Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 1: Những lời Phật dạy trong Tạp A-Hàm ( phần 2)

25/04/201311:24(Xem: 9628)
Chương 1: Những lời Phật dạy trong Tạp A-Hàm ( phần 2)
A-Hàm - Mưa Pháp Chuyển Hóa Phiền Não


Chương 1: Những Lời Phật Dạy Trong Tập A-Hàm (phần 2)

Ni sư Thích Nữ Giới Hương
Nguồn: Ni sư Thích Nữ Giới Hương

50. BỐN NIỆM XỨ

Thế nào là biết như thật về khổ? Sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, ái xa lìa là khổ, oán ghét gặp nhau là khổ, mong muốn không được là khổ. Như vậy, nói tóm, năm thọ ấm là khổ; đó gọi là khổ. Biết như thật về khổ là như vậy.

Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của khổ? Khát ái đối với hữu tương lai, đi đôi với hỷ tham, tham đắm hệ lụy nơi này nơi kia; đó gọi là sự tập khởi của khổ. Biết như thật về sự tập khởi của khổ là như vậy.

Thế nào là biết như thật về sự diệt tận của khổ? Khát ái đối với hữu tương lai, đi đôi với hỷ tham, tham đắm hệ lụy nơi này nơi kia, thảy đều đoạn trừ, không còn sót, cho đến, tịch tĩnh; đó gọi là sự diệt tận của khổ. Biết như thật về sự diệt tận của khổ là như vậy.

Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của khổ? Tám Thánh đạo như đã nói ở trên. Đó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của khổ. Biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của khổ là như vậy.

Đa văn Thánh đệ tử như vậy là biết như thật về khổ, biết như thật về sự tập khởi của khổ, biết như thật về sự diệt tận của khổ, biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của khổ. Như vậy Thánh đệ tử ở trong pháp luật này, có đầy đủ chánh kiến, thành tựu trực kiến; thành tựu bất hoại tín đối với Phật, thâm nhập Chánh pháp, đạt được Chánh pháp này, tỏ ngộ Chánh pháp này.

(Tạp A-hàm, Quyển 14, Kinh Câu-hi-la, số 344)

51. BỐN PHÁP GIÚP NGƯỜI TẠI GIA LỢI ÍCH HIỆN TẠI

1. Phương tiện đầy đủ: Người thiện nam tự nuôi sống bằng các nghề nghiệp kỹ xảo, như làm ruộng, buôn bán, phục vụ vương sự, chép sách, toán thuật, hội họa. Đối với những nghề nghiệp kỹ xảo đó, luôn tinh tấn siêng năng trau dồi.

2. Thủ hộ đầy đủ: Người thiện nam có tiền bạc, gạo lúa, do nỗ lực mà thu hoạch, tự tay mình làm ra, đúng như pháp mà có được, tích cực giữ gìn, không để cho vua, giặc, nước, lửa, tước đoạt, hay trôi, chìm, mất mát. Ngược lại, nếu không khéo giữ gìn sẽ tiêu mất; hay nếu không lưu tâm đến chúng, thì sẽ bị người khác chiếm lấy, cùng những tai nạn sẽ làm cho hư hỏng.

3. Thiện tri thức đầy đủ: Có người thiện nam không mất điều độ, không buông lung, không dối trá, không hung hiểm. Những tri thức như vậy, có khả năng khéo léo an ủi; sự sầu khổ chưa sanh có thể khiến không sanh, sự sầu khổ đã sanh có thể khai mở, tĩnh giác; những điều vui thích chưa sanh có thể khiến sanh nhanh, những điều vui thích đã sanh khiến giữ gìn không để mất.

4. Chánh mạng đầy đủ: Người thiện nam có được những tiền của, trong việc chi thu cân đối, bảo quản chu tất, không để cho việc nhập nhiều mà xuất ít, hay xuất nhiều mà nhập ít; như người cầm cân ít thì phải thêm, nhiều thì phải bớt, cho đến lúc nào biết cân bằng thì mới thôi. Như vậy, người thiện nam đã cân đối được tài vật của mình trong khi xuất nhập ngang nhau, không khiến cho nhập nhiều xuất ít, hay xuất nhiều nhập ít. Nếu người thiện nam không có tiền của nhiều mà sử dụng rộng rãi quá trớn, thì do sự sinh hoạt này mà người ta nói là ‘quả ưu-đàm-bát không có hạt giống’; ham muốn ngu si, không biết nghĩ đến sau này. Hoặc có người thiện nam dư dật mà không dám tiêu dùng, mọi người ở gần đều nói: ‘Người ngu si này như con chó chết đói.’ Cho nên người thiện nam, những tiền của có được, nên tự mình cân đối, xuất nhập ngang nhau.

Đó là bốn pháp giúp cho người thế tục tại gia được lợi ích hiện tại và an lạc ngay hiện tại.

(Tạp A-hàm, Quyển 4, Kinh Uất-xà-ca, số 91)

52. BỐN PHÁP LỢI ÍCH ĐỜI SAU

1. Đức tin đầy đủ: Đối với Như-lai, người thiện nam có tâm kính tin, gốc rễ tín vững chắc, mà chư Thiên, Ma, Phạm cùng với loài người không thể phá hoại.

2. Giới đầy đủ: Người thiện nam không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu.

3. Thí đầy đủ: Người thiện nam với tâm không vấy bẩn bởi sự keo kiệt, sống đời tại gia mà hành bố thí buông xả, thường tự tay mình cho, vui vẻ tu hạnh thí xả.

4. Tuệ đầy đủ: Người thiện nam biết như thật về Khổ Thánh đế; biết như thật về Tập, Diệt, Đạo Thánh đế.

Đó là bốn pháp có thể làm cho lợi ích đời sau, an lạc đời sau.

(Tạp A-hàm, Quyển 4, Kinh Uất-xà-ca, số 91)

53. BỎN SẺN

Thí như nước được tích chứa trong ao hồ ở giữa đồng hoang, mà không có người dùng đến để uống ăn, tắm rửa, nước trong đầm bị nung khô tiêu hết.

Cũng vậy, kẻ sĩ bất thiện được tài vật thắng diệu, mà không tự thọ dụng, không biết phụng dưỡng cha mẹ, cung cấp cho vợ con, bà con quyến thuộc, đoái nghĩ đến tôi tớ, giúp đỡ cho người quen biết, không biết tùy thời cúng dường Sa-môn, Bà-la-môn, để gieo trồng vào ruộng phước thù thắng, để hướng đến chỗ cao quý, hưởng thụ an lạc lâu dài, đời sau sanh về cõi trời. Được những tài vật thù thắng mà không biết cách dùng rộng rãi để thâu lợi lớn, cũng giống như hồ nước kia vậy.

(Tạp A-hàm, Quyển 46, Kinh Bỏn Sẻn, số 1232)

54. BỐN THỦ

Thủ có bốn, đó là dục thủ, ngã thủ, kiến thủ và giới thủ.

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất: Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì có thể đoạn trừ những thủ này không?

Xá-lợi-phất đáp: Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.

(Tạp A-hàm, Quyển 18, Kinh Diêm-Phù-Xa, số 490)

55. BÚI TÓC

Mắt, tai, cùng với mũi
Lưỡi, thân, ý nhập xứ
Đối với danh sắc kia
Diệt hết khiến không còn
Các thức đã diệt hẳn
Nơi đó dứt búi tóc.

(Tạp A-hàm, Quyển 44, Kinh Búi Tóc, số 1187)

56. BUÔNG BỎ SẼ ĐƯỢC AN VUI LÂU DÀI

Giống như cây cối trong rừng Kỳ-hoàn; có người đến chặt cành lá rồi đem đi, các ông cũng chẳng lấy làm lo buồn. Vì sao? Vì những cây này chẳng phải ta, chẳng phải sở hữu của ta.

Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, những gì không là thích ứng của các ông, hãy lìa bỏ tất cả. Nếu xa lìa hết rồi, các ông sẽ được an vui lâu dài. Những gì không phải thích ứng của các ông? Sắc không phải là thích ứng của các ông, phải lìa bỏ hết. Nếu xa lìa rồi thì sẽ được an vui lâu dài. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức không phải thích ứng của các ông, hãy nhanh chóng lìa bỏ. Nếu buông bỏ các pháp này rồi, sẽ được an vui lâu dài.

(Tạp A-hàm, Quyển 10, Kinh Kỳ Lâm, số 269)

57. CÁI GÌ KHÓ TRONG ĐẠO HIỀN THÁNH?

Ngoại đạo Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất: Trong pháp luật của Hiền thánh có việc gì khó?

Xá-lợi-phất bảo Diêm-phù-xa: Chỉ có xuất gia là khó.

Hỏi: Xuất gia, cái gì là khó?

Đáp: Ái lạc khó.

Hỏi: Ái lạc, cái gì là khó?

Đáp: Thường tu tập thiện pháp là khó.

Hỏi: Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thường tu tập, thì thiện pháp tăng trưởng không?

Đáp: Có. Đó là tám Thánh đạo: chánh kiến, chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định.

Diêm-phù-xa nói: Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, đây là con đường tốt đẹp, đây là sự thực hành tốt đẹp, nếu được tu tập, tu tập nhiều, đối với các pháp thiện thường tu tập để tăng trưởng. Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu người xuất gia luôn luôn tu tập con đường này, thì chẳng bao lâu sẽ nhanh chóng diệt tận được các hữu lậu.

(Tạp A-hàm, Quyển 18, Kinh Diêm-Phù-Xa, số 490)

58. CÁI GÌ SỐ LƯỢNG NHIỀU?

Giới đức nặng hơn đất
Mạn cao hơn hư không
Hồi tưởng nhanh hơn gió
Tư tưởng nhiều hơn cỏ.

(Tạp A-hàm, Quyển 49, Kinh Vật Gì, số 1298)

59. CẢM THỌ TỊCH TĨNH

Ví như hai thanh gỗ cọ xát vào nhau, hòa hợp sanh ra lửa. Nếu hai thanh gỗ rời nhau, thì lửa cũng theo đó mà diệt mất. Cũng vậy, các thọ duyên xúc mà tập khởi, do xúc mà sanh, do xúc mà tập khởi; nếu khi sự xúc chạm thế này thế kia mà tập khởi, thì những cảm thọ thế này thế kia cũng tập khởi. Khi sự tập khởi của sự xúc chạm thế này thế kia diệt, thì sự tập khởi của cảm thọ thế này thế kia cũng diệt mất, mát mẻ, tịch tĩnh.

(Tạp A-hàm, Quyển 12, Kinh Vô Văn, số 290)

60. CĂN ĐỊNH

Tỳ-kheo ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác có quán, có hỷ lạc do viễn ly sanh, cho đến, chứng và an trú Tứ thiền. Đó gọi là căn Định.

(Tạp A-hàm, Quyển 26, Kinh Phân Biệt, số 647)

61. CĂN NIỆM

Tỳ-kheo sống quán thân trên nội thân, tinh cần phương tiện, chánh niệm chánh trí, điều phục tham ưu thế gian; sống quán ngoại thân, nội ngoại thân; và thọ, tâm, pháp trên pháp cũng nói như vậy. Đó gọi là căn Niệm.

(Tạp A-hàm, Quyển 26, Kinh Phân Biệt, số 647)

62. CĂN TÍN

Tỳ-kheo khởi tín tâm thanh tịnh, căn bản bền chắc đối với Như Lai mà các Sa-môn, Bà-la-môn khác, chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, cùng thế gian khác không thể làm cản trở, phá hoại tâm ấy, thì đó gọi là căn Tín.

(Tạp A-hàm, Quyển 26, Kinh Phân Biệt, số 647)

63. CĂN TINH TẤN

Pháp ác bất thiện đã sanh, khiến cho đoạn mà phát khởi ý dục, nỗ lực phương tiện, nhiếp tâm, sách tiến. Pháp ác bất thiện chưa sanh, khiến không sanh, mà phát khởi ý dục, nỗ lực phương tiện, nhiếp tâm, sách tiến. Pháp thiện chưa sanh, khiến cho sanh, mà phát khởi ý dục, nỗ lực phương tiện, nhiếp tâm, sách tiến. Pháp thiện đã sanh, khiến cho an trú không mất, khiến không sanh, tu tập tăng rộng, mà phát khởi ý dục, nỗ lực phương tiện, nhiếp tâm, sách tiến. Đó gọi là căn Tinh tấn.

(Tạp A-hàm, Quyển 26, Kinh Phân Biệt, số 647)

64. CĂN TUỆ

Tỳ-kheo biết như thật về Khổ Thánh đế, biết như thật về Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Đó gọi là căn Tuệ.

(Tạp A-hàm, Quyển 26, Kinh Phân Biệt, số 647)

65. CÀNH NHÁNH LÁ VÔ THƯỜNG

Này các Tỳ-kheo-ni, thí như cây đại thọ có gốc, cành, nhánh, lá. Gốc chúng cũng là vô thường, nên cành, nhánh, lá cũng đều là vô thường. Nếu có người bảo rằng không có cành, nhánh, lá của cây này, mà chỉ có cái bóng của nó là thường trụ mãi mãi, không biến đổi, thì lời nói này có đúng không?

Các Tỳ-kheo-ni đáp: Bạch Tôn giả Nan-đà, không. Vì sao? Vì như gốc, cành, nhánh, lá cây lớn này; gốc chúng cũng là vô thường, nên cành, nhánh, lá cũng là vô thường. Không gốc, không cành, không nhánh, không lá, thì cái bóng nương vào nơi cây đó, tất cả cũng đều không.

(Tạp A-hàm, Quyển 11, Kinh Thủ Thanh Dụ, số 273)

66. CẮT DÒNG

Cắt dòng, nghĩa là dòng ái nơi sanh tử. Tỳ-kheo A-la-hán kia đã dứt sạch các lậu, đã diệt, đã biến tri, đã cắt đứt rễ, như chặt ngọn cây đa-la không sanh trở lại nữa, đời vị lai thành pháp bất sanh.

Chẳng còn trói, là ba hệ phược: tham dục phược, sân nhuế phược, ngu si phược. Tỳ-kheo A-la-hán kia đã dứt sạch các lậu, đã diệt, đã biến tri, đã cắt đứt rễ, như chặt ngọn cây đa-la không sanh trở lại nữa, đời vị lai thành pháp bất sanh.

(Tạp A-hàm, Quyển 21, Kinh Na-già-đạt-đa, số 566)



67. CẮT ĐỨT DÒNG MA

Đời này và đời khác
Minh trí khéo hiển bày
Chỗ ma đến, không đến
Cho đến đối ma chết.

Tất cả đều được biết
Bằng trí Đẳng chánh giác
Cắt đứt các dòng ma
Phá hoại, khiến tiêu mất.

Khai mở cửa cam lộ
Hiển hiện đạo chánh chân
Tâm luôn luôn vui vẻ
Đến được nơi an ổn.

(Tạp A-hàm, Quyển 47, Kinh Chăn Bò, số 1248)

68. CÂY ĐÀN

Này các Tỳ-kheo, thời quá khứ có ông vua nghe tiếng đàn hay chưa từng có được, nên sanh yêu thích, say mê, chìm đắm. Vua hỏi các vị đại thần rằng: ‘Đó là những âm thanh gì mà nghe khả ái quá vậy?’ Đại thần tâu: ‘Tâu bệ hạ, đó là những tiếng đàn.’ Vua nói với đại thần: ‘Khanh hãy đem những âm thanh đó đến đây.’ Đại thần vâng lời, liền đem cây đàn đến tâu: ‘Tâu đại vương, đây chính là cây đàn đã tạo ra âm thanh hay.’ Vua nói đại thần: ‘Ta không cần cây đàn, mà chỉ cần đem những âm thanh khả ái đã nghe lần trước đến.’ Đại thần tâu: ‘Cây đàn này cần phải có nhiều thứ, là phải có cán, có máng, có thùng, có dây, có da và người đàn giỏi. Cần phải hội đủ những nhân duyên này mới thành âm thanh. Nếu thiếu đi những dụng cụ này thì sẽ không có được âm thanh. Âm thanh mà bệ hạ đã nghe trước đây đã qua lâu rồi, chúng đã biến chuyển và cũng đã diệt mất rồi, không thể đem đến được.’

Lúc ấy, nhà vua tự nghĩ: ‘Ôi! Cần gì vật hư ngụy này! Đàn ở thế gian là vật hư ngụy, mà khiến cho người đời say đắm vậy sao? Bây giờ các khanh hãy đem chẻ ra từng mảnh, rồi vất bỏ khắp mười phương.’ Các đại thần vâng lệnh, chẻ ra thành trăm mảnh, ném khắp mọi nơi.

Như vậy, Tỳ-kheo, nếu đối với sắc, thọ, tưởng, tư, dục; biết những pháp này là vô thường, hữu vi, do tâm duyên sanh, rồi liền cho là ngã, ngã sở. Những thứ ấy, ở vào lúc khác, tất cả đều không. Này các Tỳ-kheo, hãy bằng chánh trí bình đẳng như vậy mà quán sát như thật.

(Tạp A-hàm, Quyển 43, Kinh Cây Đàn, số 1169)

69. CÂY NGẢ HƯỚNG NÀO?

Ví như cây lớn sanh trưởng mà nghiêng xuống dưới, càng nghiêng sâu càng muốn đổ. Nếu chặt rễ nó, cây sẽ phải ngã, thuận theo chiều nghiêng xuống.

Cũng vậy, Tỳ-kheo tu bốn Niệm xứ, lâu ngày nhắm thẳng tới, đào sâu, vận chuyển, hướng đến viễn ly, nhắm thẳng tới, đào sâu, vận chuyển, hướng đến giải thoát; nhắm thẳng tới, đào sâu, vận chuyển, hướng đến Niết-bàn.

(Tạp A-hàm, Quyển 20, Kinh Hướng Niết Bàn, số 545)

70. CHA MẸ NHIỀU NHƯ SỐ THẺ TRE

Chúng sanh từ vô thỉ sanh tử luân chuyển mãi, mà không biết biên tế tối sơ của khổ. Các Tỳ-kheo, ý các ông nghĩ thế nào? Tất cả loại cỏ cây trên mặt đất này, nếu xẻ ra làm thẻ bằng bốn ngón tay dùng để đếm cha mẹ của các ông đã trải qua sanh tử luân hồi thì số thẻ tre đã hết, nhưng số cha mẹ các ông vẫn còn không hết.

Này các Tỳ-kheo, từ vô thỉ sanh tử luân chuyển mãi như vậy, mà không biết biên tế tối sơ của khổ. Cho nên các Tỳ-kheo hãy học như vầy: ‘Hãy siêng năng tinh tấn, đoạn trừ các hữu, chớ cho tăng trưởng.’

(Tạp A-hàm, Quyển 34, Kinh Thảo Mộc, số 940)

71. CHÁNH NIỆM

Này các Tỳ-kheo, cẩn thận chớ tư duy những điều thế gian tư duy. Vì sao? Vì những điều tư duy của thế gian chẳng lợi ích gì cho pháp, chẳng lợi ích gì cho phạm hạnh, chẳng phải trí, chẳng phải giác, không thuận Niết-bàn. Các ông nên chân chánh tư duy, ‘Đây là Khổ Thánh đế, đây là Khổ tập Thánh đế, đây là Khổ diệt Thánh đế, đây là Khổ diệt đạo tích Thánh đế.’ Vì sao? Vì tư duy như vậy có lợi ích cho pháp, có lợi ích cho phạm hạnh, là trí, là giác, thuận hướng Niết-bàn.

(Tạp A-hàm, Quyển 16, Kinh Thuyết Pháp, số 365)

72. CHÁNH QUÁN SÁT

Phật bảo các Tỳ-kheo: Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.

Ở nơi sắc không thấy có ngã, khác ngã, ở trong nhau. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.

Tỳ-kheo, sắc là thường hay vô thường?

Các Tỳ-kheo bạch Phật: Thế Tôn, là vô thường.

Phật bảo các Tỳ-kheo: Có phải vô thường là khổ?

Các Tỳ-kheo bạch Phật: Thế Tôn, là khổ.

Phật bảo: Tỳ-kheo, nếu vô thường, khổ, đó là pháp biến dịch, vậy đa văn Thánh đệ tử ở trong đó có thấy ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?

Các Tỳ-kheo bạch Phật: Thế Tôn, không.

Phật bảo: Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Cho nên, Tỳ-kheo, những gì thuộc sắc, hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng phải ở trong nhau. Thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.

(Tạp A-hàm, Quyển 3, Chánh Quán Sát, số 85)

73. CHÁNH TƯ DUY

Đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức các ông hãy tư duy chân chánh, quán sát và biết một cách như thật... thức là vô thường. Vì sao vậy? Vì Tỳ-kheo, đối với thức mà tư duy chân chánh, quán sát và biết một cách như thật... thức là vô thường, thì đối với thức, dục tham được đoạn trừ. Do dục tham được đoạn trừ mà nói là tâm giải thoát.

(Tạp A-hàm, Quyển 1, Kinh Chánh Tư Duy, số 2)

74. CHÁNH TUỆ

Cái thấy, cái nghe, cái hay, cái biết, cái sở cầu, cái sở đắc, cái được nhớ nghĩ; tất cả đều chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau. Đó gọi là chánh tuệ.

Nếu có kiến chấp cho rằng có ngã, có thế gian, có đời này, là pháp thường hằng, không biến dịch, thì tất cả đều chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau. Đó gọi là chánh tuệ.

Lại nữa, nếu có kiến chấp cho rằng không phải cái này là tôi, không phải cái này là của tôi, không phải là tôi trong tương lai, không phải là của tôi trong tương lai; thì tất cả chúng cũng đều chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau. Đó gọi là chánh tuệ.

(Tạp A-hàm, Quyển 6, Kinh Sanh Tử Lưu Chuyển, số 136)

75. CHẤP PHÁP MẤT

Thí như trong biển cả, nếu thuyền chở nhiều trân bảo, chắc sẽ nhanh chóng bị đắm chìm. Chánh pháp Như Lai không như vậy, mà sẽ bị tiêu diệt từ từ. Chánh pháp của Như Lai không bị đất làm hoại, không bị nước, lửa, gió làm hoại đi. Cho đến lúc chúng sanh ác xuất hiện ở thế gian, thích làm các điều ác, muốn làm các điều ác, thành tựu các điều ác; phi pháp nói là pháp, pháp nói là phi pháp; phi luật nói là luật; bằng pháp tương tợ mà cú vị thịnh hành. Bấy giờ Chánh pháp Như Lai mới chìm mất.

Này Ca-diếp, có năm nhân duyên có khả năng làm cho Chánh pháp Như Lai chìm mất. Những gì là năm? Đó là nếu Tỳ-kheo đối với Đại Sư mà không kính, không trọng, không thành ý cúng dường; khi đối với Đại Sư đã không kính, không trọng, không thành ý cúng dường, sau đó vẫn nương tựa để sống. Đối với pháp, hoặc học giới, hoặc giáo giới tùy thuận, hay các phạm hạnh được Đại Sư khen ngợi cũng không kính, không trọng, không thành ý cúng dường mà vẫn sống y chỉ. Này Ca-diếp, đó gọi là năm nhân duyên làm cho Chánh pháp Như Lai nhân đây chìm mất.

(Tạp A-hàm, Quyển 32, Kinh Pháp Tương Hoại, số 906)

76. CHẾT

Tất cả loài chúng sanh
Có mạng đều phải chết
Chúng đi theo nghiệp mình
Tự nhận quả thiện ác.

Nghiệp ác vào địa ngục
Làm lành lên trên trời
Tu tập đạo thắng diệu
Lậu hết, Bát-niết-bàn.

Như Lai và Duyên giác
Thanh văn đệ tử Phật
Đều phải bỏ thân mạng
Huống là người phàm phu.

(Tạp A-hàm, Quyển 46, Kinh Mẹ, số 1227)

77. CHO LÀ TA THẤY TA BIẾT

Kẻ phàm phu ngu si không học, chấp ngã, vô minh, phân biệt mà quán sát như vậy, không lìa ngã sở. Do không lìa ngã sở, nhập vào các căn. Khi nhập vào các căn rồi thì sẽ sanh ra xúc. Sáu xúc duyên vào những gì được xúc, phàm phu ngu si không học sanh ra khổ vui, từ đó phát sanh ra những cái này và những cái khác, đó là sáu xúc thân. Những gì là sáu? Xúc nhập xứ của mắt; xúc nhập xứ của tai, mũi, lưỡi, thân, ý.

Này Tỳ-kheo, có ý giới, pháp giới, vô minh giới. Phàm phu ngu si không học được chạm bởi vô minh xúc nên nói là hữu, nói là vô, nói là vừa hữu vừa vô, nói là chẳng phải hữu chẳng phải vô, nói là ta hơn hết, nói là tương tợ, ta biết, ta thấy.

(Tạp A-hàm, Quyển 3, Kinh Phân Biệt III, số 63)

78. CHỖ SAI KHÁC GIỮA PHÀM PHU VÀ NGƯỜI TRÍ

Người trí tuệ vì bị vô minh che khuất, ái duyên ràng buộc, nên có được thức thân này. Kia vô minh dứt trừ, ái duyên hết sạch. Do vô minh dứt trừ, ái duyên hết sạch, nên sau khi chết không còn tái sanh nữa. Vì chẳng thọ sanh trở lại nên giải thoát khỏi sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não. Vì sao? Vì người này trước đây đã tu phạm hạnh, chân chánh hướng đến dứt sạch khổ, tận cùng của mé khổ, nên người này sau khi chết không tái sanh trở lại. Bởi không thọ thân nên giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não. Đó là chỗ sai khác giữa phàm phu và người trí tuệ khi ở nơi Ta tu các phạm hạnh.

(Tạp A-hàm, Quyển 12, Kinh Ngu Si Hiệt Tuệ, số 294)

79. CHỚ SỢ HÃI

Phật bảo Ma-ha-nam: Đừng sợ hãi! Đừng sợ hãi! Sau khi mạng chung ông sẽ không sanh đường dữ, cũng không chết dữ. Thí như cây lớn thuận xuống, nghiêng xuống, chúi xuống, nếu chặt gốc rễ, sẽ ngã về nơi nào?

Ma-ha-nam bạch Phật: Về phía thuận xuống, nghiêng xuống, chúi xuống.

Phật bảo Ma-ha-nam: Ma-ha-nam cũng như vậy, khi mạng chung không sanh đường dữ, cũng không chết dữ. Vì sao? Vì ông đã lâu dài tu tập niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tỳ-kheo Tăng, nên sau khi mạng chung, thân này bị hỏa thiêu, hay bỏ ngoài nghĩa địa, bị gió táp, nắng thiêu lâu ngày thành tro bụi, nhưng vì tâm ý thức đã lâu dài từ trước được huân tập bởi chánh tín, bởi tịnh giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, nên thần thức sẽ hướng lên cõi an lạc, đời sau sanh về cõi trời.

(Tạp A-hàm, Quyển 33, Kinh Tự Khủng, số 930)

80. CHỚ XEM THƯỜNG BỐN THỨ

Có bốn thứ tuy trẻ, nhưng không thể xem thường. Những gì là bốn? Vương tử Sát-lợi, tuổi tuy trẻ nhỏ, nhưng chớ xem thường. Rồng con, tuổi tuy trẻ nhỏ, nhưng chớ xem thường. Đóm lửa tuy nhỏ, nhưng chớ xem thường. Tỳ-kheo tuổi tuy trẻ nhỏ, nhưng chớ xem thường.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Đủ hình tướng Sát-lợi
Danh tiếng, dòng quý tộc
Tuy tuổi còn trẻ nhỏ
Người trí không thể khinh.

Tất sẽ ở ngôi vua
Nhớ lại, sanh oán hại
Cho nên khó thể khinh
Phải sanh lòng đại kính.

Người khéo biết tự hộ
Hãy giữ kỹ mạng mình
Bình đẳng mà tự hộ
Tránh xa để hộ mạng.

Nơi làng xóm, chỗ vắng
Nếu gặp rồng con kia
Chớ cho là rắn nhỏ
Mà sanh lòng coi thường.

Mình rồng nhỏ nhiều màu
Cũng nên để yên ổn
Nam hay nữ khinh rắn
Đều bị độc làm hại.
Cho nên, để tự hộ
Hãy giữ kỹ mạng mình
Vì khéo tự hộ này
Tránh xa để hộ mạng.

Mãnh hỏa khi xâm thực
Dù ít nhưng không hạn
Đuốc nhỏ có thể thiêu
Khắp nơi, nếu củi đủ.

Thiêu từ nhỏ dần lên
Tận xóm làng thành ấp
Cho nên, để tự hộ
Nên như hộ mạng mình.

Vì khéo tự hộ này
Tránh xa để tự hộ
Bị lửa dữ thiêu đốt
Trăm thứ cỏ cháy rụi.

Tắt rồi, không co rút
Lửa tắt cỏ lại sanh
Nếu khinh hủy Tỳ-kheo
Người giữ lửa tịnh giới.

Thì đốt mình, con cháu
Tai nạn lưu trăm đời
Như đốt cây đa-la
Không bao giờ sanh lại.

Cho nên phải tự hộ
Như tự hộ mạng mình
Vì khéo tự hộ này
Tránh xa để hộ mạng.

Đủ hình tướng Sát-lợi
Rắn con và đóm lửa
Đủ tịnh giới, Tỳ-kheo
Không nên sanh coi thường.

Cho nên phải tự hộ
Như tự hộ mạng mình
Vì khéo tự hộ này
Tránh xa để hộ mạng.

(Tạp A-hàm, Quyển 46, Kinh Tam Bồ Đề, số 1226)

81. CHƯ PHẬT NHIỀU NHƯ SỐ CÁT SÔNG HẰNG

Bà-la-môn hỏi: Thưa Cù-đàm, đời vị lai sẽ có bao nhiêu Đức Phật?

Phật bảo Bà-la-môn: Phật đời vị lai có vô lượng như số cát sông Hằng.

Bấy giờ, Bà-la-môn nghĩ rằng: Các Đấng Chánh Đẳng Chánh Giác đời vị lai sẽ có vô lượng như số cát sông Hằng, ta sẽ theo các Ngài tu phạm hạnh.

Bà-la-môn sau khi đã nghe những gì Đức Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về. Trên đường về, Ba-la-môn vừa đi vừa nghĩ: Hôm nay ta chỉ hỏi Sa-môn Cù-đàm về chư Phật đời vị lai chứ chưa hỏi chư Phật quá khứ. Liền trở lại hỏi Thế Tôn:

Thế nào Cù-đàm, đời quá khứ có bao nhiêu Đức Phật?

Phật bảo Bà-la-môn: Phật đời quá khứ cũng có vô lượng như số cát sông Hằng.

Lúc ấy Bà-la-môn liền nghĩ: Chư Phật Thế Tôn trong đời quá khứ cũng có vô lượng như số cát sông Hằng, mà ta chưa từng thân cận. Giả sử vô lượng các Đấng Chánh Đẳng Chánh Giác trong đời vị lai như số cát sông Hằng, cũng sẽ không thân cận vui vầy, thì trong hiện tại ta nên ở chỗ Sa-môn Cù-đàm tu hành phạm hạnh. Nhân đó chắp tay bạch Phật:

Nguyện xin Thế Tôn cho phép con xuất gia tu phạm hạnh trong Chánh pháp luật.

Phật bảo Bà-la-môn: Chấp thuận cho ông xuất gia tu phạm hạnh, được làm Tỳ-kheo trong Chánh pháp luật.

(Tạp A-hàm, Quyển 34, Kinh Hằng hà số 946)

82. CHÚNG SANH

Ở nơi sắc mà nhiễm đắm triền miên, do đó gọi là chúng sanh. Ở nơi thọ, tưởng, hành, thức mà nhiễm đắm triền miên, nên gọi là chúng sanh.

(Tạp A-hàm, Quyển 6, Kinh Chúng sanh, số 122)

83. CHỨNG TU-ĐÀ-HOÀN

Có năm Căn. Những gì gọi là năm? Đó là, căn Tín, căn Tinh tấn, căn Niệm, căn Định, căn Tuệ. Nếu Tỳ-kheo nào khéo quán sát như thật đối với năm căn này, người ấy đối với ba kết mà đoạn biến tri; đó là thân kiến, giới thủ, nghi. Đó gọi là Tu-đà-hoàn, không còn rơi vào pháp đường ác, nhất định sẽ hướng thẳng đến Chánh giác, còn bảy lần qua lại Trời, Người, cuối cùng sẽ cứu cánh biên tế của khổ.

(Tạp A-hàm, Quyển 26, Kinh Tu-đà-hoàn, số 644)

84. CHUYÊN CẦN TU TẬP

Giống như gà mái khéo nuôi dưỡng con mình, thường xuyên ấp, điều hòa nóng lạnh, cho dù nó không muốn gà con tìm cách tự mổ vỏ trứng để ra, nhưng các con của nó cũng tự tìm đủ cách để thoát ra ngoài một cách an toàn. Vì sao? Vì gà mái thường xuyên ấp, điều hòa nóng lạnh.

Cũng vậy, Tỳ-kheo khéo cần phương tiện, thì cho dù không muốn diệt sạch các lậu để giải thoát, nhưng với Tỳ-kheo này các lậu tự hết, tâm được giải thoát. Vì sao? Vì đã nhờ vào sự chuyên cần tu tập. Tu tập những gì? Tu tập niệm xứ, chánh cần, như ý túc, căn, lực, giác, đạo.

(Tạp A-hàm, Quyển 10, Kinh Ưng Thuyết, số 263)

85. CHUYỆN RẮN ĐỘC

Thí như có bốn con rắn hổ hung ác, độc nghiệt, đựng trong một cái tráp. Bấy giờ có một người thông minh, không ngu si, có trí tuệ, tìm lạc, nhàm khổ, cầu sống chán chết. Khi ấy, có một người kia nói với người này rằng: ‘Nay, anh giữ cái tráp đựng rắn độc này. Hãy lau chùi, tắm rửa cho chúng; gần gũi, cho chúng ăn. Thỉnh thoảng, cho chúng ra, vào. Nếu bốn con rắn này thoát ra, thì rất có hại, hoặc có thể cắn chết, hoặc gần chết. Bạn hãy coi chừng.’

Bấy giờ, người này sợ hãi bỏ chạy. Bỗng có năm kẻ oán thù cầm đao rượt theo muốn bắt giết: ‘Này bạn, hãy đề phòng.’ Trong lúc anh đang sợ bốn con rắn độc và năm kẻ oán thù hoa đao nên ruổi chạy, thì người kia lại nói: ‘Này bạn, bên trong còn có sáu tên giặc đang đuổi theo rình rập anh. Nếu bắt được, chúng nó sẽ giết. Anh nên đề phòng.’

Bấy giờ, người này vì sợ bốn con rắn độc, năm kẻ oán thù cầm dao, với sáu tên giặc ở bên trong, nên kinh hãi bỏ chạy, lại trở vào trong xóm vắng. Thấy một căn nhà trống mục nát nguy hoại kia, với những đồ vật xấu ác, dòn tan, dễ vỡ, không có gì chắc thật. Người kia lại nói: ‘Này bạn, thôn xóm vắng vẻ này sẽ có bọn giặc đến. Chúng sẽ hại anh.’

Khi ấy, người này vì sợ bốn con rắn độc, năm tên giặc hoa đao, sáu tên giặc dữ bên trong và một đám giặc trong xóm vắng, nên anh tiếp tục chạy. Chợt gặp một con sông lớn chắn ngang đường, dòng nước sâu đang chảy siết, chỉ thấy bờ bên này có nhiều sự sợ hãi, còn thấy bờ bên kia an ổn khoái lạc, mát mẻ, không có sợ hãi. Nhưng không có cầu, thuyền để đưa qua được đến bờ kia. Anh ta tự nghĩ: ‘Ta hãy lấy cây cỏ kết thành một chiếc bè, dùng tay chân làm phương tiện vượt qua bên kia sông.’ Nghĩ như vậy rồi, liền thâu thập cây cỏ, tại cạnh bờ sông kết lại thành chiếc bè, dùng tay chân làm phương tiện cắt dòng sang ngang. Như vậy, người này thoát khỏi bốn con rắn độc, năm kẻ oán thù hoa đao, sáu tên giặc ác bên trong và lại thoát được bọn giặc nơi xóm vắng; vượt qua khỏi dòng sâu, bỏ lại mọi sự sợ hãi ở bờ bên này, đến được bờ bên kia, an ổn, khoái lạc.

Này các Tỳ-kheo, Ta nói thí dụ đó là để giải thích nghĩa này:

Cái tráp là dụ cho sắc thân gồm bốn đại thô và sở tạo của bốn đại phù này, thể tinh huyết, được được nuôi lớn bằng các thức ăn tạp uế, tắm rửa, y phục. Đó là những pháp mong manh, biến hoại, vô thường.

Bốn rắn độc là dụ cho bốn đại: đất, nước, gió, lửa. Nếu như địa đại cạnh tranh, có thể làm cho thân này chết, hoặc là gần chết. Đối với nước, lửa, gió cạnh tranh nhau cũng lại như vậy. Năm kẻ oán thù cầm đao là dụ cho năm thủ uẩn. Sáu tên giặc ác bên trong là dụ cho sáu ái hỷ. Xóm vắng là dụ cho sáu nội nhập. Này thiện nam tử, hãy quán sát mắt nhập xứ là vô thường, biến hoại. Sự chấp thủ mắt cũng là pháp vô thường hư ngụy. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý nhập xứ cũng lại như vậy.

Bọn giặc nơi xóm vắng là dụ cho sáu nhập xứ bên ngoài. Mắt bị sắc vừa ý, không vừa ý làm hại; tai đối tiếng, mũi đối mùi, lưỡi đối vị, thân đối xúc,… ý đối pháp dù vừa ý hay không vừa ý cũng đều bị hại.

Dòng nước xiết dụ cho bốn lưu: dục lưu, hữu lưu, kiến lưu và vô minh lưu.

Con sông dụ cho ba ái: dục ái, sắc ái và vô sắc ái.

Bờ bên này nhiều sợ hãi dụ cho hữu thân. Bờ bên kia mát mẻ, an lạc dụ cho Vô dư Niết-bàn. Chiếc bè dụ cho Bát chánh đạo. Dùng tay chân làm phương tiện cắt dòng sang sông dụ cho tinh tấn dõng mãnh đến bờ kia. Trụ xứ của Bà-la-môn dụ cho Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác.

(Tạp A-hàm, Quyển 43, Kinh Rắn Độc, số 1172)

86. CHUYỂN VẦN THEO SẮC

Này các Tỳ-kheo, giống như con chó bị cột vào trụ. Khi sợi dây chưa bứt, nó lâu dài đi quanh cây trụ, chuyển động luân hồi. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, vì chúng sanh ngu si không biết như thật về sắc, về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly của sắc, nên mãi mãi bị xoay vần qua lại, bị chuyển vần theo sắc.

Cũng vậy, nếu không biết như thật về thọ, tưởng, hành, thức; về sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức; về sự diệt tận của thọ, tưởng, hành, thức; về vị ngọt của thọ, tưởng, hành, thức; về sự tai hại của thọ, tưởng, hành, thức; về sự xuất ly của thọ, tưởng, hành, thức, thì sẽ mãi mãi bị xoay vần qua lại, bị chuyển vần theo thọ, tưởng, hành, thức. Vì không thoát, nên không thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.

(Tạp A-hàm, Quyển 10, Kinh Vô Tri, số 266)

87. CÓ CÁI NÀY MỚI CÓ CÁI KIA

Vì có tay, nên biết có lấy bỏ. Vì có chân nên biết có tới lui. Vì có các khớp nên biết có co duỗi. Vì có bụng nên biết có đói khát. Cũng vậy, Tỳ-kheo, vì có mắt nên có nhãn xúc làm nhân duyên sanh ra cảm thọ bên trong, hoặc khổ lạc, hoặc không khổ không lạc. Tai mũi lưỡi thân ý lại cũng như vậy.

Này các Tỳ-kheo, nếu không tay thì không biết lấy bỏ. Nếu không chân thì không biết tới lui. Nếu không có các khớp thì không biết co duỗi. Nếu không có bụng thì không biết đói khát. Cũng vậy, các Tỳ-kheo, nếu không có mắt thì không có nhãn xúc làm nhân duyên sanh ra cảm thọ bên trong, hoặc khổ, hoặc lạc, hoặc không khổ không lạc. Tai mũi lưỡi thân ý lại cũng như vậy.

(Tạp A-hàm, Quyển 43, Kinh Ví Dụ Tay Chân, số 1166)

88. CÓ SANH NÊN CÓ TRÓI BUỘC

Thế nào là nếu có sanh thì sẽ có trói buộc?

Phàm phu ngu si vô học, không biết như thật về sự tập khởi của sắc, sự diệt tận của sắc, vị ngọt của sắc, sự tai hại của sắc, sự xuất ly sắc, nên đối với sắc mà ái hỷ, tán thán, thủ trước; ở nơi sắc thấy là ngã, là ngã sở mà chấp thủ. Khi đã chấp thủ rồi, nếu sắc kia biến chuyển hay đổi khác, tâm theo đó mà biến khác. Vì tâm theo đó biến khác, nên nắm giữ tâm mà trụ. Vì nắm giữ tâm trụ nên sanh sợ hãi, chướng ngại, hoài vọng. Vì có sanh nên có sự trói buộc. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Đó gọi là có sanh nên có sự trói buộc.

(Tạp A-hàm, Quyển 2, Kinh Hệ Trước, số 44)

89. CÕI TRỜI SÁU XÚC NHẬP XỨ

Này các Tỳ-kheo, có cõi trời gọi là Sáu xúc nhập xứ.

Chúng sanh sanh vào nơi này, mắt chỉ thấy sắc đáng yêu, chứ không thấy sắc không đáng yêu; chỉ thấy sắc đáng nhớ, chứ không thấy sắc không đáng nhớ; chỉ thấy sắc lành, chứ không thấy sắc không lành.

Vì những nguyên nhân này, nên luôn luôn chỉ cảm nhận vui thích mà thôi. Và tai đối với âm thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý thức đối với pháp là đáng yêu, chứ không phải không đáng yêu; là đáng nhớ, chứ không phải không đáng nhớ; là lành, chứ không phải là không lành.

(Tạp A-hàm, Quyển 8, Kinh Địa Ngục, số 210)

90. CON ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN DIỆT TẬN SẮC

Là tám Thánh đạo: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Đó gọi là con đường đưa đến sự tận diệt của sắc. Như vậy là biết như thật về con đường đưa đến sự tận diệt của sắc.

(Tạp A-hàm, Quyển 2, Kinh Bảy Thiện Xứ, số 42)

91. CON ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN DIỆT TẬN HÀNH

Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của hành? Là tám Thánh đạo: Chánh kiến cho đến chánh định. Đó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của hành.

(Tạp A-hàm, Quyển 2, Kinh Bảy Thiện Xứ, số 42)

92. CON ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN SỰ DIỆT TẬN CỦA HỮU THÂN

Thế nào là con đường đưa đến sự diệt tận của hữu thân? Là chỉ cho tám Thánh đạo: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

(Tạp A-hàm, Quyển 3, Kinh Hữu Thân, số 71)

93. CON ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN SỰ DIỆT TẬN CỦA THỨC

Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của thức? Là tám Thánh đạo: Chánh kiến cho đến chánh định. Đó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của thức.

(Tạp A-hàm, Quyển 2, Kinh Bảy Thiện Xứ, số 42)

94. CÔNG ĐỨC TĂNG TRƯỞNG

Trồng vườn cây ăn quả
Rừng cây cho bóng mát
Cầu, thuyền dùng qua sông
Tạo ra nhà phước đức.

Đào giếng giúp đỡ khát
Khách xá giúp lữ hành
Những công đức như vậy
Ngày đêm thường tăng trưởng.
Giới đầy đủ như pháp
Nhờ đó sanh cõi trời.

(Tạp A-hàm, Quyển 36, Kinh Công Đức Tăng Trưởng, số 997)

95. CỦA CẢI NĂM NHÀ

Cho nên sự giàu sang, sung sướng ở thế gian không đáng để tham. Đại vương A-dục là người có trí, giác ngộ cuộc đời là vô thường, thân mạng khó mà bảo tồn, của cải của năm nhà cũng như huyễn hóa. Khi đã giác ngộ được điều này rồi, thì phải nỗ lực tinh tấn tạo các thứ công đức, cho đến lúc mạng chung tâm luôn nhớ đến Tam bảo, niệm niệm không gián đoạn, không có gì phải luyến tiếc, chỉ có nguyện thành tựu rốt ráo Vô thượng, Chánh đẳng Chánh giác thôi.

(Tạp A-hàm, Quyển 25, Kinh A-Dục-vương Thí bán A-ma-lặc Quả Nhân Duyên Kinh, số 641)

96. CỨU CÁNH GIẢI THOÁT

Thí như trăng sáng đêm rằm, không còn ai nghi ngờ về vầng trăng tròn hay không tròn, nhưng vầng trăng kia hoàn toàn tròn đầy.

Cũng vậy, thiện gia nam tử Nan-đà đã vì các Tỳ-kheo-ni chân chánh giáo thọ như vậy, cứu cánh giải thoát. Nếu lúc mạng chung, dù không có người nào nói họ sẽ đi về đâu, nhưng họ cũng có thể tự biết đây là biên tế của khổ.

(Tạp A-hàm, Quyển 11, Kinh Thủ Thanh Dụ, số 273)

97. CỨU CÁNH KHỔ BIÊN

Tỳ-kheo biết hữu thân, đoạn tập khởi của hữu thân, chứng diệt của hữu thân, tu tập con đường đưa đến sự diệt tận của hữu thân.

Đó là Tỳ-kheo đoạn trừ các kết sử, triền phược của ái dục, tu vô gián đẳng, cứu cánh khổ biên.

(Tạp A-hàm, Quyển 3, Kinh Hữu Thân, số 71)

98. CỨU LỬA CHÁY TRÊN ĐẦU

Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo: Như có người bị lửa đốt đầu và áo, phải làm sao để cứu?

Các Tỳ-kheo bạch Phật: Bạch Thế Tôn, phải gấp rút, nhanh chóng, nỗ lực tìm cách để dập tắt nó.

Phật bảo các Tỳ-kheo: Đầu và áo bị đốt cháy còn có thể tạm quên đi được, còn lửa vô thường mà hừng hực thì cần phải đoạn trừ tận diệt. Vì muốn đoạn trừ lửa vô thường, thì nên cần cầu bậc Đại sư. Vì muốn đoạn trừ những pháp vô thường nào nên cần cầu bậc Đại sư? Vì muốn đoạn trừ sắc vô thường, nên cần cầu bậc Đại sư; vì muốn đoạn trừ thọ, tưởng, hành, thức vô thường, nên cần cầu bậc Đại sư.

(Tạp A-hàm, Quyển 7, Kinh Cứu Đầu Nhiên Thí, số 175)

99. ĐẠI HẠI

Nói biển lớn, đó là lời nói của người ngu nói, chứ không phải là lời nói của bậc Thánh. Biển lớn này chỉ là một ít nước thôi. Biển mà Thánh nói là cái gì? Đó là, sắc được nhận thức bởi mắt, đáng mong muốn, đáng yêu thích, chìm đắm tham lạc liên hệ nghiệp thân, khẩu, ý; đó gọi là biển. Tất cả thế gian bao gồm chúng A-tu-la, cho đến trời, người tham lạc chìm đắm trong đó. Như trong ruột chó, như đống cỏ loạn; đời này và đời khác được nối kết chằng chịt lại cũng như vậy. Đối với tiếng được nhận thức bởi tai, mùi được nhận thức bởi mũi, vị được nhận thức bởi lưỡi, xúc được nhận thức bởi thân, đời này và đời khác được nối kết chằng chịt lại cũng như vậy.

(Tạp A-hàm, Quyển 8, Kinh Đại Hải, số 216)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]