chúng ta có thể dự một phần vào địa vị thánh hiền. Chúng ta biết tham sân si là nguy hiểm rồi nên quyết định đuổi chứ không có dung túng, không có mời ở hay nuôi nấng. Thế rồi sáng trưa chiều tối chúng ta đã làm được như cái ý của chúng ta muốn. Cho nên chúng ta là người thắng trận. Chúng ta thắng được quân giặc ở trong tâm của mình, cho nên có một cảm giác vui mừng tràn khắp tâm mình. Chúng ta cảm thấy hỷ lạc vui vẽ, sung sướng vì hàng ngày thấy chúng ta giành được nhiều cuộc thắng trận của thánh hiền. Còn nếu chúng ta bị thua tham sân thì chúng ta ủ rũ buồn rầu vì thấy mình dỡ quá bị chiều lòng cám dỗ theo tham sân si. Có hỉ, có vui vẽ tươi tĩnh thì mới có bồ đề. Có sầu ưu khóc lóc buồn lo thì không có bồ đề, là tướng mạo của những người dại, người khờ. Những người cứ để cho những tham sân ngự trị thì mới có tướng buồn thê thãm. Còn người sáng suốt, buông hai ảo vọng mà mình đã đeo vào cổ từ vô thủy, buông tham sân mà đã dấn đầu chúng ta vào địa ngục, ngạ quỹ, bàng sanh, làm những thân khốn khổ mà chúng ta phải chịu cả hàng ngàn kiếp khốn khổ, giờ chỉ tỉnh ra, buông xuống là xong.

Biết việc làm của mình là hay, phải, là quý, cho nên mừng lắm. Biết như thế thì mới bảo tồn, mới tinh tấn được, mới lâu dài mà việc đó mới mỗi ngày mỗi hay. Chứ không biết giá trị của việc làm của chúng ta mà lại tưởng tu tập là mất thời gian, không thiết thực thì không vui tu, chúng ta sẽ bỏ cuộc và lao vào việc khác. Nếu không có cành hỉ này thì xem như cành bồ đề này khó được bền lâu. Cho nên, phải có cành bồ đề thứ tư, phải vui với việc tu tập của mình. Biết giá trị của việc của mình rất hay, rất quý, là một nấc thang thánh hiền, là một việc đáng tôn, đáng trọng. Mừng với sự việc của mình, có như vậy thì mới được lâu dài và thành tựu được kết quả. Nhưng cũng có những người thua trận để cho tham sân si điều ngự mà cứ ra điều ta đây hay lắm, tài lắm. Thí dụ vì muốn có tiền quá nên nói dối, lừa gạt bạn bè và khi xoay sở có khối tiền trong tay rồi thì thích chí cười đắc thắng. Vị ấy đã thua trận làm nô lệ cho lòng tham và lừa đảo làm mà cứ cười, tự cho mình là sướng vui lắm, cho nên Đức Phật ngậm ngùi tội nghiệp cho người không biết điều trái phải.

v. Cành thứ năm: Khinh an: khinh là nhẹ nhàng và an là an ổn. Chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng, vui vẽ với việc làm của mình. Ai cũng muốn khinh an nhưng không phải lúc nào cũng đến với chúng ta. Sỡ dĩ thân tâm của chúng ta an ổn nhẹ nhàng là nhờ có bốn cành bồ đề của niệm, trạch pháp, tinh tấn và hỉ phía trên. Cành thứ năm của hỉ xuất hiện là nhờ bốn cành bồ đề trước. Nếu cành thứ năm chưa hiện lên thì chúng ta chưa chắc đã có đủ bốn cành của niệm, trạch pháp, tinh tấn và hỉ trên kia. Nhiều khi chúng ta tưởng mình có bốn cành bồ đề kia rồi, nhưng chưa chắc; nhiều khi tham, giận vẫn còn lọt vào đây nên còn nặng nề buồn nản trầm trọng. Nếu bây giờ chúng ta thành tựu được sự nghiệp tu tập của mình là không cho tham sân khởi lên thì chúng ta cảm thấy rất vui, nhẹ nhàng, khoan khoái yên ổn, có một cảm giác vi diệu, bình yên khó tả hiện lên. Như thế chúng ta biết bốn cảnh bồ đề trên chúng ta đã chắc chắn có thật sự. Phải có cành bồ đề thứ năm này thì chắc chắn các cành trước được nảy mầm xanh ngọn tốt tươi. Nhiều khi thân chúng ta bị bịnh đấy nhưng mình vẫn thấy bình an vi diệu, bởi vì tâm chúng ta đã bình an. Khinh an đây là nói về tâm.

vi. Cành thứ sáu: Định là yên tĩnh. Chúng ta đang tập đuổi hai giặc tham sân. Nếu tâm tham khởi lên rồi chốc chốc lại tâm sân bực bội, lườm nguýt người này người kia khởi lên, tức là tâm chưa yên, chưa định. Vì tham sân si vẫn còn lục đục trong lòng nên chi phối sáu căn chúng ta cũng không yên, khi thế này thế kia. Khi nào tâm trầm tĩnh trước mọi cảnh, bình tĩnh đối diện, không vội vàng, bồng bột nóng nảy thì lúc đó là chúng ta đã đạt được chút định, rồi từ từ tự nhiên tâm chúng ta sẽ an định yên ổn. Được định này xem như chúng ta thành công nhưng chúng ta cũng nên nhớ rằng tham sân này ở với chúng ta từ vô thủy, nên hiện giờ có thể chúng ta tinh tấn đuổi nó quá, nên nó nằm yên trong tạng thức, đợi duyên sơ hỡ sẽ ngóc đầu dậy. Tham sân sẽ khởi lên nữa và chúng ta sẽ dễ lầm chúng là mình và nuôi dưỡng chúng tiếp, nên phải có định lực để nhận ra chuyện này.

Chúng ta vừa sinh ra là có tham sân đứng đấy với chúng ta và chúng ta đã có thói quen nhận chúng là mình rồi. Bây giờ học Phật, chúng ta mới bắt đầu lên kế hoạch thực hành việc đuổi tham sân thì chưa chắc chúng nó đã đi đâu. Có khi tham sân núp ở đâu đó đợi thời cơ để khởi lên nhưng dù sao chúng ta cũng đã có định lực rồi. Định nghĩa là trầm tĩnh, sáng suốt khiến tham sân không thể khởi lên được. Tán loạn thì dễ sanh tham sân.

Chúng ta đã có năm cành trên. Những cành bồ đề đầu thì quả tình chúng ta có cố sức công phu. Phải do cố gắng thì mới có được, nhưng từ cành khinh an số năm trở đi thì xem như chúng ta được quả rồi. Cây bồ đề của mình phần nào đã vững, coi như cái gốc đã bén rễ, đã đứng vững, tin rằng mình đã có cây bồ đề thật sự rồi. Tới đây thì việc làm của chúng ta đã bén rễ, an định rồi, thân tâm chúng ta vững vàng rồi. Định được trong sự nghiệp đã đuổi được tham và giận ra khỏi nhà mình rồi. Đến cành thứ sáu này thì tham sân không khởi, không phá chúng ta được. Chúng ta đã đủ cái lực sáng suốt để cho hai tham sân không chi phối chúng ta được, cho nên gọi là định trụ. Tâm chúng ta có định vững vàng an ổn. Tham sân không có khởi lên được nhưng thật ra chúng vẫn ở trong tạng thức của chúng ta cho đến khi nào chúng ta chứng quả thì mới thật là diệt được nó, nhưng dù sao chúng ta cũng đã hàng phục, bắt nó không được chi phối quậy phá chúng ta nữa.

vii. Cành thứ bảy: Xả là không nắm giữ. Có người mắng chưỡi và hành hung chúng ta, nhưng chúng ta vẫn bình tĩnh thản nhiên vì chúng ta đang học hạnh xả, không có lãnh thọ nhận vào. Còn lãnh thọ buồn phiền tham sân thì không gọi là xả. Không vơ vào và không nhận tham sân si là mình nữa thì đó gọi là xả. Vị nào còn nuôi tham sân thì còn có chuyện lãnh thọ bên ngoài; còn cải vả người này nói oan cho mình, người kia mắng mình, đó là còn nhận lãnh vơ những cái bên ngoài vào tâm mình. Còn bây giờ chúng ta không nuôi tham sân, đuổi chúng đi rồi thì chúng ta xả bỏ không bận lòng những cái bên ngoài. Như thế, chúng ta sẽ bình tĩnh thản nhiên, không tham không giận đối với tất cả những cảnh ở chung quanh. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân cho đến tâm ý yên ổn, bình tĩnh thản nhiên bởi vì đã xả. Không có thâu, không có nhận những hư vọng vào tâm.

Bởi vì có định nên những tham sân này không chi phối chúng ta được. Hiện tướng lên có cành bồ đề xả là người bên cạnh chưỡi oan chúng ta, nhưng chúng ta vẫn định, trầm tĩnh mà không phản ứng chống trả tức giận. Bất luận trường hợp nào chúng ta vẫn an định được. Đức Phật cho ví dụ như có một người lạ đến, không quen biết gì, cầm cưa muốn đến cưa chân của mình. Nếu chúng ta để tâm sợ hãi biến sắc thì chúng ta không phải là đệ tử Phật, không phải là hạnh xả thân. Khoan nói chuyện miệng chúng ta la toáng phản đối hay mặt nhăn nhó tức tối căm thù người cầm cái cưa kia thì tức tâm của chúng ta đã bị biến chuyển, không còn định nữa. Mất cành thứ sáu không định thì vị đó không phải là người biết nghe lời Đức Phật dạy nữa.

Như vậy, mỗi khi chúng ta gặp một nghịch cảnh nào xuất hiện, chúng ta cảm thấy lửa sân bừng bừng nổi lên thì hãy nhớ đến ví dụ này để giữ tâm đừng biến chuyển, đừng biến sắc và có nói lời thô tháo ác khẩu. Đức Phật đã từ bi dặn dò là nếu có ai đến cưa chân của mình, mình còn không oán, huống chi những việc nhẹ hơn cưa chân như chỉ là lời chưỡi bới hay nói oan thì chúng ta càng phải giữ tâm bình thản hơn nữa. Nếu chúng ta chịu khó giữ định lực, buông xả mọi việc thì chúng ta sẽ là đệ tử biết vâng lời của Phật dạy. Khi chúng ta đã hàng phục được tham sân thì chúng ta sẽ nhẹ nhàng, khoan khoái, an ổn vì cành bồ đề thứ bảy là không bị tham sân chi phối làm cho phiền não nặng nề.

Chúng ta nhớ thí dụ cưa chân này không phải ý Phật bảo là chúng ta nên đưa chân cho thiên hạ cưa mà ý của ngài là mỗi khi gặp khó khăn gì trong đời thì nhớ câu chuyện cưa chân ấy mà giữ tâm an định đừng biến chuyển. Phải có cành bồ đề định và cành bồ đề xả này vì có xả thì mình mới không hờn, không oán, không giận, mình mới lo đi cứu độ cho mọi người. Nếu chúng ta cứ ôm chuyện hờn giận, chán ghét người này kia thì mình không làm tròn nhiệm vụ của Phật. Phật phát nguyện là chúng sanh vô biên thề nguyện độ. Chúng ta làm con Phật thì phải nối tiếp với hạnh Phật, làm việc Phật đã hứa với chúng sanh. Cho nên, chúng ta phải lấy hoằng nguyện “Chúng sanh vô biên thề nguyện độ” để làm hoằng nguyện của mình mà bây giờ chúng ta cứ ôm lòng giận, ghét, chán, thế thì chẳng lẽ khi nguyện chúng sanh vô biên độ thì chúng ta lại trừ người mình oán ghét ra?

Nếu chúng ta bạch Phật là chúng ta không trừ ai cả, thế thì chúng ta phải thực hiện bảy cành bồ đề này. Có định lực nghĩa là tâm không biến chuyển. Có xả tức là chúng ta sẵn sàng tha thứ khoan dung, tâm như hư không. Ngay cả người ta cưa chân mình thì mình vẫn tâm như hư không, vẫn khoan dung, tha thứ. Chúng ta cố gắng tập như vậy. Đó là con đường của mười phương chư Phật hiện tại đã đi. Mười Phương Chư Phật quá khứ cũng đã đi con đường ấy đã thành công. Hiện tại mười phương Bồ tát cũng đang thực hiện việc này để thành đạo bồ đề. Cây bồ đề này chúng ta cũng mong làm thế nào cho nó nảy chồi được, để có thể chúng ta nối nghiệp Đức Bổn Sư là mỗi khi mình bạch lên ngôi Tam Bảo, chúng sanh vô biên thệ nguyện độ là chúng ta không có trừ ai ra. Như vậy, chúng ta đã “tinh cần tỉnh giác hành bảy giác chi để thành tựu trí tuệ hiền thánh”.

Việc xả thứ hai là ngay cả chúng ta đã có định lực, có trí tuệ buông xả được tham sân rồi, nhưng cũng không hiện tướng ra vẽ mình là người tu cao có định lực để ai cũng thấy là mình đã hàng phục được tham sân rồi, là bậc tu thâm cao. Người đạt được cành bồ đề thứ bảy này là người khiêm cung, nhún nhường, không lộ vẽ ta đây hơn người, nghĩa là xả cả sự thành đạt của mình.

Tóm lại, muốn thành công trong việc loại bỏ tham sân thì cây bồ đề phải có bảy cành. Phải nhớ và phải thật sự có bảy cành giác tỉnh của niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định và xả thì mới chắc chắn thật là đuổi được tham sân. Không có cành hỷ, không thích ngồi thiền, không có cành định thì không thành công được. Nếu chúng ta có đầy đủ bảy cành như vậy thì gọi là cây bồ đề hoàn mãn, thành công trong việc đuổi các giặc tham sân si. Nếu không có cây bồ đề, không có cành giác tỉnh như thế thì chúng ta không thể thành công trong việc loại bỏ tham sân si. Chiến tranh để loại trừ tham sân si này rất khó bởi vì nó là những cái ở trong tâm mình chứ không phải từ bên ngoài. Từ vô thủy đến giờ chúng ta nhận nó là mình, mình là nó, đã quen quá rồi, bây giờ bỏ nó, xả nó là việc rất khó. Việc khó mà làm được, thành tựu được cây bồ đề này để cúng Phật thì chư Phật rất vui. Như thế là chúng ta đã thành tựu được trí tuệ hiền thánh. Từ giờ trở đi chỉ có là hiền thánh thôi. Đó là chúng ta đã tu tập đạo Phật, gọi là chánh giác, ra khỏi đường luân hồi.

Nếu được như vậy là chúng ta không những được vào Phật đạo mà còn được thành Phật đạo. Vào Phật đạo là chúng ta được học, được tập, tìm hiểu. Thành là thành công tức là học xong rồi, hiểu rồi, làm cũng xong rồi. Chúng ta cầu có trạch pháp để học, để hiểu. Cầu chọn lọc để biết tham giận không phải là mình. Đẩy nó ra đừng nhận nó làm mình, đừng nói tôi thích cái này, cái kia nữa. Để ý đừng thốt ra, hể thốt ra ‘tôi buồn’, ‘tôi giận’ tức bảy giác chi chưa có cái niệm. Giác biết tham sân là giặc không phải mình. Bắt đầu thực hành từ niệm cho đến xả và hàng phục tham sân qua bảy tầng giác tỉnh. Đó là bảy cành bồ đề. Chúng ta phải để đâm chồi nảy lộc trong cây bồ đề của chúng ta. Cố gắng để chúng ta có cây bồ đề đầy đủ bảy cành sáng suốt rực rỡ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]