Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 4: Cuộc sống của một chú tiểu Sa di

03/04/201312:13(Xem: 8572)
Chương 4: Cuộc sống của một chú tiểu Sa di
Vụ Án Một Người Tu

Chương 4: Cuộc Sống Của Một Chú Tiểu Sa Di

Hòa Thượng Thích Như Điển
Nguồn: Hòa Thượng Thích Như Điển

Ra được miền Trung, khác với miền Nam, nơi chú Pháp Tánh đã sinh sống mười mấy năm qua. Nơi đây đồng lúa cằn cỗi hơn. Cuộc sống chật vật hơn, khí hậu nóng bức hơn; nhưng đời sống Tăng chúng có vẻ chặt chẽ hơn.

- Một chú tiểu đẹp trai mới nhập chúng, kìa các chú ơi!

- Đi tu mà đẹp trai quá, cũng khó tu đấy chứ. Đó là lời của một chú tiểu trong nhóm hô to lên.

Ở đây các chú đều thân thiện với nhau như anh em trong một nhà. Có nhiều chú đi tu vì nhiều lý do khác nhau. Có chú vì tình phụ, có chú vì phụ tình mà đi tu. Có chú vì nhà nghèo quá lại đông con nên mới đi tu. Có chú cũng không muốn ở nhà, vì không muốn đi lính.

Nhưng đa số thì đều có ý chí vững vàng. Một hôm sau khi tìm hiểu ngọn ngành cách sinh hoạt của chốn Già Lam nầy, chú tiểu Pháp Tánh mới làm quen với một chú khác, pháp danh là Huệ Phước.

- Chú có thể giới thiệu sơ qua về sự tu học ở đây cho Pháp Tánh biết không?

- Ở đây kỷ luật gắt gao lắm, nhất là việc tụng kinh, ngồi thiền và học thuộc lòng các kinh điển.

- Kinh gì khó nhất?

- Dĩ nhiên là kinh Lăng Nghiêm và Thập Chú ấy.

- Chú học bao lâu thì xong?

- Đã hơn một năm rồi; nhưng chưa đâu vào đâu cả.

Chú Huệ Phước trả lời thế.

- Còn Luật thì học những gì?

- Học về oai nghi, đi, đứng, nằm, ngồi cũng như cư xử với những người chung quanh, nhất là nữ giới.

- Còn nam giới thì sao?

- Dĩ nhiên cũng có điều cấm khư vậy thôi.

- Còn học thêm gì nhiều nữa không?

- Còn nhiều lắm chứ. Nhất là Phật Học Phổ Thông và các bài kệ tụng văn xuôi cũng như văn vần.

Cả hai chú Pháp Tánh và Huệ Phước đã kết bạn cùng nhau, họ sống rất thân mật và đôi khi cũng thổ lộ tình cảm với nhau nữa.

Một hôm nọ hai chú hỏi nhau như sau:

- Tại sao chú đi tu? Chú Huệ Phước hỏi trước.

- Tại vì tôi thấy cuộc sống của người Du Tăng Khất Sĩ đẹp quá. Chú Pháp Tánh trả lời.

- Nhưng chùa nầy đâu phải hệ phái Du Tăng Khất Sĩ!

- Điều ấy cũng chẳng sao. Miễn rằng tôi trốn cha mẹ một thời gian, rồi hãy tính. Việc thay đổi chùa chiền đâu có gì khó khăn phải không chú?

- Ừa! Nhưng mà lỡ học chương trình giữa chừng phải thay đổi thì sao?

- Thì cũng chẳng có sao cả. Miễn mình có chí thì cái gì rồi cũng xong thôi.

Họ đã sống bên nhau như đôi bạn cố tri và họ cũng đã tìm hiểu nhau rất nhiều về mọi mặt của cuộc sống, trong đó kể cả chuyện tình cảm cá nhân và tâm sinh lý của những người trẻ mới ở tuổi trưởng thành nữa.

- Tại sao Pháp Tánh thấy kỳ kỳ?

- Kỳ cái gì vậy chú?

- Hôm qua đang ngủ tự dưng có người chạy qua giường của Pháp Tánh ngủ chung và họ làm những động tác gì nó hơi khác lạ.

- Ừ! Ở đây cũng có nhiều trường hợp ái nam ái nữ ấy mà. Việc ấy trong luật Phật cũng có dạy đấy. Khi gặp đàn ông thì họ có tâm niệm đàn bà. Ngược lại khi gặp đàn bà thì họ lại có tâm niệm đàn ông.

- Như thế là sao hả chú? Xin chú nói rõ cho.

- Nghĩa là có nhiều người mặc dầu mang thân thể là nam nhơn, có căn tánh nam nhơn đàng hoàng; nhưng khi gặp người nam khác vẫn có ý ưa thích. Vì tâm lý nữ nhơn của người ấy nhiều hơn là nam nhơn. Điều ấy cũng dễ hiểu thôi. Nếu giải thích theo Đạo Phật, người ấy mới từ nữ nhơn đầu thai làm nam nhơn, mặc dầu mang thân nam nhơn, nhưng tâm lý còn thường tình nữ nhi lắm. Cho nên người ta nói ái nam ái nữ là vậy.

- Việc ấy có nhiều không chú? Pháp Tánh hỏi Huệ Phước như vậy.

Chuyện ấy ở đâu lại chẳng có. Nam hay nữ cũng chỉ là chúng sanh thôi. Người tu hay kẻ tục chỉ khác nhau ở tâm thức chứ không khác nhau ở hình tướng. Vì con người, ai cũng cấu tạo giống nhau cả. Nếu tâm mình muốn dừng thì mọi việc sẽ yên ngay. Tâm là chủ của mọi hành động mà. Không tin chú thử nghiệm xem sao! Cũng đừng mặc cảm và hãy thông cảm cho những người ấy. Dĩ nhiên việc ấy là tội lỗi; nhưng nghiệp lực tự mỗi người mang và mỗi người tự trả và chắc rằng không ai tự trả dùm cho mình được cả.

Có lúc cả hai chú Pháp Tánh và Huệ Phước được Sư phụ trụ trì dạy cho những bài học tâm linh thật hay, khiến cho hai chú thấy tinh tấn vô cùng. Chẳng hạn như bài học về Thiền Định.

Sư phụ bảo:

Cuộc sống của chúng ta đầy vọng niệm, giống như một ly nước đầy cát bụi. Nếu chúng ta cứ khuấy động ly nước ấy suốt ngày thì bụi bặm càng nổi lên nhiều hơn. Bụi bặm ở đây chính là tâm tham, sân, si của con người. Nếu chúng ta để ly nước ấy đứng yên một chỗ; những bụi bặm ấy tức thì lắng đọng xuống. Cũng như nếu chúng ta tự thực tập thiền định và gạn lọc thân tâm của mình, cũng giống như ly nước kia đã gạn lọc được những chất cặn dơ, lúc bấy giờ chỉ còn là mộ tmàu trong sáng; nhưng các con hãy coi chừng. Tâm của con người hay thay đổi dữ lắm đó. Nếu không làm chủ được nó, nó sẽ khuấy động lên một lần nữa và rồi thì bụi bặm kia sẽ che phủ tâm thức của mình, trở về lại với vô minh mấy hồi. Chỉ có công phu thực tập thiền định, tụng kinh, niệm Phật, trì giới và sám hối v.vv… Đây chính là những khí cụ sắc bén nhất để làm phiền não được triêu trừ và trí tuệ từ đó mới phát sanh.

Các con hãy nghĩ xem! Đâu phải vì người mù mà không có mặt trời. Mặt trời bao giờ cũng có thật đấy, sáng chan hòa đấy; nhưng vì người ta mù nên không thấy ánh sáng mặt trời thôi! Cũng như thế đó. Giáo lý Đức Phật là ánh sáng, có mặt khắp mọi nơi, mọi hang cùng ngõ hẻm; nhưng vì con người vô minh và vọng tưởng quá nhiều nên không thâu nhập trí tuệ của Phật đó thôi.

Các con xem đấy! "Gương lu vì bụi và trăng mờ vì mây" là ý của các Tổ ta ngày xưa ám chỉ sự mê mờ và giác ngộ đó. Gương ở đây tượng trưng cho tánh sáng bao giờ cũng hiện thật; nhưng nó không sáng được, vì bụi bặm che đậy. Bụi ở đây có nghĩa là vô minh vọng tưởng đó. Và trăng thì bao giờ cũng sáng; nhưng sở dĩ chúng ta không thấy được, vì mây che phủ cả bầu trời. Vậy nhiệm vụ của chúng ta chỉ có một việc làm duy nhất là phải lau bụi đi và phải vén màn mây vô minh đen tối ấy là được.

Cả hai chú nghe Thầy dạy, nghe một cách say sưa; nhưng khi về lại sống trong chúng thì thấy bao nhiêu là chuyện hỗn độn. Có chú suốt ngày chỉ có ăn và ngủ. Có chú suốt ngày chỉ thao thức về chuyện tình và thậm chí có chú chỉ lợi dụng cửa thiền để làm những chuyện không trong sáng mấy.

Cũng vì những lý do trên, nên Pháp Tánh bàn bạc với Huệ Phước là hai người nên đi đến một chùa khác để tu, nhất là nên theo hạnh của người Du Tăng Khất Sĩ có lẽ đỡ hơn chăng? Hay là phải ra đời để bảo toàn danh dự?

Sư phụ đã đồng ý và tấn đàn truyền giới Tỳ Kheo cho hai người. Bây giờ Pháp Tánh có pháp hiệu là Tịnh Thường và Huệ Phước có pháp hiệu là Tịnh Đạo. Cả hai người sống rất gần nhau và rất hiểu nhau nên cũng dễ chia xẻ cho nhau rất nhiều vấn đề trong cuộc sống.

Cả hai người băng bộ đó đây, cuối cùng rồi cũng trở lại được miền Nam và vào xin tá túc trong một Tịnh Xá của một vị Du Tăng Khất Sĩ khác.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567