Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Sơ lược vài nét đặc trưng của Phật giáo Nam Bộ

23/04/201317:48(Xem: 13733)
Sơ lược vài nét đặc trưng của Phật giáo Nam Bộ
300 Năm Phật Giáo Gia Định, Sàigòn


Sơ Lược Vài Nét Đặc Trưng Của Phật Giáo Nam Bộ

Hà Xuân Liêm
Nguồn: Hà Xuân Liêm


Để kỷ niệm 300 năm ngày thành lập Gia Định-Sài Gòn, tức là thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, chúng tôi xin được góp một ý kiến nhỏ: “Sơ lược vài nét đặc trưng của Phật giáo (PG) Nam Bộ” nói chung.

Nói đến PG, người ta thường lưu ý đến cái “tùy duyên bất biến” của nó, bởi vì đây chính là bản năng sinh tồn của đạo Phật qua tràng kỳ lịch sử nhân loại, trong đó có Việt Nam ta. Do cái lý tùy duyên bất biến mà đạo Phật với con người Việt Nam gần như gắn bó đến độ bất khả phân. Bởi vì tự bản chất thì “tùy duyên bất biến” lại bao hàm tính nhân văn rộng lớn; lấy con người làm gốc để phát triển cái đẹp tự nhiên vốn có nơi đó lên, mà đạo Phật lại không làm mất bản sắc của mình.

Chúng tôi sẽ nói đến sự thành lập đất Nam Bộ và PG đã phát triển như thế nào khi dân Nam bộ phát triển. Nhưng sự phát triển dân số bắt buộc người Việt Nam phải dần dà làm cuộc Nam tiến. Bước đầu tiên, người dân cực khổ vì nạn chiến tranh Trịnh-Nguyễn, nên phải tự động bỏ xứ ra đi, vào làm ăn sinh sống ở xứ lạ đầy rừng thiêng nước độc, ngôn ngữ bất đồng. Những miền đất Mô Xoài và Đồng Nai là nơi tiếp nhận người Việt đầu tiên. Vào năm 1658, chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) đã can thiệp vào nội tình nước Chân Lạp, bắt được vua xứ ấy là Nặc Ông Chân, khiến phải triều cống và buộc phải nhường đất Mô Xoài, Đồng Nai; 1679 lại có tướng Dương Ngạn Địch và trần Thượng Xuyên (Trần thắng Tài) với 3.000 quân sĩ nhà Minh sang đầu hàng, chúa cho vào khai phá đất Đông phố ở miền Đông Nam Bộ và Mỹ Tho.

Năm 1698 là mốc khởi đầu cho kỷ niệm 300 năm đất Nam Bộ mà chúng ta hiện nói đây. Năm ấy, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh lấy đất Đông Phố ra làm hai dinh là Trấn Biên dinh và Phiên Trấn dinh thuộc phủ Gia Định, rồi chiêu mộ dân từ Hoành Sơn, Thuận-Quảng trở vào đến làm ăn lập thêm thôn xã, khai khẩn ruộng đất. Ở Trấn Biên dinh lại có Thanh Hà xã. Ở Phiên Trấn dinh có Minh Hương xã là hai vùng kiều cư người Hoa. Về sau có Mạc Cửu đến khai khẩn đất hoang, có bộ chúng đi theo lập thành Hà Tiên; rồi đến năm 1708, Mạc Cửu thần phục chúa Nguyễn và đem đất Hà Tiên sáp nhập vào đất của chúa Nguyễn. Đến năm 1765 thì toàn địa phận Nam Bộ hiện nay đều được khai phá, thiết lập bộ máy hành chánh-cai trị.

Từ buổi hừng đông này, ta thấy đã có sự giao lưu giữa nhiều giống cư dân trên phần đất này: Việt, Hoa, Khơme. Mỗi giống cư dân đều mang nền văn minh, văn hóa, tôn giáo của mình đến nơi đất mới này. Nói riêng về PG thì các giống cư dân trên đây đều có tín ngưỡng PG riêng của họ, PG Đại Việt, PG Trung Hoa, PG Khơme, nói rộng ra là cả PG Mahayana từ phương bắc xuống và PG Hinayana từ Ấn Độ qua, đều đồng quy tại phần đất Nam Bộ này. Ngoài các tín ngưỡng PG đặc thù của từng nhóm dân mang đến hòa hợp chung sống với nhau ở đây, ta còn phải tính đến các tín ngưỡng bản địa bắt nguồn từ tín ngưỡng vật tổ, tín ngưỡng linh hồn thuyết theo phiếm thần luận như thờ cây, thờ đá, thờ ông hổ, thờ cá ông voi, thờ rắn v.v.. tín ngưỡng thờ các nữ thần mà miền Trung, Bắc gọi là thờ Mẫu, cũng có mặt tại đây ngay từ buổi đầu. Trong bối cảnh giao lưu như thế, thì PG Thuận-Quảng theo người dân của chúa Nguyễn vào đây cũng chưa có ảnh hưởng gì mạnh lắm. Cho nên, buổi hồng hoang của Nam bộ, Phật giáo ở đây cũng chỉ là PG bình dân, chưa có gì rõ ràng nếu kể về tông phái và giáo lý. Các Sư Tăng từ miền Thuận-Quảng vào theo các đoàn di dân khai hoang lập ấp thì cũng chỉ đơn lẻ ẩn tu, lập am ở các hang núi, ít truyền bá giáo lý. Trong bộ Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, đều có nói đến cách lập chùa và cách ẩn tu của các nhà sư vào buổi xa xưa ấy. Nhưng càng về sau, chùa chiền càng nhiều tín đồ càng đông. Các chùa khác với ngoài Bắc và ở Huế, Nam bộ phần nhiều không do người xuất gia lập nên, rồi sau được các chúa Nguyễn “sắc tứ” tức là công nhận chùa ấy là chùa chính thức. Sớm nhất có lẽ là chùa Vạn An, vào năm Vĩnh Thịnh lục niên 1710 đã được chúa Nguyễn Phúc Chu tức Minh Vương (1691-1725) sắc tứ, sau đó đến chùa Hộ Quốc, do Chính suất thống Nguyễn Cửu Vân, người làng Vân Dương, tỉnh Thừa Thiên, vào kinh lược, dựng chùa từ trước. Đến năm 1734 được chúa Ninh vương Nguyễn Phúc Trú (1725-1738) sắc tứ. Một số chùa khác thì do người Trung Hoa lập nên như chùa Tam Bảo do Mạc Cửu dựng ở Hà Tiên, chùa Giác Lâm do người Minh Hương
Lý Thụy Long dựng năm 1774 tại Gia Định. Ít thấy sách vở nói đến chùa cũ của PG Khơme để lại.

Sau đó một thời gian, các vị Tổ trong hai dòng Nguyên Thiều và Liễu Quán đến lập chùa hoằng hóa PG Đại Việt rộng rãi ở Nam Bộ; nhất là dòng Thiền Nguyên Thiều với bài kệ: “Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên...” được truyền thừa rất rộng ở Gia Định-Biên Hòa khoảng hạ bán thế kỷ thứ XVIII.

PG Gia Định-Sài Gòn có duyên để giao lưu với PG Huế (Thuận Hóa ?) là khoảng đầu triều Nguyễn về sau. Do một duyên cớ lịch sử là lúc bị Tây Sơn truy kích, Nguyễn Ánh bôn đào về Nam, chạy trốn vào nhiều chùa PG ở Gia Định-Sài Gòn - Đồng Nai-Biên Hòa như các chùa Đại Giác, Từ Ân v.v..

Lúc này PG Gia Định-Sài Gòn đã có cơ sở vững chắc, chùa chiền nhiều, trong sơn môn đã có chư Tổ danh tiếng như Minh Vật-Nhất Tri (?-1786), Phật Ý-Linh Nhạc (1725-1821), Tổ Ấn-Mật Hoàng (1735-1835), Tổ Tông-Viên Quang (?-1827), Thiệt Thoại-Tánh Tường (1741-1847), Thiệt Thành-Liễu Đạt (?-1823), và các đệ tủ nổi danh của ngài như Tế Chánh-Bổn Giác, Tế Bổn-Viên Thường...

Khi vua Gia Long lên ngôi (1802-1819) qua các triều Minh Mạng (1820-1840), Thiệu Trị (1841-1847), thì sự phục hưng chùa chiền ở Sài Gòn-Gia Định được các vua này ngoại hộ rất mạnh. Ngoài ra, các vua này cũng đã triệu vời các vị cao tăng ở Nam Bộ về kinh đô Huế để phong làm Tăng cang, trú trì các chùa quan, nhất là chùa Thiên Mụ, làm cho PG Nam - Trung phát huy rực rỡ, có nhiều sắc thái mới. Năm Gia Long thứ 13 (1814), vua ra lệnh cho các quan trấn thành Gia Định trùng tu chùa Đại Giác ở Biên Hòa, cho voi đến dẫm nền, nên dân chúng gọi chùa này là chùa Tượng, vua đã chú tạo ngôi tượng Phật A Di Đà cao đến 2,25m để thờ trong chùa. Đồng thời vua Gia Long cho triệu Tổ Ấn Mật Hoằng, người Phù Cát, Bình Định đang trú trì ở Đại Giác tự cho về Kinh, phong làm Tăng cang chùa Thiên Mụ; đệ tam công chúa, con gái vua Gia Long đã cúng biển hoành ba chữ “Đại Giác tự” sơn son thếp vàng vào năm Minh Mạng nguyên niên để kỷ niệm. Chùa Từ Ân ở thôn Bình Dương, Hòa Hưng, được Hiếu Khương Hoàng hậu sắc cho làm chùa công. Năm Minh

Mạng thứ 20 (1821) vua cho đổi tên “Sắc tứ Từ Ân tự”. Đặc biệt là chùa Khải Tường, năm Minh Mạng nguyên niên có chỉ dụ nói “năm Tân Hợi (1791) vua sinh ở đấy, vậy là đất lành, nên lập chùa để ghi nhớ”. Chùa ở thôn Hoạt Lộc, huyện Bình Dương. Ngoài ra còn nhiều chùa do các du tăng trốn loạn Tây Sơn, bỏ Thuận Hóa vào nam để ẩn tu sau đó lập chùa hoằng đạo theo dòng kệ Liễu Quán.

Các ngài Liễu Đạt-Thiệt Thành, Tế Bổn-Viên Thường, Tế Chánh-Bổn Giác đều được các vua Gia Long, Minh Mạng triệu về kinh, phong làm tăng cang hoặc trú trì chùa Thiên Mụ. Các ngài đều có truyền cho đệ tử theo pháp phái để truyền thừa, hoằng giáo ở Huế: như ngài Liễu Tánh Huệ Cảnh, sơ tổ chùa Tường Vân ở Huế, đã được ngài Tế Chánh-Bổn Giác trao kệ và phú pháp chẳng hạn. Chùa Quốc Ân là nơi để lại dấu ấn mạnh nhất của PG Nam Bộ thuộc dòng Nguyên Thiều trở lại Huế để hoằng giáo. Trong cuốn “Lịch sử PG Thuận Hóa - Thừa Thiên-Huế” sắp xuất bản, chúng tôi nói rất rõ về điểm này. Ở đây chỉ nói từ thế kỷ thứ XIX trở về sau, giữa PG Gia Định-Sài Gòn và PG Huế có nhiều liên lạc mật thiết, mặc dầu về phương diện hành trì thì Huế thiên về thiền tịnh tu chứng, ở Gia Định-Sài Gòn, nói chung là Nam Bộ, thiên về khoa “ứng phú” hơn.

Một giai đoạn mất nước về tay thực dân Pháp làm cho PG Việt Nam nói chung, PG Nam Bộ nói riêng đi lần vào sự đồi phế; nhất là Nam Bộ thời đó lại thuộc địa Pháp, sống trong sự lệ thuộc chính trị văn hóa Pháp. Nhưng PG là một tôn giáo thuộc lý tính mang bản chất độc lập, tự do, nên đã khế hợp với tinh thần dân tộc, yêu nước của dân Nam Bộ theo lý “tùy duyên bất biến” đã làm nảy sinh nhiều nét đặc trưng mà ở Trung - Bắc không có. Từ sau đệ nhất thế chiến, PG Nam Bộ đã cựa mình thức tỉnh. Năm 1932 đã có nhiều thiền sư cho dịch kinh sách từ chữ Hán ra quốc ngữ và in ấn, phổ biến, có nhiều đạo tràng được thành lập. Chúng tôi không nói nhiều về giai đoạn này, vì Giáo sư Nguyễn Lang trong Việt Nam PG sử luận, quyển 3, đã nói nhiều. Chúng tôi chỉ muốn nói đến một điểm mà chúng tôi cho là đặc trưng của PG Nam Bộå, đó là tổng hợp các luồng tư tưởng vốn có do sự giao lưu của các nền văn hóa lớn trên dải đất Đông Dương, lấy tư tưởng PG làm căn bản, để khai sinh nhiều tông phái như Bửu sơn Kỳ Hương, PG Hòa Hảo, PG Cao Đài và vô số những môn phái nhỏ hơn, không nổi tiếng lắm. Ít nhiều, các tông phái này đều có - không kể có kẻ lợi dụng - nói đến tinh thần yêu nước, yêu dân. Cũng có thể nói đây là ảnh hưởng PG tác hành lên tín ngưỡng và tư duy của người dân Nam Bộ.

Trong cuộc vận động chấn hưng PG thì Tịnh Độ tông nổi bật lên. Tông này dạy người ta niệm danh hiệu A Di Đà để lúc mạng lâm chung thời được “vãng sanh cực lạc quốc độ”. Giai đoạn đầu, Tịnh Độ tông ở Nam Bộ lấy “khoa ứng phú” do Tăng già đảm trách; đến khoảng năm 1932 trở lui xuất hiện hai cư sĩ: ông Đoàn Trung Còn lập Phật học tùng thư phổ biến sách PG bằng sách chữ Quốc ngữ; và sau này là ông Chánh Trí Mai Thọ Truyền. Sách của Phật học tùng thư của ông Đoàn Trung Còn chủ trương truyền bá ra cả hai miền Trung - Bắc Kỳ thời đó. Đúng là một cách hoằng giáo “đưa đạo phục vụ đời”, mặc dầu Tịnh Độ tông không có người đi giảng pháp ở Trung - Bắc. Đặc biệt là Nam Bộ đã có hai tông phái PG có tín đồ đông đảo, truyền khắp Gia Định-Sài Gòn và đã ra đến Huế. Kể từ Huế vào, ở khắp các tỉnh, lên tận vùng cao nguyên miền Trung, đó là phái du tăng Khất sĩ do Tổ sư Minh Đăng Quang ở làng Phú Hậu, quận Tân Bình, tỉnh Vĩnh Long, khai phái. Phái này đã có Ni bộ từ đầu do cố Ni trưởng Huỳnh Liên làm thủ chúng. Tông phái PG Khất sĩ Nam Bộ có hai điểm đặc biệt : tất cả các tịnh xá đều lấy chữ “Ngọc” làm đầu. Ở Huế đã có tịnh xá Ngọc Kinh cho Ni bộ và tịnh xá Ngọc Hương cho Tăng sĩ. Tất cả chư ni đều lấy chữ “LIÊN” đặt sau đạo hiệu như Huỳnh Liên, Thanh Liên, Bạch Liên v.v.. Thứ hai là tông phái PG nguyên thủy tức Theravada do Hòa thượng (HT) Hộ tông khai phái. Ngài là người làng Tân An, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc. Ngài đã đậu bằng bác sĩ thú y ở Hà Nội, qua làm việc tại Campuchia; năm 34 tuổi, Ngài phát tâm bỏ thế tục xuất gia tại chùa Unalom ở Campuchia với Vua Sãi tại chùa này. Đắc pháp Nam tông, ngài trở về nước lập Tổ đình Bửu Quang ở Gò Dưa, huyện Thủ Đức, vào năm 1940. Năm 1950, giáo phái Theravada truyền đến Chợ Lớn; 1953 truyền tới Đà Nẵng và 1959 ra tới Huế. Chùa Tăng Quang là Tổ đình phái Theravada ở Huế. Chùa Thiền Lâm Theravada có kiến trúc như kiểu chùa Thái Lan - dân Huế gọi là chùa Phật đứng Phật nằm, vì hai pho tượng vĩ đại của phái này xây trên núi đó - do HT Hộ Nhẫn trú trì cũng là chùa thuộc phái Theravada của ngài Viên Minh trong Nam truyền ra. Phái này còn có chùa Huyền Không rất nổi tiếng về cây cảnh và trồng bonsai.

Tại Nam Bộ hiện nay, PG cũng đã phát triển long thịnh, PG Khơmer Nam Bộ đến nay cũng có trú xứ của mình ở thành phố Hồ Chí Minh và đã có chỗ đứng hòa nhập vào cộng đồng Phật tử ở đây. Ngoài ra, Gia Định-Sài Gòn lại còn có nhiều chùa của người Việt gốc Hoa lập nên mang màu sắc kiến trúc và thờ tự Trung Quốc, thật là thời nở rộ của các nền văn hóa giao lưu tại đây với đặc trưng Việt Nam rất rõ.

Suốt 300 năm thành lập Nam Bộ, có dân Đại Việt vào làm ăn là đã có PG Nam Bộ xuất hiện. Tuy nhiên suốt tràng kỳ ba thế kỷ đó, PG Gia Định-Sài Gòn có liên hệ mật thiết với Thuận Hóa rất chặt chẽ. Từ thời hừng đông mà chúng tôi đã nói ở trên; rồi trong cuộc chấn hưng PG thì đã có các vị cao tăng như HT Thích Thiện Hoa, Thích Thiện Hòa từ Nam ra Huế học các trường Phật học ở đây, khi trở về Gia Định-Sài Gòn, các ngài là ngọn pháp đăng chói lọi cho PG Gia Định-Sài Gòn. Cho đến cuộc vận động đòi tự do tín ngưỡng vào năm 1963 dưới thời Ngô Đình Diệm cũng vậy, nguồn phát sinh là chùa Từ Đàm (Huế), nhưng thực hiện và thành công lại ở chùa Ấn Quang và chùa Xá Lợi (Sài Gòn).

Trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, người Phật tử Nam Bộ đã có những cống hiến lớn lao chưa từng thấy: cả ở mặt trận đánh giặc lẫn ở hậu phương, đấu tranh bằng chính trị ngay trong lòng địch. Rồi bao nhiêu thiên tai bão lụt, người Phật tử đem đạo cứu đời bằng nhiều phương tiện, để thực hiện câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” không riêng cho Nam Bộ mà bất cứ tỉnh nào trong nước Việt Nam.

Hôm nay, dưới ánh sáng của chủ nghĩa xã hội, PG Gia Định-Sài Gòn-TP.Hồ Chí Minh đang phát triển một sự tổng hợp viên dung các nguồn tư tưởng PG Bắc truyền, Nam truyền, PG Việt Nam, PG Khơme để phát huy ánh sáng phương Đông chói lọi cho thế kỷ thứ XXI sắp tới vậy.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]