Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 1: Những lời Phật dạy trong Tạp A-Hàm ( phần 5)

25/04/201311:30(Xem: 9208)
Chương 1: Những lời Phật dạy trong Tạp A-Hàm ( phần 5)
A-Hàm - Mưa Pháp Chuyển Hóa Phiền Não


Chương 1: Những Lời Phật Dạy Trong Tạp A-Hàm (phần 5)

Ni sư Thích Nữ Giới Hương
Nguồn: Ni sư Thích Nữ Giới Hương

200. KHÔNG CÒN ĐỜI KHÁC

Nhiếp trì thân, miệng, ý
Không tạo ba pháp ác
Sống tại nhà của mình
Rộng họp nhiều khách khứa.

Tín, bố thí tài, pháp
Dùng pháp lập tất cả
Trụ kia, học pháp kia
Không còn sợ đời khác.

(Tạp A-hàm, Quyển 49, Kinh Chiên-đàn, số 1315)

201. KHÔNG ĐỂ THẤT NIỆM

Vào thời quá khứ, có đám cỏ trong sông và có con rùa sống trong bụi cỏ ấy. Khi đó có một con dã can đói đi tìm thức ăn. Vừa thấy con rùa, nó vội nhảy tới vồ lấy. Con rùa thấy vậy, liền thu hết đầu đuôi và bốn chân vào trong mai. Dã can canh đợi con rùa thò đầu, chân ra là chụp ăn liền. Nhưng chờ lâu quá, mà nhất định rùa không thò đầu và chân ra. Dã can đói quá, tức tối bỏ đi.

Này các Tỳ-kheo, ngày nay các ông cũng lại biết như vậy. Ma Ba-tuần luôn luôn dò xét tìm cơ hội bên các ông. Mong đợi mắt các ông đắm sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý nhớ pháp mà xúi dục sanh tâm đắm nhiễm sáu trần. Cho nên Tỳ-kheo, các ông phải luôn luôn giữ gìn luật nghi của mắt. Khi đã giữ gìn an trụ nơi luật nghi của mắt rồi, dù mắt có sanh khởi hoặc duyên cảnh đi nữa thì ác Ma Ba-tuần cũng không thể tìm được cơ hội. Tai mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Dù sáu căn kia có sanh khởi hoặc duyên cảnh đi nữa, thì chúng cũng không thể tìm được tiện lợi. Giống như con rùa, dã can không thể tìm được cơ hội nào.

(Tạp A-hàm, Quyển 43, Kinh Con Rùa, số 1167)

202. KHÔNG KHỦNG BỐ CHÚNG SANH

Nếu thân không sát hại
Cả khẩu, ý cũng vậy
Thì đó lìa sát hại
Không khủng bố chúng sanh.

(Tạp A-hàm, Quyển 42, Kinh Bất Hại, số 1156)

203. KHÔNG NGÃ MẠN

Đa văn Thánh đệ tử ở nơi sắc không thấy là ngã, là khác ngã, là ở trong nhau. Ở nơi thọ, tưởng, hành, thức cũng không thấy là ngã, là khác ngã, là ở trong nhau.

(Tạp A-hàm, Quyển 2, Kinh Ấm Căn, số 58)

204. KHÔNG RỜI KHỎI SẮC

Chúng sanh, đối với sanh tử vô thỉ, vì bị vô minh che khuất, ái kết buộc ràng, luân hồi trong lâu dài, mà không biết được biên tế tối sơ của khổ.

Này các Tỳ-kheo, giống như con chó bị dây cột vào trụ. Dây trói không đứt, nó xoay chuyển quanh cây trụ, khi đứng, khi nằm, không rời khỏi trụ. Cũng vậy, chúng sanh phàm phu ngu muội, đối với sắc không lìa tham dục, không xa lìa ái, không lìa niệm, không xa lìa khát, luân hồi theo sắc, chuyển xoay theo sắc, khi đứng, khi ngồi, không rời khỏi sắc. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng vậy, theo thọ, tưởng, hành, thức chuyển xoay, khi đứng, khi nằm không rời khỏi thức.

(Tạp A-hàm, Quyển 10, Kinh Vô Tri II, số 267)

205. KHÔNG RƠI VÀO ĐƯỜNG ÁC

Có một người, ở trong một kiếp sanh tử luân hồi, xương trắng chồng chất không bị mục nát, như núi Tỳ-phú-la. Nếu vị Thánh đệ tử nào biết như thật về Thánh đế khổ này, biết như thật về sự tập khởi của khổ này, biết như thật về sự diệt tận của khổ này, biết như thật về con đường đưa đến sự diệt khổ này; sau khi vị ấy biết như vậy, thấy như vậy, tất đoạn trừ ba kết: thân kiến, giới thủ và nghi. Khi đoạn trừ được ba kết này, đắc Tu-đà-hoàn, không rơi vào pháp đường ác, quyết định hướng thẳng Chánh giác, chỉ còn bảy lần qua lại Trời, Người, cứu cánh thoát khổ.

(Tạp A-hàm, Quyển 34, Kinh Thảo Mộc, số 940)

206. KHÔNG SANH NÊN KHÔNG TRÓI BUỘC

Thế nào là nếu không sanh thì không trói buộc?

Đa văn Thánh đệ tử biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự tận diệt của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly của sắc. Vì đã biết như thật, nên không ái hỷ, tán thán, thủ trước; không buộc chặt ngã và ngã sở, mà chấp thủ. Vì không chấp thủ nên sắc kia nếu biến chuyển hay đổi khác, tâm không theo đó mà biến khác. Vì tâm không theo sự biến khác, nên tâm không bị trói buộc, nắm giữ tâm mà trụ. Do không nắm giữ tâm mà trụ, nên tâm không sợ hãi, chướng ngại, hoài vọng; vì không sanh nên không trói buộc vậy. Đó gọi là không sanh, nên không có trói buộc.

(Tạp A-hàm, Quyển 2, Kinh Hệ Trước, số 44)

207. KHÔNG SANH NHIỄM TRƯỚC

Các ông chớ nói Đề-bà-đạt-đa đang được lợi dưỡng. Vì sao? Vì Đề-bà-đạt-đa này, nếu hưởng thọ lợi dưỡng riêng thì đời này tự hoại và đời sau cũng bị hoại. Ví như cây chuối, lau, tre sanh quả liền chết, năm sau cũng hư hoại. Cũng lại như vậy, Đề-bà-đạt-đa, nếu thọ nhận sự cúng dường này, thì đời này bị hoại, đời sau cũng bị hoại.

Thí như con la mang thai thì chết; cũng như vậy Đề-bà-đạt-đa, nếu thọ nhận các lợi dưỡng thì đời này bị hoại, đời sau cũng bị hoại. Đề-bà-đạt-đa ngu si kia, sẽ tùy theo thời gian nhiều ít hưởng thụ lợi dưỡng này, mà phải lâu dài chịu khổ, không lợi ích. Cho nên, các Tỳ-kheo, nên học như vầy: ‘Dù có lợi dưỡng đến, tôi cũng không sanh tâm nhiễm trước.’

(Tạp A-hàm, Quyển 38, Kinh Đề Bà, số 1064)

208. KHÔNG THAM LAM

Tụ lạc hoặc đất trống
Thấy lợi, nói của ta
Không hành tưởng tham này
Là con đường sanh Thiên.

(Tạp A-hàm, Quyển 49, Kinh Giới Gì, số 1299)

209. KHÔNG THAM LUYẾN NGŨ DỤC

Nan-đà, Ta muốn ngươi
Tu tập a-lan-nhã
Đi khất thực từng nhà
Thân mặc áo phấn tảo
Thích ở chỗ núi khe
Không tham luyến ngũ dục!

(Tạp A-hàm, Quyển 38, Kinh Nan Đà II, số 1067)

210. KHÔNG THỦ THÌ KHÔNG ĐẮM

Thế nào là không thủ, thì không đắm?

Đa văn Thánh đệ tử ở nơi sắc không thấy ngã, khác ngã, hay ở trong nhau; ở nơi sắc không thấy ngã và ngã sở để mà chấp thủ. Không thấy ngã và ngã sở để mà chấp thủ, khi sắc kia chuyển biến, hay đổi khác, thì tâm cũng không chuyển theo. Tâm không chuyển theo, không sanh thủ trước, nắm giữ tâm mà trụ. Do không nắm giữ tâm mà trụ, không sanh sợ hãi, chướng ngại, tâm loạn; do không thủ trước vậy.

Cũng vậy, ở nơi thọ, tưởng, hành, thức không thấy ngã, khác ngã, hay ở trong nhau; ở nơi thức không thấy ngã và ngã sở để mà chấp thủ. Không thấy ngã và ngã sở để mà chấp thủ, khi thức kia chuyển biến, hay đổi khác, thì tâm cũng không chuyển theo. Tâm không chuyển theo, không sanh thủ trước, nắm giữ tâm mà trụ. Do không nắm giữ tâm mà trụ, không sanh sợ hãi, chướng ngại, tâm loạn; do không thủ trước vậy. Đó gọi là không thủ trước.

(Tạp A-hàm, Quyển 2, Kinh Thủ Trước, số 43)

211. KHÔNG TRI KHÔNG KIẾN

Do có cái gì, do khởi cái gì, do hệ lụy cái gì, do đắm đuối cái gì, do thấy ngã nơi cái gì, khiến cho chúng sanh thấy như vầy, nói như vầy: ‘Chúng sanh không tri không kiến, không nhân, không duyên’?

Do có sắc, sanh khởi sắc, hệ lụy, đắm đuối sắc, nơi sắc thấy ngã, cho nên, ưu, bi, khổ, não chưa khởi thì khiến cho khởi; ưu, bi, khổ, não đã khởi, thì khiến tăng trưởng rộng thêm. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.

(Tạp A-hàm, Quyển 7, Kinh Vô Nhân Vô Duyên, số 159)

212. KHÔNG ƯA THÍCH

Lành thay! Tỳ-kheo không ưa sắc, không khen ngợi sắc, không chấp thủ sắc, không đắm trước sắc. Lành thay! Tỳ-kheo không ưa thọ, tưởng, hành, thức, không khen ngợi… thức, không chấp thủ… thức, không đắm trước… thức. Vì sao? Vì nếu Tỳ-kheo không ưa sắc, không khen ngợi sắc, không chấp thủ sắc, không đắm trước sắc, thì đối với sắc sẽ không ưa thích, tâm được giải thoát. Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức mà không ưa thức, không khen ngợi thức, không chấp thủ thức, không đắm trước thức, thì đối với thức sẽ không ưa thích, tâm được giải thoát.

Nếu Tỳ-kheo không ưa sắc, tâm được giải thoát. Cũng vậy, nếu không ưa thọ, tưởng, hành, thức, tâm được giải thoát, không sanh không diệt, bình đẳng an trú xả với chánh niệm chánh trí.

(Tạp A-hàm, Quyển 3, Kinh Bất Lạc, số 60)

213. KHÔNG, VÔ TƯỚNG, VÔ SỞ HỮU

Nếu Tỳ-kheo nào, ngồi dưới gốc cây, chỗ trống vắng, mà khéo quán sát sắc là vô thường, là pháp ma diệt, ly dục. Cũng vậy, quán sát thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, là pháp ma diệt, ly dục. Quán các thọ ấm kia là vô thường, là pháp ma diệt, không bền chắc, biến dịch, thì tâm sẽ được an lạc, thanh tịnh, giải thoát. Đó gọi là Không. Quán sát như vậy cũng không thể lìa kiêu mạn, có tri kiến thanh tịnh.

Lại có tam-muội chánh tư duy, là quán sát sự đoạn tận của tướng sắc, sự đoạn tận của tướng thanh, hương, vị, xúc, pháp. Đó gọi là vô tướng. Quán sát như vậy cũng chưa lìa kiêu mạn, có tri kiến thanh tịnh.

Lại có tam-muội chánh tư duy, là quán sát sự đoạn trừ tướng tham, tướng sân nhuế, tướng ngu si. Đó gọi là Vô sở hữu. Quán sát như vậy cũng chưa lìa kiêu mạn, có tri kiến thanh tịnh.

(Tạp A-hàm, Quyển 3, Kinh Pháp Ấn, số 80)

214. KIẾM BÉN

Thí như gươm bén hại
Cũng như lửa cháy đầu
Đoạn trừ thân sau rốt
Chánh niệm cầu xa lìa.

(Tạp A-hàm, Quyển 22, Kinh Lợi Kiếm, số 586)

215. KIÊN CỐ CHỊU ĐỰNG

Như vậy, các Tỳ-kheo, phải tinh cần, phương tiện, kiên cố chịu đựng, không bỏ pháp lành; cho dù gầy còm da bọc xương, cũng phải tinh cần phương tiện, không bỏ pháp lành, cho đến nếu chưa đạt những điều đáng được, không lìa bỏ tinh tấn, thường nhiếp tâm sống không buông lung. Nhờ sống không buông lung nên ma vương Ba-tuần không tìm được cơ hội. Trong đời vị lai có các Tỳ-kheo mặc tình hưởng lạc, vô sự; tay chân mềm mại, lụa là làm gối, tứ chi nằm yên, ngủ mặt trời mọc vẫn chưa dậy, sống buông lung. Vì sống buông lung nên ác ma Ba-tuần tìm được cơ hội. Cho nên Tỳ-kheo phải học như vậy, tinh cần phương tiện, cho đến nếu chưa đạt những điều chưa được thì không từ bỏ phương tiện.

(Tạp A-hàm, Quyển 47, Kinh Mộc Chẫm, số 1252)

216. KIẾN TỊNH ĐOẠN

Thế nào gọi là Kiến tịnh đoạn? Thánh đệ tử nghe Đại Sư nói pháp; với pháp được nói như vậy, như vậy, thì như vậy, như vậy mà nhập chánh quán như thật, như vậy, như vậy mà được hoan hỷ, được tùy hỷ, được theo Phật.

(Tạp A-hàm, Quyển 21, Kinh Bà-đầu, số 565)

217. KIẾP HOẠI

Này các Tỳ-kheo, có lúc, sau một thời gian lâu dài, quả đất này bị tan hoại. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, vì vô minh che khuất, ái kết buộc ràng, nên chúng sanh sống chết luân hồi. Ái kết không dứt, không chấm dứt được khổ.

(Tạp A-hàm, Quyển 10, Kinh Vô Tri, số 266)

218. KIẾP SỐ NHIỀU NHƯ HẠT CẢI

Có thể nói. Này Tỳ-kheo, thí như thành trì bằng sắt, vuông vức một do-tuần, từ trên xuống dưới cũng như vậy, bên trong đầy hạt cải. Cứ một trăm năm có người lấy một hạt cải. Số hạt cải kia có thể hết, nhưng kiếp vẫn còn chưa hết. Cũng vậy Tỳ-kheo, kiếp kia dài lâu như vậy. Kiếp dài cả trăm, ngàn, vạn, ức khổ lớn nối tiếp nhau, mà xương trắng chất thành gò, máu mủ chảy thành sông, trong các đường ác địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ. Tỳ-kheo, đó gọi là từ vô thỉ sanh tử mãi luân hồi, không biết nguồn gốc khổ. Cho nên Tỳ-kheo, nên học như vầy: ‘Đoạn trừ các hữu, chớ cho tăng trưởng.’

(Tạp A-hàm, Quyển 34, Kinh Thành Trì, số 948)

219. KIẾP TRƯỚC CỦA VUA A-DỤC

Lúc đó có hai em bé, một đẳng cấp thượng và một đẳng cấp thứ, cùng nhau vọc cát chơi đùa; một tên Xà-da, một tên Tỳ-xà-da. Từ xa trông thấy Thế Tôn đầy đủ ba mươi hai tướng bậc Đại nhân trang nghiêm thân, đồng tử Xà-da nghĩ thầm: Mình đem bột này cúng dường. Rồi tay nắm một nắm cát mịn bỏ vào bát Thế Tôn. Bấy giờ, em bé kia phát nguyện rằng: Nhờ căn lành của công đức huệ thí này, mong con được làm một vị Tản cái vương của một thiên hạ, ngay đời này được cúng dường chư Phật.

Xà-da nhờ căn lành này được làm vua, vua xứ Diêm-phù-đề, cho đến thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Thế Tôn nói:

A-nan nên biết, sau khi Ta diệt độ một trăm năm, đồng tử này sẽ ở tại ấp Ba-liên-phất thống lãnh một phương, làm Chuyển luân vương, họ Khổng Tước, tên A-dục, đem chánh pháp cai trị, giáo hóa nhân dân và lại còn phân bố rộng rãi xá-lợi của Ta, sẽ xây dựng tám muôn bốn ngàn tháp Pháp vương, đem lại sự an vui cho vô lượng chúng sanh.

A-nan! Hãy lấy nắm cát được bố thí trong bát đổ ra nơi chỗ Như Lai kinh hành. Ta sẽ đi nơi đó.

A-nan vâng lời Phật dạy, liền lấy cát trong bát Phật rãi trên chỗ kinh hành.

(Tạp A-hàm, Quyển 23, Kinh A-dục Vương Nhân Duyên, số 604)

220. KIẾT SỬ TRÓI BUỘC

Thế nào là pháp bị kết sử trói buộc? Là mắt và sắc, tai và âm thanh, mũi và mùi, lưỡi và vị, thân và xúc, ý và pháp. Đó gọi là pháp bị kết sử trói buộc.

Thế nào là pháp kết sử? Là dục tham. Đó gọi là pháp kết sử.

(Tạp A-hàm, Quyển 9, Kinh Kết, số 239)

221. KIÊU MẠN

Đã lìa nơi kiêu mạn
Tâm thường vào chánh định
Trí sáng khéo phân biệt
Giải thoát tất cả phược.

Một mình nơi rừng vắng
Tâm này không phóng dật
Nhanh chóng vượt qua bờ
Kẻ thù tử ma kia.

(Tạp A-hàm, Quyển 36, Kinh Kiêu Mạn số 995)

222. KINH SÁU ÁI THÂN

Có sáu ái thân. Đó là mắt tiếp xúc sanh ra ái và tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc sanh ra ái. Đó gọi là sáu ái thân.

(Tạp A-hàm, Quyển 13, Kinh Lục Ái Thân, số 330)

223. LẬU TẬN

Nếu có Tỳ-kheo đang ở trong chỗ ngồi này nghĩ rằng: ‘Biết như thế nào, thấy như thế nào để nhanh chóng chứng đắc lậu tận?’ Ta đã từng nói pháp rằng:

‘Hãy khéo léo quán sát các ấm; đó là bốn Niệm xứ, bốn Chánh cần, bốn Như ý túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác phần, tám Thánh đạo phần.’

Ta đã từng nói những pháp như vậy để quán sát các ấm. Thế mà hiện nay vẫn còn có thiện nam tử, không muốn nỗ lực siêng thực hành, không nỗ lực siêng vui thích, không nỗ lực siêng suy nghĩ, không nỗ lực siêng tin tưởng, mà tự biếng lười, không nỗ lực tăng tiến để diệt tận được các lậu!

Lại nữa, nếu có thiện nam tử đối với những gì Ta đã nói, mà quán sát các ấm, nỗ lực siêng ham muốn, nỗ lực siêng vui thích, nỗ lực siêng suy nghĩ, nỗ lực siêng tin tưởng, thì có thể nhanh chóng chứng đắc lậu tận.

(Tạp A-hàm, Quyển 2, Kinh Lậu Tận, số 57)

224. LẬU VÀ VÔ LẬU

Thế nào là pháp hữu lậu? Nếu sắc là pháp hữu lậu, bị chấp thủ; sắc sanh ra ái và nhuế. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức là pháp hữu lậu, bị chấp thủ; thức kia sanh ra ái và nhuế. Đó gọi là pháp hữu lậu.

Thế nào là pháp vô lậu? Những gì sắc vô lậu, không bị chấp thụ; sắc kia hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai, sắc kia không sanh ái, nhuế. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức là vô lậu, không chấp thủ; thức kia hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai, không sanh ái, nhuế. Đó gọi là pháp vô lậu.

(Tạp A-hàm, Quyển 2, Kinh Lậu Vô Lậu, số 56)

225. LẤY DÙ CHE ĐÈN

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, vào lúc nửa đêm, trời mưa nhỏ, có chớp lóe chiếu sáng.

Phật bảo A-nan: Ông hãy lấy dù che đèn mang ra ngoài.

Tôn giả A-nan liền vâng lời lấy dù che đèn, đi theo sau Phật. Đến một nơi, Thế Tôn bỗng mỉm cười. Tôn giả A-nan bạch Phật rằng: Thế Tôn không khi nào cười mà không có nguyên nhân. Không rõ hôm nay Thế Tôn vì lý do gì mà mỉm cười?

Phật bảo A-nan: Đúng vậy, đúng vậy! Như Lai cười không phải là không có lý do. Hôm nay khi ông cầm dù che đèn đi theo Ta, thì Ta thấy Phạm thiên cũng lại như vậy, cầm dù che đèn đi theo sau Tỳ-kheo Câu-lân; Thích Đề-hoàn Nhân cũng cầm dù che đèn đi theo sau Ma-ha Ca-diếp; Trật-lật-đế-la-sắc-tra-la Thiên vương cũng cầm dù che đèn đi theo sau Xá-lợi-phất; Tỳ-lâu-lặc-ca Thiên vương cũng cầm dù che đèn đi theo sau Đại Mục-kiền-liên; Tỳ-lâu-bặc-xoa Thiên vương cũng cầm dù đi theo sau Ma-ha Câu-hy-la; Tỳ-sa-môn Thiên vương cũng cầm dù che đèn đi theo sau Ma-ha Kiếp-tân-na.

(Tạp A-hàm, Quyển 31, Kinh Tán Cái Phú Đăng, số 872)

226. LOẠI NGƯỜI TỪ SÁNG VÀO SÁNG

Thế nào là có người từ sáng vào sáng? Có người đời sanh vào gia đình giàu sang khoái lạc như nhà dòng lớn Sát-đế-lợi, dòng lớn Bà-la-môn, nhà dòng lớn Trưởng giả, cùng sanh vào những gia đình giàu có khoái lạc khác, có nhiều tiền bạc, của cải, nô tỳ, người sai khiến, nhóm họp nhiều người thân quen, thân thể đoan chánh, thông minh trí tuệ. Đây gọi là sáng. Ở trong chỗ sáng này, thân làm việc lành, miệng nói lời lành, ý nghĩ điều lành. Vì lý do này, khi thân hoại mạng chung, sanh lên đường lành, được hóa thân cõi trời. Giống như có người có người từ lầu cao, xuống cưỡi voi lớn, xuống voi lớn cưỡi ngựa, xuống ngựa đi xe, xuống xe ngồi giường; người từ sáng vào sáng cũng lại như vậy. Đó gọi là từ sáng vào sáng.

(Tạp A-hàm, Quyển 42, Kinh Sáng Tối, số 1146)

227. LOẠI NGƯỜI TỪ SÁNG VÀO TỐI

Thế nào là người từ sáng vào tối?

Có người đời sanh vào gia đình giàu sang khoái lạc như nhà dòng lớn Sát-đế-lợi, dòng lớn Bà-la-môn, nhà dòng lớn Trưởng giả, cùng sanh vào những gia đình giàu có khoái lạc khác, có nhiều tiền bạc, của cải, nô tỳ, người sai khiến, nhóm họp nhiều người thân quen, thân thể đoan chánh, thông minh trí tuệ. Đó gọi là sáng. Ở trong chỗ sáng này, thân làm điều ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ điều ác. Vì lý do này, khi thân hoại mạng chung, sanh vào đường ác, rơi vào trong địa ngục.

Giống như có người từ lầu cao, xuống cưỡi voi lớn, xuống voi lớn cưỡi ngựa, xuống ngựa đi xe, xuống xe ngồi giường, xuống giường đi đất, từ đất rơi xuống hầm hố. Người từ sáng vào tối lại cũng như vậy.

(Tạp A-hàm, Quyển 42, Kinh Sáng Tối, số 1146)

228. LOẠI NGƯỜI TỪ TỐI VÀO SÁNG

Thế nào là từ tối vào sáng?

Người sanh vào nhà thấp hèn cho đến bị người sai làm những điều hèn hạ. Đó gọi là tối. Nhưng người ở trong tối này, thân làm việc lành, miệng nói lời lành, ý nghĩ điều lành; vì những lý do này, khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào đường lành, được hóa sanh cõi trời.

Thí như người lên giường, cỡi ngựa, từ ngựa tiến lên voi; từ tối vào sáng cũng lại như vậy. Đó gọi là người từ tối vào sáng.

(Tạp A-hàm, Quyển 42, Kinh Sáng Tối, số 1146)

229. LOẠI NGƯỜI TỪ TỐI VÀO TỐI

Đại vương, thế nào là loại người từ tối vào tối?

Có người sanh vào nhà thuộc dòng thấp hèn, như sanh vào nhà Chiên-đà-la, nhà người săn bắn, bắt cá, làm đồ tre, nhà người kéo xe và những nhà làm nghề nghiệp công xảo hạ tiện khác; bần cùng, đoản mạng, hình thể tiều tụy mà lại tu hành theo nghiệp thấp kém, cũng lại bị người hạ tiện sai khiến. Đó gọi là tối. Ở trong chỗ tối này, thân lại làm việc ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ điều ác. Vì những lý do này, khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh vào đường ác, rơi vào trong địa ngục.

Giống như người từ tối vào tối, từ nhà xí vào nhà xí, lấy máu rửa máu, bỏ ác lấy ác. Người từ tối vào tối cũng lại như vậy, cho nên gọi là từ tối vào tối.

(Tạp A-hàm, Quyển 42, Kinh Sáng Tối, số 1146)

230. LỜI CHÂN CHÁNH

Không nói lời phi giáo
Không nghĩa, không lợi ích
Thường nói lời thuận pháp
Là con đường sanh Thiên.

(Tạp A-hàm, Quyển 49, Kinh Giới Gì, số 1299)

231. LÒNG TÍN

Thiện nam có lòng tin, cần suy nghĩ như vầy:

‘Ta nên thuận theo pháp. Ta hãy an trụ với sự tu tập, tu tập nhiều, về yểm ly đối với sắc; an trụ với sự tu tập, tu tập nhiều, về yểm ly đối với thọ, tưởng, hành, thức.’

Thiện nam tử có lòng tin bèn an trụ với sự tu tập, tu tập nhiều, về yểm ly đối với sắc; an trụ với sự tu tập tu tập nhiều, về yểm ly đối với thọ, tưởng, hành, thức, nên đối với sắc được yểm ly; đối với thọ, tưởng, hành, thức được yểm ly. Do yểm ly mà ly dục, giải thoát, giải thoát tri kiến, biết rằng ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’

(Tạp A-hàm, Quyển 2, Kinh Tín, số 47)

232. LÙA BÒ KHỎE QUA DÒNG NƯỚC

Như người khéo chăn bò nước Ma-kiệt-đề, kế đến, thứ hai, lùa những con bò trẻ sung sức, cắt ngang dòng nước mà qua.

Cũng vậy, các hàng Thanh văn của Ta đoạn tận năm hạ phần kết sử, được A-na-hàm, đối với việc thọ sanh kia, không trở lại cõi này nữa; lại cũng cắt đứt dòng tham dục ác ma, được an ổn qua sanh tử, đến bờ kia.

(Tạp A-hàm, Quyển 47, Kinh Chăn Bò, số 1248)

233. LÙA BÒ YẾU Ở CUỐI DÒNG NƯỚC

Như người khéo chăn bò nước Ma-kiệt-đề, tiếp đến, thứ ba, lùa bầy bò nhỏ yếu theo phía dưới dòng, được qua an ổn. Cũng vậy, hàng Thanh văn của Ta đã đoạn ba kết; tham, sân, si mỏng, đắc Tư-đà-hàm, tái sanh cõi này một lần, rốt ráo hết khổ, cắt ngang dòng ác ma tham dục kia, được an ổn qua sanh tử, đến bờ kia.

(Tạp A-hàm, Quyển 47, Kinh Chăn Bò, số 1248)

234. LÙA NGHÉ QUA SÔNG

Như người khéo chăn bò nước Ma-kiệt-đề, những con nghé mới sanh, quyến luyến mẹ chúng cũng theo mà qua sông được. Cũng vậy, hàng Thanh văn của Ta đã đoạn ba kết, đắc Tu-đà-hoàn, không rơi vào đường ác, nhất định hướng thẳng đến Chánh giác, bảy lần qua lại Trời, Người, rốt ráo hết khổ, cắt đứt dòng ác ma tham dục, được an ổn qua sanh tử, đến bờ kia.

(Tạp A-hàm, Quyển 47, Kinh Chăn Bò, số 1248)

235. LUẬN THUYẾT

Có số đông Tỳ-kheo tụ tập nơi nhà ăn, bàn luận những đề tài như vầy: hoặc là bàn luận việc vua, việc giặc cướp, việc đấu tranh, việc tiền bạc, việc y phục, việc ăn uống, việc nam nữ, việc ngôn ngữ thế gian, việc sự nghiệp, việc trong biển cả. Bấy giờ, Đức Thế Tôn đang ở trong thiền định, bằng thiên nhĩ, nghe tiếng bàn luận của các Tỳ-kheo, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến nhà ăn, trải tọa cụ mà ngồi trước đại chúng, rồi bảo các Tỳ-kheo:

Này các Tỳ-kheo, các ông tụ tập để bàn luận việc gì?

Các Tỳ-kheo bạch Phật: Bạch Thế Tôn, chúng con tụ tập ở đây bàn nói về việc vua… Nói đầy đủ như trên.

Phật bảo các Tỳ-kheo: Các ông chớ bàn luận những đề tài như vầy: Bàn luận những việc vua… cho đến, không hướng đến Niết-bàn. Nếu có bàn luận thì nên nói về Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Vì sao? Vì bốn Thánh đế này có lợi ích cho nghĩa, lợi ích cho pháp, lợi ích cho phạm hạnh, là chánh trí, chánh giác, chánh hướng Niết-bàn.

Bốn Thánh đế nếu chưa hiện quán thì phải siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán.

(Tạp A-hàm, Quyển 16, Kinh Luận Thuyết, số 411)

236. LUẬT NGHI VÀ BẤT LUẬT NGHI

Thế nào là bất luật nghi? Nếu nhãn căn không được luật nghi thâu giữ, thì nhãn thức bị đắm sắc. Vì bị đắm sắc nên sanh ra khổ thọ. Vì khổ thọ nên không được nhất tâm. Vì không nhất tâm nên không thấy biết như thật. Vì không thấy biết như thật nên không lìa nghi hoặc. Vì không lìa nghi hoặc nên bị chúng làm mê lầm chịu khổ mãi mãi. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy

Thế nào là luật nghi? Nếu nhãn căn được luật nghi thâu giữ; khi nhãn thức nhận thức sắc, tâm không nhiễm trước. Khi tâm đã không nhiễm trước thì thường trụ an vui. Vì tâm đã trụ trong an vui nên thường được nhất tâm. Vì đã nhất tâm nên thấy biết như thật. Vì đã thấy biết như thật nên lìa nghi hoặc. Vì đã lìa nghi hoặc nên không bị chúng làm mê lầm và thường trụ trong an vui. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.

(Tạp A-hàm, Quyển 11, Kinh Luật Nghi Bất Luật Nghi, số 277)

237. LỰC ĐỊNH

Tôn giả Xá-lợi-phất mới cạo râu tóc, có con quỷ Già-tra và Ưu-ba-già-tra đi ngang qua. Quỷ Ưu-ba-già-tra thấy Tôn giả Xá-lợi-phất mới cạo râu tóc, bèn nói với quỷ Già-tra:

Bây giờ tôi sẽ đến đánh đầu của Sa-môn kia.

Quỷ Già-tra nói: Ưu-ba-già-tra, anh chớ nói vậy! Sa-môn này có thần lực, đức độ lớn, anh chớ làm vậy, sẽ chịu khổ lâu dài, không được lợi ích. Ba lần nói như vậy, mà quỷ Ưu-ba-già-tra sau ba lần can gián vẫn không nghe lời quỷ Già-tra, liền dùng tay đánh đầu Tôn giả Xá-lợi-phất, đánh xong, rồi tự kêu lên rằng:

Già-tra, tôi bị thiêu! Già-tra, tôi bị luộc! Kêu lên ba lần rồi, liền bị vùi vào trong đất, đọa xuống địa ngục A-tỳ.

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nghe tiếng động do con quỷ đánh Tôn giả Xá-lợi-phất, liền đi đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

Thế nào, Tôn giả, có thể chịu được sự đau đớn đó không?

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời: Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, tuy có đau đớn, nhưng ý có thể chịu đựng, không đến nỗi đau quá.

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:

Kỳ diệu thay, Tôn giả Xá-lợi-phất! Thật là thần lực, đức độ lớn. Con quỷ này nếu dùng tay đánh núi Kỳ-xà-quật, sẽ khiến nát ra như cám, huống là đánh vào người mà không đau đớn?

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Tôn giả Đại Mục-kiền-liên:

Thật ra là tôi không đau đớn lắm!

Khi Tôn giả Xá-lợi-phất và Đại Mục-kiền-liên cùng uý lạo nhau như vậy, Đức Thế Tôn dùng thiên nhĩ nghe những lời này. Nghe xong, liền nói kệ:

Tâm kia như đá cứng
Trụ vững không lay động
Đã lìa tâm nhiễm trước
Người sân không trả lại
Nếu tu tâm như vậy
Sao có nỗi đớn đau!

(Tạp A-hàm, Quyển 50, Kinh Ưu-Ba-Già-Tra, số 1330)

238. LƯỚI ÁI

Vì lưới ái nên nhiễm
Không ái, ai kéo đi?
Diệt tất cả hữu dư
Chỉ Phật được ngủ yên.

(Tạp A-hàm, Quyển 39, Kinh Ngủ Nghỉ, số 1087)

239. LƯU

Lưu là chỉ cho dục lưu, hữu lưu, kiến lưu và vô minh lưu.

Lại hỏi Xá-lợi-phất: Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì có thể đoạn trừ những lưu này không?

Xá-lợi-phất đáp: Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.

(Tạp A-hàm, Quyển 18, Kinh Diêm-Phù-Xa, số 490)

240. LUYỆN VÀNG

Như người đúc vàng, gom đất cát lại bỏ vào máng. Sau đó dùng nước dội lên. Những thứ nặng thô, tạp uế và các thứ đá vụn, đất rắn, theo nước trôi đi. Nhưng những hạt cát thô vẫn còn kết dính. Lại dùng nước dội vào; những hạt cát thô ấy theo nước trôi đi. Sau đó mới có vàng nguyên, nhưng vẫn bị những thứ cát mịn bị đất đen kết dính. Lại dùng nước dội lên, những hạt cát mịn, đất đen theo nước trôi đi. Sau đó còn lại vàng ròng thuần tịnh không tạp. Nhưng vẫn còn cáu bợn rất nhỏ, tợ vàng. Tiếp đó, người thợ vàng đem nó bỏ vào lò, thụt ống bệ để tăng lửa cho nó tan thành dung dịch, loại bỏ hết cáu bợn. Nhưng vàng nguyên vẫn chưa nhẹ, chưa mềm, chưa phát ánh sáng; gấp lại, kéo ra, còn bị gãy. Người luyện vàng hay người đệ tử luyện vàng lại phải bỏ vào lò, thụt bệ cho lửa tăng, lật qua, lật lại để hun đúc, sau cùng, vàng nguyên mới nhẹ mềm, trở thành bóng loáng, gấp, kéo, không bị gãy, tùy theo ý muốn, làm các loại đồ trang sức như xoa, bông tai, vòng, xuyến.

Tỳ-kheo tiến hướng tịnh tâm cũng như vậy. Những phiền não thô đang quấn chặt, nghiệp ác bất thiện, các tà kiến ác, dần dần được đoạn trừ khiến cho tiêu diệt; như vàng nguyên kia phải loại bỏ đi những đá vụn, đất rắn.

Cũng thế, Tỳ-kheo tiến hướng tịnh tâm tiếp đến từ bỏ những cáu bợn thô như dục giác, nhuế giác, hại giác; như vàng nguyên được loại bỏ cát sạn thô.

(Tạp A-hàm, Quyển 47, Kinh Luyện Kim, số 1246)

241. LY DỤC THAM

Đối với mắt, hãy tư duy chân chánh, quán sát là vô thường. Vì sao?

Đối với mắt mà tư duy chân chánh, quán sát là vô thường thì ở nơi mắt dục tham được đoạn trừ. Do dục tham được đoạn trừ, Ta nói là tâm chánh giải thoát. Cũng vậy, đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, do tư duy chân chánh, quán sát, nên dục tham được đoạn trừ. Do dục tham đã được đoạn trừ, Ta nói là tâm chánh giải thoát.

(Tạp A-hàm, Quyển 8, Kinh Ly Dục Tham, số 189)

242. LY DỤC THÌ GIẢI THOÁT

Đối với mắt mà không ly dục, tâm không giải thoát thì không thể có khả năng hoàn toàn diệt tận khổ. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý mà không ly dục, tâm không giải thoát, thì không thể có khả năng hoàn toàn diệt tận khổ. Này các Tỳ-kheo, đối với mắt nếu ly dục, tâm giải thoát thì có khả năng hoàn toàn diệt tận khổ. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý mà ly dục, tâm giải thoát thì có thể có khả năng hoàn toàn diệt tận khổ.

(Tạp A-hàm, Quyển 8, Kinh Bất Ly Dục, số 192)

243. LY HỈ THAM

Hãy quán sát chân chánh mắt là vô thường. Quán sát như vậy gọi là chánh kiến. Do chánh quán nên sanh nhàm tởm. Do nhàm tởm nên lìa hỷ, lìa tham. Do lìa hỷ, lìa tham, Ta nói là tâm chánh giải thoát. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý lìa hỷ, lìa tham. Do lìa hỷ, lìa tham, Ta nói là tâm chánh giải thoát.

(Tạp A-hàm, Quyển 8, Kinh Tham Dục, số 188)

244. MA NỮ

Ba ma nữ bảo với nhau rằng: Đàn ông có những loại ái dục tùy theo hình tướng. Bây giờ chúng ta mỗi người sẽ biến hóa ra những loại này, thành trăm thứ sắc của đồng nữ, trăm thứ sắc của thiếu nữ mới lấy chồng, trăm thứ sắc của phụ nữ chưa sanh, trăm thứ sắc của phụ nữ đã sanh, trăm thứ sắc của phụ nữ trung niên, trăm thứ sắc của phụ nữ đứng tuổi. Hóa ra những loại hình như vậy rồi, chúng ta đi đến Sa-môn Cù-đàm nói rằng: ‘Hôm nay tất cả đều về dưới chân Thế Tôn, hiến dâng cho Ngài sai sử.’

Bàn bạc với nhau xong, chúng liền biến hóa thành những loại như đã nói trên, đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, đứng lui qua một bên, bạch Phật:

Bạch Thế Tôn, bọn chúng con hôm nay về dưới chân Thế Tôn, hiến dâng cho Ngài sai sử.

Bấy giờ, Thế Tôn cũng không hề để ý đến.

Pháp của Như Lai là lìa các ái dục. Phật lặp lại như vậy ba lần.

Bấy giờ, ba ma nữ lại bảo với nhau: Nếu đàn ông chưa lìa dục trông thấy các hình thể tuyệt diệu của chúng ta, tâm sẽ bị mê loạn, dục khí dồn nén bốc lên, lồng ngực muốn vỡ, máu nóng đỏ bừng trên mặt. Nhưng hiện Sa-môn Cù-đàm không hề để ý đến chúng ta, nên biết Như Lai đã lìa dục, giải thoát, được thiện giải thoát tưởng. Bây giờ chúng ta mỗi người nên nói kệ để cật vấn.

(Tạp A-hàm, Quyển 39, Kinh Ma Nữ, số 1092)

245. MẶC TĨNH CÁC CĂN

Khéo học lời vi diệu
Gần gũi các Sa-môn
Một mình không bạn bè
Tịch mặc tĩnh các căn.

(Tạp A-hàm, Quyển 49, Kinh Trường Thắng, số 1301)

246. MÊ NGỦ

Này các Tỳ-kheo, ham ngủ là sinh hoạt của người ngu, là mạng sống của người ngu, không lợi, không phước. Nhưng này các Tỳ-kheo, thà nên mê ngủ còn hơn là đối với sắc kia mà khởi lên giác tưởng. Nếu khởi lên giác tưởng ắt sẽ sanh ra triền phược, tranh tụng, có thể khiến cho mọi người đưa đến việc làm phi nghĩa, không mang lại lợi ích và an lạc cho trời người.

(Tạp A-hàm, Quyển 9, Kinh Thiêu Nhiệt, số 241)

247. MINH

Minh tức là biết. Biết những gì? Mắt là vô thường, nên biết như thật mắt là vô thường; mắt là pháp sanh diệt, nên biết như thật mắt là pháp sanh diệt. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Thưa Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la, đối với sáu xúc nhập xứ này mà như thật biết, thấy, sáng tỏ, giác ngộ, có trí tuệ, có vô gián đẳng, đó gọi là minh.

(Tạp A-hàm, Quyển 9, Kinh Câu-hi-la III, số 251)

248. MINH KHỞI

Nếu khởi lên minh làm tiền tướng sanh ra các pháp thiện, thì theo đó sanh ra tàm quý. Tàm quý đã sanh ra rồi, có thể sanh ra chánh kiến. Chánh kiến đã sanh ra rồi, sẽ theo thứ tự khởi lên chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Chánh định đã khởi lên rồi, Thánh đệ tử được chánh giải thoát tham dục, sân nhuế, ngu si. Như vậy, Thánh đệ tử khi đã được chánh giải thoát rồi sẽ được chánh tri kiến: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh vào đời sau’.

(Tạp A-hàm, Quyển 28, Kinh Vô Minh, số 749)

249. MINH SƯ

Thôn trưởng Đao Sư Thị, xa lìa trần cấu, đắc pháp nhãn tịnh. Thôn trưởng thấy pháp, đắc pháp, hiểu pháp, biết pháp, thâm nhập pháp, xa lìa các nghi hoặc, không do người khác, không theo người khác, được vô sở úy ở trong Chánh pháp luật. Từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, quỳ gối bên hữu sát đất, chắp tay bạch Phật:

Bạch Thế Tôn, con đã được độ! Bạch Thế Tôn, con đã siêu việt! Bạch Thế Tôn, hôm nay con xin nương về Phật, nương về Pháp, nương về Tăng Tỳ-kheo, suốt đời con xin làm Ưu-bà-tắc. Thí như người muốn tìm đèn sáng, lấy đuôi ngựa làm tim đèn, muốn thổi cho lửa bừng lên, nhưng cuối cùng không được sáng, cũng chỉ tự làm mệt mình chứ đèn thì không bao giờ sáng. Con cũng như vậy, muốn tìm minh trí nơi các Ni-kiền Tử ngu si, mà gần gũi với ngu si, hòa hợp với ngu si, phụng sự một cách ngu si, cũng chỉ tự làm khổ mệt mình, chứ không bao giờ được minh trí. Cho nên, hôm nay lần thứ hai con xin nương về Phật, nương về Pháp, nương về Tăng Tỳ-kheo. Từ nay trở đi, đối với Ni-kiền Tử ngu si, không tốt, không hiểu biết kia ít tin, ít kính, ít quý mến, ít nhớ đến, nay xa lìa họ. Thế nên, hôm nay lần thứ ba con xin nương về Phật, nương về Pháp, nương về Tăng Tỳ-kheo, nguyện suốt đời làm Ưu-bà-tắc, tự làm sạch tâm mình.

(Tạp A-hàm, Quyển 32, Kinh Đạo Sư Thị III, số 916)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]