Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

300 Năm Phật Giáo Gia Định-Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh

23/04/201317:54(Xem: 12463)
300 Năm Phật Giáo Gia Định-Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh
300 Năm Phật Giáo Gia Định, Sàigòn


300 Năm Phật Giáo Gia Định-Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh

TThích Nữ Như Lộc
Nguồn: Thích Nữ Như Lộc


Sài Gòn-Gia Định nằm trên hai phù sa cũ và mới. Vùng phù sa cũ từ Tây Ninh xuống Sài Gòn và từ Sài Gòn xuống Bà Rịa-Long Điền, vùng đất này cùng với địa mạo miền Đông Nam Bộ. Vùng phù sa mới từ Nhà Bè trở xuống, là đất đai nhiều đầm lầy, sông rạch cùng địa mạo và sinh thái vùng miền Tây Nam Bộ. Thành phố này đã tồn tại gần 300 năm (1698 - 1998), khoảng thời gian 75 năm từ năm 1623 đến 1698, có thể được coi là giai đoạn hình thành đầu tiên của Sài Gòn. Thời kỳ hàng ngàn gia đình Việt Nam từ miền Bắc, miền Trung vào khai hoang lập ấp ở vùng Đồng Nai và lưu vực sông Cửu Long. Lúc đó xứ Đồng Nai-Gia Định còn là một vùng đất hoang vu, sông nhiều cá sấu, rừng rậm nhiều thú dữ, những dân khi lưu tán đến đây đã nói như sau:

“Đồng Nai xứ sở lạ lùng,
Dưới sông cá lội, trên rừng cọp um.”

Các Tăng sĩ Phật giáo (PG) cũng đã cùng lưu dân Thuận-Quảng vào hoằng hóa ở phương Nam, buổi đầu PG Gia Định như một nhánh của các tông phái PG miền Trung, để rồi sau đó phát triển vững mạnh ở Đồng Nai-Gia Định. Những vị Tăng có công truyền đạo ở miền Trung vào miền Nam gồm có Tổ Phật Ý, Tổ Thiên Thai, Tổ Viên Quang, Tổ Thiền Phương, Tổ Liễu Thiền...

Tổ Phật Ý thuộc chi phái Lâm Tế thứ 35 đã từ miền Trung vào Nam truyền bá đạo Phật. Tổ cùng đi với những người dân được chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) mộ vào để khai khẩn đất đai. Khi vào tới Gia Định, Tổ đã dừng lại ở làng Tân Lộc, xã Minh Hương, phủ Tân Bình dựng lên cái am nhỏ (am này sau được vua Gia Long trùng kiến và sắc tứ gọi là Sắc tứ Từ Ân). Dân chúng đi vào đây, lúc xa quê cũng nhớ đến mồ mả tổ tiên, nên khi thấy có một nhà sư lập chùa, họ tìm đến qui y ngày một đông.

Tổ Thiên Thai cũng là một trong những vị Tăng đem đạo Phật miền Trung vào hoằng hóa ở miền Nam. Năm 30 tuổi, Tổ vào trụ trì chùa Phước Linh Tam Phước ở Bà Rịa, không những có công sáng lập phái Thiên Thai Thiền Giáo tông ở Bà Rịa, mà Tổ còn là người đầu tiên vào núi Cố khai phá thạch động để xây dựng chùa Thiên Thai, cũng là vị Tăng đầu tiên lên núi Dinh (Bà Rịa) khai phá rừng hoang biến thành rừng vú sữa phì nhiêu cho môn đệ tông Thiên Thai no ấm tu học sau này. Năm 1934, Tổ cho xây dựng thêm một ngôi Thiên Bửu Tháp, ngôi Thiên Bửu Tháp này được người trưởng môn phái Thiên Thai Thiền Giáo tông là Hòa thượng (HT) Thích Thiện Hào trùng tu lại chánh điện vào năm 1990.

Tổ Viên Quang, đặc biệt là người Trung Hoa, do không chịu sống dưới sự cai trị của nhà Mãn Thanh, đã bỏ Trung Hoa qua Việt Nam xin thần phục chúa Nguyễn. Năm 1679, Tổ được chúa Hiền Nguyễn Phước Tần cho vào khai khẩn vùng đất Đồng Nai. Tại đây Tổ quy y thọ giáo với Tổ Phật Ý ở chùa Từ Ân, đến năm 1772, Tổ được Tổ Phật Ý cử vào trụ trì chùa Giác Lâm, đến năm 1798, Tổ cho trùng kiến chùa Giác Lâm và sau đó xây dựng chùa Giác Viên. Tổ thuộc phái Thiền Lâm Tế thứ 33, sau Tổ Phật Ý.

Nếu chúng ta có dịp viếng thăm những ngôi chùa tháp của các Tổ và những cao tăng đã dày công xây dựng và truyền bá PG vào xứ Gia Định-Sài Gòn nói riêng, vùng Nam Bộ nói chung; trong đó vừa là những vị có đạo pháp uyên thâm, vừa am hiểu sâu về nghệ thuật kiến trúc, đã trực tiếp tham gia vào việc xây dựng chùa tháp, mà ngày nay do từ những giá trị độc đáo trong nghệ thuật kiến trúc, những ngôi chùa tháp ấy đều đã trở thành là những di tích lịch sử văn hóa của TP. Hồ Chí Minh.

Năm 1698 được coi là cái mốc thời gian thành lập của Sài Gòn, bởi vì năm này chúa Nguyễn bắt đầu chia đặt các đơn vị hành chánh ở vùng đất mới phương Nam. Sau đó Sài Gòn trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của khu vực đang khai phá. Trên mảnh đất này, bằng lao động sáng tạo và ý thức dân chủ, người dân Sài Gòn-Gia Định đã tạo cho mình dáng đứng Việt Nam, với những giá trị nhân văn cao quý.

“Có ai tìm được khắp chân trời góc biển,
Một thành phố trẻ măng nhưng lịch sử rất lạ lùng”

Tuy dân cư phần lớn là lưu dân miền Bắc, miền Trung di dân vào Nam, và lưu dân người Hoa đa số từ miền Nam Trung Hoa do trung thành với triều nhà Minh, không chịu sống dưới sự cai trị của nhà Mãn Thanh di dân đến; nhưng vào sống ở Sài Gòn thì không còn phân biệt Bắc, Trung, Nam, Hoa hay Khmer nữa, mà chỉ là người Sài Gòn. Bất cứ hoàn cảnh lịch sử nào, con người ở đây luôn luôn năng động, sáng tạo và ngày càng trưởng thành trong đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt, đấu tranh chống áp bức bất công, đấu tranh để bảo vệ Tổ quốc và xây dựng thành phố này như ngày hôm nay.

Có những tên người dù năm tháng đã trôi qua, nhưng mỗi khi nhắc tới là như thấy cả ý chí quật cường, tinh thần đấu tranh bất khuất của cả dân tộc. Có những tên đất mà mỗi khi nghe đến là như hình dung được diễn biến lịch sử của cuộc đấu tranh oanh liệt chống ngoại xâm. Từng con đường, góc phố, từng con sông, cái cầu, khu chợ đều chứng kiến lịch sử đấu tranh hiển hách của bao thế hệ. Một trong những tên gọi mà mọi người nhắc đến với lòng tự hào sâu sắc ấy là thành phố của chúng ta - TP. Hồ Chí Minh... vùng đất xưa kia mang tên Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định. Trương Quang Lục trong bài hát “Thành phố 300 năm” đã viết như sau:

“... Từ bãi đất bồi phù sa đã vươn lên. Cha anh ta đã vượt khó nguy khẩn hoang mở đất. Bao nhiêu năm đã đổ máu xương mồ hôi nước mắt. Thành phố 300 năm gian khổ trong vinh quang. Thành phố 300 năm dáng đứng Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh rực tên vàng”.

PG Gia Định-Sài Gòn trong hoàn cảnh lịch sử nhất định đã trở thành một thực thể chính trị. Các tổ chức, các phong trào đấu tranh trong suốt thời kỳ chống thực dân và đế quốc xâm lược đã góp phần trong công cuộc mưu cầu độc lập cho Tổ quốc. Những thành tích lớn lao đó là một trong những mặt hoạt động tích cực của PG Gia Định-Sài Gòn. Trong công cuộc đấu tranh chống Mỹ-Diệm vào những năm 1962-1963, đồng bào Phật tử và hơn 500 Tăng Ni đã biểu tình và có đến hàng ngàn Tăng Ni tuyệt thực hưởng ứng. Con đường mang tên Thích Quảng Đức nhắc cho chúng ta nhớ đến tinh thần đấu tranh bất khuất của một nhà sư qua hình thức cúng dường làm cho toàn thế giới phải rung động. (Ngoài đời dùng từ hy sinh, trong đạo dùng từ cúng dường... là một hình thức phóng xả tất cả cho chúng sanh, cho đạo pháp). Đó là hình thức cúng dường “vị Pháp thiêu thân” của HT Thích Quảng Đức. Ngọn lửa ấy đã được đốt lên cao vòi vọi, tỏa khắp hoàn vũ, cảm động tới chư Thiên. Con đường thứ hai mang tên Sư Vạn Hạnh càng nhắc cho chúng ta nhớ đến thời quá khứ oanh liệt của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm ở miền Bắc vào thế kỷ XI; là người đã mở đường cho vị vua khai sáng triều đại nhà Lý: một triều đại oanh liệt nhất - Bắc đánh Tống, Tây cự Đại Lịch, Nam dẹp Chiêm Thành; là người đã đem PG xây dựng nền độc lập về văn hóa và chính trị cho dân tộc Việt Nam.

Trong quá trình phát triển khởi thủy từ miền Bắc Việt Nam, PG đã lan truyền xuống miền Trung, miền Nam gọi là hệ phái Bắc tông. Xuống miền Nam gặp PG Nam tông từ Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Campuchia truyền qua. Trong khi PG chưa thống nhất được hai hệ phái Bác tông và Nam tông thì miền Nam bị thực dân Pháp đô hộ. Dưới sự đô hộ của thực dân Pháp, đạo Phật dường như không còn chỗ đứng. Hầu hết những ngôi chùa được sắc tứ ở thời nhà Nguyễn đều bị thực dân Pháp phá hủy toàn bộ. Chùa Sắc tứ Từ Ân, theo Đại Nam nhất thống chí, do Tổ Phật Ý từ miền Trung vào đến Gia Định đã dừng lại ở làng Tân Lộc, xã Minh Hương, phủ Tân Bình, dựng lên cái am nhỏ. Am này được vua Gia Long trùng kiến vào năm Gia Long nguyên niên 1802 và được vua Minh Mạng sắc tứ vào năm 1821.

Chùa Khải Tường, theo Đại Nam nhất thống chí, được vua Minh Mạng trùng kiến năm 1836 và phong là Quốc ân Khải Tường, được phong Quốc ân vì khi Nguyễn Ánh tránh quân Tây Sơn chạy vào Gia Định đã chọn hai chùa trên làm nơi tá túc. Vua ở chùa Từ Ân, còn hậu phi của vua thì ở hậu liêu của chùa Khải Tường. Chính tại nơi đây, Thái tử Đởm (vua Minh Mạng sau này) đã ra đời. Cho nên sau này Thái tử lên ngôi (là vua Minh Mạng), đã cho trùng tu hai ngôi chùa này và sắc phong. Khi làm lễ chùa Quốc ân Khải Tường, nhà vua có gởi từ Huế vào một pho tượng bằng gỗ thếp vàng. Tượng này nay được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử: gian phòng Sài Gòn - Bến Nghé, vì từ năm 1867 sau cuộc giao tranh giữa quân ta với quân Pháp, chùa Khải Tường đã bị phá hủy toàn bộ. Chùa Sắc tứ Từ Ân cũng không còn, nay được xây cất lại ở gần Phú Lâm vào cuối thế kỷ XIX.

- Mai Khâu tự (chùa Gò Mai): Chùa xây trên gò mai đặc biệt toàn mai trắng, tuy không được sắc phong nhưng theo Gia Định thành thông chí và Đại Nam nhất thống chí thì Mai Khâu tự lúc đó là một danh lam thắng cảnh, những cây mai trắng đẹp nên thơ ở đây đã khiến cho các văn nhân thi sĩ lui tới ngâm vịnh, tiêu biểu có bài Mai khâu túc hạc và bài Mai khâu vãng thiều của Trịnh Hoài Đức. Một văn sĩ khi đi qua chùa Gò Mai cũng đã để lại bài thơ như sau:

“Thiền môn hà xứ phỏng mai hoa
Tạm yết chinh tiên thuyết Phan gia
Hương nhập trà bình yên chích noãn
Nhất sinh trầm lự bán tiêu ma”.

Tạm dịch:
“Cửa thiền ta đến viếng hoa mai
Tạm gác chinh tiên luận Thích già
Hương quyện bình trà đang ngút khói
Một đời trần lụy nửa tiêu ma”.

Rất tiếc chùa Gò Mai với những cây mai trắng đã bị phá hủy vào thời Pháp thuộc.

Có thể nói, mãi đến đầu thế kỷ XX, PG mới bắt đầu hoạt động trở lại với sự sáng lập của Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học, và sau đó là sự ra đời của các hội đoàn như Hội Lưỡng Xuyên Phật học, Hội Phật học Nam Việt, Hội Tăng già Việt Nam, Hội Lục hòa Tăng, Hội Tăng già Nguyên thủy, Hội Tăng già Khất sĩ... Như vậy đến năm 1950, PG Việt Nam đã có đến sáu tập đoàn lớn, ba tập đoàn thuộc Tăng già gồm có: Hội Việt Nam PG Bắc Việt, Hội Việt Nam Phật học Trung Việt, Hội Việt Nam Phật học Nam Việt. Riêng Sài Gòn lúc ấy có khoảng 20 chi hội như Hội PG người Việt gốc Miên, Hội PG người Việt gốc Hoa, Hội Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm... Tuy phong phú đa dạng, nhưng do tùy duyên theo mỗi địa phương khiến PG tổ chức riêng biệt, không hòa hợp thành một lực lượng thống nhất, cho nên việc truyền bá chánh pháp không được thuận lợi, Tăng Ni Phật tử lúc đó càng mong mỏi thống nhất PG hơn nữa. Vào năm 1950, một cuộc hội nghị thống nhất PG Việt Nam được tổ chức tại chùa Từ Đàm, Huế, mục đích để thống nhất các tập đoàn, các chi hội thành khối thống nhất. Như trong tờ hiệu triệu PG mang tính chất lịch sử vào tháng 5 năm 1951 đã ghi như sau:

"Thời cuộc hiện đại đã cho nhân loại thấy rõ hạnh phúc chân thật trong đạo Phật, nên càng ngày quy ngưỡng càng đông. Chính là lúc những nhà có sứ mạng truyền đạo và những Phật tử chân chánh phải cần kíp thống nhất ý chí, lực lượng để hoằng dương chánh pháp của Đức Thích Ca, hầu góp phần xây dựng nền hòa bình, an lạc.

"Ở nước ta, do tùy duyên theo mỗi địa phương, PG tổ chức riêng biệt, nhưng với tình thế hiện tại, chúng ta không thể rời rạc nhau mà phải thống nhất lại thành một đoàn thể lớn mạnh để truyền bá chánh pháp được nhiều thuận lợi...".

Sự kiện thống nhất PG tháng 5 năm 1951 tuy mang tính chất lịch sử nhưng kéo dài không bao lâu. PG Việt Nam vẫn chưa được thống nhất, bởi vì sau Hiệp định Genève được ký kết thì nước Việt Nam bị cắt đôi. Mãi đến 30 năm sau, sau khi miền Nam được giải phóng, TP Sài Gòn bước sang một giai đoạn mới, từ năm 1975 đến nay, hơn 20 năm qua TP. Hồ Chí Minh đã phát huy được truyền thống tốt đẹp, tạo ra được những thành tựu kinh tế-xã hội có ý nghĩa tích cực. Đó là trợ duyên cho Giáo hội PG Việt Nam đi đến thống nhất thực sự. Vào tháng 11 năm 1981 qua kỳ Đại hội đại biểu PG toàn quốc lần I tại Hà Nội, có đầy đủ đại biểu của 9 tập đoàn PG đại diện cho Tăng tín đồ Việt Nam, mục đích hòa hợp, đoàn kết các hệ phái trong PG Việt Nam, phát huy tinh thần thống nhất PG, thống nhất về ý chí và hành động, thống nhất về lãnh đạo và tổ chức, trên cơ sở tôn trọng các pháp môn biệt truyền của từng hệ phái và thống nhất hành động theo phương châm: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.

Đạo Phật du nhập vào Việt Nam vào cuối thế kỷ thứ II Dương lịch, PG Việt Nam đã có gần 2000 năm trong suốt chiều dài lịch sử 4000 dựng nước và giữ nước của dân tộc, điều đó nói lên tính “khế lý, khế cơ” của Tổ trong công cuộc hoằng hóa và chấn hưng PG như Tổ Thiện Chiếu, Tổ Khánh Hòa, Tổ Khánh Anh, Tổ Huệ Quang... Trong quá trình phát triển của PG, sự truyền bá đạo pháp, sự thịnh phát của tăng già và sự tiến hóa của các nghệ thuật văn học PG, phần lớn tùy thuộc vào sự ủng hộ của chính quyền. Cho nên khi chính quyền được thành lập thì chùa cũng được thiết lập. Vào thời nhà Nguyễn không ít chùa do các vua chúa xây dựng và ngự chế hoặc được vua sắc tứ, tức là ��ược liệt vào văn hóa tín ngưỡng có phần chính thống. Chẳng hạn như:

- Chùa Non Nước ở Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng, sau này vua Thành Thái đổi tên là chùa Linh Ứng, các vua nhà Nguyễn từ vua Gia Long đến vua Thành Thái đều ngự chế và vị Tăng sĩ đầu tiên ở chùa Linh Ứng cũng được vua ban sắc Tăng cang. Chùa Linh Ứng là một Phật tích quan trọng ở miền Trung.

- Chùa Từ Ân, huyện Tân Bình, phủ Gia Định, được vua Minh Mạng sắc tứ năm 1821.

- Chùa Khải Tường, huyện Tân Bình, phủ Gia Định, được vua Minh Mạng phong “Quốc ân” năm 1836.

- Chùa Tam Bảo ở Rạch Giá, Hà Tiên, cũng được vua Gia Long sắc tứ, vì có công “giúp quân gạo muối tạo nên duyên”.

Ở Gia Định-Sài Gòn vào buổi đầu khai hoang chùa chiền không có bao nhiêu, càng không có những ngôi chùa uy nghiêm tráng lệ như Thái Lan, Campuchia. Mãi đến đầu thế kỷ XX, những ngôi chùa cổ bị hư hại vì chiến tranh dần dần được tu bổ, nhiều chùa mới cũng được xây dựng do công lao của chư Tăng Ni, Phật tử, hình thể kiến trúc hoàn toàn thay đổi hẳn lối xưa.

Những ngôi chùa cổ có di tích lịch sử văn hóa được tu bổ lại sau chiến tranh như:

- Chùa Giác Lâm: Là một ngôi chùa cổ nhất thành phố, có bề dày lịch sử hơn 240 năm, nằm trên gò đất cao gọi là gò Cẩm Sơn, được bao quanh bởi những hàng cây rợp bóng mát, đặc biệt ở sân trước có cây bồ đề do chính Đại đức Narada mang từ Tích Lan sang trồng tặng. Chùa được Tổ Viên Quang trùng kiến năm 1789, làm lễ lạc thành năm 1804.

- Chùa Giác Viên: được xây bên hố đất cách chùa Giác Lâm độ 2 km, nên cũng được gọi là chùa Hố Đất. Khi Tổ Viên Quang trùng kiến chùa Giác Lâm thì chùa Giác Viên lúc đó chỉ là một cái am nhỏ thời Quốc ân. Sau khi làm lễ lạc thành chùa Giác Lâm, Tổ Viên Quang mới sửa cái am nhỏ này thành chùa gọi là Quan Âm viện. Đến năm 1850 niên hiệu Tự Đức thứ 4, Tổ Hải Tịnh đổi hiệu Quan Âm viện lại là Giác Viên tự.

Năm 1909, do công đức của Tổ Như Phòng trùng kiến thứ 2, chùa Giác Lâm và chùa Giác Viên mới được tráng lệ như ngày nay. Trong hai chùa này vẫn còn lưu giữ những di vật PG xưa nhất. Đó là những pho tượng gỗ quý hiếm tiêu biểu cho nền nghệ thuật điêu khắc của đất Sài Gòn-Gia Định xưa kia. Những tấm bao lam, những nét chạm khắc trên nóc theo dạng “lưỡng long tranh châu”, trúc cúc điểu mai, long lân quy phụng giàu tính dân tộc truyền thống; những câu đối của Trịnh Hoài Đức từ thế kỷ trước, những bộ ván tính tuổi cả trăm năm dài đến 6m rưỡi.

- Chùa Châu Thới ở Biên Hòa đã có hơn 300 năm. Năm Tự Đức thứ 3, chùa đã có tên là Chiêu Thái Sơn và được vào Quốc sử quán. Thiền sư Khánh Long là người đầu tiên đặt nền móng cho chùa Châu Thới vào năm 1612. Núi Châu Thới được chọn làm cứ điểm trong cuộc chiến tranh giữa quân Nguyễn và quân Tây Sơn, và sau này là “đắc địa” của nhiều cán bộ cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Pháp-Mỹ.

- Chùa Phụng Sơn: Cũng gọi là chùa Gò vì chùa được xây trên một gò đất, vào thời vua Gia Long (1802 - 1820), do Tổ Liễu Thông gốc người Thanh Hóa khởi công xây dựng. Truyền thuyết kể: mỗi chiều Tổ đi dạo quanh gò lần chuỗi niệm Phật. Một hôm có một con chim phụng bay đến đậu trên cây ngô đồng cất tiếng hót, do đó Tổ mới quyết định đặt tên chùa là Phụng Sơn tự. Chùa được trùng tu năm 1904, hoàn thành năm 1915.

- Chùa Kiến Phước (Tây Đường) ở làng Long Kiến, tỉnh Gia Định, cũng là một ngôi chùa cổ được thành lập năm 1866. Ngôi chùa hiện nay là sự sáp nhập của 2 ngôi chùa cũ: chùa Sắc tứ Kiến Phước và Phước Điền tự. Vị sư đầu tiên về chùa này trụ trì là Tổ Mật Đa thuộc dòng Lâm Tế thứ 37. Khi Pháp chiếm thành Gia Định, lấy chùa làm đồn bót án ngữ mặt hậu thành Gia Định. Dưới thời kháng chiến chống Pháp, chùa Kiến Phước là cơ sở hội hợp giúp đỡ tiền bạc cho cách mạng, là nơi nuôi dưỡng thương binh từ mặt trận Bà Quẹo đưa về. Chùa có 2 bảo vật quý:

- Một pho tượng A Di Đà bằng đồng

- Một bức thêu A Di Đà phóng quang, do một mũi kim thêu niệm một danh hiệu Phật A Di Đà, nên tổ đặt tên là “Nhứt niệm nhứt châm”. Bức thêu này được trưng bày ở chùa Hội Khánh (Thủ Dầu Một) trong buổi khai kỳ mở đàn truyền giới, nhưng nay đã bị thất lạc.

Những ngôi chùa mới được xây dựng vào giữa thế kỷ 20 thường được xây bằng bê-tông cốt sắt, ít dùng gỗ, diện tích cũng không được rộng lớn, chỉ chứa vài chục vị Tăng và vài trăm tín đồ đến làm lễ. Một kiểu kiến trúc hoàn toàn mới là chùa lầu, trên lầu là chánh điện thờ Phật, dưới là giảng đường làm nơi thuyết pháp và hội họp; văn phòng và chỗ ở của chư Tăng thì hai bên. Có chùa xây thêm một ngôi tháp cao bảy tầng làm tiêu biểu. Chẳng hạn như chùa Ấn Quang xây dựng xong vào năm 1956, chùa Xá Lợi xây dựng xong vào cuối năm 1957, chùa Vĩnh Nghiêm khởi công năm 1964 hoàn thành năm 1971 đều theo kiến trúc mới này. Ngôi tháp chùa Vĩnh Nghiêm đặc biệt cao 40m có bảy tầng. Đỉnh tháp có chín bánh xe vòng tròn và mấy hình khối tròn gọi là Long xa và Quy châu, được coi là ngôi tháp đồ sộ nhất ở TP. Hồ Chí Minh.

Đền miếu đình lăng cũng được xây dựng như một trong những thành tố của thiết chế văn học tín ngưỡng của thôn làng, và ở một khía cạnh nào đó cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc của PG. Chẳng hạn như đền Hùng Vương được xây dựng để tưởng nhớ các vua Hùng có công dựng nước, như Hồ Chủ tịch đã nói: “Các vua Hùng có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”. Bởi vì biết uống nước nhớ nguồn là biết giữ lấy linh hồn của dân tộc mình vốn có bề dày hơn bốn ngàn năm văn hiến.

- Lăng Ông ở Bà Chiểu được xây dựng để tưởng nhớ ngài Tả quân Lê Văn Duyệt dưới thời nhà Nguyễn. Có thể nói Lăng Ông là một trong những di tích lịch sử văn hóa mang dấu ấn lịch sử của Sài Gòn.

- Đền thờ Trần Hưng Đạo được xây dựng để tưởng nhớ người có công đánh đuổi quân xâm lược Nguyên Mông vào triều đại nhà Trần thế kỷ thứ XIII.

- Gần đây nhất là đền Bến Dược khởi công năm 1993, khánh thành giai đoạn I vào tháng 12 năm 1995, nằm trong quần thể của Khu di tích Lịch sử địa đạo Bến Dược-Củ Chi. Đền được xây dựng để tưởng nhớ công ơn to lớn của đồng bào chiến sĩ đã chiến đấu hy sinh trên vùng đất Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định, trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Pháp, Mỹ.

Nói khác đi, đạo Phật từ suốt buổi đầu đến cuối thế kỷ XIX đã chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa nói chung của đất nước, sự gắn bó mật thiết của PG với vận mệnh dân tộc, khổ nhục cùng cam, vinh quang cùng hưởng trong suốt chiều dài lịch sử gần 2000 năm đã hình thành một sinh hoạt PG Việt Nam đầy sức sống với nhiều đổi mới. “Nhậåt tân, hựu nhật tân” mỗi ngày mỗi mới, mới thêm mãi mãi. Nếu như trước ngưỡng cửa của thế kỷ XXI, TP.HCM hướng tới trong niềm tin và sức mạnh kinh tế của nền sản xuất hàng hóa-hiện đại hóa, với kinh nghiệm đã tích lũy trong cơ chế thị trường dưới sự quản lý của Nhà nước XHCN, thì Giáo hội PG Việt Nam trong nhiệm kỳ IV này, đứng trước ngưỡng cửa của thế kỷ XXI cần phải phát huy thêm nữa truyền thống hòa hợp và tinh thần thống nhất ý chí và hành động theo phương châm: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, Giáo hội cũng cần mở rộng hơn nữa sự đóng góp và cộng tác rộng rãi không phân biệt tông môn, hệ phái của nhiều vị giáo phẩm có đạo hạnh trong sáng và kiến giải sâu rộng về giáo lý, cũng như hàng ngũ trí thức Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước, cho các hoạt động nghiên cứu Phật học và phiên dịch Đại tạng kinh Việt Nam... Nếu năm 1998 là cái mốc để PGnhìn lại những thành tựu hoằng hóa đạo pháp, sự trưởng thành của Giáo hội, cũng như những đóng góp của PG Gia Định-Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh cho đạo cho đời trong những chặng đường lịch sử thăng trầm suốt 300 năm qua, thì năm 1998 cũng là cái mốc để Giáo hội PG Việt Nam đứng trước ngưỡng cửa của thế kỷ phát huy hơn nữa sứ mạng hoằng dương chánh pháp, chú trọng đào tạo Tăng tài, làm cho đạo pháp ngày càng xương minh, đồng thời đóng góp hữu hiệu vào sự nghiệp đổi mới trên đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]