Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 11: Cánh cửa tù đã mở

03/04/201312:55(Xem: 9288)
Chương 11: Cánh cửa tù đã mở
Vụ Án Một Người Tu

Phần 3
Chương 11: Cánh Cửa Tù Đã Mở

Hòa Thượng Thích Như Điển
Nguồn: Hòa Thượng Thích Như Điển

Sau khi Sư nằm tại nhà thương để điều trị những vết bầm trên thân thể, chân Sư cũng đã bị xiềng rồi. Họ xiềng Sư không phải nghi Sư điên tiết lên, giết thêm mấy mạng người vô tội bên cạnh nữa, mà họ xiềng xích Sư, vì lẽ không cho Sư chạy trốn nơi nầy. Họ mong Sư mau lành bịnh và sẽ chở Sư vào tù để chờ ngày hầu tòa. Cho đến nay vụ án mạng chưa được rõ ràng, cũng như không thấy ai đóng tiền thế chân cho vụ nầy để tại ngoại hầu tra cả.

Thời gian cứ thế trôi nhanh, mới đó mà đã 3 tháng rồi. Trong 3 tháng nầy Sư có đủ thì giờ để suy gẫm về cuộc đời quá khứ của mình, về nhân tình thế thái, về Giáo Hội, về tương lai và về chính bản thân mình. Thật ra Sư cũng không trách ai cả. Vì Sư quan niệm rằng: người nào gây nghiệp, người ấy phải chịu trả quả. Ở đây cái quả của Sư phải trả là việc có liên quan đến bạc vàng. Nếu không có cái chuyện tình lẩm cẩm ấy. Nếu không có mấy thoi vàng và viên kim cương, hột xoàn ầy thì làm sao Sư phải ra nông nỗi nầy? Sư xem lại trong cuộc đời mình đã trải qua được mấy chữ "t" rồi. Chữ thứ nhất là chữ "tu", Sư đã bỏ lại cha mẹ già, lén lút ra Trung để tìm Sư học đạo. Rồi trở lại Nam, chẳng may lại vướng vào chuyện tình cảm chẳng đặng đừng với Duyên. Rồi qua đây, vì chuyện tiền tài mà phải mang họa, đến giờ phút nầy đang nằm trong tù để chờ luận tội. Xem ra 5 chữ "t" chữ nào Sư cũng đã trải qua rồi.

Ở tù, thật sự ra đây không phải là lần đầu. Vì Sư đã trải qua mấy lần rồi. Lần thứ nhất hồi năm 1963, khi tranh đấu chống lại kỳ thị tôn giáo dưới thời chính quyền Ngô Đình Diệm. Rồi đến năm 1966 Sư cũng đã ở tù, vì vấn đề đem Phật ra đường dưới thời ông Thiệu ông Kỳ. Đến sau năm 1975, khi người cộng sản chiếm miền Nam, Sư cũng đã 5 phen 7 lượt tìm đường vượt biên không trót lọt, cũng đã bị tù. Rồi bây giờ ở xứ tự do nầy, cũng bị ở tù. Đúng là "chữ tù liền với chữ tu một vần" mà. Đã nhiều lần Sư than thở như thế!

Đã làm thân phận tù thì ở đâu cũng như vậy thôi. Bây giờ nằm trong khám đường nầy, Sư so sánh thử những loại tù để xem sao.

Hồi năm 1963 ở tù tập thể, nhất là sau ngày 20 tháng 8 năm 1963 ấy, tất cả các chùa chiền Sư Sãi đều bị bắt.

Sư cũng nằm trong chính sách ấy. Khi vào tù ai cũng nghĩ rằng sẹ bị thộn vào bao bố giữa đêm khuya, rồi sẽ bị thả sông. Họ không phải sợ chết, nhưng sợ cho một kế hoạch tiêu diệt Phật Giáo có hệ thống! Cuối cùng rồi ngày 1 tháng 11 năm 1963 đã đến và mọi người đã ra khỏi được nhà tù.

Nhưng đến năm 1966, mục đích tranh đấu có khác đi chăng? Vẫn do Tăng Ni lãnh đạo; nhưng sao có cái gì không ổn. Tuy nhiên mình là con đẻ của Giáo Hội, không lẽ thờ ơ về vấn đề nầy, nên Sư Tịnh Thường cũng đã tham gia, cuối cùng bị bắt và bị đày vào ngục tốt, ở chung với các Phật Tử khác.

Nhà tù là ngục thất, như Cụ Phan Bội Châu và Cụ Phan Chu Trinh đã tả vào thời kỳ cách mạng chống Pháp hồi đầu thế kỷ 20 nầy. Còn thời ông Thiệu, ông Kỳ nó cũng chỉ thế thôi. Ăn một chỗ ngủ một chỗ, thậm chí đại tiện và tiểu tiện cũng ở đó luôn, chẳng khác thú vật là bao. So ra thì chỉ khác có cái đầu óc biết suy nghĩ. Con vật nuôi sao chịu vậy. Còn con người nếu bị đối xử nghiệt ngã quá thì họ nổi lên đòi hỏi, mặc dầu ở trong tù cũng thế; nhưng đòi hỏi thì đòi hỏi, chứ những cai tù toàn là loại đầu trâu, mặt ngựa đâu có sợ ai mà chống với đối?

Mỗi ngày họ chỉ cho ăn rau muối 2 bữa trưa chiều. Cuối tuần lại được thăm nuôi. Thỉnh thoảng những tin tức cũng được lọt vào trong hoặc ngược lại từ trong ra ngoài qua các cộng rau muống. Đúng là nhiệm mầu và "vỏ quít dày, có móng tay nhọn" là thế ấy.

Những chuyên viên của sự tranh đấu thì rành rẽ lắm. Nếu khi nào ở ngoài họ muốn cho quý Sư thuở ấy ở trong tù biết tin tức thì họ tìm cách đưa vào trong bằng nhiều hình thức khác nhau, trong ấy hình thức viết vào giấy rồi cuộn tròn lại, xẻ ống rau muốn tươi bỏ vào trong, bó chung lại với những cộng rau muống khác, khi thăm tù, người ta chỉ cầm xem qua loa, rồi cho qua. Khi trong, quý Sư lặt rau muống ra nấu canh, hoặc ăn sống, thế là bắt được tin tức bên ngoài. Còn đưa tin ra ư? Dễ lắm. Mỗi "cà-mên" cơm đều có một từng trống, quý Sư tha hồ để tin tức vào đó rồi mang ra, bọn cai ngục cứ nghĩ rằng xách đã lưng, tức đã lấy đồ ăn rồi là xong. Đâu có ai ngờ trong ấy là những mật mã, chuyên chở tin tức cho bên trong lẫn bên ngoài biết.

Còn nhiều cách khác nhau mà thuở bấy giờ Sư cũng như nhiều Thầy, Cô khác đã trải qua mùi cay đắng trong chốn bụi trần.

Rồi những ngày vượt biên bị bắt, hình phạt cũng đâu có kém hơn xưa. So ra còn tệ hại hơn nữa. Ngày trước bọn tù nhân còn đòi hỏi yêu sách về ăn uống, đôi khi giám thị còn nể tình và mở lượng từ bi, cho thêm chút rau, chút chao. Còn ở tù sau 1975 thì khỏi chê. Mỗi tháng đi tắm được 4 lần. Mỗi lần được 15 phút. Mình mẩy ai cũng bị ghẻ lác, trong như con chó bị chủ ruồng bỏ vậy? Còn áo quần ư? Nhiều lúc đói quá, có kẻ đã gậm nhấm đến sờn hết tất cả các cánh áo và khuy áo.

Ăn mỗi ngày chỉ được một bữa, húp một chút nước muối, đôi khi còn bị tra tấn nặng đòn; nhưng đâu dám thở than. Vì mình có tội mà. Có tội phản bội lại Tổ Quốc nên mới vượt biên, tìm đường sinh kế. Đâu có ai biết cho mình là mỗi loài sinh vật trên quả đất nầy đều cần đến một loại dưỡng khí khác nhau để sinh sống!

Ở đây càng chật chội hơn, mỗi người là một xà-lim và tiêu tiểu cũng đó, nhiều lúc hôi hám vô cùng; nhưng khi vào đây rồi mới thấy ý nghĩa của việc quán bất tịnh là thấm thía và thực tế nhất. Thông thường ta chỉ học qua sách vở và có tính cách lý thuyết vậy thôi; nhưng ở đây đã chứng thật thực tế rồi thì ai cũng ngộ. Ngộ ở đây là ngộ cái chân lý tuyệt diệu ấy. Chân lý ấy là: Phân là người. Người là phân. Người từ phân mà đến, rồi người cũng trở lại làm phân. Cây cỏ cung cấp đời sống cho con người. Con người thừa trải ra chất dơ để cung cấp cho cây cỏ, rồi người lại ăn cây cỏ để sống và tiếp tục, khi già khi chết thân người sẽ cung cấp cho cây cỏ những chất dưỡng sinh. Đời là thế và Đạo cũng vậy. Chân lý ấy Đúc Phật đã được chứng thật, còn chúng sanh như chúng ta vẫn còn hờ hững với điều nầy.

Cuối cùng rồi Sư Tịnh Thường cũng đã được ra khỏi khám đường vì bên ngoài có Sư Tịnh Đạo và cô Diệu Duyên lo lắng sao đó với công an phường và với cai tù nên đã được trả tự do. Còn ở đây, kể từ khi Sư vào đây mới chỉ có vài ba bà Phật Tử có gan tới thăm, còn tông phong của Sư, bạn hữu của Sư đâu có thấy ai đâu.

Có lúc Sư tự giải thích cho quý Phật Tử thăm nuôi nghe rằng:

- Ở đây tự do lắm. Ở tù mà như sống ở cõi tiên. Trong nầy có trường học, có dạy nghề, có truyền hình màu. Ăn ngày 3 bữa đàng hoàng. Riêng Sư thì mỗi tuần có 2 lần đi dạy giáo lý cho mấy người bạn tù nữa. Về dọn dẹp, vệ sinh đã có người lo, còn tù chẳng làm gì cả.

Có bà nghe như vậy nên hỏi Sư:

- Bạch Sư, nghe Sư nói như vậy chắc ở đây sung sướng hơn ở ngoài sao? Trên thực tế, thường nhật, mọi người phải tranh đấu với nhau dữ lắm mới có chỗ làm, có miếng ăn và để tránh sự mất mát công ăn việc làm, đôi khi phải làm hai xuất trong ngày để kiếm thêm tiền và bảo đảm cho cuộc sống. Theo con nghĩ và như Sư đã giới thiệu, chắc ở đây sung sướng hơn nhiều?

Một bà phật Tử khác bấm nhẹ tay bà nầy và tiếp:

- Chị không thấy ở đây văn minh đó sao? Khi vào thăm tù họ đã đóng lên tay mình một con dấu dạ quang và khi vào đây nói chuyện tự do thoải mái mà?

- Đúng là vậy! Nhưng họ đóng dấu vào tay mình làm gì thế hở chị?

- Tôi cũng không rành lắm; nhưng nghe đâu để họ kiểm soát người mình và tù đấy chứ!

- Kiểm soát là kiểm như thế nào?

- Nếu người nào có ý gian lận tráo đổi tù nhân, thì tù nhân đi ra, không có con dấu dạ quang trên tay, tức là có vấn đề không ngay thẳng và bị bắt lại.

- Lỡ mình rửa mất dấu thì sao?

- Như chị thấy đó! Dấu nầy phải rửa bằng một loại xà phòng đặc biệt mới sạch được. Lúc ra khỏi cổng tù, chị sẽ nhận được xà phòng ấy.

Bà Phật Tử kia đã thông hiểu và hỏi Sư tiếp:

- Bạch Sư! Nghe nói Sư có dạy cho mấy người tù trong nầy, vậy Sư xử dụng ngôn ngữ gì vậy Sư?

- Có khó gì đâu! Tụng kinh và ngồi thiền. Tụng kinh thì bắt họ đọc theo tiếng Việt Nam. Còn ngồi thiền đâu có cần gì đến ngôn ngữ?

- Việc của Sư đã có kết quả gì chưa?

- Sao hồ sơ của tôi bị dìm hoài, chưa thấy động tĩnh gì ráo! Thôi thì ở đâu cũng tu vậy mà. Quý bà thí chủ cứ an tâm và về nhà cầu nguyện cho Sư đi.

Nhiều bà cảm động lắm; nhưng cũng chẳng biết giúp Sư được gì hơn nữa! Thôi cứ để vậy mà chờ đợi. Lẽ ra bên bị can cũng phải có một Luật sư để biện hộ; nhưng ai cũng sợ bị liên lụy nên không dám đứng ra công khai vận động, nên mới ra nông nỗi nầy.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]