Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 8: Anh hùng hội ngộ, ân oán giang hồ

03/04/201312:32(Xem: 7958)
Chương 8: Anh hùng hội ngộ, ân oán giang hồ
Vụ Án Một Người Tu

Chương 8: Anh Hùng Hội Ngộ, Ân Oán Giang Hồ

Hòa Thượng Thích Như Điển
Nguồn: Hòa Thượng Thích Như Điển

Cuối cùng rồi Sư Tịnh Thường cũng đến được chốn nắng ấm như ở quê hương mình. Nơi đây khi giao tế, Sư không cần phải dùng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức gì cả, mà chỉ cần nói tiếng Việt là đủ. Ở đây lại có đông người Việt, như một thành phố Sài Gòn nho nhỏ tại quê hương mình. Đến đây Sư thấy thoải mái hơn nên đã viết thư về cho Sinh bên Âu Châu để tâm sự.

Thành phố nắng ấm, ngày… tháng… năm…
Sinh thân mến,

Sư bỏ tụi con ra đi, Sư cũng buồn thúi ruột. Dầu sao đi nữa thì Thầy trò mình cũng đã gần gũi hơn hai năm trời. Sư ra đi không biết bao nhiêu lý do cần phải giãi bày; nhưng tụi con còn nhỏ làm sao hiểu được.

Người hiểu Sư rất ít, mà kẻ nhìn lầm Sư lại nhiều. Nên Sư cứ yên lặng như ngày xưa các vị Thiền Sư đã yên lặng vậy thôi và câu trả lời có hay không, chờ thời gian sẽ biết tất cả.

Ở đây vui lắm, muốn ăn gì cũng có, muốn mua gì cũng có. Sư đã tập lái xe. Vì bên nầy không như ở Âu Châu, nơi mà có thể dùng xe Bus hoặc xe điện dễ dàng. Ở đây nhà nào cũng có xe hơi. Có nhà cả 5, 7 chiếc. Vì lẽ cha mẹ con cái đi làm, đi học khác giờ và đi mỗi hướng khác nhau, không ai có thể chở ai đi được. Ở đây quý Sư cũng phải tự lái xe đi làm hoặc đi học. Không có sự đưa đón như ở quê mình, hoặc ở Âu Châu đâu.

Có điều hơi buồn cười là quý Thầy quý Sư ở đây phải đi làm thêm để có tiền chi dụng cho cuộc sống, chứ xã hội đâu có ai giúp lâu dài được! Mà đã đi làm thì đâu có mặc đồ tu. Tuy đầu còn hớt ngắn; nhưng đa số đều mặc đồ công nhân để tiện việc đẩy xe cắt cỏ. Đây cũng là cái lầm của Sư. Sư tưởng rằng sang xứ nầy văn minh hơn, giàu có hơn, tự do hơn, Sư có thể thực hiện chí nguyện của Sư; nhưng điều ấy Sư đã lầm.

Có Thầy đi làm nhiều năm, có tiền nhiều lắm, đâm ra đòi hỏi đua đòi. Mặc bộ đồ Tây kia xấu, sắm lại bộ khác, đội cái mũ kia không hợp, lại sắm mũ hợp thời trang hơn. Thế rồi tóc ngắn khó coi, tìm cách cơi dần lên cho hợp nhãn. Từ từ cái nọ dẫn cái kia, cuối cùng rồi cũng trở lại con đường luân quẩn của chốn bụi trần…

Sư qua đây cũng nản; nhưng biết sao hơn! Vì đã lỡ chọn con đường nầy rồi, đành phải chịu vậy. Còn chùa chiền tín đồ thì đa dạng lắm. Ông Thầy ở đây được quan niệm còn kém hơn Ông Từ ở quê hương mình. Đâu phải đi tu để giữ dùm chùa cho Hội đâu? Đi tu là một lý tưởng cao thượng giải thoát mà, nhưng ai có hiểu cho đâu? Ở đây thước đo là bằng cấp, câu nói là so sánh với bạc vàng. Mình người tu tháy lạc lõng ở xứ sở nầy lắm. Có nhiều chùa mời Thầy tới tụng một thời kinh, mỗi thời tụng xong, trả 50 đô-la, xong xuôi Thầy về phòng Thầy nghỉ, còn Phật thì ngồi một mình tại chùa. Thùng phước sương có Hội trong coi, mỗi cuối tuần nhộn nhịp chút đỉnh, rồi nhà ai lại về nhà nấy để chuẩn bị cho tuần làm lễ kế tiếp của mình. Tăng cũng như tục đâu có khác gì. Ở đây sự cúng dường cũng giới hạn lắm. Có vài chùa làm to lớn, nhưng cũng chưa xong. Có một số Thầy có uy tín tạo được tín tâm cho Phật Tử; nhưng đồng thời sự phá hoại từ chính bên trong Tăng đoàn thì nhiều hơn. Đúng như câu Phật đã dạy: "Chỉ có con vi trùng của sư tử mới ăn thịt được sư tử mà thôi". Dĩ nhiên bên ngoài và các đạo khác vẫn tìm cách phá rối; nhưng người vững vàng tâm đạo thì chúng làm sao phá được. Chỉ điều mình tự phá mình mới là nguy, mà tình trạng ấy ở đây nhan nhản. Mình đức mỏng, tài hèn làm sao có thể độ được những ông Kỹ sư, những bà Tiến sĩ, mà mỗi khi đi chùa là họ có dịp giới thiệu loạn cả lên. Ôi thôi! Đúng là nhân tâm thế sự. Nếu mà Sinh ở đây chắc Sinh cũng sẽ suy nhgĩ như Sư vậy. Bây giờ thì đèn nhà ai nấy sáng. Tốt xấu mặc ai, ít có người giúp đỡ cho nhau, ngoại trừ những điều xoi bói thì nhiều. Sư cũng chẳng biết tính sao đây. Nhưng đây là mạt lộ rồi. Tại sao đời của Sư có nhiều lúc chẳng biết tính sao nhiều quá vậy? Câu hỏi nằm ì ở đó mà câu trả lời cứ bỏ trống hoài.

Tất cả mọi thước đo của cuộc sống đều bằng đồng đô-la và địa vị hiện có, mình người tu làm sao có được. Tiền đâu? Sinh biết đó, chút vốn liếng Sư mang từ đảo qua Âu Châu, rồi từ Âu Châu qua đây vẫn còn đó; nhưng để phòng thân chờ khi hữu sự thì xài. Vả lại người tu không lẽ mình đem vàng bạc khoe cho họ biết hà; nhưng nếu có biết cũng chẳng thấm thía vào đâu? Còn học vấn? Sư lớn tuổi rồi, chữ u chữ Tây học ở bên nớ suốt mấy năm chẳng vô và bây giờ chẳng nhớ được chữ nào. Còn ở đây, Sư thấy không cần thiết nữa. Nhưng sao mọi người vẫn đòi hỏi. Đi dâu cũng thấy Thượng Tọa Tiến sĩ, Hòa Thượng Giáo sư Tiến sĩ v.v… trông mà khớp. Ở quê hương mình chắc chẳng bao giờ thấy thứ ấy cả.

Dĩ nhiên cái đẹp cái hay ở đây thì nhiều. Người giởi, người đức hạnh cũng không thiếu. Nhưng những người ấy họ biệt cư ở tận nơi nào, còn toàn là những trò ném đá giấu tay, ngay cả nơi cửa Thiền cũng thế. Tiện đây Sư kể cho Sinh nghe một vài chuyện xảy ra tại các chùa nơi đây thì Sinh đủ rõ ít nhiều.

Một chùa nọ rất lớn, nằm ở ngoại ô một thành phố. Ban ngày có người qua lại không sao; nhưng đêm đến, nếu trời không trăng sao, trông như một bãi sa mạc tối thui, rùng rợn. Bỗng một đêm khuya có điện thoại reo. Sư trụ trì bốc ống nghe, đầu kia là một giọng nữ nghe quen thuộc, cô ta bảo rằng muốn đi lễ chùa, nhưng bị lỡ đường, kính nhờ Thầy trụ trì mở cửa cho cô vào lễ Phật và xin xăm. Lòng từ bi của Thầy ấy đâu nỡ khép kín, nên lại mở cửa. Sau khi mở cửa cho cô ta vào thì năm bảy tên bịt đầu bịt mũi ùa vào chùa trói thúc ké Thầy lại và tra khảo tiền để ở đâu? Thầy chỉ cho tụi chúng lấy. Chúng thấy ít quá chỉ mấy trăm đô-la thôi, giận quá loi vào hông Thầy mấy loi, không cởi trói và bỏ đi không thương tiếc. Đúng là quỉ phá nhà chay phải không Sinh?

Sàng hôm sau các tìn đồ tới thấy Thầy ấy ra nông nỗi như vậy mới đi cởi trói cho Thầy và báo cáo Cảnh sát thì mọi sự đã an bày rồi. Cuối cùng rồi Thầy ấy phải bỏ nơi đó để đi nơi khác.

Còn một chuyện khác nữa tương đối khá hấp dẫn hơn, tiện đây Sư kể cho Sinh nghe để chia xẻ cái khó khăn khi làm việc đạo tại xứ người, với quý Thầy.

Một hôm sau lễ Phật Đản, chùa nào lại chẳng để dành tiền, nhất là sau khi khui thùng phướng sương mà bên nầy lễ lộc thường hay tổ chức vào ngày chủ nhật nữa, ngân hàng đâu có mở cửa vào ngày ấy, do đó tiền thu được phải cất đâu đó, để ngày hôm sau sáng thứ hai đem bỏ vào ngân hàng. Thật sự ra thì ở đây họ cúng cũng ít lắm. Ít có người nào bỏ vào thùng phước sương tờ 100 đô-la. Đa số là 20 hoặc 10 đồng. Các cụ già ăn tiền xã hội đâu có nhiều tiền, do đó chỉ cúng 5,3 hay 1,2 đồng cũng là sự thường. Ở đây thấy ai cũng có nhà cao cửa lớn; nhưng nhà cửa ấy là của ngân hàng. Ngay cả chùa chiền cũng thế, nhiều lúc phải treo bảng bán chùa, trông cũng ngộ nghĩnh thật. Thông thường mỗi lễ Phật Đản, Vu Lan hay Tết Nguyên Đán như thế chùa nào thâu khá cũng chỉ mười ngàn đô là nhiều. Đa số chừng 4 hay 5 ngàn đô.

Hôm đó vào một đêm chủ nhật, lễ Phật Đản tổ chức vào buổi sáng đã xong, Sư trụ trì mệt mỏi vào phòng riêng để nghỉ ngơi. Bỗng chuông điện thoại reo vang, Sư choàng tỉnh dậy bốc ống nghe. Đầu kia có giọng nói quen thuộc:

- Bạch Sư! Ngoại con bệnh nặng lắm, muốn mời Sư đến hộ niệm dùm. Kính mong Sư đến dùm cho.

- Bây giờ khuya quá rồi. Vả lại Sư suốt ngày nầy mệt mõi, ngày mai Sư sẽ đến hộ niệm cho.

- Nếu Sư không tiện lái xe, con đem xe đến đón. Vì ngoại con cần thưa với Sư vài điều trong khi ngoại con còn hấp hối. Nếu Sư ngày mai đến, chắc ngoại con sẽ ra người thiên cổ mất.

Sư nghe vậy rất mủi lòng, nên bảo rằng hãy đến để đón Sư đi. Sau đó Sư dọn dẹp chỗ nghỉ cho ngay ngắn lại, bỏ chuông mõ vào túi xách và chờ.

Chuông ngõ được bấm lên, Sư vội vàng ra mở cửa, vừa mở cửa ra, Sư đã bị đẩy lùi mạnh trở vào. Sư có cảm tưởng là lạ. Tại sao có việc ấy? Sư tự nhủ vậy. Bỗng có 5, 6 người mặc đồ đen, áp sát vào người Sư và dây cáp đâu họ đã chuẩn bị sẵn sàng, trói Sư lại làm nhiều lần trông như một cối xay lúa. Sư hỏi ra tự sự thì mới biết mấy kẻ lạ mặt kia họ muốn tống tiền. Hỏi Sư là tiền lễ Phật Đản thâu ngày hôm nay Sư để đâu? Họ thoi vào hông Sư, đạp lên đầu lên cổ, chẳng kể ai ra gì hết cả. Sư không chỉ. Vì Sư nghĩ rằng tiền đó là tiền của đàn na tín thí chứ đâu phải của Sư, nên Sư cố nói lảng sang chuyện khác.

"Tôi đâu có ngờ, mấy cậu bảo có người bệnh hấp hối tôi mới mở cửa định đi. Nếu không, tôi không bao giờ mở cửa, để các cậu cứ tông vào ăn cướp thì còi báo động đã báo lên, cảnh sát sẽ đến ngay, các cậu có chạy đàng trời cũng không khỏi".

Sư càng nói bao nhiêu, càng bị bọn chúng tra tấn dồn dập bấy nhiêu. Cuối cùng rồi 5 ngàn đô-la tiền cúng dường ngày Phật Đản hôm ấy Sư cũng phải đưa hết cho bọn chúng mới được mở trói ra.

Sau khi mở trói chúng còn hỏi Sư: Sư có biết tụi con là ai không? Làm sao Sư biết nổi! Đám áo đen kia trả lời rằng: Tụi con đi chùa hoài mà Sư. Sư như bất tỉnh nhân sự chẳng biết đâu mà tìm.

Sau khi tỉnh lại, Sư còn biết được rằng không những Sư bị mất tiền mất của mà những người cận sự trong chùa cũng đều bị chúng hốt hết, lột hết nữ trang, tiền của của các bà làm công quả tại chùa…

Đó là chuyện đạo tại xứ nầy. Còn nhiều chuyện lâm ly bi đát hơn nữa, tiện thể Sư kể cho Sinh nghe đây:

Cũng một nhà Sư, rất giỏi dang ở mọi phương diện và rất tin người. Mà ai chẳng vậy phải không Sinh? Đã là người tu, mình đâu có nghi ngời ai làm gì?

Sư kia có mua một miếng đất để làm chùa. Trị gía khoảng 400 ngàn đô-la. Dĩ nhiên là tiền cúng dường của các Phật Tử, Sư đã dành dụm được và tiền mượn ngân hàng. Nhưng chẳng may đất ấy không được xây chùa. Sư treo bảng bán. Đã hơn một năm trời rồi, đâu có ai để ý tới miếng đất nầy. Hôm đó có một người Phật Tử thân tín đến thưa với Sư rằng:

- Bạch Sư, miếng đất ấy Sư muốn bán bao nhiêu?

- Thì ít nhất là lấy lại vốn, có lời chút đỉnh thì tốt thôi. Vì lâu nay bỏ tiền vào đó giống như đóng hụi chết vậy.

Biết làm sao đây? Con có quen nơi nào giới thiệu cho Sư bán miếng đất ấy đi, để Sư còn làm chuyện khác nữa chứ.

- Con làm địa ốc mà Sư! Thôi Sư bán cho con đi.

- Giá bao nhiêu Sư?

- Hồi Sư mua 400 ngàn. Bây giờ con ngả giá đó.

- Con sẽ chồng cho Sư 450 ngàn đô nghe Sư. Ngày mai con sẽ tới làm giấy tờ.

Sư nghe mừng rỡ quá. Lâu nay treo bảng bán, mà đâu có ai dòm ngó đến. Bây giờ tự nhiên mình lại có thêm 50 ngàn để làm những Phật sự khác. Điều ấy tốt thôi.

Suốt đêm đó Sư không ngủ được, chờ đợi ngày mai thần tài đến gõ cửa.

Đúng 8 giờ sáng mai, quả thật như vậy, người Phật Tử hôm qua trở lại, đặt lên bàn một túi tiền mặt 50 ngàn đô-la, và thưa rằng:

- Bạch Sư lẽ ra con mang hết 450 ngàn đô-la tiền mặt đến chồng cho Sư cũng được; nhưng ở Mỹ người ta trả Check nhiều hơn, vả lại nặng nề quá; nên con chỉ mang 50 ngàn tiền mặt, còn 400 ngàn kia thì con sẽ chuyển qua ngân hàng cho Sư vậy.

Sư nghe thế yên tâm, nhận 50 ngàn đô-la tiền mặt và trong lòng cảm động và thầm cảm ơn người Phật Tử kia. Đoạn Phật Tử kia tiếp lời:

- Thưa Sư, bây giờ miếng đất ấy xem như đã thuộc về con rồi. Xin Sư ký giấy ủy quyền cho con là chủ nhân của miếng đất ấy, để thế chân cho ngân hàng và một tuần sau là trong tài khoản của Sư sẽ có 400.000 ngay. Xin Sư lẹ cho, vì con phải lo những vấn đề to lớn khác nữa.

Sư đặt bút xuống ký và cứ đinh ninh là một tuần sau mình sẽ có số tiền kia. Nào ngờ, 1 tuần, rồi 2 tuần, 3 tuần cho đến 1 tháng vẫn chẳng thấy có tiền gì cả. Đem sự việc hỏi các người hiểu biết khác thì họ cho Sư biết là Sư đã bị lừa, mất đi 350.000 vốn, xem như miếng đất giờ chỉ còn trị giá có 50.000 đô-la tiền mặt. Còn khế ước, người Phật Tử kia đã nắm giữ chữ ký của Sư rồi, họ đã cao bay xa chạy…

Ôi đời là thế đó. Ở đây người tu vì quá hiền lành nên cứ bị phỉnh gạt dài dài, chuyện kể hoài không hết. Khi nào khỏe Sư sẽ viết cho Sinh nhiều hơn nữa. Cầu chúc Sinh vạn sự an lành và hẹn Sinh vào một thư sau.

Sư của Sinh
Tịnh Thường


Đùng, Đùng, Đùng, ba tiếng gõ cửa vang lên không bình thường chút nào, Sư Tịnh Thường ra mở cửa. Bỗng Sư hoa mắt lên vì hình ảnh dữ tợn của một người tu. Sư chưa kịp chào hỏi gì ráo thì vị Sư kia đã tông thẳng vào phòng và nói năng ra điều anh chị lắm. Hất hàm hỏi Sư rằng:

- Sư có biết tôi là ai không?

- Là một vị Sư! Ngoài ra tôi không biết gì cả.

- Thời gian mới 3,4 năm làm sao Sư vội quên thế? Sư có nhớ vụ nhà máy xay lúa ở Sóc Trăng chăng? Và cuộc tình vụng trộm của Sư với một nàng con gái tên Duyên. Chắc Sư còn nhớ?

- À té ra là Sư Chơn Nghĩa! Lâu nay sao Sư, có mạnh khỏe không?

- Mạnh thì có mạnh, nhưng không khỏe được. Vì chuyện xưa chưa giải quyết rõ ràng.

- Vậy bây giờ Sư muốn giải quyết sao đây?

Và đây là câu chuyện: Ngày xưa khi còn ở tỉnh Sóc Trăng, hai Sư ở trong hai đoàn Khất sĩ khác nhau, họ không thân lắm nhưng họ cùng chung một mục đích là tu học để cầu đạo giải thoát. Mục đích tuy cao đẹp; nhưng mỗi người đều có một phương tiện khác nhau. Người thì lấy phương tiện tình cảm, người thì lấy tiền bạc làm cứu cánh. Vì thế cho nên đã có nhiều lần Sư Tịnh Thường tuyên bố cho các Phật Tử đây đó nghe rằng: Với tôi chỉ có tiền là tất cả. Còn Sư Chơn Nghĩa thì nghĩ khác. Tình cảm sẽ dễ đưa con người đến chỗ dễ thông cảm hơn và từ đó mình sẽ đưa họ vào đạo. Kể ra thì mục đích cũng không đến nổi dở lắm; nhưng phương tiện của hai Sư làm chỉ có hai Sư mới biết mà thôi.

Người chủ trương chỉ có tiền mới là cứu cánh thì cứ lao vào tiền. Sư Tịnh Thường cũng đã nhiều lần gợi ý hỏi thăm Sư Tịnh Đạo, nhờ Sư Tịnh Đạo giới thiệu cho cô Diệu Duyên để vay mượn bạc vàng để làm vốn và hùn phần vào hợp tác xã xay lúa tại Sóc Trăng trước khi Sư đi vượt biên. Miền Nam là vựa lúa của cả nước. Riêng khu vực nầy cây trái, sông nước, lúa gạo chẳng thiếu gì, dễ làm giàu to. Vì vậy cho nên việc vay mượn ấy đã thấu đến tai Sư Chơn Nghĩa. Sư thì không thích Sư Tịnh Thường, vì cô Diệu Duyên nầy có ý thích Sư Thịnh Thường hơn, trong khi bao nhiêu tình cảm tốt đẹp của Sư Chơn Nghĩa dành cho cô Diệu Duyên thì cô không đoái hoài đến.

Ở miệt nầy đa số dân Việt gốc Miền, mà dân Việt gốc Miên thì trọng các Sư lắm. Dầu cho họ có không tu đi nữa, ra đời lấy vợ cũng được trọng vọng như thường, lúc làm Ông Lục, lúc làm Ông Cả trong làng cũng oai lắm chứ. Nhưng đó là phía bên Nguyên Thủy kia, còn đây Sư thuộc hệ phái Du Tăng Khất Sĩ mà, chỉ có Việt Nam mình mới có, chứ trên thế giới không có phái nầy. Vả lại người dân quê thì không cần phân biệt làm gì. Miễn là đắp y vàng đầu cạo nhẵn, đi khất thực, tức là Sư rồi.

Bên Nam Tông họ quan niệm rằng chư Tăng mặc áo nhà tu tức thay Phật rồi, họ kỉnh Tăng như kỉnh Phật, vì thế đã có không biết bao nhiêu chuyện trắng đen xảy ra làm cho cửa Thiền bị dính bụi. Thật ra Đạo không xấu, chỉ có con người làm cho xấu đạo mà thôi. Ở đây hai Sư Tịnh Thường và Sư Chơn Nghĩa là điển hình.

Họ cũng không ngờ là nay họ có dịp gặp lại trên đất nước văn minh tự do nầy. Tuy cảnh có khác; nhưng con người của họ thì không khác. Vì vậy họ cố ăn thua đủ với nhau từng lời nói và từng cử chỉ. Âu đây cũng là một trong bát khổ mà. Đó là oán tắng hội khổ. Nghĩa là ghét nhau mà phải gặﰍ nhau, quả là khổ. Trời đất có bao la thật đấy; nhưng tội lỗi khó dung. Không biết rồi đây ai sẽ thắng và ai sẽ bại; nhưng dẫu thắng hay bại gì cũng cốt chỉ để cho nhân thế chê cười mà thôi. Tại sao tu hành lại ra nông nỗi ấy? Giới luật đâu? Giáo hội đâu? Ôi thôi! Dử thứ sao nhức đầu quá, chẳng ai giải quyết gì ráo trọi vậy cà? Đó là những lời bàn tán xon xao của bà con Phật Tử.

Giới luật ư? Nếu họ đã hiểu phạm giới là điều tối kphải tự xả giới ra đời, nếu phạm những giới nặng. Vì khi đi tu không ai ép mình đi, thì khi trở về lại với thế tục hãy tự mình làm việc ấy; nhưng đâu phải ai cũng có tâm cao thượng như vậy. Nhiều người mượn đạo tạo đời để được cúng dường, để được cung kính. Dễ gì ở đời mà được thế. Phải học thành ông nầy bà nọ hoặc lên lão làng rồi mới được "ăn trên ngồi trước" được. Còn ở đây chỉ cần thuộc hai thời công phu sáng chiều, hiểu lơ tơ mơ mấy bài giáo lý đã được quý cụ, quý bà xá xá lạy lạy và đưa Sư lên ngồi hàng đầu chứng minh cho mọi nghi lễ. Đúng là ăn trên ngồi trước mà. Có nhiều người tu hám danh, thích điều nầy lắm chứ.

Có nhiều vị trưởng lão đạo cao đức trọng, khi Tăng chúng đảnh lễ hay ngay cả cư sĩ tại gia lễ bái cũng đều tránh không cho lạy ngay ở chính mình mà thường hay để cho họ lạy tượng Phật cốt để cho mình đỡ tổn phước, còn bọn phàm tăng thì thôi khỏi nói, nhiều khi ngồi đó, nhưng biết đâu họ sẽ chỉ chỏ xì xào với nhau sao không lạy mình mà lạy gì mà không lạy cho sát đất, chỉ xá xá mấy cái vậy? Làm như họ là thánh Hoàng Thánh Mẫu cũng không bằng! Họ có biết đâu rằng nếu không có đủ đức, người lạy vẫn được phước; nhưng kẻ bị lạy thì càng ngày phước càng giảm, sẽ đền bù bằng tội lỗi nữa.

Còn nữa. Nếu là Sư to, Sư lớn sẽ được đặc biệt cung phụng đón tiếp cúng dường. Ví dụ có ai ở miệt vườn thu hoạch được trái cây nào thơm ngon đều đem đến chùa để dâng cúng các Sư. Vì thế các Sư tha hồ hưởng lộc, đâu có đổ mồ hôi nước mắt mà lo cho mệt, chỉ cố gắng làm sao giữ chiếc áo và cái đầu cân đối là được rồi.

Giáo Hội ư? Ra đây rồi có cũng như không, không cũng như có. Mỗi người một cõi, ai lại không lập Hội Đoàn và Giáo Hội được, nếu tổ chức ấy có đủ 7 người trở lên. Nghĩ cho cùng thì đời Đức Phật cũng thế. Nếu Tăng chúng không đồng ý phép Yết Ma chung, có 4 người khác cùng chí hướng, họ tập họp lại để làm phép Yết Ma, thế là họ hợp thức. Nhưng nếu nhìn từ cái nhìn của chánh pháp thì chính nhóm nầy là thể hiện của sự đúng trên sự sai, và cứ thế nếu nhiều người sai, hợp lại nhau tạo thêm nhiều sự sai trái nữa. Chắc ngày xưa Đức Phật cũng mệt lắm thì phải? Suốt ngày cứ phải đi xử những vụ kiện tụng của nhóm nầy nhóm nọ, tốn hết thì giờ. Cho nên cũng đã có lần Phật vào tận trong rừng sâu, không muốn trở về nữa. Khiến cho những đại đệ tử của Phật như Ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên phải vào tận rừng sâu thưa thỉnh nhiều lần Phật mới trở về.

Ngày xưa đã vậy, bây giờ lại còn tệ hại hơn nhiều. Ngày xưa Phật không chế giới trong 12 năm đầu. Vì toàn chỉ các bậc Thánh Tăng chẳng ai phạm cả. Sau đó Phật phải chế vì Tăng chúng hết phải lỗi nầy đến phạm lỗi khác, nên Phật cứ chế giới hoài. Nếu bây giờ mà Phật còn tại thế, chắc là Ngài phải thêm cho nhiều giới lắm. Ví dụ có vị Tỳ Kheo thời Phật sau khi có vợ rồi mới đi xuất gia; nhưng lúc bấy giờ làm gì có vấn đề ly dị. Bà vợ ở lại nhà với mẹ chồng. Khi người tu ấy về thăm lại nhà, bà già ép con trai của mình đã tu, ngủ chung với vợ cũ. Việc ấy Tăng chúng hay được bạch lên với Phật; nên Phật đã chế, người đi tu phải đoạn hẳn tà dâm.

Còn bây giờ nhan nhản ra đó. Công khai như ỏ Nhựt, thì con vợ ở đùm đề trong chùa đâu có ai đề cập đến? Nghề đi tu là nghề cha truyền con nối mà lCòn ở Việt Nam mình mấy ông Thầy cúng có vợ có con, ăn mặn, giấu giếm chỗ nầy chỗ kia mà cũng còn làm ăn được kia mà! Cho đến nhiều bậc danh Tăng vẫn còn làm được điều đó thì làm sao những phàm Tăng và tục Tăng có thể ngồi đó chịu đựng được?

Họ nói không có vợ; nhưng vợ không chính thức thì thiếu gì. Họ nói không tích chứa tài sản; Nhưng của cải để riêng không ít. Cho nên thời nầy đâu có ai tu chứng được mấy người. Toàn là một xã hội tu hành hỗn độn. Có nhiều người đã ra đời rồi, có vợ có con. Sau đó vào tu lại, điều ấy cũng chẳng sao, giới luật cho phép mà; nhưng vợ nhà vẫn không từ bỏ vẫn còn tìm đủ cách để đi ngõ trước ngõ sau, quả thật tội lỗi, tội lỗi. Nếu có ai đó đụng thẳng đến vấn đề là có chuyện lớn.

Ở đây thêm chuyện nam nữ bình quyền nữa. Nhiều khi Tăng nói Ni không nghe, mà ngược lại mấy cô Ni còn chê là mấy ông Tăng không xứng đáng nữa. Mặc dầu Phật có cho người nữ đi tu và để được giác ngộ, thành Phật phải qua một số điều kiện căn bản; nhưng bây giờ họ đâu có cần. Chùa chiền như thế, Tăng sĩ như vậy làm sao Sư sĩ họ nể và phục cho được. Nhiều khi có những hật Tử tu tại gia mà còn cao siêu hơn mấy ông Thầy nhiều. Bởi thế việc Sư Tịnh Thường và Sư Chơn Nghĩa đã nêu trên cũng chỉ là một sự thật mà thôi.

Cũng nên biết thêm một số sự thật tốt đẹp hơn là có những nhà Sư suốt đời chỉ lo cho Đạo, không chịu sự lễ bái của tín đồ, không tích chứa của cải, không cống cao ngã mạng, mặc dầu học vị là Tiến sĩ, Thạc sĩ. Các vị nầy thường hay ẩn náu tu hành. Giống như hoa sen mọc trong chốn bùn nhơ chứ còn gì nữa? Đã không bị mùi bùn làm vẩn đục mà còn tỏa ra hương thơm ngát dịu dàng. Phật Tử quý trọng lắm; nhưng các vị lại ít xuất đầu lộ diện, chỉ toàn là đám phàm Tăng múa may quay cuồng trong thời mạt pháp nầy. Quả thật là khó xử.

Cũng vì mối hiềm khích về tiền về tình có nguyên nhân sâu xa khó hiểu đó, nên hai nhà Sư nầy đã không có thiện cảm với nhau, mà chắc rằng họ không giữ được phép lục hòa, nên mới ra nông nỗi ấy. Bây giờ ở xứ nầy mà còn tìm cách để sát phạt nhau, biết đâu sau nầy lên thượng giới, nỗi ưu sầu chưa hết, chắc họ cũng còn phải gây gỗ nữa và nhờ Phật cũng như Bồ Tát ra xử hộ chăng?

Vì thế thái nhân tình! Thật khó nghĩ. Kể từ khi hai Sư gặp nhau, Sư Tịnh Thường ít nói, hình như đang hàm tính một vấn đề gì, không ai có thể biết được. Hay đi tối về khuya, một mình thui thủi trong bóng đêm, đôi khi lại nghe tiếng thở dài sườn sượt.

Còn Sư Chơn Nghĩa trở về lại Tịnh Xá của mình cũng bày mưu tính kế, phải làm sao hạ cho được tình địch của mình mới hả giận. Vì thế Sư cũng đã lập mưu. Nhưng ở đây, nếu chỉ có hai Sư thì không hấp dẫn, phải kéo thêm những tay chân bộ hạ bên ngoài vào, câu chuyện mới trở nên gay cấn hấp dẫn chớ. Vì vậy, cả hai đều có những ý nghĩ và những hành động khác nhau, chắc chắn trong Chương sau sẽ hiện nguyên hình.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567